Buổi đầu bang giao Việt – Mỹ: sau cơn giông trời vẫn chưa sáng

10

Trần Thanh Ái

 

Sau khi bão táp đã cuốn con thuyền Peacock trôi dạt về phương Nam, và phải neo đậu ở Vũng Lấm trong suốt một tháng trời để cố gắng đàm phán với triều đình Huế[1], đến ngày 8 tháng 2 năm 1833, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ theo gió mùa Đông Bắc đến Thái Lan. Ở đó, họ đã được tiếp đón long trọng và đã ký kết hiệp ước hữu nghị và thương mại với nước này. Trên đường đi đến Muscat để tiếp tục sứ mệnh ngoại giao, E. Roberts viết một báo cáo gửi từ Batavia ngày 22 tháng 6 năm 1833 có đoạn như sau: “Nếu chúng tôi gặp may, tàu cập bến được Đà Nẵng hay đậu ở ngoài khơi Huế vào đợt gió mùa Tây Nam, thì tôi tin rằng kết quả đã rất khác” (Miller R.H. 1990, tr. 306). Báo cáo cho thấy ông còn hy vọng trong việc thuyết phục triều đình Huế ký kết một hiệp ước hữu nghị, có lẽ vì nghĩ rằng thất bại trong chuyến ngoại giao lần đầu năm 1833 chủ yếu là do khoảng cách quá lớn giữa Vũng Lấm, nơi thuyền cập bến bất đắc dĩ, và kinh đô Huế. Nếu đã vào được bến Đà Nẵng, chắc chắn là việc trao đổi thông tin giữa hai bên sẽ không mất quá nhiều thời gian và công sức, và biết đâu ông đã có thể về kinh đô Huế để yết kiến vua Minh Mạng?

Ba năm sau, chính phủ Hoa Kỳ lại cử thêm một phái đoàn đến Việt Nam, lần này cũng do E. Roberts dẫn đoàn, cũng đi trên con tàu Peacock. Lần này họ đi vào mùa gió mùa Tây Nam, nên không gặp bão táp. Họ cập được bến Vịnh Đà Nẵng đúng như mong ước của Roberts ba năm trước. Nhưng rồi họ lại ra đi chóng vánh trong sự ngỡ ngàng của triều đình nhà Nguyễn, và nhất là trong sự tiếc nuối không nguôi của Roberts, vì hai lần liên tiếp ông không đạt được mục tiêu ký kết hiệp ước hữu nghị với Việt Nam.

  1. Góc nhìn của triều đình nhà Nguyễn

1.1. Ghi chép của Quốc sử quán

Trong phần ghi chép về những sự việc xảy ra trong tháng Tư năm Bính Dần (tương ứng tháng 5 năm 1836), Đại Nam Thực lục có đoạn như sau:

“Binh thuyền Ma-li-căn đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua hỏi Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: ‘Xem tình ý lời lẽ của họ tỏ ra cung thuận có nên nhận hay không?’ [Trí Phú] thưa: ‘Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương Bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò cái ý họ đến.’ Thị lang Nội các Hoàng Quýnh tâu nói: ‘Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau.  Người xưa đóng cửa ải Ngọc Quan, tạ tuyệt Tây Vực, thực là chước hay chống cự Nhung Địch.’ Vua nói: ‘Họ ở xa trùng dương hơn 40.000 dặm, nay ngưỡng mộ uy đức triều đình mà đến sao lại cự tuyệt, chẳng hóa tỏ ra cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?’ Liền sai Đào Trí Phú nói cùng Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương Bạc, đến tận nơi úy lạo thăm hỏi. Khi đến nơi, viên thuyền trưởng nói là bị ốm, không tiếp kiến được. Ta sai thông ngôn đến thăm; họ cũng sai người đáp lễ, rồi ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi. Bọn Trí Phú đem việc tâu lên và nói: ‘Chợt đến, chợt đi, thực không có lễ nghĩa!’ Vua phê bảo rằng: ‘Họ đến, ta không ngăn cản. Họ đi, ta không đuổi theo. Lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài’!” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr. 916-917)

Đó chính là chuyến thứ hai của phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam vào năm 1836. Và theo triều đình Huế, phái đoàn đã đột ngột bỏ đi mà triều đình không biết nguyên nhân.

1.2. Tường thuật của quan Thương bạc

Mấy tháng sau, một đại diện của Hoa Kỳ thường trú tại Macao được tin có thuyền của xứ Đàng Trong đến đó nên tiếp cận để tìm hiểu những trở ngại đã khiến cả hai chuyến đi đều thất bại. Khi trả lời bằng bút đàm, vị quan Việt Nam tự xưng chức vụ, mà viên đại diện Hoa Kỳ ghi lại là kungfoo yuen waelang, under the hwang-te of Annam, và cho biết như sau:

“Năm xưa, một thuyền của quý quốc đã đến cảng Vũng Lấm, thuộc Phú Yên, Việt Nam. Lúc đó, là đại quan Thương bạc, tôi đã cử người đến chúc mừng phái đoàn và chuẩn bị những sắp xếp cần thiết để đón tiếp. Nhưng vì chữ viết và lời nói giữa hai bên không giống nhau nên việc trao đổi ý tưởng chậm chạp và khó khăn. Về việc giao thương, cần phải có sự hiểu biết rõ ràng, vì là đại quan lo việc buôn bán, tôi phải chuẩn bị ủy nhiệm thư cần thiết; nhưng trước khi mọi thứ sẵn sàng, thì thuyền của quý quốc đã rời cảng. Một lần nữa, vào tháng Ba [âm lịch] năm nay, các thuyền từ quý quốc lại đến thả neo tại cảng To-seäng[2], gần Quảng Nam; và cũng như lần trước, tôi sai các quan trực thuộc đến chúc mừng họ. Dù các sứ giả triều đình nhiều lần yêu cầu thông tin, nhưng họ không nhận được câu trả lời, và bất ngờ thuyền bỏ đi mà không báo trước. Cả hai lần họ đến bất ngờ và cả hai lần họ thình lình ra đi, tay trắng như lúc đến. Chẳng phải thực là phí công phí sức sao?” (The Chinese Requisitory, 1837, tr.545)

Theo tường thuật trên đây thì có vẻ như chuyến đi lần này của phái đoàn Hoa Kỳ không gặp trở ngại nào từ phía triều đình nhà Nguyễn.

