Những cánh đồng máu : Tôn Giáo và Lịch Sử Bạo Lực (Bài 6)

Phần Hai :  GÌN GIỮ HÒA BÌNH

CHƯƠNG 5 :  Jesus : Không phải thuộc thế giới này?

Karen Armstrong

Trần Quang Nghĩa dịch

 Jesus xứ Nazareth ra đời dưới triều đại của hoàng đế La Mã Caesar Augustus (trị vì 30 TCN—14 CN), khi cả thế giới đang yên bình. Dưới sự cai trị của La Mã, một nhóm lớn các quốc gia, một số là các cường quốc trước đây,  đã có thể cùng tồn tại trong một thời kỳ đầy ý nghĩa mà không phải đánh nhau để tranh giành tài nguyên và lãnh thổ—một thành tựu đáng chú ý.  Người La Mã đưa ra ba tuyên bố đặc trưng cho bất kỳ hệ tư tưởng đế quốc thành công nào: họ được các vị thần ban phước đặc biệt;  trong tầm nhìn nhị nguyên của họ, tất cả các dân tộc khác đều là “những kẻ man rợ” không thể đối xử bình đẳng với họ;  và sứ mệnh của họ là mang lại lợi ích của nền văn minh và hòa bình cho phần còn lại của thế giới.  Nhưng Pax Romana (Nền Hòa bình La Mã) đã được thực thi một cách tàn nhẫn. Quân đội hoàn toàn chuyên nghiệp của La Mã đã trở thành cỗ máy giết người hiệu quả nhất mà thế giới từng biết. Bất kỳ sự kháng cự nào đều biện minh cho các cuộc tàn sát hàng loạt.  Nhà sử học Hy Lạp Polybius cho biết, khi họ chiếm một thành phố, chính sách của họ là “giết tất cả những ai họ gặp, không chừa một ai”—kể cả động vật.  Sau khi chinh phục Anh, thủ lĩnh người Scotland Calgacus báo cáo rằng hòn đảo đã trở thành một vùng đất hoang: “Những phần tận cùng nhất của nước Anh bị bỏ hoang;  không có bộ tộc khác nào  đến;  không có gì ngoài biển và vách đá và những người La Mã chết chóc hơn… Để cướp bóc, tàn sát và tàn phá—những thứ này  họ mạo danh là đế chế.”

 Polybius hiểu rằng mục đích của sự man rợ này là “gây khủng bố” ở các quốc gia thần dân. Nó thường hiệu quả, nhưng người La Mã phải mất gần hai trăm năm mới chế ngự được người Do Thái ở Palestine, những người đã lật đổ một thế lực đế quốc trước đây và tin rằng họ  có thể làm điều đó một lần nữa.  Sau khi Alexander Đại đế đánh bại Đế chế Ba Tư vào năm 333 TCN, Judea đã bị sáp nhập vào Đế chế Ptolemid và Seleukos của “những người kế vị ông.”  Hầu hết những người cai trị này không can thiệp vào cuộc sống cá nhân của các thần dân của họ.  Nhưng vào năm 175 TCN, hoàng đế Seleukos Antiochus IV đã cố gắng cải cách mạnh mẽ việc sùng bái đền thờ và cấm luật ăn kiêng, cắt bao quy đầu và tập tục ngày Sa-bát của người Do Thái.  Gia đình giáo sĩ dòng họ Hasmoneus, do Judas Maccabeus lãnh đạo, đã cầm đầu một cuộc nổi dậy và không chỉ giành được Judea và Jerusalem khỏi sự kiểm soát của Seleucid mà thậm chí còn thành lập một đế chế nhỏ bằng cách chinh phục Idumaea, Samaria và Galileee.

 Những sự kiện này đã truyền cảm hứng cho một tâm linh khải huyền mới mà không có nó thì không thể hiểu được phong trào Cơ đốc giáo sơ khai.  Điều quan trọng đối với lối tư duy này là triết lý vĩnh hằng: các sự kiện trên trái đất là một apokalupsis, một “sự vén màn” tiết lộ những gì đang xảy ra đồng thời trên thế giới thiên đàng.  Khi họ cố gắng giải thích các sự kiện hiện tại, các tác giả của những thánh thư mới này tin rằng trong khi quân Maccabee đang chiến đấu với Seleucids, thì Mikhael và các thiên thần của ông đang chiến đấu với các thế lực ma quỷ ủng hộ Antiochus. Sách Daniel, một tiểu thuyết lịch sử được sáng tác trong  cuộc chiến tranh Maccabeus, lấy bối cảnh ở Babylonia trong thời kỳ người Do Thái bị lưu đày.  Trung tâm của nó là tầm nhìn của nhà tiên tri Judean Daniel về bốn con thú đáng sợ, đại diện cho các đế chế Assyria, Babylon, Ba Tư và cuối cùng là Đế chế Seleukos của Antiochus, đế chế tàn phá nhất trong tất cả.  Nhưng sau đó, khi “đến trên tầng trời”, Daniel nhìn thấy “một người giống như con người” đại diện cho nhà Maccabees.  Không giống như bốn đế chế dã thú, sự cai trị của họ sẽ công bằng và nhân đạo, và Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ “một quyền tối cao vĩnh cửu không bao giờ qua đi.”

 Than ôi, một khi họ đã giành được quyền thống trị đế quốc, lòng mộ đạo của người Hasmoneaus không thể chống đỡ  với thực tế tàn bạo của nền thống trị chính trị, và họ trở nên tàn ác và chuyên chế không kém người Seleucids.  Vào cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, một số giáo phái mới đã tìm kiếm một giải pháp Do Thái thay thế đích thực hơn;  Cơ đốc giáo sau này sẽ chia sẻ một số nhiệt tình của họ.  Để khai tâm cho các môn đệ của mình, tất cả các giáo phái này đều thiết lập các hệ thống giáo dục đã trở thành thứ gần gũi nhất với cơ sở giáo dục trong xã hội Do Thái.  Cả giáo phái Qumran và Essenes—hai nhóm riêng biệt thường bị nhận dạng nhầm — đều bị thu hút bởi một cuộc sống cộng đồng có đạo đức: các bữa ăn được ăn cùng nhau, sự thuần khiết và sạch sẽ của nghi lễ được nhấn mạnh, và hàng hóa được giữ gìn  chung.  Cả hai đều chỉ trích giáo phái đền thờ Jerusalem, mà họ tin rằng người Hasmoneus đã hư hỏng.  Thật vậy, công xã Qumran bên cạnh Biển Chết coi mình như một ngôi đền thay thế: trên bình diện vũ trụ, những đứa con của ánh sáng sẽ sớm đánh bại những đứa con của bóng tối, và Chúa sẽ xây dựng một ngôi đền khác và khánh thành một trật tự thế giới mới.  Người Pharisee cũng cam kết tuân thủ luật Kinh thánh một cách chính xác và tỉ mỉ.  Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về họ vào thời điểm này, mặc dù họ sẽ trở thành những người có ảnh hưởng nhất trong các nhóm mới này.  Một số người Pharisee dẫn đầu các cuộc nổi dậy vũ trang chống lại người Hasmoneus nhưng cuối cùng kết luận rằng người dân sẽ tốt hơn dưới sự cai trị của ngoại bang.  Do đó, vào năm 64 TCN, khi sự thái quá của Hasmoneus trở nên không thể chấp nhận được, những người Pharisee đã cử một phái đoàn đến La Mã yêu cầu đế chế phế truất chế độ.

 Năm sau, lãnh chúa La Mã Pompey xâm lược Jerusalem, giết chết 12 nghìn người Do Thái và bắt hàng nghìn người khác làm nô lệ.  Không có gì đáng ngạc nhiên, hầu hết người Do Thái ghét sự cai trị của La Mã, nhưng không có đế chế nào có thể tồn tại trừ khi nó có thể thu nạp ít nhất một số người dân địa phương.  Người La Mã cai trị Palestine thông qua tầng lớp quý tộc tư tế ở Jerusalem, nhưng họ cũng tạo ra một vị vua bù nhìn, Herod, một ông hoàng xứ Idumea và vừa mới cải đạo sang Do Thái giáo.  Herod đã xây dựng các công sự, cung điện và nhà hát tráng lệ trên khắp đất nước theo phong cách Hy Lạp và trên bờ biển đã xây dựng Caesarea, một thành phố hoàn toàn mới, để vinh danh Augustus.  Tuy nhiên, kiệt tác của ông là một ngôi đền mới tráng lệ dành cho Đức Yahweh ở Jerusalem, được bao bọc bởi pháo đài Antonia do quân đội La Mã điều khiển.  Là một nhà cai trị độc ác, có quân đội và cảnh sát mật của riêng mình, Herod cực kỳ không được ưa chuộng.  Do đó, người Do Thái ở Palestine được cai trị bởi hai tầng lớp quý tộc: Herodian và Sadducee, giới quý tộc tư tế Do Thái.  Cả hai đều thu thuế, vì vậy người Do Thái phải chịu gánh nặng thuế kép.

 Giống như tất cả các giai cấp thống trị nông nghiệp, cả hai tầng lớp quý tộc đều sử dụng một thứ bậc gồm những thuộc hạ phụ thuộc, những người này đến phiên mình nhằm mở rộng ảnh hưởng của chủ nhân trong giới dân thường được hưởng địa vị xã hội cao hơn và được chia phần thặng dư. Họ bao gồm những viên chức thu thuế, những người trong Đế chế La Mã  có nghĩa vụ phải chuyển một khoản tiền cố định cho chính quyền thuộc địa nhưng được phép giữ lại phần chênh lệch giữa số tiền đó và số tiền họ moi được từ nông dân.  Kết quả là họ đã giành được một chút độc lập nhất định, nhưng như đã thấy rõ trong các sách phúc âm, họ bị dân thường ghét bỏ. “Các thầy thư lại và người Pharisee” trong các sách phúc âm là một nhóm thuộc hạ khác giải thích kinh Torah, luật tục của người Do Thái,  theo cách ủng hộ chế độ. Tuy nhiên, không phải người Pharisee nào cũng đảm nhận vai trò này.  Phần lớn tập trung vào việc tuân thủ nghiêm ngặt Torah và sự phát triển của thứ sẽ trở thành cách chú giải của giáo sĩ Do Thái, và không liên minh quá chặt chẽ với giới quý tộc.  Nếu họ đã  làm như vậy, họ sẽ không giữ được tiếng tăm của mình với mọi người.  Thật vậy, họ được kính trọng đến mức bất kỳ người Do Thái nào hy vọng theo đuổi sự nghiệp chính trị đều phải học luật dân sự với những người Pharisee.  Ví dụ, Josephus, nhà sử học  Do Thái ở thế kỷ thứ nhất sau CN, có lẽ đã trở thành môn đồ của những người Pharisee được giáo dục theo luật pháp giúp ông đủ tiêu chuẩn cho cuộc sống công cộng, mặc dù ông có thể chưa bao giờ trở thành thành viên chính thức của giáo phái.

