Iraq cổ đại (Phần 24)

   Chương 24: VINH QUANG CỦA BABYLON

4.

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Dù ngắn ngủi (726 – 539 TCN) thời cai trị của các vì vua Chaldea đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các ghi chép lịch sử. Các công trình kiến trúc, các bảng khắc hoàng gia, thư từ, các tài liệu pháp lý và thương mại với số lượng lớn họp lại giúp chúng ta hình dung một bức tranh khá đầy đủ và chính xác của vương quốc Tân Babylonia, và từ bộ sưu tập này hai đặc điểm chính  xuất hiện khiến cho toàn bộ thời kỳ có một đặc thù của riêng nó: một sự hồi sinh tôn giáo kết hợp với hoạt động kiến trúc sôi nổi, và việc trỗi dậy của đền thờ như là các đơn vị chủ yếu mang tính xã hội và kinh tế.

Địa lý, các tỉnh huống và ý chí của các nhà cai trị vương quốc đã biến Assyria thành một quốc gia quân sự bành trướng. Cùng những nhân tố, tác động qua một ngàn năm không hoạt động chính trị, đã biến Babylonia thành người kế thừa và bảo vệ các truyền thống của Sumer-Akkad, ‘vùng đất thiêng’ của Mesopotamia, được thừa nhận như thế và nói chung được chính người Assyria kính trọng. Một sự phục sinh Babylonia vào thế kỷ 6 TCN do đó chắc chắn mang hình thức của một phục sinh tôn giáo. Đối với việc tái thiết các điện thờ, phục hồi các nghi thức cổ xưa, tổ chức lễ hội tôn giáo với sự trang trọng tăng cao, các vì vua Chaldea dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Trong các bảng khắc chính thức của mình họ đặt nặng các nghĩa vụ kiến tạo hơn là chiến tranh. Họ có thể đã tuyên bố, như các vua tiền nhiệm, vương quyền trên khắp ‘Vũ trụ’ của ‘Bốn Phương Thế giới’; nhưng họ lại thích xưng mình là ‘Người Cung phụng (zaninu) Esagila and Ezida’ – một tước hiệu xuất hiện trên hàng ngàn viên gạch rải rác trên khắp miền nam Iraq. Khối lượng tái thiết khổng lồ liên quan đến mọi thành phố lớn của Sumer và Akkad, từ Sippar đến Uruk và Ur, nhưng kinh đô, như được kỳ vọng, được đối xử ưu tiên: được xây lại mới, mở rộng, củng cố và làm đẹp, Babylon trở thành một trong các kỳ quan của thế giới.

Nhà tiên tri Jeremiah, trong khi tiên đoán là nó sẽ sụp đổ, cũng không thể thôi gọi nó là ‘một chiếc cốc vàng trong bàn tay Chúa Trời, khiến tất cả mặt đất say sưa’, và Herodotus, người được cho là đã đến thăm nó khoảng 460 TCN, tuyên bố đầy ngưỡng mộ: ‘Nó vượt xa về vẻ lộng lẫy hơn bất kỳ thành phố nào được biết trên thế giới.’

Tiếng tăm này có xứng đáng hay chỉ là, như trong nhiều tính huống khác, sản phẩm của lối phóng đại Đông phương và sự dễ tin Hy Lạp? Việc trả lời cho câu hỏi này không nên tìm kiếm  trong các mô gò trơ trọi và các đống gạch vỡ vụn hiện nay vươn vãi khắp di chỉ nổi tiếng này, mà nên tìm trong các ấn bản của R. Koldewey và các cộng sự của ông, những người, giữa những năm 1899 và 1917, đã khai quật Babylon cho Viện Đông phương Đức.  Người Đức phải mất 18 năm làm việc cực nhọc và kiên trì chỉ để phục hồi thiết kế của thành phố bằng những nét sơ lược và đào một số đài tưởng niệm chính, nhưng bây giờ chúng ta sở hữu đủ chứng cứ khảo cổ để hoàn tất, khẳng định hoặc cải thiện việc mô tả cổ điển của Herodotus và thường chia sẻ nỗi phấn khích của ông.

Babylon, Thành Phố Vĩ Đại

Không cần thắc mắc, Babylon là một thị trấn rất rộng lớn so với tiêu chuẩn cổ đại. Nó bao phủ một diện tích khoảng 850 mẫu, chứa, chúng ta được cho biết, 1,179 đền thờ đủ kích cỡ, và trong khi dân số binh thường của nó khoảng 100,000, nó có thể đã có đến một phần bốn triệu cư dân, nếu không muốn nói là nhiều hơn.

Thành phố, gần như hình vuông, chia đôi bởi con sông  Euphrates giờ chảy về phía tây của phế tích, và được  bao bọc bởi một ‘tường thành trong’. Nhưng ‘để kẻ thù không gây áp lực lên sườn của Babylon’, Nebuchadrezzar đã xây dựng một ‘tường thành ngoài’, dài khoảng 8 km, thêm ‘bốn ngàn cubit đất ở mỗi bên thành phố’. Diện tích rộng lớn ở khoảng giữa hai tường thành về đặc tính là vùng ngoại ô, với các nhà đất bùn và lều lau sậy rải rác giữa các vườn tược và rặng cọ, và chứa, theo như chúng ta có thể xét đoán, chỉ hai dinh thự nhà nước: cung điện mùa hè của Nebuchadrezzar, mà phế tích nó tạo thành tại góc đông-bắc của thị trấn mô gò hiện giờ được gọi là Bâbil, và có thể bît akîtu, tức Đền Thờ Lễ Hội Tân Niên, vẫn chưa định vị chính xác. 

