Iraq cổ đại (Phần 23)

CHƯƠNG 23 : CÁC VÌ VUA CHALDEA

The Great City of Nineveh

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Vào năm 612 TCN, không đến 30 năm sau khi Ashurbanipal ăn mừng vinh quang của mình, các cung điện ở Nineveh sụp đổ trong ngọn lửa đỏ và cùng với chúng nhà nước Assyria cũng sụp đổ theo. Các vua người Chaldea của Babylonia, cùng với các đồng minh người Medes của mình là tác giả của sự hủy diệt bất ngờ, dữ dội và tận gốc rễ này, vẫn còn là các chủ nhân duy nhất ở Mesopotamia. Thời cai trị của họ chứng kiến một khối lượng công trình xây dựng khổng lồ ở miền nam Iraq, và Babylon – giờ Là Thành Phố Lớn Nhất, Đẹp Nhất Trong vùng Cận Đông – trở thành trung tâm của phong trào phục hưng kiến trúc, văn học và khoa học.

Như thể có một Nineveh khác được tái sinh, và thật ra các chiến dịch của Nebuchadrezzar II ở miền tây mở đường một đế chế Babylonia đang trên bờ thay thế đế chế Assyria. Nhưng ‘thời kỳ Tân Babylonia’ rực rỡ lại ngắn ngủi. Vị quân vương Mesopotamia vĩ đại cuối cùng được kế vị bởi các ông hoàng yếu kém, vô trách nhiệm không có khả năng kháng cự với một kẻ thù mới, khủng khiếp đã trỗi dậy ở phía Đông. Vào năm 539 TCN Babylon rơi vào tay kẻ chinh phục Ba Tư Cyrus mà không chống cự.

Thế đó, trong tóm lược bi thảm, các sự kiện sẽ lấp đầy chương cuối cùng trong lịch sử Mesopotamia với tư cách một xứ sở độc lập, và giờ đây phải được kể lại chi tiết hơn.

Sự thất thủ của Nineveh

Sau 639 TCN, các niên giám của Ashurbanipal chấm dứt đột ngột, để lại trong bóng tối mịt mùng 12 năm cuối cùng của thời trị vì của ông. Nguyên do của sự im lặng này ta không được biết, nhưng dường như do xung đột dân sự cộng với trở ngại về mặt quân sự. Herodotus, thực tế là nguồn thông tin duy nhất của chúng ta vào thời kỳ này, bảo với chúng ta rằng Phraortes, Vua xứ Medes, tấn công Assyria vào tận Nineveh, nhưng được một cánh quân Scythia giải vây – điều hoàn toàn có thể tin được, vì chúng ta biết rằng Ashurbanipal đã lập một liên minh với thủ lĩnh người Scythia là Madyes.

Trong trận này Phraortes tử trận trên chiến trường và được con trai của ông Cyaxares lên kế vị. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, người Medes bị người Scythia xâm lược và đặt ách đô hộ, buộc phải nộp triều cống trong 28 năm. Các kỵ binh hoang dã cũng ùa vào Zagros, cướp bóc Assyria, Syria và Palestine và ắt đã đi vào Ai Cập nếu Vua Ai Cập Psammetichus không mua chuộc họ từ bỏ ý định đó. Cuối cùng, Cyaxares phục hồi được tự do của mình bằng cách phục rượu các thủ lĩnh Scythia trong một buổi tiệc chiêu đãi rồi ra tay tàn sát họ khi đang say xỉn. Các sự kiện này dường như xảy ra giữa những năm 653 (năm mất của Phraortes) và 630 TCN. Bằng cách nào Scythia ảnh hưởng đến Assyria chúng ta không được cho biết, nhưng nếu lời kể của Herodotus về cuộc xâm lược của người Scythia là có giá trị thì sự kiện đám binh lính của họ có thể dong ruổi khắp đế chế và trở về nhà bình yên là chứng cứ hùng hồn về tình trạng suy nhược mà Quân đội Assyria đang lâm vào. Không còn nghi ngờ gì nữa, chìa khóa mở ra thảm họa cuối cùng trong những năm 614-609 TCN nằm ở những năm u ám này

Giờ đây phần đông đều nhìn nhận rằng Ashurbanipal mất vào năm 627 TCN, và có chứng cứ rằng Kandalanu, vị vua bù nhìn mà ông ta dựng lên ở Babylon, mất trong cùng một năm. Theo việc tái dựng gần đây nhất và đáng tin nhất các sự kiện xảy ra trong thời kỳ thiếu thốn dữ liệu đó, thì vị vua già Assyria đã thoái vị vào năm 630 TCN, giao lại vương trượng cho một trong các người con trai của mình là Ashur-etil-ilâni. Trong ba năm mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nất ngờ sau cái chết của Kandalanu rắc rối bắt đầu nổi lên ở Babylonia. Sin-shum-lishir, một tướng lĩnh Assyria đóng trong vùng đó, nổi dậy nhưng nhanh chóng bị đánh đuổi bởi binh lính triều đình.

Sin-shar-ishkun, một con trai khác của Ashurbanipal, chiếm Babylon và tự xưng là Vua Babylonia. Vào đầu năm 626 TCN xảy ra các vụ đánh nhau trên đường phố thủ đô của ông, ắt hẳn do Nabû-apla-usur (tức Nabopolassar) xúi giục, người thường được coi như một thành viên của bộ tộc Kaldu (người Chaldea), người đã tự xưng là Vua của Biển-Đất. Sin-shar-ishkun chạy thoát đến Nineveh, nhường Babylon cho Nabopolassar người Chaldea. Năm 626 TCN được Nabopolassar và các kẻ kế nghiệp ông xem là năm bắt đầu chính thức của Triều đại 11 hoặc, theo chúng ta gọi nó, triều đại Chaldea (có lẽ sai) hoặc Tân Babylonia.

