Tác giả Ronald Kessler
Trần Quang Nghĩa dịch
Chương 9
Jackal
Trong tiếng lóng nội bộ, các đặc vụ gọi các sát thủ tiềm năng là “jackal” (chó rừng). Nếu một chó rừng muốn vồ mồi, chắc chắn là nó chờ tổng thống ra khỏi hang ổ Nhà Trắng. Mọi sát thủ đều chồm tới khi tổng thống dễ bị tổn thương nhất – bên ngoài Nhà Trắng – thường là lúc đến hoặc ra về sau một sự kiện. Cánh cửa nguy cơ mở ra vài lần mỗi tuần khi tổng thống rời Nhà Trắng để dự một sự kiện ở Washington hoặc đi kinh lý trong nước hoặc nước ngoài.
Thậm chí đến thăm nhà người bạn cũng phải được chuẩn bị kỹ càng. Khi Tổng thống George W. Bush và phu nhân đến ăn tối tại nhà Anne và Clay Johnson, một người bạn thân thời trung học. Khách khứa là những bạn bè thời đại học Yale của Bush là Roland W. Betts và giám đốc FBI Robert S. Mueller III, và vợ ông, Ann. Kiểm tra nhà Spring Valley ở Washington trước, Mật Vụ thiết lập trạm chỉ huy ở tầng hầm.
“Họ yêu cầu kéo màn lại trong phòng ăn và chỉ định một ghế dành cho tổng thống,” Anne Johnson nhớ lại. “Các đặc vụ gác chung quanh sân, và những trụ cấm đậu được đặt trước nhà.”
Mật Vụ yêu cầu nhà Johnson dọn trống một phòng kho đủ lớn cho ít nhất hai người. Trong trường hợp khẩn cấp, một đặc vụ sẽ chụp lấy tổng thống, và hai vợ chồng họ sẽ nhào vô đó, Anne Thompson cho biết. “Chắc sẽ là cú nhào rất thú vị vì Bush chắc sẽ phải nắm tóc Laura mà thôi.”
Anne Johnson hỏi đặc vụ, “Thế những người khác làm gì trong trường hợp khẩn cấp?”
“Tôi chỉ có một thân chủ: tổng thống,” đặc vụ trả lời.
Mười ngày trước khi tổng thống viếng thăm, ít nhất 8 đến 12 đặc vụ bay đến điểm hẹn. Trái ngược với đội tiền sát hai người được phái trước chuyến đi Dallas của Kennedy. Lúc đó, Mật Vụ chỉ có khoảng 300 đặc vụ đặc biệt, so với 3,404 người ngày nay.
Hiện giờ đội tiền sát gồm ít nhất một đặc vụ trưởng, một đặc vụ giao thông, đặc vụ phi trường, các đặc vụ cắt đặt cho mỗi địa điểm sự kiện, một đặc vụ tiền trạm khách sạn, một đặc vụ lô-gic-tic, một đặc vụ an ninh kỹ thuật, và một đặc vụ tình báo. Như một phần trong kế hoạch chuẩn bị tiền sát, một đội nhân viên liên lạc quân sự từ Cục Liên lạc Nhà Trắng được phái đến để xử lý máy truyền tin, điện đàm, và fax. Họ chở trang thiết bị và nhân sự bổ sung trên các máy bay vận tải C-130 của Không Lực. Đội phản-bắn tỉa của Bộ phận Đồng phục và đội phản công từ bộ phận Hoạt động Đặc biệt của Mật Vụ cũng có thể gởi đặc vụ đến tiền trạm.
Đội phản công hay CAT rất quan trọng cho khâu bảo vệ bên ngoài Nhà Trắng. Là một đơn vị chiến thuật có trang bị nặng, nó có mục đích tăng cường che chắn cho tổng thống, phó tổng thống, các nguyên thủ nước ngoài, hoặc các đối tượng khác như ứng viên tổng thống. Trong tình huống có tấn công, sứ mạng của CAT là để làm lệch mũi tấn công khỏi đối tượng được bảo vệ, cho phép đội đặc vụ che chắn và di tản đối tượng được bảo vệ.
Thoạt đầu vào năm 1978 Mật Vụ bắt đầu sử dụng các đội CAT một cách hạn chế. Họ được tập hợp sau khi một số đặc vụ liên quan đến công tác huấn luyện đang ăn trưa và thắc mắc tự hỏi họ phải làm gì khi phải giải quyết vụ tấn công khủng bố, theo lời đặc vụ Taylor Rudd. Sau khi Tổng thống Reagan bị bắn vào năm 1981, đội được mở rộng và cuối cùng được tập trung tại bộ chỉ huy vào năm 1983. CAT khác với đội SWAT (Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt), mà cảnh sát và Mật Vụ có thể bổ trí một khi có tấn công tội phạm hoặc khủng bố xảy ra. Mật danh Hawkeye (Mắt chim ưng), CAT hành động khi đối tượng bị tấn công là tổng thống hay phó tổng thống.
“Tùy theo tình huống, trước 1979, ngoài những đặc vụ đi theo tổng thống, chúng tôi có 5 hay 6 đặc vụ ngồi trong xe cơ bắp với súng tiểu liên Uzi,” William Albracht, một thành viên sáng lập đội phản công, nói. “Nếu có điều gì xảy đến, họ có nhiệm vụ thiết lập một cơ sở hoả lực, tạo ra một lớp bảo vệ khác cho lớp bảo vệ chính, sẵn sàng khai hỏa. Còn công việc của đặc vụ đối với đối tượng được bảo vệ là che chắn và di tản. Phải nhanh chóng đưa đối tượng ra khỏi chỗ nguy khốn đó. Vì thế họ cần được che chắn cho việc rút lui, còn nếu họ ở trong vùng sát hại, phải tăng cường hoả lực hơn nữa để đưa đối tượng thoát ra.”
Vận đồng phục tác chiến đen (BDU), các thành viên CAT đi với tổng thống. Họ được huấn luyện cận chiến, các chiến thuật phản phục kích đoàn hộ tống và xây dựng chiến thuật phòng ngự. Mỗi thành viên được trang bị súng trường tự động SR-16, súng lục SIG Sauer P229, lựu đạn gây choáng và lựu đạn khói. Họ cũng trang bị súng lục nòng ngắn để làm nổ tung khoá cửa.
Một dịp đội CAT phải dàn trận là ngày 12/1/1992, khi một đám biểu tình chống đối nổi loạn trong chuyến viếng thăm của Tổng thống George H. W. Bush đến Thành phố Panama, Panama. Các đặc vụ vội vã ấn vợ chồng tổng thống trở lại chiếc limousine, và họ nhanh chóng rời đi an toàn. Mật Vụ không cần bắn ra viện đạn nào.
Vào tháng 8 1995, CAT dàn đội hình một lần nữa khi Tổng thống Clinton chơi gôn ở câu lạc bộ Jackson Hole ở Wyoming. Các đặc vụ Mật Vụ phát hiện một công nhân đang nhắm một khẩu súng trường vào Clinton từ một mái nhà đang xây dựng ở bên ngoài sân gôn. Hóa ra người này đang dùng ống nhắm viễn thị của khẩu súng để nhìn đoàn người của tổng thống cho rõ. Các đặc vụ giữ y lại để thẩm vấn rồi thả y ra.