1

Bản đồ thiết kế Babylon trung tâm do tác giả dụng lại theo K. R. Koldewe.

Được củng cố bằng các tháp canh và phòng thủ bằng các thành hào, tường thành Babylon là những cấu trúc nổi bật, được ca tụng rất nhiều vào thời cổ. Tuyến phòng thủ bên trong bao bọc thành phố gồm hai tường thành bằng gạch phơi khô, khoảng giữa là khoảng không gian rộng 7 mét được sử dụng làm đường quân sự; hào thành, rộng khoảng 50 mét, chứa nước lấy từ sông Euphrates. Công sự bên ngoài, dài khoảng 8 km, được xây bằng ba bức tường song song, hai bức bằng gạch nung. Không gian giữa các bức tường này chất đầy xà bần và đất nén.

Theo Herodotus, phần trên cao rộng 25 mét của tường thành ngoài này có thể cho phép một hoặc thậm chí hai chiến mã xa bốn ngựa chạy qua, khiến việc chuyển quân nhanh chóng từ hai đầu thành phố. Tuy nhiên, khi được kiểm nghiệm, hệ thống phòng thủ ghê gớm này tỏ ra vô ích: chắc chắn được sự yểm trợ của nội ứng từ trong thành phố, quân Ba Tư tiến vào Babylon qua lòng sông Euphrates khi thủy triều xuống và xuất kỳ bất ý đánh chiếm nó, cho thấy mọi áo giáp đều có điểm yếu và giá trị của thành lũy tùy thuộc vào những con người đứng ở phía sau nó.

Tám cổng, mỗi cổng được đặt theo tên một vị thần, đâm qua tường thành bên trong. Cổng tây-bắc, hay Cổng Ishtar, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo của thành phố, may mắn thay được bảo tồn tốt nhất, bức tường của nó còn dâng cao khoảng 12 mét bên trên tầng đất hiện giờ. Như hầu hết cổng thành ở Cận Đông cổ đại, nó gồm một lối đi dài bị phân chia bởi các tháp nhô ra thành vài cổng vào, với các phòng cho lính gác phía sau mỗi cổng vào.

Nhưng điều lý thú chính của Cổng Ishtar nằm ở lối trang trí lộng lẩy của nó. Bức tường mặt tiền cũng như toàn bộ bề mặt của lối đi đều được bao phủ bởi những viên gạch tráng men xanh lam nổi bật trên nền xanh lá những con rồng chạm nổi đỏ và trắng (biểu tượng của thần Marduk) và các con bò (biểu tượng của thần Adad), được sắp xếp theo những hàng xen kẽ nhau. Ngay cả nền móng cũng được trang trí, mặc dù không bằng gạch men. Tổng số các con thú ước tính 575. Lối đi có mái che, và cảnh tượng những sinh vật kỳ lạ này lấp lánh dưới ánh sáng lập loè của ngọn đuốc và đèn dầu ắt hẳn phải tạo ra hiệu quả bất ngờ nhất và gây khiếp sợ (xem hình).

2

Cổng Ishtar được tiếp cận từ phía bắc qua một đại lộ rộng rãi, thực sự hoành tráng người Babylonia gọi là  Ai-ibur-shabu, ‘cầu mong kẻ thù không vượt qua nó’, nhưng ngày nay được gọi là ‘Phố Lễ Rước’. Đại lộ, rộng hơn 20 mét, được lót bằng những phiến đá vôi trắng và dặm kết bằng đá đỏ và hai bên là các bức tường dày trắng không kém ấn tượng so với tường thành ở Cổng, bởi vì trên mỗi bức 60 sư tử hùng mạnh (biểu tượng của Ishtar) với bờm đỏ hay vàng được chạm nổi trên men xanh lam (hình dưới).

3

Đằng sau các bức tường này là ba tòa nhà lớn người Đức gọi là ‘Thành lũy phía Bắc’, ‘Thành lũy Chính’ và ‘Công trình Tiên Tiến’. Tất cả ba bức tường tạo thành hệ thống phòng thủ của thành phố, mặc dù Thành lũy chính dường như cũng đã được sử dụng như một nơi cư trú của hoàng gia hoặc như một dạng bảo tàng. Tàn tích của nó để lại một số bảng khắc chữ và điêu khắc có niên đại từ thiên niên kỷ 2 đến thế kỷ 5 TCN, trong số đó có tượng đá bazan một con sư tử giẫm đạp người, được biết dưới tên ‘sư tử Babylon’. Nguồn gốc của tác phẩm đồ sộ, hơi thô mộc này thì không được biết, nhưng dù xa lạ với mọi thứ chúng ta biết về điêu khắc Mesopotamia, nó chuyển tải một ấn tượng về sức mạnh và đường bệ đến nỗi nó đã trở thành một biểu tượng của quá khứ huy hoàng của Iraq.

