Casaba Barnabas Horvath/ Geopolitical Monitor.
Cù Tuấn dịch
Trung Quốc được nhiều người coi là đồng minh quan trọng nhất của Nga trong cuộc xâm lược Ukraina. Tuy nhiên, sau gần hai tuần giao tranh, những tình tiết khó hiểu đã lên đến đỉnh điểm xung quanh thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến. Về nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng chứ không bỏ phiếu ủng hộ Nga. Về các lệnh trừng phạt đối với Nga, cho đến nay, Trung Quốc không tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ và hai ngân hàng lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc thậm chí đã từ chối giúp Nga xử lý các giao dịch xuất khẩu. Thay vì ủng hộ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi giảm leo thang xung đột. Trung Quốc dường như đang rút lại sự ủng hộ đối với Nga, ở mọi lĩnh vực từ ngoại giao đến kinh tế.
Tuy nhiên, mặt khác, những tuyên bố của Trung Quốc ngay trước cuộc chiến dường như cho thấy sự ủng hộ hoàn toàn của Bắc Kinh đối với Matxcơva, và việc Nga chờ đợi kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dường như xác nhận tin đồn rằng ông Tập đã yêu cầu Putin làm như vậy. Đến lượt mình, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những gì sắp tới và quyết định hỗ trợ Nga trong sự hiểu biết đầy đủ. Do đó việc hỗ trợ đầy đủ cho cuộc xâm lược trước khi nó bắt đầu, nhưng sau đó lại rút lui dần dần khi cuộc xâm lược đang diễn ra – Điều gì đang xảy ra ở đây? Có phải Trung Quốc đã thay đổi quyết định của mình do một số sự cố không mong muốn?
Điều gì sẽ xảy ra nếu như đó là một chiến lược nhất quán để khuyến khích Nga tấn công lúc đầu, nhưng quay đầu không hỗ trợ sau khi chiến tranh bắt đầu? Khi bạn hiểu biết về lịch sử quan hệ Trung-Nga, thì một chiến thắng của Nga dường như không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc quan tâm là một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, tiêu hao tài nguyên của Nga càng nhiều càng tốt, làm suy yếu nước này nhiều nhất có thể, đồng thời cô lập nước này với phương Tây càng nhiều càng tốt và cuối cùng thì Nga sẽ thất bại.
Lược sử quan hệ Trung-Nga
Trong hầu hết lịch sử quan hệ Trung-Nga, Nga là kẻ thù chứ không phải là đồng minh của Trung Quốc. Mục tiêu của Nga không phải là trở thành đối tác nhỏ trong liên minh Trung-Nga, mà là trở thành một cường quốc theo ý mình. Nga có một bản sắc cường quốc của riêng mình, có nghĩa là nước này theo đuổi chương trình nghị sự cường quốc của riêng mình, và như lịch sử đã cho chúng ta thấy, bất cứ khi nào chương trình nghị sự đó vượt quá lợi ích của Trung Quốc, Matxcơva hiếm khi do dự khi đối đầu với Bắc Kinh, và khi Nga càng mạnh thì nó càng sẵn sàng đối đầu trực tiếp.
Nga đã chiếm đoạt khoảng một triệu dặm vuông đất của Trung Quốc trong các hiệp ước của Aigun và Bắc Kinh năm 1858-1860 – một khu vực được gọi là “Ngoại Mãn Châu”, ngoại vi phía bắc của Mãn Châu cho đến thời điểm đó – và lãnh thổ cho đến nay được gọi là Viễn Đông thuộc Nga, với Vladivostok và Khabarovsk do những người di cư Nga thành lập. Sử học Trung Quốc vẫn coi những hiệp ước này là “những hiệp ước bất bình đẳng”, là sự sỉ nhục của phương Tây đối với Trung Quốc, và do đó, ngay cả khi hợp pháp về mặt pháp lý, chúng ít nhất là bất hợp pháp về mặt đạo đức. Mông Cổ cũng như nước cộng hòa tự trị Tuvan của Nga là một phần của Trung Quốc cho đến khi Đế chế nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911. Lần đầu tiên Nga ủng hộ họ giành độc lập trên thực tế vào những năm 1910 với Mông Cổ đóng vai trò là quốc gia đệm chiến lược chống lại Trung Quốc. Sau đó, những người Bolshevik mở rộng sự cai trị của Nga sang cả Mông Cổ và Tuva.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận nền độc lập của Mông Cổ và sát nhập trực tiếp Tuva. Hợp tác Trung-Xô sau chiến thắng của Đảng cộng sản ở Trung Quốc năm 1949 chỉ kéo dài một thập kỷ, và sau khi sự chia rẽ Trung-Xô xảy ra vào cuối những năm 1950, hai cường quốc này thậm chí đã đánh nhau với một cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào năm 1969 bên cạnh chính những vùng biên giới mà Nga đã mua lại trong các hiệp ước bất bình đẳng 1858-1860. Quan hệ giữa hai nước chỉ ấm lên sau khi Liên Xô sụp đổ, với việc Nga vừa trở nên yếu ớt đến mức phải tìm kiếm sự hợp tác, vừa bị Trung Quốc coi là vô hại. Sự hình thành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải dường như cho thấy sự khởi đầu của một liên minh Trung-Nga, tuy nhiên đề xuất của Trung Quốc về một khu vực mậu dịch tự do SCO đã bị Nga từ chối, cho thấy những lo ngại của Matxcơva ở phương Đông: Với dân số chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc, và nền kinh tế của Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với nền kinh tế của Trung Quốc, yếu tố duy nhất còn lại để Nga có thể nắm quyền cùng với Trung Quốc, giống như cách Canada xuất hiện bên cạnh Mỹ, là quân đội của họ.
