Áo giáp Đường Di, kiếm Bộ Quang và mâu Khuất Lư

Trần Vy

Năm thứ hai mươi lăm triều Việt vương Câu Tiễn (467 TCN), khi chuẩn bị đón Khổng Tử sang thăm nước Việt, nhà vua sử dụng trang phục và nghi thức như sau:

Việt vương mặc áo giáp Đường Di, đeo kiếm Bộ Quang, cầm mâu Khuất Lư, phái ba trăm tử sĩ dàn hàng ngoài biên ải.(1)

  1. Áo giáp Đường Di 唐夷:

Qua Ngô Việt Xuân Thu, chương “Vương Liêu sử công tử Quang truyện”, Triệu Diệp thuật rằng Ngô vương Liêu do sợ bị ám sát nên khi đến dự tiệc tại nhà công tử Quang đã vận ba lớp giáp bằng thép Đường Khê. Dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa giải thích rằng Đường Khê còn gọi là Đường Di, nơi đúc kiếm nổi tiếng, nay thuộc huyện Toại Bình, tỉnh Hà Nam, Trung quốc.

Triệu Diệp sống thời Hán Quang Vũ đế (5 TCN – 57), sau Câu Tiễn gần 5 thế kỷ. Ngôn ngữ của quý tộc Ư Việt, từ mốc 306 TCN trở đi, có lẽ dần nhạt nhòa trên đất Ngô Việt xưa. Vì thế, có thể đoán rằng họ Triệu không nắm được nghĩa gốc của tên gọi Đường Khê-Đường Di. Sắt thép đã trở nên phổ dụng dưới thời Đông Hán nên quý tộc đương thời dùng chúng để chế tạo nhiều loại quân dụng, do đó, việc tác giả Ngô Việt Xuân Thu cho Ngô vương khoác giáp sắt, trong thời điểm đồ đồng cực thịnh, chỉ là phản ánh của quan sát đồng đại. Tuy nhiên, cũng cần tìm hiểu Vương Liêu đã mặc giáp làm từ loại chất liệu nào nếu ngờ rằng nó không được làm bằng sắt.

Đường Di nghĩa là gì? Hiểu theo nghĩa đen khả dĩ nhất, dù sự kết hợp có vẻ bất thường, “đường di” có nghĩa “sự bình yên rộng rãi”. Áo giáp mang lại sự bình yên cho chủ nhân? Có phải nó nói lên ước muốn của thợ chế tạo và cả của người sử dụng?

Trong thực tiễn, khi chấp nhận mặc giáp thì cầu an không phải là mục đích, giáp sĩ chỉ cần thân thể toàn vẹn để tập trung sát thương địch thủ. Nói cách khác, Đường Di thiếu ý nghĩa rõ ràng trong ngôn ngữ Sinitic. Qua tìm hiểu về nghĩa của tên người, tên kiếm trước đây, chúng ta thấy các tên gọi chủ yếu miêu tả hoàn cảnh ra đời của nhân danh, hoặc tính chất, thật hay khoa trương, của vật danh. Tên Đường Di cũng thế, âm Hán cổ dẫn dắt chúng ta đến những kết quả bất ngờ. 

唐 (đường): hoang đường, không hư, rộng lớn, triều đại

Âm Hán cổ:
Theo Zhengzhang: /*gl’a:ŋ/ (glaang)
Theo Baxter-Sagart: /*r̥ˤaŋ/ (rang), /*[N].rˤaŋ/ ([N].rang)

Âm Hán trung cổ:
Theo Li Rong – Wang Li: /dɑŋ/ (đang)

Cụm đồng nguyên Mon-Khmer:
Proto Mon-Khmer (Mon, Khmer, Katuic, Bahnaric, Khmuic, Palaungic, Khasi, Viet-Mương, Nicobarese, Central Aslian): /*t1aaɲ/ (taanh) = dệt, đan, kết
Proto Bahnaric: /*ta:ɲ/ (taanh) = dệt, đan, bện, dệt chéo
Proto Katuic: /*klaaɲ/ (klaanh) = bện, tết, thắt (Sidwell 2005)
Proto Katuic: /*taaɲ/ (taanh) = dệt (Sidwell 2005)
Tampuan [N] (Bahnaric): /kraaɲ/ (kraanh) = dệt mái lá
Tampuan [N] (Bahnaric): /taan/ (taan) = dệt
Ngeq (Katuic): /dʌŋ/ (đăng) = đan cái này chồng lên cái kia
Ngeq (Katuic): / kla:ɲ/ (klaanh) = dệt, tết
Bru (Katuic): /klaan/ (klan) = tết, bện
Khmer (Khmeric): /krɑɑŋ/ (kraang) = dệt, tết, bện, xoắn
Semelai (Aslian): /taɲ/ (tanh) = dệt
O’du (Khmuic): /ta:n/ (taan) = dệt

Chúng ta thấy từ thượng cổ sang trung cổ, tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Hán đã rụng phụ âm bật “g” và phụ âm mũi “N” vốn chông chênh, chỉ còn lại một phụ âm chân răng “r/l” và dần chuyển thành “d”. Trong các thứ tiếng Mon-Khmer, tổ hợp phụ âm “kl/kr” hay phụ âm “t/d” không những chỉ tồn tại từ thời cổ mà vẫn hiện diện đến ngày nay.

Với tiếng Việt hiện đại, có thể xác định hậu thân của /*klaaɲ/, /*t1aaɲ/ hoặc /*gl’a:ŋ/ chính là động từ đan, đánh như đan áo, đánh bím (tóc), đánh tranh (lợp nhà)…

夷: thái bình, rợ mọi, cái cuốc, bằng phẳng

Âm Hán cổ:
Theo Baxter-Sagart: /*ləj/ (lơy)
Theo Zhengzhang: /*lil/ (lil)

Âm Hán Trung cổ:
Theo Wang Li: /ji/ (yi)
Theo Bernard Karlgren: /i/

Cụm đồng nguyên Mon-Khmer:
Proto Mon-Khmer (Khmer, Katuic, Bahnaric): /*rsiʔ/ (rsih) = tre, mây
Proto West Bahnaric: /*rɛ/ (re) = mây
Proto Katuic: /*karɛɛ/ (karee) = mây
Temiar (Bahnaric): /tali/ (tali) = mây
Sre [Koho] (Bahnaric): /riah/ (riah) = mây
Ir (Katuic): /krie/ (kriê) = mây
Nyah Kur [Nam Lao] (Monic): /lilíiʔ/ (liliih) = mây
Nancowry (Nicobaric): /palaj/ (palay) = mây
Chong [Samre] (Pearic): /rè/ (rê) = mây

Các sắc tộc Mon-Khmer, có nhóm phát âm phụ âm đầu, hoặc phụ âm đầu của trọng âm, của từ có nghĩa mây, là “r”; nhóm khác lại phát âm thành “l”. Người Hoa cổ, nhìn tổng quát, đã ký âm phụ âm “r” của Mon-Khmer thành “l”.

Tương đương với /*rsiʔ/, /rɛ/, /*ləj/, /-laj/ hoặc /-liih/ tiếng Việt có âm “giây/dây/sợi” trong từ ghép “giây/dây/sợi mây”.

Như vậy, có thể nói rằng áo giáp Đường Di có nghĩa “áo giáp đan bằng sợi mây”, cái mà người Trung nguyên gọi là đằng giáp 藤甲.

