
Bản đồ Vịnh Turon (Đà Nẳng) do Arthur Gore & Philip Bromfield vẽ năm 1764 trong đó Turon được ghi ở cửa sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng, trong khi Faifoe (Hội An) ở bên dưới.
Trần Thanh Ái
Khi tìm hiểu giai đoạn khởi đầu của mối bang giao Pháp – Việt vào cuối thế kỷ 18, người đọc không khỏi băn khoăn về độ chính xác của các tài liệu bằng tiếng Việt đã xuất bản và hiện còn lưu trữ trong các thư viện hoặc Internet. Không bàn về sự khác biệt giữa những cách nhìn nhận và đánh giá của các nhà viết sử, đôi khi người đọc bắt gặp những sự sai lệch, nhỏ có nhưng lớn cũng có, trong các phần trình bày về các sự kiện khách quan, ngay cả đối với những văn bản lịch sử quan trọng. Khi tìm hiểu hiệp ước đầu tiên được ký kết năm 1787 tại Versailles giữa triều đình Pháp và giám mục Bá Đa Lộc được Nguyễn Ánh ủy nhiệm, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều tài liệu viết rất khác nhau đến độ không thể chấp nhận được. Mặc dù hiệp ước này không có hiệu lực vì nhiều lý do, nhưng việc xác định các văn bản gốc để đối chiếu và chỉnh sửa các tài liệu đã biên soạn là vô cùng cần thiết, ít ra là vì ba lẽ : một là để tránh cho các thế hệ nghiên cứu mai sau không phải lặp lại những điều sai sót, hai là để góp phần làm sáng tỏ một số khía cạnh của lịch sử bang giao quốc tế của nước ta, và ba là để rút ra những bài học quý giá, dù đó chỉ là một hiệp ước chết yểu.
- Tầm quan trọng của hiệp ước Versaille 1787
Như mọi người đều biết, việc sang Pháp cầu viện năm 1787 của giám mục Bá Đa Lộc tuy đã đạt được thỏa thuận ban đầu với vua Louis, nhưng hiệp ước Versailles đã chết ngay trong trứng nước. Sách Đại Nam thực lục chỉ ghi vắn tắt kết quả của cuộc công cán ở Tây Dương, như thể không hề có hiệp ước:
“Tháng 6, hoàng cả Cảnh từ nước Tây Dương về. Đầu là vua sai Cảnh sang Đại Tây cầu việc, trải hai năm mới đến nước ấy. Vua nước ấy đãi theo vương lễ, nhưng cuối cùng không thể giúp được, mới sai thuộc hạ là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn theo Bá Đa Lộc đưa Cảnh về.” (Quốc sử quán, 2002, tr.248)
Tuy nhiên, người Pháp lại có cái nhìn khác, và hiệp ước vẫn luôn lởn vởn trong tâm trí của họ, nhất là giới chính trị gia, như tiếc nuối một cơ hội đã vuột mất. Vì thế, nó chỉ còn là một ký ức có tác dụng như chất xúc tác trong cuộc xâm chiếm sau này ở Việt Nam, đôi khi nó được sử dụng như cái cớ để Pháp tìm cách đặt chân đến Việt Nam. Khi nói về chuyến công cán của de Kergariou đến xứ Đàng Trong, A. Schreiner (1906) viết:
“Năm 1818, bá tước de Kergariou, thuyền trưởng khinh hạm Cybèle, thừa lệnh vua Louis XVIII nước Pháp, đã đến An Nam yêu cầu thi hành hiệp ước 1787 liên quan đến Đà Nẵng (Tourane) và Côn Lôn (Poulo-Condore).” (Schreiner A. 1906, tr. 115).
Và với tầm nhìn địa chính trị của J. Barrow, hiệp ước Versailles, nếu được thi hành, sẽ có thể giúp người Pháp thực hiện ước mơ làm chủ cả vùng Đông Ấn, và trực tiếp đe dọa đến lãnh thổ của đế quốc Anh:
“Nhãn quan của người Pháp về đoạn bờ biển này [từ Cù lao Chàm đến Hải Vân] đã rõ ràng qua các điều khoản của hiệp ước này, hiển nhiên là nhằm đóng mới và trang bị một lực lượng hải quân có thể một ngày nào đó uy hiếp lãnh thổ của chúng ta ở phương Đông; và không có gì chắc rằng nỗ lực ấy sẽ không được lặp lại, và rằng nước Pháp đế quốc không thể thực hiện những điều mà nước Pháp quân chủ chỉ dám ước mơ.” (Barrow J. 1806, tr. 335-336)
Chính vì thế, không phải chỉ có người Pháp mới quan tâm đến hiệp ước, mà người Anh cũng không rời mắt khỏi những động thái của người láng giềng bên kia bờ biển Manche. Ấy thế mà có quá nhiều điều mù mờ trong các tài liệu đã được công bố, kể cả tài liệu bằng tiếng Việt.
- Nhiễu loạn thông tin về văn bản hiệp ước
Tác giả John Barrow của đoạn trích bên trên là một viên chức người Anh đã được cử đi sứ sang nhiều nước, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam. Ông là người đầu tiên giới thiệu nội dung hiệp ước liên minh Pháp – Việt ký tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787. Chưa đầy 2 năm sau đó, khi hiệp ước chưa được Nguyễn Ánh và Louis XVI chuẩn y để có hiệu lực như đã quy định trong điều 10, thì nổ ra cuộc cách mạng 1789, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ phong kiến và tình trạng rối loạn chính trị – xã hội trong một thời gian dài, đến độ ở Pháp chẳng mấy ai còn nhớ đến hiệp ước yểu mệnh đó nữa. Không biết bằng cách nào mà Barrow lại có được thông tin khá chi tiết về hiệp ước ấy, và năm 1806 ông cho xuất bản quyển A voyage in Cochinchina in the years 1792 – 1793, trong đó ông ghi lại nội dung cơ bản của hiệp ước. Làm sao Barrow đọc được tài liệu này trước cả người Pháp? Có lẽ sẽ không bao giờ có câu trả lời chắc chắn, tuy nhiên, mọi nghi vấn đều tập trung vào giả thuyết về sự ra tay của hệ thống tình báo Anh lúc bây giờ[1].
2.1 Nội dung “hiệp ước” trong sách của J. Barrow
Quyển sách của Barrow tường thuật lại chuyến đi công cán tại xứ Đàng Trong vào những năm 1792-1793, và trong đó ông giới thiệu bằng tiếng Anh cái mà ông gọi là hiệp ước Versailles 1787. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi dịch toàn văn tài liệu này ra tiếng Việt như sau:
“Đề án của nhà truyền giáo [Bá Đa Lộc] được đánh giá rất cao, đến độ chỉ trong vòng vài tháng một hiệp ước đã được vạch ra và thỏa thuận giữa Louis XVI và vua xứ Đàng Trong, và được ký ở Versailles giữa các bá tước de Vergennes và de Montmorin thay mặt vua nước Pháp, và hoàng tử trẻ tuổi. Sau đây là những điều khoản chính của hiệp ước bất thường này, mà tôi tin rằng đến bây giờ nó vẫn chưa được công bố:
- Sẽ có một liên minh tấn công và phòng thủ giữa hai nhà vua Pháp quốc và xứ Đàng Trong, do đó, họ thỏa thuận sẽ cung cấp cho nhau sự hỗ trợ để chống lại tất cả những kẻ có thể gây chiến với một trong hai bên ký kết.
- Để hoàn thành mục tiêu này, sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của vua xứ Đàng Trong một hạm đội gồm 20 thuyền chiến của Pháp, với kích cỡ và hỏa lực phù hợp với nhu cầu phục vụ cho đức vua.
III. Năm tiểu đoàn lính châu Âu và hai tiểu đoàn lính thuộc địa sẽ được gửi ngay lập tức đến xứ Đàng Trong.
- Vua Louis XVI cam kết trong vòng bốn tháng sẽ cung cấp một khoản tiền 1 triệu đô la, trong đó 500.000 bằng tiền mặt, số còn lại bằng diêm sinh, đại bác, súng trường cá nhân và những thiết bị quân sự khác.
- Kể từ khi binh lính Pháp đặt chân lên lãnh thổ của vua xứ Đàng Trong, họ và các tướng lĩnh của họ sẽ nhận lệnh của vua xứ Đàng Trong, cả trên biển lẫn trên đất liền.