Sau khi bị đô hộ, một dân tộc thường phụ thuộc nặng nề vào các thực hành tôn giáo của họ, những thực hành mà họ vẫn có một số quyền kiểm soát và điều này gợi lại một thời khi họ có phẩm giá tự do.  Trong trường hợp của người Do Thái, sự thù địch đối với những người cai trị của họ có xu hướng đạt đến một tầm cao mới trong các lễ hội đền thờ quan trọng, điều này nói lên một cách hùng hồn sự khuất phục chính trị của người Do Thái: Lễ Vượt Qua kỷ niệm sự giải phóng của Israel khỏi sự kiểm soát của đế quốc Ai Cập;  Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm sự mặc khải của Torah, một bộ luật thiêng liêng thay thế tất cả các sắc lệnh của đế quốc;  và lễ hội thu hoạch Các Tuần là một lời nhắc nhở rằng đất đai và sản vật của nó thuộc về Đức Yahweh chứ không phải người La Mã.  Sự bất mãn âm ỉ này nổ ra vào năm 4 TCN, khi Herod đang hấp hối.  Gần đây, ông đã đặt trong đền thờ một con đại bàng vàng lớn, biểu tượng của đế chế La Mã, và Judas và Matthias, hai trong số những giáo sĩ Torah được kính trọng nhất, đã lên án đó là một thách thức xúc phạm đến vương quyền của Yahweh. Trong một cuộc phản đối được lên kế hoạch kỹ lưỡng, bốn mươi  các môn đệ của họ trèo lên mái đền thờ, chặt con đại bàng ra từng mảnh, và sau đó dũng cảm chờ đợi cuộc tấn công của quân lính Herod. Nổi cơn thịnh nộ, Herod đứng dậy khỏi giường và kết án tử hình các học viên và giáo viên của họ, trước khi chết trong đau đớn vào ngày hôm sau.

 Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các cuộc phản kháng chống lại sự cai trị của đế quốc La Mã Palestine là bất bạo động;  không hề bị đức tin của họ thúc đẩy một cách cuồng tín đến hành động tự sát, như Josephus sau này gợi ý, người Do Thái đã tiến hành các cuộc biểu tình có nguyên tắc chỉ dùng đến lực lượng vũ trang dưới áp lực cực độ.  Khi những đám đông giận dữ phản đối cái chết tàn nhẫn của những người thầy yêu quý của họ, Archelaus, con trai cả của Herod, đã hỏi họ rằng ông có thể làm gì cho họ.  Câu trả lời cho thấy rằng sự thù địch của họ đối với La Mã không chỉ bắt nguồn từ sự không khoan nhượng tôn giáo: “Một số kêu gọi giảm nhẹ thuế trực tiếp, một số đòi bãi bỏ việc thuế mua bán, một số khác đòi phóng thích tù nhân.” Mặc dù Jerusalem vẫn vang lên tiếng than thở, nhưng không có bạo lực chống lại chính quyền cho đến khi Archelaus hoảng sợ và gửi quân vào đền thờ.  Ngay cả khi đó, đám đông chỉ ném đá vào họ trước khi quay trở lại với công việc hành lễ của họ.  Tình hình lẽ ra đã có thể được kiềm chế nếu Archelaus không cử quân đội đến giết chết ba nghìn tín đồ. Các cuộc biểu tình sau đó lan ra các vùng nông thôn, nơi các nhà lãnh đạo quần chúng, được xưng tụng là “các vị vua”, đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại binh sĩ La Mã và Herod.  Một lần nữa, thuế chứ không phải tôn giáo là vấn đề chính.  Đám đông tấn công các dinh thự của giới quý tộc và đột kích vào các pháo đài địa phương, nhà kho và các chuyến tàu chở hàng của người La Mã để “lấy lại hàng hóa của người dân đã bị tịch thu”. P. Quintilius Varus, thống đốc của nước láng giềng Syria, đã mất ba năm để khôi phục lại  Pax Romana, trong thời gian đó ông đã đốt cháy thành phố Sepphoris của Galilee, cướp phá các làng xung quanh và đóng đinh hai nghìn phiến quân bên ngoài Jerusalem.

 Giờ đây, La Mã quyết định rằng vương quốc của Herod nên được chia cho ba người con trai của ông: Archelaus được ban cho Idumaea, Judea và Samaria;  Antipas được ban cho Galilee và Peraea;  và Philip vùng Transjordan.  Nhưng sự cai trị của Archelaus tàn nhẫn đến mức La Mã sớm phế truất ông ta, và lần đầu tiên Judea được cai trị bởi một quận trưởng La Mã, được hỗ trợ bởi tầng lớp quý tộc tư tế Do Thái, từ dinh cơ của ông ta ở Caesarea.  Khi Coponius, thống đốc đầu tiên, sắp xếp một cuộc kiểm tra dân số để mở đầu cho việc đánh thuế, một người Galilee tên là Judas đã kêu gọi người dân chống lại.  Dấn thân tôn giáo của ông không thể tách rời khỏi sự phản kháng chính trị của ông: đóng thuế La Mã, Judas khẳng định, “tương đương với chế độ nô lệ, thuần túy và đơn giản,” bởi vì Chúa là “người lãnh đạo và chủ nhân duy nhất” của người Do Thái.  Nếu họ kiên định chống đối và không chùn bước “trước sự tàn sát có thể ập đến với họ”, thì Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và hành động vì lợi ích của họ.

Điển hình là nông dân đã không dùng đến bạo lực.  Vũ khí chính của họ là bất hợp tác: lãng công hoặc thậm chí cùng nhau đình công, đưa ra quan điểm của họ một cách kinh tế và thường là xảo quyệt.  Hầu hết các thống đốc La Mã đều thận trọng để tránh xúc phạm sự nhạy cảm của người Do Thái, nhưng vào năm 26 CN, Pontius Pilate đã ra lệnh cho quân đội trong pháo đài Antonia dựng quân kỳ phô bày chân dung của hoàng đế ngay bên cạnh đền thờ.  Ngay lập tức, một đám đông nông dân và thị dân kéo đến Caesarea, và khi Pilate từ chối dỡ bỏ các quân kỳ, họ chỉ nằm bất động bên ngoài dinh thự của ông trong năm ngày.  Khi Pilate gọi họ đến sân vận động, họ thấy rằng mình bị bao vây bởi đám binh sĩ đã rút gươm, liền ngã nằm xuống đất, kêu khóc rằng mình  thà chết chứ không phạm luật.  Họ có thể trông cậy vào sự can thiệp của thần thánh, nhưng họ cũng biết rằng Pilate sẽ gặp rủi ro trước các cuộc trả thù hàng loạt nếu ông tàn sát hết họ.  Và họ đã đúng: thống đốc La Mã phải thừa nhận thất bại và dỡ bỏ các quân kỳ. Khả năng xảy ra một kết cục không đổ máu như vậy là mong manh hơn nhiều khi, mười bốn năm sau, Hoàng đế Gaius Caligula ra lệnh dựng tượng của ông trong đền thờ Jerusalem.  Một lần nữa những người nông dân lại xuống đường, “như thể nhận được một tín hiệu duy nhất… bỏ trống nhà cửa và làng mạc của mình.” Khi  quân đoàn trưởng Petronius đến cảng Ptolemais cùng với bức tượng vi phạm, ông thấy “hàng chục nghìn người Do Thái”  cùng vợ con tập trung trên đồng bằng trước thành phố.  Một lần nữa, đây không phải là một cuộc biểu tình bạo lực.  “Chúng tôi sẽ không đánh nhau,” họ nói với Petronius, nhưng họ chuẩn bị ở lại Ptolemais cho đến sau mùa trồng trọt. Đây là một cuộc đình công của những người nông dân hiểu biết về mặt chính trị: Petronius phải giải thích với hoàng đế “rằng vì đất đai chưa gieo mạ, nên sẽ có một mùa thu hoạch của nạn  cướp bóc. Tuy nhiên, Caligula hiếm khi bị lay động bởi những cân nhắc hợp lý, và sự việc có thể đã kết thúc một cách bi thảm nếu ông không bị ám sát vào năm sau.

 Những cộng đồng nông dân này có thể đã lên tiếng phản đối sự cai trị của La Mã theo truyền thống Do Thái bình đẳng của họ, nhưng họ không điên cuồng vì lòng nhiệt thành cũng như bạo lực hay tự sát.  Các phong trào quần chúng sau đó đã thất bại vì những người lãnh đạo của họ kém sắc sảo hơn.  Trong những năm 50 sau Công nguyên, một nhà tiên tri tên là Theudas đã dẫn bốn trăm người vào sa mạc xứ Judea trong một cuộc di cư mới, tin chắc rằng nếu người dân chủ động, Đức Chúa Trời sẽ giải cứu.  Một thủ lĩnh nổi loạn khác dẫn một đám đông 30.000 người vượt qua sa mạc đến Núi Olives, “sẵn sàng dùng vũ lực tiến vào Jerusalem, áp đảo quân đồn trú La Mã, và nắm lấy quyền lực tối cao.” Các phong trào này không có đòn bẩy chính trị và bị dập tắt một cách tàn nhẫn.  Cả hai cuộc phản kháng này đều được truyền cảm hứng từ niềm tin lâu đời và khải huyền rằng hoạt động trên trái đất có thể ảnh hưởng đến các sự kiện trên bình diện vũ trụ.  Đây là bối cảnh chính trị trong sứ mệnh của Jesus  tại các làng mạc miền Galilee.