 
Giáp mây được tái hiện tại các địa điểm du lịch
(https://bit.ly/3LhxRAl)

Công dụng lợi hại của đằng giáp từng được La Quán Trung tường thuật trong Tam Quốc diễn nghĩa thông qua đội quân thiện chiến của Ngột Đột Cốt nước Ô Qua.(2)

  1. Kiếm Bộ Quang 步光:

步(bộ): bước, theo, suy tính, trình độ, thời vận, lối, bến nước

Âm Hán cổ:
Theo Zhengzhang: /*ba:s/ (baas)
Baxter-Sagart: /*mə-bˤa-s/ (mơbas)

Âm Hán Trung cổ:
Theo Li Rong: /boH/ (bô)
Theo Wang Li: /buH/ (bu)

Cụm đồng nguyên Mon-Khmer:
Proto Mon-Khmer (Katuic, North Bahnaric): /*pac/ (pach) = cắt đứt
Proto Khasic: /*pʰɔt/ (phot) = cắt
Proto Pramic: /*pa:ʔ/ (paah) = cắt, chặt
Proto Pearic: /po:t/ (pôôt) = cắt
Tampuan [C] (Bahnaric): /baas/ (baas) = cắt, thái
Laven [Jru’] (Bahnaric): /puat/ (puat) = cắt
Kui (Katuic): /pac/ (pach) = cắt
Khmu (Khmuic): /paat/ (paat) = cắt
T’in [Thin] (Khmuic): /mpəc/ (mpơch) = cắt
Thavung (Vietic): /bák/ (bak) = cắt

Về từ có nghĩa “cắt”, chúng ta thấy âm hiện đại của tộc T’in (Khmuic) rất gần âm Hán cổ do Baxter-Sagart phục dựng, âm hiện đại của tộc Tampuan [C] (Bahnaric) hoàn toàn tương đồng với âm Hán cổ do Zhengzhang tái hiện. Khá rõ ràng là các âm Hán phát triển theo quy luật ngữ âm riêng nên chúng dần xa ký âm ban đầu, khiến trí nhớ Trung Hoa về nghĩa gốc của các từ ngoại lai bị mai một. Trái lại, dấu xưa nơi âm Mon-Khmer hầu như nguyên vẹn. Trong tiếng Việt, có thể xem tương đương với “bộ/*ba:s” chính là âm “phát” trong “phát cỏ” có nghĩa “cắt cỏ”, “phạt” trong “phạt cây” có nghĩa “chặt cây”, “bạt” trong “bạt rừng” có nghĩa “đốn cây rừng”.

光: ánh sáng, vinh dự, thời gian, ơn huệ, để trần, làm cho sáng tỏ

Âm Hán cổ:
Theo Baxter-Sagart: /*kʷˤaŋ/ (kwang)
Theo Zhengzhang: /*kʷa:ŋ/ (kwaang)

Âm Hán Trung cổ:
Theo Li Rong: /kuɑŋ/ (kuang)
Theo Bernard Karlgren: /kwɑŋ/ (kwang)

Cụm đồng nguyên Mon-Khmer:
Bahnar [Pleiku] (Bahnaric): /kwaŋ/ (kwang) = nhanh
Bru [TS] (Katuic): /kɒ̤ŋ/ (koang) = rắn, mạnh
Sedang (Bahnaric): /kha̰ŋ/ (khang) = rắn, mạnh
Khsing-Mul (Khmuic): /kəwan/ (kơwan) = mạnh
Nancowry (Nicobaric): /koaŋ/ (koang) = mạnh  
Danaw (Palaungic): /kʰɤn/ (khưn) = mạnh, cứng
Khmer (Khmeric): /klaŋ/ (klang) = mạnh
Pnar [Jowai] (Khasic): /khlan/ (khlan) = mạnh

Như vậy, có thể hiểu “Bộ Quang” /*ba:s *kʷa:ŋ/ theo nghĩa “phạt mạnh và dứt khoát”. Thanh kiếm với cách sử dụng biểu trưng như thế chính là một dạng “quyền trượng” của lãnh đạo.

  1. Mâu Khuất Lư 屈盧:

屈 (khuất): oan, cong, gượng, thiếu (quật)

Âm Hán cổ:
Theo Baxter-Sagart: /*[kʰ]ut/ (khut)
Theo Zhengzhang: /*klud/, /khlud/ (klud), (khlud)

Âm Hán trung cổ:
Theo Zhengzhang: /kɨut̚/ (kưut)
Theo Wang Li: /kĭuət̚/ (kiuơt)

Cụm đồng nguyên Mon-Khmer:
Proto West Bahnaric: /*hɔ:k/ (hook) = giáo, thương
Proto Katuic: /*kɔɔs/ (koos) = giáo, thương
Kensiu [Tea Del] (Aslian): /ʔat/ (hat) = giáo, thương
Mlabri (Khmuic): /khɔt/ = giáo, thương
Cheng (Bahnaric): /hɔ:k/ (hook) = giáo, thương
Ngeq (Katuic): /hɔ:ʔ/ (hooh) = giáo, thương
Katu [Phuong] (Katuic): /kɑɑs/ (kaas) = giáo, thương
Pacoh (Katuic): /kɔ:s/ (koos) = giáo, thương
Bru (Katuic): /kɔɔjh/ (kooyh) = giáo, thương
Nyah Kur (Monic): /chrɔp/ (chrop) = thương (có chĩa)

盧: màu đen, chén đựng cơm, chó tốt

Âm Hán cổ:
Theo Zhengzhang: /*b·raː/ (braa)

Âm Hán trung cổ:
Theo Wang Li: /lu/ (lu)
Theo Bernard Karlgren: /luo/ (luô)

Các âm Mon-Khmer:
Proto Wa-Lawa: / preʔ/ (prêh) = bén
Mnong [Rolom] (Bahnaric): /briʔ/ (brih) = bén
Laven [Houeikong] (Bahnaric): /pla/ (pla) = bén
Brao [Laveh] (Bahnaric): /pla:/ (plaa) = bén
Katang [Raviang] (Katuic): /blaa/ (blaa) = bén
Bru (Katuic): /plaa/ (plaa) = sắc, bén
Lawa [Umphai] (Palaungic): /preʔ/ (prêh) = bén

Vậy Khuất Lư /klud//*b·raː/ phát âm theo người Katuic sẽ là /kɔ:s//plaa/, có nghĩa “ngọn giáo sắc bén”.(3)

Khi Phù Sai bị vây khổn, Việt vương hỏi Đại phu Văn Chủng nên xử trí Ngô vương thế nào. Chủng đáp: “Đại vương nên mặc áo năm thắng, mang kiếm Bộ Quang, cầm mâu Khuất Lư, rồi trừng mắt lớn tiếng sai bắt hắn.”(4)

Như thế, nhân những sự kiện trọng đại như giết vua thù địch hay tiếp đón nhà văn hóa nổi tiếng, Câu Tiễn luôn đeo kiếm Bộ Quang và cầm mâu Khuất Lư. Riêng y phục thì có thay đổi tùy trường hợp. Khi ép Phù Sai tự sát, Việt vương đóng vai pháp sư để thực hiện quy luật của tự nhiên. Khi đón nền văn hóa khác lạ ông lại thể hiện tư cách thủ lĩnh quân sự, người bảo vệ lối sống của cộng đồng. Lớp áo ngầm truyền đạt ý muốn của chủ nhân, bộ vũ khí kiếm-mâu thể hiện vị trí đầu lĩnh.

Hiện tỉnh Hồ Bắc đang tàng trữ kiếm và mâu đồng được cho là của Câu Tiễn và Phù Sai. Có lẽ Bộ Quang và Khuất Lư cũng có hình dáng tương tự nếu không muốn nói món vũ khí được khắc chữ “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” chính là một thanh Bộ Quang. Nước Việt nổi tiếng về luyện gươm từ nguyên liệu sắt nhưng lễ khí chắc chắn phải làm bằng đồng. Do đồng được phát hiện trước và được dùng để chế tạo các vật dụng dành cho nghi thức cúng hiến từ xa xưa nên đã thắm đượm tính thiêng. Sắt lợi hại trong chiến trận nhưng thứ bậc nghi lễ không thể bì được với đồng, giống như gạo không thể bì với kê ở Hoa Bắc, tẻ không thể bì với nếp ở nhiều sắc dân Đông Nam Á.