  1. Ghi chép của phái đoàn Hoa Kỳ

Trong chuyến đi lần thứ nhất sang Viễn Đông, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ phải bỏ dở việc thương lượng với Việt Nam, nên chỉ ký kết được hiệp ước hữu nghị với Xiêm và Muscat. Hai hiệp ước này đã được Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 30 tháng 6 năm 1834. Vì muốn đạt được mục đích đã đề ra, nên lần này chính phủ Hoa Kỳ lại cử E. Roberts làm sứ giả, trước là để trao đổi hai hiệp ước đã được phê chuẩn, kế đến là tiếp tiếp tục thương lượng với Việt Nam, và cuối cùng là tiếp xúc với Nhật bản để mở rộng mạng lưới bang giao hữu nghị. Tháng 3 năm 1835, Ngoại trưởng John Forsyth đã gửi cho E. Roberts một thư, ghi rõ những huấn thị và quyền chủ động ứng phó tùy theo tình hình, đồng thời không quên nhắc lại những chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ:

“Ông sẽ kiên trì cho những người mà ông tiếp xúc biết về tình hình, đặc điểm và tầm nhìn riêng biệt của nước ta: rằng điều cơ bản của chính sách của chúng ta là tránh xa mọi dính líu chính trị với các nước khác: rằng mặc dù chúng ta là một quốc gia hùng mạnh, sở hữu nhiều nguồn tài nguyên phong phú, một nền giao thương rộng khắp và một hạm đội tàu thuyền đông đảo, nhưng lịch sử của chúng ta cho thấy rằng chúng ta không có tham vọng chinh phục nước khác: rằng chúng ta không muốn sở hữu thuộc địa: rằng chúng ta mưu cầu sự giao hảo tự do và thân hữu với toàn thế giới: và rằng mối quan tâm và thiên hướng của chúng ta khiến chúng ta không chủ trương chiến tranh với nước khác, trừ khi để tự vệ hoặc để đòi quyền lợi hay danh dự của chúng ta khi bị xâm phạm. Khi cần, ông sẽ chỉ ra sự khác nhau giữa chúng ta và các nước khác về các phương diện này, và cố gắng xóa bỏ những sự sợ hãi và định kiến đã nảy sinh từ những cuộc chiếm đóng lãnh thổ hay tấn công của các cường quốc châu Âu.” (Miller R.H. 1990, tr.35)

Ngày 23 tháng 4 năm 1835, phái đoàn nhổ neo lên đường. Trong chuyến đi Việt Nam lần này, E. Roberts mang theo bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson ký ngày 20 tháng 3 năm 1835, được chuẩn bị hai bản, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Pháp.

Lần này cũng trên chiến thuyền Peacock, được thuyền hộ tống Enterprise tháp tùng, cả hai được đặt dưới sự chỉ huy của hạm trưởng E.P. Kennedy. Ngoài ra E. Roberts còn có thêm người phụ tá kiêm xử lý thường vụ của đoàn là bác sĩ W.S.W. Ruschenberger, là tác giả quyển hồi ký ghi chép về chuyến đi, được xuất bản năm 1838 tên là A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1837. Trong chuyến đi này, phái đoàn đi bằng con đường vòng qua mũi Hảo Vọng để đến Viễn Đông. Sau khi đã hoàn tất việc trao đổi các văn bản hiệp ước đã được hai bên phê chuẩn, phái đoàn Hoa Kỳ chuẩn bị rời nước Xiêm để đi Việt Nam. Lúc ấy sức khỏe của E. Roberts và nhiều sĩ quan của ông đã có vấn đề, thậm chí có trường hợp rất trầm trọng, chỉ có một số ít là còn mạnh khỏe.

Buổi tối ngày 20 tháng 4 năm 1836 phái đoàn rời Bangkok lên đường đi Việt Nam. Đoàn thuyền đi ngang qua Vịnh Thái Lan, đến mũi Cà Mau rồi rẽ lên hướng Bắc để đi dọc bờ biển Việt Nam. Ngày 2 tháng 5 một lính hải quân chết vì bệnh lỵ và tả phải thủy tán tại vùng biển này (Ruschenberger W.S.W. 1838, tr. 348). Ngày 3 tháng 5, thuyền bỏ neo ở Hòn Khoai để tiếp nước ngọt: Ruschenberger nhận xét đây là nơi thuận tiện cho việc tiếp nước, và hơn nữa, chất lượng nước ở đây cũng rất tốt. Ngày 4 tháng 5 đoàn tiếp tục lên đường, men theo bờ biển mà đi. Ngày 6 tháng 5 thuyền đi ngang qua Côn Đảo. Nhật ký của Ruschenberger không quên nhắc lại cuộc tấn công vào thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh vào năm 1705, khiến người đọc không thể không nghĩ rằng các nhà hàng hải phương Tây, dù là quốc tịch nào, cũng đều thuộc nằm lòng những bài học cay đắng mà các đồng nghiệp của họ đã trải qua trên suốt con đường hương liệu đến vùng Viễn Đông. Tối ngày 13 tháng 5 Đà Nẵng đã hiện ra ở chân trời. Sáng ngày 14, tàu vừa thả neo thì một chiếc thuyền nhỏ cập vào mạn tàu, nhưng lại đi ngay vì họ chỉ nói được tiếng Việt mà thôi.

Khoảng 5 giờ chiều có ba chiếc thuyền to hơn và đẹp hơn bất cứ chiếc nào Ruschenberger thấy, chở ba quan người Việt lên thuyền kiểm tra. Roberts trao thư gửi Tể tướng[3] bằng tiếng Anh và Pháp vì nghĩ rằng ở Huế có người đọc được tiếng Pháp, do trước đây có nhiều người Pháp làm việc trong chính phủ, cũng như có nhiều nhà truyền giáo đang trú ngụ tại nước này. Thư báo là thuyền của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đã bỏ neo trong vịnh Đà Nẵng, nhằm mục đích phát triển giao thương của hai nước, và đề nghị khẩn trương vì tình trạng sức khỏe của các thành viên trên tàu không tốt, còn ông Roberts đang rất khó ở. Các quan nhận thư và hứa là khoảng ba ngày tới sẽ có thư trả lời (Ruschenberger W.S.W, 1838, tr. 351).

