Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 2

thai binh (1).jpeg

Trích “Thiên Quốc này chẳng Thái Bình

Tác giả Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành dịch

Tai mắt, mồm miệng, tâm phúc và đầu óc.

“Ngôi thứ hai” của Thái Bình Thiên Quốc vốn không phải là trời sinh cho Dương Tú Thanh — Vị trí đó là vốn là của Phùng Vân Sơn, quyền uy của ông cũng không phải dựa vào việc phát minh ra “thiên phụ” sắp đặt, hoặc do Hồng Tú Toàn trao cho, luận thế lực gia tộc, ông không bằng Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai; luận “kỹ thuật hạ phàm” thì càng không chuyên nghiệp bằng vợ chồng Tiêu Triều Quý. Ông sở dĩ có thể yên ổn ngồi ở ghế thứ hai, lòng ham muốn rất lớn, trong thời gian ông bị bệnh vẫn nắm giữ đại cục và Phùng Vân Sơn, người vốn có tư cách “ngôi thứ hai” cũng rất phục tùng, thậm chí Hồng Tú Toàn cũng cam nguyện lui về sau màn, thứ mà ông dựa vào là tai mắt, tâm phúc, mồm miệng và đầu óc.

Sau khi phong Vương không lâu, tai mắt của ông liền phát huy tác dụng.

Chu Tích Năng, người Bác Bạch, đảm nhiệm chức vụ quan trọng quân soái lấy cớ về quê chiêu tập bộ thuộc, đã tiếp nhận yêu cầu làm nội ứng của quân Thanh, xâm nhập vào châu thành Vĩnh An và lấy được sự tín nhiệm của những người như Phùng Vân Sơn. Dương Tú Thanh bên ngoài vẫn tỏ ra bình thường, bí mật điều động tai mắt đã sớm bố trí, nắm chắc mọi hoạt động, lời nói của người nhà và những người Chu Tích Năng dẫn về, đợi 8 ngày sau, Phùng Vân Sơn, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai tới bái kiến trước, chuẩn bị cùng đi triều kiến Thiên Vương, đúng thời khắc quan trọng tiến cử gia phong Chu Tích Năng, bỗng nhiên “Thiên phụ hạ phàm”, kể ra những chứng cứ Chu Tích Năng làm nội ứng một cách rõ ràng mạch lạc, ép cho đối phương đuối lý cứng lưỡi, phải cúi đầu nhận thua.

Cho dù vụ án này còn rất nhiều nghi điểm như tình tiết nội ứng quan trọng như vậy nhưng phía quân Thanh lại tuyệt nhiên không ghi chép lại, Chu Tích Năng xưng là đã gặp Trại Thượng A cũng không phù hợp với sự thực, vì khi đó Trại đang ở Dương Sóc chứ không phải là ở đại doanh Tân Vu như lời Chu Tích Năng, Trại Thượng A cũng không phải là “thúc phụ của Hàm Phong”, nhưng việc nhóm Chu Tích Năng xúi giục phản loạn, làm nội ứng là không thể nghi ngờ. Những lời đối thoại mà bọn chúng xách động các tướng lĩnh cao cấp Chu Tích Côn, Hoàng Văn An nộp thành bị tai mắt của Dương Tú Thanh nghe được rất rõ ràng, lại bị “Thiên phụ” đột nhiên nói ra không sai một chữ, sức chấn động của nó là có thể tưởng tượng được. Vụ án Chu Tích Năng xảy ra vào ngày 21 tháng 12 năm 1851, chỉ 4 ngày sau khi Dương Tú Thanh được phong vương. Nếu như nói trước thời điểm này, uy tín hiệu lệnh toàn quân của Dương Tú Thanh còn chưa được xác lập, thì lần này “việc trời làm” xảy ra giữa lúc các đầu lĩnh đương tụ họp, chứng cứ rành rành, nhân chứng tang vật đủ cả, chư vương sau khi tỉnh ngộ, tự nhiên sinh ra tâm lý phức tạp như kính phục, chấn động, sợ hãi. “Chiếu thư Thiên phụ hạ phàm” có ghi lại, sau khi thẩm án, Vi Xương Huy hét lớn “thời khắc phải ghi nhớ Thiên phụ quyền năng ân đức”, chúng tướng sĩ thì hô lớn “Thiên phụ hoàng thượng đế không gì không biết, không đâu không có mặt”.

