Iraq cổ đại (Phần 20)

 CHƯƠNG 20 : NHÀ SARGON

The-Assyrian-Empire-during-various-phases-of-its-history

Bản đồ đế chế Assyria qua nhiều thời kỳ: xanh đậm (1800-1600 TCN), xanh vừa (1244-1208 TCN), xanh sáng (699-627 TCN)

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Hậu duệ của Sargon – các Sargonid, như đôi khi được gọi – trị vì Assyria liên tục không đứt đoạn gần một thế kỷ (704 – 609 TCN), đưa đế chế Assyria đến giới hạn xa nhất và văn minh Assyria lên đến tột đỉnh. Vậy mà các trận chiến của  Sennacherib, Esarhaddon và Ashurbanipal, dù được các bảng chữ thổi phồng trông như các cuộc chiến chinh phục, thực ra cùng lắm là các cuộc phản công thắng lợi. Vào cuối thời trị vì của Sargon người Assyria cai trị, trực tiếp hay gián tiếp, trên toàn bộ Lưỡi Liềm Màu Mỡ và các bộ phận của Iran và Tiểu Á. Họ có một cửa sổ trên Địa Trung Hải và một cửa sổ trên Vịnh Ba Tư; họ kiểm soát toàn bộ đường thủy sông Tigris và Euphrates cũng như các tuyến đường mậu dịch lớn băng qua sa mạc Syria, Taurus và Zagros. Được các thần dân, chư hầu và đồng minh cung ứng đủ mọi loại hàng hóa và tiện ích, họ sống trong thịnh vượng và có thể đã sống trong thái bình, nếu không vì các cuộc nổi loạn thường xuyên tăng lên do chính sách áp bức của họ thúc đẩy và được xúi giục – ít nhất tại Palestine và Babylonia – bởi Ai Cập và Elam. Cuộc chính phục Ai Cập bởi Esarhaddon và sự hủy diệt Elam dưới tay của Ashurbanipal vì vậy không phải là hành động cướp bóc trường kỳ theo lối truyền thống mà là thành quả của một chiến lược có tính toán: chúng là các biện pháp phòng thủ được các quân vương này tiến hành nhằm kết thúc tình trạng không thể chịu được; chúng biểu thị kết cục của những xung đột kéo dài và cay đắng áp đặt lên Assyria bởi kẻ thù của mình hơn là mình mong muốn. Trong trận chiến bất tận này người Assyria tiêu hao hết năng lực, lụn bại hết tài sản và không thể chú tâm đúng mức đến sự kiện chủ yếu lúc đó đang xảy ra phía sau binh phong của dãy núi Zagros: việc thành hình một vương quốc Medes hùng mạnh, công cụ tương lai khiến Assyria sụp đổ. Vào khoảng 640 TCN khi toàn bộ thắng lợi dường như cuối cùng đã hoàn thành, khi Ashurbanipal vươn lên trong khải hoàn trên mọi kẻ thù của Assyria, bổng thình lình gã khổng lồ thấy mình có bàn chân bằng đất sét.

Sennacherib

Như cái tên đã ám chỉ, Sennacherib – Sin-ahhê-eriba, ‘thần Sin đã đền bù (cho cái chết của) các anh em’ – không phải là trưởng nam của Sargon, nhưng vì nguyên nhân nào đó không được cho biết ông được chọn làm người kế thừa, được nuôi dưỡng trong dòng họ kế nghiệp và được tin cẩn giao phó sớm các chức vụ hành chính và quân sự cao cấp, nhất là trên vùng biên cương phía bắc. Do đó vào năm 704 TCN ông đã sẵn sàng để đăng cơ ở Assyria.

Trong suốt thời trị vì của mình biên cương phía bắc và đông, đã từng là sân khấu cho quá nhiều cuộc chiến của vua cha, giờ đây tương đối yên tĩnh. Các thắng lợi của Sargon ở Kurdistan, ở Armenia và ở Taurus đã giáng những đòn chí mạng  cho Urartu và Phrygia khiến họ không còn là những bọn gây hấn tiềm năng. Hơn nữa, hai quốc gia này đang nằm dưới sức tấn công của một kẻ thù mới: người Cimmeria, một dân tộc hiếu chiến từ phía nam nước Nga, mà vào cuối thế kỷ 8 đã băng qua Caucasus và đi vào Tây Á. Trong những năm cuối cùng thời trị vì của Sargon người Cimmeria đã, vốn lập cư tại khu vực hiện nay là Cộng Hòa Georgia, nổi dậy chống lại quyền bá chủ của Urartu và giáng cho họ trận thảm bại nặng nề. Giờ đây họ đang dấn tới dọc theo bờ biển phía nam Biển Đen, trong vùng núi Pontic quấy nhiễu Phrygia lẫn láng giềng phía tây của nó, vương quốc trẻ nhưng giàu sụ Lydia. Cùng lúc những người Cimmeria khác đang xâm nhập qua góc tây-bắc của Iran, kết đồng minh với Mannai và Medes. Sennacherib chắc mẩm đã biết rõ các sự kiện này, nhưng ông không thể can thiệp vào vùng đất quá xa xôi. Bốn chiến dịch ông phát động về phía bắc và tây đều có tầm vóc nhỏ và thời hạn trung bình; chúng không trực tiếp nhắm đến Cimmeria hoặc Medes, nhưng chống lại các chư hầu chộn rộn: các ông hoàng khu vực trung tâm Zagros, các thủ lĩnh thành phố  của Kurdistan, các nhà cai trị Cilicia – ắt hẳn được binh sĩ Ionia yểm trợ – và một ông vua vùng Tabal.