Thế rồi ngày 17 tháng 5 cũng các quan hôm trước lại đến trên một chiếc thuyền dài có 40 tay chèo. Cùng đi với họ là một người phiên dịch tiếng Mã Lai. Trên tàu có một người Hà Lan có thể nói tiếng Pháp và tiếng Mã Lai. Khi tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ, các quan triều đình không tin Roberts là đặc phái viên của Tổng thống, vì ông không mặc quân phục như hạm trưởng hay thuyền trưởng, mà chỉ mặc đồ dân sự bình thường. Họ nói bóng gió nhiều lần về vấn đề này, khiến bác sĩ Ruschenberger nghĩ rằng có lẽ trong tương lai khi đàm phán với xứ Đàng Trong, các nhà ngoại giao phải mang thật nhiều huy chương lấp lánh thì tốt hơn. Ông nhớ lại kinh nghiệm sống mà Roberts đã rút ra được trong lần ghé Vũng Lấm: người xứ Đàng Trong rất chuộng hình thức, do đó, khi tự giới thiệu họ và tên, phải kèm theo càng nhiều chức vụ thì được cho là phẩm hàm càng cao, và càng được kính trọng (Ruschenberger W.S.W, 1838, tr. 355). Các quan triều đình báo rằng hiện nay Hoàng đế không có mặt ở kinh đô, và phái đoàn Hoa Kỳ phải đợi thêm khoảng năm ngày nữa mới có thư trả lời.

Ngày 20 tháng 5 năm 1836, các quan Việt Nam trở lại thăm thuyền và cho biết là phải đợi thêm 11 ngày nữa mới có được thư trả lời của triều đình.

Chiều ngày 21 tháng 5, một ông quan đến thăm thuyền, và báo là ở Huế không có ai có thể đọc được thư của E. Roberts viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Thông tin này khiến phái đoàn nghi ngờ, vì họ đã từng tiếp xúc với giáo sĩ bản xứ rất giỏi tiếng Pháp do chính quyền tỉnh Phú Yên cử đến gặp phái đoàn trong chuyến đi lần trước. Kế đến, một vị quan cao cấp cũng được phái đến Đà Nẵng để xác minh mục đích của chuyến đi. Vị quan mời Roberts lên bờ, nhưng bị từ chối, vì thông lệ ngoại giao quy định là đại diện chủ nhà phải xuống thuyền chào đoàn khách.

Sáng hôm sau, ngày 22 tháng 5, các quan chức lại đến thăm thuyền, nhưng tình trạng sức khỏe của E. Roberts rất xấu, nên ông không thể tiếp đón được. Tình trạng sức khỏe của nhân viên trên cả hai con thuyền đều rất nguy hiểm, vì vậy họ quyết định đi đến một nơi nào đó để đoàn an dưỡng. Nhưng trước khi đi, họ vẫn muốn biết rõ thái độ của triều đình Huế về việc ký kết một hiệp ước hữu nghị và thương mại, để nếu trở lại thì họ sẽ ở trong tình trạng tốt hơn với các phiên dịch thích hợp. Họ vẫn ấp ủ một hy vọng nhỏ nhoi là sẽ ký kết được một hiệp ước với xứ Đàng Trong, mặc dù họ cảm nhận được đây là một vương quốc rất dè dặt, lại mang không ít tiếng đồn không hay. Ruschenberger ghi lại những đàm tiếu về chính quyền thời ấy như sau:

“Tôi đã nghe nhiều thương gia thông thạo và đầy kinh nghiệm cảnh báo rằng người xứ Đàng Trong rất dối trá, và không bao giờ tôn trọng các điều khoản của bất cứ cam kết nào; rằng họ ở quá xa để chúng ta có thể mang sản phẩm của họ đến thị trường của chúng ta có lời; rằng sự ra đời của một hiệp ước không thể đặt nó trong phạm vi quyền hạn của chúng ta để nhận được bồi thường hiệu quả hơn là hiện nay cho bất cứ đối xử không phù hợp nào đối với công dân nước ta; rằng những kinh nghiệm thương trường cho thấy nền mậu dịch của họ không đáng để theo đuổi, và rằng cái lợi duy nhất của hiệp ước, là xem nơi đây là một trạm để hướng về Trung Hoa.” (Ruschenberger W.S.W. 1838, tr. 357)

Người Anh cũng đã gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thiết lập bang giao với nước này, nhưng ngoài những nguyên nhân mà họ cảm nhận được, Ruschenberger còn thấy nhiều nguyên nhân khác:

“Người Anh đã tiến hành nhiều nỗ lực bất thành để ký kết một hiệp ước với xứ Đàng Trong, và cho rằng sự thất bại của họ là do người Pháp và người Bồ Đào Nha bêu xấu về tính cách của người Anh. Tuy nhiên cũng còn nhiều trở ngại khác được tìm thấy trong việc người xứ Đàng Trong xem thường các thương buôn, và những cuộc nội chiến và chiến tranh thường xuyên với lân bang khiến họ rối rắm trong một thời gian dài. Hiện nay họ đang tranh chấp với người Xiêm về lãnh thổ Cambodia, mà dường như từ lâu họ đã muốn sáp nhập vào lãnh thổ của họ.” (Ruschenberger W.S.W, 1838 tr. 357)

Chiều ngày 22 tháng 5, Ruschenberger nhận chỉ thị của Roberts rồi lên bờ cùng với một sĩ quan và phiên dịch viên người Hà Lan, để trao đổi cùng với viên quan triều đình Huế. Viên quan này ăn mặc rất chỉnh chu hơn bất cứ viên quan nào đến tiếp xúc với phái đoàn mấy hôm trước, có lính hầu cầm lộng Trung Hoa, với vô số tua ren treo phất phới. Viên quan ấy đề nghị xuống tàu để hội kiến với Roberts; nhưng thấy rằng đây không phải là Lakak[4] tức phái viên của triều đình Huế, nên Ruschenberger cho biết là mình có thể cung cấp cho ông ấy tất cả những thông tin mà phía Việt Nam muốn biết, và nếu khi nào ông Lakak đến thì ông ta sẽ rất sung sướng tháp tùng cùng ông ấy lên tàu để gặp ông Roberts. Viên quan này thắc mắc: “Sáng nay ông Roberts bị bệnh, và đã từ chối gặp những người lên tàu, và biết đâu chuyện đó lại tiếp tục diễn ra?” Ruschenberger liền đáp: “Nếu phái viên của hoàng đế đến thăm thì chắc chắn ông ấy sẽ nghênh tiếp” (Ruschenberger W.S.W 1838, tr. 358). Các quan triều đình có vẻ phật ý, nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần việc Roberts không thể nghênh tiếp họ, và Ruschenberger cũng đã nhiều lần cho biết là ông ấy bị bệnh.

