Mấy ý kiến về loạt bài “Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ” của tác giả Hồ Bạch Thảo

thang long 2

Đặng Thanh Bình

Qua loạt bài Lịch sử Việt Nam thời tự chủ của tác giả Hồ Bạch Thảo, xin được thảo luận mấy việc

A/ Về bài viết Khúc Tiên Chúa nhân thời cơ giành độc lập thì thực sự tôi cảm thấy không thuyết phục, bởi lẽ

– Cương mục và Tư trị chỉ có biết vào năm 906 Tĩnh hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ được thăng chức Đồng bình chương sự

– Chỗ viết về yếu tố Thời thì thuyết phục vì dẫn đầy đủ tài liệu

– Chỗ viết về yếu tố Cơ, tuy dẫn Tư trị, nhưng với tài liệu này thì chúng ta chỉ có thể biết rằng năm 880 An Nam có quân loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn, chứ cũng không đề cập gì tới Khúc Thừa Dụ

– Chỗ viết về yếu tố Thế lại không dẫn một tài liệu nào, mà đoạn “Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học … giành lại nền độc lập cho nước nhà” chẳng qua cũng chỉ là một nhận định của tác giả mà thôi

-> Tóm lại, tác giả có 1 sử liệu cho biết vào năm 880 An Nam có quân loạn, Tiết độ sứ phải bỏ thành chạy và 1 sử liệu cho biết vào năm 906 Khúc Thừa Dụ được thăng chức, rồi trên cơ sở đó đưa ra nhận định là Khúc Thừa Dụ chớp thời cơ (quân loạn) vận động nhân dân, đuổi kẻ thù, giành độc lập (thì rõ ràng là không thể nào thuyết phục được)

Chỉ đến bài Đính chính sai lầm của An Nam Kỷ Yếu dẫn đến sai lầm trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục tác giả mới đề cập đến 1 sử liệu viết về Khúc Thừa Dụ tại thời điểm năm 880, ấy là Việt Sử Tiêu Án, nói cho đúng hơn thì chúng ta tìm thấy mối liên hệ giữa Khúc Thừa Dụ và năm 880 trong sử của Ngô Thì Sĩ bởi lẽ không chỉ có Việt sử tiêu án, mà một bộ sử khác do Ngô Thì Sĩ tham gia viết là Đại Việt sử ký tục biên cũng có chép đến việc Khúc Thừa Dụ nhân loạn năm 880 mà tự xưng Tiết độ sứ.

Xét Tiền biên chỗ nói về năm 923 thấy Ngô Thì Sĩ có đề cập đến Dã sử chép “Tăng Cổn thời Đường bỏ phủ thành chạy, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ, xin mệnh triều đình”, thế thì:

– Hoặc là chúng ta phải nghĩ Ngô Thì Sĩ đã dùng Dã sử để biên chép sử chính thống và theo như mức xếp hạng, đánh giá tài liệu thì hiển nhiên thông tin Khúc Thừa Dụ khởi binh vào năm 880 là không đáng tin cậy, bởi vì bộ chính sử trước là Toàn thư và sau đó là Cương mục đểu không chép (chúng ta cần tách bạch 2 sự kiện khác nhau, ấy là Khúc Thừa Dụ khởi binh vào năm 880 và Tăng Cổn bỏ thành năm 880, hai sự kiện này hoàn toàn khác nhau, Toàn thư và Cương mục có chép việc Tăng Cổn bỏ thành, như thế không có nghĩa Thừa Dụ khởi binh, nên việc bác bỏ ghi chép của An Nam kỷ yếu chỉ chứng tỏ việc Tăng Cổn bỏ thành, chứ không chứng minh Thừa Dụ khởi binh)

– Hoặc là chúng ta phải nghĩ Ngô Thì Sĩ đã suy luận, nhưng dù có suy luận hay dựa vào Dã sử, thì như Tiền biên chỗ nói về năm 880 rằng người Nam Chiếu tấn công An Nam nên Tăng Cổn mới buộc phải bỏ thành chạy về Ung phủ (nguyên nhân khiến Tăng Cổn bỏ chạy do Ngô Thì Sĩ nêu được Giáo sư Bửu Cầm cho là không đúng, mọi người xem thêm bài Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường trên Văn Hóa Nguyệt San số 78.1963)

