Nguyên là một đại tá quân đội dưới thời Tổng thống Pedro Pablo Ramirez, Juan Domingo Peron nổi lên vì có thiên hướng ủng hộ các phong trào công đoàn tại Argentina trong những năm cuối của Thế Chiến II. Cũng trong thời gian đó, ông quen biết với một ca sỹ, diễn viên xinh đẹp có tên là Eva Duarte, người sau này tạo ra những ảnh hưởng lớn lao tới con đường công danh của Juan Peron. Năm 1945, chính nhờ Eva Duarte vận động các nhóm công đoàn và dân chúng biểu tình mà Juan Peron mới được trả tự do sau khi bị chính phủ quân sự cầm tù vì có tư tưởng trái ngược. Ngay sau khi ra tù, Juan Peron đã tổ chức lễ cưới với Eva Duarte và từ đó người phụ nữ xinh đẹp này được mọi người biết đến dưới cái tên Eva Peron hay còn gọi là Evita.
Được sự trợ giúp của Evita, một người có rất nhiều ảnh hưởng với tầng lớp lao động và dân nghèo ở Argentina lúc bấy giờ, trong quá trình vận động tranh cử, Juan Peron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 1946 và trở thành tổng thống thứ 29. Tuy nhiên, trước đó ít người biết được rằng ngay từ khi còn là một sỹ quan quân đội Juan Peron luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với đất nước Italia của Benito và Đức dưới thời Adolf. Peron từng nói với những người bạn thân thiết rằng ông khâm phục phong cách điều hành đất nước của những người đi lên từ quân đội, trong số đó ông kính nể nhất là hai nhân vật trên. Ngay sau khi Đệ tam Đế chế sụp đổ mùa xuân năm 1945, Peron vẫn luôn thể hiện mình là người ủng hộ chế độ PX đến cùng.
Trong bối cảnh châu Âu vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn sau chiến thắng của phe Đồng minh, hàng loạt các nhân vật chóp bu trong hàng ngũ Đức tìm cách trà trộn vào làn sóng những người tị nạn thông thường hoặc thiết lập những con đường bí mật để rời khỏi châu Âu tới một số nước Nam Mỹ. Với sự đồng cảm dành cho họ, Peron khi đó mặc dù chưa phải là tổng thống nhưng qua các mối quan hệ cũng đã “kiếm” được 1.000 hộ chiếu trắng cho các sỹ quan trong quân đội của Đức đang tìm cách trốn chạy khỏi châu Âu. Những sự kiện này cũng lý giải tại sao chỉ ít năm sau khi lên nắm quyền, chính thể Peron đi theo đường lối sắt đá, đàn áp những người chống đối không đồng tình với những sự thay đổi. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn nhận định rằng chính thời kỳ của Peron đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy sau này của các chính phủ độc tài tại Mỹ Latin trong những năm 1970 và 1980. Bất chấp cách điều hành như vậy, chính phủ của Peron vẫn tồn tại nhờ sự thương mến và tình cảm mà người dân dành cho Evita vì những gì bà đã làm cho tầng lớp dân nghèo ở Argentina trong nhiều năm.
Đầu năm 1946, làn sóng đầu tiên của các quan chức và sỹ quan Đức thất trận đã có mặt ở Argentina và được bố trí ở nhiều địa phương khác nhau. Lúc bấy giờ, nhiều người cũng đồn đoán rằng nhiều nhân vật Đức trong nhóm đầu tiên này đã bày tỏ sự cám ơn đối với Peron bằng cách tài trợ cho chiến dịch tranh cử giúp cho ông này trở thành tổng thống vào năm đó. Ngay sau khi lên nắm quyền, Peron đã nghĩ ngay tới việc cần phải thiết lập một mạng lưới hỗ trợ cho những người trong chính quyền của Đức vẫn còn bị mắc kẹt ở châu Âu tới ẩn náu tại Argentina. Ban đầu, kế hoạch này được Peron dự định giao cho thư ký riêng của mình là Rodolfo Freude bởi vì người này có bố là Giám đốc Ngân hàng xuyên Đại dương của Đức và là người điều hành cộng đồng ủng hộ Đức tại Argentina. Tuy nhiên, sau khi xem xét mọi yếu tố Peron nhận thấy Evita, với tầm ảnh hưởng của mình, phù hợp hơn để thực hiện nhiệm vụ này và ông quyết định cử Đệ nhất Phu nhân lên đường sang châu Âu với danh nghĩa thúc đẩy quan hệ ngoại giao với một số nước như Tây Ban Nha, Anh, Thụy Sĩ và Tòa thánh Vatican.
