Sự sụp đổ và hồi sinh của dân tộc Israel

1

Mười hai chi tộc Israel thời vua David

Lạc Vũ Thái Bình

Vào thời điểm cực thịnh của triều đại mình, vua David nhận được một lời hứa, một giao ước của Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Nathan: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2Sm 7,1-17). Có thể nói, đến thời vua David, Lịch sử Cứu độ đã vượt qua một chặng đường dài. Đầu tiên, Lịch sử Cứu độ đã bắt đầu với việc Thiên Chúa kêu gọi Abraham, cha của mọi người Israel. Tiếp đó, Moses được đặt làm vị trung gian của Giao ước Sinai giữa Thiên Chúa và dân Israel. Đến thời đại quân chủ, vua David đã được chọn để thiết lập một vương quốc, mà theo Lời Chúa hứa, sẽ là một vương quốc phổ quát và tồn tại vĩnh viễn. Với vương quốc này, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến với mọi dân tộc ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, sau vua David, dân Israel đã không thể hiện được sự trung tín trong Giao ước với Thiên Chúa, khi để lòng ngả theo các ngẫu tượng của chư dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không vì sự bất tín của dân Người mà rũ bỏ Giao ước, nhưng sau khi đã dùng tay chư dân mà sửa dạy họ, Ngài lại kêu gọi họ hối cải và cho họ được hồi sinh…

 

PHẦN MỘT: PHÂN LY VÀ CƯỜNG ĐỊCH

1.Một Dân Tộc, Hai Vương Quốc

Vào thế kỉ 10 BC, sau khi vua David băng hà, con trai của vua với bà Bathsheba là Salomon lên nối ngôi cha làm vua Israel. Triều đại của vua Salomon tuy được Kinh Thánh điểm tô rực rỡ nhưng thực ra lại mang trong nó những khoảng tối rất đáng lo ngại. Trước hết, do xây cất liên miên những công trình to lớn (Đền Thờ mất 7 năm và cung Rừng Li Băng mất 14 năm), vua Salomon đã vắt kiệt sức người dân Israel. Thứ đến, việc bị lao dịch cưỡng bức cũng khiến cho những người Israel tự do cảm thấy khó mà chấp nhận được. Sau nữa, vua Salomon lại còn đánh nhiều thuế lên các chi tộc Israel nhưng lại miễn thuế cho chi tộc Judah, một điều hẳn gây ra rất nhiều bất mãn và oán thán nơi các chi tộc miền bắc. Lại nữa, để trả cho những giao dịch với vua Hiram, vua Salomon đã cắt cho vua Hiram một số thành biên giới, một điều hẳn là khó chấp nhận với người dân Israel. Cuối cùng, trong đời sống cá nhân, vua Salomon đã hành xử không xứng với tư cách là vị đại diện của Thiên Chúa; Kinh Thánh kể ra tới 700 hoàng hậu và 300 cung phi của vua Salomon. Dù có thể ông đã cưới nhiều người trong số 1000 người vợ này vì những lí do chính trị hay ngoại giao, nhưng sự thực vẫn là trong những năm tháng tuổi già của vua Salomon, những người vợ ngoại bang đã làm cho lòng trí nhà vua rời xa Thiên Chúa. Loạn lạc đã không diễn ra dưới thời vua Salomon, nhưng đã bùng nổ ngay sau khi vua băng hà.

2

Đền Thờ Jerusalem thứ nhất do vua Salomon xây dựng năm 966BC-959BC

Khoảng năm 930BC, vương quốc Israel thống nhất tan rã do 10 chi tộc phương bắc từ chối công nhận Rehoboam, con của vua Salomon, làm vua Israel. Thay vào đó, họ chọn Jeroboam (931BC-910BC). Các chi tộc này hình thành nên một vương quốc mới, tiếp tục lấy tên gọi là Israel, nhưng thường được gọi là vương quốc Samaria để phân biệt với vương quốc Isarel ban đầu.

3

Hai vương quốc Judah và Samaria

Đi sâu một chút vào nội tình hai vương quốc, ta thấy rằng ở phần vương quốc phía nam, chỉ có chi tộc Judah vẫn trung thành với Nhà David, cộng với chi tộc Simeon-vốn ngay từ khá sớm đã bị đồng hóa vào chi tộc Judah; hai chi tộc này tạo thành vương quốc Judah. Tuy nhỏ bé hơn và cũng từng nhiều lần bị Samaria và Ai Cập gây hấn, nhưng Judah vẫn giữ vững được nền độc lập và lãnh thổ của mình. Nền nội trị của vương quốc Judah rất ổn định, khi tất cả các vua ngồi trên ngai vàng Judah đều là con cháu trực hệ của vua David. Chỉ có một thời gian ngắn vào cuối thế kỉ thứ 9 BC, vương quyền hoàng tộc David bị lung lay, khi hoàng hâu Athaliah lợi dung cái chết ngoài sa trường của vua Jehoram để khuynh đảo triều chính và tàn sát các hoàng tử con cháu nhà David. Nhưng với sự giúp đỡ của các triều thần trung thành, hoàng tử Joash đã tiêu diệt Athaliah rồi lên kế ngôi vua Judah.

Về phần vương quốc Samaria, trong suốt lịch sử hơn hai trăm năm tồn tại của mình, từ 931BC đến 721BC, nó đã có 19 vị vua và nhiều cuộc đảo chính đẫm máu; chỉ rất ít năm vương quốc được sống trong tình trạng về chính trị. Phân tích các trình thuật Kinh Thánh, chúng ta thấy các vị vua Samaria được mô tả là không có những đức tính thánh thiện như các vua Judah. Một nét nổi bật khác của Samaria là vai trò khá quan trọng của các ngôn sứ trong các biến cố của nền chính trị: họ có quyền truất phế một vị vua, khi ông ta không làm theo ý Chúa, và họ cũng có quyền công nhận tính chính danh của một vị vua thuộc triều đại mới.

Theo các trình thuật của Kinh Thánh, vương quốc Samaria đã có một khởi đầu đầy bất ổn, mặc dù trước đó, ngôn sứ Akhijah đã từng hứa về một triều đại ổn định. Sau khi Jeroboam băng hà, Nadab (910BC-909BC) con vua Jeroboam lên kế vị (1V 15,25-31). Nhưng chỉ sau một năm, vua bị ám sát bởi Baasha, có lẽ là một viên quan trong triều đình của ông. Cũng giống như Jeroboam, vua Baasha (909BC-886BC) cũng đã được chỉ định bằng sấm ngôn và đã cầm quyền suốt đời ông. Con trai của Baasha là Elah (886BC-885BC) lên kế vị, nhưng vua bị Zimri, một viên quan của ông ta ám sát. Zimri (885BC) đã quét sạch nhà Baasha và tự xưng là vua Samaria. Dường như Zimri đã không nhận được lời sấm nào, và cũng không được sự ủng hộ của dân chúng. Vương quốc Samaria rơi vào tình trạng rối loạn khi các lực lượng kình địch tranh chấp với nhau. Phải sau vài năm, Omri (885BC-874BC) mới ổn định được tình hình. Ông lên ngôi mà dường như không dựa vào sấm ngôn nào. Nhà Omri nắm quyền cai trị từ 885BC đến 842BC, đây cũng chính là thời gian hoạt động của ngôn sứ Eliah. Sau đó, tướng Jehu, theo lời sấm của ngôn sứ Elisha, đã thực hiện một cuộc đảo chính đẫm máu nhất lịch sử Samaria và đã tận diệt nhà Omri. Nhà Jehu cai trị Samaria từ năm 842BC đến năm 745BC, với một triều đại đặc biệt thịnh trị của vua Jeroboam II (782BC-753BC). Đây chính là những năm cuối cùng mà người Samaria nắm quyền tự chủ vận mệnh của mình, trước khi bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực được tạo ra  bởi đế chế Assyria, tân bá chủ của Lưỡng Hà địa.