Ra khỏi Cổng Ishtar, Phố Lễ Rước tiếp tục, phần nào hẹp lại, qua hết thành phố. Nó băng qua trước mặt Hoàng cung, vượt qua một kênh đào có tên Libil hegalla (‘cầu mong được bội thu‘), đi dọc theo khu vực rộng lớn của tháp tầng và, quay sang hướng tây, đến bờ sông Euphrates tại điểm cây cầu sáu trụ cột có hình dáng con thuyền bắc qua. Nó chia thành phố làm hai phần: về phía đông là khu tạp nhạp các tư gia (mô gò Merkes), về phía tây và nam là các dinh thự và các đền thờ nguy nga, trực tiếp ngay phía sau tường thành và sát với Cổng Ishtar là ‘Thành lũy phía nam’, ‘Ngôi nhà kỳ quan của nhân loại, trung tâm của Mặt đất, Nơi Cư ngụ Rực rỡ, Chốn Uy Nghi’ – và bằng từ ngữ giản dị, cung điện Nebuchadrezzar, xây trên cung điện bé hơn của vua cha Nabopolas-sar.

960

Lâu đài rất rộng lớn này từ Phố Lễ Rước đi vào qua một cổng đồ sộ đơn lẻ và bao gồm 5 sân nối tiếp, mỗi sân bao quanh là các văn phòng, phòng tiếp tân và căn hộ hoàng gia. Phòng tiếp kiến rất rộng (k. 52 x 17 mét) và đường như có mái vòm. Trái với các cung điện Assyria, không có các khối đá khổng lồ đứng gác tại các cửa, không có cả phiến điêu khắc hoặc bảng chữ ốp dọc theo chân tường. Trang trí duy nhất – hiển nhiên có chủ ý làm vui mắt hơn là gây khiếp sợ – chỉ là các con thú, các cột giả và kiểu hoa lá vàng, trắng, đỏ và xanh trên những pa-nô bằng gạch bóng. Có nét lý thú đặc biệt là một kiến tạo độc lạ tại góc đông-bắc của cung điện.

Nó nằm phía dưới tầng mặt đất và và được tạo bởi bởi một hành lang hẹp và 14 phòng ngầm có mái vòm nhỏ. Từ một phòng ngầm người ta tìm thấy một cái giếng nước bất thường có ba ống thông kế cận nhau, như được sử dụng kết nối với một guồng gầu. Nhìn vào cấu trúc này ta lập tức liên tưởng ngay đến cấu trúc hạ tầng của các vườn cây trên mái, ‘vườn treo Babylon’ nổi tiếng được các tác giả cổ điển mô tả và được xây dựng – theo một truyền thuyết cho biết – bởi Nebuchadrezzar để làm đẹp lòng bà vợ mình, công chúa xứ Medes  Amytis. Các cuộc khai quật gần đây tại đó cho ta các kết quả kém lãng mạn hơn: các phòng này chỉ được sử dụng như các nhà kho lưu trữ các bảng khắc hành chính.

Về phía nam của hoàng cung, ở giữa một không gian mở rộng lớn bao quanh bởi một bức tường được gia cố, vươn cao  ‘Tháp Babel’, tòa tháp tầng đồ sộ có tên E-temen-an-ki, ‘Nền móng Đền Thờ Trời và Đất’. Cổ xưa như chính Babylon, bị Sennacherib tàn phá, được Nabopolassar tái thiết và bị Nebuchadrezzar hủy diệt hoàn toàn, để chỉ còn lại nền móng cho các nhà khảo cổ nghiên cứu. Do đó bất kỳ sự tái dựng Etemenanki nào thực chất là chỉ dựa vào các dữ liệu ít ỏi từ các nghiên cứu này, vào mô tả chứng kiến của Herodotus, và vào số đo được cho bởi các số hạng khá mơ hồ trong một tài liệu có tên ‘bảng khắc Esagila ’. Nó chắc chắn là một đài tưởng niệm khổng lồ, đáy rộng 90 mét và chiều cao cũng từng ấy, với không ít hơn 7 tầng.

Trên mặt phía nam một bậc thang ba đoạn dẫn đến tầng hai, phần còn lại của tháp được đi lên bằng các mặt dốc. Ở trên chóp là một điện thờ (sahuru) ‘được thăng hoa bằng các viên gạch tráng men xanh chói lọi’, theo Herodotus, chứa một chiếc bàn bằng vàng và một chiếc giường rộng trên đó là ‘một phụ nữ bản xứ được chọn từ mọi phụ nữ’ và đôi khi có thần Marduk, phát biểu này thỉnh thoảng được viện dẫn cho nghi thức ‘Hôn phối Thiêng liêng’ ở Babylon, vì không có chứng cứ nào khác cho việc đó.

4

Phế tích Babel

E-sag-ila, ‘Đền Thờ Ngẫng Cao Đầu’, là tên đặt cho đền thờ thần Marduk, thần hộ mệnh của Babylon và thần tối cao của hệ thần Babylonia kể từ thời trị vì của Hammurabi. Đó là một phức hợp các tòa nhà cao rộng và các sân thênh thang nằm về phía nam  Etemenanki, trên phía kia của Phố Lễ Rước và không ở dưới chân tháp tầng, như hầu hết các đền thờ Mesopotamia. Mọi nhà vua Babylon đều ban ân huệ lên điện thờ vĩ đại nhất của mọi điện thờ, và đặc biệt,

Nebuchadrezzar đã tái thiết và trang trí một cách xa xỉ ‘Lâu đài của Trời và Đất’, An vị của Vương quyền’:

Bạc, vàng, các loại đá quý đắt tiền, đồng, gỗ từ Magan, mọi thứ đắt giá, lấp lánh rực rỡ, sản phẩm của rừng núi, kho báu của biển cả, số lượng lớn hàng hóa, các quà tặng hậu hĩnh, ta mang về thành phố Babylon của ta và đặt trước ngài (Marduk).

