Lịch sử chế độ Xã hội chủ nghĩa và nền độc tài ở Chile (1970-1988)

Hennie-Pinochet-main

Augusto Pinochet (1915-2006)

Long Vũ

Ít ai biết, Chile là một trong những nước chịu hậu quả nặng nhất của khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 – với hậu quả là sự sụp đổ ngay lập tức của một chế độ.

1/ Chile trước năm 1970

Chile có lịch sử khá ngắn. Nước này mới chỉ hình thành hơn 200 năm. Trước khi người Tây Ban Nha đến, Chile là một vùng đất hoang vu cằn cỗi dưới chân dãy Andes đồ sộ. Các bộ tộc bản địa Mapuche ở miền Nam không bị người Tây Ban Nha đụng đến.

Đầu thế kỉ 19, phong trào chống Tây Ban Nha được lãnh đạo bởi José de San Martín, một người Argentina. Sau khi Argentina được giải phóng, José de San Martín đã mang quân vượt dãy Andes giải phóng cả Chile. Người dân Chile rất tôn trọng José de San Martín, và nhiều người định tôn ông làm hoàng đế, sáp nhập Chile vào Argentina. Nhưng Jose San Martin từ chối, giao ngôi vương Chile cho Bernardo O’Higgins, một người Chile gốc.

Dù vậy, José de San Martín vẫn được coi là người anh hùng dân tộc lớn nhất của Chile, tượng đài được dựng khắp Chile và cả Argentina. Mối quan hệ giữa 2 nước cũng rất tốt đẹp trong nhiều năm sau đó, với tư cách là đồng minh quân sự.

Trong 1 thế kỉ tiếp theo, Chile trở thành một cường quốc trong khu vực. Sau khi chinh phục miền Nam của các bộ tộc Mapuche, Chile cũng liên tục chiến thắng trong mọi cuộc chiến với các láng giềng, chiếm được các vùng đất rộng lớn. Đặc biệt là sau cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-83), cuộc chiến mà Chile đã một mình đánh bại liên minh Peru-Bolivia đông gấp 10. Lãnh thổ Chile mở rộng gần đôi. Đất nước Chile kéo dài từ phía Bắc đến gần Nam Cực hơn 4.300km, dài nhất thế giới. Chile cũng chiếm được những mỏ khoáng sản và cảng biển giàu có nhất của Peru, chiếm luôn đường ra biển của Bolivia. Với khoản bồi thường chiến tranh khổng lồ được trả sau đó (Peru được Mỹ trả giúp), tài sản quốc gia của Chile tăng gấp 9 lần. Chile vươn lên trở thành quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ, với quân đội hùng mạnh nhất là Hải quân. Họ cũng trở thành Đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ ở khu vực

Nhưng bước vào thế kỷ 20, Chile không còn duy trì được nền kinh tế mạnh như trước đó nữa.

Việc hợp tác với Hoa Kỳ dù giúp tăng 10 lần các khoản đầu tư vào Chile, nhưng cũng khiến các mỏ khoáng sản lớn nhất đất nước như đồng bị các công ty lớn của Hoa Kỳ thâu tóm. Sự kiện kênh đào Panama khai trương khiến Chile mất đi nguồn thu từ hàng hải. Chiến tranh thế giới thứ Nhất rồi Đại khủng hoảng nổ ra khiến Chile chìm sâu trong suy thoái. Các Khảo sát Kinh tế Thế giới của Hội Quốc Liên năm 1931 tuyên bố ”Chile là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái’. Chile ngày càng bị phụ thuộc vào Hoa Kỳ, bị tụt hậu so với Argentina hay Brazil.

Phải đến năm 1964, Chile mới có sự thay đổi. Trong cuộc bầu cử năm 1964 ứng cử viên Eduardo Frei Montalva của đảng Dân chủ Thiên Chúa (trung lập) thắng toàn diện và đưa ra nhiều cải tổ với châm ngôn “Cách mệnh trong Tự do”. Ông đã thành công lớn trong việc giành lại các mỏ và công ty của đất nước từ tay người Mỹ. Đồng thời các cải cách về giáo dục, nông nghiệp, y tế,…được đẩy mạnh. Cải cách ruộng đất lần đầu tiên được tiến hành để xóa bỏ hoàn toàn quyền sở hữu của người nước ngoài.

Trong nhiệm kì của Tổng thống Eduardo Frei Montalva, kinh tế Chile phát triển nhanh chóng, vươn lên hàng đầu Mỹ Latinh về thu nhập đầu người năm 1970. Dù vậy, bất chấp công nghiệp phát triển, nước này vẫn tồn tại một nền nông nghiệp lạc hậu, với sự bất công trong sở hữu đất. Chỉ 5% địa chủ Chile chiếm tới 80% đất canh tác. Chile vẫn thường xuyên phải nhập khẩu lương thực.

