Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 6

CHƯƠNG 6 : THỜI KỲ ABBASID 120 – 350 SH [737 – 961 CN]

Abu Muslim và Cách Mạng Abbasid

Tamim Ansary

Trần Quang Nghĩa dịch

Các hậu duệ của Yazid cai trị một số thời đại. Họ đan một cuộn chỉ quyền lực củng cố trên khắp thế giới Hồi giáo,  mỏ rộng quyền bá chủ đến tận Tây Ban Nha ở phía tây và Ấn Độ ở phía đông. Dưới nền quản trị của họ, các học thuyết Hồi giáo được hoàn thiện, ghi chép, và ấn chuẩn vào các bộ luật. Một bộ phận các học giả tôn giáo được sở hữu các bộ sách luật này, giống như các luật sư ở Mỹ, sở hữu bản hiến pháp và các điều luật diễn giải ra từ đó, và các học giả tôn giáo này làm việc nhịp nhàng với các chính trị gia và các bộ máy hành chính của triều đình Umayyad nhằm rèn đúc một xã hội Hồi giáo khác biệt.

Các sử gia Tây phương dòng chính luôn ca tụng tiến trình này. Người Umayyad đưa vào một phẩm chất kỳ diệu gọi là tính ổn định của thế giới văn mình. Sự ổn định khiến nông dân có thể lên kế hoạch cho vụ mùa năm sau, khiến doanh nghiệp đầu tư vào các dự án dài hạn. Nó cổ vũ học viên đăng ký các khóa học dài hạn với lòng tin là những điều mình học còn có thể áp dụng sau khi tốt nghiệp. Tính ổn định ban cho các học giả tự do đắm mình vào nghiên cứu và đào sâu vào các bí ẩn của tự nhiên mà không phải lo lắng cho thân nhân bị bọn côn đồ sát hại 

Tuy nhiên, tất cả điều này phải trả một giá nào đó, cái giá thông thường của sự ổn định, đảm bảo rằng hôm nay tình trạng thế nào thì ngày mai tình trạng cũng thế đó. Người giàu thì giàu thêm. Người nghèo đông đúc hơn. Các thành phố với kiến trúc hoành tráng mọc lên, nhưng những khu tồi tàn rộng lớn chìm đắm trong cảnh nghèo khổ bẩn thỉu. Công lý trở thành một tiện ích mà chỉ người giàu mới có thể sử dụng.

Các vấn đề khác cũng nổi lên. Sự bành trướng nhanh chóng của nền cai trị Hồi giáo mang nhiều sắc tộc đến dưới sự đùm bọc của người Hồi, và nảy sinh vấn để làm thế nào người Hồi thực thi được lời hứa về tình huynh đệ và tính bình đẳng cho tất cả bọn họ.

Các chính sách của Umayyad có thể xiển dương tiến trình Ả Rập hóa và Hồi giáo hóa nhưng không phải như nhau khắp mọi nơi.  Ở Bắc Phi, Ẳ Rập hóa tiến hành nhanh chóng, có lẽ miếng chắp vá các nền văn hóa bản địa đã bị phân mảnh bởi sự thuộc địa hóa của người Phoenicia – người La Mã đã trầm tích một lớp Latinh, người Vandal bước vào và phủ một lớp sơn bóng gốc Đức, và cuối cùng người Cơ đốc đã thấm nhuần vùng đất này. Bắc Phi không có ngôn ngữ hoặc văn hóa  đơn lẻ để gắn chặt nó với nhau; khi người Ả Rập đến với xác tín mạnh mẽ của mình, không có xác tín bản địa mạnh mẽ và thống nhất tương xứng có mặt ở đó để kháng cự lại. Vì vậy người Ả Rập hoàn toàn hòa tan và hấp thu mọi điều có ở đó trước đây.  Ai Cập và Levant cũng phần nào bị tiêu hóa dễ dàng, vì nhiều dân tộc này chia sẻ cùng một câu chuyện lịch sử với người Ả Rập, ngược dòng thời gian đều có chung tổ tiên truyền thống như Abraham, Noah, và Adam. Phần đông dân chúng đã tán thành ý tưởng độc thần. Tiếng Hebrew và Aramaic đều là ngôn ngữ Semitic, như tiếng Ả Rập. 

