Việt Vương Câu Tiễn: Vị Vua Nói Tiếng Austroasiatic

viet

                                                                                                                                                              Trần Vy

Năm 2007, Eric Henry(1) giới thiệu chuyên luận “Lịch sử chìm khuất của người Việt”, trong đó ông so sánh đặc điểm của hai cộng đồng Ngô Việt và Hoa Hạ như sau:

  • Các vua Ngô-Việt sau khi qua đời không có miếu hiệu.
  • Tên các vua đều vô nghĩa đối với Trung nguyên, dường như chúng chỉ là phiên âm của các từ Việt cổ.
  • Người Ngô-Việt, kể cả vua, không có họ.
  • Địa danh và nhân danh được đặt theo phong cách phi Hoa, thường là song tiết ví dụ như “Gōu Wú/Câu Ngô” và “Yú Yuè/Ư Việt”.

Ông liệt kê thêm các khía cạnh khác biệt gồm: ngôn ngữ, âm nhạc, văn học dân gian, tôn giáo, chế độ ăn, bố trí làng xóm, cách đóng thuyền, vũ khí, sở thích địa hình, kiến trúc nhà cửa, kiểu tóc, trang điểm cá nhân, hành vi trong tang lễ, quần áo, chữ viết, thực hành quân sự, tính khí…. 

Henry chú ý tới việc Câu Tiễn rút lên núi Cối Kê và Phù Sai rút lên núi Cô Tô sau khi bại trận. Ông nghĩ rằng đó là thói quen của người Việt vì các quân chủ Trung nguyên trong hoàn cảnh tương tự không làm thế. Người Trung nguyên cũng không có tập quán đặt tên cho thuyền và kiếm.

Dựa vào dấu vết văn hóa-ngôn ngữ còn lưu lại Henry suy đoán rằng tiếng Việt Câu Tiễn thuộc ngữ hệ Austroasiatic, là loại ngôn ngữ của các sắc dân như Việt, Mường, Chrau, Bahnar, Katu, Gua, Hre, Bonan, Brou, Mon, và Campuchia. Ông nhắc lại phát hiện của Jerry Norman và Tsu-lin Mei(2) về 10 từ gốc Austroasiatic trong tiếng Mân Phúc Kiến có quan hệ với tiếng Việt hiện nay. Đáng ghi nhận nhất là lời giải thích của Henry về nội dung các từ Câu Ngô, Câu Tiễn và Ư Việt, những tên gọi quen thuộc nhưng chúng ta chưa bao giờ rõ nghĩa. Tuy nhiên, suy luận của Henry hết sức thuần lý. Dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thêm chứng cứ ngôn ngữ để ủng hộ lập thuyết của ông.

  1. Câu Ngô:

Ngô (吳): căn cứ Thuyết văn Giải tự và lời bình của Từ Khải 徐锴 (920 – 974)(3), Henry cho rằng “Ngô” có thể mang các nghĩa: “phát ngôn viên của Trời”, “tiếng nói từ các vị thần”, “người diễn giải các điềm báo của rùa biển”, “người tuyên bố số phận”….

Câu (句): Tư Mã Trinh(4) khi chú giải sách Thái Sử công qua Sử Ký Tác Ẩn, giải thích rằng “Câu Tiễn” có nghĩa “thảm chấp 菼執” tức “cầm cây lau”. Dựa vào đó, Henry suy ra “câu” có nghĩa “cầm, nắm, giữ trong tay”.

Liên kết lại, “Câu Ngô” mang ý nghĩa “người nắm quyền phát ngôn cho thần thánh”, hoặc “người nắm quyền ra mệnh lệnh”, hoặc “người ban lệnh”. Lúc đầu “Câu Ngô” chỉ là tên tự xưng của Thái Bá,(5) về sau được dùng để trỏ nước Ngô.