Kiếm Câu Tiễn (https://bit.ly/3JgF8ie)


Mâu Phù Sai (https://bit.ly/3JbQp2Z)

Kiếm Bộ Quang được nhiều tài liệu khác nhau ghi nhận với tên gọi cố định, nhưng áo giáp Đường Di và mâu Khuất Lư qua các bài viết khác nhau lại mang tên hơi khác nhau. Câu văn mô tả cảnh tiếp đón Khổng Tử của Việt vương trong Việt Tuyệt Thư như sau:

Câu Tiễn khoác áo giáp Tứ Di, đeo kiếm Bộ Quang, cầm mâu Vật Lư, mang ba trăm quân cảm tử bày trận bên trong cửa quan.(5)

Theo chú thích trong quyển Một Bản Dịch Việt Tuyệt Thư có Chú Giải thì bài phú Ngô đô của Tả Tư (khoảng 250 – 305 CN) lại đề cập đến áo giáp Dương Di và mâu Bột Lư. Hai danh xưng có vẻ là tên gọi của hai bộ lạc Dương Di và Bốc Lư.(6)

Chương “Ngoại truyện ký bảo kiếm” còn ghi nhận áo giáp kiểu phương Nam dưới tên gọi khác nữa: “Khi đó, Hạp Lư đã dùng thanh Ngư Trường để ám sát Ngô vương Liêu, kiếm phá thủng áo giáp Trường Di ba lần. Hạp Lư sai Chuyên Chư dâng cá nướng, nhân đó (Chư) rút kiếm đâm chết Vương Liêu”. (7)

Như vậy, Đường Di còn được gọi Tứ Di, Dương Di, hoặc Trường Di. Khuất Lư(8) còn được gọi là Vật Lư, Bột Lư hoặc Bốc Lư. Điều này càng khẳng định tên áo giáp và vũ khí có nguồn gốc Ư Việt vì cư dân Trung nguyên chẳng hiểu chúng mang ý nghĩa gì. Người Hoa Hạ cố gắng ghi lại các danh xưng khác nhau tùy theo kỹ năng nghe của từng tác giả, cũng tùy thuộc vào người nói tiếng Ư Việt thuộc địa phương, bộ tộc hay bộ lạc nào.

“Đường 唐”, “tứ 賜”, “dương 暘”, “trường 腸” lần lượt có âm cổ tương ứng là /*gl’a:ŋ/, /*sleːɡs/, /*laŋ/ và /*l’aŋ/.(9) Phụ âm cuối “ŋ”, “gs” là âm vòm mềm hoặc cơ bản là vòm mềm dễ chuyển hóa cho nhau. Phụ âm đầu dù là đơn hay tổ hợp đều có yếu tố “l”. “gl” hay “sl” là dấu ấn của “gl” hay “kl” từ ngôn ngữ Mon-Khmer. Chúng đều có khả năng bị giản lược đi thành “l” và chuyển thành “d/ɗ/t”. Biến đổi giữa nguyên âm “a”, “ê” và phụ âm cuối của “ŋ”, “g” có thể được thấy rõ ràng qua động từ “đánh” bím (tóc) và “tết/k/g” bím (tóc) trong tiếng Kinh Việt. Ngay cả nguyên âm “a” trong từ “đánh”, người Nam Việt phát âm là “a” /ɗaɲ/ nhưng Bắc Việt phát âm gần như “e” /ɗæŋ/.

“Khuất 屈”, “vật 物”, “bột 勃”, “bốc卜” lần lượt có âm cổ tương ứng là /*[kʰ]ut/, /*mɯd/, /*bɯːd/, /*poːɡ/. Âm “khuất” đã được so sánh với cụm đồng nguyên các từ Mon-Khmer chỉ “ thương, giáo” ở phần trên. Tuy nhiên, Mon-Khmer còn có một từ khác để chỉ động tác “đâm, dùng giáo để đâm” hoặc “thương, giáo, lao” như liệt kê dưới đây: 

Proto Wa-Lawa: /*mbok/ (mbôk) = đâm
Proto West Bahnaric:/*pɔh/ (poh) = dùng giáo để đâm
Kui (Katuic): /bɯɁ/ (bưh) = đâm
Pacoh (Katuic): /bak/ (bak) = đâm
Chong [of Kompong Som] (Pearic): /boh/ (bôh) = đâm
Monong [Rölöm] (Bahnaric): /kəbak/ (kơbak) = một loại giáo
Nyaheun (Bahnaric): /pɔh/ (poh) = giáo, thương
Halang (Bahnaric): /bɔak/ (boak) = một loại giáo
Laven (Bahnaric): /pɔh/ (poh) = giáo, thương
La (Palaungic): /piao/ (piao) = giáo
Car (Nicobaric): /maa:/ = giáo đâm cá
Nancowry (Nicobaric): /pak/ = ngạnh của giáo đâm cá

m/p/b đều là phụ âm hai môi, chúng không chỉ xuất hiện trong các cách phiên âm khác nhau của Hoa Hạ như /*mɯd/, /*bɯːd/, /*poːɡ/ mà còn xuất hiện đầy đủ trong bảng kê đồng nguyên Mon-Khmer bên trên như /maa:/, /bɔak/, /pɔh/…. Nguyên âm của từ mô tả “thương, giáo, đâm, đâm bằng giáo” trong nội bộ Mon-Khmer có thể là o, ô, ư, iao, a nên tác giả Trung nguyên ký âm từ này thành /*mɯd/ (mưd) hay /*bɯːd/ (bưd) thì cũng là chuyện bình thường. Về phụ âm cuối, sự biến chuyển có thể có giữa các âm h, k, g, t/d rất dễ chứng thực như /*pɔh/, /pak/ ở trên hay /kɔɔjh/, /khɔt/, /hɔ:k/ trong bảng kê đồng nguyên của từ “thương, giáo” đầu tiên /*hɔ:k/.

Như vậy, Đường Di, Tứ Di, Dương Di, hoặc Trường Di đều có nghĩa “áo giáp đan bằng mây”. Khuất Lư, Vật Lư, Bột Lư hay Bốc Lư đều có nghĩa “ngọn giáo sắc bén”.

Việc Câu Tiễn và Ngô vương Liêu mặc áo giáp với tên gọi gần giống nhau cho thấy Đường Di hay Trường Di hàm chỉ loại giáp cao cấp dùng cho lãnh đạo hơn là riêng chỉ một bộ giáp cụ thể nào. Kiếm Bộ Quang hay mâu Khuất Lư cũng thế, chúng không là những cá thể vũ khí của riêng Câu Tiễn mà là chủng loại trang bị cực chất lượng dành cho tầng lớp trên. Một câu văn trong Việt Tuyệt Thư ủng hộ lý giải này: “Nay trộm nghe Đại vương sắp chấn hưng đại nghĩa, giết kẻ mạnh cứu người yếu, vây nước Tề cường bạo yên ủi nhà Chu, nên sai bọn thần tử nước Việt hèn mọn là Chủng mang đồ dùng còn tàng trữ của tiên nhân gồm áo giáp hai mươi cái, (kèm) mâu Khuất Lư, kiếm Bộ Quang, để tặng mừng các tướng hiệu”.(10)

  1. Núi Cô Tô 姑蘇:

Như đã biết, “cô” là một từ Nam Á chỉ “núi” mà cho đến nay nhiều sắc tộc như Ngeq (Katuic), Kui (Katuic), Tarieng (Bahnaric), Kinh Việt (Vietic)… vẫn phát âm gần giống như “cô”: /koh/ (kôh), /kɑh/ (kah), /gɔːr/ (goor), /gɔː/ (gò)…

Chữ “tô 蘇” khó tìm nghĩa hơn vì ngoài tên Cô Tô, hòn núi còn được mệnh danh là Tô Sơn 蘇山 hoặc Tư Sơn 胥山 tức Núi Tô hoặc Núi Tư. Các nhà nghiên cứu Trung quốc cũng như phương Tây đều có xu hướng xem Cô Tô hay Cô Tư chỉ là phiên âm Hoa hóa của một từ gốc bản địa và khu vực núi chính là trung tâm điều hành của vương quốc dưới thời Ngô vương Phù Sai.

“Tô 蘇” là tên một loại rau thơm hoặc dùng để chỉ dây “tua” dùng trong trang sức. “Tư 胥” là chức quan nhỏ thời xưa. Hai ý nghĩa có phần lạc lõng khiến các học giả chưa bao giờ thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu xem tên núi là ký âm một từ bản địa đồng thời cố gắng nhìn xuyên qua các lớp từ Nam Đảo hay Kra-Dai vốn trẻ trung hơn, thì vấn đề sẽ được giải quyết rất nhẹ nhàng. Cũng như Bà Dương hay Bành thể hiện hai cách ghi âm khác nhau của cùng một từ Nam Á blang/brang, hay thể hiện hai cách ghi âm khác nhau của cùng một từ Nam Á sngaa/sngah có nghĩa “đơn độc” (11) hoặc “yên tĩnh”.

