Phương Đông là một vùng đất rộng lớn, bao gồm toàn bộ khu vực Châu Á và vùng Đông Bắc Châu Phi, với những nền văn minh xuất hiện sớm trên thế giới (so với phương Tây). Các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,… đã bước vào thời kì trung đại từ rất sớm, đa số là từ thế III TCN. Và chế độ này kết thúc vào nửa sau thế kỉ XIX, hoặc đầu thế kỉ XX. Sự hình thành, phát triển và suy vong của chế độ phong kiến ở mỗi nước tùy thuộc vào tình hình kinh tế- xã hội riêng của nó. Trong thời kì này, phương thức sản xuất phong kiến nắm vị trí quan trọng, là phương thức sản xuất dựa trên lao động thủ công của nông dân và thợ thủ công. Công cụ chủ yếu dùng bằng sắt, phân bón được sử dụng rộng rãi. Quan hệ giữa địa chủ và tá điền cũng dần hình thành và là quan hệ sản xuất chính của thời kì này.
- Phương thức sản xuất phong kiến
Thời trung đại của lịch sử nhân loại nói chung, Phương Đông nói riêng là thời kì chế độ phong kiến thống trị. Khác với Phương Tây thì chế độ này tồn tại rất sớm ở một số nước Phương Đông, đồng thời nó tồn tại lâu dài. Bởi vậy, chế độ phong kiến ở giai đoạn đầu được xem là sự phát triển của nhân loại, nhưng khi bước vào thời kì sau thì đây là sự lạc hậu đối với sự phát triển của thế giới đương thời.
Theo học thuyết Duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin thì các quan hệ xã hội, các quan điểm chính trị, pháp luật, triết học,… cùng với thiết chế nhà nước, giáo hội, các đoàn thể xã hội… gọi chung là kiến trúc thượng tầng. Nó được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng chế độ phong kiến là tổng hợp những quan hệ sản xuất tạo thành cơ cấu kinh tế của một xã hội phong kiến. Nó bao gồm quan hệ sản xuất công xã nguyên thủy (quan hệ sản xuất tàn dư), quan hệ sản xuất phong kiến (quan hệ sản xuất thống trị) và quan hệ sản xuất tư bản (quan hệ sản xuất mầm móng tương lai). Trong đó, quan hệ sản xuất phong kiến thống trị và chi phối các quan hệ sản xuất còn lại, quy định mọi đời sống xã hội.
Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là những yếu tố hợp thành phương thức sản xuất. Nói cách khác thì phương thức sản xuất phong kiến là cách thức sản xuất ra của cải vật chất của chế độ phong kiến. Lực lượng sản xuất bao gồm các yếu tố người lao động, công cụ lao động. Người lao động trong xã hội phong kiến tuy đã được giải phóng nhưng họ bị chói buộc vào chủ ruộng bởi địa tô và những mối quan hệ lệ thuộc thân thể. Nhưng họ vẫn có hứng thú lao động sản xuất hơn khi còn là nô lệ, bởi vì bây giờ họ đã có nền kinh tế riêng của họ. Công cụ lao động chủ yếu là được làm bằng sắt, kỹ thuật canh tác được cải tiến, cách nấu gang và chế biến sắt dẫn đến cải tiến hơn về công cụ lao động. Con người đã sử dụng sức gió và sức kéo thay cho sức cơ bắp. Súc vật được sử dụng để kéo. Họ biết áp dụng kĩ thuật lâm canh làm tăng năng suất lao động. Chính nhờ những cải tiến về kĩ thuật mà nông nghiệp được phát triển, nó trở thành nghành chính trong nền kinh tế.
Quan hệ sản xuất phong kiến là hình thức quan hệ sản xuất thống trị và chi phối nền kinh tế. Nên quan hệ sản xuất này thể hiện rõ ràng các hình thức của nó. Hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là hình thức sở hữu tư nhân nhưng hơn hẳn chế độ chiếm hữu nô lệ, địa chủ là người năm quyền về ruộng đất. Hình thức tổ chức lao động thể hiện ở chỗ người lao động được chia ruộng đất, được tự do cày cấy và chỉ nộp tô thuế cho địa chủ. Vì vậy, người nông dân hăng say làm việc. Hình thức phân phối sản phẩm thể hiện ở ba hình thức địa tô: tô hiện vật, tô lao dịch và tô tiền.
Phương thức sản xuất phong kiến được thể hiện rõ ở sự phát triển mô hình kinh tế Phương Đông thời trung đại.
Quan hệ sản xuất phong kiến là quan hệ sản xuất thống trị trong cơ sở hạ tầng. Do đó, trong các nghành kinh tế thì trong kinh tế nông nghiệp, quan hệ này thể hiện rõ ràng nhất. Kinh tế nông nghiệp là nghành kinh tế quan trọng nhất. Quan hệ sản xuất phong kiến thể hiện rõ ở ba vấn đề sau:
Vấn đề sở hữu ruộng đất thời kì này tồn tại dưới hai hình thức là nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên hình thức sở hữu ruộng đất tư nhân thì phát triển mạnh mẽ, cho nên nhà nước đè ra một chính sách để hạn chế tình trạng phát triển của ruộng tư.
