Tác giả Ronald Kessler
Trần Quang Nghĩa dịch
Chương 5
ĐÈN PHA
Nếu Lyndon Johnson là người không biết kềm chế, thì Mật Vụ thấy Richard Nixon và gia đình ông là đối tượng được bảo vệ kỳ lạ nhất. Như Johnson, Nixon – mật danh Searchlight (Đèn pha) – không ngủ chung phòng với bà xã. Nhưng không giống Johnson, người thường hỏi ý kiến Lady Bird về những vấn đề ông đối mặt, Nixon dường như không có mối quan hệ gì với bà xã, Pat. “Ông không hề nắm tay vợ,” một đặc vụ cho biết.
Một đặc vụ nhớ có lần tháp tùng Nixon, Pat, và hai cô con gái đi đánh gôn chín lỗ gần nhà họ ở San Clemente, California. Trong một giờ rưỡi, “Ông không nói một tiếng,” đặc vụ trên nói. “Nixon không biết nói chuyện phiếm, chỉ bàn luận biện pháp hay chính sách. . . Nixon luôn suy tính, xét đoán, cân nhắc hiệu quả có thể gây ra.”
Công luận không biết, Pat Nixon – mật danh Starlight (Ánh Sao) là một người ghiền rượu, luôn nhấp nháp martini. Trong thời gian Nixon rời Nhà Trắng về sống ở San Clemente, Pat “suốt thời gian cứ say sưa,” một đặc vụ bảo vệ Nixon kể. “Bà ấy hay quên.”
“Một hôm ở ngoài San Clemente khi tôi có mặt ở đó, một người bạn của tôi đang trực, và anh ta nghe có tiếng xột xoạt trong bụi cây,” một đặc vụ khác nói. “Bạn biết đấy có nhiều di dân trên bãi biển, cố tìm cách đến được miền đất hứa (những người Mễ muốn vượt biên qua Mỹ: ND). Bạn không thể biết được lỡ có ai đi lọt vào cấm địa này.”
Ngay lúc tức, đặc vụ đó đặt tay lên bá súng. Anh đi đến nơi phát ra tiếng xột xoạt, thì hoá ra là Pat. Bà ta đang bò trên mặt đất. Bà ta đang tìm nhà.
Theo lời đặc vụ, Pat ắt có cuộc sống không dễ chịu. Nixon gần như không nói chuyện với bà. Thời gian duy nhất ông hưởng thụ là khi họp mặt với các bạn ông Bebe Rebozo và Bob Abplanalp, cùng nhau uống rượu. Nixon thường đến chơi với Abplanalp trên hòn đảo Grand Cay của bạn ông ở Bahamas.
Một đặc vụ kể lại: “Bạn muốn biết kỹ năng câu cá của Nixon không, ông ấy rất thích câu cá. Ông ngồi đằng sau chiếc du thuyền dài 55 bộ của Abplanalp, trên một ghế xoay, tay cầm cần câu. Nhân viên của Abplanalp sẽ móc mồi vào lưỡi câu rồi quăng ra biển. Nixon chỉ ngồi đó, hai tay cầm cần câu. Khi cá cắn câu, nhân viên sẽ quay guồng để kéo cá vào, và gỡ cá ra khỏi móc rồi bỏ vào xô. Nixon chả làm gì cả chỉ ngồi nhìn.”
Trong vụ Watergate (vụ tai tiếng khi nhóm Nixon đặt máy nghe lén đối thủ Dân chủ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, khi đổ bể ra, ông bị truy tố và bị cách chức tổng thống giữa nhiệm kỳ: ND), Nixon rất phiền não. Theo lời một đặc vụ, ông không còn hoạt động như một tổng thống nữa. Mọi công việc điều hành nhà nước, ông giao lại cho Halderman, trưởng phòng nhân sự của ông.
Milton Pitts, người chủ của vài hiệu cắt tóc ở Washington, thường đi đến phòng cắt tóc nhỏ dưới tầng hầm ở Cánh Tây Nhà Trắng để cắt tóc cho Nixon.
“Nixon nói rất ít,” Pitts bảo với tôi. “Ông ta muốn biết công luận nói gì. Chúng tôi có TV ở đó. Nhưng ông không hề bật lên. Những tổng thống khác thì có.”
Trong thời kỳ điều tra vụ Watergate, Nixon thường hỏi Pitts, “Này, hôm nay họ nói gì về chúng ta đó?” Pitts sẽ đáp là ông không nghe tin tức hôm đó. “Tôi không muốn dính vào dư luận. Tôi không muốn bảo với ông những điều khó nghe. Ông ta là chủ tôi.”
Một buổi chiều, Alexander Butterfield, người sau này phát hiện sự tồn tại của những băng từ nghe lén của Nixon, bước vào cắt tóc ngay trước lượt Nixon. Ra dấu về phía chiếc TV, Butterfield nói với Pitts, “Cứ để đó. Tôi muốn ông ta xem những gì họ đang làm với chúng ta.”
Nhưng ngay khi Nixon bước vào phòng cắt tóc, “Ông ấn nút và TV tắt ngấm,” Pitts nói. “Ông ấy hỏi, ‘Này, hôm nay họ nói gì về chúng ta đấy?’ Tôi đáp, ‘Thưa ngài Tổng thống, tôi không xem tin tức hôm nay, thưa ngài.'”
Khi vụ tai tiếng Watergate bắt đầu lùm xùm, “Nixon trở nên hoang tưởng,” một đặc vụ nhớ lại. “Ông không biết mình phải tin vào điều gì hoặc vào ai. Ông nghĩ người ta lừa dối ông. Ông nghĩ rốt cục mọi người đều nói dối ông.”
Trước vụ Watergate ông hiếm khi uống rượu, ông bắt đầu uống nhiều hơn khi áp lực ngày càng tăng. Có khi ông nốc hết cả chai martini hoặc Manhattan.
“Tửu lượng của ông chỉ là một hay hai chai,” một đặc vụ nói. “Ông không say xỉn, chỉ hơi bốc. Ông buông thả hơn, bắt đầu nói nhiều hơn và mỉm cười. Ông hoàn toàn như một người khác. Cứ cách ngày là ông uống. Nhưng chỉ sau khi xong công việc và tại nơi cư ngụ. Bạn không hề thấy ông say ở nơi công cộng.”
Trái với lối phát ngôn hùng hồn trong những cuộc đối thoại được thu băng, Nixon ở nơi riêng tư dường như thụ động và thường lớ ngớ, mặc dù không hẳn là không có óc khôi hài. Sau khi nghỉ cuối tuần ở Trại David, Nixon bước ra khỏi lều cùng với Pat để buớc vào chiếc limousine của Mật Vụ đưa họ ra Thủy Quân Một, chiếc trực thăng của tổng thống.
Các đặc vụ chuẩn bị lên đường. Đặc vụ hoa tiêu đang kiểm tra lần cuối, bảo đảm máy sưởi hoạt động tốt. Nixon đứng chờ, trao đổi vài câu với Pat. Tài xế tình cờ bấm còi, và Nixon, cho rằng y sốt ruột, la lên, “Tới ngay.”
Một buổi chiều tại nhà ở San Clemente, Nixon vừa xem TV vừa cho chó ăn bánh bít qui dành cho chó. Nixon lấy ra một mẫu bánh, ngắm nhìn rồi cắn một miếng ngon lành.
Nixon đi dạo trên bãi biển mặc vét và mang giày – tất cả áo vét của ông đều có màu xanh hải quân. Thậm chí vào mùa hè, ông cũng khăng khăng đốt lò sưởi. Một buổi tối, Nixon đốt lửa lò sưởi ở San Clemente và quên mở van điều chỉnh đường dẫn khí nóng. Khói bốc mù mịt trong nhà, và hai đặc vụ hối hả chạy vào. Không thấy ông, người này hỏi người kia, “Anh có thấy ông ta không?”. Người kia đáp, “Không, tôi không thấy tên chó chết đó.”