Tóm lại,

– Thứ nhất, thay vì dẫn sử liệu của họ Ngô thì tác giả lại viết dưới dạng nhận định của mình

– Thứ hai, nếu có dẫn sử liệu của họ Ngô thì cũng rất cần bàn tới độ xác tín, bởi chưa thấy tài liệu sử chính thống nào, cả trước và sau, cả ta và tàu chép đến việc Khúc Thừa Dụ tại thời điểm năm 880.

– Thứ ba, các sách sử còn ghi lại vài viên quan người phương bắc cai trị tại Việt Nam từ sau năm 880 đến 905 như Tạ Triệu, An Hữu Quyền, Chu Toàn Dục (chính sử Toàn thư chép) Độc Cô Tổn (Tư trị chép) vậy thì về mặt khoa học, ít nhất là phải bàn xét xem họ có làm quan trên thực tế không, hay chỉ là danh nghĩa, nếu chỉ cần 1 vị thực sự có cai trị Việt Nam thì rõ ràng nó bác bỏ rằng Khúc Thừa Dụ nắm chính quyền từ năm 880, nhưng không thấy tác giả viết, đó cũng là thêm 1 lý do mà bài viết không thuyết phục.

(Nhân việc này nói thêm về bài Cuộc đấu tranh đầu tiên đòi lại đất trong lịch sử bang giao Việt Trung, tuy tác giả không nói rõ thời điểm nhưng đọc kĩ các trích đoạn như:

–  “Qua sự kiện Sứ thần Lê Chung được giao việc sao lục các văn thư và lời nói của Lê Văn Thịnh gửi cho vua quan triều Tống, chứng tỏ Vua Lý Nhân Tông lúc này nhận được báo cáo rằng Lê Văn Thịnh đã gửi những văn thư cho nhà Tống mà không trình cho nhà Vua biết, nên cần phải điều tra”

– “Đến khi Sứ thần Lê Chung trở về nước, Vua nhận được bản sao các văn thư”

– “Rõ ràng nội dung thư gửi cho Hùng Bản hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nhà vua quyết đòi các động Vật Dương, Vật Ác”

– “vì là thầy học Vua, chắc nội vụ được xử kín trong cung đình; chỉ bắt đi an trí, tức quản thúc, chỉ định nơi cư trú mà thôi. Người ngoài không biết đầu đuôi, nên dư luận đồn thổi rằng Văn Thịnh có phép biến thành hổ mưu giết Vua, nên bị đày”

Chúng ta biết phái đoàn Lê Chung về nước vào khoảng cuối năm 1087 nếu đúng như những gì tác giả viết ở trên, thì chỉ năm sau là Lê Văn Thịnh bị an trí, quản thúc rồi, chứ sao phải đợi đến năm 1096, lại thêm Việt sử lược chép rằng vào năm 1091 quan Lê Văn Thịnh còn dâng lên vua 1 con voi trắng, thông tin này rõ ràng đã mâu thuẫn trực tiếp với nhận định trên của tác giả, tất nhiên vì mục đích của bài viết là đề cập tới ngoại giao đòi đất, chứ không phải thái sư Lê Văn Thịnh, nên không thể đòi hỏi tác giả phải khảo kỹ những chi tiết liên quan tới Lê Văn Thịnh, nên tôi chỉ nêu lên để mọi người cùng thảo luận thêm mà thôi)

B/ Về khó hiểu (tôi chưa biết nên dùng từ mâu thuẫn hay khó hiểu cho trường hợp này) thực ra nếu mọi người đọc kỹ 2 bài viết của tác giả, sẽ nhận ra những khó hiểu, cụ thể:

– “Năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà là có cơ sở”