Vào thời điểm đó, Chile cùng với Venezuela là 2 nền dân chủ duy nhất ở Mỹ Latinh, bởi các quốc gia khác hầu như đều nằm dưới chế độ độc tài quân sự.

2/ Salvador Allende và chế độ Xã hội chủ nghĩa (1970-1973)

Trong cuộc bầu cử năm 1970, có 3 ứng cử viên chính:

-Salvador Allende của liên minh cánh tả mang tên Unidad Polupar (Nhân Dân Thống Nhất)

-Jorge Alessandri của đảng cánh hữu mang tên Partido Nacional (Quốc Dân Đảng),

-Radomiro Tomic của đảng trung lập Partido Demócrata Cristiano (Đảng Dân chủ Công giáo).

3 đảng này khá cân bằng với nhau. Trong vòng đầu tiên, Allende được 36,6% số phiếu, Alessandri được 35,3%, còn Tomic được 28,1%. Vì không ai được quá bán, nên theo Hiến pháp, Quốc hội phải chọn giữa 2 người được nhiều phiếu nhất. 200 người của Quốc hội được quyền bỏ phiếu, thì 153 người bầu cho Allende, và Allende trở thành tổng thống Chile.

Allende không che dấu tham vọng đưa đất nước đi lên Xã hội chủ nghĩa.

-Về kinh tế, các cải cách trước kia của Tổng thống Eduardo Frei Montalva nhanh chóng bị đảo lộn. Nông nghiệp bị tập thể hóa, giáo dục y tế được bao cấp như Liên Xô. Allende tăng trợ cấp xã hội, và quốc hữu hóa các công ty lớn (mà trước đó nằm trong tay một số tài phiệt), kiểm soát chặt chẽ giá cả và tiền tệ. Ngoài ra ông tiếp tục đẩy mạnh cải cách ruộng đất. Các cải cách này của Allende làm tăng sự hậu thuẫn của những người nghèo đối với chính phủ.

Hành động đáng kể nhất của Allende trong thời gian này là Quốc hữu hóa các mỏ đồng giàu có của quốc gia. Đây là một cú sốc rất nặng với cả kinh tế Chile lẫn thế giới, do Chile sản xuất đến 1/3 lượng đồng. Hành động của Chile làm giá đồng tăng vọt, nhưng họ lại không thể bán do sản lượng bị giảm quá nhanh và bị các nước khác tẩy chay. Sau này nhiều người nhận xét: ”Allende đã tự nã đạn đồng vào đầu mình với quyết định quốc hữu hóa mỏ đồng”.

Các liên hệ với các công ty Mỹ cũng bị cắt đứt do ”đe dọa an ninh quốc gia”. Thay vào đó, quan hệ kinh tế với Liên Xô, Cuba và các nước XHCN được tăng cường.

-Về chính trị, quyền lực được tập trung vào tay Tổng thống và các nhóm cánh tả. Các đảng đối lập bị đàn áp. Các vị trí trong chính phủ bị thay thế bằng những nhân vật Cánh tả thân cận với Allende. Thậm chí ông bổ nhiệm cả Miguel Enríquez, một tên tội phạm cực tả bị cả Đảng Cộng sản Chile lẫn các đảng cánh hữu chỉ trích, vào vị trí lãnh đạo của tổ chức (Movimiento de Izquierda Revolucionaria – MIR) một tổ chức giống Đoàn thanh niên. MIR sau này còn phát triển thành các nhóm vũ trang, tự trang bị vũ khí sẵn sàng tiêu diệt các nhân vật đối lập với Allende. Miguel Enríquez còn công khai đe dọa Quốc hội.

Các đảng đối lập bị đàn áp. trong khi các nhóm vũ trang cánh tả tự phát nổi lên như nấm. Thậm chí do lo ngại quân đội không ủng hộ, Allende lập ra riêng một đội quân lấy tên là Grupo de Amigos Personales, hay gọi là GAP. GAP bao gồm những người trung thành nhất với Allende, có cả lính đánh thuê Cuba, với vũ khí dùng hoàn toàn AK-47 của Liên Xô, hiện đại hơn phần lớn quân đội Chile thời đó. GAP trở thành lá bài để Allende đối phó với quân đội, được tự do đi lại trong phủ tổng thống.

Việc làm của Allende bị Quốc hội phản đối. Do quyền lực của Quốc hội ở Chile rất lớn, Allende coi Quốc hội là cái gai trong mắt cần loại bỏ.

