Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 10)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

PHẦN II

CHƯƠNG MƯỜI : GIỮ CHO SEN MỌC TRÊN ĐÁ

I

Trên hành trình đến Mỹ

 Con tàu vượt cả một đại dương mùa xuân

Nhà sư theo nghiệp duyên đến rồi đi

Chân trời dường như kéo dài vô tận

Nhưng dòng nước mang chúng tôi đến Tân Thế Giới

Hôm qua đàn cá voi  còn bơi quanh chúng tôi

Hôm nay mây trời đã che phủ đất nước Nhật cổ xưa

Theo hành trình của Bồ Đề Đạt Ma

Từ Tây sang Đông tôi đi

Rồi quay xuống Nam, tôi đến thăm

Ấn và Tích Lan một lần nữa, làm một chuyến hành hương như Thiện tài đồng tử

Chẳng bao lâu con tàu đã vào Cổng Vàng

Và đàn hải âu có lẽ sẽ dẫn đường tôi đến nơi

Soyen Shaku đã viết nên các câu thơ trên khi ở trên tàu hơi nước Cleveland, chở Sư cùng với 80 di dân Nhật đến Mỹ.

Đó là vào tháng 6 năm 1905, 12 năm sau khi Sư tham dự Hội nghị Tôn giáo Thế giới tại Chicago. Giờ Sư trở lại Mỹ với tư cách khách mời cá nhân của ông bà Alexander Russell ở San Francisco.

Soyen Shaku là Thiền sư duy nhất của Nhật quan tâm đến việc dạy đạo cho người nước ngoài, và vào thời gian gia đình Russell đến thăm thiền viện Engaku trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới đến Nhật bằng tàu du lịch, Sư đã cho phép ba người khách Âu châu này tham gia cùng với các tăng sĩ  trong phòng thiền. Từ những người Mỹ này, cũng chịu ăn cháo lúa mạch cùng với các nhà sư và nhẫn nại ngồi dự một buổi tiếp tâm, Soyen đã học được vài điều trong việc giảng dạy Thiền cho người nước ngoài. Ông vui lòng nhận lời mời của ông bà Russell,  coi đây là cơ hội để giảng dạy Thiền cho người Tây phương. Ông Russell là một doanh nghiệp giàu có, có đầu óc xã hội, chuyên về khai mỏ,  cao su, và bất động sản. Bà Russell đã đi nhiều nước ở phương Đông, và theo lời bà thổ lộ với một nhà bảo, “bà nghiên cứu đủ các tôn giáo, và lượm lặt những gì bà nghĩ là tốt nhất trong đó.”

Gia đình Russell sống ở ngoại ô cạnh Đại lộ Duyên Hải cách San Francisco vài dặm, cùng với 7 người con nuôi. Ngôi Nhà Ánh Sáng Câm Lặng, tên bà gọi cơ ngơi của mình trên một dốc đứng cao nhìn ra biển Thái Bình. Khu đất được bao quanh bởi một hàng rào gỗ, che chắn gió cho một khu vườn kiểu Nhật Bản. Lối vào đi qua một cổng nhọn kiểu Nhật, trên đó ông bà Russell treo một biển gỗ, có khắc chữ Hán do chính tay Soyen viết, có nghĩa Ánh Sáng Câm Lặng. Phòng của Soyen Shaku đặc biệt bài trí theo phong cách Nhật.

Bà Russell đã nhờ Soyen Shaku dạy Thiền cho gia đình,  và trong 9 tháng vị khách Nhật chỉ làm mỗi việc đó. “Cuộc sống thường nhật của gia đình Russell rất đạo hạnh,” ông viết cho những người bạn ở Nhật. ‘Ba lần một ngày họ tập thiền định, hát đạo ca,  tay lắc chuông, và dùng bữa trong tiếng nhạc Tây phương. Toàn thể gia đình đều cử thịt, rượu và thuốc lá.”

Bà Russell là người Mỹ đầu tiên bắt đầu xem xét công án. Hầu hết cơ sở thiền Nhật đều cho rằng việc lĩnh hội điều gì đó đặc thù Nhật Bản như Thiền là không thể đối với các ông người Mỹ, nói chi với phụ nữ Mỹ. Nhưng Soyen Shaku thách thức sự chống đối của họ bằng một bài thơ viết cho bà Russell nhắc đến tích Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Trung Quốc:

Ngũ Tổ bảo với một nhà sư mới đến,

Bọn khỉ phương nam không có Phật tánh,

Nhà sư đó chứng tỏ mình có Phật tánh

Bằng cách trở thành Lục Tổ;

Ở bất cứ nơi nào trên quả địa cầu

Đâu có không khí là lửa sẽ bùng cháy.

Ngày nào đó lời giảng dạy của ta ắt sẽ đến phương Tây,

Do tay bà dẫn dắt.

 

II

Một sinh viên trẻ của Soyen Shaku theo chân Sư đến nhà Russell. Đó là một nhà sư trẻ có tên Nyogen Senzaki. Mẹ của ông là người Nhật,  cha là người Hoa hoặc Nga. Ông sinh ra và lâm vào cảnh mồ côi ở Siberia, khi một nhà sư Nhật đi qua, bắt gặp ông nằm bên cạnh người mẹ đã chết đông cứng. Ông  được một thợ đóng tàu Nhật tên Senzaki nhận nuôi tên, rồi sau đó được một nhà sư Thiền tông Tào Động và học giả Hoa Nghiêm tông nuôi dưỡng. Sư bắt đầu dạy ông các tác phẩm cổ điển Trung Quốc cùng với kinh Phật ngay lúc ông lên 5. Đến tuổi 18 Senzaki đã đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh. Ông đã nghiên cứu Tào Động và Chân Ngôn, và rồi học tập với Ushima Shaku, người vực dậy phong trào nghiên cứu trường phái Luật tạng ở Nhật Bản. Ông đã nhận thức được tính vô thường ngay từ đầu, và đã vun trồng nó suốt đời. Ông thích sánh mình với nấm – “không có rễ sâu, không cành, không hoa, và chắc chắn không có hạt mầm.”

Trong lúc còn ở Tokyo Senzaki thường liên lạc thư từ thân mật với Soyen Shaku. Rồi vào năm 1896, ông trình điện ngay trước cổng chùa Engaku. Khi nhìn thấy Senzaki,  Soyen bảo một thị giả, “Tăng sĩ đó trông không được khỏe. Con hãy chăm sóc ông ta.”

Senzaki đúng là đang bịnh nặng. Ông bị lao phổi và phải sống biệt lập trong một túp lều. Soyen Shaku thỉnh thoảng đến thăm, và có lần Senzaki hỏi Sư, “Nếu con chết thì sao?” “Nếu ngươi chết thì cứ chết,” Soyen trả lời. Sau đó  bệnh tình Senzaki dần bình phục.

Ấn tượng đầu tiên Senzaki có về Soyen là “đôi mắt xuyên thấu và cái miệng nghiêm nghị . . . tất cả rất khác với tính thân thiện của Sư thể hiện trong thư.” Soyen trang trọng trong bộ cà sa màu cam, ngồi nghiêm trang với hai lòng bàn tay gấp vào nhau, trong khi Senzaki quỳ lạy ba lần. Họ ngồi uống trà với nhau. Soyen bảo với Senzaki rằng “ta đã đọc và trả lời thư con và chúng ta hiểu nhau, vì thế từ giờ trở đi con có thể đến để được hướng dẫn cá nhân vào thời điểm thích hợp, hoặc bất kì thời khắc nào; thậm chí nếu ta đang ngủ ngươi cùng có thể lay ta dậy để vấn thiền nếu muốn.”

Senzaki ở lại năm năm. Có thời gian ông chia phòng với một sinh viên thế tục trẻ D. T. Suzuki. Ông chiến đấu  cam go “trên trận địa công án, và hầu hết thời gian tự đánh bại bản thân mình,” nhưng không bao giờ lợi dụng lời mời mọc đánh thức sư phụ vào bất cứ thời điểm nào để vấn thiền. “Viêc đó,” Senzaki sau này thổ lộ, “chẳng khác nào đến thăm hang sư tử.”

Không muốn làm một nhà sư trong một tỉnh lẻ, Senzaki rời chùa Engaku, bỏ đi lang bạc. Cậu không thoải mái với hình thức Phật giáo mang tính thể chế ở Nhật, cũng như chủ nghĩa dân tộc quân phiệt đã thao túng nước Nhật trong thời chiến tranh Nga-Nhật 1905, ông bỏ đi Mỹ, ngay sau Soyen Shaku vừa đi và cũng đến nhà Russell làm việc với tư cách giúp việc vặt. Vì các lý do không biết rõ, cả ông và Soyen dường như không hề tiết lộ về mối quan hệ thầy trò của mình cho người khác biết. Senzaki rửa bát, giặt giũ,  lau dọn nhà cửa. Ông lao động rất chăm chỉ, nhưng như ông còn nhớ, “mình là một tên khờ khạo thực sự,” và mặc dù ông có vốn tiếng Anh đủ để đọc cuốn Sartor Resartus của Carlyle khi rảnh rỗi, ông gặp khó khăn khi giao tiếp. Bà quản gia chịu đựng đã đủ nên đành tiễn ông ra đi với một đồng 5 đô la tiền lương.

Ngay chiều hôm đó Soyen đưa tiễn Senzaki trên đường đến một khách sạn Nhật ở San Francisco. Họ đi qua Công viên Cổng Vàng, rồi Soyen dừng lại, đặt xách tay của Senzaki mà Sư đang mang xuống đất, và nói, “Việc này tốt hơn cho con, thay vì cứ lủi thủi làm thị giả cho ta. Hãy đối đầu với thành phố lớn và thử xem nó chinh phục con hay con chinh phục nó.” Đoạn Sư quay nhanh, nói lời tạm biệt,  và biển mất trong sương chiều hoàng hôn. Đó là lần cuối cùng Senzaki thấy mặt sư phụ.

Bà Russell thỉnh thoảng nhờ Soyen Shaku giảng pháp cho bạn bè của bà. D. T. Suzuki, vừa từ Lasalle đến, làm thông dịch viên. Các buổi pháp thoại của Soyen dựa trên Tứ Thập Nhị Chân Kinh, bài tóm tắt các lời dạy của Đức Phật, mà các nhà sư Ấn đã sử dụng khi truyền Phật pháp vào đất Trung Hoa vào năm 67 SCN. Ngoài những buổi nói chuyện không chính thức tại nhà bà Russell,  Soyen còn giảng pháp cho các di dân Nhật – tại Hội Phật giáo và Lãnh sự quán Nhật ở San Francisco,  Fresno, Sacramento, San Jose và Oakland. Tháng 9, 1905, Sư cùng Suzuki đến thăm Los Angeles, tại đó 900 người Nhật và 100 người Mỹ đến nghe thuyết giảng tại Sảnh Turner.

Tháng 3, 1906, Soyen cùng Suzuki lên đường đi ngang nước Mỹ bằng tàu hỏa. Và Soyen Shaku bày tỏ cảm xúc của mình trong một loạt bài thơ trước phong cảnh vùn vụt lướt qua mắt mình:

Không hạt bụi nào bám được đỉnh dảy Núi Rocky

Trời và đất đều trắng xóa

Tôi lại nhìn thấy tuyết rơi thêm

Từ chỗ ngồi trên tàu hỏa

Tôi như thấy mình đang đối mặt với Cõi Siêu Phàm

Và khi họ tiếp tục đi, ông viết:

Tâm trí tôi chảy êm ả

Như dòng Mississippi đang đi qua

Ánh mặt trời phản chiếu một màu hồng trên mặt tuyết

Hẳn tuyết cũng tỏa hương thơm như hồng hoa

Ở Illinois Sư vui được hạnh ngộ với Carus (“một Duy Ma Cật Mỹ, người không bám víu sự yên lặng, mà luôn nói và viết về Phúc Âm Đức Phật”) và Hegeler, những bạn cũ kể từ ngày Hội nghị Tôn giáo Thế giới. “Khi hai nghệ sĩ đàn hạc gặp nhau,” Sư viết cho Carus, “Không cần có dây đàn/Trong nhạc cụ của họ.” Sư ngắm nhìn Thác Niagara ào ạt đổ xuống như “gội sạch các hư huyễn của chúng sinh.” Nhưng không chỉ có thiên nhiên mới gây cảm xúc nơi Sư. Tại thành phố New York Sư nhìn thấy

Các tòa cao ốc sừng sững như một ảo ảnh

Bắc qua các vòi phun nước một cây cầu trên không

Còn to hơn cả cầu vồng

Gió mùa xuân không quan tâm đến tiếng ồn ào nhân thế

Tôi đứng một mình với Tượng Nữ Thần Tự Do ngạo nghễ

Soyen Shaku xem nước Mỹ là miền đất tự nhiên cho Phật pháp trưởng thành và tiến hóa. Những bài pháp thoại Sư gửi đến thính giả Mỹ trong chuyến đi xuyên qua nước Mỹ trình bày cho công chúng cái nhìn đầu tiên bao quát của họ về đại thừa. Trước tiên Sư phải chỉnh lại quan niệm cho rằng Phật giáo là tiêu cực và yếm thế. Thậm chí một người hiểu biết và có cảm tình như Tiến sĩ Barrows gần đây cũng đã cho đăng một bài viết cho rằng “mục tiêu khiến lời dạy của Đức Phật trở thành một phúc âm mơ hồ là Niết bàn, liên quan đến việc dập tắt tình yêu và cuộc sống như một ngọn lửa lụi tàn không còn nguyên liệu bồi tiếp.

Vấn đề, theo cách Soyen nhìn thấy,  là Barrows (cũng như hầu hết các học giả Tây phương khác) xem tiểu thừa như là toàn bộ giáo lí của Phật giáo. Họ chỉ nhìn thấy “khía cạnh tiêu cực của Niết bàn” khá thông suốt, nhưng họ không thể quan niệm rằng “mặt tích cực của Niết bàn là việc nhận thức rõ Chân lý.”

Giống như  ông bạn Carus, Soyen cũng nhấn mạnh bản chất hợp lý và trí tuệ của một đạo Phật “luôn muốn đứng trước rào cản của khoa học.” Nhưng Soyen là một thiền sư, có thể phát biểu một cách uy tin về vai trò mà thiền định đóng góp trong Phật giáo. Việc thực hành dhyana (thiền quán, tiếng Phạn mà Soyen sử dụng) không phải là “một trân châu hoặc một tự kỷ ám thị,” cũng không phải là một dạng thiền định thâm sâu về các tư tưởng siêu trừu tượng.” “Điều nó muốn thành tựu, ” Soyen nói, “là khiến cho tâm thức chúng ta nhận thức được cái lý lẽ nội tại của vũ trụ an trú trong tâm trí ta.” Dhyana  giúp chúng ta làm quen với sự kiện cụ thể và đồng thời phổ quát nhất cua đời sống. Nhưng làm cách nào làm được điều này Soyen không nói. Sư không đưa ra lời chỉ dẫn nào về kỹ thuật dhyana.

Sau 9 tháng ở Mỹ, Soyen trở lại Nhật qua ngõ châu Âu, Ấn Độ và Tích Lan, nơi ông đã sống như một tì kheo 20 năm trước. Suzuki trở lại với công việc với Carus ở Lasalle. Hai năm sau Suzuki trở lại Nhật qua ngõ London, nơi ông dịch Swedenborg ra tiếng Nhật, và Paris nơi ông suốt ngày cặm cụi trong Thư viện Quốc gia, ghi chép một phần các bản thảo cổ mà Sir Aurel Stein đã phát hiện trong hang động Tunhuang ở Trung Á.

Nyogen Senzaki lúc đó vẫn ở lại San Francisco. Ông làm công việc tạp dịch một thời gian. Ông đọc mọi cuốn sách viết bằng tiếng Anh về Phật giáo có trong Thư viện Công cộng San Francisco và ngồi nghiền ngẫm ở Công viên Cổng Vàng. (Soyen Shaku dặn dò ông làm việc cho người Mỹ và không được thốt ra cho dù một ký tự “B” trong từ Buddhism (Phật giáo) trong 17 năm.) Sau một thời gian ông kiếm thêm thu nhập ngoài công việc lao động chân tay bằng cách dạy tiếng Nhật và Anh ở Oakland. Trong vụ động đất 1905, ông thất lạc tất cả thư từ – hơn 30 bức,  mà Soyen đã gửi cho ông, và vào năm 1908 trong một làn sóng điên cuồng chống Nhật quét qua thành phố, ông cùng với các nhân công Nhật khác mất việc làm. Ông cũng với một nhóm người tìm việc trên một nông trại ngoài thành phố. Thời gian đó,  ông than thở,  “Nóng suốt ngày trên đầu, chúng tôi thật vất vả.”

Nhưng ông là nấm, ông đã từng tuyên bố như vậy. Ông có thể chờ đợi. Và khi thời cơ đến, lúc điều kiện thuận lợi, ông sẽ xuất hiện bất ngờ, và ông sẽ làm những gì phải làm.”

III

Vào tháng 9, 1906, một nhóm thiền sư Nhật thứ hai đến San Francisco. Nhóm này do Sokatsu Shaku dẫn đầu. Như Suzuki, Sokatsu cũng là môn đệ của Kosen, Thiền Sư Meiji vĩ đại, và môn đệ của Soyen, người kế vị Kosen. Sokatsu đã tự tập thiền ở Engakuji trong 10 năm. Khi ông kết thúc khóa thiền của mình ở tuổi 29, ông bảo Soyen mình muốn trở thành một nhà sư, nhưng không thiết đến việc nương náu trong chùa. “Thường nhà sư phải sống trong chùa để có chỗ ăn uống,” Soyen bảo ông. Sokatsu nói, “Nếu không có thức ăn, con sẽ nhịn. Con tin rằng ở đâu có Phật pháp ở đó có thức ăn, và ở đâu không có thức ăn ở đó không có Phật pháp. “

Sokatsu đầu đội chiếc nón rơm hình nấm, rộng vành, che gần hết khuôn mặt của các thiền sư lang bạc, chân mang dép rơm, nhét mọi vật dụng cá nhân vào trong chiếc hộp nhỏ, vắt sau lưng, và lên đường hành hương đến thăm các thiền viện danh tiếng. Rồi Sư tiếp tục đến thăm Miến Điện và Tích Lan như Soyen đã từng làm, và sống chung với các đạo sĩ chân trần ở Ấn trong hai năm. Khi Sư cuối cùng trở về Nhật Bản, Soyen gọi ông đến phòng riêng và bảo, “Thầy nay đã đạt được tuệ giác vĩ đại của đạo Phật. Giờ thầy phải thành tựu Bốn Đại Nguyện mà thầy đã tuyên thệ và quay bánh xe Pháp để đem lại lợi lạc cho người khác.”

Cách đây nhiều năm Kosen đã sáng lập các Ryomokyo-kai, một nhóm Thiền thế tục ở Tokyo. Chưa từng có một tổ chức nào như thế từng tồn tại ở Nhật. Nhóm đó từ lâu đã bị phân tán, và giờ đây Soyen giao cho Sokatsu, “Thầy phải đi đến Tokyo với mục đích phục hồi lại nhóm này, thổi lại lần nữa vào ống bể và đốt lên ngọn lửa để trui rèn người thế tục nào muốn đạt vị giải thoát.”

Sokatsu bỏ ra ba năm sau đó nghiên cứu tính cách người dân Tokyo. Rồi với sự trợ giúp của bốn đồng môn ở Engakuji ông biến một trang trại bỏ hoang thành một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô Tokyo. Chẳng bao lâu ông nhận được 10 đến 15 môn đệ thế tục – hầu hết là sinh viên, nghệ sĩ và tri thức. Và cũng có, điều này trước đây chưa từng nghe nói đến, cả một số phụ nữ. 

Các thành viên của Ryomakyo-kai ngồi tọa tại thiền đường mỗi sáng lúc 6 giờ. Họ tham dự phiên vấn thiền  – gặp một đối một giữa thầy và trò – trước khi ra về để  đi làm hoặc đi học lúc 9 giờ. Họ dự buổi tiếp tâm mỗi tháng một lần, và mỗi chủ nhật Sokatsu mở phiên teisho – buổi học thầy chính thức phê bình trò.  Vào tháng 7, khi có thời kỳ tiếp tâm kéo dài một tháng, các học viên sống như một nhà sư.

Một học viên của Sokatsu trong thời kỳ này là một hoạ sĩ trẻ có tên Shigetsu Sasaki – sau này được biết dưới tên Sokei-an. Khi Sokei-an bắt đầu học tại Ryomakyo-kai, Sokatsu hỏi ông đã học vẽ bao lâu. “Sáu năm,” Sokei-an đáp.

“Thế cậu hãy chạm cho tôi một tượng Đức Phật,” Sokatsu nói.

Sau 15 ngày Sokei-an trở lại với một bức tượng Phật. Sokatsu nhìn qua pho tượng,  hỏi, “Cái gì đây?” Sư hỏi, rồi ném tượng qua cửa sổ xuống ao. Việc này dường như là không được tử tế cho lắm, Sokei-an nhớ lại nhiều năm sau đó. “Nhưng không phải vậy. Ý sư phụ muốn tôi khắc Đức Phật vào chính con người tôi.”

Sokei-an khởi đầu là thợ điêu khắc rồng. Từ tuổi 15 ông đã đến thăm các ngôi chùa trên núi, trả lộ phí bằng việc tu bổ các tượng rồng trong chùa. Sau đó ông theo học Viện Mỹ Thuật Hoàng gia để học vẽ và điêu khắc. Khi 24 tuổi ông bị gọi vào lính trong Chiến tranh Nga-Nhật, và trải 8 tháng trên chiến trường Mãn Châu.

Không lâu sau khi ông trở về Nhật, Sokatsu gọi ông vào phòng, nói, “Ta sắp đi Mỹ, thầy có muốn đi với ta không?” Trước khi họ lên đường Sokatsu sắp xếp cho Sokei-an lấy một người vợ có mặt trong nhóm, Tomoko Sasaki, một sinh viên tại trường Nữ Cao đẳng Tokyo, khi đó là trường học duy nhất dành cho phụ nữ ở Nhật. Sokei-an và Tomoko làm lễ cưới theo nghi thức Phật giáo, một điều hoàn toàn bất thường, vì vào thời đó hôn nhân là vấn đề của Thần đạo. Nhóm cũng bao gồm một người tốt nghiệp đại học khóa triết học có tên Zuigan Goto, môn đệ lớn tuổi nhất của Sokatsu.

“Và thế là tháng 9 năm đó, 1906,” như Sokei-an kể lại nhiều năm sau đó

Sokatsu lên đường đến Hoa Kỳ với 6 môn đệ,  trong đó có tôi. Vì một vài môn đệ trước đây đã là  sinh viên tại Đại học California, chúng tôi trước tiên định cư tại Berkeley. Chúng tôi cười rũ rượi khi chứng kiến Thiền sư của chúng tôi sử dụng dao và nỉa lần đầu tiên. Chúng tôi ngắm nhìn gương mặt của thầy ấy khi thịt bò và cải bắp đặt xuống trước mặt thầy. Nét mặt thầy diễn tả một sự nghiêm trọng hơn bao giờ khi cố hết sức nuốt cho trôi món ăn này, chắc chắn không phải là món ăn quen thuộc của một nhà sư. Đây là bài thực hành đầu tiên về đề tài: “Ở La Mã phải cư xử như người La Mã. . . . “

Một hôm thầy [Sokatsu Shaku] tuyên bố rằng mình đã mua được  10 mẫu đất ở Hayward, California, cách Oakland hai giờ đi xe điện. Khi nhóm chúng tôi đến nơi, chúng tôi bắt gặp một trang trại, một nhà kho, một con bò gầy guộc và 10 mẫu đất khô cằn. Môn đệ lớn tuổi nhất của Sokatsu, Zuigan Goto, hiện giờ là Hiệu trưởng Đại học Rinzai ở Kyoto, đã đọc trên báo một mẩu quảng cáo rao bán trang trại, và được thầy chúng tôi cử đến mua trang trại của người chủ, ắt hẳn là đã không hối tiếc khi chia tay với nó! Chúng tôi đã tuyệt đối tin tưởng Zuigan Goto, vì dù sao anh cũng tốt nghiệp khóa triết học Đại học Hoàng gia Tokyo. Nhưng đất mà anh mua tuyệt đối đã kiệt quệ, và con bò cũng kiệt quệ.

Trong các điều kiện như thế chúng tôi vẫn bắt đầu cuộc sống như các nhà nông. Trong những ngày nắng ráo chúng tôi quần quật ngoài đồng, trồng dâu tây. Vào những ngày mưa chúng tôi mặc định. Những người láng giềng Mỹ chế nhạo chúng tôi. Không có người nào trong số chúng tôi biết làm nông ra trò, chỉ toàn là bọn tu sĩ, nghệ sĩ,  hoặc triết gia.

Cuối cùng đến ngày Zuigan Goto lái đến chợ một toa xe chất đầy các thùng dâu tây chúng tôi đã thu hoạch. Một thương lái ngắt một trái dâu nhỏ nhất, rồi kêu lên với giọng giễu cợt: “Các cậu gọi cái này là gì vậy, hả các cậu trai?” “Một trái dâu Tây,” chúng tôi đồng thanh đáp. Y đưa ra trước mắt chúng tôi một trái dâu tây lớn cỡ nắm tay của y, nói: “Đây mới là dâu tây nè! Tụi bây tốt hơn chở sản phẩm tụi bây đến trại nuôi heo!”

Đêm đó nổ ra một cuộc đấu khẩu kịch liệt với Sokatsu. Sokei-an lập luận rằng công việc làm ruộng không thích hợp với các thiền sinh phải tu học kiên trì các kinh điển thiền học. Trận tranh luận càng nóng nảy hơn và Sokei-an tách nhóm trở lại San Francisco, nơi cậu ta học vẽ sơn dầu tại Viện Mỹ Thuật California.

Vào mùa xuân số còn lại cũng bỏ trang trại và trở lại San Francisco. Sokei-an xin lổi Sokatsu rồi cũng đi theo với nhóm. Nhánh Ryomakyo-kai đầu tiên ở Mỹ cư ngụ tại Phố Sutter, và sau đó chuyển đến Geary. Có khoảng 50 học viên Nhật tham dự các khóa học, và một vài người Mỹ, được Zuigan Goto làm thông dịch.

Hai năm sau, Soyen Shaku gọi Sokatsu trở lại Nhật trong 6 tháng. Sư trở lại San Francisco và ở lại trong một năm rưỡi, rồi ra đi mãi mãi. Tất cả môn đệ của Sư, trừ Sokei-an và vợ Tomoko, đều theo Sư  về Nhật.

Một thời gian Sokei-an làm việc sửa chữa tượng Phật trong một cửa hàng nhập khẩu tranh tượng từ Trung Quốc. Rồi một người bạn của ông có trang trại trên thung lũng sông Rogue của bang Oregon mời ông đến thăm. Và vào tháng 2, 1911, Sokei-an đi bộ vượt vùng núi Shasta trên miền tuyết giá vào Oregon. Bạn ngày ông và bạn cho nổ mìn các gốc cây đã đốn hạ và trồng lại cây mới. Từ tháng 5 đến tháng 9, mỗi đêm ông dẫn chó đi dọc lòng sông đến một tảng đá đã bị dòng nước mài nhẵn qua hàng ngàn năm. Rồi ông tọa thiền cho đến khi nghe tiếng còi tàu hỏa đầu tiên đánh thức vào lúc 5 giờ sáng.

Sau đó ông dời đến Seatle, đoàn tụ lại với Tomoko. Hai người dựng một túp lều trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển và sống chung với người da đỏ. Họ đã có hai con, và vào năm 1914, khi Tokomo có bầu đứa thứ ba, bà quyết định quay về Nhật. Sokei-an vẫn ở lại Hoa Kỳ.

“Trong vài năm,” Sokei-an nói, “tôi sống đời lang bạt, cuối cùng đến thành phố New York vào năm 1916, lúc đó đã 34 tuổi.” Sokei-an ngủ đêm đầu tiên ở New York tại khách sạn Great Northern trên Phố Tây 57. Sáng hôm sau ông đến Công ty Yamanaka để tìm việc làm.; họ đưa ông đến của hàng của ông Mori trên Phố Đông 23. Tại đó ông làm việc ban đêm, khắc gỗ và chạm ngà, sơn vẽ hộp và chỉnh sửa đồ mỹ nghệ.

Sokei-an bắt đầu lui tới Greenwich Village, nơi tụ tập các nghệ sĩ, tập để tóc dài, và gặp gỡ những người như nhà ảo thuật Anh, Aleister Crowley và Maxwell Bodenheim, cùng với họ, ông dịch thơ Lý Bạch và gửi đăng tạp chí The Little Review khá tiếng tăm.

Sokei-an cũng bắt đầu viết những ký sự ngắn mô tả lối sống của lớp đại chúng Mỹ với bút pháp gãy gọn,  chân thực và độc đáo cho Chuokoron, một trong những nhật báo hàng đầu ở Nhật. Một tuyển tập các ký sự này  cùng một tập thơ cũng được  in ở Nhật, và Sokei-an trở thành một nhân vật trong làng văn Nhật Bản.

Và rồi một hôm ông sực nhớ ra mình phải đến thăm sư phụ. Ruth Fuller Sasaki, sau này sẽ là vợ và môn đệ ông,  kể về sự kiện này.

Trong lúc mối quan tâm của ông về Thiền vẫn tiếp tục trong thời kỳ này, ông cũng đang trải nghiệm về cuộc sống. Và rồi vào một ngày oi bức đáng sợ của mùa hè 1919 khi ông đi xuống phố, bất ngờ giữa lòng phố ông bắt gặp xác một con ngựa, và điều gì đó như một  chấn động tâm lý đã xảy ra, ông bèn đi thẳng về nhà, vô phòng sắp xếp hành lí, mua vé tàu trở về Nhật đến với thầy Sokatsu của mình.

Ông tiếp tục học thiền với Sokatsu và gặp lại Tomoko cùng vói ba con ở Nhật. Nhưng ông không hạnh phúc, và ông quay về Mỹ. Trong vài năm sau đó ông đi đi về về giữa Mỹ và Nhật. Ông làm thợ phục hồi mỹ nghệ và thợ điêu khắc gỗ ở Seatle và New York. Và rồi trên một chuyến tàu băng qua biển, ông ném bộ đục của ông ra giữa Thái Bình Dương, và quyết tâm hoàn thành việc học Thiền.

Ông thuê một căn nhà nhỏ cạnh chùa Ryomakyo-kai và tận lực thực hành thiền với Sokatsu. Ông hoàn tất viêc tu tập Thiền ở tuổi 48. Năm 1928 Sokatsu ủy quyền việc dạy thiền cho ông.

Sokatsu bảo với Sokei-an từ giờ trở đi cuộc đời của Sokei-an phải dành cho việc dạy Thiền. “Thông điệp cho thầy là đến Mỹ,” ông nói với Sokei-an. “Thầy hãy trở lại đó.”

IV

Năm 1910 Senzaki bắt đầu hoạt động trong ngành khách sạn. Khởi đầu là khuân vác hành lí, rồi lên làm thư ký, xong đến chức quản lí. Ông dường như thụ đắc được kinh nghiệm mà không đánh mất vẻ trong sáng hồn nhiên. Chẳng hạn,  ông không bao giờ hiểu tại sao có khách thuê phòng chỉ một vài giờ, rồi bỏ đi. Ông thắc mắc tại sao họ không hề ở lại ngủ trong đó.

Năm 1916, ông xoay sở hùn với một người bạn mua một khách sạn. Senzaku cố gắng nhưng ông không có năng khiếu kinh doanh. Khi công ty thua lỗ, ông thôi việc kinh doanh khách sạn và đổi nghề đầu bếp. Đồng thời ông cũng tiếp tục dạy tiếng Nhật và viết về Thiền cho các báo Nhật.

Một đêm, vào tháng 11 năm 1919, Senzaki đang ngủ bổng choàng tỉnh dậy, người run lập cập vì cảm lạnh. Ông đốt một nén nhang và ngồi tọa thiền cho đến bình minh. Hai ngày sau một tờ báo đến từ Nhật. Soyen Shaku đã qua đời ở tuổi 61. Từ lúc đó trở đi mỗi năm ông đều kỷ niệm ngày mất của thầy.

Đến năm 1922, 17 năm sau khi đến Mỹ, ông mới dám thốt lên ký tự “B” của từ Buddhism (đạo Phật.”) Ông thuê một sảnh với giá 20 đô la mà ông dành được khi giúp việc nhà và bắt đầu bài thuyết giảng đầu tiên. Trong dịp này ông đã dịch một bài nói chuyện của Soyen Shaku “Các Bước Đầu Tiên trong Thiền Định.” Vì giọng Anh của ông không chuẩn , nên ông thường phải viết lên bảng. Ở cuối buổi giảng ông yêu cầu học viên cho biết tên và địa chỉ.

Từ lúc này trở đi mỗi khi có tiền ông đều thuê phòng để thuyết giảng. Đôi khi ông cũng nói về đạo Phật trong phòng khách của nhà người bạn. Ông gọi những nơi tụ họp khác nhau là “các thiền đường nổi.” Bức tranh duy nhất là bức hình 600 tuổi của Văn Thù Sư Lợi, vị Bồ tát của trí huệ, mà hình ngài luôn có mặt trên áng thờ của mọi thiền phòng. Ông mượn nó từ một nhà buôn tranh Nhật.

Năm 1927 môt sư huynh có tên Mamiya đến thăm San Francisco trong ba ngày. Khi ông trở lại Nhật, ông quyên góp được 300 đô cho “thiền đường nổi.” Trong một tháng Senzaki đã tiêu hết số tiền để thuê phòng giảng và mua ghế cho học viên. Senzaki đã thiết lập được một thiền đường – một thiền đường mà ông sẽ mang như “một con tằm giấu mình trong cái kén của nó,’ hơn 30 năm nữa.

V

Sokei-an được uỷ quyền để dạy thiền, nhưng ông không phải là một tăng sĩ thiền môn, đúng như cách thức thầy ông,  Sokatsu, mong muốn. Sokatsu đã bỏ cả đời để gầy dựng dòng Thiền thế tục của Ryomakyo-kai mà Kosen đã khởi xướng, và ông muốn người kế thừa của mình là người thế tục. Tuy nhiên,  Sokei-an nhận thấy rằng người Mỹ không trân trọng xem các cư sĩ thế tục như bậc thầy dạy thiền, nên ông muốn trở lại New York như một nhà sư. Ông cũng cảm thấy, như nhiều Phật tử Thiền môn khác, là việc truyền thừa không thể thực hiện qua người thế tục. Thực hành thì được,  nhưng truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác thì không.

Sokei-an khăng khăng,  nhưng Sokatsu vặn lại trong  bất kì tình huống nào thì Sokei-an vẫn chưa làm chủ nghệ thuật cắm hoa, trà đạo hoặc thư pháp – tất cả thành tựu cần thiết cho một Thiền giả và Thiền Sư. Nhưng Sokei-an vẫn không chịu thua. Ông cạo đầu, mặc áo cà sa, và xin quy y với Aweno Futetssu, một tăng sinh dòng Ryosan của Chùa Daitoku. Nghe tin, Sokatsu rất tức giận, và từ đó hai người không bao giờ nói với nhau lần nữa.

Sokei-an trở lại New York không một xu đính túi, và không có nơi nương náu. Một thời gian ông kiếm sống bằng một loat các bài viết về các nhóm sắc tộc khác nhau sống trong thành phố cho một tờ báo Nhật. Ông tránh xa bạn bè ở khu Greenwich Village và sống chung khi thì với một gia đình người Ý, khi thì với một gia đình Bồ Đào Nha, khi thì với gia đình người Mỹ da đen ở Harlem.

Toan tính rao giảng Phật giáo đầu tiên của ông kết thúc trong thất bại thảm hại. Ông dựng một bàn thờ trong phòng mà ông chia sẻ với một người bạn, rồi ông đi khắp căn hộ láng giềng trong khu chúng cư, giảng đạo Phật cho họ nghe. “Không những không ai chịu lắng nghe,” theo hồi ký của Kotsubo Utsubo, “mà mọi người đều bực bội. Tình trạng đến mức không thể chịu được, không sao ở lại, và phải đổi đi nơi khác.”

Cuối cùng ông đi đến ông Mia, một doanh nhân Nhật trong Công ty Yamanaka. Chính ông này cũng đã từng học thiền; ông cho Sokei-an 500 đô và tìm cho ông một nơi để sống. Cùng lúc đó, 5 người Nhật sống ở New York gửi thỉnh nguyện cho trụ sở Ryomakyo-kai ở Nhật cho phép Sokei-an mở một chi nhánh ở New York.

“Tôi đã có nhà và một cái ghế,” Sokei-an cho biết nhiều năm sau đó. “Và một bàn thờ và đá sõi. Tôi vừa bước vào đây, cất nón, và ngồi xuống ghế  và bắt đầu giảng về đạo Phật.  Tất cả chỉ có vậy.”

Vào ngày 11 tháng 5 năm 1931, Sokei-an cùng với vài người bạn khác ký vào hồ sơ thành lập Hội Phật giáo Hoa Kỳ. Các buổi họp được tổ chức tại căn hộ của Sokei-an ở số 63 Tây Phố 73.Lúc đầu Sokei-an chỉ cỏ 8 học viên. Bốn năm sau, vào năm 1935, nhóm tăng lên 15 học viên. Sokei-an chỉ cho các học viên cách ngồi tọa thiền, nhưng trong lớp họ ngồi trên ghế. Buổi giảng bắt đầu khi một bà Helen Scott nào đó xướng lên Sokei-an Sasaki, trụ trì Jofuki-in, sẽ thuyết giảng. Sokei-an liền đó bước vào  phòng và trước tiên cùng vói học viên tọa thiền 30 phút. Sau tọa thiền,  những ai có công án sẽ vấn thiền với thầy ở phòng trước,  ngăn cách với phòng giảng bằng một tấm bình phong, trên có dán các câu kinh.

Vào năm 1938, nhóm đã tăng gấp đôi, bấy giờ là 30. Sokei-an lòng đầy quyết tâm,  nhưng không vội vã. Phải mất 300 năm đạo Thiền mới bắt rễ trên đất Trung Hoa, và ông nghĩ cũng phải mất như vậy trên đất Mỹ. Ông sánh công việc mình cũng gian nan như vun trồng một cây sen trên đá đợi cho nó mọc rễ.

VI

Năm 1931 Senzaki chuyển “thiền đường nổi” của mình đến Los Angeles. Chi phí dời đến Phố Turner, nơi ông tổ chức các buổi họp là do cộng đồng Nhật đài thọ, và Senzaki tiếp tục  dạy thực hành như ở San Francisco, đêm này hướng dẫn người Nhật, đêm sau dành cho người Mỹ. Senzaki nghe theo lời khuyên của Soyen Shaku trong những năm ở San Francisco. Ông đã gặp thách thức của trận đối đầu trực tiếp trong thành phố lớn. Ông đã đắm mình trong thế giới, thậm chí khi học tập, thực tập,  và chuẩn bị giảng dạy đạo Phật. Giờ đây, tại Los Angeles,  chính Senzaki lại xuất hiện thêm một lần nữa như một nhà sư. “Một nhà sư Phật giáo phải độc thân  và sống một cuộc đời giản dị nhất có thể, ” ông viết cho một người bạn sau này. “Sư không lấy tiền cho bất kì việc gì mình làm, mà còn biết ơn vì làm được điều gì đó cho đồng loại. Sư mặc quần áo cũ, và mang giày cũ. Thức ăn và tiền bạc có dư phải cho đi. Sư ngủ yên mà không lo lắng gì, không sở hữu gì.”

Muốn giúp đỡ Senzaki thật không dễ chút nào. Một mẹo ưa thích của các học viên là để lại tờ bạc 5 đô trong cái chuông thiền. Nhưng khi Senzaki bắt gặp,  ông lập tức mời người tặng tiền đến ăn tối với ông tại một quán ăn gần đó. Senzaki không cần nhiều, nhưng ông biết cách tự hưởng thụ.

Thiền đường ở Los Angeles có hai tên, tên Anh là Thiền đường Mentogarden, tên Nhật là Tosen- Zenkutsu (Thiền đường Phật Pháp Đông phương.) Như Sokei-an, Senzaki không thử dạy cho các học viên thế ngồi bắt chéo chân truyền thống. Họ ngồi trên ghế tọa thiền một giờ, rồi nghe một bài pháp ngắn do Senzaki giảng, cuối cùng tụng Bốn Thệ nguyện. Họ không được “giao lưu.” Rồi họ ra về trong im lặng, trừ những ai phải ở lại để trao đổi riêng với thầy. Không có tượng Phật, chỉ có tranh vẽ Bồ Tát Văn Thù, mà Senzaki ngồi đối diện đọc kinh ba lần mỗi ngày. “Nhưng tôi không chủ tâm cầu nguyện trước vị Bồ tát này,” Senzaki trấn an các học viên. “Một Phật tử Đại thừa đích thực  không tôn thờ điều gì trừ cái ngã bên trong chân thực (bản lại diện mục) của mình. Đọc kinh chỉ là thể hiện bát nhã, sự hiểu biết hoàn hảo của mình,  chứ không có gì khác.”

Mentogarden không có liên hệ với hệ thống Thiền chính thức của Nhật, vì Senzaki không coi trọng tổ chức Thiền Nhật. Phần đồng các thiền tăng Nhật, ông viết cho một tờ báo Nhật, đều hút thuốc,  chạy theo tiền tài,  và không tuân thủ đời sống độc thân. “Tôi không biết các nhà tu Nhật giờ tin tưởng vào điều gì,” ông viết, “nhưng tôi biết rằng bất kì ai thấu hiểu Phật pháp, dù ở Miến Điện, Tích Lan, Trung Quốc,  hay Mỹ, đều xem thường một nhà sư không sống đời phạm hạnh của một nhà sư, dù họ có thứ bậc cao cấp như đại đức,  thượng tọa, hòa thượng đi chăng nữa. Nhà Phật chân chính chỉ xem  các tước vị ấy là các chức danh phụng vụ.”

Nếu phần đông sư sãi là những người làm ăn, thì các chùa chiền không khác gì “các văn phòng giao dịch của mỗi giáo phái, cũng giống như một chuỗi các cửa hàng.” Một trụ trì đã đến thăm Senzaki tại Los Angeles bảo với ông rằng ông không nên làm lễ quy y cho người Mỹ nếu không có phép của chính quyền Nhật Bản. (Các chùa Nhật đều được cấp phép và phải đăng kí với chính quyền.) Nhưng Senzaki bẽ lại rằng những tì kheo và tì kheo ni đầu tiên ở Nhật không tự mình quy y đó sao. “Tại sao không quy y trực tiếp với Đức Phật,” ông nói,  “không cần qua trung gian của một sư trụ trì, một ngôi chùa. Việc quy y Phật không chịu sự kiểm soát của bất kì giáo phái nào. Ai đã quy y 10 năm, dù thuộc giáo phái nào, có thẩm quyền làm lễ quy y cho người khác.”

Thái độ của Senzaki gây bức xúc cho một số nhà sư ở Nhật Bản, nhưng ở California thì không vấn đề gì. Ông dạy Thiền vì ông cảm thấy Thiền tiếp cận ý nghĩa đích thực của Phật pháp một cách trực tiếp nhất, nhưng đồng thời ông tránh xa các cãi cọ lùm xùm giữa các giáo phái, đã trở thành một bệnh đặc hữu của các nhà sư Nhật. Mỗi năm một lần ông dẫn các học viên và bạn hữu làm một chuyến hành hương hương các ngôi chùa ở Los Angeles, giờ đây đã có chùa gần như của mọi giáo phái Nhật. Năm 1938 có 2 thiền viện, 2 đền Thần đạo, 1 chùa Tịnh Độ tông,  1 chùa Nhật Liên tông,  1 chùa Chân Ngôn tông, nhằm phục vụ cho các Phật tử Nhật ở Los Angeles. Khi Senzaki viếng thăm từng ngồi chùa, ông đều dâng hương, tụng kinh một bài kinh ngắn. Đôi khi họ cũng được sư trụ trì tiếp chuyện.

Senzaki cũng biến Mentogarden thành một nơi học tập nghệ thuật và văn hoá Nhật. Ông giới thiệu cách làm thơ haiku (một loại thơ rất ít từ, và họ tập làm thơ haiku bằng tiếng Anh khi ngồi quanh bàn ở nhà bếp), trà đạo và nghệ thuật cắm hoa. Trong thời kỳ này nhóm của ông có mặt Samuel Lewis (người sau này sẽ trở thành giáo viên về Sufi giáo, giáo phái thần bí của Hồi giáo), Paul Reps, người hợp tác với Senzaki dịch cuốn The  Gateless Gate và một số tác phẩm khác, và G. Maly Hall, triết gia bí truyền, người sau này sẽ sáng lập Thư viện và Hiệp hội Nghiên cứu Triết Học ở Los Angeles

Người hậu thuẫn chủ yếu Senzaki ở Los Angeles là Bà Kin Tanahashi, chủ một tiệm bánh kẹo Nhật. (Hai người đã trở thành bạn khi ông phụ chăm sóc người con tàn tật của bà Tanahashi.) Vào mùa thu 1934, trong khi đang đọc Fujin Koron, một tạp chí Nhật, bà bắt gặp một số bài thơ và ký sự của Nakagawa Soen, một tu sĩ Thiền Nhật trẻ tuổi. Bà Tanahashi đưa các bài thơ của Soen cho Senzaki xem,  và hai người bắt đầu trao đổi thư từ. Như Senzaki,  Soen cũng vỡ mộng với cơ chế Thiền tông Nhật Bản, và lúc đó ông đang sống một mình trên núi, Núi Daibosatsu, thực tập tọa thiền,  ăn rau rừng và nằm phủ phục trước mặt trời khi vần thái dương bắt đầu mọc lên mỗi buổi sáng. Senzaki đã sống theo cách mình trong “vùng đất xa lạ này” (cụm từ ông chỉ nước Mỹ) trong suốt 30 năm. Giờ đây ông đã tìm được người hiểu được cách tiếp cận rất không chính thống của mình. Có lẽ một ngày nào đó anh chàng Soen có thể tiếp quản được lý tưởng của ông.

VII

Năm 1934, một người Mỹ tên Dwight Goddard nêu ra các hạn chế trong cách tiếp cận đạo Phật của Senzaki và Sokei-an. Ông sáng lập một tổ chức mang tên Theo Chân Đức Phật, Hội Ái Hữu Mỹ Quốc. Goddard từng là một giáo sĩ hội truyền giáo Mỹ, đặt trụ sở tại Phúc Châu, Trung Quốc, tại đó ông có đến thăm một ngôi chùa ở Kushan. Ông bắt đầu đọc sách để tìm hiểu Phật giáo, và thử làm một chuyến đầu tiên đến Nhật, rồi trở lại Trung Quốc năm 1925 để dành một ít thời gian trong tu viện Phật-Kitô của Karl Ludwig Reichelt ở Nam Kinh. Năm 1928 ông trở lại Nhật để tìm hiểu thêm về khía cạnh “thực nghiệm” của đạo Phật. Trong tám tháng sau đó ông ở lại chùa Shokoku ở Kyoto, nơi Trụ Trì Yamazaki cho phép ông tham dự cùng chư tăng trong buổi toạ thiền chiều, và ban cho ông, “mặc dù ngoài thông lệ tiêu chuẩn, danh hiệu ‘tăng sinh mới nhập môn’.”

Trải nghiệm của Goddard tại Nhật và Hoa khẳng định với ông rằng cả Senzaki và Sokei-an đều đi sai đường với lối tiếp cận có tính thế tục của họ.

Phương pháp của họ là tổ chức các buổi thuyết giảng và tọa thiền đều đặn, [Goddard viết về Sokei-an và Senzaki] nhưng sự hậu thuẫn ít ỏi họ nhận được đã hạn chế các nỗ lực của họ. Họ có nhiều học viên nhưng ít người trở thành Phật tử sùng đạo. Khuyết điểm của phương pháp này dường như là do chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo chỉ 2 hay 3 giờ một tuần rồi quay về với chuyện áo cơm hay giải trí của đời sống thế tục, nên họ buông ngã trở lại với cuộc sống quy ước thường tình.

Theo Chân Đức Phật, câu trả lời của Goddard đối với vấn đề này, là một nỗ lực sáng lập một dòng tu Mỹ. Tổ chức này có hai trụ sở – nông trại của Goddard ở Thetford, Vermont và một nơi ẩn dật ở Bờ Tây, một trại ấp rộng 40 mẫu, có trồng nho và cây ăn trái, bao chung quanh là Rừng Quốc Gia Santa Barbara. Xương sống của Hội Ái Hữu là Huynh Đệ Vô Gia cư – những người độc thân buông bỏ, “vốn đã quyết tâm, một cách kiên định,  buông bỏ mọi thứ cản trở cho viêc đạt được giác ngộ, bằng phương pháp Thiền định. Sự có mặt của phụ nữ tại nơi ẩn tu không được khuyến khích vì họ được coi là rào cản cho nỗ lực của Huynh Đệ “được sống thanh tịnh.” Các học viên thế tục có trách nhiệm hỗ trợ các Huynh Đệ. Goddard viết, “Huynh Đệ cần hỗ trợ vật chất của thành viên thế tục,  thành viên thế tục cần sự hỗ trợ tâm linh của Huynh Đệ.”

Hội Huynh Đệ Mỹ không gặt hái được thành công cho lắm. Một phần vì phong cách thiền viện nghiêm ngặt của Goddard không phù hợp với tính cách Mỹ. Rồi, cũng do dự định của ông mời một thiền sư Trung Hoa qua Mỹ không thành, và bản thân ông cũng chưa đến mức độ rèn luyện và làm chủ như Senzaki và Sokei-an. Theo Chân Đức Phật dường như đã kết thúc trước khi thực sự tiến hành.

Những nỗ lực của Goddard về mặt viết lách có hiệu quả nhiều hơn. ZEN, Tạp chí của sự Tự Thực Chứng (sau này có tựa đơn giản hơn là Tạp Chí Phật Giáo) bắt đầu ra đời từ Thetford, Vermont vào năm 1930. Năm 1932 Goddard xuất bản tác phẩm sống thọ và có ảnh hưởng nhất của mình. Kinh Điển Phật Giáo là một tuyển tập các kinh điển Phật giáo. Một số kinh thuộc giáo phái Theravada nhưng chiếm phần lớn là tuyển tập các giáo li Thiền, Zen, Kagyu (Thiền Tây Tạng.) Goddard, cùng với sự hợp tác của một tì kheo Trung Hoa tên Wai-tao, phiên dịch và biên tập Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cương, Kinh Nhập Lăng-già, cùng các kinh điển Đại thừa có ảnh hưởng khác.

Goddard viết, “Kinh Điển Phật Giáo không được viết để làm một sách tham khảo cho lịch sử văn hoá và nghiên cứu lịch sử.” Đúng hơn, nó “được thiết kế nhằm chứng tỏ tính hư ảo của mọi khái niệm về cái ngã.” Mục đích của nó là “để đánh thức lòng tin vào Phật giáo như là cái ngã và bản chất đích thực; để đốt lên khát vọng nhận thức bản chất Phật đích thực; để tiếp thêm sinh lực cho nỗ lực đi theo Chính Đạo, để trở thành Phật.”

Ít nhất sự thành công một phần của Kinh Điển Phật Giáo là thước đo lòng sùng đạo và sự dâng hiến của Goddard. Khởi đầu tự xuất bản  từ Thetford, Vermont, Kinh Điển Phật Giáo đã được tái bản nhiều lần. Theo Huston Smith, “Không có tuyển tập nào khác chiếm được chỗ đứng của nó . . . đối với độc giả tìm kiếm tính học thuật và ý nghĩa, độ rộng và chiều sâu – cả bốn đặc điểm – tôi không thấy có tác phẩm nào sánh bằng.”

VIII

  1. T. Suzuki và Beatrice Erskine Lane, một người tốt nghiệp Radcliffe và thành viên Hội Thông Thiên học, cưới nhau vào năm 1911 ở Nhật Bản. Cặp đôi sống trong một căn phòng nhỏ trong phức hợp Engakuji cho đến khi Soyen Shaku qua đời vào năm 1919. Sau đó họ chuyển về sống ở Kyoto, tại đó Suzuki dạy môn triết học tôn giáo tại Đại học Ontani. Tại đây ông sáng lập ra tạp chí tiếng Anh “đại thừa phi giáo phái,” Phật Tử Phương Đông, và vào năm 1927, nhà xuất bản Anh, River, cho in Thiền Luận của Suzuki (tập đầu tiên), nhiều phần đã được đăng lần đầu trong Phật Tử Phương Đông.

Việc ra đời Thiền Luận (tập 2 và 3 ra không lâu sau đó) củng cố tiếng tăm của Suzuki tại Anh, và vào năm 1936 khi ông 70 tuổi, ông đến Anh để đọc diễn văn trong Hội nghị Tôn giáo Thế giới.

  1. T. Suzuki gây ấn tượng cho nhiều người Anh do sự kết hợp duyên dáng giữa óc khôi hài và tính uyên bác, nhưng có lẽ cho không ai nhiều hơn là một thanh niên trẻ tên Alan Watts, người tìm thấy Suzuki gần như là (như ông viết trong hồi ký của mình) “con người nhã nhặn, và thâm trầm nhất mà tôi từng biết, bởi vì ông kết hợp kiến thức uyên áo nhất với tính giản dị tột cùng. “

Alan Watts, lúc đó là chủ biên tờ Phật Giáo ở  Anh Quốc, ra đời năm 1911 tại làng Chislehurst, Kent. Vậy mà ngay từ nhỏ “phương Đông” thực sự có mặt trong cuộc sống của ông. Mẹ của Alan là một giáo viên tại ngôi trường nuôi dưỡng con gái của các nhà truyền giáo, nên Alan lớn lên luôn bao quanh bởi hình ảnh và đồ cổ mà cha mẹ các cô gái tặng cho mẹ cậu. Thú ham đọc sách thuở nhỏ lôi kéo cậu đi xa hơn. Nhân vật Kim của Kipling khiến cậu có cảm tưởng ở Phật giáo có nhiều điều hay họ hơn ở Ki tô giáo, và bất cứ lúc nào bắt gặp được một mẫu tượng Đại Phật trong một tiệm bán đồ lưu niệm, cậu liền mua nó ngày lập tức, nhận thấy nét mặt Phật “không biểu lộ phán xét hay điên cuồng, mà uy nghi và thanh tịnh.”

Lúc chàng trai Watts gặp được ông Francis Croshaw, ông ta đi đến kết luận rằng lối sống quy ước của Anh, có thể đúc kết là mũ quả dưa và các công việc từ sáng đến chiều ở London,  không thich hợp với Watts. Ông Croshaw có một thư viện dồi dào, ông cho Watts mượn cuốn  Đạo Phật của Edwards Holmes, cũng như cuốn Lượm Lặt trong Cánh Đồng Phật Pháp của Lafcadio Hearn, ban cho Watts “một vũ trụ quan khác biệt với vũ trụ quan mà tôi thừa hưởng thuyết phục đến nỗi tôi quay quắt đi khỏi mọi điều tôi đã được dạy dỗ là phải tin tưởng như một thẩm quyền.” Cậu  cũng tìm thấy, kẹp trong trang sách của Holmes là một cẩm nang nhỏ màu vàng về Phật giáo của Christmas Humphreys, một luật sư ở London, vốn là ánh sáng dẫn đường của tổ chức Buddhist Lodge ở London.

Watts viết thư cho Humphreys. Tiếp theo là dòng trao đổi thư từ đầy phấn chấn, và ở tuổi 15, Watts quyết định mình  “phải bước ra khỏi vòng áp bức của một Chúa Trời kỳ quái” và tuyên bố mình là Phật tử. Đó là thời gian trước khi cậu có thể gặp được Humphreys, và khi cuối cùng cậu đến được London tháp tùng cùng cha mình (cha cậu luôn theo sát những phát triển trí tuệ  của đứa con), các thành viên của tổ chức The Lodge vô cùng kinh ngạc khi thấy người bạn thư của mình chỉ là cậu thiếu niên 16 tuổi.

Watts không buồn nghĩ đến việc vào đại học. Thay vào đó, cậu dời xuống London, tại đó cậu tiếp tục đọc ngấu nghiến – D. T. Suzuki, Blavatsky, Nietzsche, Havelock Ellis,  Bernard Shaw, Lafcadio Hearn, Dwight Goddard,  Carl Jung. Cậu in một cẩm nang nhỏ màu vàng về Thiền, chắt lọc các bài giảng viết rải rác của Suzuki, và đảm nhận biên tập tờ báo của The Lodge, Phật Giáo ở Anh Quốc (sau này đổi tên là Trung Đạo.)

Ở The Lodge cậu gặp đủ hạng người. Tai-hsu, nhà cải cách Phật giáo người Hoa,  đang phấn đấu cách tân tăng già Trung Hoa,  Nicholas Roerich,  hoạ sĩ Nga, nhà thần bí học và Tây Tạng học, Krishnamurti, người thừa hưởng ngọn đuốc Thông Thiên học từ tay bà Annie Besant, và rồi khước từ nó, và Frederic Spiegelberg, nhà Đông phương học Đức. Tất cả bọn họ, dường như, đều ghé qua London, trên đường đến nước Mỹ.

Chính tại thời điểm này, lúc Watts vừa 21 tuổi,  mà D.T. Suzuki xuất hiện tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới, và cũng tại thời điểm này, mà Watts gặp gỡ “một thiếu nữ trẻ tài năng và sống động,” có tên Eleanor Everett. Eleanor đến London để học dương cầm, vừa từ Nhật về, đi cùng với mẹ, một phụ nữ có thần thái  và ấn tượng, tên Ruth Fuller Everett.

Ruth Fuller Everett là vợ một luật sư tiếng tăm ở Chicago,  Charles Everett. Bà có một thời gian lui tới Nyack, một ẩn thất tâm linh ở New York, của một gã  Pierre Bonnard nào đó, dạy hatha yoga và “bùa chú.” Có lẽ chính tại mật thất này mà lần đầu tiên Ruth Fuller nghe nói về Thiền. Năm 1930, trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới, bà và chồng ghé qua Nhật, tại đây bà được giới thiệu với D. T.  Suzuki. Ông trao tặng bà một bản sách Thiền Luận (tập 2) và hướng dẫn bà các nguyên tắc cơ bản của việc tọa thiền.

Hai năm sau bà trở lại Nhật, và lần này Suzuki giới thiệu bà với Thiền sư Nanshinken dòng Lâm Tế của Chùa Nanzen. Được phép tham gia tọa thiền sáng  cùng các tăng sĩ, bà lưu lại chùa ba tháng rưỡi. Mục đích của bà, như bà nhớ lại sau này, là để xem, bằng cách thực tập theo đúng phương pháp được học tại thiền đường, liệu phương pháp này có mang lại kết quả cho người nước ngoài hay không.”

Câu hỏi này chắc chắn được trả lời trong dạng khẳng định, bởi vì khi bà định cư ở New York năm 1938 bà trở thành người hậu thuẫn chính của nhóm Sokei-an, Hội Phật Học Hoa Kỳ, cũng như làm biên tập cho tờ báo của Hội, tờ Cat’s Yawn.  Cùng năm đó Watts và Eleanor Everett làm lễ cưới tại Nhà thờ Parish ở Earl’s Court, cho dù cả Eleanor và Ruth, và Alan và cha ông (lúc đó đã trở thành thủ quỹ của The Lodge) đều là Phật tử. Một hôn lễ kiểu Phật giáo dường như khó được nhìn nhận về mặt xã hội.

Không lâu sau hôn lễ, Watts và Eleanor đến New York. Họ sống trong căn hộ liền kề với căn hộ của Ruth trên đầu Phố West Side, sát với căn hô-chùa nhỏ của Sokei-an trên Phố West 74. Vì Sokei-an là thiền sư duy nhất có sẵn, nên Watts tạm thôi gác bỏ giấc mộng “con sói cô độc ” và xin Sokei-an nhận mình làm môn đệ.

Hai người làm việc với nhau trong vài tuần,  nhưng Watts cảm thấy không thoải mái với phong cách giảng dạy của Sokei-an nên ngưng tham gia vấn thiền. Trước hết là vì Sokei-an sử dụng hệ thống công án của Hakuin, thiền sư dòng Lâm Tế thế kỷ 18, người đã hệ thống hóa cách nghiên cứu công án. Theo Watts hiểu,  thì phương pháp này đòi hỏi mỗi  công án phải được “giải đáp một cách đặc biệt – dường như không khác gì mò kim đáy biển.” Ông thấy mình ưa thích hơn nhiều phương pháp thiền ngẫu hứng của Bàn Khuê, và các thiền sư Trung Hoa như Huệ Năng và Mã Tổ.

Watts cũng cảm thấy kỳ lạ khi Sokei-an không dạy phong cách  tọa thiền chính thức, cũng không tổ chức các buổi tiếp tâm tọa thiền tại cơ sở của mình. Nếu Watts và các học viên khác có nhận được hướng dẫn nào về phong cách tọa thiền chính thức, thì đều là nhờ đến Ruth Fuller Everett. Sokei-an vẫn thấy hài lòng khi có học viên ngồi trên ghế trước buổi thuyết giảng. Nhưng khi Ruth Everett trở thành một thành viên tích cực hơn, bà bắt đầu “chỉ trích ông ta, cụ thể về việc tọa thiền.” Cuối cùng, ông chịu thua, và lấy làm hài lòng khi thấy các học viên hăm hở ngồi bắt tréo chân trên tọa cụ dưới sàn phòng. Dưới sự thúc giục của Ruth Everett, các học viên trẻ nhiệt tình bắt đầu có mặt đúng 8 giờ để thực hành tọa thiền sáng.

Tuy nhiên, chính trong vấn thiền và đề xướng mà Sokei-an tỏ ra ấn tượng nhất. “Sokei-an là bậc thầy xuất sắc nhất về vấn thiền,” Ruth Everett viết. “Ông hoàn toàn xuất thần khi ngồi trên ghế thiền sư. Bạn có cảm tưởng trước mặt bạn không phải là một con người mà là một nguyên tắc tuyệt đối mà bạn phải đứng lên chống lại.”

Trong những năm gần đây, khi tôi được hỏi liệu chúng tôi có được hướng dẫn về Thiền không [Mary Farkas nói], câu trả lời được xem xét của tôi phải là “không”. Đối với những ai trong chúng tôi nhận được sự giảng dạy của thầy, thì cái từ “hướng dẫn” là từ không đúng, bởi vì cách ông truyền Pháp thuộc về một bình diện hoàn toàn khác .  . . Tất nhiên,  chính sự IM LẶNG của ông đã đưa chúng tôi vào trong PHÁP cùng với ông. Nó như thể, bằng cách tạo ra một khoảng trống không, ông kéo tất cả làm MỘT đi theo ông.

Sokei-an nói cực kì chậm; những lúc ngừng nói kéo dài dường như vô tận. Giọng nói của ông trang trọng – một trở ngại đổi với một số người,  thú vị đối với số người khác, như Mary Farkas nhận xét, nhưng lối đề xướng của ông thì luôn ấn tượng. Và bà giải thích:

Sokei-an không chỉ đóng vai con người, mà còn muông thú, chất khoáng, và cây cỏ nữa. Đôi khi ông là ngọn núi vàng sừng sững, có lúc là con chó sói trên thảo nguyên. Những lúc khác một công chúa Trung Hoa yểu điệu hoặc một kỹ nữ Nhật sẽ xuất hiện trước mắt ta  . . .  Có điều gì đó giống như búp bê Joruri của sân khấu truyền thống Kabuki, điều gì đó có tính kiếp sau của kịch Noh, điều gì đó giống truyện thần tiên cho thiếu nhi, điều gì đó thuộc nước Nhật cổ xưa. Vậy mà tất cả đều phổ quát như tiếng oa oa của hài nhi vừa ra đời.

Trong lúc này Watts đã quyết định “học với Sokei-an mà không để ông biết.” Nói cho cùng, Watts có cơ hội bất thường nhất để quan sát một bậc thiền sư “ngay trong sinh hoạt thường nhật của ông,” Vì Sokei-an thường đến thăm khách sạn nơi có căn hộ của  gia đình Watts và bà Ruth Everett. Watts nhận xét,  ngoài những việc khác, Sokei-an không bao giờ bồn chồn, hoặc có những cử chỉ lịch sự cuống quýt của một người Nhật bình thường, mà đi đứng khoan thai và ung dung, với vẻ thoải mái  nhưng rất chú tâm đến những gì diễn ra chung quanh. Sokei-an và Ruth Everett bắt đầu dành nhiều thì giờ bên nhau. (Chồng bà, Charles Everett đã mất vào năm 1940.) Ruth đang làm việc miệt mài với Sokei-an để dịch bộ Viên giác kinh, và cùng tham dự các cơ hội giao lưu xã hội khác. 

Watts bắt đầu mở các hội nghị chuyên đề ở New York.  Ông gửi thư mời đến Hiệp hội Tâm Lý Phân Tích theo Jung ở New York và nhận được 5 sinh viên đến dự chuyên đề về “Tâm Lý Học về sự Chấp Nhận.” Tin tức lan rộng, và chẳng bao lâu có thêm nhiều sinh viên đến dự, một biên tập viên của tờ Harper ghé qua nghe, và cuốn sách đầu tiên của ông xuất hiện, Ý Nghĩa  của Hạnh Phúc, (tựa nhỏ là Truy Tìm Tự Do Tinh Thần trong Tâm Lý Học Hiện Đại và Trí Tuệ Đông Phương.) Tác phẩm được báo Times và các báo khác có bài phê bình tích cực, nhưng nó không phù hợp với tâm trạng đương thời. Quân đội Đức đã vượt biên giới vào nước Pháp.

IX

Tháng 11, 1941, Sokei-an và Viện Thiền Thứ Nhất dời về địa chỉ mới trên Phố East 65 do Ruth cung cấp. Sokei-an nói đây là thời kỳ làm việc thứ hai của mình ở New York. Vào ngày 7/12, Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công. Một vài ngày sau FBI bắt đầu gom hết các phần tử Nhật có nguy cơ gây rối loạn. Các nhà sư được chú ý đặc biệt, và Hội Phật Học Hoa Kỳ bị đặt dưới sự giám sát cẩn mật 24 giờ một ngày mà Sokei-an và học viên không hề hay biết. Cả Sokei-an và bà Ruth bị FBI thẩm vấn gắt gao, nhưng các buổi học vẫn được.phép tiếp tục. Rồi, vào ngày 15/7/1942, Sokei-an bị đưa vào trại tập trung.

Sokei-an không ở trong tình trạng sức khỏe tốt và tình trạng trong trại khiến vấn đề còn tệ hơn. Ông giết thời gian bằng việc khắc chạm một chiếc gậy có hình rồng, và mang tặng vị đại tá chỉ huy trại. Chính nhờ đánh nhau, Sokei-an nói với các học viên sau này,  mà con người đâm ra hiểu nhau hơn.

Ruth thuê một luật sư đắc địa đồng thời cũng là học viên trước đây của Sokei-an, George Fowler, bấy giờ là một chỉ huy trong hải quân, ra làm chứng có lợi cho ông. Sokei-an được thả ra, và ông cưới bà Ruth Everett vào năm 1944. Nhưng sức khoẻ của Sokei-an sa sút nhiều trong thời gian bị giam giữ. Ông thường nói, “Thật là một cái chết buồn cho một thiền sư khi không để lại người thừa kế,” và bây giờ ông ước gì có thêm 5 năm để hoàn tất công việc ông đã bắt đầu cách đây 40 năm ở Mỹ. Tuy nhiên, ông giao cho Ruth Fuller Sasaki (Sasaki là họ của Sokei-an) hai nhiệm vụ: ông nhờ bà tìm một nhà sư dòng Lâm Tế ở Nhật để thay thế ông ở Hội, và ông muốn bà hoàn tất bản dịch Lâm Tế Nghĩa Huyền của ông, một công việc mà chỉ có người đã hoàn thành khóa học Thiền chính thức mới đảm đương được. Đã lo cho tương lai tốt như có thể, Sokei-an ra đi vào ngày 17/5/1945. “Tôi đã luôn luôn tuân theo mệnh lệnh của Tự Nhiên,” ông nói, “và giờ tôi xin nhận lệnh.”

X

Vào những ngày sau Trân Châu Cảng, mọi thứ “dính dáng đến Nhật ” đều gây ngờ vực. Mới đầu chỉ những lãnh đạo tại các cộng đồng Nhật trên Bờ Thái Bình Dương mới bị bắt và giam giữ. Các tu sĩ Phật giáo đặc biệt được tách ra riêng. (FBI không phân biệt giữa tu sĩ Phật giáo  và Thần đạo, cả hai đều được xem là trung thành với Nhật Hoàng. Các giáo viên tại các trường Nhật, các biên tập báo và bất kì ai có liên quan đến các câu lạc bộ võ thuật hoặc các tổ chức văn hoá Nhật khác cũng đều bị gom hết.

Khi tổn thất của Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương tăng lên, dân chúng kêu gọi đuổi bỏ bọn Nhật ra khỏi vùng bờ biển Tây. Thỉnh thoảng các tàu ngầm Nhật được phát hiện ngoài khơi Santa Barbara càng làm đấy lên nỗi hoảng loạn. Các tin đồn về Đạo quân Thứ Năm của Nhật tham gia vào việc phá hoại và gián điệp lan khắp Bờ Thái Bình Dương. Thật ra, không có tình huống phá hoại và gián điệp nào của Nhật được phát hiện. Thậm chí điều này cũng được sử dụng để củng cố lời kêu gọi chống lại người Mỹ gốc Nhật, và Earl Warren, lúc đó là Tổng Chưởng lý tại California, lập luận rằng người Nhật đơn giản chỉ là đang chờ đợi cho đến khi họ có thể giáng trả “với hiệu quả tối đa.” Ngay cả những người tin rằng các cộng đồng Mỹ gốc  Nhật vẫn trung thành với Mỹ cũng lập luận rằng, nếu xem xét tình hình, thì việc đuổi người Nhật khỏi Bờ biển Tây cũng khiến họ an toàn hơn. Sự kiện có nhiều người Nhật là công dân Mỹ dường như không quan trọng.

Vào ngày 19 tháng 2 năm 1942, Tổng thống Roosevelt, nghe theo lời khuyên của Tướng John Dewitt của Chỉ huy Phòng thủ Miền Tây, ký sắc lệnh 9066. Thình lình thần bí cộng đồng Nhật ở Bờ Tây được lệnh trình diện tại các trung tâm kết tập để “tái định cư.” Cưa tiệm phải đóng cửa, nhà cửa bị bỏ lại, nông trại và vườn trái cây cho thuê lại, và đồ đạc bị bán tháo – tất cả với một tổn thất tài chính to lớn. Cú sốc và nỗi xấu hỗ của việc bị tái định cư thình lình – vốn là “thiệt hại tâm lý” – không thể tính toán hết được.  Vào năm 1943, 110,000 người Mỹ gốc Nhật, công dân hay không phải là công dân, trẻ em và người già, đã được dời vào các trại tập trung bảo quanh bởi hàng rào kẽm gai, tháp canh và lính canh có vũ trang.

Nyogen Senzaki được chuyển đến Núi Heart, một trại tập trung trong sa mạc Wyoming cùng vơi 10,000 người khác. Tuy nhiên,  ông nghĩ rằng việc tái định cư có thể được xem là một ví dụ về phong trào về hướng đông của việc hoằng pháp. “Một chính quyền phải thực thi chính sách của mình không chút tình cảm,” ông viết trong một bài thơ:

Tất cả mọi gương mặt Nhật sẽ rời California để ủng hộ chính quyền của họ

Sáng nay đoàn tàu uốn khúc, như một con mãng xà đen lớn

Mang chúng tôi đi xa tận Wyoming.

Trào lưu của tư tưởng Phật giáo luôn chảy về đông.

Chính sách này có thể  thúc đẩy khuynh hướng hoằng pháp.

Ai biết được?

Thật ra đó là một thời điểm đầy những ngờ vực. Trước khi rời Los Angeles Senzaki đã gửi bộ cà sa cho một học viên Mỹ, vì ông không biết chừng nào mình trở về. Nhưng ông mang theo thiền đường của mình vào trại tập trung. Ông lập một khoảng tọa thiền trong cabin nhỏ (20 x 20 bộ) mà ông chia sẻ với một gia đình khác có một con nhỏ. Có thể đến 10 đến 12 người tham gia tọa thiền và nghe ông giảng pháp. “Họ là những người di tản hạnh phúc và mãn nguyện nhất trong trại này,” ông viết cho một số học viên cũ người Mỹ, khoảng 20 den 30 người,  vẫn còn liên lạc thư từ với ông. (Ông cũng xoay sở mỗi tháng gửi một một bài pháp cho các học viên Mentogarden.)

Nakagawa Soen dự tính sẽ đến thăm Senzaki ở Los Angeles vào năm 194. Giờ thế chiến khiến việc này là không thể, nhưng hai người đàn ông, vốn chưa hề gặp nhau, đồng ý quay mặt hướng về nhau qua khoảng cách một đại dương tạo một thời điểm hẹn trước vào ngày 25 mỗi tháng (ngày vía Đại Thế Chí Bồ tát) và cúi đầu chào nhau. Phải mất hơn một cuộc chiến làm họ xa cách nhau.

Vào 2/7/1945, Tối cao Pháp viện ra lệnh cấm hạn chế thêm nữa đối với người Mỹ gốc Nhật. Hơn 40,000 người Nhật đã bị buộc tái định cư tại những nơi như Colorado, Illinois và Utah. Những người Nhật trở về Bờ Tây bỗng thấy những vùng lân cận nơi mình sông trước đây tràn ngập người di dân mới từ miền Nam và Mexico. Đối với ai thắc mắc muốn tìm hiểu, rõ ràng các thanh niên Nhật thuộc thế hệ thức 1, thứ 2 đã chứng tỏ được lòng trung thành của mình với nước Mỹ trong các điều kiện ngặt nghèo nhất. Hồ sơ quân sự của Trung đoàn Tác chiến 442 toàn người Nhật – một trong những đơn vị hi sinh nhiều nhất và được tưởng thưởng nhiều nhất trên chiến trường Âu châu – đã chứng minh điều đó.

Nhưng cũng còn nhiều người không buồn quan tâm.  Nhưng nông trại được cho thuê đã bị bỏ hoang, vườn cây ăn trái tốn nhiều năm chăm sóc đã chết khô. Chùa Nhật Liên ở Los Angeles, nơi hơn 600 gia đình đã cất giữ vật dụng của mình, đã bị cướp bóc.

Senzaki trở lại Los Angeles và tạm thời cư trú tại nhà của các học viên. Một lần nữa, ông lại vô gia cư như lần Soyen Shaku đã đi với ông qua Cổng Vàng vào năm 1905, và giờ đây,  vào ngày 29/10/1945, ông đánh đấu ngày giỗ của sư phụ, như ông thường làm mỗi năm, bằng một bài thơ:

Hơn 40 năm rồi tôi không nhìn thấy

 Sư phụ, Soyen Shaku, bằng xương bằng thịt.

Tôi đã giữ Thiền của thầy trong nắm tay trống rỗng,

Không ngừng lang thang trên đất nước kỳ lạ này

Chỉ là một người vừa từ chốn di tản trở về,

Tôi không thể lập được thiền đường

Để các môn đệ của thầy có thể kỷ niệm

Hai mươi sáu ngày mất của người.

Trận mưa lạnh rửa tinh khiết mọi thứ trên mặt đất

Trong thành phố Los Angeles rộng lớn,  hôm nay.

Tôi xòe các ngón tay, mở rộng nắm tay

Nơi góc phố vào giờ cao điểm buổi chiều.

Sokei-an trong căn hộ của mình vào cuối thập niên 1930

Nyogen Senzaki và Nakagawa Soen

Ruth Fuller Everett (sau này là Sasaki) và Georgia Foreman ở Nhật 1933-1934

Christmas Humphreys, Alan Watts và D. T. Suzuki trong khách sạn Rembrandt ở London, năm 1958

 

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s