CHƯƠNG 9 : TAI ƯƠNG 474 – 783 SH [1081 – 1381 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Tấn Công Từ Phía Tây
Thực ra, có đến hai thảm hoa, một nhỏ, một lớn. Thảm họa nhỏ đến từ phía tây. Ở vào thời điểm này, người Hồi biết rất ít về Tây Âu như sau này người Âu biết rất ít về nội tình châu Phi. Đối với người Hồi, mọi thứ ở giữa Byzantium và Andalusia đều ít nhiều là một khu rừng sơ khai được cư ngụ bởi người còn nguyên thủy đến nỗi còn ăn thịt lợn. Khi người Hồi nói, “Bọn Cơ đốc,” ý họ chỉ giáo hội Byzantine hoặc các nhà thờ nhỏ hoạt động tại các lãnh thổ do người Hồi kiểm soát. Họ biết rằng từng có một nền văn minh tiên tiến phát triển ở xa hơn về phía tây: người ta còn có thể nhận ra các vết tích của nó còn lưu lại ở Ý và các khu vực ở bờ biển Địa Trung Hải, mà người Hồi thường đến đột kích; nhưng nó đã tan rã trong Thời đại Dốt nát, trước khi đạo Hồi bước vào thế giới, và giờ đây chỉ còn là ký ức.
Quan điểm Hồi giáo này không sai lắm. Châu Âu đã ở vào tình trạng thê thảm một thời gian dài. Bị tấn công nhiều thế kỷ từ các bộ tộc Đức, từ người Hung Nô, từ người Avar, từ người Magyar, từ người Hồi, từ người Norsemen và những người khác, châu Âu đã chìm xuống mức độ chỉ còn hoi hóp sống. Gần như mọi người ở châu Âu đều là nông dân. Gần như mọi nông dân đều quần quật lao động cụp xương sống từ sáng sớm đến tối mịt chỉ để vét đủ thức ăn khỏi chết đói và nuôi một tầng lớp trên mỏng dịn gồm bọn quý tộc quân sự và bọn tăng lữ (và vì tăng lữ không thể lấy vợ, nên hàng ngũ họ đều chứa đầy các thành viên quý tộc quân sự.) Trừ một số it người đó đi vào giáo hội, các chàng trai thượng lưu chẳng học hành gì ngoài việc học đánh nhau.
Tuy nhiên, đâu đó trong thế kỷ 11, kết quả của một số cách tân nhỏ đã làm thay đổi cục diện. Những cách tân này quá tinh tế đến nỗi chúng không được mấy chú ý vào thời điểm đó. Một là lưỡi cày “nặng” đầu thép có thể cắt qua rễ cây và, so sánh với loại cũ, luống cày cạp sâu hơn vào lớp đất sét ẩm ở miền bắc châu Âu. Lưỡi cày nặng giúp nông dân có thể phát hoang rừng và mở rộng diện tích canh tác vào những vùng trước đây được xem là không thích hợp để làm ruộng. Kết quả là nông dân có nhiều đất hơn.
Một phát minh thứ hai là vòng cổ ngựa, chỉ là một cải tiến nhỏ của cái ách dùng để buộc con vật kéo vào cái cày. Cái ách trước đây chỉ có thế dùng cho bò. Nếu dùng ách bò cho ngựa, vòng ách sẽ xiết chặt vào cổ ngựa và làm nó nghẹt thở. Tại một thời điểm nào đó, một nhà cách tân vô danh điều chỉnh ách vừa đủ để nó xiết vào vai ngựa và một điểm thấp hơn trên cổ nó. Với cái ách cải tiến này, nông dân có thể sử dụng ngựa thay bò để cày ruộng, và vì ngựa cày nhanh hơn bò 50 phần trăm, họ có thể cày nhiều diện tích hơn trong cùng lượng thời gian.
Cách tân thứ ba là quay vòng vụ mùa trên ba cánh đồng. Canh tác trên cùng một mảnh ruộng hết năm này sang năm khác sẽ làm đất trồng kiệt sức, vì thế nông dân phải cho ruộng thỉnh thoảng “nghỉ ngơi”. Nhưng dạ dày lại không chịu nghỉ ngơi, vì thế nông dân Âu châu có thói quen chia đất thành hai thửa. Mỗi năm họ trồng hoa màu trong một thửa và để thửa kia hoang hóa. Năm sau, họ trồng hoa màu trên thửa thứ hai và để hoang hóa thửa thứ nhất .
Qua nhiều thế kỷ, tuy nhiên, người châu Âu nhận ra rằng một cánh đồng không cần phải nghỉ ngơi mỗi hai năm. Nó vẫn màu mỡ nếu để hoang hóa mỗi ba năm. Dần dần, nông dân bắt đầu chia đất của mình thành ba thửa, và trồng hai thửa mỗi năm trong khi để một thửa nghĩ ngơi. Kết quả là nông dân có thêm một phần sáu đất canh tác mỗi năm.
Những thay đổi nhỏ này góp thêm điều gì? Không nhiều lắm. Chúng chỉ giúp nông dân thỉnh thoảng có thêm được chút sản lượng. Khi họ có dư, họ đem số đó ra các giao lộ nào đó vào các ngày định trước và trao đổi với nông dân có sản lượng dư thừa khác. Khi hàng hóa họ sản xuất được đa dạng hơn và dư thừa hơn, học có thể dành bớt thời gian làm ruộng cực nhọc để tạo tác các đồ thủ công mỹ nghệ họ khéo tay để trao đổi. Một số giao lộ nhộn nhịp biến thành nơi họp chợ có định kỳ, rồi phát triển thành thị trấn. Thị trấn bắt đầu thu hút dân chúng có thể đến làm việc toàn thời gian làm ra vật dụng bán kiếm tiền. Tiền cho phép một số người suốt ngày đi từ chợ này đến chợ khác, chỉ mua và bán. Tiền bạc được dùng trở lại ở Châu Âu, và khi tiền sinh sôi, những người Âu châu giàu nhất có được phương tiện đi du lịch.
Và họ đến đâu du lịch? Vâng, đây là thế giới thấm nhuần tôn giáo và mê tín, họ đi tới các điện thờ để tìm kiếm phép lạ. Nếu họ có phương tiện hạn hẹp, họ thăm viếng các điện thờ địa phương, nhưng nếu họ có bộn xu, họ đến thăm các điện thờ lớn ở Vùng Đất Thánh. Đây là chuyến lữ hành dài ngày và nguy hiểm cho khách Âu Tây, và không có loại tiền tệ phổ biến nên cách duy nhất để trả là bằng vàng và bạc, một việc biến các khách trở thành miếng mồi ngon cho bọn cướp; vì thế khách hành hương thường đi từng nhóm, thuê cận vệ, và tổ chức các chuyến viễn chinh chung có tổ chức đến Palestine. Tại đó, họ thăm các địa điểm mà Christ và các đệ tử đã đi qua, làm việc, sống và chết. Họ xin được Chúa Trời tha thứ, được ưu tiên trong việc tìm được một chỗ trên thiên đường, mua bùa để chữa bệnh, tậu một số vật kỳ lạ ở các chợ phương Đông, chọn sắm các món thánh tích và đồ kỷ niệm để biếu bà con, và trở lại nhà để chiêm nghiệm chuyến phiêu lưu lớn nhất của đời mình.
Rồi người Thổ Seljuk giành giật quyền kiểm soát Palestine từ tay người Fatimid bao dung và người Abbasid biếng nhác. Là những người mới cải đạo, bọn Thổ này có chiều hướng cực đoan. Nhưng họ không cực đoan đối với việc cai rượu, khiêm tốn, từ thiện v…v. .., và họ không nhường cho ai vị trí thứ hai mức độ miệt thị đối với tín đồ các tôn giáo khác, nhất là những người từ vùng đất xa xôi và sơ khai hơn.
Các khách hành hương bắt đầu thấy mình bị đối xử khá khinh thường trong Vùng Đất Thánh. Không phải là họ bị đánh đập, tra tấn hay sát hại gì – không hề có những thứ đó. Đúng hơn là họ thường bị bẽ mặt và bị gây rối như là loại công dân hạng hai. Họ thấy mình đứng ở cuối mỗi hàng. Họ cần có phép đặc biệt mới được bước vào các điện thờ của tôn giáo mình. Mọi thứ nhỏ nhặt đều tốn tiền; chủ cửa hàng phớt lờ họ; viên chức đối xử họ thô lỗ; và các trò sỉ nhục linh tinh đủ mọi loại đổ lên đầu họ
Khi trở về Châu Âu, họ có nhiều chuyện để kêu ca và chửi rủa, nhưng họ cũng có chuyện để kể về sự giàu sụ của phương Đông: các ngôi nhà nguy nga họ đã chiêm ngưỡng, lụa và satin ngay thường dân cũng mặc được, thức ăn ngon, gia vị, dầu thơm, vàng, vàng . . . các câu chuyện khuấy động cơn phẫn nộ đồng thời lòng tham muốn.
Trận Manzikert vào năm 1071 CN, trận đánh trong đó người Thổ Seljuk đánh tan quân Byzantine và bắt hoàng đế làm tù binh, là một tin choáng váng. Nó cũng khởi động một dòng thông điệp từ Byzantine. Các hoàng đế Byzantine hô hào các hiệp sĩ phương Tây đến cứu giúp nhân danh tình đoàn kết Cơ đốc. Các giáo trưởng Constantinople gửi thông điệp khẩn cấp cho đối thủ phía tây cực đoan của mình, giáo hoàng, cảnh báo rằng nếu Constantinople thất thủ, “bọn Mohammed” ngoại giáo sẽ trẩy hội đến La Mã.