Rồi chiến tranh bùng nổ giữa Ashur-etil-ilâni và em mình Sin-shar-ishkun và kéo dài trong ba năm, với một số thị trấn phía nam Mesopotamia chuyển sang tay. Năm 623 TCN  ông anh Ashur-etil-ilâni bị giết chết trong một trận đánh gần Nippur, và ông em Sin-shar-ishkun trở thành Vua Assyria. Khi ông không thể chấp nhận sự ly khai của Babylonia lâu hơn được nữa, ông tuyên chiến với Nabopolassar, và thêm 7 năm nữa đất nước này là vũ đài cho những trận chiến tàn bạo quanh các thành phố được củng cố vẫn còn giữ bởi người Assyria.

Nhưng người Chaldea chống cự, đánh chiếm thành phố chủ chốt Nippur và, vào năm 616 TCN, vẫn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Sumer và Akkad. Do một sự trùng hợp hạnh phúc, 616 cũng đánh dấu điểm khởi đầu của một loạt các biên niên sử Babylonia khiến chúng ta có thể theo sát từng bước và gần như từng ngày lịch sử Mesopotamia, bao gồm lời kể vô giá về việc Nineveh và các thành phố Assyria khác thất thủ.

Trong khi đó, chính tình bên ngoài Mesopotamia đang xấu đi nhanh chóng. Mối đe đọa từ phía bắc không đáng sợ: Urartu đã bị các nước láng giềng hùng mạnh trung lập hóa, và người Cimmeria, giờ nằm dưới sự thống trị của người Scythia, không có dấu hiệu hung hăng.

Nhưng ở Iran Cyaxares đang tái tổ chức quân đội, biến nó thành một công cụ chiến tranh hùng mạnh. Từ Ecbatana (Hamadan), kinh đô của ông, ông cai trị Medes từ Hồ Urmiah đến vùng Teheran, và gián tiếp cai trị người Ba Tư lập cư xa hơn về phía nam. Ở hướng đông, người Elam đã phục hồi độc lập đến một mức độ nào đó, và thị trấn biên giới Dêr đã nổi dậy. Ở hướng tây các thành phố Phoenicia đường như đã cắt đứt liên hệ với Nineveh, và vì thế sự kiểm soát của Assyria lên Palestine không hiệu quả đến nỗi  Josiah, Vua xứ Judah, có thể xiển dương cải cách tôn giáo của mình trong tỉnh Samaria, cố đô của Israel. Vào tháng 4-5 616 TCN, Nabopolassar rời Babylon và tiến quân dọc sông Euphrates lên quận Harran và dọc sông Tigris đến tận Arrapha (Kirkuk) và Assur, và vây hãm mà không thành công.

Để tranh thủ tình hữu nghị với người Elam ông trả lại các bức tượng thần của họ đã bắt giữ ở Babylonia; nhưng ông không nhận được sự yểm trợ quân sự của họ nên không dám một mình  phát động một cuộc công kích đại quy mô chống lại địch thủ của mình. Sin-shar-ishkun, trái lại, bị thúc đẩy phải phòng thủ và thấy quyền hành của mình bị thách thức, bèn nhắm đến và tranh thủ được tình đồng minh với người Ai Cập, vốn không quên việc thoát được trong gang tấc cuộc xâm lược của Scythia và theo dõi trong cảnh giác động thái của người Medes ở Iran và Tiểu Á. Sự kiện Ai Cập được gọi đến cứu giúp bởi các nhà chinh phục nó  trước đây nói lên tình thế tuyệt vọng mà Assyria thấy mình đang lâm vào. Người Ai Cập, tuy nhiên, không tích cực hậu thuẫn họ cho mãi đến 612/611 TCN, lúc đó đã quá muộn.

Người Assyria có thể đã nhẫn nhịn chấp nhận tính tự trị của Babylonia, và một hiệp ước có lẽ đã đạt được nếu người Medes , hành động một cách độc lập, đã không ném sức nặng của họ vào thế cân bằng. Vào cuối năm 615 TCN họ bất ngờ xâm lược Assyria và chiếm được Arrapha. Mùa đông sau họ hành quân chống Nineveh, nhưng thay vì tấn công nó, họ chuyển quân về nam và đánh Assur và chiếm được (614 TCN):

Hắn (người Medes), Biên niên Sử chúng ta nói, tấn công vào thị trấn … và hắn phá hủy tường thành (?). Hắn tiến hành một trận tàn sát khủng khiếp lên dân chúng, cướp bóc thành phố và bắt đi tù binh.

Người Babylonia đến quá muộn để tham gia hành động.

Nabopolassar gặp Cyaxares (mà người  Babylonia gọi là Umakish-tar) dưới tường thành Assur và ‘họ thiết lập tình hữu nghị và bang giao hòa bình hỗ tương’. Tình đồng minh càng khắng khít thêm khi con trai của Nabopolassar, Nebuchadrezzar, lấy con gái của Cyaxares, Amytis. Từ đó trở đi người Babylonia và người Medes chiến đấu tay trong tay, và số phận của Assyria đã an bày.

Năm sau Nabopolassar mở chiến dịch dọc theo sông Euphrates nhưng không thành công, mãi đến mùa hè 612 TCN cuộc công kích cuối cùng mới được phát động chống Nineveh, thành phố chính của Assyria. Thành phố  kháng cự mạnh mẽ, và người Babylonia và Medes lúc đầu tiến độ rất chậm. Tuy nhiên, sau ba tháng vây hãm

Một cuộc tấn công mạnh mẽ họ phát động chống thành phố và vào tháng Ab (tháng 7-8), ngày thứ . . . , thành phố bị đánh chiếm, một thảm bại lớn lao đã xảy đến. Vào ngày đó Sin-shar-ishkun, vua người Assyria, (bị giết chết?). Họ mang đi chiến lợi phẩm vô số kể của thành phố và đền thờ và biến thành phố thành một gò đống đổ nát và đống gạch vụn.