Nếu như nói, “Thiên huynh hạ phàm” của Tiêu Triều Quý chủ yếu dựa vào Na thuật và biểu diễn kỹ xảo, điều này đối lập với Dương Tú Thanh, người không chút tinh thông “nghiệp vụ”, mà chủ yếu dựa vào “nhắm vào điểm yếu cá nhân của người khác, không có ngoại lệ”, thản nhiên nắm bắt và vạch trần bí mật của người khác. Điều này càng khiến cho người ta cảm thấy Thiên phụ – hoặc giả nói thẳng là Đông Vương “không điều gì không biết, không chỗ nào không có mặt”, năng lực trác việt, thậm chí ngay cả với người chẳng chút hứng thú gì với những thần thoại Thượng đế như Thạch Đạt Khai, nghe tới “Thiên phụ hạ phàm” cũng sợ toát mồ hôi hột, sự kính sợ của những kẻ khác thì không cần nói cũng biết.

Vụ án Chu Tích Năng, mãi tới sau khi xử tử cả nhà Chu thị và trừng trị Chu Tích Côn, Hoàng Văn An bốn ngày, mới báo cáo Hồng Tú Toàn. Điều này không khiến người ta chú ý, nhưng là bước chuyển ngoặt cực kỳ vi diệu. Từ đó trở đi, Hồng Tú Toàn rất hiếm khi đưa ra những chiếu thư kiểu “Nhạc Phi 500 phá 10 vạn”, bố cáo hiệu lệnh trong ngoài toàn quân; Mà thay vào đó là Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý liên tiếp công bố cáo dụ. Ngay đến cả hội chúng Thiên địa hội ở Quảng Đông, Thượng Hải đều biết trong quân Thái Bình có vị Đông Vương, và bịa đặt ra rất nhiều bố cáo giả mạo của sơn trại Đông Vương (có bố cáo ngay cả tên của Dương Tú Thanh cũng viết sai thành “Dương Tú Đào”); Mà tướng lĩnh triều Thanh ở kề bên, lại ngay cả Hồng Tú Toàn có thực hay không cũng khó kết luận.

Tai mắt lập được công đầu, khiến Dương Tú Thanh thuận lợi cho Hồng Tú Toàn “đi tàu bay giấy”, còn ung dung thản nhiên đoạt lấy quyền phát ngôn đối ngoại của Thái Bình Thiên Quốc. Có thể nói, “miệng lưỡi” của Dương Tú Thanh uy lực vô cùng, tuyệt đối không kém hơn tai mắt của ông.