Trong khi đó, nền kinh tế Âu châu đang trên đà hồi phục, dân số đang tăng, nhưng các tập quán Âu châu đã không bắt kịp theo hai cách có tính quyết định. Thứ nhất, lao động sản xuất còn được xem là không thích hợp với danh giá của người quyền thế: công việc của họ là sở hữu đất và gây chiến. Thứ hai, tập quán xưa quy định rằng khi một địa chủ mất, con trai trưởng thừa hưởng toàn bộ điền sản, để các con trai thứ mặc tỉnh xoay sở kiếm sống. Mỉa may thay, tập quán “quyền trưởng nam” không được các nhân vật tối cao nghe theo, mà ngược lại, các nhà vua và các ông hoàng thường chia lãnh địa của mình cho các con trai, khiến vương quốc bị phân mảnh thành các đơn vị ngày càng nhỏ hơn. Nước Pháp, chẳng hạn, đã phân ra thành các đơn vị bán chủ quyền gọi là hạt và thậm chí nhỏ hơn được các quý tộc thực sự nhỏ bé cai trị gọi là chủ lâu đài (castellan), vì mỗi người chỉ sở hữu một lâu đài và một số diện tích đất bao quanh mà nó có thể thống trị. Đến đây thì lâu đài không thể chia cho vài đứa con trai, vì thế ở mức độ này, mức độ tại đó các hiệp sĩ được sinh ra, tập quán “trai trưởng thừa hưởng tất cả” trở nên tỏa khắp.
Mỗi thời đại do đó chứng kiến một lớp các quý tộc không đất không có việc gì thích hợp để làm trừ chiến tranh, và với các cuộc xâm lược đang xuống dốc, thậm chí không có đủ trận chiến để đánh nhau. Bọn Viking, đợt sóng xâm lăng lớn cuối cùng, không còn đặt ra mối đe dọa bởi vì, vào thế kỷ 11 họ đã vào Châu Âu đông nghịt và định cư. “Họ” đã trở thành “chúng ta”. Cho dù như vậy, hệ thống vẫn sản sinh càng ngày càng nhiều hiệp sĩ.
Bước vào khách hành hương, bên trái sân khấu, phàn nàn về những khinh thị mà bọn ngoại giáo đổ xuống đầu họ ở Vùng Đất Thánh. Cuối cùng, vào năm 1095, Giáo hoàng Urban II đọc một bài diễn văn công khai bốc lửa bên ngoài một tu viện Pháp có tên Clermont. Tại đó, ông ta bảo với một hội đồng các nhà quý tộc Pháp, Đức, và Ý rằng Cơ đốc giáo đang lâm nguy. Ông kể chi tiết những sỉ nhục mà khách hành hương Cơ đốc phải hứng chịu trong Vùng Đất Thánh và hô hào các tín đồ hãy giúp đỡ huynh đệ mình đẩy lùi bọn Thổ ra khỏi Jerusalem. Urban đề xuất rằng người nào tiến về phía đông nên mang một miếng vải đỏ hình thập giá như một biểu hiệu của nghĩa vụ truy diệt của mình. Cuộc viễn chinh được gọi lại thập tự chinh.
Bằng cách tập trung vào Jerusalem, Urban kết nối cuộc xâm lược phương đông với việc hành hương, do đó đóng khung nó như một hành động tôn giáo. Do đó, với uy quyền có được qua vai trò giáo hoàng, ông chỉ thị ai đi Jerusalem để giết ngươi Hồi sẽ được Chúa Trời tha thứ một phần tội lỗi của mình.
Ta có thể tưởng tượng điều này đã tác động như thế nào đến hàng ngàn hiệp sĩ Âu châu đang bồn chồn, om sòm, tuyệt vọng về mặt tâm lý: “Hãy tiến về đông, các chàng trai trẻ ” giáo hoàng nói. “Hãy bộc lộ bản ngã thực sự của mình là một bộ máy giết người đáng sợ mà xã hội đã rèn luyện cho bạn, nhét đầy túi với số vàng miễn tội, chiếm đất đai mà bạn sinh ra để sở hữu, và kết quả của tất cả điều này – vào được thiên đàng sau khi bạn chết!’
Khi những thập tự quân đầu tiên lác đác vào thế giới Hồi giáo, người địa phương không biết mình đang đối đầu với loại người nào. Lúc đầu, họ tưởng bọn xâm nhập là các lính đánh thuê vùng Balkan làm việc cho hoàng đế ở Constantinople. Nhà cai trị Hồi giáo đầu tiên chạm trán với họ là một ông hoàng Seljuk, Kilij Arslan, cai trị đông Anatolia từ thành phố Nicaea, cách Constantinople khoảng ba ngày đường. Một hôm vào mùa hè 1096, Ông hoàng Arslan nhận được thông tin rằng một đám chiến binh trông kỳ dị đã xâm nhập lãnh địa ông, kỳ dị bởi vì họ ăn mặc quá đỗi nghèo nàn: một ít trông như chiến bình, nhưng số còn lại dường như bộ phận hậu cần gì đó. Hầu như tất cả đều mang một miếng vải đỏ hình thập giá khâu vào áo mình. Arslan cho người theo dõi và trông chừng. Ông biết rằng bọn người này tự xưng là người Frank (người Pháp); người Thổ và Ả Rập địa phương gọi họ là al-Ifranj (“the Franj”). Bọn xâm nhập công khai tuyên bố mình đến từ xứ tây xa xôi để giết người Hồi và chinh phục Jerusalem, nhưng trước tiên họ dự định chiếm Nicaea. Arslan dự đoán lộ trình mà họ sẽ đi theo, bố trí một trận phục kích, và đập họ như đập ruồi, giết nhiều bắt càng nhiều hơn, đuổi bọn còn lại trở về đất Byzantine. Việc quá dễ dàng đến nổi ông không còn bận tâm nghĩ đến
Ông không biết rằng “đội quân” này chỉ là đội tiên phong cà tàng của một phong trào sẽ quấy nhiễu người Hồi tại vùng bờ biển Địa Trung Hải trong hai thế kỷ tới. Trong khi Urban đang nói với giới quý tộc ở tu viện, một tên ma cà bông có tên Peter Ẩn Sĩ cũng đang giảng cùng một thông điệp ngay trên đường phố. Urban đã nói với các quý tộc và hiệp sĩ, nhưng có lẽ bất kỳ con chiên nào xung phong đi thập tự chinh đều được giáo hoàng xá tội, vì thế Peter Ẩn Sĩ có thể chiêu mộ mọi hạng người – nông dân, thợ thuyền, thợ thủ công, thậm chí đàn bà và trẻ em. “Quân đội” của y ra đi trước cả đạo quân chính thức có thể tập hợp được, một phần bởi vì “quân đội” y không cần nhiều thứ mới tổ chức được. Họ đi lo công việc của Chúa; chắc chắn Chúa sẽ lo liệu mọi thứ. Đây là 10,000 thợ giày, đồ tể, nông dân và những người tương tự mà Kilij Arslan đã đè bẹp dễ dàng.
Năm sau, khi Kilij Arslan lại nghe tin báo có thêm bọn Franj đang đến, ông bỏ ngoài tai với một cái nhún vai. Nhưng các thập tự quân lần này là thứ thiệt. Họ là các hiệp sĩ và cung thủ được dẫn đầu bởi các chỉ huy quân sự dạn dày từ một vùng đất chiến chinh như cơm bữa. Trận giao tranh của Arslan với họ trở thành một trận đánh giữa một đội người ngựa ăn mặc nhẹ tênh bắn tên vào các thiết giáp xa, đó là các hiệp sĩ trung cổ Tây Âu. Quân Thổ khử các bộ binh Franj từng người một, nhưng các hiệp sĩ lập các khối phòng thủ tên không xuyên qua được và từ từ đi tới, một cách nặng nề, và tiến lên không nao núng. Họ chiếm thành phố của Arslan và đuổi ông phải chạy đến họ hàng lẩn tránh. Sau đó, các hiệp sĩ tách ra, một số hướng về nội địa về phía Edessa, số còn lại tiến xuống bờ biển Địa Trung Hải về hướng Antioch.
Vua Antioch gửi thư cầu cúu đến vị vua Damascus, có tên Daquq. Vua Damascus cũng muốn hỗ trợ, nhưng ông lo lắng ông anh mình Ridwan, Vua Aleppo, thừa dịp sẽ ào đến cướp Damascus nếu Daquq đem quân đi cứu viện.
Nhà cai trị xứ Mosul đồng ý cứu viện, nhưng ông xao nhãng vì bận đánh nhau với bọn khác dọc đường, và khi ông đến nơi – muộn – ông lao vào choảng nhau với Daquq cũng cuối cùng đến nơi – muộn – và hai lực lượng Hồi giáo này kết thúc mạnh ai về nhà nấy mà chả giúp được gì cho Antioch cả. Từ quan điểm Hồi giáo, đây là câu chuyện về các cuộc Thập Tự Chinh ban đầu: một bi hài kịch về tranh chấp huynh đệ được diễn ra trong thành phố này đến thành phố khác. Khi Antioch thất thủ, các hiệp sĩ trả thù việc thành phố kháng cự bằng trận thảm sát bừa bãi, và rồi thẳng tiến về nam, hướng về thành phố Ma’ara.
Biết tin những gì xảy ra ở Nicaea và Antioch, dân Ma’ara khiếp đảm. Họ cũng gửi thông điệp khẩn cấp đến các anh em họ gần đó, xin cầu viện, nhưng anh em họ của họ cũng đâm ra mừng rỡ khi thấy bọn chó sói từ phương Tây đến làm thịt Ma’ara, mỗi người đều hy vọng mình sẽ nuốt gọn thành phố một khi quân Franj đã quét qua. Vì thế dân Ma’ara phải đương đầu một mình với quân Franj.
Các hiệp sĩ Cơ đốc vây hãm thành phố và khiến kẻ thù lâm vào cảnh quẫn bách – nhưng trong quá trình cũng khiến mình lâm vào cảnh quẫn bách, dau khi ăn sạch mọi mảnh thực phẩm trong vùng quê lân cận và sau đó bắt đầu chết đói. Hiển nhiên, không ai muốn nuôi ăn bọn xâm lược này, và đó là vấn đề gặp phải khi vây hãm lâu dài trong một vùng đất xa lạ.
Cuối cùng các chỉ huy người Franj gửi vào thành phố thông điệp bảo đảm với dân chúng Ma’ara nếu chịu mở cửa thành đầu hàng thì sẽ được tha tội chết. Các nhân sĩ thành phố tin tưởng nghe theo. Nhưng khi Thập Tự quân vào được Ma’ara, họ làm hơn cả việc tàn sát. Họ điên cuồng gieo rắc kinh hoàng, có cả việc nấu sôi người Hồi làm súp ăn và xiên que trẻ em rồi nướng trên lửa hồng, rồi ngấu nghiến.