-Về ngoại giao: Allende ngay lập tức công khai thù địch Mỹ, nghiêng hẳn về Liên Xô. Trong các tài liệu mật của KGB Liên Xô thời đó, thì ông Allende được coi là một “tài sản” lớn thứ hai sau Fidel Castro ở châu Mỹ La Tinh. Quan hệ với Cuba, Việt Nam, Mông Cổ, Đông Âu, các nước Arab cũng tốt đẹp. Nhất là với Cuba, Allende đã nhận một khẩu AK do Fidel Castro tặng làm vũ khí cá nhân (sau đó cũng tự sát bằng chính khẩu súng này). Cuba thậm chí còn đưa binh sĩ bị mật đến làm cận vệ riêng cho Allende trong lực lượng GAP.

Ngược lại, quan hệ với các nước láng giềng thì xấu đi trong thấy. Chile hỗ trợ cho các nhóm du kích Cộng sản nổi dậy ở Peru, dẫn đến Peru cắt quan hệ ngoại giao. Với Bolivia thì chưa bao giờ tốt đẹp cả. Nhưng ngay cả với đồng minh truyền thống là Argentina cũng xấu đi. Thậm chí, Allende công khai thần tượng nhà cách mạng Bolivar của Venezuela (xu hướng chung của các nước cánh tả Mỹ Latinh), điều khiến người Chile tức giận do họ coi Jose San Martin mới là người hùng của Chile.

3/ Khủng hoảng kinh tế và cuộc đảo chính năm 1973

Các cải cách kinh tế Xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết của Allende, tuy đem lại lợi ích cho một bộ phận dân nghèo, nhưng không thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, mà trái lại làm cho nền kinh tế bị suy giảm, và đánh mạnh vào tầng lớp trung lưu đông đảo.

Sản lượng nông nghiệp giảm do tập thể hóa nông nghiệp. Cuộc cải cách ruộng đất tịch thu đất của các địa chủ nhưng lại thâu tóm vào tay chính quyền và các quan chức tham nhũng. Nhiều nông trại bị bỏ hoang, trở thành căn cứ cho các nhóm vũ trang bí mật của Allende. Nông dân từ chỗ cày thuê sang không có đất để cày, buộc phải di cư. Nhiều người trong số họ sang Bolivia.

Điều này nhìn vào có vẻ bình thường, nhưng với người Chile lại là một nỗi nhục to lớn. Bởi lẽ người Chile luôn coi mình là dân tộc “thượng đẳng” hơn người Bolivia. Trong lịch sử, Chile đã lấy mất đường ra biển của Bolivia, gián tiếp khiến Bolivia bị nghèo đói. Người dân miền Bắc Chile quen với việc sử dụng những người thổ dân Bolivia nghèo đói sang nước họ cày thuê thay cho gia súc, nhưng từ năm 1970, người Chile phải chạy ngược sang biên giới làm cho người Bolivia.

Công nghiệp Chile phụ thuộc lớn vào khai thác đồng. Quyết định quốc hữu hóa các mỏ đồng của tổng thống Allende thực sự là thảm họa kinh tế. Các công ty bỏ chạy khỏi ngành khai mỏ. Công nhân khai mỏ chiếm tới 50% tổng lao động, thất nghiệp hàng loạt. Công suất lao động trong ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm hơn 20%, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, thu nhập bình quân đầu người giảm hơn 10% trong thời gian 3 năm Allende cầm quyền. Dự trữ ngoại tệ mất đi 77 triệu USD. Tiền lương thực tế giảm 25%. Vốn đầu tư giảm sút, thất nghiệp tăng, chính phủ Allende đưa ra biện pháp kiểm soát giá cả, tăng lương, quốc hữu hóa nhiều công ty đa quốc gia. Nền kinh tế Chile suy thoái và tê liệt.

Thâm hụt khu vực công đã tăng từ -1,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1970 lên -22,9% vào năm 1973. Lạm phát phi mã đạt đến mức lịch sử: 606% duy nhất trong hơn 200 năm, một kỷ lục mà chỉ có Venezuela sau này phá nổi. Chính phủ càng tìm cách in tiền để giải quyết, lạm phát càng tăng vọt, giá cả lên cao trong khi tiền lương thực tế của công nhân xuống thấp cùng cực. Đồng nội tệ mất giá gần 87%, khiến thị trường chợ đen nở rộ. Nhiều cuộc đình công của công nhân, giáo chức, sinh viên và thương gia nổ ra ngày một dữ dội.

