Iraq cổ đại (Phần 19)

 CHƯƠNG 19: ĐẾ CHẾ ASSYRIA

The-Assyrian-Empire-during-various-phases-of-its-history

Bản đồ đế chế Assyria qua nhiều thời kỳ: xanh đậm (1800-1600 TCN), xanh vừa (1244-1208 TCN), xanh sáng (699-627 TCN)

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Cuộc nổi dậy năm 827 TCN không phải là một vụ khủng hoảng triều đại theo nghĩa thông thường; đó là một cuộc khởi nghĩa của giới quý tộc nông thôn và các công dân tự do Assyria  chống lại các chóp bu của vương quốc: bọn thống đốc giàu có và hống hách của tỉnh lỵ mà Ashurnasirpal và vua kế vị đã phong cho các lãnh thổ mà họ chinh phục được, và bọn quan chức cao cấp trong triều, như tổng tư lệnh Daiân-Ashur, người mà trong những năm cuối cùng của Shalmaneser đã chiếm các quyền lực vượt quá bản chất của nhiệm vụ mình. Điều mà phe nổi dậy muốn là một vị vua thực sự cai trị và một sự phân bố quyền lực ngang đều hơn giữa các phụ tá của ông. Họ chiến đấu vì một lý tưởng tốt đẹp, với chính thế tử đứng đầu phe họ, nhưng một sự cải tổ hành chính toàn diện ở thời điểm này ắt sẽ làm rúng động nền tảng của vương quốc còn mong manh. Shalmaneser phán xử cuộc nổi dậy phải bị dập tắt và không ai có điều kiện làm việc đó tốt hơn là con trai thứ năng nổ của ông. Shamshi-Adad V phải mất 5 năm để thu phục 27 thành phố trong đó ông anh của ông đã ‘gieo rắc mầm mống, xúi giục và bày mưu phản loạn’, và thời gian còn lại của thời trị vì (823 – 811 TCN) ông dành để xác lập ủy quyền của mình lên thần dân Babylonia và các nhà cai trị chư hầu ở vùng núi phía bắc và đông, vốn đã lợi dụng nội chiến để trút bỏ ‘sự bảo hộ’ của Assyria và ngừng việc cống nạp. Cuối cùng, hòa bình và trật tự được vãn hồi, nhưng không có thay đổi lớn lao nào được thi hành ở các chính quyền trung ương và địa phương và căn bệnh hành chính vẫn dai dẳng để vài năm sau đó làm bùng phát những vụ bạo lực lớn nhỏ. Sự mất ổn định thường xuyên này tác hại đến hạ tầng cấu trúc của Nhà nước, cộng với các yếu tố khác như tính ù lì và chểnh mảng của một số người kế vị Shamshi-Adad và vai trò càng ngày càng lớn mạnh trong chính tình vùng Cận Đông của vương quốc đối thủ Urartu, là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu tạm thời của Assyria trong nửa đầu thế kỷ 8 TCN 

Thời Lu Mờ của Assyria

Con trai của Shamshi-Adad, Adad-nirâri III (810 – 783 TCN), còn rất trẻ khi vua cha qua đời, và trong bốn năm chính quyền Assyria nằm trong tay mẹ ông ta Sammuramat – tức Semiramis huyền thoại. Làm thế nào mà hoàng hậu này, dù thời cai trị của bà gần như không để lại dấu vết nào trong ghi chép của Assyria, lại có được tiếng tăm là người đẹp nhất, tàn ác nhất, hùng mạnh nhất và dâm dật nhất trong số các hoàng hậu phương Đông là một câu hỏi gây bối rối. Huyền thoại Semiramis, như được kể vào thế kỷ đầu tiên TCN bởi Diodorus Siculus – người lấy tài liệu từ tác phẩm  Persica nay đã thất lạc của Ctesias, một tác giả và thầy thuốc Hy Lạp tại triều đình Artaxerxes II (404 – 359 TCN) thuộc Đế Chế Achaemenid – là huyền thoại của một phụ nữ nam tính do một nữ thần Syria sinh ra sau khi cưới Ninus, người sáng lập kinh thành Nineveh huyền thoại, và trở thành hoàng hậu Assyria, sáng lập Babylon, xây dựng các đài tưởng niệm đáng kinh ngạc ở Ba Tư, chinh phục Media, Ai Cập, Libya và Bacteria, tiến hành một cuộc viễn chinh quân sự không thành công tại Ấn Độ và biến thành chim bồ câu sau khi chết. Huyền thoại này chứa đựng nhiều thành tố, bao gồm một khả năng nhầm lẫn với Naqi’a/ Zakûtu (vợ của Sennacherib, người giám sát việc tái thiết Babylon đã bị chồng phá hủy), cũng như làm nhớ lại các cuộc chinh phục của Darius I, cuộc chiến Ấn Độ của Alexander Đại Đế, và thậm chí triều đình Achaemenia với thái hậu Parysatis khủng khiếp.

Semiramis cũng chia sẻ một số nét với Ishtar nữ thần chiến tranh, người, cũng như bà, đã hủy diệt các tình nhân của mình. Mới thoạt nhìn, tất cả việc này không có liên quan gì đến những gì chúng ta biết về mẹ của Adad-nirari. Vậy mà cả Herodotus lẫn Berossus, người nói rất ít về Semiramis, đã gián tiếp nói rõ ràng bà ta và  Sammuramat chỉ là một người. Thế thì đâu là mối liên kết giữa hai phụ nữ? Toàn bộ câu chuyện có hương vị Iran. Có lẽ Sammuramat làm điều gì đó gây ngạc nhiên ấn tượng cho người Medes (bà có thể đã cầm đầu đạo quân đánh họ), và tài thiện chiến của bà được truyền tụng qua nhiều thế hệ, bị bóp méo và thêu dệt, bởi các tay kể chuyện Iran, cho đến khi chúng đến tai Ctesias. Nhưng việc này, như các giả thuyết khác không thể kiểm chứng được. Được trình bày dưới nhiều hình thức, câu truyện của Diodorus về Semiramis đã gặt hái thành công vượt bậc, nhất là ở Tây Âu, cho đến đầu thế kỷ này (20). Và vì vậy, do trớ trêu của số phận ký ức về các vị vua Assyria chí khí đã truyền lại cho hậu thế dưới vỏ ngụy trang của một phụ nữ.