Từ phòng ngủ, có tiếng nói vọng ra: “Tên chó chết ở đây, đang tìm chiếc vớ thất lạc.”
Một đặc vụ còn nhớ cảnh các tù binh Mỹ ở Vietnam (được thả ra sau Hiệp định Paris) tề tựu bên ngoài ngôi nhà của Nixon ở San Clemente. Một tù binh trong nhóm có vẽ một số tranh về cảnh trại tù Hà Nội. Anh có nhã ý tặng Nixon một bức tranh lớn về các tù binh. Tối đó, sau khi mọi người đã về hết, Nixon trở về nhà. Đêm thật ấm áp. Người phụ tá quay sang Nixon và hỏi, “Ngài muốn tôi làm gì với bức tranh? Tôi mang nó vào nhà chứ?”
“Cứ để cái của nợ đó ở gara,” Nixon nói. “Tôi không muốn thấy nó.”
Vậy đó, ông mới vừa tươi cười và bắt tay khen ngợi các chàng trai này các thứ, và bây giờ thì chả thiết. Tất cả chỉ là trình diễn.
Gần cuối nhiệm kỳ của Nixon, phó tổng thống của ông, Spiro Agnew, bị kết tội nhận hối lộ 100,000 đô-la tiền mặt. Ông đã nhận tiền đút lót trong thời gian là viên chức tiểu bang Maryland và sau đó khi đã là phó tổng thống. Agnew chấp nhận không tranh cãi và đồng ý từ chức, rời nhiệm sở vào 10/10/1973.
Điều không hề ai biết là ngài Agnew có gia đình, một chiến sĩ tranh đấu cho những giá trị truyền thống của gia đình, lại là người có quan hệ ngoài hôn nhân khi đang giữ chức vụ. Một buổi sáng vào cuối năm 1969, Agnew nhờ đội Mật Vụ năm người chở ông đến chỗ bây giờ là khách sạn St. Regis sang trọng ở Washington số 923 Đường 16 NW.
“Chúng tôi chở ông đến cửa sau và đưa ông đến một căn phòng ở tầng 4,” một đặc vụ nói. “Ông bảo chúng tôi để ông một mình trong ba giờ. Phân đội trưởng biết rằng ông đang có hẹn hò với một phụ nữ.”
Các đặc vụ đợi ở Công viên Lafayette, cách khách sạn hai dãy phố và đối diện đường dẫn vào cổng Nhà Trắng. Rồi họ trở lại khách sạn để đón phó tổng thống.
“Ông ta có vẻ bối rối,” đặc vụ trên nói. “Để ông ta tại một địa điểm không bảo đảm là trái với điều lệ an ninh. Là những đặc vụ, điều này làm chúng tôi bối rối vì dường như chúng tôi tiếp tay cho hành động ngoại tình. Chúng tôi có cảm tưởng mình là ma cô. Sau vụ đó chúng tôi khó có thể nhìn thẳng vào mắt bà (vợ phó tổng thống.”
Ngoài sự kiện đó, Agnew còn có dan díu với một nữ nhân viên tóc đen xinh đẹp của ông. Agnew sẽ không qua đêm ở khách sạn nếu Mật Vụ không bố trí cho cô ta ở căn phòng liền kề với ông, một cựu đặc vụ cho biết. Cô gái đó bằng tuổi con gái Agnew.
Mặc dù các đặc vụ thường trao đổi cho nhau trong nội bộ những câu chuyện về những nhân vật mình bảo vệ, nhưng các đặc vụ của Mật Vụ thường kín miệng hơn các đồng nghiệp CIA hay FBI. Lý do các đặc vụ không nhiều chuyện là vì nếu các đối tượng được bảo vệ biết được, họ sẽ ngại để các đặc vụ ở gần họ và xâm phạm đời tư và như thế gây khó khăn cho công tác bảo vệ.
Những người càng có vai vế càng bị nhiều người soi mói vào đời tư và lợi dụng để trục lợi, trong đó có tống tiền hoặc bị đối thủ khai thác về mặt chính trị. Đúng ra, thay vì kỳ vọng Mật Vụ che đậy những chuyện không hay của mình, họ không nên bước vào sự nghiệp chính trị nếu họ muốn có cuộc sống hai mặt.
“Bạn chỉ biết lắc đầu khi nghĩ đến những chuyện bạn đã chứng kiến và lòng tin mà nhân dân đặt vào những nhân vật tiếng tăm này,” một cựu đặc vụ tâm sự. “Họ có khi còn tệ hơn những người bình thường. Người Mỹ thường có quan niệm thần tượng tổng thống và những phẩm chất đi kèm, lương thiện, trung thực, đức độ. Nhiều khi điều đó rất xa với sự thật . . . Chúng tôi chỉ biết mắt lấp tai ngơ và cố gắng làm tròn nhiệm vụ.”
Cá tính nghèo nàn của các tổng thống như Johnson và Nixon dẫn đến những phán đoán có tì vết đưa đến vụ tai tiếng Watergate và theo đuổi vô vọng cuộc chiến Việt Nam khi những lợi ích an ninh của người Mỹ không bị đe doạ. Những người đi bầu thường quên rằng tổng thống, đầu tiên và trên hết, cũng là những con người. Nếu họ mất thăng bằng, dơ bẩn, đạo đức giả, điều đó sẽ phản ánh trong những xét đoán và khả năng trị nước của họ.”
Nếu một người bạn, một thợ điện, một thợ sửa ống nước, hoặc một người xin việc có hành động không đạo đức, nói dối, hoặc phơi bày một nhân cách không quân bình như một Johnson hay một Nixon, ít ai sẽ chịu thuê mướn họ. Vậy mà trong trường hợp tổng thống và các chính trị gia khác, các cử tri thường bỏ qua những dấu hiệu kém nhân cách mà chỉ tập trung vào khả năng họ diễn xuất trên TV.
Không ai có thể tưởng tượng được loại áp lực mà tổng thống Hoa Kỳ phải chịu và quyền lực dễ dàng làm họ thoái hóa ra sao. Là tư lệnh của một đất nước hùng mạnh nhất trên mặt đất, có thể bay đến bất cứ đâu trong nháy mắt trên chiếc Không Lực Một, có thể thỏa mãn mọi ước muốn, đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến hàng triệu người, sẽ là một trải nghiệm choàng váng, say sưa đến nỗi chỉ những người có cá tính vững vàng nhất và phẩm chất chín chắn nhất có thể nắm được. Chỉ đơn giản mời một người bạn đến dự một buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng hoặc được một thư ký giữ máy và thông báo “Nhà Trắng đang gọi” cũng gây ra một hiệu quả cho người ta sâu xa đến nổi các tổng thống và các phụ tá Nhà Trắng phải luôn tự nhắc nhở mình cũng là con người trần tục..
Trong tất cả thuận lợi, không có gì quyến rũ hơn được sống trong Nhà Trắng với 132 phòng. Gia nhân luôn túc trực khi được gọi đến để phục vụ những đòi hỏi thất thường nhất. Giặt ủi, lau chùi, đi chợ đều sẵn sàng. Từ ba nhà bép, các bếp trưởng chuẩn bị các bữa ăn được trình bày sắc sảo và có chất lượng của một khách sạn tiếng tăm nhất.