Trái với đội CAT, đội phản-bắn tỉa, cũng vận BDU, không đi theo xe hộ tống. Thay vào đó, những thành viên đội này – mật danh Hercules, từ lâu đã được Mật Vụ sử dụng – chiếm những vị trí tại những điểm then chốt ở lối ra và vào. Chẳng hạn, khi tổng thống đang ra hoặc vào Nhà Trắng, họ bố trí trên mái nhà và ở ban công bên kia đường.
Do đó, các tay phản-bắn tỉa là những quan sát viên và có thể phản ứng với mối đe doạ ở xa bằng khẩu Winchester Magnum .300. Khẩu súng được điều chỉnh theo xạ thủ được cấp phát. Mỗi đội cũng được trang bị một khẩu Stoner SR-25.
Các tay phản-bắn tỉa trên nóc Nhà Trắng
Các xạ thủ phản-bắn tỉa được yêu cầu kiểm tra kỹ năng bắn cách 1,000 ya mỗi tháng. Ai không đạt yêu cầu sẽ không được đi theo hoặc phải nghỉ việc.
Các xạ thủ phản-bắn tỉa hợp tác với đội CAT. Nếu CAT đang ở trong nhà và muốn ra ngoài để lên xe hộ tổng, chỉ huy CAT sẽ gọi đơn vị phản-bắn tỉa để hỏi xem khu vực đã sạch chưa.
Ngược với việc giám sát sơ sài dành cho lộ trình diễu hành của Kennedy đến Dallas, Bộ phận Dịch vụ Pháp lý của Mật Vụ giờ tạo ra những mô hình 3D ảo của những dãy nhà dọc theo lộ trình đoàn hộ tống để các đặc vụ có thể nhận định và vạch ra những gì phải làm tại những vị trí đoàn xe tổng thống dễ bị tấn công nhất. Bộ phận cũng làm ra màn trình chiếu sơ đồ các tòa nhà nơi tổng thống đứng nói chuyện.
Như một phần của việc tiền sát, Mật Vụ chỉ định những ngôi nhà an toàn, như trạm cứu hỏa, được sử dụng trong trường hợp có đe doạ. Mật Vụ cũng vạch ra những lộ trình tốt nhất đến các bệnh viện khu vực và báo động cho họ chuyến viếng thăm sắp tới của tổng thống.
Nếu theo kế hoạch tổng thống phải dừng chân tại khách sạn, Mật Vụ sẽ sử dụng toàn bộ tầng nơi có phòng của tổng thống, cũng như tầng trên và tăng dưới. Các đặc vụ xem xét thảm lót để kiểm tra xem có thiết bị nào được giấu giếm. Họ kiểm tra khung tranh có thể rỗng và chứa chất nổ. Họ dự trù những lộ trình thoát hiểm từ mọi phòng mà tổng thống có thể đi vào.
“Trong khách sạn, nếu tổng thống ở qua đêm, chúng tôi giữ gìn an ninh phòng và tầng ông ta đang ở nghiêm nhặt như Nhà Trắng,” một đặc vụ nói. “Chúng tôi cô lập, không cho khách nào khác ở cùng tầng. Nếu tầng quá rộng lớn, chúng tôi sẽ ngăn ra. Nhưng không có người nào lạ được ở cùng tầng, bảo đảm như vậy.”
Trước khi tổng thống bước vào phòng khách sạn, một đội xử lý đối phó dò tìm phóng xạ và những thiết bị điện tử nghe lén hoặc video. Các khách cư ngụ thường xuyên ở khách sạn đặt ra một vấn đề đặc biệt. Các đặc vụ đề nghị họ chuyển sang phòng khác ở khách sạn. Trong trường hợp đó khách sạn thường thay thế bằng những căn phòng tiện nghi hơn mà lại giảm giá. Nhưng một số không đồng ý. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ không đem tổng thống đến ở.
“Như phần đông chúng ta, các tổng thống không thích chờ trong thang máy, vì thế Mật Vụ thuê một công ty sửa chữa thang máy địa phương để lúc nào cũng có thợ trực mỗi ngày.”
Mật Vụ kiểm tra lý lịch của nhân viên chuẩn bị thực phẩm cho tổng thống. Nếu họ đã từng có tiền án hình sự hoặc xài ma túy, các đặc vụ sẽ yêu cầu khách sạn ngưng cho họ làm việc ngày hôm đó. Để bảo đảm không ai lén bỏ độc dược vào thức ăn phục vụ cho tổng thống tại khách sạn hoặc nhà hàng, một đặc vụ sẽ theo dõi việc chuẩn bị bữa ăn, chọn ngẫu nhiên một món đã nấu, và theo dõi khi món đồ được phục vụ. Những nhân viên được kiểm tra được phát một ghim có màu để dễ nhận diện. Trong những chuyến đi nước ngoài, các đầu bếp hải quân có thể chuẩn bị bữa ăn cho tổng thống. Với thức ăn chuẩn bị ở Nhà Trắng, Mật Vụ không trực tiếp liên quan đến.
“Bạn không thể theo dõi mọi thứ,” một đặc vụ Mật Vụ nói. “Nhưng đa số đều được kiểm tra. Chúng tôi có một danh sách nhà cung cấp. Chúng tôi đã kiểm tra nhân viên một lần và trở lại kiểm tra ngẫu nhiên và kiểm tra họ lần nữa xem có bổ sung người mới hay không.”
Chương 10
DEACON
Nếu Mật Vụ coi Richard Nixon là tổng thống thời nay kỳ lạ nhất, thì Jimmy Carter được xem là khó thương nhất. Nếu phép đo thực sự của một người là cách y đối xử với người thấp kém hơn mình, thì Carter xử sự khinh thị đối với người dưới đang giúp đỡ và bảo vệ mình.
“Khi Carter đầu tiên đến đó, ông không muốn các sĩ quan cảnh sát và đặc vụ nhìn ông hoặc nói chuyện với ông khi ông đến văn phòng,” Nelson Pierce, một tiếp viên Nhà Trắng, nói. “Ông không muốn họ chú ý đến mình khi ông đi qua. Tôi không bao giờ hiểu tại sao. Ông đâu có đi đến Phòng Bầu Dục bằng chân trần và không mặc quần áo đâu.
“Chúng tôi không hề dám nói với ông trừ khi được nói tới trước,” Fred Walzel, trưởng Bộ phận Đồng phục Mật Vụ Nhà Trắng, nói. “Carter phàn nàn là mình không muốn nhân viên cất tiếng chào mình.”
Trong ba năm rưỡi, đặc vụ John Piasecky thuộc phân đội của Carter – trong đó có 7 tháng chở ông trên chiếc limousine của tổng thống – và Carter chưa hề nói chuyện với anh, anh nói. Đồng thời, Carter cố thể hiện mình là người của nhân dân bằng cách chính tay mình mang hành lý khi đi công cán. Những đó chỉ là chuyện trình diễn. Khi ông là ứng viên vào năm 1976, Carter tự tay xách túi hành lý khi có giới báo chí ở quanh nhưng nhờ Mật Vụ mang dùm ở những thời điểm khác.