Theo Zhengzhang, âm cổ của “Tô 蘇” là /*sŋaː/ (sngaa)
Cũng theo Zhengzhang, âm cổ của “Tư 胥” là /*sŋaʔ/  (sngah)

Các âm Mon-Khmer đồng nghĩa với “tô/tư”:
Proto Mon-Khmer (Mon, Khmer, Kuy, South Bahnaric, Palaungic, Viet-Mương): /*sŋət/ (sngơt) = cô độc, hoang vắng, lặng lẽ, im ắng
Proto North Bahnaric: /*lŋuəʔ/ (lnguơh) = đơn độc, hoang vắng
Pacoh (Katuic): /la.ŋṵaʔ/ (languah) = một địa điểm tách rời
Stieng (Bahnaric): /rŋat/ (rngat) = đơn lẻ, vắng vẻ
Jahi (Aslian): /səŋɔr/ (sơngor) = yên lặng
Temiar (Aslian): /sʌŋeʔ/ (sănghêh) = không ồn ào, im lặng
Tampuan [C] (Bahnaric): /laŋwaaʔ/ (languaah) = yên lặng
Tampuan [S] (Bahnaric): /sŋat/ (sngat) = lặng lẽ

Các từ đơn tiết hoặc âm tiết sau của từ một-âm-tiết-rưỡi bên trên đều tương hợp với âm “ngaa/ngah” của “tô/tư” cổ. Phụ âm của tiền âm tiết hay phụ âm đầu của tổ hợp phụ âm thuộc từ đơn tiết hoặc chính là “s” hoặc là các biến thể quen thuộc “r”/“l” như từng thể hiện qua các âm sông/krong/klong. 

Vì sao nơi vua ở hay bộ phận đầu não hành chính của vương quốc lại phải mang tính chất “đơn độc” hoặc “yên lặng”? Nếu đơn độc hàm nghĩa “độc tôn”, “không có gì ngang hàng”, “vượt bậc” thì người ngày nay có thể hiểu được. Còn “yên lặng” phải hiểu thế nào? Để nắm rõ khái niệm này trong bối cảnh đương thời chúng ta khảo sát đoạn văn dưới đây trong Việt Tuyệt Thư.

Thái Tể Phỉ tâu rằng: Ở sườn phía Tây của núi Tần Dư Hàng có một nơi tĩnh lặng (nhàn yên 閒燕/閑燕) có thể nghỉ ngơi, Đại vương nên dùng cơm gấp để đi ngay vì từ đây đến đó còn hơn mười dặm.(12)

Bá Phỉ nói với Phù Sai câu trên khi bọn họ đang trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Ư Việt, cũng là những ngày tồn tại cuối cùng của Câu Ngô. Khi chuyển ngữ Việt Tuyệt Thư, tác giả của The Glory of Yue đã dịch “nhàn yên” thành “a quiet place” có nghĩa “một nơi tĩnh lặng”. Bà bàn luận như sau: Xianyan 閒燕 (đôi khi được thể hiện là xianyan 閑燕) ở đây được dịch thành “một nơi tĩnh lặng”, đó là cách diễn đạt hết sức khác thường, chỉ được nhắc đến trong hai thư tịch cổ khác: quyển Quốc Ngữ(13) (chương Tề ngữ 齊語); và một đoạn văn có liên hệ mật thiết trong Quản Tử(14)(chương Tiểu Khuông 小匡). Kiểu dịch như vậy phái sinh từ lời bình về Quốc Ngữ bởi Vi Chiêu. (15) Lối diễn đạt hiếm hoi cho chúng ta thấy chương này của Việt Tuyệt Thư được viết ra trong lúc từ ghép đó đang thịnh hành dưới thời Chiến quốc; chương “Tề ngữ” của sách Quốc Ngữ được định điểm ra đời vào quãng 431 – 384 TCN, chương “Tiểu khuông” trong “Quản Tử” được định niên đại vào sơ kỳ triều Hán….(16)

Như thế có thể xem “một nơi tĩnh lặng” tức “nhàn yên” như đồng nghĩa với “Tô”. “Nhàn Yên” chính là vị trí của bậc vương giả, nơi ngài thư thả vì bốn phương phẳng lặng. Hình ảnh vị quân chủ thung dung nơi u tịch phản ánh ước muốn dân chúng no đủ, không có nội loạn cũng như không có đe dọa từ bên ngoài. Ngài chỉ rủ áo mà cai trị. Khao khát của vua Câu Ngô kéo dài đến tận đời Khải Định nước Đại Nam với “Tứ phương vô sự lâu” trên Bắc Khuyết đài kinh thành Huế, sang cả thời Việt Nam Cộng Hòa với lầu thượng của Dinh Độc Lập tại thủ đô Sài Gòn.

Vậy Cô Tô có nghĩa “Núi tĩnh lặng”, hoặc văn vẻ hơn là “Tứ phương vô sự sơn”.

Như chúng ta đã thấy, các địa danh quan trọng thuộc lưu vực Trường giang cùng tên gọi lễ khí của tầng lớp cầm quyền đều có nguồn gốc Nam Á. Điều đó chứng tỏ chủ nhân sớm nhất còn có thể biết được của vùng đất này chính là những bộ lạc Austroasiatic và mãi đến thời Xuân Thu họ vẫn còn nắm vai trò thống trị ở hai nước Ngô, Việt. Dân số ước tính của Ư Việt chỉ vào khoảng 200.000 người hoặc hơn(17) vào năm 481 TCN, hiển nhiên không đủ để khai thác một vùng đất rộng lớn gồm bắc Chiết Giang và đông nam An Huy ngày nay, chưa kể Ư Việt còn bành trướng mạnh khi chinh phục nước Câu Ngô phía Bắc. Vì thế, Câu Tiễn từng phải nhờ nguồn lực bên ngoài để chuẩn bị chiến tranh. Ông cho trồng cây gai ở hòn núi được đặt tên Ma Lâm sơn (麻林山) hay còn gọi là Đa sơn (多山), có nghĩa “núi Rừng cây gai” hoặc “núi người Tề”. Cây trồng sẽ được dùng làm nguyên liệu để chế tạo dây cung cho quân đội và người trông coi được thuê từ nước Tề. Theo Việt Tuyệt Thư, tiếng Việt gọi người Tề là “Đa多”, nên dân Ư Việt gọi nhóm nhân sự chăm sóc rừng là “Ma Lâm Đa” tức “người Tề rừng cây gai”.

Thực ra người Đa không hẳn là dân Tề của Khương Tử Nha, mà chỉ là thần dân hạng hai của nước Tề. Âm cổ của “đa” theo Zhengzhang là /*ʔl’aːl/ (hlaal). Người Hlaal nhiều khả năng đến từ vùng đất thuộc nước Lai , một quốc gia Đông Di trên bán đảo Sơn Đông đã bị Tề Linh Công (trị vì 581 – 554 TCN) sáp nhập vào năm 567 TCN. Theo thiển ý, “Lai ” chỉ là một cách ký âm Hoa Hạ của “Hlaal”. Việt vương dùng người đúng sở trường vì rợ Đông Di nổi tiếng về tài bắn cung, tương truyền, họ là nhóm dân đầu tiên phát minh ra mũi tên. Có vẻ nếu xảy ra xung đột, nhóm công nhân trồng rừng sẽ nhanh chóng biến thành đội xạ thủ lành nghề khiến các đối tượng của Ư Việt phải khiếp vía.