Nếu các thành viên của đệ nhất gia đình muốn điểm tâm tại giường – như Lyndon Johnson chẳng hạn – họ đều được thỏa mãn. Một bếp trưởng bánh mứt có thể làm mọi thứ từ bánh Giáng Sinh đến kẹo xô-cô-la. Nếu đệ nhất gia đình muốn, bếp có thể chiêu đãi mỗi đêm. Thiệp mời – được viết tay bởi năm người viết chữ đẹp – hiếm khi bị từ chối. Để chọn bộ đồ ăn, đệ nhất phu nhân có thể chọn trong 19 kiểu khác nhau đã được các đệ nhất phu nhân đời trước chọn lựa. Họ có thể chọn, chẳng hạn, kiểu dãi vàng quanh một đường viền đỏ của Reagan, hoặc kiểu của Johnson, có hình hoa dại tinh tế và huy hiệu của tổng thống. Hoa tươi trang trí mỗi phòng, và những thiết kế phong cảnh đáng yêu – trong đó có Vườn Hồng và Vườn Jacqueline Kennedy – làm rực rỡ cả khu vực.
“Nhà Trắng là lò luyện nhân cách,” Bác sĩ Tâm lý Bertram S. Brown, nói. Ông nguyên là người cầm đầu Viện Sức Khỏe Tâm thần Quốc gia và là một phụ tá của Tổng thống Kennedy. “Nó có thể tạo ra hoặc làm lệch lạc nhân cách. Ít có người tử tế nào muốn gồng mình trước những thử thách nghiệt ngã mà các ứng viên tổng thống đối mặt khi họ chạy đua vào Nhà Trắng trước tiên,” Bác sĩ Brown nói. Trong nghề nghiệp ông vốn quen biết nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở Washington và các phụ tá Nhà Trắng. “Nhiều người tranh cử chỉ khao khát được tiếng tăm bề ngoài. Họ là những con người rỗng tuếch không nguyên tắc và chỉ muốn được bầu. Thậm chí một cá nhân quân bình, một khi đã trở thành tổng thống, làm sao y có thể giải được bài toán hóc búa là phải duy trì tính trung thực và khiêm tốn khi bao quanh y là những người có quyền lực nhất trên đất nước, và không bị làm biến chất bởi một môi trường bệnh lý xử sự với y mỗi ngày như một vị hoàng đế? Đây chính là nơi sức mạnh thực sự của nhân cách một người chứ không phải những thành tựu trong quá khứ của y, sẽ xác định liệu nhiệm kỳ tổng thống của y có kết thúc trong thắng lợi hoặc thất bại.”
Do đó, trừ khi một tổng thống lên nắm quyền với một nhân cách vững vàng, sức mạnh đè bẹp của chức vụ và sự tâng bốc mà người lãnh đạo hành pháp nhận được sẽ không thể tránh được thảm họa. Vì những lý do này, cử tri có quyền biết về nhân cách thực sự của những lãnh đạo của mình.
Chương 6
Daro
Gần như mỗi ngày, đều có người đến cổng Nhà Trắng và yêu cầu được gặp Tổng thống hoặc gây rối khiến Bộ phận Đồng phục của Mật Vụ phải can thiệp. Mỗi năm, có 25 đến 30 người cố tông vào cổng Nhà Trắng bằng ô tô, leo hàng rào thép gia cố cao 8 bộ, xâm nhập bằng súng, tự thiêu trước cổng hoặc gây ra những rối loạn khác. Hầu hết những người gây rối quanh Nhà Trắng đều mắc bệnh tâm thần.
” Với cùng lý do dân chúng rình rập tổng thống, Nhà Trắng là nam châm thu hút những người loạn trí,” cựu đặc vụ Pete Dowling nói. “Tổng thống là nhân vật có thẩm quyền, và nhiều người bị hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt nghĩ rằng chính quyền phóng ra những bức xạ vào họ hoặc ngắt dòng tư tưởng của họ. Và biểu tượng tột cùng của chính quyền là gì? Đó là Nhà Trắng. Vì thế có rất nhiều người như thế này đến trước cổng Nhà Trắng và bảo rằng họ có cuộc hẹn gặp tổng thống hoặc họ muốn gặp tổng thống.”
“Nhà Trắng là một mecca (thánh địa của Hồi giáo) cho những người chúng tôi gọi là bọn dở hơi cần theo dõi về tâm trí,” một cựu nhân viên Bộ phận Đồng phục nói. “Có khi gần như mỗi ngày có người xuất hiện, nói ‘Này, tôi muốn nói chuyện với tổng thống ngay bây giờ. Tại ông ta mà con trai tôi đang ở Iraq.'”
Không giống như các đặc vụ Mật Vụ, các nhân viên đồng phục chỉ cần tốt nghiệp trung học. Họ cũng không cần có quá trình huấn luyện như đặc vụ Mật Vụ. Để xin việc, họ phải là công dân Hoa Kỳ, ít nhất 21 tuổi và không quá 40. Họ cũng phải có sức khỏe hoàn hảo, và thị lực không tệ hơn 20/60. Ngoài lý lịch nhân thân, họ được kiểm tra xem có sử dụng ma túy hay không và kiểm tra nói dối trước khi được thuê mướn. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ Nhà Trắng, Bộ phận Đồng phục còn bảo vệ các sứ quán nước ngoài.
Trong việc bảo vệ Nhà Trắng và cung cấp an ninh cho các sự kiện, Bộ phận Đồng phục còn sử dung các đơn vị quân khuyển. Phần lớn chúng thuộc giống Malinois Bỉ, được lai tạo để có thể đánh hơi phát hiện chất nổ và tấn công bọn xâm nhập. Giống như loại chó chăn cừu Đức về hình dạng, giống này được xem là nhanh nhẹn hơn và xông xáo hơn. Lũ chó được tác động bằng mồi, và chơi bóng là phần thưởng sau khi đã định vị được “mồi”. Mật Vụ trả 4,500 đô la cho mỗi đơn vị quân khuyển được huấn luyện. Tổng cộng, cục có 75 đơn vị.
Trong khi đợi kiểm tra xe cộ đến cổng tây-nam Nhà Trắng, lũ chó sẽ đứng trên một bệ xi măng trắng được làm lạnh trong mùa hè để chân chó không bị nóng. Mỗi chú chó hăng hái kiểm tra khoảng 100 ô tô mỗi ngày.
Mình họa cách thức một đơn vị quân khuyển hoạt động, một chuyên viên quân khuyển giới thiệu Daro, một chú chó chăn cừu vạm vỡ nặng 87 cân. Khuất tầm mắt Daro, một hộp kim loại chứa một lượng thuốc nổ được giấu sau máy xấy dùng để giặt giũ khăn lau chiếc limousine của tổng thống. Vì ngòi nổ đã được lấy đi, nên thuốc nổ an toàn khi mang vào khu vực.
Daro phóng nhanh quanh các ô tô đang đỗ, đánh hơi. Rồi nó đi tới máy xấy, dừng lại, và ngồi xuống. Những chú chó khác khi phát hiện thuốc nổ thường sủa vang, còn Daro được huấn luyện chỉ cần ngồi xuống. Sau khi tìm được thành công, phần thưởng của nó không phải là một món khoái khẩu mà chỉ là một trái bóng cao su cứng đỏ, mà nó cắn rứt ra từng miếng.
Các chủ chó được kiểm tra mỗi tháng một lần. Đối với những chú chó mới tuyển, chúng phải qua một khóa huấn luyện 17 tuần tại trung tâm huấn luyện Mật Vụ ở Laurel, Maryland, tại đó mỗi chú bắt cặp với người huấn luyện mình. Chúng đã được dạy dỗ trước đây, nhưng Mật Vụ tăng cường huấn luyện thêm – về kỹ năng phát hiện chất nổ và phản ứng khẩn cấp trước những tình huống, như tình huống nhảy rào vào Nhà Trắng.
“Bạn sẽ được đánh động ngay lập tức khi có người leo rào,” một đặc vụ nói. “Có mắt điện tử và cảm ứng mặt đất cách lối đi 6 bộ theo dõi 24 tiếng một ngày. Chúng cảm nhận được chuyển động và trọng lực. Những thiết bị dò tìm bằng tia cực tím được gắn gần sát tòa nhà. Cũng có thiết bị dò âm thanh. Mỗi góc đều có gắn camera và thu âm.”