2.Đế Chế Assyria, Uy Trấn Quần Hùng

4

Các cuộc chinh phạt trong các thế kỉ 9BC-7BC của đế chế Assyria

Vào thế kỉ 9 BC, Assyria nổi lên như một đế chế hùng mạnh nhất ở vùng đất Lưỡng Hà. Thủ đô của nó đặt ở Nineveh, một địa điểm nằm trên bờ sông Tigris, cách Baghdad hiện nay 350km về hướng tây bắc. Assyria sở hữu một quân đội cực kỳ thiện chiến với những chiến cụ tối tân nhất thời bấy giờ, đây đồng thời cũng chính là đội quân thường trực đầu tiên trên thế giới. Vậy nên, hoàn toàn dễ hiểu khi hoàng đế Shalmaneser III (859BC-824BC) không hài lòng với việc chỉ giữ gìn biên cương hiện có của đế chế mà muốn bành trướng rộng ra bên ngoài. Ông đã phát động nhiều cuộc viễn chinh về phía tây, với mục tiêu chính là thôn tính vương quốc Aram.

Tuy nhiên, mãnh hổ nan địch quần hổ, vào năm 853BC, hoàng đế Shalmaneser III đã phải đương đầu với một liên minh quân sự đáng gờm của các vương quốc miền tây tại chiến trường Qarqar, phía bắc Syria. Mười một vị vua của Hitti đã thành lập một liên minh quân sự do Damascus lãnh đạo. Vua Ahab (871BC-852BC) của Samaria cũng đã tham gia liên minh này, ông gửi đến 2000 chiến xa và 10000 bộ binh. Sự kiện này tuy không được Kinh Thánh đề cập đến, nhưng chúng ta lại biết được thông tin về việc vua Ahab tham gia liên minh ‘Mười một vua Hitti’ nhờ một bi ký của Assyria. Đây chính là lần đầu tiên trong lịch sử, bi ký của người Assyria nhắc tới một vị vua Samaria. Trận chiến Qarqar năm 853BC kết thúc với phần thắng nghiêng về liên minh, thế nhưng, thắng không kiêu bại không nản, năm 841BC, hoàng đế Shalmaneser III lại thực hiện một cuộc viễn chinh về phía tây và giành được một loạt chiến thắng quan trọng. Theo một bi kí khác của người Assyria, sau thắng lợi trên chiến trường, ông đã chấp nhận của lễ triều cống từ vua Jehu (842BC-815BC) của Samaria, người vừa lật đổ nhà Omri.

5

Các vương quốc ở miền tây đế chế Assyria

 Bắt đầu từ thời hoàng đế Shalmaneser III, thời vận của Samaria và Judah hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối cai trị và phương hướng động binh của đế chế Assyria. Khi mà Assyria bị phân tâm vì những vấn đề ở những nơi khác, hai vương quốc này tạm thời có thể có một nền cai trị tương đối tự chủ. Nhưng khi Assyria trở nên hùng mạnh và hướng sự quan tâm của nó về các vương quốc phía tây, thì Samaria và Judah không có lựa chọn nào hơn là phải chịu thần phục và chấp nhận triều cống cho ‘những con ong đất Ashur’ (Is 7, 18).

Vào thế kỉ thứ 8 BC, hoàng đế Tiglath-Pileser III (745BC-727BC) là người đã đưa đế chế Assyria đạt tới đỉnh cao sức mạnh và quyền lực của nó. Là một nhà cài trị tài giỏi và thiện chiến, hoàng đế Tiglath-Pileser III đã củng cố lại sức mạnh của đế chế Assyria và tiến hành nhiều chiến dịch chống lại người Babylon ở phía nam Lưỡng Hà và vương quốc Urartu ở phía bắc. Đến năm 743BC, ông lại tiếp tục chinh phạt các vương quốc miền tây, nhưng những cuộc chinh phạt do hoàng đế Tiglath-Pileser III tiến hành đã có nhiều điểm khác biệt so với các vị tiên đế. Để khẳng định sức mạnh và quyền lực thống trị của đế chế Assyria, hoàng đế Tiglath-Pileser III không còn bằng lòng với với việc nhận triều cống từ các vương quốc chiến bại hay trừng phạt những kẻ nổi loạn bằng những cuộc đàn áp quân sự đơn thuần. Thay vào đó, khi có một chư hầu nào nổi loạn, ông cho đội quân vô địch của Assyria đè bẹp hoàn toàn rồi sau đó cho lưu đày người dân của xứ sở đó đến một vùng đất khác trong đế chế và sáp nhập hẳn vùng đất đó thành một tỉnh của đế chế Assyria.

6

Phù điêu hoàng đế Tiglath-Pileser III (745BC-727BC)

 Chính sách tàn bạo đó của hoàng đế Tiglath-Pileser III dù đôi lúc đã được các vị tiên đế áp dụng từng phần, những chính ông là người đầu tiên áp dụng nó một cách nhất quán. Có lẽ ông đã hi vọng sách lược dứt khoát và cứng rắn của mình sẽ có thể dập tắt mầm mống phản loạn và tinh thần ái quốc của các dân tộc bị trị một các triệt để. Sau thời ông, các hoàng đế Assyria và Babylon khác đã tiếp tục thực hiện đường lối cai trị của ông. Chính sách lược độc địa đó đã đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn cho hai vương quốc của người Israel.

PHẦN HAI: KHÓI LỬA VÀ ĐIÊU TÀN

 3.Sự Tuyệt Diệt Của Vương Quốc Samaria

Dưới sức ép cực lớn từ bên ngoài của Assyria, tình hình chính trị của Samaria bắt đầu có dấu hiệu rã nát với những cuộc đảo chính cung đình liên tiếp xảy ra. Năm 745BC, Salum đã giết vị vua cuối cùng của nhà Jehu để lên ngôi, nhưng vua bị Menahem ám sát và chiếm ngôi vào cùng năm. Sau đó, con của Menahem là vua Pekahiah lại bị Pekah tiếm vị vào năm 736BC. Cờ đến tay phải phất, vua Pekah (737BC-732BC) đã cố gắng chứng tỏ cho Assyria thấy Samaria không phải là một con giun muốn xéo thế nào thì xéo. Năm 738BC, các vua Syria, Samaria, Philistine, Ammon, Moab, Edom và các bộ tộc Arabia đã thành lập liên minh Syro-Ephraimite, mà hai nhà lãnh đạo chính của nó là vua Rezin của Damascus và vua Pekah của Samaria, nhằm chống lại đế chế Assyria. Dù bị ép buộc nhưng vua Ahaz của Judah đã từ chối tham gia liên minh này.

