Ngày 23/11/1984, một vụ đụng độ vũ trang đã xảy ra ở khu DMZ liên Triều, làm nhiều binh sĩ 2 miền Triều Tiên thương vong nhưng nguyên cớ lại xoay quanh… 1 người Liên Xô. Vasily Yakovlevich Matuzok, 22 tuổi, sinh viên học Ngôn ngữ Triều Tiên của Liên Xô. Năm 1984 được đi thực tập ở Triều Tiên, nhưng còn được đặc cách đi cùng với 1 phái đoàn ngoại giao lớn ở Liên Xô do Thứ trưởng bộ Ngoại giao Mikhail Kapitsa làm trưởng đoàn.
Thế nhưng có vẻ điều kiện sống ở Triều Tiên cũng như quê nhà Liên Xô khá thiếu thốn với Matuzok, nên anh quyết định thử vận may vượt biên sang Hàn Quốc. Ngày 23/11/1984, Matuzok giả vờ nhờ lính Triều Tiên chụp ảnh hộ, nhưng khi lính canh mất cảnh giác, Matuzok đã chạy một mạch về phía làng đình chiến Panmunjom, nơi có lính Mỹ-Hàn đứng canh.
Một trung đội Triều Tiên được cử đuổi theo sinh viên Liên Xô đào tẩu, bắn theo anh ta nhưng bằng cách thần kỳ Matuzok né được hết. Lúc này lính Triều Tiên đuổi theo Matuzok đã đi lạc vào biên giới Hàn Quốc gần cây số, nên phía Mỹ-Hàn cử 1 đội phản ứng nhanh tới truy lùng trung đội Triều Tiên đồng thời bịt đường về của họ. Trung đội lính Triều Tiên bị bao vây phải cố thủ trong một vườn cây, và 1 trận giao tranh 40 phút diễn ra sau đó. Phía Hàn Quốc xác nhận 1 binh nhì tên Jang Myung-Gi thiệt mạng và một số khác bị thương. Phía Mỹ cũng có 1 trung sĩ bị thương nặng. Không rõ số thương vong thực của Triều Tiên do một số binh sĩ đã tìm được đường thoát đi trước. Số còn lại trong vườn cây có 3 người bị tiêu diệt, 5 người bị thương. Sau đấy phía Triều Tiên có gọi điện đề nghị Mỹ-Hàn cho phép các binh sĩ Triều Tiên được phép ngừng chiến đấu và trở về. 6 binh sĩ Triều Tiên đã đầu hàng và được trở về sau đó. Một vài binh sĩ mất tích, không rõ là đã trốn thoát hay thiệt mạng chưa được tìm thấy.
Kết thúc trận đụng độ, phía Mỹ-Hàn tự coi mình đã thắng, có 26 quân nhân Mỹ và 17 quân nhân Hàn Quốc đã nhận được Huân chương cho lòng dũng cảm trong cuộc đụng độ chớp nhoáng và bất ngờ. Còn phía Triều Tiên, một vài quan sát viên Thụy Sĩ nói rằng đã thấy Triều Tiên xử tử 2 binh sĩ ngay sau trận vì để lọt sinh viên Liên Xô bỏ trốn, dù cũng chưa được xác thực. Nhưng điều người ta quan tâm nhất: số phận của Vasily Yakovlevich Matuzok thì lại không có thông tin nào được công bố, tới nay vẫn là bí ẩn. Matuzok sau này cũng chưa bao giờ được nhìn thấy ở Hàn Quốc, nên có tin đồn rằng để tránh căng thẳng ngoại giao, phía Hàn Quốc đã chuyển Matuzok tới 1 nước khác, có thể là Mỹ hoặc Philipines. Thành ra, vụ đào tẩu nổi tiếng nhất ở khu DMZ liên Triều lại là do 1 ông Liên Xô làm.
Phạm Đăng.