Tôi biết nói điều này nghe như lời tuyên truyền khủng khiếp mà người Hồi bại trận đã bịa ra để vu khống Thập Tự quân, nhưng các ghi chép về vụ Thập Tự quân ăn thịt người trong sự kiện này đến từ các nguồn tư liệu của người Franj cũng như của Ả Rập. Nhân chứng mắt thấy tai nghe người Franj, Radulph xứ Caen, chẳng hạn, báo cáo về hành động luộc và nướng. Albert xứ Aix, cũng có mặt tại trận Ma’ara, viết, “Binh sĩ chúng ta không những không từ việc ăn xác người Thổ và người Saracen; mà họ còn ăn cả thịt chó!” Điều làm tôi sửng sốt về phát biểu của gã người Franj này là nó ám chỉ ăn thịt chó còn tệ hơn ăn thịt người Thổ và tôi nghĩ rằng gã ít ra cũng coi người Thổ thuộc một chủng loài khác với mình.
Kỳ lạ thay, thậm chí sau vụ thảm bại này, người Hồi cũng không thể đoàn kết. Rất nhiều ví dụ. Nhà cai trị xứ Homs gửi quân Franj ngựa chiến làm quà và góp ý với họ nên đánh đâu tiếp (không phải Homs). Các nhà cai trị Sunni ở Tripoly mời người Franj theo về với chính nghĩa của mình chống lại người Shi’i. (Thay vào đó, quân Franj lại chính phục Tripoli.)
Khi Thập Tự quân đầu tiên đến, tể tướng Ai Cập al-Afdal gửi một bức thư đến hoàng đế Byzantine, ca tụng ông về “đoàn quân tiếp viện” và chúc Thập Tự quân gặt hái thêm thắng lợi! Ai Cập từ lâu mắc kẹt trong cuộc đấu tranh với cả phe Seljuk và Abbasid, và al-Afdal thực sự cho rằng người mới đến sẽ chỉ hỗ trợ cho chính nghĩa của mình. Ông dường như không nhận thức đến khi đã quá muộn là mình có thể nằm trong danh sách nạn nhân bị đánh cướp. Sau khi người Franj chinh phục được Antioch, tể tướng Fatimid viết thư cho họ hỏi liệu mình có thể giúp được gì không. Khi quân Franj tiến quân đánh Tripoli, Afdal lợi dụng để xác lập quyền kiểm soát Jerusalem nhân danh kha-lip Fatimid. Ông bổ nhiệm vị thống đốc của mình đến đó và bảo đảm với người Franj rằng giờ đây họ được chào đón đến thăm Jerusalem bất cứ lúc nào như những khách hành hương danh dự: họ sẽ nhận được sự bảo vệ của ông. Nhưng người Franj trả lời là mình không quan tâm việc được bảo vệ mà chỉ quan tâm đến Jerusalem, và họ đang đến “với cây thương dựng đứng.”
Người Franj hành quân qua vùng quê hoang vắng, bởi vì tiếng tăm của họ đã đi trước họ. Dân quê đã bỏ trốn khi họ tiến đến, và các thị trấn nhỏ đổ về các thành phố lớn hơn tị nạn vì ở đó có tường thành cao phòng vệ. Jerusalem có một số tường thành cao ngất, nhưng sau 40 ngày vây hãm, Thập Tự quân lại thử dở trò cũ đã từng thành công tại Ma’ara – mở cổng thành, không ai bị hại, họ nhắn với dân chúng – và một lần nữa lại thành công.
Sau khi chiếm được Thành phố Thánh, quân Franj lao vào một cuộc tắm máu thảm khốc khiến các vụ thảm sát trước đây dường như chẳng thấm thía gì. Một thập tự quân, viết về chiến tích thắng lợi, mô tả đường phố chất đống đầu, tay, và chân. (Y cho đó là một “cảnh tượng tuyệt vời.”) Y kể về cảnh các thập tự quân phi ngựa qua mặt đất ngập máu bọn ngoại đạo đến đầu gối và dây cương. Edward Gibbon, sử gia Anh đã viết biên niên sử về sự thất thủ của Đế quốc La Mã, cho biết Thập Tự quân sát hại 70,000 người ở đây trong vòng hai ngày. Về cư dân Hồi của thành phố, gần như không ai sống sót.
Còn kiều dân Do Thái của thành phố trốn tránh trong các giáo đường trung tâm bề thế, nhưng trong khi họ đang cầu nguyện để được giải thoát, bọn Thập Tự quân phong tỏa mọi cửa vào và cửa sổ rồi phóng hỏa giáo đường, gần như thiêu cháy toàn bộ cộng đồng Do Thái ở Jerusalem trong phút chốc.
Tín đồ Cơ đốc bản địa của thành phố cũng không khá gì hơn. Không ai trong số họ thuộc Giáo hội La Mã mà thuộc các giáo hội miền Đông như Hy Lạp, Armenia, Coptic, hoặc Nestorian. Người Franj thập tự chinh xem họ như bọn ly giáo gần như là dị giáo, và vì bọn dị giáo gần như còn tệ hơn ngoại giáo, họ tịch thu tài sản của các tín đồ Cơ đốc Đông phương này và bắt họ lưu đày.
Sân Khấu Thập Tự Chinh
Việc đánh chiếm Jerusalem đánh dấu mức cao nhất của cuộc xâm lược của người Franj. Phe thập tự quân chiến thắng tuyên bố Jerusalem là một vương quốc. Nó xếp hạng cao nhất trong số bốn nhà nước thập tự quân nhỏ bé đang bắt rễ trong vùng đất này, những nhà nước khác là công quốc Antioch và các hạt Edessa và Tripoli.
Một khi bốn nhà nước thập tự quân này đã được thành lập, một loại bế tắc phát triển, kéo dài một cách ảm đạm trong nhiều thập niên. Hai bên tiếp tục đụng độ nhau lâu lâu một lần trong suốt các thập niên này, người Franj thắng một số trận, nhưng cũng thua một vài trận. Họ đập người Hồi, nhưng cũng bị người Hồi đập lại, và phe họ tranh chấp lẫn nhau, cũng như người Hồi giữa họ cũng tranh chấp lẫn nhau. Đôi khi họ kết đồng minh tạm thời với một ông hoàng Hồi nào đó để có lợi thế chống lại một phe Franj cạnh tranh.
Các liên minh kỳ lạ này lập ra rồi chết đi. Trong một trận đánh Vua Cơ đốc Tancred xứ Antioch đánh tiểu vương Hồi Jawali xứ Mosul. Một phần ba lực lượng của Tancred ngày đó gồm có các chiến binh Thổ là mượn của nhà cai trị Hồi xứ Aleppo, người liên minh với Hội Sát Thủ, vốn cũng móc nối với Thập Tự quân. Ở phía bên kia, khoảng một phần ba binh lính của Jawali là các hiệp sĩ Franj mượn của Vua Baldwin xứ Edessa, vốn có tranh chấp với Tancred. Và điều này có tính điển hình.
Về phía Hồi giáo, tình hình thiếu đoàn kết đến mức nghẹt thở. Nó xuất phát một phần do sự kiện người Hồi lúc đầu không nhìn thấy chiều kích ý thức hệ trong xung đột bạo lực. Họ thấy mình bị tấn công không như người Hồi mà như những cá nhân, như những thành phố, như các vương quốc mini. Họ chịu đựng người Franj như một thảm họa khủng khiếp nhưng vô nghĩa, như một trận động đất hoặc một bầy rắn độc.
Đúng là sau trận thảm sát ở Jerusalem, một ít giáo sĩ ra sức khích động người Hồi kháng chiến bằng cách xác định cuộc xâm lược là một trận chiến tôn giáo. Vài nhà làm luật nổi tiếng bắt đầu thuyết giảng trong đó họ sử dụng từ jihad lần đầu tiên sau nhiều thời đại, nhưng lời hô hào của họ như gió thoảng ngoài tai các thính giả Hồi. Từ jihad dường như nghe kỳ quặc, vì đã không được sử dụng nhiều thế kỷ rồi, một phần bởi vì sự bành trướng quá nhanh chóng của đạo Hồi, khiến đại đa số dân chung sống quá xa vùng biên giới đến nổi họ không có kẻ thù nào chiến đấu nhân danh jihad. Cái ý thức thuở đầu về đạo Hồi chống lại thế giới cách đây đã lâu đã nhường chỗ cho một ý thức Hồi giáo chính là thế giới. Hầu hết cuộc chiến mà ai đó có thể nhớ nghe nói đến đã được chiến đấu vì các phần thưởng nhỏ nhoi như lãnh thổ, tài nguyên, hoặc quyền lực. Một ít có thể được xem là các cuộc đấu tranh cao quý cho lý tưởng không phải là về việc đạo Hồi chống lại đạo khác, mà chỉ là về việc đạo Hồi của ai mới là đạo Hồi thực sự.
Biết tình trạng hỗn loạn trong thế giới Hồi giáo, có lẽ tính chia rẽ nào đó là không thể tránh khỏi: khi người Franj rơi vào hầm rắn này, những người Hồi ngoan cố đơn giản cấu kết họ vào trong bi kịch đang diễn ra của mình. Tuy nhiên, không phải mọi sự mất đoàn kết đều là ngẫu nhiên. Hội Sát Thủ đang bận rộn phía sau hậu trường, gieo rắc sự hỗn loạn, và hoàn toàn thắng lợi.
Ngay trước khi Thập Tự Chinh bắt đầu, Hassan Sabbah đã thành lập một căn cứ hoạt động thứ hai ở Syria, do một bậc thầy phụ trợ mà các Thập Tự quân biết dưới tên Lão gia Trên Núi. Vào thời điểm Thập Tự Chinh bắt đầu, phần đông mọi người không phải bọn Sát Thủ đều căm ghét bọn Sát Thủ. Mọi quyền lực trong vùng đều ra sức săn lùng họ. Kẻ thù của Hội Sát Thủ bao gồm người Shi’i, người Sunni, người Thổ Seljuk, người Ai Cập dòng Fatimid, và triều kha-lip Abbasid. Và đúng là ngạc nhiên, Thập Tự quân cũng đang gây chiến với cùng đối thủ – người Shi’i, người Sunni, người Thổ Seljuk, người Ai Cập dòng Fatimid, và triều kha-lip Abbasid. Hội Sát Thủ và Thập Tự quân có cùng nhóm kẻ thù vì thế không tránh sao trên thực tế họ trở thành đồng minh với nhau.