Vào cuối năm 612 TCN ba thành phố thủ phủ của Assyria – Assur, kinh đô tôn giáo, Nineveh, trung tâm hành chính, và ắt hẳn Nimrud, bộ chỉ huy quân sự – cũng như tất cả những thị trấn chính đã bị phá hủy. Vậy mà hồn ma của một vương quốc Assyria vẫn sống sót thêm ba năm. Sin-shar-ishkun đã bị giết, một trong các sĩ quan của ông ngồi lên ngai vàng dưới tên Ashur-uballit, mỉa mai thay cùng tên với vị quân vương vĩ đại người vào thế kỷ 13 đã giải phóng xứ sở mình khỏi người Hurri-Mitanni. Tập kết tàn quân Assyria, ông cố thủ tại Harran với một ít binh lính Ai Cập cuối cùng được gửi đến cứu viện. Vào năm 610 TCN, người Babylonia và người Umman-manda (Medes) tiến đánh Harran. Quân Assyria-Ai Cập bỏ thành chạy đến ẩn náu bên kia sông Euphrates, và thành phố lọt vào tay người Medes. Năm sau, sau một nỗ lực không thành công nhằm chiếm lại căn cứ, Assur-uballit biệt tích.

Thế là kết thúc bi thảm trong vòng thời gian ba năm ngắn ngủi nhân vật khổng lồ trong ba thế kỷ đã làm cả thế giới phải điên đảo. Với vài lời Nabopolassar viết văn bia cho mình:

‘Ta đã tàn sát đất Subarum (Assyria), ta biến vùng đất thù địch thành đống gạch vụn.

 “Bọn Assyria, từ những ngày xa xưa đã cai trị trên đầu mọi dân tộc, và với cái ách nặng nề của chúng đã gây thương tổn cho nhân dân vùng đất này, bàn chân của họ từ Akkad ta đẩy ngược trở lại, ách đô hộ của họ ta ném bỏ.’

Không ai, theo như chúng ta biết, ngồi trên đống tro tàn của Nineveh để viết nên lời ai oán  bi thương.

Nebuchadrezzar

Người Medes có vẻ không tuyên bố chủ quyền của vương quốc mà họ đã góp công lật đổ, nhưng họ vẫn đóng quân một thời gian ở Harran, có thể như một điểm xuất phát tiềm năng cho cuộc chinh phục xa hơn ở Tiểu Á. Người Babylonia vẫn giữ quyền sở hữu toàn bộ đất nước Assyria giờ đã thực sự xoá sạch khỏi bản đồ, và trừ một ít thị trấn tỉnh lỵ như Arrapha (Kirkuk) tránh khỏi chiến tranh, họ không chiếm đóng nó; cũng không tu bổ những thiệt hại mình đã gây ra. Tất cả những nỗ lực của họ đều dồn cho việc phục hồi tôn giáo và văn hóa ở nam Mesopotamia, và trong lĩnh vực đối ngoại, dành cho việc bảo vệ biên giới Taurus và khuất phục Syria-Palestine.

Nước này đã thoát khỏi các ông chủ Assyria chỉ để rơi vào tay người Ai Cập. Trong một nỗ lực muộn màng và vô vọng để cứu các đồng minh của mình, pha-ra-ông Necho II đã  xâm lược nó vào năm 609 TCN, đánh bại Josiah, Vua xứ Judah, dám điên rồ ngán đường ông, và giờ đây binh lính Ai Cập chiếm giữ Karkemish và vượt qua sông Euphrates. Việc sở hữu Karkemish và kiểm soát bờ biển Phoenicia và nội địa thậm chí đối với Babylonia còn quan trọng hơn đối với Assyria trước đây, vì thực tế mọi hoạt động mậu dịch của họ giờ đây đều với vùng phía Tây.

Các vua Chaldea có thể từ bỏ mọi hy vọng tái thiết đế chế Assyria; họ có thể bỏ lại cho người Medes các vùng lãnh thổ bên kia dãy núi; nhưng họ không thể chấp nhận bị tước đoạt các tỉnh lỵ giàu có, cũng không thể đứng nhìn cửa ngõ đến Địa Trung Hải bị án ngữ bởi Ai Cập, người Aramaea ở Syria hoặc chính người Phoenicia. Thời trị vì của họ chứa đầy các chiến dịch lặp đi lặp lại vào ‘đất Hatti’, và cái gọi là việc chinh phục của họ thật ra không có gì khác hơn là cuộc tranh đấu bất tận nhằm đảm bảo các nguồn lực sống còn của sự thịnh vượng.

Sau thắng lợi cuối cùng của mình với người Assyria, Nabopolassar, giờ đã luống tuổi, trông cậy ngày càng nhiều vào con trai mình Nabû-kudurri-usur (‘Nebuchadrezzar’) trong việc điều hành các cuộc hành quân. Vào 607 TCN vị thế tử trẻ và năng nổ được giao nhiệm vụ đánh bật quân Ai Cập khỏi Syria.

Sau hai năm nỗ lực không thành công nhằm thiết lập đầu cầu tại điểm khác trên thung lũng Euphrates, Nebuchadrezzar tập hợp binh sĩ và tấn công Karkemish (tháng 5-6 605 TCN). Quân đồn trú Ai Cập, được lính đánh thuê Hy Lạp yếm trợ, kháng cự mạnh mẽ, nhưng rồi cuối cùng bị tràn ngập và tàn sát hoặc bị bắt làm tù binh.