Ngay khi đến tuổi có thể thi hành nghĩa vụ làm vua, Adad-nirâri phô bày những phẩm chất của một nguyên thủ có năng lực và tháo vát. Trong năm đầu tiên trị vì hiệu quả của mình (806 TCN) ông xâm lăng Syria và áp đặt thuế và triều cống lên người Tân Hittite, Phoenicia, Philistine, Israelite và Edomite. Thành công từ nơi ông nội mình đã thất bại, ông tiến vào Damascus và nhận từ Ben-Hadad III ‘tài sản và hàng hoá của y với số lượng khổng lồ’. Tương tự, người Medes và Ba Tư ở Iran, theo phong cách khoa trương của lối ghi chép vua chúa, ‘bị triệu vào phủ phục dưới chân ngài’, trong khi ‘vua của Kaldû, tất cả bọn họ’ được xem như chư hầu. Nhưng các trận này chỉ là những cuộc đột kích chứ không phải là chinh phục. Những nỗ lực nhát gừng của các con cháu Shalmaneser III không mang lại kết quả, và cái chết yểu của ông đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ dài suy thoái của Assyria.

Adad-nirâri có 4 con trai kế tiếp nhau cai trị. Về người đầu tiên, Shalmaneser IV (782 – 773 TCN), rất ít điều được biết, nhưng quyền hành của ông dường như bị hạn chế một cách khác thường, bởi vì tổng tư lệnh của ông, Shamshi-ilu, trong một bảng khắc tìm được tại Til-Barsip (Mô gò Ahmar) huênh hoàng về những thắng lợi của mình đối với người Urartu thậm chí không đề cập đến tên của nhà vua của phe địch – một sự kiện chưa có tiền lệ trong ghi chép của Assyria. Thời trị vì của con trai thứ hai, Ashur-dân III (772 – 755 TCN), được đánh dấu bởi các chiến dịch thất bại ở trung tâm Syria và Babylonia, một bệnh dịch và các cuộc nổi loạn ở Assur (Kirkuk) và Guzana (Mô gòl Halaf) – không kể một hiện tượng nhật thực báo điềm gỡ. Chính sự kiện nhật thực này, được ghi chép vẩn thận trong danh sách limmu và có thể định niên đại là ngày 15/6/763 TCN, được sử dụng làm cơ sở cho bảng niên đại Mesopotamia trong thiên niên kỷ thứ nhất. Về phần đứa con trai thứ ba, Ashur-nirâri (754 – 745 TCN), ông hiếm khi dám rời cung điện và ắt hẳn bị giết chết trong một cuộc cách mạng bùng phát tại Kalhu và đặt lên ngai vàng Tiglathpileser III, một người mà tư cách thành viên trong hoàng gia Adad-nirâri vẫn còn được tranh cãi và có thể là một kẻ soán ngôi.

Do đó trong 36 năm (781 – 745 TCN) Assyria thực sự là bị tê liệt, và trong thời gian đó địa lý chính trị của vùng Cận Đông trải qua vài thay đổi lớn nhỏ. Babylonia, hai lần bị Shamshi-Adad V đánh bại trên chiến trường nhưng vẫn còn độc lập, rơi vào trong trạng thái gần như vô chính phủ làm nhớ lại các thập niên tồi tệ nhất trong thế kỷ 10. Vào khoảng 790 TCN trong vài năm ‘không có vị vua nào trong xứ’, một biên niên sử đã ghi chép, trong khi Eriba-Marduk (k. 769 B.C.) huênh hoang một thắng lợi vĩ đại trong khi chỉ là một cuộc hành quân cảnh sát đơn giản chống lại người Aramaea đã chiếm một số ‘ruộng đất và vườn tược’ thuộc quyền sở hữu của dân cư Babylon và Barsippa. Ở Syria các ông hoàng Aramaea quá bận bịu chuyện tranh chấp truyền thống nên không đạt được tình đoàn kết. Bị tấn công trên hai mặt trận, bị người Assyria của Adad-nirâri làm nhục và bị quân Israelite của Vua Ahab đánh bại, các ông vua Damascus đánh mất ưu thế chính trị của mình trước tiên cho Hama, rồi cho Arpad (Mô gò Rifa‘at, gần Aleppo), thủ phủ  của Bît-Agushi. Ở Iran người Ba Tư bắt đầu di dân từ phía bắc xuống phía nam về hướng vùng núi  Bakhtiari, và người Medes được để yên để mở rộng quyền kiểm soát của mình lên toàn đồng bằng. Quanh Hồ Urmiah người Mannea(Mannai), một dân tộc phi Ấn-Âu mà các cuộc khai quật cho thấy họ văn minh hơn người ta từng nghĩ, biết tự tổ chức thành một quốc gia nhỏ nhưng vững mạnh. Nhưng diễn biến chính yếu xảy ra ở Armenia, tại đó trong quá trình thế kỷ 9 và 8 Urartu trưởng thành từ một lãnh địa nhỏ trên bờ Hồ Van thành một vương quốc lớn và mạnh như chính Assyria. Dưới thời Argistis I (k. 787 – 766 TCN) nó mở rộng xấp xỉ từ Hồ Sevan, ở Armenia thuộc Nga, đến biên giới phía bắc ngày nay của Iraq và từ Hồ Urmiah đến thượng lưu Euphrates ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bên ngoài biên giới quốc gia là các thành bang hoặc bộ tộc chư hầu nộp triều cống cho Urartu, nhìn nhận quyền bá chủ của nó hoặc ràng buộc với nó bằng các hiệp ước quân sự. Đó là người Cimmeria ở Caucasus, mọi vương quốc Tân Hittite ở vùng Taurus (Tabal, Milid, Gurgum, Kummuhu) và người Mannai ở Iran. Người kế vị của Argistis, Sardur II (k. 765 – 733 TCN), cũng thành công trong việc tách Mati’-ilu, Vua xứ Arpad, khỏi liên minh mà ông vừa ký với Ashur-nirâri V của Assyria và qua Arpad ảnh hưởng chính trị của Urartu đang lan truyền nhanh chóng trong số các vương quốc Aramaea ở bắc Syria.