Bắt đầu từ Vĩnh An, dọc đường ông và Tiêu Triều Quý liên tiếp ban bố ba bản hịch văn. Màu sắc tôn giáo ở những bản hịch văn này rất nhạt, chỉ nặng về tuyên truyền đại nghĩa dân tộc, khí tiết, vạch trần sự bạo hành, sưu cao thuế nặng, tham ô hủ bại và đồ sát nhân dân tộc Hán của quân Thanh kể từ khi nhập quan, miền nam Trung Quốc với nỗi ưu tư dân tộc nặng nề đã có tác dụng cảm hóa rất mạnh. Quân Thái Bình sau khi ra khỏi Quảng Tây như cá gặp nước, phát triển thần tốc, công lao của “miệng lưỡi” là không thể kể xiết. Dương Tú Thanh tuy chữ nghĩa không biết nhưng lại cực kỳ chú trọng đối tượng nhắm đến của hịch văn. Khi ở Vĩnh An, quân Thanh động viên Đoàn luyện trợ chiến, trong đó có rất nhiều người là hội chúng của Thiên địa hội đã đầu hàng, ông dùng “Hồng môn uống máu ăn thề” để chỉ trích đối phương không giữ đại nghĩa, “trở mặt thành thù” kích động bọn họ trở giáo; Khi quân Thái Bình tiến vào Hồ Nam, hội chúng Thiên địa hội ở đây nổi dậy hưởng ứng, câu chữ chỉ trích Thiên địa hội trong bài hịch liền bị xóa bỏ, thay vào đó là ngôn từ hiệu triệu “tất cả nhân dân Trung Quốc” đánh đổ triều Thanh.  Những ngôn từ mộc mạc có sức hiệu triệu rất lớn, tuyệt đối không như những “lời trời” tối nghĩa, ngang ngược vô lý của Hồng Tú Toàn, hoặc đánh trận trên giấy như Hồng Nhân Can, có thể so sánh với những lời nói suông hứa phong quan phát tài để mê hoặc lẫn nhau.

Có tai mắt, miệng lưỡi rồi thì phải có tâm phúc. Việc “không chuyện gì không biết, không đâu không có mặt” của Thiên phụ hoàng thượng đế là dựa vào tai mắt, nhưng không chỉ là tai mắt. Trước khi “hạ phàm”, nhóm Chu Tích Năng cho tới Chu Tích Côn, Hoàng Văn An, những người mặc dù kiên quyết cự tuyệt việc làm nội ứng, nhưng lại hẹp hòi tình nghĩa xóm làng thân thích mà không hể báo cáo, đều đã bị giám sát chặt chẽ.  “Hạ phàm” không lâu, cả nhà Chu Tích Năng và Chu, Hoàng đều bị bắt giữ, mà “kẻ đi bắt người”, chính là tâm phúc của Dương Tú Thanh – Dương Phụ Thanh, Dương Nhuận Thanh, những người vừa mới gia nhập hàng ngũ “huynh đệ họ Dương”.

Dương Tú Thanh không hề phái đi những “Dương gia tướng” này mà lợi dụng sự tai thông mắt sáng của mình, kiên trì khai thác, mạnh dạn đề bạt một lượng lớn mãnh tướng. Người tỉ mỉ có thể phát hiện, trước và sau khi Dương Tú Thanh chủ trì đại sự, tướng lĩnh chính trong quân Thái Bình có sự thay đổi rất lớn. Thời kỳ ở Tử Kinh sơn thường là con em họ Vi đánh tiên phong cho tới mấy năm sau mới có sự thay đổi; Thời kỳ đầu chỉ có 5 quân trưởng mà trước sau cũng bị xếp xó; Người thường đi tiên phong và lập công đầu trong việc chiếm lĩnh Vĩnh An là La Đại Cương từ đó về sau cũng dần trở thành thiên sư (không phải mũi chủ lực); Còn những người như Lý Khai Phương, Lâm Phượng Tường, Cát Văn Nguyên, Tăng Thủy Nguyên lại được thăng cấp. Trong các vương gia, Vi Xương Huy đã được xưng là “dũng mãnh nhất” trở thành triều thần; Những người trước đó ít khi đánh tiên phong như Tiêu Triều Quý, Thạch Đạt Khai xông lên tiền tuyến và rất nhanh chóng có được uy danh “mãnh tướng”. Khi tiến quân vào Giang Nam và sau này, rất nhiều đại tướng trứ danh như Lý Tú Thành, Trần Ngọc Thành, Ngô Như Hiếu, Trần Khôn Thư, Hồ Đỉnh Văn, Lâm Khởi Dung, Khang Chính Tài, đều trước sau được đề bạt từ cơ sở, như Lý Tú Thành trước khi được đề bạt làm quân soái chỉ là tiểu tốt, Lâm Khởi Dung trước khi được trọng dụng chỉ là Bài đao thủ, Trần Ngọc Thành còn là Bài Vĩ vị thành niên (đây là cách gọi của Thái Bình Thiên Quốc đối với những người già yếu quá 50, 60 tuổi hoặc thiếu niên chưa tới 15, 16 tuổi), Khang Chính Tài trước khi được phong là chủ tướng thủy doanh là một kẻ buôn gỗ giữa đường nhập hội. Quan binh cơ sở có tài năng sẽ được thưởng thức, được phá cách đề bạt, có công lao sẽ được trọng thưởng, quân Thái Bình trước đây vốn được xây dựng trên cơ sở lấy gia tộc, địa vực làm sợi dây nối liền đã rất nhanh chóng trở thành một đội quân mà tướng lĩnh các cấp đều do Dương Tú Thanh đề bạt. Từ đây cho tới khi ông bị giết, chư vương đều không cố định chỉ huy quân đội thuộc gia tộc mình, như Vi Tuấn em trai Vi Xương Huy thường xuyên chịu sự chỉ huy của Thạch Đạt Khai, mà Thạch Tường Trinh anh họ của Thạch Đạt Khai lại đã chịu sự chỉ huy của Vi Xương Huy. Cách sắp xếp này đã rèn quân Thái Bình thành một đạo “quân trung ương” đồng thời cũng dần dần biến nó trở thành “quân Dương gia”.