Ruộng đất của nhà nước là ruộng đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước, được gọi bằng một số tên như Công điền ,Vương Điền, Quan điền (Trung Quốc). Những ruộng đất này được các triều đại ban cấp cho quý tộc, quan lại làm bổng lộc, một bộ phận thì tổ chức thành đồn điền, điền trang để sản xuất hoặc giao cho nông dân dưới hình thức quân điền để thu thuế.
Ở Trung Quốc, các triều đình phong kiến đã thực hiện chế độ quân điền để tăng gia sản xuất, nhằm phát triển nông nghiệp. Có điều đặc biệt ở đây là nền nông nghiệp Trung Quốc bị lệ thuộc vào tình hình chính trị rất sâu sắc. Tại đây thường xảy ra các cuộc nội chiến, cứ sau những năm phát triển bền vững, thịnh vượng thì lại diễn ra cuộc nội chiến kéo dài. Sau thời Tần Hán, Trung Quốc bước vào thời Tam Quốc kéo dài đến thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều đến thời Tùy, Đường thời cơ bản ổn định, phát triển bền vững. Nhưng sau thời Đường, Trung Quốc rơi vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, rồi thịnh thế vào đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Cứ thế làm cho nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung bị đình đốn. Cho nên chế độ quân điền đã góp phần nào ổn định nền nông nghiệp trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, sự hưng thịnh của chế độ quân điền chỉ tồn tại trong 3 thế kỉ (thế kỉ V đến thế kỉ VIII) và tàn lụi dần vào những thế kỉ sau.
Ở Nhật Bản, thì chế độ quân điền này được gọi là chế độ ban điền cũng thể từ đầu thời phong kiến, thông qua cuộc cải cách Taica (thế kỉ VI). Cho đến thế kỉ x, chế độ ban điền cũng dần tan rã thay vào đó là chế độ trang viên phong kiến. Đây là được xem là hình thức sở hữu ruộng đất dạng phong kiến Phương Tây. Nó tồn tại trong suốt thời gian dài đăng đẳng, làm lu mờ quyền sở hữu của nhà nước. Ở Ấn Độ, chế độ quân điền hay ban điền bắt đầu diễn ra từ thời Giúpta và Hácsa (thế kỉ VI – VII). Dầm dần thì chế độ này cũng tan ra như Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Phương Đông khác.
Nhìn chúng, chế độ quân diền hay ban điền thực hiện đối với các đối tượng sau: nông dân cày cấy và quan lại, quý tộc của triều đình.
Thứ nhất, Nhà nước ban đất cho nông dân cày cấy. Ở Trung Quốc,“Thời Bắc Ngụy, đàn ông từ 15 tuổi trở lên được cấp 40 mẫu ruộng trồng lúa (lộ điền) và 20 mẫu ruộng trồng dâu, đàn bà được cấp 20 mẫu ruộng trồng lúa ; nô tì cũng được cấp như người tự do ; bò cày được cấp mỗi con 30 mẫu. Nếu ruộng thuộc loại đất phải để nghỉ một hay hai năm thì được nhân gấp đôi hoặc gấp ba. Còn thời Đường thì quy định đàn ông từ 18 tuổi trở lên được cấp 80 mẫu ruộng trồng lúa gọi là ruộng khẩu phần và 20 mẫu ruộng trồng dâu gọi là ruộng vĩnh nghiệp ; cụ già, người tàn tật, ốm yếu được cấp 40 mẫu ruộng khẩu phần ; bà goá được cấp 30 mẫu ruộng khẩu phần, nếu là chủ hộ thì được cấp nửa suất của tráng đinh.”[1]
Ở Nhật Bản, theo quy định của chế độ “ban điền” của cải các Taica thì “người ở địa phương nào được chia ruộng ở địa phương ấy. Nam từ 6 tuổi trở lên, mỗi người được cấp 1 đoạn (1 đoạn bằng 0,12ha), mỗi suất nữ được chia bằng 2/3 suất nam. Nếu có nô tì (hạng tôi tớ gái ở suốt đời trong nhà, được coi như thân quyến) hoặc đầy tớ trai hay gái (loại tôi tớ có thể đổi chủ tuỳ theo ý muốn) thì được cấp mỗi người bằng 1/3 suất của người tự do. Những người nhận phải ruộng xấu thì được cấp gấp đôi diện tích đã ấn định. Mỗi gia đình được quyền sở hữu với đất nhà, đất vườn của họ. Rừng núi, ao hồ, sông ngòi là của chung, ai cũng có quyền sử dụng.”[2].
