Những yếu tố Lịch Sử trong vụ án Hoàng Công Lương – Bài 12 : CẤP TRÊN ĐỔ TỘI CHO CẤP DƯỚI

CẤP TRÊN ĐỔ TỘI CHO CẤP DƯỚI

Untitled.png

Nguyễn Ngọc Lanh

Xin nói ngay, nếu các cơ quan tư pháp công bằng, nghiêm minh và thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội… thì cấp lãnh đạo (cấp trên) ở bệnh viện tỉnh Hòa Bình (như đồng chí Hoàng Đình Khiếu) không thể dùng bất cứ cách nào để đổ tội cho các cấp dưới (như Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn). Ngay cả BS Hoàn Công Tình (phó khoa, chú ruột BS Lương) cũng bị Trưởng khoa (lấy tư cách là phó giám đốc bệnh viện) đổ tội; nhưng bài này chỉ nêu vài chi tiết.

Thực tế, chuyện đổ tội đã xảy ra – bằng những cách thức rất tầm thường, lộ liễu – mà (thật ngạc nhiên) đã thành công. Cụ thể là những văn bản được sửa chữa để thành “chứng cứ” đã lọt qua những cánh cửa – tưởng chừng rất nghiêm mật – để vào tận hồ sơ vụ án.

I . HAI ĐƠN VỊ DÍNH THẢM ÁN DO MỘT NGƯỜI PHỤ TRÁCH

  1. Nỗi lo bị xét xử của vị BS trưởng khoa kiêm phó giám đốc

Thảm họa 9 nạn nhân tử vong khi “chạy thận” liên quan tới hai đơn vị – nhưng có điều trớ trêu – chúng đều dưới quyền phụ trách của một người. Cụ thể:

        a- Đơn nguyên thận nhân tạo, thuộc Khoa Cấp cứu do đồng chí BS Hoàng Đình Khiếu làm trưởng khoa. Đây chính là nơi thảm họa xảy ra.

        b- Phòng Vật Tư cũng thuộc sự quản lý của BS Hoàng Đình Khiếu với tư cách phó giám đốc bệnh viện. Đồng chí này còn phụ trách 12 Khoa và Phòng khác nữa. Nhưng chỉ có Phòng Vật Tư là liên quan rất chặt chẽ tới thảm họa; bởi vì, nó có nhiệm vụ kết hợp với người sửa chữa (thuê) các thiết bị, tiếp đó là giám sát, nghiệm thu kết quả sửa chữa. Trong trường hợp cụ thể này, đó là giám sát và nghiệm thu việc sửa chữa Hệ lọc nước RO2 do ông Bùi Mạnh Quốc (làm thuê) thực hiện ngày 28-5-2017. Câu hỏi: Vậy sự giám sát và nghiệm thu của Phòng Vật Tư ra sao mà ngay hôm sau (29-5) đã xảy ra thảm họa?.

        c- Tâm lý chung: Những người liên quan cố chứng minh bản thân càng ít liên đới càng tốt, càng giảm trách nhiệm, càng hay. Trong số này, BS Khiếu tự thấy mình liên quan nhiều nhất; do vậy, ông lo lắng hơn những người khác.

        d- Thật sự có tội: Thật ra, đúng tội, chỉ có một mình ông Bùi Mạnh Quốc. Hậu quả hết sức nghiêm trọng, nhưng ông Quốc phạm tội chỉ do vô ý và do không đủ trình độ làm công việc được giao. Giả sử, ông muốn đi học để nâng cao trình độ cũng chẳng ở đâu có trường lớp thích hợp với ông. Ngoài ông Quốc ra, những người khác, kể cả ông Khiếu, chỉ có thể coi là mắc lỗi – nặng hay nhẹ. Ví dụ, ông Trần Văn Sơn: thật sự ông này không đủ trình độ giám sát tay nghề của ông Quốc (công nhân giám sát kỹ sư?). Và, cũng thật sự, ông Sơn chưa bao giờ được ai giao nhiệm vụ giám sát “tay nghề” của ông Quốc trong quá trình ông Quốc tác nghiệp. Chính là do tìm cách “chạy tội”, mỗi cá nhân đã góp phần làm cho vụ án từ đơn giản trở thành phức tạp, trong khi trình độ xét xử chưa cao, chưa xem xét thấu đáo các chứng cứ, lại còn chịu ảnh hưởng rất nặng cách xét xử “thẩm vấn” – di san từ quá khứ – lẽ ra, từ lâu nó phải được thay thế bằng xét xử “tranh tụng”. Cái cách “tranh tụng” như ở phiên tòa sơ thẩm xử BS Lương chưa thật sư là tranh tụng, tuy nó đã khác xưa rất nhiều.  