Vào thế kỷ đầu tiên người Franj xâm lược, mỗi lần người Hồi tìm cách nối lại tình đoàn kết, thì Hội Sát Thủ lại ám sát một nhân vật chủ chốt nào đó và khai hỏa rối loạn một lần nữa.
Vào năm 1113 CN thống đốc Mosul kêu gọi một cuộc hội nghị các nhà lãnh đạo Hồi giáo nhằm tổ chức một chiến dịch thống nhất chống người Franj. Ngay trước khi buổi họp bắt đầu, tuy nhiên, một tên hành khất tiến tới vị thống đốc đang trên đường đến thánh đường. Y chìa tay xin bố thí, rồi bất ngờ đâm một nhát dao vào ngực ông. Vậy là quá nhiều cho một chiến dịch đoàn kết.
Vào năm 1142, các đặc vụ Hội Sát Thủ ám sát vị giáo sĩ có ảnh hưởng lớn thứ hai đang thuyết giảng về jihad mới. Năm sau, một nhóm được cho thuộc giáo phái Sufi tấn công và giết chết một giáo sĩ quan trọng khác, người hậu thuẫn có ảnh hưởng nhất đến phong trào jihad, người đầu tiên trong kỷ nguyên này muốn làm sống lại lời hô hào.
Năm 1126, Hội Sát Thủ giết al-Borsoki, nhà vua hùng mạnh của xứ Aleppo và Mosul, người mà, bằng việc thống nhất hai thành phố lớn này, đã tạo dựng một hạt nhân có tiềm năng cho một nhà nước Hồi giáo thống nhát ở Syria. Borsoki đã thận trọng mặc áo giáp bên dưới lớp áo ngoài – ông biết rằng bọn sát thủ đang rình rập chung quanh. Nhưng khi các Sát Thủ giả trang người Sufi tấn công ông, một tên trong bọn la lớn “Nhắm vào đầu y!” Chúng biết ông có mặc áo giáp. Borsoki chết vì vết đâm ở cổ. Con trai ông lập tức kế vị và có thể đã cứu vớt được nhà nước còn non trẻ nhưng Hội Sát Thủ cũng giết chết ông, cùng bốn người tranh chấp ngôi vua, nhấn chìm khu vực Syria trở lại tình trạng chiến tranh.
Các vụ mưu sát loại này xảy ra với tần số đáng kính ngạc vào thời các Thập Tự Chinh đầu tiên. Một số vụ mưu sát không được chứng minh là do tay của Hội Sát Thủ, nhưng một khi câu chuyện khủng bố đã được làm rõ, bọn khủng bố không cần ra tay với mọi hành động khủng bố. Chúng có thể huênh hoang công nhận mọi vụ mưu sát nào mang dấu ấn của chúng và sử dụng nó để giương cao chính nghĩa. Tất nhiên, họ có giữ lại các ghi chép chi tiết về hoạt động của mình, nhưng vì họ rất bí mật, nên không người ngoài nào đến được các tài liệu này vào lúc đó, và khi cuối cùng tổ chức bị quân Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1256, nó bị tiêu diệt hoàn toàn đến nỗi các ghi chép gần như bị xoá sạch hết khỏi lịch sử. Do đó giờ đây không ai biết có bao nhiêu vụ mưu sát được họ thực hiện.
Sự kiện cuối cùng quay ngược con sóng chống lại người Franj là một loạt các thủ lĩnh Hồi, người sau vĩ đại hơn người trước. Người đầu tiên là tướng lĩnh Thổ Zangi, người trị vì Mosul, sau đó đánh chiếm Aleppo, và nuốt trọn nhiều thành phố khác vào lãnh thổ của mình cho đến khi có thể xứng đáng tự xưng là vua của Syria thống nhất. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm mà một đất nước Hồi giáo lớn hơn một thành phố đơn lẻ và vùng ngoại vi từng tồn tại trong miền Levant (miền giữa Mesopotamia và Ai Cập.)
Binh sĩ của Zangi tôn kính ông vì ông là quân nhân nguyên mẫu. Ông sống kham khổ như binh sĩ, ăn những gì họ ăn, và không kênh kiệu. Chẳng bao lâu sau ông xác định rằng người Hồi có một kẻ thù chúng duy nhất và bắt đầu tổ chức một chiến dịch thống nhất nhằm chống lại kẻ thù này. Trước tiên, ông loại bỏ tính yếu đuối ra khỏi bộ máy của mình: ông loại trừ bọn xu nịnh ra khỏi triều đình và gái gú ra khỏi quân đội. Quan trọng hơn, ông thiết lập một mạng lưới người săn tin và tuyên truyền trên khắp Syria nhằm giữ cho các thống đốc vào hàng ngũ.
Vào năm 1144, Zangi chinh phục Edessa, khiến ông trở thành người hùng trong thế giới Hồi giáo Edessa không phải là thành phố lớn nhất ở miền đông, nhưng nó là thành phố có kích cỡ đầu tiên mà người Hồi đã chiếm lại được từ tay người Franj. Và với việc tái chiếm Edessa, một trong bốn “Vương quốc Cơ đốc” ngưng tồn tại. Một làn sóng hy vọng lên cao trên khắp vùng Levant. Một làn sóng bàng hoàng và cơn sốt chiến tranh quét qua Tây Âu, khích động một nhóm vua chúa tổ chức một Thập Tự Chinh Thứ Hai vô hiệu quả một cách đáng thất vọng.
Zangi hậu thuẫn các giáo sĩ đã xiển dương jihad như một công cụ nhằm đoàn kết người Hồi. Rủi thay Zangi không thể tự đặt mình vào vị thế đứng đầu một phong trào jihad mới vì ông thường quá chén và hay cãi vã chửi thề; chính các phẩm chất khiến binh sĩ quý mến ông đã không làm các ulama vừa lòng. Tuy nhiên, ông có công phát động phong trào chống Franj mà một nhà cai trị sùng đạo hơn có thể phát triển thành một jihad thật sự.
Con trai và người kế nghiệp ông, Nuruddin, sở hữu các phẩm chất mà vua cha thiếu. Mặc dù chia sẻ kỹ năng chiến đầu của vua cha, Nuruddin tỏ ra tinh tế, có tài ngoại giao, và sùng đạo. Ông kêu gọi người Hồi đoàn kết chung quanh một bộ tín điều (đạo Hồi Sunni) và biến jihad thành mục tiêu trung tâm của đời mình. Ông làm sống lại hình ảnh của một con người công chính và mộ đạo chiến đấu không vì cái tôi, không vì của cải, không vì quyền lực, mà vì cộng đồng. Bằng cách phục hồi cho người Hồi cái ý thức xem mình là một Umma đơn lẻ, ông mang cho họ trở lại cái ý thức về vận mệnh, nuôi dưỡng nhiệt huyết vì jihad mà một nhà cai trị khác, vĩ đại hơn có thể sử dụng để tạo ra một thắng lợi chính trị thực sự.
Nhà cai trị vĩ đại này hóa ra là Salah al-Din Yusuf ibn Ayub, biết nhiều hơn dưới tên Saladin, cháu một vị tướng lĩnh chóp bu của Nuruddin. Vào năm 1163, Nuruddin phái chú của Saladin đi chinh phục Ai Cập, chỉ để ngăn không cho nó lọt vào tay người Franj, và vị tướng đem theo cháu mình ra trận. Vị tướng chiếm Ai Cập thành công, và rồi qua đời không lâu sau đó, để lại quyền chỉ huy cho Saladin. Chính thức, Ai Cập vẫn còn thuộc vị kha-lip Fatimid, nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay tể tướng của mình, và triều đình Ai Cập vui mừng chấp nhận Saladin như là tân tể tướng, phần nhiều bởi vì ông chỉ 29 tuổi, thiếu kinh nghiệm nên triều đình nghĩa rằng có thể sai khiến ông được.
Thật ra Saladin không biểu lộ sự vĩ đại của mình khi sống dưới bóng của người chú. Bản chất nhút nhát và nhu mì quá đáng, ông không biểu lộ thiên hướng chiến tranh. Ngay khi ông gánh vác Ai Cập, Nuruddin bảo ông hãy bãi bỏ triều đại Fatimid, và mệnh lệnh này khiến ông lo lắng. Vị kha-lip Fatimid lúc đó là một người 20 tuổi hay bệnh hoạn, thực sự không có quyền hành gì. Ông chỉ là một tên bù nhìn, và Saladin thấy ghê tởm khi phải xúc phạm tình cảm của ông ta. Saladin tuân lệnh Nuruddin, nhưng ông bãi bỏ vương triều kha-lip một cách thầm lặng đến nổi vị kha-lip không hề hay biết. Một ngày thứ sáu, Saladin chỉ việc sắp xếp cho một bộ hạ mình đứng lên trước thánh đường và thuyết giảng một bài nhân danh vị kha-lip Abbasid ở Baghdad. Không ai chống đối và thế là kỳ tích đã được làm. Vị kha-lip yếu ớt không lâu sau đó qua đời vì nguyên nhân tự nhiên mà không biết mình là công dân và triều đại mình đã kết thúc. Cái chết của ông ta khiến Saladin trở thành người cai trị duy nhất của Ai Cập.