Thứ hai, nhà nước ban đất cho các quan lại tùy theo chức tước, địa vị,công lao. Ở Trung Quốc, thì vào thời Đường, ruộng đất ban phong được chia thành ba loại: ruộng vĩnh nghiệp, ruộng thưởng công và ruộng chức vụ. Ở Nhhật Bản, ruộng đất phong được chia thành: “ruộng chức vụ”, “ruộng tước vị” và “ruộng thưởng công lao với nhà nước”. Ở Ấn Độ, thời Hácsa, ruộng đất được ban gồm ruộng đất ban cấp có thời hạn (Pátta) và ruộng đất ban cấp vĩnh viễn (grax, thường là ban cho những đền chùa, tăng lữ). Nhình chung, tuy các loại ruộng đất cho các quan lại, quí tộc tuy mang tên gọi khác nhau nhưng điều thể hiện ở hai vấn đề là thời hạn và vĩnh viễn. Riêng ở Ấn Độ vì chức tước là thuộc về cha truyền con nối nên vấn đề ruộng đất có thời hạn trở thành ruộng đất vĩnh viễn. Các nước Phương Đông khác cũng có nhiều cách phân chia đất công.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hình thức sở hữu tư nhân đối với ruộng đất. Do sự công nhận cho việc buôn bán đất đai mà tình trạng ruộng tư dần dần phát triển, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát của nhà nước. Ddoofng thời, địa chủ còn chiếm đoạt ruộng đất của nông dân bằng hình thức cưỡng bức, biến họ lệ thuộc vào mình.
Ở Trung Quốc thì tình trạng sở hữu tư nhân đối với ruộng đất phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao về cuối thời Minh. “các thân vương, công chúa, sủng thần thường được ban cấp hàng nghìn, hàng vạn khoảnh… ở miền ven biển Đông Nam có nơi cứ 10 thì 9 người không có ruộng”. Ở Nhật Bản, chế độ trang viên phát triển mạnh mẽ, nó được tổ chức theo hình thức tự cung tự cấp, là những khu vực hành chính mà nhà nước không thể kiểm soát. Sự phát triển của nó tạo nên những mâu thuẫn đối với nhà nước. Đó là những quốc gia có sự gia tăng về số lượng ruộng đất tư nhân hay trang viên theo cách gọi của Nhật.
Nhằm hạn chế sự phát triển của ruộng đất của tư nhân phát triển, các quốc gia phong kiến Phương Đông đã đề ra các chính sách, quy định đối với nó. Ở Trung Quốc có chính sách hạn điền của Vương Mãng, chính sách quân điền từ triều Bắc Ngụy đến Đường, chính sách cấn chiếm đoạt ruộng đất của Minh Thái Tổ… Đặc biệt chính sách quân điền được xem là chính sách đáng chú ý. Như đã trình bày ở trên, chính sách này là phân đất cho nông dân cày cấy để thu thuế tăng thu nhập cho nhà nước bằng thu thuế khóa. Chính nhờ chính sách này, những nông dân không có hoặc ít ruộng đất, những người đi lưu tán trở về quê hương đều được cấp ruộng đất. Họ trở thành nông dân cày cẩy ruộng đất công thoát khỏi sự lệ thuộc vào địa chủ. Địa chủ sẽ bị hạn chế bóc lột sức lao động của nông dân làm tăng diện tích đất của mình.
Ở Nhật Bản, “để hạn chế trang viên, vào năm 1069, Thiên hoàng Gôsangiô (1068 – 1072) đã thiết lập cơ quan “Kí lục sở” nhằm kiểm tra ruộng đất của trang viên, giúp nhà nước thu hồi lại những ruộng đất mà họ Phudioara đã cấp cho người thân và phe cánh của mình từ năm 1045, đồng thời rút bớt số trang viên được miễn thuế để thu hồi đất cho nhà nước, bãi bỏ lệ cha truyền con nối quyền cai trị các xứ do triều đình bổ dụng, hoặc thuyên chuyển, đưa những khoản thuế mà lãnh chúa được hưởng sang quỹ của nhà nước.”[3].
Tuy nhiên, chính sách của nhà nước nhằm hạn chế sự phát triển ruộng tư có đạt được hiệu quả trong thời gian ngắn hoặc tác động của nó không đang kể. Bởi vì việc các địa chủ tăng cường chiếm đoạt thật nhiều ruộng đất đã và đang trở thành một xu thuế không thể ngăn được và phát triển rất mạnh mẽ. Hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất (chủ yếu là ruộng đất) dưới thời phong kiến là hình thức sở hữu tư nhân, nó làm lu mơ đi sở hữu của nhà nước (sở hữu công).
Vấn đề tổ chức – quản lý trong lao động
Đây là hình thức thứ hai trong quan hệ sản xuất. Nó thể hiện rõ trong việc phân công lao động trong sản xuất, tức là thể hiện rõ trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nông nghiệp cần tập trung vào những yếu tố như công cụ lao động, hệ thống thủy lợi, sự phát triển trong trồng trọt, chăn nuôi.