Ba Tư,  tuy nhiên –  à, lại là chuyện hoàn toàn khác! Người Ba Tư là một dân tộc Ấn-Âu, không phải Semitic. Họ có một nền văn minh của riêng họ, một lịch sử đáng tự hào, và một ngôn ngữ sẽ không chịu khuất phục.  Nhiều người Ba Tư chấp nhận đạo Hồi,  nhưng họ không bị Ả Rập hóa. Những người cải sang đạo Hồi trình diện trước xã hội một sự nghịch lý tôn giáo. Đạo Hồi tuyên bố sẽ tạo bình đẳng  cho mọi người theo đạo. Gia nhập Umma và bạn sẽ gia nhập một thế giới huynh đệ bình đẳng – đó là lời hứa hẹn của tôn giáo mới này, phong trào hùng mạnh này. Nhưng xã hội mà người Ả Rập thống trị được hun đúc bởi triều Umayyad không thể giữ tròn lời hứa. Người Ả Rập giờ đây là tầng lớp cai trị; họ là giới quý tộc. Chẳng những còn lâu mới phô trương vị thế bình đẳng cho mọi người, xã hội Umayyad còn sinh sôi những định chế chính thức để phân biệt các thứ bậc khác nhau trong xã hội và gìn giữ tính phân tầng: người Hồi Ả Rập thuần huyết thống ở chóp bu; bên dưới họ, người Hồi chỉ có cha hay mẹ là người Ả Rập; rồi người Hồi không huyết thống Ả Rập; rồi đến người Hồi không có gốc Ả Rập và có cha mẹ không theo đạo Hồi; rồi đến người không theo đạo Hồi nhưng ít nhất thuộc về một trong các giáo phái độc thần; và cứ thế xuống đến mức thấp nhất, hàng ngũ đa thần giáo sinh bởi cha mẹ đa thần giáo, thực sự không có quyền hợp pháp nào cả.

Sự cọ xát giữa các thang bặc xã hội này, và nhất là giữa các quý tộc mới Ả Rập và các quý tộc Ba Tư trước đây, nhen nhúm một tình trạng bất bình âm ỉ bên dưới bề mặt trong phần lãnh thổ này của đế chế Hồi giáo. 

Một bóng đen khác cũng ám ảnh lương tri của thế giới Hồi giáo. Lịch sử thiêng liêng Hồi giáo phong phú một cách khó hiểu với các giai thoại về lối sống giản dị, kham khổ của các nhà thành lập.  Tính giản dị và khiêm tốn của họ tạo thành chính điều cốt yếu đã lôi kéo dân chúng với tư cách là những nhân vật tôn giáo. Do đó không tránh khỏi một cảm giác bắt đầu thấm xuống tầng lớp thấp kém của xã hội mới này rằng có gì đó không ổn về tất cả sự hào nhoáng này. Xã hội phồn vinh, thừa mứa khoái lạc này không thể là xã hội mà Allah đã đề xướng khi ngài giao cho Mohammed nhiệm vụ thành lập một cộng đồng công chính nguyện hiến dâng cho sự phụng thờ đấng Thượng Đế độc nhất. Tất nhiên, nếu bạn là người giàu có hơn, chắc chắn các nhận định ấy ít khi quấy rối giấc mơ của bạn. Đối với người nghèo, tuy nhiên, các truyện kể về thói xa hoa tại triều đình  và cảnh tượng các tên quý tộc Ả Rập sực nức mùi nước hoa đi xe qua đường phố, ăn vận đồ lụa là, hẳn phải khêu gợi sự so sánh với chiếc chăn giản dị gấp làm bốn của Mohammed để vừa làm đệm lót vừa làm chăn đắp và Kha-lip Omar ngồi tại bàn khâu vá chiếc giày của mình. Thêm vào điều này là cái mùi vị để lại sau vụ Umayyad  đi đến quyền lực, một tiến trình đã làm phát sinh hai phong trào chống đối kéo dài, giáo phái Shi’i và Kharijite.