  • ● ●

Jesus  được sinh ra trong một xã hội bị tổn thương bởi bạo lực.  Cuộc đời của ngài được đóng khung bởi các cuộc nổi dậy.  Các cuộc nổi dậy sau cái chết của Herod xảy ra vào năm sinh của ngài, và ngài được nuôi dưỡng tại ngôi làng Nazareth, chỉ cách Sepphoris vài dặm, nơi mà Varus đã san bằng;  cuộc đình công của nông dân chống lại Caligula sẽ xảy ra chỉ mười năm sau khi ngài  qua đời.  Trong suốt cuộc đời của mình, Galilee được cai trị bởi Herod Antipas, người đã tài trợ cho một chương trình xây dựng tốn kém bằng cách đánh thuế nặng đối với các thần dân Galilee của mình.  Không trả tiền sẽ bị phạt bằng cách tịch thu nhà và tịch thu đất đai, và khoản thu nhập này đã làm phình to những điền trang khổng lồ của giới quý tộc dòng Herod. Khi họ bị mất đất, một số nông dân bị buộc phải làm thổ phỉ, trong khi những người khác—có lẽ thân sinh của Jesus , người thợ mộc Joseph,  có mặt trong số họ—đã trở thành lao động chân tay: các thợ thủ công thường là những nông dân thất bại. Đám đông vây quanh  Jesus  ở Galilee đang đói, khổ sở và bệnh tật.  Trong các câu chuyện ngụ ngôn của ngài, chúng ta thấy một xã hội bị chia rẽ giữa người rất giàu và người rất nghèo: những người đang rất cần các khoản vay;  nông dân nợ nần chồng chất;  và những người bị tước đoạt phải tự làm thuê như những người lao động công nhật.

 Mặc dù các sách phúc âm được viết trong môi trường đô thị nhiều thập kỷ sau các sự kiện được mô tả, nhưng chúng vẫn phản ánh sự xâm lược chính trị và sự tàn ác của Palestine thuộc La Mã.  Sau khi Jesus  ra đời, Vua Herod tàn sát tất cả trẻ sơ sinh nam ở Bethlehem , gợi nhớ đến Pharaoh, nguyên mẫu của tên đế quốc độc ác. Jean Người Rửa tội, anh họ của Jesus , bị Herod Antipas xử tử. Jesus  tiên đoán rằng các môn đồ của ngài sẽ bị truy đuổi, đánh đòn và giết chết  bởi chính quyền Do Thái, và chính ngài đã bị giới quý tộc thượng tế bắt giữ và bị Pontius Pilate tra tấn và đóng đinh.  Ngay từ đầu, các sách phúc âm trình bày Jesus  như một giải pháp thay thế cho bạo lực mang tính cơ cấu của chế độ cai trị đế quốc.  Tiền xu, chữ khắc và đền thờ La Mã ca ngợi Augustus, người đã mang lại hòa bình cho thế giới sau một thế kỷ chiến tranh tàn khốc, là “Con của Chúa”, “chúa tể” và “vị cứu tinh” đồng thời công bố “tin mừng” (euaggelia) về  ngày sinh của ông ấy.  Vì vậy, khi thiên sứ báo tin về sự giáng sinh của Jesus  cho những người chăn chiên, thiên sứ tuyên bố: “Hãy nghe đây, ta đem đến cho các ngươi một euaggelia về niềm vui lớn lao!  Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã được sinh ra vì các ngươi.”  Tuy nhiên, “đứa con của Chúa Trời” này sinh ra là người vô gia cư và sẽ sớm trở thành người tị nạn.

 Một dấu hiệu cho thấy sự đau khổ tột độ của dân chúng là một số lượng lớn người mắc các triệu chứng thần kinh và tâm lý do ma quỷ gây ra đã đến với Jesus  để được chữa lành.  Jesus  và các môn đồ dường như có kỹ năng “trừ tà” cho những triệu chứng rối loạn này. Jesus  giải thích rằng khi họ đuổi quỷ, họ đang mô phỏng chiến thắng của Đức Chúa Trời trước Sa-tan trong phạm vi vũ trụ.  “Tôi đã chứng kiến ​​Sa-tan từ trên trời rơi xuống như một tia chớp,” ngài nói với các môn đồ của mình khi họ trở về sau chuyến du hành chữa bệnh thành công. Cái gọi là sự chiếm hữu linh hồn dường như thường liên quan đến tình trạng bị áp bức về kinh tế, tình dục hoặc thuộc địa, khi người bệnh cảm thấy bị một quyền năng xa lạ kiểm soát  mà họ không thể chống cự được. Trong một sự kiện kể lại, khi Jesus  đuổi một toán quỷ khỏi một người bị quỷ ám, những lực lượng Sa-tan này nói với ngài rằng tên của chúng là “quân đoàn ”, tự đồng hóa mình với quân đội La Mã là biểu tượng trắng trợn nhất của  sự chiếm đóng.  Jesus  đã làm điều mà nhiều người dân thuộc địa muốn làm: ngài thả “quân đoàn” vào một đàn lợn, loài động vật ô nhiễm nhất, cho chúng lao thẳng xuống biển. Giai cấp thống trị dường như coi việc trừ quỷ của Jesus  là khiêu khích chính trị: chúng  là lý do Antipas quyết định hành động chống lại ngài.

Do đó, trong sứ mệnh của Jesus, chính trị và tôn giáo không thể tách rời.  Sự kiện có thể dẫn đến cái chết của ngài là việc ngài vào Jerusalem đầy khiêu khích trong dịp Lễ Vượt Qua, khi ngài được đám đông tung hô là “Con của David ” và “vua của Israel ”. Sau đó, ngài tổ chức một cuộc biểu tình trong chính đền thờ, quay  qua bàn của những người đổi tiền và tuyên bố rằng nhà của Đức Chúa Trời là “hang trộm cướp”. Điều này đôi khi được giả định không phải là lời biện hộ cho một phong cách thờ phượng thiêng liêng hơn.  Judea đã từng là một quốc gia đền thờ từ thời Ba Tư, vì vậy, ngôi đền từ lâu đã trở thành công cụ kiểm soát của đế quốc, và cống phẩm được cất giữ ở đó—mặc dù sự hợp tác của các thầy tế lễ thượng phẩm với La Mã gần đây đã khiến thể chế này mang tiếng xấu đến mức nông dân từ chối đóng tiền thập phân cho đền thờ. Nhưng mối bận tâm của Jesus  về sự cai trị sai lầm của đế quốc cũng không có nghĩa là ngài đang “nhầm lẫn” tôn giáo với chính trị.  Khi lật đổ các bàn viết, ngài trích dẫn các nhà tiên tri, những người đã nghiêm khắc trừng phạt những kẻ phớt lờ hoàn cảnh của dân chúng dù nghèo nhưng biết  tuân thủ tôn giáo rất nghiêm khắc.  Áp bức, bất công và bóc lột luôn là những vấn đề tôn giáo ở Israel.  Ý tưởng rằng đức tin không nên tham gia vào chính trị như vậy sẽ xa lạ với Jesus  cũng như với Khổng Tử.

 Không dễ để đánh giá thái độ của  Jesus  đối với bạo lực, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ngài đang lên kế hoạch nổi dậy bằng vũ lực.  Ngài cấm các môn đệ không được làm hại người khác và trả đũa hung hãn. Ngài không chống lại việc mình bị bắt và quở trách môn đệ đã cắt tai  tên đầy tớ của thầy cả thượng phẩm. Nhưng Ngài có thể chửi mắng: Ngài nổi giận với người giàu; khiển trách thậm tệ “người Pharisee và bọn thư lại” cam phận tôi tớ, và kêu gọi  Đức Chúa Trời báo thù đối với những ngôi làng đã xua đuổi môn đồ của mình. Như chúng ta đã thấy, nông dân Do Thái ở Palestine có truyền thống phản đối bất bạo động đối với sự cai trị của đế quốc, và Jesus  biết rằng bất kỳ cuộc đối đầu với giai cấp thống trị Do Thái hay La Mã – Ngài không phân biệt hai giai cấp này – sẽ gây nguy hiểm. Ngài cảnh báo rằng bất kỳ môn đồ nào cũng phải sẵn sàng “vác thập tự giá của mình” Dường như, giống như Judas xứ Galilee,  Jesus  có thể đã tin cậy vào sự can thiệp của Đức Chúa Trời.  Khi mang thai Ngài, mẹ Ngài đã tiên đoán rằng Chúa Trời đã bắt đầu tạo ra một trật tự thế giới công bằng hơn:

 Ngài đã cho thấy sức mạnh của cánh tay mình.

Ngài đã đánh tan lòng kiêu ngạo Ngài đã kéo các ông hoàng ra khỏi ngai vàng của họ và nâng cao kẻ thấp hèn. 

Người đói được no nê vật ngon;  người giàu bị đuổi đi tay không.  Ngài đã đến giúp đỡ Israel, tôi tớ Ngài.

 Giống như Judas xứ Galilee,  Jesus  có lẽ đã tin rằng nếu các môn đồ không chùn bước “trước sự tàn sát sắp giáng trên mình” và đi bước đầu tiên, thì Đức Chúa Trời sẽ lật đổ những kẻ giàu có và quyền thế.

 Một hôm, những người Pharisee và thuộc hạ của vua Herod hỏi Jesus  một câu hỏi mẹo: “Có nên nộp thuế cho Cesar hay không?  Chúng tôi có nên trả tiền, có hay không?”  Đóng thuế luôn là một vấn đề dễ gây tranh cãi ở Palestine thuộc La Mã, và nếu Jesus  từ chối, ngài có nguy cơ bị bắt.  Chỉ vào tên và hình của Cesar trên đồng denarius, đồng tiền cống nạp, Jesus  trả lời: “Hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar và trả cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Đức Chúa Trời”. Trong bối cảnh thuần túy đế quốc, yêu sách của Cesar là chính đáng. Nhưng vì tất cả người Do Thái đều biết rằng Đức Chúa Trời là vua của họ và mọi thứ đều thuộc về Ngài, nên thực tế có rất ít điều để “trả lại” cho Caesar.  Trong phúc âm của thánh Mark, Jesus  tiếp nối sự kiện này với lời cảnh báo cho những thuộc hạ đã giúp thực thi luật lệ La Mã và chà đạp lên người nghèo và người yếu thế: “Hãy coi chừng các thư lại thích đi lại trong bộ áo choàng dài, để được chào đón một cách khúm núm ở quảng trường chợ, ngồi hàng đầu trong nhà hội và chỗ danh dự trong đám tiệc;  đây là những bọn người nuốt chửng tài sản của các góa phụ, trong khi trình diễn những lời cầu nguyện dài dòng.” Cuối cùng, khi Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc của Ngài, bản án dành cho họ sẽ rất nghiêm khắc.

