Lộ Trình Cho Một Sự Thỏa Hiệp Mới

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian và Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Hoàng tử Faisal bin Farhan al Saud tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6 tháng 4 năm 2023

Đinh Tỵ biên dịch

Một thỏa ước khu vực có thể đạt được thành công tại nơi Hoa Kỳ từng hứng thất bại

Tròn 5 năm chẵn kể từ khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xé toạc thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi năm 2015 và hơn 2 năm kể từ khi tổng thống đương nhiệm Joe Biden sục sôi quyết tâm tái khởi động nó. Tuy nhiên mặc cho hy vọng tràn trề, Biden đã bất lực về kế hoạch tái sinh Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện Chung ( JCPOA ). Nguyên nhân thất bại nằm ở một phần nội các của ông, trong các đợt thương lượng sơ bộ, Biden có thái độ dè dặt ngại thúc ép Quốc hội hậu thuẫn một sáng kiến chính sách đối ngoại khuấy động nhiều tranh luận khi ông cần Quốc hội ủng hộ chương trình nghị sự nội địa. Thất bại đó cũng có phần Iran tỏ thái độ ngoan cố. Khi các cuộc đàm pháp đang ở thế giằng co, Tehran đột ngột rút lui khỏi bàn đàm phán và đòi hỏi nhiều yêu sách – một trong số đó có sự bảo đảm rằng chính phủ Mỹ kế tục sẽ không rút lui thỏa thuận lần nữa – điều mà Washington đơn giản không thể đáp ứng.  Hệ quả là kể từ tháng 9 năm 2022 chẳng có tiến bộ thật sự nào đạt được qua các cuộc đàm phán. Khoảng cách thông hiểu giữa hai bên ngày càng xa diệu vời.     

Tuy thế chương trình hạt nhân của Tehran hiện thời tiến bộ hơn trước nhiều. Theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran đã làm giàu uranium tới mức 84% – chỉ cần thêm 1% độ tinh khiết nữa sẽ tiến tới “cấp độ vũ khí” – đồng thời nước này đã tích trữ đủ nguyên liệu phân hạch được làm giàu đủ chế tạo nhiều quả bom. Theo đánh giá của các quan chức Ngũ Giác Đài, Iran có khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân có thể mang ra tác chiến chỉ sau một vài tháng. Chiến lược ngớ ngẩn của Trump dẫn đến hệ lụy tai hại, Iran trên thực tế là một quốc gia hạt nhân: một kẻ dẫn dắt cuộc chơi và một kẻ quyết định vận mạng chính trị do có năng lực tiềm tàng trong việc vũ khí hóa hạt nhân.   

Thậm chí nếu các cuộc thượng lượng được tái khởi động, JCPOA cũng chẳng thể nào được cứu vãn. Một phần là do chương trình hạt nhân của Iran quá tiến bộ không dễ gì bị bắt chẹt, phần nữa là môi trường chính trị tại phương Tây không thuận lợi cho phép các cuộc đàm phán diễn ra có ý nghĩa. Các cuộc phản kháng xã hội chống chính phủ nổ ra khắp nước Iran và phản ứng tàn bạo của Tehran đã bóp chết bất kỳ khao khát nào ở các nước tư bản tại Washington và Châu Âu mong mỏi tháo dỡ các lệnh trừng phạt Iran – vốn là một phần thiết yếu của một thỏa thuận. Tương tự như thế việc Iran hậu thuẫn Nga xâm lăng Ukraine khiến công luận phương Tây tức điên. Và thậm chí nhằm tái tục JCPOA, Washington không ngại xấu hổ lấy mũ che tai lệnh dỡ bỏ các lệnh cấm vận, không rõ liệu các lãnh đạo theo đường lối cứng rắn tại Iran có lưu tâm đến việc hoàn tất thỏa thuận với một nội các mà chưa đầy hai năm nữa có thể không còn tại vị hay không. 