Sau đó, việc thêm Ấn Độ và Pakistan với sự đối kháng lẫn nhau của họ vào SCO đã làm loãng tổ chức này đến mức vô nghĩa về mặt chiến lược và biến nó thành một thứ giống như một phiên bản châu Á của OSCE. Nga coi Kazakhstan là phạm vi ảnh hưởng của riêng mình, trong khi Trung Quốc, bằng cách kết nối Kazakhstan với Trung Quốc bằng các đường ống dẫn dầu và đầu tư vào ngành năng lượng Kazakhstan, đã quan tâm đến việc làm tăng cường sự độc lập của Kazakhstan để tách khỏi Nga và biến nước này trở thành quốc gia cung cấp năng lượng chính cho Trung Quốc. Tóm lại, hợp tác Trung-Nga trong những năm gần đây chỉ đơn thuần là tìm ra điểm chung chống lại Mỹ, thay vì hai bên coi nhau là đồng minh thực sự đáng tin cậy.
Một chiến thắng của Nga hay một thất bại của Nga sẽ xuất hiện trong bức tranh này như thế nào? Một chiến thắng của Nga chắc chắn sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Bằng cách nâng dân số của Liên minh Á-Âu – phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn của Nga – lên từ 185 triệu lên 226 triệu người thông qua việc sáp nhập Ukraina, và nâng cao vị thế chiến lược của Nga đối với NATO và EU bằng cách loại bỏ một quốc gia đệm với 41 triệu dân, Nga sẽ trở thành mạnh hơn đáng kể so với trước cuộc chiến, và một sự thay đổi như vậy sẽ gần về mặt địa chính trị với một kiểu tái lập Liên bang Xô viết. Nga trở nên mạnh hơn đáng kể, có nghĩa là quốc gia này sẽ ít sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc hơn, sẵn sàng theo đuổi chương trình nghị sự cường quốc của riêng mình hơn. Và Nga sẽ theo đuổi nó ở mức độ thậm chí có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, nhằm đặt mình trở thành người chơi thứ ba cùng với Mỹ và Trung Quốc như một tay chơi ngang hàng, hơn là đồng minh của Trung Quốc.
Thất bại của Nga sẽ như thế nào
Tuy nhiên, một thất bại của Nga, dường như vẫn có thể xảy ra, đặc biệt nếu nó xảy ra vào cuối một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, làm suy yếu đáng kể Nga và cô lập nước này khỏi phương Tây, đồng thời sẽ đặt nước này vào tình thế hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một đối tác cấp dưới trong liên minh Trung-Nga, nếu không muốn nói là một vệ tinh đơn thuần của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự của Nga, thứ mà cho đến nay vẫn được coi là ngang bằng với Trung Quốc, không chỉ thể hiện qua cuộc chiến này là ít ghê gớm hơn so với suy nghĩ của thế giới, mà còn bị tổn thất nặng nề, và sẽ tiếp tục chịu tổn thất nặng nề chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn. Ví dụ, theo một rò rỉ năm 2020 của trang web Lenta của Nga, Nga có ít hơn 3.000 xe tăng hoạt động; Theo các nguồn tin Ukraina, hơn 300 chiếc trong số đó đã bị phá hủy, nghĩa là hơn 10% tổng số xe tăng mà Nga có đã bị tiêu diệt chỉ trong vòng hai tuần. Mặt khác, Oryx, một blog quân sự độc lập, đã ước tính thiệt hại của Nga là 181 xe tăng tính đến sáng ngày 10 tháng 3 năm 2022. Con số này, mặc dù thấp hơn, vẫn cho thấy mức báo động là trung bình 12 xe tăng bị mất mỗi ngày, và ngay cả với tỷ lệ này, Nga sẽ mất 10% số xe tăng của mình vào ngày 20 tháng 3.