Nước Đức Chúa Trời đó là trọng tâm trong lời dạy của Jesus . Việc thiết lập một giải pháp thay thế cho bạo lực và áp bức của chế độ đế quốc có thể đẩy nhanh thời điểm mà quyền năng của Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ biến đổi tình trạng của con người.  Vì vậy, những người đi theo Ngài phải hành xử như thể vương quốc đã đến rồi. Jesus  không thể đuổi người La Mã ra khỏi đất nước, nhưng “vương quốc” mà Ngài tuyên bố, dựa trên công lý và bình đẳng, mở ra cho tất cả mọi người—đặc biệt là những người mà chế độ hiện tại đã hắt hủi. Ngài nói với chủ nhà rằng y không nên chỉ mời bạn bè và những người hàng xóm giàu có của mình đến dự tiệc: “Không, khi ngươi tổ chức tiệc tùng, hãy mời những người nghèo, người tàn tật, người què và người mù”.  Lời mời nên được phát ra ở “các đường phố và ngõ hẻm của thị trấn” và “những con đường rộng mở và những hàng dậu.” “Hạnh phúc biết bao cho các ngươi sống đời cơ cực,” Jesus  thốt lên;  “Vương quốc Chúa Trời là của họ!” Người nghèo là những người duy nhất có thể hưởng được “may mắn,” bởi vì bất kỳ ai được hưởng lợi dưới bất kỳ hình thức nào từ bạo lực có hệ thống của chế độ đế quốc đều sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. “Thương thay cho ngươi  là những người  giàu có, bây giờ ngươi đang có phần an ủi của mình,”  Jesus  tiếp tục.  “Thương thay cho ngươi, những người hiện giờ có đầy đủ,  các ngươi sẽ đói khát.” Trong Vương quốc của Đức Chúa Trời, người đầu tiên sẽ là người cuối cùng và người cuối cùng sẽ là người đầu tiên. Lời cầu nguyện của Chúa dành cho những kẻ sợ hãi vì lâm cảnh nợ nần và chỉ có thể hy vọng đủ sống qua ngày: “Hãy cho chúng con lương thực hằng ngày đủ dùng.  Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ mắc nợ chúng con.  Xin đừng thử thách chúng con, nhưng cứu chúng con khỏi tay kẻ ác tâm.” Jesus và các bạn đồng hành thân cận nhất giao phó số phận mình vào tay các nông dân khốn cùng;  họ sống kham khổ, rày đây mai đó, không có nơi nương tựa và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các môn đồ giàu có hơn của Jesus , chẳng hạn như Lazarus và hai chị em của ông Martha  và Mary.

 Tuy nhiên, vương quốc không phải là một điều không tưởng sẽ được thành lập vào một ngày xa xôi nào đó.  Ngay từ đầu sứ mệnh của mình, Jesus  đã loan báo: “Thời điểm đã đến và Nước Thiên Chúa đã đến rồi.” Sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa thể hiện rõ qua các phép lạ chữa bệnh của Jesus .  Nhìn đâu Ngài cũng thấy người ta bị đẩy đến giới hạn, bị lạm dụng, bị đè bẹp và tuyệt vọng: “Ngài thương hại họ vì họ bị quấy rối và chán nản, như bầy chiên không người chăn dắt.” Những người này sẽ phải chịu đựng lao động khổ sai, điều kiện vệ sinh tồi tệ, sống chen chúc, mắc nợ và lo lắng mà quần chúng thường phải chịu đựng trong xã hội nông nghiệp..Vương quốc của Jesus  thách thức sự tàn ác của  Judea thuộc La Mã và Galileee thuộc Herod bằng cách tiến gần hơn với ý muốn của Chúa Trời —“ở đất cũng như ở trời.” Những người sợ mắc nợ phải giải phóng người khác khỏi nợ nần;  họ phải “yêu thương” ngay cả kẻ thù của mình, hỗ trợ họ về mặt vật chất và đạo đức.  Thay vì trả thù bằng bạo lực, như người La Mã, những người trong nước Đức Chúa Trời sẽ sống theo Quy tắc Vàng: “Ai vả má bên này, hãy đưa cả má kia;  đối với người lấy áo choàng của ngươi, đừng từ chối áo dài của ngươi.  Hãy cho tất cả những ai yêu cầu ngươi, và đừng đòi lại tài sản của ngươi từ kẻ cướp của ngươi.  Hãy đối xử với người khác như ngươi muốn họ đối xử với mình.” Môn đồ của Jesus  phải sống có lòng trắc ẩn như chính Đức Chúa Trời, ban phát rộng lượng cho mọi người và tránh phán xét và lên án.

  • ● ●

Sau khi bị đóng đinh, các môn đệ của Jesus  có những khải tượng thuyết phục họ rằng ngài đã được nâng lên ngự bên hữu Đức Chúa Trời và sẽ sớm trở lại để lập vương quốc một cách dứt khoát.  Jesus  đã làm việc ở vùng nông thôn Palestine thuộc La Mã và thường tránh các thị trấn và thành phố.  Nhưng Paul, một người Do Thái hải ngoại từ Tarsus ở Cilicia, vốn chưa biết  Jesus , tin rằng mình đã được Đức Chúa Trời ủy thác để mang “tin mừng” của phúc âm đến thế giới dân ngoại, vì vậy ông đã rao giảng ở các thành phố Hy Lạp-La Mã dọc theo  các tuyến thương mại chính ở Tiểu Á, Hy Lạp và Macedonia.  Đây là một môi trường rất khác: những người cải đạo theo Paul không thể đi xin bánh mà phải làm việc để kiếm sống, giống như ông đã làm, và một số đáng kể những người cải đạo của ông có thể là đàn ông và phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu.  Viết vào những năm 50 sau Công nguyên, Paul là tác giả Cơ đốc giáo sớm nhất còn tồn tại và những lời dạy của ông đã ảnh hưởng đến những lời tường thuật về cuộc đời của Jesus  trong các sách phúc âm của Mark, Matthew, được viết vào những năm 70 và 80.  Và trong khi ba phúc âm đầu tiên dựa trên những truyền thống đầu tiên của người Palestine về Jesus , họ viết trong một môi trường đô thị tràn ngập tôn giáo Hy Lạp-La Mã.

 Cả người Hy Lạp và người La Mã đều chưa từng tách rời tôn giáo khỏi đời sống thế tục.  Họ sẽ không hiểu cách hiểu hiện đại của chúng ta về “tôn giáo”.  Họ không sở hữu thánh thư  có thẩm quyền, không có đức tin bắt buộc, không có giáo sĩ rõ ràng và không có quy tắc đạo đức bắt buộc.  Không có vực thẳm bản thể ngăn cách các vị thần với đàn ông và phụ nữ;  mỗi con người đều có một số thần thánh, và các vị thần thường mang hình dạng con người.  Các vị thần là một phần của cơ thể công dân nên thành phố Hy Lạp-La Mã về cơ bản là một cộng đồng tôn giáo.  Mỗi thành phố đều có thần bảo hộ thiêng liêng của riêng mình, và niềm kiêu hãnh của công dân, lợi ích tài chính và lòng mộ đạo hòa quyện vào nhau theo một cách có vẻ kỳ lạ trong thế giới tục hóa của chúng ta.  Việc tham gia vào các lễ hội tôn giáo để tôn vinh các vị thần của thành phố là điều cần thiết đối với cuộc sống thành phố: không có ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, vì vậy Lupercalia ở Rome và Panathenaea ở Athens là những cơ hội hiếm có để thư giãn và ăn mừng.  Những nghi lễ này đã xác định ý nghĩa của việc trở thành người La Mã hay người Athen, đưa thành phố ra ngoài, đầu tư cho đời sống công dân với ý nghĩa siêu việt, thể hiện những gì tốt nhất của cộng đồng và mang lại cho công dân cảm giác thuộc về một gia đình công dân.  Việc tham gia vào các nghi lễ này cũng quan trọng như bất kỳ sự sùng kính cá nhân nào đối với các vị thần.  Do đó, thuộc về một thành phố có nghĩa là thờ các vị thần của nó—mặc dù việc thờ các vị thần khác cũng hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Điều này có thể gây rắc rối cho những dân  Do Thái và dân ngoại cải sang đạo của Paul ở Antioch, Corinth, Philippi, và Ephesus, vốn là những người theo thuyết độc thần, coi tôn giáo La Mã là thờ ngẫu tượng.  Do Thái giáo được tôn trọng như một truyền thống lâu đời, và việc người Do Thái tránh giáo phái công cộng được chấp nhận ở Đế quốc La Mã.  Tại thời điểm này, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo vẫn chưa phải là những truyền thống riêng biệt: Những người cải đạo từ thị tộc của Paul. tự coi mình là một phần của một Israel mới. Nhưng tại các thành phố đông đúc của Hy Lạp-La Mã, Cơ đốc nhân thường xung đột với nhà hội địa phương và khi họ tự hào  tuyên bố mình thuộc về một “Israel mới,” dường như cư xử bất kính với đức tin gốc—một thái độ mà người La Mã phàn nàn. Các lá thư của Paul cho thấy ông lo ngại rằng những người cải đạo của ông đang trở nên quá lộ liễu trong một xã hội mà sự khác biệt và mới lạ có thể gặp nguy hiểm.  Ông khuyến khích họ tuân thủ các quy định về trang phục theo phong tục, cư xử đúng mực và tự chủ mà công dân La Mã phải có, và tránh những biểu hiện sùng đạo quá khích. Thay vì thách thức chính quyền La Mã, Paul  rao giảng về sự vâng lời và kính trọng: “Các ngươi  đều phải phục tùng cấp trên.  Vì tất cả chính phủ đều đến từ Chúa, nên các cơ quan dân sự đều do Chúa bổ nhiệm, và vì vậy bất kỳ ai chống lại chính quyền là chống lại các quyết định của Chúa.” La Mã không phải là một đế chế xấu xa mà là người bảo đảm trật tự và ổn định, vì vậy Cơ đốc nhân phải nộp thuế,  “vì tất cả các quan chức chính phủ đều là quan chức của Chúa.  Họ phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách thu thuế.” Nhưng Paul biết rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời, vì vương quốc của Jesus  sẽ được thiết lập trên mặt đất trong chính đời ngài: “Thế gian mà chúng ta biết đang qua đi.”