Tháng 6/1947, Evita Peron dẫn đầu một phái đoàn cấp cao Argentina đi thăm châu Âu. Điểm dừng chân đầu tiên của Đệ nhất Phu nhân là Tây Ban Nha, nơi bà được Tướng Francisco Franco, người có mối quan hệ thân thiết với Juan Peron, đón tiếp với nghi lễ long trọng nhất của một nguyên thủ quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà Evita chọn Tây Ban Nha làm điểm đến đầu tiên. Quốc gia Nam Âu này dưới thời Franco luôn có chính sách nghiêng về phe trục cho dù một cách chính thức nước này vẫn giữ vai trò trung lập trong Thế Chiến II. Với sự tiếp tay của chính quyền Franco, Tây Ban Nha được coi là nơi ẩn náu ban đầu của những người bị phe đồng minh truy lùng sau khi chiến tranh kết thúc trước khi tìm được nơi tị nạn lâu dài ở Mỹ Latin hoặc Trung Đông.
Trong thời gian ở thăm Tây Ban Nha, Evita đã bí mật gặp gỡ một nhóm tay chân của cựu sỹ quan S.S Otto Skorzeny để thảo luận về kế hoạch hợp tác đưa những sỹ quan Đức đang bị săn lùng sang Argentina, đồng thời thông báo về cam kết của Juan Peron sẵn sàng đón tiếp và bố trí địa điểm định cư mới cho các nhân vật này. Lúc bấy giờ, Skorzeny là thủ lĩnh của Tổ chức cựu thành viên S.S (Organisation der ehemaligen S.S – Angehörigen, hay ODESSA) tại Tây Ban Nha dưới thời chính quyền Franco. Sau cuộc họp kín với Evita, nhóm này đã quyết định sử dụng hàng triệu USD bòn rút được của các ngân hàng Đức trước khi chiến tranh kết thúc để tổ chức các chuyến đưa tàn quân trốn chạy từ châu Âu sang Argentina.
Điểm đến tiếp theo của Evita trong chuyến đi đó là Tòa thánh Vatican. Cuộc gặp gỡ giữa Đệ nhất Phu nhân Argentina và Giáo hoàng Pio XII không chỉ đơn thuần là một buổi nói chuyện xã giao. Lúc đó, Vatican được coi là địa điểm cung cấp giấy tờ giả cho những người Đức bị truy nã. Theo tiết lộ của người săn lùng nổi tiếng John Loftus, Evita và Giáo hoàng đã thảo luận về phương thức cung cấp giấy tờ tùy thân, cách bảo vệ và cung cấp lương thực cho nhóm tàn quân Đức để họ có thể tiếp tục cuộc sống tại Argentina. Sau khi rời Vatican, Đệ nhất Phu nhân Argentina dự kiến đến Anh để tiếp xúc với Nữ hoàng Elizabeth nhưng chính phủ Anh đã từ chối đề xuất này bởi lo ngại sự có mặt của Evita có thể tạo ra sự tranh cãi về lập trường ủng hộ PX của Argentina, cũng như sự che chở Adolf thời trước chiến tranh của Hoàng gia. Thay vào đó, Evita đã tới thành phố Genova của Italia để gặp gỡ với Alberto Dodero, ông chủ của một đội tàu Argentina đang sinh sống ở đó. Sau khi được Evita thuyết phục và hứa hẹn trả một khoản tiền kếch sù, Dodero đã đồng ý sử dụng đội tàu của mình để đưa những người Đức đang bị truy lùng ở châu Âu sang tị nạn tại Argentina. Thời gian sau đó, các con tàu của Dodero đã chở hàng nghìn người sang Nam Mỹ, trong đó có cả những tội phạm chiến tranh như Mengele hay Eichmann.
