
Japan (1568-1600 CE)
Nguyễn Nam Trân
1. Tổng quan
Cuộc đại loạn Ônin là bước ngoặt đưa đẩy nước Nhật bước vào một thời đại còn hỗn mang hơn nữa, đó là thời Sengoku (Chiến Quốc).Lúc bây giờ, trên toàn quốc, những nhà cai trị có thực lực và bám rễ sâu tại địa phương đã bắt đầu lộ diện.
Thời tiền bán thế kỷ 16, chủ yếu là vùng Kinki bao quanh kinh đô Kyôto, đã trở thành sân khấu nơi diễn ra không ngừng những cuộc xung đột trong nội bộ Mạc Phủ Muromachi, đặc biệt là họ Hosokawa (Tế Xuyên), để dành quyền chi phối chính trị. Trong cuộc đấu đá này, kết quả là quyền hành đã chuyển từ cánh gia đình chức Kanrei (Quản lãnh) có thực quyền là Hosokawa sang một gia thần của họ, Miyoshi Nagayoshi (Tam Hảo Trường Khánh), rồi sau đó nó lại vào tay một bộ hạ của Nagayoshi tên là Matsunaga Hisahide (Tùng Vĩnh Cửu Tú). Tuy nhiên, ở các địa phương khác, những gì xảy ra không còn dính líu tới mạc phủ nữa. Các thế lực địa phương đã đủ sức xây dựng nên những lãnh quốc (ryôkoku, còn gọi là bunkoku = phân quốc) rồi tự mình cai trị lấy. Những nhân vật có thế lực như thế được gọi là Sengoku daimyô (Chiến Quốc đại danh). Là lãnh chúa Chiến Quốc, họ tượng trưng cho một thứ quyền lực mới chưa hề có từ trước đến nay, không còn thuộc vào hệ thống thế lực của mạc phủ và dĩ nhiên không tuân theo mệnh lệnh của tổ chức này.
Thực ra, trước khi có cuộc loạn Ônin, cảnh tượng tương tự đã từng thấy ở vùng Kantô. Cái địa vị kubô ở phủ chúa Kamakura đại biểu cho Mạc phủ Muromachi ở miền này là mầm mống xung đột giữa hai ông tiểu kubô: Ashikaga Shigeuji (Túc Lợi Thành Thị), con trai Mochiuji (Trì Thị), khi đó gọi là Koga kubô (Cổ Hà công phương) và người anh em của Shôgun Yoshimasa (Nghĩa Chính) tên gọi Masatomo (Chính Tri), lúc đó giữ chức Horigoe kubô (Quật Việt công phương). Còn thêm một cuộc xung đột thứ hai trong nội bộ gia đình Uesugi, một thân tộc bên ngoại của mạc phủ, vốn giữ đặc quyền quản lãnh vùng Kantô (Kantô kanrei) để phụ tá cho chức kubô. Cánh Yamanouchi Uesugi tranh giành với cánh Ôgigayatsu Uesugi và điều này đã tiếp diễn trong một thời gian dài.
Nhân tình trạng tranh chấp này mà vào cuối thế kỷ 15, Hôjô Sôun (Bắc Điều Tảo Vân, tục gọi là Ise Sôzui hay Y Thế Tông Thụy) từ Kyôto xuống đã nắm lấy cơ hội bình định được một vùng miền Đông từ Izu đến Kantô. Về gốc gác của nhân vật Sôun thì có nhiều thuyết, không có gì rõ ràng nhưng có lẽ ông ta thuộc hàng thân tộc của họ Ise, vốn lãnh chức chấp sự (shitsuji) trong cơ quan hành chánh trung ương gọi là Mandokoro (Chính sở) của Mạc phủ Muromachi. Cũng có thể ông ta là con trai Ise no Morisada (Y Thế Thịnh Định), người có lãnh địa là trang viên Ebara thuộc tiểu quốc Bicchuu (Bị Trung, nay là miền tây tỉnh Okayama). Điều đó giải thích việc bên cạnh tên Sôun của ông ta có đính kèm danh hiệu Ise Sôzui.
Hồi loạn Ônin thì Sôun là gia thần của Yoshimi, em trai Shôgun Yoshimasa. Ông theo chủ xuống vùng Ise, rồi sau đó mới gả em gái cho shugo địa phương ấy là Imagawa Yoshitada (Kim Xuyên Nghĩa Trung). Nhân vật nữ nói trên là bà Kitagawadono (?-1529). Cuộc hôn nhân này cho phép ông trở thành người nhà của họ Imagawa.Về sau, Hôjô Sôun lật đổ được chức Horigoe-kubo khu vực Izu vào năm 1393 (Meitoku 4), lần lượt bình định các vùng Izu và Sagamo và trở thành một lãnh chúa Sengoku (Sengoku daimyô) trấn giữ đất Odawara.
Tại sao phải nhắc đến nhân vật Hôjô Sôun ở đây? Thật ra, lý do là sự kiện Sôun bình định được vùng Izu và Sagami để trở thành một daimyô được đánh giá như biến cố đánh dấu sự mở màn của một thời kỳ lịch sử. Sau đó sẽ có những hành động rập khuôn tiếp nối. Thời đại Sengoku xem như đã bắt đầu với nhân vật này. Với sự giải thể của Mạc phủ Muromachi, một thế lực mới xuất thân từ hàng đại diện shugo (shugodai) và các kokujin (người giữ nước hộ) sẽ thay thế tầng lớp cai trị cũ (shugo).
Vào khoảng giữa thế kỷ 16, ở vùng Kantô, người ta thấy hình ảnh loạn lạc của thời Sengoku đã thực sự bày ra trước mắt. Chức shugo vùng Kai (Giáp Phỉ hay Giáp châu, nay thuộc địa phận tỉnh Yamanashi) là Takeda Harunobu (Vũ Điền Tình Tín, 1521-1573), người về sau được biết đến với đạo hiệu là Shingen (Tín Huyền) đã trở thành một lãnh chúa Sengoku khác. Đó cũng là trường hợp địch thủ lợi hại của ông, Nagao Kagetora (Trường Vỹ Cảnh Hổ), sau đổi tên thành Uesugi Kenshin (Thượng Sam Khiêm Tín, 1530-1578). Hai võ tướng thiền gia này thường xuyên chạm trán và cuộc giao chiến lịch sử giữa hai người ở vùng Kawanakajima (Xuyên Trung Đảo) thuộc địa phương Kita Shinano nay đã trở thành truyền thuyết trong dân gian.
Phải nói giai thoại về hai ông thì có rất nhiều và người Nhật ai cũng còn nhớ chuyện ” gửi muối cho quân địch” (teki ni shio wo okuru). Lúc đó, hai chiến tướng Shingen và Kenshin đang lúc tranh phong rất gay cấn nhưng khi nghe tin dân của Shingen thiếu muối ăn vì lãnh địa nằm xa biển, thay vì siết vòng vây để phong tỏa bằng kinh tế, Kenshin mà lãnh địa vốn ở bên cạnh biển, đã cho gửi muối giúp địch thủ. Kenshin chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở trên chiến trường chứ không bằng một thủ đoạn hèn mạt. Điều này chứng tỏ tinh thần mã thượng của samurai Nhật Bản. Từ đó cách nói đó đã trở thành ngạn ngữ hàm ý tính rộng lượng đến độ “giúp cả kẻ địch trong cơn khốn đốn”.
Mặt khác vào lúc đó, nhiều daimyô khác cũng cùng nhau dấy lên mưu việc tự lập. Địa phương Suruga (miền trung tỉnh Shizuoka) và Tôtoumi (miền tây Shizuoka) có họ Imagawa, Echizen (tỉnh Fukui bây giờ) có họ Asakura, Owari (phía tây tỉnh Aichi) có họ Oda (Chức Điền)…Vùng cực nam đảo Honshuu (thường được gọi là Chuugoku, tỉnh Yamaguchi), chức shugo có một thời cường thịnh họ Ôuchi (Đại Nội) đã bị viên cận thần nhiều tham vọng của mình là Sue Harukata (Đào Tình Hiền) đoạt lấy nước. Vùng Aki (phía tây Hiroshima) “người giữ nước hộ” là Môri Motonari (Mao Lợi Nguyên Tựu) nổi dậy, phá tan thế lực Sue Harukata rồi cùng với họ Amago (Ni Tử) tranh chiến qua lại nhiều lần để dành quyền kiểm soát khu vực San.in rộng lớn.
Còn về các địa phương khác thì trên đảo Shikoku thì đã có họ Chôsokabe (Trường Tông Ngã Bộ), đảo Kyuushuu có các họ Ôtomo (Đại Hữu), Ryuuzôji (Long Tạo Tự), Shimazu (Đảo Tân), vùng đông bắc Honshuu là họ Date (Y Đạt). Rừng nào cọp nấy, họ nhắm nới rộng khu vực ảnh hưởng, tranh hùng với nhau như thời thập nhị sứ quân ở nước ta.
Nhìn chung, các daimyô Sengoku tức lãnh chúa thời Chiến Quốc Nhật Bản hầu hết xuất thân từ những người “đại diện tại chỗ” như các đại diện shugo hay tầng lớp “quản gia” vốn có nhiệm vụ giữ nước hộ (kokujin) nhhung phải cái khi vắng chủ nhà gà đã sớm mọc đuôi tôm. Các dòng Shimadzu, Ôtomo, Imagawa, Takeda là những gia đình gốc shugo, đến thời Sengoku tình thế đưa đẩy thành ra daimyô nhưng ngoài họ ra, hầu hết tập thể daimyô kiểu mới này xuất thân thuộc cấp, xưa ở bên dưới giờ mới ngóc đầu lên. Nói cách khác, những người đến từ giai cấp thấp này đã tượng trưng cho cuộc vận động xã hội có tên gekokujô (hạ khắc thượng).