Vị trí nước Lai trên bản đồ hợp bang nhà Chu
(https://bit.ly/37XbpNZ)

Hai học giả Edwin G. Pulleyblank(18) (1983) và Axel Schuessler(19) (2007) đều cho rằng người Đông Di nói tiếng Nam Á. Trước đó, Bình Nguyên Lộc (1971) cũng quan niệm Mã Lai Hoa Bắc thuộc đợt I tức người Austroasiatic.(20) Riêng Laurent Sagart (2008) lại giả thiết Đông Di nói một thứ ngôn ngữ tiền thân của Nam Đảo, là nhánh ngôn ngữ chị em với hệ Hán Tạng.(21) Chúng tôi thiên về Đông Di nói tiếng Nam Á hơn. Câu Tiễn dễ dàng dùng người Đa vào việc quan trọng có lẽ chỉ vì ông và họ đồng ngôn ngữ. Schuessler đưa ra chứng cứ hết sức thú vị là chữ “Di 夷” mà Việt Tuyệt Thư đã thích nghĩa: “biển”. Theo ông, “di” thời cổ phát âm như “l(ə)i”, tương ứng âm dhle /tlé/ của Mon-Khmer vốn chỉ “biển”. Như thế “Di” đơn giản là giống dân sống trên bờ biển.(22)

Minna Wu, nghiên cứu sinh tại đại học Columbia, Hoa Kỳ, dẫn Nhĩ Nhã 爾雅 và Thuyết Văn 說文 để cho rằng Lai 釐/萊 (âm cổ /*rɯ/ hoặc /*rɯ:/) là một loại thảo mộc thuộc họ Chenopodiaceae (Rau muối). Tuy nhiên, Wu cũng công nhận trong các văn bản cổ Lai luôn được miêu tả như Di, tức giống người hoang dã. Wu còn trích thiên Vũ Cống trong phần Hạ Thư, Kinh Thư để xác định cống phẩm chính của người Lai là tơ có nguồn gốc từ cây dâu tằm trên núi. Đoạn nói về sản vật vùng Thanh Châu trọn vẹn như sau:    “Cống phẩm bao gồm muối, vải mịn, các sản vật biển. Từ lũng núi Đại có tơ, cây gai, chì, cây tùng, đá lạ. Người Lai Di chăn nuôi gia súc, thùng đồ cống của họ đầy tơ làm ra từ cây dâu tằm trên núi.” (23) Tơ được nhắc đến hai lần cùng với vải mịn, cây gai, cây dâu núi. Theo chúng tôi Lai (hlaal/rưư) chỉ là một phát âm khác của Di (lơi), cả hai đều có nghĩa là “sợi”. Lai Di là giống người khéo kéo sợi và đan dệt. Cả triều đình Trung ương lẫn Câu Tiễn đều khai thác tích cực kỹ năng chuyên biệt này của họ.

Mặt khác, vị quân chủ cuối cùng của nước Lai mang tước hiệu Lai Cộng công 萊共公, tên Phù Nhu 浮柔. Phù Nhu gợi nhớ danh xưng các vua Việt như Vô Dư 無餘, Vô Nhâm 無壬, Vô Thẩm 無瞫, Phù Đàm夫譚, Bất Thọ 不壽, Vô Chuyên 無顓, Vô Cương 無彊; hoặc vua-vương tử Ngô như Phù Khái 夫概,Phù Sai 夫差. Âm cổ của Phù 浮, Vô 無, Phù 夫, Bất 不 lần lượt là /*bu/, /*mo/ hoặc /*ma/, /*pa/, /*pɯ/ hoặc /*pə/. Chúng khơi liên tưởng đến âm bua, vua, bố, mạ, ba… trong tiếng Vietic. Có lẽ những âm khác nhau chút ít phù-bất-vô đều thể hiện chức danh của người đứng đầu một cộng đồng Nam Á. Chúng không giống hệt nhau chỉ do khoảng lệch trong không gian hoặc thời gian.     

Ư Việt có cơ sở sản xuất đáng chú ý là “ruộng chim” (điểu điền 鳥田). Việt Tuyệt Thư ghi nhận như sau: “Dân duyên hải Đại Việt đặc biệt còn làm ruộng chim. Ruộng lớn nhỏ được phân biệt, gieo gặt có qui tắc….”(24) Chim và rắn, tức tiên-rồng, được các bộ tộc Việt tôn làm vật tổ, riêng vật tổ chim lại nổi trội hơn trong các nhóm Đông Di. Nông dân canh tác điểu điền căn cứ vào sự xuất hiện hay tiếng hót của các loài chim để dự đoán thời tiết hoặc định thời điểm cấy trồng và thu hoạch. Chăm sóc ruộng hẳn vẫn là nhóm nhập cư người Đa quen sống ven biển, họ chuyên trồng lúa mì lúa mạch. Ruộng chim, phần nào đó, phản ánh luồng di dân của các bộ tộc Lai Di và Hoài Di từ phương bắc. Họ phục vụ Câu Tiễn dưới tư cách lính đánh thuê hoặc như nông nô sản xuất lương thực cung ứng cho quân đội. Ngô rồi Việt (484 – 306 TCN) lần lượt chiếm ngôi bá để điều hành trật tự hợp bang nhà Chu cũng tương tự Mãn Châu lập ra nhà Thanh (1644 – 1912) để cai trị Trung Hoa. Nhà Thanh sụp đổ năm 1912, đến nay chỉ còn 70 người nói được tiếng Mãn. Bá chủ Ư Việt sụp đổ năm 306 TCN, nên rất dễ hiểu ngôn ngữ Cực Bắc Austroasiatic hầu như chỉ còn những mảnh vụn mờ ảo sau 2.300 năm. Tiếp theo đỉnh cao chói lọi, hết sức đáng tiếc, lại là triệt để diệt vong.

Eric Henry từng nhận xét rằng người Ngô-Việt thích sử dụng đỉnh núi làm nơi cư trú hoặc trung tâm hành chính. Sở dĩ Câu Tiễn cùng tàn quân trụ được lâu dài trên núi Cối Kê vì nơi đó đã ổn định một khu dân cư phát triển, có đầy đủ nguồn nước và nhu yếu phẩm dự trữ.(25) Phạm Lãi từng đề nghị Câu Tiễn nuôi cá trong hai ao ở núi Cối Kê thay vì tại thung lũng hoặc ven sông. Các nhân vật như những vì sao lóe lên rồi mờ tắt nhưng lại góp phần đáng kể trong tạo dựng lịch sử Ư Việt như Chuyên Chư, Tây Thi, Việt Nữ đều đến từ vùng núi. Chuyên Chư người ấp Đường 堂 (nghĩa là vùng bằng phẳng trên núi), Tây Thi con nhà hái củi ở núi Trữ La, Việt Nữ từ Nam Lâm đi về phía Bắc để gặp vua, tức đi từ miền cao xuống miền hạ.

Vua Ngô trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Việt khi đến núi Tần Dư Hàng(26) thì gặp lúa. Ông không tìm thấy lúa ở đồng bằng khoáng đạt mà lại thấy chúng ở gần núi hay trên núi. Đây là dấu hiệu của vùng có người cư trú sau những khu vực không-phải-núi hoang vắng mà nhà vua đã đi qua. Cố đô lừng danh của Ngô cũng nằm trên một ngọn núi, tên Tư Sơn, tức núi Cô Tô.

Những mảnh vụn tự sự như thế tiết lộ rằng “núi” luôn chiếm vị trí trung tâm trong tư duy của người Ngô Việt. Họ sống trên núi và mang tâm thức núi. Có vẻ người Việt dành vùng thấp cho dân Tề (Lai) sống ven biển và nhường nghề chèo thuyền cho dân Kra-Dai. Wolfgang Behr dựa vào câu “Người Việt gọi thuyền là xulü” (須慮 tu lư, âm cổ /*so//*b·raː/) (27) để xác định rằng đó là một từ gốc Kra-Dai sau khi đối chiếu với âm chỉ thuyền trong nhiều thứ tiếng thuộc ngữ hệ này. Chúng tôi nhìn nhận Wolfgang Behr có lý nhưng đồng thời cũng thấy âm “lư” cổ /*b·raː/ phảng phất âm “perahu” vốn chỉ chiếc ghe của người Nam Đảo. Số lao động gọi thuyền là tu lư nhiều khả năng mang thân phận tương tự như những kẻ phiêu lưu nói tiếng Thái đầu tiên xâm nhập vào lãnh địa đế quốc Khmer. Nhóm khách lạ chỉ là nô lệ của các lãnh chúa địa phương nói tiếng Khmeric trước khi họ tập trung đủ đông đúc để biến chủ cũ thành những kẻ lệ thuộc.   