Các cuộc khai quật cũ và mới tại Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia thuộc Nga – đặc biệt tại Toprak Kale (Rusahina cổ đại), gần Van, và tại Karmir Blur (Teisbaini cổ đại), gần Erivan – đã cung cấp cho chúng ta các thông tin phong phú về lịch sử và khảo cổ về vương quốc Urartu. Các thành phố chính của họ được xây bằng đá hoặc bằng gạch bùn trên nền móng đá; chúng được vây quanh bởi các tường thành đồ sộ và bị khống chế bởi các thành lũy to lớn tại đó thực phẩm, dầu, rượu và vũ khí được dự trữ phòng khi có chiến tranh. Các nghệ nhân Urartu là bậc thầy về luyện kim, và họ đã để lại cho chúng ta các tạo tác nghệ thuật đặc sắc thể hiện ảnh hưởng của Assyria. Trên khắp Armenia nhiều bia ký khắc chữ hình nêm và ngôn ngữ ‘Vannic’ – con cháu của ngôn ngữ Hurri – là nhân chứng cho chủ nghĩa anh hùng và lòng mộ đạo của các vua Urartu, trong khi hàng trăm bảng chữ cho chúng ta nhìn sâu vào tổ chức xã hội và kinh tế của vương quốc, chủ yếu dựa vào tài sản hoàng gia kếch sù do chiến binh, tù binh và nô lệ kiếm được. Những đồng cỏ của vùng núi Ararat và thung lũng màu mỡ của sông Arax biến Urartu thành một xứ sở chăn nuôi và nông nghiệp khá trù phú, nhưng hầu hết tài sản của nó đến từ các mỏ đồng và sắt của Armenia, Georgia, Commagene và Azerbaijan, mà nó sở hữu hoặc kiểm soát.

13-Urartu-9-6mta

Sự xuất hiện của một quốc gia rộng lớn, thịnh vượng và hùng mạnh có một ảnh hưởng quyết định lên lịch sử Assyria. Vai trò càng ngày càng lớn mạnh của Urartu trong nền chính trị và kinh tế Cận Đông, cũng không kém là sự hiện diện của nó ngay trước cổng Iraq, đối với người Assyria vừa là mối lo âu thường trực đồng thời là một thách thức. Một loạt các trải nghiệm không may dưới thời Shalmaneser IV đã dạy họ rằng bất kỳ mưu toan giáng một đòn trực tiếp vào Urartu trong tình hình hiện thời đều rước lấy thảm bại. Trước khi có thể đương đầu với kẻ thù hùng mạnh họ phải củng cố vị thứ của mình ở Mesopotamia và phải chinh phục, chiếm đóng và giữ vững Syria và tây Iran, hai cột trụ đó chống đỡ quyền thống trị của Urartu ngoài Armenia. Những ngày tháng cướp bóc nhanh gọn, dễ dàng, nhiều thành quả đã qua rồi. Assyria không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một đế chế nếu không muốn bị tiêu diệt.

10843

Những di chỉ chính ở ngoại vi  Mosul.

 

Tiglathpileser III

May thay, Assyria tìm thấy ở Tiglathpileser III (744 – 727 TCN) một quân vương thông minh và năng nổ có cái nhìn thấu đáo về tình thế và vận dụng những điều chỉnh cần thiết. Ông không những ‘đập nát như nồi gốm’ – dùng cách diễn tả của ông – các đồng minh Syria của Urartu và người Medes mà còn biến những vùng đất thu phục thành sở hữu của Assyria, tái tổ chức Quân đội và thực hiện cải cách hành chính từ lâu được mong đợi khiến mang lại hòa bình nội bộ cấp thiết cho Assyria. Từ mọi góc cạnh, Tiglath-pileser phải được xem như người thành lập đế chế Assyria. 