Từ Vĩnh An tới Nam Kinh, thời gian chỉ vỏn vẹn 11 tháng, quyền thế của Dương Tú Thanh trong Thái Bình Thiên Quốc lại từng bước đạt đến đỉnh cao; tiếng nói của Hồng Tú Toàn ngày càng yếu ớt, cuối cùng tới mức chỉ phê trên tấu chương “cần lý việc trời cũng là triều kiến”, ngoài Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai và Tần Nhật Cương ra thì không gặp triều thần, trừ phi Dương Tú Thanh phê chú không xem tấu chương, điều quan trọng nhất là ở chỗ Dương Tú Thanh khiến trên dưới quân Thái Bình thấy được đầu óc hơn người của mình, thậm chí có thể nói trên thực tế đã đạt được uy vọng vượt quá cả Hồng Tú Toàn.

 Mục tiêu chiến lược ban đầu của Hồng Tú Toàn chỉ là “bảo toàn cá nhân”, thủ đô trong suy nghĩ của ông ta chỉ là tòa thành Vĩnh An nhỏ bé, quốc thổ là chu vi một dặm quanh Vĩnh An, hơn 70 ngôi làng, 400 m2; Sau này phá vây ra khỏi Vĩnh An, tầm nhìn của ông ta và Phùng Vân Sơn cũng chỉ là thắng thì định đô ở Quế Lâm, thua thì chạy về Chiêu Bình, Ngô Châu “đầu quân cho nước Anh”, cũng chính là tới Quảng Đông tìm sự giúp đỡ của giáo hội Tây dương. Nhưng Dương Tú Thanh sớm đã đề xuất “bỏ qua Quảng Đông”, tiến chiếm nơi Thiên địa hội có thế lực mạnh nhất là Hồ Nam; Trường Sa đánh lâu không hạ, liền dứt khoát chuyển sang đánh Ích Dương; chiếm được rất nhiều thuyền bè ở Ích Dương, Nhạc Châu bèn lập tức thay đổi kế hoạch Đông tiến, xuôi hồ Động Đình, sông Trường Giang tiến công Vũ Xương, chuẩn bị đánh thẳng lên trung nguyên, “lấy Hà Nam làm nhà”; sau khi công hạ tỉnh thành đầu tiên Vũ Xương lại dùng sức bác lời chúng, lợi dụng sự tiện lợi của thuyền bè và sông Trường Giang, trong một tháng thần tốc tiến 1800 dặm, giành lấy thành Nam Kinh danh tiếng của Giang Nam, khiến “tiểu thiên đường” vốn hư ảo “rớt xuống” một tòa cố đô có ý nghĩa lịch sử như vậy. Tất cả dường như đều là mưu lược của một mình Dương Tú Thanh. Hơn 10 năm sau, Lý Tú Thành mình đầy vết thương, ngồi trong ngục tù nóng bức viết bản cung khai nhớ tới đây, không kìm lòng viết ra những câu cảm thán từ đáy lòng “không biết ý trời dưỡng dục người này như thế nào”.