Và rồi khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 bùng nổ, như một cú đá Knock-out nền kinh tế đã hấp hối của Chile. Giá dầu tăng đột biến, thổi bay 23% GDP của nước này. Ngành công nghiệp vận tải phá sản. Tháng 10 năm 1973, công nhân vận tải đình công. Với một đất nước dài 4.300km, cuộc đình công như cắt đứt mạch máu của đất nước. Chile tê liệt, liên lạc bị cắt đứt giữa các vùng. Quân đội phải huy động cả xa bọc thép để chở hàng và người dân. 18 tỉnh phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Tiếp đến, công nhân mỏ đình công khiến nguồn thu nhập chính của chính phủ bị mất. Allende đã cho các nhóm vũ trang đàn áp dữ dội cuộc đình công khiến hàng chục công nhân thiệt mạng, hàng nghìn người bị bắt. Ngành khai mỏ tê liệt coi như dấu chấm hết của chế độ Allende.

Tháng 8 năm 1973, 100.000 phụ nữ Chile tuần hành ở Plaza de la Constitución để phản đối chính phủ vì chi phí ngày càng tăng và thiếu lương thực và nhiên liệu, nhưng họ đã bị phân tán bằng hơi cay và dùi cui. Việc quân đội đánh đập phụ nữ khiến sự chịu đựng của Quốc hội kết thúc.

Bản cáo trạng công bố ngày 22/08/1973 của Quốc hội Chile đã nêu một loạt các hành động vi hiến của chính phủ Allende, trong đó có:

-Điều hành theo các chỉ thỉ không tuân thủ pháp luật

-Đàn áp bất hợp pháp cuộc bãi công của thợ mỏ

-Chiếm đoạt đất hợp pháp 1500 trang trại nông nghiệp,

-Quốc hữu hóa phi lý các công ty khai thác đồng

-Không chịu thực hiện các quyết định của tòa án

-Lạm dụng truyền hình quốc gia

-Cho phép những người ủng hộ cánh tả trang bị vũ khí trong khi cấm đoán điều đó với những người ủng hộ cánh hữu

-Phớt lờ đi các tuyên bố của Ủy ban Kiểm soát Trung ương độc lập, v.v..

-Sử dụng lính đánh thuê bất hợp pháp (GAP)

vv…

Allende “lờ đi” và phản kháng lại rằng những điều Allende làm là “cách mạng”, là cần thiết cho Chile.

Trước tình hình đó, Quốc hội đã kêu gọi quân đội ra tay để dẹp chính quyền của Allende từ tháng 8/1973, mở đường cho cuộc đảo chính vào tháng 9/1973. Trước đó, vào ngày 29/06/1973, xảy ra một cuộc đảo chính không thành mà về sau được gọi là Tanquetazo (sự kiện xe tăng): một chỉ huy quân đội dùng xe tăng bao vây tòa nhà của tổng thống Allende. Tổng chỉ huy quân đội lúc đó là Prats, trung thành với Allende, đã dẹp được cuộc đảo chính này. Nhưng uy tín của Prats trong con mắt nhân dân suy giảm. Đến ngày 23/08/1973 thì Prats từ chức, và tướng Pinochet được bổ nhiệm thay thế làm tổng chỉ huy quân đội.

Chile.jpg

Vào sáng ngày 11/09/1973 xảy ra đảo chính tại Chile. Điều người ta không ngờ tới là toàn bộ quân đội đã quay súng chống lại Allende. Toàn bộ lục quân (Pinochet chỉ huy), không quân (do tướng Leigh chỉ huy), hải quân (do tướng Merino chỉ huy), và cảnh sát (tướng César Mendoza Durán) đều tham gia đảo chính.

Khởi đầu bằng cuộc đảo chính của Hải quân ở Cảng Valparaíso. Theo lịch sử Chile, bất cứ lực lượng nào nắm được Hải quân sẽ chiến thắng. Tiếp đó không quân Chile ném bom các đài phát thanh và phủ tổng thống. Bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Orlando Letelier có nhận điện thoại của Allende và đến bộ quốc phòng, thì bị bắt và trở thành tù nhân đầu tiên trong cuộc đảo chính.

Allende hoàn toàn bị bất ngờ rằng hầu hết toàn bộ lực lượng vũ trang trong đó có cả Pinochet đã chống lại mình. Theo các nhân chứng trong cuộc, Pinochet mới đầu cũng lưỡng lự khi biết về kế hoạch đảo chính, sau đó mới tham dự. Phe đảo chính thương lượng, kêu gọi Allende từ chức tổng thống, nhưng Allende không chịu. Thân cận của Allende đề nghị Allende bỏ trốn chạy ra một vùng khác để từ đó làm đảo chính ngược lại, Allende cũng không chịu, nhất quyết ở lại dinh tổng thống, tin vào chính nghĩa của mình.