Cải cách hành chính, dần dần được áp đặt sau 738 TCN nhằm củng cố vương quyền và giảm bớt các quyền lực thái quá của các tư lệnh quân sự. Ngay chính ở Assyria các quận lỵ hiện có được nhân lên và rút nhỏ đi. Bên ngoài Assyria xứ sở mà các chiến dịch thắng lợi của nhà vua mang lại, bất kỳ khi nào có thể hoặc thích hợp, đều loại bỏ người cai trị bản xứ và biến thành tỉnh lỵ. Mỗi tỉnh được đối xử như một khu vực của Assyria và được trao quyền cho một ‘thống đốc’ (shaknu) có trách nhiệm trước nhà vua. Xứ sở và dân tộc nào không thể tích hợp vào đế chế thì giữ lại chính quyền cũ nhưng đặt dưới quyền giám sát của ‘giám sát viên’ (qêpu). Một hệ thống giao thông rất hiệu quả được thiết lập giữa triều đình và các tỉnh. Các người đưa tin bình thường hoặc lính chạy tin liên tục mang các báo cáo và thư từ do các thống đốc và quận trưởng hoặc phụ tá của họ gửi đến nhà vua và quan triều, và các mệnh lệnh (amât sharri, ‘lời vua’) vua ban ra. Trong một số trường hợp nhà vua phái các đại diện chính thức của mình (qurbutu), có nhiệm vụ báo cáo điều cơ mật và thường hành động theo sáng kiến riêng. Quận trưởng và thống đốc có các quyền hành quân sự, tư pháp, hành chính rộng lớn, mặc dù quyền hành của họ đã được hạn chế theo tầm cỡ trọng trách và bởi sự can thiệp thường xuyên của chính quyền trung ương về mọi vấn đề. Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm việc nộp cống và thuế má mà người Assyria cũng như người nước ngoài phải chịu, nhưng họ cũng có trách nhiệm trong việc cưỡng chế thi hành luật pháp và trật tự, các dịch vụ công cộng và tuyển quân trong khu vực của mình. Chức năng tuyển quân có tầm quan trọng đặc biệt đối với tổ quốc. Trước đây, Quân đội Assyria được lập bởi các lực lượng lệ thuộc vương quyền thi hành nghĩa vụ quân sự với tên ilku, còn lực lượng nông dân và nô lệ được các địa chủ Assyria cung ứng và được đặt dưới quyền sử dụng của nhà vua trong thời gian chiến dịch hàng năm. Bổ sung vào quân đội nghĩa vụ này Tiglathpileser III lập một quân đội thường trực (isir sharruti, ‘gắn kết với vương quyền’) chủ yếu gồm các đạo quân được tuyển từ các tỉnh ngoại vi. Một số bộ tộc Aramaea, như theItu’ cung cấp các lính đánh thuê thiện chiến. Một cách tân khác là sự phát triển kỵ binh đối kháng với chiến mã xa. Sự thay đổi này ắt hẳn do phải thường xuyên đánh trận tại những xứ vùng núi chống lại các dân tộc như Medes vốn sử dụng hầu hết kỵ binh.

Một sáng kiến khác của Tiglathpileser là thi hành việc phát vãng hàng loạt. Toàn bộ thị trấn và huyện lỵ dân cư bị đày đến những vùng xa định cư và được thay bằng dân chúng từ các xứ khác bằng võ lực. Vào năm 742 và 741 TCN, chẳng hạn, 30,000 người Syria từ vùng Hama được đưa đến vùng núi Zagros, trong khi 18,000 người Aramaea từ bờ trái Tigris được chuyển đến bắc Syria. Ở Iran vào năm 744 TCN 65,000 người được di dời trong một chiến dịch đơn lẻ, và năm khác chuyến xuất hành ảnh hưởng đến 154,000 người trong miền nam Mesopotamia. Những cảnh thương tâm như thế thỉnh thoảng được miêu tả trong hình chạm nổi Assyria: vác các túi nhỏ trên vai và nắm tay các đứa con gầy guộc, những hàng dài các ông đi theo binh lính, trong khi các bà vợ theo sau trong các xe bò hoặc cưỡi trên lưng lừa hoặc ngựa. Một cảnh tượng thương tâm và chắc chắn có phần hiện thực, nhưng được cường điệu có tính toán vì mục đích tuyên truyền, bởi vì một trong những mục đích phát vãng là để trừng phạt bọn phản loạn hay ngăn ngừa phiến loạn, nó cũng có những mục tiêu khác: nhổ tận gốc điều ngày nay được gọi là ‘tình tự dân tộc’ – nói cách khác lòng trung thành với các thần linh bản địa, các dòng họ cai trị và truyền thống; để lấp đầy các thị trấn mới nơi biên giới, các xứ sở bị chinh phục và bản thân Assyria, để di dân đến các vùng miền đã bị bỏ hoang và phát triển canh nông; để cung ứng cho người Assyria không chỉ binh lính và đoàn quân lao động cho việc xây dựng thành phố, đền thờ và cung điện, mà còn thợ thủ công, nghệ nhân và thậm chí các thư lại và học giả. Chúng ta biết được từ các thư tín hoàng gia rằng các thống đốc tỉnh lỵ được lệnh phải bảo đảm cho người bị phát vãng và lực lượng quân sự hộ tống được chăm lo chu đáo, được cung cấp thực phẩm (và trong ít nhất một trường hợp, cung cấp giày!) và bảo vệ không bị xâm hại. Chúng ta cũng biết rằng nhiều người bị di dời này sớm trở nên quen với quê hương mới và vẫn giữ trung thành với chủ nhân mới của mình, và một số người được giao các chức vụ quan trọng trong bộ máy vương quyền. Những người bị đi phát vãng không phải là nô lệ: được bố trí khắp đế chế khi có nhu cầu, họ không có vị thứ gì đặc biệt và chỉ đơn giản ‘được kể là người Assyria’, có nghĩa là họ có bổn phận và quyền lợi như người Assyria chính gốc. Chính sách di dời này – chủ yếu từ những vùng nói tiếng Aramaic – được các vua kế vị Tiglathpileser theo đuổi, và số người phải bị buộc dời khỏi quê quán trong thời gian ba thế kỷ ước tính lên đến 4 triệu rưỡi người. Nó đã đóng góp phần lớn vào công cuộc ‘Aramaea hóa’ Assyria, một tiến trình chậm nhưng gần như liên tục mà, cùng với việc quốc tế hóa quân đội, ắt hẳn đóng một vai trò trong sự sụp đổ của đế chế.