Về phần tàn quân của Ai Cập đã trốn thoát khỏi bị thảm bại (nhanh đến nỗi) không vũ khí nào bắt kịp, tại quận Hama binh sĩ Babylonia đuổi kịp và đánh bại chúng sao cho không còn một mống nào sống để trở về xứ của mình.

Toàn bộ Syria-Palestine giờ nằm mở rộng trước người Babylonia. Họ đã tiến xa tận Pelusium, trên biên giới Ai Cập, thì Nebuchadrezzar nhận được hung tin vua cha qua đời. Không mất thời gian – cái chết của một vị vua Đông phương luôn là thời điểm nguy kịch – ông vội vã quay về Babylon ‘trong vòng 23 ngày’ và được đăng cơ khi về đến kinh đô (23/9/605 TCN).

Người Babylonia đáng ra phải biết rằng nếu xâm lược Syria là tương đối dễ dàng, giữ lấy nó cực kỳ khó khăn. Người Syria phía bắc thường dễ khuất phục, nhưng người Phoenicia và Philistine thì không, cả người Do Thái cũng không toàn tâm chấp nhận nộp cống cho Babylon khi mà họ vừa mới ngưng nộp cho Nineveh.

Hơn nữa, Ai Cập, vừa thoáng thấy ước mơ lâu đời của mình về một ‘thuộc địa’ Syria sắp sửa thành hình này chợt biến mất, giờ đây hơn bao giờ hết sẽ đổ dầu vào lửa. Chẳng bao lâu Nebuchadrezzar thấy mình bị ép buộc phải phô diễn sức mạnh gần như mỗi năm trong các lãnh thổ Địa Trung Hải để dẹp tắt hết phiến loạn này đến phiến loạn khác, như Sargon và những người kế nghiệp ông đã làm.

Mười hai tháng sau trận Karkemish ông lại có mặt ở Syria, để tiếp nhận triều cống từ Damascus, Tyre, Sidon và Jerusalem, nhưng cũng để tiêu diệt Ascalon, mà nhà cai trị ở đó đã nổi loạn. Vào năm 601 TCN Biên niên sử đề cập đến một trận đánh giữa Vua Babylon và Vua Ai Cập – ‘họ chiến đấu với nhau xáp lá cà và giáng cho nhau những tổn thất nghiêm trọng’.

Vào 599 TCN từ một doanh trại của mình ở Syria Nebuchadrezzar ‘phái các toán quân lùng sục sa mạc’ đánh người Ả Rập Qedar. Trong mùa đông 598/97 TCN Jehoiakim, Vua Judah, không nghe lời cảnh báo của nhà tiên tri Jeremiah, khước từ việc cống nạp rồi qua đời. Babylonia đáp trả nhanh chóng. Vào ngày 16/3/597 TCN Jerusalem bị đánh chiếm, vị vua trẻ tuổi mới lên ngôi  Jehoiakin bị phát vãng, cùng với 3,000 tù binh Do Thái, và được thay thế bởi một gã  Mattaniah nào đó có biệt danh Zedekiah

 Một khoảng hở trong chuỗi Biên niên sử Babylonia khiến chúng ta mất đi diễn tiến liên tục của các năm sau đó, nhưng từ những nguồn tài liệu khác chúng ta biết rằng người kế vị Necho, Psammetichus II, cầm đầu một cuộc viễn chinh đến Syria (k. 600 TCN) và rằng pha-ra-ông Apries (588 – 562 TCN) đánh chiếm Gaza và tấn công Tyre và Sidon. Ỷ có quân Ai Cập ở gần và tin là mình có thể nhờ cậy sự hỗ trợ của họ ắt hẳn đã khuyến khích Zedekiah nổi dậy. Từ bản doanh của mình ở  Riblah, gần Homs, Nebuchadrezzar chỉ đạo hành quân. Sau khi bị vây hãm18 tháng Jerusalem bị ào ạt đánh chiếm vào ngày 29/7/587. Zedekiah, thoát chạy về hướng Jericho, nhưng bị bắt làm tù binh:

Thế là họ bắt nhà vua và giải về Riblah nộp cho Vua Babylon; và họ phán xử ông. Họ sát hại các con trai của Zedekiah trước mắt ông, và móc mắt Zedekiah, và xiềng xích ông bằng gông đồng, và giải ông về Babylon.

Hàng ngàn dân Do Thái bị đi đày cùng với vua của họ, trong khi những người khác lánh nạn ở Ai Cập. Một thống đốc bản xứ được bổ nhiệm cai trị Judah. Jerusalem bị cướp phá, tường thành của nó bị ‘giật sập nằm lăn lóc khắp nơi’ và ‘Ngôi Nhà của Chúa Trời, tức đền thờ mà Solomon đã xây dựng , bị đốt rụi. Như vậy là 135 năm sau Israel, ‘Judah bị đày đi khỏi xứ sở của mình’ (trích Cựu ước, Các Vua 25:21)

Hành động cuối cùng của Nebuchadrezzar ở Syria, qua một ghi chép chúng ta nhận được, là cuộc vây hãm Tyre kéo dài, chúng ta được kể cho biết, không ít hơn 13 năm và kết thúc với việc đánh chiếm thành phố và thay thế vua của nó bằng một người khác. Một bảng khắc không nguyên vẹn ở Viện Bảo tàng Anh viện dẫn đến một chiến dịch chống pha-ra-ông Amasis vào năm 568 TCN và đề cập đến một thị trấn Ai Cập, nhưng việc này không thể coi là chứng cứ đầy đủ là người Babylonia đã từng đặt chân đến thung lũng sông Nile. Ít nhất 10 năm trước khi kết thúc thời trị vì các khu vực phía tây đã nằm gọn trong tay Nebuchadrezzar, và Núi Lebanon, nguồn nguyên liệu gỗ bất tận, được mở rộng cho việc khai thác không ngừng.