Vào năm 734BC, hoàng đế Tiglath-Pileser III đã đập tan liên minh đó, chiếm Damascus, giết chết vua Rezin và sáp nhập Syrya vào hệ thống các tỉnh của đế chế. Hoàng đế Tiglath-Pileser III còn chinh phục cả đồng bằng Philistine và hành quân xa mãi đến tận ‘suối của Ai Cập’. Tại Samaria, sau khi liên minh Syro-Ephraimite tan rã, các thành phần ủng hộ Assyria đã hạ bệ vua Pekah và lập Hoshea (732BC-724BC), một người dễ bị uốn nắn, lên làm vua. Ở phía bắc, miền Galilee của Samaria bị biến thành một tỉnh của đế chế Assyria khiến vương quốc Samaria chỉ còn lại một vùng lõi ở khu vực đồi núi trung tâm, lúc đó cũng đang bị vây trong vòng ba năm (2V 17, 5).

7

         Đế chế Assyria tiêu diệt vương quốc Samaria vào năm 721BC

 Vương quốc Samaria sau chiến bại toàn diện trước Assyria đã lay lắt kéo dài nền tự trị mong manh của nó thêm một thời gian ngắn nữa. Đến năm 721BC, Samaria bị thôn tính hoàn toàn bởi hoàng đế Sargon II (721BC-705BC) của Assyria. Trong một bi kí, hoàng đế Sargon II tuyên bố là đã chiếm Samaria trong năm đầu tiên ông làm hoàng đế và đã đưa 27000 dân Israel đi đày. Sau đó, ông đã cho xây lại thành Samaria to rộng hơn trước rồi đưa những dân tộc ở các miền đất khác trong đế chế vào đó, đồng thời tái tổ chức hệ thống cai trị trong cả vùng dưới quyền một viên tổng trấn Assyria. Đám dân ô hợp tứ xứ mà hoàng đế Sargon II cho quy tập ở Samaria sẽ là một chướng ngại lớn cho nỗ lực phục hưng vương quốc của người Israel sau này.

 

4.Lạc Lối Trong Bàn Cờ Của Các Bá Cường

Vào khoảng thế kỉ 9 BC, bàn cờ địa chính trị trong khu vực có nhiều chuyển biến. Đầu tiên là việc đế chế Assyria rơi vào một cơn suy thoái nhẹ do những vấn đề về kinh tế và quản trị đế chế cũng như sự đe dọa của vương quốc Urartu ở mặt bắc. Cùng với đó là sự tái xuất hiện của người Babylon, với đà phát triển mạnh về dân số và sức mạnh, sẵn sàng thế vào lổ hổng quyền lực đang xuất hiện ở Lưỡng Hà. Dù đã suy yếu nhiều, nhưng với bản chất hiếu chiến, đế chế Assyria vẫn khuấy động những cuộc can qua rút cuộc sẽ dìm chết chính họ.

Năm 705BC, hoàng đế Sargon II băng hà, đế chế Assyria chìm trong khói lửa nội loạn. Phía đông, tỉnh Babylon nổi dậy, còn ở phía tây đế chế Assyria lại nổi lên một liên minh chống đối của các vua Judah,  Phoenicia, Philisstine, và vùng bên kia sông Jordan. Liên minh này bị ngôn sứ Isaiah phê phán là hành động khinh suất và liều lĩnh. Tuy nhiên, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, bất chấp lời khuyến cáo của ngôn sứ Isaia, vua Hezekiah của Judah vẫn gia nhập liên minh, thậm chí còn trở thành kẻ cầm đầu liên minh. Vua Hezekiah sai người qua Ai Cập để thương thảo hiệp ước, rồi tất bật lo tăng cường các công trình phòng thủ cho kinh thành Jerusalem: xây thêm các pháo đài, đào kênh Siloam để dẫn nước từ suối Gihon vào trong thành.

8

Cuộc bao vây Jerusalem năm 701 BC của đế chế Assyria

Năm 701BC, sau khi xử lý xong cuộc bạo loạn của tỉnh Babylon ở miền đông, hoàng đế Sennacherib (704BC-681BC) quay sang phía tây. Tiến quân từ phía bắc xuống dọc theo con đường ven Địa Trung Hải – Via Maris, ông đè bẹp cuộc nổi loạn của các vương quốc Tyre, Byblos, Ascalon. Sau đó, bằng một loạt chiến thắng áp đảo, ông khuất phục các vương quốc dọc theo Vương Lộ là Ammon, Moab và Edom. Sau đó, hoàng đế Sennacherib tiến lên bao vây 46 thành có tường lũy bao quanh và vô số các làng mạc không có tường bao quanh của Judah, cùng bắt đi 200150 người làm chiến lợi phẩm, theo một bị kí của Assyria ghi lại. Ông đã đích thân dẫn quân bao vây Jerusalem và nhốt vua Hezekiah tại đó ‘như một con chim trong lồng’. Khi biết tin Ai Cập không thể tới tương trợ và thấy mình lâm vào thế phải chiến đấu hoàn toàn đơn độc với đoàn quân đông đảo của Assyria, biết rằng nước xa không thể cứu được lửa gần, vua Hezekiah đã dự tính đầu hàng hoàng đế Sennacherib.

Trong thời điểm tưởng chừng như mọi hi vọng đã tiêu tan, thì ngôn sứ Isaiah lại loan báo về việc Thiên Chúa sẽ ra tay cứu thoát dân Người. Quả vậy, Jerusalem bị vây nhưng được giải thoát vào phút cuối cùng bởi những nguyên nhân mà cho đến nay vẫn còn chìm trong màn sương bí ẩn. Điều này nếu căn cứ vào bản văn Kinh Thánh “Chính đêm ấy, thiên sứ của ĐỨC CHÚA ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết” (2V 19, 35) thì phần lớn quân đội Assyria đã bị thiên sứ của Thiên Chúa tiêu diệt, nhưng trong sử biên của Assyria không hề nhắc đến sự kiện nào như vậy. Một vài học giả ước đoán rằng đã có một thiên tai hay ôn dịch nào đó trong đội quân Assyria đang vây thành, hoặc hoàng đế Sennacherib phải rút quân vì ở miền đông đế chế có một sự kiện đặc biệt cần đến sự can thiệp trực tiếp của ông: Marduk-apla-iddina II lại tự tuyên bố là vua Babylon. Với việc hoàng đế Sennacherib bị các con trai của ông ta giết chết trong lúc ông đang tế lễ trong đền thờ thần Nimrud năm 681BC (2V 19, 37), đế chế Assyria bắt đầu xuống dốc nhanh chóng. Quả thật, chiến đấu trên hai mặt trận không bao giờ là điều dễ dàng. Bộ máy chiến tranh ngỡ là bất khả chiến bại của Napoleon đã kiệt sức do thất bại của Đại Quân ở Mặt trận chống Nga phía đông và sự đau đớn mà ‘Cái ung bướu Tây Ban Nha’ gây ra ở phía nam. Còn người Đức, dù cực kì thiện chiến và tàn nhẫn, cũng không sao khắc phục được trận thế Hai Mặt Trận trong hai cuộc thế chiến.

Tiếp tục bị đánh bại một lần nữa tại Ai Cập vào năm 660BC, đế chế Assyria bắt đầu tan rã. Sau khi hoàng đế Ashurbanipal băng hà năm 627BC, đế chế Assyria rơi vào hỗn loạn do một loạt các cuộc nội chiến. Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Nabopolassar, Babylon và các lãnh thổ phía đông đã lợi dụng tình trạng gần như vô chính phủ của đế chế Assyria để tự giải phóng. Đáng ra phải tận dụng thời cơ toàn cục đang biến động mạnh để tự tạo lập vị thế mới thuận lợi cho mình, thế nhưng do một sai lầm trí mạng trong tính toán cán cân địa chính trị, Judah để mình mắc kẹt trong cuộc long tranh hổ đấu giữa Assyria và Babylon, và đã phải lãnh nhận những hậu quả khốc liệt.

