Jason Ho
DI SẢN BẤT DIỆT: DUŠAN TOÀN NĂNG VÀ CÔNG CUỘC KHAI SANH RA ĐẾ CHẾ SERBIA
Lịch sử thời Trung Cổ của Vương quốc Serbia là một câu chuyện đầy cảm hứng với những thành tựu to lớn, cũng như những cuộc đấu tranh của một quốc gia nhỏ bé và người dân của nó khi họ nỗ lực vươn lên dành độc lập và dựng lên sự thạnh vượng. Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trong quá khứ, khi các bộ tộc người Slav được chú ý trong lịch sử hiện đại, người Serb đã giữ một vị trí quan trọng trong sự phát triển ở Bán đảo Balkan và các vùng khác ở Châu Âu, đặc biệt là dính dáng mật thiết với Đế chế Byzantine và số phận của họ.
Từ những vương quốc sơ khai và các quý tộc thù địch, đến sự xuất hiện của Vương quốc của người Serb đầu tiên và các triều đại lâu dài sau đó đang trên đà phát triển vững chắc hướng tới những tầm cao lớn hơn. Hơn nữa, vương quốc ở miền Nam Slav này đã cố gắng đạt được những đỉnh cao dẫn đến Đế chế Serbia hình thành vào năm 1346 và trở thành cường quốc kinh tế và chính trị hàng đầu ở Bán đảo Balkan, được lãnh đạo bởi người cai trị xuất chúng — Sa hoàng Dušan Toàn Năng.
TỪ THÙ HẬN ĐẾN HƯNG THỊNH: THỜI THƠ ẤU CỦA DUŠAN TOÀN NĂNG
Dušan Toàn Năng là một người cai trị và có tài chỉ huy xuất chúng, ngay từ khi ông còn trẻ. Tên gọi đầy đủ của ông là Stefan Uroš IV Dušan Nemanjić (Стефан Урош IV Душан Немањић), và ông đạt được danh hiệu “Toàn Năng” sau khi đạt được những thành tựu vĩ đại của mình khi khai sinh ra đế chế. Dušan ra đời vào năm 1308, con trai và là người kế thừa của Stefan Uroš III Nemanjić, còn được gọi là Stefan Dečanski (Стефан Дечански). Vào khoảng năm 1314, Stefan Dečanski trẻ tuổi bắt đầu xung đột với người cha của mình, vị vua hiện tại, nên bị lưu đày đến Constantinople cùng gia đình. Cha của ông ra lệnh cho ông tự làm mù đôi mắt, theo phong tục truyền thống, nhưng có khả năng điều này đã không xảy ra, hoặc Stefan Dečanski không bị mù hoàn toàn. Thời thơ ấu của Dušan đã sát cánh cùng cha mình trong thời gian sống lưu vong.
Vào khoảng năm 1318, Stefan Dečanski được phép hồi hương với điều kiện đứa con trai Dušan phải bị giữ trong cung của ông nội như con tin. Vị vua già qua đời vào năm 1321, và sau một năm xung đột, Stefan Dečanski lên ngôi vua, con trai ông là thái tử trẻ. Vào khoảng năm 1331, mối quan hệ giữa hai cha con ngày càng lạnh nhạt. Có một giả thuyết cho rằng Stefan Dečanski chỉ định đứa con trai thứ làm người kế thừa mà không phải là Dušan.
Ngoài ra còn có áp lực ngày càng tăng của các quý tộc và các vị chỉ huy cầm quyền, những người đã thúc giục Dušan — lúc này đã 22 tuổi — nổi dậy chống lại cha mình. Một giả thuyết phổ biến là vì ông không chỉ định vai trò người thừa kế đối với Dušan, nhưng lý do thực tế là sự bất mãn ngày càng tăng của các quý tộc. Stefan Dečanski đã không chịu hành động sau khi giành chiến thắng trong Trận Velbuzhd quan trọng, có nghĩa là ông đã không cho phép giới quý tộc của mình cướp bóc Bulgaria và chiếm các lãnh thổ mới. Đây là lý do chính để họ muốn nổi dậy chống lại ông và đặt Dušan trẻ tuổi lên ngai vàng.