Thực ra, chú tâm của Sennacherib gần như hoàn toàn bị thu hút bởi các vụ nổi dậy cực kỳ nghiêm trọng bùng phát ở khu vực Địa Trung Hải và ở Babylonia ngay khi tin Sargon qua đời được loan đi khắp nơi. Ở Phoenicia và Palestine người Ai Cập xúi giục Lulê, Vua xứ Sidon, Sidka, Vua xứ Ascalon, Ezekiah, Vua xứ Judah, và dân chúng Ekron cắt đứt liên hệ với của họ với Nineveh. Trong năm thứ 4 trị vì  (701 TCN) Sennacherib lên đường trừng phạt bọn dấy loạn. Lulê chuồn thẳng đến Cyprus, Sidka được giải về Assyria, và quân đội Ai Cập được gửi đến để tiếp cứu Ekron bị đánh bại, và trong tất cả thành phố này các nhà cai trị thân thiết hơn được đặt lên ngôi. Rồi Sennacherib tấn công Judah, vây hãm và đánh chiếm  thị trấn được phòng thủ kiên cố Lachish và phái một đạo quân tấn công Jerusalem. Ở đây ắt hẳn là sân khấu của cảnh tượng xúc động được mô tả trong Quyển 2 Sách các Vua. Từ trên tường thành phố thiêng ba viên chức của  Ezekiah đàm phán bằng ngôn ngữ Do Thái với ba quan chức đặc phái của triều đình Assyria – các vị turtânu,  rab-shaqê và rab-sharish. Người Assyria chế giễu người Do Thái, đã trông cậy ‘vào cây sậy đã gãy ấy làm gậy, tức Ai Cập’, hứa cho ‘2000 ngựa’ nếu họ chịu đầu hàng và cuối cùng dùng đến biện pháp răn đe. Nhưng Ezekiah, được Isaiah nhà tiên tri cổ vũ, kiên quyết từ khước mở cổng thành Jerusalem. Một thỏa hiệp được nhất trí; người Assyria rút quân và thành phố được tha, nhưng với giá cao biết bao! Ezekiah phải nộp 30 ta-lăng vàng, 800 ta-lăng bạc, ‘mọi loại bảo vật cũng như các con gái ông, các thê thiếp ông, các nam nữ nhạc công’, không kể vài thành phố bị cắt khỏi đất ông và giao cho người Philistine. Từ lâu người ta thường cho rằng sau này trong thời trị vì của mình  Sennacherib đã phát động một chiến dịch thứ hai tại Palestine và, từ đó, lên kế hoạch xâm chiếm Ai Cập. Ông ta đã đến tận Pelusium (Mô gò el Farama, cách kênh đào Suez 30 dặm về phía đông) thì bất ngờ doanh trại ông bị tàn phá ‘bởi thiên thần của Chúa Trời, ban đêm xuất hiện và giáng chết 185 ngàn binh sĩ chỉ trong một đêm’, Kinh thánh nói, ‘bởi một đàn chuột gậm nhấm mọi thứ trong đống vũ khí làm bằng dây thừng hoặc da thuộc’  Herodotus nói, hoặc, theo lời Berossus, ‘bởi một trận dịch’ giết chết ‘185,000 người có cả chỉ huy và sĩ quan’. Tuy nhiên, việc này rất đáng tranh cãi và bị phần đông học giả bác bỏ.

Tại Babylonia tình hình còn tệ hơn Palestine  nhiều, và cuộc chiến chống người Aramaea và đồng minh Elam tiếp tục gần như suốt thời trị vì của Sennacherib. Vào năm 703 TCN một năm sau khi ông lên ngôi, kẻ cựu thù của Sargon, Marduk-apal-iddina (hay Merodach-Baladan , rời Elam, nơi ta còn nhớ ông đã ẩn náu, và được sự trợ giúp của sĩ quan và binh sĩ Elam, ông vận động toàn thế dân chúng Aramaea ở nam Iraq đứng lên chống lại người Assyria, tiến vào kinh thành và tự xưng Vua Babylon. Một ít tuần sau Vua Assyria đem quân đánh ông. Bị đánh bại dưới chân tường thành Kish, nhà vua Chaldea tẩu thoát và ẩn mình ‘giữa đầm lầy và lau sậy’. Sennacherib cướp phá cung điện ông ta, bắt vô số tù nhân, đày 208,000 người đến Assyria và giao Babylon cho một ông vua do ông chọn lựa, Bêl-ibni, ‘con trai của một nhà xây dựng bậc thầy’ đã lớn lên ở Nineveh ‘như một gã thanh niên hợm hĩnh’. Nhưng ba năm sau Merodach-Baladan tái xuất hiện tại Bit-Iakin, nơi sinh quán của ông, và lại quậy tiếp khiến Assyria phải can thiệp lần hai. Bêl-ibni, bị cho là đồng loã với bọn phản loan, nên bị loại ra và thay thế bằng một con trai của

Sennacherib, Ashur-nadin-shumi. Về phần  Merodach-Baladan, ông từ khước việc ra trận:

Ông ta gom hết tượng thần của lãnh thổ mình trong các điện thờ, và chất chúng xuống tàu và chuồn đến vùng đầm lầy Nagite của Elam, nằm giữa biển khơi

Sáu năm tương đối thái bình đã trôi qua. Rồi vào năm 694 TCN, lấy cớ đánh chiếm các thành phố Elam ‘trên bờ bên kia của Sông Đắng Cay, ở nơi mà dân chúng Bît-Iakin đã phân tán trước vũ khí hùng mạnh của Ashur’,  Sennacherib tổ chức một cuộc hành quân phối hợp thủy bộ nhằm đảm bảo cho người Assyria một con đường đến Vịnh Ba Tư xuyên qua Biển-Đất thù địch. Một hạm đội thuyền, được các thợ Syria xây dựng tại Nineveh và chở các thủy thủ Phoenicia và Cyprius theo dòng Tigris xuống tận Upâ (Opis). Tại đó cần phải đổi sông, ắt hẳn bởi vì Tigris vào những ngày đó đổ hết nước vào các đầm lầy thành ra khúc hạ lưu không lưu thông được. Do đó phải kéo thuyền qua đất liền đến kênh  Arahtu rồi tiếp tục lộ trình theo sông Euphrates, trong khi bộ binh tiến lên trên đất liền. Điểm tập kết là tại Bab-Salimeti, gần của sông. Binh sĩ Assyria lên bờ, vượt qua đầu Vịnh, đổ bộ vào lãnh thổ Elam, chính phục một ít thành phố và trở lại đằy ấp chiến lợi phẩm. Về phần Merodach-Baladan không còn là vấn đề và chúng ta biết là ông ta mất ở chốn lưu vong. Nhưng người Elam ngay lập tức báo thù. Hallushu (Halutush-Inshushinak), vua của họ, xâm lăng Mesopotamia, chiếm Sippar. Sau đó người Babylonia bắt vua Babylon Ashur-nadin-shumi, con trai của Sennacherib, và giao nộp y cho người Elam, và Elam gửi y đến Iran tại đó y biệt dạng, ắt hẳn đã bị sát hại. Hallushu đặt một người thân cận ông lên ngôi Babylon, chẳng bao lâu lại bị người Assyria trục xuất và thay thế bằng Mushezib-Marduk, một ông hoàng Chaldea do dân chúng địa phương chọn ra. Một lần nữa, lại có cuộc tổng nổi dậy của nhân dân Babylonia chống lại Assyria. Vào năm 689, họ sử dụng kho báu trong đền thờ Marduk để mua chuộc sự hỗ trợ của Vua mới Elam lúc đó là  Umman-menanu (Humban-nimena). Một trận đánh lớn xảy ra tại Hallulê, trên Tigris. Được người Assyria mô tả như một thắng lợi , nhưng thật ra gần như là một cuộc bại trận. Mù quáng vì căm phẫn,  Sennacherib trả thù Babylon và dám làm điều không ngờ tới: ông hủy diệt thành phố rực rỡ và thiêng liêng, kinh thành thứ hai của đế chế, ‘dây nối giữa trời và đất’ mà các tổ tiên ông đã từng luôn vô cùng nhẫn nại và kính trọng:

Như một trận cuồng phong đang đến, ta tấn công nó và, như một con bão, ta lật đổ nó … Dân cư, già hay trẻ, ta không chừa và thi thể chúng ta phơi đầy đường phố … Thị trấn và nhà cửa, từ nền đến mái ta hủy diệt, ta tàn phá, bằng lửa ta đạp đổ … Để trong tương lai thậm chí đất của các đền thờ cũng bị quên lãng, ta tàn phá nó bằng nước, ta biến nó thành đồng cỏ.