– Chúng ta liệt kê một số từ thuộc hệ Austroasiatic có nghĩa “nắm, cầm, vẫy”, tức “câu”, như sau:

Proto Bahnaric: /*kəwəs/ (kơuơs) = vẫy, ra hiệu
Proto Katuic: /*kawəəc/ (kauơơch) = quơ, vẫy
Proto Khasic: /*kəwəʔ/ (kơuơh) = quơ, vẫy      
Temiar (Aslian): /kot/ (kôt) = nhận, lấy
Semai (Aslian): /kɔt/ (kot) = cầm, nắm
Jahai (Aslian): /kɟɔw/ (kyou) = phất lên
Katu [An Diem] (Katuic): /kawah/ (kauah) = vẫy
Pacoh (Katuic): /kavəəjʔ/ (kavơơyh) = vẫy
Khasi (Khasic): /kaweʔ/ (kauêh) = vẫy  

Âm Hán cổ của “Câu 句”: /*koːs/ (kôôs) [Zhengzhang]
Âm Hán trung cổ: /kɨoH/ (kưôh) [Zhengzhang] 

Âm proto Bahnaric, proto Katuic và âm Hán cổ khá giống nhau. Đó có thể là tiền thân của “quơ/huơ/vẫy” trong tiếng Việt hiện đại.

Vài thứ tiếng khác ngữ hệ như Lào, Thái, Miến có cách phát âm từ “cầm, nắm” tương tự:

– Lào: /kok/ (kôk) = cầm
– Thái: /ˈkɔ̀ʔ/ (koh) = cầm
– Miến: /ku?/ (kuh) = nắm, kiểm soát

– Chúng ta liệt kê một số từ thuộc hệ Austroasiatic có nghĩa “ra lệnh/mệnh lệnh”, tức “ngô”, như sau:

Proto Temiar (Aslian): /*ʔɔɔr/ đọc gần như hoor
Proto Monic: /*ʔɔɔr/ (hoor)
Proto Katuic: /*jua/ (yua)
Semai (Aslian): /ʔoɹ/  (hôr) hoặc /ʔɜɹnoʊɹ/ (hernôưr)
Jahai (Aslian): /ʔɔr/ (hor)
Pacoh (Katuic): /jɔa/ (yoa)
Bahnar [Pleiku] (Bahnaric): /wəh/ (uơh)

Âm Hán thượng cổ của “Ngô 吳”: /*ŋʷaː/ (nguaa) [Zhengzhang]
Âm Hán trung cổ: /ŋuo/ (nguô) [Zhengzhang-Shangfang]

Âm này giống âm “hô/hò (reo)” với nghĩa “la to, hét lớn” trong tiếng Việt hiện đại.

Vậy người Hán cổ phát âm “Câu Ngô” như /*koːs//*ŋʷaː/ (kôôs nguaa). Katuic cổ phát âm như /*kawəəc//*jua/ (kauơơch yua), Aslian hiện đại phát âm như /kot//ʔɔr/ (kot hôr). Có lẽ vào thời xa xưa, hai nhóm sắc tộc sau đều hiểu “Câu Ngô” là “Người lãnh đạo”.

  1. Câu Tiễn:

Từ “câu” đã được giải thích ở phần trên, dưới đây, chúng ta chỉ liệt kê những âm thuộc các thứ tiếng Austroasiatic thể hiện nghĩa “lau, sậy” vốn là nội dung của từ “tiễn”.

Proto Mon-Khmer (Biat): /*rt1iiŋ/ (rtiing) = lau, sậy
Proto Mon-Khmer (Chrau): /*rt1iəŋ/ (rtiơng) = lau, sậy

Chrau (Bahnaric): /rətiəŋ/ (rơtiơng) = sậy khổng lồ
Stieng [Biat] (Bahnaric): /trɛːŋ/ (treeng) = lau, sậy

Bahnar (Bahnaric): /traːŋ/ (traang) = lau, sậy
Khasi (Khasic): /kor/ (kôr) = lau, sậy
Nyah Kur (Monic): /ʔɔɔ/ (hoo) = sậy khổng lồ
Khmu (Khmuic): /kjɛ́ːt/ (kyeet) = sậy khổng lồ

“Tiễn” nhiều khả năng được dùng để phiên một từ Nam Á vì âm “lau, sậy” của các ngôn ngữ Kra-Dai hoặc Nam Đảo khác rất xa, như sau:

Lào: /kok ɔ:/ (kôk-oo)
Thái: /ko?/ (kôh)
Shan: /?aaj/ (haay)
Nhận xét: âm chỉ lau sậy của Lào, Thái rất gần âm chỉ lau sậy của Khasi và Nyah Kur.

Indonesian: glagah, teberau…
Javanese: plumping, rayung…
Balinese: belahu, buluh…
Nhận xét: rất khó kết nối âm chỉ lau sậy của các sắc dân hải đảo với âm thượng cổ Trung Hoa.