“Carter muốn chúng tôi mang hành lý cho ông từ ô tô đến sân bay,” cựu đặc vụ John F. Collins nói. “Nhưng đó không phải là công việc của chúng tôi, và chúng tôi cuối cùng không chịu làm.” Có lần, Collins nói, chúng tôi mở cốp xe và đóng lại, để hành lý của ông trong cốp xe. Kết quả là ông không có quần áo để thay trong hai ngày.”
“Khi ông đi xa, ông leo lên trực thăng và bay đến Không Lực Một ở Căn cứ Không Lực Andrews,” cựu đặc vụ Clifford R. Baranowski nói. “Ông sẽ xăn tay áo và mang túi hành lý qua vai, nhưng thật ra nó trống rỗng. Ông muốn người ta nghĩ rằng mình tự tay xách túi hành lý của mình.”
Không thể tin được, Carter từ chối thực thi trách nhiệm lớn nhất một tổng thống phải đảm đương – để có thể sẵn sàng hành động trong tình huống bị tấn công hạt nhân. Khi ông về nhà nghỉ phép, “Carter không muốn mang theo quả bóng hạt nhân (chiếc xách tay điện toán chỉ tổng thống mới vận hành được để phát động cuộc chiến tranh hạt nhân phòng thủ trong trường hợp bị tấn công) về Plains,” một đặc vụ Mật Vụ nói. “Không có chỗ để cất giữ ở Plains. Bên quân sự muốn có một xe moóc trực ở đó. Ông không muốn việc đó. Vì thế phụ tá quân sự có nhiệm vụ mang quả bóng phải ở lại America, cách nhà Carter 15 phút lái xe.”
Vì những nghi thức đã được ấn định, trong tình huống bị tấn công hạt nhân, Carter không thể phát động một cuộc phản công bằng cách gọi hỗ trợ ở America. Lúc mà phụ tá quân sự lái xe chở quả bóng hạt nhân đến nhà Carter, trong vòng 5 phút Hoa Kỳ ắt hẳn đã bị quét sạch bởi các tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.
“Y sẽ phải lái xe 10 dặm,” một đặc vụ nói. “Carter không muốn ai quấy rầy mình trên phần đất của mình. Ông muốn được riêng tư. Ông là người không giống ai.”
Qua luật sư của mình, Terrence B. Adamson, Carter chối là mình không chịu giữ quả bóng hạt nhân gần bên mình ở Plains và không muốn các nhân viên đồng phục cất tiếng chào ông trong Nhà Trắng. Nhưng Bill Gulley người mà với tư cách giám đốc Phòng Quân sự Nhà Trắng, khẳng định rằng Carter không chịu để phụ tá quân sự ở gần nơi trú ngụ của ông. “Chúng tôi cố bố trí một xe moóc ở Plains gần nhà tống thống cho bác sĩ (tháp tùng tổng thống) và phụ tá quân sự cùng với quả bóng,” Gulley nói. “Nhưng Carter sẽ không cho phép điều đó. Carter phớt lờ điều đó.”
Carter – mật danh Deacon (Trợ tế) – người lúc nào cũng ủ rũ và ngờ vực. “Khi ông ta đang có tâm trạng không vui, bạn không muốn mang đến cho ông ta điều gì cả,” một cựu đặc vụ nói. “Ông ta có thái độ như muốn nói: ‘Ta là người trình diễn’. Như thể ông không tin tưởng vào bất cứ ai chung quanh mình. Ông cười toác miệng, nhưng khi ở trong Nhà Trắng, đó lại là việc khác.”
“Thời điểm duy nhất tôi thấy một nụ cười trên gương mặt Carter là khi camera đang quay,” cựu đặc vụ George Schmalhofer nói.
“Carter nói, ‘tôi đang tại vị, mọi việc phải theo ý tôi’. Ông cố quản lý mọi thứ. Ngay đến chuyện chơi quần vợt cũng phải hỏi ý ông. Thật khôi hài.”
Tại một cuộc họp báo, Carter bác bỏ những tin đồn cho rằng các phụ tá Nhà Trắng phải xin phép ông sử dụng sân quần vợt. Đúng ra, thậm chí khi ông đi trên chiếc Không Lực Một, Carter còn khăng khăng các phụ tá phải xin phép chơi trên sân.
Vào những hôm ông khó ở, ai cũng ngại đến gặp ông để giao văn thư, vì ông hay quát tháo. Huống hồ là đến để trò chuyện. Hình như lúc nào ông cũng muốn thể hiện quyền lực bằng cách hành hạ người khác.
Trong thời gian đầu của nhiệm kỳ, Carter tuyên bố Nhà Trắng sẽ không chứa rượu mạnh. Mỗi lần có chiêu đãi cấp nhà nước, Nhà Trắng bảo với các phóng viên sẽ không phục vụ rượu mạnh, chỉ có rượu vang.
“Gia đình Carter là chúa nói khoác,” Gulley nói. “Lời ban ra là loại bỏ hết chất men. Không có hơi men trên Không Lực Một, trong Trại David, hoặc trong Nhà Trắng. Lệnh này xuất phát từ những người thân cận của gia đình Carter.”
Gulley bảo với các phụ tá quân sự Nhà Trắng, “Giấu hết rượu đi, và xem điều gì xảy ra.” Theo Gulley, “Chủ nhật đầu tiên họ ở Nhà Trắng, tôi nhận được một cú gọi từ nhà bếp nói, ‘Họ muốn Bloody Mary trước khi đi lễ nhà thờ. Tôi phải làm sao đây?’ Tôi trả lời, ‘Tìm rượu mạnh và mang lại cho họ.'”
“Chúng tôi không hề cắt giảm rượu mạnh dưới thời Carter,” Palmer nói. Thỉnh thoảng Carter uống martini, có khi Michelob Light. Rosalynn Carter – mật danh Dancer – sẽ uống cốc tai pha vodka với nước cam. Lillian Carter, mẹ của Carter, phủ nhận lời tuyên bố của con mình. Trong cuộc phỏng vấn 1977 với tờ The New York Times, bà cho biết, cho dù Nhà Trắng chính thức là không uống rượu, bà vẫn xoay sở nhấp môi chút bourbon mỗi buổi chiều khi bà dừng chân ở đó.
“Một buổi tối bà nói với một quản gia, ‘tôi quen nhấp chút rượu trước khi đi ngủ. Chú có thể sắp xếp cho tôi chút rượu mạnh mỗi đêm được không?'” Shirley Bender nói.
Khi ông ở Nhà Trắng, Carter đều đặn trình diễn màn đi đến Phòng Bầu Dục lúc 5 hoặc 6 giờ sáng để gây sự chú ý với mọi người là mình làm việc siêng năng cho nhân dân Mỹ. “Ông ta sẽ đi tới Phòng Bầu Dục lúc 6 giờ sáng, làm một ít việc khoảng độ nửa tiếng, rồi khép màn cửa và làm một giấc ngắn,” Robert B. Sulliman, Jr., đặc vụ bảo vệ Carter, nói. “Nhân viên của ông sẽ kể lại với báo chí ông đang làm việc.”
Có lần một đặc vụ nhìn qua cửa sổ Phòng Bầu Dục và thấy Carter đang ngái ngủ trong khi giả vờ đang làm việc.