Sau đó, một nhân vật khoảng 40 tuổi ngồi trên cáng có hơn 50 quân lính theo hầu, trang bị súng hỏa mai và giáo, mặc đồng phục màu đỏ tươi. Qua cử chỉ, cách ăn mặc, Ruschenberger kết luận đó là một quan lớn trong triều. Ông ta cho biết ông không phải là phái viên của Hoàng đế, nhưng có đủ thẩm quyền để tiếp chuyện với Ruschenberger. Ông ta cũng cho biết thêm là phái viên của Hoàng đế một lát nữa sẽ đến đây. Ông cho biết là vì không thể hiểu hay dịch được bức thư do ông Roberts chuyển về Huế, nên họ được triều đình phái tới đây để tìm hiểu nội dung thư, cũng như mục đích của chuyến viếng thăm của phái đoàn. Cuối cùng, ông ta muốn biết Ruschenberger có đủ tư cách để thay mặt ông Roberts hay không (Ruschenberger W.S.W 1838, tr.360).

Cuối cùng thì Lakak cũng đến. Đối chiếu với ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn thì có lẽ đó là Thị lang Bộ Hộ Đào Trí Phú. Theo mô tả của Ruschenberger, ông ta không quá 30 tuổi, mặt mày tỏ ra thông minh vượt trội hơn người đồng hành. Trước tiên ông ta hỏi tại sao sáng nay ông Roberts không chịu tiếp đón các quan, và Ruschenberger lại phải giải thích về tình trạng sức khỏe của Roberts. Chính vì thế mà Ruschenberger được cử lên bờ để gặp vị sứ giả của vua Minh Mạng, và cho biết rằng ông Roberts được Tổng thống Hoa Kỳ trao nhiệm vụ mang thư và tặng phẩm cho Hoàng đế, và ông ấy được trao toàn quyền thương thuyết về một hiệp ước thương mãi, hoặc tìm hiểu tàu thuyền Hoa Kỳ sẽ được phép cập bến ở những cảng biển nào. Vị bác sĩ cho biết ông Roberts rất lấy làm tiếc nuối là phải lên đường ngay vì sức khỏe của ông cũng như của cả đoàn rất xấu, và nhất là vì ba năm trước ông ấy đã đến Vũng Lấm với cùng mục đích nhưng không nhận được câu trả lời nào của triều đình. Tuy nhiên, ông ấy vẫn nuôi hy vọng trở lại trong tương lai, với các phiên dịch thích hợp (Ruschenberger W.S.W 1838, tr. 361).

Viên quan Lakak hỏi Ruschenberger ngày hôm sau ông không thể trở lại để bàn kỹ thêm được sao. Bác sĩ cho biết rằng tối nay thuyền sẽ phải nhổ neo, nhưng ông ta sẽ báo lại cho Roberts những gì viên quan đã nói. Viên sứ giả của triều đình Huế lưu ý rằng trong từ 3 đến 5 ngày sẽ có thư trả lời của hoàng đế, và nếu phái đoàn yêu cầu thì ông ấy sẽ cung cấp thuốc men chữa trị bệnh tật cho các thành viên trong đoàn. Ông ta khẳng định là nước uống trên tàu đã bị nhiễm độc hoặc là rất xấu do rễ của một số loài thực vật đã ngấm vào (Ruschenberger W.S.W. 1838, tr. 363).

Tối hôm đó, phái đoàn vội vã nhổ neo lên đường mà không có bất cứ thủ tục ngoại giao nào. Đoàn về đến Macao ngày 26 tháng 5. Mặc dù được tích cực chạy chữa nhưng tình hình bệnh tật ngày càng trầm trọng. Ngày 3 tháng 6, thuyền trưởng A. Campbell của chiếc Enterprise qua đời. Ngày 12 tháng 6, đến lượt E. Roberts trút hơi thở cuối cùng. Ngày 22 tháng 6, phái đoàn đành phải lên đường quay về Mỹ, bỏ dở mục tiêu đi Nhật như đã dự tính (Miller H. 1933, tr.786).

  1. Những trở ngại trong việc bang giao với triều đình Huế

Trong chuyến đi này, nguyên nhân trực tiếp khiến phái đoàn Hoa Kỳ phải bỏ ngang cuộc đàm phán nửa chừng là bệnh tả và lỵ mà đoàn mắc phải từ khi chuẩn bị rời Xiêm, và nó lan rộng trên cả hai con tàu. Tuy nhiên, căn cứ theo những ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn và của bác sĩ Ruschenberger, chúng ta có thể tin rằng nếu không có dịch bệnh xảy ra thì họ vẫn sẽ còn phải đương đầu với rất nhiều trở ngại tiềm ẩn khác.