Quý tộc Ư Việt không gọi thuyền là tu lư. Ngôn ngữ quan phương định danh các loại ghe thuyền được ghi lại trong chiếu chỉ của Câu Tiễn, vốn để động viên dân chúng thao dượt quân sự nhắm phục thù nước Ngô, gồm ba chữ: 方船航 (phương, thuyền, hàng).(28)

方 (phương): rất cổ, có mặt trong giáp cốt văn nhưng không mang nghĩa “thuyền”. Âm cổ của 方 là /*paŋ/ (Zhengzhang) hoặc /*C-paŋ/ (Baxter & Sagart). Có thể so chúng với vài âm Mon-Khmer chỉ thuyền bè như /*kɓaŋ/ (Proto Mon – South Bahnaric), /buoŋ/ (Katu An Diem), /ɓaːŋ/ (Mang), /tapùaŋ/ (Bru TS), mảng (Kinh Việt)(29)… Như vậy, người Hoa Hạ mượn chữ có phát âm gần gũi để ghi lại một khái niệm bản địa.

船 (thuyền): xuất hiện trong kim văn thời Tây Chu, chứng tỏ nó không xưa lắm, chỉ nhập vào Hoa ngữ cổ khi người Trung nguyên bắt đầu tiếp xúc nhiều với phương Nam. Âm xưa của 船 là /*ɦljon/ (Zhengzhang) hoặc /*Cə.lo[n]/ (Baxter & Sagart). Có thể so chúng với vài âm Mon-Khmer chỉ ghe thuyền như /*d2luuŋ/ (Proto Bahnaric – Palaungic), /*pluŋ/ (Proto Central Bahnaric), /ʔloŋ/ (Lawa), /clɔːŋ/ (Khmu Cuang), /roŋ/ (Ngeq), /sɔŋ/ (Bolyu), xuồng (Kinh Việt)(30)… Yếu tố hướng dẫn cách đọc (duyện) với âm cổ là /*lon/ có nghĩa “đầm lầy nơi chân núi” gợi ý thuyền là phương tiện thủy với phần chìm không sâu, dễ đi lại trong khu vực nước nông. 

航 (hàng): chưa rõ xuất hiện vào thời nào nhưng không hiện diện trong giáp cốt văn. Âm cổ của 航 là /*ɡaːŋ/ (Zhengzhang). Có thể đặt âm này cạnh các âm Mon-Khmer thể hiện khái niệm “nhà” như /*ga[a]ŋ/ (Proto Mon-Khmer A), /*gaː₁ŋ/ (Proto Khmuic), /*gaaŋ/ (Proto Palaungic)… Như vậy, 航 có thể là cái nhà nổi, hoặc con thuyền có gian nhà nhỏ bên trên, tuy nhiên, nhiều khả năng nhất “hàng” là chiếc ghe có mui. Chúng tôi suy đoán như thế vì “hàng” được cấu tạo từ 舟 (chu) chỉ nghĩa và 亢 (cang/kháng) chỉ âm. Ngoài chức năng hướng dẫn cách đọc, 亢 còn mang nghĩa cụ thể là “che chở”. Chiếc thuyền + che chở gợi ý về một phương tiện chiến đấu của thủy quân có khả năng chống tên bắn.

Âm cổ /*tu/ của 舟 (chu), một chữ rất xưa vốn có dấu vết trong giáp cốt, theo nghiên cứu của Schuessler, vẫn là vay mượn từ âm Nam Á /*ɗuk/ có nghĩa chiếc ghe, nên có thể tin rằng 船(thuyền) và 航 (hàng) cũng chỉ là những chữ Hoa ghi lại âm Ư Việt.

Người Ư Việt dù đi lại bằng thuyền nhưng trồng lúa, nuôi cá, làm đền đài… đều trên vùng sơn địa. Có thể ký ức thăm thẳm về những cơn đại hồng thủy khiến họ đinh ninh rằng núi non, cao nguyên là nơi cư trú tốt hơn, chỉ dành cho những con người mạnh mẽ và thông minh hơn. Tuy nhiên, chính nền kinh tế dựa vào sản xuất từ đất cao đã không tạo được hiệu năng vượt trội. Năng suất lúa rẫy khiêm tốn khiến sự phát triển dân số vùng đồi núi bị hạn chế so với đồng bằng. Khi Ư Việt thất trận và đạo quân rừng rú không còn sức khống chế các bộ tộc trồng trọt ven sông thì nhóm chúa đất nói tiếng Austroasiatic cũng mất cơ hội phục hồi. Họ dễ bị tràn lấp bởi các sắc dân biết trồng cây lương thực với năng suất khả quan hơn, điều kiện để sinh đẻ nhiều hơn. Đặc biệt khi những sắc dân này từ chối nộp cống thuế cho cựu chủ nhân giờ đã suy mòn.

Về văn hóa Ngô Việt, có nhận xét đáng chú ý như sau:

Cả Ngô lẫn Việt đều nằm ngoài ranh giới Trung nguyên nên bị cư dân các nước Trung tâm xem là man di. Thực ra, nhiều khai quật khảo cổ đã đáp ứng cho việc chứng minh rằng, nếu người dân Ngô-Việt biết đến tuyên bố của Thomas Hobbes(31) về những sinh linh sống trong trạng thái tự nhiên: “cách biệt, nghèo khổ, dữ dội, cục súc và tuổi thọ thấp,” thì họ sẽ dễ dàng áp dụng các đặc tính đó lên cư dân thuộc hợp bang nhà Chu hơn là áp dụng cho chính họ. Dân chúng Ngô-Việt sống trong nền văn hóa tương đối tiến bộ, nhiều phát kiến và phát triển của họ về sau bị khẳng định là thành quả của văn minh “Hoa Hạ”. Sự đồng hóa tiếp theo đã che mờ sự khác biệt giữa văn hóa Chu và văn hóa Ngô-Việt, khác biệt đó hẳn rất hiển nhiên với người đương thời và nó tác động đến tầm quan trọng dự kiến được của Việt Tuyệt Thư. Tác phẩm này thực sự là ghi chép độc đáo về một trong những nền văn hóa lớn của thế giới cổ đại, một nền văn minh phi Hoa đã bị hấp thu vào Trung Hoa vào thời điểm đế quốc được nhất thống. Các văn bản lưu giữ trong Việt Tuyệt Thư cho phép một thấu hiểu hấp dẫn về thế giới Ngô-Việt trong chuỗi ngày tàn của chúng dưới tư cách các vương quốc độc lập.(32)

Ngỡ như ý kiến bên trên là của triết gia Kim Định? Thưa không! Đó là nhận xét của Giáo sư Olivia Milburn, một chuyên gia Hán học xuất thân từ các tâm điểm học thuật trứ danh Oxford, Cambridge, London. Bà hiện đang giảng dạy tại Đại học Seoul, Hàn quốc.