Các chiến dịch của Tiglathpileser III mang dấu ấn một đầu óc có phương pháp. Trước tiên, một cuộc viễn chinh ở nam Iraq ‘xa tận sông Uknû (Kerkha)’ giải thoát Babylon khỏi người Aramaea, gây áp lực và nhắc nhở cho Nabû-nâsir rằng Vua Assyria vẫn còn là người bảo hộ mình. Như thường lệ, ‘lế hiến tế thuần túy’ được dâng cúng các vị thần trong các thành phố thiêng của Sumer và Akkad, từ Sippar đến Uruk. Sau đó Tiglathpileser tấn công Iraq hoặc, chính xác hơn, liên minh Tân Hittite và các ông hoàng Aramaea cầm đầu bởi Mati’-ilu thành phố  Arpad, vốn vâng lời Sardur III, vị Vua hùng mạnh của Urartu. Sardur vội vã chạy đến tiếp ứng các đồng minh mình, nhưng ông bị đánh bại gần Samsat, trên bờ sông Euphrates, và đào tẩu một cách nhục nhã trên lưng một con ngựa cái, ‘trốn thoát vào đêm tối và biệt tích’. Arpad, bị vây hãm, kháng cự trong ba năm, cuối cùng thất thủ và trở thị xã của một tỉnh Assyria (741 TCN). Trong lúc này một chiến dịch thắng lợi chống lại Azriyau, Vua xứ Ya’diya (Sam’al), và các đồng minh của ông ở vùng duyên hải Syria đưa đến việc xáp nhập vùng tây-bắc Syria, và ắt hẳn Phoenicia  (742 TCN). Nhiều ông hoàng vùng lân cận sợ hãi và mang quà biếu và cống nạp đến. Trong số họ có Rasunu (Rezin), Vua xứ Damascus, Menahem, Vua xứ Israel, và một bà  Zabibê nào đó, ‘Nữ hoàng Ả Rập’. Chắc chắn điểm xuất phát của chiến dịch Syria là Hadâtu (hiện nay là Arslan Tash), giữa Karkemish và Harran, nơi các khai quật khảo cổ đã phát hiện một trong các cung điện ở tỉnh lỵ của Tiglathpileser, một dinh thự phức hợp có thiết kế tương tự với cung điện Ashurnasirpal ở Nimrud, mặc dù nhỏ hơn. Gần cung điện một đền thờ cúng Ishtar đã mang lại cho chúng ta những tác phẩm điêu khắc thú vị, và trong một dinh thự khác người ta tìm thấy những bảng điêu khắc ngà từng trang trí đồ đạc của hoàng gia Hazael, Vua Damascus, đã bị Adad-nirâri III lấy làm chiến lợi phẩm. 

Như vậy đã loại được các tay sai Syria của Urartu, Tiglath-pileser quay vũ khí của mình về hướng đông (chiến dịch 737 và 736 TCN). Hầu hết phần trung tâm Zagros đều ‘xáp nhập vào Assyria’, và một cuộc viễn chinh được phát động băng qua cao nguyên Iran, vào vùng đất trung tâm người Medes hùng mạnh chiếm đóng, xa tận núi Bikni (Demavend) và “sa mạc muối’, đến tây-nam Tehran. Chưa bao giờ trước đây quân đội Assyria đã tiến xa đến như vậy theo hướng này. Những tàn tích thưa thớt của một cung điện tỉnh lỵ của Tiglathpileser tìm được tại Mô gò Giyan, gần Nihavend và một bia ký vừa tìm được gần đây ở Iran, minh chứng sự thực về các chiến dịch đó và về quan tâm của nhà vua đối với các xứ sở ở Iran. Về sau (ắt hẳn 735 TCN) một trận tấn công có tổ chức đánh trực tiếp vào Urartu, và kinh đô Tushpa (Van) của Sardur bị vây hãm, mặc dù không thành công.

Vào 734 TCN Tiglathpileser trở lại bờ biển Địa Trung Hải tại đó tình hình không có gì là yên ổn.

Tyre và Sidon bất ổn vì các hạn chế người Assyria áp đặt cho việc xuất khẩu gỗ đến Philistia và Ai Cập; binh lính phải can thiệp và khiến ‘dân chúng cuống cuồng vì khiếp sợ’. Còn tệ hơn, một liên minh chống Assyria bao gồm tất cả vương quốc Palestine và Trans-Jordania được các nhà cai trị Palestine xứ Ascalon và Gaza tổ chức. Tiglathpileser đích thân đánh tan bọn phản loạn. Ông hoàng Ascalon bị giết trong trận chiến; ‘nhân vật Gaza’ bay như chim đến Ai Cập; Amon, Edom, Moab và Judah, cũng như một nữ hoàng Ả Rập khác tên Shamshi nộp triều cống. Hai năm sau Ahaz, Vua xứ Judah, bị Damascus và Israel gây áp lực, gọi người Assyria đến giải cứu. Tiglathpileser chiếm Damascus, và xáp nhập phân nửa lãnh thổ Israel và lập Hoshea làm vua ở Samaria.