Âm Hán cổ của “Tiễn 踐”: /*[dz]a[n]ʔ/ ([gi]a[n]h) [BaxterSagart] – /*zlenʔ/ (zlênh) [Zhengzhang].
Âm Hán trung cổ: /dzjenX/ (giyên) [Baxter – Sagart].
Nhận xét: người Trung nguyên không phát âm được “r” nên phiên không sát lắm. Dễ thấy hai kiểu âm này tương tự âm “gianh/tranh” của người Việt và âm “traang/treeng” của người Bahnaric hiện tại.

Tóm lại, có thể giả định tên “Câu Tiễn” của Việt Vương do sử gia Trung nguyên ghi lại là dựa vào âm của dân bản xứ nói tiếng AA: /kəwəs rt1iəŋ/ (kơuơs rtiơng).

Đặc biệt, người Khasi hiện đại gọi “cầm cây lau” là /kaweh kor/ (kauêh kôr) tức “Câu Ngô”.

Eric Henry cũng phát hiện Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ từng dùng bông lau để thay thế các loại cờ nghi vệ, chú bé thường chỉ huy bầy bạn đi khuất phục trẻ con thôn khác. Theo Henry, cầm lau-sậy là biểu tượng hoặc điềm báo về quyền lãnh đạo trong tâm thức người Việt.(6)

  1. Một cách giải thích khác về tên “Câu Ngô”:

Ở phần 1 chúng ta đã biết:

– Lào: /kok/ (kôk) = cầm
– Thái: /kɔ̀ʔ/ (koh) = cầm

Ở phần 2 chúng ta đã biết:

Lào: /kok ɔ:/ (kôk-oo) = lau, sậy
Thái: /ko?/ (kôh) = lau, sậy

Vậy người Lào gọi “Câu Ngô” là (kôk kôk-oo)
Và người Thái gọi “Câu Ngô”là (koh kôh)

Như thế, cũng có khả năng vào thời cổ người nói tiếng Kra-Dai hiểu “Câu Ngô” là “cầm cây lau” giống hệt như người Austroasiatic hiểu từ “Câu Tiễn”.

Trong lòng tiếng nước Sở, mỗi nhà nghiên cứu tìm thấy một dấu vết ngôn ngữ khác nhau. Kết quả tìm kiếm là sự hiện diện đầy đủ của các mảnh vụn ngôn ngữ phi Hoa Hạ: Hmong-Mien, Kra-Dai, Austronesian, Austroasiatic, Tibeto-Burman hoặc các pha trộn của chúng. Điều này thể hiện cơ cấu dân Sở gồm đủ mọi loại tộc người. Nước Việt và Ngô đồng đại có lẽ chẳng khác gì, chỉ khác chỗ nếu hoàng gia Sở nói tiếng Hán Tạng thì hoàng gia Ư Việt và Câu Ngô nói tiếng Nam Á. Nước Điền mạn Vân Nam còn lưu bằng chứng vật chất phơi bày tính hỗn hợp văn hóa-sắc tộc. Nam Việt của Triệu Đà cũng y như thế. Mãi đến thế kỷ VIII-IX, tập hợp dân chúng Nam Chiếu vẫn đa dạng như dân Sở xa xưa. Các vương quốc cổ là hình thức cao hơn của liên minh thành bang hay bộ lạc chứ chưa đạt đến hình thức quốc gia – dân tộc như ngày nay.

Giả thuyết bên trên tuy thiếu vững chắc nhưng vẫn được đưa ra để có một tầm quan sát mở rộng hơn. Nó mong manh vì chúng tôi dùng từ Thái Lào hiện đại, chỉ là một nhánh Kra-Dai, để giải thích âm cổ. Nó yếu vì chưa xác định được hành động “cầm cây lau-sậy” cũng tượng trưng cho việc cầm quyền tiền định trong văn hóa của những tộc người nói loại ngôn ngữ này.

Mặt khác, cũng nên ghé mắt đến một vương quốc cổ khác thuộc khu vực Tây Nam là “Câu Đinh – 句町 – /*koːs//*deːŋʔ/ (kôôs đêêng)”. Theo chúng tôi, “Câu Đinh” /kəwəs rtiiŋ/ (kơuơs rtiing) cũng có nghĩa như “Câu Tiễn”, âm chệch khác chỉ do giọng địa phương mà ra. Hoàng gia “Câu Đinh” thuộc thành phần nói tiếng Austroasiatic mặc dù cư dân có thể là Kra-Dai, Tibeto-Burman hay Hmong-Mien.