‘Để vỗ yên trái tim của Ashur, chúa tể của ta, để các dân tộc phải cúi đầu phủ phục trước sức mạnh cao tột của ngài, ta lấy cát bụi Babylon làm quà cho các dân tộc ở xa, và trong Đền thờ Lễ Tân Niên (tại Assur) ta cất giữ một số trong các binh đậy kín.’

Các vị thần vĩ đại của Sumer và Akkad không thể để yên cho một tội lỗi như thế mà không bị trừng phạt. Tám năm sau tại Nineveh, vào ngày 20 tháng Tebet (tháng giêng 681 TCN), Sennacherib, trong khi đang cầu nguyện trong đền thờ, đón nhận kết cục xứng đáng: ông bị đâm chết bởi một trong các  con trai hoặc, theo một phiên bản khác, bị các con bò có cánh bảo vệ đền thờ húc chết.

Tàn nhẫn và hèn nhát – hầu hết cuộc chiến của ông đều do các tướng lĩnh của ông tiến hành – Sennacherib đã bị phán xử nghiêm khắc. Nhưng chúng ta hãy công bình với ông: vị vua tàn phá Babylon có công lao trong việc xây dựng ở Assyria. Không chỉ có đền thờ và công sở được xây cất hoặc phục hồi trong vài thị trấn và những công trình thủy lợi đồ sộ trên khắp đất nước, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mà thành phố rất cổ Nineveh (Ninua), từ trước đến giờ chỉ là một ‘nơi cư ngụ hoàng gia’ đơn giản, được mở rộng, củng cố, làm đẹp và biến thành một kinh thành xứng đáng với một đế chế rộng lớn mà nó chỉ huy. Trong một ít năm chu vi của nó vượt từ 3 đến 12 cây số, ôm trọn hai thị xã tách biệt hiện giờ được đại diện bằng các mô gò Kuyunjik và Nebi Yunus, đối diện Mosul, trên bờ trái Tigris. Tường thành ngoài, xây bằng các khối đá vôi trắng, được ‘nâng cao như núi’, trong khi tường thành trong đi xuyên qua bằng 15 cổng dẫn về mọi hướng. Các quảng trường thị trấn cũng được mở rộng; đại lộ và đường phố được lát đá và ‘sáng rỡ như ban ngày’. Tại phần phía bắc của thành phố toạ lạc cung điện cũ nhưng nó đã bị bỏ phế, và một phụ lưu sông Tigris, sông Tebiltu, đã hủy hoại nền móng của nó. Công trình bị giật sập, và trên một nền đất đắp cao bên trên sông Tebittu một nơi cư ngụ hoành tráng của Sennacherib được xây dựng, ‘Cung Điện Có Một Không Hai’:

Những cây đà bằng gỗ tuyết tùng, sản phẩm của núi Amamus, mà họ kéo về đây từ vùng núi xa xôi với biết bao khó nhọc, ta vắt chúng qua mái. Những phiến cửa lớn bằng gỗ bách, toả mùi thơm hấp dẫn mỗi khi đóng và mở cửa, ta bịt bằng những dải đồng bóng lộn và lắp lên trong khung cửa. Một hành lang cột theo kiểu cung điện Hittite, mà tiếng Amorite gọi là bit hilâni, ta cho xây dựng bên trong để thỏa mãn lạc thú chúa tể của ta.’

1

Cung điện được phác họa theo kết quả khảo cổ

2

Một tranh chạm nổi của Sennacherib

Các cột trụ đồng khổng lồ đặt trên các sư tử đồng được đúc bằng khuôn ‘như các đồng tiền nửa-skekel’ – một kỹ thuật mà Sennacherib khoác lác là mình đã chế tạo ra – và trang trí các cổng cung điện. Những thần bảo hộ bằng bạc, đồng và đá được đặt ‘về hướng bốn ngọn gió’. Những phiến đá vôi khổng lồ được điêu khắc các cảnh chiến đấu được kéo qua cửa và được lắp vào tường. Cuối cùng, ngay bên cạnh cung điện mở ra ‘một khu công viên rộng lớn như đến tận núi Amanus, trong đó những kỳ hoa dị thảo đủ loại được trồng trọt cùng với cây ăn quả.’ Để mở rộng canh tác trong và quanh thị trấn, nước được mang đến từ các khu vực ở xa bằng phương tiện kênh ‘đào qua núi và vùng đất trũng’, và các tàn tích một đường ống đáng nể đến nay còn thấy được gần làng Jerwan minh chứng cho tính xác thực của niên giám hoàng gia cũng như năng lục xây dựng của nhà vua. Tự hào về mình và công trình của mình, Sennacherib thích được thể hiện mình trên các ngọn đồi của đất nước, về ‘vùng đất Assur’ mà ông rất đỗi gắn bó. Tại Bavian, gần Dohuk, và trên Judi Dagh, tại biên giới Thổ-Iraq, còn có thể được trông thấy, được khắc trong đá, hình ảnh khổng lồ của ‘vị vua hùng mạnh, nhà cai trị của mọi dân tộc’, đang đứng trước các thần linh mà ông đã từng xúc phạm quá trầm trọng.