Mặt khác:
- Vua xứ Đàng Trong cam kết ngay sau khi vương quốc được ổn định, sẽ cung cấp tất cả những thứ cần thiết về trang thiết bị, về lương thực, để hạ thủy 14 con thuyền đi đường dài khi có yêu cầu của sứ giả của vua nước Pháp; và để thực hiện suôn sẻ mục tiêu này, một nhóm sĩ quan và hạ sĩ quan hải quân sẽ được gởi từ châu Âu đến để xây dựng một cơ sở thường trực ở xứ Đàng Trong.
- Hoàng thượng Louis XVI sẽ cử các lãnh sự thường trú tại các địa điểm ven bờ biển xứ Đàng Trong, ở những nơi mà Hoàng thượng thấy cần thiết. Các lãnh sự này sẽ được cấp đặc quyền đóng mới, hoặc nhờ người khác đóng các tàu thuyền, khinh hạm và các loại phương tiện khác mà triều đình xứ Đàng Trong không được cản trở vì bất cứ duyên cớ gì.
III. Để đóng tàu thuyền các loại, sứ giả của vua Louis XVI ở triều đình xứ Đàng Trong sẽ được cấp phép khai thác gỗ ở mọi khu rừng nào mà họ tìm được gỗ thích hợp cho việc đóng chiến hạm, tàu thuyền các loại.
- Vua xứ Đàng Trong và hội đồng vương quốc của ông sẽ nhượng vĩnh viễn cho Hoàng thượng vô cùng mộ đạo, và những người kế tục vương nghiệp của ngài, hải cảng và vùng đất Han-san (vịnh Turon và bán đảo) và các đảo lân cận từ Faifo [Hội An] ở phía Nam đến Hai-wen [Hải Vân] ở phía Bắc.
- Vua xứ Đàng Trong cam kết cung cấp người và vật tư cần thiết cho việc xây dựng các đồn lũy, cầu cống, đường xá, hồ nước, vv. những thứ được cho là cần thiết trong việc bảo đảm an ninh và phòng thủ những nhượng địa dành cho đồng minh đáng tin cậy của ngài là vua nước Pháp.
- Trong trường hợp mà dân bản xứ chán ghét không muốn ở lại trên phần nhượng địa, bất cứ lúc nào họ cũng sẽ có quyền tự do ra đi, giá trị tài sản mà họ để lại sẽ được đền bù. Luật lệ dân sự cũng như hình sự sẽ không thay đổi; mọi tín ngưỡng sẽ được tự do; thuế khóa sẽ do người Pháp thu gom theo thông lệ hiện hành; và nhân viên thu thuế sẽ được đề cử theo thỏa thuận chung giữa sứ giả Pháp và vua xứ Đàng Trong; nhưng nhà vua sẽ không đòi hỏi phần nào trên tiền thuế thu được, nó sẽ thuộc về Đức Vua Vô cùng Mộ đạo để trang trải những chi phí ở nhượng địa.
VII. Trong trường hợp mà Đức Vua Vô cùng Mộ đạo quyết định tham chiến ở nơi nào đó thuộc Ấn Độ, viên chỉ huy quân đội Pháp sẽ được phép tuyển 14.000 quân, và ông ta sẽ cho tập luyện theo cách như ở Pháp, và đào tạo họ theo kỹ luật quân đội Pháp.
VIII. Trong trường hợp một số cường quốc tấn công người Pháp trên lãnh thổ xứ Đàng Trong, vua xứ Đàng Trong sẽ cung cấp 60.000 lính lục quân hoặc nhiều hơn, do vua xứ Đàng Trong cung cấp áo quần và lương thực, vv.
Ngoài các điều khoản này, hiệp ước còn chứa vài điều khoản khác ít quan trọng hơn, nhưng người ta có thể tin rằng tất cả các điều khoản đều rất có lợi cho phía Pháp.” (Barrow, 1806, tr. 261-264)
Về hình thức văn bản, không khó để nhận ra rằng đây không phải là văn bản chính thức của hiệp ước, vì hai câu đầu tiên là lời giới thiệu và nhận xét của Barrow (với chủ ngữ “tôi” tức Barrow) chứ không phải là mẫu câu quen thuộc giới thiệu hai bên tham gia ký kết, và sau điều khoản VIII lại là chữ viết tắt “&c. &c.” (vân vân), là từ gần như không bao giờ xuất hiện trong các cam kết quốc tế. Có lẽ đây là dấu vết còn sót lại từ các ghi chép nhanh, cùng với chữ “dollar” khi nói về giao dịch tiền tệ với Pháp. Và có lẽ Barrow đã đọc được bản tiếng Pháp rồi viết lại bằng tiếng Anh, vì để nói về vua Louis XVI Barrow dùng cụm từ His most Christian Majesty, là cách dịch từ cụm từ tiếng Pháp Sa Majesté très Chrétienne[2].
2.2. Những bản tiếng Pháp được công bố sau Barrow
Một năm sau khi xuất bản quyển sách của Barrow thì Malte-Brun công bố bản dịch sang tiếng Pháp. Mãi đến năm 1823, trong mục từ viết về Pigneau de Béhaine (tức giám mục Bá Đa Lộc), quyển 34 của bộ tiểu sử danh nhân Biographie universelle, ancienne et moderne (tr. 424-434), nhóm tác giả có nhắc đến Hiệp ước Versailles và cho biết rằng bản chép lại của Barrow chứa nhiều chỗ không chính xác. Tuy nhiên tài liệu này cũng không chỉ ra những sai sót của Barrow, và cũng không công bố nguyên văn hiệp ước, mà chỉ tóm tắt như sau:
“Theo hiệp ước này, vua Pháp cam kết gửi ngay lập tức đến xứ Đàng Trong bốn chiếc khinh hạm mang 1.200 lính bộ binh, 200 lính pháo binh và 250 lính châu Phi, cùng với các trang thiết bị chiến đấu, và nhất là pháo binh tinh nhuệ. Vua xứ Đàng Trong nhượng cho Pháp hòn đảo tạo thành cảng chính của xứ Đàng Trong, được gọi là Hoi – Nan (và người châu Âu gọi là Touron) và Côn Đảo, để họ tùy ý xây dựng trên đất liền các cơ sở mà người Pháp thấy hữu ích cho việc hải hành và thương mại, loại trừ tất cả các quốc gia châu Âu khác, tàu thuyền của những nước này chỉ được phép vào khi treo cờ Pháp. Ngoài ra, hai vì vua phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp quyền lợi của họ ở châu Á bị tấn công. Hiệp ước này phải được hai vị vua chuẩn y, và bản chuẩn y sẽ được trao đổi cho nhau trong vòng một năm.” (Société de gens de lettres et de savants, 1823, tr. 428-429)
Phần tóm tắt của tài liệu này có mấy điểm mới hơn bản của Barrow: đó là chi tiết hóa số lượng quân sự sẽ được cử đến xứ Đàng Trong, và ngoài việc nhượng vịnh Touron (Barrow ghi là Han-san) cho Pháp, vua xứ Đàng Trong còn phải nhượng thêm Côn Đảo thay vì các đảo lân cận từ Hội An đến Hải Vân. Ngoài ra, tài liệu này có nhắc đến điều kiện để hiệp ước có hiệu lực, là phải được hai nhà vua phê chuẩn. Tóm tắt này càng làm gia tăng mối nghi ngờ về bản hiệp ước mà Barrow đã công bố.
2.2.1. Những tài liệu công bố các văn bản liên quan đến hiệp ước
Mặc cho những lưu ý nói trên, thậm chí ngay cả sau khi M. Cortembert & Léon de Rosny đã công bố năm 1862 một bản hiệp ước rất khác với bản Barrow và đúng phong cách văn bản ngoại giao hơn, nhưng mãi đến năm 1885 vẫn có nhiều tác giả Pháp giới thiệu hiệp ước Versailles mà vẫn sử dụng bản của Barrow qua bản dịch của Malte-Brun.
– Năm 1836, Fr. Pérennès trong quyển Vie de l’abbé Gagelin: missionnaire en Cochinchine, đã dè dặt cho đăng lại bản của Barrow (1836, tr.240-243), đồng thời cũng nhắc lại nhận xét của bộ tiểu sử danh nhân nói trên về sự thiếu chính xác của bản này.