Cuộc nổi dậy diễn ra vào năm 1331, hai cha con trở mặt với nhau thành kẻ thù. Tháng 8 cùng năm, đội quân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Dušan nhanh chóng hành quân từ một trong các cố đô của Serbia là Skadar (ngày nay thuộc Albania) đến khu phức hợp Nerodimlje thuộc vùng Kosovo miền Nam Serbia. Nerodimlje là kinh đô quan trọng của các nhà cai trị Serbia, một trung tâm văn hóa và là nơi lưu trú vào mùa hè. Khi con trai của ông cùng với quân nổi dậy tiếp cận nơi này, Stefan Dečanski chạy đến pháo đài Petrič (Петрич) gần đó để bảo vệ dinh thự. Ở đó, ông sớm bị bao vây và cuối cùng bị con trai mình bắt giữ.
Dušan trẻ tuổi tự phong mình làm Vua vào ngày 8 tháng 9 năm 1331, tại pháo đài Svrčin (Сврчин), trong khi cha ông vẫn bị giam tại pháo đài Zvečan. Trong ngục tối, Stefan Dečanski đã gặp phải kết cục của mình. Một số nguồn cho rằng cái chết của ông là tự nhiên; những người khác cho rằng ông bị bóp cổ theo lệnh của con trai mình. Một số người lại cho rằng các quý tộc đã treo cổ ông mà không có sự đồng ý của vị Vua mới.
KHAI THÁC ĐIỂM YẾU CỦA ĐẾ CHẾ BYZANTINE: CÁC CUỘC CHINH PHỤC ĐẦU TIÊN
Đế chế Byzantine lúc này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn đầy thử thách vào khoảng năm 1341. Đây là năm mà Hoàng đế Andronikos III Palaiologos qua đời, để lại người thừa kế là cậu bé 9 tuổi, John V Palaiologos. John VI Kantakouzenos, cố vấn trưởng và là bạn của hoàng đế quá cố, nắm quyền nhiếp chính cho vị hoàng đế nhỏ tuổi, nhưng quyền nhiếp chính của ông sớm bị loại trừ bởi những người ủng hộ Hoàng hậu Anna xứ Savoy. Hai phe đối lập này đã gây rạn nứt trong triều, và điều này dần trở nên sâu sắc hơn khi những người ủng hộ Kantakouzenos tuyên bố ông là đồng Hoàng đế.
Sự thù ghét sớm trở thành xung đột quân sự, trước khi bùng nổ thành một cuộc nội chiến toàn diện. Cuộc chiến này diễn ra từ năm 1341 đến năm 1347 và là một sự kiện thảm khốc đối với Đế chế, khiến Đế chế phải đối mặt với một tình trạng tồi tệ. Tuy nhiên, vai trò của Serbia trong cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tiến trình lịch sử.
John VI Kantakouzenos tìm kiếm sự giúp đỡ từ các người bạn của ông, và nhất là từ Vua Dušan của Serbia. Họ gặp nhau vào tháng 7 năm 1342 tại một thị trấn ở Serbia là Priština (Приштина), nơi cả hai kết minh để chống lại Hoàng hậu Anna và những kẻ ủng hộ bà. Điều kiện là các bên liên minh được quyền giữ chiến lợi phẩm đạt được trong cuộc chiến.
Dušan đã khai thác rất nhiều từ cuộc nội chiến này để kiếm lợi cho vương quốc của mình. Ông tiến hành tấn công về phía Tây vào năm 1342. Dušan và quân đội của ông từng bước chinh phục tất cả các lãnh thổ của Đế chế Byzantine ở Tây Balkan: toàn bộ khu vực Albania là của ông vào năm 1342 và năm 1343, các pháo đài Byzantine ở phía Nam Macedonia thất thủ ngay sau đó. Năm 1343, ông chinh phục các vùng lãnh thổ phía Đông sông Vardar. Đến lúc đó, người Byzantine mới nhận ra rằng mối liên minh của họ với Dušan đã phản tác dụng. Họ tìm cách cắt đứt liên minh và thay vào đó Kantakouzenos tìm kiếm một liên minh với người Thổ. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn, những cuộc chinh phạt hung hãn của Dušan đã khiến họ bất ngờ.