Chạy tội cho cá nhân mình là tâm lý chung của mỗi người, còn việc tìm cách đổ tội cho người khác, nhất là người dưới quyền, lại thuộc về nhân cách.

  1. Tìm người gánh đỡ trách nhiệm
  • a) Về quản lý chuyên môn, vị BS trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu không thể gán trách nhiệm (liên quan thảm họa) cho cấp phó của mình là BS Hoàng Công Tình (phó trưởng khoa). Bởi lẽ, BS Khiếu, trưởng khoa phụ trách toàn diện công việc chẩn đoán và điều trị của Khoa, gồm cả hai Đơn Nguyên (cấp cứu và thận nhân tạo). Trong khi đó, BS Tình, phó trưởng khoa, không phụ trách điều trị ở Đơn Nguyên thận nhân tạo. Ông chỉ phụ trách chung về hành chính trong trường hợp được ủy quyền hoặc mỗi khi cấp trưởng tạm vắng mặt. Bởi vậy, muốn tìm người gánh đỡ trách nhiệm trong điều trị, ông Khiếu cần tìm ngay trong Đơn Nguyên thận nhân tạo. Và, chẳng cần tìm lâu, vì Đơn Nguyên chỉ có 3 BS, đều còn trẻ, trong đó riêng BS Hoàng Công Lương có thâm niên nghề nghiệp cao hơn vài năm so với 2 BS kia, được hai BS này tôn trọng, tín nhiệm.  
  • b) Về quản lý hành chính, vị phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu phụ trách phòng Vật Tư, trong đó có việc quản lý và sửa chữa các thiết bị – cụ thể trường hợp này là hệ thống lọc nước RO2. Chính việc sửa chữa hệ RO2 này hôm trước (28-5-2017) thì hôm sau tai họa xảy ra (29-5-2017). Nguyên nhân duy nhất gây thảm họa là chất độc (acid) tồn dư từ hệ lọc nước RO đã vào cơ thể các nạn nhân… Chỉ có một người trực tiếp phạm tội là ông Bùi Mạnh Quốc, thợ sửa chữa chuyên nghiệp. Nhưng việc thuê ông Quốc và tiếp thu thiết bị sau khi ông Quốc sửa chữa xong, là nhiệm vụ của Phòng Vật tư, cụ thể là của hai người: Ông Trần Văn Thắng là trưởng phòng, và ông Trần Văn Sơn, nhân viên kỹ thuật của phòng này.

Qua các tin tức do báo chí đăng tải, người ta chưa tìm được chứng cứ đồng chí BS Hoàng Đình Khiếu đổ tội cho đồng chí trưởng phòng Trần Văn Thắng, mà dư luận chỉ nghi vấn là đồng chí Khiếu đã phối hợp với đồng chí Thắng cùng đổ tội cho BS Lương.

II . CÁCH TẠO CHỨNG CỨ GÁN TỘI và NHỮNG KHÓ KHĂN

        1- Cách thức

Nói vắn tắt, thì chẳng qua đó chỉ là bôi xóa, sửa chữa và viết thêm vào những văn bản cũ, được chọn ra từ hồ sư lưu trữ, nhằm biến chúng thành chứng cứ buộc tội BS Lương. Cách này không mới. Có thuận lợi, nhưng cũng có những khó khăn.