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Evita là Geneva (Thụy Sỹ), nơi bà đã được bố trí gặp gỡ với Tổng thống Philipp Etter và nhiều quan chức cao cấp khác trong chính phủ Thụy Sỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là những hoạt động chính thức bề nổi, còn mục đích thực sự vẫn là những cuộc tiếp xúc bí mật để chắp nối các đầu mối trong mạng lưới hỗ trợ quan chức Đức trốn chạy khỏi châu Âu. Hàng loạt các cuộc tiếp xúc với những nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ, cũng như giới ngân hàng nước này đã được Evita thực hiện để tìm kiếm nguồn tài chính cho kế hoạch. Và những tài liệu được giải mật sau này cho thấy Thụy Sỹ, đặc biệt là các ngân hàng của nước này, đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch “giải thoát” của chính quyền Peron. Trong thời gian ở thăm Thụy Sỹ, Đệ nhất Phu nhân Argentina đã được Jacques Albert Cuttat, Giám đốc Lễ tân của Bộ Ngoại giao nước này tháp tùng và sắp xếp chương trình làm việc. Trên thực tế, Cuttat đã từng có thời gian công tác tại Argentina từ năm 1938 đến tận năm 1946 và có mối quan hệ mật thiết với gia đình Peron. Chính vì vậy, ngay trước chuyến đi của Evita tới Thụy Sỹ, nhân vật này đã được chỉ thị hỗ trợ Đệ nhất Phu nhân Argentina. Hơn nữa, Cuttat cũng chính là người có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhiều quan chức Đức khét tiếng đang lẩn trốn ở châu Âu, cũng như giới chủ các ngân hàng tại Thụy Sỹ.
Nhờ sự giúp đỡ của Cuttat, Evita đã tiếp xúc được với một số nhân vật có máu mặt trong chính phủ Thụy Sỹ để thành lập cái gọi là “Văn phòng Di trú” có nhiệm vụ làm thủ tục cho những người Đức chạy trốn sang Argentina, đặc biệt là những nhân vật có chuyên môn về khoa học. Trong khi đó, Đại sứ Argentina tại Thụy Sỹ Benito Llambi được giao nhiệm vụ tìm kiếm “khách hàng”. Thông qua giới thiệu của một điệp viên Thụy Sỹ có tên là Henry Guisan, Llambi đã tiếp xúc được với một loạt những nhà khoa học và kỹ sư Đức có ý định chuồn khỏi châu Âu, trong đó có cả kỹ sư tên lửa nổi tiếng Wernher von Braun. Theo Cơ quan cảnh sát Bern, văn phòng di trú bí mật được thành lập sau chuyến thăm của Evita nằm ở ngay trung tâm thủ đô Thụy Sỹ do ba công dân Argentina có tên là Carlos Fuldner, Herbert Helfferich và Georg Weiss điều hành. Báo cáo của cảnh sát mô tả ba nhân vật này là “những người của Đức QX 100%”. Tuy nhiên, việc những người này vẫn được phép hoạt động hợp pháp ngay giữa thủ đô Bern là còn bởi sự tiếp tay của chính cảnh sát và tình báo Thụy Sỹ. Theo tài liệu tình báo được giải mật sau này, Giám đốc cảnh sát liên bang Thụy Sỹ Heinrich Rothmund và sỹ quan tình báo Paul Schaufelberger là những người hỗ trợ và tham gia tích cực vào các hoạt động của văn phòng di trú Argentina trên. Một bức điện khẩn gửi từ Berne tới cơ quan ngoại giao Thụy Sỹ tại Roma vào thời gian đó viết: Văn phòng Cảnh sát Thụy Sỹ muốn gửi 16 người tị nạn sang Argentina trên một con tàu sẽ rời Genova vào ngày 26/3/1948. Tất cả đều mang chứng minh thư Thụy Sỹ và có đầy đủ visa. Đề nghị giúp đỡ.