  1. Ư Việt:

Việt (越): Theo Henry, chữ “việt” biểu trưng cho cây rìu mũi quặp hoặc cây kích vốn là đặc trưng văn hóa quyền lực của người sử dụng nó.

Ư (於): Căn cứ vào vị trí chữ “ư” trong một số địa danh hoặc nhân danh, Henry đoán rằng “ư” thể hiện ý “sở hữu” hoặc “có”.

Vậy “Ư Việt” chỉ “người sở hữu chiếc rìu quyền lực”.

– Chúng ta liệt kê một số từ thuộc hệ Austroasiatic có nghĩa “có” hay “sở hữu”, tức “Ư”, dưới đây:

Proto Monic: /*gooʔ/ (gôôh) = được, nhận, sở hữu.
Proto Nyah Kur: /*ko̤oʔ/ (kôôh) = được, sở hữu.
Khmu [Cuang] (Khmuic): /?ah/ (hah) = có.
Mang (Mangic): /?e:/ (hêê) = có.
Semai (Aslian): /bʌhaʔ/ (băhah) = làm chủ, sở hữu, giàu có.
Sre (Bahnaric): /geh/ (ghêh) = có, sở hữu.
Stieng [Biat] (Bahnaric): /gɛh/ (ghe) = có, được, sở hữu.
Khasi (Khasic): /jo?/ (yôh) = có, được, nhận.

Âm Hán thượng cổ của “Ư 於”: /*[ʔ]a/ ([h]a) [Baxter-Sagart] – /*qa/ (qa) [Zhengzhang].
Âm Hán trung cổ: /ʔɨʌ/ (hưă) [Zhengzhang]

Chúng ta thấy âm cổ ha/qa của “Ư 於” vẫn thấp thoáng trong các âm Austroasiatic thể hiện ý “có” hay “sở hữu”. Trong nội bộ những ngôn ngữ Mon-Khmer hiện tượng biến đổi giữa các phụ âm g-k-h và các nguyên âm e-a-ư-ô đã xảy ra. Quan sát sự vận động có giới hạn đó ta có thể suy luận rằng âm hiện đại của “ư” trong tiếng Việt chính là âm “có”.

– Dưới đây là bảng liệt kê những âm chỉ “rìu, búa” trong các ngôn ngữ Nam Á, Nam Đảo và Kra-Dai:

Nam Á:
Proto Mon-Khmer (Katuic, Bahnaric): /*cuuŋ/ (chuung)
Proto Bahnaric: /*cu:ŋ/ (chuung)

Proto Katuic: /*cuuŋ/ (chuung), /*ʔaɟat/ (hayat)
Proto Pramic: /*swa:n/ (suaan)
Sedang (Bahnaric): /cuoŋ/ (chuông)
Kui (Katuic): /khuan/ (khuan)
Nyah Kur [Northern] (Monic): /khuən/ (khuơn)
Souei (Katuic): /khuaŋ/ (chuang)
Katu [An Diem] (Katuic): /cɛt/ (chet)
Pacoh (Katuic): /?acat/ (hachat)

Mnong [Rolom] (Bahnaric): /wieh/ (uiêh)
Khmer Surin (Khmeric): /pthaw/ (pthau)
Mlabri (Khmuic): /kwɛk/ (kuek)

Nam Đảo:
Javanese: bedhama, blathok
Indonesia: jipang, kapak, berkapak (có rìu)
Malay: kapak, mengapak (chặt bằng rìu)
Balinese: kapak, chaluk , kandik

Kra-Dai:
Lào: /kʰwăːn/ (khuaan)
Thái: /ˈkʰwǎan/ (khuaan)
Shan: / kwaan/ (kuaan)

Âm Hán thượng cổ của “Việt 越”: /*[ɢ]ʷat/ ([g]uat) [Baxter-Sagart] – /*ɢʷad/ (guad) [Zhengzhang].
Âm Hán trung cổ: /ɦʉɐt̚/ (huat) [Edwin G. Pulleyblank]

Trừ âm /*ʔaɟat/ (hayat) của proto-Katuic, âm /wieh/ (uiêh) của Mnong (Bahnaric) và âm /kwɛk/ (kuek) của Mlabri (Khmuic), tất cả các âm liệt kê bên trên có vẻ không liên quan gì đến âm Hán cổ “guat/guad 越”.