– “Kết quả từ 2 mặt, đánh giá sử liệu thứ nhất thuộc loại A1, sử liệu thứ hai hạng B3; dĩ nhiên phải chọn sử liệu thứ nhất: “Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về”

Thấy rằng,

– thứ nhất tác giả khẳng định tháng 3/880 tại an nam có quân loạn (lưu ý rằng, vì quân loạn này, mà) Tăng Cổn bỏ thành trốn, vậy thì phủ đô hộ lục này trong tình trạng nào, không có Tiết độ sứ thì đường nhiên rồi, nhưng trống rỗng hay do đám quân loạn nắm giữ

– thứ hai tác giả nhận định Thừ Dụ chớp thời cơ (ý nói quân loạn) nhưng vận động nhân dân là gồm những ai, đồng loạt nổi dậy là ở những địa điểm nào, đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, kẻ xâm lăng có phải là Tăng Cổn và quân nhà Đường không, nếu phải thì đám xâm lăng đó do Thừa Dụ đuổi hay do bọn quân loạn đuổi, hay bọn quân loạn đuổi ra khỏi thành, rồi Thừa Dụ đuổi tiếp về Ung phủ, giành lại nền độc lập, vậy thì sau khi Tăng Cổn và quân nhà Đường chạy về Ung phủ rồi, thì phủ đô hộ do Thừa Dụ làm chủ hay do đám quân loạn làm chủ hay đám quân loạn chính là nhân dân được vận động. Đó chính là những cái mà tác giả phải làm rõ, câu “vận động nhân dân, đồng loạt nổi dậy, đuổi kẻ xâm lăng, giành lại độc lập” nghe rất xuôi, nhưng kì thực ẩn nhiều điểm phải làm rõ, nói cách khác đám quân làm loạn và Thừa Dụ có mối quan hệ gì không ?

(chỗ này tôi xin đề cập đến 1 sử liệu mà do Tích Dã cung cấp, ấy chính là vào tháng 6/880 Tăng Cổn đem quân từ Ung phủ đến đánh đám quân loạn hồi tháng 3, hiện đang giữ phủ thành, nhưng chưa lấy lại được, thế rõ ràng là vào tháng 6, phủ thành do đám quân loạn chiếm giữ, vậy thì Hồng châu Khúc Thừa Dụ đuổi ai và giành độc lập ở đâu, trừ khi Thừa Dụ chính là kẻ cầm đầu đám quân loạn)

Xin phép được nêu lên 2 ý lớn này, còn những chi tiết, nếu có thời gian, xin thảo luận sau.

Trân trọng,

 

 

3 thoughts on “Mấy ý kiến về loạt bài “Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ” của tác giả Hồ Bạch Thảo