Người theo Kharijite thuộc số ít, nhưng phong trào của họ cực đoan hơn. Thần học của họ tiến đến việc tập trung vào những yêu sách thuần khiết. Họ cho rằng quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo thuộc về người thực hành chuyên cần nhất những gì giáo lý truyền giảng.  Không nhà cai trị thế tục nào mọi nơi trên thế giới có thể hội đủ các chuẩn mực của người Kharijite, vì thế người  Kharijite có thể thuyết giảng cách mạng trong bất kỳ trường hợp nào. Khi mà có bất kỳ ai đó nắm quyền, thì là có người thấy mình bị áp bức, bọn kích động Kharijite có thể sử dụng học thuyết của mình để đốt lên làn sóng nổi loạn. 

Khi thời gian trôi đi, tuy nhiên, giáo phái Kharijite tắt ngấm dần vì họ thuần khiết quá đáng tại một thời điểm mà càng ngày có nhiều người đặt cược vào sự thịnh vượng mới. Những người thất bại trong xã hội có thể đã bất mãn, nhưng thậm chí ít sẵn sàng hơn để đổi chác vốn ít ỏi họ có để lấy điều không có gì vui mà người Kharijite ban cho. Chính người Shi’i mới là mối đe dọa thực sự đối với trật tự đã được thiết lập, và sau cái chết của nhóm Hussein tại Karbala, mối đe dọa này tích tụ thêm sức mạnh.

Các đấng imam của giáo phái Shi’i không còn trực tiếp thách thức ngôi vương nhiều; họ bắt đầu tách rời ý nghĩa của Imam ra khỏi ý nghĩa của kha-lip, tự xác định mình còn thuần khiết hơn bằng thuật ngữ tôn giáo. Nhưng các cuộc nổi loạn của Shi’i tiếp tục tạo nên tình trạng  vô trật tự nhân danh các imam, tiếp tục châm ngòi cho các vụ nổi loạn nhằm đưa hết hậu duệ này đến hậu duệ khác của Ali lên đỉnh cao quyền lực, tiếp tục nuôi dưỡng ý niệm rằng chức kha-lip không thuộc về dòng Umayyard,  tiếp tục phá vỡ tính hợp pháp của các nhà cai trị thế tục của đạo Hồi. 

Mối đe dọa của giáo phái Shi’i gây di căn vì sự đồng bộ đáng ngại diễn tiến trong thời Umayyad.  Đó là:

  • Người Shi’i là nhóm người bị hắt hủi về tôn giáo bị đàn áp của đạo Hồi.
  • Người Ba Tư là nhóm người bị hắt hủi về sắc tộc bị đàn áp của đạo Hồi.
  • Người Shi’i chế giễu định chế tôn giáo chính thống.
  • Người Ba Tư chế giễu định chế chính trị Ả Rập.

Điều không tránh khỏi là hai phe này bắt tay nhau. Người Ba Tư bắt đầu đi theo giáo phái Shi’i, và các phần tử kích động Shi’i bắt đầu hướng về phía đông thuộc Ba Tư để chiêu mộ  lực lượng. Khi hai dòng thác hòa vào nhau, nổi loạn bắt đầu sôi sục. Nó thậm chí càng sôi sục khi đi xa hơn về phía đông, nơi mà lực lượng cảnh sát Umayyad mỏng dần, trong khi tình cảm chống Ả Rập càng lên cao.

Một hôm, khoảng 120 SH, một người đàn ông bí ẩn bất  chợt đến thành phố Merv. Tiền đồn heo hút này của đế chế  nằm cách Damascus khoảng 1500 dặm về phía đông.  Ở đây trong miền đông hoang đã, kẻ xa lạ này bắt đầu kích động chống triều Umayyad bằng cách loan truyền câu chuyện tôn giáo thuộc thiên niên kỷ nói về ngày đối đầu khải huyền giữa thiện và ác đang đến gần.

Không ai biết rõ về gã này, ngay cả tên thật của y. Y được biết dưới tên Abu Muslim, nhưng đó hiển nhiên là bí danh, vì nó là chữ tắt của Muslim abu Muslim bin Muslim, nghĩa là “Người Hồi,  con trai của cha người Hồi, cha của con trai Hồi.” Như bạn có thể thấy, gã đàn ông này chịu khó xác minh mình có lý lịch Hồi giáo một trăm phần trăm.