Về sự phát triển công cụ lao động. Công cụ bằng sắt được sử dụng rất phổ biến, nhờ vậy mà diện tích canh tác được mở rộng, sản lượng cây trồng được tăng lên. Một số công cụ mới được ra đời và cải tiến. Các nhà nước phong kiến Phương Đông tiến hành cải cách công cụ. Việc chế tạo công cụ được thực hiện đa phần trong ngành thủ công nghiệp. Và điều quan trọng là các nước tăng cường trao đổi học hỏi nhau để cải tiến kĩ thuật làm nền nông nghiệp phát triển.
Ở Trung Quốc, thời Đông Hán thời Đông Hán, xe đạp nước bắt đầu được phát minh và đến thời Tam quốc thì được hoàn thiện thành cái xe đạp nước ngày nay. Phương pháp lợi dụng sức nước để kéo cối xay bột cũng bắt đầu ra đời. Thời Minh, tiến bộ mới về kĩ thuật gieo mạ làm cho diện tích trồng trọt cũng vượt xa thời trước, sản lượng lương thực tăng nhiều. Ở Ấn Độ, thời Gúpta và Hácsa, ở những nơi ruộng cao, người ta dùng những xe nước do bò kéo. Loại xe này giảm nhiều sức lao động của con người, lại có thể đưa nước từ hồ và sông lên cao tới 2m.
Ở Nhật Bản, thời Nara, Sự hưng thịnh này trước hết biểu hiện trong nông nghiệp. Trong thời kì này, các công cụ canh tác bằng sắt được phổ biến rộng rãi, nên việc tiến hành sản xuất được dễ dàng, việc khai thác đất hoang để mở rộng diện tích canh tác được thuận lợi. Thế kỉ XIV – XVI, tại đây, nhờ áp dụng bánh xe quay nước để tưới nước mà người ta đã gieo trồng được hai vụ trong một năm. Diện tích cày cấy tăng lên. Trong thời Tôcưgaoa, người ta đã cải tiến hầu hết các đường lối sản xuất cổ truyền của Nhật Bản trước đây bằng cách áp dụng những sở trường về PP canh tác cũng như các công cụ canh tác của Trung Quốc. chẳng hạn như người ta đã bỏ hết các loại cày, bừa, cuốc kiểu cũ nặng nề để thay bằng những kiểu cày, bừa, cuốc nhẹ ; thay những cào cỏ gỗ bằng những loại chế tạo từ sắt; áp dụng lối gặt lúa bằng liềm, lối giã gạo bằng chân với các loại cối giã cần gỗ ; lối tát nước gầu dây đối với đồng thấp và dùng xe guồng nước đối với đồng cao…
Về hệ thống thủy lợi. Các Quốc gia phong kiến Phương Đông luôn quan tâm đến vấn đề này. Đây được xem là nguồn ổn định và phát triển của kinh tế. Chính sự hiểu biết về thủy lợi nền các quốc gia phong kiến Phương Đông rất quan tâm đến vấn đề này.
Ở Ấn Độ, thời đầu, các công việc đắp đê, đào mương, đắp đập để chứa nước. Sang thời Gúpta và Hácsa, các công trình thuỷ lợi tiếp tục được xây dựng và mở rộng. Người ta đào thêm nhiều kênh dẫn nước nối liền đổng ruộng với các sông nhỏ và xây dựng nhiều đập ngăn nước qua những dòng sông. Thời Xuntan Đêli, xây dựng các công trình thuỷ lợi và mở rộng diện tích canh tác. Xuntan Ala útđin (1296 – 1316) đã cho xây dựng một hồ chứa nước rất lớn ở ngoại thành Đêli, có chiều dài 0,5 dặm và rộng 0,4 dặm, nhờ đó đã tưới nước cho cả một vùng rộng lớn để trổng trọt. Đến thời trị vì của Phirudơ Sát (1357 – 1388), người ta lại đào một con kênh dài gần 200km.
Về trồng trọt. Nhờ phát triển của công cụ lao động mà việc khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, phương pháp gieo hạt phát triển, làm cho cây trồng ngày càng đa dạng. Các quốc gia phong kiến Phương Đông phát hiện và gieo trồng các loại cây tùy vào hoàn cảnh và trình độ của nhà nông. Các loại cây trồng ngày càng đa dạng, phong phú.
Ở Trung Quốc, thời Tống, ở miền Nam, kinh tế được phát triển nhanh chóng, trong đó đáng chú ý là nhiều loại nông sản mới như lúa Chiêm Thành (đưa từ Đại Việt sang), bông v.v… được trồng ngày càng nhiều. Vào triều Nguyên, việc trồng bông càng phổ biến hơn trước. Thời Minh, ngoài việc cây bông được trồng phổ biến khắp cả nước và được đặt ngang hàng với dâu và đay là những nông sản cổ truyền của Trung Quốc, sang thế kỉ XVI, cây thuốc lá được đưa từ Philípin vào trồng ở Trung Quốc.