Lực lượng duy nhất bảo vệ Allende là 600 quân Grupo de Amigos Personales (GAP). Dù tinh nhuệ và được trang bị AK hiện đại từ Cuba ở dinh tổng thống có khoảng 300 lính tinh nhuệ, nhưng GAP cũng không đọ lại được phía quân đội đông đảo có máy bay trực thăng và máy bay ném bom đến yểm trợ. Kết cục đến đầu giờ chiều, sau khi khoảng 60 người bị chết trong đó chủ yếu là quân GAP, Allende đã tự sát bằng khẩu súng AK mà Fidel Castro tặng, và quân GAP đầu hàng. Cũng có người nói Tổng thống Allende chết trong chiến đấu.

Nhưng đổ máu chưa kết thúc. Các nhóm cánh tả do Pinochet nuôi giấu trước đó nổi lên chống Pinochet trong suốt tháng 9, khiến hàng nghìn người cả quân đội lẫn du kích thiệt mạng. Thậm chí một kế hoạch tuyệt mật của Liên Xô đã được vạch ra nhằm lật đổi Pinochet đã được lập ra, gọi là ”Chiến dịch Toucan” nhưng cuối cùng không thể thực hiện.

Cuối cùng, Pinochet đàn áp thành công các nhóm vũ trang nổi dậy. Sau khi Miguel Enríquez, nhân vật cực tả thân cận của Allende bị bắt và sát hại, các cuộc nổi dậy chấm dứt. Chế độ XHCN ở Chile sụp đổ.

4/ Chế độ độc tài Pinochet

Tuy nhiên, ảo vọng về một chính quyền dân cử của người dân Chile nhanh chóng vụt tắt.

Sau khi nắm chính quyền, Pinochet thiết lập chế độ quân trị khắc nghiệt, từ đó bắt đầu quá trình gọi là ”Tái cấu trúc quốc gia”, thực chất là cuộc đàn áp, bắt bớ những nhân vật đối lập.

Pinochet đã thẳng tay đàn áp các đối thủ chính trị gồm cả phe cánh tả lẫn những nhân vật chống đối hữu khuynh, kể cả những nhân vật được Mỹ, Pháp ủng hộ. Ngay cả một tổng thống cánh hữu, Juan Domingo Perón của Argentina đã lên án cuộc đảo chính gọi đây là “sự nguy hiểm cho lục địa”. Trước cuộc đảo chính, Perón đã cảnh báo những người cực đoan hơn hãy giữ bình tĩnh và “đừng làm như Allende”. Ngay cả những người trung lập nổi tiếng như ứng viên tổng thống Radomiro Tomic của Đảng dân chủ Thiên chúa giáo cũng không thoát khỏi tù đày.

Viện cớ chống lại mối đe dọa của cộng sản, Pinochet thiết lập một chế độ độc tài, giải thể quốc hội và các đảng phái chính trị, lập ra tổ chức mật thám gọi là DINA. Các đảng Cộng sản, Marxist bị đặt ngoài vòng pháp luật. Pinochet thiết lập một chiến dịch khủng bổ đối với những người được coi là có “tư tưởng thân cộng”, đặc biệt là đối với Đảng Cộng Sản. Tổng cộng trong giai đoạn độc tài Pinochet, có khoảng 30 nghìn người bị tù đầy tra tấn vì lý do chính trị, và có khoảng 3000 người bị bắt chết, ám sát, hay mất tích. 200.000 người Chile cũng phải bỏ chạy khỏi đất nước.

Trong những nhân vật bị sát hại có nhiều người nổi tiếng nổi tiếng. Đó là cựu ngoại trưởng của Allende bị ám sát tại Mỹ; cựu tổng chỉ huy quân đội Prats bị ám sát tại Buenos Aires; ca sĩ – nhạc sĩ Victor Jara lúc đó là đảng viên cộng sản,…. Nhiều người nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ, Mexico,…cũng bị ám sát, thủ tiêu ở Chile trong thời kỳ độc tài Pinochet, như nhà làm phim người Mỹ Charles Horman.

Một cách thức thủ tiêu hết sức nổi tiếng của Pinochet, là ”chuyến bay tử thần”. Các tù nhân thường bị bắt lên trực thăng, rồi ném thẳng xuống biển hay núi Andes. Dù hình thức này có ở Algeria thời Pháp, Zaire, hay ngay cạnh Argentina,…nhưng Chile thời Pinochet vẫn là nổi tiếng nhất, nên có một meme rất nổi tiếng trên Internet hiện nay là Pinochet nói: ”Fernando, get the helicopter”.