Sự thật, Abu Muslim là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, được phái đến Merv bởi một nhóm hoạt động ngầm lén lút đặt căn cứ ở Iraq có tên là Hashimite. Nhóm này pha trộn giữa giáo phái và đảng chính trị, mà thành viên hạt nhân chưa hề vượt quá 30 tuổi. Tên đó chỉ đến dòng họ của Nhà Tiên Tri, Banu Hashim, và mục tiêu của nó là cử ra một thành viên trong gia đình Nhà Tiên Tri đứng đầu thế giới Hồi giáo.  Đây chỉ là một trong nhiều băng nhóm hung hăng của bọn âm mưu chống chính quyền hoạt động tại thời điểm đó, tất cả đều thuyết giảng cùng một phiên bản của cùng một thông điệp: cộng đồng đã đi lệch đường, lịch sử đã ra khỏi lộ trình, sứ mạng của Sứ Giả đã bị phá vỡ, và việc lật đổ bọn Umayyad và trao quyền cho một thành viên trong gia đình Nhà Tiên Tri thay thế sẽ đưa mọi việc vào đúng hướng. Cho phép tôi lưu ý là câu chuyện này đã được tái chế hết lần này đến lần khác trong thế giới Hồi giáo theo dòng lịch sử, và một số phiên bản của nó vẫn còn tường thuật đến tận hôm nay,  bởi các tay cách mạng chỉ thay từ “Umayyad” bằng “Tây phương. “

Buồn thay cho phe Hashimite, họ không có thành viên thực sự nào thuộc dòng dõi gia đình Nhà Tiên Tri  để xiển dương.  Tuy nhiên,  họ có Abu al-Abbas, một anh chàng tự xưng là dòng dõi của Abbas ibn Abd al-Muttalib, một người chú của Tiên Tri Mohammed, vì thế ít ra anh cũng có họ hàng với Nhà Tiên Tri theo huyết thống, và quan trọng hơn, anh ta muốn cho doanh nghiệp Hashimite mượn tên mình.

Người chú tổ tiên đang nói đến, ông Abbas gốc, là thuộc số người cải sang đạo Hồi khá muộn, và trong thời ông, thật khá bất tiện, là không ai từng xem ông là một ứng viên để kế vị Mohammed,  vì thế ông không phải là tổ tiên lý tưởng cho người thuần túy cách mạng. Một hậu duệ trực tiếp của Ali và Fatima sẽ chắc chắn tốt hơn nhiều, nhưng không có con cháu của Ali nào chịu đi theo chính nghĩa của nhóm Hashimites, vì thế Abu al-Abbas cũng tạm được. Đôi khi bạn phải ra trận với gã bù nhìn bạn có, chứ không phải gã bù nhìn bạn ước có. 

Abu Muslim không gặp nhiều rắc rối trong việc lợi dụng sự bất mãn đang sôi sục ở Khorasan, tỉnh lỵ vươn dài từ Iran qua Afghanistan.  Tại những điểm mấu chốt trong lời hiệu triệu của mình, Abu Muslim khá mơ hồ khi đề cập ai chính xác sẽ là người trở thành kha-lip một khi cách mạng thành công. Những ai mong đợi một hậu duệ của Ali có thể tưởng rằng một nhân vật như thế ắt hẳn đang đợi trong cánh gà, tạm thời ẩn danh vì các lý do an ninh. 