Chú thích:

(1) Triệu Diệp, Ngô Việt xuân thu, Ngô Trần Trung Nghĩa dịch, NXB Văn Học (2020), trang 190. Nguyên văn trên trang ctext.org: 越王乃被唐夷之甲,帶步光之劍,杖屈盧之矛,出死士,以三百人為陣關下 Việt vương nãi bị đường di chi giáp, đái bộ quang chi kiếm, trượng khuất lư chi mâu, xuất tử sĩ, dĩ tam bách nhân vi trận quan hạ. (https://ctext.org/wu-yue-chun-qiu/gou-jian-fa-wu-wai-zhuan)
(2) Ngột Đột Cốt có hai cận thần là Sĩ An và Hề Nê. Cả ba nhân danh đều có gốc gác từ tiếng Mon, chúng vốn được người Mon dùng để chỉ các chức vị khác nhau. Không rõ La Quán Trung (khoảng 1330 – 1400) tiếp nhận những tên này từ nguồn nào, từ ký ức xưa truyền lại hoặc từ sự tiếp xúc của chính ông với người ngoại quốc hay với các bộ tộc thiểu số đương thời. Tiếng Mon gọi thủ lĩnh là /dɔkop/ (đokốp = đột cốt), phụ tá thủ lĩnh là /hənah/ (hơnah = hề nê), chỉ huy quân đội là /thəháan/ (thơhaan = sĩ an). Tên nước Ô Qua gợi liên tưởng đến tiểu quốc Ava (nay thuộc Miến Điện) được thành lập năm 1365, cùng thời với cụ La. Kiến thức xa xăm về các chức danh cũng có thể đến từ hậu duệ của binh lính nhà Nguyên, những người từng chinh chiến với triều đại Pagan vào cuối thế kỷ XIII.
(3) Trong tiếng Katu [An Diem], /plaa/ hay /pala:/ còn có nghĩa là mũi giáo. Tiếng Mảng /pla:t/, tiếng Wa /plia/ có nghĩa cây giáo. Chúng có bà con với âm “rựa” chỉ dao đi rừng của Kinh Việt.
(4) Triệu Diệp, Ngô Việt xuân thu, Ngô Trần Trung Nghĩa dịch, NXB Văn Học (2020), trang 105. Nguyên văn trên trang ctext.org: 君被五勝之衣,帶步光之劍,仗屈盧之矛,瞋目大言以執之 Quân bị ngũ thắng chi y, đái bộ quang chi kiếm, trượng khuất lư chi mâu, sân mục đại ngôn dĩ chấp chi. (https://bit.ly/3B9nUQT). Dịch giả chú “ngũ thắng chi y” là áo thêu đồ hình ngũ hành tương thắng.
(5) 句踐乃身被賜夷之甲,帶步光之劍,杖物盧之矛,出死士三百人,為陣關下。câu tiễn nãi thân bị tứ di chi giáp, đái bộ quang chi kiếm, trượng vật lư chi mâu, xuất tử sĩ tam bách nhân, vi trận quan hạ.
(6) Xem Olivia Milburn, An Annotated Translation of the Yuejue shu, Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands (2010), trang 226.
(7) Nguyên văn:  時闔廬又以魚腸之劍刺吳王僚,使披腸夷之甲三事。闔廬使專諸為奏炙魚者,引劍而刺之,遂弒王僚。thời hạp lư hựu dĩ ngư trường chi kiếm thích ngô vương liêu, sử phi trường di chi giáp tam sự. hạp lư sử chuyên chư vi tấu chích ngư giả, dẫn kiếm nhi thích chi, toại thí vương liêu.
(8) Theo bản Việt Tuyệt Thư được sử dụng bởi Olivia Milburn, Khuất Lư là tên cây cung của Câu Tiễn. Khi thể hiện ý muốn giết Phù Sai, Câu Tiễn đeo kiếm Bộ Quang và cầm cung Khuất Lư.  Tuy nhiên, ở những đoạn khác trong sách, Khuất Lư vẫn được xem là tên của một loại mâu nghi lễ. Xem Olivia Milburn, An Annotated Translation of the Yuejue shu, Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands (2010), trang 267.
(9) Rất có thể “tứ” chỉ là chữ chép sai của “dương” mà thôi.
(10) Nguyên văn: 「今竊聞大王將興大義,誅疆救弱,困暴齊而撫周室,故使越賤臣種以先人之藏器,甲二十領、屈盧之矛、步光之劍,以賀軍吏.」kim thiết văn đại vương tương hưng đại nghĩa, tru cương cứu nhược , khốn bạo tề nhi phủ chu thất, cố sử việt tiện thần chủng dĩ tiên nhân chi tàng khí, giáp nhị thập linh, khuất lư chi mâu, bộ quang chi kiếm, dĩ hạ quân lại. Nhận xét: chữ cương 疆 ở đây có vẻ là nhầm, thay bằng cường 強 sẽ hợp lý hơn.
(11) Một núi khác ý nghĩa gần giống Cô Tô là ngọn Độc Sơn, nơi Câu Tiễn từng chọn làm chốn an nghỉ của mình. Việt Tuyệt Thư chép về Độc Sơn 獨山 như sau: (Núi Cô Đơn) là nơi Câu Tiễn sửa sang lăng mộ cho chính mình. (Khi vua) thiên đô đến Lang Da, lăng chưa hoàn thành. Khoảng cách từ núi đến huyện sở là 9 lý (3.7 km). Nguyên văn: 句踐自治以為冢。徙瑯琊,冢不成。去縣九里。Câu Tiễn tự trì dĩ vi lăng. Tỉ Lang Da, lăng bất thành. Khứ huyện cửu lý.

Kinh đô mới Lang Da 瑯琊, hoặc Lang Tà 琅邪, nhiều khả năng cũng mang nghĩa “núi cô đơn” hay “núi yên lặng”. 瑯 và 琅 cùng có âm cổ là /*raːŋ/. Hiện nay, để gọi núi, nhiều sắc dân Palaungic và Bahnaric vẫn còn phát âm tương tự, như: /lang/ = núi (Wa), /raŋ/ = núi (Riang), /kraːŋ/ = núi (Halang). 琊 và 邪 cùng có âm cổ là /*sə.ɢA/, gợi nhớ âm /*sŋət/ của proto Mon-Khmer chỉ sự đơn độc hay yên tĩnh. Vậy Lang Da hoặc Lang Tà, cũng giống như Cô Tô hay Độc Sơn, thể hiện địa điểm tôn quý của vương giả. 
(12) Nguyên văn: 太宰嚭曰:「秦餘杭山西阪閒燕,可以休息,大王亟餐而去,尚有十數里耳.」Thái tể phỉ viết: tần dư hàng sơn tây phản nhàn yên, khả dĩ hưu tức, đại vương cức xan nhi khứ, thượng hữu thập sổ lý nhĩ.

Ngô Việt Xuân Thu lại chép rằng: 王孫駱曰:「飽食而去,前有胥山,西阪中可以匿止.」vương tôn lạc viết: “bão thực nhi khứ, tiền hữu tư sơn, tây phản trung khả dĩ nặc chỉ.” Vương Tôn Lạc nói: “Ăn no rồi chạy, đằng trước có Tư Sơn, ở dốc núi phía Tây có thể nghỉ chân ẩn nấp.”
(13) Quốc Ngữ 國語: sách nghị luận về các nước thời Xuân Thu, tương truyền viết bởi Tả Khâu Minh (cuối Xuân Thu đầu Chiến quốc). Các sự kiện được đề cập trong sách xảy ra từ đời Chu Mục vương (trị vì 976 – 922 TCN) đến sự kiện ba họ Triệu, Hàn, Ngụy diệt Trí Bá để phân chia nước Tấn (453 TCN). Tám nước được nói đến gồm Chu, Lỗ, Tề, Tấn, Trịnh, Sở, Ngô, Việt.
(14) Quản Tử 管子: sách bàn về chính trị, triết học thời cổ, được cho là viết bởi Quản Trọng (725 – 645 TCN). Quản Trọng làm Tể tướng nước Tề, ông cải thiện chính trị, giúp Tề Hoàn công (trị vì 685 – 643 TCN) trở thành vị bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Sách được Lưu Hướng 劉向 (77 – 6 TCN) san định lại dưới đời Hán.
(15) Vi Chiêu 韋昭 (204 – 273): tác giả sách Quốc Ngữ giải 國語解 thời Tam Quốc.
(16) Xem Olivia Milburn (translator), An Annotated Translation of the Yuejue shu, Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands  (2010), trang 266.
(17) Xem sđd, trang 235.
(18) Edwin George Pulleyblank (1922 – 2013): nhà Hán học người Canada, ông được biết đến nhờ những nghiên cứu về Âm vị học Lịch sử.
(19) Axel Schuessler: Giáo sư Danh dự trường Đại học Wartburg, Iowa, Hoa Kỳ. Tác phẩm đáng chú ý gồm: A Dictionary of Early Zhou Chinese (1998), ABC Etymological Dictionaty of Old Chinese (2007), Minimal Old Chinese and Later Han Chinese: A companion to Grammata Serica Resenca (2009)…  
(20) Xem Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, Nxb Nguồn Xưa. Bản điện tử https://bit.ly/2T7khsC
(21) Xem Laurent Sagart (2008), “The Expansion of Setaria Farmers in East Asia: A Linguistic and Archaeological Model”. Trang 139 – 141. Nhận xét: Giả thuyết của Laurent Sagart bị phê phán bởi Robert Blust, Alexandre Vovin, George van Driem… những người cho rằng vài điểm giống nhau giữa Hán-Tạng và Nam Đảo chỉ là hậu quả của tiếp xúc từ thời cổ giữa hai cộng đồng.
(22) Trong quyển ABC Etymological Dictionaty of Old Chinese, trang 564-565, Schuessler giải thích chữ di 夷 như sau: Tên của các bộ lạc phi Hoa, có thể là người Austroasiatic, cư trú tại phía Đông và Đông Nam trung nguyên (Sơn Đông, lưu vực sông Hoài); từ thời Xuân Thu, được dùng để chỉ chung “người man rợ” (Pulleyblank 1983:440). Vì từ Yuè (= Việt) cổ chỉ “biển” vốn được cho là từ [Việt Tuyệt Thư 3.8] nên danh xưng của giống dân này có thể bắt nguồn từ cách gọi vốn chỉ những người sống bên bờ biển…. 
(23) Nguyên văn:  厥貢鹽絺,海物惟錯.岱畎絲,枲,鉛,松,怪石.萊夷作牧.厥篚檿絲. quyết cống diêm hy, hải vật duy thác. đại quyến ti, tỷ, diên, tùng, quái thạch. lai di tác mục. quyết phỉ yểm ti. Nhận xét: “Yểm 檿”là cây dâu núi, gỗ dùng làm cung, lá cho tằm ăn. Người Lai rất thạo việc sản xuất cung hay nuôi tằm dệt vải.
(24)
Nguyên văn: 大越海濱之民,獨以鳥田,小大有差,進退有行… đại việt hải tân chi dân, độc dĩ điểu điền, tiểu đại hữu sai, tiến thoái hữu hàng…