Carter tuyên bố với báo chí là mình đang tiết kiệm năng lượng bằng cách lắp đặt những tấm pin mặt trời trên mái Nhà Trắng để đun sôi nước. “Nó không tạo đủ nước nóng để chạy máy rửa chén đĩa cho nhà bếp,” Cuf nói. ” Đó chỉ là nói khoác. Các nhân viên nhà bếp phải ra ngoài mua thiết bị mới để nước đủ nóng. Còn tốn phí hơn.”
Carter còn muốn cắt giảm phi hành đoàn của Không Lực Một. “Không Lực Một là một chuyên cơ, và bạn cần một số tối thiểu quân số bay,” Cuff lưu ý. “Bạn phải có cơ trưởng, cơ phó, và những người khác. Họ không hề biết chuyện đó. Phi công tổng thống và phó phòng nhân sự không lực phải giải thích cho họ.”
Gulley, người đứng đầu phòng quân sự, nói rằng Carter quá sa đà vào tiểu tiết đến nổi việc thay thảm lót sàn nhà ông cũng phủ quyết. Ở những phạm vi có hàng ngàn người lui tới mỗi ngày, thảm lót đã dơ và mòn, vậy mà ông cũng không cho thay để tiết kiệm tiền thuế của dân chúng.
Carter cho rằng mình chạy nhanh hơn các đặc vụ nên thách họ chạy thi. Các đặc vụ mới nghĩ đến việc tuyển người chạy tốt nhất vào đội bảo vệ tổng thống. Một hôm ở Trại David, Carter hết hơi ngã chúi vào tay một đặc vụ khi ông quá ráng sức để chạy thắng họ.
Một dịp khác, các đặc vụ cảnh báo Carter đi ski trên Trại David sẽ nguy hiểm vì đất không có đủ tuyết và có nhiều chỗ trơ trọi đất. Carter phớt lờ lời khuyên. Ông nói, “Vâng, để xem sao.” Ông đi ra trượt ski và đúng như đã cảnh báo, ông té úp mặt xuống đất và gãy xương đòn.
Với tính khí hơi kỳ cục, Carter thực sự là một người mộ đạo, không chửi thề, và có quan hệ nồng ấm với bà xã, Rosalynn, một cố vấn đắc lực.
Các sử gia đánh giá ông là một tổng thống dưới trung bình. Sau khi giả từ Nhà Trắng, ông có những thành tựu rực rỡ trong những hoạt động từ thiện và hòa giải xung đột quốc tế, và nhận được giải Nobel Hòa Bình danh giá.
Chương 11
Stagecoach (Xe Ngựa Chở Khách)
Là một phần của việc tiền trạm, Mật Vụ duyệt lại những báo cáo từ cộng đồng tình báo về những mối đe doạ tiềm năng. Năm 1996, nguyên tổng thống George H. W. Bush dự kiến bay đến Beirut, Lebanon. Lộ trình buộc phải đáp xuống Cyprus, rồi đi trực thăng đến Lebanon.
“CIA báo tin cho chúng tôi có mối đe đoạ đến sinh mạng tổng thống,” Lou Morales, một đặc vụ đi với Bush 41, như ông được gọi thế, trên chuyến hành trình, cho biết. “Người đưa tin biết rõ lộ trình bay của trực thăng và thời điểm nó cất cánh. Bush là đối tượng trong âm mưu, đã được phiến quân Hezbollah ấp ủ. Chúng sẽ bắn hạ trực thăng bằng tên lửa.”
Mật Vụ thông báo Bush, nhưng ông ta không ngán, vẫn khăng khăng phải đi Beirut bất chấp nguy hiểm. Mật Vụ hủy bỏ chuyến bay trực thăng và thay bằng doàn ô tô hộ tống đi với tốc độ 90 dặm một giờ từ Damascus đến Beirut. Như đối với hầu hết những âm mưu bất thành nhắm vào người được bảo vệ, tin này không hề xuất hiện trên báo chí.
Một khi các đặc vụ đã hoàn tất việc tiền sát, họ đề nghị số đặc vụ bổ sung cần đến để bảo vệ tổng thống. Ca làm việc bình thường gồm một trưởng ca và bốn thành viên. Đây là những người “thế thân” ở quanh đối tượng được bảo vệ. Những đặc vụ khác gồm ba đến bốn đặc vụ vận chuyển, cùng với các đặc vụ phản-giám sát và một đội phản công đầy đủ gồm 5 đến 6 người.
Ngoài những đặc vụ từ văn phòng dã chiến địa phương, các đặc vụ bổ sung cho chuyến viếng thăm của tổng thống lấy từ phần còn lại của 139 văn phòng Mật Vụ trong nước.
Trước khi tổng thống viếng thăm, các đặc vụ sẽ bay đến địa điểm bằng phương tiện vận chuyển của không lực, cùng với chiếc limousine của tổng thống – mật danh Stagecoach – và các xe của Mật Vụ. Các đội phản-bắn tỉa và phản công và chuyên viên bom bay cùng trong chuyến phí cơ đó. Những đặc vụ này là lực lượng bổ sung cho các đặc vụ trực ca tháp tùng tổng thống trên Không Lực Một.
Chiếc xe hiện thời của tổng thống đậu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (tháng 9, 2018)
Trái với chiếc xe mui trần mà Tổng thống Kennedy sử dụng, kể từ lúc Tổng thống Bush nhậm chức tháng 1 2005 chiếc limousine giờ được thay bằng Cadillac. Được gọi một cách thân thương là “Quái vật”. Quái vật rất đáng đồng tiền bát gạo. Được chế tạo bên trên một xườn xe tải GMC, chiếc xe được bọc thép, với kính chống đạn và có bộ phận cung cấp dưỡng khí. Nó được trang bị hệ thống liên lạc mã hóa hiện đại nhất. Nó có thể khởi động từ xa và một bình xăng an toàn. Chiếc xe có thể tiếp tục chạy dù bánh xe có bị bắn bể. Nó có thể chịu được đạn bazooka hoặc lựu đạn bắn trực diện. Các cửa dày đến 18 in-xơ, cửa sổ dày 5 in-xơ. Mẫu cuối cùng mà Tổng thống Obama đi có cửa sổ lớn hơn và tầm nhìn lớn hơn kiểu Bush đi.
Thường chiếc limousine đầu tiên trong đoàn hộ tống là chim mồi. Chiếc limousine thứ hai là dự phòng. Tổng thống có thể thực sự trong chiếc limousine thứ ba hoặc trong bất kỳ chiếc xe nào trong đoàn. Số xe trong đoàn phụ thuộc vào mục đích cuộc viếng thăm. Đối với chuyến viếng thăm không được báo trước đến khách sạn, 7 hoặc 8 xe Mật Vụ, được gọi là gói không chính thức, là đủ. Đối với chuyến thăm có thông báo trước, gói chính thức lên đến 40 chiếc, kể cả những xe chở nhân viên Nhà Trắng và báo chí đi theo. Gói này thường có đến 200 đến 300 người. Chuyến đi nước ngoài có thể liên quan đến 600 người. Chỉ riêng năm 2008, Mật Vụ cung cấp lực lượng bảo vệ cho 135 chuyến đi hải ngoại. Trên những chuyến đi như thế, Mật Vụ nhờ đến lực lượng cảnh sát tại chỗ nhiều hơn khi ở quốc nội. Nhưng khi Richard Nixon là phó tổng thống, cảnh sát bản xứ biệt tăm khi một đám đông cuồng nộ tràn đến Nixon và phu nhân Pat tại phi trường Caracas, Venezuela, vào ngày 13/5/1958.