KHAI SINH RA MỘT ĐẾ CHẾ — NGƯỜI BYZANTINE BỊ TRỤC XUẤT
Đỉnh điểm là khi Dušan — lúc này đã xứng đáng với danh hiệu “Toàn Năng” — đã chinh phục hoàn toàn các lãnh thổ thuộc Byzantine trước năm 1341 ở Tây Balkan, trải dài tới tận thành Kavala ở miền Bắc Hy Lạp, ngoại trừ thành phố cảng Thessaloniki, đều thuộc về người Serb. Nhiều học giả nhận định rằng Dušan Toàn Năng có ý định chinh phục thành Constantinople và xóa sổ Đế chế Byzantine, thay thế bằng một Đế chế Cơ Đốc giáo Chính Thống của người Serb-Hy Lạp.
Các vùng lãnh thổ bị chinh phục sau này trở thành Đế chế Serbia trải dài từ Belgrade và Braničevo tới phía Bắc, vượt qua sông Drina (Dubrovnik) ở miền Tây Nam, với Biển Adriatic là biên giới phải Đông. Về phía Tây bao gồm Đế chế Bulgaria với vai trò là chư hầu, và trải dài suốt tới Moldova và cửa sông Danube. Tới phía Nam, Đế chế bao trùm gần cả Bán đảo Hy Lạp. Vài năm sau đó, Dušan Toàn Năng biến vương quốc của ông trở thành vùng lãnh thổ lớn nhất Bán đảo Balkan, tạo ra một thế lực thống trị trong mọi lĩnh vực và hất cẳng Đế chế Byzantine khỏi vị trí quyền lực thông thường.
Vào khoảng năm 1343, Dušan tự phong cho mình là “Dušan, Vua của Serbia, Albania, La Mã (Hy Lạp), và các đường bờ biển”. Vào năm 1345, ông thay đổi và bắt đầu tự phong mình là Sa hoàng, tương đương với hoàng đế của người Slav. Vào ngày 25 tháng 9 năm 1345, cuối cùng ông đã chinh phục được Serres (Сер), một thành trì quan trọng của người Byzantine, và xưng là “Sa hoàng của người Serb và người La Mã” (La Mã ở đây biểu thị người Hy Lạp với người Serb thời Trung Cổ, hay còn gọi là người Byzantine).
Tiếp theo, Dušan Toàn Năng đã hoàn thành một tuyên ngôn được ban công khai. Điều này xảy ra vào năm 1346, vào ngày 16 tháng 4: ngày lễ Phục Sinh. Sự kiện diễn ra tại thủ phủ của tân Đế chế Serbia, Skopje (Скопље), thủ đô của Bắc Macedonia hiện tại. Trong một buổi lễ xa hoa với sự tham dự của rất đông người dân, Dušan Toàn Năng đã lên ngôi Hoàng đế. Buổi lễ có sự tham dự của tất cả các quan chức cấp cao và các vị lãnh đạo tôn giáo. Khi lên ngôi, vị Thượng phụ người Serbia mắc chứng tự mãn khi đó đã được phong đứng đầu Tòa Thượng phụ của Đế chế Serbia. Dušan trở thành Hoàng đế và Thống chế của người Serb và người La Mã, và ông phong cho đứa con trai nhỏ của mình là Uroš làm Vua của người Serb và người Hy Lạp. Vị vua nhỏ sau này sẽ tập trung vào việc quản lý các lãnh thổ trung tâm của Serbia, trong khi Dušan sẽ tập trung vào các khu vực lãnh thổ Byzantine bị chinh phục.
BƯỚC KHỞI ĐẦU VĨ ĐẠI: THIẾT LẬP BỘ LUẬT DUŠAN
Sau khi thành lập Đế chế Serbia, tân Hoàng đế Dušan đồng thời ban hành các tước vị trong triều đình theo phong cách Byzantine. Theo đó, em trai và em rể của ông được phong làm “despot” (деспот), một tước vị tương đương với Hoàng thân trong triều đình Byzantine. Chỉ huy quân đội được gọi là “caesar” (кесар), sau này được biết đến qua thuật ngữ tiếng Slav là voivodes (војводе). Các quan chức cấp cao của triều đình được gọi là “sebastocrator” (севастократор), trong khi các chức sắc được gọi là “domeskitos” phụ trách nội vụ (доместик, ставилац). Người đứng đầu cơ quan tài chánh và thuế, lúc đó được gọi là казнац, trở thành “protovestiarios” (протовестијар) tương đương bộ trưởng tài chánh bây giờ.