 Trong khi chờ đợi sự trở lại đắc thắng của Jesus , các thành viên trong cộng đồng của ngài nên sống như Jesus  đã sống, đã dạy họ— tử tế, hỗ trợ và rộng lượng.  Họ sẽ tạo ra một giải pháp thay thế cho bạo lực có cấu trúc của chế độ đế quốc và các chính sách phục vụ lợi ích của tầng lớp quý tộc.  Khi họ cử hành Tiệc Thánh của Chúa, bữa ăn chung để tưởng nhớ Jesus , người giàu và người nghèo nên ngồi cùng bàn và chia sẻ cùng một loại thức ăn.  Cơ đốc giáo ban đầu không phải là chuyện riêng tư giữa cá nhân và Đức Chúa Trời: mọi người bắt nguồn đức tin nơi Jesus  từ kinh nghiệm sống cùng nhau trong một cộng đồng thiểu số gắn bó, thách thức sự phân bổ của cải và quyền lực không đồng đều trong xã hội La Mã phân tầng.  Không còn nghi ngờ gì nữa, tác giả của Sách Công vụ Tông đồ đưa ra một bức tranh lý tưởng hóa về Hội thánh sơ khai ở Jerusalem, nhưng nó phản ánh một lý tưởng Cơ đốc giáo:

 Toàn thể nhóm tín hữu đồng tâm hiệp lực;  không ai đòi sở hữu bất cứ thứ gì mình có, vì mọi thứ họ sở hữu đều là của chung… Không ai trong số các thành viên của họ thiếu thốn, vì tất cả những người sở hữu đất đai hoặc nhà cửa sẽ bán chúng và mang tiền bán được trình cho  cho các tông đồ;  sau đó nó được phân phát cho bất kỳ thành viên nào có nhu cầu.

Sống theo cách này đã mang lại cho các Kitô hữu những gợi ý về các khả năng mới trong tình nhân loại được hội tụ nơi con người Jesus , người mà sự từ bỏ bản thân đã nâng ngài lên bên phải Thiên Chúa.  Paul nhấn mạnh rằng mọi sự phân chia xã hội trước đây đã trở nên không còn phù hợp: “Tất cả chúng ta đều chịu phép báp têm trong một Thánh Linh, người Do Thái cũng như người Hy Lạp, nô lệ cũng như công dân”.  Cộng đồng thiêng liêng gồm những người trước đây không có điểm chung nào đã hợp thành thân thể của Chúa Kitô phục sinh. Trong một câu chuyện đáng nhớ, Luke, nhà truyền giáo thân cận nhất với Paul, đã chỉ ra rằng các Cơ đốc nhân sẽ biết đến Jesus  phục sinh không phải qua sự trải nghiệm thần bí cô độc mà bằng cách mở lòng với người lạ, đọc thánh thư cùng nhau và ăn cùng bàn.

 Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực hết mình của Paul, các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu sẽ không bao giờ dễ dàng hòa nhập với xã hội Hy Lạp-La Mã.  Họ giữ khoảng cách với các lễ kỷ niệm công cộng và lễ tế dân sự gắn kết thành phố lại với nhau và tôn kính một người đàn ông đã bị một thống đốc La Mã hành quyết.  Họ gọi Jesus  là “chúa” (kyrios), nhưng từ này không có gì giống với chức danh của tầng lớp quý tộc thông thường, những người chỉ biết bám vào địa vị và coi thường người nghèo. Paul trích dẫn một bài thánh ca thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo cho một hội chúng Philippi, để nhắc nhở họ rằng Đức Chúa Trời đã  ban danh hiệu kyrios cho Jesus  vì ngài đã “trút bỏ mình” để mặc lấy thân phận nô lệ … và khiêm nhường hơn nữa, thậm chí chấp nhận cái chết, cái chết trên thập tự giá.” Lý tưởng của kenosis, “trút bỏ bản ngã,” sẽ trở nên rất quan trọng đối với tâm linh Kitô giáo. Paul nói với tín hữu Philippi: “Trong tâm trí anh em, anh em phải giống như Đấng Jesus Christ ”.  “Giữa các ngươi không được có sự cạnh tranh, không được tự cao tự đại;  nhưng tất cả mọi người đều phải tự hạ mình.  Luôn coi người khác hơn mình, để không ai nghĩ đến lợi mình trước mà ai cũng nghĩ đến lợi người khác.” Giống như tín đồ đạo Khổng  và  Phật tử, những tín đồ đạo Thiên Chúa đã nuôi dưỡng những lý tưởng về lòng tôn kính và vị tha chống lại tính quyết đoán hung hăng của tầng lớp quý tộc chiến binh.

 Tuy nhiên, một cộng đồng gắn bó chặt chẽ và bị cô lập có thể phát triển tính độc quyền có khuynh hướng tẩy chay những người khác.  Ở Tiểu Á, một số cộng đồng Do Thái-Kitô giáo, những người có nguồn gốc từ thánh chức của tông đồ John của Jesus , đã phát triển một quan điểm khác về Jesus.  Paul và ba tông đồ đầu tiên viết   Phúc âm  chưa bao giờ coi Jesus là Đức Chúa Trời;  ngay ý tưởng này cũng sẽ khiến Paul kinh hoàng, vì trước khi cải đạo, ông vốn  là một người Pharisee đặc biệt kỹ tính.  Tất cả họ đều sử dụng thuật ngữ “Con Đức Chúa Trời” theo nghĩa thông thường của người Do Thái: Jesus  là một con người bình thường được Đức Chúa Trời ủy thác với một nhiệm vụ đặc biệt.  Ngay cả trong trạng thái cao quý của mình, đối với Paul, luôn có sự phân biệt rõ ràng giữa Jesus  kyrios Christos (Chúa Kitô) và Đức Chúa Trời, Cha của ngài.  Tuy nhiên, tác giả của Phúc Âm Thứ Tư đã miêu tả Jesus  như một thực thể vũ trụ, “Ngôi Lời” (logos) vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã tồn tại với Thiên Chúa từ trước khi  thời gian bắt đầu.  Các bài viết của họ được sáng tác cho “người trong nhóm” với một biểu tượng riêng mà người ngoài không thể hiểu được.  Trong Phúc âm Thứ Tư, Chúa Jesus  thường làm cho cử tọa bối rối bởi những nhận xét bí ẩn của mình.  Đối với những người được gọi là tín đồ đấng Christ theo phái Phúc âm này, việc có quan điểm đúng đắn về  Jesus  dường như quan trọng hơn là hành động cho vương quốc đến sớm.  Họ cũng có đạo đức yêu thương, nhưng nó chỉ dành cho những thành viên trung thành của nhóm;  họ quay lưng lại với “thế giới,” lên án những kẻ đào tẩu là “những kẻ chống Christ” và “con cái của quỷ dữ”. Bị hắt hủi và hiểu lầm, họ đã phát triển một tầm nhìn nhị nguyên về một thế giới phân cực thành ánh sáng và bóng tối, thiện và ác, sự sống và cái chết.  Kinh thánh cực đoan nhất của họ là Sách  Khải huyền, có lẽ được viết trong khi người Do Thái ở Palestine đang chiến đấu trong một cuộc chiến tuyệt vọng chống lại Đế chế La Mã. Tác giả, John xứ Patmos, tin chắc rằng những ngày của phe Dã Thú, đế chế độc ác, đã được đếm.  Jesus  sắp trở lại, cưỡi ngựa ra trận, giết chết Dã Thú, ném nó vào hố lửa và thiết lập vương quốc của mình trong một nghìn năm.  Paul đã dạy những người cải đạo của mình rằng Jesus , nạn nhân của bạo lực đế quốc, đã đạt được chiến thắng thuộc tâm linh và vũ trụ đối với tội lỗi và sự chết.  Tuy nhiên, John miêu tả  Jesus , người đã dạy các con chiên không được trả đũa bạo lực, là một chiến binh tàn nhẫn sẽ đánh bại La Mã bằng cuộc tàn sát và đổ máu lớn.  Khải huyền chỉ được đưa vào kinh điển Cơ đốc giáo một cách khó khăn, nhưng nó sẽ được xem xét một cách háo hức trong thời kỳ bất ổn xã hội khi mọi người đang khao khát một thế giới công bằng và bình đẳng hơn.

  • ● ●

Cuộc nổi dậy của người Do Thái nổ ra ở Jerusalem vào năm 66 sau khi thống đốc La Mã trưng thu tiền từ kho bạc của đền thờ.  Không phải ai cũng ủng hộ nó.  Đặc biệt, những người Pharisee lo sợ rằng điều đó sẽ gây rắc rối cho cộng đồng người Do Thái hải ngoại, nhưng đảng mới Zealot (Nhiệt huyết) cho rằng họ có cơ hội thành công vì đế chế hiện đang bị chia rẽ do bất đồng nội bộ.  Họ đã xoay sở để đánh đuổi quân đồn trú  La Mã và thành lập một chính phủ lâm thời, nhưng hoàng đế Nero đã phản ứng bằng cách phái một đạo quân khổng lồ đến Judea do Vespasian, vị tướng tài ba nhất của ông, chỉ huy.  Chiến sự đã bị đình chỉ trong các cuộc xáo trộn sau cái chết của Nero vào năm 68, nhưng sau khi Vespasian trở thành hoàng đế, con trai của ông là Titus đã tiếp quản cuộc bao vây Jerusalem, buộc phe Zealot phải đầu hàng và vào ngày 28 tháng 8 năm 70, đốt cháy và san bằng  thành phố và đền thờ.

 Ở Trung Đông, một ngôi đền mang sức nặng tượng trưng đến mức một truyền thống dân tộc hầu như không thể chịu nổi sự mất mát của nó. Do Thái giáo  tồn tại được là nhờ một nhóm học giả lãnh đạo bởi Yohanan ben Zakkai, thủ lĩnh của người Pharisee.  Ông  đã biến đổi một đức tin dựa trên việc thờ phượng trong đền thờ thành tôn giáo của kinh sách. Tại thị trấn ven biển Yavneh, họ bắt đầu biên soạn ba thánh thư mới: Mishnah, được hoàn thành vào khoảng năm 200, và Talmud của Jerusalem và Babylonia, lần lượt đạt đến hình thức cuối cùng vào thế kỷ thứ năm và thứ sáu.  Lúc đầu, hầu hết các giáo sĩ Do Thái có lẽ cho rằng đền thờ sẽ được xây dựng lại, nhưng những hy vọng đó đã bị dập tắt khi hoàng đế Hadrian đến thăm Judea vào năm 130 và tuyên bố rằng ông sẽ xây dựng một thành phố mới tên là Aelia Capitolina trên đống đổ nát của Jerusalem.  Năm sau, như một phần trong chính sách thống nhất đế chế về mặt văn hóa, ông đã đặt ra ngoài vòng pháp luật việc cắt bao quy đầu, phong chức giáo sĩ Do Thái, giảng dạy kinh Torah và các cuộc tụ họp công khai của người Do Thái.  Có lẽ không thể tránh khỏi một cuộc nổi dậy khác, và chiến binh Do Thái cứng cỏi Simon bar Koseba đã lên kế hoạch cho chiến dịch du kích của mình một cách tài tình đến mức ông đã cầm chân được La Mã trong ba năm.  Giáo sĩ Akiva, một học giả hàng đầu của Yavneh, ca ngợi ông là đấng cứu thế, gọi ông là Bar Kokhba (“Con trai của các vì sao”). Nhưng La Mã cuối cùng đã giành được quyền kiểm soát, phá hủy một cách có hệ thống gần một nghìn ngôi làng của người Do Thái và giết chết 580.000 phiến quân Do Thái, trong khi vô số thường dân  hoặc bị thiêu chết hoặc chết vì đói và bệnh tật. Sau chiến tranh, người Do Thái bị trục xuất khỏi Judea và không được phép quay trở lại trong hơn 500 năm.

