Quê hương sông Lục núi Huyền

136958118051a2267c8942b.jpg

Khổng Đức Thiêm

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, huyện Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Nghị định số 24-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào các điều khoản, ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương); hai xã Yên Sơn, Bắc Lũng thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang); bảy xã Hòa Bình A, Tam Dị, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tiên Hưng, Phương Sơn, Tần Lập thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được trả về huyện Lục Ngạn (cũ). Trên cơ sở hai huyện Lục Ngạn (cũ), Sơn Động (cũ) ba huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam ra đời.

Khi đó, huyện Lục Nam có 19 xã và 1 thị trấn: Nam Sơn, Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội, Yên Sơn A, Yên Sơn B, Bắc Sơn, Bắc Lũng, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tam Dị, Hòa Bình A, Hòa Bình B, Tiên Hưng, Tân Lập, Phương Sơn, Mỹ An, Nghĩa Phương, Trường Sơn và thị trấn Lục Nam. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Lục Nam.

Theo Nghị định số 535-TC/CQNT/NĐ ký ngày 06-09-1957, hai xã Nam Sơn và Bắc Lũng được chia thành 4 xã: Nam Sơn, Cương Sơn, Bắc Lũng, Khám Lạng.

Ngày 28-7-1958, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 241-NV chia xã Phương Sơn thành 2 xã Phương Sơn và Thanh Sơn; chia xã Hòa Bình B thành 2 xã Đông Hưng và Tiên Nha; chia xã Yên Sơn B thành 2 xã Bình Sơn và Hùng Sơn; chia xã Mỹ An thành 2 xã Mỹ An và Trường Giang. Đồng thời chuyển xã Mỹ An về huyện Lục Ngạn, chuyển xã Lan Mẫu thuộc huyện Yên Dũng về huyện Lục Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 23-TTg ký ngày 15-4-1963 của Thủ tướng Chính phủ, hai xã được trả lại tên cũ: Hòa Bình A thành Chu Điện, Bắc Sơn thành Vô Tranh. Bốn xã được đổi tên mới: Tân Lập thành Đông Phú, Hùng Sơn thành Lục Sơn, Thanh Sơn thành Thanh Lâm, Nam Sơn thành Huyền Sơn.

Từ đây, huyện Lục Nam có 25 xã và 1 thị trấn như sau: Bảo Đài, Bảo Sơn, Bắc Lũng, Bình Sơn, Cẩm Lý, Cương Sơn, Chu Điện, Đan Hội, Đông Phú, Đông Hưng, Huyền Sơn, Khám Lạng, Lan Mẫu, thị trấn Lục Nam, Lục Sơn, Nghĩa Phương, Phương Sơn, Tam Dị, Tiên Nha, Tiên Hưng, Thanh Lâm, Trường Giang, Trường Sơn, Vũ Xá, Vô Tranh và Yên Sơn.

Ngày 18-2-1997, thị trấn huyện lỵ Đồi Ngô được thành lập trên cơ sở 290ha diện tích đất tự nhiên, 307 nhân khẩu của xã Chu Điện; 142ha diện tích đất tự nhiên, 1955 nhân khẩu của xã Tiên Hưng; 40ha diện tích đất tự nhiên và 113 nhân khẩu của xã Tam Dị.

Huyện Lục Nam từ đây gồm hai thị trấn (Đồi Ngô, Lục Nam) và 25 xã, được hình thành từ ba huyện thời cổ của trấn Kinh Bắc: Phượng Nhỡn, Lục Ngạn và Bảo Lộc.

Huyện Phượng Nhỡn có 10 tổng, trừ các tổng Trí Yên, Xuân Đám, Thái Đào, Dĩnh Kế, Trạm Điền, còn 5 tổng tham gia vào việc cấu tạo nên huyện Lục Nam là Đan Hội, Sơn Đình, Bắc Lũng (còn gọi là Nhẫm Lũng), Lan Mẫu, Chu Điện chia thành 12 xã: Bắc Lũng, Khám Lạng, Tiên Hưng, Tiên Nha, Yên Sơn (BẮC LŨNG), Cẩm Lý, Đan Hội, Vũ Xá (ĐAN HỘI), Bảo Đài, Chu điện (CHU ĐIỆN), Thanh Lâm, Phương Sơn (SƠN ĐÌNH), Lan Mẫu (LAN MẪU) và phần lớn thị trấn Đồi Ngô.

Huyện Lục Ngạn có 7 tổng thì 3 tổng nằm ở huyện Lục Nam là Vô Tranh, Cương Sơn, Mỹ Nương tham gia vào huyện Lục Nam gồm 8 xã và một thị trấn: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh (VÔ TRANH) Trường Giang (MỸ NƯƠNG), Cương Sơn, Nghĩa Phương, Huyền Sơn, thị trấn Lục Nam và một phần xã Cẩm Lý (CƯƠNG SƠN).

Huyện Bảo Lộc có 8 tổng nhập với phủ Lạng Giang (Mỹ Thái, Đào Quán, Thọ Xương, Thịnh Liệt, Phi Mô, Cần Dinh), một tổng về Lục Ngạn (Trù Hựu), một tổng ở Lục Nam (Tam Dị).

Tổng này nay là 4 xã Bảo Sơn, Đông Hưng, Đông Phú, Tam Dị và một phần thị trấn Đồi Ngô.

Dưới thời Pháp thuộc khu vực lập nên huyện Lục Nam còn có một số thay đổi về các đơn vị địa lý hành chính đáng kể. Ngày 5-11-1889 địa phương thuộc tỉnh Lục Nam, tỉnh lỵ, đóng ở thị trấn Lục Nam. Tháng 6-1891 nhà đương cục dự định dời tỉnh lỵ tỉnh Lục Nam về Phủ Lạng Thương, việc chưa xong thì ngày 8-9-1891 tỉnh Lục Nam giải thể, các huyện lại trở lại tỉnh Bắc Ninh.

Khi thành lập tỉnh Bắc Giang (10-10-1895), toàn bộ khu vực tạo nên tỉnh Lục Nam thuộc Bắc Giang, trừ mấy tổng Trù Hựu, Kiên Lao, Hả Hộ và một số vùng thuộc Lục Ngạn nằm trong ĐẠO QUAN BINH YÊN THẾ.

Tháng 11-1899 nhà cầm quyền Pháp dự định thành lập tỉnh Đông Triều, đặt tỉnh lỵ ở Mai Sưu (Trường Sơn) nhưng không thành. Tháng 2-1909 các tổng Biển Động, Niêm Sơn, Mỹ Nương, Kiên Lao, Hả Hộ từ huyện Lục Ngạn đưa về huyện Sơn Động. Cùng thời gian này huyện Bảo Lộc cắt hai tổng Trù Hựu, Tam Dị về Lục Ngạn.

Huyện Phượng Nhỡn, lúc đầu đưa tổng Dĩnh Kế sang Bảo Lộc, tổng Trạm Điền về Chí Linh (Hải Dương). Sau đó, huyện Phượng Nhỡn bị giải thể, các tổng còn lại đưa vào Lục Ngạn và huyện Bảo Lộc vừa đổi thành phủ Lạng Giang. Hồi Nhật chiếm đóng, tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang dự định đặt ở Cầu Lồ.

Tháng 3-1947 khi tỉnh Quảng Yên sáp nhập với đặc khu Hồng Gai để cùng 4 huyện của tỉnh Hải Dương, 1 huyện của tỉnh Kiến An thành LIÊN TỈNH QUẢNG HỒNG thì huyện Sơn Động và một số xã của huyện Lục Ngạn nằm ở tả ngạn sông Lục Nam cũng nhập với huyện Hải Chi của tỉnh Hải Ninh thành châu LỤC SƠN HẢI. Đến tháng 9-1947, Lục Sơn Hải được đưa vào Liên tỉnh Quảng Hồng. Đồng thời, Lục Ngạn bị cắt nhiều xã đưa sang Lạng Giang, trong đó có một số sau này thành phía bắc của huyện Yên Dũng.

Ngày 26-12-1948 liên tỉnh Quảng Hồng lại tách ra thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai. Huyện Hải Chi cũng tách khỏi châu Lục Sơn Hải để trở về tỉnh Hải Ninh. Ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội của Sơn Động chuyển về huyện Chí Linh – lúc này Sơn Động và Chí Linh cùng thuộc tỉnh Quảng Yên.

Ngày 17-2-1955 tỉnh Quảng Yên sáp nhập với Đặc khu Hồng Gai lấy tên là      KHU HỒNG QUẢNG. Huyện Sơn Động các xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội trở lại tỉnh Bắc Giang, huyện Chí Linh về Hải Dương.

Đầu thời Lê, huyện lỵ được chọn đặt trên đất xã Thủ Dương (nay thuộc huyện Lục Ngạn). Từ cuối Lê, sang đầu Nguyễn, cho đến những năm 60, huyện lỵ đều đặt tại thị trấn Lục Nam. Từ năm 1970 trở đi, huyện lỵ đặt tại khu vực Ngã tư Thân – Đồi Ngô,

Lục Nam là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cư trú. Ngoài người Kinh còn 7 dân tộc khác: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán, Dìu, Hoa, Dao và  Mường.

Trừ người Kinh hầu như có mặt ở khắp các xã trong huyện, là thành phần chính ở các xã trước đây thuộc Phượng Nhỡn, còn ở những nơi thuộc Bảo Lộc và Lục Ngạn cũ, xã nào cũng có các dân tộc anh em cư trú.

Hơn nửa thế kỷ qua, dân số Lục Nam tăng gấp trên 3-4 lần, nhưng phân bố không đều. Các xã vùng chiêm trũng mật độ dân số cao hơn vùng đồng mùa. Mật độ dân số vùng đồng mùa cao hơn vùng núi.

Năm 1957 mật độ dân số ở Lục Nam là 102 người/km2; năm 1965 là 145 người/km2, năm 1980 là 184,1 người/km2, năm 1985 là 235 người/km2, năm 2009 là 335 người/km2, cao hơn Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động nhưng chỉ bằng 30-40% so với Lạng Giang Yên Dũng, Việt Yên.

Là một trong bốn huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, Lục Nam được giới hạn bởi tọa độ địa lý: từ 21 độ 11 phút đến 21 độ 27 phút vĩ độ bắc; từ 106 độ 18 phút đến 106 độ 41 phút kinh độ đông, phía bắc giáp huyện Lục Ngạn, phía tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, phía đông giáp huyện Sơn Động, phía tây giáp hai huyện Lạng Giang và Yên Dũng cùng tỉnh.

Tổng diện tích tự nhiên: 597km2 Lục Nam chia thành ba vùng: vùng núi, trung du và chiêm trũng. Diện tích đất nông nghiệp hiện có 14.800 ha; diện tích rừng và đồi chiếm 31.170 ha.

Huyện Lục Nam nằm ở cửa ngõ vùng Đông Bắc, trên tiếp điểm của vùng ngược, vùng xuôi. Mạng lưới giao thông có đủ đường bộ, đường sắt, đường sông tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, tình cảm của nhiều dân tộc anh em giữa miền núi với vùng trung du và đồng bằng.

Nhiều trục đường ở đây có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng. Đường sắt Kép – Hạ Long chạy qua Lục Nam 31km, chuyên chở hàng hóa, hành khách đến nhiều trung tâm và đầu mối quan trọng.  

Hệ thống đường bộ hình thành từ nhiều phương tụ về Ngã tư Thân – Đồi Ngô để tỏa đi 4 hướng, men theo các thung lũng hoặc viền theo sông Lục Nam. Thông qua mạng lưới này, huyện có thể liên hệ được với đồng bằng duyên hải, đồng bằng sông Hồng, trung du hoặc các miền biên giới xa xôi.

Quốc lộ 31 cắt dọc vùng Đông Bắc, chạy qua huyện với chiều dài 28km trên tổng số 93km. Đây là con đường có điểm xuất phát từ thành phố Bắc Giang để nối với vùng mỏ Quảng Ninh, gần như trùng với quan lộ được hình thành từ trước thời Lý – Trần. Tỉnh lộ Kép – Mai Sưu dài 52km, cùng hàng trăm km đường trục huyện, đường liên xã hợp thành mạng lưới huyết mạch giao thông của huyện.

Đường sông Lục Nam có ý nghĩa kinh tế lớn, tạo ra luồng chuyên chở hành khách và hàng hóa. Thị trấn Lục Nam là một giang cảng thuận tiện. Từ đó xuôi 33km đến Phả Lại; 60km đến Hải Dương, 100km đến Hải Phòng, ngược 32km tới Chũ. Cũng theo đường sông, Lục Nam có thể liên hệ dễ dàng với thành phố Bắc Giang, Đáp Cầu và xa hơn đến tận thành phố Thái Nguyên. Từ một bến sông tấp nập và đô hội đã hình thành thị trấn Lục Nam để rồi trở thành tên sông chính thống, tên tỉnh hồi Pháp thuộc và tên huyện mới của Bắc Giang. Hồi giữa thế kỷ XI, vua nhà Lý đã từng ngược sông này đến thăm vùng đất ki mi Giáp Động rồi gửi gắm các công chúa Bình Dương, Thiên Thành, Thiên Thụy cho các Phò mã họ Thân. Đầu thế kỷ XII long thể của Lý Nhân Tông cùng các cung nữ đã hỏa thiêu trên dàn thiêu ở đất Na Ngạn. Cuối thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn – Yết Kiêu đã chốt giữ Cẩm Nang – làng Bến… Tất cả đều chứng minh cho những giá trị lớn lao của một vùng quê hương SÔNG LỤC NÚI HUYỀN.

Xem thế, lãnh thổ Na Ngạn – Lục Na mà nay là Lục Nam – Lục Ngạn từ thời Lý – Trần đã hình thành mạch thông sang Kinh Quảng, giáp ranh cùng tướng Hán (chữ dùng của Ngô Thì Nhậm). Một vùng thiên nhiên có núi non hiểm trở, nhưng sông ngòi thông thoáng, nên kẻ thù mỗi lần xâm lăng đều mong muốn khống chế để chi phối mọi ngả tiến đánh vùng xuôi. Và đã thành thông lệ, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Pháp, giặc Nhật đều đã nắm giữ nơi đây. Kẻ thì dùng làm bàn đạp đánh chiếm Thăng Long, hoặc để bảo toàn ách thống trị . Kẻ thì làm điểm tựa để chi phối biên giới, hoặc xây dựng hậu cứ lâu dài.

Ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy trong vòng nửa thế kỷ (1890-1942) mà nơi đây có tới 3 địa điểm được chọn làm tỉnh lỵ (thị trấn Lục Nam, Mai Sưu, Cầu Lồ).

Lục Nam còn là đất mở đối với nhiều luồng văn hóa và tín ngưỡng. Từ thời Lý, đạo Nho và đạo Phật đã thịnh hành. Đạo Thiên chúa từ vùng duyên hải men theo sông Lục Nam đã cắm chốt từ đầu thế kỷ XIX. Sự đan xen văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần giữa dân tộc Kinh và các dân tộc anh em hết sức phong phú đa dạng.

Vị trí chiến lược của Lục Nam vừa trọng yếu, vừa đa năng. Trong thời đại ngày nay, những giá trị ấy không những còn nguyên vẹn mà vẫn được phát huy mạnh mẽ.

Về địa chất, địa hình: Lục Nam nằm trong khu vực có lịch sử kiến tạo lâu dài và phức tạp nhất trong các vùng địa lý của nước ta. Đây là một lãnh thổ có uốn nếp đặc trưng bởi cấu trúc chủ yếu dạng vòm và bởi thành phần trầm tích phân bố trong hệ ít đá phún trào. Kết quả của các thời kỳ tạo sơn – tạo lục đã khiến cho phía bắc huyện trở thành một vùng đồi núi trùng điệp do sự kế tiếp vòng cung Bắc Sơn đang thoải dần về thung lũng sông Lục Nam. Trừ dãy Bảo Đài chạy theo hình cánh cung có hướng đông bắc – tây nam bọc lấy phía nam vòng cung Bắc Sơn, còn hầu hết đồi núi ở đây bị cắt xé thành sơn nguyên, hướng không rõ rệt, tuyệt đại bộ phận là núi thấp, tròn trĩnh độ cao trên 400m thấp dần đến trung lơu sông Lục Nam chỉ còn trên 100m. Ở phía nam sông Lục Nam xuất hiện nhiều dải núi thấp không có hướng rõ rệt. Bên cạnh các dải núi chạy song song theo vòng cung Đông Triều có hai dãy kế tiếp gối vào nhau là Huyền Đinh (đỉnh cao nhất 612m), Yên Tử (đỉnh cao nhất 1.068m). Hai dãy núi này trùng hướng với vòng cung Đông Triều kết hợp với dãy Tiên Yên tạo nên bức bình phong ngăn gió biển và thực sự là ranh giới khí hậu – thực vật.