Các nhân viên trong Bộ phận Đồng phục và Đội Phản ứng Khẩn cấp của nó, trang bị súng tiểu liên P90, là tuyến phòng thủ thứ nhất.
“Nếu có ai đó nhảy rào, Đội Phản ứng Khẩn cấp với sự trợ lực của quân khuyển sẽ tóm được y ngay. Họ sẽ ra lệnh và chú chó sẽ lập tức phóng tới xô ngã một người nặng đến 250 cân. Nó sẽ tông vào giữa ngực và đè y ngã xuống. Rồi còn những tay phản bắn tia trong Bộ phận Đồng phục lúc nào cũng sẵn sàng nhắm vào lưng họ.”
Một nghị can có vũ khí và đã nhảy qua hàng rào sẽ được ra lệnh buông vũ khí. Nếu y không lập tức tuân lệnh, Mật Vụ sẽ được lệnh tước vũ khí nhanh chóng trước khi y có cơ hội bắt con tin.
Có nhiệm vụ lập hồ sơ hình sự, các đặc vụ FBI dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Roger Depue thẩm vấn các sát thủ và sát thủ tiềm năng đang ở tù, trong đó có Sirhan B. Sirhan, người đã giết Bobby Kennedy, và Sara Jane Moore và Lynette “Squeaky” Fromme, cả hai đang dự tính giết Tổng thống Ford.
Những người lập hồ sơ FBI thấy rằng trong những năm gần đây, các tay sát thủ thường là những cá nhân có tâm lý không vững vàng, muốn được mọi người chú ý và muốn được nổi tiếng. Trong nhiều trường hợp, chúng viết nhật ký như một cách quan trọng hoá hành động của mình. Như hầu hết bọn kẻ rình rập những người nổi tiếng, các sát thủ có khuynh hướng hoang tưởng và thiếu lòng tin vào người khác.
Trong tác phẩm Ám Ảnh, John Douglas cho biết các sát thủ luôn luôn hành động một mình, chúng không thoải mái khi có sự hiện diện của người khác và không giao tiếp hoặc không có kỹ năng giao tiếp về mặt xã hội. Rất thường chi tiết hoá những ý tưởng và tưởng tượng của mình trong nhật ký, các sát thủ đều đặn tự độc thoại. Trước khi ra tay, chúng tưởng tượng là sự kiện lớn lao này sẽ chứng tỏ một lần cho tất cả rằng chúng là người có giá trị, người có thể thực hiện và là một thứ gì đó chứ không phải đồ bỏ đi. Kết quả là các sát thủ hiếm khi vạch kế hoạch tẩu thoát. Thường chúng muốn bị bắt để mọi người biết tiếng chúng.
Khi được thẩm vấn trong tù, Sirhan bảo với đặc vụ lập hồ sơ Robert Ressler rằng y đã nghe những tiếng nói xúi giục y đi giết Thượng Nghị sĩ Kennedy. Có lần, khi nhìn vào gương, y cảm thấy gương mặt mình rạn nứt và rơi từng mảnh xuống sàn nhà. Cả hai điều này chính là biểu lộ của chứng tâm thần phân liệt.
Sirhan thường coi mình là ngôi thứ ba. Một người Ả rập sinh ở Jerusalem có cha mẹ theo Cơ đốc giáo, Sirhan hỏi Ressler liệu nhân viên FBI Mark Felt có phải là người Do Thái không. Y bảo mình nghe nói Kennedy hậu thuẫn việc bán nhiều chiến đấu cơ cho Israel. Bằng cách ám sát ông, y tin rằng mình sẽ hủy diệt được một tổng thống tiềm năng là bạn của Israel.
Khi John Hinckley ra tay ám sát Tổng thống Reagan, nhân viên FBI ở Washington gọi cho những người lập hồ sơ của FBI nhờ giúp đỡ. Trong khi Mật Vụ lo việc bảo vệ tổng thống, FBI lo điều tra việc mưu sát và dự tính mưu sát.
Douglas và Ressler đã nhận diện những đặc tính điển hình của sát thủ. Dựa vào nghiên cứu đó, Ressler bảo với FBI rằng Hinckley ắt hẳn có ảo tưởng mình sẽ là một sát thủ quan trọng, sẽ để lại hình ảnh của mình cho sử sách, và ghi chép lại những hoạt động trong sổ tay hoặc nhật ký, giữ lại các vật dụng dùng cho việc mưu sát, và băng từ kể về hành tung của mình. Cảnh sát tìm thấy tất cả thứ mà Ressler mô tả trong nhà sát thủ.
Đôi khi các sát thủ thấy an ninh tại Nhà Trắng quá nghiêm nhặt, chúng sẽ đổi qua xâm nhập Capitol (Tòa nhà Quốc hội). Đó là lộ trình mà Russell E. Weston đã chọn. Y đã tấn công Capitol vào ngày 24/7/1998. Weston bước vào điện Capitol qua lối vào ở phía đông và bắn chết Sĩ quan cảnh sát Jacob J. Chestnut, đang giữ chốt an ninh tại đó. Rồi Weston xông vào một cửa hông dẫn đến văn phòng của Dân biểu Cộng Hòa Tom DeLay thuộc Texas. Sau đó Weston bắn Thám tử Cảnh sát Capitol John M. Gibson. Anh bắn trả và làm bị thương tên sát thủ.
Hai cảnh sát Capitol chết. Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa Bill Frost, một bác sĩ y khoa, chạy băng qua Capitol đến giúp cứu sống Weston.
Những tuần trước, Weston đã gọi cho Mật Vụ ở Montana, nơi y sinh sống. Y nói chuyện với đặc vụ Norm Jarvis, tuyên bố rằng mình là con ngoại hôn của John F. Kennedy nên y có quyền được chia cổ phần trong tài sản của gia đình Kennedy. Jarvis cứ để y lải nhải.
“Tôi đã hỏi có phải y bị ai trong chính quyền đe doạ,” Jarvis nhớ lại. “Y có cảm xúc gì đối với tổng thống? Điều gì làm y bực bội tại thời điểm đó? Vì những người tâm thần có những cơn như thế. Thình lình có điều gì đó kích hoạt chúng, và thế là chúng nổi cơn lên.”
Weston không biểu lộ nổi căm tức gì với tổng thống lúc đó là Bill Clinton. Nhưng những năm trước đây, y đã viết một bức thư không phải đe doạ mà chỉ quấy rầy tổng thống, và kết quả, người tiền nhiệm của Jarvis ở Montana đã thẩm vấn và cho y vào sổ đen. Trong khi đặc vụ kia, Leroy Scott, lúc đó kết luận rằng Weston không thể hiện mối đe doạ cho tổng thống, anh thiết lập mối quan hệ với Weston, như một đặc vụ tốt phải làm.
Weston thỉnh thoảng gọi nói chuyện với Leroy bất cứ khi nào y bực bội điều gì đó. Và Leroy sẽ ghi nhận lại để làm hồ sơ về sức khỏe tâm thần của y.
Sau vụ tấn công, Weston bị giữ tại trung tâm sức khỏe tâm trí liên bang gần Raleigh, North Carolina.
Nếu một cá nhân gây lộn xộn tại Nhà Trắng, các đặc vụ sẽ giữ đối tượng và thẩm vấn y tại văn phòng dã chiến ở Washington hoặc ở một trạm cảnh sát Thủ đô. Các đặc vụ không được mang y đến nơi nào gần Nhà Trắng.
Như mọi người quen thuộc điều luật an ninh và các biện pháp an toàn, nếu có người nào có hành động đáng ngờ trước Nhà Trắng, nơi cuối cùng mà Mật Vụ muốn dẫn y đi đến để thẩm vấn là bên trong khu vực Nhà Trắng được canh gác chặt chẽ. Những đối tượng như thế có thể mặc thiết bị nổ bó sát trong người. Cho dù họ có thể được khám xét cẩn thận, họ có thể mang theo mầm bệnh trong quần áo mình.