Nhân tình, khoan dung nghiêm khắc, công tư.

Ở trên có nói, Dương Tú Thanh khi làm đốt than thì là người hào sảng khảng khái, vậy sau khi nắm quyền lớn trong tay thì biểu hiện của ông ta ra sao?

Ở rất nhiều điểm, Dương Tú Thanh vẫn tỏ ra là một người rất thấu tình. Năm 1853, sau khi quân Thái Bình tiến vào Nam Kinh, phải Bắc phạt, Tây chinh, ngoài ra còn phải phòng thủ ba nơi Thiên Kinh, Trấn Giang và Qua Châu. Quân tình phức tạp nặng nề. Quân Thái Bình từ tác chiến lưu động chuyển sang định đô lập nghiệp, chính vụ rối rắm, rất nhiều việc đang chờ hoàn thành, những sự vụ này, thêm vào quyền lớn lập pháp, nhân sự đều nằm trong tay một mình Dương Tú Thanh; Hồng Tú Toàn ngoại trừ “lĩnh vực chuyên nghiệp” của mình là tôn giáo thì chỉ làm mỗi một việc là đóng ấn có hai chữ “chuẩn chỉ” lên những bản nghị trình báo cáo mà Dương Tú Thanh đã vạch ra. Để đối phó với sự vụ rối rắm phức tạp này, Dương Tú Thanh đã cho mời tới phủ rất nhiều “ông thầy”. Những “ông thầy” này đa phần là người có văn hóa ở Giang Nam, họ thường không nhịn được cười khi tiếp xúc với Dương Tú Thanh, con người không rành chữ nghĩa lại nói tiếng Khách Gia, chuyện này ông rất khoan dung, thường thản nhiên giải thích cho họ về xuất thân hàn vi của mình, còn khuyên “tiên sinh chớ cười, từ từ giảng giải, tự tôi sẽ hiểu”. Hồng Tú Toàn tính tình nóng nảy, không để cho gia thuộc tham vọng hậu cung, thường đánh mắng ngược đãi “nương nương”, “nữ quan”, Dương Tú Thanh liền mượn việc Thiên phụ hạ phàm, khuyên Hồng Tú Toàn đối xử tốt với họ, đặc biệt nhấn mạnh không được dùng roi nhọn “đánh đá” những “nương nương” có thai. Ở trên đã đề cập Khang Chính Tài và tâm phúc của Vi Xương Huy là Trương Tử Bằng không hợp nhau, Trương cậy mình là lão thành, có nhiều công lao đã lăng nhục thủy doanh, gián điệp của quân Thanh là Trương Kế Canh thừa dịp tung tin “Đông Vương hậu đãi người Quảng Tây, bạc đãi người Hồ Nam” khiến nhất thời những người Hồ Nam sống ở thủy doanh hoảng hốt không yên. Dương Tú Thanh sau khi biết được đã nghiêm khắc trừng phạt Vi Xương Huy, Trương Tử Bằng, dùng lời tốt đẹp an ủi Khang Chính Tài, phá lệ đề bạt, rất nhanh chóng ổn định được thủy doanh. Ông còn ban bố “Hành quân tổng yếu”, trong đó nhắc nhở quan lại các cấp không được cắt đứt lời phát ngôn của hạ thuộc, quân quan phải cho những binh sĩ gác đêm mượn áo bông, ở những sự việc lớn nhỏ đều tỏ ra là người rất cẩn thận tỉ mỉ.