Do địa hình nghiêng, nhiều dải rừng và đồi xen kẽ, tạo ra nhiều vùng trũng đọng nước, nên vùng núi Lục Nam có nhiều địa thế thuận lợi để xây dựng hồ đập chứa nước, nhưng do rừng bị khai phá kiệt nên nguồn thủy sinh kém.

Về thủy văn: sông Lục Nam phát nguyên từ Đình Lập (Lạng Sơn) và từ các khe núi Bảo Đài – Yên Tử dài 178km. Các chi lưu là sông Cẩm Đàn, sông Thanh Luận, sông Bò. Thời cổ, nó mang tên Minh Đức, được mệnh danh là một trường giang đẹp nhất Bắc Kỳ. Lòng sông sâu nhưng dòng chảy êm ái, nước thủy triều dân lên tận Đầm (Lục Ngạn). Ngoại trừ dòng chảy theo hướng tây bắc kẹp giữa hai dãy núi nên lòng sông nhỏ hẹp, còn từ Chũ trở xuống, sông quặt theo hướng tây nam, lòng sông rộng dần, có nhiều bậc thoai thoải, bãi cát đôi bờ mướt bóng, các rặng tre tạo nên phong cảnh ngoạn mục và nhiều thị trấn có tiếng như Đầm xưa là kho thóc gạo của vùng thượng du trên con đường thông với Quảng Tây; Chũ – trung tâm thương mại của vùng rừng núi.

Mé trên Cẩm Lý gặp mỏm Huyền Đinh, sông quay sang phía tây nam làm thành cửa Vũ Trù. Các ngòi Lệ Ngạc, Chỉ Tác, Đan Hội, Cẩm Lý, Yên Sơn (sông Gốm), Cổ Mân cùng chảy vào sông Lục Nam. Mùa đông có ngòi cạn, có ngòi thuyền bè vẫn đi lại được. Sách ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ mô tả sông này như sau: “Nguồn từ núi huyện Yên Bác tỉnh Lạng Sơn chảy về phía đông bắc, qua sông Thủ Dương huyện Lục Ngạn 62 dặm đến địa phận huyện Bảo Lộc làm sông Trù Hựu, lại chuyển từ địa phận huyện Lục Ngạn 48 dặm làm sông Mỹ Nương và sông Cương Sơn rồi ngoặt về phía đông nam vào huyện Phượng Nhỡn 36 dặm”.

Từ Chũ trở lên lòng sông gồ ghề, lắm thác nhiều ghềnh, khi mưa nước tập trung rất nhanh, cường suất mỗi giờ lên xuống 1-2 mét, biên độ 9-10 mét. Khi mưa tạnh, lũ chóng lui, chỉ trong khoảng 2-3 ngày, kéo theo lớp đất phủ mặt làm giảm độ dầy của tầng đất ven đồi núi. Lượng nước sông Lục Nam hàng năm là 2,5 tỷ mét khối, bằng 1/5 lượng nước sông Thái Bình. Tại thị trấn Lục Nam, mức nước cao nhất tới 8,29m (7-1986), thấp nhất là 0,7m. Hàm lượng phù sa thấp, trung bình cứ 1 mét khối nước có 0,4kg phù sa, ngày lũ lớn nhất đang rút có thể lên 1kg. Phù sa sông Lục Nam phản ứng kiềm yếu, các loại ô-xít kiềm thổ, sắt, muối natri đều ít vì chảy qua vùng phiến thạch sét, sa thạch chua nghèo chất dinh dưỡng. Sông Lục Nam được coi là sông lớn nhất chạy qua vùng Đông Bắc, có biên độ dao động mực nước rất lớn do đặc tính cấu tạo của lớp phủ thực vật và do độ dốc lớn (nước ở thượng lưu và hạ lưu chênh nhau tới 35m). Về mùa mưa, tốc độ dòng chảy mạnh, phù sa bồi ven sông ít. Sa bồi thượng lưu rất thô, xuống đến hạ lưu phù sa mịn hơn, rộng hơn.

Sông Lục Nam cùng với sông Thương, sông Cầu tạo thành sông Thái Bình – con sông lớn thứ hai ở Bắc Bộ.

Do nằm ở vị trí đệm chuyển tiếp giữa khu vực núi rừng Đông Bắc với khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ nên khí hậu Lục Nam mang đầy đủ tính đa dạng của chế độ hoàn lưu gió mùa nhiệt đới phức hợp, có phân hóa rõ rệt theo mùa cùng những biến động thất thường từ năm này qua năm khác.

Trước hết, khối lượng khí lạnh cực đới lục địa tạo ra một thời tiết lạnh nhất ở Lục Nam với đặc điểm nửa đầu mùa lạnh (từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau) thời tiết lạnh khô đẹp trời. Nửa sau mùa lạnh (tháng 2-3) thời tiết lạnh ẩm mưa phùn liên miên. Tiếp đó là khối không khí nhiệt đới biển Đông xuất hiện cuối mùa lạnh, hòa trộn sinh ra thời tiết nồm khi ổn định tạo ra nắng nóng ngay giữa mùa đông. Cuối cùng khối không khí khô nóng khống chế, làm xuất hiện cơn dông nhiệt về chiều không kép dài, kèm theo mưa ít nước, thường thấy trong các tháng 5 – 6 – 7. Nhiệt độ bình quân năm là 22,00C; bình quân cao là 35.50C, bình quân thấp là 10,90C. Do ảnh hưởng của địa hình nên trong cùng một huyện cũng có sự chênh lệch về nhiệt độ, tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau. Nhiệt độ bình quân năm vùng Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn thấp hơn vùng Vũ Xá, Đan Hội tới 10C; thấp hơn Đông Phú, Đông Hưng 0,50C. Tổng số giờ nắng bình quân là 1.800 giờ. Tổng số tích nhiệt bình quân năm là 8.4050C (tính từ 100C trở lên). Hàng năm có từ 8 đến 9 tháng có nhiệt độ trung bình từ 200C trở lên.

Số ngày có mưa trong năm trung bình là 107 ngày. Lượng nước mưa bình quân năm 1.327,7mm; năm cao 1.734,3mm; năm thấp 900mm. Mưa phân bố không đều giữa các vùng trong huyện, giữa các tháng trong năm. Vùng Lục Sơn có lượng mưa cao nhất (từ 1.700mm/năm trở lên, xấp xỉ bằng vùng đồng bằng Bắc Bộ). Vùng Đông Phú, Đông Hưng có lượng mưa hàng năm thấp nhất từ 1.400mm đến 1.500mm/năm). Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9; tập trung vào 3 tháng 6-7-8 (chiếm từ 50 đến 60% lượng nước mưa cả năm).

Lục Nam có hai hướng gió mùa thịnh hành:

– Gió mùa đông bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời tiết hanh khô, giá rét. Sương mù thường xuất hiện vào những tháng mùa đông, ít gây tác hại cho cây trồng. Sương muối ít xảy ra, nếu có cũng chỉ ở phạm vi hẹp, loại này gây tác hại cho một số cây trồng vụ đông xuân (cà chua, khoai lang, khoai tây).

– Gió mùa đông nam từ tháng 5 đến tháng 9, mang theo nhiều hơi nước; thường hay có mưa rào và giông bão.

Rừng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Lục Nam, có nhiều mối quan hệ đến thời tiết và khí hậu. Rừng tạo ra khí hậu rừng, trong đó tán cây hấp thụ hầu hết bức xạ mặt trời, tạo ra sự ôn hòa và độ ẩm thích hợp hơn với thực vật, làm cho ảnh hưởng của gió và mưa giảm đi rất nhiều. Khí hậu rừng còn tạo ra mưa theo chiều nằm ngang làm cho rừng tăng thêm độ ẩm.

Dăm, bảy chục năm trước đây, sách vở viết về vùng này, kể cả ca dao, tục ngữ đều mô tả địa phương như một vùng núi non hiểm trở, rùng rợn với nạn sốt rét rừng, nạn nghèo đói mà tự nhiên đã áp đặt cho nó với những Ruồi vàng, bọ chó, gió Mai Sưu Nước làng Dùm, hùm Mai Sưu.

Trước hết, bởi Lục Nam khi đó nhiều rừng rậm nhiệt đới. Rừng nguyên sinh với hai ba tầng cây to khi đó với các loại thường xanh ở tầng thứ nhất, hầu hết là gỗ quý như lim, sến, táu, dẻ; tầng thứ hai là những cây thấp – cây bụi như tre, nứa, song, mây. Ngày nay kiểu rừng này đã bị tàn phá do làm nương và khai thác chưa hợp lý nên chỉ còn lại kiểu rừng thứ sinh, khó định tầng, trông bề ngoài vẫn rậm rạp, độ tán che lớn, nhưng bên trong rỗng, cây to gỗ lớn, còn lại ít, phần lớn là gỗ tạp hoặc rừng tre nứa xen gỗ tạp. Nhiều nơi chân và sườn núi vẫn còn rừng cây che phủ nhưng tới gần đỉnh núi chỉ có cây bụi hoặc sim, mua, ràng ràng, cỏ gianh úa vàng trong mùa hanh khô. Đồi núi trọc đã tạo ra xói mòn nhiều nơi. Sự thu hẹp diện tích lớp phủ thực vật rừng cũng thu hẹp luôn các vùng phân bố của một số loại động vật quý, khó lòng gặp lại những loài chim quý thường sống ở rừng rậm (gà lôi đỏ, gà lôi trắng đuôi dài), những thú rừng có giá trị (nai, hươu, gấu, hổ, lợn rừng).

Thực vật vùng đồi và ruộng bậc thang ở Lục Nam cũng mất đi vẻ phong phú. Trên các đồi có độ cao dưới 50 mét, dọc đường 31 Lục Nam đi Lục Ngạn chỉ thấy phổ biến các loài cỏ mọc xen lẫn sim, mua, sau sau là những loại cây thường thấy ở những vùng đồi đã bị xói mòn mạnh, đất có tầng mỏng. Các ngọn đồi cao hơn thì phần nhiều cây cối trơ trụi, chỉ loáng thoáng một vài lùm cây gỗ nhỏ mọc xen kẽ cỏ dại. Các loại cây trồng trên các đồi phiến thạch sét hoặc đồi phù sa cổ ở Lục Nam như mía, dứa, sắn, lạc, đậu tương, các chân ruộng bậc thang có lúa nước, hoa mầu. Các vạt rừng nhỏ hoặc quanh các bản làng vẫn còn nhiều loại chim có ích như sáo đen, cu gáy, cu ngói, chích, sẻ hoặc các loài di trú như cò, cói, vịt trời, sếu, giang. Trong các chân ruộng sâu, hồ ao, sông suối còn nhiều thủy sản (mè, trôi, trắm, rô, quả, giếc, tôm, cua). Trên sông Lục Nam còn có cá cháy – loài thủy sản nước lợ.

Từ lâu, người dân Lục Nam đã chú trọng, khai thác lâm sản để trao đổi với vùng xuôi. Các sơn tràng chặt hạ các loại gỗ quý (lim, sến, gội, cháo tía, xoan đào) tre nứa (trúc xanh, trúc vàng, bương, sặt, vầu, mai, nứa ngộ, nứa tép) đóng thành bè mảng xuôi sông Lục Nam, đưa về các vùng đồng bằng. Nhân dân còn vào rừng thu hái nhiều loại dược liệu như sâm nam, huyết đằng, hoài sâm, bách bộ, cốt toái, sa nhân, hà thủ ô, thổ phục linh, kim ngân rất sẵn ở các khu rừng thuộc mấy tổng Cương Sơn, Vô Tranh, Mỹ An để đem đổi thóc gạo và các đồ gia dụng. Các loại nhựa thông, trám; các loại lá củ dùng làm thuốc nhuộm như nâu, chàm; các loại cho dầu như dọc, trẩu, chương, mật, màng tang, dã hương, long não, sở, lai, đài hái… cũng được tận tru và trở thành một thứ thương phẩm trao đổi có giá trị. Ngoài ra còn có mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, măng, củ mài là những mặt hàng được ưa chuộng. Thợ săn bắt còn cung cấp cho thị trường hổ, gấu, lợn rừng, hươu, nai, mèo rừng, trăn, cày cáo, công, đa da, tắc kè, khỉ, cùng nhiều loại cao xương có chất dinh dưỡng cao.

Trong quá trình lao động, nhân dân Nghĩa Phương, Mai Sơn đã thuần chủng được các khu rừng hạt dẻ bạt ngàn, cung cấp cho thị trường loại hạt có chất lượng dinh dưỡng cao. Hạt dẻ Nghĩa Phương Mai Sưu to mẩy, vị bùi, thơm ngon, được người dùng ưa chuộng.

Dứa mật cũng là một đặc sản quý của Lục Nam. Dứa ở đây quả to, cho năng suất cao, dùng để chế biến cho các bữa ăn hoặc ăn tươi đều được. Trên các cánh đồi bạt ngàn của hai tổng Chu Điện, Lan Mẫu ngày xưa dứa mọc như rừng. Mùa thu hoạch, lái buôn ở các nơi đến chợ Sàn, chợ Chàng thu gom rồi vận chuyển theo đường sông, đường bộ đem xuống tận đồng bằng. Nói đến dứa Sàn ai cũng muốn mua. Sở dĩ có tên là dứa Sàn vì vùng này trước đây có hàng trăm héc ta trồng dứa và là địa điểm cung cấp giống dứa mật cho các vùng xung quanh.

Chè cũng là một sản phẩm quý của Lục Nam, được trồng nhiều ở Mai Sưu, Dùm, Quỷnh, Chỉ Tác và làng Húi. Hầu như toàn bộ vùng đồi rộng lớn có độ cao trung bình, dốc thoải được khai thác để trồng chè. Cấu tạo của đất, điều kiện khí hậu ở vùng này khá phù hợp cho việc trồng chè. Chè Lục Nam vị đậm, hương thơm, được nhiều người tìm mua.

Ngoài hạt dẻ, chè, dứa, nhân dân Lục Nam còn chú trọng đến kinh tế vườn đồi. Mít, cam, chanh, bưởi, mận có nơi trồng thành vườn, bãi lớn, đến mùa thu hoạch thu hút nhiều khách thập phương.

Ở Lục Nam, mỗi vùng có một phương thức canh tác khác nhau. Làm nương rẫy chủ yếu vẫn là đốt cây, chọc lỗ, bỏ hạt – tức là lỗi đạo canh hỏa chủng từ thời thượng cổ. Tại các ruộng trũng thì dùng lối ngâm nước, rồi cho trâu bò làm nhuyễn, cũng là lối thủy nậu xa xưa. Nông cụ thì dao phát rừng, cái cuốc, chiếc cày chìa vôi. Giống má tuy nhiều chủng loại nhưng vẫn là tám (dài, soan, nghệ lùn, muộn), dự (lùn thơm), gié… Giữa hai vụ chiêm – mà có thêm giống ba giăng (tam xuân cốc). Vùng cao, ngoài lúa lốc còn có ngô, khoai, sắn.

Cư dân ven sông, ngoài nghề nông còn thêm nghề thả câu, chài, lưới để bắt cá. Những ngày nông nhàn họ đi bắt trai, hến, cua, ốc vừa để ăn, vừa để bán. Ngư dân hợp thành phường như phường Nguyệt Đức nằm trong tổng Bắc Lũng, cuộc sống trôi nổi trên sông Lục Nam.