Mói quan hệ của Pinochet với Mỹ không phải quá tốt đẹp. Mỹ thường xuyên lên án Pinochet bởi các hành động đàn áp quá tay, và thỉnh thoảng bắt cóc công dân Mỹ. Đồng minh lớn nhất của Pinochet là Anh. Chile đã ủng hộ Anh trong cuộc chiến Falkland với Argentina. Dưới thời Pinochet, Chile cũng có tranh chấp lãnh thổ với Argentina.

Về mối quan hệ với Liên Xô và Chile thời Pinochet có 2 sự kiện đáng chú ý.

Đầu tiên là việc Liên Xô tẩy chay trận đấu vòng loại World Cup 1974 với Chile, với lý do Sân vận động quốc gia Chile bị lấy làm nơi giam giữ và tra tấn các thành viên Cộng sản (dù thực tế điều đó chỉ diễn ra sau này). Điều này khiến Liên Xô bị loại khỏi World Cup 1974. Đó là lần đầu tiên một quốc gia tẩy chay World Cup vì lý do chính trị.

Thứ 2 là vụ trao đổi được thế giới chú ý. Tháng 12 năm 1976, ở Zurich, Thụy Sĩ, Chile đã trao cho Liên Xô bí thư đảng cộng sản Chile Luis Corvalan, người đang bị Pinochet giam giữ. Ngược lại, Liên Xô trao cho Chile nhà văn bất đồng chính kiến rất nổi tiếng Vladimir Bukovsky, đang bị chính quyền Liên Xô bắt giam. Cả 2 đều là những người rất có ảnh hưởng trên thế giới lúc đó. Trước cuộc trao đổi, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở các nước XHCN đòi thả Luis Corvalan, cũng rất nhiều cuộc biểu tình ở các nước phương tây đòi thả Vladimir Bukovsky. Vụ trao đổi được coi như chiến thắng lớn cho cả 2 phe. Tại Liên Xô, Corvalan được đích thân Tổng Bí thư Leonid Breznev đón tiếp, còn Bukovsky tại Mỹ được gặp Tổng thống Jimmy Carter.

Tuy vậy, sức ép trong và ngoài nước lên chính quyền độc tài của Pinochet tăng cao. Ngay từ đầu, người ta đã ý thức chính quyền độc tài quân sự của Pinochet rõ ràng chỉ có tính chất “tạm thời”, tồn tại như là một giai đoạn chuyển đổi cho đến khi Chile có được các điều kiện để có được một chính quyền dân chủ khác. Đất nước Chile có truyền thống dân chủ lâu đời, nên người dân cũng không dễ dàng chấp nhận một chính quyền quân sự lâu dài. Chính quyền độc tài quân sự Pinochet, tuy được Mỹ hậu thuẫn, nhưng cũng ngày càng chịu nhiều sức ép của Mỹ và thế giới hơn về nhân quyền.

Đến năm 1988, Pinochet tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để kéo dài nhiệm kì. Nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý này, người dân Chile đã tự tay bỏ phiếu bác bỏ ý định của Pinochet làm tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ hai. Tháng 12 năm 1989, một cuộc bầu cử mà Pinochet cáo buộc Mỹ can thiệp đã đưa ứng cử viên Patricio Aylwin của đảng Công giáo Dân chủ lên nắm quyền, chấm dứt chế độ độc tài quân sự. Pinochet vẫn tiếp tục làm tổng chỉ huy quân đội.

Một trong những lý do khiến cho Pinochet chấp thuận từ bỏ quyền lực, là vào thời điểm đó chiến tranh lạnh đã đến giai đoạn kết thúc, ở Đông Âu sắp sửa thay đổi chế độ, ở Nga lúc đó cũng là thời kỳ perestroika và glastnost, không còn lý do “chống thảm họa cộng sản” để giữ chính quyền độc tài quân sự nữa. Bên cạnh đó, các nước Nam Mỹ lúc đó đã bãi bỏ chế độ độc tài từ lâu, Chile không còn lý do để giữ lại.

5/ Phép màu kinh tế Chile dưới thời Pinochet

chi le

Ảnh: Biểu đồ lạm phát của Chile

Dù chế độ độc tài bị coi là chương đen tối trong lịch sử, nhưng trên phương diện kinh tế, thời kì Pinochet thực sự là một kỳ tích với Chile. Để nói về thời kỳ này, nhà kinh tế học vĩ đại Milton Friedman sử dụng cụm từ ”Miracle of Chile” (sự thần kỳ của Chile).

