Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 16

CHƯƠNG 16 KHỦNG HOẢNG CỦA TÍNH HIỆN ĐẠI 1357-1385 SH [1939-1966 CN]

1

Tamim Ansary

Trần Quang Nghĩa dịch

Trận quyết chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại bắt đầu vào năm 1939 và gầm thét suốt 6 năm dài. Một lần nữa,  Đức đánh với Pháp và Anh. Một lần nữa Hoa Kỳ bước vào muộn nhưng quyết định cục diện. Lần này cấu hình có phần thay đổi, chẳng hạn: Nga giờ đã là Liên bang Sô-viết, Ottoman không còn nữa, Nhật đã trỗi dậy hùng mạnh  – nhưng cuối cùng, trận tắm máu chỉ hoàn tất những gì Thế Chiến I đã bắt đầu. Các đế chế thực dân cũ lãnh các cú đấm chết người, và các liên minh quyền lực cũ trở nên lỗi thời. Nước Anh ra khỏi cuộc chiến đói khát, Pháp thì điêu tàn, Đức bị hủy diệt và chia cắt. Khi tiếng súng lịm tắt,  hai siêu cường  khống chế địa cầu, và cả hai sớm trang bị các quả bom nhiệt hạch đủ sức tận diệt nhân loại. Chương tiếp theo của lịch sử thế giới sẽ khống chế bởi sự tranh chấp giữa họ.

Các chuyện kể khác tiếp tục diễn ra, tuy nhiên,  bên dưới bề mặt của một cuộc Chiến tranh Lạnh Lưỡng Cực, bao gồm chuyện kể chìm ngập của đạo Hồi như một sự kiện thuộc lịch sử thế giới.  Đói khát độc lập, vốn đã dâng cao trong những năm chiến tranh tgần như trong mọi dân tộc thuộc địa, cả người Hồi lẫn phi Hồi, giờ đã đến điểm tới hạn. Ở Ai Cập,  các sĩ quan quân đội đã bắt đầu sôi sục nổi dậy.  Ở Trung Quốc,  cộng sản Mao nổi dậy bắt đầu chuyển quân chống lại Tưởng Giới Thạch được đông đảo xem là tay sai của phương Tây. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh, trở lại sau 30 năm sống lưu vong, tổ chức  Việt Mình,  tấn công người Pháp. Ở  Indonesia,  Sukarno tuyên bố đất nước độc lập khỏi đô hộ của người Hà Lan. Trên khắp thế giới, các phong trào giải phóng dân tộc mọc lên như cỏ dại, và các phong trào tại các xứ Hồi giáo cũng không khác ở các xứ không Hồi giáo: dù có điều gì khác xảy ra, chuyện kể của người Hồi bây giờ đan xen với một chuyện kể mà người Hồi chia sẻ với những người khác. 

Về mặt địa lý, nhiều “quốc gia” mà các phong trào giải phóng nỗ lực giải phóng được xác định bởi các đường biên giới mà bọn đế quốc đã vẽ: vì thế cho dù trong cuộc  đấu tranh giải phóng của mình họ cũng đang diễn một chuyện kể mà người châu Âu khởi động. Trong vùng Phi Châu thuộc Sahara hạ, vùng đất vua Bỉ đã xoay sở chinh phục trở thành Congo (sau đó đổi tên là Zaire). Vùng đất Đức đã chinh phục trở thành Cameroon,  vùng đất Anh đã chinh phục ở Đông Phí trở thành Kenya. Nhãn hiệu như “Nigeria” chỉ đến một khu vực có hơn 200 nhóm sắc tộc nói hơn 500 ngôn ngữ, nhưng thế giới giờ được tổ chức thành các xứ sở, vì thế khu vực này cũng trở thành “một xứ sở,” hình thể và kích cỡ của nó phản ánh cục diện của cuộc tranh giành đã lâu rồi giữa các bọn thực dân người Âu.

Ở Bắc Phi, các nhà giải phóng dân tộc chấp nhận thực thể Algeria, Tunisia, và Libya như các xứ sở, mỗi xứ sản sinh một phong trào giải phóng riêng của mình.  Tất cả ba phong trào cuối cùng thành công, nhưng với một giá đắt. Cuộc chiến 8 năm giành độc lập của Algeria khỏi tay người Pháp cướp đi sinh mạng hơn 1 triệu người Algeria, trong số dân chưa đến 9 triệu người.