Giờ đến một loạt các lý đó để thoái thác với chủ nhân của ông. Nuruddin cứ mãi sắp xếp các buổi họp; còn Saladin cứ kiếm cớ không thể có mặt: cha mình bị bệnh, ông cảm thấy không được khỏe – luôn có nguyên cớ nào đó. Sự thật, ông biết rằng nếu ông phải mặt đối mặt với chủ nhân mình, ông chắc sẽ phải cắt đứt với ông ta vì ông đã là một vị vua hùng mạnh hơn của một đất nước to lớn hơn, và là người lãnh đạo đang lên của chính nghĩa Hồi giáo, và ông không muốn tranh cãi điều đó. Vì thế ông vẫn giữ nguyên câu truyện hư cấu rằng mình là người phụ tá của Nuruddin cho đến khi ông già qua đời. Rồi, Saladin tự tuyên bố là vua Syria cũng như Ai Cập. Một số người thuộc phe Nuruddin nguyền rủa ông là người mới phất phản bội và một thằng điên trẻ tuổi xấc xược, nhưng họ đang lội ngược dòng lịch sử.
Ông là người nhỏ con, anh chàng Saladin này. Ông luôn có vẻ suy tư và đôi mắt u uất, nhưng khi ông mỉm cười, nụ cười ông làm sáng lên căn phòng. Cho đi mọi của cải, ông nhún nhường với người khiêm nhượng, nhưng đường bệ với người có quyền lực. Không ai có thể dọa dẫm ông, nhưng ông không hề cúi mình dọa dẫm bất kỳ ai dưới quyền mình. Với tư cách một nhà lãnh đạo quân sự, ông được lắm, nhưng không có gì đặc biệt. Quyền lực của ông rốt cục nằm trong lòng yêu kính của nhân dân dành cho ông
Saladin đôi khi khóc khi nghe tin buồn và thường ra khỏi lệ thường để thực hiện các hành động hiếu khách và trọng đãi. Có lần một phụ nữ Franj đến tìm ông tuyệt vọng vì bọn cướp đã bắt cóc con gái bà và bà không biết quay ra cầu cứu với ai. Saladin liền phái binh sĩ đi lùng sục tìm kiếm cô gái. Họ tìm được cô gái tại chợ nô lệ, mua cô về, và mang trả lại cho bà mẹ, và hai người trở lại doanh trại Franj.
Về thói quen cá nhân Saladin cũng kham khổ và khắc kỷ như Nuruddin đã từng, nhưng ông ít đòi hỏi ở người khác. Ông sùng đạo nhưng không có tính giáo điều vốn đã làm lũ mờ phẩm chất của Nuruddin.
Bọn Sát Thủ cố gắng hết sức để giết Saladin. Hai lần họ đột nhập tận giường ngủ trong lúc ông say ngủ. Có lần chúng làm ông bị thương ở đầu nhưng ông đang mang vòng đai bảo vệ cổ và mũ sắt dưới khăn trùm đầu. Sau hai lần thất bại này, Saladin quyết tâm đập tan Hội Sát Thủ một lần cho tất cả. Ông vây hãm thành lũy của chúng ở Syria, nhưng rồi –
Có điều gì đó xảy ra. Đến ngày nay, không ai biết gì. Một số nói Sinon, người Syria cầm đầu Hội Sát Thủ, gửi một bức thư cho cậu Saladin đe dọa sẽ giết mọi thành viên trong gia đình nếu không dỡ bỏ cuộc vây hãm. Nguồn tin riêng của Hội Sát Thủ cho biết ngay giữa đêm, sau khi đã cho cận vệ canh gác chung quanh và bố trí các phương thức đề phòng khác, Saladin thức giấc và trông thấy một bóng đen vút qua vách lều của mình. Ông bật dậy và tìm thấy một mẩu giấy ghim lên gối ông mang thông điệp, “Sinh mạng nhà ngươi nằm trong tay ta.” Câu chuyện này chắc chắn là ngụy tạo, nhưng sự kiện nhiều người tin nó cho thấy Hội Sát Thủ đã thụ đắc quyền lực trong trí tưởng tượng của mọi người. Tuy nhiên, lần này chiến thuật thông thường của Hội Sát Thủ phản pháo, bởi vì đã thất bại hai lần toan tính sát hại ông, Hội Sát Thủ chỉ củng cố thêm huyền thoại về tính vô địch của Saladin.
Saladin hành động thận trọng, cho phép tiếng tăm của mình đoàn kết nhân dân và làm mũi lòng kẻ thù. Ông chiếm lại hầu hết các căn cứ Thập Tự quân không phải đổ máu bằng cách bao vây, gây sức ép kinh tế, và đàm phán. Vào năm 1187, khi cuối cùng ông tiến về Jerusalem, trước tiên ông gửi một đề xuất người Franj hãy giao lại thành phố một cách hòa bình. Đổi lại, người Cơ đốc nào muốn bỏ đi có thể mang theo tài sản của mình và khởi hành. Người Cơ đốc nào muốn ở lại cứ ở lại và được thực hành tín ngưỡng của mình mà không bị quấy nhiễu. Những địa điểm thờ phụng Cơ đốc sẽ được bảo vệ, và các khách hành hương sẽ được chào đón đến và đi. Người Franj phẫn nộ bác bỏ việc trao nộp Jerusalem, vốn là bảo vật chủ yếu và toàn bộ mục tiêu của các Thập Tự Chinh này, vì vậy Saladin vây hãm thành phố, đánh chiếm nó bằng vũ lực, và rồi giải quyết theo cách Kha-lip Omar đã làm: không thảm sát, không cướp bóc, và mọi tù binh đều được phóng thích sau khi nộp tiền chuộc.
Dù xử sự cao quý như thế, nhưng việc tái chiếm Jerusalem của Saladin đã lật ngược cục diện mà Thập Tự Chinh Thứ Nhất đã lập được, gây sửng sốt ở châu Âu và đưa đến việc ba nhà vua hùng mạnh mạnh nhất lục địa tổ chức cuộc Thập Tự Chinh Thứ Ba nổi tiếng. Một là vua Đức Frederick Barbarossa, người đã té xuống ngựa tại một vùng nước nông và chết đuối trên đường đến Vùng Đất Thánh. Một là vua Pháp Philip II, đến được Vùng Đất Thánh, tham gia trong cuộc chinh phục cảng Acre, và rồi đuối sức tếch về nước. Chỉ còn lại vua Anh Richard I, được đồng bào mình gọi là Lionheart (Tim Sư tử). Richard là một chiến binh khủng, nhưng hiếm khi xứng đáng với danh hiệu mà ông giành được ở quê nhà như một mẫu mực của tính mã thượng. Ông dễ dàng bẻ gãy lời hứa và làm bất cứ điều gì cần thiết để thắng trận. Ông và Saladin vờn nhau khoảng một năm, và Richard thắng trận đánh chủ lực, nhưng vào lúc ông vây hãm Jerusalem vào tháng 6 năm 1192, bệnh tật làm ông yếu sức và cái nóng làm ông hụt hơi. Saladin tình cảm gửi tặng ông trái cây tươi ướp lạnh và đợi Richard nhận ra rằng ông không có đủ quân để chiếm lại Jerusalem. Cuối cùng, Richard đồng ý các điều khoản với Saladin, sơ lược như sau: Người Hồi được giữ Jerusalem nhưng phải bảo vệ các địa điểm thờ phụng của người Cơ đốc, cho phép người Cơ đốc sống trong thành phố và thực hành tín ngưỡng của mình mà không bị quấy nhiễu, và cho phép khách hành hương Cơ đốc đến và đi như ý muốn. Sau đó Richard đi về nước, cho người loan tin trước là mình đã đạt được thắng lợi nào đó tại Jerusalem: ông đã buộc được Saladin phải lịch sự. Thật ra, ông đã thu được chính xác các điều khoản mà Saladin đã đưa ra ngay từ đầu.
Sau Thập Tự Chinh Thứ Ba này không còn gì có ý nghĩa xảy ra, trừ khi bạn kể đến Thập Tự Chinh Thứ Tư vào năm 1206 trong đó các Thập Tự quân thậm chí chưa đến được Vùng Đất Thánh bởi vì dọc đường họ bận lo chinh phục và cướp bóc Constantinople và làm ô uế các nhà thờ của nó. Vào giữa thế kỷ 13 tác động của thập tự chinh đã yếu dần ở châu Âu và cuối cùng nó lụi tàn.
Các sử gia theo truyền thống đếm cả thảy 8 Thập Tự Chinh qua khoảng thời gian 200 năm, nhưng thật ra tại bất cứ thời điểm nào cũng có ít nhất một số ít các thập tự quân đến rồi đi. Vì thế chính xác hơn là phải nói các cuộc Thập Tự Chinh kéo dài khoảng 200 năm, với 8 thời kỳ trong đó sự đi lại nhộn nhịp, thường bởi vì một số quân vương hoặc liên minh các quân vương tổ chức một chiến dịch. Qua hai thế kỷ này, đi thập tự chinh đơn giản là hoạt động thường xuyên đối với người Âu châu, với một số gia đình gửi một hoặc hai con trai ra trận trong mỗi thời đại, các con trai này ra đi khi đến tuổi, không phải khi “cuộc thập tự chinh sau” đang lên đường.
Đợt sóng đầu tiên của các hiệp sĩ châu Âu chiếm lấy một nhúm thành phố và thiết lập bốn “vương quốc Thập Tự quân” gần như là thường trực, sau đó các thập tự quân tương lai từ Anh hoặc Pháp hoặc Đức luôn có chỗ dừng chân và một quân đội để gia nhập nếu họ hướng về đông. Tất nhiên là có một số người Cơ đốc gốc Tây Âu sinh ra tại vương quốc này, sống và chết ở đó, nhưng nhiều người đến phương đông một vài năm, đánh đấm một ít cho chính nghĩa, thu được một số chiến lợi phẩm nếu gặp may, rồi về nhà. Các Thập Tự quân xây dựng các thành lũy bằng đá ấn tượng, nhưng vẫn tạo một cảm giác tạm thời vì họ chỉ lưu trú ngắn ngày ở phương đông.
Một số tín đồ cực đoan Hồi giáo hiện nay (và rải rác các học giả Tây phương) mô tả Thập Tự Chinh như là một trận đụng độ to lớn giữa các nền văn minh báo trước những xung đột đang xảy ra hiện nay. Họ lần nguồn cội cơn căm thù hiện đại của người Hồi cho kỷ nguyên đó và các sự kiện đó. Nhưng các báo cáo từ phía Ả Rập không cho thấy người Hồi thời kỳ đó suy nghĩ theo hướng đó, ít ra là ngày lúc đầu. Không ai hình như cho các cuộc chiến là trận thư hùng giữa đạo Hồi và đạo Cơ đốc – đó chỉ là tình tiết mà Thập Tự quân thấy. Thay vì là cuộc đụng độ giữa hai nền văn minh, người Hồi chỉ thấy đó là thảm họa từ trên trời rơi xuống … nền văn minh. Trước hết, khi nhìn vào người Franj, người Hồi không thấy chứng cứ của văn minh. Một ông hoàng Ả Rập có tên Usamah ibn Munqidh mô tả người Franj như là “các dã thú, can đảm và quyết chiến tuyệt vời nhưng không có điều gì khác, giống như một chủng loài cao cấp về sức mạnh và tính hung hăng.” Thập Tự quân khiến người Hồi ghê tởm đến nổi họ đánh giá cao người Byzantine khi so sánh. Một khi họ hiểu được các động lực chính trị và tôn giáo của các cuộc Thập Tự Chinh, họ mới phân biệt giữa “al Rum” (Rome (La Mã), tức Byzantine) — và “al-Ifranj.” Thay vì “Thập Tự Chinh,” người Hồi gọi thời kỳ xung đột này là Cuộc Chiến với người Franj.
Trong các vùng giao tranh, tất nhiên người Hồi cảm thấy bị đe dọa, thậm chí hãi hùng, nhưng họ không xem các cuộc tấn công này là các thách thức trí tuệ cho lý tưởng và tín ngưỡng của họ. Và mặc dù các cuộc Thập Tự Chinh chắc chắn là một vấn đề nghiêm trọng đối với người Hồi sống dọc theo bờ biển Địa Trung Hải phía đông, Thập Tự quân chưa hề xâm nhập vào sâu trong thế giới Hồi giáo. Chẳng hạn, không có đạo quân thực sự nào đến tận Mecca và Medina, trừ một đội đột kích nhỏ do một gã sống ngoài vòng pháp luật cầm đầu, một kẻ mà ngay cả người Franj khác cũng coi là tên vô lại cặn bã. Thập Tự quân chưa hề vây hãm Baghdad cũng không hề xâm nhập Ba Tư lịch sử. Dân chúng ở Khorasan và Bactria và thung lũng sông Ấn vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vụ gây hấn và phần đông không hay biết gì chuyện đó.
Hơn nữa, Thập Tự Chinh không khuấy lên sự tò mò đặc biệt nào trong thế giới Hồi giáo về Tây Âu. Không ai bỏ ra công sức để tự hỏi xem bọn Franj này từ đâu đến, hoặc họ sống như thế nào ở đất nước mình, hoặc họ thờ phụng ai. Vào đầu thập niên 1300, Rashid al-Din Fazlullah, một người Do Thái cải sang đạo Hồi viết Tuyển Tập Lịch Sử Toàn Bộ, trong đó có cả lịch sử Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ, Do Thái, Ba Tư tiền Hồi giáo, Mohammed, các kha-lip, và người Franj, nhưng thậm chí ở niên đại muộn này, phần dành cho người Franj rất qua loa và thiếu tư liệu. Tóm lại, Thập Tự quân hầu như không mang theo con vi rút văn hóa Âu châu nào vào thế giới Hồi giáo. Ảnh hưởng hầu như đi theo chiều ngược lại
Và điều gì chảy theo chiều ngược lại? Vâng, Thập Tự quân mở ra cơ hội cho các nhà buôn Âu châu đến Levant và Ai Cập. Trong các cuộc chiến Franj, mậu dịch giữa Tây Âu và Trung Thế Giới gia tăng. Kết quả là dân chúng ở Anh Pháp và Đức có được hàng hóa ngoại quốc kỳ lạ đến từ phương Đông, các sản vật như đậu khấu, đinh hương, tiêu đen, và các gia vị khác, cũng như lụa, satin, và vải làm từ một loại cây tuyệt vời gọi là bông vải.
Các nhà buôn, khách hành hương và Thập Tự quân Âu châu (các nhóm người này không phải lúc nào cũng phân biệt rạch ròi1¹) trở về nước thông báo về mức giàu có của thế giới Hồi giáo và kể các câu chuyện về các miền đất còn xa xôi hơn, những nơi như Ấn, và các đảo gần như là thần thoại ở “Đông Ấn.” Các câu chuyện này kích thích lòng ham muốn ở châu Âu, một lục địa không ngừng lớn mạnh theo năm tháng và cuối cùng dẫn đến các hậu quả to lớn về sau này.
Ở Trung Thế Giới, tuy nhiên, ngay khi tai họa của Thập Tự Chinh lắng dịu xuống, một thảm họa thứ hai và thảm khốc hơn nhiều ập đến.
Tấn Công Từ Phía Đông
Người Mông Cổ xuất thân từ các vùng thảo nguyên Trung Á, một đồng cỏ không cây to mênh mông với đất cằn và ít sông ngòi. Môi trường không trồng trọt được nhưng chăn thả cừu và ngựa thì hoàn hảo, vì thế người Mông Cổ sống bằng thịt cừu, sữa, và phô mai, đốt phân làm nhiên liệu, say sưa với sữa ngựa lên men, và sử dụng bò để kéo xe. Họ không có thành phố hoặc nơi cắm trại cố định mà luôn luôn di chuyển, ngủ trong các căn lều nỉ gọi là ger (có nơi gọi là yurt), mà họ có thể dễ dàng tháo dỡ và mang đi.
Người Mông Cổ có liên hệ mật thiết với người Thổ về mặt sắc tộc, ngôn ngữ, và văn hóa, và các sử gia thường nhóm họ chung với nhau là các bộ tộc Thổ-Mông. Tuy nhiên, họ có thể xem là riêng biệt theo một mức độ nào đó, người Thổ thường sống xa hơn về phía tây còn người Mông Cổ sống xa hơn về phía đông. Nơi nào họ sống chung, họ sống khá hòa thuận .
Qua vài thế kỷ một số đế chế du cư đã thành lập rồi tan rã trên thảo nguyên, các liên minh bộ tộc vốn không có nguyên tắc thống nhất cốt lõi để ràng buộc họ với nhau. Trong thời cộng hòa La Mã, một nhóm bộ tộc Thổ-Mông có tên Hung Nô hợp nhất thành một sức mạnh đáng sợ đến nổi vị hoàng đế thứ nhất của Trung Quốc thống nhất, Tần Thủy Hoàng, đã sai khoảng một triệu người để xây dựng Vạn Lý Trường Thành ngăn họ xâm nhập. Khi không thể đột kích phía đông, Hung Nô quay sang phía tây. Dưới quyền lãnh đạo của Attila họ càn quét suốt dọc đường đến La Mã trước khi họ tan rã.
Vào thời kỳ đầu của đạo Hồi, một loạt các liên minh Thổ không rõ ràng khống chế vùng thảo nguyên, nhưng một khi họ di chuyển về nam họ biến thành các triều đại Hồi giáo, như Ghaznavid và Seljuks.
Người Mông Cổ đã xâm nhập thế giới Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, và một loạt các triều đại Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế họ bằng cách nộp tiền để họ tránh xa, bằng cách xúi giục các thủ lĩnh Mông Cổ chống nhau, và bằng cách tài trợ cho các tên trẻ mới phất lên chống lại các thủ lĩnh lớn tuổi. Bằng cách này họ đã luôn chia rẽ được người Mông Cổ, mặc dù nói thật, người Mông Cổ, như các bộ tộc du cư nói chung, thường không cần sự giúp đỡ bên ngoài mới hay chia rẽ.
Rồi khoảng 560 SH (1165CN) nhân vật xuất chúng và lôi cuốn Thiết Mộc Chân ra đời. Lịch sử biết đến ông dưới tên Chengez Khan (ở phương Tây, Genghis Khan: Thành Cát Tư Hãn), chức danh có nghĩa “nhà cai trị vũ trụ”, một tước hiệu ông chỉ nhận cho đến khi khoảng 40 tuổi.
Cha của Thiết Mộc Chân là một thủ lĩnh Mông Cổ nhưng bị sát hại khi Thiết Mộc Chân lên 9. Những người hậu thuẫn ông lần lượt bỏ đi, và gia đình ông lâm vào cảnh bức bách. Trong vài năm, Thiết Mộc Chân cùng mẹ và các em buộc phải sống bằng quả mọng và các thú săn nhỏ, như sóc đất và chuột đồng. Cho dù như thế, bọn sát hại cha ông vẫn không thấy yên tâm nếu con trai ông ta còn sống và trưởng thành, vì thế họ săn lùng cậu trai suốt thời niên thiếu, và thậm chí có lần suýt bắt được cậu, nhưng thằng bé trốn thoát và rồi lớn lên, và sống để khiến kẻ thù của cậu phải hối tiếc.
Trên đường lưu lạc, ông lôi kéo được một lực lượng các bạn đồng hành gọi là nokar. Trong vùng đất nói tiếng Ba Tư từ này có nghĩa là “người làm thuê”, nhưng vào thời Thiết Mộc Chân nó có nghĩa là “bạn chiến đấu.” Việc các nokar của Thiết Mộc Chân không thuộc cùng một dòng họ và bộ tộc là điều có ý nghĩa. Điều buộc chặt họ thành nhóm là sức thu hút của một người, vì thế trong lòng các nokar của mình Thiết Mộc Chân đã có những hạt mầm của một tổ chức vượt qua cả lòng trung thành bộ tộc và cuối cùng giúp ông thống nhất người Mông Cổ thành một quốc gia đơn lẻ dưới quyền cai trị của ông.
Vào năm 607 SH (1211 CN), người Mông Cổ của Thiết Mộc Chân tấn công Đế chế Tống của Trung Quốc đang suy yếu và thắng như chẻ tre. Bảy năm sau, vào năm 614 (1218), người Mông Cổ bước vào lịch sử của Trung Thế Giới.
Họ bước vào loại thế giới nào vậy? Vâng, sau khi người Seljuk chinh phục thế giới Hồi giáo, các bộ tộc Thổ khác theo chân họ, gặm nhấm các lãnh thổ mà các vua Thổ trước đây đã giành được, và cắt xén ra thành các vương quốc biên giới của riêng mình. Một vương quốc như thế đã vừa bắt đầu xuất hiện ở Transoxiana, và trông có vẻ như rất có nhiều triển vọng trong khu vực. Đó là vương quốc Khwarazm-Shahs. Vua của họ Alaudin Mohammed tự coi mình là bậc thầy quân sự, và trong cơn xấc xược y quyết tâm dạy cho người Mông Cổ một bài học. Ông bắt đầu bằng cách chặn bắt 450 nhà buôn đi qua vương quốc ông dưới sự bảo vệ của người Mông Cổ. Kết tội những nhà buôn đáng thương này làm gián điệp cho người Mông Cổ, ông ra lệnh giết họ và tịch thu hết hàng hóa, nhưng ông cố tình bỏ sổng một người để y đem tin thảm sát về cho Thiết Mộc Chân. Ông ta đang tìm kiếm sự rắc rối cho mình.
Thủ lĩnh Mông Cổ phái ba phái viên về phía tây đòi bồi thường thiệt hại. Đây ắt hẳn là lần cuối cùng Thiết Mộc Chân cho thấy mình rất nhẫn nại. Và giờ đây, Alaudin Mohammed phạm một sai lầm thực sự nghiêm trọng. Ông ta hành hình một phái viên và đuổi hai phái viên kia về nước sau khi nhổ hết râu họ. Trong vùng này, không hành động nào gây sỉ nhục thảm thương cho người khác hơn là nhổ râu y. Alaudin hiểu điều này rất rõ, nhưng ông muốn xúc phạm, bởi vì ông hậm hực muốn đánh nhau – và ông có ngay. Vào năm 615 (1219) thảm họa lớn bắt đầu.
Chúng ta thường nghe nói đến “bè lũ” Mông Cổ, một danh từ gọi lên hình ảnh đoàn người hoang dã hú thét tràn ngập chân trời đông đến hàng triệu người đè bẹp các nạn nhân của chúng chỉ bằng quân số. Thật ra, người Mông Cổ không bày binh với các đoàn quân cực kỳ lớn. Họ thắng trận nhờ chiến lược, tính hung tàn, và, vâng, kỹ thuật . Chẳng hạn, khi họ tấn công các thành phố được phòng thủ vững mạnh, họ sử dụng máy vây hãm tinh vi học được của người Trung Quốc. Họ có loại cung “tổng hợp” làm bằng vài lớp gỗ dán vào nhau, có thể bắn mạnh hơn và xa hơn các cung được sử dụng trong thế giới “văn minh.” Họ chiến đấu trên lưng ngựa và tài cưỡi ngựa của họ khiến một số nạn nhân của họ tưởng người Mông Cổ là một chủng loài mới nửa người nửa ngựa trước đây con người chưa từng biết đến. Ngựa họ dai sức và chạy nhanh nhưng hơi nhỏ con, vì thế chiến binh Mông Cổ có thể dùng chân bấu chặt ngựa, nghiêng người hẳn qua một bên, dùng ngựa làm lá chắn và bắn tên qua bên dưới bụng ngựa, do đó Người Mông Cổ có thể phi ngựa nhiều ngày đêm liên tiếp, ngủ ngay trên yên ngựa và hút chất dinh dưỡng từ tĩnh mạch họ cắt ra trên cổ ngựa, vì vậy sau khi cướp phá thành phố này họ có thể bất ngờ xuất hiện tại một thành phố khác ở xa nhanh đến nổi họ hình như sở hữu các năng lực siêu phàm. Đôi khi, quân Mông Cổ mang theo thêm ngựa đặt hình nhân ngồi lên để quân địch tưởng họ có quân số áp đảo: đó chỉ là thêm một trong nhiều mưu mẹo quân sự của họ.
Vào năm 615 SH (1219 CN) Alaudin Mohammed chỉ huy nhiều binh lính hơn hẳn Thiết Mộc Chân, nhưng đội quân đông đảo của y không giúp gì cho y. Thiết Mộc Chân đập tan và đuổi Alaudin chạy thừa sống thiếu chết. Các toán quân Khwarazmi Thổ tan tác biến thành các bọn vô lại dong ruổi về phía tây, phá vỡ luật pháp và trật tự, và thậm chí giúp đánh đuổi những Thập Tự quân cuối cùng khỏi các thành lũy của họ, báo trước những việc sẽ đến. Thiết Mộc Chân làm cỏ Transoxiana, những vùng đất hai bên bờ Sông Oxus và tàn phá các thành phố nổi tiếng như Bokhara, nơi sự phục hưng văn chương Ba Tư đã bắt đầu hai thế kỷ trước. Ông san bằng thành phố cổ huyền thoại Balkh, được người cổ đại biết dưới tên “Mẹ các Thành Phố,” trút đổ thư viện xuống Sông Oxus, hàng trăm ngàn bộ sách viết tay bị quăng ném đi.
Rồi ông tiến quân về Khorasan và Ba Tư, và ở đây quân Mông Cổ thực hiện một cuộc diệt chủng. Thực sự dường như không có từ nào khác thích đáng hơn. Viết không lâu sau sự kiện đó, sử gia Hồi Sayfi Heravi cho rằng quân Mông giết sạch 1,747,000 người khi họ cướp phá thành phố Naishapur, giết gần như mọi thứ không tha cả mèo chó. Tại thành phố Herat, ông cho số người chết là 1,600,000. Một sử gia Ba Tư khác, Juzjani, cho rằng có 2,400,000 người chết ở Herat. Tất miền những con số này bị thổi phồng. Herat và Naishapur không thể nào có số dân cư lớn đến vậy vào thập niên 1220.
Vậy mà con số có thể không thổi phồng quá đáng như thoạt nghĩ bởi vì khi người Mông tràn vào thế giới Hồi giáo, dân chúng nghe tin là chạy trốn – cũng phải thôi. Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu là đồng ruộng bị thiêu rụi, hoa màu tiêu hủy, mạng sống dân quê bị cướp đoạt, và các câu chuyện về hành vì tàn bạo của họ được họ lan truyền như một sách lược chiến tranh. Họ cố tình loan tin và gieo rắc sợ hãi đi xa và nhanh để các thành phố họ tấn công tiếp theo không dám đương đầu.
Một thành phố họ tấn công ở bắc Afghanistan ngày nay gọi là Shari Gholghola— Thành phố Thất Thanh, và tất cả điều bạn nhìn thấy ở đây bây giờ là một đống rác rến và sình lầy và đá vụn. Vì thế hoàn toàn có thể khi quân Mông Cổ tấn công vào bất kỳ thành phố lớn nào như Berat, thì thành phố đã phồng to vì dân tị nạn từ các vùng trong vòng vài trăm dặm chung quanh đổ về. Có thể khi các thành phố này thất thủ, thì không chỉ cư dân gốc của thành phố mà kể cả số dân tị nạn cũng bị tàn sát.
Không ai thực sự biết được chính xác có bao nhiêu người chết. Chắc chắn không có ai đi ra chiến trường để đếm số tử thi. Nhưng cho dù các con số này thực sự là các số thống kê, chúng cũng nói lên tầm vóc của sự kiện, diễn tả được cảm xúc chấn động cho những ai còn sống dưới bóng đen của các trận tàn sát kinh hoàng. Trước đây không có ai nói như thế về quân Seljuk hoặc quân Thổ. Cuộc xâm lược của quân Mông Cổ rõ ràng là một thảm họa có tầm vóc khác.
Dù các con số dựa vào điều gì đi nữa, ắt phải có một chút sự thật trong đó. Hai lịch sử hoàn tất vào khoảng năm 658 SH (1260 CN), một ở Baghdad, một ở Delhi, gần như đưa ra những lời kể gần như giống nhau về các sự kiện khủng khiếp này, gần như cùng con số thống kê về số thương vong. Hai sử giá có thể không quen biết nhau, và họ viết ít nhiều đồng thời, vì thế không ai có thể đã sử dụng tài liệu của người kia. Cả hai đều kể lại những gì xảy ra, những gì dân chúng nói từ Delhi đến Baghdad.
Khi quân Mông Cổ tấn công Ba Tư, ngoài những việc quen thuộc, họ phá hủy qanat, công trình kênh nước ngầm cổ mà, đối với một xứ sở nông nghiệp trong một đất nước không có sông ngòi, chính là mạch máu của cuộc sống. Một số qanat bị phá hủy ngay lập tức và một số bị lấp cát và biến mất. Khi nhà địa lý Ả Rập Yaqut al-Hamawi mô tả miền tây Iran, miền bắc Afghanistan, và các nền cộng hòa phía bắc Sông Oxus một ít năm trước cuộc xâm lược của quân Mông, ông mô tả một tỉnh lỵ trù phú, màu mỡ. Một ít năm sau cuộc xâm lược, nó đã là một sa mạc. Giờ vẫn là một sa mạc.
Thiết Mộc Chân không sống để thực thi tất cả tai ương mà quân Mông đem lại. Ông mất năm 624 SH (1227 CN), nhưng sau khi ông mất đế chế Mông Cổ được phân chia cho con cháu ông, tiếp tục trận hủy diệt hàng loạt. Hạt nhân của thế giới Hồi giáo lọt vào tay cháu nội của Thiết Mộc Chân Húc Liệt Ngột, và vì không phải tất cả lãnh thổ này đều được chinh phục, nên Húc Liệt Ngột tiếp nối công việc ông nội mình đã bỏ dỡ.
Một ghi chú kỳ lạ đối với trận đại hủy diệt Mông Cổ xảy ra vào năm 653 SH (1256 CN), khi Húc Liệt Ngột đang đi qua Ba Tư. Một luật gia Hồi gần Alamut đề nghị với vị đại hãn Mông Cổ rằng ông phải mặc áo giáp bên dưới lớp áo ngoài suốt thời gian vì sợ bọn Sát Thủ đóng gần đó. Một thời gian ngắn sau đó, hai tên Fedayeen (các đặc vụ Sát Thủ tự sát) ngụy trang thành các nhà sư định giết Húc Liệt Ngột- nhưng thất bại. Họ lẽ ra có thể thử nhổ râu của đại hãn xem có phải mình vuốt râu hùm hay không. Một giáo phái có khả năng giết bất cứ người nào giờ chạm trán với một quân đội giết tần tật mọi người. Húc Liệt Ngột tạm dừng chuyến hành quân đến miền tây để đánh chiếm Alamut. Rồi ông làm với tổ chức Sát Thủ những gì mà quân Mông Cổ đã làm và sẽ làm với nhiều người khác: ông phá hủy cơ sở vật chất; ông phá hủy căn cứ; ông phá hủy tài liệu, thư viện, và văn thư – đến lúc đó, mối đe dọa của Hội Sát Thủ đã đến hồi kết cục.
Sau khi Húc Liệt Ngột đã tiêu diệt Hội Sát Thủ, ông hành quân tiếp đến Baghdad. Tại đó, ông gửi một bức thư đe dọa đến vị kha-lip Abbasid, trong đó, theo sử gia Rashid al-Din Fazlullah, ông nói, “Quá khứ đã qua. Hãy hủy diệt thành lũy của ngài, lấp đầy các thành hào của ngài, nhường vương quốc lại cho con trai ngài, và đến với chúng tôi. . . . Nếu ngài không lưu ý đến lời khuyên của chúng tôi . . . thì hãy sẵn sàng. Khi ta dẫn đạo quân phẫn nộ đánh Baghdad cho dù ngài có trốn trên trời dưới đất, ta cũng sẽ lôi ngài xuống. Ta sẽ không để một người nào sống sót trên lãnh thổ của ngài, và ta sẽ phóng hỏa thành phố ngài và xứ sở ngài. Nếu ngài muốn những người trong dòng họ cổ xưa của ngài được tha mạng, hãy lưu ý lời khuyên của ta.”
Tuy nhiên, vương triều Abbasid gần đây chứng tỏ đang hồi sinh, và một kha-lip thụ động thậm chí đã vươn lên nắm quyền lực thực sự, đứng đầu binh lính thực sự. Vị kha-lip đang tại vị lúc này là một trong các kha-lip tự phụ. Trong thư phúc đáp Húc Liệt Ngột, ông viết, “Chàng trai trẻ, nhà người chỉ vừa đến tuổi trưởng thành và kỳ vọng được sống mãi mãi. Nhà người nghĩ mệnh lệnh mình là tuyệt đối …. Nhà ngươi đến với chiến lược, binh sĩ, và thòng lọng, nhưng nhà ngươi làm sao bắt được một vì sao? Bộ đại hãn không biết rằng từ đông sang tây, từ vua chúa đến tên ăn mày, từ già đến trẻ, những người kính sợ và tôn thờ Thượng Đế, đều là tôi tớ của triều đình này và binh sĩ trong quân đội ta? Khi ta ra hiệu cho mọi người đang phân tán tập kết lại, ta sẽ thanh toán Iran trước rồi quay sang Turan, và ta sẽ đặt mọi thứ vào vị trí thích đáng.”
Cuộc tấn công vào Baghdad bắt đầu vào ngày 3/2/1258. Vào ngày 20/2, Baghdad không chỉ bị chinh phục. Nó gần như mất hẳn. Người Mông Cổ có luật cấm đổ máu hoàng gia; vì như thế là đi ngược với truyền thống của họ; họ sẽ không làm một việc như thế. Vì vậy họ cuộn vị kha-lip và thành viên hoàng tộc vào trong thảm và đá họ đến chết. Về phần các công dân Baghdad, bọn Mông Cổ của Húc Liệt Ngột tàn sát gần như không còn một mống. Sự mơ hồ duy nhất về số người quân Mông Cổ giết ở Baghdad có liên quan đến việc có bao nhiêu người sống ở đó để giết. Nguồn tin đạo Hồi cho con số là 800,000. Còn chính Húc Liệt Ngột thì khiêm tốn hơn. Trong một lá thư gửi đến vua nước Pháp, ông nhìn nhận mình chỉ giết 200,000. Dù còn số thế nào, thành phố đã bị thiêu rụi, vì Húc Liệt Ngột đã giữ lời. Tất cả thư viện, trường học, bệnh viện, tất cả thư khố và tài liệu, tất cả tạo tác của nền văn minh được gìn giữ trân quý tại đó, tất cả chứng tích của đỉnh cao văn minh Hồi giáo trong thời đại hoàng kim của nó, đã bị hủy diệt hoàn toàn.
Chỉ có một quyền lực xoay sở giữ được phòng tuyến chống quân Mông Cổ và đó là Ai Cập. Không có ai khác từng đánh bại thẳng thừng quân Mông, không ở đây, không bất cứ ở đâu
Hậu duệ của Saladin vẫn còn cái trị vùng này khi quân Mông bắt đầu tràn vào, nhưng vào năm 1253 họ đang phơi bày các căn bệnh điển hình của các triều đại già nua: các tên yếu đuối hư đốn chiếm ngôi và bao quanh là các ông hoàng tranh giành khốc liệt. Một hôm nhà vua mất, không để lại người kế vị rõ ràng. Vợ ông Shajar al-Durr chiếm ngôi làm sultan một thời gian ngắn, nhưng rồi người mamluk, tập đoàn các chiến binh nô lệ ưu tú đó, họp với nhau và chọn ra một trong số họ để lấy vị nữ sultan, thế là ông ta trở thành vị sultan hợp pháp.
Trong thời gian đó Húc Liệt Ngột đang phá hủy Baghdad. Khi xong việc, ông ta bắt đầu tiến xuống nam, theo lộ trình quen thuộc của các nhà chinh phục. Nhưng vị tướng lĩnh mamluk sừng sõ nhất của Ai Cập, Zahir Baybars, giáp mặt với Húc Liệt Ngột tại Ayn Jalut, tên có nghĩa “suối của Goliath.” Trong thời Kinh Thánh, theo truyền thuyết, đây là địa điểm mà cậu bé David đã đánh bại tên khổng lồ Goliath. Giờ đây, năm 1260 CN , Baybars là David mới và Húc Liệt Ngột là tên Goliath mới.
Một lần nữa David thắng. (Tình cờ, trong trận đánh này quân Hồi sử dụng một loại vũ khí mới: pháo cầm tay hoặc như chúng ta gọi nó ngày nay, khẩu súng. Đây có thể là trận đánh đầu tiên mà súng được sử dụng có hiệu quả.)
Trở lại Cairo, trong lúc đó, Shajar al-Durr và ông chồng dường như giết nhau trong phòng tắm – chi tiết bẩn thỉu về sự kiện này vẫn còn mù mờ. Baybars, nhận đầy vinh quang từ thắng lợi lẫy lừng ở Ayn Jalut, vội vã hành quân vào chốn rối loạn và nắm quyền kiểm soát, thành lập triều đại Mamluk.
Một người Mamluk, như tôi đã từng đề cập, là một nô lệ, thường là người Thổ, được mang về cung điện khi còn nhỏ và được huấn luyện trong mọi kỹ năng quân sự. Khá thông thường trong lịch sử trung thế giới, một mamluk lật đổ chủ nhân mình và thành lập một triều đại cho riêng mình. Triều đại mà Baybars dựng lên, tuy nhiên, lại khác.
Nó không đúng nghĩa là “triều đại” bởi nguyên tắc cha truyền con nối không được áp dụng. Thay vì vậy, mỗi lần vị sultan qua đời, hội đồng các mamluk hùng mạnh nhất chọn ra một trong số họ vị sultan mới. Trong khi đó, các tân mamluk tiếp tục lên chức nhờ công trạng, rồi bước vào hội đồng các mamluk hùng mạnh nhất, một vị trí từ đó bất cứ ai trong số họ cũng có thể trở thành vị sultan tiếp theo. Do đó Ai Cập không được cai trị bởi một gia đình, mà bởi một tổ hợp quân sự liên tục đổi mới với các mamluk mới. Đó là một chế độ cai trị bởi nhân tài, và hệ thống này có hiệu quả. Dưới thời các mamluk, Ai Cập trở thành quốc gia dẫn đầu trong thế giới Ả Rập, một vị thế nó thực sự không hề từ bỏ.
Mặc dù người Mông Cổ chinh phục thế giới Hồi giáo trong chớp nhoáng, để rồi cuối cùng người Hồi chinh phục lại họ, không phải giành lại lãnh thổ bằng chiến tranh, mà bằng cách kết nạp họ qua việc cải đạo. Việc cải đạo đầu tiên xảy ra vào năm 1257 CN, một đại hãn có tên Berke. Một trong người kế vị của Húc Liệt Ngột, Tode Mongke, không chỉ cải đạo mà còn xưng mình là một Sufi. Sau đó triều đại cai trị Ba Tư của Mông Cổ sản sinh nhiều hơn các nhà cai trị có tên Hồi. Vào năm 1295, Mahmoud Hợp Tán thừa kế ngai vàng Ba Tư. Ông từng là một Phật tử nhưng cải sang đạo Hồi giáo phái Shi’i, và các quý tộc cũng sớm bắt chước theo ông; các hậu duệ của ông tiếp tục cai trị Ba Tư dưới triều đại Il-Khan Hồi giáo.
Sau khi cải đạo, Hợp Tán bảo với giới quý tộc Mông Cổ hãy khoan thứ cho dân bản địa. “Ta không bênh vực giới nông dân Ba Tư,” ông trấn an họ. “Nếu cần, hãy để ta cướp bóc tất cả bọn chúng – không ai có quyền để làm việc ấy hơn ta. Chúng ta hãy cướp đoạt chúng cùng nhau! Nhưng – nếu các người tống tiền các nông dân, tịch thu bò và hạt giống, làm mùa màng thất bát – thế thì các người sẽ làm gì ở tương lai? Ngoài ra các ngươi cũng phải nghĩ, khi các ngươi đánh đập và tra tấn vợ con họ, rằng giống như chúng ta yêu quý vợ con chúng ta, họ cũng yêu quý vợ con mình. Họ cũng là người, giống như chúng ta.” Nghe có vẻ không giống lời nói của Húc Liệt Ngột hoặc Thiết Mộc Chân. Những lời của Hợp Tán là một dấu hiệu nhỏ cho thấy sau trận đại hủy diệt Mông Cổ, Hồi giáo và văn minh đang cuối cùng dần sống trở lại.