  1. TTTG chép:
    Khúc Thừa Dụ tằng cổn vi “Cao Biền tì tướng dã, Thường vị Cao Biền cáo An Nam đại tiệp Can Phù tứ niên (Tây nguyên 877 niên) Vi An Nam Đô Hộ. Thời Nam Chiếu Vương Tù Long tốt, tử Pháp Tự, Tự hiệu Đại Phong Nhân, cử chúng xâm An Nam, thú binh hối “.
    Tắc Khúc Thừa Dụ Đường Hi Tông Quảng Minh nguyên niên (880) Tuế tại canh tí, An Nam nhập xâm hậu đích tứ niên chi nội, cứ hữu Giao Chỉ, Tức vị khả năng. Hậu thử khai thuỷ liễu Khúc thị tại Giao Chỉ ngũ thập niên thống trị, dã tẩu thượng liễu chân chính đích phiên trấn cát cứ đạo lộ.
    Nhi Đường Chiêu Tuyên đế Thiên Hựu tam niên (906) xuân chính nguyệt ất sửu, Đường đình cánh thị ” Gia Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ Đồng Bình Chương sự “. Sung phân nhận khả tịnh đề cao liễu kỳ dãi ngộ. Thử điều hạ hồ chú viết ” Khúc Thừa Dụ thừa loạn cứ hữu An Nam “. Thử xứ sở vị đích ” loạn “, tiện thị Nam Chiếu nhập xâm tằng cổn xuất đào.
    Lương Thái Tổ Khai Bình nguyên niên (907) lục nguyệt, “Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ (Thừa) Dụ tốt. Thất nguyệt bính thân, dĩ Tĩnh Hải Quân Hành Dinh Tư Mã quyền tri lưu hậu Khúc Hạo khởi phục vi An Nam Đô Hộ, sung Tiết Độ Sứ.
    Dịch:
    Khúc Thừa Dụ, trước là tì tướng của Cao Biền, thường giúp cáo tiệp đại thắng tại An Nam (đánh Nam Chiếu). Năm 877 (niên hiệu Can Phù thứ tư : Lý Hoàn Đường Hi Tông) làm An Nam Đô Hộ.
    Khi vua Nam Chiếu Đoàn Tù Long chết, con là Pháp Tự, xưng hiệu Đại Phong Nhân, khởi binh đánh An Nam. Binh lính Khúc Thừa Dụ chết nhiều nên phải bôn tẩu.
    Đến năm 880 (Đường Hi Tông, Quảng Minh năm đầu: canh tí) Khúc Thừa Dụ đánh chiếm lại Giao Chỉ, khai mở dòng họ Khúc 50 năm tại Giao Chỉ, trở thành phiên trấn, cát cứ một đạo.
    Đến đời Đường Chiêu Tuyên Đế, Thiên Hựu năm thứ 3 (906), tháng giêng năm ất sửu, triều đình nhà Đường phong “Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ thêm chức Đồng Bình Chương Sự”
    Lương Thái Tổ (Chu Ôn, Toàn Trung) năm Khai Bình thứ nhất (907) tháng 6, Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ (Thừa) Dụ chết, tháng 7 năm ấy (bính thân), Tĩnh Hải Hành Dinh Tư Mã Khúc Hạo (con Khúc Thừa Dụ) làm An Nam Đô Hộ kiêm Tiết Độ Sứ.

    Thích

  2. Trả lời ông Đặng Thanh Bình.

    Nếu chúng ta đến viện bảo tàng Nữu Ước, chiêm ngưỡng bộ xương quái vật dinosaur, chiễm chệ đặt vắt ngang đại sảnh đường; chiều dài đến mấy chục mét, chiều cao cũng đến hàng chục mét; ai cũng trầm trồ con vật khổng lồ, sông cách xa hàng chục triệu năm. Nhưng khách thưởng ngoạn sành điệu đều biết rằng buổi đầu, tại nơi khám phá, các nhà khảo cổ không thể phạt hiện được bộ xương hoàn chỉnh như vậy. Họ có thể tìm thấy một vài xương dinosaur rải rác trong bụi rậm, rồi kiến nhẫn đào bới thêm tìm thêm những xương kẹt trong hốc đá hoặc dưới đống bùn. Cuộc tìm kiếm kéo dài lâu ngày, đến lúc không thể tìm thêm được nữa; họ cẩn thận gói xương đem về kho. Rồi bỏ ra hàng năm trời nghiên cứu, với kiến thức chuyện môn, dùng các vật liệu hóa học phụ thêm vào, giúp ráp nối chắp vá, mới tạo nên dược bộ xương hoàn chỉnh như vậy.

    Thiết tưởng người nghiên cứu cổ sử cũng làm công việc tương tự; những sử liệu y thu thập, phần lớn không đủ để vẽ nên chân dung quá khứ; thế tất y phải dựa vào kinh nghiệm về lịch sử suy luận thêm, để bù đắp vào.

    Cu thể như trong bài Khúc Tiên Chúa Nhân Thời Cơ Dành Độc Lập chúng tôi đã thu thập sử liệu trong các bộ sử Trung Quốc như Đường Thư, Tư Trị Thông Giám, Tân Ngũ Đại Sử; sử Việt Nam như Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Án vv. Mặc dầu đã cố gắng, nhưng vẫn không đủ sự kiện lịch sử để tạo dựng quá khứ một cách trọn vẹn, nên phải dựa theo truyền thống lịch sử, suy luận thêm:

    Năm 880, Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nỗi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.