Năm 609BC, Pharaoh Necho II (610BC-595BC, thuộc triều đại thứ 21), một đồng minh của Assyria, đã đưa quân lên miền bắc hội sư với quân Assyria tại Carchemish, một địa điểm bờ tây bắc sông Euphrates, để chống lại Babylon. Nhưng vua Judah là Josiah (640BC–609BC), vì một liên minh kí kết trước đó với Babylon, đã can dự vào chiến cuộc bằng cách đưa quân chặn đường Pharaoh Necho II tại Megiddo, và đã mất mạng tại chiến địa nổi danh này. Sự kiện này được tường thuật lại trong Kinh Thánh: “Vào thời vua Josiah, vua Ai Cập là Pharaoh Necho lên gặp vua Ashur bên bờ sông Euphrates. Vua Josiah đi đón vua Necho, nhưng vua Necho giết vua Josiah ở Megiddo, khi vừa thấy vua này” (2V, 23, 29). Tuy nhiên, sự tác động của vua Josiah cũng đã làm Ai Cập mất thăng bằng, và một cách gián tiếp đã góp phần vào chiến thắng của Babylon tại Carchemish năm 609BC. Nhưng quả thật, về phía người Israel, cái chết vô vị của một vị minh quân như Josiah sau này được nhìn nhận như là thảm họa mở đầu cho sự sụp đổ của Jerusalem và Judah. Quả là, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết.

5.Sự Sụp Đổ Của Vương Quốc Judah

9

Đế chế Tân Babylon dưới thời hoàng đế Nabuchodonosor II

 Quan sát những động thái quân sự hướng thẳng về phía tây sau khi tận diệt Assyria của đế chế Babylon, Judah đã sực tỉnh để nhận ra gã đồng minh Babylon ngày nào của họ nay đã trở thành gã bạo chúa tham lam và tàn bạo mới của miền Mảnh Trăng Màu Mỡ, nhưng đã muộn. Hoàng đế Nabuchodonosor II (630BC-562BC) tấn công Ai Cập vào năm 601BC nhưng không thể khuất phục được nó, chủ yếu là do một loạt các cuộc phá rối phía sau của Judah, Phoenicia và Aram. Trận chiến giữa hoàng đế Nabuchodonosor II và Ai Cập khiến cả hai bị tổn thất nặng nề. Vào năm 598BC, bất chấp sự ngăn cản của ngôn sứ Jeremias, vua Jehoiakim của Judah cho rằng trong hai cường quốc đang tranh chấp thì Ai Cập mạnh hơn, nên quyết định ngả theo Ai Cập. Đáng tiếc, đây lại là một sai lầm trí mạng khác của các vị vua Judah. Ngay trong chính năm đó, hoàng đế Nabuchodonosor II đã thân chinh tiến công Judah. Vua Jehoiakim băng hà khi Jerusalem đang bị bao vây, và con ông là Jehoiachin lên nối ngôi. Thành Jerusalem thất thủ vào tháng 3 năm 597BC, nhưng Đền Thờ vẫn chưa bị phá hủy.

Hoàng đế Nabuchodonosor II bắt được vua Jehoiachin, đem ông và hoàng tộc đi đày ở Babylon, đồng thời đặt Zedekiah lên ngôi vua. Không từ bỏ ý định thoát khỏi sự kiểm soát của Babylon, vua Zedekiah lại đưa Judah về phe với Ai Cập. Hoàng đế Naboukhodonosor II trả đũa quyết liệt và nhanh chóng, ông cho bao vây Jerusalem ngày 15-01-587BC, và triệt hạ thành ngày 19-01-586BC. Vị tướng của Nabuchodonosor II là Nebudaradan đã cho quân bình địa hoàn toàn Jerusalem. Cuộc tàn sát kinh hoàng và man rợ của quân Babylon cùng khung cảnh khói lửa thê lương của thành đô Jerusalem đã đóng một dấu sắt cháy bỏng đầy đau đớn lên ký ức tập thể của người dân Judah. Bằng chứng từ khoa khảo cổ gợi ý rằng dân số của Judah thời đó đã giảm sút từ 250000 trong thế kỉ 8 BC xuống còn chỉ khoảng một nửa sau sự sụp đổ của Jerusalem. Judah cố gắng khởi nghĩa giành lại nền độc lập vào năm 582BC, nhưng đã bị tướng Nebudaradan đè bẹp nhanh chóng.

10

Jerusalem bị quân Babylon bình địa năm 587BC

Như vậy, hai vương quốc của người Israel đã sụp đổ hoàn toàn dưới sức ép quân sự khủng khiếp của các đế chế trong khu vực. Nhưng theo Kinh Thánh, sự thất bại của họ phải truy nguyên về những sự kiện thuộc chiều kích đức tin. Theo đó, họ bị lâm cảnh lầm than do đã bất chính trong đời sống và giả hình trong phụng tự. Họ bị tan hoang cửa nhà do đã phớt lờ các lề luật của ĐỨC CHÚA mà thẳng tay bóc lột bần dân trong xứ sở. Họ bị ngoại bang đánh bại do đã bỏ rơi ĐỨC CHÚA của họ để chạy theo các ngẫu tượng của các dân tộc lân cận, những thứ đã không thể cho họ một sự cứu giúp nào trong cơn bỉ cực. Biến cố hai vương quốc sụp đổ là một bài học không thể nào quên của dân tộc Israel. Thế nhưng, kì diệu thay, việc nghiền ngẫm những biến cố đau thương đó trong những năm tháng lưu đày tại Babylon, dưới sự trợ lực của ánh sáng đức tin do các ngôn sứ rao giảng, cuối cùng lại đưa đến sự hồi sinh đầy ngỡ ngàng của dân tộc Israel.

PHẦN BA: LƯU ĐÀY VÀ HỒI SINH

6.Bờ Sông Babylon Ta Ra Ngồi Nức Nở

Nói đến nơi lưu đày, chắc hẳn nhiều người hình dung ra hình ảnh từng đoàn người Israel lầm lũi rời bỏ quê hương để đi đến những vùng đất xa xôi và cằn cỗi kiểu như Australia và Siberia, những nơi lưu đày của các đế chế cận hiện đại Anh và Nga. Thế nhưng, trong phiên bản hình thức lưu đày đầu tiên của nhân loại, người Assyria và người Babylon lại không nhằm trừng phạt các cá nhân chống đối mà lại có chủ đích nhắm vào việc bứng gốc và phân tán ra khỏi quê nhà các dân tộc bị trị nổi loạn, với mưu đồ xoá sổ căn tính dân tộc của họ. Thế nên, tuy có nhiều người thuộc vương quốc Samaria bị lưu đày đến tận biên giới phía đông của đế chế Assyria là dãy Zagros, nhưng phần đông các người Judah lại bị người Babylon lưu đày đến vùng đất trung tâm của đế chế, tức là ngay chính tại kinh đô Babylon. Do mười chi tộc Israel thuộc vương quốc Samaria thực tế đã bị tan loãng và biến mất trong khối dân đa tạp của đế chế, nên kể từ đây, khi nói về dân tộc Israel bị lưu đày, ta hiểu là chỉ còn nói về Judah, chi tộc Israel duy nhất còn tồn tại sau cuộc Lưu đày Babylon.