Ở Nhật Bản, vào thế kỉ XV, trên các cánh đồng Nhật đã gieo trên 100 loại lúa, 12 loại đại mạch, tiểu mạch, kê và 14 loại đậu. Người ta đã sử dụng các phương pháp chọn giống để có năng suất cao, đồng thời triệt để khai thác sử dụng các loại phân bón khác nhau như phân xanh (ủ rơm, ủ cỏ), tro than, bùn ao… Lúa cấy đủ cả 3 mùa và biết sử dụng PP luân canh gối vụ, lại tuỳ loại đất, tuỳ khí hậu mà chọn loại cây trồng cho thích hợp. Cây trồng thời đó khá phong phú. Ngoài các loại lúa còn có ngô, đỗ, vừng, kê, lạc, mía, thầu dầu, dưa gang, dưa hấu, dưa chuột… Đã xuất hiện những vùng chuyên canh nổi tiếng như : mía, đường, mật, thuốc lá của xứ Satsuma, cây chàm và nghề nhuộm chàm của xứ Aoa, cây sơn của xứ Aidu, trồng dâu nuôi tằm ở vùng Cantô. Nhờ nông nghiệp phát triển, sản lượng ngũ cốc thời Tôcưgaoa tăng nhanh chóng. Năm 1598, tổng sản lượng toàn quốc là 1850 vạn thạch106, đến năm 1786 – 1837 đã đạt tới 3042 vạn thạch.
Ở Ấn Độ, sang thời Gúpta và Hácsa, Nhiều loại cây lương thực, cây công nghiệp được trồng như : lúa, lúa mì, lúa mạch, kê, đậu, vừng, lạc, bông, đay, lanh, gai, chàm… Ngoài ra, người ta còn trồng nhiều loại cây rau, quả và cả các loại cây gia vị nữa. Ở nhiều nơi của Ấn Độ người ta còn trồng dừa – loại cây rất quý. Thế kỉ XVI – XVII, ngoài việc đẩy mạnh trồng các loại cây lương thực, người ta còn tăng thêm việc gieo trồng các loại cây đòi hỏi tốn nhiều công sức như : chàm (índigo), sơn, mía, hổ tiêu…
Về chăn nuôi, bên cạnh trồng trọt, người Ấn Độ nói riêng, người Phương Đông nói chung, còn nuôi nhiều loại gia súc: bò, trâu, lạc đà, cừu, bò… ở các nơi trong nước. Đặc biệt chăn nuôi phát triển tại những vùng núi cao, du mục. Nghành chăn nuôi chưa phát triển mạnh.
Đây được xem là hình thức phân phối sản phẩm. Sau khi những nông dân cày ruộng trên mảnh đất của nhà nước hoặc địa chủ tư nhân, thì họ phải đóng thuế cho chủ đất. Mức đóng thuế tùy thuộc vào quy định riêng biệt của từng quốc gia phong kiến Phương Đông.
Ở Trung Quốc, theo chế độ quân điền thì việc đóng thuế tùy thuộc vào chính sách của nhà nước. Thời Tùy, Đường, việc đóng thuế được quy định thành chế độ “tô, dung, điệu”… Trong trường hợp không thể thực hiện nhà nước sẽ thay đổi chính sách nhằm ổn định tình hình. Sau những năm chiến tranh, khi xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế, nhà nước cũng tiến hành giảm tô, giảm thuế để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất.
Ở Nhật Bản cũng vậy, theo cải cách Taica thì “Nông dân nhận ruộng phải nộp thuế cho nhà nước bằng thóc với mức 3% sản lượng thu hoạch ở những người có dưới 1 mẫu (1 mẫu bằng 10 đoạn) và mức 25% sản lượng thu hoạch ở những người có trên 1 mẫu ruộng. Đồng thời, họ còn phải nộp thuế bằng sản phẩm thủ công nghiệp gia đình như tơ, lụa, bông, vải hoặc thổ sản địa phương, và phải làm lao dịch 10 ngày/năm trong các công trình chung như xây dựng, tưới ruộng, làm đường, vận tải lương thực…”[4].
Dù các quốc gia phong kiến Phương Đông có thay đổi chính sách thuế khóa sao cho phù hợp với đời sống của nông dân, nhưng nhình chung, các triều đại phong kiến luôn bóc lột một cách nặng nề đối với người nông dân bằng hình thức thu địa tô. Đây là cái dẫn đến mỗi mâu thuẫn sâu sắc giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Có khi người nông dân không được lãnh đầy đủ đất để canh tác nhưng phải nộp thuế khóa đúng mức thì sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn chỉ giải quyết bằng vũ trang. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giai cấp trong xã hội
Tóm lại, nông nghiệp Phương Đông thời kì này là một lĩnh vực quan trọng, nó đã thể hiện rõ quan hệ sản xuất phong kiến. Tuy hay bị đình đốn do chiến tranh xảy ra liên miên nhưng cũng đã phát triển đạt được một số thành tựu đáng kể. Như Mác từng nói: “… Ở Châu Á, nông nghiệp bị suy sụp dưới sự cai trị của chính phủ này, nhưng lại được khôi phục dưới sự cai trị của một chính phủ khác. Ở đây thu hoạch cũng là tùy ở chính phủ tốt hay xấu, cũng như ở Châu Âu mức thu hoạch tùy ở thời tiết tốt hay xấu”[5].