Nga được cho là đã tích trữ 60% ‘kho vũ khí mặt đất thông thường của mình ở biên giới Ukraina, và tỷ lệ này chỉ tăng kể từ đó. Nếu những nỗ lực quan trọng như vậy của Nga tiếp tục với những tổn thất lớn như vậy, quân đội Nga cuối cùng sẽ chỉ là cái bóng của mình, chưa kể đến những thiệt hại các lệnh trừng phạt sẽ gây ra cho nền kinh tế Nga. Một nước Nga suy yếu như vậy, bị cô lập khỏi phương Tây, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên minh với Trung Quốc theo bất kỳ điều khoản nào mà Trung Quốc yêu cầu. Liên minh này sẽ cung cấp cho Trung Quốc một đồng minh chiến lược chịu cam kết và ngoan ngoãn, cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia.
Mối nguy hiểm lớn duy nhất đối với Trung Quốc trong trường hợp Nga thất bại là khả năng thay đổi chế độ thân phương Tây. Khi thời gian trôi qua mà nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraina không có bước tiến cụ thể nào, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận đặt ra về khả năng có thể xảy ra một cuộc đảo chính chống lại Vladimir Putin trong trường hợp cuộc chiến kết thúc trong một thất bại rõ ràng và không thể phủ nhận đối với Nga. Trong trường hợp này, tất cả những hy sinh mà Nga phải gánh chịu cho cuộc chiến sẽ được chứng minh là vô ích.
Tuy nhiên, có một số yếu tố cần được xem xét ở đây: Thứ nhất, trong trường hợp Nga thất bại, sự thay đổi chế độ chỉ là một khả năng có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra, trong khi trong trường hợp Nga chiến thắng, thì sự tái lập vô hình của Liên Xô sẽ trở nên chắc chắn. Vì vậy, Đế chế Liên Xô phiên bản mới là một điều phải lo nhất định đối với Trung Quốc, trong khi đối với Đế chế Nga bản thất bại, thì kết cục tồi tệ chỉ là khả năng có thể xảy ra đối với Trung Quốc. Vladimir Putin rất có thể tiếp tục nắm quyền, và trong trường hợp đó, một nước Nga suy yếu sẽ là nước bị cô lập nhất với phương Tây, do đó phụ thuộc nhiều nhất vào liên minh với Trung Quốc. Thứ hai, ngay cả khi một sự thay đổi chế độ xảy ra, cũng không chắc chắn liệu đó có phải là một sự thay đổi ưu tú hay không. Nó có thể dễ dàng xảy ra theo cách mà tuyến thứ hai trong ban lãnh đạo của Putin chỉ đơn giản là loại bỏ chính Putin, đổ lỗi cho trách nhiệm của chính họ trong cuộc chiến cho ông ấy; tuy nhiên, họ và đảng Nước Nga Thống nhất vẫn tiếp tục điều hành đất nước Nga. Thứ ba, nếu việc thay đổi chế độ không phải là việc làm nội gián đơn thuần mà là hạ bệ luôn cả đảng Nước Nga Thống nhất và bản thân những người ưu tú của đảng này, thì trong suốt các cuộc bầu cử trong thập kỷ qua, hai đảng đối lập mạnh nhất của Nga không phải là các đảng thân phương Tây, mà là Đảng cực hữu của Vladimir Zhirinovsky và những người Cộng sản. Vì vậy, ngay cả khi đảng Nước Nga Thống nhất sụp đổ, thì rất có thể là Zhirinovsky, hoặc những người Cộng sản, hoặc một liên minh của cả hai lực lượng này sẽ tiếp quản đất nước Nga, chứ không phải một chính phủ thân phương Tây nào đó. Thứ tư, ngay cả khi bằng cách nào đó một số nhóm thân phương Tây cố gắng nắm quyền kiểm soát, với sự ủng hộ to lớn của không chỉ đảng Nước Nga thống nhất mà còn của Đảng Zhirinovsky và những người Cộng sản, sự ủng hộ của công chúng đối với chủ nghĩa dân tộc Nga chống phương Tây dường như vẫn còn mạnh mẽ, rằng bất kỳ nỗ lực tiếp quản thân phương Tây nào cũng có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn kéo dài hoặc thậm chí là một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, đây sẽ là thứ mà Trung Quốc có thể lợi dụng.