Dušan Toàn Năng còn được biết đến với những cải cách cấp tiến và khả năng lãnh đạo. Ông thiết lập những đổi mới quan trọng đối với triều đình Serbia, vốn được tôn vinh trong nhiều thế kỷ tới. Thành tựu quan trọng nhất mà ông đã ban hành là Bộ luật Dušan (Душанов Законик), hay còn gọi là “Закон благовјернаго цара Стефана” (Luật của Hoàng đế Stefan), một bộ luật hoành tráng được biên soạn và tập hợp thành hệ thống hoàn chỉnh. Đây là một dạng tương tự hiến pháp và là một trong những công trình pháp lý trang nghiêm và hiện đại nhất trong thời kỳ đó. Bộ luật này tiếp tục được sử dụng như một hiến pháp ngay cả sau thời Dušan, cho tới tận năm 1459, khi Đế chế Ottoman sát nhập lại phần lãnh thổ của Serbia sau này. Bộ luật được sao chép rộng rãi trong các tu viện, và một số bản chép lại này còn tồn tại từ thế kỷ 14 cho đến ngày nay.
Bộ luật được ra đời vào ngày 21 tháng 5 năm 1349 tại thủ phủ Skopje và lan tới Serres năm 1354. Luật này có thể hình dung như một cách để điều chỉnh vương quốc Serbia và tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của tất cả công dân. Toàn bộ Bộ luật bao gồm 201 điều khoản và đề cập đến mọi lĩnh vực quan trọng trong phạm vi Đế chế. Luật bao gồm các khía cạnh liên quan đến nhà thờ và tôn giáo, luật dân sự, tranh chấp và luật hình sự, v.v. Các luật lệ của Dušan được cho là rất công bằng và cân bằng, nhưng cũng rất khắt khe. Những kẻ phạm luật sẽ phải chịu những hình phạt khắc nghiệt. Bộ luật này vẫn là một trong những công trình quan trọng nhất của lịch sử Serbia thời Trung Cổ.
MỘT VỊ HOÀNG ĐẾ AN NGHỈ TRONG TÀN TÍCH
Hoàng đế Dušan Toàn Năng qua đời vào Chủ Nhựt, ngày 20 tháng 12 năm 1355. Người ta cho là ông qua đời khi đang tiến hành các cuộc chinh phạt chống lại người Byzantine. Nguyên nhân ông chết chưa được làm rõ nên có rất nhiều giả thuyết nảy ra. Dušan được an táng ở trang viên của riêng ông, Tu Viện các Tổng lãnh thiên thần ở Prizren (Призрен), thành phố và cũng từng là thủ phủ của đế chế trong một thời gian. Prizren là một thành phố quan trọng thời Trung Cổ của Serbia và là trung tâm thương mại, văn hóa và nghệ thuật.
Dušan đã chọn vùng lân cận của thị trấn này làm nơi an táng cho mình. Ông cho xây dựng một khu phức hợp tu viện lớn (6500 m²) được bao quanh bởi một quần thể pháo đài, trong một hẻm núi hẻo lánh của sông Prizrenska Bistrica. Ở đó, ông cuối cùng được an nghỉ trong một lăng mộ hoàng gia bằng đá cẩm thạch hoành tráng. Một thế kỷ sau cái chết của ông, người Ottoman đã cướp phá tu viện này vào năm 1455, và rồi hoàn toàn san bằng nó vào năm 1615. Sau khi phá hủy, người Thổ Ottoman đã tái sử dụng những viên đá này để xây nên Nhà thờ Hồi giáo Sinan-Pasha ở Prizren.