Táo bạo, không khoan nhượng, lôi cuốn, Abu Muslim nhanh chóng phát triển vai trò của mình như là một đặc vụ cho mọi người và nổi lên như một nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Abbasid (gọi tên theo nhà lãnh đạo được giả định của nó, Abu al-Abbas.) Tại đó ở Khorasan, Abu Muslim chiêu mộ cán bộ cách mạng, huấn luyện họ cách chiến đấu, và thấm nhuần họ với học thuyết Hashimite. Các cán bộ của ông có thể được nhận diện nhờ bộ y phục đen họ mặc trên người và lá cờ đen họ mang theo. Họ thậm chí sơn đen vũ khi của  mình. Tình cờ, quân đội Umayyad công nhận màu trắng là màu của mình. Có lẽ bạn cho rằng lối chọn màu đen này thật khá kỳ lạ này đối với  một giáo phái, xưng mình là đại diện cho cái thiện, và đang thuyết giảng về một trận chiến khải huyền giữa thiện và ác, nhưng bạn nên nhớ rằng ở Ba Tư  màu trắng được coi là màu tang tóc, màu của cái chết. (Người Hồi giáo cách mạng gần đây ở Afghanistan có tên Taliban chọn y phục đen làm đồng phục của mình.)

Vào năm 125 SH (747 CN)  Abu Muslim và chiến binh áo đen của mình bắt đầu hành quân về hướng tây. Họ không gặp nhiều kháng cự khi băng qua đất Ba Tư, nơi hầu hết dân chúng đều hăng hái hậu thuẫn họ lật đổ bọn Umayyad hống hách. Đúng ra, họ chiêu mộ thêm nhiều binh lính và động lực trên đường tiến đánh.

Vào năm 750 CN , quân đội hắc bạch chạm trán nhau trên bờ Sông Great Zab ở Iraq. Mặc dù bị áp đảo về quân số, chiến binh áo đen đánh tan tác các lực lượng đế chế, và vị kha-lip cuối cùng của triều đại Umayyad phải bỏ chạy thoát thân, tìm đường đến Ai Cập; trong năm đó, các đặc vụ Abbasid săn lùng ông ta ở đó và sát hại ông

Phe Hashimite tuyên bố Abbas là tân kha-lip của Hồi giáo. Không ai thực sự bàn luận về tiến trình vừa xảy ra: nó không phải là một kết quả do Thượng Đế xếp đặt bất khả kháng, cũng không phải là một cuộc bầu cử, thậm chí cũng không phải là một quyết định của một hội đồng nhân sĩ. Không, vị kha-lip mới được giao quyền lực bởi một con người với một băng nhóm sắt thép tổ chức chặt chẽ. Không thành vấn đề. Quyền lãnh đạo (phù!) cuối cùng trở lại nơi nó thuộc về, vào tay một thành viên trong gia đình Nhà Tiên Tri. Giờ đây, cuối cùng,  dự án xã hội Hồi giáo có thể trở lại đúng lộ trình.

 Chắc chắn đó là năm hạnh phúc nhất của cuộc đời  Abu Muslim, năm mà nỗ lực của cả đời người cuối cùng cũng đâm hoa kết trái! Có lẽ ông thực sự nghĩ rằng lật đổ dòng họ Umayyad sẽ phục hồi sự truy tìm cộng đồng đã mất. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sự vỡ mộng bắt đầu. Trước hết, hóa ra gã bù nhìn không xem mình là bù nhìn. Qua năm tháng Abbas đã tạo dựng một cơ sở thực sự bên trong phong trào đã chọn ông làm bù nhìn của họ và giờ Abu Muslim đã làm xong công việc của một con lừa, Abbas nói cám ơn ông rất nhiều và lên ngôi.

Vị kha-lip mới nhớ rằng Mu’awiya đã củng cố quyền lực của mình bằng cách đeo bao tay nhung vào nắm tay sắt và khuất phục được kẻ thù trước đây của mình bằng sự nhã nhặn và duyên dáng. Theo đó, nhà cai trị mới cho mời các thành viên lãnh đạo của dòng họ Umayyad đến dùng bánh mì với mình, chỉ để chứng tỏ rằng không có thù oán gì.