11

Các tuyến đường lưu đày của người dân hai vương quốc Samaria và Judah

Babylon, nơi người Israel bị lưu đày, là một khu vực có đất đai cực kì màu mỡ, với những cánh đồng lúa mì einkorn vàng óng bạt ngàn, có thể cho sản lượng gấp 300 lần hạt giống đem gieo, mức năng suất cao nhất của nền sản xuất lương thực cổ thời. Cùng với đó, Babylon còn có những vườn chà là và vả sum suê trĩu quả chế biến nên lượng thực phẩm, rượu và mật thừa mứa. Nông sản của vùng đất này như lúa mì, lúa mạch, kê và vừng to đến nỗi sử gia Herodotus thấy ngại khi phải kể lại, vì sợ bị người ta cho là đang nói quá.

12

Kinh thành Babylon với Vườn Treo Babylon và ziggurat Babel

 Người Israel chắc hẳn phải thấy cực kì ngỡ ngàng trước sự vĩ đại của kinh thành Babylon và những truyền thống văn hoá kì lạ của nó. Theo lời kể của Herodotus, Babylon là một toà thành khổng lồ vuông vắn, với mỗi cạnh dài 120 ‘stadia’ (đơn vị đo chiều dài của người cổ đại, bằng khoảng 200m), tức là mỗi bề của nó dài 24km! Nó có hai vòng thành với mỗi mặt thành rộng 50 ‘pekhes hoàng gia’ (mỗi ‘pekhes hoàng gia’ tương đương với 50cm), tức là thành dày tới 25m. Giữa hai vòng thành là một hào nước rộng nối liền với sông Euphrates. Hai lớp thành cực dày cộng với hào nước sâu khiến cho Babylon dường như trở thành bất khả công phá. Không chỉ vững chãi, kinh thành Babylon còn được điểm tô bằng những công trình tuyệt mĩ. Đầu tiên phải kể đến Vườn Treo Babylon, một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại; ngoài ra, còn có Cổng thành Ishtar được khảm bằng những viên đá quý rực rỡ sắc màu cùng nhiều ngôi đền lộng lẫy bao quanh toà tháp Babel nhiều tầng. Cũng theo Herodotus, ở Babylon tồn tại nhiều phong tục kì lạ về tình dục, hôn nhân, và buôn bán mà chắc hẳn đã nhiều dịp khiến những người Israel tha hương sửng sốt. Tuy vậy, sinh sống ở Babylon, người Israel lại có dịp tiếp xúc trực tiếp với hệ tư tưởng vùng Lưỡng Hà, vốn rất thâm sâu và phong phú. Sự gặp gỡ đó đã ghi lại dấu ấn trong các kinh sách được cho là đã được viết xuống ngay tại miền đất lưu đày Babylon.

13

Cổng Ishtar và con đường tế tự của hoàng gia

Miền đất Babylon như vậy, còn hoàn cảnh của những người Israel bị lưu đày thì như thế nào? Lưu dân Israel hẳn nhiên là đã phải chịu một cú sốc khủng khiếp về tâm lý và luân lý. Nhưng đàng khác ta cũng không nên tưởng cuộc sống bên Babylon giống như trong một trại tập trung. Bên Babylon, người Israel vẫn được hưởng một sự tự do tương đối, tỉ dụ như việc ngôn sứ Ezekiel được tự do đi thăm viếng đồng bào đang lo trồng trọt. Thế nhưng, dù lần hồi có được một cuộc sống tạm yên bình nơi phương xa xứ lạ, thì trong lòng người dân Israel vẫn canh cánh những câu hỏi nhức nhối mà tình cảnh dân tộc đặt ra cho họ: Có ĐỨC CHÚA thật không? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, để thành thánh Jerusalem và Đền Thờ bị tàn phá như vậy? Hay là thần Marduk của Babylon mạnh hơn ĐỨC CHÚA? ĐỨC CHÚA có còn nhớ Lời Hứa hay đã huỷ bỏ Giao Ước rồi?

7.Hồi Sinh Đống Xương Khô Trong Sa Mạc

Cũng như đã xảy ra trong thời các Thủ Lãnh, khi lâm vào cảnh tang thương đau đớn rồi được các ngôn sứ của Chúa khuyên răn chỉ dạy, dân Israel mới nhận ra tội lỗi ghê gớm mà chính họ đã gây ra. Chính sự cứng lòng và bất trung đã làm cho họ xa lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa và đánh mất hạnh phúc của mình. Tuy nhiên, trong kế hoạch của Thiên Chúa thì Lưu đày không phải là ‘viên thuốc độc’, mà là ‘viên thuốc đắng’ mà Thiên Chúa dùng để chữa trị ‘chứng bệnh bất tuân’ của dân Người. Bởi ngay khi quân Babylon cưỡng bức người Israel rời bỏ quê hương xứ sở, đã có Lời Chúa phán qua trung gian ngôn sứ Jeremias:

“Muôn dân hỡi, lắng nghe lời ĐỨC CHÚA

và loan đi các đảo xa vời,

rằng Đấng đã phân tán Israel

cũng chính Người sẽ thâu tập lại,

canh giữ họ như mục tử canh giữ đoàn chiên

Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Zion, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA.” (Gr 31, 10.12)

Quả vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa tín thành, không bỏ rơi dân Ngài đã chọn. Ngay tại chốn lưu đày, Ngài đã cho các ngôn sứ như Isaiah Đệ nhị và Ezekiel đến giữa đoàn dân Israel đang khóc than vì lầm lỗi trong quá khứ và tuyệt vọng về tương lai, để nói cho họ biết rằng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117, 1); rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn cho họ biết hối cải những tội lỗi mà họ và cha ông đã phạm, cùng biến đổi họ nhờ thần khí thánh hoá của Ngài, như trong lời sấm truyền của ngôn sứ Isaiah Đệ nhị:

“Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường,

trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi.

Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ,

và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng.

Những điều ấy, Ta sẽ thực hiện, không bỏ sót điều nào.” (Is 42, 14-16)

Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hai điều biến đổi chỉ có thể nói là kì diệu ở đoàn dân Israel  lưu đày tại Babylon. Điều kì diệu thứ nhất là việc tại chốn lưu đày, dân Israel đã có một nhận thức mới mẻ và thiêng liêng hơn trong việc sống đức tin. Theo đó, với người Israel tha hương, thay cho phụng tự và hi lễ tại Đền Thờ trong quá khứ, cộng đoàn tại chốn lưu đày lại tập họp nhau vào ngày sabbath để thờ phượng Thiên Chúa và suy ngẫm Lời Chúa; thay cho nhà vua đã bị bắt đi lưu đày, thì Thiên Chúa lại trở thành vua thật sự của họ; thay cho đất đai của họ đã bị chiếm giữ, dấu cắt bì lại trở thành dấu chỉ của một vương quốc mang chiều kích thiêng liêng; và do bị buộc phải sống trên một mảnh đất không trong sạch, nên người Israel lưu đày đã dành nhiều bận tâm cho sự trong sạch theo nghi lễ. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng tại nơi lưu đày Do Thái giáo được cưu mang, để rồi sẽ được sinh hạ một cách chính thức với cuộc cách tân giao ước của Esdras tại Jerusalem vào khoảng năm 420BC (Nkm 8,1-18; 9,1-38).