3.1. Sự chủ quan của phái đoàn Hoa Kỳ

Sự thất bại của chuyến công cán lần này khiến vị đại diện Hoa Kỳ tại Macao rất quan tâm tìm hiểu nguyên nhân. Trong lần tiếp xúc với một viên quan Việt Nam tại Macao như đã nói bên trên, vị đại diện này bộc bạch:

“Người Mỹ là một dân tộc du hành khắp bốn biển, và có quan hệ thân hữu với nhiều quốc gia. Do chưa từng giao thương với quý quốc nên họ đã hai lần cử đặc sứ để bàn thảo về vấn đề thương mãi giữa xứ Đàng Trong và Hoa Kỳ. Hồ sơ còn ghi là nếu như việc giao thương được thực hiện nghiêm chỉnh theo luật lệ của quý quốc thì cả hai quốc gia đều có lợi. Vì thế, người Mỹ thật lấy làm tiếc vì những nỗ lực đó đã bất thành. Và chúng tôi xin hỏi ngài lý do nào đã cản trở việc ký hiệp ước và việc ấn định biểu thuế để điều hành việc thương mãi? Khi nhận được trả lời của ngài, chúng tôi sẽ rất vui mừng chuyển về quốc gia của chúng tôi cùng với mọi thông tin mà ngài muốn truyền đạt. Và chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ tháo gỡ được mọi chướng ngại ngăn cản việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa quý quốc và thương gia của đất nước chúng tôi.” (The Chinese Requisitory 1837, tr. 544-545)

Nhưng chắc chắn rằng hơn ai hết, bác sĩ Ruschenberger dễ dàng nhận ra trở ngại đầu tiên mà họ đã trải qua. Trong hồi ký của mình, Ruschenberger nhiều lần nhắc đến những khó khăn trong giao tiếp giữa hai bên xuất phát từ việc phải phiên chuyển qua nhiều ngôn ngữ: phái đoàn Hoa Kỳ phải nói tiếng Pháp để người phiên dịch Hà Lan dịch sang tiếng Mã Lai, và người phiên dịch Việt Nam dịch sang tiếng Việt. Sự vô cùng bất tiện và độ tin cậy không cao này xuất phát từ sự chủ quan của phái đoàn Hoa Kỳ, khi nghĩ rằng ở Việt Nam tiếng Pháp đã phổ biến rộng rãi (lần trước họ đã tiếp xúc với một cha xứ ở Phú Yên rất giỏi tiếng Pháp), nên họ định dùng ngôn ngữ này để giao tiếp, và cũng đã chỉ dịch thư của Tổng thống Jackson sang tiếng Pháp mà thôi. Trong chuyến đi lần trước, nhờ ghé lại Macao trước khi đến Việt Nam nên họ tìm được một phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hoa tốt, còn lần này phái đoàn đi thẳng từ Xiêm sang Việt Nam. Hậu quả là, ngay trong những giao tiếp đơn giản đầu tiên mà cũng đã xảy ra những hiểu lầm thô thiển: quan Thị lang Đào Trí Phú tuy biết trưởng đoàn E. Roberts bị bệnh, nhưng lại không biết bệnh gì, cũng như tình trạng sức khỏe rất xấu của cả phái đoàn, nên không hiểu được tại sao đoàn lại lên đường khẩn cấp. Vì vậy mới có câu nhận xét vô tình: “Chợt đến, chợt đi, thực không có lễ nghĩa!” Từ những sự việc đó, chúng ta có quyền nghi ngờ rằng nếu bệnh tình của Roberts không trầm trọng và phái đoàn Hoa Kỳ không bỏ dở chuyến công cán nửa chừng, thì cũng không thể hy vọng rằng việc thương thuyết sẽ diễn ra suôn sẻ.

3.2. Não trạng của triều đình Huế

Về phương diện đối ngoại, có lẽ não trạng của triều đình Huế không có gì thay đổi giữa hai lần tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn về phái đoàn Hoa Kỳ lần này hé lộ cho người đọc biết một số suy nghĩ của họ đối với Hoa Kỳ.

3.2.1. Khuynh hướng bảo thủ mù quáng

Tiêu biểu cho khuynh hướng này là Thị lang Nội các Hoàng Quýnh với phát biểu về phái đoàn Hoa Kỳ: “Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau. Người xưa đóng cửa ải Ngọc Quan, tạ tuyệt Tây Vực, thực là chước hay chống cự Nhung Địch.” Sự mù quáng thể hiện ở chỗ kiến thức địa lý của ông quan này về các nước phương Tây quá sơ sài, hoặc là lẫn lộn nước này với nước kia, hoặc là đồng hóa tất cả thành một. Cho đến 1836, Hoa Kỳ và Đại Nam chưa có tiếp xúc, giao dịch chính thức nào ngoài chuyến thương thuyết dang dở năm 1833, thế mà Hoàng Quýnh lại nhận xét hồ đồ là “nước họ xảo quyệt muôn mặt”.

Hơn nữa, khi nhắc lại kế sách đóng cửa với người phương Tây, Hoàng Quýnh tỏ ra thấm nhuần cách phân loại địa lý ngạo mạn của vua chúa Trung Hoa, xem mình là trung tâm của thế giới, còn những nước khác là các dân tộc Tứ Di (man di mọi rợ) gồm Đông Di, Bắc Địch, Tây Nhung và Nam Man. Khi phát biểu như thế, Hoàng Quýnh đã đứng ở góc nhìn của người Trung Hoa, và quên thân phận mình đang là dân một nước phải triều cống phương Bắc, và cũng bị họ xem là man di.  

3.2.2. Ảo tưởng vĩ cuồng

Khuynh hướng này thể hiện ở tính tự cao tự mãn, tự xem mình là đức độ, là hùng mạnh, còn những nước khác là hèn mọn, là yếu kém. Minh Mạng nói: “Họ ở xa trùng dương hơn 40.000 dặm, nay ngưỡng mộ uy đức triều đình mà đến sao lại cự tuyệt, chẳng hóa tỏ ra cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?” Câu nói cho thấy bên cạnh tính hiếu khách phải có của chủ nhà, Minh Mạng là người tự cao đến mức hoang tưởng, cho rằng triều đình nhà Nguyễn vang danh khắp thế giới về uy vũ và đức độ, được nhiều dân tộc khác mến mộ. Ông đã bị huyễn hoặc bởi những lời tâng bốc của các quan trong triều, nên không hề hiểu rằng các nước phương Tây đến kết giao buôn bán trước hết là vì lợi nhuận, là để kiếm tiền. Đó không phải là lần đầu Minh Mạng có suy nghĩ dễ dãi như thế: Đại Nam thực lục còn ghi lại nhiều phát biểu tự cao rất ngây ngô tương tự như vậy. Trong một buổi thiết triều vào tháng 7 âm lịch năm Minh Mạng thứ 16 (tức năm 1835), khi thấy triều đình thiếu người phiên dịch nên ông truyền lệnh:

“Ngày xưa có ký, đề, tượng dịch(1)[5] để làm thông ngôn với các nước khác. Triều đình ta giáo hoá, thanh danh vang dội đến các nơi xa. Tàu bè bốn phương như chim bay, cá lượn, đều đến học tập. Vậy nên có người biết tiếng và chữ ngoại quốc để làm việc thông dịch.” (Quốc sử quán, 2007, tr. 725)  

Cái tâm thế ấy chẳng những được biểu lộ trước bá quan văn võ trong nước, mà còn thể hiện đối với người nước ngoài. P.M. Diard, một nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên trẻ người Pháp vì nghe theo lời thuyết phục của J.-B. Chaigneau đã tháp tùng cùng với vị quan này đến xứ Đàng Trong năm 1821 để tìm hiểu hệ động thực vật ở đây, sau một năm đặt chân đến Đà Nằng cũng đã nhận ra sự kiêu ngạo của Minh Mạng:

“Với tính cách khác hẳn vua Gia Long, thay vì đơn giản và thẳng thắn trong phong cách và dễ gần, Minh Mạng thì ngược lại, ông tỏ vẻ oai vệ ngạo nghễ như các vua chúa phương Đông, và chăm chút từng động tác và từng quy trình theo nghi thức và tục lệ Trung Hoa, có lẽ ông sẽ cố duy trì vẻ ngoài cao trọng hơn vua nước Pháp, và ông đã làm như vậy.” (Brébion A. 1914, tr. 207)

Với tâm thế đó, Minh Mạng tự cho mình là văn minh, còn các nước khác là man di, như khi nói về việc phái đoàn Hoa Kỳ phải vội vã nhổ neo vì có nhiều người ngã bệnh: “Lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài!”

3.2.3. Thần phục nhà Thanh

Triều đình Huế có thái độ tự cao tự đại đối với nước khác, nhưng trừ Trung Hoa, vì đó là thiên triều mà Minh Mạng phải triều cống. Khi mới lên ngôi, Minh Mạng đã phải dẫn một đoàn quan triều đình gồm 1.782 quan văn võ các cấp, và 5.150 binh lính (Huỳnh S.E. 1917, tr. 100) thân chinh ra Thăng Long để nhận sắc phong của hoàng đế nhà Thanh, như ghi chép của Thượng thư Bộ Lễ dưới thời vua Duy Tân là Huỳnh Côn: “Vào tháng 12 âm lịch năm Minh Mạng thứ 2 (nhằm tháng 1 năm 1822), đại sứ Trung Hoa Phan Cung Thì 潘恭時, án sát sứ Quảng Tây 廣西, đã đến An Nam để mang bằng sắc phong sang” (Huynh S.E. 1917, tr. 89). Trong buổi lễ ấy, Minh Mạng đã phủ phục sát đất và quỳ lạy nhiều lần để biểu hiện sự thần phục nhà Thanh. Sau đây là một trong nhiều cảnh khấu đầu của vua Minh Mạng trong buổi lễ nhận sắc phong được tổ chức tại điện Kính Thiên (Thăng Long) vào ngày Giáp Ngọ tháng Chạp năm Tân Tỵ, Minh Mạng năm thứ 2 (nhằm ngày 10 tháng 1 năm 1822), do Thượng thư Huỳnh Côn ghi lại:

“Sau khi sứ thần nhà Thanh đọc to sắc phong, các quan chủ lễ đồng hô to: ‘Thỉnh Hoàng thượng đón nhận sắc phong’. Và sứ thần Trung Hoa trao sắc phong cho Hoàng đế, người đón nhận và nâng lên ngang đầu, đoạn trao lại cho viên quan quỳ nhận; rồi sứ thần trở về chỗ ngồi. Các quan chủ lễ hô to: ‘Thỉnh Hoàng thượng dập đầu lạy tạ’; ‘Thỉnh Hoàng thượng đứng dậy’; ‘Thỉnh Hoàng thượng về chỗ ngự’!” (Huỳnh S.E., 1917, tr. 95)

Việc thần phục nhà Thanh thường được giải thích đó là chiến thuật nhượng bộ tạm thời phương Bắc nhằm mưu cầu yên bình để xây dựng đất nước. Thế nhưng về văn hóa và giáo dục thì không thể nói gì khác hơn đó là sự thần phục tuyệt đối, sự tự nguyện giam hãm vào vũ trụ quan đã thống trị Á Đông hàng ngàn năm, mà không hề chịu mở mắt nhìn ra phương Tây xem bên đó có gì hay lạ không, dù chỉ là vì tò mò. Hệ quả là Minh Mạng chỉ thấy được nguồn tri thức ở Trung Hoa mà thôi, như ông đã nói trong một buổi chầu tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (tức năm 1835):

“Vì sách vở ở nước ta có ít, tuy người có tài học rộng, cũng không lấy đâu mà đọc được. Từ nay về sau, hễ có phái người đi sang nhà Thanh, nên mua nhiều sách ban bố cho các người đi học, để họ mắt thấy tai nghe rộng ra mới được” (Quốc sử quán 2007, tr. 674-675)

3.2.4. Tầng lớp quan lại giáo điều, thiếu thực học

Có lẽ ngày nay không ai còn lạ gì cách giáo dục thời phong kiến: đó là nền giáo dục từ chương, chủ yếu là làm cho người học thấm nhuần tư tưởng nho giáo để ra làm quan, hoặc để ứng xử trong đời thường. Trần Trọng Kim đã có những nhận xét khái quát về sự học thời nhà Nguyễn như sau:

“Bao nhiêu công phu của người đi học chú trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. Còn sự luyện tập hàng ngày, thì cốt tập cho thạo thuộc các lề lối ở chỗ khoa trường là: kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách. Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh.” (Trần Trọng Kim, 1971, tr. 250-251)