(25) Xem Eric Henry, “The Submerged History of Yuè”, Sino-Platonic Papers, number 176, May 2007 (edited by Victor H. Mair), trang 17. Bản điện tử https://bit.ly/37WkTJu
(26) Việt Tuyệt Thư nói về núi Tần Dư Hàng 秦余杭山 như sau: là nơi Việt vương vây chặn Ngô Phù Sai, cách huyện sở 50 lý (20.75 km). Trên núi có nguồn nước từ ao lớn, nằm cạnh Thái hồ. Nguyên văn: 越王棲吳夫差山也,去縣五十里。山有湖水,近太湖 Việt vương tê Ngô Phù Sai sơn dã, khứ huyện ngũ thập lý. Sơn hữu hồ thủy, cận Thái hồ.
(27)
Xem Wolfgang Behr, “Stray loanwords gleanings from two ancient Chinese text”. 16e Journées de Linguistique    d’Asie Orientale, EHESS/CRLAO, Paris, 3-4 Juin 2002, trang 2-3. Nhận xét: Do tập trung vào tiếng Kra-Dai, Behr đã thiếu quan tâm đến ngữ hệ Austroasiatic. Tu lư có vẻ không chỉ độc quyền bởi người Kra-Dai. Nếu âm Thái Lan hiện đại chỉ thuyền là /ˈrʉa/ (rưa) thì âm chỉ thuyền của vài sắc dân Nam Á khác vẫn rất gần, như Palaung là /rɯ/ (rư), Nyah Kur là /rɯ̀ə/ (rươ). Mặt khác, nếu đi theo hướng xem tu lư /*so//*b·raː/ như âm Nam Á, có thể giả định rằng /*so/, cũng như /*tu/, chính là một dạng âm Hoa của /*ɗuk/ vốn chỉ “thuyền”; /*b·raː/ là âm diễn đạt khái niệm sắc, nhọn, bén trong nhiều ngôn ngữ Austroasiatic. Như thế, tu lư có nghĩa thuyền nhọn hay thuyền mũi nhọn.

(28) Xem Olivia Milburn (translator), The Glory of Yue: An Annotated Translation of the Yuejue shu, Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands (2010), trang 141 -143.
(29) Âm /*kɓaŋ/ còn có nghĩa “quan tài”, như trong tiếng Biat /baŋ/, tiếng Sre /gəbaŋ/. Có lẽ thời tối cổ, người Nam Á chỉ dùng độc một âm “kbang” để chỉ cả thuyền độc mộc lẫn mộ thuyền. Trong tiếng Moken và Malay thuộc hệ Nam Đảo, nhà-thuyền được gọi là kabang gambang.
(30)
Âm /*dluuŋ/ hoặc /*pluŋ/ có thể phái sinh từ âm /*luŋ[h]/ hay /*luuŋh/ có nghĩa “cái lỗ”, “rỗng”, “khoan”, “đào bới” vốn chỉ phần được khoét rỗng, hoặc trạng thái rỗng của thân cây, hoặc thao tác tạo nên phần rỗng và tình trạng rỗng đó. Các khái niệm này liên quan đến những chiếc thuyền độc mộc đầu tiên của nhân loại. Âm tương ứng của Kinh Việt là lủng (thủng), trống, trũng, lũng, rỗng, xuồng.

(31) Thomas Hobbes (1588 – 1679): học giả người Anh, một trong những cha đẻ của bộ môn Triết lý Chính trị (Political Philosophy).
(32) Xem Olivia Milburn (translator), The Glory of Yue: An Annotated Translation of the Yuejue shu, Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands (2010), trang 3-4.

Tài liệu tham khảo:

Baxter&Sagart. 2014. “Old Chinese reconstruction, version 1.1”. https://bit.ly/397aT0c

Behr, Wolfgang. 2002. “Stray loanwords gleanings from two ancient Chinese text”. 16e Journées de Linguistique  d’Asie Orientale, EHESS/CRLAO, Paris, 3-4 Juin 2002. https://bit.ly/3ok8wdS

Milburn, Olivia (translator). 2010. The Glory of Yue: An Annotated Translation of the Yuejue shu. Nxb Koninklijke Brill NV, Leiden, The Netherlands.

Sagart, Laurent. 2008. “The Expansion of Setaria Farmers in East Asia: A Linguistic and Archaeological Model”. https://bit.ly/3u9oGce

Schuessler, Axel. 2007. ABC Etymological Dictionaty of Old Chinese. University of Hawai’i Press. https://bit.ly/3P0Vdwb

Shorto, Harry. A Mon-Khmer comparative dictionary. Paul Sidwell biên tập. Nxb Pacific Linguistics, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University, Canberra Act 0200, Australia (2006). https://bit.ly/3wIGUSJ

趙曄,吳越春秋.https://bit.ly/336qFFV

Triệu Diệp. Ngô Việt Xuân Thu. Ngô Trần Trung Nghĩa dịch. Nxb Văn Học (2020).

袁康吳平, 越絕書.https://bit.ly/361igov

Ghi chú:

– Các dữ liệu về ngôn ngữ được truy xuất từ http://sealang.net; http://zdic.net; http://en.wiktionary.org/wiki.
– Cách đọc phiên bằng chữ quốc ngữ chỉ tạm gần đúng. Để có khái niệm về phục dựng âm Hán cổ có thể xem mục Reconstructions of Old Chinese tại https://bit.ly/32k0ETo

3 thoughts on “Áo giáp Đường Di, kiếm Bộ Quang và mâu Khuất Lư

  1. Nếu “cô” có nghĩa là núi, thì “cô gia” là cách các vị quân chủ xưa dùng để xưng ở ngôi thứ nhất. Theo như khảo cứu của nhóm “Hùng Việt sử quán” thì các vị bị hiểu lầm là thần núi được thờ ở khu vực đền Hùng – Phú Thọ, gồm “Đột ngột Cao Sơn”, Viễn Sơn, Ất Sơn chính là 3 vị thánh tổ Hùng Vương lần lượt từ một đến ba. “Sơn” hẳn là từ mà người đời sau thay thế cho từ gốc thuộc cổ ngữ, mà ba vị thánh tổ đã dùng.

    Thích

Bình luận về bài viết này