Theo nghi thức ăn ninh, Mật Vụ không được đưa một nghi can, một tù nhân tiềm năng, một tù nhân, hoặc bất kỳ ai chưa được khám xét cẩn thận vào khu vực Nhà Trắng.
Chương 7
Passkey
Trái với Richard Nixon, các đặc vụ thấy Tổng thống Gerald Ford – mật danh Passkey (Chìa khóa vạn năng) – là người tử tế, biết trân trọng công sức của họ. Nhưng các đặc vụ kinh ngạc về tính keo kiệt của ông.
Sau khi ông rời Nhà Trắng, “Ông muốn có tờ báo của mình ở các khách sạn, và ông sẽ đi đến quầy,” một đặc vụ bảo vệ ông nói. “Kìa nhìn đi, ông không mang theo tiền bên mình. Nếu không có nhân viên đi theo, ông ta sẽ mượn tiền của đặc vụ.”
Đặc vụ nhớ có lần Ford đăng kí vào khách sạn Pierre bảnh choẹ ở New York. Một bồi khách sạn chất hành lí ông lên xe đẩy và mang đến tận phòng cho gia đình ông. Sau khi đã xong công việc, anh bồi bước ra hành lang xoè tờ bạc một đô-la trước mặt mình và chửi thề bằng tiếng Tây Ban Nha,” viên đặc vụ nói.
Ở Rancho Mirage, nơi Ford sống sau khi rời Nhà Trắng, “Ông đi đến đánh gôn, đó là một câu lạc bộ đồng quê dành cho giới có tiền, và số tiền boa bình thường là 25 đô-la,” một đặc vụ khác nói. “Ford chỉ boa một đô-la, nếu có.”
Vào ngày 5/9/1975, Lynette “Squeaky” Fromme, 26 tuổi, rút khẩu súng lục tự động Colt .45 và xiết cò khi Tổng thống Ford đang bắt tay với đám đông đang chào đón bên ngoài Khách sạn Senator ở Sacramento, California. Dân chúng bên đường kể lại là Ford đang bắt tay với họ và cười tươi thì bỗng xám mặt và cứng người khi ông thấy một mũi súng nâng lên chỉ cách mình vài bộ.
“Tôi nhìn thấy một bàn tay dơ lên sau vài bàn tay khác ở hàng đầu, và trong bàn tay đó lù lù một khẩu súng,” Ford sau đó nhớ lại.
Đặc vụ Larry Buendorf đã chú ý người phụ nữ di chuyển dọc theo tổng thống. Khi Fromme xiết cò, Buendorf phóng tới trước mặt Ford để che chắn ông. Rồi anh chụp lấy khẩu súng và vật cô ta xuống đất. Sau đó người ta phát hiện cô đã bật chốt khai hỏa. May mắn thay, trong nòng súng không có đạn. Trong ổ đạn còn bốn viên. Fromme sau đó khai rằng cô đã cố tình lấy ra viên đạn khỏi nòng súng, và cô chỉ cho đặc vụ viên đạn đó ở nhà cô.
Fromme là đệ tử của Charles M. Manson, người đã bị kết tội giết diễn viên Sharon Tate và 6 người khác. Hai tháng trước khi vụ mưu sát xảy ra, Fromme đã phát đi lời tuyên bố nói rằng cô đã nhận được những bức thư từ Manson đổ tội cho Nixon đã khiến mình ở tù.
Đúng 17 ngày sau biến cố, Ford rời Khách sạn St. Francis ở San Francisco khi Sara Jane Moore, nhà hoạt động chính trị 45 tuổi, bắn khẩu súng lục .38 vào ông từ khoảng cách 40 bộ, Ford choáng váng, gương mặt không còn một giọt máu, và đầu gối như khụy xuống.
Oliver Sipple, một cựu thủy quân lục chiến tàn phế đã từng chiến đấu ở Việt Nam, đang đứng gần sát thủ. Anh đẩy cánh tay bà khi súng khai hỏa. Ford gập người lại khi viên đạn bay cách đầu tổng thống vài bộ. Nó dội khỏi mặt tường bên hông khách sạn và làm bị thương nhẹ một tài xế taxi đứng trong đám đông.
Các đặc vụ Ron Pontius và Jack Merchant nhanh chóng đẩy Moore xuống vỉa hè và bắt giữ bà. Khi dân chúng bên đường la hét, đặc vụ đẩy tổng thống vẫn bình an vào chiếc limousine và nằm sấp trên sàn xe, lấy thân mình che chắn người ông.
Moore đã đợi Ford bên ngoài khách sạn hơn ba tiếng. Mặc quần ống rộng và áo mưa màu xanh, bà đứng tay đút túi suốt thời gian. Các đặc vụ đôi khi yêu cầu dân chúng rút tay ra khỏi túi, nhưng lần này , vì có quá nhiều người dập dìu quanh bà, nên họ không để ý đến bà.
Moore là sát thủ tổng thống duy nhất được đưa vào danh sách đe đọa tiềm năng trong hồ sơ Mật Vụ trước khi vụ mưu sát xảy ra. Hai ngày trước khi vụ mưu sát xảy ra, Moore đã điện cho cảnh sát San Francisco và cho biết mình có một khẩu súng và muốn “kiểm tra” hệ thống bảo vệ an ninh tổng thống. Sáng hôm sau, cảnh sát đến thẩm vấn bà và tịch thu khẩu súng.
Cảnh sát báo cáo bà với Mật Vụ, và đêm trước chuyến viếng thăm của Ford, các đặc vụ có đến thẩm vấn bà. Họ kết luận bà không phải là mối đe doạ cần phải tiến hành giám sát trong chuyến viếng thăm của Ford. Việc đánh giá ý định của bất cứ ai không thể là một khoa học chính xác. Đúng sáng hôm sau bà đi mua một khẩu súng khác.
Các đặc vụ tự hỏi, “Có phải cuộc thẩm vấn đó đã kích hoạt vụ ám sát? Bằng cách cho họ cảm nhận là mình quan trọng, chúng tôi có thể khuyến khích họ nghĩ rằng,’Tốt hơn cứ làm tới bến.'”
Tháng sau, một sự cố khác khiến Ford đinh ninh đúng là mình gặp xúi quẩy. Đoàn xe hộ tống ông trở lại phi trường vào ngày 14/10/1975, sau khi ông đọc diễn văn tại buổi gây quỹ cho đảng Cộng Hòa ở Hartftord, Connecticut. Cảnh sát mô tô được giao nhiệm vụ phong tỏa các đường ở hai cánh, các đội nhảy cóc thay phiên nhau từ dãy phố này đến dãy phố tiếp theo. Lúc mà đoàn xe hộ tống băng qua một đường phố hẹp, các nhân viên cảnh sát đã bỏ đi. James Salamites, 19 tuổi, vọt qua giao lộ khi đèn tín hiệu màu xanh trên một chiếc Buick và đâm thẳng vào chiếc limousine của tổng thống.
Andrew Hutch, tài xế Mật Vụ, quẹo xe thật gắt sang trái, để giảm bớt sức va chạm. Nhưng Ford vẫn ngã xuống sàn xe. Khi chiếc limousine dừng lại, càng xe trước bên phải bị lõm vào, các đặc vụ rút súng vây quanh chiếc Buick và lôi tên tài xế đang run rẩy ra.
“Tôi nhìn vào chiếc xe kia, và định thần lại thì đó chính là Tổng thống Ford. Tôi nhận ra ông ngay lập tức. Tôi không tin vào mắt mình nữa,” Salamites nhớ lại.