Ta đã làm xứ sở đó hạnh phúc bằng cách nhổ tận gốc rễ kẻ thù của nó khắp mọi nơi. Mọi dân cư phân tán ta đem về lại quê quán họ. Những gì đời vua trước không làm thì ta đã hoàn thành: ta xẻ núi, chẻ đá, mở đường và xây dựng những cung đường thẳng tắp cho việc vận chuyển gỗ tuyết tùng. Ta khiến dân chúng Lebanon sống cùng nhau trong yên bình và không ai quấy nhiễu họ.’

Trong khi đó, người Medes đang tiến lên theo hướng tây-bắc, lần lượt xâm chiếm  Armenia (k. 590) – rồi Cappadocia. Vào năm 585 TCN, khi Cyaxares người Medes và Alyattes xứ Lydia đối đầu nhau tại ‘Trận Nhật Thực’ và không thể giải quyết xung đột của mình bằng vũ lực, Nebuchadrezzar hành động như một trọng tài, dàn xếp một cuộc hưu chiến giữa hai xứ và ấn định đường biên giới chung của họ trên sông Halys (Kizil Irmak). Nhưng, hoặc là có sự nhất trí với đồng minh của mình hoặc như một hành động thận trọng chống lại một vụ xâm lược tiềm năng của Medes từ phía bắc, ông đánh chiếm Cilicia và củng cố một số thị trấn ‘dọc biên giới Urartu’.

Năm cuối cùng thời trị vì của Nebuchadrezzar thật lờ mờ. Tất cả điều chúng ta biết là vị vua vĩ đại này mất vì một căn bệnh trong những ngày đầu tiên của tháng 10, 562 TCN. Con trai ông Amêl-Marduk (‘Evil-Merodach’ trong Cựu ước) chỉ cai trị được hai năm. Theo Berossus, vì ông ta điều hành công việc theo một kiểu vô pháp và xúc phạm nên anh rể Neriglisaros bày mưu giết ông. Neriglisaros là một thương nhân mà Nebuchadrezzar đã tin cậy giao nhiều chức vụ chính thức.

Ngoài việc phục dựng các đền thờ và các công trình công cộng khác được đề cập trong các bảng khắc của ông, thành tựu chính yếu duy nhất ta biết về thời trị vì bốn năm của ông (559 – 556 TCN) là một chiến dịch quân sự thắng lợi chống Appuashu, Vua xứ Pirindu (Tây Cilicia) đã cướp phá bình nguyên duyên hải Đông Cilicia, lúc đó đang trong tay người Babylonia, và bắt đi một số dân cư.

Sau khi qua đời, Neriglisaros được con trai mình Labâshi-Marduk, lúc ấy chỉ là một đứa trẻ, kế vị. Tuy còn trẻ, nhưng chúng ta được cho biết, cậu ta đã sớm biểu lộ những dấu hiệu độc ác đến nỗi bạn bè cậu phải bày mưu và, chín tháng sau, tra tấn cậu ta đến chết. Sau đó các tên đồng mưu họp và quyết định đưa lên ngôi một người trong nhóm là Nabû-na’id, (tháng 6 556 TCN). Nhưng trong bốn năm qua nhiều sự kiện đã xảy ra ở Iran có tầm quan trọng đến nỗi chúng sẽ thay đổi, thêm một lần nữa, số phận của Thế giới Cổ đại.

Sự Thất Thủ của Babylon

Nabû-na’id hoặc, như chúng ta gọi theo người Hy Lạp là Nabonidus (556 – 539 TCN) là một trong những nhân vật bí ẩn và mê hoặc nhất trong một chuỗi dài các quân vương Mesopotamia. Ông là con trai của một Nabû-balatsu-iqbi nào đó, vốn thuộc giới quý tộc Babylonia nhưng không có huyết thống hoàng gia, với một tín nữ sùng đạo của thần Sin tại thành phố Harran. Một người ở độ tuổi 60 lúc mới lên ngôi, ông đã giữ những chức vụ hành chính quan trọng dưới thời Nebuchadrezzar và Neriglissar.

Cực kỳ yêu thương mẹ – bà chết vào năm 547 TCN, ở tuổi 104, và được an táng theo nghi thức hoàng gia – ông đã thừa kế từ bà lòng tha thiết với các sự vụ tôn giáo và một lòng dâng hiến đặc biệt và  gần như duy nhất cho vị thần mà mẹ ông đã phục vụ trọn đời mình. Sau cái chết của Nabû-na’id, người Babylonia thân Ba Tư, lo lắng muốn làm vui lòng vị vua mới của mình, nên làm mọi thứ  để bôi nhọ ký ức về ông ta.

Trong một bài vu khống được biết dưới tên ‘Truyện  thơ về Nabonidus’ họ kết án ông là một tên điên, một kẻ dối trá khoác lác về các thắng lợi mà mình không hề có và, trên hết, một tên ngoại giáo đã phỉ báng Marduk và tôn thờ ‘một vị thần không hề có ai thấy trong xứ’ có tên là Sin. Những lời vu cáo bẩn thỉu này gặt hái được thành công đến nỗi tác giả của chúng khó có thể ngờ đến. Dù tên tuổi lộn xộn chúng cho ra đời một câu chuyện về sự điên dại của Nebuchadrez-zar, như được kể trong Sách Daniel, và tìm được một tiếng vang trong một mảnh  Các Cuộn Sách ở Biển Chết lừng danh.