    Kinh nghiệm lịch sử về chớp thời cơ, chúng ta có được từ khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, khởi nghĩa năm 1945 của Việt Minh. Riêng về đồng loạt nỗi dậy chống xâm lăng, xãy ra rất nhiều, kể từ thời Hai Bà Trưng cho đến hiện đại.

    Thiết tưởng nếu suy luận của chúng tôi vô lý, ông Bình có kiến giải gì hay hơn, xin nêu lên.

    Về vụ án Lê Văn Thịnh, qua sử Hoa Việt, chúng ta có các sử liệu:

    -Thân thế: đậu thủ khoa đầu tiên dưới triều nhà Lý, cũng tương tự như Trạng Nguyên, lại từng được mời vào kinh đô dạy Vua học.

    -Vua Lý Nhân Tông nghi ngờ việc làm của Sứ thần Lê Văn Thịnh, nên sai Sứ thần Lê Chung sang Tống điều tra.

    -Viên quan phụ trách đàm phán là Thành Trác trao văn thư của Lê Văn Thịnh gửi Vua Tống và quan lại Trung Quốc cho Lê Chung
    .
    -Thành Trác bị Vua Tống trừng phạt.

    -Việc Lê Văn Thịnh nhượng các động Vật Dương, Vật Ác hoàn toàn trái với lệnh Vua Lý Nhân Tông.

    Phải chăng các sử liệu này có lý để giải thích vụ án, hơn là việc Lê Văn Thịnh biến thành hổ mưu hành thích vua?

    Hồ Bạch Thảo.

    Thích

  3. Thưa với tác giả,

    1/ Xin phép tác giả được trình bày sơ qua về sự tiến triển trong những nghiên cứu về Khúc Thừa Dụ

    – Hồ Tam Tỉnh. Trong Tư trị thông giám âm chú (hoàn thành năm 1286) chỗ viết về Khúc Thừa Dụ năm 906 có cho biết “Khúc Thừa Dụ nhân loạn chiếm giữ An Nam” (tài liệu này tôi được biết bởi sử gia Trần Quốc Vương) -> thấy rằng Tỉnh không nói thời điểm xảy ra loạn.

    – Âu Dương Tu. Sau này đọc Tân Ngũ đại sử, Nam Hán thế gia (hoàn thành năm 1053) thấy có đoạn “Sau đời Hy Tông (873-888) các đại thần ra trấn ở ngoài, vì cớ thiên hạ đều loạn lạc, không thể đi đâu được, duy chỉ có thể đến Nam Hải mà thôi. Bấy giờ, Khúc Hạo ở Giao Châu” -> thì ngờ rằng Tam Tỉnh dựa trên thông tin này mà chú thêm cho Tư trị thông giám như dẫn ở trên và cứ theo như Âu Dương Tu thì họ Khúc đã giữ Giao Châu từ trước năm 888.
    – Ngô Thì Sĩ. Qua Đại Việt sử ký tiền biên (hoàn thành năm 1800) Ngô Thì Sĩ khẳng định Nam Chiếu tấn công An Nam, buộc Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành chạy về Ung phủ, Hồng châu Khúc Thừa Dụ nhân đó xưng Tiết độ sứ, lính việc châu và xin mệnh triều đình -> một là Ngô Thì Sĩ dẫn dã sử và hai là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trong Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử tàu cũng có bàn việc này, nhưng không có nhiều đặc sắc, nên nếu gộp vào đây.

