Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 9)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG CHÍN : 

CÁC PHẬT TỬ Ở BOSTON: KHÚC DẠO GIỮA

I

Vào ngày 16/3/1877, nhà Động vật học Hardvard Giáo sư Edward Morse, đã đi xuyên nước Mỹ trên tuyến tàu hỏa xuyên lục địa, để đáp con tàu hơi nước-cánh buồm City of Tokyo đến Yokohama. Morse đang đi tìm một loài động vật chân mang (branchiopod) mà ông muốn nghiên cứu theo dòng tiến hóa của thuyết Darwin. Trên chuyến tàu hỏa từ Yokohama, đưa mắt bất chợt qua cửa sổ tàu, ông phát hiện các mô gò vỏ sò thời đồ đá mới ở Omori – một sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của ngành khảo cổ Nhật Bản. Giới thẩm quyền tại Đại học Hoàng gia rất ấn tượng và yêu cầu Morse thành lập phân khoa động vật học và bảo tàng lịch sử tự nhiên. Vào lúc Morse tìm được động vật chân mang vào mùa hè đó, thì ông đã trở thành người Boston đầu tiên rơi vào bùa mê của đất nước Phù tang. “Tôi không bao giờ xóa được các ấn tượng đầu tiên khi đi lang thang qua một thị trấn Nhật Bản,” ông viết trong nhật ký của mình. “Lối kiến trúc kỳ lạ; các cửa hiệu lạ lùng rộng mở, nhiều cái giống như các văn phòng tươm tất nhất; sự lễ phép của các tiếp viên; nét mới mẻ của những đồ vật nhỏ bé nhất; âm thanh kỳ lạ của dân chúng; mùi thơm dịu ngọt của gỗ tuyết tùng và trà tràn ngập không khí. Dường như nét quen thuộc duy nhất là mặt đất dưới chân và ánh mặt trời rực rỡ,  ấm áp.”

Morse trở lại Boston và Salem trong một chuyến viếng thăm ngắn ngủi vào tháng 11. Các bài nói chuyện của ông tại Viện Liowell biến một thế hệ các giới tinh hoa Boston – Percival Lowell, Henry Adams, Tiến sĩ C. G. Weld và Isabella Gardner, và nhiều người khác về hòn đảo vương quốc quá khác biệt với Boston. Morse trở lại Nhật vào tháng 4, 1878, cùng với gia đình. Không lâu sau đó hai giảng sư người Mỹ mà ông tuyển dụng cho Đại học Hoàng gia nối gót theo ông – nhà vật lý học T. W. Mendenhall và Ernest Fransisco Fenollosa sẽ dạy khoa kinh tế chính trị và triết lý.

Fenollosa, khi đó mới vừa 25 tuổi,  ra đời tại Salem năm 1853, một năm trước khi các con tàu của Thiếu tướng Perry bắt buộc người Nhật phải kết thúc 300 năm bế quan tỏa cảng. Cha ông đã tháp tùng cùng với bạn quân nhạc Tây Ban Nha lưu diễn trên đất Mỹ, mẹ ông, xuất thân từ một gia đình tham gia hoạt động mậu dịch Đông Ấn, đã mất khi ông tròn 11 tuổi. Tại Hardvard thành tích học tập ông rất tốt. Ông tốt nghiệp thủ khoa về triết học, đọc Hegel và thành lập câu lạc bộ Herbert Spencer. Sau khi nhận được học bổng nghiên cứu sinh hai năm và một thời gian ngắn ở lại Trường Divine, ông tham dự lớp vẽ chì và hội hoạ tại Bảo tàng Nghệ thuật Boston, đồng thời dự các bài giảng đầu tiên của Giáo sư Charles Eliot Norton về lĩnh vực mới của lịch sử nghệ thuật.

Các giáo sư Mỹ đến nước Nhật giữa cao trào khao khát kiến thức Tây phương. Họ được cho  cư ngụ cùng với gia đình (Fenollosa đã cưới Lizzie Millet người Salem) trong những ngôi nhà mênh mông trên mảnh đất trước  đây là lâu đài của lãnh chúa phong kiến. Đại học Hoàng gia có một Phân khoa quốc tế, giám đốc, Tiến sĩ Murray là một người Mỹ. Các giáo sư Đức giảng dạy trong khoa y, còn các hướng dẫn viên Anh, Pháp , Đức và Trung giảng dạy ngôn ngữ. Sinh viên được tuyển chọn cẩn thận; một số đã từng du học nước ngoài; số khác phải qua lớp tiếng Anh chuẩn bị. Các sinh viên của Fenollosa háo hức nghe ông thuyết giảng về Hegel và Spencer, trong khi các học  trò của Morse “say sưa nghe tôi giải thích về thuyết tiến hóa của Darwin mà không thấy vấp phải những thành kiến thần học như khi tôi giảng tại quê nhà.” Thật ra,  học thuyết mới về tiến hóa được các sinh viên Nhật tiếp thu nhanh chóng, và một sinh viên của Fenollosa, Inouye Enryo, một học giả và tăng sĩ Phật giáo Tịnh Độ Tông, sẽ sớm sử dụng thuyết tiến hóa để lập luận rằng Phật giáo thích hợp với thế giới hiện đại hơn Cơ Đốc giáo. George Sansom viết trong Thế Giới Tây Phương và Nhật Bản, “Đối với Inouye, Biện chứng Pháp của Hegel tương đồng với lôgic phân tích của giáo phái Thiên Thai tông, và giáo thuyết về Nghiệp (vốn thu hút sự chú ý của Aldous Huxley) báo trước giả thuyết về phát triển lúc đó được  các xứ Tây phương ưu ái. Đối với Cơ Đốc giáo,  đường dây lý luận của ông là, bất kì hình thức hữu thần nào cũng không nên được nhìn nhận trong triết học và khoa học Tây phương. Do đó Cơ Đốc giáolà sai, còn Phật giáo là đúng.”

Đây chính là điều mà các giáo sĩ Cơ Đốc ở Yokohama lo sợ sẽ xảy ra từ chủ nghĩa tiến hóa của Morse và triết lý tiến hóa của Fenollosa. Họ cố hết sức để cản trở các giáo sư, một số còn cầu nguyện cho linh hồn “sa đọa” của Morse. Nhưng các sinh viên không để tâm. Họ không quan tâm đến cuộc bút chiến của người Cơ Đốc, mà chỉ đến khoa học và triết học Tây phương. Chính sự sống còn của quốc gia họ, dường như, phụ thuộc vào sự tiếp thu kiến thức mới của phương Tây nhanh như có thể.

Trong khi đó những người Mỹ cũng hồ hởi không kém trước văn hoá Nhật. Morse, người mà khẩu vị nghệ thuật Tây phương nghiêng về các đội quân nhạc, làm kinh ngạc mọi người khi trở thành tay sưu tầm tham lam và sành điệu về đồ gốm Nhật. Ông cũng trở thành người Tây phương đầu tiên nghiên cứu về trà đạo, và thậm chí xoay sở học hát kịch Noh.

Fenollosa quay sang nghệ thuật. Tranh mộc bản của Nhật đã dẫn dắt các hoạ sĩ tiên phong như Manet, Laitrec và Van Gogh làm rực rỡ bảng màu và dẹt đi phối cảnh. Nhưng chính người Nhật cũng thắc mắc tại sao người Tây phương đánh giá cao những thứ họ chỉ xem là hàng chợ. Trong khi đó chính quyền đã mời người Ý đến giảng dạy khoa nghệ thuật tại Cao đẳng Kỹ thuật Hoàng gia, và bút lông,  phương tiện chủ yếu của văn hoá Nhật qua hàng ngàn năm,  được thay thế bằng viết chì trong các trường tiểu học. Về các họa phẩm và tượng điêu khắc truyền thống của các bậc thầy như Sesshu, phần lớn chúng được xem như là sản phẩm của thời phong kiến xa xưa mà người Nhật muốn nhanh chóng quên đi.

Nhưng chính thứ nghệ thuật này, được tìm thấy trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tạo ấn tượng với Fenollosa nhiều nhất. Ông không thấy bực bội, như nhiều người Tây phương khi mới nhìn ngắm những tác phẩm như thế, trước tính thiếu hiện thực và méo mó của chúng. Là một sinh viên am tường thẩm mỹ học Hegel, ông nhận thức được rằng ý tưởng thể hiện bởi họa phẩm mới là điều quan trọng, chứ không phải kỹ năng vẽ thật giống một cách máy móc với tự nhiên. Ông nhận ra rằng các họa Sư Trung Quốc và Nhật Bản là bậc thầy của không gian và đường nét, rằng cái lược bỏ cũng quan trọng bằng, nếu không muốn nói là hơn, cái được thể hiện.

Việc học tập của Fenollosa bắt đầu khi một sinh viên Nhật,  vừa trở về từ Harvard, giới thiệu ông với Hầu tước Kuroda và bộ sưu tập của ông ta. Hầu tước đã nói, “Người Mỹ không biết thẩm định. Loại hình nghệ thuật này quá sức họ,” nhưng dù vậy ông cũng cho phép Fenollosa bỏ hàng giờ thưởng ngoạn các tác phẩm của Sesshu và Motonobu. Rồi Fenollosa gặp các thành viên của gia đình Kano và Tosa, vốn trước đây là hoạ sĩ của triều đình các đời tướng quân Tokugawa. Ông nghiên cứu các bộ sưu tập và truyền thống của họ. Với sự hỗ trợ của hai học trò,  Nagao Agari và Kakuzo Okakura, người sau này sẽ viết Trà Đạo, ông đọc tiểu sử các họa sư và bắt đầu áp dụng nguyên tắc viết sử nghệ thuật của Giáo sư Norton cho nghệ thuật Nhật-Hoa. Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình đang đối mặt với một truyền thống vĩ đại không kém nghệ thuật Tây phương, và rằng quan niệm cũ kỹ “được chấp nhận rộng rãi và dễ dãi, rằng Trung Quốc đã dừng phát triển hàng trăm năm nay,” là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Vào năm 1882 Fenollosa đã học hỏi đủ để thuyết giảng cho giới quý tộc Nhật tại câu lạc bộ Ryuchkai về tính ưu việt của truyền thống nghệ thuật Nhật Bản đối với “thứ nghệ thuật Tây phương rẻ tiền,  hiện đại.” “Mặc dù mang tính hiện đại như thế,” Fenollosa nói, “người Nhật lại coi thường các họa phẩm cổ điển của mình, và say mê theo nền văn minh phương Tây. Họ lại trầm trồ các bức tranh hiện đại không có giá trị nghệ thuật và cố phí hoài bắt chước chúng. Thật là cảnh tượng đáng buồn! Người Nhật hãy quay về với bản sắc và truyền thống nguồn cội của mình, và rồi tiếp thu, nếu có, các ưu điểm của nền hội hoạ phương Tây.”

Bài nói chuyện của Fenollosa có tác dụng sâu xa, bởi vì có không ít người Nhật cũng có quan điểm giống như Fenollosa, giờ đây nhanh chóng lợi dụng uy tín của một người nước ngoài cho lập trường của mình. Trong bất kì trường hợp nào, quả lắc đã bất ngờ nghiêng về phía khác. Trong một vài năm Fenollosa đã tổ chức được một số câu lạc bộ cho các hoạ sĩ truyền thống và người thưởng ngoạn. Chính quyền ra lệnh đóng cửa phân khoa nghệ thuật của Cao đẳng Kỹ thuật Hoàng gia và các họa phẩm theo phong cách Tây phương bị cấm trưng bày trong các triển lãm chính thức ở Công viên. Vào năm 1984, uỷ ban giáo dục nghệ thuật,  mà ông là một thành viên nổi bật, đề nghị các trường học trở lại việc dạy nghệ thuật truyền thống. Cuối cùng ông cùng với Okakura được đề cử làm uỷ viên nghệ thuật Hoàng gia. Nhưng bằng chứng quan trọng nhất cho việc ông được chấp nhận,  đối với ông,  là được đón nhận vào gia đình Kano. Tên ông, viết bằng ký tự Hoa, là Kano Yetan – Tìm tòi không ngừng.

Việc nghiên cứu của Fenollosa không tránh khỏi đưa ông đến các ngôi chùa Nhật trong vùng Kyoto và Nara. Ông nghiên cứu các cuộn văn bản Trung Hoa và bàn luận về Thiền với trụ trì Chùa Daitoku. Tại một ngôi chùa khác, ông phát hiện một trong các di vật cổ nhất của điêu khắc Thiên Thai tông, một đầu Phật bằng men lớn, trong một thùng tro. Vào năm 1884 ông viết cho Morse đang ở Salem khoe  rằng mình đã biên soạn điều ông tin là “danh sách chính xác đầu tiên  các báu vật nghệ thuật được cất giữ trong các ngôi chùa trung tâm của nước Nhật.”

Khoảnh khắc vĩ đại nhất của đời ông là khi ông cùng với Okakura thuyết phục các tăng sĩ chùa Horiu cho mở cánh cổng của gian Yumedono. Không ai nhìn thấy có gì bên trong suốt 200 năm qua, mặc dù năm 1868 một nhóm tăng sĩ phái Thần đạo, lợi dụng thời thế chống Phật giáo đang thịnh hành, toan xông vào liền nghe một tiếng sấm nổ bèn hoảng sợ bỏ chạy. Các tăng sĩ, tin vào lời truyền tụng,  sợ rằng nếu mở cổng, một trận động đất sẽ xảy ra. Nhưng Fenollosa,  được trang bị thư giới thiệu và sắc lệnh của chính quyền, vẫn khăng khăng, và cuối cùng các nhà sư miễn cưỡng chấp nhận. “Tôi không bao giờ quên cảm xúc của chúng tôi khi chiếc chìa khóa đã lâu không dùng khua lách cách khi tra vào ổ khóa đã hoen rỉ đầy bụi bặm,” ông viết.

Bên trong gian thờ xuất hiện một khối to cao quấn chặt trong nhiều lớp vải bông trên đó lớp bụi của thời gian đã phủ dày .. . . mắt mũi chúng tôi có nguy cơ bị bụi hăng hắc làm cho nghẹt thở. Và khi cuối cùng lớp vải sau chót rớt xuống, pho tượng kỳ diệu này, độc đáo trên thế giới, xuất hiện trước mắt con người lần đầu tiên sau hàng trăm năm.  . . Chúng tôi nhìn ra ngay pho tượng là một siêu phẩm của Triều Tiên.

Pho tượng có tên Guze Kannon

Fenollosa mua lại rất nhiều tranh tượng, còn Giáo sư Y khoa Harvard Biglow, người tháp tùng cùng ông đến Nhật, thì thích sưu tập các đồ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt bảo kiếm và sơn mài. Còn bộ sưu tập của Morse với hơn 40,000 mẫu đồ gốm đủ thời kỳ và phong cách. Chỉ mất 10 năm để ba người này gửi tại Viện Bảo tàng Boston bộ sưu tập ắt hẳn là lớn nhất trên thế giới về nghệ thuật Viễn Đông, trước khi Đạo luật về Bảo vật Quốc gia được thông qua năm 1884.

II

Chắc chắn Fenollosa đầu tiên có gặp Sakurai Keitoku Ajari trong một chuyến khảo sát các ngôi chùa. Sakurai, người mà Fenollosa coi là “người thầy sáng tạo và hào phóng nhiệt tình nhất trong các vấn đề tôn giáo của ông, một gương mẫu sống cao cả của tính mã thượng về phương diện tâm linh,” là Sư trụ trì Chùa Hoyugoin tại Miidera trên hồ Biwa. Sakurai thuộc một  nhánh Thiên Thai tông được Chiso Daisho sáng lập vào năm 864. Chiso từng là một danh họa, ông đã sáng lập một nhánh đặc biệt của Thiên Thai tông, chuyên chú vào giáo lí của Chân ngôn tông (Mật tông), đã du nhập nhiều tranh chân dung đời Đường Trung Quốc, cũng như nhiều họa phẩm của Thiên Thai tông mà Fenollosa rất ngưỡng mộ.

Sakurai tin tưởng, theo lời Fenollosa,  “tinh thần Tây phương đã chín mùi để tiếp nhận giáo lí cao cả mà các hộ pháp Đông phương đã gìn giữ làm di sản quí báu.” Và vào ngày 21/9/1885, cả Fenollosa và Bigelow nhận lãnh giới luật của Phật giáo Thiên Thai tông.

Sư trụ trì bắt đầu phác họa cách tiếp cận của ba thừa trong Phật giáo. “Trong tiểu thừa,” Fenollosa hí hoái viết lời giảng của thầy theo lời dịch thuật của Okakura, “có sự mong ước được kiềm chế ham muốn, và sau đó giải thoát khỏi chúng. Trong khi Đại thừa (Daijo), khao khát được trở thành một vị Phật đích thực. Sự phân biệt là ngay từ lúc khởi đầu.” “Trong Chân Ngôn tông,” ông tiếp tục,” người ta thực hành ba mật ngôn về thân, khẩu, ý; mà trong Daijo ta chỉ thiền quán.

“Một trong những việc khó khăn nhất trong thực hành Chân Ngôn tông, Fenollosa đã viết trong sổ tay của mình,

là không được suy nghĩ về tính hiện thực của đối cảnh. Người ta dễ nghĩ hình ảnh của Fudo chẳng hạn thực sự là Fudo. Nhưng suy nghĩ của họ không được chăm chú vào hình ảnh; người ta phải chỉ nghỉ về chân lý mà họ đã phát triển từ tâm trí. Họ không được nghĩ rằng tồn tại hoặc không tồn tại một Fudo. Việc này là cần thiết, vì, như một tất yếu của ba mật ngôn, một Fudo sẽ xuất hiện trước mắt họ. Nhưng nếu nghĩ về Fudo xuất hiện như thế là điều có hại. Hình ảnh nên được xem như là một trò lừa. Vào mùa xuân sương mù bàng bạc khắp cánh đồng. Không phải là một hiện thực  . . . .

Đây là điều được nói cho những tăng sinh nhưng có một số cách thức thiền quán là bí mật và không thể nói ra. Trong mật giáo sự truyền thừa từ sư phụ đến sư phụ rất là quan trọng.

IV

Năm 1890 khi ông trở lại Mỹ để điều hành bộ sưu tập mà ông đã bán cho Tiến sĩ Weld, Thiên hoàng Minh Trị phong tặng ông huy chương. Ngài nói, “Khanh đã dạy dân tộc trẫm biết trân trọng nghệ thuật của mình. Khi về xứ sở mình, trẫm giao cho khanh cũng dạy họ điều đó.”

Đó chính là điều mà Fenollosa đã dự định trong trí và còn nhiều hơn thế nữa. Là người điều hành Phòng Nghệ thuật Viễn Đông của Viện Bảo tàng Boston, ông tổ chức hàng loạt cuộc triển lãm: các tranh của Hokusai, các tấm bình phong thế kỷ 16 có nền lát vàng, và hàng trăm họa phẩm Phật giáo của Trung Quốc trong thế kỷ 11, 12 được Đại thiền tự Daitoku ở Kyoto cho mượn.

Ông còn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật trong các trường tiểu học Mỹ.  Các ý tưởng của Fenollosa về nghệ thuật,  giáo dục, và thi ca sẽ có một ảnh hưởng sâu rộng đến văn hoá Mỹ.

Năm 1895 sự nghiệp của Fenollosa tại Boston đột ngột kết thúc khi ông ly dị vợ để cưới Mary Scott, một thiếu nữ miền Nam trẻ tuổi, làm phụ tá cho ông tại Viện Bảo tàng và từng sống một thời gian ở Nhật. Vụ tai tiếng quá sức chịu đựng của thành phố cổ kính Boston. Fenollosa phải từ chức và chuyển đến New York để cưới Mary Scott.

Sau một năm ở New York vợ chồng Fenollosa lên đường đi Nhật. Fenollosa còn có những người bạn ở đó, nhưng thời thế đã thay đổi: người Tây phương, dù có được Thiên hoàng ban tặng huân chương,  cũng không còn được săn đón sốt sắng như xưa. Okakura, sống chung với một phụ nữ đã có chồng,  cũng chịu nhiều điều tiếng như Fenollosa,  và cũng mất chức tại Viện Mỹ Thuật Tokyo. Vào năm 1897 Fenollosa tự hài lòng khi kiếm được hợp đồng một năm làm giáo viên tiếng Anh tại trường Sư phạm Cao cấp Tokyo.

Năm 1890 vợ chồng Fenollosa trở lại Mỹ lần cuối cùng. Họ chuyển đến sống trong một ngôi nhà lớn gần Mobile, mà họ gọi tên là Kobinata, theo tên ngôi nhà ở Nhật. Fenollosa trải phần lớn thời gian để đi đây đi đó trên các tua diễn thuyết  cho phong trào chấn hưng giáo dục và văn hóa Chautauqua đến hàng nghìn người trong các thị trấn trên khắp nước Mỹ.

Năm 1906 vợ chồng Fenollosa thường trú  tại một căn hộ trên Phố 23 ở New York. Chính tại nơi đây Fenollosa ngồi lại, hủy bỏ các buổi nói chuyện và làm việc hăng say trong ba tháng hoàn tất bản nháp viết bằng bút chì cho tác phẩm để đời của ông, Các Trào Lưu Nghệ thuật Trung Nhật. Lần xét duyệt Fenollosa bảo vợ sẽ chờ cho đến chuyến đi tiếp theo đến Nhật. Trong một chuyến đi tham quan các bảo tàng châu Âu cùng một nhóm sinh viên, Fenollosa đột ngột qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Tro cốt ông được mang về Nhật và chôn dưới rặng thông liễu trong sân chùa Miidera ở Kyoto.

V

Bigelow đã trở lại Boston cùng với Fenollosa vào năm 1890. Ông đã lưu lại Nhật 7 năm sau, chỉ trở về Mỹ sau khi trụ trì Satori qua đời. Bề ngoài đường như không có gì thay đổi. Bigelow trở lại với cuộc sống tao nhã quanh quẩn các câu lạc bộ và bạn bè trong giới tinh hoa.

Ông kết thân với một con trai của người bạn cũ, một thi sĩ trẻ có tên George Cabot Lodge. Bigelow làm hết sức để chia sẽ với Lodge những gì ông học được Phật giáo từ sư phụ.  Ông dạy cậu hành thiền, nhưng cũng lo lắng mình không đủ điều kiện về phương diện tu tập và tận tình. Bigelow đã đi sâu vào giáo lí đạo Phật hơn bất kì người Boston nào, nhưng vẫn thấy khó tu tập khi không có người chỉ dẫn. Ông thường cảm thấy mình như “một đứa trẻ 5 tuổi cầm trong tay bảo kiếm của Tướng Quân.”

Vào ngày 20/7/1902, Bigelow trở lại Nhật Bản lần cuối cùng. Ông tham dự nghi thức trong đó Nayaboshi trở thành sư trụ trì Chùa Homyoin, đánh dấu 13 năm Sư Sakurai qua đời và thọ nhận chứng chỉ người truyền thừa giới hạnh Bồ Tát trực hệ. Ông có lẽ đã thệ nguyện xuất gia nhưng sức khoẻ không cho phép.

Năm 1908 Bigelow được bổ nhiệm làm giảng viên về Phật giáo tại Harvard. Các bài giảng thuyết trình của ông trong năm đó tại trường đánh dấu khởi đầu của ông cho một sự nghiệp khiêm tốn như một phát ngôn viên của đạo Phật.

Khi Theodore Roosevelt lên làm tổng thống (chính Bigelow đã góp phần cổ vũ ông bước vào sự nghiệp này), Bigelow lợi dụng ảnh hưởng của mình để xiển dương sự hiểu biết giữa Mỹ và Nhật. Nỗ lực của ông cũng được đền đáp. Năm 1905, qua sự thúc giục của Bigelow, Roosevelt đã bãi bỏ một số sắc luật bài Nhật.

Năm 1909 Lodge mất ở tuổi 35, và năm 1913 Okakura qua đời ở tuổi 52, Bigelow càng thấy nỗi cô đơn về tâm linh càng sâu đậm hơn. Trong một tâm trạng trầm tư của tuổi xế chiều,  ông tặng 26,000 mẫu vật nghệ thuật Nhật Bản cho Viện Bảo tàng Boston.

Bigelow tạ thế vào ngày 5/10/1926. Thậm chí đến khi mất ông còn lưu luyến đến đất nước đã nuôi dưỡng sự tăng trưởng tâm linh của mình. Ông được tẩn liệm tại phòng ăn trong ngôi nhà số 56 Phố Beacon trong áo tràng Phật giáo. Phân nửa tro cốt chôn trong nghĩa trang núi Auburn, và phân nửa theo di nguyện, được đem về Chùa Homyoin cùng với các vật dụng nghi thức khi sinh thời ông sử dụng khi hành lễ Chân ngôn tông. Tại  đó, cuối cùng, Bigelow đã trở về và được an táng theo nghi thức Phật giáo.

Theo quan điểm của lịch sử Phật giáo tại Hoa Kỳ, thời kỳ cuối thế kỷ các Phật tử Boston vẫn duy trì khúc dạo giữa – “một thời kỳ chuyển tiếp thú vị nhất,” đúng như cụm từ mà Fenollosa thường sử dụng để mô tả Nhật Bản giai đoạn thập niên 80 và đầu thập niên 90. Dù Fenollosa và Bigelow đều có thuyết giảng và viết sách về Phật giáo, họ không có khuynh hướng hoặc được huấn luyện để giới thiệu cách thực hành đạo Phật trên một bình diện thực tiễn. Và không giống các Phật tử khác cùng thời (như Olcott ở Hội Thông Thiên học, các nhà truyền giáo Á châu như Anagarika Dharmapala, Soyen Shaku), không ngưòi nào trong số Fenollosa,  Bigelow và Okakura, có thành lập một tổ chức nào, hãy để lại một môn đệ Phật tử nào. Chùa Homyoin, và những giáo lí uyên thâm của Thiên Thai tông,  Chân ngôn tông vẫn ở lại Nhật Bản.

Fenollosa là sứ giả truyền giáo tích cực nhất trong số những người Boston. Nếu đúng như Lawrence Chisolm đã viết trong cuốn Fenollosa và Viễn Đông, thì tại thời điểm ông tiếp  nhận giới luật của Trụ trì Sakurai, “Phật giáo đối với ông chỉ là một cuộc khám phá thẩm mỹ và triết lý hơn là một việc cải đạo bản thân,” và cũng đúng khi nói rằng vào thời điểm ông trở lại Nhật Bản lần cuối cùng Phật giáo của ông đã ăn sâu và chín mùi, một Phật giáo mà ông coi là trí tuệ đích thực của văn minh Đông phương.

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s