– Năm 1842, J.-F.-O. Luquet trong quyển Lettres à Mgr. l’évêque de Langres: sur la Congrégation des missions étrangères ghi rõ là trích lại từ Fr. Pérennès (1842, tr.536), nghĩa là tác giả dùng lại bản của Barrow.
– Năm 1858, C.E. Bouillevaux trong quyển Voyage dans l’Indo-Chine cho đăng hiệp ước (tr.370-373) không ghi nguồn tham khảo, nhưng có nội dung giống hoàn toàn với bản của Barrow, và nhất là nó giống cả cái sai của Barrow, khi giới thiệu bá tước de Vergennes tham gia ký kết hiệp ước, trong khi ông đã qua đời được 9 tháng!
– Năm 1858, E. de Warren giới thiệu hiệp ước trên tạp chí Revue contemporaine (tr.310-311), không ghi nguồn tham khảo, nhưng hoàn toàn giống với bản Barrow.
– Năm 1862, trong quyển Tableau de la Cochinchine, E. Cortambert & Léon de Rosny đã đăng nguyên văn một văn kiện (tr. 192-195) khác rất nhiều so với bản của Barrow, gồm 1 đề dẫn giới thiệu họ tên, chức vụ phẩm hàm của hai người đại diện hai vương quốc tham gia ký kết, 10 điều khoản chính, bên dưới có chữ ký của hai người đại diện. Trong một ghi chú, hai tác giả này lưu ý rằng đây mới là bản chính thức, còn bản của Barrow chỉ là một tóm tắt mà thôi. Tuy nhiên, khi đối chiếu các văn bản, chúng tôi thấy là bản Barrow không phải là bản tóm tắt, vì trong bản Barrow có những nội dung mà văn kiện chính thức không hề đề cập đến, chẳng hạn như chi viện 20 tàu chiến (Điều II), chi viện 1 triệu đô la, trong đó có 500.000 đô la bằng tiền mặt và số còn lại bằng diêm sinh, súng ống (Điều IV), nhượng cho Pháp các đảo lân cận từ Fai-fo (Hội An) ở phía Nam đến Hai-wen (Hải Vân) ở phía Bắc, vv. Vậy Barrow đã tóm tắt văn bản nào? Bên cạnh văn kiện chính thức còn có văn bản nào khiến người ta có thể ngộ nhận?
– Năm 1880, Romanet du Caillaud trong quyển Histoire de l’intervention française au Tong-King de 1872 à 1874 đã đăng lại bản Barrow (tr.323-325), nhưng lại ghi là trích từ trang 644 của quyển 2 của bộ Histoire générale des missions catholiques do Henrion biên soạn[3].
– Năm 1880, M. de Clercq, cựu Bộ trưởng đặc mệnh toàn quyền Pháp[4], dưới sự bảo trợ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Freycinet, đã cho xuất bản bộ Recueil des Traités de la France (Tổng tập các hiệp ước của nước Pháp), trong quyển 1 tác giả lấy lại bản của E. Cortambert & Léon de Rosny (1862). Điều đó gián tiếp xác nhận là bản của Cortembert & Rosny mới đúng là văn kiện chính thức của hiệp ước.
– Năm 1884, trong quyển Le Consulat de France à Huê sous la Restauration, H. Cordier giới thiệu “Traité entre le Roy et le Roy de la Cochinchine” có nội dung giống với bản của E. Cortambert & Léon de Rosny, có bổ sung thêm một điều khoản rời (Article séparé) và Tuyên bố của Giám mục Adran.
– Năm 1885, Bouinais & Paulus trong quyển L’Indo-Chine française contemporaine (tập 2, tr.745-746) cho đăng “Hiệp ước của vua Louis XVI với vua xứ Đàng Trong Gia Long”, nhưng không ghi nguồn trích dẫn tài liệu. Khi đối chiếu văn bản, chúng tôi thấy rằng đây cũng chỉ là bản Barrow mà thôi!
– Năm 1887, A. Septans đã dựa theo tài liệu lưu trữ của Bộ Hải quân và Thuộc địa mà biên soạn quyển Les Commencements de l’Indo-Chine française, trong đó có cung cấp văn bản chính của hiệp ước mà nội dung hoàn toàn trùng khớp với bản của E. Cortambert & Léon de Rosny (1862) và bổ sung thêm một điều khoản rời (article séparé), cả hai đều có chữ ký của de Montmorin và Bá Đa Lộc (tr. 82-83).
– Năm 1888, dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời bấy giờ, M. de Clercq và Jules de Clercq đã xuất bản quyển 15 (phần bổ sung) của bộ Recueil des Traités de la France trong đó liên quan đến hiệp ước Versailles ngày 18 tháng 11 năm 1787 có một văn kiện chính và hai phụ lục gồm Điều khoản rời và Tuyên bố của Bá Đa Lộc sau buổi ký kết (tr.133-136).
– Năm 1891, A. Faure xuất bản quyển Mgr Pigneau de Béhaine, trong đó có văn bản chính của hiệp ước và hai phụ lục, gồm “Những thỏa thuận liên quan đến cuộc viễn chinh ở xứ Đàng Trong” và Tuyên bố của Giám mục Bá Đa Lộc. Đặc biệt Faure cũng công bố văn bản “Kết quả tham nghị của triều thần xứ Đàng Trong”, là văn bản mà Bá Đa Lộc mang theo dùng làm bằng chứng để thương lượng với triều đình Pháp. Văn bản này đề ngày thứ 10 tháng thứ 7 âm lịch, năm thứ 43 triều Cảnh Hưng. A. Faure là người đầu tiên tìm thấy văn bản này trong Văn khố Pháp. Maybon cũng có chép lại kết quả tham nghị này trong quyển Histoire moderne de l’empire d’Annam (1919, tr. 413), và cho biết ông đã kiểm tra văn kiện này ở Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp, Kho Á châu, quyển 49, văn kiện 55, tờ 101-103.
– Năm 1895, trong một bài khảo cứu nhiều kỳ “La Politique française dans l’Indo-Chine”, Silvestre công bố văn bản chính của hiệp ước cùng với điều khoản rời (tr.407-410)
– Năm 1896, cũng trong bài khảo cứu nói trên, Silvestre công bố thêm một văn bản mà “một sử gia người bản xứ [tức người Việt] theo đạo Thiên chúa” cung cấp cho ông, và cho là đó mới là những cam kết mà Nguyễn Ánh đã được bàn trước, còn văn kiện chính đã được bá tước de Montmorin và Bá Đa Lộc ký thì rất khác (Silvestre, 1896, tr. 50). Qua đối chiếu các văn bản, chúng tôi phát hiện ra là đó chính là bản đầy đủ mà Barrow đã lược ghi và công bố năm 1806, khác khá xa so với bản chính thức có chữ ký của Montmorin và Bá Đa Lộc, cùng với con dấu của hai bên! Maybon (1919) gọi đó là “Avant-projet”, tức là bản dự thảo. Những năm sau đó có nhiều tài liệu đăng các văn kiện của hiệp ước, nhưng không có văn kiện nào mới hơn liên quan đến các tài liệu hiệp ước Versailles 1787.
2.2.2. Văn bản nào là văn bản chính thức?
Qua tìm hiểu và đối chiếu các văn bản đã sưu tập được, chúng tôi thấy rằng văn kiện chính thức của hiệp ước Versailles được ký vào ngày 28 tháng 11 năm 1787 gồm 3 tài liệu mà H. Cordier đã công bố năm 1884 trong quyển Le Consulat de France à Huê sous la Restauration, và M. de Clercq & J. de Clercq đã công bố năm 1888 trong quyển 15 của bộ Recueil des Traités de la France, vì một mặt hình thức văn bản phù hợp với thông lệ ngoại giao quốc tế, mặt khác, M. de Clercq là một cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Pháp, có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với các tài liệu lưu trữ, và bộ tài liệu của ông được xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời bấy giờ. Ngoài ra, cả 3 văn kiện này cũng được giới thiệu trong quyển Recueil des traités conclus par la France en Extrême-Orient : 1684-1902 (Tổng tập các hiệp ước Pháp đã ký kết ở Viễn Đông: 1684-1902) xuất bản năm 1902.