Khi phần nhạc lễ cầu hồn đang diễn ra để tiễn biệt JCPOA chết nhưng chưa chôn, các chuyên gia hoạch định chính sách đang cố hoàn thiện kế hoạch B. Nhưng đơn thuốc của họ không khác gì các toa thuốc trước – trừng phạt và cô lập quốc tế, hành động phá hoại ngầm, thao diễn quân sự và đe dọa tấn công quân sự – các chiêu thức từng bị thất bại thảm hại mục đích kìm chế chương trình hạt nhân Iran trong suốt hai thập kỷ qua. Nhà Trắng dường như quan tâm với kiểu thỏa thuận “từ thua đến thua”, trong đó Hoa Kỳ cho bảo toàn hầu hết các lệnh trừng phạt của mình đồng thời đưa ra đề nghị gửi hàng cứu trợ cho Iran, đổi lại Tehran phải đóng băng các lĩnh vực phức tạp nhất trong chương trình hạt nhân của mình, chẳng hạn như làm giàu uranium cấp độ cao. Tuy nhiên cho đến nay, Iran tuyên bố thẳng thừng chẳng đếm xỉa đến kiểu thỏa thuận kiểu vậy.   

Nếu Hoa Kỳ và Châu Âu không muốn Iran trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu họ cũng chẳng muốn tấn công Iran vì ngại gây rủi ro chiến tranh, họ cần một đường lối tiếp cận ngoại giao khắc hẳn. May mắn thay, các sự kiện gần đây tại Trung Đông đã mở lối cho họ. Một thỏa thuận Mỹ-Iran có thể kém sáng sủa, nhưng các chế độ quân chủ tại các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập hiện đang có mối quan hệ hữu hảo với Iran, điều trước đó vốn bất khả – một thỏa thuận cấp vùng giải quyết đồng thời mớ hỗn độn của Iran tại các quốc gia Vùng Vịnh và chương trình hạt nhân của nó – là hoàn toàn có thể hình dung bây giờ. Không như JCPOA, kiểu thỏa thuận này sẽ tạo ra sự phòng ngừa từ các quốc gia cạnh Iran, biến thỏa thuận vững bền hơn. Thỏa thuận sẽ mang lại cho Iran gói cứu trợ kinh tế lâu dài hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Kìm chế chương trình hạt nhân Iran mà thỏa thuận mang lại không phải tạm thời mà là vĩnh viễn và có thể giảm đi sự chống lưng của Iran với các phe dân quân phức tạp đang hoạt động trong vùng. Nếu được thế, nó có thể mang đến sự ổn định hơn đến một phần thế giới đang hết sức kỳ vọng nó.

THẮNG LỚN HOẶC XÔI HỎNG BỎNG KHÔNG

Trong đường lối ngoại giao đối phó với Iran, phương Tây đã theo đuổi các thỏa thuận thiển cận nặng tính đổi chác. Nhiều điều khoản trong JCPOA, chẳng hạn như, sẽ bị loại bỏ dần đồng thời cố ý tránh né các vấn đề gai góc tầm khu vực, trong số đó có hồ sơ Iran rót tiền tài trợ các nhóm vũ trang, bởi vì các nhà hoạch định chính sách phương Tây tin rằng chẳng thể nào vừa chốt thỏa thuận hạt nhân vừa giải quyết rốt ráo các hồ sơ hóc búa khác. Vì thế họ quyết định, sẽ tốt hơn nếu như lo tập trung giải quyết đóng băng chương trình hạt nhân Iran trước đã, các vấn đề khác sau này bàn tiếp.

Nhưng lối tiếp cận thiển cận ấy chẳng còn tác dụng. Chương trình hạt nhân Iran đạt được những bước tiến lớn vì thế các hạn chế tạm thời và các đo lường minh bạch nhằm xoa dịu các quan ngại phương Tây và Israel chằng còn hiệu quả. Hoa Kỳ cũng đã khẳng định rằng nước này không thể giữ đúng cam kết, buộc phương Tây chẳng thể nào cung ứng cho Iran mối lợi ích kinh tế hiệu quả và bền vững mà người Iran tìm kiếm. Về phần mình, các nước Châu Âu tỏ ra bất lực không thể đáp ứng các hứa hẹn hợp tác kinh tế với Iran do Mỹ không ưng. Và thất bại của JCPOA càng lộ rõ rằng để thỏa thuận hạt nhân thực sự thành công thì Iran phải giảm thang căng thẳng các nước láng giềng cái đã. Khi JCPOA được hoàn tất năm 2015, Ả Rập Xê Út và các nước Tiếu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã xem thỏa thuận này như là tờ séc trắng, cho phép Iran can thiệp sâu hơn nội bộ khối Ả Rập và mở rộng hơn nữa chương trình tên lửa đạn đạo. Do đó họ hối thúc một Trump đồng cảm với họ xé bỏ thỏa thuận. Ông quờ quạng gật đầu cái rụp.

Những năm sau đó các quốc gia này mới ngộ ra giết chết thỏa thuận là một sai lầm tai hại. Kết thúc thỏa thuận khiến một Iran hằn học thậm chí hung hăng hơn, đồng thời ăn nói ngang ngược Iran từ đây chẳng ngại thằng tây nào trong chương trình hạt nhân của mình. Tuy các quốc gia Vùng Vịnh bất lực tái sinh thỏa thuận hạt nhân, nhưng nghịch lý thay, một Iran khiến họ mất ăn mất ngủ lại mang đến một thỏa ước lớn hơn, mang tầm khu vực, một triển vọng đầy hứa hẹn. Đó là vì, trong một nỗ lực nhằm kìm hãm các cuộc tấn công của Iran vào lãnh thổ của mình, kể từ buổi bình minh thế kỷ 21 đến nay các quốc gia Vùng Vịnh đã vồn vã bắt tay với Iran theo cách chưa từng có. Tháng 8 năm ngoái Kuwait và các nước Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã tái lập bang giao đầy đủ với Iran và tháng 3 năm nay, sau bảy năm ghẻ lạnh Iran và Ả Rập Xê Út đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm mối. Ý nghĩa thỏa thuận này mang lại là, đây là thời điểm hết sức thuận lợi để các ông lớn Trung Đông ( trừ Israel ) phát động một cuộc đối thoại cấp khu vực với Iran nhằm mục đích đạt được các mục tiêu mà các bên sẽ tham gia sau này khao khát: tăng cường hợp tác an ninh, mở rộng lĩnh vực mậu dịch và một Vùng Vịnh không sở hữu vũ khí hạt nhân.      

Để đạt được các mục tiêu đó, điều kiện tiên quyết mà Iran phải bảo đảm là không bành trướng quân sự khu vực, chẳng hạn như một cam kết không yểm trợ về tài chính hoặc quân sự cho các tác nhân phi nhà nước hoạt động tại Bán Đảo Ả Rập. Đổi lại, các quốc gia Vùng Vịnh tự cam kết không hậu thuẩn các nhóm phá hoại tính ổn định nhà nước Iran. Phương thức tiếp cận này cũng sẽ đòi hỏi tất cả các quốc gia thuộc vành đai Vùng Vịnh cùng đồng thuận hạn chế sự kiểm soát trong phát triển hạt nhân, kể cả Iran. Những quốc gia này có thể, chẳng hạn như,  từ bỏ vĩnh viễn mức độ làm giàu uranium trên mức 5%, thôi tái chế plutonium vĩnh viễn, và phê chuẩn  Nghị Định Thư Bổ Sung Hiệp Ước Cấm Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân – vốn cho phép các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc được quyền tiếp cận mọi địa điểm được tuyên bố trước và những địa điểm bất minh mà không bị ai làm khó. Để thỏa mãn các yêu cầu đó, Iran có thể trộn lẫn các kho chứa hiện hữu nguyên liệu phân hạch 20% và 60% xuống dưới mức 5% hoặc mang tàu chuyển chúng đi. Các bên tham gia ký kết có thể cũng đồng ý thanh tra chung và liên doanh chung lĩnh vực nhiên liệu hạt nhân,  cũng như lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân như Argentina và Brazil năm 1981từng hợp tác.