Đã thế, họ lại còn khinh thường nền học vấn phương Tây. Đại Nam thực lục còn ghi phát biểu sau đây của Minh Mạng: “Văn tự của Tây dương chỉ có 24 chữ cái. Hiểu được 24 chữ ấy thì những chữ khác đều do đấy mà ra, học cũng chẳng khó” (Quốc sử quán, 2007, tr. 725). Do nhận thức hời hợt như vậy mà ông đã từ chối sự tiếp cận nguồn tri thức đến từ các nước phương Tây: trong thời gian lưu lại Huế, thuyền trưởng Rey đã có nhận xét như sau: “Ông [vua Minh Mạng] thường dùng các ký tự của chúng ta để viết, nhưng chưa bao giờ muốn học ngôn ngữ nào khác hơn là ngôn ngữ của xứ ông” (Rey L. 1820, tr. 73). Michel Đức Chaigneau đã ghi lại những buổi vào chầu vua Minh Mạng để giải thích cho ông về đất nước và con người ở Pháp. Khi nói về công việc nghiên cứu động vật của các nhà khoa học như P.-M. Diard lúc ấy đang thực hiện ở Việt Nam, Minh Mạng thốt lên:

“Ồ! Người ta xây cả lâu đài để trưng bày côn trùng à! Thật là điên rồ! Đúng là trò trẻ con! Vậy là người Pháp không có việc gì đáng làm hơn để phải chú tâm vào những chuyện ngớ ngẩn này ư?” Sau khi được giải thích rằng đó là một ngành khoa học nghiên cứu về tự nhiên, Minh Mạng thổ lộ: “Trẫm không hiểu được một nhà bác học lại có thể cúi người quỳ xuống trước một bãi cứt trâu cứt voi, để dùng ngón tay bắt ra những con côn trùng nhỏ lúc nhúc; hoặc hớn hở như những đứa trẻ đuổi bắt những cánh bướm và bọ hung, như thể đó là những bảo vật.” (Chaigneau M. Đức, 1867, tr. 255-256)

Những chi tiết trên cho thấy là các khái niệm về khoa học, các hoạt động nghiên cứu, cách tạo ra kiến thức mà phương Tây đang làm, còn rất xa lạ với tầng lớp ưu tú của xã hội Việt Nam thời ấy, bởi vì họ chỉ quen với việc tiếp nhận kiến thức giáo điều truyền lại từ ngàn đời trước mà thôi. Hơn nữa, việc khảo sát tự nhiên trên thực địa của P.-M. Diard không phải là việc mới được thực hiện lần đầu ở xứ Đàng Trong: từ năm 1742, nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha João de Loureiro, với tư cách là thầy thuốc và nhà khoa học của chúa Nguyễn Phúc Khoát, đã để ra hơn 30 năm để nghiên cứu về cây cỏ xứ Đàng Trong và cho ra đời bộ sách đầu tiên trên thế giới tên là Flora Cochinchinensis. Thế mà đến thời Minh Mạng trong ký ức của quần thần nhà Nguyễn gần như là không còn vết tích gì về cách thức tìm hiểu tự nhiên của người phương Tây mà ngày nay đã trở thành cơ bản trong trường học. Điều đó cho thấy là đến đầu thế kỷ XIX, tinh thần khoa học vẫn chưa thể bắt rễ được vào tâm thức của người Việt.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngay từ giữa thế kỷ XVI nước ta đã bắt đầu tiếp xúc với thương nhân Bồ Đào Nha, và sau đó nhiều nhà truyền giáo có kiến thức về các ngành khoa học như toán học, thiên văn, y học, lịch sử, địa lý, vv. cũng đã đến. Cơ hội tiếp cận với nền khoa học phương Tây rất nhiều, nhưng đều lần lượt trôi đi, khiến tầm nhìn về thế giới bên ngoài của người Việt chỉ quanh quẩn ở nước Trung Hoa đang tới hồi suy vi. Lẽ ra sau hơn 200 năm tiếp xúc với phương Tây, vua quan nhà Nguyễn phải nhận ra rằng những tiến bộ thần kỳ về kỹ thuật hàng hải giúp họ đi vòng quanh thế giới chính là thành quả của khoa học và văn hóa giáo dục tiên tiến. Nhưng vì thấm nhuần cái học từ chương của Trung Hoa, nên họ không thể thoát ra khỏi sự mê muội, không thấy được sự lạc hậu của đất nước, và do đó, họ cũng không có nhu cầu tìm tòi, học hỏi để đưa đất nước vươn lên bằng người. Với một tầng lớp quan lại được đào tạo như thế, việc thương thuyết chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trên nhiều phương diện, đặc biệt là làm thế nào để họ hiểu được tư tưởng dân chủ và thể chế dân cử trong guồng máy tổ chức xã hội của Hoa Kỳ thời bấy giờ.

3.2.5. Có thành kiến nặng nề với phương Tây

Ngay vừa lên ngôi, Minh Mạng đã để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp cho người châu Âu. Qua thư từ trao đổi với người thân, P.-M. Diard đã kể lại những kỷ niệm không hay về những tháng đầu đặt chân lên Đà Nẵng:

“Tàu lên đường vào tháng 8 năm 1821. Ít lâu sau đó bờ biển Nam kỳ hiện ra, và rồi Diard cập bến Đà Nẵng. Trong suốt sáu tháng ròng, những biện pháp cảnh giác vu vơ của chính quyền xứ Đàng Trong đã giữ chân ông ở đó trong tình trạng như bị giam cầm, và khó khăn lắm ông mới có thể đi bộ đến kinh đô Huế một lần duy nhất, nhưng nhờ tặng nhiều quà cáp cho các quan chức và nhờ vào sự bảo trợ của viên lãnh sự Pháp, cuối cùng ông cũng được tự do đi thăm thú các tỉnh.” (Champoiseau N. 1829, tr. 33)

Mặc dù triều đình Huế luôn nói về việc các tàu thuyền phương Tây được quyền tự do buôn bán nếu chấp hành pháp luật sở tại, nhưng qua hành động của họ, không thể phủ nhận việc họ có thành kiến nặng nề đối với phương Tây. Đại Nam thực lục còn ghi lại biện pháp đối xử với người Trung Hoa và người châu Âu mà Minh Mạng đã chuẩn tấu trong một buổi thiết triều tháng 12 năm Ất Mùi (nhằm tháng 1 và 2 năm 1836):