Tóm lại, “Hồ sơ hiệp ước Versailles 1787” gồm các tài liệu được soạn thảo trước, trong và sau khi hiệp ước chính thức được hai bên ký kết, như sau (xếp theo thứ tự thời gian):
– Kết quả tham nghị của triều thần xứ Đàng Trong (Délibération du Conseil royal de la Cochinchine) nguyên văn bằng tiếng Pháp, và A. Faure là người đầu tiên công bố năm 1891.
– Thư của Nguyễn Ánh gửi vua Louis XVI: không đề ngày, bản tiếng Pháp do Bá Đa Lộc dịch. Faure cho biết bản chính của thư được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Pháp (1891, tr. 54).
– Dự thảo hiệp ước, tức “Avant-projet” theo cách gọi của Maybon (1919), được Silvestre công bố lần đầu năm 1896 trên tạp chí Annales de l’Ecole des Sciences politiques (số XI, tr. 50-52), là bản mà Barrow đã dựa vào đó để tóm tắt.
– Văn kiện chính của hiệp ước, được E. Cortambert & Léon de Rosny công bố lần đầu năm 1862, nhưng không có các phụ lục. Sau đó nhiều tác giả đã kiểm chứng lại tài liệu trong Văn khố Pháp và công bố kèm thêm 2 phụ lục, đó là: Điều khoản rời (nguyên văn là article séparé), và Tuyên bố của giám mục Bá Đa Lộc sau khi ký hiệp ước, các văn bản này đều có chữ ký của những người có liên quan là bá tước de Montmorin và giám mục Bá Đa Lộc.
– Những thỏa thuận liên quan đến cuộc viễn chinh ở xứ Đàng Trong (Conventions relatives à l’expédition de Cochinchine): tài liệu này được A. Faure (1891, tr. 125-126) sưu tầm và sau này Ch. Gosselin xếp nó vào phụ lục của hiệp ước thay cho Điều khoản rời(1904, tr. 496-497).
– Thư của Bá Đa Lộc, không đề ngày, gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp de Montmorin trước khi lên đường trở về xứ Đàng Trong (Faure 1891, tr. 127-128).
– và cuối cùng là Thư cảm ơn của Nguyễn Ánh ngày 31 tháng 1 năm 1790 gửi vua nước Pháp khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về đến xứ Đàng Trong (Faure 1891, tr. 207-209)
Tất cả các văn bản trên đây đều bằng tiếng Pháp. Để mọi người có thể tham khảo, chúng tôi sẽ giới thiệu bản dịch toàn văn các văn bản trên trong bài “Hồ sơ hiệp ước Versailles 1787”.
2.3. Những văn bản liên quan đến hiệp ước trong sách Việt
“Đám mây mù” văn bản tiếng Pháp đã ảnh hưởng rất nhiều đến các tài liệu lịch sử được biên soạn bằng tiếng Việt, thậm chí đến ngày nay người đọc vẫn còn bắt gặp nhiều sai lệch. Chúng tôi sẽ điểm qua các tài liệu này theo thứ tự thời gian xuất bản.
2.3.1 Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều
Đây là một quyển sử không ghi tên tác giả, viết bằng chữ quốc ngữ, được in lần đầu tiên vào năm 1879 và sau đó được tái bản nhiều lần. Có lẽ đây là tài liệu tiếng Việt đầu tiên có phần giới thiệu văn bản liên quan đến hiệp ước Versailles 1787, mà tác giả gọi là “Tờ giao” (tr.64-68). Vì không có bản in năm 1879, nên chúng tôi tham khảo bản in lần thứ 2 năm 1885 và bản in lần thứ 4 năm 1903 tại Tân Định (Sài Gòn).
“Tờ giao” gồm 2 phần, phần đầu gồm 5 điều khoản quy định nghĩa vụ của vua Pháp đối với xứ Đàng Trong, và phần sau gồm 9 điều khoản quy định nghĩa vụ của vua xứ Đàng Trong đối với nước Pháp. Đi sâu vào chi tiết, ta thấy có nhiều điểm giống nhau giữa “Tờ giao” và “Dự thảo hiệp ước” (Avant-projet), bởi vì cả hai đều có 14 điều, gồm 2 phần: phần nói về nhiệm vụ của Pháp gồn 5 điều khoản và phần nói về nhiệm vụ của vua An Nam gồm 9 điều khoản. Các điều khoản của cả hai văn bản đều rất giống nhau về nội dung, đặc biệt là giống cả ở những điểm mà hiệp ước chính thức không có, như chi viện 20 tàu chiến (Điều thứ 2, phía Pháp), chi viện “một trăm vạn đồng bạc” (Thỏa ước ghi là 1.000.000 de piastres[5]), trong đó có phân nửa bằng tiền mặt và số còn lại bằng thuốc súng, súng ống (Điều thứ 4, phía Pháp), đóng mười bốn chiếc tàu cho vua Pha-lang-sa (Điều thứ 1, phía An Nam) nhượng cho Pháp các đảo lân cận với Fai-fo (Hội An) và Hai-wen (Hải Vân) (Điều thứ 4, phía An Nam), vv. Nói cách khác, văn bản trong Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều chính là “Dự thảo hiệp ước”, và theo Silvestre (1896), thì triều thần nhà Nguyễn chỉ biết có bản này mà thôi!
2.3.2. Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim
Bộ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim (xuất bản lần đầu năm 1920[6]). Trần Trọng Kim ghi chú thích (4) dưới cuối trang 151 (quyển 2, bản in năm 1971) như sau: “Tờ giao-ước này hiện còn ở Ngoại-giao-bộ ở Paris, và đã biên rõ ở sách ông Gosselin” [tức quyển L’empire d’Annam, 1904]. Trong bộ lịch sử này, tác giả không dịch toàn bộ hiệp ước Versailles ra tiếng Việt, mà chỉ tóm tắt thành năm nội dung chính, được đánh số từ 1 đến 5, trong đó 4 nội dung đầu được rút ra từ điều 2, điều 3, điều 4, điều 5, điều 6, điều 8 của văn bản chính thức của hiệp ước. Còn nội dung thứ 5 “Khi Nguyễn-vương đã khôi-phục được nước rồi, thì phải cứ mỗi năm làm một chiếc tàu, y như tàu của nước Pháp đã cho sang giúp, để đem sang trả cho Pháp-hoàng” thì không hề tồn tại trong hiệp ước.
2.3.3. Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn
Trong bộ Việt sử tân biên, Phạm Văn Sơn có dịch khá đầy đủ hiệp ước thành 9 điều khoản (tr.175-177, quyển IV, xuất bản năm 1961), trong đó nội dung của điều 8 chính là kết quả của việc nhập lại từ điều 8 và 9 của hiệp ước bằng tiếng Pháp.
2.3.4. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường
Công trình Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 chỉ tóm tắt ngắn gọn như sau:
“Các điều khoản phần lớn đã được vạch rõ trong tờ tuyên bố uỷ quyền[7] của Nội các Gia Định ngày 18-8-1782, đại lược có những khoản như sau: Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu, 1.200 bộ binh, 200 pháo binh, 250 mọi Cafres (điều 2). Đổi lại, Nguyễn Ánh nhường luôn hòn đảo Hoi-nan đứng trấn đường vào cửa Touron (cù lao Chàm?), nhường cửa Touron để cho Pháp vương tuỳ ý xây dựng và cuối cùng thêm hòn Poulo Condore (điều 3, 4, 5). Pháp được quyền tự do thương mại và hơn nữa, độc quyền thương mại ở Nam Hà. Những chiếc tàu buôn ngoại quốc nào vào Nam Hà phải có giấy thông hành của Pháp và mang cờ Pháp (điều 6).” (1973, tr.187)
2.3.5. Việt Nam một thiên lịch sử của Nguyễn Khắc Viện
Bộ sách Việt Nam một thiên lịch sử cũng chỉ dành mấy dòng để tóm tắt hiệp ước như sau:
“Viên giáo sĩ này [Pigneau de Béhaine] đem một người con trai của Nguyễn Ánh sang Pháp; với sự giúp đỡ của Hội truyền giáo nước ngoài, ông ta được bệ kiến vua Pháp Louis thứ 16 và ngày 28 tháng 11 năm 1787, một hiệp ước đã được ký giữa một đại diện của nước Pháp và Pigneau de Béhaine, thay mặt Nguyễn Ánh. Nước Pháp hứa viện trợ quân sự để đổi lấy hai đất nhượng địa là cửa Hàn (Tourane), đảo Phú Quốc và độc quyền tự do buôn bán trong nội địa Việt Nam. Ngoài Pháp ra không một quốc gia châu Âu nào nào khác được hưởng quyền này.” (2007, tr.144)
2.3.6. Bước mở đầu của hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam của Nguyễn Xuân Thọ
Tài liệu này được biên soạn dựa trên luận án tiến sĩ mà Nguyễn Xuân Thọ đã bảo vệ năm 1956 tại Đại học Sorbonne với tựa là L’expédition franco-espagnole de Cochinchine (1858-1862). Trong bản tiếng Việt mà chúng tôi tham khảo, tác giả dịch toàn văn văn kiện hiệp ước và bản tham nghị của quan triều.