    – Bửu Cầm. Qua bài Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường (1963) thì thấy rằng đã có một sự phê phán rất đáng kể của Giáo sư đối với Ngô Thì Sĩ -> trước hết Giáo sư chỉ ra Ngô Thì Sĩ nhầm lẫn nguyên nhân khiến Tăng Cổ bỏ phủ thành, cũng như dựa vào Tư trị thông giám để xác định lại nguyên nhân là do Quân loạn tại An Nam, nhưng Giáo sư vẫn bảo tồn quan điểm Khúc Thừa Dụ là người Hồng châu, nhân quân loạn mà tự xưng tiết độ sứ (tức là có 3 thế lực lúc bấy giờ là Tăng Cổn, Quân Loạn và Khúc Thừa Dụ, kiểu như trai cò đánh nhau, ngư ông đặc lợi) -> như cũng vì chỉ ra nguyên nhân đúng mà Giáo sư phải đối diện với một khó khăn khác, đó là: ai mới là thế lực đuổi Tăng Cổn và người nào mới là thế lực giữ phủ thành, coi quản An Nam ?

    – K.W.Taylor. Trong Việt Nam khai quốc (1994) tác giả có đề cập tới Tiền biên và cho rằng Thừa Dụ giành chính quyền trong khoảng 880-905 là có lý, bởi không thấy sự xung đột và vị tiết độ sứ nào rõ ràng, ngài ấy cho rằng quyền lực được chuyển trong hòa bình và cũng có đề cập tới mấy tiết độ sứ, cũng như đề cập tới việc Hoàng Sào làm loạn.

    – Trần Quốc Vương. Giáo sư dựa vào Tư trị thông giám chép việc phong chức Đồng bình chương sự năm 906 và chú thích của Hồ Tam Tỉnh mà “trăn trở” (chữ của Tiến sĩ Trần Trọng Dương) về thời điểm 905 (mốc này trước đó vào năm 1996 có A.B. Poliacop và đến nay thì đã phổ cập) -> nhưng tựu chung những người theo thuyết này quá thận trọng.

    + năm 2016 tôi có viết bài Bàn về thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc, bài viết này vốn là một ghi chú khi đọc bài Thời điểm kết thúc ngàn năm bắc thuộc của tác giả Trần Trọng Dương -> trong bài đó tôi có đề cập tới việc Hoàng Sào tấn công Quảng châu khiến cấu trúc quyền lực tại Lĩnh Nam bị thay đổi, đã tác động tới quân lĩnh tại phủ thành An Nam, khiến họ làm loạn, đuổi tiết độ sứ Tăng Cổn, kế đến là bàn về 3 tiết độ sứ Cao Mậu Khanh, Chu Toàn Dục, Độc Cổ Tổn để chứng tỏ họ chỉ làm quan trên danh nghĩa, cuối cùng là dựa vào ghi chép của Ngô Thì Sĩ và để trả lời cho câu hỏi phát sinh từ bàn luận của Giáo sư Bửu Cầm thì tôi đặt giả thuyết Khúc Thừa Dụ chính là kẻ cầm đầu đám quân loạn (tức là chỉ có 2 thế lực, Tăng Cổn và Khúc Thừa Dụ).
    + năm 2017 tôi có việt lại với tiêu đề Bàn thêm về giả thuyết trong Việt sử tiêu án, vì thực chất là chỉ là dẫn thêm các bằng chứng để làm rõ hơn ghi chép của Ngô Thì Sĩ mà thôi, về cơ bản thì bài viết này không khác bài kia là mấy, chỉ là chỉn chu hơn xíu

    + sau đó tôi có trao đổi với người tên Tích Dã, do đó mà biết thêm được 2 chi tiết nữa, một là Tư trị thông giám có chép vào tháng 6/880 Tăng Cổn đem quân ở Ung phủ hòng chiếm lại phủ thành nhưng chưa được -> thông tin này tuy không tạo ra nhận thức mới, nhưng nó lại rất quan trọng để khẳng định rằng phủ thành vẫn do đám quân loạn giữ từ tháng 3 đến tháng 6, nghĩa là nó bác bỏ trực tiếp việc “Thừa Dụ nhân loạn tự xưng tiết độ sứ, coi việc châu Giao” và kế đến nó cho thấy đám quân loạn này có tổ chức, chứ không phải ô hợp thì mới có thể giữ thành lâu vậy và đám đó đủ sức đuổi Tăng Cổn, cũng như chống lại được các cuộc tấn công, rõ ràng là đám quân loạn này rất mạnh, thế thì bằng cách nào mà Khúc Thừa Dụ lại chiếm được phủ thành, phủ yên được chứng và coi trị tới năm 906, đến khi chết thì con được nối, rõ ràng họ Khúc cũng rất thế lực và hai là các sử liệu liên quan tới Đô hộ An Nam là Tạ Triệu và Tiết độ sứ An Hữu Quyền, theo 2 tài liệu chép về 2 người này thì đã rõ 4 vị Tiết độ sứ trong thời gian từ 880 đến 905 đều chỉ làm trên danh nghĩa.