Xét ngôn ngữ Katuic, chúng ta thấy /*cuuŋ/ (chuung) là từ chính yếu để chỉ “rìu, búa” của nhóm. Nó có thể biến dạng một chút để thành /cooŋ/ (chôông) của Ngeq [Kriang], /cuaŋ/ (chuang) của Bru, /cɔaŋ/ (choang) của Ta’Oi [NVL], hoặc /ɟɔːŋ/ (yong) của Katu….Âm cổ /*ʔaɟat/ (hayat) chỉ truyền xuống đến hai sắc tộc Pacoh và Bru với hai từ /?acat/ (hachat) và /?acət/ (hachơt).

Về chi Bahnaric, chúng tôi chỉ phát hiện mỗi từ /wieh/ (uiêh) của người Mnong [Rolom] gần giống từ guad. Để chỉ cái “việt”, cụ Bình Nguyên Lộc từng đưa ra năm âm của Bahnaric là: YÊIK (Núp, Kayong), VÊIK (Stieng), YƠS/VOK (Mạ), VOK (Sedang). Đó là giọng địa phương của các bộ tộc. Họ cũng dùng từ “việt” dù âm chỉ rìu chủ yếu của Bahnaric vẫn là biến dị của /*cu:ŋ/ (chuung).    

Âm cổ chỉ “rìu, búa” của proto Pramic (Khmuic) là /*swa:n/ (suaan), một thể hiện khác của âm /*cuuŋ/ (chuung). Các tộc Phong và Tai Hat hiện đại vẫn dùng /swa:n/ (suann) để chỉ búa rìu. Người Khmu rất đặc biệt, họ sống trải dài qua các nước Lào, Việt, Thái, Miến và cả Trung Hoa nên từ “rìu, búa” của các tộc Khmu đôi khi phảng phất dấu ấn của các sắc tộc khác, như: /muj/ (muy) của tộc Khmu [Yuan] và T’in [Mal](7) nghe từa tựa “búa” của Kinh Việt; /khwaɰ/ (khuang) cũng của T’in [Mal] thoáng giống “khuaan” của Thái; /kwɛk/ (kuek) của người Mlabri(8) lại gợi nhớ âm “guad” của Trung nguyên.

Theo dữ liệu chúng tôi hiện có, “việt” dưới nhiều biến âm khác nhau chỉ tồn tại trong một số bộ tộc thuộc các chi Katuic, Bahnaric và Khmuic. Vậy, tạm thời suy luận rằng “việt” là âm chỉ rìu của vài nhóm Austroasiatic có tiếp xúc với Hoa Hạ, trực hoặc gián tiếp, nó được người phương bắc mượn dùng để chỉ các sắc tộc khác họ từ rất sớm. Trên giáp cốt văn đời Thương đã có từ “Việt”. Tuy nhiên, “Việt” không phổ biến rộng khắp thế giới Austroasiatic và chưa bao giờ được toàn thể các tộc người phi Hoa ở phương nam dùng làm danh tự xưng chung. Trừ ba chi nói trên, các nhóm Austroasiatic còn lại, cũng như các nhóm Kra-Dai hay Nam Đảo lớn, đều không hiểu “Việt/guad/hayat/kwek” nghĩa là gì vì trong kho từ vựng của họ thiếu hẳn từ này. Người Việt ở nước Ư Việt do tiếp xúc trực tiếp, lâu dài với Trung nguyên nên đã tiếp nhận chữ Hán “越 guad” và đặt nó trong hệ thống ngữ pháp của mình để tạo danh xưng “Ư Việt”. Nhìn từ phương nam, Ư Việt thể hiện địa vị thủ lĩnh hơn là thể hiện tên gọi lãnh thổ hay sắc tộc như phương bắc đã hiểu. Dấu vết “việt” khá hiếm hoi trong các nhóm ngôn ngữ AA hiện nay dẫn đến ước đoán rằng đa số các bộ lạc biết dùng âm “việt” đã hòa tan vào cộng đồng Hoa Nam.

  1. Núi Cô Tô (姑蘇):

Chúng tôi không hoài nghi gì khi cho rằng “Cô” trong “Cô Tô” có nghĩa là núi: Cô Tô = Núi tên Tô.