2.3.6. Lịch sử Việt Nam (tập 4) do Trần Thị Vinh chủ biên
Tập tài liệu này cũng nói ngắn gọn về hiệp ước Versailles, với chú thích là dẫn lại từ quyển Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (quyển 3) do Phan Huy Lê chủ biên (1960):
“Đối với Nguyễn Ánh sẽ phải nhường cho nước Pháp được chủ quyền và sở hữu tuyệt đối về đảo và cảng Hội An ngay từ khi quân đội Pháp lấy lại được cảng này. Vua Pháp còn có chủ quyền và sở hữu về quần đảo Côn Lôn. Người Pháp được quyền xây dựng nhà ở trên đất liền và mở rộng cảng Hội An khi cần thiết. Những người Pháp được hoàn toàn tự do buôn bán ờ trong nước, được quyền tự do xuất nhập khẩu mọi hàng hóa, được chính quyền Gia Định bảo vệ tính mạng và tài sản của họ. Khi vua Pháp có chiến sự với bất kỳ một nước nào, vua Gia Định phải cam đoan sẽ gửi giúp về binh lính, thủy thủ, lương thực, tàu chiến và nhận đài thọ mọi trang bị cùng việc nuôi dưỡng.” (Trần Thị Vinh, 2017, tr.452)
- Những sai sót của sách Việt
Để việc trình bày được rõ ràng hơn, chúng tôi phân chia làm 2 loại sai sót: các sai sót quan trọng nhất liên quan đến các phần lãnh thổ phải nhượng cho Pháp, và các sai sót ít quan trọng hơn, về dịch thuật, về nhầm lẫn tài liệu…
3.1. Những sai sót liên quan đến các phần lãnh thổ phải nhượng cho Pháp
Sau khi đọc các tóm tắt của các tài liệu bằng tiếng Việt trên đây, có lẽ điều mà người đọc phát hiện ra ngay chính là sự khác nhau về thông tin liên quan đến lãnh thổ mà vua An Nam phải nhường cho vua Pháp. Dựa theo bộ sưu tập văn kiện chính thức của nước Pháp từ 1713-1885 được M. de Clercq & J. de Clercq công bố năm 1888 đã giới thiệu ở trên (xem bản dịch trong bài “Hồ sơ Hiệp ước Versailles 1787” trong số sắp tới của tạp chí này), chúng tôi sẽ điểm lại một số sai sót mà các tài liệu bằng tiếng Việt đã mắc phải trong phần nói về nhượng địa.
3.1.1. Nhà Nguyễn không phải nhượng Hội An (Faifo) cho Pháp
Mặc dù Trần Trọng Kim chỉ tóm tắt một số nội dung chính của hiệp ước như đã trình bày bên trên, nhưng tác giả vẫn mắc những sai sót không đáng có khi nói rằng hiệp ước quy định Nguyễn Ánh nhường Hội-An cho Pháp, lại còn thêm chữ Faifo trong ngoặc đơn:
“2. Vì vua nước Pháp có lòng giúp như thế, Nguyễn Vương phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội-an (Faifo) và đảo Côn-lôn (Poulo-Condore)” (1971, tr.151).
Thế nhưng trong các tài liệu mà Trần Trọng Kim đã tham khảo như Luro, Gosselin, Shreiner, Cultru, Maybon et Russier, cũng không hề nói là Nguyễn Ánh phải nhượng Faifo cho Pháp :
– quyển Le pays d’Annam : étude sur l’organisation politique et sociale des Annamites của E. Luro (1878) nói rõ : “Một hiệp ước đã được ký kết ngày 28 tháng 11 năm 1787 : Vua xứ Nam kỳ […] cam kết nhượng lại cho nước Pháp sở hữu và chủ quyền của bán đảo Tourane và các đảo Poulo-Condore. Cảng Tourane thì thuộc về cả hai chính phủ.” (tr.7)
– quyển L’empire d’Annam của Ch. Gosselin (1904) ghi : Vua xứ Nam kỳ nhường cho nước Pháp “hòn đảo tạo thành cảng chính của Nam kỳ, được người bản xứ gọi là Hoïnan và người châu Âu gọi là Tourane.” (tr.495)
– A. Schreiner trong quyển Abrégé de l’histoire d’Annam (1906) ghi : Vua xứ Nam kỳ nhường cho nước Pháp “hòn đảo tạo thành cảng chính của Nam kỳ, được gọi là Hoï-Nan và người châu Âu gọi là Touron” với chú thích cuối trang “Touron : tức là cảng Tourane hiện nay !” (tr.100)
– P. Cultru trong quyển Histoire de la Cochinchine française (1910) thì ghi : “Để tỏ lòng biết ơn, vua xứ Nam kỳ đã nhượng đảo Hoï-nan nằm án ngữ cảng Tourane…” (tr.17)
– Quyển Notions d’histoire D’Annam của Maybon & Russier (1909) mà Trần Trọng Kim tham khảo cũng chỉ nói lướt qua về hiệp ước. Tuy nhiên, 10 năm sau, Maybon đã biên soạn quyển Histoire moderne du pays d’Annam đầy đủ chi tiết về hiệp ước Versailles hơn, nhưng cũng không hề nói đến Faifo: “Vua xứ Nam kỳ phải nhường cho Pháp “hòn đảo tạo thành cảng chính của Nam kỳ, được gọi là Hoï-nan và người châu Âu gọi là Touron…” (tr.410)
Ngoài các tài liệu mà Trần Trọng Kim đã dùng để tham khảo nói trên, chúng tôi tìm được nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp nói về hiệp ước nhưng cũng không hề nói là Nguyễn Ánh nhường Hội-An (Faifo) cho Pháp, mà là nhường “hòn đảo tạo thành cảng Hoï-Nan mà người châu Âu gọi là Touron”. Sau đây là một số đoạn liên quan đến nhượng địa trong hiệp ước Versailles:
– Chaigneau M. Đ. (1867): “Vịnh Tourane (Cửa Hàn) nằm trong tỉnh này [Quảng Nam], đã phải thuộc về nước Pháp theo hiệp ước đã được ký kết ngày 28 tháng 11 năm 1787 giữa vua Louis XVI và hoàng tử xứ Nam kỳ, con trai hợp pháp của Gia Long.” (tr.VI)
– Trong lời giới thiệu quyển Nhật ký hải hành (1817-1818) của thuyền trưởng Achille de Kergariou của tàu Cybèle, Pierre de Joinville cũng đã nói rõ: “…vị quân vương phương đông [tức Gia Long] sẽ nhượng cho chúng ta thành phố và vịnh Tourane, và quần đảo Poulo-Condore…” (Joinville P. de, 1914, tr.XII).