 Bạo lực của cuộc tấn công đế quốc này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Do Thái giáo.  Thay vì cho phép người Do Thái đưa những truyền thống hiếu chiến hơn của họ lên hàng đầu, họ cố tình gạt họ ra ngoài lề, quyết tâm ngăn chặn bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự thảm khốc nào nữa. Vì vậy trong các học viện mới của họ ở Babylonia và Galilee họ đã phát triển một phương pháp chú giải nhằm loại bỏ bất kỳ sự nịnh hót nào của  chủ nghĩa sô vanh hay hiếu chiến.  Họ không phải là những người đặc biệt yêu chuộng hòa bình—họ chiến đấu quyết liệt trong các trận chiến học thuật—nhưng họ là những người thực dụng. Họ đã học được rằng truyền thống Do Thái chỉ có thể tồn tại nếu người Do Thái học cách dựa vào sức mạnh tinh thần hơn là sức mạnh thể chất. Họ không thể có thêm bất kỳ đấng cứu thế anh hùng nào nữa. Họ nhớ lại lời khuyên của Giáo sĩ Yohanan: “Nếu bạn có một cây con trong tay và bạn được thông báo rằng ‘Đấng Cứu Thế đã đến’, trước tiên hãy trồng cây con của bạn và sau đó đi chào đón ông ấy’; một số giáo sĩ còn đi xa hơn: ‘Cứ để ông ấy đến, nhưng đừng để tôi gặp ông ấy!” La Mã là một thực tế của cuộc sống, và người Do Thái phải chấp nhận điều đó. Các giáo sĩ Do Thái lùng sục các truyền thống truyền khẩu và Kinh thánh của họ để chứng tỏ rằng Chúa Trời đã ban sắc lệnh cho quyền lực đế quốc  La Mã. Họ ca ngợi công nghệ La Mã và hướng dẫn người Do Thái làm phép lành bất cứ khi nào họ nhìn thấy một vị vua hiền lành. Họ nghĩ ra các quy tắc mới cấm người Do Thái mang vũ khí vào ngày Sa-bát hoặc mang vũ khí vào Viện nghiên cứu, vì bạo lực không phù hợp với học thuật Torah.

Các giáo sĩ Do Thái đã nói rõ rằng thay vì trở thành một lực lượng kích động, hoạt động tôn giáo có thể được sử dụng để dập tắt bạo lực.  Họ hoặc bỏ qua những đoạn hiếu chiến của Kinh thánh  Do Thái hoặc đưa ra  một cách giải thích hoàn toàn mới.  Họ gọi phương pháp chú giải của họ là midrash—một từ bắt nguồn từ darash: “điều tra;  đi vào tìm kiếm thứ gì đó.”  Do đó, ý nghĩa của kinh thánh không phải là hiển nhiên;  nó phải được tìm ra bằng cách siêng năng nghiên cứu, và bởi vì đó là lời của Đức Chúa Trời nên nó là vô hạn và không thể bị giới hạn trong một cách giải thích duy nhất.  Thật vậy, mỗi khi một người Do Thái đối mặt với bản văn thiêng liêng, thì nó phải có một ý nghĩa khác. Các giáo sĩ Do Thái cảm thấy thoải mái khi tranh luận với Chúa, thách thức Ngài, và thậm chí thay đổi những lời trong thánh thư để giới thiệu một cách đọc nhân từ hơn. Đúng vậy, Chúa thường  được mô tả như một chiến binh thần thánh trong Kinh thánh, nhưng người Do Thái chỉ nên bắt chước hành vi từ bi của Ngài. Người anh hùng thực sự không còn là một chiến binh mà là một con người của hòa bình.  “Ai là anh hùng của các anh hùng?”  các giáo sĩ Do Thái hỏi.  “Người biến kẻ thù thành bạn.” Một người đàn ông “mạnh mẽ” không chứng tỏ khí phách của mình trên chiến trường mà là một người “khuất phục đam mê của mình.” Các giáo sĩ mô tả Joshua và David là những học giả ngoan đạo của Kinh Torah và thậm chí còn lập luận rằng David không hề quan tâm đến chiến tranh.  Khi quân đội Ai Cập chết chìm trong Biển Sậy, một số thiên thần muốn hát ca ngợi Đức Yahweh, nhưng Ngài đã quở trách họ: “Các con ta chết chìm trong biển, còn các ngươi thì hát sao?”

 Các giáo sĩ Do Thái thừa nhận rằng có những cuộc chiến được thần thánh định sẵn trong thánh thư của họ.  Họ kết luận rằng các chiến dịch chống lại người Canaan là chiến tranh “bắt buộc”, nhưng các giáo sĩ Do Thái ở Babylon đã phán quyết rằng vì những người này không còn tồn tại nên chiến tranh không còn là bắt buộc nữa. Tuy nhiên, các giáo sĩ Do Thái người Palestine có vị trí bấp bênh hơn ở Palestine thuộc La Mã, lập luận rằng người Do Thái đôi khi vẫn có nghĩa vụ phải chiến đấu —nhưng chỉ để tự vệ. Các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của David là “tùy tiện”, nhưng các giáo sĩ Do Thái chỉ ra rằng ngay cả các vị vua cũng phải xin phép Tòa công luận, cơ quan quản lý Do Thái, trước khi ra trận.  Tuy nhiên, họ kết luận rằng vì chế độ quân chủ và Tòa công luận không còn nữa nên các cuộc chiến tùy tiện không còn hợp pháp nữa.  Họ cũng giải thích một câu trong Nhã ca theo cách để ngăn cản các cuộc nổi dậy của quần chúng có thể dẫn đến sự trả thù của dân ngoại: “Hỡi các thiếu nữ Jerusalem, ta truyền cho các ngươi, nhân danh đàn linh dương, bầy nai đồng cỏ, đừng khuấy động tình yêu của ta, cũng đừng xúi giục nó, cho đến khi nó vui lòng thức tỉnh.” Dân Israel  không được có hành động khiêu khích (“khuấy động tình yêu”);  không được có những cuộc di cư ồ ạt đến Vùng đất của Israel  và không có thêm những cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của ngoại tộc cho đến khi Đức Chúa Trời ban hành chỉ thị (“cho đến khi nó vui lòng thức tỉnh”).  Nếu họ im lặng, Đức Chúa Trời sẽ không cho phép bắt bớ, nhưng nếu họ không vâng lời, họ sẽ “như bầy nai con ngoài đồng,” trở thành con mồi chính đáng cho bạo lực ngoại tộc. Đoạn chú giải sâu sắc này đã thực sự kìm hãm hoạt động chính trị của người Do Thái trong hơn một thiên niên kỷ.

  • ● ●

Vào giữa thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, Đế chế La Mã rơi vào khủng hoảng.  Triều đại Sassanid mới ở Ba Tư đã chinh phục lãnh thổ La Mã ở Cilicia, Syria và Cappadocia;  các bộ tộc Gothic ở lưu vực sông Danube liên tục tấn công biên cương;  và các băng chiến binh người Đức đã tấn công các đơn vị đồn trú La Mã ở Thung lũng sông Rhine.  Trong khoảng thời gian ngắn mười sáu năm (268–84), tám vị hoàng đế đã bị chính quân đội của họ ám sát.  Nền kinh tế điêu tàn, và các tầng lớp quý tộc địa phương tranh giành quyền lực trong các thành phố. La Mã cuối cùng đã được giải cứu bởi một cuộc cách mạng quân sự, do giới quân nhân chuyên nghiệp từ vùng biên giới lãnh đạo, cuộc cách mạng này đã biến đổi quân đội La Mã. Giới quý tộc không còn nắm giữ các vị trí hàng đầu,  quy mô quân đội tăng gấp đôi, và các quân đoàn được chia thành các đội nhỏ hơn, linh hoạt hơn.  Một lực lượng kỵ binh cơ động, comitatus, hỗ trợ các đơn vị đồn trú ở biên giới, và lần đầu tiên công dân La Mã bị đánh thuế để tài trợ cho quân đội.  Vào cuối thế kỷ thứ ba, những kẻ man rợ ở Balkan và miền bắc nước Ý đã bị đẩy lùi, cuộc tiến công của người Ba Tư đã bị chặn lại và La Mã đã lấy lại được lãnh thổ đã mất.  Các hoàng đế La Mã mới không còn xuất thân từ tầng lớp quý tộc: Diocletian (trị vì 284–305) là con trai của một người tự do ở Dalmatia, Galerius (trị vì 305–11) từng là người chăn gia súc ở Carpathia, và Constantius Chlorus (trị vì 305  –06) một quý ông nhà quê tầm thường đến từ Nis.  Họ tập trung hóa đế chế, nắm quyền kiểm soát trực tiếp việc đóng thuế thay vì giao nó cho giới quý tộc địa phương, và đáng kể nhất là Diocletian đã chia sẻ quyền lực với ba đồng hoàng đế bằng cách tạo ra chế độ tứ đầu chế: Maximian và Constantius Chlorus cai trị các tỉnh miền tây, còn Diocletian cai trị phía đông với Galerius.