Đối với phía Thụy Sỹ, lý do để họ dính vào đường dây quan hệ với Đức và Argentina, kể cả trong và sau Thế Chiến II, là vì các vấn đề chính trị và tài chính. Ignacio Klich, người phát ngôn của một ủy ban điều tra về mối quan hệ giữa Đức QX và Argentina, cho rằng những phi vụ làm ăn giữa hai bên lúc bấy giờ luôn bị thao túng bởi những nguồn tín dụng của Thụy Sỹ. Những nghi ngờ trên sau này đã được chứng minh khi người ta phát hiện ra rằng Johann Wehrli, một chủ ngân hàng Thụy Sỹ, đã mở một chi nhánh ở Buenos Aires dưới tên của con trai để làm nơi trung chuyển tiền cho các nhóm tàn quân Đức ẩn náu tại Argentina. Một tài liệu mật của Mỹ năm 1948 cũng cho thấy, chính phủ Thụy Sỹ cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc cung cấp giấy tờ giả giúp những người đang bị truy nã chạy trốn sang Argentina. Trên thực tế, việc Thụy Sỹ cung cấp giấy tờ giả cùng lúc đã giải quyết được hai vấn đề: Rũ bỏ trách nhiệm đối với những người Đức QX đang ẩn náu trên lãnh thổ của họ, đồng thời thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Theo tài liệu trên thì tất cả những người Đức muốn rời khỏi Thụy Sỹ một cách hợp pháp đều phải trả 200.000 frank Thụy Sỹ cho mỗi bộ giấy tờ đầy đủ. Ngoài ra, hai hãng hàng không Swissair và KLM cũng đã được huy động tham gia vào chiến dịch di chuyển tàn quân của Đức sang Argentina. Trong số những người chạy trốn được sang Argentina qua đường này có cả Tư lệnh trại tập trung Auschwitz, Joseph Schwamberger và sỹ quan S.S Erich Priebke.
Sau khi chế độ QX sụp đổ, rất nhiều tiền vàng và đồ vật quí giá cướp được của các gia đình Do Thái giàu có được coi là những bằng chứng chống lại họ đã được tặng lại cho vợ chồng Peron như là những món quà tạ ơn vì những gì Tổng thống Argentina đã làm cho họ sau chiến tranh. Kho báu của nước Đức bại trận bao gồm một số lượng lớn vàng thỏi đúc ra từ đồ trang sức thu giữ của người Do Thái tại các trại tị nạn, cùng với rất nhiều tranh và tượng quí được cất giấu. Rất nhiều trong số này đã được chuyển tới Argentina để trao tặng cho chính phủ nước này. Ngoài ra, vợ chồng Peron có rất nhiều tài khoản bí mật tại các nhà băng của Thụy Sỹ với số lượng lớn tiền mà đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Số tiền vàng này cũng giúp cho Peron có một cuộc sống sung túc tại Tây Ban Nha sau khi thất cử năm 1955 và buộc phải sang Tây Ban Nha sinh sống. Trong cuốn sách Người thừa kế của vị Tướng – Lịch sử chưa tiết lộ, tác giả Miguel Prenz viết rằng trong một vài lần, Tổng thống Peron có đề cập tới “nguồn gốc Nhật và Đức” của một số tài sản mà chính phủ Argentina lúc bấy giờ đang sở hữu. Nhiều năm sau đó, các tổ chức Do Thái đã cố gắng lần theo dấu vết của những nguồn tiền này và tố cáo chính phủ Peron đã giúp đỡ và tạo dựng nơi lẩn trốn trên lãnh thổ Argentina. Trong khi đó, việc một người phụ nữ được lòng dân chúng và luôn tìm cách đưa ra những chính sách vì lợi ích của tầng lớp thấp trong xã hội như Evita lại tham gia một cách tích cực vào kế hoạch hỗ trợ khiến nhiều người thất vọng. Trên thực tế, dường như việc bà trở thành vợ của Peron để rồi sau đó buộc phải làm theo những quyết định của chồng là một việc đã được tính toán và sắp đặt từ trước. Một người sống sót ở trại tập trung Dachau có tên là Jose Jakunovich tiết lộ rằng trong cuốn sách về phiên tòa ở Nuremberg có một tài liệu vô cùng quan trọng. Đó là một bức thư trao đổi giữa hai nhân vật chóp bu trong chính quyền Đức được viết trước khi Chiến tranh kết thúc (khi Peron chưa cưới Evita), trong đó có đoạn: Peron có một cô bạn gái có thể sẽ hữu ích cho chúng ta. Cô ta tên là Eva.