Thủ công nghiệp trong thời kì này cũng phát triển với số lượng ngành nghề, với quy mô sản xuất càng lớn, kĩ thuật sản xuất càng tinh xảo, trong nổi bật là nghề luyện sắt, nghề dệt tơ lụa, nghề dệt vải, nghề đóng thuyền, nghề làm giấy, nghề đúc đồng, nghề làm gốm… Tuy nhiên, các quốc gia Phương Đông đã có những ngành nghề riêng.
Ở Trung Quốc, ngoài những ngành nghề phát triển giống các nước khác thì Trung Quốc vẫn độc quyền về nghề làm giấy. “Nghề làm giấy cũng ra đời từ thời Hán. Đó là một nghề riêng của Trung Quốc trong mấy thế kỉ và càng ngày càng sản xuất được nhiều loại giấy tốt và đẹp, cung cấp cho nhu cầu trong nước và nhiều nước khác”[6]. Đó là nghề riêng biệt, đồng thời Trung Quốc cũng xuất hiện và phát triển một số nghành tiêu biểu.
Ở Ấn Độ, nghề dệt, vốn đã rất nổi tiếng từ xưa, thời Gúpta đến Hácsa vẫn là nghề thủ công phổ biến nhất và giữ ý nghĩa hàng đầu trong kinh tế thủ công nghiệp. Chỉ với khung cửi thô sơ, những người thợ thủ công khéo léo của Ấn Độ đã dệt được những tấm vải mỏng, mềm và nhẹ, với màu sắc rực rỡ không phai. Nó trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Ấn Độ mà phương Tây rất thích.
Các nghề thủ công ngày càng phát triển, sự phân công lao động trong di chuyền mỗi ngành nghề tương đối tỉ mỉ. Ở Trung Quốc, nghề luyện sắt được phân công tỉ mỉ: : các công việc như lấy than, làm than, quạt lò, đổ quặng vào lò… đều giao cho những bộ phận khác nhau phụ trách. Đồng thời các ngành nghề như đúc đồng, làm giấy, nghề dệt… ở khắp các nước điều lần lượt phân công tùy vào tình hình phát triển ở mỗi nước.
Sự phát triển của các nghề thủ công dẫn đến việc hình thành nên các tổ chức làng nghề, phường hội, xí nghiệp… Tuy vào đặc điểm riêng của mỗi nước mà các tổ chức ấy khác nhau về hình thức, về địa vị xã hội và tính chính trị.
Ở Trung Quốc, đến đời Đường, tổ chức phường hội đã xuất hiện và đến đời Tống lại càng phát triển. Đứng đầu phường hội có ông trùm gọi là “Hàng lão”, dưới đó là thợ thủ công và thợ học việc. Hàng lão trông coi việc sản xuất trong phường hội của mình, quyết định việc thuê thợ hoặc cho thợ mới vào học việc và chịu trách nhiệm trước nhà nước, ở Trung Quốc và nhiều nước phương Đông khác, các phường hội đều có đền thờ Tổ sư (người đầu tiên truyền nghề cho phường hội). Do sự quản lí chặt chẽ của nhà nước phong kiến đối với thủ công nghiệp, nên phường hội ở Trung Quốc ko có thế lực gì đáng kể. Nhưng đến thế kỉ XVI, đã hình thành nên các xưởng thủ công mang tính tư bản chủ nghĩa.
Ở Nhật Bản, hình thức ban đầu là nhóm nghệ nhân, sau đó đã hình thành nên các xí nghiệp. “Vào thế kỉ XV – XVI, đã hình thành các xí nghiệp thủ công ở Nhật. Giống như các phường hội thủ công nghiệp ở Tây Âu phong kiến, các xí nghiệp này được xây dựng trên cơ sở những người thợ thủ công cùng nghề và với mục đích độc quyền sản xuất một mặt hàng nào đó. Cũng trong thời kì này, mặc dù có những ngăn cấm và hạn chế phong kiến, các hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện dưới hình thức sản xuất gia đình. Ngoại thương và yêu cầu của chiến tranh là nguyên nhân chủ yếu đối với sự phát triển của sản xuất công nghiệp thời đó.”[7].
Ở Ấn Độ, hình thức này được xác định là kinh tế riêng của người thủ công. Kinh tế riêng rẽ của người thợ thủ công là hình thức hoạt động chủ yếu của sản xuất thủ công nghiệp. Theo hình thức sản xuất này thì người thợ thủ công, thường có sự giúp đỡ của những người trong gia đình, đảm nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất ra vật phẩm, với công cụ và nguyên vật liệu riêng, sản phẩm làm ra được đem bán ở thị trường địa phương, hoặc theo sự đặt hàng của quý tộc, quan lại phong kiến.
