
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Xí Jinping đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ, nhưng Trung Quốc đang tỏ ra kín tiếng trong việc hỗ trợ Nga khi nước này gây chiến với Ukraina. Ảnh: AFP/Getty
Jeff Pao
26 tháng Chín 2022
Biên dịch: GaD
Một sự thay đổi rõ ràng trong giọng điệu xã luận là sự minh bạch khi Nga huy động lực lượng dự bị và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các phương tiện truyền thông bị kiểm duyệt của Trung Quốc đang được phép đưa ra một dòng chỉ trích đáng ngạc nhiên về việc Nga công bố gần đây, huy động tới 300.000 quân dự bị và các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân mới nhất, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu xã luận so với sự cổ vũ ủng hộ cuộc chiến Ukraina của Moskva trước đó.
Các nhà bình luận chính trị Trung Quốc, được trích dẫn từ các cơ quan báo chí nhà nước thường được kiểm duyệt chặt chẽ, cho biết ngay cả khi Moskva có thể tuyển mộ thêm nhiều binh sĩ thì cũng chỉ giành được lợi thế nhỏ so với người Ukraina trên chiến trường trong mùa đông tới.
Họ tuyên bố quân đội Nga đang phải gánh chịu nguồn cung cấp thực phẩm nghèo nàn, vũ khí lỗi thời và tinh thần thấp – lặp lại phần lớn các tin mà phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa về cuộc chiến, thường nghiêng về người Ukraina hơn Nga.
Đáng chú ý, có lẽ, sự thay đổi giọng điệu của truyền thông Trung Quốc diễn ra sau khi Chủ tịch Xí Jinping đưa ra câu hỏi và lo ngại về các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Uzbekistan ngày 15 tháng Chín.
Hơn nữa, tại cuộc gặp Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York thứ Năm tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết tất cả các nước đều xứng đáng được tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tịch Trung Quốc Xí Jinping và Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn không đồng quan điểm về cuộc chiến Ukraina. AFP qua Getty/Dominique Jacovides
Trong vài tuần đầu tiên sau khi quân đội Nga phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraina ngày 24 tháng Hai 2022, truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin tích cực về các hoạt động quân sự của Nga và dự đoán rằng Nga sẽ nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Nhưng sau khi các báo cáo rộng rãi về thương vong gia tăng mà quân đội Nga phải gánh chịu, truyền thông Trung Quốc dần bắt đầu thay đổi giọng điệu để đưa tin cả tích cực và tiêu cực về cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng Ba.
Để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, ít nhất là về mặt chính thức, Trung Quốc giữ thái độ trung lập về xung đột Nga-Ukraina và kêu gọi tất cả các bên giải quyết xung đột thông qua đàm phán.
Sau khi Xí và Putin gặp nhau ngày 15 tháng Chín, tuyên bố chính thức của chính phủ Trung Quốc không đề cập đến việc hai nhà lãnh đạo thậm chí đã thảo luận về Ukraina trong cuộc gặp.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Putin cho biết ông đánh giá cao “vị thế cân bằng của những người bạn Trung Quốc của chúng tôi liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina”. Putin thậm chí còn cho biết phía Nga hiểu rõ những câu hỏi và lo ngại của Trung Quốc về vấn đề này.
Ngày 21 tháng 9, trong một cú vô lê đe dọa khác, Putin nói rằng ông đã chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân như những gì phương Tây đã đe dọa làm điều đó chống lại Moskva. Lần này ông ta nhấn mạnh rằng “Tôi không lừa dối.”
Thứ Sáu tuần trước, Nga đã khởi xướng các cuộc trưng cầu ý dân tại các khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraina về việc liệu họ có nên gia nhập nước Nga hay không. Các nhà bình luận phương Tây cho rằng nếu bốn khu vực chính thức trở thành một phần của Nga, Kreml sẽ có lý do chính đáng để leo thang chiến tranh hoặc thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chúng bị tấn công.
Hầu hết các nhà bình luận Trung Quốc trong các bài báo gần đây trên truyền thông nhà nước bày tỏ nghi ngờ rằng Putin sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hu Xijin, cựu tổng biên tập kiêm bí thư của Thời báo Hoàn cầu do Đảng Cộng sản điều hành, cho biết trong khi Nga chắc chắn sẽ giành được lợi thế ở Ukraina bằng cách cho nổ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại đó; việc sử dụng chúng cũng sẽ gây nguy hiểm cho Hiệp ước Không Phổ biến vũ khí hạt nhân và hòa bình thế giới nói chung.
Nhà bình luận dân tộc chủ nghĩa có tầm ảnh hưởng, đã viết rằng “Nếu Putin tin rằng nếu không dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Nga sẽ thua trong cuộc chiến Ukraina, chính phủ của ông ta sẽ sụp đổ và nước Nga sẽ đối mặt với sự tan rã, thì khả năng ông ta ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ tăng lên đáng kể.”
Hu viết: “Dù là lỗi của ai, Mỹ, phương Tây và Nga cũng không nên đẩy tình hình đến giới hạn sinh tử như vậy. Nhân loại đang hòa bình, và hòa bình luôn cần một khoảng trống để vận dụng và thỏa hiệp.”
Giáo sư Jin Canrong, phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế Đại học Renmin, Trung Quốc, cho biết Putin phải suy nghĩ sâu sắc về việc liệu có nên sử dụng vũ khí hạt nhân, thứ mà ông cho rằng sẽ là một thảm họa cho thế giới rộng lớn hơn.
Ông viết trong một đánh giá quan trọng, rằng ngay cả khi Nga có thể điều động và triển khai 300.000 quân dự bị tới Ukraina, điều đó sẽ chỉ cải thiện khả năng phòng thủ ở các khu vực Nga chiếm đóng nhưng không có khả năng thay đổi tình hình thêm.
Zhou Ming, một nhà báo chuyên mục quân sự tại Phoenix TV, đã viết trong một bài báo rằng Putin có khả năng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi ông phải đối mặt với một tình huống cực đoan.
Zhou cho rằng không thể biện minh cho việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, quốc gia đã hoàn toàn thực hiện lời hứa chuyển giao hàng nghìn vũ khí nguyên tử vào năm 2001, đặc biệt khi Moskva nằm trong số những người đồng ý cung cấp bảo đảm an ninh cho đất nước họ.
Ông cho rằng Mỹ và NATO sẽ có lý do để tấn công trực tiếp vào Nga, thay vì thông qua ủy nhiệm ở Ukraina, nếu Putin sử dụng vũ khí hạt nhân. Zhou nói một khi Putin nhấn nút hạt nhân, ông ta sẽ không còn sức răn đe đối với phương Tây.
Cùng quan điểm chỉ trích, một trang web của Trung Quốc đã công bố bản dịch của báo cáo NBC News trụ sở tại Mỹ, trích dẫn một số học giả phương Tây nói rằng họ không tin Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Bài báo có tiêu đề “Putin nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân một lần nữa nhưng các học giả cho rằng ông ta đang lừa dối.”
Các bài báo khác ghi nhận nhiều thanh niên Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước vì họ không muốn nhập ngũ và chiến đấu ở Ukraina. Các bài báo trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết họ muốn trốn khỏi lệnh gọi nhập ngũ là điều dễ hiểu vì quân đội Nga có thể không cung cấp đủ lương thực hoặc vũ khí đầy đủ cho họ khi triển khai tới Ukraina.
Dưới sự kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt của Trung Quốc, rất hiếm khi các bài báo có góc độ và thông điệp chống Nga được tung lên mạng.
Ngày 20 tháng Chín, một bài báo Trung Quốc với tiêu đề “Cuộc chiến cho mọi người biết rằng Nga chỉ có hai người bạn thực sự trên thế giới” đã được lan truyền rộng rãi trên các trang web tin tức chính thống.
Trong đó, Grigory Karasin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, đã nói trên tờ Pravda rằng người Nga hiện biết rằng Nga chỉ có hai người bạn thực sự: Iran và Triều Tiên. Karasin cho biết chỉ có Iran sẵn sàng bán máy bay không người lái quân sự cho Nga trong khi Triều Tiên đề nghị cử công nhân giúp tái thiết khu vực Donbas.
Bài báo này của Trung Quốc cũng nói thật tốt khi Nga đã không coi Trung Quốc là “một người bạn thực sự”. Nhưng bài báo đã bị kiểm duyệt nhà nước xóa hoàn toàn khỏi internet của Trung Quốc vào thứ Hai [26 tháng Chín]./.
Nguồn: https://asiatimes.com/2022/09/chinas-state-media-turning-on-putins-war/