Vâng, đáng lẽ tôi không nên nói “dùng bánh mì”. Nghe như thể ông chỉ chiêu đãi quan khách một bữa ăn giản dị gồm bánh mì lúa mạch với súp, như Nhà Tiên Tri có thể đã chia sẻ với Omar. Kiểu ăn uống đó xưa rồi. Không, những thành viên Umayyad còn sống thấy mình cũng được ngã lưng trên gối trong khi bọn phục vụ vênh váo bước vào với các khay xinh xắn chất cao các thức cao lương mỹ vị. Tiếng cười rộn rã vang lên, chuyện trò trở nên  sôi nổi, và một không khí thân thiết tràn ngập. Tuy nhiên, ngay khi mọi người sẵn sàng đắm chìm trong yến tiệc,  thì các tên phục vụ vứt phăng áo choàng để lộ ra vũ khí bên dưới.  Hóa ra chúng không phải là bồi bàn, mà là  những tên hành hình. Bọn Umayyad nhảy bật dậy, nhưng đã quá muộn: cửa phòng đã khóa chặt. Binh lính ùa lên và đập bọn Umayyad đến chết. Từ đó trở đi,  Abbas nhận được một danh hiệu mới, al-Saffah, nghĩa là “tên đồ tể.”

Tuy nhiên, việc đó chỉ làm lợi cho ông ít thôi, vì chẳng bao lâu ông chết vì bệnh đậu mùa và em ông al-Mansur lên ngôi. Mansur phải tranh giành chút xíu với các đối thủ, nhưng rồi Abu Muslim nhảy vào và lấy được ngôi vua cho y, sau đó ông trở về Khorasan.  Abu Muslim không thiết chức vị kha-lip cho mình, cho dù ông có sức mạnh quân sự để đoạt lấy những gì mình muốn.  Ông dường như công nhận tính hợp pháp của quyền cai trị Abbasid. Có lẽ ông đích thực là một con người lý tưởng có nguyên tắc.

Vậy mà có điều gì đó Mansur không ưa con người này, Abu Muslim. Phải, có lẽ đó là một điều đặc biệt: Abu Muslim rất được dân chúng yêu chuộng. Phải rồi, hai điều: ông được yêu chuộng, và ông có quân đội riêng. Một  hôm, Mansur mời Abu Muslim đến thăm và chia sẻ một bữa ăn tình nghĩa. Chuyện gì xảy ra sau đó minh họa cho câu tục ngữ là khi một ông vua Abbasid mời bạn ăn tối, bạn nên sắp xếp để hôm đó bận bịu. Họ tụ tập tại một địa điểm cắm trại ven sông và Mansur trải qua ngày đầu tiên đa tạ hậu hĩ Abu Muslim vì tất cả công lao cao thượng của ông; đến đêm sau y cho bọn cận vệ cắt họng Abu Muslim rồi ném thi thể xuống sông. 

Triều dài kha-lip thứ hai của Hồi giáo đã bắt đầu như thế đó.

Bộ máy tuyên truyền Abbasid bận rộn bịa ra câu chuyện về ý nghĩa của sự chuyển giao này. Họ dán cho nó một chiều hướng cách mạng mới cho Umma. Giờ đây mọi sự sẽ khác, họ nói. Thật ra, mọi thứ vẫn gần như cũ, chỉ có nhiều hơn, vừa tốt hơn vừa tệ hơn.

Dòng Umayyad đã đắm chìm trong phù phiếm và xa hoa, nhưng so sánh với dòng Abbasid,họ dường như giống một tiểu điền chủ quê mùa sống đời giản dị. Dưới triều Umayyad,  giới Hồi giáo đã hoàn toàn thịnh vượng. Vâng, dưới triều Abbasid,  kinh tế thực sự bùng phát sức năng động. Và như người Umayyad,  người Abbasid là các nhà cai trị thế tục sử dụng do thám, lực lượng cảnh sát, và các đạo quân chuyên nghiệp để duy trì sự kìm kẹp.

Vì người Abbasid đi tới quyền lực nhờ làn sóng bất mãn của người Shi’i, bạn có thể cho rằng ít ra về phương diện này họ sẽ khác với người Umayyad,  nhưng bạn mắc sai lầm nghiêm trọng rồi đấy. Người Abbasid nhanh chóng đi theo lối tiếp cận chính thống với đạo Hồi, chắc hẳn bởi vì định chế tôn giáo chính thống, tất cả học giả đó, đã nắm được nhiều quyền lực xã hội ở Hồi giáo đến nỗi đi theo học thuyết của họ là việc làm mang tính chính trị. Thật ra,  chỉ trong thời Abbasid (như chúng ta sẽ thấy trong chương sau) mà lối tiếp cận dòng chính đối với đạo Hồi mới có nhãn hiệu Sunni, vì chỉ đến bây giờ nó mới kết tính thành một giáo phái riêng biệt với tên riêng của mình. 