Quyền lực truyền tử lưu tôn ngày xưa không còn giá trị gì nữa giữa một thời đại mà chỉ có thực lực mới đáng kể. Vì thế những lãnh chúa mới ra đời này, khi muốn bảo vệ địa vị mình mới đoạt được, đã phải chiến đấu không ngưng tay. Để được bầy tôi và dân chúng trong lãnh địa tín nhiệm và trung thành với mình, các daimyô Sengoku cần tỏ ra xứng đáng nghĩa là bắt buộc có tài chỉ đạo quân sự và năng lực cai trị.
Thử hỏi các daimyô thời Chiến Quốc phải làm cách nào để gây dựng được lực lượng? Thực ra họ phải tìm cách kết hợp các kokujin (“quản gia” giữ nước hộ) mới theo về cũng như các jizamurai (võ sĩ xuất thân từ địa phương), hai loại người vốn đã có mặt tại chỗ. Quá trình nhằm biến những phần tử thuộc hai giới này thành gia thần, nói khác đi, quá trình tạo giữa daimyô và hai loại người này một quan hệ chủ tớ, có tên gọi là hikanka (bị quan hóa = biến thành nhân viên, quan chức, như thể nhập vào biên chế). Trước tiên daimyô phải thống nhất được những tiêu chuẩn tính toán lương bổng (gọi là kandaka = quán cao) cho những quan chức mới này và bảo đảm một đồng lương tương xứng với địa vị của họ. Bù lại, cùng với món thu nhập này, người “bị quan hóa” đó cũng phải lãnh một trách nhiệm quân sự (gọi là gun.yaku = quân dịch). Chế độ nói trên được lược xưng bằng danh từ kỹ thuật “quán cao chế” (kandakasei) nhưng có lẽ nên tạm hiểu là chế độ lương bổng (ân cấp) bởi vì “quán” có nghĩa là quan tiền. Hiểu được chế độ này là đã hiểu được nguyên lý cơ sở của việc xây dựng lực lượng quân sự bởi các daimyo thời Chiến Quốc.
Mặt khác các phần tử kokujin và jizamurai đó cũng đoàn ngũ hóa. Họ được gửi gắm cho những gia thần có thế lực coi sóc. Với chế độ gọi là yorioya (ký thân), yoriko (ký tử) (cha nuôi, con nuôi), họ được các gia thần ấy tổ chức thành những toán quân nhà nghề, tinh nhuệ, biết sử dụng các loại vũ khí tạm gọi là tối tân vào thời đó như súng hỏa mai (teppô) và trường thương (nagayari). Đó cũng là một điểm giúp ta phân biệt vai trò giữa shugo thời mạc phủ và daimyô thời Chiến Quốc.
Việc cai trị của các daimyô Chiến Quốc tại tiểu quốc của mình:
Daimyô thời Chiến Quốc khác với các shugo daimyô của giai đoạn Mạc phủ Muromachi. Những người gọi là daimyô (lãnh chúa) thời Sengoku chịu cơ cực và phải lo toan hơn nhiều. Cả năm, họ bắt buộc lúc thì giao chiến để bảo vệ tiểu quốc của mình trước sự xâm lấn của những lãnh chúa nhiều tham vọng, lúc thì đề phòng đồng minh trở mặt. Bằng không, họ sẽ khó lòng giữ được địa vị.
Do đó, vấn đề ưu tiên của lãnh chúa thời Chiến Quốc nằm trong bốn chữ “phú quốc cường binh” nghĩa là làm sao cho dân giàu lính mạnh. Thành công hay thất bại nằm ở cái tài tổ chức được một chính quyền vững chãi.Họ phải ngày đêm mưu tính với các gia thần tìm phương án tốt nhất, chính sách hữu hiệu nhất để thực hiện cho được mục đích tối thượng đó. Trong hoàn cảnh như vậy, các bunkokuhô ( phân quốc pháp) cũng như kahô (gia pháp) tức các luật nội bộ với nhiều điều khoản độc đáo của từng địa phương, từng dòng họ đã ra đời.
Luật của tiểu quốc (phân quốc) có khi là những bộ luật kế thừa những điều luật của mạc phủ hay của các tay shugo thời trước, có khi hấp thụ những điều luật được các nhóm kokujin đã tạo ra trong thời gian họ làm ikki nghĩa là nổi dậy để giành lấy chính quyền. Có thể xem luật phân quốc là tập đại thành của luật lệ thời trung cổ Nhật Bản (thường được họ gọi là trung thế[47] để chỉ giai đoạn giữa thế kỷ 12 đến 16)
Đối với những lãnh chúa đời Chiến Quốc, việc kiểm soát sức mạnh kinh tế trong lãnh địa là điều họ xem là thiết thân hơn cả.Họ tìm sách bắt rễ sâu hơn ở địa phương, tăng gia diện tích đất chiếm lĩnh bằng cách thu đoạt những vùng đất mới qua các cuộc chinh phục.Sau đó họ mở cuộc điều tra đất đai (kenchi = kiểm địa) để xem sức sản xuất lúa gạo nơi đó được bao nhiêu. Sự kiểm soát của họ dựa trên một chế độ tự khai báo (jiko shinkokusei = tự kỷ thân cáo chế), qua đó, các địa chủ, gia thần của họ phải báo cáo lên lãnh chúa một số chi tiết như diện tích và sức sinh sản, mức đóng góp hàng năm (nengu = niên cống) của đất đai mình có. Phương pháp kiểm soát này còn có tên là sashidashi kenchi (kiểm soát đất đai qua tờ trình).
Cũng cần nói đến một điều các lãnh chúa lưu tâm đặc biệt: việc cung cấp và vận chuyển hàng hóa. Do đó họ tổ chức thành hệ thống những con buôn và những nhà sản xuất công nghệ vốn sống rải rác trong lãnh quốc. Làm như thế họ có thể kiểm soát một cách hữu hiệu những nhà buôn và nhà sản xuất lớn. Các lãnh chúa đã cho xây dựng những xóm buôn bán bên chân thành gọi là jôkamachi (thành hạ đinh) để tụ họp nhà buôn nhằm kiểm soát sự giao dịch cũng như sản xuất công nghệ trơng phần đất mình quản lãnh. Những xóm gọi là jôkamachi trở thành trung tâm kinh tế trong vùng. Rồi với hệ thống nhà trạm (shukueki = túc dịch) và ngựa trạm (denba = truyền mã) trên tuyến đường chuyển vận cũng việc thiết lập chợ búa cùng việc phế bỏ những cửa ải ngăn chận sự lưu thông tài hóa, kinh tế thương nghiệp đã được vận hành một cách trơn tru.
Hai tướng Oda -Toyotomi và công cuộc thống nhất đất nước:
Sự nghiệp thống nhất đất nước của Oda Nobunaga:
Trong số những lãnh chúa thời Chiến Quốc người trước tiên đạt được nguyện vọng thống nhất toàn quốc có lẽ là Oda Nobunaga (Chức Điền Tín Trường, 1534-1582) của vùng Owari. Nobunaga chỉ là người sinh ra trong một gia đình vốn là dòng nhánh của một gia đình đại diện cho shugo ở địa phương Owari miền trung đảo Honshuu. Thế mà từ một địa vị nhỏ nhoi như thế, ông đã tranh đấu để hầu như đạt được giấc mộng gồm thu Nhật Bản về một mối. Trước tiên, ta hãy theo dõi những giai đoạn chính trên bước đường thực hiện sự nghiệp vĩ đại ấy.
1) Trận Okehazama (1560):
Trận đánh đã đưa danh tiếng của Nobunaga lên cao là trận Okehazama vào năm 1560 (Eiroku 3). Năm đó ông đánh tan đạo quân của Imagawa Yoshimoto (Kim Xuyên, Nghĩa Nguyên, 1519-1560), lãnh chúa vùng Suruga (miền trung Shizuoka bây giờ). Yoshimoto bại tử. Kể từ ấy ông không còn e sợ dòng họ Imagawa, một lãnh chúa vốn có lãnh địa Suruga nằm ở phía đông lãnh địa Owari của mình. Điều này có nghĩa là Nobunaga từ lúc đó có thể tiến về kinh đô Kyôto (thực hiện được chính sách jôraku hay thượng Lạc) mà không phải sợ ai tập kích từ sau lưng. Danh từ “thượng Lạc” (jôraku) có nghĩa là tiến về thành Lạc Dương, cách nói bóng bẩy của việc “vào kinh đô tham dự quốc chính”. Lên Kyôto là có cơ hội tiếp xúc với Thiên Hoàng, mà một khi đã là con nhà samurai thì điều đó được coi như là một vinh dự cùng cực vì biểu dương được thực lực của mình.
2) Tấn công Mino và thượng kinh:
Tiếp theo, vào năm 1567 (Eiroku 10), Nobunaga trên thực tế mới bắt đầu tiến về miền Tây. Trước tiên, ông diệt họ Saitô (Trai Đằng) ở vùng Mino, đặt vùng đồng bằng Nôbi trù phú dưới quyền kiểm soát của mình. Chiếm được một vùnh đất đai phì nhiêu sản xuất nhiều lúa gạo như thế, Nobunaga đã có thể bảo đảm về mặt kinh tế và đồng thời phát triển thế lực quân sự. Ông bèn đổi tên ngôi thành Inabayama mà họ Saitô đã chiếm giữ cho đến lúc ấy thành Gifu, đồng thời cũng sử dụng quả ấn có mấy chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) đóng trên các công văn để nói rõ ý chí của mình là muốn dựa vào vũ lực để thống nhất lãnh thổ.