Tàn tích của khu phức hợp này được khai quật vào năm 1927, khi một phần của ngôi mộ được phát hiện, hóa ra là của Dušan. Những di vật có giá trị mà ông chôn cùng đã bị phá hủy từ lâu, nhưng xương cốt của ông vẫn còn. Ngày nay hài cốt của ông nằm ở Belgrade, nhưng sau khi tu viện được xây dựng lại, hài cốt sẽ được đưa về lại Prizren. Năm 1998, khu di tích này một lần nữa trở thành một tu viện hoạt động và là nơi ở của một số linh mục. Nhưng người Albania đã cướp phá và thiêu rụi nó vào năm 1999. Ngày nay tu viện một lần nữa hoạt động trở lại, với tám vị linh mục Serbia sống trong đống đổ nát. Họ được bảo vệ bởi KFOR (Kosovo Force, Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo thuộc NATO).
ĐẾ CHẾ CỦA DUŠAN TAN RÃ
Dušan Toàn Năng được thừa kế bởi con trai ông, Stefan Uroš V, còn được gọi là Uroš Nhu Nhược (Урош Нејаки). Uroš có được danh hiệu này vì không có khả năng bảo toàn Đế chế của cha ông. Với những áp lực liên tục từ bên ngoài, cùng với sự chia rẽ nội bộ và mối thù của các quý tộc Serbia, Đế chế rộng lớn của Dušan nhanh chóng bắt đầu sụp đổ. Lực lượng cai trị tập trung từng huy hoàng của Dušan trở nên yếu đi và các quý tộc ngày càng tách ra hoạt động độc lập.
Uroš không có bất cứ giải pháp gì để giải quyết vấn đề, và do đó, là người cai trị cuối cùng của Vương triều Nemanjić nổi tiếng (Немањићи). Những gì Dušan cố gắng đạt được với khả năng cai trị của ông đã không tồn tại lâu. Vương quốc Serbia bị chia cắt không đủ khả năng chống chọi với mối đe dọa mới đến từ phía Đông. Sau Trận Kosovo tàn khốc năm 1389 (Косовска Битка), cuộc chinh phục dần dần Serbia và Bán đảo Balkan bắt đầu. Mặc dù vậy, Dušan Toàn Năng vẫn là một trong những vị tổ phụ, là nhân vật lịch sử quan trọng được tôn kính nhất Serbia, và những việc làm của ông đánh dấu đỉnh cao quyền lực của vương quốc Serbia thời Trung Cổ.
ĐẾ CHẾ SERBIA VÀ ĐẾ CHẾ OTTOMAN: MẤT MÁT VÀ PHỤC HỒI NỀN ĐỘC LẬP
Trong suốt nửa sau thế kỷ 14, Đế chế Ottoman mở rộng quyền cai trị lên vùng Balkan. Một trong các cường quốc trong khu vực được người Ottoman ghé mắt đến trong quá trình chinh phục Bán đảo Balkan chính là Đế chế Serbia, do Stefan Dušan, người cai trị “Toàn Năng” của Vương triều Nemanjić thành lập trong nửa đầu của thế kỷ.
VƯƠNG QUỐC SERBIA TRONG THỜI TRUNG CỔ
Lịch sử của Vương quốc Serbia được cho là bắt đầu từ thời Trung Cổ. Khoảng từ thế kỷ 6 tới thế kỷ 11 Công Nguyên, cuộc “xâm lược” của người Slav lên Bán đảo Balkan đã mang người Serb đến với vùng đất này. Trong những năm đầu tiên, lúc này chưa hình thành một cộng đồng người Serb thống nhất, mà chỉ có vài bộ lạc riêng lẻ. Chỉ tới khi vào thế kỷ 13, dưới Vương triều Nemanjić thì Serbia mới thống nhất thành một vương quốc ở vùng Balkan và đạt tới thời hoàng kim dưới quyền cai trị của Stefan Dušan.
Cùng với cái chết của Stefan Dušan vào năm 1355, ngai vàng được trao cho con trai của ông, Stefan Uroš V Nhu Nhược. Đây là thời kỳ suy thoái của Đế chế Serbia khi hoàn toàn bị chinh phục bởi Đế chế Ottoman, và phủ tầm ảnh hưởng lên vương quốc tới tận thế kỷ 19.