Âm diễn đạt khái niệm “núi” của vài ngôn ngữ Nam Á như sau:

Proto Bahnaric: /*gəw/ (gơu)
Proto Katuic: /*koh/ (kôh)
Proto Palaungic: /*gɔɔŋ/ (goong)
Proto North-Bahnaric: /*gɔ:/ (goo)
Alak (Bahnaric): /gɔ:r/ (goor)
Ong (Katuic): /koh/ (kôh)
Kui (Katuic): /kah/ (kah)
Nyah Kur (Monic): /kur/ (kur)
Katu [Dakkang] (Katuic): /gaar/ (gaar)
Mlabri (Khmuic): /cəkoo/ (chơkôô)

Âm Hán thượng cổ của “Cô 姑”: /*kaː/ (kaa) [Zhengzhang]
Âm Hán trung cổ: /kuo/ (kuo) [Zhengzhang]

Chúng tôi xác định “Cô” vốn có gốc Austroasiatic và dùng để chỉ “núi” khi chứng kiến Wolfgang Behr(9) chứng minh hai từ “cô độc”, vốn thuộc một câu văn trong Việt Tuyệt Thư 越絕書,(10) có nguồn gốc Kra-Dai. Nguyên văn câu ấy như sau:

姑中山者,越銅官之山也,越人謂之“銅姑(沽)瀆”: Cô trung sơn giả, Việt đồng quan chi sơn dã, Việt nhân vị chi “đồng cô (cô) độc”.
Wolfgang Behr dịch sang tiếng Anh: The Middle mountains of Gũ are the mountains of Yuè’s bronze office, the Yuè people call them ‘bronze gũ [gũ] dú’.  Nghĩa là: Những ngọn chính giữa/phía trong của (rặng) núi Cô là những quả núi thuộc cơ quan (quản lý) đồng của nước Việt, người Việt gọi chúng là “đồng cô (cô) độc”.

Behr cho rằng “cô” là phiên âm của “khau/xau” tiếng Kra-Dai và “độc” là phiên âm của “luuk” (loại từ của “khau/xau”). Như vậy “cô độc/khau luuk” có nghĩa đơn thuần: “núi” hay “rặng núi”. Suy ra, “đồng cô độc” là “núi (có quặng) đồng” hoặc “núi (thuộc cơ quan quản lý) đồng”.

Việc sử dụng hai chữ 姑 và 沽 để phiên lại âm “cô” cho thấy biên tập người Hoa Hạ không hiểu nội dung từ “cô” nên chỉ cố gắng ghi lại sao cho chính xác nhất cách phát âm bản địa. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng “cô độc” là phiên bản Việt của “trung sơn”, tức “núi giữa” hay “núi trong” và là Việt Nam Á.

Chúng ta so sánh âm “độc”/*l’oːɡ/ (lôôg) [Zhengzhang] của tiếng Hán cổ và các âm Mon-Khmer thể hiện ý “bên trong” hoặc “ở giữa” dưới đây:

Proto Wa-Lawa (Palaungic): /lɔk/ (lok) = bên trong
Proto Monic: /kruuc/ (kruuch) = phần bên trong
Semelai (Aslian): /kloc/ (klôch) = bên trong
Nyaheun (Bahnaric): /plot/ (plot) = ruột (trái cây)
Tai Loi (Palaungic): /lŏk/ (lôk) = bên trong
Wa [Kawa] (Palaungic): /lōg/ (lôg) = bên trong
Bru [TS] (Katuic): /klɔ?/ (kloh) = phần phía trong

Dễ phát hiện âm cổ như lok hay kruuch đã dẫn đến âm ruột trong tiếng Việt hiện đại.

Như thế, có thể dịch đoạn văn trên như sau: Những ngọn phía trong của (rặng) núi Cô là những quả núi thuộc cơ quan (quản lý) đồng của nước Việt, người Việt gọi chúng là “Núi Trong (có quặng) đồng”.

Do quá tập trung vào tiếng Kra-Dai nên chúng ta có dịp chiêm ngưỡng thiên kiến của Behr qua cách luận bàn một câu khác trong Việt Tuyệt Thư:

[劉賈築吳市西城,名曰‘定錯’城: [Lưu] Giả trúc ngô thị tây thành, danh viết “định thác” thành.
Wolfgang Behr dịch sang tiếng Anh: [Líu] Jiă (king of Jing 荊) built the western wall, it was called dìngcuò [‘settle(d)’ & ‘grindstone’] wall. Nghĩa là: [Lưu] Giả (vua đất Kinh) xây bức tường phía tây, nó được gọi là tường  định thác [‘an định’ & ‘đá mài’].