Người miền núi vừa làm nương rẫy, vừa cấy lúa nước ở các thung lũng. Còn ngày nay thì vào rừng thu hái lâm sản, săn bắn muông thú. Nhiều nơi đã lợi dụng sức nước để làm cọn đưa nước vào ruộng và làm cối giã gạo.

Việc chăn nuôi cũng được chú trọng. Vùng Bắc Lũng có riêng về giống lợn con. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là người Tày thường nuôi trâu bò đàn thả rông trong rừng, là nguồn cung cấp quan trọng cho các chợ gia súc như chợ Thanh Giã, chợ Phổng (Hữu Lũng, Lạng Sơn), chợ Thương (Phủ Lạng Thương).

Nghề thủ công nổi tiếng nhất ở Lục Nam có lẽ là ươm tơ, kéo kén vùng Chu Điện, làm hương đen ở làng Đọ (Cương Sơn) bện quang ở làng Sàng, nấu đường mật ở Đông Hưng. Có nhiều khả năng phường Chi Tác xưa chuyên làm giấy sau này bị thất truyền.

Việc buôn bán ở Lục Nam có từ đầu công nguyên nhờ có hệ thống giao thông thủy bộ phát triển. Sông Lục Nam mở ra các bến Chàng, Cẩm Nang, Chợ Sa, Chợ Dừa, Từ Xuyên và bến Bò trên sông Bò – thực sự đã tạo ra mạng lưới giao lưu thuận tiện và sầm uất. Sông Bò còn đảm nhận một khối lượng lớn tre gỗ, các loại lâm thổ sản khác từ núi rừng Yên Tử – Nam Điện ra sông lớn xuôi về đồng bằng. Ngòi Cỏ Mân, ngòi Gốm thuyền buôn có thể đi lại quanh năm để mua và bán hàng ở vùng Bảo Lộc, Phượng Nhỡn.

Hệ thống đường bộ, ngoài con đường chính đã mô tả ở trên, sau này gần trùng khớp với quốc lộ 31, còn có con đường rẽ ở Chu Điện, qua bến Chàng để đi vào tổng Cương Sơn rồi ngoặt sang phía đông qua Nghĩa Phương, Vô Tranh, Mai Sưu sang Phú Đa (Đông Triều), rẽ xuống phía tây để nối với Tiên Nghiêm (tổng Bắc Lũng), đi xuống phía nam qua Chỉ Tác, Cẩm Lý, Hoàng Lạt. Lại có con đường từ Nghĩa Phương nối với Lệ Ngạc, Tòng Lệnh, Mỹ Nương, Hữu Bằng, Thù Dương.

Nhiều làng xóm hoặc phố xá ở đôi bờ sông Lục Nam có đền thờ Lê Chân – nữ tướng của Hai Bà Trưng quê ở vùng duyên hải, đồng thời cũng là nữ thần hộ mệnh cho những người buôn bán trên sông nước suốt từ Hải Phòng ngược lên. Đây là một bằng chứng cho thấy về sự giao lưu buôn bán đã xuất hiện khá sớm ở vùng này.

Nhìn chung, việc buôn bán ở Lục Nam vẫn tùy thuộc vào sự phát triển của sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo ra các loại chợ vùng và chợ làng. Phạm vi ảnh hưởng của chợ vùng lớn hơn rất nhiều so với chợ làng. Ở đây có những loại đặc sản có thể đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cho nhiều khu vực xung quanh. Tên chợ, sản phẩm mà nó độc quyền trở thành câu nói cửa miệng trong sự toan tính của các thương lái. Ở Lục Nam có 3 chợ vùng:

Chợ Chàng họp vào các ngày 1, 6 tháng khách buôn thập phương từ Hải Phòng, Quảng Yên, Hải Dương theo thuyền buôn lên. Thuyền cập bến Lục Nam từ chiều hôm trước, khách ngủ lại một đêm để đến sáng hôm sau ra chợ. Đêm đó họ tập hợp lại với nhau, lân dần thành lệ, trở thành buổi chợ áp phiên giữa cảnh sông nước trên bến dưới thuyền thật sầm uất, đông vui.

Hàng hóa trao đổi ở chợ Chàng gồm hoa quả, lâm thổ sản, hải sản (cá khô, tôm khô, nước mắm), vải vóc, bông sợi).

Chợ Thanh Giã họp vào các ngày 3, 5, 7, 10 âm lịch hàng tháng. Mặt hàng chính được trao đổi là trâu bò và các loại lâm thổ sản.

Nhờ nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng, chợ Thanh Giã có nhiều ưu thế hơn các chợ khác, thu hút nhiều lái trâu ở Gia Bình, Lang Tài, Từ Sơn, Thuận Thành hoặc các tỉnh lân cận hội tụ về đây đậu từng đàn trâu đưa về vùng xuôi. Trâu ở đây béo, khỏe, dáng đẹp, ít bị ngã nước. Các lái trâu đến chợ Thanh Giã đem theo vải vóc cùng nhiều loại hàng hóa mà địa phương có nhu cầu để trao đổi, tạo nên sự giao lưu khá nhịp nhàng, sôi nổi.

Chợ Mai Sưu họp vào các ngày 3, 8 âm lịch hàng tháng. Đặc sản được đem trao đổi ở chợ là chè. Cứ đến phiên chợ, lái buôn tấp nập quanh các loại chè búp, chè bồm và chè tươi của Mai Sưu và vùng Dùm, Quỳnh. Ngoài ra, chợ còn có nhiều loại hoa quả (mít, chuối, chanh, bưởi) vừa ngon vừa rẻ.

Những chợ làng có phạm vi trao đổi hẹp hơn, hàng tổng hoặc một vài tổng xung quanh, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các làng xã trong khu vực như thóc lúa, lợn gà, vải vóc, thực phẩm. Chợ làng chỉ họp vào các buổi sáng. Lục Nam ngày xưa có khá nhiều chợ làng:

Chợ Dùm, mỗi khi có phiên được đón hàng chục xe ngựa về mua chè. Ở làng Quỷnh còn có chợ Cầu, mở ra hai dãy phố bán hàng, tấp nập đông vui một thời, (nay không còn).

Chợ Thép, chợ Cọc đã không họp từ lâu.

Chợ Dẫm họp vào các ngày 2, 4, 7, 9, 11 âm lịch (nay không còn).

Chợ Sàn họp vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch (nay trở thành chợ vùng).

Chợ Buộm họp vào các ngày 1, 3, 8 âm lịch (nay chuyển lên ngã tư Bảo Lộc).

Chợ Gàng họp vào các ngày 4, 9 âm lịch.

Chợ Sa họp vào các ngày 5, 10 âm lịch (nay thêm 3, 8).

Chợ Dừa chỉ có mua bán chè tươi (nay không còn).

Chợ ở Lục Nam còn là một môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần, nhất là đối với đồng bào các dân tộc anh em. Đến phiên chợ, trai thanh gái lịch ăn mặc đẹp đẽ tìm bạn tình. Nhiều cuộc hát ví, hát lượn diễn ra, tạo cho nhiều mối tình nảy nở. Chợ làng vì thế còn là các chợ phiên văn hóa.

Vào dịp mùa xuân, nhiều làng xóm ở Lục Nam đều mở hội. Ngày 7 tháng giêng làng Tòng Lệnh (Trường Giang) mở hội lớn diễn lại cảnh luyện quân, sản xuất lương thực để tưởng nhớ đến tương quân Vũ Thành. Ngày 1 tháng 4 âm lịch hội đền Suối Mỡ (Nghĩa Phương). Nhìn chung, ngày mở hội gắn liền với ngày tế Thành hoàng làng cùng nhiều trò vui (đánh vật, đánh đu, cướp cầu) và các cuộc rước bài vị của Thành hoàng từ đền ra đình và ngược lại. Ngày mồng 10 tháng giêng hội làng Phương Lạn để kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng làng. Từ chiều mồng 9 trung nam bản xã đã rước sắc đồ bát bửu ra đình. Trưa hôm ấy tổ chức thi cướp cầu cho trai tráng hai giáp đông, tây ở sân đình. Những người dự thi đứng theo giáp, đối diện nhau, tay cầm móc câu, nghe trống lệnh ào đến tranh nhau móc cầu gỗ từ dưới lỗ lên. Lúc cầu nằm trên mặt đất thì lại giành giật lấy cầu chạy về phía mình, ném ra ngoài ranh giới bãi cầu. Cứ như vậy thi 3 keo, bên nào thắng 2 là được giải. Ngày 1 tháng 4 mở hội đền Suối Mỡ. Từ canh hai, canh ba dân làng đã tề tựu đông đủ ở đình làng Dùm để rạng sáng rước sắc về đền Hạ, từ đình làng Quỷnh qua nghè Hàn Lâm lên đền Trung, đền Thượng để cúng tế an vị rồi rước sắc quay trở lại đình. Xong xuôi, các trò chơi như chọi gà, đu vật, cờ bói, tổ tôm diễn ra sôi nổi, bên cạnh dăm chiếu chèo từ các nơi đổ về. Đêm xuống lại có trò đốt cây bông trông thật ngoạn mục. Hội đền Suối Mỡ được coi là vui vẻ nhất trong vùng.

Trong lĩnh vực truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện về ba anh em nhà Khang công hợp sức đánh Hổ tinh trong khu vực Huyền Đinh vào thời Hùng Duệ Vương xa xôi đã dẫn ta về thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc. Họ vẫn còn được thờ phụng ở đình làng Dùm, ghi lại công lao trong đôi câu đối:

                 “Nhất bào đĩnh giáng tam huynh đệ

                 Vạn cổ huân cao nhất thánh thần”

                 (Ba anh em, đầu thai cùng bọc

                 Một thánh thần tiếng để ngàn thu)

Truyền thuyết về hang Non, hang Dẫm trên dãy Yên Phú (Bắc Lũng) thì kể về người mẹ và ba người con. Theo sách Lục Nam địa chí, thời Hùng vương có một ngư phủ cầu thần núi Yên Phú sinh được một người con gái, đến năm 20 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Một hôm ra suối tắm, bị rồng cuốn rồi có mang sinh một bọc được ba trai. Lớn lên, họ rất khôi ngô, chỉ thích đọc sách. Vào canh ba đêm nọ, mưa gió nổi lên, họ biến thành ba con rắn, chui vào núi Lãm Sơn biến mất. Người mẹ thương khóc đi tìm chỉ thấy 2 đuôi – vì thế sau gọi là một ông dài, hai ông cộc. Chỗ hang núi các con hóa, thông ra sông Lục Nam thành 3 cái vực, còn chỗ bà mẹ mất gọi là vực Dẫm. Đến nay một số làng ở Bắc Lũng vẫn có đền thờ.

Huyền thoại cũng kể về Quế Mỹ Nương công chúa, tức Thượng ngàn thánh mẫu con vua Hùng Định Vương, được thờ tại ba khu vực đền Vực Mỡ Thượng, Vực Mỡ Hạ, Vực Mỡ Trung bên sườn Huyền Đinh, phía trước có vực sâu, thác cao mang tên Đầu Voi, tạo nên thắng cảnh kỳ thú, cuốn hút khắp thập phương nô nức kéo đến và người đời sau có thơ vịnh:

                 –   Nước non giấu kín nơi tiên cảnh

                     Hoa cỏ bầy nên cõi phật đường

                 –   Kiếp xưa công chúa nhường mây khói

                     Trên đỉnh Huyền Đinh tỏa ánh ra

                     Phép nhiệm thần tiên còn bí ẩn

                     Dấu thiêng non nước chẳng tiêu ma

                     Trèo lên ngắm nghía đà không chán

                     Thác nước tuôn reo bạc trắng lòa

Truyền thuyết về Nghè Hàn Lâm (Nghĩa Phương), xuất hiện vào thời Lý, là nơi thờ Hà Chiếu, đỗ Thái học sinh Tam giáp, làm đến Hàn lâm Học sĩ, có công đi sứ sang nhà Tống, điều đình để dẹp yên Đàm Hữu Lượng quấy rối ở biên ải, mất ở đất Bắc, được gia phong là Thắng Địch hướng thiên cư sĩ Đại vương, 27 xã phụng thờ. Xưa, nghè Hàn Lâm có câu đối ghi công trạng của ông:

                 “Học sĩ thanh sanh dương Bắc địa

                 Bồng lai cung khuyết đối Nam thiên”

                 (Học sĩ tiếng thơm lừng đất Bắc

                 Cung tiên cao rộng sách trời Nam)

Ở Nghè Giếng (Ngãi Phương) có truyền thuyết về Vĩnh Đạt Đại vương. Dương An Quý, thi đỗ hương cống trong kỳ thi Thái học sinh thời Lý Thánh Tông, làm quan đến chức lệnh doãn, cùng đi sứ với Hà Chiếu, khi mất được sắc phong là Hoằng tán mỹ hóa Vĩnh Đạt Đại vương.

Truyền thuyết ở làng Tòng Lệnh (Trường Giang) kể về Vũ Tỉnh, thân phụ Vũ Thành.

Truyền thuyết, huyền thoại của Lục Nam đã để lại cho đời sau những nét chân thực về một thời kỳ khai sơn phá thạch, chống chọi với thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt cùng với chiến công vẻ vang trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ quê hương, xứ sở. Đó chính là những trang sử được nhân dân tạc dạ ghi lòng cho các thế hệ tiếp theo.

Tục ngữ, phương ngôn vùng Lục Nam cũng là một kho tàng quý báu, phản ánh nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nhiều truyền thuyết của địa phương được cô đúc lại thành những câu chuyện ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, lưu truyền hết đời này sang đời khác. Câu chuyện về ba vị đại vương hóa thành rắn thần cùng với người mẹ ở Bắc Lũng đã được tóm gọn trong câu mẹ hang Non, con hang Dẫm. Đặc biệt là truyền thuyết về chàng Nậu giành giật đất đặt mộ ở Hà Thanh (Chu Điện), việc triệt Long mã ở chùa Phai – Hà Tú, chặt cổ Ngũ Tượng ở Đìa Dội (Tiên Hưng), để làm mất đất đế vương cũng được nói gọn trong câu:

                     “Chà chà, chiền chiện

                     Ở làng Chu Điện

                     Có đất đế vương

                     Sinh cái sinh con

                     Tranh quyền cướp nước”(1)

Nhiều hiện tượng lịch sử thời kỳ cận đại cũng đi vào tục ngữ, phương ngôn. Cuộc khởi nghĩa năm Nhâm Tuất (1862) đã in dấu ấn khá đậm nét, phản ánh khá trung thực về con người, sự kiện của thời đại:

                 –   Trên thời có ông sao dài

                     Sinh trên tỉnh Bắc có Cai tổng Vàng

                 –   Ngẫm trong nữ sử nước nhà

                     Mấy ai sánh kịp vợ ba Cai Vàng

Câu chuyện về năm người tự xung hùng bá Vua Xuân, Chúa Biểu, Đức ông De, trạng Đồng Đĩnh, Thống tướng Mè tụ tập nhau ở Khe Than (Nghĩa Phương) rồi kéo lên núi Huyền Đinh lập ra một cái tiểu triều đình chống Pháp phản ảnh một hiện thực mà Thống sứ Bắc Kỳ Brière gửi báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương ngày 13-5-1891 cho biết, trong khu vực tỉnh Lục Nam khi đó có thủ lĩnh Cột hoạt động ở Thạch Nham – Biển Động với 40 tay súng; Thủ lĩnh Biểu hoạt động ở Vân Sơn – Bảo Đài với 18 tay súng; các thủ lĩnh Hoàng Ngũ, Quách Mân, Vương Ngũ, Hoàng Tam hoạt động ở Hòn Nghiên, Đào Sơn, Đào Lãng trên dải Huyền Đinh:

                     Huyền Đinh một dải xa xa

                     Vương triều nhỏ bé, dăm ba tớ thày

Tục ngữ, phương ngôn dành cho quê hương khá nhiều điều. Từ một thành ngữ về sự xa xăm, hoang vắng trong tâm linh người Việt như Đèo Heo – Hút Gió ở Cẩm Lý đến ruồi vàng, bọ chó, gió Mai Sưu… cho thấy Lục Nam thiên nhiên khắc nghiệt. Không phải chỉ có vậy, qua bao thế hệ cần mẫn khai làng, lập trại, người dân Lục Nam đã tạo ra những dứa Sàn, mật Chũ, Mít làng Nghè, chè Mai Sưu; Quang nứa làng Sàng, khoai lang làng Đọ, khoai sọ làng Non, lợn con làng Dẫm (Dẫm lợn con, Non khoai sọ, Đọ khoai lang, Sàng quang nứa). Mỗi địa danh, tên núi, tên đồi đã hiện lên và gắn bó máu thịt với người dân Lục Nam:

                 –   Hố Trâu, Rông Khế, Ba Gò

                     Trại Găng, Bắc Máng, sông Bò, Cầu Kheo

                 –   Cao nhất núi Gốm mình ơi

                     Trông về Trại Thán khắp nơi trồng chè

                     Dùm, Quỷnh lắm ngựa nhiều xe

                     Cửa nhà san sát trồng tre bốn bề

                     Ai đi đến đó cũng mê

                 –   Chợ Chè tháng ba chục phiên

                     Ai lên Dùm, Quỷnh đừng quên chợ Chè.

                 –   Chợ Chàng một tháng sáu phiên

                     Gặp cô hàng xén, kết duyên châu trần

                 –   Muốn ăn cơm trắng cá rô

                     Thì về Dùm Quỷnh quẩy bồ với em

                     Muốn ăn cơm trắng cá mè

                     Thì về Dùm, Quỷnh hái chè với anh

Thời bóng cả cây già, một cây có thể làm được ngọn đình Cọc, gốc đình Dùm, trùm đình Kẻn cũng đi vào hình bóng trong phương ngôn.

Đồng bào các dân tộc, nhất là người Tày cũng có một kho tàng tục ngữ khá phong phú, hầu hết phản ánh mối quan hệ xã hội, kinh nghiệm sản xuất, tình yêu quê hương (Việc dễ như ăn khoai; Đàn kiến ăn tham; Dẫm lên mặt tổ tiên; Ăn nhiều chết nhiều; Núi non che khuất chẳng trông thấy).

Đặc biệt, hệ thống thắng tích, danh sơn của Lục Nam đã được huyền thoại hóa và minh chứng nhiều truyền thuyết, phương ngôn. Đình Kẻn(2) là nơi Cai Vàng tuyên thệ nhậm chức đại nguyên soái. Khu đình, đền, chùa Thượng Lâm (xã Thanh Lâm) một công trình kiến trúc nghệ thuật xây từ đời vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng năm thứ 42), thờ Trần Cảo, Trần Cung(3). Thành nhà Mạc(4) đắp bằng đất từ cuối thế kỷ XVI chạy từ nam lên bắc, qua nhiều xã trong huyện là một di tích về tài năng quân sự thời cổ. Danh sơn Phú Lãm (AN NAM CHÍ NGUYÊN ghi là Khả Lam – nay thuộc xã Đông Phú) xưa kia cây cối um tùm, núi khe thanh nhã, suối và đá mát mẻ, u tịch. Trên đỉnh núi có am Hồ Thiên, nhà Lê xây chùa Hồ Thiên với quy mô tráng lệ, nhưng bỏ dở, nay còn dấu tích. Danh sơn Yên Phú thuộc xã Bắc Lũng, bên trên có nhiều đá xanh, giếng đá và ba hốc đá nước không bao giờ cạn, kế bên có đền Tam vị Đại vương. Núi Huyền Đinh còn gọi là ngàn Treo Đanh chạy dọc các xã Cẩm Lý, Đan Hội, thế núi cao liên tiếp như hình cái đinh treo. Xưa kia Huyền Đinh được coi là trấn sơn của huyện Phượng Nhỡn, khi chạy quân Tây Sơn, Lê Chiêu Thống đã ẩn nấp ở đây. Dãy Tượng Sơn thuộc xã Cẩm Lý, đoạn tiếp của Huyền Đinh, xếp lên nhau như bầy voi phục, giữa núi có hẻm lõm tạo thành đường đi, cửa đường hẹp hiểm, có hình thế một người địch trăm người. Phật Sơn thuộc Hổ Lao (Lục Sơn) thế núi cao vút mà bằng phẳng, phía đông có Liên Sơn (Vĩnh Ninh), phía tây có Đình Sơn (Áng Trì) là một đường quan yếu. Chúng Sơn là đoạn tiếp của Phật Sơn, có ba mặt là núi (Thù Sơn, La Sơn, Độn Sơn) đứng thẳng như tường, địa thế hiểm hóc. Hang Gió thuộc xã Cẩm Lý – ngọn nguồn của Đèo Heo – Hút Gió. Sách An Nam chí nguyện chép: “Ở núi Huyền Đinh huyện Lục Ngạn khoảng tháng 5, tháng 6 gió từ trong núi thổi ra, gió thổi đến đâu lúa khô đến đấy, dân ở gần núi thường bị hại”. Núi Bảo Đài cũng là một thắng cảnh trong vùng.

Tín ngưỡng của người Kinh ở Lục Nam là đa thần giáo. Hầu hết làng xóm đều thờ thần núi (Cao Sơn – Quý Minh), thờ dấu chân thần, rắn thần, thổ thần (Bắc Lũng, Chu Điện), thần cây gạo (Phương Lạn). Người Dao, Cao Lan, Hoa, Sán Dìu không cúng giỗ tổ tiên nhưng có thắp hương thờ ông bà và thổ thần.

Phật giáo vào Lục Nam từ thời Lý – đến nay vẫn để lại dấu vết ở các phế tích các ngôi chùa ở Chu Điện, Phương Lạn, thuộc dòng đại thừa, thiền tông, ảnh hưởng cả Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa, đan thành hai lớp rõ rệt, lớp cơ tầng Việt – Ấn, lớp thượng tầng Việt Hán.

Thiên chúa giáo vào Lục Nam khá sớm, từ giữa thế kỷ XIX Lục Nam có 3 nhà thờ Thanh Giã, Già Khê, Đại Lãm – xây dựng sau năm 1935, đều thuộc dòng Đaminh (Domicana).

Đạo Nho phát triển sớm ở Lục Nam nhưng không liên tục. Sự nghiệp học hành, thi cử Hán học ở đây chỉ có một số ít người thành đạt:

– Hà Chiếu, người Nghĩa Phương, đỗ Tam giáp Thái học sinh triều Lý Thánh Tông (1054-1072), được phong Hàn lâm học sĩ, nhà ngoại giao.

– Dương An Quý, người Nghĩa Phương, đỗ Hương cống Thái học sinh triều Lý Thánh Tông, làm đến Lệnh doãn, nhà ngoại giao.

– Nguyễn Thọ Vinh, người Bắc Lũng, đỗ Hương cống thời Lê Chính Hòa (1680-1705), làm đến Tri huyện.

– Nguyễn Đăng Điều, người Bắc Lũng, đỗ Hương cống thời Lê Chính Hòa, làm đến Tri huyện.

– Nguyễn Liên, quê Khám Lạng, học sinh Quốc tử giám, đỗ Tam trường triều Cảnh Hưng (1740-1786) làm Huấn đạo phủ Trường An.

Tuy chỉ có một danh sách cử nghiệp khiêm tốn nhưng điều đó cũng chứng minh đạo Nho đã tìm được đất để phát triển dù không liên tục và rực rỡ như các vùng khác.

Lục Nam nằm trên một hướng chiến lược quan trọng của nước ta. Hầu như tất cả bọn xâm lược đã tràn qua vùng này nhưng do thời gian lịch sử quá xa xôi, tài liệu ít ỏi, không cho phép ta dựng lại đầy đủ bộ mặt của các cuộc chiến tranh vệ quốc đã từng diễn ra anh dũng và khốc liệt trên quê hương của sông Lục – núi Huyền.

Từ giữa thế kỷ XI trở đi, nước Đại Việt lại đứng trước nguy cơ bị nhà Tống thôn tính. Đứng trước tình thế ấy, vương triều Lý vừa mềm mỏng đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ đất nước vừa kiên quyết nêu cao ý chí tự cường của dân tộc. Trung thành với tư tưởng chỉ đạo chiến lược này, mùa xuân năm Kỷ Hợi (1059). Lý Thánh Tông mượn cớ đi săn ở lưu vực sông Thương và sông Lục Nam đã đến Giáp Động giao nhiệm vụ giữ gìn biên cương cho các phò mã Thân Thiệu Thái – chồng công chúa Bình Dương và Thân Cảnh Nguyên – chồng công chúa Thiên Thành.

Nhận được trọng trách, mùa hạ năm Canh Tý (1060) phò mã Thân Thiệu Thái đã đem lực lượng của mình trừng trị lũ giặc quấy rối ở biên cảnh phía Bắc, bắt sống tên chủ tướng Đàm Hữu Lượng. Trong chiến công này còn phải kể đến tài ngoại giao của Hà Chiếu, Dương An Quý ở Nghĩa Phương.

Trong cuộc kháng chiến chống Tống đông xuân năm 1076-1077, phò mã Thân Cảnh Phúc – con trai Thân Cảnh Nguyên, tù trưởng Giáp Động đã lập được nhiều kỳ công. Ông đã cùng các tù trưởng Sầm Khánh Tần, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An đem dân binh tập kích vào hậu cứ địch khiến chúng bị tiêu hao sinh lực, đêm ngày nơm nớp lo sợ. Nhiều sử sách của nhà Tống phải thừa nhận đó là những đội quân gan dạ, chiến đấu linh hoạt “Lưu Kỳ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc đều cầm cường binh”, “hễ thấy quân Tống đi lẻ loi thì ra giết chết hoặc bắt về). Người ta cho là một vị thiên thần” (Quế Hải chí).

Cuối thế kỷ thứ XIII, Lục Nam trở thành hướng tấn công chính diện của quân xâm lược Nguyên Mông. Tuân theo tư tưởng chiến lược giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn. Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một hệ thống phòng ngự mạnh ở Xa Lý (Lục Ngạn), Động Bản (Biển Động), Bình Nội (Lục Ngạn), Chũ và lập một căn cứ thủy quân lớn ở Cẩm Nang – mọi thuyền bè được kéo giấu trong một khúc sông nhỏ – nơi ấy sau có tên gọi là Cánh đồng Kéo thuyền. Quanh khu vực Cẩm Lý, Nghĩa Phương, bộ binh ngày đêm ra sức luyện tập. Voi chiến cũng được điều lên tiếp ứng. Ngày nay quanh cửa Vũ Trù lộng gió những tên gọi thân quen vẫn còn: Đường Đổ Quân, Bãi Lầy Voi Thụt, Bãi Mũi Tên Đồng.

Các tướng quân Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Nghiễn ngày đêm huấn luyện 20 vạn quân của Na Ngạn, Phượng Nhỡn, Bàng Hà (Hải Dương), Trà Hương, An Sinh (Nam Định) rồi kéo về hội quân ở Vạn Kiếp (trước thuộc Phượng Nhỡn, nay thuộc Chí Linh, Hải Hưng). Yết Kiêu chỉ huy thủy quân đóng dọc từ Bình Tân (tức Bãi Tân, nay thuộc xã Khám Lạng) đến Cẩm Nang (Tiên Nha). Tần Sầm chốt giữ Xa Lý.

Cuối tháng giêng năm 1285, Thoát Hoan mang đại quân đánh vào Xa Lý, hai tướng nhà Trần là Đỗ Vĩ, Đỗ Hựu hy sinh. Giặc lại tràn xuống Động Bản, tướng Tần Sầm tử trận, phòng tuyến bị vỡ. Giặc tiến nhanh đến Chũ, dò biết Trần Quốc Tuấn ở Bình Nội nên Thoát Hoan cho người mang thư đến dụ hàng và tổ chức vây bọc.

Ngày 2-2-1285, quân Nguyên Mông chia làm 6 mũi tấn công vào Bình Nội. Tướng nhà Trần là Đoàn Thai lâm nạn, phòng tuyến bị vỡ. Tại Cẩm Nang, Yết Kiêu mở túi gấm xem lời dặn dò của Trần Hưng Đạo đã kịp đến Bình Tân đón cứu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận sự kiện lịch sử trọng đại này.

“Trước đây Hưng Đạo Vương có gia nô là Yết Kiêu, Dã Tượng đối đãi rất hậu. Đến khi quân Nguyên sang, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam). Dã Tượng thì đi theo. Lúc quan quân thua trận, thuyền quân đều chạy tan, Hưng Đạo Vương muốn đi theo lối chân núi, Dã Tượng nói: – Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương, tất không dời thuyền đi chỗ khác! Hưng Đạo Vương đi ngay đến Bãi Tân. Duy vẫn còn thuyền của Yết Kiêu có ở đấy. Hưng Đạo Vương mừng lắm nói rằng: Ôi! Chim Hồng, chim Hộc bay cao được là nhờ 6 trụ xương cánh, nếu không có 6 trụ xương ấy thì cũng như chim thường thôi! Hưng Đạo Vương nói xong thì chèo thuyền đi. Quân kỵ đuổi theo không kịp. Hưng Đạo Vương đến Vạn Kiếp chia quân đóng giữ Bắc Giang”.

Bãi Tân, Cẩm Nang cùng với Yết Kiêu được sử sách coi là đồng nghĩa với lòng trung thành. Nhờ vậy mà Trần Quốc Tuấn trở nên bất diệt để chỉ huy quân dân Đại Việt tiếp tục chiến đấu quét sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi vào tháng 7-1285.

Hai lần bị đánh bật khỏi Đại Việt nhưng vua tôi nhà Nguyên vẫn cay cú, do đó mùa đông năm 1287 chúng lại đưa quân sang xâm lược nước ta. Lại một lần nữa quân dân Na Ngạn, Phượng Nhỡn, Bảo Lộc phải xả thân chiến đấu để giữ vững nền độc lập của dân tộc.

Đó là trận Bình Nội oai hùng đã diễn ra ngày 1-2-1288.

Lực lượng của kẻ thù gồm lũ Việt gian Lê Trắc, Lê An, Nguyễn Linh và Trần Ích Dụ cùng 5000 dư binh vừa lên qua đường Xa Lý – Biển Động vào. Đến Bình Nội quân giặc sa vào trận địa phục kích và bị thiệt hại nặng, bèn điên cuồng đốt phá nhà cửa của nhân dân rồi bày trận quay lưng ra sông Lục Nam để đối phó với các mũi đột kích của quân ta. Đến canh năm trận địa của địch bị đập tan, vài ngàn quân bị diệt. Lê Trắc nhờ thuộc đường đã dẫn lũ còn lại cùng 60 kỵ binh chạy thoát. Nhiều lúc Lê Trắc và Trần Ích Dụ bị rớt lại phía sau, tưởng bị bắt sống. Lê Trắc kể lại: “Chật vật hiểm nghèo, mười phần chắc chết, ngày chạy mấy trăm dặm, từ nửa đêm đến tảng sáng đến châu, vọng bái cửa khuyết, mừng đến Mậu Tý”.

Đó là trận Kim Sa (Cẩm Lý) ngày 8-4-1288 lúc giặc Nguyên Mông đang tháo chạy và đã bị đại bại ở Bạch Đằng. Trong trận này, cánh quân của Sích Tua bị chặn đánh quyết liệt, không mở được đường tháo thân, phải chạy sang đường phía tây để cùng rút với Thoát Hoan nhưng lại bị phục kích ở Bình Nội.

Các địa danh Bình Tân, Cẩm Nang, Kim Sa, Bãi Mũi Tên Đồng, Bãi Lầy Voi Thụt, Cánh Đồng Kéo Thuyền, Đường Đổ Quân… là những trang sử chói sáng của nhân dân Lục Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Nguyên Mông.

Đầu thế kỷ XV, lợi dụng việc Hồ Quý Ly mới đoạt được ngôi báu, Minh Thành Tổ tìm mọi cách để đưa quân sang thôn tính Đại Việt. Vua tôi nhà Hồ cũng nắm bắt được mưu đồ đó nên tìm mọi cách để đối phó lại. Năm 1403 “mùa đông, tháng 10 Hán Thương giết các thân thuộc của nội quan Nguyễn Toán… Trước đấy Minh Thái Tổ từng đòi những người bị thiến, tăng nhân, đàn bà xoa bóp, ta đều chiều ý đưa cho. Được vài năm (nhà Minh) cho bọn tăng nhân và nữ tú về nước, chỉ lưu lại bọn bị thiến làm nội quan. Đến khi Thành Tổ lên ngôi, có ý muốn xâm lược phương Nam, sai bọn Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tồng Đạo, Ngô Tín sang sứ và thăm hỏi thân thuộc dặn mật rằng: – Nếu có quân phương Bắc sang thì dựng cờ vàng, biên là thân thuộc của nội quan là Mỗ tất không bị giết hại. Việc ấy bị tiết lộ, bắt hết thân thuộc của những tên ấy đem giết đi” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mặt khác Hán Thương tăng cường phòng bị. Tại Na Ngạn, nhân dân bị huy động vào rừng khai thác gỗ để dựng phòng tuyến kéo dài từ Tòng Lệnh qua Cương Sơn xuống Phả Lại. Mùa hè năm 1406, giặc Minh mới vào đến cõi, dân chúng lại phải phá bỏ hết lúa má, làm kế thanh dã. Tướng nhà Hồ là Hồ Đỗ chốt giữ Cương Sơn “ở phía ngoài thì liên kết thuyền chiến của thủy quân, trên bờ sông thì quân và voi đứng đối diện với dinh lũy của giặc” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tháng giêng 1407, giặc Minh kiểm soát được vùng Cần Trạm (Kép – Lạng Giang). Ở phía sông Thương và sông Lục Nam, Hồ Đỗ cho “phát hết dân châu phủ phía bắc sang sông hơn 20 vạn người để giữ, lùa người già, trẻ con, đàn bà, để giúp thanh thế. Lại đóng cọc ở dòng phía nam sông Phú Lương (sông Cầu) lấy hết thuyền bè trong nước để phía trong cọc, cửa biển và các cửa sông đều đóng cọc gỗ, ngăn chặn đề phòng công kích: (Đại Việt sử ký toàn thư)      

Dò biết được Hồ Đỗ đang dựng trại, hợp binh thuyền ở Phả Lại, một cánh quân Minh từ phía Cần Trạm đánh sang phía sông Lục Nam để mở đường thủy. Chúng đã bị 3 vạn quân nhà Hồ “dựa vào núi kết trại, cùng đặt hào rãnh, cắm chông tre, phóng đề sắc xuống cự chiến” (Đại Việt sử ký toàn thư). Quân Minh thua chạy, bị truy kích, xác rải kín một vùng đồi, nay vẫn mang tên là Đồi Ngô (Tiên Hưng – Lục Nam). Sau trận này, quân đội nhà Hồ không phát huy chiến quả mà lại lui dần về thế thủ. “Hán Thương hạ lệnh cho quân đóng ở sông Cái (sông Hồng) theo tiết chế của Tả tướng quốc Nguyên Trừng, quân ở sông Chũ (sông Lục Nam) theo sự tiết chế của Hồ Đỗ… nhưng chưa từng giao chiến một trận nào” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trương Phụ thấy khó lòng chọc thủng được mặt trận Lục Nam – Phả Lại bèn cho quân đi tắt qua Hiệp Hòa – Đa Phúc để hội quân với Mộc Thạnh ở Việt Trì, đóng thuyền, đặt súng mưu tiến đánh thành Đa Bang(5).

Tại đây, một trận kịch chiến đã diễn ra, tuy xác giặc chất cao ngang mặt thành nhưng quân đội nhà Hồ vẫn thất bại. Quân Minh tiếp tục chiếm Đông Đô cướp bắt con gái và của cải, tính toán lượng chứa, đặt quan coi việc chiêu tập dân siêu tán, tính kế ở lâu dài, thiến hoạn nhiều con trai trẻ tuổi và thu lấy tiền đồng ở các xứ cho trạm đem về Kim Lăng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lực lượng kháng chiến của nhà Hồ bị dồn xuống lưu vực sông Hồng, sau một vài trận phản công thất bại thì rút về Thanh Hóa. Quân Minh thừa thắng đuổi theo. Tháng 6-1407 Hồ Quý Ly và những người giúp dập sa vào tay giặc.

Một lần nữa nhân dân địa phương lại ghé vai gánh vác sứ mệnh lịch sử mà dân tộc giao cho.

Ngay từ khi nhà Hồ chưa bị tiêu diệt, Phạm Tất Đạt đã cùng 9 chiến hữu lãnh đạo nhân dân vùng Na Ngạn đứng dậy đánh đuổi quân xâm lược. Trong vòng mấy tháng, họ đã làm chủ được cả một vùng rộng lớn và tấn công địch ở khắp nơi, đến nỗi Minh Thành Tổ phải lệnh cho Trương Phụ lùng bắt bằng được 10 thủ lĩnh và đàn áp thật dã man cuộc khởi nghĩa.

Mùa xuân năm 1409, nghĩa quân do Ông Nguyễn và Thiêm Hữu chỉ huy đã hoạt động suốt một dải Bảo Lộc, Na Ngạn, Phượng Nhỡn.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa của Phạm Tất Đạt và Ông Nguyễn – Thiêm Hữu đều bị dìm trong bể máu nhưng nhân dân địa phương vẫn không nhụt chí. Năm 1414 có cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Liễu lãnh đạo giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tên tay sai Lý Huân phải nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc và cuối cùng phải gả con gái cho thủ lĩnh mới dẹp yên. Đến năm 1417 nhân dân Na Ngạn lại đứng lên chiến đấu dưới cờ của Nguyễn Trinh, đốt phá nhiều kho tàng, tập kích nhiều đồn lẻ của giặc suốt dọc sông Lục Nam.

Mười năm (1407-1417) máu xương của nhân dân Na Ngạn, Bảo Lộc, Phương Nhỡn đã đổ xuống để tạo đà cho phong trào Lam Sơn do Lê Lợi – Nguyễn Trãi lãnh đạo hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, quét sạch quân xâm lược Minh ra khỏi bờ cõi.

Sau mấy năm yên ổn vì không trở thành bãi chiến trường, từ giữa thế kỷ XIX, Lục Nam lại trở thành địa bàn của nội loạn, ngoại phỉ.

Đáng kể nhất là cuộc trỗi dậy của Cai Vàng nổ ra ở xã Vân Sơn, tổng Sơn Đình, huyện Phượng Nhỡn (nay là xã Phương Sơn, Lục Nam).

Tháng 4-1862, cuộc khởi nghĩa được phát động, Cai Vàng lĩnh chức Nguyên soái tổng chỉ huy. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Nguyễn Thịnh quê ở Bắc Ninh (người huyện Phượng Nhỡn), nguyên làm cai tổng, theo đạo Gia tô), tự xưng là nguyên súy, suy tên giặc trốn là Huân làm minh chủ (về năm Tự Đức thứ 8, Huân mạo nhận là dòng dõi nhà Lê, tự xưng minh chủ, sau bọn lũ tan trốn, nhiều lần treo giải tìm bắt không được thông đồng với bọn giặc mặt sông Quảng Yên”.

Tháng 5-1862, với khí thế binh uy đạp đổ ba thành, quan quân mấy độ tan tành thịt xương. Cai Vàng đã cùng với vợ ba đem toàn bộ lực lượng tấn công qua mạn Yên Dũng, vây áp thành Bắc Ninh, chiếm Siêu Loại – Văn Giang, quấy rối Hưng Yên rồi đánh phủ Từ Sơn, bao vây Hà Nội. Bằng các chiến công hạ thành bắt tướng, vợ con Cai Vàng đã chuyển tính chất của cuộc khởi nghĩa từ tù nhà, phản kháng Tự Đức cấm đạo sang phù Lê diệt Nguyễn. Nhờ vậy thanh thế của phong trào ngày một lớn.

Nghĩa quân lần lượt hạ thành Bắc Ninh, Từ Sơn. Tại Thuận Thành, cha con tri phủ Lê Thanh Bạch – Lê Hanh Phái bị chết trận. Tri huyện Gia Lộc (Hải Dương) là Đặng Lương bị bắt. Nguyễn Dũng đóng quân ở Cẩm Giàng bị tan khiến cho thành Hải Dương bị bao vây tứ phía. “Việc ấy tâu lên. Vua sai đô thống Tôn Thất Hàn sang làm Tổng đốc Quân vụ đại thần, thông quản các đạo chiến binh tên đánh. Lãnh bố chánh sứ Khánh Hòa là Nguyễn Đăng Hành, hình bộ biệt lý là Tôn Thất Đản, hộ bộ lang trung là Hà Văn Hạnh đều chuẩn cho ra Bắc làm thương biện quân vụ. Lại sai các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên thông sức cho trong thuộc hạt chiêu mộ lấy người giỏi giang khỏe mạnh cho nhiều, đem đi hiệp sức đánh giặc” (Đại Nam thực lục chính biên).

Tuy đã phái một lực lượng binh mạnh, tướng hùng như thế nhưng Tự Đức vẫn lo ngại vì “việc cầm phòng ở Bắc Kỳ rất khẩn cấp và thiếu người. Nhiều lần đã tạm đặt những tên cán tổng, các danh mục ấy xin cấp lương tháng để đủ người sai phái. Vua cho rằng gần đây trong bọn hào lý tổng mục, phần nhiều có kẻ xung suất làm loạn đi theo giặc… Vua ra ngự chầu cho triệu Trương Đăng Quế mà hội rằng: – Việc đánh dẹp ở miền Đông (Hải Dương), miền Bắc (Bắc Ninh) thế nào? Quế thưa rằng: – Đường xá ở Bắc Ninh thần chưa biết rõ, cứ thử thần tâu bày thì cần nên đánh bộ thì hơn”. Nghe thế Tự Đức càng lo hơn, liền cử thêm thượng thư bộ binh Trương Quốc Dụng, Phan Tam Tinh, Lê Xuân mang quân Kinh và Thanh Nghệ ra tiếp ứng. Trong khi ấy, nghĩa quân hoạt động rất mạnh ở Hưng Yên, tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Tôn Thất Bình. Vợ ba Cai Vàng tấn công vào thành Văn Giang, đánh đuổi được Hoàng Thành, Trịnh Lý Hạnh, Đặng Trần Chuyên và Nguyễn Huy Bính về Hà Nội. Tự Đức nghe tin, phải thốt lên: “Phủ ấy là cổ họng của miền đồng bắc mà khinh thường bỏ đi” bèn giáng chức, ra lệnh phải thu phục thành để chuộc tội.

Lợi dụng sơ hở của Cai Vàng, quân đội triều đình đã nhanh chóng rời Hà Nội chiếm lại thành Kinh Bắc. Cai Vàng đã cùng vợ ba và các tướng lĩnh trở lại. Cô ba loan báo chí kỳ: – Sáng mai cơm nước quân đi chớ chầy, kéo lên tỉnh Bắc đóng ngay, mặt trời gác núi quân nay đánh vào. Cô truyền: – Ba đội tiến mau, đánh tan quân trào dù binh mã mấy mươi. Ba đội cô Quận tới nơi, rầm rập chân bước ngất trời uy nghi (Vè Vợ ba Cai Vàng).

Cuộc chiến đấu ở thành Bắc Ninh diễn ra vô cùng dữ dội. Vợ ba Cai Vàng “lúc gạt gươm, lúc bắt mác mà bắt thông nhau đếm 7 ngọn mác do đối phương đâm vào. Rút cục chánh lệnh phải hoặc chạy, phó lệnh bị trúng đạn vào cánh tay, phủ Oanh vừa chống đỡ vừa lủi trốn”. Cứ như vậy, bảy ngày cô Ba chém chết tầm trăm ba quân triều. Tuy nhiên, phía nghĩa quân lại bất lợi vì “Bố chánh Hà Nội là Phan Khắc Thật, Bố chánh sứ Sơn Tây là Lê Dụ, Phó lãnh binh Hưng Yên là Võ Tảo đem ba đạo quân tiến đánh giặc ở Bắc Ninh. Tảo chuyển đánh hơn 10 trận đều thắng luôn, tiến sát đến thành, trong thành đem quân ra, hai bên đánh ập lại”.

Nghĩa quân rút lui, một cánh tiến xuống Từ Sơn rồi đánh sang phủ Vĩnh Tường, phủ Quốc Oai của Sơn Tây, uy hiếp Bình Xuyên – Phú Bình của Thái Nguyên tràn sang Chương Đức – Từ Liêm của Hà Nội. Một cánh do vợ ba Cai Vàng chỉ huy, tiến sang Phủ Từ – Ân Thi của Hưng Yên. Triều đình cũng cử thêm chưởng vệ Hoàng Thành, Đoàn Linh, Trần Bài, Đào Trí tiếp tục đem theo binh lính ra Bắc tiếp ứng. Tại phủ thành Lạng Giang viên cử nhân lễ Huy Trạc đã chiếm lại thành, được triều đình phong làm tri phủ. Mấy ngày sau, thành này lại rơi vào tay Cai Vàng. Quân đội triều đình chỉ còn cách vây bọc tứ phía.

Vợ ba Cai Vàng từ Hưng Yên trở về giải vây. Cai Vàng trong ấy đánh ra. Theo hiệu định trước cô Ba đánh vào. Quân trào tán loạn, lao đao. Bốn bên súng nổ xôn xao khắp đồng. Đánh nhau chẵn ba ngày ròng, súng nổ đì đùng như thế pháo rang, đạn bắn như cát rải đàng. Các quan cuốn gói tếch chuồn Bắc Ninh.

“Đề Hành thoát thân về Thị Cầu, Lê Xuân, Tất Đạt, Võ Tảo Đốc Vị thua to sang đò chạy trốn. Quốc dụng còn ngót trăm quân rất đỗi buồn tủi”. Trận thắng ở Châu Xuyên – nơi đặt phủ thành Lạng Giang đã khiến cho tên tuổi vợ ba Cai Vàng vang dội khắp nơi.

Nghĩa quân lại lần lượt thắng lớn ở Thuận Thành, giết chết khâm phái Nguyễn Đăng Hành ở Đồng Hồ. Tuy nhiên địa bàn hoạt động của họ bị thu hẹp dần, phần do những mâu thuẫn nội tại, phần do chiến dịch khủng bố những người theo đạo Giatô dang được khai triển mạnh ở Bắc Ninh, Hải Dương. Cùng với những khó khăn ấy là sự xuất hiện của danh tướng Nguyễn Tri Phương do Tự Đức cử ra làm tổng thống quân vụ đại thần hai đạo Sơn Tây, Bắc Ninh. Lúc này, Cai Vàng đang ngày đêm bao vây tỉnh thành Bắc Ninh khiến cho các tướng Tôn Thất Hân, Nguyễn Văn Phong đã phải lùa hơn 2.200 dân chúng ở ngoài thành vào bên trong để gây thanh thế. Đến mùa xuân năm 1863, Nguyễn Tri Phương đã đem toàn bộ quân lực đóng giữ Gia Bình, Quế Dương, Võ Giàng, Từ Sơn. Cai Vàng đã phải cùng vợ con đem quân rút lui về thành Lạng Giang. Ngày 30 tháng 8 năm Quý Hợi (9-1863) Cai Vàng bị đạn của Võ Tảo khi đang đi tuần trên sông Thương, sau đó thì mất.

Kiên quyết trả thù cho chồng, mùa xuân năm Giáp Tý (2-1864) vợ ba Cai Vàng đã đem toàn bộ lực lượng tấn công vào Nãi Sơn (trước thuộc Kiên Thụy – Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng) để sống mái một trận với Võ Tảo. Suốt 22 ngày đêm chiến đấu liên tục dưới sự lãnh đạo kiên cường của bà, nghĩa quân đã đại thắng.

Từ ngày 17-2 (10 tháng giêng âm lịch) đến 10-3-1864 (3 tháng 2 Giáp Tý) các hiệp quản Đinh Văn Đỉnh, suất đội Trần Văn Nghị – Nguyễn Văn Thiêm cùng một đội trưởng, 3 ngũ trưởng, 11 lính, 3 thủ hạ, 4 dân dõng đã bị chết trận ở Nãi Sơn. Có 43 quan quân bị thương, hàng trăm bị bắt sống trong đó có Võ Tảo cùng 75 súng. Nhận được tin thất trận, Tự Đức giáng Nguyễn Tri Phương xuống 2 cấp, Phó lãnh binh Phan Bàn cùng nhiều quản suất khác bị cách chức.

Ngày 11-3-1864 (4 tháng 2 giáp Tý) vợ ba Cai Vàng tổ chức tế chồng, tưởng niệm các thủ lĩnh, nghĩa quân đã hy sinh rồi giải giáp lực lượng, kết thúc cuộc nổi dậy. Sau đó bà mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng), Bút Tháp (Thuận Thành). Năm 1908 bà mất, thọ 73 tuổi.

Cuộc khởi nghĩa Cai Vàng kết chưa được bao lâu, làng quê xóm mạc ở Lục Nam chưa thoát khỏi cảnh tiêu điều xơ xác, thì từ năm 1866, nạn Thanh phỉ hoành hành còn khốc liệt hơn nhiều. Vẫn theo tài liệu trên thì “toán giặc ở đất Thanh cướp nhiễu các huyện Bảo Lộc, Lục Ngạn. Quan phó sứ đồn điền là Nguyễn Đình Nhuận cùng viên Tri huyện Lục Ngạn là Nguyễn Tố Lập cùng giáp đánh không lại. Tố Lập bị mất tích, Suất đội là Thân Văn Định bị chết. Triều đình sai Đề đốc là Nguyễn Văn Thân đem quân đến đánh, bọn giặc lẻn trốn lại kéo đến cướp phá huyện Lộc Bình, An Bác”.

Đứng trước tình hình dân lành bị tàn hại, quan quân bị mất mát và thua trận nhiều, vua Tự Đức phải sức cho phủ huyện, tổng lý tập hợp dân dõng, thủ hạ đóng giữ các nơi hiểm yếu, hậu thưởng cho người lập công, nghiêm trị kẻ chứa dấu và theo phỉ. Lại cử Ông Ích Khiêm làm Khâm phái Bắc Ninh tiễu phỉ sứ mang quân đi đánh dẹp. Đồng thời lại giao cho Phạm Thận Duật và Nguyễn Hữu Thân lên tiền trạm để chốt giữ và chiêu dụ Thanh phỉ ở Lục Ngạn. Trong năm 1867, Ông Ích Khiêm đã diệt được hàng trăm tên và bắt sống 65 Thanh phỉ.

Công việc đánh dẹp Thanh phỉ tưởng đã tạm yên thì năm 1868 trùm phỉ Ngô Côn đem 2000 thủ hạ tràn vào Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn giết chết Lãnh án sát sứ Bắc Ninh là Tôn Thất Phan, Phó quản của Phan Văn Diên ở Hả Hộ. Nhiều làng mạc bị đốt phá, nhiều dân lành bị giết hại. Đây là một lực lượng Thanh phỉ mạnh nhất, được trang bị nhiều súng ống, hỏa mù. Chúng lại thiện chiến khi phi ngựa xung trận khiến cho quân đội triều đình đâm bắn không kịp, phần nhiều thua chạy. Một lần nữa, vua Tự Đức lại phải ra lệnh cho cử nhân, tú tài, thân hào, tổng lý tập hợp dân dõng không phân biệt lương giáo đều chiếu theo địa hạt mà tuần phòng, rồi treo giải thưởng trị giá hàng vạn lạng bạc cho ai bắt sống hoặc giết được Ngô Côn.

Năm 1869, Ngô Côn kéo thủ hạ xuống đồng bằng, vây đánh thành Bắc Ninh, bị trúng đạn. Lực lượng của chúng tan tác, nhập với bọn Tăng Á Trị, Hoàng Vãn trở lại chiếm các khu rừng dọc chân núi Huyền Đinh – Yên Tử. Năm 1870, Ông Ích Khiêm cùng Lê Bá Thận, Nguyễn Hùng, Lê Văn Sĩ hội quân chém được 180 đầu phỉ. Chưa kịp yên ổn, mùa xuân 1871 lũ thổ phỉ Lông Bông từ địa hạt nước Thanh lại tràn sang tụ họp với tàn quân của Tô Quốc Hán, Đặng Vãn tràn tới khắp nơi, từ Cương Sơn đến Vô Tranh, Mỹ Nương, chỗ nào cũng tụ tập đông như muỗi. Tháng 10-1871. Tăng Á Trị bị nhân dân Nghĩa Phương bắn chết. Năm 1872, Trần Quang Giản, Nguyễn Văn Hợp là người xã Khám Lạng, Chi Tác đã chỉ huy dân dõng đánh tan được bọn Tô Quốc Hán, Đặng Vãn. Chúng di chuyển sang Tuấn Đạo bị Thị sư Nguyễn Oai đem 400 quân, 1 cỗ voi tiếp tục truy kích nhờ đó mà cả vùng Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn trở lại yên ổn.

Năm 1878, các vùng trên lại bị Thanh phỉ Lý Dương Tài tàn phá trở nên điêu linh. Mấy huyện miền núi chưa kịp hồi sức thì 6 năm sau – 1884, thực dân Pháp đã theo sông Lục Nam tiếp tục những tội ác tày trời đối với đồng bào các dân tộc miền núi Đông Bắc Bắc Giang.

Ngay từ khi chưa đặt chân đến mảnh đất này, thực dân Pháp đã đánh giá khá cao vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của khu vực rừng núi Đông Bắc. Trước đây chúng đã tìm mọi cách lợi dụng phong trào Cai Vàng dưới mầu sắc Gia tô giáo nhưng không thành, do đó đến tháng 5-1876 chúng đã trực tiếp tổ chức cuộc thám sát ở lưu vực sông Lục Nam. Sách Đại Nam thực lục chính biên còn ghi lại sự kiện này:

“Chiến thuyền nước Pháp trước đến tỉnh Đông (Hải Dương) theo sông Lục Đầu, ngược theo sông Nguyệt Đức (sông Cầu) chạy đến Đáp Cầu. Đến nay lại theo sông Lục Đầu ngược sông Minh Đức chạy đến Lục Nam. Quan tỉnh Bắc Ninh đem việc ấy tâu lên. Sai Viện Cơ mật và Sở Thương chính gửi thư phản đối”.

Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, đầu tháng 10-1884, tướng Briere de L’Isle được cử thay Millot làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ, liền phái tướng Négrière đem 3 Binh đoàn quân lên vùng Bảo Lộc, Lục Ngạn.

Ngày 2-10-1884, viên Đại úy Mansseron chỉ huy 2 pháo thuyền Lahase, Lamassu ngược sông Lục Nam, khi qua Cương Sơn đã bị chặn đánh; Đại úy Mansseron tử trận. Pháo thuyền Mouscton đến cứu nhưng không nổi. Khi về đến Phả Lại, cả ba pháo thuyền có tới 33 tên bị thương. Quân Pháp phải vội vã điều binh đoàn của Thiếu tá Donnier rời Đáp Cầu lên lưu vực sông Lục Nam, Binh đoàn của Tướng Négriere hoạt động ở lưu vực sông Thương, Binh đoàn của Thiếu tá De Mibier tiến lên vùng Bảo Lộc. Đây chính là địa bàn dày đặc quân Mãn Thanh, có sự phối hợp tác chiến của nghĩa quân Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân.

Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân, gốc Hoa, đã sinh sống ở Lục Ngạn nhiều đời. Thực dân Pháp phải thừa nhận họ là những thủ lĩnh đánh du kích giỏi, biến hóa không lường, thông thạo lối đánh mai phục, khiến chúng phải tốn biết bao công sức, biết bao kiên nhẫn; biết bao thời gian đã tiêu phí một cách vô ích. Chabrol trong cuốn Những cuộc hành quân tại Bắc Kỳ thú nhận: “Lưu Kỳ còn biết sử dụng thời cơ khéo léo… Lưu Kỳ đã rất khôn ngoan, chỉ lập ra ở những vùng rừng núi hoang vu những sào huyệt tạm bợ, thực tế chỉ được củng cố qua loa, địa điểm được giữ bí mật, bất kỳ lúc nào cũng có thể rời bỏ đi nơi khác”. Tuy nhiên thành phần nghĩa quân của hai ông khá phức tạp, hỗn độn, phần nhiều là tàn dư của Thanh phỉ nên ít được lòng dân.

Ngày 5-10-1884, Thiếu tá Donnier chỉ huy 4.800 quân có pháo thuyền yểm trợ, tiến vào Lục Ngạn. Chúng đã bị chặn đánh dữ dội ở Đầm, thương vong 41 lính (11 chết, 30 bị thương). Nhiều toán quân do các Thiếu tá Sarvier và Thiếu tá Duenner cầm đầu vào các khu rừng Dùm, Quỳnh và Mai Sưu lùng sục nghĩa quân.

Thực dân Pháp vẫn không từ bỏ ý định dùng Lục Ngạn để tiến đánh Lạng Sơn. Đầu tháng 1-1885, chúng tập trung ở Chữ tới 7.186 lính, 4.500 phu do 4 viên Tướng chỉ huy (Négriere, Jauvanelli, Crétin, Borgnis Desbort). Ở đây quân Pháp liên tục bị quân Mãn Thanh và nghĩa quân Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân tấn công. Thiếu tá Névi lại phải đem quân càn quét Dùm, Quỳnh và Mai Sưu. Hai năm 1886-1887 tình hình chiến sự có vẻ yên ắng vì các toán quân Mãn Thanh đã rút về nước, nghĩa quân chuyển địa bàn hoạt động sang Đông Triều vì họ liên tục bị truy quét.

Từ đầu năm 1888 hoạt động của họ trở lại dồn dập. Tháng 3-1888, 200 nghĩa quân giao chiến với đội quân của Trung tá Pillo ở vùng Huyền Đinh. ngày 17-9-1888, hơn 50 nghĩa quân lại tấn công vào toán lính của Trung úy Ferey ở Mai Sưu rồi tiến đánh đồn Đầm (24-9), bao vây toán trinh sát của Trung úy Damase (4-10), giết chết Trung úy Janin (8-10).

Trong năm 1889, nghĩa quân hoạt động mạnh ở Cẩm Lý, Sơn Đình, Sách Lịch sử quân sự Đông Dương thừa nhận: “Vào tháng 7-1889, bọn cướp vẫn đóng trong dãy núi Bảo Đài, lại được tăng viện bằng một toán tụ tập ở núi Huyền Đinh gần Cẩm Lý và bọn cướp hùng cứ hai bên bờ sông Lục Nam. Ở Đan Hội chúng chiếm một chiếc phà và một chiếc thuyền rồi dùng những thứ đó chạy dọc sông”. Đứng trước tình hình ấy, tháng 8-1889 Pháp đã huy động đội quân của Thiếu tá Préte có 350 tay súng, đội quân của Đại úy Pégna có 230 tay súng và 1 pháo thuyền tuần tiễu trên sông Lục Nam mở chiến dịch săn đuổi nghĩa quân.

Ngày 28-8-1889, Pégna đem 110 binh lính tiến vào dãy Bảo Đài, bị một lực lượng khoảng 300 nghĩa quân chặn đánh. Hai Trung úy Montra, Bonnafou cùng 21 lính bị tiêu diệt. Trên đường rút chạy, lại sa vào ổ phục kích.

Ngày 31-8-1889, toán quân 165 tên của Pégna lại bị tập kích. Sau mấy ngày lùng sục, ngày 3-9 một trận đánh lớn xảy ra ở Thượng Lâm (Thanh Lâm).

“Trận đánh Thượng Lâm là một trong những trận đánh đẫm máu nhất của Préte và Pégna, tại cánh đồng phía bắc Phủ Lạng Thương vào tháng 8 và tháng 9-1889… Chúng ta đã bị 9 người chết, trong đó có Trung úy Savi, 23 người bị thương trong đó có Trung úy Nurrichen, Aulivier, Lisier và 8 lê dương(6).

Thực hiện chính sách chia để trị nhằm đối phó với các phong trào khởi nghĩa ngày một hữu hiệu hơn, ngày 5-11-1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lục Nam bao gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Ngạn, Hữu Lũng và Yên Bắc (Sơn Động); đặt tỉnh lỵ tại thị trấn Lục Nam, giao cho D’Amade, một viên võ quan làm Phó sứ, vì theo sự thừa nhận của chúng quyền thế của các viên công sứ hành chính đã hoàn toàn vô hiệu. Ngay lập tức D’Amade đã huy động trên 500 lính đánh nhau dữ dội, khiến pháo thuyền Arquebuse phải chở quân lên tiếp viện, lại bị chặn đánh ở ngã ba Phượng Nhỡn.

Nghĩa quân hầu như vẫn nguyên vẹn. Họ vẫn tập kích giặc ở nhiều nơi, đến cuối tháng 12-1889 họ tái chiếm dãy Bảo Đài, đóng giữ Thượng Lâm – Đèo Văn và toàn bộ phía bắc Tam Dị. Lực lượng lính cơ không có cách nào ngăn chặn được sự phát triển ấy, đành canh phòng vùng Tam Dị. Đầu năm 1890, Lưu Kỳ tổ chức bắt anh em Roque – những thương nhân người Pháp. Viên vệ sĩ Rode bị giết. La Bordaux và giáo sĩ Tây Ban Nha chạy thoát. Cùng bị bắt còn có Huỳnh Phát Chung. Đây là sự kiện làm xôn xao toàn xứ Bắc Kỳ, sau này Pháp phải chuộc 50.000 đồng mới giải quyết xong.

  Tiếp đó, nghĩa quân liên tục tập kích vào Cấm Sơn (11-1), Đầm (13-1) và 4 lần cắt dây điện thoại ở An Châu – Vĩ Loại (11-2). Ngày 16-4, nghĩa quân diệt nhiều giặc, trong đó có cả Trung úy Gaie, rồi chuyển sang vùng núi Yên Tử, giữa Vĩ Loại – Mai Sưu. Phó sứ D’Amade cho quân tiến đánh Dùm, Quỷnh. Nghĩa quân ngừng hoạt động một thời gian rồi lại từ Dùm, Quỷnh đánh vào Đối Sơn (6-10), tập kích tòa công sứ Lục Nam (9-10), đốt cháy nhiều tài liệu, chiếm giữ nhiều giờ rồi rút lên Bảo Đài củng cố lực lượng và hệ thống đồn lũy cũ. Đầu năm 1891, nghĩa quân tổ chức ám sát vợ chồng viên hải quan người Anh là Uliam Kerbele ở Bắc Lệ (25-1), tấn công Mỹ Nương (11-3), đánh đồn Mai Sưu (15-4). Thực dân Pháp lo sợ, dự tính chuyển tỉnh lỵ về Phủ Lạng Thương. Thống sứ Bắc Kỳ, ngày 20-6-1891 đã gửi công văn cho tướng tổng chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội nói rõ: “Nhà nước định di chuyển tòa sứ hiện nay ở Lục Nam về Phủ Lạng Thương vì tầm vóc của đường sắt ngày càng phát triển. Do điều kiện ngân sách không cho phép xây dựng mới chúng tôi sẽ rất biết ơn ngài, nếu ngài vui lòng nhượng lại cho chúng tôi ngôi đình số 12 (tức đình làng Châu Xuyên, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc) do quan chưởng ấn ở cách đây một năm”.

Chưa kịp di chuyển tỉnh lỵ, ngày 8-9-1891, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định giải tán tỉnh Lục Nam, hai huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn trở lại tỉnh Bắc Ninh các huyện còn lại đưa vào Đạo quan binh thứ nhất, đạo lỵ đóng ở Phả Lại. Lục Ngạn thuộc tiểu quân khu phả (cùng Yên Bác, một phần huyện Hoành Bồ, Đông Triều, Chí Linh).

Mặc dù đã đặt Lục Ngạn và một số vùng xung quanh vào hệ thống cai trị cứng rắn bằng quân sự nhưng cũng không cứu cạn nổi tình thế. Chúng đã phải thừa nhận: “Đạo quan binh thứ nhất – Phả Lại hết sức rối ren trong thời kỳ này. Muốn tiêu diệt các toán giặc một cách hoàn toàn phải đồng thời truy kích chúng nhưng quân số thực có để điều động không cho phép tiến hành(7). Mặt khác muốn đối phó với thủ lĩnh trứ danh Lưu Kỳ chỉ đơn thuần dùng vũ lực không đủ đó là một đối phương vừa mạnh vừa khó nắm, luôn luôn lẩn tránh và chỉ xuất hiện trong trường hợp cho phép đánh phục kích(8).

Nhưng không còn cách nào khác, thực dân Pháp lại phải giao cho Trung tá Tairrillons tổ chức càn quét dọc sông Lục Nam suốt 2 tháng 911-1891 đến 2-1892) cũng chỉ đẩy được nghĩa quân lên núi Bảo Đài. Tháng 4-1892 Đại úy Dagnaux lại phải lấy quân từ các đồn Đầm, Biển Động, An Châu để sục sạo vào Mai Sưu, Đèo Gia. Trung tá Tairrillons phải triệu đạo quân của Thiếu tá Guonni từ Yên Thế, cùng 2 đại bác tiến vào núi Bảo Đài,

Trong khi ấy Lưu Kỳ liên tục giành thắng lợi. Tháng 2-1893 bắt sống thầu khoán Vézin ở Bắc Lệ rồi phục kích 18 xe chở vũ khí, giết chết Thiếu tá Bonnaux, Đại úy Charpentire cùng 50 lính áp tải. Tuy nhiên trong trận này, Lưu Kỳ cũng bị trọng thương rồi hy sinh (9-7-1892). Từ đây “toán quân của Lưu Kỳ bị chia sẻ làm hai: một toán tức tốc đóng quân ở dãy Cai Kinh, một toán nữa tụ lại ở Bảo Đài, cho tới khi lấy xong khoản tiền chuộc Vézin rồi nhập với toán trên(9). Ở vùng núi Cai Kinh, toán quan trọng nhất chịu sự chỉ huy của vợ góa Lưu Kỳ cho tới năm 1893 sau được thay bằng tên cầm đầu cỡ lớn Hoàng Thái Nhân”(10).

Nghĩa quân tiếp tục ám sát Péront (11-9-1892), bắt cóc Roti, Bué, Humber, Pro (từ tháng 7 đến tháng 10-1893), ám sát Piganion (5-9-1893). Cuộc khởi nghĩa thực sự tan rã sau cái chết của Hoàng Thái Nhân (1-1894).

Trong suốt 10 năm (1884-1894) cuộc khởi nghĩa Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân đã gây cho Pháp nhiều thất bại nặng nề, thể hiện được lòng dũng cảm chí kiên cường của đồng bào các dân tộc Lục Ngạn – Lục Nam.

Đặt chân lên Lục Ngạn, từ tháng 1-1885, thực dân Pháp đã thực sự chú trọng tới việc thông tin các trạm bưu điện ở Chũ, Từ Xuyên, Kép Ba. Giữa tháng 3-1885, Tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ đã điện cho các viên chỉ huy quân sự Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương về việc khai thác đường điện tín ở khu vực này. Tuy nhiên, việc liên lạc giữa các đồn binh vẫn gián đoạn nên đến cuối năm 1886 các đội quân bưu thường kỳ thủy và bộ vẫn phải hoạt động. Hàng tuần, trong Đạo quan binh vẫn phải tổ chức tuyến quân bưu Phủ Lạng Thương – Đầm. Các phương tiện giao thông và quân hộ tống gặp nhau ở Tam Dị để trung chuyển. Hành trình diễn ra như sau:

– Chuyến đi: Thứ hai – khởi hành từ Phủ Lạng Thương đến Chu Nguyên (Vôi – Lạng Giang); thứ ba, đến Tam Dị; thứ 5, đến Đầm.

– Chuyến về: Thứ hai – khởi hành từ Đầm; thứ ba, đến Tam Dị; thứ tư đến Chu Nguyên; thứ 5, về đến Phủ Lạng Thương.

Hàng chục năm sau, chúng lập trạm bưu điện Chũ, Lục Nam với 40km đường dây điện tín (Phủ Lạng Thương – Lục Nam 24km, Lục Nam – Chũ 18km) và tuyến bưu điện duy nhất dùng ô tô buýt từ Phủ Lạng Thương đi Chũ qua Lục Nam. Thư được phát cho các bưu trạm Đức La (qua Lục Nam) để chuyển đến hai tổng Xuân Đám, Trí Yên và bưu trạm Sơn Động (qua Chũ).

Trong lĩnh vực giao thông, đường bộ và cầu cống được chú trọng. Năm 1895 làm xong cầu Trại Mít trên trục đường Phủ Lạng Thương – Đầm dài 41km, xe đi lại dễ dàng đến Tam Dị. năm 1889 đường chiến lược liên tỉnh số 13 từ Phủ Lạng Thương đi Đình Lập cơ bản hoàn thành (đoạn từ An Châu đến Đình Lập vẫn gọi là đường số 178, bề mặt rộng từ 4-5m, dài 63km, năm 1932 gọi chung là đường chiến lược số 13, năm 1936 công binh mở rộng thêm). Ngoài ra Pháp còn mở đường từ Lục Nam đến Hà Châu, mặt đường rộng 4-5m, đặt là đường số 17; đường Lục Nam đi Gàng (số 137), đường Đông Nham, Cẩm Lý (số 175), đường Đình Kim – Mai Sưu (số 174), đường Khám Lạng – Vạn Linh (số 31) không thuận tiện vì chỉ rộng 2 mét.

Sông Lục Nam được tận dụng khai thác, trở thành đường thủy quan trọng. Ca nô chở khách, xà lan chở hàng hóa thông thương tới tận Hải Phòng, Hải Dương. Dọc sông xuất hiện 8 bến: Đức La, Chợ Dừa (Chỉ Tác), Tứ Xuyên, Chàng, Cẩm Nang, Chũ, Đầm và bến Bò. Nhiều thuyền bè chở tre, nứa, gỗ theo đường sông đi khắp nơi.

Hệ thống điện thoại – điện tín cùng với mạng lưới giao thông thủy bộ thuận lợi đã trở thành công cụ để thực dân Pháp kiểm soát và chi phối chặt chẽ khu vực rừng núi đông bắc. Bên cạnh đó là một hệ thống đồn binh mọc lên ở phố Lục Nam, Đầm, Mai Sưu, Chũ trở thành những cứ điểm chốt giữ trọng yếu.

Đồn Mai Sưu có trên 20 lính khố xanh, do một viên quản người Pháp chỉ huy. Ở thị trấn Lục Nam có 9 lính cơ đảm nhận việc tuần phòng, khám rượu lậu, giữ gìn đê điều, sửa chữa đường đi áp giải tội phạm. Số quân cơ hoặc đội cơ tuyển trong số hạ sĩ quan khố xanh giải ngũ, lính cơ thì chọn trong số cựu khố đỏ, khố xanh.

Ở 5 huyện phủ miền núi (Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động, Hữu Lũng, Lục Ngạn) còn có tới 405 lính dõng, sau rút xuống còn 380 người, tuyển trong người Tày và người Nùng, được trang bị đầy đủ súng ống. Trong địa hạt Lục Ngạn có 2 tổng đoàn, 12 xã đoàn, 64 lính dõng chia đóng ở Mai Sưu (30 dõng) và Chũ (34 dõng), làm nhiệm vụ tuần phòng, trông coi đường giao thông kiểm soát việc buôn lậu, giữ trật tự ở các chợ lớn.

Trên địa hạt các phủ huyện vùng núi (vào những năm 30) chỉ có một trường Kiêm bị đặt ở thị trấn Lục Nam cùng với 3 trường sơ học có 1 giáo viên (Chũ, Bảo Lộc, Thanh Giã), 5 trường hương học (Nghĩa Phương, Chỉ Tác, Sơn Đình, Bắc Lũng, Chu Điện). Tỷ lệ người đi học so với dân số năm 1931 đến 1936 ở phủ Lục Ngạn là 5 phần nghìn (0,5%). Theo tài liệu của Sở Thanh tra giáo dục bậc tiểu học Pháp – Việt thì tình hình học chính của phủ Lục Ngạn tính đến ngày 14-6-1932 là: 1 trường tiểu học Pháp – Việt con trai với 139 nam sinh, 1 nữ sinh; 1 trường học con gái 31 nữ sinh; 3 trường sơ học với 116 nam sinh, 13 nữ sinh và 2 trường hương học với 74 nam sinh, 18 nữ sinh.

Nhờ có một thời kỳ là tỉnh lỵ và vốn giữ vị trí huyện lỵ (thời Pháp là phủ lỵ) trong ngót hai thế kỷ, lại ở vào vị trí trên bến dưới thuyền sầm uất, đông vui, đầu mối của nhiều tuyến giao thông thủy bộ nên thị trấn Lục Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng thương mại. Có thể coi đây là một trung tâm buôn bán thóc gạo, đậu, lâm sản quan trọng. Nhiều Hoa thương và thương nhân người Việt sành sỏi, thông thạo việc buôn bán đã tập trung ở thị trấn, trở thành bạn hàng chính yếu đối với thương trường – thương cảng Phủ Lạng Thương, Hải Phòng. Ca nô, xà lúp, thuyền mành chiều chiều cập bến, sáng sáng nhổ neo xuôi về miền đồng bằng và duyên hải, chuyên chở nhiều thương phẩm đến mọi miền. Nhiều chuyến xe tải, xe khách từ Hà Nội, Phủ Lạng Thương chở hàng, chở khách tới Lục Nam.

Suốt mấy chục năm hối hả trong guồng máy thương mại, thị trấn Lục Nam đã lô nhô nhà gạch, nhà ngói, nhà tầng, nhà dây thép, nhà thương, trường học, nhà máy đèn, nhà máy xay. Bên này sông có lò đúc gang. Cửa hàng, cửa hiệu nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Chợ Chàng mỗi tháng họp 6 phiên chính, nổi tiếng lắm hàng, giá rẻ. Tất cả trở thành một dấu ấn khó phai mờ đối với người đương thời.

                 – Khăn mặt mà vắt qua sào

                 Anh về Hà Nội, khi nào anh lên

                 Anh lên thì anh cứ lên

                 Đùng bỏ phố Giáo, đừng quên chợ Chàng

                 Lục Nam có quán bán hàng

                 Có bóp ở giữa, có hàng người Tây

                 Núi Huyền phong cảnh đẹp thay

                 Sông Lục tàu chạy mỗi ngày một đông

                 – Chợ Chàng một tháng sáu phiên

                 Bắt cô hàng xén kết duyên trâu trần.

Lò mổ ở thị trấn Lục Nam đã cung cấp cho thị trường một số lớn thịt, mỡ, da sống và thu được nhiều thuế sát sinh. Lò mổ này do viên y sĩ ở nhà thương Lục Nam làm kiểm đốc. Từ năm 1932 đến năm 1935, năm nào cũng giết thịt trên một trăm con trâu, bò và trên một nghìn con lợn, bán xuống Hải Phòng, Phủ Lạng Thương hàng trăm bộ da trâu, bò mỗi năm.

Chợ Thanh Giã là một trong 3 chợ gia súc lớn của tỉnh Bắc Giang. Tháng 10-1927, Thống sứ Bắc Kỳ đã quy định cho Chánh, Phó thú y phải chịu trách nhiệm về sức khỏe tại chợ (điều 3), xã sở tại được thu một khoản tiền bổ vào người bán gia súc để mở mang và trông coi chợ (điều 4: ngựa 0,25đ; trâu 0,30đ; bò 0,1đ; dê và lợn 0,03đ). Cảnh sát thú y (police vétterinaire) phải tuân thủ việc bảo đảm an ninh, sau mỗi phiên chợ, nền chợ phải dọn phân, cọ rửa, tẩy uế (điều 5), khi có dịch bệnh phải ngừng họp chợ (điều 6) người mang gia súc đến chợ bán phải có căn cước (điều 7), người buôn bán phải có môn bài, vận chuyển trên các phương tiện phải có thẻ của thú y (điều 8). Trâu bò từ chợ Thanh Giã được bán cho các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Hồng Gai, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh. Năm 1935 lượng gia súc bán ở chợ Thanh Giã là: 2098 con trâu; 362 con bò; 2000 con lợn.

Hoạt động thủ công nghiệp chỉ dừng lại ở một vài làng nghề: làm hương đen ở thôn Đọ (Cương Sơn), trồng dâu nuôi tằm ở Chu Điện hoặc bện quang, đánh thừng ở Bắc Lũng.

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động buôn bán của Lục Nam khá sôi động. Nó đã tạo ra một thương trường phong phú và đa dạng, đủ sức cung cấp cho các vùng xung quanh một khối lượng lớn lương thực, đỗ, lạc, thầu dầu, đường, dưa, da, củ nâu, vỏ, than củi, gỗ phiến, hạt dẻ và gia súc. Đồng thời nó cũng tạo ra một lục hút nhiều loại hàng của vùng duyên hải (cá, nước mắm, muối, cau), các loại vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép), đồ hút, thức uống (thuốc lào, thuốc phiện, rượu, bia), trứng tằm của Sở Tằm tang Phủ Lạng Thương, hàng may mặc và các hàng công nghiệp khác.

Ngoài sưu cao, thuế nặng, người nông dân còn phải nộp các khoản thuế công điền, công thổ, tiền hương ước, tiền cheo cưới (nội cheo, ngoại cheo), tiền canh giữ đồng điền – sương túc và thân phân họ là cả một chuỗi ngày đói rách long đong, nhất là những người nông dân ở mấy tổng thuộc đồng chiêm trũng. Một bài ca ghi lại tình cảnh ấy:

“Tháng giêng lên trại Cây Đa

Tháng hai lên Quỷnh, tháng ba lên Gàng

Tháng tư về gặt vội vàng

Tháng năm gồng gánh rồi làng ra đi

Tháng sáu lên tận Chanh, Di

Vợ chồng, con cái lấy gì bán mua

Tháng bảy lên tận Kỳ Lừa

Tháng mười, tháng một gặt mùa Mai Sưu

Quanh năm góc chợ, cuối lều

Làm thuê gánh mướn, tết nghèo xác xơ”.

Lục Nam vốn là một vùng đất rộng, người thưa, lại bị nạn thổ phỉ và chiến tranh tàn phá khốc liệt, đồng ruộng bị hoang hóa nhiều. Từ giữa thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã có ý thức mở mang đồn điền ở đây. Tháng 11-1867, Sở đồn điền Há Hộ được thành lập nhằm khai phá ruộng nương, cầy cấy với sự đầu tư và quyền lợi rộng rãi(11). Tuy nhiên chỉ một hai năm sau đồn điền này phải đóng cửa vì điền tốt (tá điền – những người nhận ruộng của chủ) ốm đau nhiều, làm ăn thua lỗ. Dưới chiêu bài đi nhượng, mua bán thực dân Pháp đã ra tay cướp đoạt ruộng đất ở Lục Ngạn, Phượng Nhỡn, Bảo Lộc để lập đồn điền, nhất là những năm đầu của thế kỷ XX.

Đồn điền của Công ty canh nông Bến Bò, chủ nhân là bác sĩ Leroy des Barres, chạy từ Đầm sang Quỳnh, trong đó ở Nam Điện có 1.504,9 ha điền thổ, Mỹ Nương có 21,64 ha. Tổng diện tích đồn điền Bến Bò là 2.088 ha nhưng chỉ có 521 ha trồng trọt (lúa: 500 ha, lạc 5 ha, ngô: 15 ha, thầu dầu: 1 ha), một quản lý người Việt, 160 gia đình tá điền. Đồn điền này còn nuôi 233 bò bê, 1 ngựa.

Đồn điền của Công ty canh nông Bắc Kỳ: (Société Agricole Tonkin 0 S.A.T) còn gọi là đồn điền Cầu Lồ; đồn điền Ségny; đồn điền Gilar. Tổng diện tích ban đầu là 1264 ha, về sau tăng lên 3056 ha, trong đó có 750 ha trồng trọt, 514 ha bỏ hoang (lúa 700 ha, thầu dầu 50 ha), nuôi 90 bò và 100 trâu. Có 300 hộ tá điền. Đồn điền Cầu Lò phân bố ở Lan Mẫu (287 ha), Phương Lạn (158 ha), Bắc Lũng (119 ha), Cổ Mẫn (71 ha). Khám Lạng (41 ha), Mai Thưởng (157 ha). Tiên Nhiên (15 ha), Vân Động (6 ha), Yên Sơn 218 ha), Yên Lũng (34 ha), Chu Điện (115 ha).

Đồn điền của Công ty Pháp vô danh thực dân địa Bắc Kỳ (Société anomyme Francaise de colonisation agricole du Ton Kin – S.A.F.C.A.T) còn gọi là đồn điền De Monpézat, tổng diện tích là 10.085,5 ha, được chia thành một số đồn điền nhỏ: Yên Lại (493 ha), Kép (831 ha), Đức La 9626 ha), Trại Tè (99 ha), làng Vườn (13 ha), Bến Huyền (596 ha), Bảo Lộc (975 ha), Sơn Đình (115 ha), Khả Lễ, Hào Phú, Đầm và Ao Sen (Croix Cavelier).

Đồn điền De Monpézat trải ra ở nhiều làng (đơn vị tính là ha, số để trong ngoặc là diện tích trồng lúa): Tiên Nha 74,54 (25,15), Tiên Nhiêu: 16,76 (11,51), Chu Điện: 6,76 (0,84), Lạn Chàng (88,28) (44,09), Chỉ Tác: 25,74), Khả Lễ: 69,69 (29,06), Cương Sơn: 99,39 (44,12), Lệ Ngạc 169,35 (103,88), Mỹ Nương: 77,01 913,16), Bảo Lộc: 466,90 (204,31), Trù Hựu: 317,42 (123,42), Sơn Đình: 152,71 (106,84), Yên Thiện: 404,88 (104,43), Hào Phú: 66,52 (49,33), Tam Dị: 362,87 (85,45), Vô Tranh: 528,87 (132,00), Nam Điện: 5,04 (3,23), Thủ Dương 769,83 (296,90), Lại An: 2459,98 (422,22), Lão Hương: 300,26 (71,83), Phú Viên: 1166,75 (388,62), Từ Xuyên: 13,65 (3,18).

Khi mới thành lập, đồn điền này mới chỉ có 411 ha (30-11-1915). Số ruộng đất được bổ sung 9 đợt, kể từ sau ngày 10-10-1924.

Đồn điền của Ủy ban trung tâm Lục Nam (Comité du centre rural de Lục Nam) chỉ có 69,7 ha ở Cương Sơn, trong đó 24,7 ha trồng lúa. Đồn điền Jean Lélan có 18,10 ha ở Lạn Chàng trồng lúa.

Đồn điền Chũ còn gọi là đồn điền Wiélé, đứng tên vợ là Đặng Thị Vân, có diện tích là 1.455 ha (700 ha bỏ hoang, 150 ha gò cao, 350 ha ao hồ) chỉ có 750 ha trồng trọt (lúa 500 ha, mía: 20 ha; sắn, khoai, ngô, lạc: 20 ha), nuôi 300 bò. Đồn điền có 200 hộ tá điền người Tày, Nùng, Sán Dìu và 15 hộ tá điền người Hoa. Đồn điền này bao gồm các làng Trù Hựu, Điền Động, Mai Tô, Niêm Sơn, Phi Điền, Phong Cốc, Phú Nhuận, Tam Động, Vật Phú.

Đồn điền Nguyễn Hữu Tiệp, còn gọi là đồn điền Cầu Lồ thành lập ngày 5-6-1906, lúc đầu diện tích là 1816 ha, sau đó tăng lên hơn 3 lần. Đồn điền này gồm các làng trên đất Lục Nam như sau: Chỉ Tác 327,20 ha (209,87), Cung Bái 418,30 ha (364,78 ha), Đan Hội: 109,63 ha (103,84 ha), Giáp Xá: 22,82 ha (19,29 ha), Hoàng Lật: 62,29 ha (61,02 ha), Đồng Công: 6,68 ha (6,35 ha).

Đồn điền Đỗ Thúc Phách: Từ Xuyên: 314 (175), Vô Tranh: 220 (100).

Sau này có sự chuyển nhượng, mua đi bán lại, chỉ còn 6 đồn điền với diện tích là 19.922 ha, đó là:

– Đồn điền Dabremont (Lục Nam) rộng 10.084 ha.

– Đồn điền Wiélé (Chũ) rộng 1.429 ha.

– Đồn điền Ségny (Cầu Lồ) rộng 3058 ha.

– Đồn điền Nguyễn Kim Liên (Bến Bò) rộng 1486 ha (Hàn Lân).

– Đồn điền Đào Văn Mẫn (Yên Thiện) rộng 749 ha.

Từ năm 1940, quân Nhật vào nước ta, chúng đã chiếm một khu vực rộng lớn, bao quanh Cầu Lồ để xây dựng hậu cứ và sân bay thuộc đất đai các làng: Tiên Nhược 157 mẫu đất, 47 mẫu ruộng, Đại Giáp 242,7 mẫu đất, 389 mẫu ruộng, Lan Mẫu 5,8 mẫu đất, 84,8 mẫu ruộng, Lão Hộ 101,3 mẫu đất, 263,1 mẫu ruộng, Phương Lạn 203 mẫu đất, 377 mẫu ruộng, Yên Thiện 45 mẫu đất, 76 mẫu ruộng. Nếu cộng cả bên Cần Dinh, Hàn Lạc thuộc Lạng Giang, thì số ruộng đất bị chúng chiếm tới hàng nghìn héc-ta.

Để có nhân công canh tác trong các đồn điền, chúng tổ chức tuyển mộ nông dân nghèo ở các tỉnh đồng bằng với ruộng ít, người nhiều, luôn luôn bị nạn đói và thiên tai đe dọa.

Từ tháng 8-1899, Toàn quyền Đông Dương đã quy định thể lệ về làm tá điền cho các chủ người Pháp hoặc người Âu ở Bắc Kỳ. Họ có thể làm hợp đồng miệng hoặc văn bản, người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người thân bảo lãnh. Tá điền được cấp sổ lao động, có giá trị như số cư trú, thời hạn 1 năm hoặc vô thời hạn. Muốn thôi việc phải báo trước 15 ngày, nếu không sẽ bị phạt giam từ 1-5 ngày, phạt tiền từ 1-5Fr hoặc một trong hai hình phạt đó. Ai không tuân lệnh chủ, dùng lời lẽ hoặc tỏ hái độ đe dọa, mua chuộc vận động người làm bỏ việc cũng chịu hình phạt trên. Khi chủ không bằng lòng với tá điền có thể dẫn đến trình đồn cảnh sát gần nhất. Tá điền có điều gì bất mãn chỉ được kêu ở tòa công sứ tỉnh hoặc Sở cảnh sát Hà Nội, Hải Phòng.

Bao nhiêu đất đai màu mỡ đã rơi vào các đồn điền. Bao nhiêu thân phận trở thành tác điền chỉ biết tuân theo mệnh lệnh, sống cuộc đời nghèo khó suốt năm này, tháng khác. Những tiếng kêu thảm thiết mang đầy nỗi niềm uất hận, khắp cả một vùng:

                 –   Thứ nhất Đờ Mông-pơ-da (De Monpézat)

                     Thứ nhì Tác-tà (Tartarin) rồi đến Sét-xnay (Chesnay)

                     Thằng Tây chiếm ruộng dân cày

                     Sưu cao, thuế nặng đắng cay muôn phần

                 –   Thứ nhất Đờ Mông-pơ-da

                     Thứ nhì thằng Sét, thứ ba Tác-tà

                     Chúng thì đục thịt, đẽo da

                     Bụng chúng càng phệ, dân ta càng nghèo.

Nền kinh tế nông nghiệp trong vùng cũng có những biến đổi trong những năm dưới thời Pháp thuộc. Tuy nhiên những chuyển biến ấy là quá bé nhỏ và không đáng kể.

Con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng đối với người nông dân Lục Nam, nhiều gia đình chưa tậu nổi. Cảnh kéo cày thay trâu không phải là hiếm. Trong thực tế, nhà cầm quyền Pháp cũng có đầu tư chút ít cho nông nghiệp như việc thành lập Trạm tuyển giống lúa, thí nghiệm việc dùng phân xanh (muồng, cốt khí, đậu mèo, bèo dâu) nhưng vẫn ở diện hẹp). Về công cụ, chúng khuyến khích nông dân dùng cày Jeannin có tác dụng cày nhẹ lật đất sâu với giá từ 2đ đến 2,5đ/chiếc. Những người trồng chè ở Mai Sưu, Nghĩa Phương đã nắm chắc được phương pháp chọn giống 4 bước, cách ương hạt 4 bước, cách gieo theo luống và rãnh, cách bón thêm phân vô cơ, cách làm đất và cách trồng cả vầng hoặc không vầng, cách chăm bón, đốn sửa, phương pháp hái và làm chè đen, chè xanh, cách vò, sấy, ủ. Tuy nhiên, cuộc sống của người trồng chè vẫn không hơn gì, vẫn vất vả đói nghèo:

“Một ngày mấy bận trèo non

Còn gì mà đẹp, mà giòn với anh”

Nạn lụt năm Đinh Sửu (1937) tàn hại địa phương ghê gớm. Trong báo cáo Tình hình năm 1937-1938 của Công sứ Bắc Giang có đoạn: “Lưu vực sông Thái Bình mực nước cao chưa từng thấy, vượt những mực cao nhất ghi trong thời kỳ trước đó ở Lục Nam (sông Lục Nam) vượt 1m40… Thảm trạng này do một sự trùng hợp hoàn toàn ngoại lệ, sau những trận mưa thối đất, hai trận bão đổ bộ vào vùng trung du, lần lượt tạo nên ở ba con sông hợp nên sông Thái Bình những con lũ đột ngột và hung hãn, làm cho mọi hệ thống bảo vệ, đều bất lực. Hơn nữa, đối với những con đê vùng lưu vực, mọi gia cố không được thực hiện đồng thời với đê lưu vực sông Hồng, chỉ do thiếu kinh phí nên chưa có được những đặc trưng của sự an toàn mà người ta tính làm từ năm 1932. Các con đê trong tỉnh Bắc Giang hầu hết bị ngập, mặc dù mọi cố gắng của chính quyền và cư dân các vùng đó. Qua 38 chỗ vỡ, nước lụt làm ngập 140.000 ha”.

Từ khi Nhật nhảy vào, nhân dân địa phương càng bị bóc lột nặng nề và thậm tệ hơn. Năm 1943, bọn Nhật đã ra lệnh cho thực dân Pháp huy động 5, 6.000 dân phu liên tục ngày đêm xây dựng khu hậu cứ Cầu Lồ và mở rộng sân bay Kép. Chúng còn bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu và thẳng tay vơ vét thóc gạo. So với năm 1942, mức thuế thóc tạ năm 1943 tăng gấp 7 lần, giá thu mua chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Năm 1944 mức thu tăng lên 10 lần giá chỉ còn 1/8. Chính sách vơ vét này làm cho hàng hóa ngày càng khan hiếm, nạn đầu cơ và chợ đen phát triển. Một số tư sản, nhảy ra cân thóc tạ, làm đại lý diêm, vải, muối để lợi dụng kiếm chác. Nông dân bị nạn đắt đỏ sống rất khổ cực. Tiểu thương bị chèn ép tăng thuế. Phú nông và địa chủ nhỏ cũng bị ảnh hưởng về chính sách thu mua thóc tạ, nhổ lúa trồng đay.

Suốt 60 năm (1884-1945) thực dân Pháp đã ra sức thi thố mọi chính sách, thủ đoạn để đạt được mục đích đặt ách thống trị lâu dài trên đất Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, khi mới thiết lập được quyền kiểm soát ở thị xã, thị trấn và vùng đồng bằng, chúng đã tìm cách khuếch trương ảnh hưởng để chứng tỏ ý đồ ở lại vĩnh viễn của mình. Chúng đã tìm mọi cách hạ uy thế của quan lại Nam triều, buộc dân phải thay đổi tín ngưỡng, nhưng những mưu toan ấy đã bị thất bại. Việc sử dụng thần quyền, phá hủy hoặc chiếm hữu đình chùa phạt vạ, tịch thu ruộng đất không thay đổi được tình thế. Từ những thất bại kể trên, chúng đã lưu tâm đến phong tục, tập quán và tìm cách dấu mặt vào các hào mục. Chúng khuyến khích mở chợ, sửa chữa lại đình chùa, lập ra một nền học chính dạy những kiến thức sơ giản nhất, khuyến khích trai tráng ra nhập lực lượng vũ trang. Cơ cấu làng xã cũng được sắp xếp củng cố lại, nhằm trói buộc người nông dân chặt hơn vào lũy tre làng. Nhiều hủ tục được khuyến khích để dẫn dắt sự lưu tâm của mọi người quanh góc chiếu sân đình. Từ khi có thêm phát-xít Nhật, đời sống người lao động Lục Nam càng nghẹt thở và tăm tối hơn.

Lạc hậu, nghèo khổ luôn luôn là người bạn đồng hành do Pháp, Nhật mang đến. Chúng lúc nào cũng muốn bám giữ nguyên trạng ấy, để mãi mãi người Việt Nam là kẻ vong quốc nô. Từ trong tối tăm và cảnh sống ngục tù ấy, nhiều người con của quê hương đã dũng cảm dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng.

 

Chú thích:

(1) Truyền thuyết kể rằng, chàng Nậu nhà nghèo, chuyên đi ở. Do nghe được câu chuyện giữa chủ và thày địa lý, đã chôn bố vào huyệt đế vương, nhưng do thiếu cẩn thận nên để cả đàn phượng hoàng bay đi. Thày địa lý đã tìm cách triệt long mạch bằng cách làm đứt cổ Long Mã và Ngũ Tương đào mả đổ đi. Từ đó, chim phượng hoàng không về đây đậu nữa và đất Chu Điện không phát đế vương.

(2) Nay đã mất, chỉ còn lại nền đình.

(3) Trần Cảo, Trần Cung quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, khởi nghĩa 1516, bị nhà lê dập tắt 1521. Truyền thuyết kể rằng sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại hai cha con Trần Cảo, Trần Cung về sống ẩn dật tại vùng Thượng Lâm (Thanh Lâm) rồi chết tại đây. Từ đó dân làng lập đình, đền, chùa thờ 2 ông.

(4) Nằm giữa 2 xã Đông Hưng – Đông Phú.

(5) Nay thuộc tỉnh Hà Tây.

(6) Chabrole. Sách đã dẫn.

(7) Lịch sử quân sự Đông Dương

(8) Chabrole. Sách đã dẫn.

(9) Chabrole. Sách đã dẫn.

(10) Ngày 31-7-1892 Vézin được thả ở Bảo Đài sau khi chuộc 25000 đồng.

(11) Sở đồn điền Hả Hộ có 1 viên Chánh quyền quản, 1 Phó quyền quản, 10 quyền đội, 1 đồn ty, 1 tư vụ, 1 bát phẩm, 2 cửu phẩm, 6 nhập lưu thư lại, 1 thày lang. Mỗi điền tốt được vay 10 quan, mỗi tháng được cấp 1 quan, 1 phương gạo. Năm đầu số thóc thu hoạch chi làm 10 phần, nộp kho 4 phần, năm tứ 2 nộp 7 phần. Họ được giữ riêng mỗi người 10 mẫu ruộng được định rõ giới hạn, chia theo thứ hạng nộp thuế cho nhà nước. Điền tốt được lập thành đội, cho lập ấp làm nhà, đắp đường, đào khe ngòi, miễn tạp dịch. Người đứng ra chiêu mộ thì được xét thưởng, tính theo số ruộng mà họ vỡ hoang.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s