     Vì thế với những thuyết ở trên, cũng như những kiến giải của các tác giả, đến đây đặt giả thuyết rằng nhân việc Hoàng Sào tấn công Quảng Châu năm 879, tại An Nam đô hộ Khúc Thừa Dụ dân binh ở phủ thành làm loạn (nếu không muốn nói là phản) buộc Tăng Cổn phải bỏ về Ung phủ, thế nghĩa là Thừa Dụ là một bộ tướng của Tăng Cổn, chưa chắc đó đã là người Hồng châu, bởi Tiền biên dẫn Dã sử, rồi thêm vào thời điểm Khúc Dụ chết, con là Hạo đã lớn, chứng tỏ ngài ấy cũng đã nhiều tuổi, rồi xuất hiện nhât vật tên là Khúc Lãm, sống cùng thời với Thừa Dụ, có thế lực và có mối quan hệ với các tầng lớp phật giáo được Thiền uyển tập anh chép lại.

    2/ Về án Lê Văn Thịnh thì tôi đồng ý với tác giả các gạch đầu dòng, chỉ trừ 1 gách đầu dòng, ấy là “việc Lê Văn Thịnh nhượng các động Vật Dương, Vật Ác hoàn toàn trái mệnh với lệnh của Nhân Tông”

    Thực ra không phải thế! Việc ngoại giao đòi lại đấy này vào những năm 1950 học giả Hoàng Xuân Hãn đã bàn rất kỹ trong Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý rồi, tất nhiên học giả dựa chủ yếu trên Tục tư trị thông giám trường biên. Trường biên chép rất khó theo dõi, nên học giả cố gắng định hình lại chuỗi sử kiện để độc giả dễ mường tượng, nhưng cũng chính vì thế mà có nhiều chỗ hơi chủ quan, chẳng hạn như học giả viết đại ý rằng ban đầu Lê Văn Thịnh cãi găng với người Tống, nhưng sau đột nhiên nhún nhưỡng, có thể do Thịnh cảm thấy găng cũng ko được gì hay có huấn dụ của vua, hội nghị Vĩnh Bình diễn ra trong suốt tháng 7, thế thì không đủ thời gian để huấn dụ của vua từ Thăng Long đến cho Thịnh, nên vì sao Thịnh đột nhiên lại nhún nhường thì cũng cần thảo luận thêm, hoặc có thể học giả đã suy đoán rằng Thịnh lúc đầu găng bởi trước đó Đào Tông Nguyên cũng gắng và Thịnh còn nói đại ý rằng vua nhận đồ ăn trộm cũng là sai.