Cảnh sát bản xứ có nhiệm vụ bảo vệ ở sân bay,” mật vụ Chuck Taylor nhớ lại. “Chúng tôi nhận thấy cảnh sát bản xứ bắt đầu rời đoàn xe hộ tống. Họ như sợ hãi đám đông, vì thế họ không tuân thủ sự phân công giữ gìn an ninh.”
Đám đông ném đá và chai lọ về phía vợ chồng phó tổng thống, các đặc vụ phải tạo một vòng tròn sát bao quanh họ và nhanh chóng hộ tống họ vào chiếc limousine chống đạn của tổng thống. Dọc theo lộ trình đến sứ quán Mỹ, các người biểu tình chống đối đã dựng những chướng ngại vật. Cầm gậy và ống nước, một đám đông bao vây chiếc xe.
“Họ có bom khói, và họ muốn giết mọi người trong đoàn,” Taylor nói.” Có nơi họ đặt trẻ nhỏ án ngữ trước đầu xe, để chúng tôi có gan thì cán qua. Chúng tôi đánh giá tình thế và quyết định đi bộ đưa xe qua khỏi đám đông.
Đám đông ra sức cậy cửa và bắt đầu rung lắc chiếc limousine và định châm lửa đốt. Nhưng chừng nào mà các đặc vụ còn trừng mắt nhìn họ, thì dường như những người nổi loạn còn ngần ngại tiến sát hơn. Các đặc vụ xoay sở đưa được Nixon an toàn về đến sứ quán Mỹ nơi bọn nổi dậy cũng dày đặc.
“Họ muốn đốt rụi sứ quán,” Taylor nói. “Chúng tôi tiến lên và xếp đặt bao cát chung quanh, và kết nối hệ thống liên lạc để điện đàm với Washington. Tôi biết họ đã cắt dây cáp xuyên đại dương, nên không thể kết nối theo kiểu bình thường. Chúng tôi có thể điện đàm với tổng thống và bảo với ông tình hình đang xảy ra. Tổng thống liền ra lệnh cho Đệ Lục Hạm đội đến để di tản người Mỹ.
Hiện giờ trên những chuyến đi trong nước, mỗi đoàn hộ tống đều có đội phản công của Mật Vụ trang bị súng máy. Một xe Mật Vụ khác, gọi là xe tình báo, theo dõi những người tình nghi được đánh giá là có khả năng đe doạ và thu thập những tin tức truyền từ thực địa để đánh giá họ. Nếu cần thiết, nó làm nghẽn đường liên lạc của bất cứ ai thể hiện sự đe doạ. Bình thường, một trực thăng do cảnh sát địa phương cung cấp sẽ bay vần vũ trên đầu.
Đối với đoàn xe hộ tống, cảnh sát địa phương ngồi trên mô tô sẽ chặn các chiều xe hai bên và nhảy cóc từ giao lộ này đến giao lộ khác. Các đặc vụ kiểm tra các văn phòng dọc theo lộ trình. Trước khi Tổng thống Ford thăm Conroe, Texas, đặc vụ Dave Saleeba được cho biết là có một văn phòng trong một tòa nhà dọc theo lộ trình đoàn xe hộ tống không thể mở ra được. Kiểm tra kỹ hơn, anh biết rằng tòa nhà do người thừa kế một luật sư địa phương sở hữu.
Ngược về năm 1915, ông luật sư quá đau lòng khi người con trai, cởi ngựa đến thăm ông, đã té xuống ngựa, đập đầu vào thành giếng và qua đời. Luật sư không hề trở lại văn phòng đó lần nào nữa và ra lệnh cho các thừa kế không được mở cửa. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Saleeba, cháu nội của luật sư, đồng ý mở cửa. Saleeba thấy bàn ghế bám đầy bụi. Trên bàn làm việc có một túi giấy màu nâu trông như thể đựng suất ăn trưa, giờ đã phân hủy.
Các đặc vụ tin rằng chỉ cần đứng ở đó, quét nhìn đám đông bằng con mắt dữ dằn, thường dưới cặp kính đen, sẽ làm nản lòng những tên sát thủ đang chuẩn bị ra tay. Các đặc vụ tìm kiếm những dấu hiệu nguy cơ – những kẻ hình như lạc điệu không giống ai, đút tay vào túi, đổ mồ hôi hoặc bồn chồn, hoặc có vẻ như có vấn đề về tâm thần. Các đặc vụ chốt lại những di chuyển, vật thể, hoặc các tình hướng bất thường.
*Chúng tôi tìm một gã đàn ông mặc áo khoác vào một ngày ấm áp,” đặc vụ William Albracht nói. “Một người không mặc áo khoác vào một ngày trời lạnh. Một người đút tay vào túi. Một tên có mang túi sách. Bất cứ ai có vẻ bồn chồn, bứt rứt, hoặc lạnh lùng. Bất cứ ai nổi bật, hoặc cứ nhìn quanh quất. Bạn nhìn vào mắt họ và nhất là tay họ. Vì bàn tay ở đâu là vấn đề ở đó.”
Nếu đặc vụ thấy một gã đàn ông đứng ở hàng dây thừng ngăn khu vực chào đón tổng thống có tay đút túi, anh sẽ bảo, “Anh làm ơn bỏ tay ra khỏi túi, bỏ tay ra khỏi túi NGAY LẬP TỨC.” Nếu y không nghe, bạn phải vươn tay ra và chụp lấy bàn tay y và giữ yên ở đó.” Albracht nói. “Bạn có những đặc vụ trong đám đông có thể nhận ra vấn đề. Họ sẽ tiến đến và chụp đối tượng và kéo y ra ngoài, chế ngự và lục soát vũ khí. Bạn được phép làm thế với những tình huống cấp bách trong công tác bảo vệ vì nó quá khẩn trương. Bạn không có thì giờ để hỏi, ‘Anh làm ơn bỏ tay ra khỏi túi được không anh?’ Ý tôi muốn nói nếu gã này có mang vũ khí , bạn cần phải xác định ngay, không chần chừ.”
Đặc vụ nào trông thấy vũ khí phải hét lên cho đồng đội: “Có súng! Có súng!”
Để đồng đội có thể nhận ra nhau dễ hỗ trợ nhau, các đặc vụ phải mang những kẹp mã hóa bằng màu trên ve áo trái. Kẹp có hình ngôi sao năm cánh của Mật Vụ, gồm bốn màu khác nhau. Mỗi tuần đổi màu một lần.
Khi đang làm nhiệm vụ, các đặc vụ mang thiết bị liên lạc điện đài đặc chủng kết nối với một kênh mã hóa mà Mật Vụ sử dụng. Về phần kính mắt, khi huấn luyện họ được cấp phát kính Ray-Ban trong suốt để bảo vệ cặp mắt, trong trường hợp có ai đó ném cát đá vào đối tượng được bảo vệ. Phần lớn đặc vụ đều mang kính mát, cho dù đang ở trong nhà, vừa trông có vẻ ngầu vừa khiến người mà họ quan sát không biết họ nhìn ở đâu. Tất nhiên, có người cũng không mang thứ gì cả.