Esagila, lâu đài của chúa tể, ta tiến hành công việc phục hồi. Ekua, nhà nguyện Marduk, Vua của các thần, ta làm các bức tường lấp lánh như ánh mặt trời. Với vàng rực rỡ nhiều như là thạch cao … với đá quý và đá tuyết hoa ta lát bên trong đền thờ …

Du-azag, chốn Đặt Tên Định Mệnh … điện thờ của vương quyền, điện thờ của vị thần chúa tể, của thần minh triết trong các vị thần, của ông hoàng Marduk, mà công trình của ngài một vì vua trước ta đã trang trí bằng bạc, nay ta phủ lát bằng vàng lấp lánh, một món trang sức hoành tráng … 

Trái tim ta mách bảo phải tái thiết Esagila; ta cứ suy nghĩ về việc đó mãi. Gỗ tuyết tùng tốt nhất của ta, ta mang về từ Lebanon, cánh rừng cao quý, ta nhắm đến việc làm mái cho Ekua … Bên trong đền thờ, những thanh rầm  tuyết tùng mạnh mẽ này … ta dát bằng vàng lấp lánh. Những thanh rầm thấp hơn ta phủ bạc và đá quỳ. Cho việc xây dựng Esagila, ta cầu nguyện mỗi ngày.

Của cải của Esagila cũng được  Herodotus đề cao, sau khi mô tả tháp tầng, ông nói về một ‘đền thờ thấp hơn’:

Ở đó có một hình thần Zeus (Marduk) lớn bằng vàng, ngồi tại một chiếc bàn lớn bằng vàng, và bệ gác chân và ghế cũng bằng vàng; theo người Chaldea số vàng toàn thể có trọng lượng 800 ta-lăng (3 tấn). Bên ngoài đền là một áng thờ bằng vàng. Cũng có một áng thờ lớn khác, trên đó để hiến tế những con vật lớn trong đàn. Chỉ các con vật non sữa mới được hiến tế trên áng thờ vàng, nhưng trên áng thờ lớn hơn người Chaldea thậm chí còn cúng đến 1,000 ta-lăng hương trầm mỗi năm. …

23 thế kỷ sau khi Herodotus viếng thăm Babylon, tuy nhiên, đền thờ Marduk vĩ đại đã nằm chôn vùi dưới hơn 20 thước đất cát, khiến các cuộc khai quật mở rộng gần như không thể thực hiện được. Với giá trả cho một nỗ lực vượt bậc, người Đức có thể phát lộ chính điện tại đó, giữa nhiều gian phòng được sắp xếp đối xứng quanh một sân trung tâm, họ nhận diện ra được Ekua, điện thờ Marduk, nhà nguyện nhỏ hơn của thần phối ngẫu của Marduk, nữ thần Sarpanitum và những nhà nguyện cúng các vị thần khác, như Ea và Nabû. Về các tòa nhà kế cận, chỉ có tường và cổng ngoài có thể lần ra dấu vết. Bị cướp phá suốt thời cổ đại, Esagila thực sự không còn để lại gì có giá trị. Trên chóp ngọn đồi nhân tạo che giấu nó lăng mộ của ‘Amran ibn ‘Ali, một bạn đồng hành của nhà Tiên Tri, làm sống mãi cho người Hồi nhân vật thiêng liêng gắn kết với địa phận đó của Babylon.

Lễ Hội Tân Niên

Mỗi năm một lần, vào mùa xuân, lòng mộ đạo lan truyền khắp Sumer và Akkad kết tinh tại Babylon. Trong vài ngày những suy nghĩ của toàn thể dân chúng tập trung vào các lễ hội xảy ra ở kinh thành, vì chúng đưa ra lời đáp về các nỗi lo sợ và hy vọng của mỗi người Mesopotamia. Nhân loại dường như cảm nhận rằng mình cũng chia sẻ trong tiến trình làm mới lại trọng đại mà cõii tự nhiên đang trải qua, rằng quá khứ bị hủy diệt, rằng vũ trụ tạm thời chuyển sang tình trạng hỗn độn, rằng số phận của đất nước tùy thuộc vào phán xét được các thần linh tuyên cáo. Không có gì ngoài một nghi thức phức tạp chứa đầy các phẩm chất thần bí mới có thể giải được cơn khủng hoảng khó tránh khỏi và đặt dấu chấm hết vào sự hoang mang khủng khiếp đang bao trùm nhân loại.