Thảm họa xảy ra tháng 5, sau 3 tháng đồng chí Trương Quý Dương – giám đốc bệnh viện – mới bị cách chức. Đây là khoảng thời gian khá đủ để một số người thực hiện ý định gán tội cho BS Lương. Họ đủ thời gian và quyền hạn lục tìm trong số các văn bản được lưu trữ, thấy có 2 văn bản thích hợp hơn cả, do vậy, chúng được chọn. Đó là những biên bản được viết ra từ 1-2 năm trước. Sau khi được sửa chữa hoặc viết thêm, chúng trở thành hai chứng cứ quan trọng nhất để buộc tội BS Lương. Đáng chú ý là, cả hai chứng cứ này đều lần lượt bị các luật sư bác bỏ ở phiên sơ thẩm 1 và 2, nhưng BS Lương vẫn bị tòa này tuyên án 42 tháng tù, nói lên một quyết tâm kết tội rất cao.

Lưu ý thêm. Một chứng cứ (phụ) là tờ Quyết Định (ngụy tạo sau khi thảm họa xảy ra) – do phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu ký (nhưng lại ghi thời điểm trước khi thảm họa xảy ra) – với nội dung “trao nhiệm vụ quản lý” hệ lọc nước RO2 cho Đơn Nguyên thận nhân tạo. Người vạch ra cái Quyết Định (gắp lửa bỏ tay người) này chính là luật sư và cả BS Hoàng Công Tình, phó khoa Cấp cứu. Trong “bản khai” của BS Lương, đồng chí điều tra viên đã viết thêm 10 chữ (ý nói: BS Lương phụ trách hệ RO2) bị BS Lương xóa đi, và còn ghi chú bên cạnh “tôi xóa”. Hai sự việc này nói lên sự phối hợp nhiều bên, nhằm gán cho Đơn Nguyên thận nhân tạo “quản lý” cái hệ thống RO này. Sẽ nói tiếp ở dưới.

  1. Áp dụng cụ thể vào 2 cái biên bản

Hai văn bản đắc dụng đều là những Biên Bản cũ, tức là có nhiều người từng biết, từng ngồi dự, hoặc từng ký tên vào. Đến nay, họ đều còn sống. Do vậy, xuyên tạc nội dung gốc của hai biên bản này là không dễ. Cụ thể là:   

      a- Biên bản thứ nhất: Ghi nội dung các cuộc họp Giao Ban của Khoa Cấp cứu (năm 2015 và 2016), có ba-bốn chục người dự, được thư ký (là điều dưỡng viên Đinh Tiến Công) ghi “tại chỗ” vào một cuốn vở, gọi là Sổ Biên Bản. Điều giả mạo là (sau khi thảm họa xảy ra) ông Đinh Tiến Công được BS Hoàng Đình Khiếu “chỉ đạo” ghi thêm vài dòng chữ vào các biên bản (nói trên) thể hiện cái ý: BS Lương được Trưởng Khoa (Khiếu) giao “phụ trách” Đơn Nguyên thận nhân tạo.

      b- Biên Bản thứ 2: Lập năm 2016, với nội dung đánh giá sự hư hỏng của hệ lọc nước RO1 (ở mức cần sửa chữa). Để ngụy tạo chứng cứ buộc tội, tờ biên bản này được sửa nhiều chỗ. Chính do vậy mà dễ lộ. Ví dụ, năm 2016 được sửa thành 2017; hệ RO1 được sửa thành hệ RO2 v.v…. Sở dĩ, nó được chọn làm chứng cứ, vì 2 lẽ: 1) tờ biên bản này có chữ ký của BS Lương, và 2) ngày lập biên bản (20 tháng 4) tỏ ra gần gũi nhất với ngày xảy ra thảm họa (29-5), chỉ cần sửa năm mà thôi (2016 đã được sửa thành 2017).

         3- Hai loại khó khăn khi sửa một văn bản cũ  

Vu tội cho người khác không dễ. Khó khăn là đương nhiên. Có thể chia thành hai nhóm lớn: Đối nội và đối ngoại:

          a- Khó khăn đối ngoại

          Làm sao lừa dối được con mắt nghiệp vụ của cơ quan điều tra cấp tỉnh (hẳn phải là rất chuyên nghiệp) và sự kiểm tra-giám sát của một cơ quan có tên là Viện Kiểm Sát, cũng cấp tỉnh.