 Cuộc khủng hoảng vào thế kỷ thứ ba đã khiến các nhà cầm quyền đế quốc chú ý đến Cơ đốc giáo.  Cơ đốc nhân chưa từng phổ biến;  bằng cách từ chối tham gia vào tôn  giáo  nhà nước, họ có vẻ đáng ngờ và dễ dàng trở thành vật tế thần vào những thời điểm xã hội căng thẳng.  Theo Tacitus, Nero đã đổ lỗi cho những người theo đạo Cơ đốc về trận hỏa hoạn lớn ở La Mã và giết chết nhiều giáo dân Cơ đốc —những người này có thể là các người tử vì đạo được ngồi gần ngai Đức Chúa Trời theo sách Khải huyền. Nhà thần học người Bắc Phi Tertullian (khoảng 160–220) phàn nàn: “Nếu sông Tiber dâng cao đến tận tường thành, nếu sông Nile không dâng lên và làm ngập các cánh đồng, nếu trời không mưa, nếu có động đất, nạn đói hay bệnh dịch, lập tức tiếng kêu la vang lên: ‘Cho bọn Cơ đốc vào miệng sư tử!’” Nhưng theo thông lệ, giai cấp thống trị nông nghiệp sẽ không can thiệp vào  đời sống tôn giáo của các thần dân mình, và đế chế không có chính sách đàn áp tiêu chuẩn.  Năm 112, khi Pliny, thống đốc của Bithynia, hỏi hoàng đế Trajan rằng ông nên đối xử thế nào với những tín đồ đạo Cơ đốc được đưa đến trước mặt mình, Trajan trả lời rằng không có thủ tục chính thức nào.  Ông khuyên không nên săn lùng ráo riết những tín đồ đạo Cơ đốc, nhưng nếu họ đến trước tòa án vì một lý do nào đó và từ chối hiến tế cho các vị thần La Mã, họ nên bị xử tử vì tội chống lại chính quyền đế quốc.  Những tín đồ đạo Thiên chúa đã chết theo cách này được tôn kính trong cộng đồng của họ, và Sách Công vụ các Thánh Tử đạo, kể lại những câu chuyện về cái chết của họ một cách chi tiết, được đọc to trong nghi lễ.

Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, vào thế kỷ thứ ba, Cơ đốc giáo đã trở thành một lực lượng đáng kể.  Chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu điều này xảy ra như thế nào. Có ý kiến ​​cho rằng sự trỗi dậy của các phong trào tôn giáo mới khác trong đế chế đã khiến Cơ đốc giáo có vẻ bớt kỳ dị hơn.  Mọi người giờ đây đang tìm kiếm điều thiêng liêng ở một con người là “bạn của Chúa” hơn là ở một nơi linh thiêng;  các hội kín, không khác gì Giáo hội, mọc lên như nấm khắp đế quốc.  Giống như Cơ đốc giáo, nhiều người trong số này đã bắt nguồn từ các tỉnh phía đông, và họ cũng cần một cuộc điểm đạo đặc biệt, đưa ra một mặc khải mới và yêu cầu một cuộc cải đạo. Cơ đốc giáo cũng bắt đầu thu hút các thương gia và thợ thủ công như Paul, người đã rời bỏ quê nhà của họ và tận dụng Pax Romana để đi du lịch và định cư ở nơi khác;  nhiều người đã mất liên lạc với cội nguồn của họ và cởi mở với những ý tưởng mới.  Đạo đức bình đẳng của Cơ đốc giáo khiến nó trở nên phổ biến với các tầng lớp thấp hơn và giới nô lệ.  Phụ nữ thấy Nhà thờ hấp dẫn, bởi vì kinh thánh Cơ đốc giáo hướng dẫn người chồng đối xử tử tế với vợ của họ.  Giống như Chủ nghĩa Khắc kỷ và Chủ nghĩa Khoái lạc, Cơ đốc giáo hứa hẹn sự yên bình nội tâm, nhưng lối sống của nó có thể được người nghèo và người mù chữ cũng như các thành viên của tầng lớp quý tộc tuân theo.  Nhà thờ cũng đã bắt đầu thu hút một số người rất thông thái, chẳng hạn như Origen theo học thuyết Platon ở  Alexandria (185–254), người đã giải thích đức tin theo cách khiến công chúng có học thức quan tâm.  Kết quả của tất cả những điều này là Giáo hội đã trở thành một tổ chức quan trọng.  Nó không phải là tôn giáo hợp pháp (religio lita), một trong những truyền thống được chấp nhận của đế chế, vì vậy nó không thể sở hữu tài sản, nhưng nó đã loại bỏ một số yếu tố hoang dã hơn, và giống như bản thân đế chế, nó tuyên bố có một quy tắc đức tin duy nhất;  nó đa chủng tộc, có tính quốc tế và được quản trị bởi các viên chức đầy năng lực.

 Một trong những lý do thuyết phục nhất cho sự thành công của Giáo hội là công việc từ thiện của Giáo hội, khiến Giáo hội hiện diện mạnh mẽ ở các thành phố.  Đến năm 250, nhà thờ ở La Mã đã cung cấp thức ăn cho 1.500 người nghèo và góa phụ mỗi ngày, và trong thời kỳ dịch bệnh hoặc bạo loạn, các giáo sĩ của họ thường là nhóm duy nhất có thể tổ chức cung cấp thực phẩm và chôn cất người chết.  Vào thời điểm mà các hoàng đế quá bận tâm đến việc bảo vệ biên giới đến nỗi dường như họ đã quên mất các thành phố, Giáo hội đã được thiết lập vững chắc ở đó. Nhưng trong thời kỳ căng thẳng xã hội này, sự nổi bật của nó có thể đe dọa chính quyền, và họ hiện  đang bắt đầu tìm kiếm các Cơ đốc nhân để hành quyết một cách có hệ thống hơn.

 Điều quan trọng là khám phá lý tưởng tử đạo, lý tưởng đã nổi lên một cách đáng báo động trong thời đại chúng ta và hiện đang gắn liền với bạo lực và chủ nghĩa cực đoan.  Tuy nhiên, những người Cơ đốc giáo tử vì đạo  là nạn nhân của sự đàn áp của đế quốc và không giết bất kỳ ai khác.  Ký ức về sự quấy rối này sẽ hiện ra rất lớn trong ý thức của Giáo hội sơ khai và định hình thế giới quan của Cơ đốc giáo.  Tuy nhiên, cho đến cuộc khủng hoảng thế kỷ thứ ba, không có cuộc đàn áp chính thức nào trên toàn đế chế, chỉ có những đợt bùng phát thù địch lẻ tẻ ở địa phương;  ngay cả trong thế kỷ thứ ba, chỉ có khoảng mười năm khi chính quyền La Mã ráo riết truy lùng các Kitô hữu. Trong một đế chế nông nghiệp, tầng lớp quý tộc cầm quyền mong đợi tôn giáo của họ khác với tôn giáo của thần dân họ, nhưng kể từ Augustus, việc thờ cúng các vị thần  của La Mã được coi là cần thiết cho sự tồn tại của đế chế.  Pax Romana được cho là dựa vào Pax Deorum, hòa bình áp đặt bởi các vị thần, và đến phiên mình  vì việc hiến tế thường xuyên sẽ đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho đế chế.

Vì vậy, khi biên giới phía bắc của La Mã bị đe dọa bởi các bộ lạc man rợ vào năm 250, hoàng đế Decius đã ra lệnh cho tất cả các thần dân của mình hiến tế cho thần linh để có được sự trợ giúp của các vị thần trước nỗi đau chết chóc.  Nghị định này không nhằm mục đích cụ thể chống lại những người theo đạo Cơ đốc;  hơn nữa, nó rất khó thực hiện, và các nhà chức trách dường như không truy lùng bất kỳ ai không đến dự lễ hiến tế chính thức. Khi Decius bị giết trong trận chiến vào năm sau, sắc lệnh đã bị hủy bỏ.  Tuy nhiên, vào năm 258, Valerian là vị hoàng đế đầu tiên nhắm mục tiêu cụ thể vào Nhà thờ, ra lệnh hành quyết các giáo sĩ và tịch thu tài sản của các Kitô hữu cấp cao.  Một lần nữa, dường như không có nhiều người bị giết, và hai năm sau, Valerian bị người Ba Tư bắt làm tù binh và chết trong tù.  Người kế vị của ông, Galienus, đã hủy bỏ đạo luật và những người theo đạo Cơ đốc được hưởng bốn mươi năm hòa bình.

 Rõ ràng là Valerian đã gặp rắc rối bởi sức mạnh tổ chức của Giáo hội hơn là niềm tin và nghi lễ của nó.  Giáo hội là một hiện tượng mới.  Những người theo đạo Cơ đốc đã khai thác hệ thống thông tin liên lạc được cải thiện của đế chế để tạo ra một thể chế có cấu trúc thống nhất mà không một truyền thống nào mà chúng ta đã thảo luận cho đến nay từng thử.  Mỗi nhà thờ địa phương do một giám mục đứng đầu, “giám sát viên”, người được cho là được các tông đồ của Jesus trao thẩm quyền, và được hỗ trợ bởi các trưởng tế và phó tế.  Mạng lưới các cộng đồng gần giống nhau như vậy dường như đã trở thành một đế chế bên trong đế chế.  Irenaeus, giám mục của Lyons (khoảng 130–200), người nóng lòng tạo ra một chính thống loại trừ các giáo phái hiếu chiến, đã tuyên bố rằng Đại Giáo hội có một Quy tắc Đức tin duy nhất, bởi vì các giám mục đã thừa hưởng giáo huấn của họ trực tiếp từ các tông đồ.  Đây không chỉ là một ý tưởng mới lạ mà còn là một sự tưởng tượng hoàn toàn.  Những lá thư của Paul cho thấy đã có sự căng thẳng đáng kể giữa ông và các môn đồ của Jesus , và những lời dạy của ông không liên quan nhiều đến những lời dạy của Jesus.  Mỗi người trong số ba tông đồ Mark, Matthew và Luke đều có các quan điểm riêng của mình về Jesus , và những người theo tông đồ John lại khác;  cũng có một loạt các sách phúc âm khác được lưu hành.  Cuối cùng, khi những người theo đạo Cơ đốc đã thiết lập một quy tắc về kinh điển—giữa thế kỷ thứ tư và thứ sáu—những khải tượng đa dạng đã được đưa vào bên cạnh nhau. 

 Tuy nhiên, thật không may, Cơ đốc giáo sẽ phát triển một khao khát đặc biệt về sự tuân thủ trí tuệ, điều này không chỉ chứng tỏ là không bền vững mà còn khiến nó khác biệt với các truyền thống tín ngưỡng khác.  Các giáo sĩ Do Thái sẽ không bao giờ cố gắng tạo ra một thẩm quyền trung ương duy nhất;  thậm chí cả Thượng đế, huống hồ một giáo sĩ Do Thái khác, cũng không thể dạy bảo cho một người Do Thái khác phải nghĩ gì. Đức Phật đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng về thẩm quyền tôn giáo;  khái niệm về một quy tắc đức tin duy nhất và một hệ thống phân cấp có cấu trúc hoàn toàn xa lạ với các truyền thống đa dạng của Ấn Độ;  và người Trung Quốc được khuyến khích trân trọng công lao của tất cả những người thầy vĩ đại, bất chấp những bất đồng của họ.