Esarhaddon

Việc sát hại Sennacherib đẩy Assyria vào một cuộc khủng hoảng triều đại dữ dội, nhưng may mà ngắn ngủi, và Esarhaddon phải chinh phục bằng lưỡi gươm ngôi báu ông được thừa kế hợp pháp. Ông là con trai út của Sennacherib với người vợ hai, bà Naqi’a/Zakûtu rất có ảnh hưởng và việc ông được đề bạt làm thế tử gây ganh tị cho các ông anh. Trong chương mở đầu của niên giám mình Esarhaddon kể lại bằng cách nào các lời vu cáo của họ đã biến trái tim của vua cha quay ra chống lại ông đến độ ông bị buộc phải rời xứ và tìm chốn ẩn náu tại một nơi bí mật – có thể là  Cilicia hay Tabal. Tội giết cha không thấy được đề cập, nhưng rõ là Sennacherib chết khi các con trai ông ‘đấu đá nhau như trẻ con để giành quyền làm vua’, vì vậy đánh mất sự ủng hộ của dân chúng Assyria. Được thần linh cổ vũ, kẻ lưu đày vội vã trở về Nineveh, quyết tâm giành quyền lên ngôi báu. Bọn soán ngôi đã dàn quân trên thảo nguyên về phía tây Tigris, khoá chặt đường đến kinh thành; nhưng Esarhaddon vừa mới tấn công thì binh sĩ của họ đã đào ngũ theo về với ông, trong khi nhân dân Assyria đến chào đón ông và quỳ xuống hôn chân ông. Khiến cho binh sĩ của mình ‘nhảy qua sông Tigris như thế nhảy qua một con mương nhỏ’, ông tiến vào Nineveh, và vào tháng 3 năm 681 TCN, ‘ông an vị trên ngai vàng của vua cha’.  Các ông anh xấu ác đã chuồn ‘đến xứ sở nào không biết’, nhưng các sĩ quan nào hỗ trợ họ đều bị hành hình, cùng với con cháu họ.

Hành động đầu tiên của tân vương là chuộc tội cho vua cha Sennacherib bằng cách tái thiết Babylon. Các thần linh trong cơn thịnh nộ đã truyền lệnh thị trấn phải nằm trơ giữa đống đổ nát trong 70 năm, nhưng các tăng lữ tìm ra cách vượt qua được vấn nạn này: ‘Thần Marduk nhân từ lật ngược Quyển sách Định Mệnh và ra lệnh phục dựng thành phố vào năm thứ 11,’ bởi vì trong chữ hình nêm con số 70 khi lật ngược thành con số 11, giống như số 9 chúng ta lật ngược thành số 6. Thế là tất cả dân chúng Kar-Duniash (tiếng Kassite chỉ vương quốc Babylonia) giờ có thể được triệu tập để ‘mang giỏ’, và trong thời gian quy định Babylon không chỉ được tái thiết mà còn ‘mở rộng hơn, nâng cao hơn và hoành tráng hơn’. Mặc dù thành phố vĩ đại ắt hẳn không hoàn toàn bị phá hủy như Sennacherib muốn ta tin tưởng, công việc phục hồi chiếm gần trọn thời trị vì, và chỉ đến năm đăng cơ của Ashurbanipal (669 TC) thì Marduk và các vị thần khác mới có thể trở về lại từ Assur, nơi các ngài bị giữ để được tái phục vị trong các đền thờ. Hành động công chính này của  Esarhaddon tranh thủ được tình thân ái của nhiều thần dân Babylonia của ông: trừ một vụ toan tính nổi dậy bất thành vào 680 TCN của con trai  Merodach-Baladan muốn đánh chiếm Ur, không có rắc rối nào nghiêm trọng ở nam Iraq trong thời gian trị vì còn lại, và thực ra chính người Babylonia đã đẩy lùi  Humba-haldash người Elam khi vào năm 675 TCN y đã xâm lược xứ sở họ. Trong một khu vuc rối rắm khác của đế chế, Phoenicia, Esarhaddon cho thấy mình có thể tha thứ cũng như trừng phạt. Abdi-Milkuti, Vua xứ Sidon, nổi dậy vào năm 677 TCN, bị bắt và bị bêu đầu; Sidon bị ‘sâu xé và ném vào giữa biển’, dân cư của nó bị đày đến Assyria và lãnh thổ của nó được giao cho thành phố đối thủ Tyre. Những biện pháp khốc liệt này bảo đảm – ít nhất trong một thời gian – hòa bình trên bờ Địa Trung Hải và cho phép Esarhaddon được rảnh tay giải quyết những vấn đề nghiêm trọng đã nổi lên dọc biên cương phía bắc và đông.

Vào đầu thời trị vì của ông một dân tộc du cư khác từ miền nam nước Nga, người Scythia, đã vượt qua Caucasus và gia nhập với người Cimmeria đã lập cư tại Tiểu Á, Armenia và Iran. Việc các bộ tộc hiếu chiến mới đến này có liên hệ mật thiết với mình, tạo cho người Cimmeria một động lực mới cho các hoạt động cướp bóc của họ. Vào năm 679 TCN họ bất ngờ đột phá qua vùng núi Taurus, đe dọa quân đồn trú Assyria ở Tabal và gây một số bất ổn trong đám người cai trị chư hầu của Cilicia. Esarhaddon nhanh chóng phản công, ‘giẫm đạp lên cổ’ bọn làm loạn Cilicia và ‘cắt bằng thanh gươm’ Teushpa và bè lũ của y, buộc chúng phải rút chạy về bên kia sông  Kizil-Irmak. Người Cimmeria và Scythia sau đó vồ lấy vương quốc Phrygia và ba năm sau với sự hỗ trợ của người Urartu lật đổ nó. Hả hê khi thắy cơn lũ người này đổi hướng ra khỏi vương quốc mình Esarhaddon làm hoà với người Cimmeria, gả một công chúa Assyria cho thủ lĩnh Scythia là Bartatua (theo Herodotus) và đẳy lùi một cuộc tấn công yếu ớt từ Rusas II của Urartu. Trên sườn phía đông của khối núi thuộc Arnemia, tuy nhiên, những nỗ lực lặp lại của người Assyria nhằm bắt người Mannai – giờ nằm trong vòng ảnh hưởng mạnh mẽ của người Cimmeria và Schythia – phải nộp cống gặp phải thất bại, mặc dù trong ghi chép hoàng gia nói ngược lại. Về phía đông-nam Hồ  Urmiah cao nguyên Iran rộng lớn do người Medes chiếm giữ, về lý thuyết dưới quyền kiểm soát của Assyria nhưng thực ra là độc lập, và đây là lúc (k 680 TCN) mà Khshathrita, con trai Daiakku, đang đoàn kết nhiều bộ tộc dưới quyền lãnh đạo của mình. Esarhaddon làm tất cả gì có thể để ngăn diễn biến của một tình hình mà hậu quả tức thì của nó là cắt đứt nguồn cung cấp ngựa Medes cho Quân đội Assyria và hậu quả xa hơn có thể lờ mờ đoán biết trước. Vài vụ đột kích của kỵ binh được phát động băng qua cao nguyên xa tận sa mạc phía đông Teheran, và ba ông hoàng quan yếu của người Medes, vốn đã nhờ cậy Esarhaddon trợ giúp chống lại các chư hầu của chính họ, được đặt dưới quyền bảo hộ của Assyria và phải nộp cống đều đặn. Xa hơn về phía nam một loạt chiến dịch thành công tại trung tâm Zagros và một liên minh kết chặt với người Gambulû – một bộ tộc người Aramaea định cư trên bờ trái hạ lưu Tigris – nhằm thành lập một rào chắn gồm các nhà nước trái độn giữa Elam và Mesopotamia; nhưng Esarhaddon giáng một thắng lợi thậm chí còn lớn hơn khi, sau cái chết của Humba-haldash, ông thành công khi dựng được một ông hoàng thân hữu với Assyria lên ngôi vua Elam: Urtaki (675 TCN).

Trong khi thu được bằng cách phối hợp giữa bạo lực và ngoại giao một nền hòa bình bấp bênh tại Babylonia, tại Phoenicia và dọc theo 2,000 cây số biên cương phía bắc và đông, Esarhaddon đang chuẩn bị cho dự án lớn của mình: chinh phục Ai Cập. Vào năm 679 TCN ông đã đánh chiếm thành phố Arzani ‘trên biên cương Suối Ai Cập’ (Wadi al ‘Arish, ở Negeb). Sau đó ông đã nỗ lực tranh thủ làm bạn với người Ả Rập, bấy giờ định cư đông đảo trên sa mạc Syria, vì nếu không được sự hợp tác của họ không chiến dịch quân sự quy mô nào trong vùng tây-nam của đế chế có thể đảm đương được. Chẳng hạn, ông đã trả lại cho nhà cai trị trước đây của họ, Hazail, căn cứ địa  Adumatu (al Jauf) mà Sennacherib đã chinh phục, cùng với vàng bạc của ông ta, và khi một gã Uabu nào đó nổi dậy chống con trai của Hazail anh liền nhận được sự hậu thuẫn quân sự mạnh mẽ từ người Assyria. Cuối cùng, vào mùa xuân 671 TCN, khi ông cảm thấy mọi vùng biên giới đều vững chãi và người Ả Rập thân thiện hoặc trung lập, Esarhaddon dẫn quân vào Syria, bước đầu tiên trên đường đến Ai Cập. Một trận thử sức nhằm bao vây Tyre được thực hiện vì ông vua xứ đó đã nổi loạn, nhưng thành phố kháng cự, nhưng Assyria không muốn phí phạm thời gian đánh chiếm nó. Hành quân về hướng nam, quân Assyria đến Rapihu (Mô gò Rifah, phía nam Gaza) và vượt qua sa mạc Sinai, tại đó họ trông thấy, ngoài các điều đáng sợ khác, ‘các con rắn hai đầu tấn công là chết người’ và ‘các động vật xanh lá có cánh đập’. Sau 15 ngày nhọc nhằn xiết kể họ bước vào vùng đất xanh tươi của Ai Cập.

Dù vị pha-ra-ông Taharqa và quân đội ông kháng cự mãnh liệt, việc chinh phục xứ sở to lớn này coi vậy tốn rất ít thời gian:

Từ thị trấn Ishhupri xa tận Memphis, nơi cư trú hoàng gia Ai Cập, một khoảng cách 15 ngày hành quân, ta chiến đấu mỗi ngày, không ngừng nghỉ, các cuộc giáp chiến đẫm máu chống lại Taharqa (Tarqû), Vua Ai Cập và Ethiopia, người bị tất cả các thần linh nguyền rủa. Năm lần ta bắn tên trúng y khiến y bị thương không thể phục hồi, và sau đó ta vây hãm Memphis, kinh thành của y, và chỉ mất nửa ngày là chinh phục được bằng cách đào hầm ngầm, công phá thủng tường thành và bắc thang vượt tường thành. Bà hoàng của y, bà chủ của nội cung, Ushanahuru, người kế vị và con cái khác của y, tài sản của y, ngựa, gia súc lớn nhỏ không sao đếm hết ta mang về Assyria làm chiến lợi phẩm. Mỗi người Ethiopia ta đều trục xuất khỏi Ai Cập – không để sót một người ở lại để bày tỏ sự tôn kính đối với ta. Khắp Ai Cập, ta bổ nhiệm các vị vua (bản địa) mới, thống đốc mới, sĩ quan, quan giám sát cảng, quan chức hành chính. Ta ấn định lễ hiến tế đều đặn cho Ashur và các vị thần lớn khác, các chúa tể của ta, trong mọi thời khắc. Ta áp đặt lên chúng lệ triều cống cho ta, chúa tể của chúng, và phải nộp hàng năm không được ngừng lại.’

 Nhưng Ai Cập không phải là một miếng mồi dễ nuốt. Hai năm sau, Taharqa từ phương nam nơi ông ẩn náu  trở lại, chiếm lại Memphis và xúi giục một cuộc khởi nghĩa chống lại người Assyria trên Châu thổ sông Nile. Esarhaddon lại thêm một lần nữa lên đường đến Ai Cập bỗng ông trở bệnh tại Harran và mất tại đó (669 TCN).

Ba năm trước, vào tháng 5 672, trước sự hiện diện của quân đội và giới quý tộc Assyria, các sứ thần ngoại quốc và đại biểu từ các xứ chư hầu, ông đã long trọng tuyên bố con trai ông Ashurbanipal là người thừa kế chính thức ngôi báu và  bổ nhiệm một con trai khác, Shamash-shum-ukîn, làm phó vương ở  Babylonia. Cùng ngày các ông hoàng chư hầu đã ký một hiệp ước chi tiết và dài hứa trung thành với thế tử, các bản sao của nó đã được tìm thấy ở Nimrud. Thậm chí mẹ của Esarhaddon,  Naqia-Zakutu sinh quán Aramaea, đã trút bỏ sức nặng ảnh hưởng mình vào trong thế cân bằng và được từ dân chúng Babylonia và phó vương tương lai của họ một lời tuyên thệ trung thành với nhà cai trị tương lai của Assyria. Esarhaddon, vị vua dũng cảm và khôn ngoan không phó mặc cho may rủi điều gì cả, đã bảo đảm rằng không có khủng hoảng triều đại nào sẽ xảy ra sau khi ông qua đời. 

Ashurbanipal

Việc nối ngôi xảy ra êm xuôi, và hai ông hoàng ngồi trên ngôi của mình: Ashurbanipal ở Nineveh một tháng sau vua cha mất,  Shamash-shum-ukîn ở Babylon một năm sau. Tuy nhiên, đế chế không bị chia cắt. Điều chắc chắn là mục đích sự sắp xếp của vua cha  Esarhaddon là để thỏa mãn các thần dân Babylonia của ông bằng cách trao cho họ chủ quyền, mặc dù đã được làm rõ với tất cả bên liên quan là Ashurbanipal có ưu thế hơn em trai mình. Người sau này có đầy đủ quyền hành trong vương quốc riêng của mình; còn người trước kiểm soát Assyria nói riêng, các tỉnh lỵ ở xã và các nhà cai trị chư hầu, và có trách nhiệm về điều hành chiến tranh và chính sách đối ngoại của đế chế như một tổng thể. Đó có lẽ là một giải pháp vụng về, nhưng nó có hiệu quả tốt trong 16 năm. 

Với vương miện của Assyria Ashurbanipal (668 – 627 TCN) kế thừa nhiệm vụ, dang dỡ do cái chết của vua cha, là đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Ai Cập. Tổng Tư lệnh (turtânu) ngay lập tức được phái đến vùng xa xôi đó với một quân đoàn nhỏ đối mặt với Taharqa và binh đội của ông trên đồng bằng phía nam Memphis. Người Assyria thắng trận và chiếm lại thành phố, nhưng Taharqa trốn thoát như đã từng trốn thoát quân đội của Esarhaddon. Sau đó Ashurbanipal ra lệnh thành lập một lực lượng lớn hơn gồm người Assyria, Phoenicia, Syria và Cyprius, nhưng cũng có bình lính Ai Cập được tuyển mộ ở vùng châu thổ sông Nile. Quân đoàn này rời Memphis và bắt đầu hành quân về Thebes, nhưng nó dừng lại trên đường khi có tin các ông hoàng Hạ Ai Cập sắp sửa nổi dậy:

Tất cả các nhà vua … đều nói về nổi loạn và đi đến quyết định tồi tệ: ‘Taharqa đã bị đánh đuổi khỏi Ai Cập, làm sao chúng ta, chính chúng ta, có thể ở lại?’ Và họ phái các kỵ mã đưa tin đến Taharqa, Vua Nubia, để lập lời thề ước: ‘Hãy giữ hòa bình giữa chúng ta và chúng ta hãy đi đến chung một cảm thông; chúng ta sẽ chia đất nước giữa chúng ta, không người ngoại bang nào cai trị chứng ta!

Bị một người trong nhóm phản bội, các tên âm mưu bị tóm. Một số bị hành hình và số khác – nổi bật là Necho, Vua xứ Sais – được giải về Nineveh. Người Assyria hiểu rằng mình không thể tiến hành cuộc trường chính bỏ lại phía sau Châu thổ sông Nile sôi sục. Hơn nữa, giờ họ cách tổ quốc khoảng 2,000 cây số, ở giữa một đất nước không biết rõ và thù địch với ngôn ngữ, tập quán và tôn giáo hoàn toàn xa lạ và, trong bất kỳ trường hợp nào, họ cũng không thể cai trị trực tiếp vì thiếu viên chức hành chính và binh lính đủ số. Giải pháp duy nhất là tha thứ và thực ra tán tỉnh các vua vùng Châu thổ và tranh thủ họ về phe mình, hy vọng nỗi thù hận của họ đối với Taharqa người Sudan sẽ khiến họ hoàn tất việc còn lại. Vì vậy Ashurbanipal phóng thích tù binh và đặt cọc vào Necho, mà tổ tiên của y đã từng cai trị toàn thể Ai Cập. Ông mang y trở lại Sais, ‘mặc cho y quần áo rực rỡ’ và ban tặng y quà cáp quý giá.

Hai năm đã trôi qua và trong thời gian đó Taharqa mất trong chốn lưu vong. Vào năm 664 TCN, con trai ông Tanutamûn tiến vào Thebes trong tiếng reo hò, rồi dong buồm theo dòng sông Nile đến Memphis, tại vùng lân cận của nó ông đụng đầu một màn chắn mỏng manh của kẻ địch, phần lớn là người Ai Cập, và dễ dàng đánh bại họ. Nhưng Necho bị tử trận trong một cuộc mai phục; các ông vua khác của vùng Châu thổ lẫn trốn trong các đầm lầy để không bị đánh bật ra. Sau đó chính đại quân của Assyria, đang đóng đâu đó ở phía nam Memphis, bắt đầu chuyển quân về Thebes. Cuối cùng tiến vào thành phố xinh đẹp nguy nga đó, họ cướp phá và hủy hoại nó ‘như một trận cuồng phong’ và mang đi ‘chiến lợi phẩm kềnh càng và không sao đếm xiết’, trong đó có hai tháp cột dát hợp kim vàng và bạc, mỗi tháp nặng gần 38 tấn. Kinh thành Nam Ai Cập không bao giờ phục hồi lại như xưa.

Mặc dù bảng chữ khắc của Ashurbanipal được viết với ngôi thứ nhất, điều rất chắc chắn là ông không có đến Ai Cập. Trái lại, dường như ắt hẳn có hai dịp ông đích thân can thiệp vào Phoenicia: năm 667 TCN để ‘đặt dưới ách cai trị của ông’ Iakinlu, Vua xứ Arvad, người đã ép buộc các thuyền hàng nước ngoài phải bốc dỡ hàng hóa của họ xuống cảng y thay vì cảng Assyria, rồi vào năm 662 TCN chống lại Ba’alu xứ Tyre đã không chịu tiếp tục nộp cống. Tyre, như Arvad, được xây dựng trên một hòn đảo nhưng gần với bờ biển Lebanon hơn có tiếng là bất khả xâm phạm: nó bị vây hãm, lâm vào cảnh đói kém và buộc phải đầu hàng. Chiến thuật tương tự cũng ắt hẳn sử dụng chống Arvad, mang lại cùng kết quả. Vậy mà hai nhà cai trị các thành phố này được đối xử với sự khoan dung đáng kinh ngạc, chắc chắn bởi vì Ashurbanipal, với đại quân đang giao tranh tại cuộc viễn chinh Ai Cập, không thể cam chịu mất các chư hầu Phoenicia của mình cũng không thể dành quân cho các mặt trận khác. Ông chỉ nhận sự tôn kính của kẻ nổi dậy cũng như quà biếu của họ cùng nạp cung các con gái của họ. Với cùng lý do, ông giả điếc trước lời cầu cứu của Gyges, Vua xứ Lydia ở tây Anatolia – ‘một xứ sở xa xôi mà tên nó các ông vua, tổ tiên ta, chưa hề nghe nói tới’ – bị người Cimmeria quấy nhiễu. Gyges tự mình bảo vệ được vương quốc  và chứng tỏ thắng lợi của mình bằng cách gửi hai tù binh đến Nineveh.

Đánh fhắng Tanuatamûn và người Phoenicia cho Ashurbanipal một ít năm nghỉ ngơi để có thể dồn hết tâm ý cho biên cương  phía bắc và đông. Biên niên sử của vương triều cực kỳ không chắc chắn, nhưng ắt hẳn giữa 665 và 655 TCN đã xảy ra chiến dịch chống người Mannai và Medes được mô tả trong niên giám hoàng gia, có lẽ đồng minh với Madyes, thủ lĩnh người Scythia, mà vài năm sau sẽ cho thấy là hữu ích, và cuộc chiến chống Urtaki, Vua xứ Elam, ‘người không nghĩ gì về điều tốt đẹp’ mà Esarhaddon ‘làm cho mình’, tràn vào Akkad ‘như một đàn châu chấu dày đặc’ và bị đẩy lùi. Dường như việc người Cimmeria kết đồng minh với vua xứ Tabal, thắng lợi của họ đối với Lydia và cái chết của Gyges trong trận tiền , cũng như hành động cướp phá của họ vào đất Mesopotamia, được chặn đứng bởi người Assyria, xảy ra giữa 650 và 630 TCN.

Không bao lâu trước giữa thế kỷ thứ 7 các thần linh, vốn luôn đứng về phía Ashurbanipal, thình lình dường như bỏ rơi ông. Khoảng 655 TCN Psamtik – có thể là con trai của Necho – phất cờ độc lập trong vùng Châu thổ sông Nile và, với sự hỗ trợ của các lính đánh thuê Ionia và Caria, đánh đuổi người Assyria khỏi Ai Cập, truy đuổi họ đến tận Ashdod ở Palestine. Chúng ta có được thông tin này nhờ Herodotus, vì tất nhiên thảm họa này không được đề cập trong ghi chép chữ hình nêm, trừ một đoạn trong ‘ống trụ Rassam’ nơi Ashurbanipal cho rằng Gyges ‘gửi lực lượng của mình đến yểm trợ Tushamilki, Vua Ai Cập, người đã cởi bỏ ách cai trị của quyền bá chủ (Ashurbanipal)’. Vào những thời điểm khác một quân đội ắt hẳn đã được phái đi chống người Psammetichus, và Ai Cập sẽ không vuột quá dễ dàng khỏi tay Assyria. Nhưng rồi xảy ra việc đại quân Assyria phải giao chiến dữ dội với quân Elam, và Ashurbanipal phải bỏ Ai Cập để giải cứu Mesopotamia. Vua Elam lúc đó là  Tept-Humban (Teumman trên bảng khắc Assyria), người 6 hoặc 7 năm trước đã soán ngôi, buộc các con trai của Urtaki phải trốn thoát đến Nineveh. Cuộc chiến bùng nổ khi Teumman đòi dẫn độ họ nhưng Ashurbanipal từ chối. Người Elam tấn công, được sự trợ giúp của  Gambulû phản bội. Bị đẩy lùi trở lại xứ sở mình,  họ bị đánh bại tại Tulliz trên sông Kerkha. Teumman bị tử trận; đầu ông bị bêu và mang về Nineveh, tại đó – như một bức tranh chạm nổi cho thấy – thủ cấp được treo trên ngọn cây trong vườn thượng uyển. Người Gambulû bị trừng phạt, và Elam bị phân chia cho hai thành viên trong gia đình Urtaki: Humbanigash và Tammaritu. Tại đó, cũng như tại Ai Cập, người Assyria không muốn mà cũng không thể đặt một xứ sở bị chinh phục trực tiếp dưới quyền cai trị của mình, và các biện pháp nửa vời mà họ buộc chấp nhận rốt cục không có lựa chọn nào khác hơn là rút quân hoặc hủy diệt hoàn toàn.

Đoạn này về cuộc chiến Elam khó có thể kết thúc khi Babylonia nổi loạn. Trong 16 năm Shamash-shum-ukin đã xử sự như một người em trung thành, nhưng dần dần con vi-rút của chủ nghĩa dân tộc chế ngự y và y bổng nghĩ rằng, nói cho cùng, Babylon cũng đáng được thống trị thế giới như Nineveh. Vào năm 652TCN y đóng cổng Sippar, Babylon và Barsippa với người Assyria và âm mưu một liên minh sừng sỏ bao gồm Phoenicia,  Philistine, Judah, người Ả Rập vùng sa mạc Syria, người Chaldaea miền nam Iraq, người Elam và thậm chí Lydia và Ai Cập. Nếu tất cả dân tộc này đồng loạt tấn công, Assyria sẽ bị nuốt chửng. May sao, âm mưu bại lộ đúng lúc. Trong một tuyên bố hùng hồn Ashurbanipal cảnh cáo nhân dân Babylon:

‘Đối với những lời trống rỗng mà thằng em dối trá này nói với các ngươi, ta đã nghe mọi điều y nói rồi. Chúng chỉ là lời gió thoảng. Đừng tin tưởng y … Trong lúc này, hãy đừng nghe y nói dối. Đừng để tiếng thơm của các ngươi bị dấy bẩn, tiếng thơm không tì vết đối với ta và đối với toàn thế giới, cũng đừng biến mình thành kẻ tội đồ đối với thần linh.’

Nhưng người Babylonia không thèm lắng nghe, và Vua Assyria hành quân đánh em mình. Trong ba năm, một biên niên sử Babylonia nói, ‘cuộc chiến tiếp diễn và các trận đánh xảy ra triền miên’. Cuối cùng, Shamash-shum-ukin mất hết hy vọng; truyền thuyết kể rằng y phóng hỏa đốt cung điện của mình và biến mất trong lửa đỏ (648 TCN). Sumer và Akkad được vỗ yên và Ashurbanipal đặt lên ngôi vua Babylon một nhân vật không tiếng tăm có tên Kandalanu, có xuất thân mờ mịt. Không lâu sau đó, ông tiến hành trừng phạt các vụ nổi loạn khác và ngay lập tức vướng vào cuộc chiến chống người Ả Rập, vốn không chỉ yểm trợ Shamash-shum-ukin mà còn liên tục đột kích các thành bang chư hầu phía tây. Đó là một cuộc chiến khó khăn, tiến hành chống lại các kẻ thù lẫn khuất chiến đấu gan góc rồi biến mất trong sa mạc kinh khiếp ‘nơi cơn khát cháy họng gần bên, nơi thậm chí không thấy chim trên trời’. Vậy mà, ở đây một lần nữa, Quân đội Assyria thành tựu kỳ tích: Uate’ và các đồng minh của y, người Nabataea – đã lập cư quanh Biển Chết – bị đánh bại; Abiate’ và bộ tộc Qedar của y bị bao vây, cắt đứt khỏi giếng nước và buộc phải ‘cắt cổ lạc đà để uống máu chúng hoặc uống nước dơ để khỏi chết khát’. Một Uate’ khác, con của Hazail, bị bắt và, với một vòng sắt quấn trong hàm y và một dây thừng quanh cổ y, ‘y bị buộc phải giữ cây xà tại cổng phía đông Nineveh’. Chiến lợi phẩm cướp được trong chiến dịch này nhiều đến nỗi, như Ashurbanipal nói:

Lạc đà mua trong xứ ta không đến một skekel bạc tại nơi họp chợ. Các công nhân nhận lạc đà và thậm chí nô lệ như một món quà biếu, thợ nấu bia nhận như món tiền típ, người làm vườn nhận như tiền cho thêm!

Người Ả Rập chịu khuất phục,  Ashurbanipal gửi binh sĩ tiến đánh người chịu bảo hộ trước đây của mình, Vua Elam, đã dám nhận tiền hối lộ của vị vua phản loạn Babylon để yểm trợ y. Những thăng trầm của cuộc chiến lâu dài này, cùng các âm mưu và cách mạng mang ba đời vua liên tiếp lên ngôi tại kinh thành Susa của Elam, là những chi tiết tẻ nhạt không cần trình bày ra ở đây. Chỉ cần nói là vào năm 639 TCN người Assyria đánh thắng trận cuối cùng. Toàn bộ lãnh thổ Elam bị tàn phá và kinh thành bị cướp phá khắp nơi. Tình cờ, đây chỉ là cú đáp trả, vì trong số của cướp được ta tìm thấy ‘bạc, vàng, tài sản và đồ vật của Sumer và Akkad và của toàn bộ Babylonia, mà các đời vua Elam trước đây đã lấy đi trong 7 lần đột kích’. Tháp tầng ở Susa bị phá hủy, các điện thờ bị xâm phạm, các thần linh bị bắt làm tù binh hoặc ‘quẳng cho gió’. Người Elam bị chinh phục thậm chí còn bị săn đuổi ra khỏi mồ, và xứ sở về biểu tượng bị bôi xóa khỏi bản đồ:

‘Các ngôi mộ của các vua đời trước và đời sau của chúng không biết kính sợ Assur và Ishtar, các chúa tể của ta, và đã quấy nhiễu các tiên vương của ta, ta đều hủy diệt, ta tàn phá, ta phơi trơ ra ánh mặt trời. Xương cốt họ, ta mang về Assyria để hồn của họ không được yên nghỉ. Ta cấm đoán không được cúng thức ăn và nước uống cho họ.

 

‘Trong một hành trình mất một tháng và 25 ngày ta tàn phá các tỉnh lỵ của Elam. Muối và  sihlu (một loại cây gai) ta rắc khắp nơi … Cát bụi Susa,  Madaktu, Haltemash và các thành phố  còn lại ta gom lại và mang về Assyria … Tiếng náo nhiệt của con người, tiếng bước chân gia súc và cừu, tiếng la hét vui mừng, ta đều loại khỏi nơi ruộng đồng. Lừa rừng, linh dương và muông thú đồng bằng ta khiến chúng phải nằm rạp xuống, như thể ở nhà.’

 

Và những sỉ nhục không kể hết đã được rửa hận và mối hiềm khích 3000 năm tuổi giữa người Elam và Mesopotamia đã được giải quyết như thế đó.

Không lâu sau vụ cướp phá Susa Ashurbanipal ăn mừng khải hoàn của mình. Từ cung điện xa hoa của mình ở Nineveh vị quân vương hiếu chiến, cự phách và bạo liệt này có thể ngắm nhìn ‘toàn thể thế giới’ cúi gập dưới chân mình. Ba ông hoàng Elam và một ông vua Ả Rập, đúng theo nghĩa đen, bị thắng dây cương vào chiến mã xa của ông. Đứa em phản bội đã nhận cái chết xứng đáng với tội lỗi của mình, và ông đích thân trị vì người Babylonia. Các thương gia kiêu hãnh của Tyre và Arvad, bọn Do Thái cứng đầu, bọn Aramae gây rối, đã bị khuất phục. Người Mannai đã bị đập tan và người Cimmeria bị canh chừng. Các nhà cai trị xứ Tabal và Cilicia, lúc đầu thù địch, đã mang các con gái của mình đến nạp vào hậu cung. Vì đã trợ giúp Psammetichus, Gyges của xứ Lydia đã phải chứng kiến lãnh thổ mình bị bọn chiến binh rừng rú phương bắc phóng hỏa và bỏ mạng, nhưng giờ đây Ardys, con trai ông, đang xin xỏ được mang ách đô hộ của Assyria. Nineveh giờ đây tràn ngập của cướp được Memphis, Thebes, Susa và vô số thành phố khác, và ‘đại danh Assur’ được tôn kính và khiếp sợ từ bờ biển Aegea đến đụn cát nóng Ả Rập. Chưa bao giờ đế chế Assyria trông có vẻ quá hùng mạnh như thế, sức mạnh Assyria là vô địch. Vậy mà biết bao nhiêu bóng tối lù lù trong bức tranh chói lóa đó! Lãnh thổ giàu có Ai Cập vuột mất mãi mãi;  Elam chinh phục nhưng rồi biến thành đống đổ nát; Babylonia tan hoang và, ngoại trừ một bộ phận thân Assyria có kích cỡ không rõ, tất cả đều cháy đỏ căm thù đối với người Assyria; người Phoenicia bị nô dịch và đánh mất vị thế một đế quốc đường thủy và thuộc địa của mình cho các đối thủ Hy Lạp; các ông hoàng tay sai không đáng tin cậy; quân đội Assyria đã mệt mỏi và suy kiệt sau một thế kỷ chiến tranh gian khổ và đẫm máu; biên cương trở về từ sông Nile đến Biển Chết, từ núi Ararat đến nếp gấp đầu tiên của dãy Taurus, từ biển Caspian đến dãy Zagros; và phía bên kia Zagros, các đồng minh đáng ngờ – người Scythia – và các kẻ thù đáng sợ – người Medes. Đế chế Assyria, mặc dù bề ngoài là vậy, lại yếu hơn bao giờ hết, và nhiều người ắt hẳn đã thầm nhớ đến những gì các tiên tri Israelite đã dám tuyên bố:

Xảy ra có ai thấy ngươi thì sẽ lánh xa và nói rằng: Nineveh đã hoang vu! Ai sẽ rũ lòng thương xót nàng?

 Tại đó lửa sẽ thiêu ngươi, gươm sẽ diệt ngươi, nuốt ngươi như cào cào vậy,  Vết thương ngươi không thuốc chữa, thương tích ngươi rất hiểm nghèo; phàm kẻ nào nghe nói về ngươi đều vỗ tay trêu ngươi; vì ai là kẻ chẳng từng chịu đựng sự hung ác của ngươi!          


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s