Chính những hình thức tổ chức như vậy, dẫn đến trong kinh tế xuất một loại quan hệ sản xuất mới, đó là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, nó chưa phát triển mạnh mẽ trong toàn bộ nền kinh tế. Nguyên nhân là do sự kìm hãm của chế độ phong kiến với những chính sách hạn chế.
Đó là hai vấn đề cơ bản của việc phát triển nền kinh tế thủ công. Tuy nhiên một thực trạng thấy rõ, cùng với nông dân, người thủ công nghiệp tuy đã góp phần đưa thủ công nghiệp phát triển nhưng địa vị của họ trong xã hội thì không được đề cao. Điều này có thể thấy rõ trong các ngành nghề thủ công mà nhà nước đứng ra kinh doanh và độc quyền, đó là những nghề quan trọng và đòi hỏi nhiều vốn như khai mỏ, luyện sắt, đúc tiền, làm vũ khí, làm muối, dệt các loại lụa cao cấp, làm đồ sứ v.v… Người quản lí ở đây là quan lại, còn người sản xuất là nô lệ, thợ thủ công phạm tội, thợ thủ công làm nghĩa vụ lao dịch và thợ thủ công làm thuê sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lao dịch. Ở Ấn Độ, những thợ thủ công không được tổ chức thành những xưởng thợ mà tổ chức thành đẳng cấp. Khác với xưởng thợ, đẳng cấp thợ thủ công là một tổ chức hầu như không có nhiệm vụ bảo vệ người thợ, còn trong sản xuất, người thợ thủ công buộc phải sử dụng các phương thức và công cụ lao động thô sơ, vốn được xem là truyền thống từ xưa để lại và không thể thay đổi được.
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp thì thương nghiệp cũng phát triển một cách mạnh mẽ. Thương Nghiệp bao gồm nội thương và ngoại thương. Nội thương là quá trình trao đổi, buôn bán trong nước. Ngoại thương là quá trình trao đổi buôn bán với nước ngoài.
Về nội thương.
Hàng hóa trao đổi trong nước thường là những đồ dùng, trang sức, lương thực, muối,… Với tổ chức trao đổi là chợ. Ở Trung Quốc, ở Nhật Bản, ở Ấn Độ và các nước Phương Đông, chợ xuất hiện và trở nên phổ biến. Chợ đã được mọc lên ở nhiều nơi, nhất là ở các thị trấn, thành phố, và thường được tổ chức ở các bến tàu, các dịch trạm, ven đường, ven chùa… Có loại chợ họp thường xuyên, cũng có loại chợ họp định kì, lại có loại chợ “trao đổi sản vật” họp rất thất thường mà chỉ khi nào hẹn trước mới có người đến. Kinh đô Nara có 2 khu chợ. Việc buôn bán ở các chợ này phải tuân theo những luật lệ riêng.
Chính nhờ sự phát triển nội thương, các nhà nước phong kiến đã cho ra đời những loại tiền dùng để trao đổi. Thiên hoàng Ghêmmây (707 – 715) đã cho đúc tiền đồng Oađôkaihô (Hoà Đồng khai bảo), nhà Tống ở Trung Quốc phát hành tiền giấy đầu tiên trên thế giới. Từ đó tiền được dùng để mua bán và nộp thuế. Nhưng ở nông thôn việc sử dụng tiền còn rất hạn chế. Tại đây, người ta chỉ dùng tiền để mua bán ruộng đất, là loại không thể lấy hàng hoá đổi chác được, còn lương thực, thực phẩm hoặc vải mặc thường xuyên thì vẫn dùng lối vật đổi vật. Lối trao đổi đó còn tồn tại đến tận mãi mấy thế kỉ về sau.
Về ngoại thương
Sự trao đổi, mua bán giữa các nước Phương Đông phát triển mạnh mẽ. Đồng thời từ thời kì đầu, đã xuất hiện những hiện tượng trao đổi với nước ngoài thông qua đường bộ (nổi bật là con đường tơ lụa thời Hán và thời Đường), đường thủy (đường biển ở nước Tống phát triển, và nước này trở thành cường quốc hàng hải.