Oda Nobunaga trên đường thống nhất lãnh thổ:
Năm | Sự kiện | Chi tiết |
1560 | Trận Okuhazama | Tiêu diệt Imagawa Yoshimoto |
1567 | Chiếm vùng Mino | Đuổi Saitô Tatsuoki đi, đổi tên thành Inabayama ra thành Gifuvà dựng căn cứ địa, xem vùng Kanô thuộc Mino như khu vực buôn bán tự do (rakuichi). |
1568 | Nhập kinh | Phụng mệnh Shôgun Ashikaga Yoshiaki lên kinh đô Kyôto.Cho thực hiện việc đo đạc kiểm soát cựu lãnh địa của họ Rokkaku ở quận Gamô. |
1569 | Bố cáo lệnh chọn tiền tức Erizeni-rei (Soạn tiền lệnh) | Bố cáo lệnh này trước xóm buôn bán Tennôji ở Kyôto để lọc tiền tốt khỏi tiền xấu (sứt mẻ hay kém chất lượng). |
1570 | Trận Anegawa | Phá tan liên quân của hai họ Azai và Asakura. Trụ trì đời thứ 11 chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như) cử binh chống Nobunaga (chiến tranh Ishiyama kéo dài 11 năm). |
1571 | Đốt chùa Enryaku | Nobunaga đốt phá Enryakuji (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan |
1573 | Phế Shôgun | Đuổi Shôgun Ashikaga Yoshiaki (Túc Lợi Nghĩa Chiêu). Mạc phủ Ashikaga diệt vong. |
1574 | Bình định giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng) | Bình định cuộc nổi dậy của giáo đồ theo tông Nhất Hướng (Ikkô Ikki) vùng Ise Nagashima. |
1575 | Trận Nagashino | Liên minh với họ Tokugawa đánh tan quân Takeda Katsuyori (Vũ Điền Thắng Lại) và bình định loạn Ikkô Ikki vùng Echizen. |
1576 | Xây thành Azuchi | Kiến thiết thành Azuchi bên bờ hồ Biwa (tỉnh Shiga) gần Kyôto rất kiên cố làm cư thành cho mình. |
1577 | Mở chợ búa ở Azuchi | Dưới chân thành Azuchi lập khu sinh hoạt kinh tế tự do (rakuichi) |
1580 | Kết thúc cuộc chiến tranh Ishiyama | Chùa Ishiyama Honganji chịu thần phục Nobunaga |
1582 | Trận Tenmokuzan và biến cố ở chùa Honnôji | Tiêu diệt thế lực dòng họ Takeda ở trận Tenmokuzan. Bị cận thần Akechi Mitsuhide mưu phản, vây ở chùa Honnôji. Nobunaga chết. |
Năm sau, Oda Nobunaga được mời đến kinh đô Kyôto. Lý do là Shôgun mới, Yoshiaki (Nghĩa Chiêu) em của cựu Shôgun Yoshiteru (Nghĩa Huy) đã dựa vào sức Nobunaga để được đặt vào chức đó. Khi phụng mệnh Yoshiaki nhập kinh thì trên mặt danh nghĩa, Oda đã được xem như công thần chính thống. Nói cách khác, Yoshiaki cũng đã bị Nobunaga lợi dụng như ông ta từng lợi dụng Nobunaga. Yoshiaki đã trở thành vị Shôgun đời thứ 15. Thế nhưng một quan hệ chỉ dựa trên sự lợi dụng nhau như thế sẽ khó lòng bền vững. Thật vậy, chẳng bao lâu, hai bên không còn thuận thảo như trước nữa.
3) Trận Anegawa (1570) – Đốt phá chùa Enryaku (1571):
Năm 1570 (Genki nguyên niên), Oda Nobunaga phá tan liên quân hai họ Azai (Thiển Tỉnh) và Asakura (Triêu Thương) trong trận Anegawa, tên một con sông thuộc địa phận Ômi. Năm sau đó (1571), nhân gặp sự phản kháng của các tăng nhân chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn, ngoại ô Kyôto), ông đốt rụi nó và thành công trong việc khuất phục một tập đoàn truyền thống có sức mạnh tôn giáo, chính trị và kinh tế rất lớn ở Nhật.
4) Phế bỏ và đuổi Shôgun Yoshiaki – Mạc phủ Ashikaga diệt vong (1573):
Năm 1573 (Tenshô nguyên niên), nhân vì Yoshiaki muốn hồi phục thế lực của chức Shôgun nên đã xung đột với Nobunaga. Ông bèn trục xuất Shôgun này ra khỏi thành Kyôto. Điều đó có nghĩa là trên thực tế Mạc phủ Ashikaga không tồn tại nữa.
5) Trận Nagashino (1575):
Liên quân của ông với họ Tokugawa đã phá tan cường địch Takeda Katsuyori ở Nagashino (tỉnh Aichi, gần Nayoya bây giờ). Đặc biệt trong trận này, Nobunaga sử dụng đội khinh binh pháo thủ (ashigari teppôtai) của mình để giành lấy phần thắng đội trước bộ đội kỵ binh chủ lực của địch. Thế rồi, năm sau, ông đã cho khởi công xây dựng thành Azuchi (An Thổ thành) với năm tầng nhà bảy vòng rào (ngũ tằng thất trùng) rất kiên cố để làm bản doanh và cũng dễ bề kiểm soát sự động tĩnh của chính quyền Kyôto.
6) Chiến tranh Ishiyama kết thúc (1580):
Kẻ địch sừng sỏ nhất của Oda Nobunaga không gì khác hơn các chùa chiền phái Tịnh Độ Chân Tông (Jôdô Shinshuu) mà cứ điểm quan trọng nhất của họ là Ishiyama Honganji (Thạch Sơn Bản Nguyện Tự). Nó kiên cố, giống như một pháo đài nằm ở vùng Ishiyama, trong thành phố Ôsaka ngày nay. Ngoài họ ra, còn có các giáo đồ Ikkô (Nhất Hướng), một tên gọi khác của Tịnh Độ Chân Tông, đã trụ lại trong các “xóm chùa” (jinaichô) để khởi loạn ikki chống lại Nobunaga. Nói chung, Tịnh Độ Chân Tông vốn có liên hệ với các lãnh chúa như Takeda và Mori từ trước. Trụ trì đời thứ 11 của chùa Honganji là tăng Kennyo (Hiển Như, 1543-1592) kêu gọi giáo đồ đứng lên chống lại Nobunaga. Cuộc chiến giữa hai bên đã kéo dài dai dẳng đến 11 năm trời. Trả lời sự chống đối của tông Tịnh Độ, năm 1574 (Tenshô 2), Nobunaga đã dẹp loạn Ikkô Ikki ở Ise Nagashima (tỉnh Mie) và năm sau bình định được những người đi theo phái ấy ở vùng Echizen (phiá đông tỉnh Fukui bây giờ). Qua đến năm 1580 chùa Honganji ở Ishiyama mới chịu qui hàng. Như thế, ta đã thấy thế lực tôn giáo của Honganji với mạng lưới trên toàn quốc là một địch thủ gan lì cứng cõi đã cản trở bước tiến của Nobunaga trên con đường thống nhất Nhật Bản.
7) Biến cố chùa Honnôji (1582):
Nobunaga chế ngự được kinh đô Kyôto, lại đặt các xứ Kinki, Tôkai, Hokuriku dưới quyền kiểm soát của mình. Sự nghiệp thống nhất hầu như đã ở trong tầm tay. Đến giai đoạn này, ông bèn phái các bộ hạ thân tín về các địa phương để triển khai những cuộc chiến tranh cục bộ nhằm thanh toán nốt vài ổ kháng cự. Trong số những cận thần nói trên có danh tướng Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát). Ông này được gửi xuống vùng Chuugoku để giao tranh với họ Môri (Mao Lợi).
Tuy nhiên, toán quân của Hideyoshi trên đường viễn chinh đã gặp trở ngại ở khu vực thành Takamatsu xứ Bicchuu khi tướng Shimizu Muneharu (Thanh Thủy Tông Trị, 1537-1582), chủ nhân của thành, thuộc phe Môri, dũng cảm truy cản bước tiến. Trận Hideyoshi dùng thủy công (mizuzeme) [4] để phá thành Takamatsu mà thời sau hay nhắc đến đã xảy ra vào lúc này. Không sao hạ nổi thành Takamatsu, Hideyoshi đành xin Nobunaga phái quân tiếp viện. Do đó Nobunaga mới tự mình xuất quân từ thành Azuchi. Năm 1582, trong khi đang tạm trú tại ngôi chùa Honnôji (Bản Năng Tự) ở Kyôto, Nobunaga đã bị cận thần là Akechi Mitsuhide (Minh Trí Quang Tú, ? – 1582) , người vốn nuôi hiềm khích từ trước với ông – phản bội và tập kích. Nobunaga bại tử. Có thuyết cho rằng ông tự sát.
Lý do khiến Akechi Mitsuhide mưu phản có thể có rất nhiều nhưng không lý do nào đủ sức thuyết phục các sử gia. Điều duy nhất được nhận thức rõ ràng là Nobunaga đã “giữa đường đứt gánh, không đạt được chí nguyện bình sinh” (kokorozashi nakaba) là thống nhất nước Nhật.
Dù không thực hiện được điều mình mong muốn nhưng trên quá trình ấy, ông đã thành công khi đưa ra nhiều chính sách đặc sắc. Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cũng cần đồng ý với nhau về một điểm: Nobunaga là một nhá chính trị có quan điểm cách tân, dám thách thức trật tự và quyền uy chính trị và kinh tế truyền thống. Điểm này có lẽ là sự khác nhau cơ bản giữa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi, người kế nghiệp ông. :
Cụ thể mà nói thì về mặt kinh tế, Nobunaga đã đề ra chính sách buôn bán tự do rakuichi rakuza (lạc thị lạc tọa) trứ danh. Nó phủ nhận độc quyền của các Za tức các tổ hợp ngành nghề thời trung cổ, vốn đã gây chướng ngại cho các hoạt động công thương nghiệp. Nobunaga đã ban bố lệnh rakuichi rakuza ở hai vùng Kanô (thuộc Mino) và Azuchi là những cứ điểm của ông. Lý do là ông muốn khuyến khích thương mại ở các jôkamachi (xóm dưới chân thành) và dĩ nhiên nó có mục đích mang thu nhập dồi dào về cho mình.