    Trở lại với việc “Thịnh nhường các 2 động là trái với mệnh”  thực ra đọc Trường biên, quyển 349 có chép lại nguyên văn bức thư Thịnh gửi cho Hùng Bản nói đại khái là “Thành Trác muốn vạch địa giới ở 18 xứ, tiểu tử bồi thần chỉ biết nghe mệnh, không giám tranh chấp, nhưng đất đất họ Nùng dâng (Tống) thuộc Quảng Nguyên (nhà Lý) mà thánh triều khoan hồng, sai lại muốn mảnh đất nhiều lam khí, mà không cho lại về đất gốc (ý là trả lại nhà Lý)” -> đọc bức thư trên thì mọi người đều đồng thuận là cái ý của Thịnh muốn xin lại đất mà họ Nùng đã đem nộp, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng cho là thế, nhưng Thịnh lại nhún nhường quá, nhưng có thể hiểu được tâm lý của Thịnh, bởi trước đây Đào Tông Nguyên từng 2 lần sang Đòi đất nhưng đều không được, vì thế nếu tiếp tục Đòi e là cũng không được, nên Thịnh chuyển sang bài Xin lại -> mà ngay như tác giả của Trường biên cũng nêu rõ trong quyển 349 rằng “cho nên Bản và Trạc thấy lời nói của Văn Thịnh tuy rằng có ý xin đất, nhưng có nói “chỉ biết nghe mệnh, không dám tranh chấp” dùng làm ý lớn rồi định”.
    Không rõ vua Tống thế nào, chỉ biết là Thành Trạc quá tinh quái, hắn dựa vào câu “chỉ biết nghe mệnh, không giám tranh chấp” mà buộc rằng Thịnh đã đồng ý, đồng thuận theo sự phân định của người Tống (diễn nôm na là anh đến xin lại đúng không, anh không giám tranh chấp, chỉ biết nghe lời phải không, vậy thì quyền quyết định thuộc tôi đúng không, thế tôi quyết rằng lấy 18 xứ là nơi vách địa giời -> việc này ứng với câu há miệng mắc quai)
    Vì sao lại có bức thư của Thịnh gửi Hùng Bản, ấy là vì Thịnh và Thành Trạc bàn việc biên giới, 2 bên không thống nhất được, Trạc thì cứ khư khư lấy 18 xứ để định biên, còn Thịnh thì khẳng định đất 2 động Vật Dương và Vật Ác thuộc Thăng Long quản, mấy kẻ được cử coi đem dâng lên Tống, Tống phải trả lại, vì ko đạt được kết quả nên giống như Đào Tông Nguyên, Thịnh viết thư gửi cho Hùng Bản (chức to hơn Trạc) nhờ tấu về triều đình và hẳn là Lê Chúng khi gặp người Tống cũng bị họ lỗi mấy chữ “không giám tranh chấp, chỉ biết nghe lời” ra để giảng dụ.

     Hẳn là khi Lê Chung về dâng thư lên thì Càn Đức sẽ tức giận, nhưng chỉ là giận Văn Thịnh vụng chữ mà thôi, mà nói cho bằng thì Tông Nguyên cũng 2 lần đòi mà đâu dc gì, có thời điểm vua Lý còn dùng cả quân sự như vụ Dương Tự Minh sai Đàm An đem quân đánh biên giới Tống (giống kiểu vừa đánh vừa đàm) nhưng rốt cũng đâu ăn thua. Nên Thịnh chuyển bài cũng là hiểu được, có trách thì trách Thịnh không kín kẽ, không lường được sự thâm hiểm của người Tống mà thôi, mà thực tế Thịnh cũng lấy dc vài đất mà sử ta còn chép, chỉ là không lấy được hết mà thôi -> vậy nên nói trái ngược hoàn toàn với vua và bị xử kín thì không có cơ sở, với lại chính Việt sử lược còn xác nhận vào năm 1091 Thịnh vẫn còn làm quan -> thế nêu tuy là hợp lý hơn câu chuyển hóa hổ nhưng lẽ ấy cũng khó mà tin.

     Còn vụ án hồ Dâm Đàm thì khi đối chiếu giữa ghi chép của Toàn thư, Việt sử lược, Việt điện u linh sẽ thấy những sai khác, từ đó dẫn đến tài liệu sớm hơn là Sử ký của Đỗ Thiện, mà xét những truyện dc sách này chép thì đều thấy rất ngoa, do đó không đáng tin, lời giải thích tương tự như trường hợp của Ngụy Trưng năm 1072 là già cho về hưu trí, Văn Thịnh họ Lê, châu Phong và Chân Đăng có gia tộc họ Lê rất mạnh, như Lê Tông Thuận lấy công chúa Kim Thành là con cháu của Ngự Man vương, mà sông Qui Hóa thuộc địa giới châu Chân Đăng, nhưng mà đó lại là câu chuyện khác.

    Trân trọng,

    Đặng Thanh Bình

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s