Tóm lại, không có chút bằng chứng nào cho thấy là hiệp ước Versailles buộc Nguyễn Ánh nhượng Hội-An (mà người nước ngoài thời ấy gọi là Faifo) cho Pháp. Trần Trọng Kim đã thay Hoïnan (hoặc Hoï-Nan) bằng Hội-An và còn thêm vào chữ Faifo để chú thích, mà không thèm quan tâm đến chữ Touron (hoặc Tourane) được viết liền theo đó. Nên nhớ rằng đây là bản tiếng Pháp, nghĩa là bản dành cho người Pháp đọc, vì thế phía Pháp đương nhiên sẽ hiểu là Nguyễn Ánh nhượng Đà Nẳng, và trong thực tế, tất cả tài liệu do người Pháp viết đều cho thấy là nhà Nguyễn phải nhượng cho họ Tourane, chớ không phải Faifo. Văn bản đầu tiên nói về nhượng địa là bản tham nghị của quần thần do Bá Đa Lộc dịch sang tiếng Pháp có ghi:
« Điều VIII.- Giám mục Adran có nhiệm vụ thay mặt Vua và triều thần đề nghị nhượng lại cho vua nước Pháp quyền làm chủ đầy đủ và trọn vẹn hòn đảo nằm án ngữ hải cảng chính của xứ Đàng Trong, mà người châu Âu gọi là cảng Touron và người bản xứ gọi là Hoïnan” (Faure A. 1891, tr.52-53)
Và sau đó, các văn bản khác liên quan đến hiệp ước đều dựa theo đó mà viết lại. Điều đó cho thấy là sự thiếu rõ ràng này bắt nguồn từ cách phiên chuyển địa danh của Bá Đa Lộc trong bản tiếng Pháp của văn kiện đầu tiên này. Thật vậy, trong lời tuyên bố tại cung điện Versailles trước triều đình Pháp ngay sau khi đã ký hiệp ước, giám mục Bá Đa Lộc đã phát biểu:
“Mặc dù trong thỏa ước vừa ký kết hôm nay không có khoản nào nói về chi phí của việc đặt cơ sở mà Đức Vua Vô cùng Mộ đạo muốn thiết lập, hoặc là ở các đảo Hoï-nan và Côn Đảo (Poulo-Condor), hoặc là trên đất liền của Vương quốc Đàng Trong”
Thật ra, trường hợp thiếu chính xác này rất phổ biến trong các tài liệu của người nước ngoài viết về các địa danh nước ta nhất là trong những thế kỷ trước. Hơn nữa, khi soạn thảo các văn bản này, Bá Đa Lộc chưa hề đặt chân đến Tourane (Đà Nẵng), do đó, ông chỉ có thể ghi cách gọi địa danh này của người Việt theo lời nói của các quan đang cùng Nguyễn Ánh bôn ba ở vùng cực Nam của đất nước[8]. Dĩ nhiên là chúng ta có quyền nghi ngờ là triều đình của Nguyễn Ánh muốn nhượng Hội-An nhưng Bá Đa Lộc chuyển ngữ nhầm thành Tourane, nhưng dù cho giả thuyết này được chứng minh đúng đi chăng nữa, thì văn bản hiệp ước bằng tiếng Pháp chỉ cho phép người Pháp hiểu phần lãnh thổ bị nhượng cho Pháp là Tourane (tức Đà Nẵng ngày nay) chứ không phải là Faifo (Hội An). Hơn nữa, Bá Đa Lộc chưa hề dùng chữ Hội An để chỉ thành phố cổ mang tên này: trong Dictionarium anamitico-latinum do Taberd xuất bản dựa theo quyển tự điển viết tay của Pigneau de Béhaine chỉ có tên Hoài phố để chỉ Hội An ngày nay mà thôi, với lời giải thích “ngôi làng gần biển ở tỉnh Quảng Nam, là nơi mà người Nhật đã từng sinh sống, và còn được chính họ và người châu Âu gọi là Phái phố” (tr.202).
Một vài người suy luận rằng có lẽ vào thời ấy Hội An và Đà Nẳng là một nên mới có sự nhập nhèm như thế. Suy luận này không có cơ sở, vì tất cả tài liệu do người phương Tây viết lúc ấy cũng thể hiện vịnh Tourane và Faifo hoàn toàn riêng biệt và cách xa nhau. Hơn nữa, vịnh Đà Nẵng rất hấp dẫn đối với tàu thuyền đồ sộ của các cường quốc hàng hải phương Tây thời ấy, chớ không phải là Hội An: nhà ngoại giao P. Poivre đã từng ghi nhận như sau trong thời gian ông lưu trú tại Đà Nẳng và Huế năm 1749-1750:
“Sông Hàn đổ ra biển qua hai cửa sông chính. Cù lao Chàm nằm giữa hai cửa sông này, và tạo thành bến cảng tuyệt vời ở vịnh sông Hàn hay Tourane ở phía Đông Bắc; và cảng Fai-pho hay Hué-Hane ở phía Tây Nam. Cảng này ít an toàn hơn cảng trong vịnh cho các tàu thuyền lớn; nhưng nó lại được ưa chuộng đối với các thuyền bầu Trung Hoa, với độ mớn nước chỉ 10-12 bộ[9] và có thể thả neo ngay trong thành phố Hué-Hane, trước cửa các kho hàng của thành phố này.” (Mentelle M., 1783, tr.461)
Rồi P. Poivre đi đến kết luận:
“Vị trí của Fai-Foo [Hội An] không tiện lợi cho việc thiết lập một thương điếm. Công ty [Đông Ấn Pháp] sẽ tốn kém rất nhiều để chuyển hàng hóa bằng đường biển theo dòng sông nối liền thành phố này với vịnh Đà Nẵng, nằm cách đó 4 hoặc 5 dặm lớn[10]. Có lẽ thương điếm sẽ thuận tiện hơn nếu đặt tại cửa sông Tourane [sông Hàn] ở đó đất đai thích hợp cho việc xây dựng kho bãi rộng và thuận tiện.” (Septans A. 1887, tr. 59)
Hoặc một đánh giá khác, rõ ràng hơn và khái quát hơn:
“Vịnh Touron, một vịnh đẹp nhất nước này, và có lẽ là đẹp nhất địa cầu, nằm ở phía Bắc xứ Đàng Trong tại vĩ độ 16 độ 7 phút 18 giây. Tàu thuyền có thể trú ẩn ở đó để tránh gió từ mọi hướng, và với số lượng rất lớn. ” (Société de gens de lettres et de savants 1823, tr. 428)
Mà không phải chỉ người Pháp hay Anh mới bị Vịnh Đà Nẵng chinh phục: các sĩ quan hải quân Mỹ cũng có đánh giá tương tự:
“Vịnh Turon là một trong số các vịnh đẹp nhất thế giới, và tàu thuyền đậu bên trong Callao-hanne [cù lao Hàn] hay đảo Turon, hoàn toàn tránh được tất cả hướng gió, trong một vịnh biển tuyệt vời. Một nhánh sông nhỏ, thuận tiện cho tàu thuyền, đổ vào vịnh ở phía đông nam, và thông thương với thị trấn Faifoe [Hội An]” (White J. 1823, tr. 81)
Tóm lại, người Pháp chỉ quan tâm đến Tourane – Đà Nẵng, và không có lý do gì để họ thích Hội An hơn! Tương tự như Trần Trọng Kim, tác giả Việt sử tân biên cũng dựa vào chữ Hoïnan mà vội cho là Hội-An. Trong điều 3, tác giả viết về hòn đảo nhượng cho Pháp:
“Khoản thứ ba: Quốc-vương Nam-hà nhận lời nhường cho Hoàng-đế và nước Pháp quyền sở-hữu tuyệt-đối và chủ-quyền về cái đảo đã thành thương-cảng chính của Nam-hà tên là cửa Hội-An, được người Pháp gọi là Touron.” (tr.175-177)
Trong tất cả các tài liệu mà chúng tôi đã điểm qua, Hoïnan được ghi rõ là “đảo” (île), hoặc “bán đảo” (presqu’île), và được xác định là Touron hoặc Tourane, tức là bán đảo nằm án ngữ vịnh Đà Nẵng, như vậy địa danh đó không thể là Hội An được ! Để phù hợp với cách hiểu của mình, Phạm văn Sơn đã bỏ đi chi tiết này, và thêm vào chữ “cửa” để thành “cửa Hội-An”!
Cũng như Trần Trọng Kim, khi dịch bản tham nghị và bản hiệp ước, Nguyễn Xuân Thọ (2016) không ngần ngại viết lại là Hội An nhưng vẫn nói thêm đó là Tourane (tr.33, 274)!