14

Các hiền nhân Israel đã đào sâu những suy tư của mình về thân phận con người

 Điều kì diệu thứ hai của cuộc lưu đày liên quan đến hoạt động văn chương. Dù chúng ta không thể nói ra một cách chính xác hoạt động này đã diễn ra ở đâu và vào thời điểm nào, nhưng những ghi chép và những truyền thống khác nhau vẫn giúp chúng ta thấy được một số manh mối. Trên tất cả, để duy trì đức tin và niềm hi vọng trong lòng dân tộc, các tư tế đã nhắc nhở dân chúng về cội nguồn của họ. Việc đọc lại lịch sử dạng này chính là truyền thống có tên là Tư tế, một trong bốn truyền thống làm thành bộ Ngũ Thư. Luật Thánh thiện trong sách Lv 17 – 26 là những luật đã được thi hành tại Đền Thờ Jerusalem, lúc này được gom lại và điển chế hóa một cách dứt khoát, để rồi sau khi hồi hương, bản luật này dần dần trở thành có dạng như sách Levi. Các học giả cũng cho rằng dòng văn chương Đệ Nhị Luật lịch sử, bao gồm các sách Gs – 2V, hẳn đã được biên soạn ngay trước khi vương quốc sụp đổ, rồi được biên tập, thêm thắt và thích ứng với hoàn cảnh của những người đi lưu đày. Những lời của các ngôn sứ Ezekiel và Isaiah Đệ Nhị cũng được lưu giữ, theo dạng thành văn hoặc truyền khẩu. Có kinh nghiệm về tai họa, đau khổ, đồng thời được tiếp xúc với tư tưởng Babylon và Batư, các hiền nhân Israel đã đào sâu những suy tư của mình về thân phận con người. Những suy tư này sau nhiều thế kỉ dần dần kết tinh thành những tác phẩm như sách Job. Những Thánh Vịnh với giọng điệu mới, Tv 137; 44; 80; 89, có thể đã được biên soạn vào thời điểm này để kêu xin Thiên Chúa là Đấng Tín Thành.

Như vậy, từ trong đau khổ và chính bằng đau khổ mà Thiên Chúa đã sửa dạy dân Ngài. Và rồi, càng nhìn nhận lỗi lầm của mình, dân Israel càng trông mong một ngày sẽ được giải thoát khỏi kiếp lưu đày nơi xứ lạ và được trở về lại quê cha đất tổ, miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho các tổ phụ của họ. Thế nhưng, sinh sống ở ngay chính trung tâm quyền lực của đế chế Babylon, họ hiểu rõ sức mạnh khủng khiếp của sắc dân đang cai trị họ. Đối với họ, tự mình giải thoát khỏi thân phận lưu đày là một điều vượt ngoài những mưu tính và khả năng của họ. Để trấn an nỗi tuyệt vọng của dân Israel, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Ezekiel đến tuyên sấm những lời sau đây:

ĐỨC CHÚA phán: Này nhà Israel vẫn nói: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hi vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!” Chính vì thế, Edekiel, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm.” (Ed 37, 11-14)

15

Ngôn sứ Ezekiel và đống xương khô trong sa mạc được thần khí hồi sinh

Thực vậy, theo cái nhìn của Kinh Thánh, nếu như Thiên Chúa đã dùng bàn tay của người Babylon mà sửa trị Israel, thì Người đã lại dùng sức mạnh của một dân tộc khác để đưa dân Israel về lại quê hương. Người dân Israel cho rằng dân tộc đó chính là một khí cụ tuyệt hảo mà ĐỨC CHÚA dùng để giải thoát dân Ngài, đến độ, thủ lãnh của dân tộc đó là vua Cyrus đã được ngôn sứ Isaiah Đệ nhị tặng cho danh hiệu “kẻ được Thiên Chúa xức dầu” (Is 45,1), vốn xưa nay chỉ dành riêng cho các bậc quân vương nhà David.

16

Hoàng đế Cyrus, “kẻ được Thiên Chúa xức dầu” (Is 45,1)

PHẦN BỐN: GIẢI PHÓNG VÀ HỒI HƯƠNG

8.Đại Đế Cyrus, Nhà Giải Phóng

17

Bản đồ chính trị Trung Đông thế kỉ 6BC

 Từ năm 562BC, sau khi hoàng đế Naboukhodonosor II băng hà, quyền lực của đế chế Babylon bắt đầu suy giảm nhanh chóng. Chỉ trong vòng bảy năm, ngai vàng đã đổi chủ tới ba lần, để rồi rơi vào tay của Nabonidus (556BC-545BC). Hoàng đế, do xuất thân từ dòng dõi tư tế và có lòng sùng kính đặc biệt thần mặt trăng Sin, đã cho khôi phục đền thờ kính vị thần này tại Haran, và do vậy, đã gây ra sự kình địch của giới tư tế đầy quyền lực của thần Marduk, điều này đã tạo nên một sự rạn nứt trong nền tảng quyền lực của đế chế Babylon.

Vì một lí do nào đó mà đến nay vẫn còn là bí ẩn, hoàng đế Nabonidus đã thiên đô từ Babylon sang ốc đảo Teima nằm phía bắc sa mạc Arabia, việc làm khinh suất này của ông đã đưa tới hai hệ quả nghiêm trọng cho nền chính trị đế chế Babylon. Thứ nhất, với việc đặt trung tâm hành chính của đế chế ở một vị trí ngoại vi, hoàng đế Nabonidus đã khiến việc kiểm soát và điều hành một đế chế rộng lớn như Babylon thêm phần khó khăn. Thứ hai, việc hoàng đế Nabonidus vắng mặt tại Babylon khiến cho những năm đó người ta không thể cử hành Lễ hội Năm mới, lễ hội mà trong đó hoàng đế đóng vai trò chính. Đối với người Babylon, việc hoàng đế Nabonidus không cử hành những nghi thức của lễ hội này để kính thần Marduk rõ ràng là một tai họa, vì người dân tin rằng sự may mắn và chính sự hiện hữu của Babylon phụ thuộc vào vị thần này.

Mối đe dọa từ bên ngoài do thế lực ngày càng lớn mạnh của người Medes ở miền đông bắc đế chế bắt đầu trở nên rõ ràng. Người Medes đã từng là đồng minh của người Babylon trong việc lật đổ đế chế Assyria, lúc này chính họ lại đe dọa đế chế Babylon. Để đối phó với người Medes, Nabonidus đã kết đồng minh với vua Cyrus (576BC-530BC) của Ba Tư, một chư hầu của người Medes. Cyrus đại đế, vua của người Achaemenid ở Elam, không cần người Babylon hỗ trợ, đã quật khởi tại Ecbatana để chống lại ách thống trị của Astyages, vua của Medes. Vương quốc Medes nhanh chóng sụp đổ và người Ba Tư trở thành chúa tể của tất cả vùng đất phía đông dãy Zagros nhìn xuống vùng đồng bằng Lưỡng Hà. Lúc này, hoàng đế Nabonidus nhận ra người Ba Tư mới là kẻ thù đích thực của họ, nhưng đã muộn. Năm 539BC, một trận đại chiến giữa quân đội Babylon và Ba Tư nổ ra tại Opis, bên bờ sông Tigris, với kết quả là sự thảm bại của người Babylon.

18

Sa đồ kinh thành Babylon, với sông Euphrates chảy qua chính giữa

 Các cánh quân Ba Tư nhanh chóng vượt qua các chi lưu hai con sông Euphrates và Tigris, xiết vòng vây xung quanh kinh thành Babylon, vốn được cho là bất khả xâm phạm. Điểm yếu duy nhất của hệ thống phòng ngự Babylon chính là con sông Eupherates được cho chảy qua ngay giữa thành phố. Người Babylon cho đặt một lưới kim loại chắn ngang sông, để tuy dòng sông có thể chảy qua thành phố nhưng vẫn ngăn chặn được sự xâm nhập từ bên ngoài, thế nhưng, lưới này không chạm đáy sông. Ngay bên ngoài thành là một hồ nước chu vi lên tới 420 ‘stadia’, được sử dụng để rút nước sông Euphrates trong quá trình thi công các công trình phòng ngự cho thành và cây cầu bắt qua chính giữa thành. Đây sẽ là điểm yếu trí mạng của thành Babylon mà Cyrus sẽ lợi dụng.