Nền tảng của sự thần kỳ này, là các chính sách kinh tế được áp dụng bởi một nhóm lớn các nhà kinh tế Chile, được gọi chung là Chicago Boys, được Pinochet ủng hộ. Hơn 20 nhà kinh tế Chile, được học tập trong các trường đại học của Hoa Kỳ (chủ yếu ở Chicago) đã đóng vai trò cố vấn kinh tế quan trọng giúp Pinochet đề ra các cải cách vực dậy kinh tế Chile.

Trọng tâm của Pinochet là tư nhân hóa triệt để kinh tế, tự do hóa kinh tế và ổn định lạm phát. Ông tuyên bố rõ ràng ””make Chile not a nation of proletarians, but a nation of entrepreneurs” (Chile không thể là quốc gia vô sản, nó phải là của các doanh nhân).

Các tài nguyên của đất nước được trao cho các doanh nghiệp lớn, ngoài trừ các mỏ đồng vẫn bị quốc hữu hóa. Rào cản thương mại bị xóa bỏ. 30% đất nông nghiệp được trả lại cho nông nghiệp, trong khi số còn lại được bán giá rẻ cho nông dân. Kết quả của việc này là đại đa số nông dân có đất cày và đa số công nhân có việc làm, dù thu nhập lại tập trung vào tay giới chủ.

Chile dưới thời Pinochet là một nền kinh tế tự do gần như hoàn toàn. Từ đó đến nay Chile luôn giữ vị trí số 1 Mỹ Latinh về tự do kinh tế.

Thành công lớn nhất của Pinochet là hạ lạm phát một cách tuyệt vời. Năm 1973 lạm phát 508,1%, đến năm 1981 giảm còn 9,5%.

Pinochet cũng cắt giảm phúc lợi xã hội, giảm tiền lương. Nhưng bù lại, nền kinh tế tăng trưởng 3%/năm. Sự phát triển tích cực này tác động lên tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tuổi thọ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm rất nhiều đến nỗi Chile đạt mức tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất ở Mỹ Latinh trong những năm 1980. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Chile đã giảm từ 76,1 trên 1000 xuống 22,6 trên 1000 từ năm 1970 đến năm 1985.

Về mặt kinh tế, những chính sách của Pinochet thực hiện gần với chích sách kinh tế “tư bản hoang dã”. Tuy nhiên, chính sách tư bản hoang dã này có thể có lợi cho giới tư bản, giúp kinh tế đất nước đi lên nhưng lại làm cho người nghèo khổ cực đi. Thực tế tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ trong giai đoạn Pinochet tăng lên so với giai đoạn Allende. Sau một giai đoạn phát triển kinh tế từ năm 1975 đến năm 1980, khi Mỹ quyết định cắt toàn bộ viện trợ vốn đã ít ỏi cho Chile vì các hành động tàn bạo của Pinochet, thì Chile lại rơi vào khủng hoảng tài chính những năm 1981-1982, lao dốc đi xuống, rồi đến quãng 1987 mới lại trở về ngang bằng mức 1970 về thu nhập trung bình theo đầu người. Tuy nhiên, nền kinh tế Chile vẫn khá hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các nhà kinh tế gọi đây là giai đoạn đầu của ”Miracle of Chile” – ”thần kì Chile”, được so sánh với sự phát triển của Nhật Bản trong những năm 60.

Ở một mặt nào đó, người ta cho rằng sự phát triển kinh tế đã tác động đến việc Chile chuyển sang nền dân chủ. Ngay như nhà kinh tế Milton Friedman, vốn ca ngợi chính sách kinh tế của Pinochet, cũng đã đoán trước sự sụp đổ của chế độ này.

Friedman nói rằng “nền kinh tế Chile đã làm rất tốt, nhưng quan trọng hơn, cuối cùng, chính quyền trung ương, chính quyền quân sự, đã được thay thế bằng một xã hội dân chủ”.

Friedman cũng tuyên bố rằng “Điều kỳ diệu thực sự ở Chile không phải là những cải cách kinh tế đó hoạt động rất tốt, mà bởi vì đó là những gì Adam Smith nói họ sẽ làm. Chile là câu chuyện thành công nhất về kinh tế ở Mỹ Latinh ngày nay. Điều kỳ diệu là một chính quyền quân sự đã sẵn sàng để họ làm điều đó. “

6/ Chile thời hậu độc tài

Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Chile vẫn tiếp tục sau khi chuyển sang nền dân chủ, kéo dài đến tận những năm 2008. Trong hai thập kỷ 1990-2010, Chile là nước phát triển mạnh nhất ở Mỹ La Tinh, và là nước đầu tiên của Mỹ La Tinh được kết nạp vào tổ chức OECD (tổ chức của các nước giàu trên thế giới), điều mà Brazil, Mexico, Argentina nỗ lực suốt hàng chục năm qua vẫn chưa đạt được.

Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Chile đạt khoảng 14,4 nghìn USD/năm, đứng thứ 30 trong số 34 nước của OECD. Chile cũng được coi là đất nước đáng sống nhất Mỹ Latinh, với chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (cao nhất Mỹ Latinh và thứ 38 thế giới).

Chỉ số tự do kinh tế đứng thứ 7 thế giới năm 2015, và luôn đứng đầu Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, nền kinh tế Chile tồn tại một vấn đề khá lớn, đó là chênh lệch giàu nghèo. Chile có tình trạng chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng nhất trong các nước OECD, với 20% dân số giàu nhất chiếm 56,8% tài sản, trong khi 20% dân số Chile nghèo nhất chiếm 4,1%.

Chile đã duy trì nền dân chủ truyền thống sau khi chấm dứt nền độc tài vào năm 1988. Chile được xếp vào nước có nền dân chủ đầy đủ. Chỉ số dân chủ của Chile xếp thứ 2 Mỹ Latinh sau Uruguay.

Các đảng phái ở Chile, gồm cả cánh tả (Đảng Xã hội, Đảng Dân Chủ), cánh hữu (Đảng Bảo Thủ) và trung lập (đảng Dân chủ Thiên Chúa) đã thay nhau nắm quyền từ năm 1988 đến nay. Tổng thống hiện nay là tỷ phú Sebastián Piñera, trước kia thuộc đảng Bảo thủ trong Liên minh Đổi mới quốc gia.

Hiện tại trong xã hội Chile vẫn còn tồn tại tranh cãi về chế độ độc tài Pinochet. Đa phần đều coi chế độ độc tài của Pinochet là vết đen trong lịch sử. Nhưng nhiều người khác nhìn vào các thành tựu kinh tế coi Pinochet là người có công với Chile. Trong sách giáo khoa Chile, người ta đã bỏ từ ”độc tài” khi nói về chế độ Pinochet.

(Số liệu sử dụng trong bài có thể cũ)


*Tham khảo

-Chile: A Country Study (Rex A. Hudson)

-Economic Reforms in Chile: From Dictatorship to Democracy (Ricardo Ffrench-Davis)

-A History of Chile (Luis Galdames)

One thought on “Lịch sử chế độ Xã hội chủ nghĩa và nền độc tài ở Chile (1970-1988)

  1. 1. Khi nói về Tổng thống Allende, thì cần phải nhớ rằng ông ấy rất sai lầm khi không giám sát thật kỹ quy trình SỮA HỌC ĐƯỜNG (một quy trình cực kỳ nhân văn và…., hề… hề…, rất là XÃ HỘI CHỦ NGHĨA) nên đã nảy nòi ra một đám ăn bớt sữa của học sinh (được lập nên với danh nghĩa là của Ban Giám Hiệu, của Công Đoàn nhà trường), chúng lấy cớ học sinh bị vi phạm gì đó để cắt tiêu chuẩn sữa và số sữa thừa này được tuồn ra chợ đen với giá cao, cứ thế mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, rất nhiều kẻ luồn sữa ra ngoài thị trường chợ đen trở nên giàu có. Điều đặc biệt là cái đấm giàu mới nổi này hết lòng ủng hộ mọi đường lối chính sách của Allende và đảng của ông ta.
    2. Pinochet rất căm ghét bọn mới nổi này vì ông coi chúng là bọn tư bản hóa nguồn lực của đất nước dưới danh nghĩa là CỘNG SẢN, ông chỉ đích danh bọn chúng là lũ CHÓ LỢN (không có dấu “phảy”), nhưng tiếc thay, từ vựng của Chi Lê chỉ dịch được CHÓ hoặc LỢN riêng rẽ, nên khi phát động cuộc đảo chính, ông hô: ” tiêu diệt BỌN LỢN” (Đây là do bản nhân nghe nói lại thôi chứ có đúng hay không thì xin cảm phiền trang nghiencuulichsu.com kiểm chứng hộ nhé!!?)
    3. Dưới thời Pinochet, nhóm TRẺ SI CA GÔ đã cùng ông đưa Chi Lê đi tới một nền kinh tế đích thực và năng động có thu nhập cao. Tuy bị thế giới gắn mác độc tài, nhưng, chính Pinochet lại là một trong các dũng sĩ đầu tiên GIẾT LỢN (CHÓ LỢN không có dấu phảy) CỨU NGƯỜI đó!!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s