 Các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo sẽ khiến Giáo hội trở nên mang tính đe dọa hơn đối với chính quyền trong suốt 40 năm yên bình sau cái chết của Valerian.  Cuối cùng, khi Diocletian thành lập cung điện của mình ở Nicomedia vào năm 287, một vương cung thánh đường Cơ đốc giáo có thể nhìn thấy rõ ràng trên ngọn đồi đối diện, dường như đối đầu ngang hàng với cung điện hoàng gia.  Ông đã không có động thái nào chống lại Giáo hội trong mười sáu năm, nhưng là một người tin tưởng vững chắc vào Pax Deorum vào thời điểm mà số phận của đế chế đang ở thế cân bằng, Diocletian bỗng  thấy việc những người theo đạo Cơ đốc ngoan cố từ chối tôn vinh các vị thần ngày càng trở nên không thể chấp nhận được. Vào ngày 23 tháng 2 năm 303, ông yêu cầu phá bỏ vương cung thánh đường hống hách;  ngày hôm sau, ông ta đặt các cuộc họp Cơ đốc giáo ngoài vòng pháp luật và ra lệnh phá hủy các nhà thờ và tịch thu kinh sách Cơ đốc giáo.  Tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều phải có mặt tại các quảng trường công cộng của đế chế để dự lễ  hiến tế cho các vị thần La Mã.  Tuy nhiên, luật này chỉ được thực hiện ở một số vùng và ở phương Tây, nơi có rất ít cộng đồng Cơ đốc giáo, gần như không có cộng đồng nào cả.  Thật khó để biết có bao nhiêu tín đồ đã chết vì hậu quả.  Những người tín đồ Thiên chúa hiếm khi bị truy đuổi nếu họ không đến dự lễ hiến tế;  nhiều kẻ bỏ đạo, và những người khác thoát được nhờ các sơ hở của hoạt động truy bức. Hầu hết những người bị xử tử đã thách thức lệnh trình diện với chính quyền như những tín đồ tự nguyện tử vì đạo, một thông lệ mà các giám mục lên án. Khi Diocletian thoái vị vào năm 305, các sắc lệnh này đã hết hiệu lực, mặc dù chúng đã được gia hạn cho  khoảng thời gian hai năm (311–13) bởi Hoàng đế Maximianus Daia.

Tuy nhiên, việc sùng bái các vị tử đạo đã trở thành trung tâm của lòng mộ đạo Cơ đốc vì họ chứng minh rằng Jesus  không phải là duy nhất: Giáo hội có “những người bạn của Chúa” với quyền năng thần thánh ngay chính giữa lòng nó.  Các vị tử vì đạo là “những Đấng Christ khác,” và việc họ bắt chước Đấng Christ cho đến chết đã đưa Ngài đến hiện tại. Đạo luật về Các Thánh Tử đạo tuyên bố rằng những cái chết anh dũng này là phép lạ thể hiện sự hiện diện của Đức Chúa Trời vì các vị tử đạo dường như chai đá trước sự  đau đớn.  “Không ngày nào trôi qua mà chúng ta không nghĩ đến những câu chuyện này,” Victricius, giám mục ở thế kỷ thứ năm xứ Rouen, thúc giục giáo đoàn của mình.  “Vị tử vì đạo này không lùi bước dưới đòn tra tấn;  vị tử đạo kia thúc giục việc hành quyết chậm chạp hãy nhanh tay lên;  người này háo hức nuốt chửng ngọn lửa;  người kia bị chém nhưng vẫn đứng vững.” “Họ đã phải chịu đựng nhiều hơn những gì con người có thể chịu đựng được, và họ không chịu đựng điều này bằng sức riêng của mình mà nhờ ân sủng của Chúa,” Giáo hoàng Gelasius giải thích (trị vì 492–  96). Khi cô gái nô lệ Cơ đốc Blandina bị xử tử ở Lyons vào năm 177, những người bạn đồng hành của cô “đã nhìn bằng đôi mắt mình thông qua nữ tu của họ tới Đấng đã chịu đóng đinh vì họ.”

 Khi người vợ và người mẹ trẻ Vibia Perpetua bị cầm tù ở Carthage vào năm 203, bà đã có một loạt giấc mơ đáng chú ý, chứng tỏ ngay cả với những kẻ bức hại bà là bà có sự gần gũi đặc biệt với thần thánh.  Người viết tiểu sử của bà nhớ lại, chính quản đốc nhà tù đã nhận thấy “rằng có một sức mạnh hiếm có trong chúng ta”. Nhờ những “người bạn của Đức Chúa Trời” này, Cơ đốc nhân có thể giành được sự tôn trọng và thậm chí tính ưu việt so với các cộng đồng ngoại giáo.  Tuy nhiên, sẽ luôn có gợi ý không ít hung hăng trong “việc làm chứng” của vị tử đạo trước Christ.  Vào đêm trước khi bị hành hình, Perpetua mơ thấy mình biến thành một người đàn ông và vật lộn với một tên Ai Cập trong  vận động trường. Đó là một gã đàn ông vạm vỡ và có vẻ ngoài “xấu xí”, nhưng nhờ được truyền vào người một sức mạnh thần thánh,  cô vẫn  có thể ném gã xuống đất.  Khi tỉnh dậy, cô biết rằng ngày hôm đó mình không phải chiến đấu với bọn dã thú mà là chính “Quỷ dữ” và rằng “chiến thắng sẽ thuộc về tôi.”

 Tử đạo luôn là sự phản kháng của một thiểu số, nhưng cái chết bạo lực của những người tử vì đạo đã trở thành một minh chứng sinh động về bạo lực có  cấu trúc và sự tàn ác của nhà nước.  Tử đạo đã và sẽ luôn là một lựa chọn chính trị cũng như tôn giáo.  Bị nhắm mục tiêu là kẻ thù của đế chế và trong mối quan hệ quyền lực hoàn toàn bất đối xứng với chính quyền, cái chết của những Cơ đốc nhân này là một sự khẳng định đầy  thách thức về một lòng trung thành khác.  Họ đã đạt được địa vị vượt trội về bản chất so với La Mã, và bằng cách đặt cái chết của mình trước cửa những kẻ áp bức, những người tử vì đạo đã biến họ thành ma quỷ một cách hiệu quả.  Nhưng những Cơ đốc nhân này đã bắt đầu phát triển một lịch sử của những phẫn uất khiến đức tin của họ nhuốm màu chết chóc  mới.  Họ tin chắc rằng, giống như Jesus  trong sách Khải Huyền, họ đang tham gia vào một trận chiến mạt thế  đang diễn ra;  khi họ chiến đấu, giống như những đấu sĩ, với những con thú dữ trong vận động trường, họ đang chiến đấu với quyền lực ma quỷ (hiện thân là chính quyền đế quốc), một trận chiến có thể đẩy nhanh sự trở lại khải hoàn của  Jesus .Những người tự nộp mình cho chính quyền đang thực thi điều mà thời  này gọi là  “tự sát cách mạng.”  Bằng cách buộc chính quyền xử tử họ, họ đã phơi bày cho tất cả mọi người thấy được bản chất bạo lực của cái gọi là Pax Romana, và nỗi thống khổ của họ, họ tin tưởng chắc chắn, sẽ đẩy nhanh ngày kết thúc của nó.

 Tuy nhiên, những người theo đạo Thiên chúa khác không coi đế chế là ma quỷ;  đúng hơn, họ đã trải qua một cuộc cải đạo đáng chú ý sang La Mã. Một lần nữa, điều này cho thấy rằng không thể chỉ ra một Cơ đốc giáo “thiết yếu” đã xiển dương các đường lối hành động giống hệt nhau.  Ví dụ, Origen tin rằng Cơ đốc giáo là đỉnh cao của văn hóa cổ điển thời cổ đại;  giống như Kinh thánh tiếng Do Thái, triết học Hy Lạp cũng là một biểu hiện của Logos, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.  Pax Romana đã được phong là thiên mệnh.  Origen tin rằng: “Nếu có nhiều vương quốc thì điều đó sẽ cản trở giáo huấn của Chúa Jesus  lan rộng khắp thế giới”.  Tài thao lược và tài ra quyết định khôn ngoan của các giám mục vùng Địa Trung Hải khiến họ được tiếng tăm là “những người bạn của Christ.” Cyprian, giám mục của Carthage (200–258), tuyên bố rằng ông chủ trì một cộng đồng có đặc quyền được trao cho một tính  uy nghi đường bệ không kém chút gì so với La Mã.

Năm 306, Valerius Aurelius Constantinus, người đã tự nhận mình là một người lính dưới quyền của Diocletian, kế vị cha mình là Constantius Chlorus với tư cách là một trong hai người cai trị các tỉnh phía tây của đế chế.  Quyết tâm đạt được quyền tối cao duy nhất, ông đã vận động chống lại người đồng hành của mình là Maxentius.  Vào đêm trước trận chiến cuối cùng của họ tại Cầu Milvian gần Rome vào năm 312, Constantine đã nhìn thấy một cây thánh giá rực lửa trên bầu trời được tô điểm bằng khẩu hiệu: “Nhân danh điều này hãy chinh phục!”  Là một người mơ mộng và nhìn xa trông rộng, Constantine cũng coi mình là “bạn của Chúa” và luôn cho rằng chiến thắng sau đó của mình là nhờ điềm báo kỳ diệu này.  Năm đó, ông tuyên bố Cơ đốc giáo là tôn giáo hợp pháp (religio lita).

 Constantine thuê triết gia Lucius Caecilius Lactantius (khoảng 260–325) làm gia sư cho con trai ông là Crispus.  Lactantius đã cải đạo sang Cơ đốc giáo nhớ chứng kiến lòng dũng cảm của những người tử vì đạo đã chịu đau khổ dưới thời Maximianus Daia.  Ông tin rằng nhà nước vốn có bản tính hung hăng và săn mồi.  Người La Mã có thể nói một cách cao ngạo về đức hạnh và sự tôn trọng con người nhưng lại không thực hành những gì họ rao giảng.  Mục tiêu của bất kỳ thế lực chính trị nào, bao gồm cả La Mã, luôn là “mở rộng các ranh giới bị tước đoạt một cách thô bạo từ các quốc gia khác, tăng cường quyền lực của nhà nước, cải thiện thu nhập,” và điều này chỉ có thể đạt được bằng latrocinium, “bạo lực và  cướp bóc.” Không có thứ gọi là chiến tranh “chính nghĩa”, bởi vì không bao giờ được phép lấy mạng người. Nếu người La Mã thực sự muốn sống có đạo đức, Lactantius kết luận, họ nên “khôi phục tài sản của người khác” và từ bỏ của cải và quyền lực của mình. Đó có thể là điều mà Jesus hẳn đã  làm, nhưng nó không có khả năng xảy ra ở La Mã Cơ đốc giáo.


Bình luận về bài viết này