Trong những ngày đầu tiên của triều đại Abbasid,  nhiều người Shi’i ngây thơ tưởng rằng al-Saffah và gia đình ông ta chuẩn bị đặt vị imam được người Shi’i công nhận lên ngôi, qua đó tấn phong nền hòa bình thiên niên kỷ mà người Hashimite đã tiên đoán trong tuyên truyền của họ. Thay vào đó, cuộc săn lùng hậu duệ của Ali nóng lên. Thật ra, khi vị kha-lip thứ ba của triều đại này mất, theo một nữ tỳ của ông, vị kha-lip kế vị tìm thấy một gian phòng bí mật trong cung điện,  dẫn đến một tầng ngầm tại đó vị kha-lip tiền nhiệm đã thu thập thi thể tất cả hậu duệ của Ali mà ông ta đã tóm được và thủ tiêu. (Họ không nhất thiết phải là hậu duệ của Fatima, vì Ali có vợ khác sau khi Fatima qua đời.)

Nhưng Abbasid cũng nâng cấp mọi thành tựu của nền cai trị Umayyad. Người Umayyad đã chủ trì công cuộc đâm hoa kết trái của kinh tế, nghệ thuật, tư tưởng, văn hóa, và văn mình. Tất cả sự tráng lệ và động lực này tăng tốc đến đỉnh cao trong triều đại Abbasid, tạo cho hai thế kỷ cai trị đầu tiên của họ được lich sử Tây phương (và nhiều người Hồi đương thời) nhớ đến như là Thời Hoàng Kim của đạo Hồi.

Một trong các động thái đầu tiên của Mansur, chẳng hạn,  là xây dựng cho mình một kinh đô mới, một thành phố tên Baghdad, hoàn tất vào năm 143 SH (765 CN). Thành phố ông dựng lên tồn tại đến ngày nay, mặc dù nó bị tàn phá và tái thiết nhiều lần qua nhiều thế kỷ, và đang trong tiến trình bị phá hủy lần nữa. (Tác giả viết quyển sách này trong thời gian có chiến tranh vùng Vịnh).

Mansur đi khảo sát lãnh thổ của mình vài năm trước khi tìm được địa điểm hoàn hảo cho thành phố của mình: một nơi giữa Tigris và Euphrates chỗ các con sông đến gần sát lại đến nỗi một thành phố có thể vươn dài từ bờ sông này đến bờ sông kia. Đúng ngay chính giữa khoảng không gian này, Mansur dựng một vòng tường thành tròn trịa, chu vi một dặm, cao 98 bộ, và dày 145 bộ ở đáy. “Thành phố” bên trong chiếc bánh doughnut khổng lồ này đúng là một phức hợp cung điện rộng lớn đơn lẻ, trung tâm thần kinh mới của đế chế rộng lớn nhất thế giới.

Phải mất 5 năm mới xây xong Thành Tròn. Khoảng 100,000 thợ thiết kế, thợ thủ công, và công nhân làm việc tại đó. Những nhân công này sống chung quanh thành phố họ đang xây dựng, vì thế nhà cửa họ hình thành một vòng cung thành phố khác kém trật tự hơn bao quanh hạt nhân hoành tráng. Và tất nhiên các chủ cửa hiệu và lao động dịch vụ đổ về tìm cách mưu sinh bằng việc buôn bán và làm dịch vụ cho thợ đang làm việc tại Thành Tròn, và do đó tạo thêm một vùng đô thị tranh tối tranh sáng khác quanh vòng cũng kém trật tự đã bao quanh hạt nhân tròn hoàn hảo.