Nói thêm. Cơ quan xử án chỉ là cấp thành phố (tương đương cấp huyện; số dân của thành phố Hòa Bình chỉ khoảng 100.000, tương đương số dân của những huyện lớn trong tỉnh này), nhưng cơ quan điều tra (thu thập chứng cứ) và Viện Kiểm Sát lại thuộc cấp tỉnh. Lẽ ra, không thể xảy ra, nhưng thực tế vẫn cứ xảy ra cái chuyện nhiều chứng cứ ngụy tạo đã qua được 2 cánh cửa này để lọt vào hồ sơ vụ án.

        b- Những điều ‘lẽ ra”

VKS từng coi ba ông Quốc – Sơn – Lương là ba cánh cửa, theo thứ tự, ngăn cản chất độc (acid) vào cơ thể nạn nhân… Đây là tư duy rất đặc trưng, nhưng phi logic. Còn diễn biến dưới đây mới thật là ba cánh cửa ngăn chặn những chứng cứ giả mạo lọt vào hồ sơ vụ án – đặng dùng chúng để kết tội người lương thiện. Đó là: a) cấp trên của BS Lương, lẽ ra phải thể hiện sự dũng cảm và lương thiện – tức là dám làm, dám chịu và không tạo chứng cứ chuyển tội của mình sang cấp dưới; b) Cơ quan điều tra (bằng Tài năng và Đạo đức) lẽ ra phải phát hiện ra chứng cứ giả, thì lại về hùa (tạo thêm); c) VKS – với chức năng kiểm tra, giám sát – lẽ ra không đưa chúng vào hồ sơ thì lại có hành động rất phản công lý…

        c- Khó khăn đối nội

         *) Trước hết, BS Hoàng Công Tình – phó trưởng khoa – là chú ruột BS Hoàng Công Lương đã nhiều lần ngăn cản được ý đồ gán tội cho cháu mình. Ông đã ghi âm những cuộc điện thoại khi trao đổi với Trưởng khoa và các nhân viên khác (ví dụ với ông Đinh Tiến Công). Bài này chỉ nêu một ví dụ: Ông đã chứng minh rằng cái hệ lọc nước RO2 (sửa chữa ngày 28-5) không do Đơn Nguyên thận nhân tạo quản lý. Điều quá dễ hiểu là một đơn vị không có kỹ sư làm sao quản lý được hệ thống lọc nước RO? Sẽ còn phải phân tích ở dưới.

        *) Để sửa chữa văn bản nhằm giả mạo chứng cứ, phải dùng một màu mực, do cùng một người viết ra. Chính do vậy, đã có những luật sư sẵn sàng chi tiền riêng và yêu cầu tòa mời chuyên gia quốc tế “giám định tuổi mực”…

       *) Người viết vào văn bản (do lương tâm thức tỉnh) đã tự nhận lỗi trước tòa, giữa thanh thiên bạch nhật. Đó là ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng viên – và theo gương ông, hàng chục người khác đã cải chính ngay trước tòa về lời khai cũ của mình khi bị “dụ cung”, “mớm cung”. Hai BS đồng nghiệp tuyên bố (đại ý) rằng: Từ nay, những lời khai của tôi ở cơ quan điều tra – nếu không có mặt luật sư – đều không có giá trị…

       *) Nội dung văn bản của quá khứ (2016) – dù được sửa chữa – vẫn không thể khớp với sự việc thực tế ở thời điểm xảy ra thảm họa (2017). Càng cố sửa chi tiết, càng dễ bị bôi, xóa; càng dễ lộ ra sự gian dối. Đó là trường hợp cái Biên Bản sửa hệ RO1 (lập ngày 20-4-2016 được sửa thành 20-4-2017), nhưng mục “sửa chữa và thay thế những vật tư nào” thì không cách nào sửa được. Ví dụ, năm 2016 KHÔNG có chuyện “thay mới hai màng lọc” và “làm xét nghiệm AAMI” nhưng năm 2017 thì hai việc này là CÓ. Không ai đủ liều lĩnh để viết thêm 2 việc “mới” này (hàng chục chữ) vào tờ biên bản cũ…