Lễ hội Tân Niên, hoặc akîtu, như được tổ chức tại Babylon trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN, là kết quá của sự hợp lưu hai dòng tín ngưỡng mạnh mẽ: một Giáo phái Màu Mỡ cực kỳ cổ xưa, bao gồm các hội hè vụ mùa và nghỉ lễ ‘Hôn phối Thiêng liêng’, chỉ được minh chứng trong một số thành phố và đến tận nửa đầu của thiên niên kỷ 2 TCN và một nguồn gốc vũ trụ tương đối gần đây hơn được các nhà thần học ở Nippur phát triển, theo đó việc sáng tạo thế giới là do Enlil sau khi đã đánh thắng Tiamat và các thế lực Hỗn Mang. Sau khi thế giới được tạo ra, một hội nghị toàn thể các thần do ‘Chúa tế Thần Phong’ chủ tọa ra chỉ dụ về ‘Định mệnh của Mặt đất, số phận của nhân loại. Sự sáng tạo và đặt tên Định mệnh là không độc nhất và có tính cáo chung, nhưng theo thông lệ hằng năm và có điều kiện. Cuộc đấu tranh vũ trụ vĩ đại được tin là xảy ra mỗi năm một lần và kết quả không thể dự đoán được. Trong lễ hội akîtu của người Babylonia, con đường của tự nhiên từ thiếu thốn đến sai quả được tạo ra để trùng hợp với sự phục hồi trật tự thần thánh, và vai trò chính là của thần Marduk, người kết hợp cá tính của Enlil, nhà quán quân và vua các thần, với cá tính riêng của một vị thần thành hoàng tạo màu mỡ.

Lễ hội Tân Niên bắt đầu vào ngày gọi là zagmuk, vào tháng Nisan (tháng 3 – 4), và kéo dài trong 11 hoặc 12 ngày. Các bảng đất sét mô tả lễ hội không may bị hư hại, nhưng đủ để chúng ta đọc được để có thể theo dõi, dù có nhiều chỗ đứt đoạn, các nghi lễ trọng 6 ngày đầu. Từ những gì còn lại liên quan đến ngày thứ nhất chúng ta chỉ có thể  biết rằng một giáo sĩ mở khóa ‘Cổng Thượng’ của Esagila và mở ra sân vuông lớn của đền. Vào ngày thứ hai đại tư tế (sheshgallu) thức dậy trước bình minh và tắm gội bằng nước sông Euphrates; sau đó ông bước vào đền thờ, đọc bài kinh bí ẩn cầu xin Marduk giáng phúc cho Babylon và dân chúng của nó, và cho vào các thầy tu erib bîti, các thầy pháp (kalû) và các người hợp xướng trong nghi thức.

Những gì tiếp theo thì quá phân mảnh để có thể hiểu được, nhưng dường như nó tham chiếu đến các thời khắc khó khăn, nói về ‘các nghi thức bởi lãng quên’, ‘các kẻ thù’ và ‘lời nguyền rủa của Marduk’. Ngày thứ ba bắt đầu không khác ngay thứ hai, nhưng ba thợ thủ công được triệu tới và được cung cấp vật liệu để làm ra hai tượng gỗ nhỏ trang trí đá quý và vận quần áo đỏ; một tượng đang vung một con rắn, tượng kia một con bò cạp. Vào ngày thứ 4 những bài cầu nguyện dâng đến Marduk và phối ngẫu Sarpanitum của ngài được cất lên từ sáng sớm, và sau bữa ăn thứ hai vào chiều tối, thầy tu sheshgallu đọc trường thi Enuma elish (Thiên Hùng ca Sáng Thế) toàn bộ, trong khi mũ tiara và ghế ngồi của Enlil vẫn còn được bao phủ bày tỏ sự tôn kính đối với các vị thần này, mà trong Thiên Hùng ca, đã bị Marduk thay thế.

Phần đầu của ngày thứ 5 dành cho sự thanh tẩy đền thờ. Một giáo sĩ chuyên trách, vị mashmashu đi quanh đền Esagila tay cầm lư hương và đuốc, vẫy nước sông Tigris lên bức tường của ngôi đền và xoa chúng bằng nhựa tuyết tùng. Sau đó một người đồ tể được gọi đến cắt lấy đầu một con cừu, mang thi thể đi quanh bên trong đền và, với sự trợ giúp của giáo sĩ, ném đầu và thân xuống sông, ‘vật tế’ được tin là đã mang đi mọi tội lỗi của năm qua; sau đó cả thầy mashmashu và người đồ tể rời Babylon để trú trong vùng quê trống trải cho đến khi Lễ hội kết thúc. Thầy sheshgallu – người đã tránh xa các nghi lễ này để không bị ô uế – ra lệnh cho các thợ thủ công che đậy bàn thờ của con trai Marduk, Nâbu, người sau đó sẽ được đưa xuống thuyền đi từ Barsippa (Birs Nimrud) đến Babylon – với một bức màn bằng vải xanh lam thêu chỉ vàng.