Vì thấy trước Cyrus sẽ tiến công, người Babylon đã tích trữ lương thực đủ dùng trong nhiều năm. Vì thế trong khi cư dân Babylon không mấy lo lắng về cuộc vây hãm thì Cyrus lại lúng túng khi thấy cuộc vây hãm kéo dài mà không đạt được tiến triển nào, nhưng cuối cùng ông đã nghĩ ra được một mưu kế. Cyrus bố trí một cánh quân ở nơi dòng sông chảy vào thành, một cánh quân khác ở nơi dòng sông chảy ra khỏi thành, rồi đích thân ông dẫn cánh quân thứ ba đi đào một con kênh dẫn nước từ sông Euphrates vào hồ nước cũ ở ngoại thành, khiến cho dòng chảy của sông trong một vài giờ hạ xuống thấp đến mức có thể lội qua được. Sau đó, hai cánh quân Ba Tư phục sẵn nhanh chóng ập vào và hạ thành. Vì quy mô rộng lớn của chính nó, khi khu vực tiếp giáp với tường thành đã lọt vào tay quân Ba Tư, những người ở trung tâm thành phố, ngẫu nhiên lúc đó đang tổ chức một lễ hội thâu đêm, vẫn tiếp tục nhảy múa vui chơi cho tới sáng, khi mà mọi việc đã an bài.

Hoàng đế Cyrus tiến vào Babylon tháng 10 năm 539BC, ông tuyên bố mình là người giải phóng người dân Babylon ra khỏi ách thống trị của Nabonidus. Hoàng đế Cyrus đã tính toán chính xác, vì người dân thành Babylon đã đầu hàng mà không hề kháng cự. So với các đạo quân chinh phục như Asssyria và Babylon, đạo quân Ba Tư của hoàng đế Cyrus rõ ràng là nhân đạo hơn. Các đền thờ ở Babylon và các thành lân cận không hề bị tổn hại, do quân đội Ba Tư đã được lệnh phải tôn trọng tôn giáo người bản xứ và tránh gây sợ hãi cho họ. Quả thực hoàng đế Cyrus đã đối xử với các thần linh của các dân tộc bị chinh phục một cách khoan dung. Và chính trong bối cảnh đó, người Israel ở Babylon đã được hoàng đế Cyrus cho chấm dứt số phận lưu dân để trở về quê hương bản quán.

9.Khi Tù Nhân Zion Trở Về

Chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, hoàng đế Cyrus đã ban hành một chiếu chỉ vào năm 538BC cho phép người Israel hồi hương và tái thiết Đền Thờ. Ta có thể tìm thấy chiếu chỉ này ở trong hai sách Esdras và Nehemiah. Chiếu chỉ này được lưu làm hai bản trong văn khố hoàng gia, một bản bằng tiếng Dothái và một bản bằng tiếng Aram, ngôn ngữ chính thức của đế chế Ba Tư. Người Israel không bị ép buộc phải ra đi, và quả thực, cuộc sống đã trở nên thoải mái của xứ lưu đày Babylon khiến nhiều người trong số họ không muốn hồi hương mà chọn ở lại và chỉ tham gia tái thiết Đền Thờ bằng cách đóng góp tài chính. Số người này tạo thành một cộng đoàn hải ngoại quan trọng và khá sung túc.

 Các đoạn khác nhau trong bản văn Thánh Kinh, Er 1 – 6; Kg; Dcr 1 – 8 hé lộ cho chúng ta biết một vài hình ảnh về những vấn đề khó khăn mà những người Israel  hồi hương phải đối mặt. Khó khăn thứ nhất là sự tranh chấp đất đai giữa những người hồi hương và những dân đã đến cư ngụ tại xứ Palestina. Quả vậy, vùng đất được dành cho những người hồi hương chỉ rộng khoảng vài chục dặm vuông xung quanh Jerusalem, nhỏ hơn rất nhiều so lãnh thổ vương quốc Judah thời phân li. Vì thế, chúng ta khó có thể nói rằng người Israel hồi hương đã khôi phục lại hoàn toàn đất đai của họ. Hơn thế nữa, họ còn phải chia sẻ mảnh đất nhỏ bé với hậu duệ của những người Israel không đi lưu đày vào năm 587BC, và cả những người ngoại quốc đã đến ở vùng núi Judah theo sau các chiến dịch quân sự của Babylon. Trong bối cảnh ấy, những xung đột và tranh chấp dưới nhiều hình thức đã xảy ra giữa những cư dân còn ở lại và những người mới trở về.

19

Khi Chúa dẫn tù nhân Zion trở về, ta thấy mình như giữa giấc mơ (Tv 125)

Tình trạng lại càng thêm phức tạp, do mâu thuẫn giữa những người hồi hương với nhóm cư dân pha tạp sống tại vùng núi Samaria ở phía bắc nhưng lại đang nắm quyền kiểm soát miền đất Judah. Nhóm cư dân tạm gọi là những người Samaria này là hậu duệ của những dân cùng đinh trong vương quốc Samaria bị bỏ lại và các sắc dân được đế chế Assyria đưa đến ở trong vùng. Họ có những lối thực hành tôn giáo tuy có thể gần gũi, nhưng cũng tồn tại nhiều khác biệt quan trọng với người Israel. Những người Samaria đó, theo quan điểm Israel, đã ra hư hỏng vì bị trộn lẫn với các dân tộc ngoại bang. Do đó, giữa những người Samaria và người Israel luôn có một mối căng thẳng. Người Israel kết án người Samaria, vì họ đã không duy trì được một đức tin tinh tuyền. Còn người Samaria thì lại cho rằng họ mới là những người thật sự trung thành với Luật Moses. Như chúng ta đọc trong sách Esdra, những người Samaria cũng muốn giúp tái thiết Đền Thờ Jerusalem nhưng những người Israel đã từ chối thiện chí của họ. Ở chiều ngược lại, những người Samaria cũng đã chống đối việc xây các bức tường thành Jerusalem.  Mặt khác, tương quan của những người Israel với nhau cũng không phải là tương quan lí tưởng. Có những người Israel muốn giữ nguyên hiện trạng trong những lãnh vực khác nhau như chính trị xã hội, luân lí và tôn giáo, trong khi có những người lại muốn cải cách một cách sâu sắc trong mọi lĩnh vực.

Thứ đến, người Israel hồi hương lại gặp nhiều khó khăn trong việc sinh sống tại xứ Palestina. Tại lúc đó, Jerusalem và các thành phố lân cận vẫn còn trong tình trạng đổ nát, khiến việc kiếm sống của người dân cũng bị hạn chế rất nhiều. Vậy là hoá ra cuộc sống của những người hồi hương thực tế khác xa với viễn tượng về một xứ sở đầy phồn thịnh và tự do mà ngôn sứ Isaia Đệ Nhị từng hứa hẹn. Thời gian càng trôi đi, người Israel hồi hương càng thấy rằng những lời hứa hẹn đó sẽ còn ở xa tầm tay, và chúng ta có thể tưởng tượng được rằng đời sống của những người Israel hồi hương đầu tiên có thể là một chuỗi những thất vọng cay đắng. Khi đó, những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa hiểu ra rằng, dù đã quyết tâm sống theo Luật Moses, nhưng mong ước giữ vững đức tin vào Thiên Chúa của thế hệ họ cũng không dễ dàng hơn so với thế hệ cha ông họ chút nào.