III. SỰ LỘ TẨY CỦA 2 BẰNG CHỨNG GIẢ MẠO

Sự kết tội BS Hoàng Công Lương dựa vào 2 chứng cứ chủ yếu, gồm: a- Quàng vào cổ vị BS này một cương vị phụ trách (để gán một tội danh phù hợp là “thiếu trách nhiệm” gây hậu quả nghiêm trọng); b- Dùng một “Biên Bản cũ” với sự bôi xóa, sửa đổi và viết thêm để vu cho ông nhân vật chính “đề xuất việc sửa hệ lọc nước RO2, khớp với cái tội “vô ý, cẩu thả” gây chết người.

Chúng đã qua được hai cánh cửa (điều tra và kiểm sát) tưởng như sẽ yên vị mãi mãi trong hồ sơ…, do vậy, việc lật tẩy cả hai bằng chứng này là công của các luật sư. Hồ sơ vụ án có tới 13 ngàn tài liệu (bút lục), phải đọc rất kỹ với đầu óc phân tích rất tỉ mỉ. sáng suốt và cảnh giác mới phát hiện ra những bút lục mang tính vu cáo. Đó là bút lục số 3079. Việc bác bỏ chúng rất thành công, khiến VKS buộc phải mấy lần thay đổi tội danh của BS Hoàng Công Lương.

1- Việc bịa đặt cho BS Lương một cương vị phụ trách

Sự việc đã bị phanh phui từ phiên sơ thẩm 1, tháng 5-2018 (cách nay một năm lận) khiến ngay trong phiên sơ thẩm (lần 2) VKS phải đổi tội danh. Do vậy, ở đây chỉ xin nêu vắn tắt những cách thức tạo chứng cứ giả. Té ra, chúng khá sơ đẳng, nhưng vẫn qua được hai “cánh cửa” phía sau. Đó là: a- ghi thêm một số dòng vào Biên Bản họp khoa rồi cho điều tra viên biết; b- điều tra viên dùng điện thoại chụp hình trang biên bản này (chủ ý chụp những dòng chữ viết thêm) rồi đưa cho các nhân viên Đơn Nguyên thận nhân tạo xem, rồi gợi ý, dụ dỗ và hướng dẫn họ viết vào bản khai cá nhân; c- đưa bản khai của BS Khiếu cho BS Lương “tham khảo” (để BS Lương theo đó mà tự khai). Việc này bị lộ tẩy ngay trước tòa khi luật sư Nguyễn Chiến phát hiện rằng “hai bản khai giống nhau từng chữ”; d- ông Đinh Tiến Công tự nhận (trước tòa) chính mình là tác giả của những dòng chữ gian dối trong Biên Bản họp khoa… vân vân.

  1. Việc bôi xóa, viết thêm vào tờ Biên Bản về tình trạng RO1

Trong dư luận đã có nhận định (có cơ sở) vụ án Hoàng Công Lương sẽ đi vào Lịch Sử tư pháp Việt Nam thời nước ta tiến lên CNXH. Do vậy, cái Biên Bản bị bôi xóa và sửa chữa cũng sẽ thành tư liệu lịch sử. Do vậy, nhiều bài, nhiều nơi đã đăng lại cái Biên Bản lịch sử này.

Chúng ta hãy dùng những câu hỏi để tìm hiểu chuyện bôi xóa, sửa chữa và viết thêm vào cái Biên Bản (có tên là BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG THIẾT BỊ) nhằm những mục đích gì (?).

Câu hỏi 1. Đây có phải Biên Bản đề nghị sửa chữa hệ lọc nước không?

Trả lời: Như tên gọi, nó không phải Biên Bản đề nghị sửa chữa hệ lọc nước, mà chỉ là Biên Bản đánh giá mức độ hư hỏng của thiết bị mà thôi. Sau đó, việc sửa chữa do cấp trên quyết định. Đây là loại Biên Bản được in sẵn (theo mẫu) do Phòng Vật Tư phát ra, dành riêng cho việc “kiểm tra mức độ hư hỏng” của các thiết bị. Cụ thể, cái Biên Bản (trước mặt bạn đọc) nếu gọi đúng tên, phải là BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG HƯ HỎNG CỦA HỆ LỌC NƯỚC RO1, lập ngày 20 tháng 4 năm 2016.   