Tuy nhiên, chắc hẳn vợ chồng Peron không bao giờ có thể ngờ được rằng những nhóm tàn quân sau một thời gian giấu mình tại nhiều nơi trên đất Argentina lại trỗi dậy và một số còn được trọng dụng trong thời gian các chính quyền độc tài quân sự nắm quyền tại các nước Mỹ Latin. Những người tưởng như hết thời đó đã làm được nhiều hơn cả những gì mà Tổ chức cựu thành viên S.S (ODESSA) đã vạch ra. Khi các chế độ quân sự Mỹ Latin triển khai cái gọi là “cuộc chiến không biên giới” để đàn áp phong trào cánh tả, họ đã tuyển những người dưới thời Đức QX để truyền bá công nghệ tra tấn và tham gia vào các “Lữ đoàn tử thần”. Một trong những người tham gia tích cực nhất trong thời gian này là Klaus Barbie, hay còn được biết đến dưới biệt danh “Gã đồ tể Lyon”. Năm 1980, được sự giúp đỡ của một thế hệ mới tại Mỹ Latin, Barbie đã cùng với quân đội Bolivia thực hiện một cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ chính phủ trung tả cầm quyền ở quốc gia Nam Mỹ này. Không dừng lại ở đó, “Gã đồ tể Lyon” cùng với tay chân của mình đã truy lùng và giết hại rất nhiều các quan chức chính phủ và lãnh đạo các phong trào ủng hộ chính phủ hợp hiến Bolivia.
Ngày nay, phần lớn những nhân vật khét tiếng một thời đã ở thế giới bên kia nhưng những hậu quả từ việc Tổng thống Peron đưa họ sang Argentina sau chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong trí óc của các thế hệ người dân Mỹ Latin. Và có lẽ đây sẽ luôn là vết nhơ lớn nhất trong cuộc đời chính trị đầy sóng gió của vị tổng thống này. Theo hồ sơ giải mật của Đức, gần 9.000 nhân vật bị liệt vào tội phạm chiến tranh đã trốn đến Nam Mỹ sau Thế chiến 2. Trong đó, gần 5.000 người cập bến Argentina, 1.500 – 2.000 người đến Brazil, khoảng 500 – 1.000 người đến Chile, số còn lại chạy sang Paraguay hoặc Uruguay.
Tại Argentina, theo chuyên san The National Interest, một trong những chuyên gia được chính quyền Tổng thống Argentina Juan Peron trọng dụng nhất là kỹ sư máy bay người Pháp Emile Dewoitine. Ông chính là tác giả của D.520, chiến đấu cơ tốt nhất của Pháp đối mặt với lực lượng Luftwaffe vào thời điểm Đức tiến đánh Pháp vào năm 1940. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng vào tháng 6 năm đó, Dewoitine quay sang hợp tác với các chuyên gia Đức để phát triển máy bay cho Luftwaffe. Bị chính phủ hậu chiến Pháp xem là kẻ phản quốc, ông trốn sang Tây Ban Nha rồi vượt Đại Tây Dương và đầu quân cho Tổng thống Peron. Chọn Argentina làm nơi nương náu còn có Kurt Tank, kiến trúc sư trưởng của dự án Ta.152 – phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ Focke-Wulf 190. Máy bay này được đánh giá là có khả năng vượt trội so với các loại tiêm kích lừng danh Mustang và Thunderbolt của Mỹ. Theo giới sử gia, nếu dự án này của Tank hoàn thành sớm hơn thì Luftwaffe đã có thể đập tan ưu thế trên không của phe Đồng minh. Sau chiến tranh, ông từng tìm cách thương thảo đầu quân cho Anh, Trung Quốc và Liên Xô nhưng cuối cùng chỉ có Argentina là chịu dung nạp. Bên cạnh đó, năm 1960, nhà khoa học Đức Reimar Horten tìm đến Viện Kỹ thuật hàng không Argentina trình bày dự án “bom bay siêu thanh”. Ông này cũng nằm trong số những nhà khoa học trốn đến Argentina sau Thế chiến 2. Theo mô tả của Horten, “bom bay siêu thanh” có nhiều nét tương đồng với tên lửa hành trình siêu thanh hiện đại.
