Chính sách của Quốc Dân Đảng Trung Quốc đối với tù binh Nhật Bản

Ảnh: 5 tù binh Nhật này sắp được áp giải về sở chỉ huy của Tập đoàn quân 74 Trung quốc. Trông họ có vẻ được ăn no, mặc ấm

Kevin Nguyễn

Thông báo đầu hàng của Nhật hoàng ngày 15 tháng 8 năm 1945 không gây bất ngờ nhiều cho các lực lượng Nhật Bản ở Thái Bình Dương, nơi họ đã bị vùi dập bởi những thất bại liên tiếp. Tuy nhiên, thông báo này gây bất ngờ hơn nhiều đối với lực lượng lục quân bất bại của Nhật Bản ở Trung Quốc. Đội ngũ binh lính Nhật lớn nhất ở Đông Á – khoảng 1,2 triệu người – vẫn đóng quân ở Trung Quốc khi chiến tranh kết thúc.

Mặc dù bất bại và không nghĩ rằng mình có thể bị đánh bại, lực lượng quân đội tập trung lớn nhất của Nhật Bản đã đầu hàng Trung Quốc mà không xảy ra sự cố. Từng chứng kiến – và trong một số trường hợp – tham gia vào việc đối xử tàn nhẫn thường xuyên đối với tù binh và thường dân Trung Quốc, binh lính Nhật Bản không mong đợi gì ngoài điều tồi tệ nhất xảy ra. Do đó, họ hoàn toàn sửng sốt trước sự đối xử nhân từ của người Trung Quốc.

Chính sách chính thức của Quốc dân đảng Trung Quốc, đã được tính toán và đưa ra từ cấp trên. Thống chế Tưởng Giới Thạch nêu quan điểm về chính sách thời hậu chiến của chính phủ ông ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Trong một bài diễn văn đọc vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Tưởng tuyên bố rằng Trung Quốc có một đạo lý đặc biệt “dạy chúng ta không nghĩ về những điều xấu xa trong quá khứ của các cá nhân, mà hãy nghĩ về những việc tốt trong tương lai của họ”.

Bây giờ quân phiệt Nhật đã bị lật đổ, Tưởng kêu gọi người dân Trung Quốc không còn coi người Nhật là kẻ thù: “Chúng ta không nên tìm cách trả thù họ cũng như không xúc phạm người dân vô tội của đất nước họ…. Nếu chúng ta xúc phạm họ như họ đã làm với chúng ta, thì oán thù sẽ chồng chất không biết đến lúc nào dừng. “

Theo hồi ức của các tù binh Nhật Bản về sự kết thúc chiến tranh ở Trung Quốc, sự đối xử nhân đạo đáng chú ý này đối với kẻ thù bại trận đã ảnh hưởng sâu sắc đến họ và được ghi nhớ với cảm xúc biết ơn mãnh liệt.

Trong các cuốn tự truyện và thư từ, những người hồi hương từ mặt trận Trung Quốc đã bày tỏ những cảm xúc đau buồn rõ ràng về những hành vi sai trái của cá nhân họ ở Trung Quốc.
Tuyên bố của Tưởng và thiện chí bất ngờ của ông đối với Nhật Bản rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quân đội Nhật đầu hàng trong hòa bình ở Trung Quốc, nhưng Tưởng cũng có những ý định khác.

Tưởng nhận thức được rằng cho đến tháng 8 năm 1945, đội quân bất bại của Nhật Bản vẫn là lực lượng mạnh nhất ở Trung Quốc và người Nhật có vị trí tốt nhất để duy trì trật tự ở một số vùng của đất nước. Trên hết, Tưởng nhận ra rằng việc phá vỡ trật tự sẽ có lợi cho những người Cộng sản là những người đã thể hiện sức mạnh bất ngờ khi chiến tranh kết thúc.

Ông cũng muốn tranh thủ thiện chí của người Nhật để đảm bảo rằng vũ khí của họ sẽ không rơi vào tay kẻ thù cộng sản của ông. Ngoài ra, ông cũng có thể đã tin rằng có khả năng thuyết phục binh lính Nhật Bản để họ tình nguyện, hoặc có thể ép buộc họ, tham gia cuộc đấu tranh sắp tới chống lại Cộng sản.

Tưởng có thể có những lý do khác, cá nhân hơn để nhìn nhận một cách tử tế về quân đội Nhật Bản, những người không còn gây ra mối đe dọa cho vị trí của mình. Ông ta đã sống ở Nhật Bản trong tám năm và đã được huấn luyện quân sự ở đó để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Dân tộc. Có lúc ông phải chạy trốn khỏi Thượng Hải và tị nạn ở Nhật Bản. Ông quen biết một số nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nhật Bản và giữ các mối liên hệ kín đáo với một số người Nhật ngay cả trong thời gian chiến tranh. Và ông không phải là nhà lãnh đạo quân sự duy nhất của Quốc dân đảng có quan hệ như vậy với Nhật Bản.

Theo một nguồn tin Trung Quốc, khi tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc dân đảng, tướng Hà Ứng Khâm, kêu gọi chỉ huy Nhật Bản ở Nam Kinh, tướng Okamura Yasuji, hãy đầu hàng, từ đầu tiên của ông là “sensei” (tiên sinh) vì ông đang thiết lập lại quan hệ với người giảng viên cũ của mình tại học viện quân sự Nhật Bản.

Các chỉ huy Nhật Bản ít nhất cũng có lý do thuyết phục để hợp tác với phe Quốc Dân đảng. Bất chấp sự đảm bảo của Tưởng, nhiều người Nhật lo sợ sự trừng phạt của Trung Quốc, thường là có lý do chính đáng. Ngoài viễn cảnh Trung Quốc bắt được số lượng đáng kể các nghi phạm tội phạm chiến tranh, quân đội Nhật Bản còn muốn ngăn chặn bằng mọi giá việc quân đội của họ rơi vào tay Cộng sản và quay lưng lại với họ.
Họ cũng phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn khi phải vượt qua những quãng đường xa để đến tập kết tại các cảng trước khi hồi hương. Để thực hiện được điều này, họ sẽ phải dựa vào nhiều cơ quan chức năng của Trung Quốc. Trong khoảng thời gian hai năm, cuộc hồi hương này phần lớn đã hoàn thành, với rất ít xung đột đáng kể nếu xét đến sự thù địch ngay trước đó.

Trong những tháng sau khi Nhật Bản đầu hàng, các lực lượng nhỏ của Mỹ đã đổ bộ vào Trung Quốc. Để ủng hộ Tưởng Giới Thạch về mặt chính trị, họ có ý định để các lực lượng Nhật Bản đầu hàng Quốc dân đảng chứ không phải đầu hàng người Mỹ. Hơn nữa, người Mỹ chia sẻ mục tiêu của Quốc dân đảng rằng vũ khí của Nhật Bản phải rơi vào tay Quốc dân đảng, và tất cả người Nhật đều nằm dưới quyền kiểm soát của Quốc dân đảng chứ không phải Cộng sản.

Chính sách này được thực hiện mà không gặp trở ngại nào, mặc dù cách mà những người theo Quốc dân đảng đối phó với những kẻ thù đầu tiên của họ khác xa so với cách đối xử mà Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây dành cho tù binh Nhật Bản. Như được phản ánh trong tự truyện của các cựu chiến binh Nhật Bản trong chiến tranh, những người Quốc dân đảng đã đối xử với người Nhật theo cách được tính toán để bảo vệ danh dự và “thể diện” của họ.


Nguồn: Saving Face After the Surrender of Japan, Ulrich A. Straus

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s