Trong vòng 20 năm, Baghdad là thành phố lớn nhất trên thế giới và có thể là thành phố lớn nhất từ xưa đến thời điểm đó: nó là thành phố đầu tiên mà dân số lên đến 1 triệu người. Baghdad phát triển vượt quá các con sông, thành ra Tigris và Euphrates đúng là chảy xuyên qua Baghdad,  chứ không phải hai bên nó. Các con nước được phân tán qua một mạng lưới các kênh khiến thuyền bè có thể lưu thông trong thành phố giống như các xe buýt. Nó khá giống Venice, có điều cầu và làn đường cho phép dân chúng lưu thông trong thành phố đi bộ hoặc đi ngựa.

Baghdad  chẳng những lớn nhất mà còn nhộn nhịp nhất. Hai con sông lớn mở cửa ra Ấn Độ Dương cung ứng cho nó các phương tiện cảng khủng khiếp, hơn nữa nó dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ từ mọi hướng, vì thế tàu thuyền và đoàn xe hàng ra vào mỗi ngày, mang hàng hóa và nhà buôn từ mọi nơi trên khắp thế giới được biết – Trung Quốc,  Ấn Độ, Phi Châu, Tây Ban Nha….

Thương mại do nhà nước điều hành. Mỗi quốc tích có khu vực riêng và mỗi mặt hàng cũng thế. Trên một phố bạn có thể bắt gặp các nhà buôn vải vóc, trên phố khác các nhà phân phối xà phòng, trên phố khác nữa là chợ hoa, một phố khác cửa hàng trái cây. Phố Dụng Cụ Văn Phòng có trên 100 cửa hiệu bán giấy, một phát minh mới gần đây của Trung Quốc (mà Abbasid đã chạm trán và đánh bại vào năm 751 CN, trong một vùng giờ là Kazakhstan). Thợ vàng, thợ thiếc, và thợ rèn; thợ làm vũ khí và lò rèn; người đổi tiền, thợ xây cầu, thợ sửa giày, tất cả có thể được tìm thấy đang rao bán hàng hóa của mình tại các khu được chỉ định ở Baghdad hùng mạnh.  Thậm chí còn có khu lân cận với các quầy hàng và cửa hàng lộ thiên buôn bán hàng hóa linh tinh. Ya’qubi, một nhà địa lý Ả Rập của thời đó, cho rằng thành phố này có 6,000 đường phố và ngõ hẻm, 30,000 thánh đường, và 10,000 nhà tắm.

Đây là thành phố của các tháp canh và mái ngói được tán tụng trong Đêm Ả Rập, một tuyển tập các truyện dân gian được biến thành văn chương trong những ngày sau này của triều đại Abbasid. Những câu chuyện như Aladdin và cây đèn thần có bối cảnh thuộc thời trị vì của vị kha-lip Abbasid thứ tư và lừng danh nhất, Haroun al-Rashid, thể hiện đỉnh cao của sự tráng lệ và công lý. Các truyền thuyết về Haroun al-Rashid đặc tả ông là một quân vương nhân từ rất quan tâm đến phúc lợi thần dân mình đến nỗi ông thường hóa trang thành dân thường, trà trộn trong dân chúng, tìm hiểu trực tiếp tình cảnh khó khăn của họ và tìm biện pháp cứu giúp. Trong thực tế, theo tôi đoán, chính các tên do thám của vị kha-lip đã trà trộn giữa dân chúng hóa trang thành các tên hành khất bình thường, tìm hiểu dân tình để sửa sai thì ít mà đi tìm những tên bất mãn để trừng trị thì nhiều.

Thậm chí còn nhiều hơn trong thời Umayyad,  vị kha-lip thời Abbasid trở nên một nhân vật gần như thần thánh, người mà ngay cả người giàu có nhất và quan trọng nhất ít có cơ hội gặp mặt, nói chỉ đến để thỉnh nguyện.  Các kha-lip Abbasid cai trị qua các trung gian, và họ cách ly cho an toàn khỏi thực tế thường nhật với các nghi thức triều đình phiền toái vay mượn của truyền thống Byzantine và Sassanid. Vậy là, vâng, đạo Hồi đã chinh phục mọi vùng lãnh thổ do người Sassanid cai trị và nhiều vùng đất lãnh thổ đã từng do Byzantine cai trị,  nhưng cuối cùng các bóng ma của các đế chế bị sáp nhập này đã xâm nhập và làm thay đổi đạo Hồi. 


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s