Các tác giả của quyển Lịch sử Việt Nam (tập 4) do Trần Thị Vinh chủ biên cũng mắc phải cùng sai sót khi dẫn lại từ một tài liệu của Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên & Đinh Xuân Lâm:
“Đối với Nguyễn Ánh sẽ phải nhường cho nước Pháp được chủ quyền và sở hữu tuyệt đối về đảo và cảng Hội An ngay từ khi quân đội Pháp lấy lại được cảng này. Vua Pháp còn có chủ quyền và sở hữu về quần đảo Côn Lôn. Người Pháp được quyền xây dựng nhà ở trên đất liền và mở rộng cảng Hội An khi cần thiết.” (2017, tr.452)
3.1.2. Hiệp ước không ảnh hưởng đến Cù lao Chàm
Tạ Chí Đại Trường lại hướng về cách hiểu khác liên quan đến nhượng địa khi viết như sau:
“Nguyễn Ánh nhường luôn hòn đảo Hoi-nan đứng trấn đường vào cửa Touron (cù lao Chàm?), nhường cửa Touron để cho Pháp vương tuỳ ý xây dựng và cuối cùng thêm hòn Poulo Condore” (1973, tr. 183).
Touron, hay Turon, đã được nhiều tài liệu chú thích là Tourane, trong đó có những tài liệu mà tác giả tham khảo như A. Schreiner (1906, tr.100), A. Launay (1884, tr.196), P. Cultru (1910, tr.17). Vì thế, nghi vấn của tác giả khi viết “Cù lao Chàm?” sau địa danh Touron trở nên lạc lõng. Hơn nữa, trong nhiều tài liệu thời Pháp thuộc, Cù lao Chàm thường được viết là “Culao-Cham”, hoặc “Cullao-Cham”, hoặc “Pu-lao Cham”, hoặc “Champello”…, chứ không bao giờ viết là Touron.
3.1.3. Hiệp ước không hề liên quan đến Phú Quốc
Liên quan đến lãnh thổ mà Nguyễn Ánh đồng ý nhượng cho Pháp, quyển Việt Nam một thiên lịch sử ghi “Nước Pháp hứa viện trợ quân sự để đổi lấy hai đất nhượng địa là cửa Hàn (Tourane), đảo Phú Quốc” (2007, tr. 144). Nếu tài liệu này viết đúng việc nhượng cửa Hàn (Đà Nẵng) thì lại sai khi viết xứ Đàng Trong phải nhượng Phú Quốc cho Pháp! Vì tài liệu không có lý giải gì về thông tin này cả, cũng không ghi chú nguồn trích dẫn, nên chúng ta không thể nghĩ rằng đây là phát hiện mới của tác giả, mà có lẽ đây chỉ là một sai sót do bất cẩn. Tài liệu này được Nguyễn Khắc Viện viết bằng tiếng Pháp, và được dịch sang tiếng Việt; và vì không có bản tiếng Pháp để đối chiếu, nên chúng tôi chưa thể xác định được lỗi này do người viết hay do người dịch. Tuy nhiên, dù là lỗi của ai, thì đây cũng là điều đáng tiếc.
3.2. Những sai sót khác
Ngoài sai sót lâu đời nhất của tác giả Sử Ký Đại Nam Việt Quấc triều vì đã nhầm lẫn Dự thảo hiệp ước với Hiệp ước chính thức đã được đại diện hai bên ký kết như chúng tôi đã phân tích bên trên, các tài liệu bằng tiếng Việt còn có những sai sót sau đây:
3.2.1. Nguyễn Ánh có phải đóng tàu trả nợ cho Pháp không ?
Trần Trọng Kim trong phần giới thiệu về hiệp ước Versailles trong Việt Nam Sử lược ở mục 5. nói rằng: “Khi Nguyễn-vương đã khôi-phục được nước rồi thì phải cứ mỗi năm làm một chiếc tàu, y như tàu của nước Pháp đã cho sang giúp, để đem sang trả cho Pháp-hoàng” (1971, tr.151). Thế mà khi đối chiếu với văn bản chính thức và cả điều khoản rời của hiệp ước, chúng tôi nhận thấy là không hề có điều khoản nào đề cập đến việc phải trả nợ như vậy. Tìm kiếm trong kho tàng dữ liệu, chúng tôi tìm thấy trong A. Faure (1891, tr.126) có giới thiệu như là Phụ lục của hiệp ước, một văn bản tên là “Những thỏa thuận liên quan đến cuộc viễn chinh Nam kỳ” không được ký tên, trong đó có đoạn nói về việc trả nợ. Điều đặc biệt là những thỏa thuận này không được giới thiệu trong bộ sách Tổng tập các hiệp ước và nhiều tài liệu đã liệt kê bên trên. Vậy ai đã biên soạn thỏa ước này? Thỏa thuận này có được Bá Đa Lộc đọc và đồng ý không? Tại sao Bá Đa Lộc và bá tước de Montmorin đã không ký bên dưới thỏa thuận đó? Việc xếp thỏa ước này thay cho Điều khoản rời vào phần Phụ lục 1 của Hiệp ước Versailles nhằm mục đích gì? Những câu hỏi này đến ngày nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, và có thể sẽ mãi mãi là một bí ẩn. Vì thế, thiết nghĩ sử gia không nên xem nội dung trên đây như là một điều khoản chính thức của hiệp ước.
3.2.2. Dịch sai
Trong Việt sử tân biên (quyển IV) ở khoản thứ 8 của hiệp ước, có một sai sót liên quan đến quy định về thời gian cứu viện: hiệp ước quy định là “việc viện binh này sẽ được cung cấp ba tháng sau khi có yêu cầu”[11], thế mà tác giả dịch là “Việc cứu trợ này phải có đủ cứ ba tháng một lần”! Cũng trong điều khoản này, tác giả đã dịch sai một chi tiết khác liên quan đến phạm vi điều động quân chi viện: Hiệp ước ghi là “quân chi viện sẽ không được điều động quá xa, vượt khỏi các đảo Moluques và Sonde và eo biển Malacca”[12], thế mà tác giả lại dịch: “không được xử-dụng các địa-phận các quần-đảo Mollusques, đảo de la Sonde và eo biển Malacca”! Các nơi này không thuộc chủ quyền của hai bên ký kết, nên không thể quy định việc sử dụng chúng trong hiệp ước song phương được! Cả hai lỗi đều liên quan đến kỹ năng đọc hiểu tiếng Pháp.
3.2.3. Dịch thiếu
Bản dịch của Việt sử tân biên đã bỏ qua một số thông tin, do đó không phải là văn kiện đầy đủ của hiệp ước.
- Kết luận
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền tải thông tin, người ta có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó có những tư liệu lịch sử liên quan đến giai đoạn người phương Tây đặt chân đến nước ta, được lưu giữ hàng nhiều thế kỷ và được số hóa. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi mà các thế hệ các nhà nghiên cứu trước đây không thể có được, khiến các công trình của họ chưa đầy đủ, thậm chí còn sai sót. Vì thế, đã đến lúc các nhà nghiên cứu phải đối chiếu lại các sử liệu từ nhiều nguồn khác nhau, chỉnh sửa những chi tiết chưa đúng, và tiếp tục làm sáng tỏ những góc khuất của lịch sử.
(bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay số tháng 3 và 5 năm 2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Barrow J. 1806. A voyage in Cochinchina in the years 1792 – 1793. London: T. Cadell and W. Davies in the Strand.
Bouillevaux C.-E., 1858. Voyage dans l’Indo-Chine. Paris: Librairie de Victor Palmé.
Bouinais A. & Paulus A., 1885. L’Indo-Chine française contemporaine, tập 2. Paris : Challamel Ainé Editeur.
Chaigneau, M. Ð., 1867. Souvenirs de Hué (Cochinchine). Paris, Imprimerie Impériale.
Clercq de M., 1880. Recueil des Traités de la France, Quyển 1. Paris: A. Durand et Pedone-Lauriel, Editeurs.
Clercq de M. & Clercq de J., 1888. Recueil des Traités de la France, Quyển 15 (Supplément 1713-1885). Paris: A. Durand et Pedone-Lauriel, Editeurs.
Cordier H., 1884. Le Consulat de France à Huê sous la Restauration. Paris: Ernest Leroux, Editeur.
Cortambert E. & Léon de Rosny 1862. Tableau de la Cochinchine. Paris: Armand le Chevalier, Editeur.