Thậm chí những sử gia hiện đại thận trọng nhất cũng buộc phải nhận rằng chúng chứa một đốm sự thật. Ít nhất có một số bảng khắc của Nabonidus gợi ý rằng ông đánh giá Sin xếp hạng cao hơn thần quốc giáo Marduk, và các điện thờ vị thần mặt trăng trên khắp xứ sở là những đối tượng được ông chăm chút đặc biệt: không chỉ ông phục hồi trang trọng tháp tầng và vài đền thờ ở Ur mà công cuộc tái thiết E.hul.hul, đền thờ thần Sin ở Harran, từng bị người Medes phá hủy trong trận chiến chống Assyria, có vẻ đã là chủ định của thời trị vì của ông.

Tuy nhiên, nói Nabû-na’id vì các nguyên do chính trị và tình cảm muốn thay thần Marduk bằng thần Sin làm thần chủ trong hệ thần Babylonia có lẽ là đi quá xa. Các đền thờ khác ở Mesopotamia – bao gồm đền thờ lớn của Marduk tại Babylon – cũng được hưởng lợi ích từ lòng nhiệt thành của ông, và công lao ông bỏ ra, trước khi xây mới, nhằm tìm kiếm temeru, tức chất trầm tích-nền móng để xác minh phần đất thiêng liêng là minh chứng cho sự gắn bó của ông với truyền thống tôn giáo Sumer và Akkad.

Dựa vào ghi chép các cuộc khai quật dài ngày của ông nhằm tìm ra những tài liệu được viết ra này, Nabonidus đã được đặt cho biệt danh nhà khảo cổ vương triều, mặc dù không mục đích nào hoặc phương pháp nào của ông dính líu đến khảo cổ . Dù sao nhà vua ắt hẳn cũng chia sẻ với thần dân của mình nhiệt tình đó cho việc nghiên cứu quá khứ làm nên đặc điểm của thời đại mình.

Trong thời kỳ Tân Babylonia – và thật ra trong thời kỳ Achaemenia tiếp sau  – một số biên niên cổ đại được sao chép, danh sách vua được biên soạn và đồ cổ được sưu tập một cách nhiệt tình. Xin trích ra một mình họa lý thú: khi Sir Leonard Woolley đang khai quật tại Ur cung điện En-nigaldi-Nanna (trước đây đọc là Bêl-shalti-Nannar) – con gái của Nabonidus và nữ trưởng tế của thần Sin –  ông bối rối khi tìm thấy trong cùng một toà nhà và trong cùng một tầng chiếm dụng các vật thể thuộc những thời kỳ cách xa nhau rất xa, như kudurru (bia ký dựng tại biên giới) của người Kassite, một mảnh tượng của Vua Shulgi và một khối nón đất sét của một vị vua xứ Larsa. Chỉ về sau ông mới biết ra mình đang thám sát nhà bảo tàng tư nhân của nữ trưởng tế.

Hoàn toàn tương phản với vị quân vương sùng tín và tất nhiên yếu đuối là nhân vật khủng khiếp Cyrus II, ‘Vị Vua Vĩ Đại, người Achaemenia, Vua xứ Parsumash và Anshan’, lên ngôi vua Ba Tư vào 559 TCN, ba năm trước khi Nabonidus đăng quang.

Người Ba Tư – một dân tộc nói tiếng Ấn-Âu – đã tiến vào Iran từ phía bắc vào cuối thiên niên kỷ 2, cùng lúc với người Medes mà họ có quan hệ gần gũi. Di chuyển chầm chậm qua cao nguyên Iran, cuối cùng họ đến và chiếm dãy núi còn được biết là Farrs dọc theo Vịnh Ả Rập-Ba Tư. Vào cuối thế kỷ 7 TCN, khi lịch sử của họ được biết rõ hơn, họ phân ra thành hai vương quốc được cai trị bởi các hậu duệ của Teispes, con trai của Achaemenes (Hahamanish).

Ở ngay chính Ba Tư (còn gọi là Parsa hay Parsumash), nói cách khác vùng đất giữa Isfahan và Shiraz, trị vì dòng họ Ariaramnes, con trai cả của Teispes, trong khi xa hơn về phía tây, dọc theo biên giới Elam, xứ sở của Anshan (hay Anzan) được dòng họ của em trai Ariaramnes, Cyrus I, cai trị. Cả hai vương quốc đều là chư hầu của Medes.

Trong một hoặc hai thế hệ Nhà Ariaramnes lấn át Nhà Cyrus, nhưng con trai của Cyrus, Cambyses I (k. 600 – 559 TCN), lật ngược cục diện và góp thêm vào uy thế của mình bằng cách cưới con gái của Astyages, chúa công Medes của mình. Từ cuộc hôn nhân này Cyrus II ra đời. Vào đầu thời trị vì của Nabonidus Cyrus (Kurash) từ cung điện của mình tại Pasargadae cai trị một khu vực rộng lớn nhưng cô lập ở Iran, nộp cống cho ông ngoại mình. Nhưng ông hoàng Ba Tư không thiếu tham vọng lẫn tài trí. Ông đã bắt đầu giảm bớt sự tuân phục đối với các bộ tộc Iran trong vùng lân cận và dần dần mở rộng vương quốc mình, khi Vua Babylon cho ông một cơ hội để thụ đắc một đế chế.

Chúng ta đã thấy rằng ước mơ lớn nhất mà Nabonidus ôm ấp là tái thiết đền thờ thần Sin ở Harran. Không chỉ điện thờ này thân thiết với tấm lòng ông mà việc sở hữu trung tâm thị trường và thành phố chiến lược kiểm soát các tuyến đường từ bắc Mesopotamia đi Syria và Tiểu Á có tầm quan trọng cực kỳ đổi với kinh tế và an ninh của vương quốc Babylonia. Rủi thay, Harran đã nằm trong tay người Medes kể từ năm 610 TCN, và chống lại Medes một mình Nabonidus không kham nỗi.