Buổi chiều tối, vua di hành đến Esagila. Trước tượng Marduk, ngài giao lại các biểu tượng của vương quyền – vương trượng, vương miện và cây chùy – cho thầy sheshgallu, ông này sẽ đặt chúng trên ghế trước Marduk, và rồi tát vào má vua:

Ông ta (giáo sĩ), nghi thức cho ta biết các chi tiết này, sẽ tháp tùng nhà vua đến diện kiến thần Bêl… ông này sẽ bẹo lấy tai vua để lôi ngài đi và ấn ngài cúi rạp xuống đất … Nhà vua sẽ nói những lời sau (chỉ) một lần:

‘Ta không phạm tội, hỡi chúa tể các xứ sở. Ta không chểnh mảng việc thờ cúng ngài. Ta không phá hủy Babylon; ta không ra lệnh lật đổ nó … Hỡi đền thờ Esagila, ta không quên các nghi thức. Ta không tát như mưa vào má các phụ tá … Ta không sỉ nhục họ. Ta canh giữ Babylon; ta không đập vỡ tường thành …’

Giáo sĩ trấn an nhà vua: 

‘Ngài đừng sợ … Thần Bêl sẽ lắng nghe đến lời cầu nguyện của ngài… Người sẽ hoằng khai quyền bá chủ của ngài …  Người sẽ thăng hoa vương quyền của ngài … Thần Bêl sẽ giáng phúc cho ngài mãi mãi. Người sẽ hủy diệt kẻ thù của ngài, đốn ngả đối thủ của ngài.’

 

Nhà vua được trao lại các biểu tượng và bị tát một lần nữa:

Ông ta (giáo sĩ) sẽ tát vào má ngài. Nếu, khi ông ta tát vào má vua, nước mắt chảy xuống, (điều này có nghĩa) thần Bêl thân thiện; nếu nước mắt không xuất hiện, thần Bêl đang thịnh nộ: kẻ thù sẽ nổi lên và hạ bệ ngài.

 

Tình tượng trưng của nghi thức này là rõ ràng: nhà vua, vật tế của cộng đồng, xin chuộc tội của mình và được nhắc nhở mình nhận được quyền lực là nhờ vào ai ngoài các thần linh. Sau đó về đêm ngài còn tham gia các nghi lễ khác liên quan đến việc thiêu một con bò đực bằng lửa lau sậy.

Tất cả những gì ta biết vào ngày thứ 6 là Nabû vừa đến nơi từ  Barsippa và, cùng lúc đó, hai ‘bức tượng nhỏ của sự độc ác’, vốn đã được chế tác ba ngày trước, bị chặt đầu và các thủ cấp bị ném vào lửa. Chuyện kể bị đứt đoạn tại đây, nhưng các văn bản khác cho biết các vị thần khác cũng đến Babylon, nhất là từ Sippar, Kutha và Kish. Vào ngày 9, nhà vua bước vào điện thờ Marduk, ‘cầm lấy tay thần’ – một cử chỉ đúc kết sự tham gia của vương triều vào Lễ Hội – và an vị ngài vào nhà nguyện ubshukkinna cùng với các vị thần khác.

Trong hội đồng thần thánh đầu tiên này quyền bá chủ của Marduk được tuyên cáo, như được nêu rõ trong Thiên Hùng ca Sáng Thế và các Định mệnh được đặt tên lần đầu tiên. Một đám rước hoành tráng, long trọng sau đó được thành lập, bao gồm các tượng của tất cả nam thần và nữ thần. Dẫn đầu là Marduk trên chiến mã xa lắp lánh vàng và đá quý và được nhà vua dẫn dắt, nó đi xuống Phố Lễ Rước băng qua Babylon trong vòng hào quang khói hương, tiếng hát và âm nhạc, trong khi dân chúng quỳ xuống sùng bái hai bên đường khi nó đi qua.

Qua Cổng Ishtar đám rước rời thành phố, và sau một quãng ngắn dọc sông Euphrates, đến bît akîtu, một ngôi đền chứa đầy cây cỏ hoa lá giữa một công viên rộng. Chúng ta thiếu chi tiết liên quan đến các nghi lễ xảy ra ở đó nhưng ắt hẳn sụ khải hoàn của Marduk đối với các lực lượng ác xấu được chào mừng. Các vị thần ở lại đền bît akîtu ba ngày. Vào ngày 11 Nisan các ngài trở về lại Esagila, tại đó các ngài tụ họp lần nữa để ra chỉ dụ, thêm một lần nữa, ‘Định mệnh Đất nước’. Cụm từ mơ hồ này có nghĩa là gì, chúng ta không biết chính xác. Có lẽ các sấm truyền liên quan đến các sự kiện nhất định, như chiến tranh, đói kém, lụt lội …. được thông báo; có lẽ các vị thần chỉ đơn giản tái khẳng định sự hộ trì của mình cho dân chúng Babylonia và quân vương của họ theo một thuật ngữ chung chung. Phiên họp kết thúc bằng một buổi đại tiệc có hoà nhạc và cầu nguyện. Vào ngày 12 Nisan tất cả các vị thần đã đến Babylon đều trở về thành phố nguyên quán, các tăng lữ trở về đền thờ mình, nhà vua trở về hoàng cung. Lễ Hội Tân Niên đã khép lại.

Đời Sống Kinh Tế

Từ các đỉnh cao của tư tưởng tôn giáo đến các thực tiễn thế tục của đời sống kinh tế khoảng cách ở Babylonia thời Chaldea thật không rất khác biệt, vì tại nhiều nơi tăng lữ chăm sóc những nhu cầu tâm linh lẫn vật chất của dân chúng. Chẳng hạn, văn khố E-Anna, điện thờ lớn tại Uruk, cho thấy đền thờ sở hữu nhiều điền trang rộng lớn một phần cho tá điền thuê, thực hiện nhiều giao dịch buôn bán lớn trong và ngoài Mesopotamia và lập thành một đơn vị xã hội và kinh tế gần như độc lập với chính quyền trung ương. Các hoạt động khác nhau này được định hướng bởi một ‘nhà quản trị’ (shatammu), được các ‘giám sát’ (qipu) và trưởng thư ký (tupshar) phụ giúp.