Các vấn đề kế thừa từ những ngày bá quyền Hồi giáo tiếp tục vang dội đây đó. Tính dai dẳng của chuyện kể Hồi giáo biểu lộ bi kịch nhất tại tiểu lục địa Ấn Độ, thuộc địa lớn nhất giành được độc lập. Ngay cả trước chiến tranh, khi đất nước non trẻ này phấn đấu thoát khỏi người Anh, một phong trào tiểu quốc gia đã phát triển bên trong phong trào quốc gia lớn hơn: yêu sách có một xứ sở riêng biệt của thiểu số người Hồi giáo trong Ấn Độ. Đúng vào lúc Ấn Độ ra đời (15/8/1947) xứ Pakistan gồm hai phần mới toanh cũng ra đời, treo như hai túi yên ngựa bên đông và tây của Ấn Độ. Việc phân chia tiểu lục địa thúc đẩy những làn sóng người tị nạn cuống cuồng băng qua những đường biên giới mới để đi đến những nơi lánh nạn của những người đồng tôn giáo với mình. Trong cơn hoảng loạn, hàng trăm ngàn người bị tàn sát trong vòng vài tuần lễ, và thêm vô số người trở thành kẻ không nhà, vậy mà tình cảnh cực kì bi đát này vẫn không giải quyết được những vấn đề do sự chia cắt đặt ra. Kashmir, chẳng hạn, vẫn còn chưa ngã ngũ, vì nó có một vương quốc Ấn giáo nhưng đa số dân chúng theo Hồi giáo. Thế thì nó là một bộ phận của Ấn hay Pakistan? Người Anh quyết định chờ đợi và xem sự việc ngã ngũ ra sao. Kashmir vẫn còn run rẩy.

Không chỉ có việc phí thực dân hóa mới gặp khủng hoảng sau Thế Chiến II, mà còn có “chủ nghĩa nhà nước-quốc gia “. Thật dễ để quên rằng tiến trình tổ chức thế giới ra thành các quốc gia thọ chưa đến một thế kỷ,  nhưng thật ra tiến trình này vẫn chưa hoàn toàn kết thúc cho đến thời kỳ này. Giữa năm 1945 và 1975, có khoảng 100 xứ sở mới ra đời,  và mỗi tấc đất của thế giới cuối cùng cũng thuộc về xứ sở này hay quốc gia kia.

Khổ thay,  ý thức hệ của “chủ nghĩa dân tộc” và thực tế “chủ nghĩa nhà nước-quốc gia ” có khi chỉ xấp xỉ ăn khớp nhau. Nhiều xứ sở chứa đựng bên trong biên giới của nó các xứ sở con bị bóp nghẹt, các thiểu số sắc tộc vốn cảm thấy mình cần phải nên tách ra và “tự trị.” Trong nhiều trường hợp, dân chúng sống ở hai bên biên giới cảm thấy nhẽ ra mình phải thuộc cùng một quốc gia. Nơi Syria, Iraq, và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau, chẳng hạn, biên giới của họ chia một khu vực ra ba khu kề cận được cư trú bởi cùng một dân tộc không nói tiếng Ả Rập hoặc Thổ mà nói tiếng Kurdish, một biến thể xa xôi của tiếng Ba Tư,  và những người Kurd này tự nhiên cảm thấy mình muốn là thành viên của một quốc gia đơn lẻ nào đó “không phải là những quốc gia nói trên.”

Ở một vài nơi, thậm chí sự tồn tại riêng biệt của một số xứ sở vẫn còn là câu hỏi bỏ ngõ. Iraq, Lebanon,  Jordan – các xứ sở này còn đang đóng băng. Biên giới của chúng tồn tại, chúng có chính quyền riêng, nhưng liệu dân của chúng có thực sự nghĩ mình là những quốc gia khác nhau hay không? Không rõ.

Trong thế giới Ả Rập, kể từ khi 14 Luận Điểm Woodrow Wilson ra đời, khẩu lệnh đã là sự tự trị, nhưng khái niệm khó nắm bắt này cần định nghĩa nào đó về một cái “tự” tập thể được nhìn nhận bởi tất cả ai được cho là thành viên. Các nhà dân tộc chủ nghĩa trên khắp vùng đất có người Ả Rập cư ngụ đang ra sức củng cố các nhà nước rời rạc: Libya, Tunisia, Syria, thậm chí Ai Cập  . . . nhưng câu hỏi luôn luôn bật ra: ai là cái “tự” tập thể lớn hơn? Thực ra có một quốc gia Syria,  xứ Syria vốn được trông thấy trên bản đồ do châu Âu tạo ra, hay không? Có thể có thứ như chủ nghĩa dân tộc Jordan hay không? Có đúng là dân chúng sống ở Iraq đang tự trị miễn là nhà cai trị của họ nói tiếng Ả Rập hay không?

Lãnh thổ đơn lẻ có nhiều vấn đề nhất trong quyền tranh chấp chủ nghĩa dân tộc đối với chủ nghĩa nhà nước-quốc gia là Palestine, chẳng bao lâu được biết dưới tên Israel.  Trước và trong Thế Chiến II,  mưu đồ diệt chủng của Đức Quốc Xã nhằm tận diệt người Do Thái ở châu Âu khẳng định nỗi sợ tồi tệ nhất của những nhà Phục quốc Do Thái và cho họ một luận cứ về một quê hương Do Thái có chủ quyền tràn ngập sức nặng đạo lý, nhất là vì bọn Quốc Xã không phải là người bài Do Thái duy nhất ở châu Âu, chỉ là tàn bạo nhất. Bọn phát xít Ý gieo khủng khiếp cho người Do Thái Ý, chính quyền bù nhìn Pháp do Đức dựng lên săn lùng người Do Thái Pháp cho ông chủ Quốc Xã của họ, người Ba Lan và các người Đông Âu khác nhiệt tình hợp tác trong việc điều hành các trại tử thần., người Anh cũng góp phần trong việc chống Do Thái, còn Tây Ban Nha, Bỉ – không nơi nào ở châu Âu có thể trung thực tuyên bố rằng mình vô tội trong tội ác gây cho người Do Thái trong thời kỳ này. Hàng triệu người Do Thái bị kẹt ở châu Âu và chết ở đây. Ai có thể thoát được chạy đi theo bất kì hướng nào còn để ngõ. Từng chuyến tàu chở đầy người tị nạn Do Thái cuối cùng trôi dạt trên sóng biển đại dương, tìm kiếm đất liền để lên bờ. Một số ít may mắn tìm được đường đến Mỹ và định cư ở đó, nhưng thậm chí Hoa Kỳ cũng áp đặt quota cho di dân Do Thái. 

Nơi duy nhất người tị nạn có thể lên bờ là Palestine.  Từ đó, những di dân đầu tiên đã mua đất, lập nên các trại định cư, và phát triển hạ tầng cơ sở. Vì vậy, hướng đến niềm hy vọng mong manh của sự an toàn đó, người tị nạn đi tới, vượt qua các gian nan một cách anh hùng để bắt đầu xây dựng một quốc gia mới trên miền đất cổ xưa mà tổ tiên họ đã cư ngụ. Chuyện kể từ phía người Do Thái là như thế.

Từ phía người Ả Rập, chuyện kể có vẻ khác. Người Ả Rập từ lâu đã sống dưới hai tầng thống trị của người ngoài, tầng thứ nhất là người Thổ, tầng tiếp theo là các ông chủ Âu châu của người Thổ. Rồi, sau Thế Chiến I, giữa tất cả những ngôn từ về quyền “tự trị” và niềm hy vọng được khuấy lên bởi 14 Luận Điểm của  Wilson, lãnh thổ của họ bị dân định cư mới từ châu Âu tràn vào, với khẩu hiệu “đất không dân tộc dành cho dân tộc không có đất” – một khẩu hiệu báo động cho một dân tộc sống trong vùng “đất không có dân tộc.”

Các di dân Âu châu mới không chiếm đất bằng sức mạnh; họ mua đất để định cư; nhưng họ mua phần nhiều từ các chủ đất vắng mặt, vì thế cuối cùng họ sống giữa các nông dân không có đất cảm thấy mình bị tước quyền sở hữu hai lần bởi người xa lạ chen chúc sống giữa họ. Những gì xảy ra ngay trước và trong Thế Chiến II ở Palestine giống những gì xảy ra ở Algeria trước đây khi người di dân Pháp mua hết đất và dựng nên một nền kinh tế song hành ở đó. Vào năm 1945, dân số Do Thái ở Palestine gần như bằng dân số Ả Rập. Nếu ta chuyển số lượng người mới đến trong ngữ cảnh Mỹ, giống như là có đến 150 triệu người tị nạn tràn vào nước Mỹ chỉ trong một thập kỷ. Làm sao mà không gây hỗn loạn cho được?

Trong ngữ cảnh của chuyện kể Âu châu,  người Do Thái là nạn nhân. Trong ngữ cảnh của chuyện kể Ả Rập,  họ là thực dân với cùng thái độ đối với dân bản địa như đồng bào Âu châu của họ. Ngay từ 1862, một Zionist Đức, Moses Hess, đã gióng trống kêu gọi hậu thuẫn chính trị cho phong trào Zionism bằng cách đề xuất rằng “nhà nước mà người Do Thái sẽ thành lập ngay trái tim Trung Đông sẽ phục vụ các lợi ích đế quốc Tây phương và đồng thời giúp mang ánh sáng văn minh Tây phương đến cho phương Đông lạc hậu.” Nhà Zionist tầm cỡ Theodor Herzl viết rằng nhà nước Do Thái ở Palestine sẽ “tạo thành một phần thành lũy của châu Âu chống lại châu Á, một tiền đồn văn minh đối nghịch với sự man rợ.” Vào năm 1914, Chaim Weitzman viết một bức thư cho tờ báo Manchester Guardian phát biểu rằng nếu một khu định cư Do Thái có thể thiết lập tại Palestine “chúng ta sẽ có trong vòng 20 đến 30 năm một triệu người Do Thái ngoài đó. … Họ sẽ phát triển đất nước, mang về văn minh cho nó và là một lực lượng phòng vệ hiệu quả cho Kênh đào Suez.” Người Ả Rập nào xem dự án Zionism như chủ nghĩa thực dân Âu châu trong lớp ngụy trang mỏng manh không phải là sáng chế ra một điều tưởng tượng : người Zionist xem dự án cũng theo cách đó, hoặc ít ra biểu thị nó như thế trước các cường đế quốc để tranh thủ sự hậu thuẫn mà phong trào này rất cần.

Vào năm 1936, các vụ đình công và bạo loạn đã bùng phát trong đám người Ả Rập ở Palestine, nhằm đánh động dư luận thế giới rằng tình hình đã xoay chuyển ngoài tầm kiểm soát.  Trong một nỗ lực vụng về nhằm xoa dịu người Ả Rập,  Anh ban hành lệnh hạn chế người di dân Do Thái đến Palestine, nhưng lệnh này ra vào năm 1939, với Thế Chiến II sắp sửa bùng nổ và hành động kinh hoàng của bọn Quốc Xã biểu lộ rõ ràng đối với người Do Thái Âu châu: không có cơ may là người tị nạn Do Thái sẽ tuân lệnh người Anh; vì như vậy là tự sát. Thay vào đó, các tổ chức chiến đấu nổi lên trong đám người Do Thái chuẩn bị đi định cư, và vì họ chỉ là một số ít đánh lại Đế chế Anh, nên một số nhóm quay ra chiến lược nguyên mẫu của kẻ yếu phân tán chống lại người mạnh tập trung: đánh rồi chạy, phá hoại, ám sát bừa bãi, đánh bom những nơi dân thường lui tới – nói tóm lại, khủng bố. Vào năm 1946, nhóm chiến đấu bí mật Do Thái Haganah đánh bom Khách sạn King David tại Jerusalem,  giết chết 91 dân thường, hành động khủng bố đơn lẻ thiệt hại nhất cho đến 1988, khi bọn khủng bố Libya cho nổ tung một phi cơ dân sự,  Chuyến bay 103 của Pan Am, trên không phận Scotland, giết chết 270 người.

Hành động kinh hoàng của bọn Quốc Xã chứng tỏ người Do Thái cần một nơi lánh nạn an toàn, nhưng người Do Thái không đến Palestine cầu khẩn một nơi tị nạn mà tuyên bố là mình được quyền. Họ khăng khăng là mình không xin xỏ một ân huệ mà trở về nhà, về mảnh đất mà họ có quyền sở hữu. Họ đưa ra sự kiện là tổ tiên họ đã sống ở đó cho đến năm 135 CN và rằng trong những năm sống lang thang ở xứ người họ không bao giờ từ bỏ hy vọng trở về. “Năm tới tại Jerusalem” là một phần trong lễ Vượt Qua, một nghi thức tôn giáo và văn hoá cốt lõi trong Do Thái giáo. Theo học thuyết Do Thái, Thượng Đế đã hứa với người Hebrew (Do Thái cổ) và các hậu duệ của họ miền đất đang gây tranh cãi như giao kèo của Ngài với Abraham. Người Ả Rập, tất nhiên, không bị thuyết phục bởi một học thuyết tôn giáo gán miền đất mà họ đang sinh sống cho một dân tộc khác, nhất là dân tộc ấy khác tôn giáo với mình.

Khi Thế Chiến II vừa kết thúc, Hoa Kỳ cầm đầu những nỗ lực nhằm tạo ra những cơ chế chính trị mới để gìn giữ hoà bình, một trong số đó là tổ chức Liên Hiệp Quốc. Palestine đúng là một loại vấn đề LHQ được chỉ định giải quyết.  Vào năm 1947, do đó, LHQ đưa ra đề xuất kết thúc tranh chấp bằng cách chia lãnh thổ tranh cãi và tạo ra hai quốc gia mới. Mỗi bên tranh chấp nhận ba mảnh đất khớp vào nhau khá kỳ cục, và Jerusalem sẽ là thành phố quốc tế riêng biệt không thuộc bên nào. Lãnh thổ của hai quốc gia mới, Israel  và Palestine, xấp xỉ có diện tích bằng nhau. Về cơ bản, LHQ nói  “Không cần biết ai đúng ai sai; cứ chia đất và dời về đó ở.” Đây là cách giải quyết điển hình mà người lớn hay áp đặt với bọn trẻ đang tranh cãi.

Nhưng người Ả Rập không thể đồng ý là hai bên đều đúng và chân lý nằm đâu đó ở chính giữa: họ cảm thấy rằng người Âu áp đặt cho họ cách giải quyết cho một vấn đề Âu châu,  hay nói chính xác hơn người Ả Rập bị yêu cầu hy sinh đất đai mình để đền bù một tội ác mà người Âu gây ra cho người Âu. Các nước Ả Rập láng giềng đồng tình với bạn bè mình ở Palestine và nhận ra luận điểm của họ; thế giới nói chung thì không. Khi vấn đề được đem ra bỏ phiếu tại Đại Hồi Đồng LHQ, đại đa số các nước phi Hồi giáo đều bầu YES cho việc chia đất.