Các đặc vụ mặc quần áo đơn giản và không mang thiết bị liên lạc rườm rà khi xâm nhập đám đông và tuần tra chung quanh Nhà Trắng. Nếu họ phát hiện có vấn đề hoặc có sự cố, họ dùng điện thoại di động để liên lạc với Trung tâm Hoạt động Phối hợp. Những đặc vụ này cố suy nghĩ như mình là sát thủ: Làm sao bẽ gãy được hệ thống an ninh, hoặc tìm ra lỗ hổng hoặc điểm yếu, và bảo cáo lên trên để khắc phục.
Các chuyên viên chụp ảnh đám đông tại các sự kiện có tổng thống thăm viếng. Các hình ảnh này được đối chiếu với các ảnh đã chụp ở những sự kiện khác – và đôi khi sử dụng phần mềm nhận dạng gương mặt – để tìm ra một đối tượng đặc biệt nào đó xuất hiện.
Kể từ khi có vụ ám sát Ford, các tổng thống thường phải mặt áo vét chống đạn khi dự các sự kiện quần chúng. Áo thường thuộc loại Kevlar Type Three, có khả năng chặn được đạn của hầu hết súng lục bắn trừ những vũ khí thật mạnh. Hiện giờ các đặc vụ bảo vệ tổng thống và phó tổng thống cũng được khuyến cáo mặc áo chống đạn khi công tác, những một số không thích mặc. Dù áo vét chống đạn đã được cải tiến những vẫn còn bất tiện và khó chịu nhất là vào những ngày nóng nực.
“Bạn phải cảnh giác cao độ,” cựu đặc vụ Jerry Parr, cầm đầu phân đội bảo vệ Reagan khi ông bị bắn. Trong vòng 20 năm trước khi có vụ ám toán Reagan, “bạn có một tổng thống bị giết chết, một bị thương, một thống đốc bị bắn bị thương và liệt, hai âm mưu sát hại Ford, và Martin Luther King bị giết chết. Bạn biết họ vẫn còn ở ngoài đó. Chỉ có điều bạn không biết ở đâu.”
Chương 12
Rawhide (Da Sống)
Ngược với Jimmy Carter, Ronald Reagan đối xử rất quí trọng với các đặc vụ, phi hành đoàn Không Lực Một, và các gia nhân cùng quản gia tại Nhà Trắng.
Một kỹ sư phi hành của Không Lực Một cho biết, “Trong hai năm tôi theo Carter, chỉ duy nhất một lần ông ló đầu vào buồng lái. Nhưng Ronald Reagan chưa bao giờ lên xuống máy bay mà không ló đầu vào buồng lái và nói, ‘Cám ơn các bạn’ hoặc ‘Chúc ngày tốt lành’. Ông duyên dáng với người gần gũi cũng như với quần chúng.”
Một đặc vụ khác cho biết, “có lần vào dịp Giáng Sinh chúng tôi phải trực bảo vệ ở trang trại ông, ông tiến đến tôi và xin lỗi việc tôi phải công tác xa gia đình mình trong dịp lễ. Nhiều lần, ông ấy mang cho chúng tôi thức ăn khi gia đình tổng thống có tiệc chiêu đãi khách. Tôi không hề kỳ vọng điều đó, nhưng đôi khi vợ chồng tổng thống họ cứ nài ép.”
Một đặc vụ nhớ khi Reagan đang vận động tranh cử tổng thống lần đầu tiên, ông rời nhà ông ở Bel Air để lái xe về Rancho del Cielo, trang trại rộng 700 mẫu ở phía bắc Santa Barbara. Anh chú ý thấy ông mang theo súng lục, liền hỏi để làm gì, thì được ông trả lời. “Vâng, đề phòng trường hợp các cậu làm chưa xong, tôi có thể tiếp tay hỗ trợ.” Reagan, mật danh Rawhide (Da sống), thổ lộ với một đặc vụ rằng trong chuyến công du của mình đến Liên bang Xô-Viết vào tháng 5 1988, ông đã mang theo một khẩu súng lục trong xách tay.
Có một thời gian, Đại lộ East Executive bị đóng, và khi đoàn hộ tống Reagan rời Nhà Trắng, nó phải đi dọc theo Đường E vào Đường Số 15 thay vì sử dụng Đại lộ Pennsylvania phía trước Nhà Trắng. Kết quả là, trừ khi nhìn ra cửa sổ Nhà Trắng, Reagan không thể trông thấy những người biểu tình chống đối vũ khí hạt nhân dựng lều bên kia Đại lộ Pennsylvania trong Công viên Lafayette. Sau khi Đại lộ East Executive mở lại, đặc vụ Patrick Sullivan đang lái thì Reagan nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc limousine. Ông nhìn thấy gã biểu tình ‘bốn mùa’ trong Công viên Lafayette.
Đặc vụ Sullivan nhớ lại quý ông này căn lều ở đó suốt thời gian và dựng biểu ngữ chung quanh. Y là người chống đối phi bạo lực. Khi đoàn xe tổng thống tiến vào đường East Exec và quẹo trái vào Pennsylvania, gã biểu tình quá sốc vì suốt một năm cắm dùi biểu tình ở đây chưa hề bao giờ thấy đoàn xe tổng thống đi qua lối đó. Gã liền đứng bật dậy và chào Tổng thống Reagan theo kiểu Quốc xã Đức, đồng thời hét lên “Heil Reagan! Heil Reagan!”
Tổng thống thấy vậy cũng rất sốc và thấy bị xúc phạm, ông nói với các đặc vụ đi theo, “Các cậu có thấy gã chào tôi kiểu Quốc xã chứ? Tại sao gã làm thế?”
“Thưa Tổng thống, gã đó cắm dùi ở đó lâu rồi. Gã tâm thần là cái chắc,” Sullivan đáp.
“Ồ, vậy à,” Reagan nói.
Khi cho biết gã tâm thần, ông mới an tâm. Ông không thoải mái nếu gã là một công dân bình thường. Reagan là con người thực tế, trung thực, nên sẽ cảm thấy bị tổn thương nếu gã này chào ông theo kiểu Quốc xã.
Rất thường, Reagan lặng lẽ gởi ngân phiếu cá nhân giúp đỡ những người đã viết thư trình bày những khó khăn của mình.
“Reagan nổi tiếng vì đã gây sôi nổi cho các phi công phản lực cơ của không lực khi vận động họ chuyên chở những trẻ em mổ thận,” Frank J. Kelly, người thảo những bức thư cho tổng thống, nói. ” Đây là những việc bạn chưa hề biết. Tổng thống không bao giờ khoe khoang về việc đó. Chính tôi đã đích thân mang những chi phiếu bốn hay năm ngàn đô-la cho những người khó khăn đã viết thư cho ông. Ông dặn, ‘Đừng nói cho ai biết. Chính tôi cũng nghèo.'”
Khi Reagan phải đi đến Spokane, Washington, vào năm 1986, Pete Dowling là một thành viên của đội tiền sát được gởi đi trước để nắm tình hình. Ngoài việc duyệt lại tất cả mối đe doạ được biết, ông gặp gỡ phòng cảnh sát Spokane, FBI, và những cục khác có thể nhận được tình báo về những mối đe doạ tiềm năng.