Trong khi đó, một loạt cú đảo chính xảy ra tại nam Iraq, tiếp theo là cái chết của Nabû-nâsir, vào năm 734 TCN. Khi thủ lĩnh Aramaea Ukin-zêr tuyên bố lên ngôi Babylonia (731 TCN) người Assyria cố thuyết phục các công dân Babylon đứng lên chống lại ông ta và hứa miễn thuế cho bất kỳ người Aramaea nào ly khai vị thủ lĩnh của mình. Nhưng sau khi hoạt động ngoại giao đã tỏ ra vô íchTiglath pileser đem quân đánh kẻ lật đổ, giết chết y, cùng với con trai mình, và quyết định đích thân cai trị Babylonia. Vào năm 728 TCN ông ‘nắm tay Bêl (Marduk)’ trong Lễ hội Tân Niên và được tuyên bố là Vua Babylon dưới tên Pulû. Năm sau ông mất hoặc, sử dụng lối diễn tả Babylonia, ‘ông về đến định mệnh của mình’.

Sargon II

Thời cai trị ngắn ngủi của con trai Tiglathpileser, Shalmaneser V (726-722 TCN), rất mù mờ. Tất cả gì chúng ta biết rõ là  Hoshea, Vua bù nhìn của Israel, nổi dậy và Shalmaneser vây hãm Samaria trong ba năm; nhưng liệu chính ông hay vị Vua tiếp sau của Assyria là người đã đánh chiếm thành phố còn là câu hỏi đang tranh luận. Cũng mù mờ là tình huống đã mang người tiếp nối của ông lên ngôi, và không ai có thể nói hoặc ông ta là kẻ soán ngôi hoặc cũng là một con trai của Tiglathpileser. Trong bất kỳ trường hợp nào, tên hiệu ông xưng bản thân nó là một lời hứa hẹn của vinh quang, vì ông tự xưng là Sharru-kin (Sargon), như tên một trong các vì vua sớm nhất của Assur và như tên người sáng lập xuất sắc của Triều đại Akkad.

Ngay trước khi Sargon lên ngôi hai sự kiện có tầm quan trọng lớn lao, sẽ ảnh hưởng đến chiến lược và chính sách ngoại giao Assyria trong một trăm năm, xảy ra trong vùng Cận Đông: sự can thiệp của Ai Cập vào Palestine và Elam vào Babylonia. Cả hai là hậu quả thắng lợi của Tiglathpileser, vì việc tiến quân của ông vào cao nguyên Iran đã cắt đứt các con đường mậu dịch duy nhất còn để ngỏ đến Elam, trong khi việc ông chinh phục Phoenicia đã cướp giật của Ai Cập một thân chủ chính của mình. Người Elam và Ai Cập vì vậy bắt tay với người Urartu như những kẻ thù được Assyria nhìn nhận, nhưng vì họ không có năng lực tấn công một quốc gia đang trên đỉnh cao quyền lực, họ phải dùng đến các phương pháp chậm chạp hơn nhưng an toàn hơn: họ xúi giục các vụ nổi dậy trong số các chư hầu của Assyria, và bất cứ khi nào các thủ lĩnh Aramaea nam Iraq hoặc các ông hoàng Palestine bị đạo quân vô địch của Assyria đe dọa xin cầu viện, họ đều gửi đến mọi yểm trợ có thể về người và vũ khí. Lịch sử chính trị trong thời trị vì của Sargon thực ra không có gì khác hơn là sự khởi đầu một cuộc chiến dai dẳng chống lại các cuộc nổi loạn như thế.

Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu trong nội bộ, và trong một năm Sargon bị trói tay bởi các bất ổn nội bộ chỉ kết thúc sau khi ông đã giải phóng công dân Assur khỏi ‘lệnh gọi vũ trang đất nước và lệnh triệu tập của người thu thuế’ đã bị Shalmaneser V áp đặt lên ho. Chỉ khi đó ông mới có thể giải quyết được tình hình nguy kịch nổi lên ở Babylonia và Syria trong thời chuyển giao ngôi vua. Ở Babylonia – giờ là hòn ngọc thứ hai của vương quyền Assyria – một nhà cai trị Chaldea từ Bit-Iakin, trên bờ biển Vịnh Ba Tư, Marduk-apal-iddina (Merodach-Baladan trong Cựu ước), đã lên ngôi vua trong cùng năm với Sargon và được Humbanigash, Vua Elam, hậu thuẫn tích cực. Năm 720 TCN Sargon hành quân tiến đánh ông ta và hai bên giao đấu tại  Dêr (Badrah), giữa Tigris và  Zagros. Bảng khắc của ông tuyên bố mình thắng lợi hoàn toàn, ‘Biên Niên Sử Babylonia’ khách quan hơn phát biểu rõ ràng người Assyria bị một mình người Elam đánh bại, trong khi Merodach-Baladan trong một văn bản khác tự hào tuyên bố rằng ‘ông đánh đổ đám Subartu (Assyria) khắp nơi và đập nát vũ khí của chúng’. Chi tiết thú vị: bảng chữ khắc của Merodach-Baladan tìm được ở Nimrud, nơi Sargon đã cất giữ sau khi chiếm lấy nó từ Uruk sau 710 TCN , và thay thế nó tại thành phố đó bằng một cột trụ đất sét chứa phiên bản khác biệt căn cơ của sự kiện đó. Việc này chứng tỏ tuyên truyền chính trị và ‘phản thông tin’ không phải là đặc quyền của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, không thể nghi ngờ là người Assyria bị thua nhẹ, bởi vì chúng ta biết rằng Marduk-apal-iddina trị vì Babylonia trong 11 năm (721 – 710 TCN), xử sự không phải như một tộc trưởng man rợ mà là một quân vương Mesopotamia vĩ đại và để lại dấu vết các hoạt động xây dựng của mình trong các thành phố khác nhau.

Không kém nguy hiểm cho Assyria là liên minh các tỉnh Syria nổi dậy do Ilu-bi’di, Vua  Hama cầm đầu, và cuộc nổi dậy của Hanuna, Vua Gaza, được quân đội Ai Cập yếm trợ. Nhưng ở đây Sargon gặp may mắn hơn. Ilu-bi’di cùng với đồng minh bị đánh bại tại Qarqar, và bị bắt, bị lột da, trong khi Hanuna thì được tha. Về phần tướng Ai Cập Sib’e, y ‘đào tẩu một mình và biệt tăm như một tên chăn cừu mà đàn cừu của mình đã bị mất trộm: (720 TCN). Tám năm sau người Ai Cập xúi giục một vụ nổi dậy khác ở Palestine. Lần này người cầm đầu là Iamani, Vua Ashdod, có Judah, Edom và Moab đi theo và ‘Pi’ru ở Musru’, tức Pha-ra-ông Ai Cập (ắt hẳn Bocchoris) yểm trợ. Lần nữa Sargon chiến thắng: Iamani chuồn đến Ai Cập, nhưng ông sớm bị  dẫn độ bởi vua người Nubia Sabakho lúc đó đang trị vì thung lũng sông Nile:

Nhà vua xiềng xích ông ta bằng gông và cùm sắt và giải ông đến Assyria, một chuyến đi dài.

Thái độ thân thiện của nhà cai trị mới của Ai Cập đối với Assyria là nguyên do tạo tình hình lắng dịu ngự trị Palestine trong thời gian trị vì còn lại của Sargon.

Chúng ta không biết chắc chắn liệu người Elam có nhúng tay hay không vào những bất đồng chính kiến bùng phát trong các gia đình cai trị của trung tâm Zagros  vào năm 713 và cho Sargon cơ hội chinh phục các lãnh địa và thị trấn khác nhau trong vùng Kermanshah và Hamadan và nhận triều cống từ người Medes, nhưng không thể nghi ngờ gì về thủ phạm đã xúi giục rắc rối trong những người Mannaea, Zikirtu và các bộ tộc Azerbaijan khác, vì Urartu vẫn là kẻ thù chính của Assyria ở phía bắc. Nhìn qua thư từ của Sargon cho thấy ngay lập tức mối quan tâm mà các viên chức Assyria đóng tại các khu vực miền núi đó ‘canh chừng nhà vua’ và báo cáo cho Sargon về mọi động tĩnh của quốc vương Urartu hoặc các tướng lĩnh của ông ta, về mọi thay đổi trong lập trường chính trị của các dân tộc chung quanh.

Vậy mà, cho dù Sargon can thiệp nhiều lần, Rusas I của Urartu vẫn xoay sở, giữa những năm 719 và 715 TCN, để thay thế được các nhà cai trị của Mannnaea thân thiết với Assyria bằng các người thuộc phe mình. Vào 714 TCN người Assyria phát động một cuộc phản công đại quy mô. Chiến dịch lớn trong năm thứ 8 của Sargon được ghi chép trong Niên giám của ông, nhưng một bản tường trình chi tiết hơn đến được tay chúng ta duới dạng một bức thư được gửi một cách kỳ lạ từ nhà vua đến ‘Ashur, cha các thần linh, các nam thần và nữ thần của Số mệnh, thành phố và dân cư của nó’ – chắc chắn là một tài liệu viết để được đọc nơi công cộng vào cuối chiến dịch hàng năm, với quan điểm nhằm tạo ra một ấn tượng mạnh. Cuộc hành quân qua núi non Kurdistan gian khó cùng cực, vì địa lý của vùng đó không kém vì sức kháng cự của địch quân, và văn bản chúng ta có thừa những đoạn văn thi vị  như thế này:

‘Núi Simirria, đỉnh cao vút trong như một lưỡi giáo, vươn đầu bên trên các ngọn núi khác, nơi trú ngụ của Bêlit-ilâni; mà đỉnh trên cao nâng đỡ thượng giới và cội rễ bên dưới sâu đến tận trung tâm địa ngục; và, như cột sống cá, không có lối đi từ bên này qua bên kia và lối lên từ trước ra sau rất gian nan; dọc sườn núi há hốc những khe sâu vực thẳm, cảnh tượng hớp hồn vía binh sĩ … nhưng với sự thông thái và tinh thần nội tâm được Ea và Bêlit-ilâni ban cho, ta phóng chân đạp đổ các xứ sở kẻ thù, ta trang bị những rìu đồng cho đội tiên phong. Những chởm đá sắc bén trên núi cao họ chém bay tan tác; họ phát quang đường tiến quân. Ta dẫn đầu đoàn quân. Chiến mã xa, kỵ binh, chiến binh đi bên ta, ta khiến chúng bay qua ngọn núi này như các con đại bàng dũng cảm …  

Sargon vượt các con sông và các ngọn núi, xông tới quanh Hồ Urmiah và có thể Hồ Van và cuối cùng chinh phục thành phố Musair  thiêng liêng nhất của Urartu (phía nam Hồ Van), lấy đi tượng thần chủ Haldia. Urartu không bị tiêu diệt nhưng gánh chịu một thảm bại nặng nề. Khi nghe tin Musasir thất thủ, Rusas lòng đầy nhục nhã: ‘ông rút dao găm mang bên mình đâm vào tim mình như một con lợn và kết liễu cuộc đời.’

Nhưng người Urartu đã có thời gian kích động tình cảm chống Assyria trong các xứ sở khác. Vào năm 717 TCN nhà cai trị của Kardemish còn độc lập bày mưu chống Sargon và trông thấy vương quốc mình bị xâm lược và biến thành tỉnh của Assyria. Trong năm năm tiếp theo số phận tương tự rơi xuống thành phố Quê (Cilicia), Gurgum, Milid, Kummuhu và một phần Tabal, nói cách khác toàn bộ vương quốc Tân Hittite của vùng Taurus. Đằng sau những âm mưu và ‘nổi dậy’ này không chỉ là ‘nhân vật ở Urartu’, mà cũng là Mitâ xứ Mushki (đó là, Midas, Vua xứ Phrygia), người mà Rusas đã xoay sở để lôi kéo vào vòng ảnh hưởng của mình.

Vào đầu 710 TCN Sargon thắng lợi khắp mọi nơi. Toàn bộ Syria-Palestine (đáng kể là ngoại trừ Judah) và hầu hết dãy Zagros đều nằm gọn trong tay người Assyria; người Medes coi như chư hầu; Urartu đang băng bó vết thương; Ai Cập thân thiện, Elam và Phrygia thù địch nhưng yên ắng. Nhưng Babylon dưới triều Merodach-Baladan vẫn còn là một cái gai bên sườn Assyria, và cũng năm đó Sargon tấn công Babylon lần thứ hai trong thời trị vì của ông. Người Chaldea đã vận động sự hỗ trợ từ mọi bộ tộc cư ngụ tại xứ Sumer cổ xưa, và trong hai năm ông kháng cự kiên cường với quân Assyria. Cuối cùng, bị vây hãm tại Dûr-Iakîn (Mô gò  Lahm) và bị thương ở bàn tay, ông ‘lẻn qua cổng thành như chuột chui lỗ cống’ và đến Elam tị nạn.

Sargon tiến vào Babylon và, như Tiglathpileser III, ‘nắm lấy bàn tay Bêl. Thắng lợi của ông vang dội khắp nơi: Midas xứ Phrygia phải cầu thân; Upêri, Vua Dilmun (Bahrain), ‘nghe tin sự hùng tráng của Assur vội vã gửi quà mừng’. Bảy vua xứ Iatnana (Cyprus), ‘ cư ngụ chốn xa xôi cách bảy ngày đi biển về hướng mặt trời lặn’, cũng gửi quà mừng và tuyên thệ trung thành với vương quốc hùng mạnh mà bia ký của ông đã thực sự được tìm thấy tại Larnaka. Những nỗ lực lặp lại của kẻ thù ông nhằm phá hoại đế chế Assyria đã tỏ ra vô ích; vào cuối thời trị vì nó rộng hơn và rõ ràng mạnh hơn bao giờ.

Là một thủ lĩnh chiến binh Sargon thích sống tại Kalhu (Nimrud), thủ phủ quân sự của đế chế, tại đó ông cư ngụ, tu bổ và chỉnh sửa cung điện của  Ashurnasirpal. Nhưng do thôi thúc của niềm tự hào vô hạn, ông quyết định tự xây cung điện của riêng mình trong thành phố của mình. Vào năm 717 TCN nền móng của ‘thành trì Sargon’, Dûr-Sharrukîn, được đặt xuống một địa điểm mới chưa hề được khai phá cách Nineveh 24 km về hướng đông-bắc, gần ngôi làng  Khorsabad hiện nay. Thành hình vuông, mỗi  cạnh đo được 1.5 km, và tường thành được thông qua bởi 7 lớp cổng kiên cố . Tại khu bắc một bức tường bên trong bao kín thành lũy cuối cùng, bên trong là cung vua, một đền thờ cúng thần  Nabû và các tòa nhà bề thế của quan triều cao cấp, như Sin-ah-usur, tể tướng và em vua. Chính cung điện toạ lạc trên một nền tảng cao 16 mét gối lên tường thành và gồm hơn 200 phòng và 30 sân. Một phần của nó, mà ban đầu các nhà khai quật gọi sai là ‘hậu cung’, sau này được tìm thấy tạo bởi 6 điện thờ, và gần đó  vươn cao một tháp 7 tầng được sơn các màu khác nhau và thông nhau bằng các thang xoắn ốc. Một cầu vượt đẹp bằng đá nối cung điện với đền thờ Nabû, bởi vì ở Assyria chức năng tôn giáo và quần chúng của nhà vua quyện chặt với nhau. Như dự đoán, chốn cư ngụ của hoàng gia được trang trí xa hoa. Cổng và cửa chính – như cổng của thành lũy – đều được các tượng đầu người mình bò khổng lồ canh giữ; gạch xanh bóng láng thể hiện các biểu tượng thần thánh được sử dụng trong các điện thờ, và trong hầu hết phòng các bức tượng đều được trang trí bằng bích hoạ và viền các bảng điêu khắc dọc theo chân tường, dài một dặm rưỡi. Hàng ngàn tù binh và hàng trăm nghệ nhân và thợ thủ công ắt hẳn đã tham gia công trình tại Dûr-Sharrukin, vì chỉ mất 10 năm toàn thành phố đã xây dựng xong. Trên một bảng khắc chữ mà ông gọi là ‘Chữ Khắc Thưởng Lãm’ Sargon nói:

23

Thành lũy  Dûr-Sharrukîn (Khorsabad).

‘Vì ta, Sargon, người cư ngụ tại cung điện này, xin ngài (Ashur) xuống lệnh ban cho số mệnh ta được trường thọ, tráng kiện, hạnh phúc, linh hồn minh mẫn.’

 Nhưng thần linh không nghe lời cầu nguyện của ông. Một năm sau khi Dûr-Sharrukin được chính thức khánh thành Sargon ‘tiến đánh Tabal và bị tử trận’ (705 TCN). Những người kế vị ông thích ở Nineveh hơn ở Bzazilla xứ Mesopotamia, nhưng  Khorsabad vẫn được các thống đốc và tùy tùng của họ cư ngụ: cho đến ngày sụp đổ cuối cùng của Assyria.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s