Về khả năng Nga suy yếu do hậu quả của chiến tranh, một sự thay đổi như vậy chắc chắn sẽ xảy ra nếu nó kết thúc với bất cứ điều gì giống như một chiến thắng hoàn toàn của Nga. Hơn nữa, Nga có thể sẽ không chỉ suy yếu, mà còn suy yếu đến nỗi mà nước này sẽ không bao giờ đạt được vị thế trong số các cường quốc trên thế giới trước chiến tranh một lần nữa. Nguồn lực kinh tế và nhân khẩu học của Nga trên thực tế quá yếu, điều đáng ngạc nhiên không phải là sự yếu kém mà quân đội của nước này thể hiện ở Ukraina, mà là làm sao nước này có thể duy trì sức mạnh như vậy rất lâu sau khi Liên Xô sụp đổ. Về quy mô dân số, Nga chỉ đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng toàn cầu, sau các quốc gia như Bangladesh, Nigeria và Pakistan. Về nền kinh tế, được đo bằng GDP trên tỷ lệ danh nghĩa, Nga chỉ đứng thứ 11, sau các quốc gia như Canada, Ý và Hàn Quốc. Hơn nữa, vì nền kinh tế của Nga bị chi phối bởi xuất khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên, nguyên liệu thô và lúa mì, nền kinh tế Nga kém phức tạp hơn đáng kể so với các nền kinh tế của các quốc gia trên. Với những yếu kém về nhân khẩu học và kinh tế, vị thế cường quốc của Nga chỉ được duy trì do những khả năng quân sự mà nước này được thừa hưởng từ thời Liên Xô, và vị thế quốc tế của Nga bị suy yếu sau cuộc chiến tại Ukraina đồng nghĩa với việc nước này sẽ chỉ có được thứ hạng của sức mạnh kinh tế và nhân khẩu học của nó mà thôi. dù sao cũng đã có duyên với nó rồi.
Hơn nữa, việc để lộ ra sự yếu kém tương đối của quân đội Nga mà thế giới đang chứng kiến bây giờ đã khiến vị thế quốc tế của Nga suy yếu, bởi vì thế giới thường đánh giá quân đội của một quốc gia mạnh hơn nhiều so với thực tế. Do đó, bên cạnh khả năng quân sự thực tế mà Nga thừa hưởng từ Liên Xô, thế giới đã nhận thấy khả năng này kém cỏi hơn so với họ từng nghĩ- và khả năng này Nga sẽ không bao giờ lấy lại được. Do đó, trong trường hợp bị thất bại, một nước Nga suy yếu bị cô lập khỏi phương Tây sẽ thấy mình ở một vị trí không còn lựa chọn nào khác ngoài việc liên kết với Trung Quốc, coi nước này như một đối tác chính trong một liên minh trong một thời gian không ngắn, không chỉ giới hạn trong giai đoạn hồi phục sau chiến tranh, mà sẽ là liên minh lâu dài trong nhiều thập kỷ tới.
Yếu tố Siberia
Yếu tố địa chính trị quan trọng trong quan hệ Trung-Nga trên hết là Siberia. Thái độ của Trung Quốc đối với Siberia từ lâu đã trở thành chủ đề thảo luận. Siberia, một khu vực rộng lớn, dân cư thưa thớt, giàu tài nguyên thiên nhiên nằm ngay cạnh Trung Quốc, và nền kinh tế khổng lồ, thiếu tài nguyên như Trung Quốc rõ ràng cần phải được theo dõi. Tiếp cận an toàn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia có nghĩa là một đảm bảo thuận lợi nhất cho an ninh của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Siberia dưới sự thống trị của nước Nga thù địch sẽ khiến Trung Quốc bị bóp nghẹt. Dù đã tuyên bố hay không, việc đạt được quyền tiếp cận an toàn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia là lợi ích địa chính trị cốt lõi trên thực tế đối với Trung Quốc.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể đạt được điều này bằng hai cách. Cách thứ nhất, tốt đẹp và sạch sẽ, là thông qua một số hình thức liên minh với Nga. Cách thứ hai, khá xấu xí, là dùng vũ lực để chiếm lấy Siberia hoặc các phần của nó. Trong trường hợp liên minh với Nga, nước Nga càng yếu càng tốt cho Trung Quốc, vì một nước Nga mạnh mẽ, có tư tưởng độc lập có thể sử dụng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn tài nguyên của Siberia để chống lại Trung Quốc, trong khi một nước Nga yếu kém ít có khả năng làm như vậy.