Một tối, phòng cảnh sát gọi cho Dowling để báo cáo về một cặp vợ chồng già sống ở khu Best Western đã tìm thấy một khăn ăn lớn bằng giấy nằm trên sàn thang máy. Thấy khăn giấy có viết chữ, họ tò mò cúi xuống nhìn cho kỹ. Rõ ràng khăn giấy có vẽ sơ đồ của Khán phòng Spokane, nơi Reagan sẽ đến nói chuyện trong bốn ngày tới.
Dowlinh bèn lập tức đi đến phòng cảnh sát, xem xét khăn giấy. Đúng là có sơ đồ của Khán phòng Spokane trên đó. Ngoài ra còn có những ghi chú, những dấu X chung quanh khu vực ngoại vi của khán phòng; và có ghi chú X chỉ trạm gác an ninh. Rồi còn có ghi tất cả biển số xe giám sát mà đặc vụ đang sử dụng.
Thời gian đó, một nhóm tân-Quốc xã có tên Các Dân Tộc Aryan đặt căn cứ ở Coeur d’Alene, Idaho, cách Spokane 45 phút chạy xe. Trong các mục tiêu của họ, có mục tiêu chống thuế và hăm dọa ám sát các viên chức nhà nước. Dowling cho rằng tấm khăn giấy xuất phát từ nhóm đó. Anh lái xe tới cao ốc Best Western nơi họ cư ngụ và yêu cầu thư ký trình ra tất cả đơn đăng ký.
Y đưa anh một hộp gỗ chứa các đơn đăng ký. Có tất cả 400 phòng trong cao ốc, vì thế anh bắt đầu lướt qua các đơn, và đến đơn thứ 60, thì ngay bóc. Trên đơn chính xác nét chữ viết tay mà anh đã thấy trên tấm khăn giấy.
Dowling chú ý đến số xe đã khai trên đơn. Anh bước vào khu vực đậu xe và tìm được một ô tô bốn chỗ có biển số đó. Nhìn vào trong, anh thấy chăn được xếp ngăn nắp ở băng sau và hai chiếc gối đặt trên chăn. Trên sàn xe là vài cuốn sách xếp chồng lên nhau. Hiển nhiên là có ai đó sinh sống trên xe. Dowling thấy kỳ lạ là có người sống trên xe mà ngăn nắp như thế. Anh gọi cảnh sát yêu cầu gởi đến hai ô tô hỗ trợ.
Họ cùng nhau lên phòng, và anh gõ cửa. Có tiếng người hỏi, “Ai đó?” Dowling đáp, “Tôi đây, mở cửa mau.”
Tên đó ra mở cửa. Y chỉ mặc quần lót. Anh nắm tóc y, và kéo y ra hành lang. Sau đó chúng tôi lục soát phòng y để chắc chắn không còn ai khác ở trong đó và mang vũ khí.
Dowling chú ý đến một viên đạn trên mặt bàn trang điểm. Buộc vào viên đạn là một sợi dây và đầu kia treo một miếng giấy trắng, trên đó ghi dòng chữ, “Reagan phải chết.”
Nghi can cho phép Dowling lục soát căn phòng nhưng không cho phép lục soát ô tô.
“Dù sao thì tao cũng ở đây suốt đêm nay, nên đi xin giấy phép lục soát vào lúc ba giờ sáng thì cũng chẳng nhằm nhò gì. Không thành vấn đề,” Dowling nói với y.
“Vậy thì lục soát xe tao đi,” gã nói. “Có súng trong xe đó.”
Hỏi thì hoá ra gã này vừa mới ra tù sau khi mãn án vì tội cướp nhà băng. Trong thời gian ở tù, y đã có mối quan hệ lãng mạn với một bạn tù nam khác. Bạn tù kia vừa chuyển đến một trại giam khác và nghi can nghe tin là người yêu cũ đồng tính của mình đã cặp bồ với người khác.
Thế là y nảy ra ý định làm một chuyện gì đó ngoạn mục trong khu vực Spokane để có thể trở lại trại giam và đoàn tụ với người yêu cũ.
Chương 13
Rainbow (Cầu Vòng)
Nếu các bà bạn giàu có ở California của Đệ nhất Phu nhân Nancy Reagan báo cho bà biết mình đã nhận được ấn bản mới nhất của tạp chí thời trang Vogue và Mademoiselle trước khi bà nhận được, là bà giận cá chém thớt lên các nhân viên Nhà Trắng. Lúc đó, những người mang thư đến cho bà cũng sợ vì phải nghe bà quát tháo. Bà hỏi các thư ký tại sao họ nhận rồi mà bà chưa nhận được. Nhân viên phải cho người lục lọi các sạp báo ở Washington, nhưng lúc nào các sạp cũng chưa bày bán.
Ngay từ khi Reagan bước vào cuộc đời một chính trị gia là ông được Nancy làm quản lý sân khấu. Trong tự truyện của mình, Nancy viết, “Có khi nào tôi đưa ra lời khuyên cho Ronnie không? Xin thưa, có đấy. Tôi là người hiểu ông nhiều nhất, và tôi là người duy nhất ở Nhà Trắng tuyệt đối không có lịch trình của riêng mình – trừ ra hỗ trợ ông.”
“Bà Reagan là một phụ nữ mực thước và yêu cầu cao,” John F. W. Rogers, phụ tá Nhà Trắng của Reagan, nhớ lại. “Quan tâm duy nhất của bà là lên lịch trình của chồng mình.” Và hoá ra những tư vấn của bà đều tốt đẹp. Theo lời bà giải thích, “Dù yêu quí ông bao nhiêu, tôi cũng phải công nhận rằng ông có ít nhất một khuyết điểm: Ông có khi rất ngây thơ về những người chung quanh ông. Ronnie thường có khuynh hướng nghĩ tổt về người khác. Trong khi đó là một phẩm chất tốt với tư cách một người bạn, nhưng nó có thể gây rắc rối cho bạn trong chính trị.”
Mật danh Rainbow (Cầu vòng), Nancy “rất lạnh,” một đặc vụ Nhà Trắng nói. “Bà chỉ có đám bạn bốn người ở Los Angeles, và thế là hết. Không có gì thay đổi khi bà đối xử với con cái. Bà nói rõ với các con là nếu chúng muốn gặp bố, chúng phải qua bà trước đã. Đó là luật lệ bất đi bất dịch. Không phải là chúng không thể gặp bố. Vấn đề là có nên gặp bố không và gặp khi nào là tốt. Bà là người rất khác.”
Như Nancy, cô con gái nhà Reagan, Patti Davis cũng khó chịu. Khi các đặc vụ theo bảo vệ cô ở New York, cô thường trốn tránh họ bằng cách nhảy ra khỏi xe cơ quan trong khi xe ngừng đèn đỏ. Cô ta xem các đặc vụ gây phiền toái cho mình.
Albracht nói, “Một lần đến chơi New York, cô đi với diễn viên điện ảnh Peter Strauss, người mà thời gian đó cô đang hẹn hò. Khi thấy cô cứ đối xử với các đặc vụ thiếu tôn trọng, Strauss bực tức và phê phán cô. Anh hăm nếu cô tái diễn thì sẽ bỏ về Los Angeles. Bạn có tin không, thế là sau đó cô bắt đầu xử sự tốt hơn với họ.”