Nhìn thấy ở người Ba Tư là những người kế nghiệp thực sự của Elam mà sự hỗ trợ của họ người Babylonia đã thường trông cậy trong quá khứ, nên ông kêu gọi Cyrus hỗ trợ. Cyrus chấp nhận. Astyages nghe hơi hướng của âm mưu, triệu tập cháu ngoại mình đến Ecbatana, nhưng chỉ đón nhận sự bất tuân của đứa cháu.

Một cuộc chiến cay đắng nổ ra, và kết thúc với chiến thắng của quân Ba Tư. Bị chính một tướng lĩnh của mình phản bội, Astyages bị Cyrus bắt, và trong một ngày nhà vua trẻ bỗng thấy mình là chủ nhân của cả Ba Tư lẫn các vương quốc Medes (550 TCN). Sự kiện quan trọng này, từ lâu chúng ta đã biết được qua tác phẩm của các tác giả cổ điển, cũng được đề cập trong các văn bản hình nêm đương đại. Trong một bảng khắc của mình Nabonidus kể cho chúng ta rằng Marduk xuất hiện với ông trong một giấc mơ và ra lệnh ông tái thiết E.hul.hul ở Harran. Khi nhà vua phản đối vì Harran đang nằm trong tay người ‘Umman-manda’ (Medes), thì thần Marduk đáp rằng:

‘Bọn Umman-manda mà nhà ngươi nói, chúng và đất đai của chúng và các tên vua về phe của chúng không còn tồn tại nữa. Khi đến năm thứ ba ta sẽ khiến Cyrus, Vua xứ Anzan, tên nô lệ trẻ của chúng sẽ trục xuất chúng.  Với ít binh lính, y sẽ đánh tan tác bọn Umman-manda khắp nơi.

 ‘Y (Cyrus) sẽ bắt được Astyages (Ishtumegu), Vua của bọn Umman-manda và bắt hắn làm tù binh mang về xứ của y.’

 

Một câu chuyện khác chính xác hơn về trận xung đột được kể lại trong cái gọi là ‘Biên niên sử Nabonidus:

Vua Ishtumegu triệu tập binh sĩ và  hành quân đánh Cyrus, Vua xứ Anshan, để giáp mặt với y trên chiến trường. Quân đội của Ishtumegu nổi dậy chống ông ta và họ xiềng xích ông điệu đến nộp cho Cyrus.

Cyrus vào Babylonia.

Tiếp sau thắng lợi trước người Medes, Cyrus lao vào một loạt chiến dịch quân sự lừng lẫy và sau 10 năm ông làm chủ một đế chế lớn hơn nhiều mà thể giới từng biết. Mục tiêu đầu tiên của ông là Lydia, tại đó  Croesus giàu nức tiếng đang cai trị. Thay vì băng qua cao nguyên Armenia, Cyrus dẫn quân đi dọc con đường chạy song song với dãy Taurus, xuyên qua thảo nguyên Jazirah.

Vượt qua sông Tigris phía dưới Nineveh và hành quân theo hướng tây qua Harran, ông đánh chiếm Cilicia, lúc đó là một chư hầu của Babylon, vì vậy đã phá vỡ tình đồng minh mà ông vừa kết với Nabonidus và đẩy người Babylonia về phe của Lydia và các đồng minh truyền thống của nó, Ai Cập. Nhưng Ai Cập lẫn Babylonia không ai gửi quân cứu viện đến yểm trợ Croesus.

Y phải đương đầu một mình với quân Ba Tư và bị đánh bại tại Pteryum (547 TCN). Lydia bị xáp nhập, các thành phố Hy Lạp ở Iona lần lượt thất thủ, và toàn bộ vùng Tiểu Á khuất phục dưới chân người Ba Tư. Cuộc chinh phục vừa mới thành tựu thì Cyrus quay ngược vũ khí của mình theo hướng ngược lại. Lần lượt, Parthia và Aria, các vương quốc đông Iran, Sogdia và Bactria ở Turkestan và Afghanistan, và một phần Ấn Độ đều rơi vào tay ông. Đế chế Ba Tư giờ vươn dài từ Biển Aegean đến Pamirs, một khoảng cách gần 5,000 cây số. Đối mặt với một gã khổng lồ như thế Babylon không còn đường sống.

Trong thời gian đó Nabonidus đang ở Ả Rập. Chúng ta đọc trong Biên niên sử là trong năm trị vì thứ ba ông đến Syria, chiêu mộ binh sĩ trên ‘đất Hatti’ (tên Syria được gọi lúc đó), bước vào sa mạc Ả Rập và vây hãm Edom (al-Jauf, cách Akaba 450 km về phía đông), một khu định cư quan trọng từng bị người Assyria chiếm đóng.

Liệu sau chiến dịch này ông có quay về nhà không thì không biết chắc vì không may có một chỗ đứt đoạn trong bảng khắc, nhưng ghi chép cho năm thứ 7 đến 11 cho biết ‘nhà vua đang ở Temâ’, thành ra Lễ hội Tân Niên không thể cử hành được ở Babylon. Temâ (tiếng Ả Rập là Teima) là một ốc đảo lớn ở tây Ả Rập, và từ  Temâ Nabonidus có thể dễ dàng lang thang từ ốc đảo này đến ốc đảo khác đến tận Iatribu (Yathrib, Medina), như chúng ta biết từ một bảng khắc phát hiện ở Harran. Nhà vua Babylon làm gì ở Ả Rập là một trong những bài toán gây bối rối nhất trong lịch sử Iraq cổ đại.