Chính sách thứ hai cũng rất táo bạo. Ông đã phế bỏ những trạm gác để tránh việc ngăn sông cấm chợ. Sở dĩ các trạm gác (sekisho = quan sở) được dựng nên là để cho chính quyền thu thuế thông hành nhưng nó đã gây ra tắt nghẽn giao thương. Dẹp bỏ các trạm gác như thế, Nobunaga đã bài trừ được chướng ngại cho sự giao dịch hàng hóa.
Ngoài ra, ông đã dùng vũ lực để khuất phục thành phố Sakai, vào thời đó là một trung tâm thương mại tự trị và phồn vinh. Đặt nó dưới quyền quản hạt của mình, ông đã tập trung được sức mạnh kinh tế của cả vùng Kinai quanh kinh đô vào trong tay. Chính là nhờ sức mạnh kinh tế đó mà ông đã có đủ ngân quĩ để mua được rất nhiều súng ống, giữ thế thượng phong rồi đi đến thắng lợi trong các cuộc giao tranh với các lãnh chúa Chiến Quốc khác.
Oda Nobunaga, mẫu người thời thế tạo anh hùng
Gia đình Oda trước kia giữ chức đại diện cho quan Shugo xứ Owari là họ Shiba. Riêng cha của Nobunaga, Nobuhide, chỉ là một trong 3 quan chấp chính (bugyô), thuộc hạ của chủ thành Shimizu, một ngôi thành nhỏ trong tiểu quốc. Năm 18 tuổi, Nobunaga trở thành gia trưởng (nắm quyền katoku), đã nổi tiếng vì kỳ hình dị tướng và tính tình thô bạo. Đám gia thần vẫn gọi chủ mình là “kẻ điên rồ” (ôbakamono). Thế nhưng con người đó chỉ trong vòng 8 năm sau đã thành công trong việc loại hai ông anh khác mẹ và một cậu em ruột của mình cũng như trừ khử được nhiều địch thủ bên ngoài khác để thống nhất địa phương Owari.Năm 1560, ông dùng kỳ binh phá vỡ quân đội của Imagawa Yoshimoto, một lãnh chúa có thế lực trong miền, trong trận Okehazama.Sau đó ông phá tan lực lượng họ Saitô ở Mino, dời căn cứ về thành Gifu rồi đúc ấn có 4 chữ Tenka fubu (Thiên hạ bố vũ) nghĩa là ra tuyên ngôn sẽ dùng võ lực để bình định đất nước. Ông lập Shôgun Yoshiaki để trung hưng dòng họ Ashikaga nhưng lúc nhà chúa mưu tính với thế lực Asakura Yoshikage và Azai Nagamasa để loại trừ ông thì liền bị đuổi đi sau khi ông toàn thắng liên quân Azai và Asakura trong trận Anegawa. Ông lại đánh bại Takeda Katsuyori bằng ưu thế của pháo binh rồi từ đó, áp chế tất cả các lãnh chúa từ miền Đông đến vùng Kinai quanh kinh đô. Nói về bản tính tàn ngược thì ai cũng nhớ giai thoại ông đã dùng đầu lâu của Asakura và Azai làm chén uống rượu khao quân. Azai Nagamasa trước đó là em rễ, đã cưới em gái ông là nàng O-ichi, người được truyền tụng như một trong 3 mỹ nhân đẹp nhất Nhật Bản. Nhà truyền giáo Luis Frois – kẻ có dịp gặp gỡ ông nhiều lần – đã ghi lại trong tác phẩm “Nhật Bản Sử” (Historia de Japam) của mình về ông như sau: “Ông vua xứ Owari này người gầy mà cao, râu thưa, giọng lanh lảnh. Ông yêu chuộng vũ nghệ, tính tình thô bạo, ngạo mạn và kiêu hãnh. Quyết đoán nhanh, giỏi chiến thuật. Ông không chú trọng đến luật pháp, hầu như chẳng nghe lời khuyên can của bộ hạ bao giờ. Mọi người xa gần đều tỏ ra kinh sợ ông”. Không những nhà truyền đạo Luis Frois đã miêu tả rất rõ ràng về tính cách độc tài chuyên chế của Nobunaga mà ông còn cho chúng ta biết đó là một con người chẳng kính sợ Thần Phật chi cả mà cũng không hề tin có một đời sau. Vô thần đến mức ấy nên hễ là người có tội thì dù tăng nhân hay giáo sĩ đi nữa, ông cũng không dung tha. Do đó, đối với chùa Enryaku (Diên Lịch Tự) trên ngọn Hieizan (Tỉ Duệ Sơn) là thế lực đã ủng hộ Asakura và Azai để chống ông thì ông tỏ ra không nương tay. Không những ông cho đốt sạch điện đài, giết sạch sư sãi tăng binh từ chùa trên đến chùa dưới mà còn tàn sát thường dân bất kể trai gái già trẻ của thị trấn Sakamoto bên cạnh vì họ đã tiếp tay với nhà chùa. Cùng trong khoảng đó , vào năm 1574, khi đàn áp Ikki ở Ise Nagashima, ông đã cho lùa hai vạn giáo đồ tông Ikkô đã qui hàng vào trong vòng rào rồi đốt chết hết.Năm sau, ông cũng cũng đàn áp một cách tương tự những người tham gia vụ Ikki ở Echizen. Vì quá ngạo mạn, ông còn tự xem như thần thánh và bắt mọi người phải sùng bái, cho xây cả chùa Sôkenji (Tổng Kiên Tự) trong khuôn viên thành Adzuchi để hàng năm tổ chức cúng kiến mình. Có thể những điều quá lố đó đã làm cho – khi cuộc đời Nobunaga cáo chung vì mưu phản ở chùa Honnôji (Honnoji no hen, 1582) dưới bàn tay của bộ hạ tâm phúc là Akechi Mitsuhide – người ta nghĩ rằng ông đã chịu quả báo nhãn tiền. Về những điểm son thì ông được biết như một người thông minh, có tính hiếu kỳ và tinh thần thực dụng. Thường xuyên hỏi thăm tin tức trên thế giới qua các giáo sĩ, nhiều khi ông còn ăn uống và mặc quần áo kiểu Tây phương. Ông được biết đến là người đầu tiên ở Á châu đã biết dùng bộ binh trang bị súng ống để khống chế kỵ binh và gươm giáo, thay đổi hẳn hình thức chiến đấu cổ truyền. Với các nhà truyền giáo, ông tỏ vẻ rộng lượng, không phải vì ghét Phật giáo và có cảm tình với Thiên Chúa giáo nhưng có lẽ vì những người Tây phương đã cung cấp súng đạn, giúp ông tiến nhanh tiến mạnh đến thành công. |
Tăng Ren.nyo và tông Ikkô
Thế kỷ 15 bước qua thế kỷ 16 là cuối đời Muromachi, có tên là thời Sengoku nhưng cũng được mệnh danh là thời của những cuộc Ikki. Ikki thực ra là đồng tâm hiệp lực để làm một việc gì, kể cả việc làm thơ, uống trà chứ không riêng chi việc nổi loạn đòi thi hành chính trị tốt. Tôn giáo cũng đi làm Ikki. Mục đích của họ là chống lại sự bành trướng của các lãnh chúa và bảo vệ quyền lợi của tự viện. Điển hình là Ikkô Ikki (Nhất Hướng nhất quỹ, 1488) của giáo phái Phật giáo Jôdo Shinshuu (Tịnh Độ Chân Tông), cường địch của Oda Nobunaga, người mưu việc thống nhất thiên hạ. Phái Jôdo Shinshuu phát tích từ thời Kamakura, khai tổ là Shinran (Thân Loan, 1173-1262), một giáo phái có tinh thần phóng khoáng, chủ trương ” thê đới nhục thực” (lấy vợ, ăn thịt). Sau khi Shinran mất, họ chia năm xẻ bảy. Tăng Ren.nyo (Liên Như, 1415-1499) lãnh đạo một chi phái đóng ở một ngôi chùa Honganji (Bản Nguyện Tự). Thế nhưng chùa ấy chỉ bé nhỏ, nghèo nàn, không có bao nhiêu thiện nam tín nữ.Ren.nyo lấy vợ, đẻ con nhưng hầu như không nuôi nổi, đành cho nhà người khác nuôi hộ. Năm 1457, cha là Zon.nyo (Tồn Như) mất, ông trở thành pháp chủ đời thứ 8 của phái Honganji nhưng nghèo đến độ trong nhà phải pha loãng canh mà húp. Tuy nhiên, vì Ren.nyo mang trong người dòng máu của khai tổ Shinran (Thân Loan) nên có uy tín của kẻ thừa kế chính thống. Đồng thời thực tế dạy ông hiểu được cái nghèo và cảnh đời chiến loạn nên Ren.nyo chủ trương hễ là tín đồ với nhau thì không còn phân biệt giai cấp quí tiện. Chẳng bao lâu ông đã có nhiều người theo, tạo nên được một giáo đoàn to lớn trong tinh thần “đồng bằng đồng hành” (dôbô dôkô, bè bạn chung một chí hướng). Ghen tức ảnh hưởng của ông, tăng nhân chùa Hieizan (Kyôto) đã đến đập phá Honganji làm Ren.nyo phải sống đời phiêu bạt về vùng Echizen, Hokuriku và lại tổ chức thành công giáo đoàn ở đây. Tuy thế, ông lại bị chức shugo ở Kaga là Togashi Masachika đánh đuổi, phải dời về vùng Yamashina (Kyôto) bố giáo. Năm 82 tuổi mới lập ra chùa Ôsaka Ishiyama Honganji (1496), một ngôi chùa pháo đài kiên cố. Nơi đây là cơ sở của Ikkô ikki và sau đó (1532), nó trở thành bản sơn của giáo phái dưới đời cháu Ren.nyo là Shô.nyo (Chính Như). Tuy chùa Honganji đã bị đại tướng Shibata Katsuie, theo lệnh của Nobunaga, khuất phục năm 1580 sau 10 năm chiến đấu giằng co nhưng trước đó, phong trào Ikkô Ikki đã lan tràn suốt thời Sengoku trong toàn cõi Nhật Bản (Kaga, Mikawa, Ise Nagashima). Chẳng những Nobunaga mà cả Ieyasu (Mikawa,1563) cũng như các lãnh chúa địa phương đều phải chạm trán với họ mà không phải lúc nào phía các lãnh chúa cũng thu phần thắng lợi. Có lúc Nobunaga phải nhờ Thiên hoàng ban sắc lệnh giảng hòa. Ba năm sau lần đàn áp đẫm máu cuối cùng, trên nền cũ của Ôsaka Ishiyama Honganji, người kế nghiệp Nobunaga là Hideyoshi đã cho xây một ngôi thành vĩ đại là thành Ôsaka (1583) với hy vọng chôn chặt vĩnh viễn giáo phái ấy. Thế lực của tông Ikkô sở dĩ lan rộng và có sức mạnh khủng khiếp chỉ vì biết dựa trên tín ngưỡng niệm Phật (nenbutsu). Tín ngưỡng đó giúp cho người ta tìm được sự yên ổn trong tâm hồn trước giờ lâm chung vì đinh ninh rằng mình sẽ được cứu độ (lai thế vãng sinh = raisei ôjô). Ngoài ra, lý do thành công khác của họ là tín đồ được tổ chức thành đoàn thể gọi là kô (giảng) theo một hệ thống rất chặt chẽ. |
Toyotomi Hideyoshi gồm thâu thiên hạ:
Sau khi Nobunaga chết trẻ vì bị cận thần bội phản, sự nghiệp thống nhất đất nước được chuyển qua tay bộ hạ của ông là Toyotomi Hideyoshi. Sau đây, chúng ta hãy thử tóm tắt hoạt động của Hideyoshi trong quá trình thực hiện ước nguyện đó:
1) Trận Yamazaki (năm 1582, Tenshô 10):
Sở dĩ có biến cố ở Honnôji đưa đến cái chết của Nobunaga là vì quân của lãnh chúa Môri đã thành công trong việc cầm chân Hideyoshi khiến cho viên tướng này phải xin Nobunaga cứu viện. Trong khi đang vây thành chợt nghe hung tin của chủ tướng, Hideyoshi bèn giảng hòa với Môri rồi kéo quân về. Sử gọi là “cuộc hồi quân lớn từ vùng Chuugoku” (Chuugoku ôgaeshi). Hideyoshi chuyển quân một cách hết sức thần tốc về phía Kyôto. Kịp khi vừa tới vùng Yamazaki, cửa ngõ của kinh đô, ông đã đụng độ và tiêu diệt đạo binh của Akechi Mitsuhide, kẻ phản chủ. Đó là trận Yamazaki vậy.