Đền thờ thuê mướn nhiều người: các nhân sĩ (mâr bâni) và thợ thủ công (ummane) tham gia các ngành chuyên môn khác nhau. Các nhân công thuê mướn và nô lệ cày cấy và thu hoạch trên đồng ruộng, đào và tu bổ kênh mương, chăn thả gia súc và gia cầm, và điều hành vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Trong số các tôi tớ của đền thờ đặc biệt lưu ý là shirkê (sing. shirku), nôm na là ‘thiện nam tín nữ’, những ông bà thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau đã nguyện ‘dâng hiến’ vĩnh viễn cho đền thờ, thi hành các nghĩa vụ khác nhau, không nhận lương, nhưng được tăng thân nuôi ăn ở. Sản lượng của đất đai, lợi tức của mậu dịch, tiền thuê ruộng và nhà của , thuế đánh trên cộng đồng và vật cúng tế – theo lý thuyết là tùy hỉ, nhưng thực tế là bắt buộc – tạo thành thu nhập của đền thờ. Một tổ chức tương tự ắt hẳn tồn tại trong các thành phố khác, mặc dù hầu hết tài liệu từ Babylon, Sippar, Nippur, Barsippa và Ur được phổ biến đến giờ đều chủ yếu nói tới các giao dịch giữa cá nhân.

Tầm quan trọng mà ít ra một số đền thờ dưới triều đại Chaldea nắm giữ ắt hẳn xuất xứ vào thế kỷ 10 và 11 TCN. Trước niên đại đó, xu hướng tổng quát trong lịch sử đã là một sự giảm thiểu dần dần các đặc quyền qua sự thành lập các điền trang rộng lớn của hoàng triều và sự phát triển tài sản tư nhân. Nhưng trong ‘thời kỳ tăm tối’ của cuộc xâm lược Aramaea các sự kiện đi theo chiều hướng khác. Mặc dù thiếu các chứng cứ viết tay, chúng ta có thể hợp lý cho rằng trong khi bọn xâm lược cướp bóc và đánh chiếm vùng đồng quê trống trải, các trại chủ và thợ thủ công Mesopotamia tìm trú ẩn trong hoặc sát bên thành phố, và đặt mình dưới sự điều động của giới thẩm quyền còn lại duy nhất, giới tăng lữ. Khi đó các đền thờ trở thành trung tâm xã hội, kinh tế và văn hóa của miền Nam Mesopotamia – một tình trạng làm nhớ đến vai trò của các tu viện trong thời Trung Cổ – với các phương tiện vô giới hạn nhằm mở rộng lĩnh vực của chúng.

Dưới thời thống trị của Assyria, khi văn bản một lần nữa trở nên có được, dường như tài sản của Babylonia được tập trung vào các ‘thành phố thần thánh’ của nó. Các ông vua Assyria, vốn trông cậy phần lớn vào đền thờ để duy trì sự ổn định chính trị của Babylonia, ban bố đặc quyền cho họ và thường miễn giảm thuế và lệ phí; nhưng các ngài cũng quản lý họ chặt chẽ và, khi cần, cũng ‘mượn’ tài sản của họ. Sự sụp đổ của Assyria đến một mức độ nào đó cũng giải phóng đền thờ khỏi sự can thiệp của chính quyền, và nếu Nabopolassar và Nebuchadrezzar, vì lòng sùng đạo cá nhân và lòng trung thành với truyền thống ăn sâu, cho tái dựng và làm đẹp về phương diện vật chất các điện thờ, các ngài không can thiệp vào tổ chức của họ và bằng lòng với 20 phần trăm hoa hồng trên lợi tức của họ. Nabonidus, tuy nhiên, tìm cách săm soi kỹ hơn các hoạt động làm ăn của đền thờ. Chúng ta biết rằng trong năm 553 ông ta bổ nhiệm hai quan chức cao cấp vào đền E-Anna ở Uruk, với chỉ thị giám sát các thương lượng và bảo đảm việc thu đều đặn tiền thuế và tiền nộp thập phân cho triều đình. Điều chắc chắn đây là lý do, chứ không phải ‘sự ngoại giáo’ của nhà vua, đã giới tăng lữ xa cách với nhà vua và buộc họ ngả về phe của Cyrus.

Chính sách mới, không được lòng người bắt buộc phải đưa ra ắt hẳn vì những khó khăn tài chính nghiêm trọng. Nebuchadrezzar đã tiêu tốn những số tiền khổng lồ để tái thiết Babylon, và các hoạt động ‘khảo cổ’ của chính Nabonidus không kém mắc mỏ hơn. Thêm vào đó, chính quyền phải nuôi dưỡng một quân đội thường trực đông đảo. Trừ Elam, tất cả xứ sở phía bắc và đông giờ thực tế đã khép cửa mậu dịch với Mesopotamia, và nếu Syria – Palestine vẫn còn trong tay Babylonia, các cuộc nổi dậy thường xảy ra khiến các tỉnh xa xôi này trở thành một gánh nặng hơn là một lợi thế. Hơn nữa, các thành phố Phoenicia đã mất nhiều tài sản trước đây của họ. Thế kỷ 6 TCN chính xác là thời kỳ vĩ đại của bành trướng đường thủy và thuộc địa của Hy Lạp, và trung tâm thương mại chính của đông Địa Trung Hải không còn nằm trên bờ biển Lebanon, mà tại Hy Lạp, Ionia, Lydia, Cilicia và Ai Cập.