Nhưng nhiều khi ông tỏ ra vô cùng cố chấp, ngang ngược, không hợp tình người. Khi ở Vũ Xương, các thủ lĩnh tranh cãi không ngừng về phương hướng tiến quân tiếp theo, do Hồng Tú Toàn có ý bắc thượng, Dương Tú Thanh thấy số người phụ họa rất đông, tự mình tranh biện không lại bèn dứt khoát dùng chiêu “chủ trương của Thiên phụ”, cưỡng bức mọi người thông qua ý kiến của mình, Định đô tại Thiên Kinh rồi, ông vẫn kiên định “phân doanh”, bắt quân dân trong thành, các quan lại lớn nhỏ vợ chồng phải ở riêng, chỉ có Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, Tần Nhật Cương 5 người là phu thê được đoàn tụ. Cách làm này không những không công bằng, không có tình người, cũng thường trở thành chủ đề để bên phía triều đình bới móc, Dương Tú Thanh lại một mặt thẳng thắn thừa nhận trong dân gian, trong quân có chuyện “tiền bạc không còn, vợ con bỗng nhiên đâu mất”, “lời ai oán đến nay chưa dứt”, một mặt ngoan cố duy trì cái quy chế đã ngày càng không thể tiếp tục được nữa. Cho đến ngay cả anh họ của mình, Lô Hiền Bạt thân là Trấn Quốc hầu nhịn không được, lén gặp vợ, khi rất nhiều huynh đệ cũ Quảng Tây cũng vì bất mãn mà bỏ đi, ông mới mượn lời Thiên phụ “sắp xếp một nhóm tiểu đệ tiểu muội thành gia” vào ngày 29 tháng 9 năm 1854. Lúc này cách thời gian định đô cũng đã nửa năm rồi.

Dương Tú Thanh làm người, rốt cuộc là khoan dung hay nghiêm khắc?

Trong “Vũ Xương kỷ sự” nói ông ta thích nhất “che chở nâng đỡ đồng đảng”, người có tài năng, có công lao thì không tiếc trọng thưởng. Ông tuy rằng quân kỷ nghiêm ngặt, tướng sĩ phạm sai lầm, bại trận thì cho dù là có tư cách đến đâu, đáng phạt đáng trách, tuyệt đối không lưu tình, Yến Vương Tần Nhật Cương, danh tướng Lâm Khởi Dung, Tăng Thiên Hạo, trọng thần Hoàng Kỳ Thăng đều từng bị biếm làm nô, nhưng thông thường mà nói chỉ cần có năng lực thực sự, sẽ chừa lại cho một đường ra, những đại thần bị biếm phần lớn đều nhanh chóng được phục chức, hoặc giả mang tên tuổi chữ “nô” để tiếp tục công tác.

Có một số “cán bộ có vấn đề” nếu như năng lực rất tốt, ông lại tự cho rằng có thể kiểm soát, vẫn sẽ mạnh dạn sử dụng, như tướng quân giữ cửa Triêu Dương Trần Quế Đường, vì tự cảm thấy mình công lớn nhưng thưởng nhỏ bèn tư thông với quân Thanh làm nội ứng, sau khi sự việc bại lộ, Dương Tú Thanh cho rằng mình dùng người chưa thỏa đáng, và không xử tử Trần Quế Đường, không lâu sau lại cho phục chức. Trần Quế Đường cảm động rơi nước mắt, sau này nhiều lần lập công, được thăng làm chỉ huy.   