2) Trận Shizuka-ga-take (năm 1583, Tenshô 11):
Sau trận Yamazaki một năm, ở trận Shizuka-ga-take, Hideyoshi phá quân của Shibata Katsuie (Sài Điền Thắng Gia, 1522-1583), một viên tướng trên danh nghĩa và thực lực có nhiều khả năng kế vị Nobunaga nhất. Nhờ đó, Hideyoshi đã trở thành người có tiềm năng nối nghiệp cố chủ. Vào năm đó, ông hạ lệnh xây thành Ôsaka. Thành này nằm ở một địa điểm xung yếu kể cả hai mặt thủy lục mà cho đến lúc ấy là một dịa điểm buôn bán quan trọng nằm trong vòng ảnh hưởng (jinaichô) của chùa Ishiyama Honganji. Kiến trúc thành quách của thời điểm này tượng trưng cho văn hóa Momoyama (Đào sơn văn hóa) [8] mà những ngôi thành nổi tiếng nhất chính là thành Ôsaka và thành Fushimi. Qua cung cách hùng tráng và hoa lệ của chúng, Hideyoshi muốn biểu dương uy thế của một quốc gia thống nhất. Về nội thất thì các bức tường, cửa kéo, bình phong… đều được các họa sư phái Kanô (Thú Dã) như Kanô Eitoku (Thú Dã Vĩnh Đức, 1543-1590) tô vẽ bằng tranh damie (nồng hội) với màu sắc diêm dúa và nét bút mạnh mẽ, tương xứng với tinh thần của thời đại.
3) Trận Komaki, Nagakute (năm 1584, Tenshô 12):
Đến năm 1584, Hideyoshi (lúc đó còn mang tên là Hashiba Hideyoshi) đánh nhau với liên quân Oda Nobukatsu (Chức Điền Tín Hùng, 1558-1630, con thứ của Nobunaga) và Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang, 1542-1616) ở vùng Komaki và Nagakute trong xứ Owari. Đây cũng là một trong những trận đánh tranh dành ngôi kế vị của Nobunaga. Tokugawa mới là người có thực lực trong khi cậu ấm Nobukatsu chỉ là một cái bung xung. Tuy phe Tokugawa được lợi thế lúc đầu nhưng chiến cuộc không ngã ngũ, cuối cùng ông ta buộc lòng giảng hòa và chấp nhận phận thần tử trước Hideyoshi. Dù sao, từ đó về sau, liên hệ giữa hai nhà không ngớt căng thẳng. Sự hòa thuận ngoài mặt chỉ để che dấu những âm mưu hãm hại nhau ngầm bên trong. Tuy nhiên, gỡ được một cái gai lớn như thế bằng phương tiện ngoại giao, công việc thống nhất của Hideyoshi đã có nhiều thuận lợi hơn.
4) Bình định đảo Shikoku (năm 1585, Tenshô 13):
Năm 1585, Hideyoshi lại thành công trong việc đánh bại lãnh chúa Chôsokabe Motochika (Trường Tông Ngã, Nguyên Thân, 1538-1599) mà gia đình đã nhiều đời hùng cứ đảo Shikoku. Cũng vào năm ấy, Hideyoshi được triều đình bổ vào chức Kanpaku (Quan bạch), năm sau lại thăng Daijôdaijin (Thái chính đại thần) và ban cho họ mới là Toyotomi (Phong Thần) thay cho họ cũ Hashiba (Vũ Sài). Như thế, Thiên hoàng đã ủy quyền cho ông cai trị nước Nhật. Ông bèn ban bố lệnh Sôbuji (Tổng vô sự) ý nói “cả nước đã có hòa bình”. Theo đó, ông bắt buộc ai còn đang đánh nhau phải lập tức đình chiến, kẻ nào ương ngạnh không tuân theo sẽ chịu sự trừng phạt của chính quyền do ông chỉ đạo. Như thế, những cuộc tranh giành đất đai giữa các lãnh chúa Chiến Quốc cho đến lúc đó đã được đặt hoàn toàn dưới quyền tài phán, cắt đặt của Hideyoshi.
5) Bình định đảo Kyuushuu (năm 1587, Tenshô 15):
Shimazu Yoshihisa (Đảo Tân, Nghĩa Cửu, 1533-1611), lãnh chúa ở miền nam vì đang lăm le thống nhất đảo Kyuushuu nên không tuân theo lệnh Sôbuji. Do đó, Hideyoshhi bèn phái quân chinh phạt. Yoshihisa thua trận phải cắt tóc đi tu.Cũng vào năm này, ở vùng Kitano (Bắc Dã) thuộc Kyôto, ông đã khai hội thưởng thức trà có tên là Kitano ôcha no yu (Đại trà thang ở Kitano) do các trà sư nổi tiếng đương thời như Sen no Rikyuu (hay Sen Rikyuu, Thiên Lợi Hưu, 1522-1591) , Imai Sôkyuu (Kim tỉnh Tông Cửu, 1520-1593) và Tsuda Sôgyuu (Tân Điền Tông Cập, ? – 1591) đề xướng. Việc hội trà không phân biệt giai cấp giàu nghèo, quí tiện được xem như nét đặc sắc của thời buổi. Hideyoshi cũng là người rất hâm mộ trà đạo.
6) Bình định hai vùng Kantô và Ôshuu (năm 1590, Tenshô 18):
Năm 1590, Hideyoshi tiến công và tiêu diệt được Hôjô Ujimasa (Bắc Điều Thị Chính, 1538-1590), lãnh chúa vùng Odawara thuộc Kantô (Quan Đông) và thần phục được Data Masamune (Y Đạt Chính Tông, 1567-1636) vùng Tôhoku (Đông bắc Honshuu). Như thế, xem như ông đã hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản.
Giấc mộng cuồng chinh của Hideyoshi, người khổng lồ có bàn chân đất sét.