Câu hỏi 2. Ở Biên Bản này, người ta sửa RO1 thành RO2 và năm 2016 thành 2017 để làm gì?

Trả lời: Để cho khớp với thảm họa (xảy ra sau khi sửa RO2, vào năm 2017) đặng gán tội cho BS Lương, vì Biên Bản có chữ ký của BS Lương.

Câu hỏi 3:Chữ ký của BS Lương có phải với tư cách (thừa lệnh trưởng khoa) đề xuất việc sửa chữa hệ RO hay không (như cáo trạng nêu)?

Trả lời: Không. Đây chỉ là Biên Bản đánh giá mức độ hư hỏng. Vai trò chính (trong đánh giá) phải là của kỹ thuật viên (ông Trần Văn Sơn ghi chép toàn bộ biên bản, sau đó đã ký). Còn vai trò của BS Lương và chữ ký của ông chỉ là thông báo rằng “không đủ nước sử dụng cho chạy thận”. Ý này đã được ghi rõ trong Biên Bản (rất dễ thấy) và cũng chính là đề xuất và yêu cầu của BS Lương (thừa lệnh). Còn việc Phòng Vật Tư (và bệnh viện trưởng) làm cách nào để BS Lương có đủ nước tinh khiết, BS Lương không “buộc phải biết”. Điều ông quan tâm là bao giờ có đủ nước tinh khiết thì Phòng Vật Tư chính thức báo cho người của Đơn Nguyên thận nhân tạo.

2.png

 Câu hỏi 4: BS Lương có “buộc phải biết” về nội dung sửa chữa (ghi ở mục Kết Luận) hay không? Ví dụ: Tẩy rửa màng RO, thay 3 van nước (như ta đọc thấy trong Biên Bản)?

Trả lời: Đó là đề xuất của kỹ thuật viên (ông Sơn) lên cấp trên của mình (ông Thắng). BS Lương “bất cần biết” chuyện nội bộ của Phòng Vật Tư. Giả sử, ông Sơn đề xuất: Bán quách cái hệ RO này, để mua cái khác… vẫn chỉ là việc của Phóng Vật Tư với Ban giám đốc bệnh viện. 

Câu hỏi 5: Nếu mỗi lần thiết bị RO hư hỏng, phải có một Biên Bản (đánh giá mức độ hư hỏng) thì tại sao “người ta” không cố tìm cho ra cái Biên Bản phù hợp với sự kiện sửa RO ngày 28-5-2017? Lại phải sửa chữa một Biên Bản đã quá cũ, để nay bị vạch trần sự gian trá?

Trả lời: Hẳn là, lần sửa chữa đưa đến thảm họa (không có Biên Bản đánh giá tình trạng thiết bị (theo mẫu) như vẫn thường làm. Đây là việc sửa chữa liên quan đến Hợp Đồng 315, được ký giữa bệnh viện trưởng và công ty Thiên Sơn. Trong Hợp Đồng đã ghi những việc phải làm với hệ RO2. Xin nhớ rằng: Các cấp dưới của đồng chí bệnh viện trưởng không biết tý gì về sự tồn tại của Hợp Đồng 315, cho đến khi chuyện vỡ lở.

Câu hỏi 6: Tại sao BS Lương không đề xuất sửa RO2 mà chỉ phàn nàn “thiếu nước tinh khiết chạy thận”?

Trả lời: Vì Đơn Nguyên thận nhân tạo KHỒNG quản lý các hệ lọc nước RO1 và RO2. Không ai dở hơi tới mức đề nghị sửa chữa cái máy KHÔNG thuộc quyền quản lý của mình. Đồng chí phó giám đốc phụ trách Vật Tư sau khi thảm họa xảy ra có ký công văn số 143 (xem dưới) (ghi ngày trước khi xảy ra thảm họa) với nội dung “coi như” Đơn Nguyên thận nhân tạo “đã” được giao quản lý nó… Nhưng BS Hoàng Công Tình đã họp khoa, lẫy chữ ký phản đối (xem dưới).  họa?