Cuối cùng, một khó khăn nữa của người Israel hồi hương là việc tái thiết Đền Thờ Jerusalem. Bản văn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng người Israel đã tranh cãi rất nhiều và cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái thiết Đền Thờ. Một đàng, họ không có đủ thợ xây cất và thiếu nguồn tiền bạc, do đóng góp của người Israel không được nhiều lắm. Đàng khác, họ gặp phải sự kháng cự, chế nhạo và đe dọa của những dân lân cận, tức là những người Samaria và những người Ammon ở bên kia sông Jordan.

Những khó khăn kể trên bủa vây số sót ít ỏi của một dân tộc trở về từ nơi lưu đày, khiến cho vài người trong số họ đâm ra nản lòng mà lại một lần nữa lìa bỏ Lề Luật của cha ông. Thế nhưng, trong cơn khốn quẫn đến độ gần như lạc lối đó của dân Israel, đã xuất hiện hai nhân vật Nehemiah và Esdras. Hai ông đã nâng đỡ, sửa dạy và khuyến khích dân Israel kiên vững trong niềm tin vào Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Người.

10.Vững Một Niềm Tin

Vào năm 444BC, Nehemiah được Artaxerxes I, hoàng đế Batư, bổ nhiệm làm thống đốc Judah, Ông đi về miền đông đem theo chiếu chỉ của hoàng đế cho phép ông xây dựng lại tường thành Jerusalem, với chi phí được lấy từ kho tàng hoàng gia. Đồng thời, chỉ thị từ hoàng đế cũng cho phép Judah cũng được tách khỏi tỉnh Samaria để thành một tỉnh độc lập. Nehemiah làm thống đốc Judah trong vòng 12 năm (Nkm 5,14), sau đó ông trở lại làm quan trong triều đình Batư (Nkm 12,6).

20

Nehemiah xây dựng lại tường thành Jerusalem

 Tuy nhiên, liền sau đó, Nehemiah thuyết phục hoàng đế cho ông trở lại Jerusalem, do tình trạng ở Jerusalem bắt đầu trở nên tồi tệ. Dân chúng Israel thời đó đang lần hồi nghiêng theo lối sống dễ dãi khi chấp nhận những cuộc hôn nhân dị chủng với dân ngoại xung quanh. Trong hoàn cảnh đó, Nehemiah đã tiến hành một cuộc cải cách nhằm vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa người Israel với dân ngoại. Nehemiah đã đề ra hai tiêu chuẩn cụ thể để được công nhận là người Israel: thứ nhất, người đó phải được cha mẹ là người Israel sinh ra, và thứ hai, người đó phải trung thành với Torah, bao gồm sự trợ giúp theo luật định dành cho cơ cấu phụng tự Đền Thờ. Nehemiah triệt để ngăn cấm hôn nhân dị chủng, dựa trên nền tảng của sách Đệ nhị luật (Nkm 13; Đnl 23,3). Tiếp nối Nehemiah, những năm về sau Esdras đã đưa ra những biện pháp còn cứng rắn hơn: ông không chỉ cấm hôn nhân dị chủng, mà những ai đã lấy người dân ngoại bị buộc phải phá vỡ cuộc hôn nhân đó (Er 10,2-5).

Esdras chính là người đã đẩy cuộc cải cách của Nehemiah đi xa hơn. Esdras hẳn là đã đến Jerusalem khoảng những năm 420BC, không phải với vai trò là thống đốc như Nehemiah, nhưng được hoàng đế Batư cử đến Jerusalem để thị sát các vấn đề tôn giáo. Quyền bính của Esdras cũng không chỉ bó hẹp ở Judah, mà bao trùm trên mọi người Israel sinh sống tại Palestina. Esdras được miêu tả như là “một kinh sư thông Luật Moses, mà Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel đã ban” (Er 7,6). Một trong những thứ quan trọng mà Esdras đem về từ Babylon là một bản sao của Sách Luật Moses, như Nkm 8,1 nói tới. Nghi thức công bố bản luật này được miêu tả trong Nkm 8,1-18, với đỉnh điểm là việc dân chúng xưng thú tội lỗi, quyết tâm tách mình khỏi dân ngoại, đồng thời long trọng cam kết sống trung thành với Lề  Luật của Giao Ước Sinai (Nkm 9,1 – 10,40). Văn bản kết ước được các kỳ mục Israel kí kết và được mọi người thề hứa tuân theo, kẻ nào không tuân giữ sẽ bị nguyền rủa.

21

Kinh sư Esdras tuyên đọc Sách Luật Moses trước đại hội dân Chúa

 Chúng ta có thể nhận thấy rằng điều mà Ezekiel và Isaiah Đệ Nhị đã sửa dạy và khuyên răn dân Israel ở Babylon, cũng là điều mà Nehemiah đã chuẩn bị trong cuộc cải cách sơ khởi, lúc này đã được thực hiện hoàn chỉnh với nghi thức kết ước do Esdras đề xướng. Cách nào đó, kinh sư Esdras đáng được gọi là “người khai sinh ra Dothái giáo”, vì bởi do ảnh hưởng của ông mà cuộc sống và tôn giáo của người Israel đã có một biến chuyển mới, trở nên dứt khoát hơn và bám sát hơn trong đức tin vào ĐỨC CHÚA.

ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob, Đấng tín thành và giàu lòng thương xót, đã hứa ban một “miền đất tràn trề sữa và mật” (Ds 13, 27) cho cha ông họ, miền đất mà sau năm mươi năm họ bị lưu đày nơi đất khách quê người, lại là nơi họ trở về và sinh sống bình yên.

Vĩ Thanh

22

Người Israel và hai vương quốc Ptolemy-Seleucid

 Hồi sinh từ đống tro tàn, người Israel quyết tâm giữ vững đức tin của họ vào ĐỨC CHÚA của cha ông và xem đó như căn tính thâm sâu của dân tộc, không thể thoái hoá, không thể nhượng bộ, không thể chối bỏ. Sinh sống trong một đế chế Ba Tư khoan dung về tôn giáo, việc đó xem ra khá dễ dàng. Nhưng ba trăm năm sau thời hoàng đế Cyrus, khi thời thế đổi thay, dân tộc Israel phải đối mặt với gã bạo chúa điên cuồng mà họ gọi là Antiocho Epimanes (Antiocho điên khùng) của nhà Seleucid, họ sẽ phải chứng minh đức tin mà họ tuyên xưng vào ĐỨC CHÚA liệu có phải là một thâm tín, hay chỉ là một lời chót lưỡi đầu môi…


Lạc Vũ Thái Bình – Trần Gia Hân

Huế – Sài Gòn, 07-2021

Tham khảo

-Kinh thánh trọn bộ, bản dịch 2011

-Phạm Hữu Quang – Dẫn nhập Thánh Kinh

-Trần Minh Thực – Lịch sử Cứu độ

-Herodotus – Lịch Sử

-Mortimer Chamber – Lịch sử văn minh Phương Tây

-Viện Smithsonian – Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện

-John Keegan – Lịch sử chiến tranh

-Bernard Lewis – Lịch sử Trung Đông

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s