Hideyoshi cũng như Nobunaga, là một người anh hùng do thời thế tạo nên. Cha của ông tên Kinoshita Yaemon, một nông dân tầm thường ở Owari (Aichi, nay là vùng Nagoya). Tên cúng cơm của ông là Hiyoshimaru và còn mang thêm hỗn danh là Saru (Con khỉ) có lẽ vì tướng nguời loắt choắt. Năm 16 tuổi, bỏ nhà ra đi, buôn bán dạo lăng nhăng trước khi vác súng tùng quân trong pháo đội của Oda Nobunaga. Nhờ thông minh, can đảm và có nhiều sáng kiến về chiến lược chiến thuật, ông được chủ vốn không tỵ hiềm giai cấp, yêu mến đến độ cất nhắc lên hàng đại tướng. Sau khi Nobunaga chết, ông nắm lấy thời cơ, loại hết địch thủ, lãnh đạo tập đoàn chiến đấu của chủ rồi vào triều đình lãnh chức công khanh, danh dự mà trước đó chỉ có các quí tộc Nguyên Bình Đằng Quất (Minamoto, Taira, Fujiwara, Tachibana) mới đạt được. Có thể ông sẽ hoàn thành được giấc mộng thống nhất đất nước của chủ quân (Nobunaga) nếu không phạm lỗi lầm tai hại là 2 lần xuất quân tiến đánh Triều Tiên. Thất bại ở hải ngoại đã làm tiêu hao lực lượng quân sự và làm băng hoại tổ chức chính trị ông dày công gầy dựng, mở đường đi đến vinh quang cho con người khôn ngoan, biết dưỡng sức đợi thời là Tokugawa Ieyasu. Lúc đó, trong tâm trí Hideyoshi, bán đảo Triều Tiên chỉ là cái bàn đạp để ông tiến đánh và chinh phục Kara (Đường tức Trung Quốc) và Tenjiku (Thiên Trúc tức Ấn Độ). Ông đã mơ đến việc dựng quốc đô Bắc Kinh và đặt Thiên hoàng ở đấy, còn ông sẽ mở phủ ở đô thị hải cảng Ninh Ba và từ nơi đó, hiệu lệnh cả đại lục. Trong hai lần xâm lược, quân Nhật đã có những hành động tàn ác như cắt mũi xẽo tai địch quân bỏ vào thạp để muối (shiodzuke) đổi lấy tấm giấy báo công (con số giấy lên đến 10 vạn tấm) khiến cho người Triều Tiên đến nay vẫn còn mang mối hận lòng sâu sắc. Để chuộc lỗi, về sau người Nhật đã cho thu thập tất cả những gì còn lại và đắp một cái gò gọi là Mimidzuka (Nhĩ trũng) gần chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở khu Higashiyama ( Kyôto) để cúng tế vong linh các nạn nhân. Trong Bunmeiron no gairyaku (Văn minh luận chi khái lược, 1875), nhà tư tưởng thời Duy Tân, Fukuzawa Yuukichi (1834-1901) đã phê bình rằng, Hideyoshi (trong sách gọi là Fujikichi, một cái tên khác của ông ta) tuy làm quan đến chức Tể Tướng đầu triều nhưng rốt cuộc vẫn mang bản chất của một anh nông dân hãnh tiến xứ Owari, mà địa vị cao sang không sao thay đổi được tính tình. Từ khi có hai cuộc tấn công của Hideyoshi, “Chinh Hàn luận” trở thành một chủ đề bàn cãi sôi nổi trong giới chính trị Nhật Bản suốt thời Meiji. Kết quả là phái chủ chiến đã thắng và họ thành công trong việc thôn tính đất nước Triều Tiên vào năm 1910. |
Cuối cùng, để quên bớt đi chuyện chiến tranh và khổ não, chương này xin khép lại bằng một nét đặc sắc của văn hóa Momoyama (Đào sơn), ám chỉ thời kỳ Hideyoshi cai trị nước Nhật. Một cận thần của Hideyoshi (sau này sẽ chết dưới bàn tay hiếu sát của ông) là trà sư và nhà văn hóa Sen no Rikyuu (Thiên Lợi Hưu). Rikyuu đã tập đại thành văn hóa thưởng thức trà (Cha no yu = Trà thang), quảng bá nó trong dân chúng để ngày nay được cả thế giới biết đến. Về việc chế tạo những đồ dùng trong nghi lễ trà đạo (chadô, sadô) này, phải kể đến những vật dụng gọi là chaki (trà khí), đôi khi là những thứ gốm sứ đã được các nghệ nhân thủ công (tôkô = đào công) Triều Tiên bị Hideyoshi bắt làm tù binh mang về thực hiện được. Ngày nay đồ sứ vùng Satsuma (Satsumayaki) nổi tiếng ở Kyuushuu đã phát xuất từ đó. Cũng phải kể đến kỹ thuật in ấn phát triển rất sớm trên bán đảo đã theo con đường triệt thoái để đến Nhật. Không ai muốn làm chuyện quấy là đi biện hộ cho chiến tranh nhưng trong cái xấu có khi nảy ra đôi điều tốt đẹp. Phải chăng đó là sự oái oăm của lịch sử?
Sự hình thành và tổ chức Mạc phủ Edo
Trận đụng độ ở Sekigahara và trận đánh thành Ôsaka:
Năm 1590 (Tenshô 18), sau khi họ Hôjô bị diệt vong, vùng Kantô (Quan Đông, chung quanh Tôkyô) được đặt dưới quyền kiểm soát của Tokugawa Ieyasu, một lãnh chúa cỡ lớn với đất phong 250 vạn thạch thóc. Ông còn đứng hàng đầu trong năm đại lão cố vấn việc vận hành chính quyền buổi vãn niên của Hideyoshi. Thế nhưng sau khi Hideyoshi qua đời thì sự đối lập tiềm ẩn giữa Tokugawa Ieyasu và một trong năm bugyô đầy thế lực là Ishida Mitsunari (Thạch Điền Tam Thành, 1560-1600) đã bộc lộ ra trước mắt mọi người. Năm 1600, hai bên đã chọn cánh đồng Sekigahara làm chỗ thư hùng một mất một còn. Kẻ chiến thắng là Tokugawa, người đã khai sáng một triều đại mới.
Thế thì tại sao họ lại phải đi đến một cuộc chiến như vậy? Lý do là Ieyasu với tham vọng và thực lực sẳn có, đã không tuân theo qui định (okite) hay nói cách khác đi là không giữ lời giao ước với gia đình Toyotomi nên gặp phải sự chống đối của Mitsunari. Chính quyền Toyotomi trước kia vốn nằm trong bàn tay độc đoán của Hideyoshi, do đó bộ máy hành chánh cũng như hệ thống pháp luật bị xem như là chưa hề được tổ chức hoàn chỉnh. Họ chỉ có một qui định (okite) thành văn là cơ sở để làm việc chung. Văn bản này đã được soạn ra vào năm 1595 (Bunroku 4) như một bộ luật cơ bản trong nội bộ và 5 vị đại lão đã cùng ký tên chấp nhận là sẽ không ai có quyền đi ngược lại nó. Văn bản ấy thành lập vào thời điểm Hideyoshi có nhiều hiềm nghi, khi chức kanpaku (cũng là cháu ruột và con nuôi của Hideyoshi) là Toyotomi Hidetsugu (Phong Thần, Tú Thứ) bị cáo buộc mưu phản và đuổi lên núi Kôyasan để rồi nhận lệnh phải tự mổ bụng. Đấy cũng là lúc tình hình chiến cuộc bên Triều Tiên đang gây khốn đốn cho ông. Nói chung, nó đã ra đời vào thời điểm rất bất lợi và u ám của chính quyền Hideyoshi. Trong qui định ấy có một điều khoản then chốt là Hideyoshi “không cho phép các lãnh chúa gã con cho nhau” (để tránh việc đồng minh bằng hôn nhân vốn gây khó khăn cho người thừa kế còn trẻ dại là Hideyori). Thế nhưng, đến lúc Hideyoshi không còn nữa, Ieyasu là nggười đầu tiên phá ngay qui định đó, nhằm kết bè kết đảng cho mình.Những viên tướng chủ lực trên chiến trường Sekigahara và đứng trong đạo quân chiến thắng của miền Đông (Tôgun) như Date Masamune và Fukushima Masanori đều đã được Ieyasu thu phục và trở thành đồng minh của ông nhờ thủ đoạn này. Khi bị trách móc vì một loạt hành vi như vậy, Ieyasu chỉ điềm nhiên trả lời kiểu nói đỡ: “Ối, ta quên khuấy đi mất!”. Điều đó đã làm cho sự bất bình của Mitsunari càng sâu sắc và cuộc sống mái chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm 1600 (Keichô 5), Mitsunari khởi binh cùng với một trong năm tairô (đại lão) là Môri Terumoto (Mao Lợi Huy Nguyên) trong vai minh chủ. Như thế, cuộc đụng độ trên cánh đồng Sekigahara (phía tây nam Gifu) đã mở màn. Ieyasu, người chiến thắng trong cuộc giành lấy thiên hạ, đã trừng phạt các lãnh chúa thuộc đạo quân miền tây. Riêng Ishida Mitsunari và Konishi Yukinaga (viên tướng chỉ huy đánh Triều Tiên trở về) thì cho giải về xử tử ở Kyôto. Các lãnh chúa thuộc Seigun (Tây quân) gồm 99 người và lãnh địa 440 vạn thạch thóc bị “cải dịch” (kaieki), đổi công việc, nghĩa là bị tịch thu dất đai. Minh chủ của quân miền Tây là Môri Terumoto (già yếu và chỉ là lãnh đạo bù nhìn) bị giảm lộc từ 120 vạn thạch xuống 37, Uesugi Kagekatsu cũng vậy, từ 120 vạn thạch chỉ còn 30. Tiếng chuyên môn gọi là genpô (giảm phong).