Các điều khoản hạt nhân này sẽ giúp ích cho các quốc gia Ả Rập láng giềng Iran, bởi vì chẳng ai trong số họ – bất chấp tham vọng hạt nhân của Ả Rập Xê Út – gần đây sở hữu một chương trình chu kỳ nhiên liệu hạt nhận bản địa, thứ mà họ cần từ bỏ. Tuy nhiên Iran cũng là bên sẽ được hưởng lợi không phải ít. Không như JCPOA, các điều khoản trên sẽ cho phép Iran đồng ý các hạn chế lâu dài về chương trinh hạt nhân của mình mà không bắt buộc phải phá dỡ cơ sở hạ tầng và được đối xử một cách đặc biệt tương tự một số các quốc gia thành viên của Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân khác, chương trình hạt nhân của các nước này không chịu những hạn chế đặc biệt. Nó cũng sẽ giảm đi rủi ro một cuộc không kích của Mỹ và Israel nhắm vào chương trình hạt nhân Iran, điều mà các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập cũng muốn tránh – vì sợ mình sẽ hứng cảnh tên bay đạn lạc.   

Trên thực tế, Mỹ và các đồng minh Châu Âu của Mỹ có thể – hoặc sẽ – sốt sắng tán đồng một thỏa thuận như thế. Họ nên dỡ bỏ lệnh cấm đồng thời ủng hộ một hiệp ước tự do mậu dịch Iran-Các Quốc Gia Vùng Vịnh , tạo lập nên một lộ trình mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế các bên tham gia hiệp ước. Hội Đồng Bảo An có thể ủng hộ hiệp ước này nhìn nhận nó như là hậu thân của JCPOA đồng thời thúc đẩy việc trừng phạt nghiêm khắc các hành động vi phạm, trong đó có thể cho phép các công ty kiện các nước vi phạm thỏa thuận theo  Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Công Nhận Và Thi Hành Phán Quyết Trọng Tài Nước Ngoài. Nếu Washington áp lệnh trừng phạt thỏa thuận mậu dịch Iran-Các Quốc Gia Vùng Vịnh mà trước đó đồng ý miễn trừ nó, thì Mỹ là một trong số các quốc gia có thể bị kiện. Trong một bộ khung cấp vùng, điều kiện then chốt của một thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ tạo nên tấm khiên vững chắc mà Mỹmuốn tái áp đặt lệnh trừng phạt cũng không dễ, bởi lẽ, không như năm 2018, Washington hiện giờ sẽ bị các đồng minh Vùng Vình phản đối kịch liệt nếu Hoa Kỳ cố bỏ ngang giữa chừng. Về phía Iran, khi ấy, thỏa thuận này có thể mang một hình thức bảo đảm sự trường tồn điều mà JCPOA chưa bao giờ đề xuất, tái tinh chỉnh một trong những lỗ hỏng cốt tủy của thỏa thuận.   

TÁC ĐỘNG CỤC BỘ VÀ TOÀN CẦU

Một thỏa thuận cấp vùng phổ quát sẽ đối mặt sự chỉ trích từ phe diều hâu Iran cho đến Mỹ và Châu Âu, vì họ nghĩ rằng chế độ Iran, sau nhiều tháng hứng chịu các biểu tình, các sợi dây thòng lọng ngày càng xiết chặt dẫn đến cáo chung chế độ. Tuy nhiên bài học năm 1979 vẫn còn nóng hổi, thời điểm ấy mối quan hệ hữu hảo giữa Iran với các láng giềng ( và phương Tây ) đã không chặn đà sự sụp đổ chế độ shah; và bài học ngày nay là họ không thể cứu vãn một chế độ nếu thiếu vắng tính chính danh. Thỏa thuận chẳng phải là liều thuốc tiên giải quyết dứt điểm căng thẳng luôn sục sôi trong vùng. Xét cho cùng, nhiều quốc gia Châu Âu, không thể tách rời nền kinh tế họ với nền kinh tế Nga và mối quan hệ ấy đã không ngăn Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên thậm chí các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn cũng không mang đến bảo đảm sự ổn định, Tehran sẽ bị tổn hại nặng nề nếu gây sự với các nước láng giềng. Khi sự tương thuộc kinh tế với Iran gia tăng, các quốc gia Vùng Vịnh giàu tiền lắm của sẽ tăng thế đối trọng với Iran, các chính sách hung hăng không còn đất sống. Đổi lại, Iran sẽ có cơ hội tái thiết kinh tế. Những tiến bộ đó đã giải thích tại sao, khi chúng tôi đề xuất các cuộc thảo luận với giữa các nhà hoạch định chính sách Oman, Qutar, Ả Rập Xê Út và thậm chí Iran, chúng tôi đã đón nhận các phản hồi tích cực. Các quan chức Quốc Gia Vùng Vịnh ra chỉ đấu họ sẽ nghiêm túc xem xét thỏa thuận nếu như được Mỹ bật đèn xanh.  

Đối với Washington và các đồng minh, một thỏa thuận cấp vùng phổ quát sẽ có các lợi điểm khác. Điểm lợi đầu tiên đóng vai trò quản lý khủng hoảng, điểm lợi thứ hai giúp vô hiệu hóa sự phát triển hạt nhân Iran đi xa hơn và cuối cùng nó thiết lập sự hạn chế mãi mãi và các đo lường sự minh bạch về chương trình hạt nhân Iran – ngăn ngừa một cuộc chạy đua giữa các láng giềng Iran cạnh tranh kỹ thuật công nghệ chu kỳ nhiên liệu hạt nhân của Tehran.  Nói cách khác, thỏa thuận này sẽ trở thành một hiệp định trường tồn và cường tráng hơn JCPOA Và nếu thỏa thuận này giúp đẩy lùi tình trạng căng thẳng giữa Iran và các láng giềng, nó sẽ cho phép Hoa Kỳ tập trung hơn các mối quan ngại chính trị nổi cộm, chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu và sự ganh đua giữa các siêu cường.

Điều trọng yếu nhất – và không thể  nào một JCPOA sẽ tái sinh – thỏa thuận này có thể đạt được trên thực tế. Dù là một khát vọng chính đáng, nhưng thế giới cần một sự sắp xếp gộp chung các vấn đề hạt nhân và khu vực nếu nhân loại muốn mang lại sự vững bền vĩnh cửu cho khu vực Trung Đông , đòi hỏi tham vọng cháy bỏng. Để giải quyết một vấn đề nan giải, đôi khi, con đường gian truân nhất là con đường mang lại thành công công nhất.


VỀ CÁC TÁC GIẢ:

ALI VAEZ là Giáo Sư Phụ Tá tại trường Chính Sách Đối Ngoại Đại Học Georgetown kiêm Giám Đốc Đề Án Iran thuộc Nhóm Khủng Hoảng Quốc Tế.

VALI NASR là Giáo Sư Majid Khadduri tại Viện Nghiên Cứu Trung Đông Và Quan Hệ Quốc Tế thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế Cao Cấp Đại Học Johns Hopkins. Trong giai đoạn 2009 -2011, ông giữ chức Cố Vấn Cao Cấp cho Đại Diện Đặc Biệt Hoa Kỳ về Afghanistan  và Pakistan.

https://www.foreignaffairs.com/iran/path-new-iran-nuclear-deal-security-jcpoa-washington

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s