Nhưng có lúc sự hà khắc của ông tới mức quái đản. Ông lệnh Thạch Phượng Khôi, Dương Tái Hưng giữ thành Vũ Xương, Thạch là chủ tướng, không nghe lời can gián của Dương, khăng khăng làm theo ý mình, kết quả mất đi thanh trì; Dương không những nhiều lần khuyên nhủ mà còn liều chết chiến đấu, cứu thoát được Thạch Phượng Khôi, toàn quân phá vây thành công. Dương Tú Thanh lại chẳng phân trắng đen, hạ lệnh xử tử cả hai người, ngay cả tác giả của “Tặc tình hối toản” cũng bất bình cho Dương Tái Hưng. Hai viên tham hộ (cảnh vệ) Hoàng Sĩ Trân, Tiêu Chí Thánh chỉ bất quá phạm lỗi không thể kịp thời đi truyền triệu một người thân thích của Đông Vương về phủ mà đều lần lượt bị chém đầu, tống ngục.

Cực đoan nhất thì không gì bằng “sự kiện ông chú đồng tuổi”: có một lần người chú đồng tuổi của Dương Tú Thanh đi qua biệt phủ của Đỉnh Thiên Hầu Tần Nhật Cương, người phu xe của Tần nhất thời quên không đứng dậy, người chú đồng tuổi cảm thấy chịu sự mạo phạm, liền đánh gã phu xe 200 roi, sau đó xông vào biệt phủ, lôi hầu tước cao quý Tần Nhật Cương, cùng tới chỗ chủ quản hình án Vệ Quốc Hầu Hoàng Ngọc Côn, ép Côn phạt trượng phu xe. Hoàng Ngọc Côn căn cứ vào hình luật do Dương Tú Thanh tự mình tấu xin ban bố, cho rằng tội của phu xe không tới 200 roi, nếu đã đánh rồi thì không thể lại phạt trượng nữa. Không ngờ ông chú đồng tuổi này nghe xong bèn nổi giận, lại hất tung bàn làm việc nơi công đường, chạy tới phủ của Dương Tú Thanh làm một bản đàn hặc cả 2 vị hầu tước. Dương Tú Thanh thiên vị chỉ nghe một bên, lại hạ lệnh bắt giữ công bình chấp pháp Hoàng Ngọc Côn, kết quả dẫn tới sự kiện lớn Hoàng Ngọc Côn, Tần Nhật Cương và lãnh tụ triều thần Tả Thiên Hầu Trần Thừa Dung “ba vị hầu tước từ chức”. Tự cảm thấy mất mặt, Dương Tú Thanh thẹn quá hóa giận lại lần lượt phạt đánh ba vị hầu tước lần lượt 100, 200 và 300 trượng, đem ngã mã phanh thây gã phu xe xấu số.

Rất hiển nhiên, Dương Tú Thanh nhiều lúc tỏ ra rất thấu tình đạt lý, trong ngiêm  khắc có khoan dung, nhưng ông quyền lớn trong tay, độc bá triều cương, thích dùng hình phạt nghiêm khắc thể hiện uy nghiêm, lại không muốn nghe ý kiến của người khác, một số phán quyết đều hiển rõ sự qua loa cẩu thả, chỉ thích làm theo ý mình. Không chỉ có vậy, càng về sau, ông ta càng lo lắng bị mất quyền lực, với một số chuyện nhỏ mà thấy có thể mạo phạm quyền uy của Đông Vương thì thường đùng đùng nổi giận, ra lệnh dùng trọng hình khiến mọi người sợ líu cả lưỡi. Ngoài ra, ông lúc nào cũng đề phòng Hồng Tú Toàn, sợ hãi Hồng sẽ cướp lại quyền lực, vì thế có lúc cố ý mượn hình án ra để khiến Hồng Tú Toàn làm trò cười cho thiên hạ. Có người ghi chép lại rằng có lúc ông mang hồ sơ án tới để Hồng xem, muốn trưng cầu ý kiến, Hồng Tú Toàn chỉ cần nói giết, ông sẽ cố ý không giết, Hồng nói không giết thì sẽ cố ý xử tử. Có lúc rõ ràng ông trình lên tấu chương, thỉnh cầu Hồng Tú Toàn phê chuẩn xử tử một người nào đó, Hồng đóng đại ấn – chuẩn chỉ, ông cầm về phủ Đông Vương, nằm trên giường, giở bài “Thiên phụ hạ phàm”, lại thả người đó đi. Nói tới cùng, một chính quyền đối với hình luật mà tùy ý xử trí, cái gọi là khoan dung hay nghiêm khắc, chẳng qua chỉ là dùng pháp luật để phục vụ quyền lợi mà thôi.