Trung Quốc có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước châu Á. Lái buôn nước ngoài hoặc bằng đường biển, hoặc dùng lạc đà vượt sa mạc chở các thứ hàng quý như ngọc, hổ phách, mã não, ngà voi, sừng tê, thuỷ tinh, hồ tiêu, bông v.v… đến bán ở Trung Quốc và chở về nước mình vàng bạc, sản phẩm thủ công nổi tiếng như lụa, đồ sứ, chè, đồ đồng, đồ sắt, giấy bút v.v…
Ở Nhật Bản, “Thương nghiệp dưới thời Tôcưgaoa được đẩy mạnh. Khi mới lên cầm quyền, Iêyasư đã lấy giao dịch buôn bán với bên ngoài làm phương tiện bổ sung tài chính quốc gia, nên đã rất khuyến khích mậu dịch đối ngoại. Thời ông, để bảo vệ uy tín trong quan hệ buôn bán với bên ngoài, Mạc phủ và các lãnh chúa đại danh đều có lệ cấp chứng chỉ cho những thuyền buôn bán gọi là Gôsuingiô (Ngự chu ấn trạng). Nhờ chính sách ưu đãi thương nghiệp với bên ngoài mà thời Tôcựgaoa Iêyasư, Nhật đã có quan hệ buôn bán với nhiều nước như : Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Ấn Độ, đảo Giava, Brunây, Philíppin… ở châu Á, với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Anh, Hà Lan ở châu Âu, với Mêhicô ở châu Mĩ.”[8].
Ở Ấn Độ,”thời Gúpta, các thương nhân người Hi Lạp, La Mã đổ xô vào thị trường Ấn. Họ mua hương liệu, dầu thơm, thuốc dán và phải trả với giá rất đắt các hàng gấm, lụa, sa, và hàng dệt đồ kim tuyến của Ấn Độ. Ngay cả những con báo, cọp, voi trong đấu trường Côlidê ở La Mã cũng mua từ Ấn Độ. Thời đó, các đoàn súc vật chở hàng hoá sang phương Tây đi theo một nhánh của “con đường tơ lụa”, từ Ấn Độ qua Apganixtan đến Trung Á, qua Ba Tư, Lưỡng Hà rồi đến Địa Trung Hải. Ngoại thương bằng đường biển của Ân Độ còn nhộn nhịp hơn nhiều. Thời Gúpta và Hácsa, các hải cảng Tamralípti ở cửa sông Hằng, Brốc và Campây ở bờ biển Tây Bấc Ấn Độ là những hải cảng chủ yếu. Các thương nhân Ân Độ từ những hải eảng này vượt biển đến buôn bán ở Ai Cập, Trung Quốc, các nước Đông Dương, các đảo thuộc quần đảo Mã Lai, trong đó có nhiều người lập nghiệp ở nước ngoài, gây dựng được những thực dân địa buôn bán, gọi là các “làng Ân Độ”. Những người này dần dần hoà với dân cư địa phương. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá nền văn hoá của đất nước họ, khiến cho những nơi họ đến đều chịu anh hưởng sâu sắc của nền văn hoá Ấn Độ.”[9].
Như vậy, ngoại thương đã góp phần phát triển nên thương nghiệp và kinh tế nói chung. Chính vì vậy, nó mang đến cho nhân loại một nguồn lưu thông đa dạng, ngoài hàng hóa thì ngoại thương còn làm cho văn hóa địa phương trở nên đa dạng. Nó là cầu nối giữa thế giới Phương Đông với thế giới Phương Tây. Thế kỉ XVI là thế kỉ mà các nước Phương Tây sang Phương Đông để tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, hầu hết thế kỉ XVII – XVVIII, các nước Phương Đông điều tiến hành đóng cửa, ngăn ngừa đối với người Tây Phương về vấn đề chính trị, tôn giáo…
Những thuận lợi mà thương nghiệp mang lại như trên, đồng thời nó còn hình thành nên các trung tâm đô thị lớn trong nước, nhiều trung tâm trao đổi đang được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế hàng hóa dần hình thành làm cho xuất hiện quan hệ tư bản trong thương nghiệp. Là mầm móng cho sự phát triển phương thức sản xuất mới.
Kết luận
Thời trung đại với sự thống trị của chế độ phong kiến, mô hình kinh tế Phương Đông thời kì này đã được hình thành và phát triển dựa trên phương thức sản xuất phong kiến, làm bộc lộ rõ ràng quan hệ sản xuất phong kiến. Những mặt tích cực và mặt hạn chế mà mô hình kinh tế đem lại đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, chính trị và cả văn hóa. Kinh tế thời kì này tuy nắm đặc quyền về sự tồn vong của một chính phủ, một nhà nước, một vương triều đang nắm quyền thống trị nhưng cũng có khi nó phải phụ thuộc vào sự ổn định của tình hình chính trị. Điển hình là Trung Quốc.
[1] Nguyễn Gia Phu; Nguyễn Huy Quý. (2007). Lịch sử Trung Quốc. Hà Nội: NXB. Giáo Dục, tr.184.
[2] Nguyễn Gia Phu. (2015). Lịch sử Thế giới trung dại. Hà Nội: NXB. Giaso dục Việt Nam.
[3] Nguyễn Gia Phu (2015), sđd.
[4] Nguyễn Gia Phu (2015), sđd.
[5] Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý (2007), sđd,
[6] Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý (2007), sđd,
[7] Nguyễn Gia Phu (2015), sđd.
[8] Nguyễn Gia Phu (2015), sđd.
[9] Nguyễn Gia Phu (2015), sđd.