Lúc đầu, các đặc vụ tin chắc vụ đụng xe là mưu toan ám hại Ford. Nhưng sau khi bị thẩm vấn vài giờ, Salamites được thả về. Cảnh sát Hartford cho rằng anh không có lỗi trong tai nạn ấy.
Báo chí mô tả Ford là người khù khờ và vụng về, nhưng các đặc vụ cho rằng ông không như vậy. Là cầu thủ bóng bầu dục Đại học Michigan được chọn là cầu thủ sáng giá nhất, Ford còn là tay trượt tuyết cừ khôi khiến các đặc vụ trượt theo bảo vệ phải bở hơi tai vẫn không theo kịp. Cuối cùng, Mật Vụ chỉ định một vận động viên đi ski thuộc đẳng cấp thế giới vào đội bảo vệ. Lúc đó thì anh chàng này đi ski lùi vẫn qua mặt Ford và vẫy tay giục tổng thống bắt kịp anh. Ngoài ra ông còn bơi lội mỗi ngày và đánh gôn rất cừ.
Không giống như nhiều tổng thống khác, Ford không hề lăng nhăng tình ái với ai. Trước khi có vụ tờ báo Miami Herald phanh phui việc ứng viên tổng thống Gary Hart vung vít với Donna Rice vào tháng 5, 1987, giới truyền thông không hề phơi bày những quan hệ ngoại hôn của các tổng thống và ứng viên tổng thống. Đúng ra, trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, báo chí có biết về những vụ lăng nhăng của tổng thống nhưng họ che đậy giùm các ông chủ Nhà Trắng. Nhưng chính thói đạo đức giả và thiếu suy xét mà một chính trị gia phơi bày trong khi giao du ngoại hôn là manh mối bộc lộ một nhân cách khiếm khuyết mà cử tri cần phải biết.
Chuyện là biên tập viên chính trị của tờ Miami Herald Tom Fielder có viết một bài báo bênh vực Hart, đối thủ hàng đầu của Đảng Dân chủ, chống lại những tin đồn vô căn cứ cho rằng Hart là tên hám gái. Một phụ nữ giấu tên liền gọi điện cho Fielder nói rằng mình không đồng ý với bài báo của anh. Thật ra, cô nói, một người bạn của cô, một người mẫu bán thời gian ở Miami, sẽ bay đến Washington vào tối thứ sáu đó để lả lượt cuối tuần với Hart. Người gọi điện mô tả cô bạn mình rất hấp dẫn và tóc nâu.
Fiedler, phóng viên Jim McGee, và tổng biên tập điều tra Jim Savage xem xét lịch trình các chuyến bay và chọn ra chuyến bay thẳng chắc chắn nhất đến Washington tối thứ sáu đó, ngày ⅕. McGee đáp chuyến bay và dò tìm các phụ nữ giống như được mô tả. Một cô có mang một túi xách bóng láng đắt tiền lọt vào tầm ngắm. Khi họ đáp xuống Washington, cô ta mất hút trong đám đông.
Sau khi gọi taxi chở đến ngôi nhà ở thành phố của Hart, McGee trông thấy cũng cô gái ấy có xách tay bóng láng đang cặp kè với Hart bước ra khỏi cửa trước ngôi nhà ông. Được Fielder và Savage hỗ trợ vào thứ bảy, McGee trông thấy họ đến rồi đi tại ngôi nhà đó trong suốt 24 giờ sau. Khi Hart bước ra ngoài, họ tiến tới chạm mặt ông và hỏi về cô gái xinh đẹp đang ngồi trong nhà ông.
Hart chối là không có ai đang ở nhà với mình. “Tôi không có quan hệ cá nhân với người mà các anh đang theo dõi,” Hart nói. Ông ta mô tả người phụ nữ đó chỉ là “bạn của một người bạn của tôi”, đến Washington để thăm bạn bè của cô ta.
Đêm đó, sau khi câu chuyện được cho vào hồ sơ với Rice vẫn chưa được nhận diện, Savage, Fiedler, và McGee gặp nói chuyện với một người bạn ở Washington đã giới thiệu Hart cho Rice. Savage chỉ ra rằng việc khui ra nhân thân của cô gái sẽ làm lùm xùm giới truyền thông, và tốt hơn cho Hart là nêu đích danh cô ta. Câu chuyện được chạy trên tờ Miami Herald vào Chủ nhật ⅗. Sáng hôm đó, người phát ngôn của Hart bảo với Associated Press rằng người phụ nữ chưa được nhận diện đó là Donna Rice.
Cũng Chủ nhật đó, tờ The New York Times đăng câu chuyện trích lời Hart chối là mình có quan hệ ngoài luồng. Ông ta thách báo chí cứ “theo đuôi mình, sẽ chán phèo cho mà xem.” Hart tiếp tục chối mình có quan hệ với Rice, nhưng CBS cho chiếu một đoạn video nghiệp dư quay cảnh họ ở cùng nhau trên chiếc du thuyền sang trọng Monkey Business ở Bimini. CBS ghi nhận rằng Rice, vẫn chưa được nhận diện, sau đó xuống du thuyền để đi đến một quán ba địa phương tham dự đêm thi “Người Đẹp Nóng Bỏng”. Tờ
The National Enquirer tiếp theo đăng hình Rice ngồi trên đùi Hart trên du thuyền. Hart buộc phải rút tên khỏi danh sách ứng cử viên tổng thống, một nạn nhân của tính ngạo mạn và hợm hĩnh của mình.
Đúng ra Hart không chỉ léng phéng với Rice. Theo đặc vụ được phân công bảo vệ ông, trước khi ông gặp Rice, ông đã từng giải trí với nhiều người mẫu và diễn viên quyến rũ khác tại nhà của ngôi sao màn bạc rất đẹp trai thời đó là Warren Beatty. Theo lời đặc vụ, Warren Beatty giao ông chìa khóa nhà mình ở Mulholland và mai mối cho ông hú hí với các em chỉ độ 19, 20. Có cả đến chục em như thế. Người như thế mà cũng muốn làm tổng thống, lại là tổng thống Hoa Kỳ.
Chương 8
Vương Miện
Để đi vào Cánh Tây, khách nhấn một nút trắng trên máy truyền tin nội bộ gắn ở cổng tây bắc và tự giới thiệu. Nếu khách hợp pháp, một nhân viên Mật Vụ đồng phục mở khóa cổng điện tử, cho phép khách bước vào. Sau đó khách đưa giấy phép lái xe hoặc thẻ chứng minh có ảnh do chính quyền cấp qua một khe vào buồng chống đạn cho một trong bốn nhân viên Mật Vụ ngồi bên trong.
Trước khi được phép vào Nhà Trắng, khách có hẹn phải cung cấp số thẻ An sinh Xã hội và ngày sinh trước. Bộ phận Đồng phục kiểm tra để xem đối tượng có tên trong NCIC (Trung tâm Thông tin Tội phạm Quốc Gia) do FBI quản lý hoặc NLETS (Hệ thống Viễn thông Thi hành Án Quốc gia) nếu y đã từng bị giam giữ hay vi phạm luật pháp.
Ngoài danh sách đe doạ do Mật Vụ tổng hợp, Bộ phận Đồng phục còn giữ danh sách Cấm Cửa của khoảng 100 người đã bị Nhà Trắng loại ra vì đã từng gây lộn xộn cho Nhà Trắng. Chẳng hạn, văn phòng báo chí Nhà Trắng có thể liệt một nhà báo vào danh sách vì y đã từng bất chấp luật lệ đi vào những vùng cấm trong Nhà Trắng.