Một đặc vụ khác cho rằng Nancy điều khiển chồng đến nỗi bà chống đối cả việc ông chuyện trò với các đặc vụ bảo vệ mình.
“Reagan là một người quá bình dị, dễ chuyện trò,” đặc vụ nói. “Ông là người giỏi việc giao tiếp. Ông muốn thân thiện với mọi người, và chấp nhận họ như họ là. Vợ ông thì ngược lại. Nếu bà thấy ông đang chuyện trò vui vẻ với các đặc vụ, cười đùa như bạn bè cũ, là bà sẽ đến gọi ông ra chỗ khác. Bà là xếp sòng.”
Vào ngày Reagan rời chức vụ, ông bay về Los Angeles quê quán ông trên Không Lực Một. Khán đài đã được dựng lên gần một hăng-ga, và một đám đông chào đón ông khi ông bước xuống máy bay trong tiếng nhạc của ban nhạc Đại học Nam California (USC).
Khi ông đứng đó, một sinh viên USC cởi chiếc mũ trận kiểu thành Troy đang đội, kêu to ‘Ngài Tổng thống’ rồi ném nón về phía ông. Ông trông thấy và nhanh tay bắt lấy và đội lên đầu. Đám đông vỡ òa.
Nhưng Nancy đã nghiêng người về phía ông và nói, “Cởi chiếc nón ra mau. Anh trông như thằng điên đó.”
Ông liền xịu mặt và cởi ra. Chuyện như thế xảy ra thường xuyên.
Dù Reagan và Nancy có mối quan hệ nồng ấm, như bất kỳ cặp vợ chồng nào, họ cũng thường cãi cọ nhau về những việc vặt vãnh như ăn uống. Lúc nào Nancy cũng lấn lướt tổng thống quá mức.
Đặc vụ Palmer kể, “Chúng tôi đi Alaska. Bà ăn vận mọi thứ bà cần. Bà quay sang tổng thống và hỏi, ‘Bao tay ông đâu?’ Ông nói, ‘Tôi không mang bao tay’ Bà nói, ‘Ồ, không được, ông phải mang.’ Ông nói không mang.'” Cuối cùng Reagan cũng cầm lấy bao tay, nhưng vẫn nói mình không thể bắt tay khi mang bao tay. Và thế là ông không mang bao tay.
Nancy lúc nào cũng ép chồng ăn những thực phẩm lành mạnh, nhưng ông quay sang ăn những món khoái khẩu mỗi khi bà đi vắng. Một trong những món ông ưa chuộng là mỳ ý và phô mai, những món mà bà kêu la không-không. Nếu chúng có trên thực đơn, bà sẽ nói, “Ông không được ăn mấy thứ này.”
Dù không nói ra nhưng không làm theo như nhà Carter ở Nhà Trắng, nhà Reagan là gia đình uống rượu ít nhất.
Khi họ ở trang trại, vợ chồng Reagan thường cởi ngựa cùng nhau mỗi ngày sau bữa ăn trưa. Mặc dù trước khi làm chính trị ông từng là diễn viên đóng những phim cao bồi miền Tây, Reagan lại thích ăn vận kiểu Anh khi cởi ngựa. Ông thường cởi con El Alamein, con ngựa Anh-Ả rập màu xám mà cựu tổng thống Mễ đã tặng ông.
Theo lời đặc vụ Chomicki, Reagan có thời khóa biểu mà ông thường theo. Ông sẽ đi đến chuồng ngựa ngay bên ngoài nhà. Ông đánh yên hai con ngựa đàng hoàng, rồi sau đó lắc chiếc chuông tam giác nhỏ, dấu hiệu để báo Nancy biết là ngựa đã chuẩn bị xong, hãy lên đường.
Một buổi chiều, Reagan lắc chuông mãi mà không thấy Nancy xuất hiện. Cuối cùng ông phải đi vào nhà kiếm bà. Một lát sau ông bước ra, mặt mày bực bội.
Ngay lúc đó đặc vụ Chomicki nhận được cuộc gọi từ kỹ thuật viên Bộ phận Liên lạc Nhà Trắng cho biết anh ta đã phát hiện đường dây liên lạc đến trang trại có vấn đề, có thể một ống nghe đã rời khỏi giá điện thoại. Anh nhờ Chomicki kiểm tra. Chomicki nhờ một kỹ thuật viên bước vào nhà. Chẳng bao lâu anh trở ra tay cầm một điện thoại đã bị đập bể.
Chomicki kể, “Bà ấy chát trên điện thoại, nên không bước ra khi tổng thống lắc chuông. Nancy thực lòng chẳng ưa trang trại. Bà chỉ đến đó vì tổng thống thich. Nếu không cởi ngựa, bà chỉ ở trong nhà gần như suốt thời gian, và phần lớn thời gian bà dành để tám chuyện với các bà bạn ở Los Angeles. Về phần tổng thống, cao điểm của một ngày là đi ngựa với Nancy. Vì thế khi bà không bước ra ngoài đi với ông vì mãi tám chuyện trên điện thoại, ông bước vào và ném phăng chiếc điện thoại xuống sàn nhà.”
Ngoài việc cởi ngựa tại trang trại, Reagan còn cởi ở Căn cứ Thủy quân Lục chiến Quantico tây nam Washington, ở Trại David, và ở Công viên Rock Creek. Các đặc vụ bảo vệ ông được Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ tập cởi ngựa. Một đặc vụ, Barbara Riggs, là một tay kỵ mã chuyên môn và không cần được huấn luyện. Được tuyên thệ vào Cục Mật Vụ năm 1975, Riggs là người phụ nữ thứ 10 trở thành đặc vụ Hoa Kỳ. Năm nữ đặc vụ đầu tiên gia nhập Mật Vụ vào năm 1971.
Reagan đối xử với Riggs thân tình như bạn bè ngang hàng. Khi cô ngã ngựa và bị chấn thương, sau đó trở lại làm việc, ông gọi cô lên lầu vào phòng khách của Nhà Trắng. Reagan trao cho cô một quyển sách có tên Những Nguyên Tắc Cởi Ngựa và Huấn Luyện Ngựa. Rồi với một cái nháy mắt, ông đề nghị cô đọc lại cuốn sách.
Riggs nói, “Vâng, tôi đã gặp những quấy nhiễu tình dục, những rào cản, và những thái độ cho rằng phụ nữ không nên làm đặc vụ chấp pháp. Có một số người không tin phụ nữ có năng lực, về thể chất cũng như tinh thần, để làm công việc này. Nhưng tôi cũng gặp nhiều cá nhân vừa giảng dạy tôi vừa cho tôi những cơ hội lớn lao.”
Năm 2004, Riggs trở thành phó giám đốc nữ đầu tiên của Cục Mật Vụ. Mật Vụ hiện nay có 380 nữ đặc vụ.
“Bạn luôn có thể tìm thấy một khủng long trong bầy đàn,” Patricia Beckford, nữ đặc vụ thứ 8, nói. “Bạn phải tự chứng tỏ mình. Và tại một thời điểm nào đó, họ nhận ra rằng phát súng Magnum .357 của chúng tôi cũng chính xác như của họ.”
(Còn tiếp)
Pingback: Bảo vệ tổng thống Mỹ- Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử