Văn hóa Yueh với người Việt

Đỗ Ngọc Giao
25-Mar-2022

Bài này có hai phần:

  • tìm hiểu văn hóa Yueh xưa ở một nơi ngày nay là miền đông Trung Quốc (viết tắt ‘CN’), dựa theo kết quả khảo cứu của Wolfram Eberhard (1909–1989), học giả người Đức.[i]
  • thảo luận mối liên quan giữa văn hóa Yueh với người Việt, nhóm tạo nên sắc dân Kinh ở Việt Nam (viết tắt ‘VN’) ngày nay, nếu có.

Tên gọi ‘Yueh’, phiên âm của 越 tiếng Hán, sẽ giữ nguyên chớ không dịch là ‘Việt’ để tránh lẫn lộn với ‘người Việt’.

1.   Văn hóa Yueh

Nền văn hóa này có nhiều nét, thí dụ như sau.

  1. Mồng 9 tháng 9 là ngày ăn mừng lúa mới (harvest thanksgiving festival) và cũng là ngày ngừa họa (festival warding off dangers). Để ăn mừng, người ta làm bánh nấu rượu cúng thần, thả diều. Để ngừa họa, người ta bỏ nhà kéo nhau lên núi (vì theo một câu chuyện xưa, ai nấn ná ở lại sẽ gặp nguy), hái bông cúc, uống rượu [ngâm] bông cúc (vì cúc màu vàng mà vàng là màu của lưu huỳnh được cho là có tánh trừ tà), uống nước ngâm trái ‘thù du’ lên men (dogwood wine), đội cây ‘thù du’ trên đầu.
  2. Áo poncho, đặc trưng của văn hóa nước Yueh trước 300 BCE ở Chiết Giang ngày nay.
  3. Ghế kiệu (sedan chair), do một người tên Yen Chu, gốc Chiết Giang ở Phước Kiến, chế ra.
  4. Mõ cây hình cá (mộc ngư).
  5. Hình cá đắp trên mái nhà để ngừa cháy.
  6. Gà trống trừ tà: ngày đầu năm người ta hay chưng tranh/tượng có hình gà trống.
  7. Bói giò gà (chicken-drumstick oracle), đại khái như sau:
  • nắm giò một con gà trống giơ nó lên, khấn, luộc gà, lấy cặp giò gà rửa sạch, đặt song song, cái bên trái tượng trưng cho mình, cái bên phải tượng trưng cho người;
  • lấy nan tre nhét vô những chỗ hở của cặp giò gà để làm dấu, rồi theo đó mà tha hồ bói: có thể xảy ra 18 trường hợp.
  1. Thờ rắn:
  • Rắn được thờ như thần sông, hiền (benevolent), có thể lấy gái tơ làm vợ, hoặc nhận gái tơ như một món đồ cúng – ‘cúng’ nghĩa đen là quăng xuống sông, nghĩa bóng là gả làm vợ cho thần. [Tục cúng gái cho thần sông, nếu có, cũng đã bị bãi bỏ từ xưa, như ta coi trong chuyện ‘Tây Môn Báo’, chẳng hạn.]
  • Ngày 15 tháng 2 là lễ cúng thần rắn.
  • Dân gian tin rằng ngủ mơ thấy rắn đen thì đẻ con gái, thấy rắn trắng/xám hoặc thấy rắn chun vô cửa mình thì đẻ con trai, thấy rắn quấn quanh mình thì đẻ con trai làm quan lớn, bị rắn cắn là điềm báo giàu có.
  1. Giao là một dạng đặc biệt của rắn thần sông, mà cũng chính là thần sông, luôn ở dưới nước, ác (malevolent), hiểm (dangerous), hình thù hổ lốn pha trộn 3 thứ cá, rắn, trâu nước.
  2. Xăm trên mình hình rắn, hình ruột gà ngòng ngoèo, cho giống như giao để khỏi bị nó làm hại; có tài liệu nói xăm mình như vậy là để cho tổ tiên nhận ra con cháu [ở cõi bên kia].
  3. Hội thuyền rồng (dragon boat festival), ngày 5 tháng 5. Ngày này, có thể là người ta rủ nhau tắm sông vậy thôi, nhưng thường thì người ta mở cuộc đua ‘trải’, một thứ ghe bơi nhanh, dài hơn 10 sải tay, làm bằng thân cây bự, đẽo hình con vật chi đó, thí dụ rồng, tượng trưng cho giao. Hội này có nghĩa là cúng người cho thần sông để cầu mong ‘sung túc’ (fertility): mỗi đội gồm 50 người, đội nào thua sẽ bị cúng, nói trắng ra là một số người sẽ phải chết đuối, bởi vậy mà về sau tục này bị cấm.
  4. Những vị thần phò hộ dân biển (gods of seafarers): Thiên Hậu là bà thần nổi tiếng hơn hết, chưa kể Mã Tổ và Lâm Thủy Phu Nhơn; ngoài ra, lối năm 500, bồ tát Quan Âm [của người Ấn] cũng trở thành bà thần phò hộ cho thuỷ thủ (seamen) và đàn bà sanh đẻ. Ngày sanh Thiên Hậu là 23 tháng 3, có cúng.

Trống đồng thì không phải của riêng văn hóa Yueh mà có ở những nơi khác nữa, thí dụ miền trung VN.

Eberhard tóm lược như sau.1

… Vùng văn hóa Yueh có cái lõi là hai tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, rìa bên trên lên tới nước Đại Hàn và rìa bên dưới là tỉnh Phước Kiến. Văn hóa này có làm ruộng và làm rẫy, nhưng không có ngựa và trâu bò. Dường như có hệ thống ‘thị tộc’ (clan system) chớ chưa có nhà nước. Không có dấu tích gì của tục thờ cúng người chết (cult of the dead). Nhưng có tục thờ rắn. Là văn hóa đồ đồng thiếc (bronze). Người ta ưa sông nước, giỏi bơi thuyền. Bận áo poncho.

Văn hóa Yueh là do sự pha trộn (mutual penetration) hai nền văn hóa Tai và Yao mà ra. Ta không biết điều đó đã xảy ra khi nào, vì khi có tài liệu sớm nhứt [của người Hoa], lối 500 BCE, thì văn hóa Yueh đã đầy đủ. Dường như ban đầu người Yueh ở sâu trong đất liền. Rồi họ dời ra miền duyên hải, có lẽ do sức ép của người Hán. Tới 300 năm sau công nguyên, khi tài liệu hết nhắc tới họ, thì sự tình có lẽ như sau.

(1) Một số người Yueh ở lại ven biển, một số bỏ ra biển sống hẳn trên ghe. Người Tan, ngày nay sống trên ghe, có lẽ là ở số này; nhưng [nói đúng hơn] họ là một nhóm Yao hái lượm trong đất liền trở thành một nhóm đánh bắt trên sóng nước, còn người Yao là một nhóm hái lượm trở thành một nhóm trồng trọt.

(2) Một số người Yueh ở lại đất liền rồi về sau trở thành người Hoa. Từ thời trào Hán, người gốc Yueh đã có đóng góp cho văn hóa Hoa, sau này còn hơn vậy nữa…

(3) Một số người Yueh bỏ vô miền núi. Văn hóa của họ bị đảo ngược trở lại và dần dà giống như văn hóa Yao. Việc này xảy ra ở Quảng Tây và phía đông tỉnh này.

… Tôi vẫn cho rằng văn hóa Yueh là do sự pha trộn hai nền văn hóa Tai và Yao mà ra. Nói cho đúng, văn hóa Yao góp phần lớn hơn. Người Yao đi vô vùng đất mới, ắt cần những cái mới. Họ không thấy núi non quen thuộc, mà gặp đồi và đồng. Người Tai thì không thấy thung lũng quen thuộc, mà gặp đồng trống. Hai nền văn hóa đã thay đổi một chút theo điều kiện mới; rồi cả hai pha trộn với nhau, rốt cuộc cho ra văn hóa Yueh. Quá trình đó ắt đã đại khái hoàn thành hồi đầu thiên niên kỷ 1 BCE, nhưng không rõ quá trình đó bắt đầu khi nào. Văn hóa trào Thương [1600–1046 BCE] thì không có tục thờ rắn. Lúc đó đã có cái ý ‘long’ 龍 nhưng ‘long’ là văn hóa Tai. Vậy có lẽ tới cuối thiên niên kỷ 2 BCE thì văn hóa Yueh mới bắt đầu nảy ra. Hồi đầu trào Châu [1050 BCE] ở phía nam Sơn Đông, có nhóm người không theo văn hóa Yueh mà là một thứ gần với văn hóa Yao hơn. Có lẽ họ là nhóm người đi bước đầu thành lập văn hóa Yueh.

Bởi vậy tôi cho rằng khi văn hóa Hoa nảy ra thì văn hóa Yueh không có góp phần gì vô đó, so với mấy nền văn hóa khác ở phía nam [CN]. Mà sau đó thì văn hóa Yueh cũng ít có ảnh hưởng gì, còn mấy nền văn hóa khác thì vẫn tiếp tục góp phần [vô văn hóa Hoa].

2.   Thảo luận

2.1. Người Yueh

Từ cái ‘list’ 12 nét văn hóa Yueh bên trên, ta nhận thấy dường như có ít nhứt hai nhóm người trong vùng văn hóa Yueh:

  1. một nhóm ở đất liền: ăn mừng lúa mới, mặc áo poncho, ngồi ghế kiệu, gõ mõ hình cá, gắn hình cá trên mái nhà để ngừa cháy, chưng hình gà trống trừ tà, bói giò gà;
  2. một nhóm ở sông nước: thờ rắn/giao, xăm mình, đua trải, thờ thần phò hộ dân biển.

2.2. Tiếng Yueh

Người Yueh nói những thứ tiếng gì thì học giả phương tây đã đưa ra mấy giả thiết nhưng chưa có kết luận.

Chúng tôi xin nêu giả thiết như sau.

Eberhard cho rằng văn hóa Yueh là do sự pha trộn hai nền văn hóa Tai và Yao, mà văn hóa Yao góp phần lớn hơn. Vậy người Yueh ắt nói những thứ tiếng Hmong-Mien của người Yao.

Ngày nay, trong sắc dân thiểu số She ở miền đông CN có một nhóm ở Quảng Đông nói tiếng Hmong-Mien, kêu bằng ‘người miền núi’.[ii] Biêt đâu nhóm đó là dòng dõi của người Yueh không chừng.

2.3. Nước Yueh

Eberhard cho rằng văn hóa Yueh dường như có hệ thống ‘thị tộc’ chớ chưa có nhà nước, nhưng ta được biết có một ‘nước Yueh’ ở ngay Chiết Giang, cái lõi của vùng văn hóa Yueh, với ông vua tên là ‘Câu Tiễn’ (?–465 BCE), chưa kể mấy ‘nước Yueh’ khác ở vùng đó sau này. Vì sao như vậy?

Bởi vì Câu Tiễn không phải là người Yueh.

Georges Louis Condominas (1921–2011), nhà nhơn chủng học người Pháp, sanh ở Hải Phòng, có mẹ mang ‘một phần ba dòng máu Việt’, cho biết như sau, trích theo Holm.[iii]

Chứng cớ khảo cổ, ngôn ngữ, lịch sử, di truyền, dường như cho thấy mỗi nước Yueh là một cái ‘cộng đồng’ gồm nhiều sắc dân ở chung và phân chia lớp lang hẳn hoi, cái lớp cao nhứt gồm những gia đình lo việc binh lính và những gia đình lo việc hành chánh, mà phần lớn đều nói tiếng Tai-Kadai. Tổ chức như vậy giúp cho nhóm ‘thế gia’ đó dễ dàng lập thêm ‘nước’ ở bất cứ nơi nào, giống như một cái ung lây lan khắp nơi trong con người vậy. Thổ dân ở mọi nơi đó, không cần biết họ nói tiếng gì, Austroasiatic, Hmong-Mien, Tibeto-Burman, cũng đều dễ dàng được thâu nạp vô những cái xã hội có lớp lang như vậy, như ta đã thấy ở Lào, Thái, VN và Vân Nam (Sipsong Panna).

[nguyên văn tiếng Anh bên dưới]

Taken together, the archaeological, linguistic, historical and genetic evidence seems to indicate that the Yue kingdoms were stratified multi-ethnic entities, ruled over by a mainly Tai-speaking military and administrative elites. The structure was such that the ruling families could easily metastasise into widely dispersed statelets. Any Austroasiatic, Hmong-Mien, or Tibeto-Burman speakers in the locality could easily have been incorporated into such ranked societies, as indeed they have been in Laos, Thailand, Vietnam, and Yunnan (Sipsong Panna).

Dựa theo ý trên, thì Câu Tiễn là người của văn hóa Tai, nói tiếng Tai-Kadai.

Và những ông ‘vua’ của những ‘nước Yueh’ sau này, mà tự nhận là dòng dõi của Câu Tiễn, ắt cũng là người Tai.

2.4. Những nét Yueh trong văn hóa người Việt

Có thể nhận ra một số nét Yueh trong văn hóa người Việt, như sau.

  1. Mồng 9 tháng 9. Học giả Phan Kế Bính (1875–1921)[iv] cho biết:

Mồng chín tháng chín gọi là tết Trùng Cửu. Tết này không mấy nhà ăn, nhưng đôi khi cũng có người ăn theo tục Tàu.

[Theo một câu chuyện xưa, người] Tàu vì thế cứ đến ngày ấy thì hái hoa thù du, lên cao uống rượu. Ta thỉnh thoảng có người cao hứng cũng uống rượu cúc, gọi là thưởng tết Trùng Dương.

  1. Ghế kiệu.
  2. Mõ cây hình cá. Đây là một thứ nhạc khí dùng trong nhà chùa, học giả Trần văn Khê (1921–2015)[v] cho biết:

Trước kia, ‘mõ gia trì’ hình con cá làm bằng gỗ, nay mõ này hình giống như cái lục lặc to, được để trên gối và đặt bên trái của bàn thờ. Mõ dùng để gõ theo những bài tụng và tán. Vị tăng gõ mõ mang tên là ‘duyệt chúng’. Mỗi chữ trong các bài tụng đều được đệm bằng một tiếng mõ.

  1. Hình cá đắp trên mái nhà để ngừa cháy. Dân gian gọi là con ‘kìm’.
  2. Gà trống trừ tà. Dân gian ngày tết chưng tranh gà Đông Hồ với ý mong ‘xua đuổi ma quỷ’ và những điều khác.[vi]
  3. Bói giò gà. Có, nhưng cách bói dường như đã bị ‘tam sao thất bổn’.
  4. Giao. Dân gian miền trung, ít nhứt tới thời trào Nguyễn, vẫn tin có một con vật kêu bằng:
  • ‘giao long’, bên dưới vực Yên Sinh và phá Nhật Lệ ở Quảng Bình,[vii]
  • ‘thuồng luồng’, bên dưới đầm Ô ở Nghệ An.7

Dân gian miền bắc còn lập đền thờ ‘giao long thành thần đào hang’ bên những con sông lớn, thí dụ sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn.7

‘Thuồng luồng’, ‘giao long’ cũng là tên gọi chung mọi con vật huyền hoặc dữ dằn dưới nước trong các truyền thuyết, thí dụ sự tích ngài Đậu Vĩnh Tường giết con thuồng luồng ở Hà Tĩnh dưới trào Lê-Trịnh.[viii]

Vậy ‘thuồng luồng’, ‘giao long’ của người Việt ắt là những ‘version’ của giao trong văn hóa Yueh.

  1. Hội thuyền rồng. Hội này có nhưng đã mất cái nghĩa ‘cúng người’, Phan Kế Bính 4 cho biết:

Gần hồ hoặc gần sông thì thi bơi chải, năm sáu chiếc thuyền hoặc mươi chiếc, họ hay làm đầu rồng đuôi tôm bằng giấy để trên đầu thuyền và dưới đuôi thuyền, gọi là thuyền rồng. Mỗi thuyền độ chín, mười người cầm một cái bơi chèo, và có một người đứng đuôi thuyền cầm lái. Người thuyền nào mặc áo sắc riêng thuyền ấy. Giữa sông hoặc giữa hồ có cắm một lá cờ và treo một bánh pháo. Thuyền sắp đều một hàng. Có người cầm trống, hễ nghe mấy tiếng trống hoặc phất cờ thì đua nhau mà bơi. Thuyền nào bơi mau ra chỗ cắm cờ, đốt bánh pháo, nhổ được lá cờ đem vào thì được giải.

Nay ở Phú Thọ chẳng hạn vẫn còn hội này, mà không nhứt thiết là ngày 5 tháng 5.

… Bạch Hạc là làng nằm ở ngã ba sông, nay thuộc thành phố Việt Trì. [Dân ở] Bạch Hạc thờ thần Tam Giang Đại Vương là thuỷ thần ngã ba sông, mở hội đua chải vào ngày 20 tháng 5 âm lịch. Bạch Hạc có 4 giáp: Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu; mỗi giáp một chải và mỗi chải sơn một màu: chải Tiên Hạc màu xanh, chải Thần Trúc màu đỏ, chải Đông Nam màu trắng và chải Bộ Đầu màu vàng. Khi đua, quần áo các tay chèo cho tới cờ và mái chèo đều cùng màu với màu [của] chải. Chải Bạch Hạc là chải gỗ đẽo liền một tấm ván không nối. Mỗi chải có 24 khoang gọi là phách với 48 tay chèo, một người lái và một người gõ mõ hiệu. Người gõ mõ hiệu làm hiệu lệnh cho các tay chèo, tay gõ, miệng hô: ‘Dô huỵch! Hồ huỵch!’

Buổi sáng ngày tiệc tế, các chải bơi từ cửa đình Bạch Hạc về tới Gát, tức là phường Thọ Sơn, sau đó quay về cầu Việt Trì, qua Gát rồi về đình Hạc.

Xã An Đạo (Thụy Vân) đua chải vào hội tế các thần Long Xà Đại Vương là thuỷ thần và Út Soi Đại Vương là thần bãi sông. Hội mở vào 19 và 20 tháng 7 âm lịch…[ix]

  1. Thiên Hậu. Tục thờ bà này mới có mấy trăm năm gần đây, do người Yueh đã bị ‘sinicized’ (trở thành người Hoa) đem qua.

Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu là một tục thờ dân gian người Hoa Nam được truyền vào đất Nam Bộ từ các thế kỷ XVII–XVIII theo bước chân của lưu dân Hoa Nam. Theo thời gian, tín ngưỡng này bén rễ tại Nam Bộ, trong đó vùng Tây Nam Bộ có 74 miếu thờ tại và Đông Nam Bộ có ít nhất 58 miếu thờ…[x]

Một số nét văn hóa Yueh nêu trên có lẽ là lấy ở sách Tàu [mà tưởng là văn hóa Tàu], thí dụ ngày trùng cửu, giao, treo tranh gà, bói giò gà,… Một số nét khác thì theo chưn người Yueh đã bị sinicized sang VN định cư [mà tưởng là người Hoa], thí dụ bà Thiên Hậu,…

Điều đáng nói là cái list trên còn thiếu một nét quan trọng hàng đầu của văn hóa Yueh: tục thờ rắn. Ở miền bắc VN, đôi nơi có tục thờ rắn như thần mưa, nhưng đó là con long 龍 của văn hóa Tai,1 như sau.

Ở đền Chóa / Chân Lạc (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Ông Cộc – Ông Dài được thờ ở hậu cung / cung cấm trong hình ảnh tượng thần rắn…

Vậy thì, người Chóa đã muốn ‘cầu xin’ các thần rắn điều gì khi dựng đền thờ ngài và mẹ ngài ở nơi này?

Vùng Chóa xưa nằm trên một dải đất cao ven sông Cầu; từ rất sớm, cư dân ở đây đã phát triển nghề trồng lúa nước và trồng dâu nuôi tằm trên những bãi bồi…

Với cư dân trồng lúa nước lại tụ cư ở những dải đất cao ven sông, ước mong lớn nhất của họ sẽ luôn là đủ nước cho cây lúa. Tuy thần phả và những truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian không nhắc trực tiếp tới khả năng làm ra mưa của thần, nhưng bằng vào sự ghi nhận trong các thư tịch cổ và Đại Nam Nhất Thống Chí: ‘hễ gặp năm hạn hán cầu đảo đều được mưa,’ chúng ta đã hiểu được vai trò của các ngài trong đời sống tâm linh của cư dân sở tại…[xi]

2.5. Trống đồng Đông Sơn

Như đã nói trên, trống đồng không phải của riêng văn hóa Yueh, nên trống đồng Đông Sơn không có liên quan tói người Yueh.

3.   Kết luận

Sau khi tìm hiểu văn hóa Yueh ở CN, ta suy ra rằng:

  • có ít nhứt hai nhóm người Yueh,
  • người Yueh có lẽ nói những thứ tiếng Hmong-Mien.

Ta cũng nhận ra một số nét Yueh trong văn hóa người Việt, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để suy ra rằng người Yueh đã sang VN định cư rồi trở thành người Việt.

Riêng chủ đề ‘Luo Yueh’ (Lạc Việt), chúng tôi đã có dịp trình bày ở một bài khác.[xii]


Chú thích:

[i] Wolfram Eberhard. The Local Cultures of South and East China, trans Alide Eberhard (1968). https://archive.org/details/localculturesofs0000eber/

[ii] She people, https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=She_people&oldid=1070094333 (last visited Mar. 20, 2022).

[iii] David Holm. A layer of old Chinese readings in the traditional Zhuang script.

[iv] Phan Kế Bính. Viêt Nam phong tục (1915).

[v] Trần văn Khê. Âm nhạc trong Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Di sản Văn hóa, số 1 (26)-2009.

[vi] Nguyễn thị Kim Ngân. Hình tượng con gà trong tranh dân gian Đông Hồ. Tạp chí Khoa Học số 40 (10-2019).

[vii] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đinh.

[viii] Đình Hà. Đón di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: nhà thờ và mộ Đậu Vĩnh Tường (2016). Báo Hà Tĩnh, https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/don-di-tich-lsvh-cap-tinh-nha-tho-va-mo-dau-vinh-tuong/121008.htm

[ix] Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ. Hội bơi Chải. https://phutho.gov.vn/vi/hoi-boi-chai

[x] Nguyễn Ngọc Thơ. Tục thờ và miếu thờ Thiên Hậu của người Việt vùng tây Nam bộ. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa số 25, tháng 9, năm 2018.

[xi] Võ Hoàng Lan. Về tục thờ rắn qua huyền thoại Ông Cụt – Ông Dài ở châu thổ sông Hồng (2013).

[xii] Đỗ Ngọc Giao. Bách Việt. http://chimviet.free.fr/dantochoc/dongocgiao/DoGiaon050_BachViet.htm

1 thoughts on “Văn hóa Yueh với người Việt

  1. Pingback: Kể chuyện nhà Rồng | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này