Nếu khách có trên danh sách hẹn và đã được khám xét, y được phép đi qua để vào buồng an ninh. Khách sẽ đi qua một máy dò kim loại trước khi được phép bước ra ngoài một lần nữa đến Cánh Tây. Nhiều năm liền, khi nghĩ về Nhà Trắng, phần đông thường nghĩ ngay đến tòa nhà chính tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania NW, được sử dụng như nhà của tổng thống và có lần được coi là văn phòng ông. Abraham Lincoln có văn phòng mình ở nơi này được gọi là phòng ngủ Lincoln trên tầng hai của Nhà Trắng. Chỉ với những loạt phim truyền hình gần đây công chúng mới biết rằng Cánh Tây giờ mới toạ lạc những văn phòng tổng thống.
Cánh Tây được cất thêm cho Nhà Trắng vào năm 1902. Vào năm 1909, Phòng Bầu Dục của Tổng thống được xây dựng ở trung tâm phía đông của Cánh Tây. Năm 1934, nó được chuyển đến vị trí bây giờ ở góc đông nam, nhìn qua Vườn Hồng. Cuối cùng, vào năm 1942, Cánh Đông được xây dựng để làm văn phòng của đệ nhất phu nhân cũng như phòng quân sự của Nhà Trắng.
Khách đến Cánh Tây đi qua hơn một chục camera TV gắn trên chân ba càng dựng dọc lối đi dẫn đến lối vào hành lang Cánh Tây. Lối đi này là nơi các thông tín viên truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, trước đây được biết dưới tên Bãi biển Đá Sỏi. Giờ phiến đá lát đã thay thế sỏi, nên cánh báo chí gọi đùa là Stonehedge. Một lối vào về phía trái đường vào hành lang dẫn trực tiếp đến phòng thông tin báo chí James S. Brady. Các thông tín viên Nhà Trắng phải qua kiểm tra lai lịch của Mật Vụ trước khi được phát thẻ báo chí cho phép họ đi qua buồng an ninh.
Cho dù có lịch hẹn, Mật Vụ sẽ không tiếp nhận khách nếu họ có những vi phạm liên quan đến xâm nhập hoặc gian lận. Nếu một cá nhân bị kết tội đã sử dụng ma túy cách đây 10 năm, chẳng hạn, sĩ quan sẽ thông báo với nhân viên Nhà Trắng đang chờ tiếp khách. Quyết định sẽ thuộc về phụ tá. Nếu muốn hủy bỏ cuộc hẹn, ông ta có thể tạo ra một cái cớ nào đó.
Có lần một kẻ đang trốn tránh lệnh truy nã đã phạm sai lầm khi đặt một cuộc hẹn ở Nhà Trắng, có mật danh là Crown (Vương miện). Trong nhiệm kỳ của George H. W. Bush, một người đàn ông bị truy nã vì tội ăn cắp một số tiền lớn dự tính vào Nhà Trắng với một người bạn của Bush. Y khai số thẻ An sinh Xã hội khi làm đơn xin hẹn. Mật Vụ bắt giữ y khi y đến. Nếu có lệnh bắt, màn hình máy tính sẽ thông báo, “Đương sự đang có lệnh bắt. Hãy gọi đặc vụ.”
Về vấn đề tổng thống cần bảo vệ an ninh đến mức nào, luôn là một vấn đề tranh cãi. Hàng thập niên, chính quyền Quận Columbia chống đối việc phong toả đoạn Đại lộ Pennsylvania trước Nhà Trắng. Khi có đe doạ xuất hiện hoặc biểu tình xảy ra, Mật Vụ sẽ phong tỏa đoạn đường hoặc bao quanh Nhà Trắng bằng xe buýt. Dưới thời Reagan, các bệ chắn bê tông được xếp quanh khu phức hợp Nhà Trắng. Vào năm 1990, chúng được thay thế bằng hàng rào trụ sắt. Các cổng được gia cố bằng rầm thép nâng lên từ mặt đất khi đóng cổng. Sau ngày 11/9, chính quyền Bush biến Đại lộ Pennsylvania thành phố đi bộ.
“Một lý do chúng tôi gia cố các cổng là vì có người đã từng tông xe hơi qua cổng để gặp Tổng thống,” một đặc vụ lâu năm nói. “Một rầm thép đưa lên từ mặt đất phía sau cổng khi đóng cổng. Một xe tải hai tấn có thể tông vào cổng với tốc độ 40 dặm mà cổng sẽ không hề hấn gì.”
Bộ phận An ninh Kỹ thuật của Mật Vụ (TSD) lắp đặt những thiết bị tại cổng vào Nhà Trắng để dò phóng xạ và chất nổ. TSD quét Nhà Trắng và các phòng khách sạn để dò tìm rệp điện tử (dùng để nghe lén). Trong khi rệp điện tử chưa hề được tìm thấy ở Nhà Trắng, chúng đôi khi được phát hiện trong phòng khách sạn vì chúng được cài để nghe lén những cuộc nói chuyện của khách ở lần trước. Khi Ronald Reagan dừng chân tại một khách sạn ở Los Angeles, chẳng hạn, TSD tìm thấy một con rệp trong căn phòng ông đang ở. Hóa ra người thuê ở trước là Elton John (một nhạc-ca sĩ lừng danh).
TSD lấy mẫu không khí và nước uống trong Nhà Trắng để tầm soát chất lây nhiễm, phóng xạ, và vi khuẩn chết người. Nó giữ không khí trong Nhà Trắng ở áp suất cao để tống những chất lây nhiễm có thể có. Nó cung cấp cho đặc vụ những mặt nạ đặc biệt để trùm qua đầu tổng thống trường hợp có tấn công hóa học. Mỗi năm, TSD dò chừng 1 triệu lá thư gởi đến Nhà Trắng để tìm mầm bệnh hoặc chất độc sinh học khác. Liên kết với Phòng Thí Nghiệm Quốc gia Los Alamos hoặc Phòng Thí Nghiệm Quốc gia Sandia, nó tiến hành đánh giá những nguy cơ tối mật để tìm ra lỗ hổng của các biện pháp an ninh vật lý hoặc điều khiển học.
Trong trường hợp một sát thủ đã lọt qua được mọi hàng rào an ninh để gặp tổng thống, TSD lắp đặt những nút báo động trong Phòng Bầu Dục và khu vực sinh hoạt trong Nhà Trắng. Chúng có thể được sử dụng trong trường hợp cứu cấp tai nạn hoặc báo động đe dọa thể xác. Nhiều bộ phận báo động là những con dấu của tổng thống đặt trên bàn làm việc và được kích hoạt nếu ngã đổ.
Có báo động các đặc vụ sẽ rút súng, chạy đến. Ngoài các đặc vụ và nhân viên đồng phục trực quanh Phòng Bầu Dục, các đặc vụ bố trí ở W-16 bên dưới Phòng Bầu Dục có thể phóng lên cầu thang trong vài giây.
Giải pháp cuối cùng, Nhà Trắng có nhiều đường thoát hiểm, trong đó có đường hầm rộng 10 bộ và cao 7 bộ. Nó đi từ tầng hầm Nhà Trắng bên dưới Cánh Đông đến tầng hầm của Bộ Ngân Khố sát bên khu vực Nhà Trắng.
Một trong những vụ tấn công kịch tính xảy ra vào ngày 29/10/1994, lúc 2:55 chiều khi Francisco Martin Duran đứng trên vỉa hè phía nam Đại lộ Pennsylvania và bắt đầu khai hỏa về hướng Nhà Trắng bằng khẩu súng trường bán tự động SKS của Trung Quốc. Khi y chạy về hướng Đường 15, y đứng lại để nạp đạn, và một du khách xông tới ôm lấy y. Các nhân viên đồng phục rút súng nhưng không bắn khi có thêm các du khách nhào tới vật ngã Duran.
“Tôi ước gì các người bắn tôi cho rồi,” Duran nói khi các nhân viên bắt giữ y.