Tuy nắm trong tay nhiều bộ óc xuất sắc của Đức nhưng cuối cùng Argentina vẫn không thể hiện thực hóa được tham vọng quân sự của mình vì không đủ công nghệ để làm đúng theo thiết kế. Do thực lực tài chính có hạn nên nước này cũng không thể theo đuổi các dự án dài hơi và nhanh chóng “xếp xó” mỗi khi thử nghiệm thất bại. Dự án I.Ae. 27 Pulqui I của Dewoitine được công nhận là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên ra đời tại khu vực Mỹ Latin. Thế nhưng, do vấn đề kỹ thuật lắp ráp và vật liệu nên máy bay này chỉ đạt vận tốc hơn 700 km/giờ và chất lượng bay cực thấp nên chỉ được sản xuất đúng một phiên bản mẫu để thử nghiệm. Không còn được trọng dụng, Dewoitine đến Thụy Sĩ rồi trở về Pháp và qua đời lặng lẽ năm 1979. Các dự án có bàn tay của kỹ sư Tank cũng không khả quan hơn. Ông tiếp tục phát triển máy bay Ta 183 nhưng không thể thu nhỏ kích thước để thích hợp thực chiến. Sau đó, các thiết kế của Dewoitine và Tank được hợp nhất thành dự án Pulqui II, tiến tới giai đoạn bay thử nghiệm vào năm 1950 với vận tốc hơn 1.100 km/giờ. Mẫu máy bay này cũng đạt tầm bay hơn 3.200 km và mang được 4 pháo 20 mm. Tuy nhiên, với công nghệ yếu kém của Argentina thời điểm đó, các đợt bay thử nghiệm bộc lộ vô số khuyết điểm về khí động học. Thậm chí, một phi công đã tử nạn vì trục trặc kỹ thuật. Dù Pulqui II được không quân Argentina đặt hàng 100 chiếc nhưng chỉ có 5 chiếc được sản xuất. Những bất ổn về chính trị và kinh tế sau đó buộc chính quyền Buenos Aires hủy đơn hàng và sa thải luôn kỹ sư Tank vào năm 1955. Ông rời Argentina tới Ấn Độ và hỗ trợ thiết kế máy bay phản lực đầu tiên của nước này là chiếc HF24. Tới năm 1970, ông về Đức và qua đời năm 1983. Nhà khoa học Horten chung tay cùng các kỹ sư Argentina thiết kế 2 mẫu máy bay chiến đấu I.A.37 và I.A.48 nhưng cả hai đều bị hủy bỏ vào năm 1960. Quyết định này đồng thời khai tử luôn dự án “bom bay siêu thanh”, vốn được lên kế hoạch cho thử nghiệm phóng từ các máy bay nói trên. Theo trang War is Boring, nếu đúng như thiết kế của Horten thì loại vũ khí này có thể đạt vận tốc Mach 2.5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh) và tạo ra một cuộc cách mạng về tên lửa. Khác với các đồng nghiệp, Horten vẫn ở lại Argentina và qua đời năm 1993.
Sau cuộc đột kích vào ngôi nhà ở Buenos Aires của cảnh sát Argentina và Interpol ngày 8/6/2017, các báu vật của Đức QX đã bị cảnh sát Argentina thu giữ và trưng bày tại trụ sở Phái đoàn các Hiệp hội Israel – Argentina ở Buenos Aires. Chúng sẽ được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Holocaust của Buenos Aires sau khi xác minh nguồn gốc rõ ràng. Trong số 75 hiện vật được tìm thấy, đáng chú ý là một kính lúp, một con dao, một tượng bán thân Adolf và một huy chương có in chân dung Adolf. Các nhà chức trách còn tìm thấy những bức ảnh của Adolf và một số vật dụng, rất có thể là các phương tiện để xác thực chúng. Tuy nhiên, kỳ lạ nhất là một dụng cụ đo sọ não với tay cầm có hình chữ thập. Về dụng cụ này, người ta cho rằng nó có liên quan đến khoa tướng số, dùng để đánh giá tính cách của con người qua kích thước và hình dạng hộp sọ, điều mà ngày nay nhiều người xem là nhảm nhí, nhưng nó từng được coi là rất có giá trị vào thời đó.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, bảo tàng nhận được báo cáo từ một đoàn chuyên gia quốc tế cho biết, đa số các báu vật trên là giả, được sản xuất sau năm 1945. Trong số các dấu liệu làm lộ chân tướng là nhiều lỗi chính tả trên các hiện vật, chữ khắc tên công ty giả và các địa điểm nơi chúng được tạo ra không thể thẩm tra. Theo báo cáo, chỉ 10 trong số các đồ vật là hàng thật, được xác định sản xuất từ thời Đức QX, phần còn lại được thêm thắt bằng phù hiệu để kết nối chúng với đảng QX, sau khi chiến tranh kết thúc. TS Stephan Klingen, thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật trung ương ở Munich, Đức, chuyên gia về kỷ vật cho biết: Ý nghĩa lịch sử của những đồ vật này không cao. Có thể giả định rằng, những đồ vật này được tạo ra cho một thị trường sưu tập đang phát triển mạnh ở Nam Mỹ.
—
Sevgei Alpha / @nclsgroup