CÁC TRẬN ĐÁNH VỚI ĐẾ CHẾ OTTOMAN
Có hai trận đánh quan trọng trong cuộc chinh phục Đế chế Serbia của Đế chế Ottoman. Trận đầu tiên là Trận Maritsa diễn ra vào năm 1371. Trong suốt trận đánh này, đội quân Serbia đông đảo bị đánh bại bởi một đội quân nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ và có kỹ thuật hơn của Đế chế Ottoman. Cũng trong trận này, Vukašin Mrnjavčević, Vua của người Serb và Hy Lạp, cùng với người đồng cai trị là Hoàng đế Stefan Uroš V, bị giết cùng với em trai ông là Hoàng thân Uglješa. Chiến thắng trong trận này dẫn đến việc chinh phục Macedonia và một phần Hy Lạp của người Ottoman.
Trận thứ hai, cũng là trận đánh nổi tiếng hơn, là Trận Kosovo, diễn ra vào năm 1389. Mặc dù Vương triều Nemanjić dần suy tàn sau cái chết của Hoàng đế Stefan Uroš V (mà không có người nối dõi) trong Trận Maritsa, nhưng nó chưa phải là kết thúc cho người Serb. Vẫn còn một vài lãnh chúa phong kiến nắm giữ quyền lực ở Đế chế, và một trong những người này là Lazar Hrebeljanović. Hoàng tử Lazar đã kêu gọi tập hợp một phần lãnh thổ Serbia và chuẩn bị đối mặt với người Ottoman xâm lược.
Trận Kosovo ngày nay được coi là bất phân thắng bại về mặt chiến thuật và cả người Serb và người Ottoman đều chịu tổn thất nặng nề. Trong số những người thiệt mạng còn có Hoàng tử Lazar và Sultan Murad I. Theo một tài liệu ghi nhận lại, một hiệp sĩ người Serbia tên là Miloš Obilić đã đâm chết vị Sultan khi đang giả vờ quy phục.
Tuy nhiên, người Serb có kết cục tồi tệ hơn nhiều so với người Ottoman sau trận chiến. Người Serb không còn quân đội để bảo vệ vùng đất của họ, mặc dù người Ottoman vẫn có một lượng lớn quân đóng phía Đông. Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo Serbia, bao gồm cả người kế nhiệm của Lazar, trở thành chư hầu của Ottoman. Serbia cuối cùng mất đi nền độc lập vào năm 1459.
SERBIA DƯỚI SỰ CAI TRỊ CỦA ĐẾ CHẾ OTTOMAN
Người ta nói rằng người Serb đã phải chịu đựng vô cùng đau khổ dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman. Quyết tâm tiêu diệt các tầng lớp xã hội, người Ottoman đã đàn áp tầng lớp quý tộc Serbia. Ngoài ra, người ta còn cho rằng người Serb theo Cơ Đốc giáo sống như “những người hầu — bị lạm dụng, làm nhục và bóc lột” dưới sự cai trị của các lãnh chúa Hồi giáo. Kết quả là, các thành phố dần dần bị bỏ hoang, và nhiều cư dân rút lên núi, nơi họ áp dụng lối sống mục vụ.
Công Giáo Châu Âu không giúp được gì nhiều cho người Serb. Thay vào đó, vì họ liên tục chiến tranh chống lại người Ottoman, người Serb trở thành một con tốt trong trò chơi của họ. Những thế lực này thường tìm cách xúi giục người Serb nổi dậy chống lại người Hồi, mặc dù những cuộc nổi dậy như vậy thường kết thúc trong thất bại.
NỀN ĐỘC LẬP CHO SERBIA
Năm 1804 đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các cuộc nổi dậy nhằm dẫn dắt Serbia đến với độc lập thoát khỏi ách cai trị của Đế chế Ottoman vào năm 1878. Trong suốt những năm đầu của cuộc nổi dậy, một Công quốc nhỏ tự trị của Serbia được thành lập bởi Hoàng tử Milos Obrenovic. Hậu duệ của Milos đã cai trị công quốc mới này trong những thập niên tiếp theo và các nhà lãnh đạo Serbia đã có thể củng cố quyền lực của họ. Cuối cùng, từ năm 1876 đến năm 1878, người Serb đã gây chiến với người Ottoman, với kết thúc là dành lại độc lập hoàn toàn cho họ.
Nguồn tài liệu tham khảo: Ancient Historyhttp://www.balkanhistory.com/kosovo_1389.htmhttp://www.srpskoblago.org/serbian-medieval-history/http://www.balkaninsight.com/…/the-ottomans-six…)