Những đề xuất khác nhau đã được đưa ra, đề xuất đáng tin nhất, có lẽ, là Temâ nằm tại giao lộ một vài tuyến đường mậu dịch ở bán đảo Ả Rập, cũng như là trung tâm quan trọng của giáo phái thần Sin, và Nabonidus nỗ lực kết thân với người Ả Rập để tranh thủ tình đồng minh chống lại Ba Tư. Lý do chính thức, được tiết lộ trong văn kiện của bảng khắc Harran, là rằng ông tình nguyện bỏ rơi Babylon trong cơn hoạn nạn nội chiến và đói kém.

Nhưng mà giải thích này không thể là nguyên do mười năm vắng mặt liên tục ở kinh đô, trừ khi chúng ta ức đoán là Nabû-na’id bị kẻ thù của mình ngăn cấm quay về Babylon. Ông đã bàn giao chính quyền vào tay con trai Bêl-shar-usur (‘BelshAssyriaar’ trong Cựu ước), một chiến binh có năng lực nhưng là nhà chính trị tồi, mà quyền hành bị thách thức bởi một phe đảng thân Ba Tư càng ngày càng củng cố thế lực, bởi vì gần như trong mọi xứ mà thắng lợi của Cyrus đặt dưới nền cai trị của Ba Tư đó là nhờ chính sách của ông trước tiên tranh thủ thiện chí của thần dân mới của mình hơn là làm hơn khiếp sợ buộc phải tùng phục,  để tỏ vẻ mình là người giải phóng và đối xử với tù binh bằng lòng khoan dung, kính trọng và thậm chí cổ vũ việc thờ cúng bản địa, truyền thống và tập quán. Do đó ông được thần dân yêu quý trên khắp vùng Cận Đông, và trong số người Babylonia nhiều người ngỡ rằng họ sẽ mất ít hơn khi trở thành thần dân của quân vương quảng đại như thế. Số phận đã an bày: Babylon sẽ là một miếng mồi ngon.

 Cyrus tấn công Babylonia vào mùa thu 539 TCN. Nabonidus, cuối cùng đã quay về từ Ả Rập, ra lệnh cho BelshAssyriaar dàn quân dọc sông Tigris để phòng thủ kinh đô. Nhưng quân Ba Tư áp đảo về quân số. Hơn nữa, Gubaru (Gobryas), thống đốc Gutium (tức Assyria), người đáng lẽ phải bảo vệ sườn trái của quân đoàn BelshAssyriaar, lại theo về phe địch. Các sự kiện tiếp theo được nêu ra chi tiết trong Biên niên Nabonidus.

Vào tháng Tashriru (tháng 9-10), khi Cyrus tấn công quân Akkad tại Opis trên sông Tigris, cư dân Akkad nổi dậy, nhưng ông (Nabonidus) tàn sát đám đàn chúng hoang mang.

Ngày thứ 15, Sippar bị chiếm mà không cần giao đấu. Nabonidus chạy trốn.

Ngày thứ 16, Gubaru, thống đốc Gutium, và quân đoàn Cyrus tiến vào Babylon không tốn một mũi tên. Sau đó, Nabonidus bị bắt giữ ở Babylon khi ông quay về đó.

 

Cho đến cuối tháng, người Guti mang khiêng dừng lại bên trong Esagila (đền thờ Marduk), nhưng không ai mang vũ khí vào  Esagila và các toà nhà trong đền. Giờ hoàng đạo (cho nghi lễ) không thể lỡ được.

Vào tháng Arahsamnu (tháng 10 – 11), ngày thứ ba, Cyrus tiến vào Babylon. Những cành mầm được trải trước chân ông. Tình trạng ‘hoà bình’ được thiết lập trên toàn thành phố. Cyrus gửi lời chào đến toàn dân chúng Babylon. . .

BelshAssyriaar bị giết trên trận địa Opis, còn Nabonidus ắt hẳn đã mất mạng ở Babylon, mặc dù, theo các nguồn tư liệu khác, Cyrus bổ nhiệm ông làm thống đốc Carmania (Trung Iraq). Thay vì bị hủy diệt như đối thủ của nó là Nineveh đã từng bị, Babylon được đổi xử với sự trọng thị tột cùng.

Từ ngày đầu bị Ba Tư chiếm đóng (12 tháng 10 năm 539 TCN), quân Ba Tư thận trọng không để xảy ra hành động xúc phạm đến dân chúng Babylonia trong bất cứ cách nào, và mọi nỗ lực được đề ra để hồi cư dân chúng, để thi hành luật pháp và vãn hồi trật tự trên toàn đất nước. Các vị thần Sumer và Akkad, mà Nabonidus đã mang về Babylon trong chiến tranh, được an vị trở lại trong nhà nguyện của họ, ‘những nơi khiến các ngài sung sướng’, và thậm chí các vị thần của Assyria, đã từng bị người Medes bắt làm tù binh, được trả lại và an vị trong đền thờ mới xây dựng lại.

Cyrus muốn mọi người biết rằng ông tự coi mình là người kế vị các nhà cai trị quốc gia ông vừa chinh phục, rằng ông thờ phụng Marduk và ‘ca tụng vị thần vĩ đại của mình một cách vui vẻ.’ Thật ra, chúng ta có thể tin tưởng nhà chinh phục Ba Tư khi, trong một dòng chữ khắc bằng tiếng Akkad trên một cột trụ đất sét, ông tuyên bố rằng người Babylonia chấp nhận một cách nồng nhiệt được ông cai trị:

Tất cả cư dân Babylon, cũng như cư dân trên toàn xứ Sumer và Akkad, các ông hoàng và thống đốc, đều cúi đầu trước người (Cyrus) và ôm hôn bàn chân người, hân hoan vì người đã nhận lấy vương hiệu, và với gương mặt rạng rỡ hạnh phúc đón mừng người như một chủ nhân đã ra tay cứu giúp họ như chết đi sống lại và được miễn xá mọi tổn thất và thảm họa, và họ tôn thờ tên tuổi người.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s