Bất luận là phía Thanh triều hay nhân sĩ của Thái Bình Thiên Quốc, rất nhiều người cho rằng, Dương Tú Thanh làm việc tương đối công bằng, thân tín, thân thuộc của mình phạm sai lầm đều xử nghiêm không tha, người ngoài lập công cũng sẽ đề bạt trọng dụng. “Tặc tình hối toản” và bản cung Lý Tú Thành đều nói ông dùng người công bằng, là một nhân tố vô cùng quan trọng khiến trong thời kỳ đầu của Thái Bình Thiên Quốc lòng người ổn định, sĩ khí cao ngất.

Nhưng sự công bằng của ông ta cũng chỉ là tương đối, phải biết tư tâm thì mỗi người đều có. “Dương gia tướng” của ông trong thời gian ông tại vị rất ít khi xuất chiến, cũng không làm quan lớn, nhưng nếu nói “yêu cầu nghiêm khắc với gia thuộc” chẳng bằng nói ông không yên tâm về sự an toàn của mình, phải sắp xếp những “người nhà” này trông nhà trông cửa. Tới mùa hè năm 1856, đại doanh Giang Nam, Giang Bắc của triều đình bị phá, quyền lực của ông đạt tới đỉnh điểm mới yên tâm phái “Dương gia tướng” tới các nơi cầm quân.

Còn thân thích của ông làm quan lớn rất nhiều. Người anh họ Lô Hiền Bạt, “bác sĩ riêng” Lý Tuấn Lương, là hai trong tổng số không tới 20 hầu tước thời kỳ đầu của Thái Bình Thiên Quốc, địa vị còn cao hơn cả những đại tướng như La Đại Cương, Tăng Thiên Dưỡng. Hầu tước thuộc “người nhà” Dương Tú Thanh còn có anh rể Hoàng Duy Giang và mạc liêu thân tín Phó Học Hiền, Lưu Siêu Đình, Cát Thanh Tử. Những người cháu họ ngoại của ông như  Trần Đắc Long, Trần Đắc Quế cũng đều thăng cấp rất nhanh. 

Đại tướng, quyền thần triều Tùy là Dương Tố làm người tàn nhẫn, thường dùng cực hình với bộ hạ phạm sai sót, cũng thích tín nhiệm thân thích, người quen, nhưng một khi thuộc hạ lập công, thường có thể rất nhanh được đề bạt, trọng dụng. Do đó rất nhiều tướng sĩ có tài cho dù nơm nớp lo sợ, lại đều cam tâm quy thuộc dưới trướng Dương Tố, chính là vì người này tuy hà khắc, cũng thiên vị nhưng rốt cuộc vẫn là kẻ biết dùng người, cho nhân tài một con đường. Dương Tú Thanh lúc sinh tiền có thể khống chế một lượng lớn mãnh tướng vừa sợ vừa hận ông, chết rồi vẫn nhận được sự tưởng nhớ, hâm mộ của các lãnh đạo cấp cao như Hồng Nhân Can, Lý Tú Thành, điều huyền bí chính là ở đây; So với Hồng Tú Toàn, người chỉ tín nhiệm người họ Hồng, ngu hiền bất phân, lạm phong quan tước thì sự hà khắc của Dương Tú Thanh cũng tốt, thiên vị cũng được, tính toán làm gì? 

 

 

 

One thought on “Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 2

  1. Pingback: Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 3 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s