Vì có một người tóc bạch kim đang bước ra Nhà Trắng khi Duran bắt đầu nổ súng nên các đặc vụ kết luận rằng ắt hẳn Duran tưởng gã kia là Tổng thống Clinton nên xả súng bắn. Y bị kết tội mưu sát tổng thống và bị kêu án 40 năm tù. Y cũng buộc phải nộp 3,200 đô tiền sửa chữa những hư hại gây ra cho Nhà Trắng, trong đó có chỉ phí thay thế cửa sổ phòng báo chí lỗ chỗ vết đạn.
Vào tháng 12 1994, có thêm 4 vụ tấn công giống thế – có lẽ lấy cảm hứng từ các vụ trước – xảy ra cách nhau chỉ vài ngày. Vào ngày 20/12, Marcelino Corniel phóng qua Đại lộ Pennsylvania về hướng Nhà Trắng tay vung một con dao. Các nhân viên Bộ phận Đồng phục và Cảnh sát Công viên ra lệnh cho y bỏ vũ khí xuống. Khi y từ chối và lao tới một cảnh sát Công viên, một cảnh sát Công viên khác nổ súng và bắn chết y.
“Điều không được nói trong bản tin phát đi là người đàn ông đã buộc chặt con dao dài 7 in-xơ bằng băng keo vào cánh tay mình, vì thế khi cảnh sát ra lệnh buông vũ khí, y không thể làm theo lời được,” cựu đặc vụ Pete Dowling cho biết. “Đây gọi là ‘tự tử nhờ cảnh sát.’ Gã này muốn chết. Và khổ thay cảnh sát thấy mạng sống mình bị đe doạ, nên anh ta đã khai hỏa và giúp y toại nguyện.”
Một ngày sau sự cố đó, các cảnh sát Bộ phận Đồng phục mở cổng tây nam cho một ô tô được phép vào. Ngay lúc đó, một gã đàn ông chạy vù qua họ hướng đến Nhà Trắng. Các cảnh sát lao tới ôm chặt và bắt giữ y. Gã này là một đối tượng gây rối bị ám ảnh về Nhà Trắng.
Hai ngày sau, một gã khác bắn vào Nhà Trắng bằng khẩu súng lục 9 li từ ngoại vi sân cỏ phía nam. Trong khi hai viên bay chưa tới Nhà Trắng, viên thứ ba rơi trên ban công phòng ăn. Lập tức nhân viên Đồng phục lùng sục trên vỉa hè Đại lộ Executive phía nam. Bắt gặp một gã trông có vẻ bồn chồn, một cảnh sát liền chạy đến y, lục soát và tịch thu khẩu súng.
Một sự cố trước nữa vào ngày 11/9/1994, cho thấy Nhà Trắng dễ tổn thương ra sao. Tối đó, sau khi uống rượu và chơi cô-cain, Frank E. Corder tìm chìa khóa một phi cơ Cessna P150 đã được thuê trong ngày và đã trả lại Sân bay Aldino ở Churville, Maryland. Mặc dù người tài xế xe tải 38 tuổi này không có bằng lái máy bay, y đã học một vài buổi và đã bay thử loại máy bay nhỏ này vài lần.
Corder ăn cắp máy bay và bay về phía Nhà Trắng. Sau đó y chúc mũi xuống về hướng đó ở một góc nghiêng. Tất cả máy bay đều bị cấm bay phía trên Nhà Trắng, nhưng thỉnh thoảng có những lầm lẫn. Kết quả là giới quân sự phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định bắn hạ máy bay nào lạc vào không phận Nhà Trắng. Sau ngày 11/9, bất kỳ phí cơ nào vi phạm giới hạn này và bay gần Nhà Trắng và không đáp ứng với lệnh quân sự sẽ bị bắn hạ bằng tên lửa hoặc máy bay chiến đấu. Mỗi năm, khoảng 400 máy bay các loại bị ngăn chặn và được lệnh đáp xuống nếu không sẽ bị bắn hạ.
Trung tâm Hoạt động Phối hợp ở bộ chỉ huy Mật Vụ giờ liên lạc 24 tiếng một ngày với cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang và tháp điều khiển tại Sân bay Quốc gia Washington Ronald Reagan. Bộ chỉ huy cũng theo dõi trên màn hình ra đa những máy bay đang bay trong khu vực.
Máy bay của Corder rớt xuống sân cỏ Nhà Trắng ngay phía nam của tòa nhà lúc 1:45 sáng và lướt trên mặt đất. Điều mà Corder không dự tính được là màn hình Sony JumboTron đã được lắp đặt trên sân cỏ phía Nam trước Nhà Trắng cho một sự kiện. Đó là một màn hình TV khổng lồ ngang 110 bộ, cao 35 bộ.

12 Sep 1994, Washington, DC, USA — PIPER CRASHES IN THE WHITE HOUSE GARDENS — Image by © Jeffrey Markowitz/Sygma/Corbis
“Không cách nào y có thể bay vào Nhà Trắng,” đặc vụ Pete Dowling, trong đội bảo vệ tổng thống lúc đó, nói. “Y không thể điều khiển máy bay mà không đụng phải JumboTron. Vì thế y phải đáp hơi sớm một chút, và kết quả là y đáp lên cây mộc lan ngay phía trước phần phía nam của Nhà Trắng. Corder chết vì nhiều vết thương kín do va chạm mạnh khi rơi xuống. Tại thời điểm đó, Nhà Trắng đang được tu sửa, và Tổng thống Clinton cùng gia đình đang ở Blair House.
Trong khi Corder đã bày tỏ sự bất mãn đối với các chính sách của Clinton, và trải qua cuộc hôn nhân thứ ba vừa tan vỡ, Mật Vụ kết luận rằng – như phần đông các sát thủ – mục đích của y là được nổi tiếng. Y đã tâm sự với bạn bè là mình muốn “tự tử thật hoành tráng” bằng cách bay vào Nhà Trắng hoặc điện Capitol.
Anh của Corder nói em mình thần tượng Mathias Rust, một thiếu niên người Đức đã lái chiếc Cessna bay qua đoạn đường 550 dặm trên không phận được bảo vệ nghiêm nhặt của Xô-Viết và đáp xuống Quảng trường Đỏ vào năm 1987. John Corder trích lời em mình đã ca tụng chàng thiếu niên Đức ấy: “Anh ta đã làm làm nên tên tuổi.”
Bối rối lớn nhất cho Bộ phận Đồng phục xảy ra vào ngày 17/2/1974, khi Binh Nhất
Robert K. Preston ăn cắp một trực thăng quân đội từ Đồn Meade, Maryland, và bay đến đáp trên sân cỏ phía nam lúc 9:30 tối.
Thay vì bắn chiếc trực thăng, các nhân viên đồng phục gọi cho một nhân viên Mật Vụ đang ở nhà, hỏi phải làm gì bây giờ. Anh ta bảo họ cứ bắn trực thăng. Lúc này, chiếc trực thăng đã bay đi. 50 phút sau nó trở lại. Lần này, các nhân viên Bộ phận Đồng phục và đặc vụ khai hỏa vào nó bằng súng lục và súng tiểu liên.
“Họ bắn nó lỗ chỗ vết đạn,” một đặc vụ nói. “Khi y đáp xuống lần 2, y mở cửa và lăn vào phía dưới trực thăng. Nhờ đó mà y thoát chết. Họ bắn cả thảy 70 viên đạn, có 20 viên trúng ghế ngồi. Nếu không nhanh chóng lăn dưới trực thăng thì y đã toi mạng rồi.”
Preston, 20 tuổi, đã thi hỏng vào trường bay và có lẽ muốn chứng minh là mình có kỹ năng bay. Y được chữa trị một vết thương ngoài da do đạn bắn. Y bị kết án một năm lao động khổ sai và phạt 2,400 đô-la.
Tổng thống Nixon lẫn bà xã Pat, không ai có mặt ở Nhà Trắng lúc đó.
(Còn tiếp)
Pingback: Bảo vệ tổng thống Mỹ- Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử