Một người Mỹ viết sách về lịch sử Hà Tiên

Trang bìa của quyển sách « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn », trong quyển sách nầy nhà hàng hải Alexander Hamilton có viết ông có ghé bến Mang Khảm tức Hà Tiên vào năm 1720 và có mô tả vùng Hà Tiên bị điêu tàn sau trận giặc Xiêm đánh). 

Patrice Trần Văn Mãnh

A/ Khái quát về sách viết về lịch sử vùng Hà Tiên:

Trong vòng 20 năm trở lại đây, trên địa bàn sách báo về văn hóa lịch sử đất Hà Tiên có xuất hiện nhiều bài báo rất phong phú về tư liệu nghiên cứu và rất có giá trị về phương diện tìm hiểu chính xác các yếu tố lịch sử. Các bài báo đăng đàn thảo luận về lịch sử Hà Tiên nầy đã được tổng hợp lại và xuất bản thành sách, ta có thể lược qua như sau:

1/ « Nhận thức mới về đất Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2001

2/ « Nghiên cứu Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2008

3/ « Họ Mạc với Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, 2017

Ba quyển sách mới nhất trong lãnh vực nghiên cứu về Hà Tiên kể trên là ba quyển sách được nhiều độc giả đón nhận và hiện nay đã cạn trên thị trường sách vì chưa được tái bản. Riêng mình có may mắn đã tìm mua được quyển 2 và được tác giả tặng quyển 3. Những bài do mình viết trên Blog nầy phần lớn dựa trên các thông tin của hai quyển sách kể trên. Có thể nói thầy Trương Minh Đạt đã tạo ra một bước ngoặc rất lớn trong quá trình tìm hiểu đất Hà Tiên vì qua các bài viết trên các quyển sách, thầy đã đưa ra nhiều minh chứng để sửa sai nhiều yếu tố trong việc hiểu biết về lịch sử Hà Tiên, những điểm được chỉnh sửa nầy phần lớn xuất phát từ vài sự lầm lẫn, việc đồng hóa sự kiện lịch sử với các câu chuyện do dân gian kể lại hay từ các tác phẩm dã sử pha trộn nhân vật lịch sử có thật và các yếu tố hư cấu để tăng phần lôi cuốn cho câu chuyện…Từ những năm 60, vì không có sách vở tiếp tục nghiên cứu về thực tế, các điểm sai lầm nầy đã được chuyên chở, truyền tụng qua nhiều thập niên nên ngày nay nếu muốn tìm hiểu về vùng đất Hà Tiên ta nên cẩn thận và phải đối chiếu thông tin một cách phong phú hơn để có được cái nhìn đúng đắn.

Từ giữa thế kỷ thứ 20 trở lại đây, số học giả quan tâm nghiên cứu về Hà Tiên có rất ít. Trong nước ta có thể kể ra thầy giáo Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906 – 1966), ông Trần Thiêm Trung, nhà nghiên cứu Vũ Văn Kính (1919 – 2009)…Ở ngoài nước có các học giả Emile Gaspardone (1895-1982), Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa: 1918-1995),…

Ngoài ra cũng có một số bài viết rất xưa của các tác giả nước ngoài nhắc nhở nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng Hà Tiên như: Pierre Poivre, Alexander Hamilton,…Nội dung các bài viết nầy tuy không đi sâu vào chủ đề lịch sử vùng Hà Tiên nhưng có nhiều yếu tố giúp các nhà nghiên cứu xác định hoặc bác bỏ các chi tiết bàn cải về niên đại và biến cố lịch sử Hà Tiên.

Hai tài liệu do người Tây phương viết có liên quan đến lịch sử Hà Tiên và đáng chú ý nhất đó là:

a/ « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn »).

b/ « Un Chinois des mers du Sud, le fondateur de Ha-Tien »: tác giả Emile Gaspardone, Paris 1952. (« Một người Trung Hoa ở vùng biển Nam Hải, người sáng lập xứ Hà Tiên »).

Tác giả người Pháp Emile Gaspardone đã nhận xét về quyển sách của tác giả Alexander Hamilton như là một tài liệu viết xưa nhất về vùng đất Hà Tiên.

Ngoài ra trong những năm đầu thập niên 80 gần đây cũng có xuất hiện một quyển sách viết về lịch sử Hà Tiên, do một người Tây phương đã từng có thời gian sống ở Hà Tiên viết ra sau khi ông nầy rời Việt Nam trở về nước. Để thu nhặt được đầy đủ tư liệu, hình ảnh cho quyển sách của mình, tác giả nầy đã tham khảo, trao đổi với rất nhiều vị thân hào, nhân sĩ đất Hà Tiên thời ông đến đây. Chính ông cũng đã nhiều lần đặt chân thăm viếng đền thờ, những ngôi mộ cổ, những mảnh tường dầy đổ vỡ, những vết tích tàn lụn ngày xưa ngay tại Hà Tiên và ông đã đặt ra rất nhiều câu hỏi với các người bạn gốc Hà Tiên về đủ mọi chi tiết về lịch sử Hà Tiên, về gia đình họ Mạc, qua đó ông rất có ấn tượng và rất thích thú được đặt chân đến tận nơi một vương quốc trong quá khứ mà vị trí chỉ là một góc nhỏ ở nơi nào đó xa xôi của miền Viễn Đông.

Tác giả của quyển sách cận đại về lịch sử Hà Tiên nầy tên là Nicholas Sellers và quyển sách có tên « The Princes Of Hà-Tiên (1682 – 1867) ». (Những Ông Hoàng của đất Hà Tiên).

Trên bìa chính của quyển sách còn có ghi một tiểu đề như sau: « The Last of the Philosopher-Princes and the Prelude to the French conquest of Indochina: A Study of the Independent rule of the Mac Dynasty in the Principality of Ha-Tien, anh the  establishment of the Empire of ViêtNam ». (Người cuối cùng trong các ông Hoàng triết gia và khúc dạo đầu cho cuộc chinh phục Đông Dương của Pháp: Nghiên cứu về quyền cai trị độc lập của nhà Mạc ở vương quốc Hà-Tiên và sự thành lập đế chế Việt Nam). Nhà xuất bản Thanh-Long, Bruxelles, nước Bỉ, năm 1983. Quyển sách nầy gồm 186 trang và là quyển thứ 11 trong tập nghiên cứu Đông Phương của nhà xuất bản nầy. (Etudes Orientales N°11).

B/ Hoàn cảnh ra đời của sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) »:

Trước khi đến Việt Nam trong đơn vị Lực lượng đặc biệt, ông Nicholas Sellers còn là một trợ lý luật sư ở Tòa án Philadelphia, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ông có mặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc tỉnh Kiên Giang tổng cộng trong thời gian 2 năm, với cấp bậc Đại Úy. Có một lần khi đi qua vùng Cần Thơ, ông đã để ý đến một ngôi đền cổ xưa và với con mắt của người du lịch ông nghĩ rằng ngôi đền đó tượng trưng cho một tinh thần của nền cổ đại phương Đông. Tuy nhiên khi hỏi thăm người địa phương thì mới biết ngôi đền nầy chỉ mới được xây dựng vào năm 1930, không phải cổ đại cho lắm. Sau một thời gian ngắn phục vụ ở Phú Quốc, ông đến Hà Tiên năm 1967 và đóng quân tại trại Biệt Kích Tô Châu (nơi mà ngày xưa người Hà Tiên thường gọi là « Trung Tâm », đây là ngôi trại nằm ở khúc qua khỏi ngọn núi Đại Tô Châu, khoảng ở cây số 2 tính từ chiều Hà Tiên-Kiên Lương, trại được thành lập vào tháng 2 năm 1963), tại đây ông giữ trách nhiệm chỉ huy trưởng của trại Biệt Kích Tô Châu.

Dưới con mắt và sự hiểu biết của Nicholas Sellers vào lúc đó, Hà Tiên là một nước nhỏ, độc lập và do một người thám hiểm Trung Hoa thành lập vào những năm cuối của thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Trong thời gian đóng quân ở trại Tô Châu, Hà Tiên, ông đã chú ý rất nhiều đến những di tích của vương quốc Hà Tiên nầy, ông đã thấy tận mắt những bức tường của tòa thành cổ, hai ba ngôi đền xưa còn đứng vững hoặc đã đổ nát, các ngôi mộ của các hoàng tử thời xa xưa… tất cả đối với ông như là những yếu tố nhắc nhở về những năm tháng vinh quang của một Hà Tiên cổ xưa…khiến cho Nicholas Sellers cảm thấy rất thích thú đến mức ông nghĩ mình là một du khách viếng thăm Hà Tiên hơn là một người lính đang làm nhiệm vụ ở đây…Được sự cảm thông và khuyến khích của vị Đại Úy cựu chỉ huy trưởng trại Tô Châu trước ông, Nicholas Sellers bắt đầu tìm hiểu một cách thực tế về lịch sử Hà Tiên. Ông tìm và hỏi rất nhiều chi tiết với nhiều người quen biết trong số dân chúng ở Hà Tiên và đặc biệt ông được hưởng một sự giúp đở rất quý giá và to lớn của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Hà Tiên, đó là ông Quách Ngọc Bá.

Dĩ nhiên là việc làm nầy không phải là dễ dàng vì nhiều lý do: Nicholas Sellers là một quân nhân nên thời gian rảnh không có nhiều vì còn phải thực hành nhiệm vụ tuần tra, hành quân, chiến đấu…, hơn nữa hàng rào ngôn ngữ cũng gây nhiều trở ngại…Tuy nhiên vài tháng sau khi đến Hà Tiên, ông đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc với dân chúng địa phương ở đây, nhờ có vốn liếng tiếng Pháp của ông, ông có thể trò chuyện với nhiều người cao tuổi ở Hà Tiên, nhất là với ông Quách Ngọc Bá (và cũng nhờ đó Nicholas Sellers đã được ông Quách Ngọc Bá cung cấp cho quyển sách tương lai của ông về Hà Tiên những hình ảnh về chùa Tam Bảo, Lăng Mạc Cửu, Thạch Động, Đá Dựng,…v…v…). Nicholas Sellers tìm hiểu về đủ mọi đề tài khi nói chuyện với các người quen biết Hà Tiên: Ông hỏi về việc trồng tiêu, việc buôn bán gỗ, đốt than, về tôn giáo, về những con rắn hổ mang, những con đồi mồi, về địa lý và lịch sử Hà Tiên…Qua sự tiếp xúc phong phú nầy ông luôn được thỏa mãn với những câu trả lời của người dân địa phương, vì người dân Hà Tiên luôn tự hào về di sản cổ xưa và rất thích kể cho ông nghe những tư liệu truyền khẩu về lịch sử Hà Tiên. Chẵng những thế, Nicholas Sellers còn thu thập được rất nhiều thông tin về Hà Tiên dưới những hình thức khác như: bản đồ, hình ảnh, tài liệu quảng cáo du lịch của những năm 1930…Đó là những mầm mống tích lũy cho Nicholas Sellers về những khởi đầu trong sự hiểu biết về lịch sử Hà Tiên mà ông sẽ viết ra thành một luận văn trong khoảng thời gian rảnh rổi trong vòng 4 năm sau khi ông rời khỏi Việt Nam để về nước. Nicholas Sellers càng tìm hiểu về lịch sử vùng Hà Tiên ông càng ngạc nhiên vì theo kiến thức của ông, ông không thấy câu chuyện vè vương quốc nhỏ bé Hà Tiên này được ghi chép lại bằng bất cứ ngôn ngữ nào, cũng không thấy những ghi chú, thông tin tham khảo trong lịch sử nước Việt Nam hay kể cả những ghí chép ngắn gọn của những người đã từng thăm viếng Hà Tiên trong những năm xa xưa trong lịch sử. (Tuy nhiên đây chỉ là ý nghĩ của Nicholas Sellers vào thời điểm ông ở Hà Tiên 1967-1968, vì sau khi ông trở về nước Mỹ và trong vòng 4 năm sau đó ông đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu sách vở liên quan đến vùng đất Hà Tiên, khoảng 120 quyển sách viết bằng tiếng Anh, Pháp và Việt ngữ…)

Nguồn thông tin và tài liệu về lịch sử vùng Hà Tiên mà Nicholas Sellers thu thập được chủ yếu là do quan sát và tìm hiểu tại chỗ, ngoài ra ông còn được ông Quách Ngọc Bá cho xem những bản thảo ngắn viết về Hà Tiên và xem bộ sưu tập hình ảnh tuyệt đẹp về Hà Tiên do nhiếp ảnh gia nầy thực hiện…Từ đó Nicholas Sellers bắt đầu nghiên cứu rộng hơn về lịch sử Đông Nam Á, những sự kiện về Hà Tiên thông qua các giao tế và chiến tranh giữa các nước lân cận như Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong công cuộc viết về lịch sử vùng Hà Tiên. Điều hiển nhiên dễ thấy đó là những khoảng trống trong lịch sử Hà Tiên, điều kế tiếp là sự thiếu vắng những tài liệu gốc mà một nhà sử học thường đòi hỏi phải có trước mắt mình để viết, thí dụ như: nhật ký hải trình, thư từ giao tiếp, phán quyết tòa án hoặc của Triều Đình…v…v…Để khắc phục những khó khăn nầy, Nicholas Sellers tiếp tục mò mẫm, tìm kiếm cộng với sự lý luận thận trọng và tốt nhất để nối kết các sự kiện lịch sử lại với nhau một cách hợp lý và để giải thích sự kiện lịch sử.

Nicholas Sellers phục vụ ở trại Biệt Kích Tô Châu, Hà Tiên trong vòng hai năm từ 1967 đến 1968. Trong thời gian tại đây ông cũng bị thương nặng trong một cuộc chạm súng. Sau đó ông được đưa về nước Mỹ và ra khỏi quân đội. Trong thời gian về quê ở tiểu bang Pennsylvania, trong cuộc sống dân sự, ông đã tiếp tục sự nghiệp trong ngành luật, ông lấy được văn bằng Thạc sĩ về Luật (Master of Laws hay theo các nước anglo-saxons, người ta gọi là văn bằng LL.M = Latinh Legum Magister vào năm 1974 tại trường Đại Học Pennsylvania). Trong luận văn để đạt được văn bằng nói trên, chính Nicholas Sellers đã viết về lịch sử vùng đất Hà Tiên và sau khi lấy được bằng MA Laws, ông đã cho xuất bản luận văn nầy dưới hình thức một quyển sách, đó chính là quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » mà chúng ta đang nói ở đây.

Hiện nay Nicholas Sellers đã 85 tuổi và vẫn sinh sống tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Pennsylvania.

C/ Nội dung của quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » :

Như trên bìa của quyển sách xuất bản năm 1983 tại nước Bỉ (Belgique), có dòng tựa phụ tóm tắt nội dung quyển sách như sau: « The Last of the Philosopher-Princes and the Prelude to the French conquest of Indochina: A Study of the Independent rule of the Mac Dynasty in the Principality of Ha-Tien, anh the  establishment of the Empire of ViêtNam ». (Người cuối cùng trong các ông Hoàng triết gia và khúc dạo đầu cho cuộc chinh phục Đông Dương của Pháp: Nghiên cứu về quyền cai trị độc lập của nhà Mạc ở vương quốc Hà-Tiên và sự thành lập đế chế Việt Nam). Tác giả Nicholas Sellers đã lấy năm 1682 để bắt đầu cho lịch sử vùng Hà Tiên và năm 1867 để kết thúc cho giai đoạn lịch sử vùng Hà Tiên.

Năm 1682: Theo các tài liệu cận đại đã được giới nghiên cứu công nhận, Mạc Cửu đến Nam Vang (xứ Chân Lạp, Cao Miên) vào năm 1680.  Ông làm việc ở đây với chức vụ Ốc Nha. Đến năm 1689 thì nước Chân Lạp bị nội loạn, Mạc Cửu đi tị nạn sang bãi biển Vạn Tuế Sơn (Muang Galapuri) bên nước Xiêm. Vậy niên đại 1682 là lúc Mạc Cửu vừa đến nước Cao Miên và đang làm quan ở Nam Vang, có thể xem như là lúc Mạc Cửu bắt đầu sự nghiệp quan chức, nhưng ông chưa đến vùng Mang Khảm (tên xưa của vùng Hà Tiên).

Năm 1867: Đây là niên đại tương ứng với sự thất thủ Hà Tiên, trong một đợt thời gian mà nhà Nguyễn mất ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên). Sự kiện đó làm chấm dứt hệ thống hành chánh do người Việt Nam quản trị vùng Hà Tiên. Người Pháp bắt đầu đặt nền tảng cho bộ máy cai trị ở Hà Tiên. Chẳng những dòng họ Mạc đã không còn người đứng đầu cai quản đất Hà Tiên mà các viên quan chức người Việt Nam cũng không còn người nào làm chủ ở Hà Tiên nữa. Các ông Hoàng của vùng Hà Tiên theo Nicholas Sellers, thứ tự là:

           1/ Mạc Cửu (1655 – 1735)

           2/ Mạc Thiên Tứ (1718 – 1780)

           3/ Mạc Tử Sanh (1769 – 1788)

           4/ Mạc Công Bính (? – 1798)

           5/ Mạc Tử Thiêm (? – 1809)

           6/ Mạc Công Du (? – 1833)

           7/ Mạc Hầu Hy (? – ?)

           8/ Mạc Bá Bình (? – ?)

           9/ Mạc Tử Khâm (? – ?)

Một cách tổng quát, Nicholas Sellers nói qua về tính chất địa lý vùng Hà Tiên, sự thành lập các thôn xã từ khi Mạc Cửu chú ý đến vùng đất Mang Khảm, các cuộc xâm lăng tuy không liên tục nhưng thường xảy ra suốt chiều dài lịch sử của đất Hà Tiên. Ông cũng viết về Chiêu Anh Các của thời Mạc Thiên Tích và xem như một Hàn Lâm Viện của vùng đất Hà Tiên. Ngoài ra tác giả cũng viết về những giai đoạn khủng hoảng của vương quốc Hà Tiên trong bối cảnh chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, và kết thúc trong giai đoạn người Pháp chiếm Hà Tiên.

D/ Tìm sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » ở đâu?:

Ngay từ lúc xuất bản quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » do nhà xuất bản Thanh-Long, thủ đô Bruxelles nước Bỉ (Belgique) vào năm 1983, không biết là sách đã có mặt trên thị trường sách trong thời gian bao lâu, nhưng một thời gian sau thì quyển sách đã cạn và đã không được tái bản. Hiện nay chỉ có các thư viện của các trường Đại Học và các viện nghiên cứu trên các thành phố lớn ở nhiều nước còn lưu trữ mỗi nơi vài bản, độc giả chỉ có thể đến tại chỗ hoặc mượn về nhà để tham khảo. Ở Paris, nước Pháp, trường Đại Học Paris 7, ngành Văn Chương và Khoa học Nhân Văn (Université Paris-Diderot,  Lettres et Sciences humaines) có một bản của quyển sách nầy. Tác giả Nicholas Sellers xem tác phẩm của mình như là một sự đóng góp khiêm tốn cho những người du khách hoặc những sinh viên có lưu tâm đến lịch sử vùng Đông Nam Á, đặc biệt là vùng đất của Vương quốc Hà Tiên thuở xưa, để kỷ niệm những năm tháng ngắn ngủi vinh quang và độc lập của Hà Tiên…Tuy vậy, tên của quyển sách của Nicholas Sellers thường xuyên xuất hiện trong các sách nghiên cứu về họ Mạc và đất Hà Tiên với tư cách là thư mục nghiên cứu, điều nầy chứng tỏ quyển sách của ông có một giá trị nhất định, giúp cho các nhà nghiên cứu so sánh, minh chứng tạo ra cho việc tìm đến sự thật trong các sự kiện lịch sử nhanh chóng và chính xác hơn. Với cương vị một người con sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên, mình trân trọng cám ơn tác giả Nicholas Sellers đã từng yêu mến đất Hà Tiên, từng đến đây và tìm hiểu về lịch sử của quê hương mình và đã lưu lại cho thế hệ đi sau một tư liệu quý giá.

Trần Văn Mãnh, Paris, thứ năm, ngày lễ Thăng Thiên, 13/05/2021

                              


                                    

Trang 198 chương 48 của quyển sách « A new account of the East Indies »: tác giả Alexander Hamilton, Edinburgh, 1727. (« Một câu chuyện mới về vùng Đông Ấn », trong quyển sách nầy nhà hàng hải Alexander Hamilton có viết ông có ghé bến Mang Khảm tức Hà Tiên vào năm 1720 và có mô tả vùng Hà Tiên bị điêu tàn sau trận giặc Xiêm đánh). « In Anno 1720, I saw several of the Wracks, and the Ruins of the Town of Ponteamass » (Trong năm 1720, tôi nhìn thấy ngổn ngang những xác tàu chìm, và sự đổ nát của phố thị Hà Tiên). Người ngoại quốc thời xưa gọi Hà Tiên là tên Ponteamass.

                                                         

Hình trái: Bìa quyển sách: « Un Chinois des mers du Sud, le fondateur de Ha-Tien »: tác giả Emile Gaspardone, Paris 1952. (« Một người Trung Hoa ở vùng biển Nam Hải, người sáng lập xứ Hà Tiên »). Hình phải: Minh họa bìa của quyển sách « The Princes Of Hà-Tiên (1682-1867) » của NIcholas Sellers trên site Amazon nhưng đây không phải là bìa gốc của quyển sách xuất bản tại Bruxelles, nước Bỉ vào năm 1983 vì các quyển sách của lần xuất bản đầu tiên nầy đã cạn trên thị trường sách.

(Bài đã được đăng trên Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » ngày 13/05/2021)

Bình luận về bài viết này