Chi tiêu tăng lên và lợi tức giảm sút rút cạn kiệt tài sản hoàng triều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn bộ của Babylonia. Một cuộc khảo sát các hợp đồng thuê mướn và mua bán phát hiện một sự gia tăng đáng kể về giá giữa đầu và cuối thời kỳ Tân Babylonia. Chẳng hạn một nô lệ nam giá 40 shekel bạc khoảng 600 TCN, lên giá 50 shekel khoảng 50 năm sau. Dưới thời Nebuchadrezzar 1 shekel có thể mua được từ 2 đến 4 qa đất canh tác, nhưng chỉ mua từ 1 đến 2 qa dưới thời Nabonidus. Một tình trạng tăng giá tương tự ảnh hưởng đến lương thực, quần áo và nhu cầu hàng ngày khác. Vì nhiều lý do khác nhau thật khó rút ra một thang lương chính xác, nhưng chúng dường như vẫn duy trì khá thấp trong suốt thời kỳ. Lương trung bình hàng tháng của một lao động không chuyên, chẳng hạn, khoảng 1 shekel; với lương này, y có thể mua được 2 giạ ngũ cốc và ba giạ chà là, vừa đủ cho y nuôi sống gia đình. Kết quả, người ta phải quay ra vay mượn trên cơ sở dài hạn, và tín dụng phồng to khiến nền kinh tế Babylonia càng thêm thiếu lành mạnh.

Thuật ngữ ‘tiền bạc’ ở đây không nên hiểu theo nghĩa thông thường, bởi vì tiền đồng đúc – được nói là đã được người Lydia sáng chế vào thế kỷ 7 TCN – không lưu hành rộng rãi ở vùng Cận Đông trước thời cai trị của Darius I (521 – 486 TCN). Vật mà người Babylonia sử dụng thay tiền tệ là các mảnh bạc có hình dạng khác nhau và có trọng lượng tiêu chuẩn hóa: shiqlu (shekel), cân nặng khoảng 3/10 một ao-xơ; mana (cân) bằng 67 shekel, nặng khoảng 18 ao-xơ; và biltu (ta-lăng) bằng 60 mina, nặng khoảng 67 cân.

Cũng được lưu hành thông dụng là nửa-shekel, và thỉnh thoảng she, nôm na một ‘hạt’ bạc. Hệ thống này có từ lâu đời, vì các thỏi đồng được đóng chữ hoặc hình để bảo đảm chất lượng xuất hiện ở Mesopotamia ngay từ thiên niên kỷ 2 TCN, và người Assyria sử dụng các vật thể được mạ bạc, chì và, sau đó, đồng trong các giao dịch thương mại của họ. Điều mới mẻ trong thời kỳ Tân Babylonia là công nhận bạc làm chuẩn, tỷ lệ của bạc đối với vàng thay đổi giữa 14 và 10 đến 1.

Tiền tệ được tiêu chuẩn hóa được coi như một hệ thống tham chiếu khiến việc kế toán và thương vụ dễ dàng hơn, nhưng tiêu chuẩn bạc cũng khuyến khích tín dụng phát triển, vì lý do đơn giản là ‘đồng tiền’ bằng bạc dễ cất giữ và vận dụng. ‘Nạn cho vay nặng lãi, cầm cố và làm nô lệ trừ nợ nảy nở theo sau phương thức trao đổi mới bất cứ nơi đâu nó xuất hiện.’ Doanh nghiệp tư nhân trên một quy mô chưa từng biết trước đây nở rộ ở Babylonia trong thế kỷ 6 TCN, và trong khi phần đông dân chúng lâm vào cảnh lầm than, một ít ‘triều đại’ các nhà tư bản và doanh nhân – như gia đình Egibi ở Babylon – tích lũy tài sản trong bất động sản, buôn bán nô lệ, chi nhánh cho vay, công ty thương mại và nông nghiệp và hoạt động ngân hàng, như cho vay và thế chấp.

Sự xuất hiện của hệ thống tiền tệ và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là các hiện tượng mà tầm quan trọng của nó không thể coi là quá đề cao; nhưng sự trỗi dậy của các đền thờ với vai trò các đơn vị chủ yếu về mặt xã hội và kinh tế cũng không kém phần quan trọng.  Cả hai giúp giải thích được điều gì xảy ra sau khi Babylonia đã đánh mất quyền tự trị về chính trị. Suy thoái kinh tế góp phần vào sự thoái trào của nền văn minh Mesopotamia, nhưng các đền thờ giữ cho nó sống gần như 600 năm. Do một sự trùng hợp đáng chú ý, nền văn minh này sẽ phải chết như nó được sinh ra: dưới cánh các vị thần.


Bình luận về bài viết này