Câu hỏi 7: Tại sao Cáo Trạng do VKS đưa ra vẫn coi BS Lương là người chủ trì đề xuất việc sửa RO2?

Trả Lời: Xin hỏi VKS.

 

  1. Gậy ông đập lưng ông?

Cái Biên Bản “bị sửa đổi” để gán tội cho BS Lương lại được VKS dùng để buộc tội cho cả cho người đầu têu sửa đổi nó.

Cáo trạng dành cho BS Khiếu có nội dung rất giống cáo trạng về BS Lương. Cả hai đoạn cáo trạng đều dựa vào cái Biên Bản bị sửa đổi này

Tóm tắt cáo trạng với BS Khiếu: Bị can Khiếu là người ký duyệt sửa chữa ngày 20/4/2017, biết rõ nội dung sửa chữa là “Tẩy màng RO và các đường ống của hệ thống”, biết ngày 28/5/2017 sửa chữa RO số 2 và Đơn nguyên lọc máu không có kỹ sư, kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu nhưng bị can đã không triển khai các biện pháp để đảm bảo chất lượng.

BS Khiếu cũng có thể dùng nội dung của 7 câu hỏi (và trả lời) ở trên để bác bỏ đoạn cáo trạng về mình.

3

Quyết Định 143 do đồng chí phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu ký. Nó được soạn thảo SAU KHI tai họa xảy ra, nhưng ngày ký lại là TRƯỚC KHI tai họa xảy ra. Nội dung là “giao cho Khoa Cấp Cứu (BS Hoàng Công Tình) quản lý hệ RO2. Mục đích: Để phù hợp với cái Biên Bản “chỉnh sửa”

4

BS Hoàng Công Tình lập biên bản từ chối việc “được giao quản lý hệ thống RO

5.png

5 dấu hiệu chứng minh dấu hiệu hợp thức theo LS Hằng gồm:

– Nghiên cứu 12 quyết định 143 không có bất cứ chữ ký tắt nào theo quy chế văn thư được viện dẫn trước toà.

– Không có chữ ký nháy của phòng tổ chức cán bộ theo quy định.

– Không có việc giao và bàn giao hệ thống RO cho ông Tình trên thực tế, bản thân ông Tình có tên trong Quyết định 143 ngày 29/5/2016 nhưng cũng không được giao thiết bị y tế nào.

– Quyết định 143 hoàn toàn không có bút tích nào thể hiện là ông Tình đã nhận được quyết định này.

– VKS khẳng định 12 biên bản 143 chứ không có biên bản bàn giao RO2, nhưng LS khẳng định không có quyết định nào theo biên bản 143 chứ không chỉ là không có biên bản bàn giao RO2.

 

Trích một đoạn trên báo

Đây là dấu hiệu hợp thức cực kỳ rõ, LS Phúc kiến nghị trưng cầu giám định toàn bộ hồ sơ liên quan đến RO1, RO2 và RO mini xem có được viết trong cùng 1 thời điểm không.

“Chúng tôi sẵn sàng chịu chi phí giám định tuổi mực ở nước ngoài để làm rõ sự việc thật rõ ràng, không thể để tình trạng trong khi các BS đang tập trung cứu chữa cho bệnh nhân thì ở đâu đó người ta làm giả hồ sơ giấy tờ để đổ trách nhiệm cho bác sĩ. Nếu đã chứng minh được thì tôi đề nghị khởi tố vụ án làm giả hồ sơ làm sai lệch vụ án”, bà Phúc cho biết.

LS Phúc khẳng định bản thân ông Tình đã phải lập xác nhận ở khoa HSTC tháng 12/2017 rằng đến thời điểm đó có việc giao hệ thống RO2 cho cá nhân ông Tình, luật sư sẽ gửi tài liệu này cho HĐXX như một chứng cứ bổ sung.

“Nếu như VKS giữ nguyên quan điểm về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng đi theo đến cùng và chúng tôi còn nhiều chứng cứ”, LS Phúc nhấn mạnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s