Sống mái trên cánh đồng Sekigahara
Chiến thắng ở Sekigahara mở màn cho gần 270 năm thống trị Nhật Bản của dòng họ Tokugawa quan trọng chẳng khác nào trận Cai Hạ giữa Hạng Vũ – Lưu Bang và trận Waterloo chấm dứt triều đại Napoleon I. Nơi đây, hai bên địch thủ đã động viên toàn bộ lực lượng để tranh hùng một mất một còn. Sau khi Hideyoshi thất bại trong 2 chiến dịch xâm lăng Triều Tiên (1592, 1597) và chết vì kiết lỵ (1598), chính quyền của ông rạn nứt rồi tan như ngói vỡ. Giữa những kẻ được cử để phò tá Hideyori, con trai ông mới lên 6, đã có sự đối lập khó lòng hòa giải.Phái quan liêu có Ishida Mitsunari, Mashita Nagamori, phái võ tướng có Katô Kiyomasa, Fukushima Masanori…Trong bối cảnh ấy, người đang có địa vị cao nhất (naifu = nội phủ, như thủ tướng) là Tokugawa Ieyasu với binh lực hùng mạnh của miền Đông đã khôn khéo lợi dụng tình thế để thực hiện dã tâm. Rốt cuộc hai thế lực đối kháng đã phải giải quyết với nhau bằng vũ lực. Tây quân và Đông quân chọn cánh đồng Mino Sekigahara (cạnh cửa quan Fuwa ngày xưa, một điểm xung yếu ở tỉnh Gifu) làm nơi tranh hùng (1600). Tây quân do Môri Terumoto tiếng là minh chủ nhưng vì già yếu nên trên thực chất điều khiển bởi Ishida Mitsunari, người đứng đầu phái quan liêu. Trong lực lượng họ có những lãnh chúa thế lực như Ukita Hideie, Shimadzu Yoshihiro, cả danh tướng Konishi Yukinaga, nguyên là một chỉ huy trưởng trong lực lượng viễn chinh Triều Tiên năm 1592 và là tín đồ Ki-tô giáo. Quân số miền Tây hơn 8 vạn người. Đông quân phần lớn là con cháu nhà Tokugawa trong đó có Ii Naomasa cũng như phái võ tướng với Fukushima Masanori, Katô Kiyomasa (nguyên tướng tiên phong trong 2 chiến dịch Triều Tiên) bên cạnh các lãnh chúa miền Đông. Quân số của họ hơn 9 vạn người. Ngày 15 tháng 9 lúc 8 giờ, kịch chiến bắt đầu trong sương mù dày đặc đang bao trùm lên khu vực. Hai bên giằng co không ai chịu nhường ai cho đến khi lãnh chúa Kobayakawa Hideaki của Tây quân làm nội ứng, trở cờ, thì kể từ 2 giờ chiều, Đông quân mới làm chủ được chiến trường và hoàn toàn tiêu diệt lực lượng miền Tây. Sau thắng lợi, không những các tướng chủ chốt phía Tây quân như Ishida và Konishi bị xử trãm ngay ở Kyôto mà những lãnh chúa về hùa với địch như Môri, Shimadzu, Uesugi… ngay cả các tướng đồng minh trong trận này như Fukushima cũng bị Ieyasu tìm cách loại bỏ bằng biện pháp hòa bình hơn (tịch thu lãnh địa, giảm phong, chuyển phong) với mục đích củng cố thể chế của mình. |
Thế rồi đến năm 1603 (Keichô 8), để được danh chính ngôn thuận trong việc thống lĩnh các lãnh chúa, Ieyasu đã nhận chức Sei.i Daishôgun (Chinh di Đại tướng quân) từ Thiên hoàng Go-Yôzei (Hậu Dương Thành). Như thế, ông trở thành Shôgun và mở mạc phủ mới ở Edo.
Tokugawa Ieyasu, nhân cách một thủ lãnh
Cha của Ieyasu chỉ là chủ nhân một ngôi thành nhỏ vùng Mikawa, lèn giữa hai thế lực hùng hậu là họ Imagawa và Oda. Thật vậy, Matsudaira Hirotada – tên ông ta – tuy thuộc một nhánh của họ Minamoto nhưng không phải là một lãnh chúa có tầm cỡ giữa quần hùng thời Sengoku. Từ bé, Ieyasu (tên lúc còn thơ ấu là Takechiyo) đã phải bị ép đi làm con tin ở những tiểu quốc bên cạnh để giữ sự hòa mục. Thời Sengoku, làm con tin là một thông lệ giữa các đồng minh tạm bợ và số phận lúc nào cũng như chỉ mành treo chuông. Đến năm 19 tuổi, ông mới thoát được cảnh khổ sở đó khi kẻ giữ mạng sống ông, lãnh chúa Imagawa Yoshimoto, bị chết trong trận Okehazama dưới bàn tay của Oda Nobunaga. Từ ấy ông lui về thành Hamamatsu, chiêu binh mãi mã, khuếch trương thế lực để đợi thời. Nhờ đội pháo thủ của Nobunaga giúp đỡ, ông đã thắng được địch thủ mạnh trong vùng là Takeda Shingen sau nhiều lần chiến bại. Kể từ đó, trước sau ông ẩn nhẫn theo hầu Nobunaga [19] và Hideyoshi [20], đạt đến ngôi vị trọng thần được Hideyoshi gửi gắm đứa con thơ. Ông biết lợi dụng địa thế miền Đông để làm bàn đạp, khi Hideyoshi chết đi, đã từng bước một loại dần các địch thủ. Sau chiến thắng kinh động có tính quyết định ở Sekigahara (1600), dù được trao danh hiệu Seii Daishôgun năm 1603 và khai phủ ở Edo, ông vẫn bền bĩ đợi thêm nhiều năm nữa đến lúc thời cơ chín muồi mới dứt điểm tập đoàn Hideyoshi sau chiến dịch mùa hạ 1615 công phá hang ổ cuối cùng của họ là thành Ôsaka. Ông cực kỳ kiên nhẫn. Matsudaira Senzan, lãnh chúa phiên Hirado trong tác phẩm Kasshi Yawa (Giáp Tý Dạ Thoại) có chép lại những lời giáo huấn của ông như sau: “Người sống trên đời chẳng khác gì mang một gánh nặng đi đường xa cho nên ta không cần phải vội vã…Nếu lúc nào cũng coi sự thiếu thốn là thường tình thì sẽ không bao giờ bị thiếu thốn… Khi trong lòng dậy lên một điều ham muốn, hãy nhớ lại những lúc khốn cùng…Nhẫn nại là cơ sở cho kế sách lâu dài…Tự trách mình trước rồi hãy trách người sau”. Có lẽ tuổi trẻ sống trong cảnh bị bắt làm con tin đã giúp ông tìm thấy được nền tảng của thuật xử thế. Tuy nhiên ông cũng là người rất quyết liệt khi dạy con (Shôgun đời thứ 2 Hidetada) : “Những kẻ nào không tuân lệnh Shôgun thì dầu họ là chỗ bà con thân thuộc của nhà mình, cũng phải phái quân thảo phạt và tru diệt tức khắc!”. Ông còn tỏ ra vô cùng khôn khéo trong việc dùng binh. Khi Hideyoshi hội các lãnh chúa để tiến đánh Triều Tiên, ông cũng đem quân bản bộ tới tham gia nhưng chỉ dừng chân trên đất Nhật chứ không chịu vượt biển sang Hàn. Nhờ đó, khi quân Nhật bị đánh lui và tổn thất nặng nề, cánh quân của ông vẫn bảo toàn được lực lượng. Trong trận Sekigahara (1.600), ông đã thắng nhờ biết sử dụng tài ngoại giao đòn phản gián. Tương truyền Kita Mandokoro -vợ chính của Hideyoshi – đứng về phía ông vì bà không hoà thuận với Yodogimi, người vợ thứ và là mẹ thế tử Hideyori. Các võ tướng trụ cột trung thành với Hideyoshi như Fukushima Masanori và Katô Kiyomasa vẫn tưởng Ieyasu ra binh ở Sekigahara chỉ với mục đích bảo vệ cơ nghiệp cho con trai cố chủ chứ không vì lợi riêng nên đều đi theo. Một tướng địch – Kobayakawa Hideaki [21] – bị thuyết phục, cũng đã trở giáo vào phút chót để đứng về phía ông. Ông thuộc mẫu người kiên trì như Lưu Bang, Nguyễn Ánh. Người Nhật thường ví von như sau: “Nếu đứng trước một con chim oanh không chịu hót thì Nobunaga sẽ dọa giết nó chết nếu nó không hót, Hideyoshi sẽ dụ dỗ mơn trớn để nó phải hót trong khi Ieyasu chỉ lẳng lặng ngồi chờ cho đến khi nó hót”. |
Từ khi Ieyasu được chuyển đất phong làm lãnh chúa vùng Edo, ông đã cho xây thành Edo (Edojô) và tiếp tục từng bước một thiết kế các xóm cư dân thương mại chạy vòng quanh nó theo hình trôn ốc mà người Nhật gọi là theo hình chữ の(no trong hệ thống chữ hiragana) theo nguyên tắc lãnh địa của thân thích thì gần, lãnh địa của bộ hạ thời xa. Nay thì sau khi thành Shôgun rồi, ông bắt tất cả các lãnh chúa (daimyô) trên toàn quốc phải đóng góp công của vào công trình đó. Việc này ông xem như là việc kêu gọi xây chùa lấy công đức nên gọi nó là tetsudaibushin. Tetsudai nghĩa là tiếp tay, còn fushin (phổ thỉnh) là một danh từ Phật giáo chỉ việc quyên góp tài vật và sức lực để làm công đức. Ngoài ra ông bắt các lãnh chúa phải soạn kuniezu (quốc hội đồ) tức là địa đồ của tiểu quốc họ cai quản và gôchô (hương trương) hay sổ sách làng xã. Tuy dã có tiền lệ dưới thời chính quyền Toyotomi nhưng những địa đồ và sổ sách này giúp Ieyasu có đủ thông tin các địa phương. Nó chứng tỏ được rằng ông là chủ nhân ông của đất nước. Trong gôchô (hương trương) chức trách sở tại phải ghi rõ số thóc gạo vốn là cơ sở đánh thuế (kokudaka) của từng thôn một, rồi thu thập những con số đó lại mà lập thành sổ sách ở cấp bậc tiểu quốc. Cùng với kuniezu, gôchô là tư liệu tham khảo để nắm được sức sản xuất của từng tiểu quốc, giúp cho Ieyasu đánh giá được các chigyôkoku (tri hành quốc = nước để phong) cho bộ hạ. Trong suốt thời Edo, việc lập sổ sách như thế đã được tiến hành không những vào giữa niên hiệu Keichô (Khánh Trường, 1596-1615) mà sau đó còn xảy ra vào các thời điểm khác như các niên hiệu Shôhô (Chính Bảo 1645-1648), Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704), Tenpô (Thiên Bảo, 1831-1845 ) nữa.