“Vậy xin từ nay phàm các tấn phận hễ có thuyền buôn người nhà Thanh đến đậu, thì viên tấn thủ thân hành tra xét trong thuyền nếu có người Tây dương đáp theo, thì lập tức phải hỏi rõ lai lịch, nếu là đạo trưởng Tây dương, lập tức phải bắt giải quan, cũng chiếu theo luật trinh sát ngoại quốc lén vào trong nước mà khép tội chém. Nếu là mấy người Tây được thuê làm hoa tiêu thì cũng phải đăng ký rõ ràng. Còn người nhà Thanh thì được phép lên bờ, đi lại buôn bán. Những người Tây làm hoa tiêu vẫn phải lưu trú ở trên thuyền, đến khi thuyền quay buồm về, đều đuổi hết ra biển.” (Quốc sử quán, 2007, tr. 838-839)

Nhà truyền đạo Tin Lành người Đức Ch. Gutzlaff đồng thời là tác giả của nhiều tài liệu nghiên cứu về phương Đông, đã sống nhiều năm ở Viễn Đông và đã có những nhận xét về Việt Nam dưới thời Minh Mạng như sau:

“Người xứ Đàng Trong là một dân tộc rất đáng thương, và điều kiện của họ càng thêm khốn khổ do cuộc loạn lạc vừa qua. Vì thế họ rất tiết kiệm trong chế độ ăn uống, và dè xẻn trong cách ăn mặc. Nhà vua biết rất rõ sự nghèo khổ của chính ông ta và của thần dân của ông, nhưng lại không chịu mở cửa buôn bán với người châu Âu, là cách có thể giải quyết tình trạng tồi tệ này.” (Gutzlaff, 1834, tr. 81)

Chủ trương hạn chế buôn bán với người phương Tây xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, nhưng tựu trung lại có hai nguyên do chính, được Trần Trọng Kim nêu ra như sau:

“Việc giao thiệp của nước Nam ta với các nước ngoại dương mà ngăn trở là bởi có hai lẽ: một là vì sự cấm giảng đạo thiên chúa; hai là vì người nước mình lúc bấy giờ không hiểu thời thế, cứ tự đắc mình là văn minh hơn người, không chịu học tập như người ta mà theo đường tiến bộ.” (Trần Trọng Kim, 1971, tr. 223)

Với tầm nhìn như thế, đương nhiên là mọi giao dịch với Trung Hoa đều được ưu tiên so với các nước khác, như E. Roberts đã từng nhận xét trong chuyến đi lần trước.

Thay lời kết

Hai lần phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đến nước Đại Nam thời Minh Mạng đều không có hiệu quả. Tuy nguyên nhân dẫn đến thất bại của hai chuyến đi không giống nhau, nhưng các yếu tố chính trị xã hội của bối cảnh hai lần tiếp cận không có gì thay đổi. Đó là những đặc thù của một vương triều tự nguyện thần phục nhà nước phong kiến Trung Hoa để làm điểm tựa chống lại ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây đang lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Đó là não trạng của những tín đồ trung thành với những bài học trị quốc của Trung Hoa đã được truyền tụng từ hàng ngàn năm trước. Trong điều kiện đàm phán như thế, với nhãn quan của hai bên khác biệt nhiều như thế, và nhất là với chủ trương hạn chế giao thương với phương Tây, nếu phái đoàn Hoa Kỳ không bị vận rủi đeo bám, thì cũng không có gì chắc chắn là hai nước có thể tìm thấy tiếng nói chung trong một hiệp ước hữu nghị và bình đẳng.

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 6 năm 2020)


Tài liệu tham khảo

Brébion A. 1914. Diard naturaliste français dans l’Extrême-Orient. Tạp chí T’oung-pao số 15.

Chaigneau M. Đức, 1867. Souvenirs de Hué. Paris: Imprimerie Impériale.

Champoiseau N. 1829. Notice sur les voyages de M. Diard, naturaliste français, aux Indes orientales. Tạp chí Annales de la Société d’Agriculture, des Sciences, Arts et Belles-Lettres du département d’Indre-et-Loire, số 9 (tháng 12 năm 1829).

Gutzlaff Ch. 1834. Journal of Three Voyages Along the Coast of China, in 1831, 1832 and 1833 With Notices of Siam, Corea, and the Loo-Choo Islands. London: F. Westley and Davis.

Huỳnh S.E. 1917. Minh-mang va recevoir l’investiture à Hanoi. Tạp chí BAVH, Avril-Juin 1917.

Miller H. 1933. Treaties and Other International Acts of the United States of America, Vol. 3. Washington: Government Printing Office.

Miller R. H. 1990. The United States and Vietnam 1787-1941. Washington D.C.: National Defense University Press.

Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Đại Nam thực lục, Tập bốn. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

Rey L. 1820. Relation du deuxième voyage du Henry, capitaine Rey, à la Cochinchine. Trong  Journal des voyages: découvertes et navigations modernes, Vol.7. Paris: Chez Colnet Libraire.

Ruschenberger W.S.W 1838. A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1837. Philadelphia: Carey, Lea & Blanchard.

The Chinese Repository 1837. Remarks on the diplomatic relations with Cochinchina, undertaken by the government of the United States, with a statement on the subject from an oflicer of the king. Trong tạp chí The Chinese Repository, No. 12 Vol. V (April 1837).

Trần Trọng Kim, 1971. Việt Nam sử lược, quyển 2. Sài Gòn: Trung tâm học liệu.

 

Chú thích:

[1] Xem bài “Bang giao Việt Mỹ: khởi đầu đầy sóng gió” đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 4/2020.

[2] Đây là cách ghi âm của bài báo bằng tiếng Anh, không biết nguyên văn chữ hán là gì, nhưng chắc chắn đó là cảng Đà Nẳng.

[3] Nguyên văn: Prime minister.

[4] Ruschenberger giải thích Lakak là phái viên của Hoàng đế, nhưng chúng tôi chưa biết chữ tiếng Việt mà ông đã phiên âm là chữ gì.

[5] Chú thích trong bản in năm 2007: “Ký : thông ngôn phương Đông ; đề : thông ngôn phương Tây ; tượng : thông ngôn phương nam ; dịch : thông ngôn phương Bắc.”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s