Cultru P., 1910. Histoire de la Cochinchine française : des origines à 1883. Paris, Nxb. Augustin Challamel.
Faure A. 1891. Monseigneur Pigneau de Béhaine, Évêque d’Adran. Paris: Augustin Challamel.
Gosselin Ch. 1904. L’empire d’Annam. Paris, Nxb Librairie Académique Didier.
Joinville P. de, 1914. La mission de “la Cybèle” en Extrême-Orient, 1817-1818 (Journal de voyage du capitaine A. de Kergariou). Paris: Edouard Champion.
Khuyết danh, 1885. Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều. Saigon: Imprimerie de la Mission.
Launay A. 1884. Histoire ancienne et moderne de l’Annam. Tong-King et Cochinchine. Paris, Nxb Challame Aîné.
Luro É, 1878. Le pays d’Annam : étude sur l’organisation politique et sociale des Annamites. Paris, Ernest Leroux.
Maybon Ch. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820). Paris : Nxb Plon.
Mentelle M., 1783. Choix de lectures géographiques et historiques, T. III. Paris: Chez l’Auteur.
Nguyễn Khắc Viện, 2007. Việt Nam một thiên lịch sử (bản tiếng Việt của Diệu Bình, Nguyễn Thị Nhất và Nguyễn Khắc Phê). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
Nguyễn Xuân Thọ, 2016. Bước mở đầu của sự mở rộng hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Hà Nội: Alphabook & Nhà xuất bản Hồng Đức.
Phạm Văn Sơn, 1961. Việt sử tân biên, Quyển IV. Sài Gòn, tác giả xuất bản.
Quốc sử quán, 2002. Đại Nam thực lục. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
Reinach L. de, 1902. Recueil des traités conclus par la France en Extrême Orient : 1684-1902. Paris: Ernest Leroux Editeur.
Romanet du Caillaud F., 1880. Histoire de l’intervention française au Tong-King de 1872 à 1874. Paris: Challamel Ainé Libraire-Editeur.
Schreiner A., 1906. Abrégé de l’histoire d’Annam. Sài Gòn, tác giả xuất bản.
Septans A., 1887. Les Commencements de l’Indo-Chine française. Paris, Nxb Callamel Ainé.
Silvestre J., 1895. La Politique française dans l’Indo-Chine. Trong tạp chí Annales de l’école libre des sciences politiques, Năm thứ 10.
Silvestre J., 1896. La Politique française dans l’Indo-Chine, trong tạp chí Annales de l’école libre des sciences politiques, Năm thứ 11.
Société de gens de lettres et de savants 1823. Biographie universelle, ancienne et moderne. Paris: Chez L.G. Michaud Libraire-Editeur.
Tạ Chí Đại Trường, 1973. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802. Sài Gòn: Nxb Văn Sử Học.
Trần Thị Vinh (chủ biên) 2017. Lịch sử Việt Nam, Quyển 4. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Trần Trọng Kim, 1971. Việt Nam sử lược, Quyển 2. Sài Gòn: Trung tâm học liệu.
Warren E. de, 1858. Les Français en Cochinchine. Trong tạp chí Revue contemporaine, số 10. Paris: Bureaux de la revue contemporaine.
White J. 1823. History of a voyage to the China Sea. Boston : Wells and Lilly, Court Street.
PHỤ LỤC
Bản đồ Vịnh Turon (Đà Nẳng) do Arthur Gore & Philip Bromfield vẽ năm 1764 trong đó Turon được ghi ở cửa sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng, trong khi Faifoe (Hội An) ở bên dưới.
Chú thích:
[1] A. Faure từng nêu nghi vấn: “Có thể là thư từ của Giám mục Adran bị người Anh chận lại. Điều chắc chắn, đó là người Anh nắm rõ một cách hoàn hảo tình hình đang diễn ra ở xứ Đàng Trong vào thời ấy.” (1891, tr. 37)
[2] Cách gọi này lại được dịch từ tiếng la-tinh christianissimus mà ban đầu các Giáo hoàng La Mã dùng làm danh hiệu để ban tặng những vị vua được Giáo hoàng sủng ái, nhưng kể từ khi vua Pháp Charles V (1338-1380) lên ngôi, từ này chỉ được dùng để chỉ vua Pháp, vì nước Pháp được xem là con cả của Giáo hội La Mã.
[3] Romanet du Caillaud đã nhầm: tài liệu trên không có văn kiện hiệp ước Versailles!
[4] Tiếng Pháp là ministre plénipotentiaire, từ tiếng latinh plenus potentiā, vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là người đại diện được trao đẩy đủ quyền quyết định của một quốc gia khi đi ra nước ngoài, vì thời ấy việc thông tin liên lạc rất chậm chạp. Hàm của bộ trưởng toàn quyền cao hơn đại sứ toàn quyền.
[5] Piastre vào thời này được dùng để chỉ đơn vị tiền tệ của vùng Québec thuộc Pháp, còn gọi là dollar, khác với “piastre indochinoise” (đồng bạc Đông Dương, từ 1885-1952).
[6] Vì không tìm được bản in năm 1920, nên chúng tôi phải tham khảo bản in năm 1971 của Trung tâm Học liệu (Sài Gòn) gồm 2 quyển, phần liên quan đến hiệp ước Versailles ở quyển 2.
[7] Đây chỉ là cách dịch thoát của chữ Délibération, có nghĩa là bàn bạc, thảo luận. Trước khi lên đường sang Pháp, giám mục Bá Đa Lộc được trao một tờ sớ của các quan trong triều dâng lên vua những thỉnh cầu của triều thần, để ông làm bằng chứng về sự đồng thuận của triều đình xứ Đàng Trong về việc xin cứu viện.
[8] Pierre Poivre đã từng đặt chân đến Đà Nẵng thì ghi rất rõ: “port excellent de la baie de Hâne, ou de Tourâne”. Xem đoạn trích bên dưới.
[9] Tức feet (tiếng Pháp trong nguyên văn, là pieds).
[10] Tiếng Pháp: lieue; tiếng Anh: league, là đơn vị đo đạc xưa, tương đương 3 hải lý (nautical mile), tức 5556 m.
[11] Nguyên văn : “Ces secours seront fournis trois mois après la réquisition.”
[12] Nguyên văn : “mais ils ne pourront pas être employés au-delà des îles Moluques et de la Sonde et du détroit de Malacca.”
Thư của Nguyễn Ánh gửi vua Louis XVI: không đề ngày, bản tiếng Pháp do Bá Đa Lộc dịch. Faure cho biết bản chính của thư được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Pháp (1891, tr. 54). Ai có đoạn trích cái này không ạ?
ThíchThích
Hiệp ước Versailles đã bị Tham Chính Viện cùng Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp bác bỏ vào cuối năm 1788 do không có ai trong 2 ông vua của 2 nước ký cả. Vậy mà bây giờ vẫn còn rất nhiều người tin vào cái hiệp ước này. Thật chán ngán.
ThíchThích
Mua dâm bị bắt quả tang khi chưa hành sự cũng phải chịu tội. Lên kế hoạch giết người không thành vẫn phải đi tù.
Kết quả không thay đổi bản chất sự việc được. Chả lẽ nhà Nguyên xâm lược thất bại nên vô tội?
ThíchThích
có ai phủ nhận bản chất sự việc cầu viện, bên tây sơn cũng có ý cầu viện anh nhưng thất bại, sử dụng cướp biển tàu sao không thấy ai đặt vấn đề về việc này còn nguyễn ánh cầu viện nhưng sau đó năm 1790 đã gửi thư hủy bỏ hiệp ước thì ý định cầu viện là có nhưng vấn đề ông ta có để mất một mảnh đất nào chưa mới là vấn đề, cùng là 1 vấn đề cầu viện nhưng một bên thì lờ hẳn đi một bên thì bới móc, thêm bớt nhằm hạ bệ nguyễn ánh gán ông ta là kẻ bán nc cho pháp trong khi sự thật lịch sử ông ta đã bán mảnh đất nào cho pháp chưa hay chỉ suy diễn nếu này nếu nọ.
https://trithucvn.org/van-hoa/mot-chut-quan-he-cua-nguoi-phuong-tay-voi-phong-trao-tay-son.html
ThíchThích
bạn có nguồn chi tiết này không, tui cần tham khảo thêm
ThíchThích