Gia phổ 15 đời Shôgun họ Tokugawa:
1 Ieyasu (Gia Khang) –> 2 Hidetada (Tú Trung), Yoshinao (Nghĩa Trực, chi Owari), Yoshinobu (Nghĩa Tuyên, chi Kii), Yoshifusa (Lại Phòng, chi Mito). Hidetada –> 3 Iemitsu (Gia Quang), Kazuko (Hòa Tử), Masayuki (Chính Chi, làm con nuôi họ Hoshina). Idemitsu –> 4 Ietsuna (Gia Cương), Tsunashige (Cương Trọng), 5 Tsunayoshi (Cương Cát, dưỡng tử của 4 Ietsuna). Tsunashige –>Tsunatoyo–> 6 Ienobu (Gia Tuyên) –> 7 Ietsugu (Gia Kế) Yoshinobu (chi Kii) –> ……….. –> 8 Yoshimune (Cát Tông, con nuôi của 7 Ietsugu)–> 9 Ieshige (Gia Trọng) –> Shigeyoshi (Trọng Hảo, làm con nuôi nhà Shimizu), 10 Ieharu (Gia Trị) –> 11Ienari (Gia Tề) –> 12 Ieyoshi (Gia Khánh) –> 13 Iesada (Gia Định) –> 14 Iemochi (Gia Mậu). Yoshimune –> Munetake (Tông Vũ, làm con nuôi nhà Tayasu) –> Sadanobu (Định Tín, làm con nuôi nhà Matsudaira). Yoshimune –>(lược bỏ 7 đời) –> Yoshitomi (Khánh Phúc, tức 14 Iemochi sau khi thành con nuôi 13 Iesada) Yoshimune –> Munetada (Tông Doãn, làm con nuôi nhà Hitotsubashi) –> Harusada (Trị Tế) –> Ienari (Gia Tề, con nuôi của 10 Ieharu) Iesada –> Nariatsu (Tề Đôn) –> (lược bỏ năm đời) –>Yoshinobu (Khánh Hỷ, con đẻ của Nariaki nhà Mito, con nuôi của nhà Hitotsubashi và được đưa về Edo kế nghiệp 14 Iemochi) Yoshifusa (chi Mito) –> Mitsukuni (Quang Quốc) –> (lược bỏ 8 đời) –> Nariaki (Tề Chiêu) –> 15 Yoshinobu (Khánh Hỷ). Chúng ta để ý rằng tuy có Ô-oku (Đại Áo) tức là hậu cung đầy dẫy phi tần mỹ nữ nhưng việc có con nối dõi (yotsugi) của họ Tokugawa không được suôn sẻ vì tình hình sức khỏe của các Shôgun không đồng đều. Mạc phủ đã phải sử dụng đến chế độ dưỡng tử. Chính Shoogun đời thứ nhất Tokugawa Ieyasu cũng đã phòng xa hiểm họa hiếm muộn đó khi đặt ra 3 chi Kii, Mito và Owari, phong cho 3 cậu con yêu làm ba “cái kho dự trữ” để cung cấp những người kế vị. |
Nhân đây xin nhắc lại là trước khi Tokugawa Ieyasu được chuyển phong về Edo, từ cuối thời Heian trải qua thời Kamakura, đất này là nơi cư ngụ của dòng họ hào tộc tên là Edo (Giang Hộ). Năm 1457 (Chôroku nguyên niên), người tên Ôta Dôkan (Thái Điền Đạo Quán), gia thần của dòng họ Ôgigayatsu Uesugi (một trong 2 nhánh của đại tộc Uesugi vùng Kantô) lần đầu tiên đã xây dựng thành Edo vốn được biết đến như một khu vực buôn bán sầm uất suốt thời trung cổ. Sau đó, dưới thời họ Hôjô cai trị thì thị trấn đó được biết với tên là Edo minato (minato có nghĩa là bến cảng) cũng có thời kỳ đóng vai trò quan trọng trên trục giao thông. Tuy nhiên phải nói ngay rằng chỉ từ khi Ieyasu đến lập thành quách cho mình ở đấy thì Edo mới bắt đầu phát triển thực sự. .
Trở lại chuyện tranh phong giành thiên hạ thì tuy Tokugawa đã thu được thắng lợi quyết định trong trận Sekigahara nhưng Toyotomi Hideyori (Phong Thần Tú Lại), con trai Hideyoshi, tuy còn ít tuổi nhưng trên danh nghĩa là kẻ thừa kế chính thức, vẫn không chịu phục tùng và cố thủ trong thành Ôsaka.
Chính vì vậy mà vào năm 1605 (Keichô 10) để chứng minh cho các lãnh chúa trên toàn quốc rằng họ Tokugawa mới là người đáng mặt cha truyền con nối chức Shôgun, Ieyasu đã nhượng vị cho con trai mình là Hidetada (Tú Trung) làm Shôgun đời thứ hai rồi ra ở Sunpu (Tuấn phủ) và điều khiển chính trị sau lưng. Sunpu là thủ phủ của vùng Suruga (Tuấn Hà) nay thuộc tỉnh Shizuoka. Việc dù đã nhương vị và hưu trí rồi mà vẫn nắm quyền chính trị thực sự bên trong được gọi là Ôgosho seji (Đại ngự sở chính trị).
Thế rồi trong hai năm 1614 (Keichô 19) và 1615 (Genna nguyên niên), sau hai chiến dịch tấn công thành Ôsaka vào mùa đông (Ôsaka fuyu no jin) và mủa hè (Ôsaka natsu no jin) kế tiếp, họ Toyotomi hoàn toàn bị diệt vong. Kể từ lúc đó, cả danh lẫn thực, dòng họ Tokugawa chính thức trở thành người chủ mới của nước Nhật. Cái cớ để gây ra hai trận đánh vừa kể đến từ một vài chữ Hán khắc trên quả chuông mà họ Toyotomi đã cúng cho chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở Kyôto.Một cận thần và cũng là cố vấn về tôn giáo, học vấn và chính trị của Ieyasu là nhà sư Suuden (Tông Truyền) ở Konchi.in (Kim Địa Viện) (còn gọi là Dĩ Tâm Tông Truyền đã gieo vào đầu Ieyasu ý tưởng đó. Ông bảo 8 chữ Hán “Quốc gia an khang, quân thần giai lạc” khắc trên chuông có dụng ý chẻ đôi tên Ieyasu (Gia Khang) làm hai để trù ẻo ông.Một quân sư khác, Hayashi Razan (Lâm La Sơn) lại ban thêm: Câu “Quân thầnphong lạc tử tôn ân xương” trong bài minh muốn nói “Phong” (Phong Thần Tú Cát) với tư cách một vị quân chủ (quân) vui sướng (lạc) được thấy con cháu hưng thịnh (ân xương). Danh xưng Hữu bộc xạ Nguyên Triều Thần cũng ghi trên đó được họ giải thích là dùng để ám chỉ Tokugawa Ieyasu (vì ông tự xưng là dòng dõi đại tộc Minamoto (Nguyên). Tất cả những điều hai học giả “ngự dụng” này trình bày chỉ là lời biện luận với ác ý chung quanh câu chữ để hãm hại họ Toyotomi nhưng đã đánh trúng phóc tim đen Ieyasu.
Sau thời chiến loạn, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên thái bình. Niên hiệu Genna được thêm hai chữ “yểm vũ” đằng sau để sinh ra một cách nói mới Genna enbu (Nguyên Hòa yểm vũ) vì yểm vũ nghĩa là phế bỏ, cất giấu võ khí, tái lập hòa bình. Hai chữ “yểm vũ” được biết lấy từ chữ trong Kinh Thư: yểm vũ tu văn.
Phương pháp quản lý của chính quyền Tokugawa
Thời Sengoku có 3 người trấn áp nổi quần hùng (3 tenkabito = 3 thiên hạ nhân) là Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu, thế nhưng hai ông trước chỉ tồn tại được một đời. Sau khi họ chết chính quyền về tay người khác. Chỉ có Ieyasu xây dựng được cơ nghiệp non 3 thế kỷ 16 đời Shôgun khi ông và con cháu thiết lập được một hệ thống quản lý chặt chẽ các thuộc hạ nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung.
Mới ở ngôi vỏn vẹn có 3 năm, Ieyasu đã truyền chức Shôgun cho con trai là Hidetada vào năm 1605. Làm như thế, ông muốn tuyên cáo cho mọi người là chính quyền từ nay sẽ được thế tập trong vòng gia đình Tokugawa cho dù lúc đó thế tử Hideyori, con trai cố chủ Hideyoshi, vẫn sống sờ sờ trong thành Ôsaka. Đến khi tiêu diệt vợ góa con côi nhà Hideyoshi (1605), ông và con cháu đã lần lượt thực thi các lệnh như “Nhất quốc nhất thành”, “Vũ gia chư pháp độ” rồi chế độ hoá tập tục “Tham cần giao đại”, cấm các việc sửa sang thành quách hay đóng tàu thuyền lớn không có phép. Các ông còn đặt thêm qui luật ức chế Thiên hoàng và công khanh (Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ) cũng như tôn giáo (Tự viện pháp độ) và gia thần (Chư sĩ pháp độ). Đến đời Shôgun thứ 3 Idemitsu thì chế độ đã tinh vi xảo diệu. Không những các lãnh chúa được xếp theo chế độ thân sơ thành shinpan (thân phiên), fudai (phổ đại), tozama (ngoại dạng) … mà các cấp còn được phân chia thành kunimochi (quốc trì), shiromochi (thành trì), mujô (vô thành) tùy theo có lãnh địa, có thành trì hay không. Tuy nhiên, đặc sắc nhất của chế độ phong kiến thời Tokugawa có lẽ là những biện pháp trừng trị như kaieki (tịch biên lãnh địa), tenpô (chuyển đất phong) và genpô (cắt bớt đất phong) tùy theo tội nặng nhẹ
Trích từ Giáo trình Lịch sử Nhật Bản