Phần đông người Ả Rập không có lợi ích cá nhân nào trong vấn đề hiện hành: việc Israel ra đời không tước đi người nông dân Iraq mảnh ruộng nào hoặc khiến cho chủ cửa hàng Morocco nào đó làm ăn kém phát đạt – vậy mà hầu hết người Ả Rập và thật ra hầu hết người Hồi giáo đều tỏ ra nôn nóng với việc ai sẽ được Palestine.  Tại sao? Bởi vì sự xuất hiện của Israel mang ý nghĩa biểu tượng cho họ. Việc đó có nghĩa rằng người Ả Rập  (và người Hồi nói chung) không có quyền lực, rằng bọn đế quốc có thể lấy đi bất kì vùng lãnh thổ nào của họ, và rằng không ai ngoài thế giới Hồi giáo sẽ đứng về phía họ chống lại sự bất công có bản quyền. Việc tồn tại của Israel có nghĩa tồn tại sự thống trị của Âu châu lên người Hồi giáo, Ả Rập  và phi Ả Rập, và lên người Á châu và Phi châu nói chung. Đó là quan điểm được nhìn nhận gần như từ Sông Ấn đến Istanbul. 

ISRAEL VÀ PALESTINE

Vào ngày 15/5/1948 nhà nước Israel tuyên bố ra đời. Ngay lập tức, các quân đoàn Ả Rập tấn công từ ba hướng, quyết đè bẹp quốc gia còn sơ sinh trước khi nó có thể thở hơi thở đầu tiên. Nhưng ngược lại, Israel lại đè bẹp họ, đánh đuổi cả ba quân đoàn đối thủ Ả Rập, Syria, Jordan, và Ai Cập,  và chính là Palestine,  chứ không phải Israel,  đã trở thành đứa trẻ chưa ra đời. Khi cuộc chiến kết thúc, một cuộc chiến mà Israel tưởng niệm như là Cuộc chiến Độc lập trong khi người Ả Rập gọi là Thảm họa, khoảng 700 ngàn người Ả Rập mất nhà cửa và xứ sở,  sống như những kẻ tị nạn trong các xứ Ả Rập láng giềng.  Những vùng đất được dự định phân cho Palestine được sáp nhập (phần lớn vào Jordan). Số đông người tị nạn Ả Rập tụ tập trên Bờ Tây Sông Jordan, nơi họ hậm hực và bực bội và thỉnh thoảng tiến hành các cuộc đột kích lẻ tẻ vào vùng lãnh thổ từng là của mình. 

Sau cuộc chiến 1948, người Ả Rập đánh mất cuộc đấu tranh quan hệ công chúng thậm chí còn tệ hại hơn đánh mất lãnh thổ của mình. Trước hết, một số nhân vật Ả Rập tiếng tăm công khai và liên tục tranh luận về “quyền tồn tại” của người Israel. Họ nói trong khuôn khổ của luận cứ có tính dân tộc chủ nghĩa: Zionist muốn Israel tồn tại, người Ả Rập ở Palestine muốn Palestine  tồn tại, và vì họ giành lấy cùng lãnh thổ, cả hai không thể cùng tồn tại: xác quyết “quyền tồn tại” của mỗi quốc gia cố nhiên là phủ nhận “quyền tồn tại” của quốc gia khác. Nhưng trong bóng tối của âm mưu diệt chủng của bọn Quốc Xã, xác quyết rằng Israel không có quyền tồn tại nghe như nói, “người Do Thái không có quyền tồn tại.”

Để khiến vấn đề tệ hơn, ít nhất có một nhân sĩ Ả Rập trắng trợn ủng hộ việc giết người Do Thái của bọn Quốc Xã. Đó là bị Mufti (Đại Giáo sĩ) của Jerusalem,  người đã trú ngụ ở Đức Quốc Xã trong thời chiến tranh và giờ đây phun ra lời phân biệt chủng tộc từ nhiều diễn đàn kể cả các chương trình phát thanh của ông ta. Trọng lượng của  công luận thế giới, giọng điệu của giới truyền thông, và phát biểu huênh hoang của người Ả Rập như vị mufti này nhào nặn chính nghĩa Ả Rập với chủ nghĩa Quốc Xã trong công luận, nhất là ở phương Tây. Người Ả Rập không chỉ đánh mất lý lẽ sở hữu vùng đất mà bỗng trở thành Bọn Xấu đáng bị mất đi lãnh thổ của mình. Phối hợp cảm nhận bị xử tệ và cảm nhận bị lăng mạ nuôi dưỡng một nỗi bất mãn xoáy ốc thối rữa thành ngay chính chủ nghĩa bài Do Thái mà người Hồi bị kết án là đi theo.

Một người dự phần vào thảm bại 1948 là một sĩ quan quân đội Ai Cập tên Gamal Abdul Nasser. Nasser chào đời ở nam Ai Cập, con trai một người đưa thư tầm thường. Ngay từ bé, ông đã cảm nhận nỗi tổn thương sâu sắc  trước sự quỵ lụy của xứ sở mình trước người Tây phương. Ở lứa tuổi hầu hết bọn trai trẻ đều ám ảnh gái gú, Nasser bị ám ảnh bởi “danh dự” quốc gia. Tuy nhiên, mọi triển vọng  làm được gì cho điều ấy dường như mờ mịt, cho đến khi do nhu cầu quốc phòng chính quyền mở ra các khóa đào tạo sĩ quan cho các thanh niên thuộc tầng lớp thấp tại các trường quân sự ưu tú của đất nước. Và Nasser tận dụng cơ hội này và leo đến chức đại tá. Thảm bại 1948 của Ả Rập gây cho ông nỗi bất bình sâu sắc. Ông đổ lỗi cho nhà vua, và vì vậy ông âm mưu cùng khoảng 100 sĩ quan khác (“Câu Lạc Bộ Sĩ quan Tự Do”) nhằm lật đổ vương triều và dựng nên nền cộng hoà. Một buổi sáng mùa hè 1952, các Sĩ quan Tự do tấn công nhanh gọn: một cú đảo chính gần như không đổ máu – hai thương vong và vương triều đi đứt.

Loại bỏ nhà vua thì dễ, nhưng bước lớn tiếp theo là tống cổ bọn Anh ra khỏi Ai Cập mới khó. Tuy nhiên,  với bước này, Nasser cần có hoả lực đàng hoàng. Lúc này Chiến tranh Lạnh đang trong giai đoạn lên cao, gần như bất kì nhà nước nào mới ra đời đều có thể được cấp vũ khí từ một trong hai siêu cường, vì thế Nasser tiếp cận người Mỹ; nhưng hình như họ không xem Ai Cập là một chìa khóa để “ngăn chận” chủ nghĩa Cộng sản và không tin cậy những gì anh chàng Ả Rập này sẽ làm với vũ khí mình viện trợ, vì thế họ từ khước ông. Sau đó Nasser quay sang Liên Sô và nhận của họ hàng núi vũ khí – khiến người Mỹ phải bật dậy và lưu ý. Trong kiểu Chiến tranh Lạnh điển hình, họ xác định Ai Cập suy cho cùng  cũng quan trọng.  Trong một canh bạc để lôi kéo Nasser trở lại, họ đề xuất xây dựng cho ông một đập nước lớn nhất thế giới, bắc qua sông Nile tại một nơi gọi là Aswan, một đập nước sẽ nhân lên diện tích đất canh tác của Ai Cập và sản xuất đủ điện năng để nâng đất nước mình vào hàng ngũ các quốc gia kỹ nghệ hóa ngay tức thì! Một viễn ảnh nghẹt thở  – sự thành tựu của giấc mơ hiện đại hóa thế tục!

Nhưng khi Nasser nhìn vào hàng chữ in nhỏ, ông thấy thỏa thuận viện trợ bao gồm việc đặt căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên đất Ai Cập và việc giám sát tài chính của Hoa Kỳ: đây là cái đầu bén của chiếc nêm đế quốc thêm một lần nữa ấn vào trái tim ông. Nasser khước từ viện trợ, nhưng không thể ngừng mơ ước về Đập Aswan. Nhưng làm sao ông có thể tài trợ  cho con đập mà không bán xứ sở mình cho một trong các siêu cường?

Rồi ông nhìn ra câu trả lời: Kênh đào Suez, tất nhiên.  Kênh đào thu về khoảng 90 triệu đô một năm, và Ai Cập chỉ nhận được 6.3 triệu đô trong số đó, xấp xỉ. Đây là số tiền mà Ai Cập cần cho công cuộc phát triển, mà nó lại chảy gần hết vào túi châu Âu! Vào năm 1956, Nasser bất ngờ đổ quân vào Vùng Kênh đào và chiếm lấy kênh.

Châu Âu nổi cơn thịnh nộ. Các chính trị gia Anh gọi Nasser là một Hitler khác, một thằng điên với một mưu đồ ly kỳ nhằm chinh phục thế giới.  Báo chí Pháp nói người Ai Cập  quá kém văn minh  không thể điều hành kênh; họ sẽ làm đứt gãy mậu dịch toàn cầu và phá vỡ nền kinh tế thế giới. Hai xứ Âu châu này thông đồng với Israel trong một âm mưu phức tạp đánh bom Cairo, giết chết Nasser,  và lấy lại kênh.

Tuy nhiên, vừa đúng lúc Ike Eisenhower nghe được tin về âm mưu này và nổi cơn điên. Bộ người Âu châu không biết là đang có Chiến tranh Lạnh hay sao? Bộ họ không biết cái âm mưu nhỏ của mình có thể giao toàn bộ Trung Đông cho người Sô-viết hay sao? Eisenhower ra lệnh người châu Âu trả kênh lại cho Ai Cập và đi về nhà, và vị thế thống trị của Hoa Kỳ quá lớn khiến hai xứ (và cả Israel) phải vâng lời.

Người Ả Rập xem đây là một thắng lợi  lớn của Nasser.  Trong 11 năm hùng hổ tiếp theo, Nasser là người hùng phi thực dân hóa, nhà tiên tri của sự thống nhất Ả Rập, và hiện thân của “Chủ nghĩa Xã hội Hồi giáo,” theo đó ông muốn nói một xã hội vô giai cấp đạt được không qua đấu tranh giai cấp như trong chủ nghĩa Mác, nhưng qua hợp tác giai cấp được quy định bởi các nguyên tắc của đạo Hồi  – một tái  xác nhận “có tính xã hội chủ nghĩa” năng động về tín điều Hồi giáo hiện đại thế tục cơ bản.

Nasser xây dựng đập nước của mình và điện khí hóa quốc gia. Ông cũng bắt tay với Nehru của Ấn, Sukarno của Indonesia,  Bandaranaike của Sri Lanka, và vài người khác để thành lập Phong trào Phi Liên Kết, một khối các xứ sở trung lập dự tính quân bình cán cân với hai siêu cường Chiến tranh Lạnh.

Các kỳ tích lớn lao và tầm vóc toàn cầu của Nasser tranh thủ vô số người ngưỡng mộ ông ở trong nước,  và không chỉ trong Ai Cập. Người Ả Rập thuộc mọi tầng lớp và xứ sở thấy ở ông một con người thu hút, mê hoặc. Trong vai trò diễn giả, không ai sánh được với ông. Khi ông cất tiếng, người Ả Rập  (phần đông nghe qua đài)  có cảm giác như thể ông đang đứng cùng phòng với họ, nhìn vào mắt từng người, lôi kéo mọi người vào cuộc đối thoại xem cần phải làm gì, như thể tất cả họ đều cùng gánh vác vấn đề này và mỗi người đều có vai trò.

Được nhân dân yêu mến, Nasser mơ ước được làm điều gì đó lớn hơn Ai Cập tự chủ – một quốc gia liên-Ả Rập! Đây chính xác là cương lĩnh của Đảng Ba’ath đã được thuyết giảng ở Syria.  Thật ra, vào năm 1958, Ai Cập và Syria ra sức  thành lập một quốc gia lớn, Cộng hòa Ả Rập Thống Nhất, nhưng ba năm sau Syria thối lui – một cái tát vào uy tín của Nasser. 

Trong khi đó, Huynh Đệ Hồi giáo vẫn còn sống. Vào năm 1952, họ đã giúp lật đổ vua Ai Cập,  nhưng ngay khi chính quyền thế tục của Nasser bắt đầu hoạt động,  họ quay ra chống lại ông, thậm chí tính ám sát ông. Nasser đáp trả bằng cách tống các lãnh đạo phong trào vào ngục và tra tấn họ.

Hassan al-Banna, người sáng lập Huynh Đệ Hồi giáo,  đã bị ám sát trước thời huy hoàng của Nasser, nhưng một tay trí thức quá khích, khắc khoải, thất thường, xuất sắc, nóng nảy có tên Sayyid Qutb đã lên nắm Huynh Đệ Hồi giáo thế chỗ ông. Quan điểm của Qutb đã được định hình sau hai năm lưu lại một trường cao đẳng sư phạm ở Greeley, Colorado, nơi chính quyền Ai Cập cử ông đến để nghiên cứu các phương pháp giáo dục Hoa Kỳ. Chủ nghĩa duy vật mà Qutb chứng kiến ở Mỹ làm ông ghê tởm, chủ nghĩa cá nhân làm ông bối rối, các tự do xã hội khiến ông khó chịu, và các tập tục tình dục gây sốc cho ông – cảnh tượng, chẳng hạn, trai gái khiêu vũ cùng nhau trong buổi giao lưu tại nhà thờ.

Qutb trở về quê nhà đinh ninh rằng Hoa Kỳ là một lực lượng của Sa tăng và phải bị hủy diệt. Ông bắt đầu cho xuất bản các luận văn chính trị. Ông viết rằng đạo Hồi đưa ra một giải pháp khác toàn vẹn, không chỉ cho các tôn giáo khác như Cơ đốc và Phật giáo, mà còn cho các hệ thống chính trị khác,  như cộng sản và dân chủ, và ông làm mới lại lời kêu gọi người Hồi xây dựng một cộng đồng Hồi giáo phổ quát vĩ đại. Và nếu điều đó nghe như có vẻ Huynh Đệ Hồi giáo sắp nắm quyền lực Ai Cập đến nơi, thì đúng là như vậy.

Nasser tống ông vào tù: hóa ra là một sai lầm lớn. Trong tù, ăn mặc trong vẻ mê hoặc huyền bí của tình cảnh nạn nhân, Qutb viết nên tác phẩm kích động nhất, một tác phẩm có tên Những Chặn Đường. Ở đây, ông đề xuất một cách lý giải mới cực đoan về chủ nghĩa hiện đại hóa liên-Hồi giáo của Sayyid Jamaluddin. Ông làm sống lại kế hoạch lý thuyết cổ đại về một thế giới được phân chia thành Dar al-Islam và Dar al-Harb, cảnh giới của hoà bình (Hồi giáo) và bạo lực (ngoại giáo). Qutb không phải là kẻ huênh hoang rỗng tuếch. Văn phong của ông tỉnh táo và chừng mực; ông chọn lựa từ ngữ chính xác. Và trong thứ ngôn ngữ vững chắc, mạch lạc, từ tốn này, ông kêu gọi mọi người Hồi theo đuổi và thi hành jihad, không chỉ chống lại người ngoại giáo mà còn người Hồi hay chao đảo lòng trung thành với đạo Hồi hoặc hợp tác với kẻ thù. Dưới tài lãnh đạo của Qutb, Huynh Đệ Hồi giáo về cơ bản tuyên chiến với chính quyền của Ai Cập,  Syria, Iraq, Jordan, và Lebanon và chống lại tất cả nhà hiện đại thế tục hậu thuẫn họ.

Ai Cập không có tiến trình dân chủ để Huynh Đệ Hồi giáo bấu vào giai cấp thấp kém mà gây ảnh hưởng. Còn Nasser thì trông cậy vào lực lượng cảnh sát để dập tắt các vụ biểu tình và vào lực lượng cảnh sát chìm để diệt các mầm mống phản loạn từ trứng nước.

Qutb và huynh đệ ông càng gây nhức nhối cho Nasser vì ông ta có nhiều đối thủ khác tấn công ông, những đối thủ táo tợn hơn, ông nghĩ. Các nhà cai trị Syria,  Jordan,  và Iraq đố kỵ tiếng tăm của Nasser, và họ nỗ lực hết sức để ông hạ nhục ông. Các nhà hoạt động đảng Ba’ath thách thức vị thế của ông trong thế giới Hồi giáo, tuyên bố rằng họ mới thực sự là những người dân tộc chủ nghĩa liên-Hồi giáo. Rồi còn nhóm cộng sản Ai Cập.  Ở đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, với sự hậu thuẫn rộng rãi của Liên Sô, không nghi ngờ gì họ dường như nguy hiểm hơn một giáo phái bình thường gây rối. Và cuối cùng còn có các vương triều thực sự phản cách mạng và các triều đại bộ tộc còn cai trị một số nhà nước Ả Rập, và còn không tán thành mọi thứ mà Nasser đại diện.

Năm 1963, Nasser làm hỏng một cuộc chiến uỷ nhiệm ở Yemen.  Ông gửi quân đến đó chỉ để tỏ một thái độ, chứng tỏ mình hậu thuẫn cho một đảng xã hội chủ nghĩa đã chiếm quyền lực bằng cách đánh đuổi vương triều bộ tộc; nhưng ngay khi quân đội Ai Cập đến Yemen, Ả Rập Saudi bơm tiền và súng ống cho phe bảo hoàng. Thình lình  Nasser thấy mình bị sa lầy trong một cuộc chiến kéo dài nhiều năm không lối thoát.

Trong khi đó,  Sayyid Qutb tiếp tục thuyết giảng giáo điều của mình từ trại giam. Bực mình mặc dù đang ở trên các mặt trận khác, Nasser quyết định không thể chịu đựng tên ruồi trâu này thêm nữa. Vào tháng 8 1966, ông làm điều mà người có quá nhiều quyền lực và quá ít hạn chế có tính thủ tục thường làm: ông cho người treo cổ Qutb – chỉ để nhìn thấy ông ta được tung hô là một thánh tử đạo bởi một mạng lưới rộng lớn đến đáng sợ những người ngưỡng mộ.

Chỉ ba tháng sau, Syria và Israel lao vào các chu kỳ đột kích và phản đột kích qua lại đường biên giới, leo thang trong sáu tháng, càng ngày càng đẫm máu hơn. Tại thời điểm này Đảng Ba’ath đang cai trị Syria.  Họ là các đối thủ chính của Nasser trong phe hiện đại thế tục và bằng cách đấu tay đôi với Israel, họ tranh thủ được lòng tin qua mặt được Nasser với người Ả Rập nói chung và dân Palestine nói riêng, những người tị nạn khốn khổ đó vẫn còn cắm dùi trong trại tị nạn.

Đó là tình cảnh của Nasser,  người hùng của thế giới Ả Rập,  bị bao vây bởi quần chúng Hồi Ả Rập trong nước,  bị làm lu mờ bởi các đối thủ hiện đại thế tục Ả Rập của mình,  bị sa lầy trong một cuộc chiến bất tận với những người Ả Rập khác. Rõ ràng ông cần phải làm điều gì đó! Và rõ ràng điều đó không thế là việc hướng mũi dùi vào xứ sở, nhóm, hoặc phong trào Ả Rập nào khác.

Đây là tình hình trong mùa xuân 1967, ngay trước một trong các sự kiện hệ trọng nhất của lịch sử hiện đại, ít ra được nhìn qua cặp mắt Hồi giáo: Cuộc Chiến 6 Ngày của Israel chống lại nước láng giềng Ả Rập.


Bình luận về bài viết này