Về lựa chọn xấu xí, Siberia dễ bị Trung Quốc tấn công ở một mức độ lớn về nhiều mặt. Đông Siberia, phía đông của con sông Yenisei với diện tích khổng lồ hơn 10 triệu km vuông, chiếm khoảng 60% lãnh thổ của Nga, nhưng đồng thời, chỉ có khoảng 10% dân số Nga – 14 triệu người – thực sự sống ở đó, trong khi Mãn Châu và Nội Mông, các khu vực lân cận phía bắc của Trung Quốc có tổng dân số không dưới 123 triệu người.
Trên thực tế, dân số 14 triệu người của Đông Siberia ít hơn dân số khu vực đô thị của mỗi thành phố trong số ba thành phố hàng đầu của Trung Quốc: Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Trùng Khánh, gần bằng dân số của các thành phố Quảng Châu hoặc Thiên Tân, và ít hơn dân số của Đài Loan. Hơn nữa, các khu vực rộng lớn ở Đông Siberia là các chủ thể liên bang tự trị của các nhóm dân tộc bản địa châu Á của Nga, nơi sự cai trị của Nga thỉnh thoảng lại gặp phải một số kháng cự trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, vì Nga là một cường quốc hạt nhân, việc xâm chiếm Siberia như vậy có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, điều mà Trung Quốc chắc chắn sẽ không dám mạo hiểm.
Tuy nhiên, trong trường hợp khó xảy ra nhưng không hoàn toàn không thể được thảo luận ở trên, nếu Nga thất bại rõ ràng và không thể phủ nhận ở Ukraina, mà gây ra một cuộc đảo chính hoặc một số hình thức thay đổi chế độ khác ở Nga nhưng không diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ và kết thúc là tình trạng hỗn loạn kéo dài hoặc thậm chí nội chiến, thì tình huống như vậy có thể là thời điểm “bây giờ hoặc không bao giờ” để Trung Quốc tiến quân vào Siberia, có thể với lý do gìn giữ hòa bình hoặc một cái gì đó tương tự.
Tuy nhiên, đây vẫn là một kịch bản có khả năng xảy ra rất thấp, vì sự kết hợp đặc biệt của các sự kiện, yếu tố và ý định chín muồi để nó xảy ra, vì vậy kịch bản thực tế hơn mà Trung Quốc có thể đã và đang mong muốn chỉ đơn giản là kịch bản mà chiến tranh Ukraina làm suy yếu Nga, đồng thời cô lập Nga khỏi phương Tây ở mức độ mà nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc liên kết với Trung Quốc và chấp nhận một vai trò đàn em trong liên minh. Mặc dù ngay cả trong trường hợp này, với tính chất dễ bị tổn thương chiến lược của Đông Siberia, khả năng không được công bố của một phương án xấu xí có thể dễ dàng được Trung Quốc sử dụng để khiến Nga chịu áp lực tâm lý bất cứ khi nào nước này cân nhắc rời bỏ liên minh.
Chúng tôi không biết liệu Trung Quốc có rút lại sự ủng hộ dành cho Nga vì những lý do nêu trên hay không. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng nếu Trung Quốc muốn Nga giành chiến thắng, họ cần phải áp dụng một cách tiếp cận khác với cách mà họ đang áp dụng bây giờ, và giới tinh hoa Bắc Kinh chắc chắn nhận thức được điều này. Trung Quốc có thể lo ngại về các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong trường hợp họ cung cấp hỗ trợ thêm cho Nga, tuy nhiên vì Bắc Kinh dường như không ngại dấn thân vào cuộc chiến thương mại với Mỹ và Australia trước đó, những lo ngại này sẽ khó có thể ngăn cản Trung Quốc giúp đỡ Nga nếu họ thấy chiến thắng của Nga là quan trọng đối với khát vọng toàn cầu của Trung Quốc. Do đó, lời giải thích đơn giản nhất là Trung Quốc không muốn Nga chiến thắng bởi vì một nước Nga chiến thắng có thể sẽ trở nên quá quyết đoán và không dễ đối phó, trong khi một nước Nga bị đánh bại, suy yếu, bị cô lập sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một đồng minh chiến lược ngoan ngoãn của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Siberia trong quá trình này.
Với thực tế là Trung Quốc dường như đã biết về kế hoạch của Nga xâm lược Ukraina ngay từ đầu và khuyến khích Nga làm như vậy, và sau đó lại quay xe, tỏ thái độ không hợp tác khi chiến tranh bắt đầu, điều này cho thấy rằng Trung Quốc có thể đã đánh cược về một thất bại của Nga tại Ukraina.