Behr không đề cập đến “ngô thị” tức thành phố tên Ngô. Có lẽ nên dịch như sau: [Lưu] Giả (vua đất Kinh) xây bức tường về phía tây thành Ngô, nó được gọi là tường “định thác”.

Behr cho rằng âm Hán cổ của “định 定” là /*adeng-s/ và của “thác 錯” là /*atshak/ tương ứng với các âm /diaaN-tseN/ và /tok (tawan-tok)-tuk/ trong một số tiếng Kra-Dai.

Chúng tôi lại nghĩ rằng “định thác” là từ gốc Nam Á và cùng mang nghĩa “tường phía tây”. Âm “tường” trong một số ngôn ngữ Nam Á được liệt kê dưới đây:

Proto Mon-Khmer (Palaungic): /*t2diŋ/ (tđing) = tường
Proto Katuic: /*crdəŋ/ (chrđơng) = tường
Proto Wa-Lawa: /*ntiŋ/ (nting) = tường
Proto Palaungic: /*diiŋ/ (điing) = tường
Wa [Praok] (Palaungic): /diŋ/ (đing) = tường
Chrau (Bahnar): /di:ŋ/ (điing) = tường
Ngeq (Katuic): /hartɛŋ/ (harteng) = tường

Âm “hướng tây” trong ngôn ngữ Nam Á rất đa dạng nên chỉ trích vài âm khá tương đồng để liệt kê dưới đây:

Alak (Bahnaric): /t’arlic/ (tharlich)
T’in [Mal] (Khmuic): /ŋeʔ thəp/ (nghêh thơp)
Palaung (Palaungic): /wan tok/ (uan tôk)

Như vậy, tộc Palaungic xưa có thể gọi tường phía tây (định thác) là “đing uan-tôk”, tộc Bahnaric gọi là “điing tharlich”. 

  1. Núi, Đảo và địa bàn của người nói tiếng Austroasiatic thời thái cổ:

Người nói tiếng Nam Á không chỉ dùng những âm như koh, kôh, kah, kơh để chỉ núi, họ còn dùng chúng để chỉ những khối đất đá nhô cao khỏi mặt nước mà chúng ta thường gọi là đảo

Dưới đây là liệt kê một số âm chỉ “đảo” trong các ngôn ngữ Austroasiatic:

Proto Mon-Khmer (Mon, South Bahnaric): /*tkɔɔ?/ (tkooh)
Proto Mon-Khmer (Khmer, South Bahnaric, Katuic): /*tkɔɔh/ (tkooh)
Môn cổ: /tkɔ?/ (tkoh)
Stieng (Bahnaric): /kə:h/ (kơơh)
Kui (Katuic): /kɔ?/ (koh)
Khmer (Khmeric): /kah//kɔh/ (kah), (koh)
Tin [Thin] (Khmuic): /kɔ?/ (koh)
Mon (Monic): /kɔ?/ (koh)
Nyah Kur (Monic): /kɔ?/ (koh)
Lawa (Palaungic): /kɔ?/ (koh)
Danaw (Palaungic): /kɔn/ (kon)
Riang (Palaungic): /klu:n/ (kluun)
Chong (Pearic): /ka?/ (kah)
Thavung (Vietic): /ko:/ (kôô)

Dân Lào cũng dùng âm ko/koh để chỉ khái niệm “đảo” nhưng rất ít dùng, người Thái thường dùng koh kèm theo một tên đảo nhất định. Các chỉ dấu đó cho biết họ học âm này từ các tộc nói tiếng Mon-Khmer khi di cư xuống phía nam.

Những âm của người Palaungic sống gần đầu nguồn sông Hồng có lẽ gần gũi với âm Kinh Việt nhất. Kon của Danaw, kluun của Riang giống từ cồn côn lôn của chúng ta, vốn được dùng trong các địa danh như Cồn Phụng, Cồn Cỏ, Đảo Côn Lôn… Âm kah có thể chuyển thành cát như Cát Bà, Cát Hải…, thành cái như Cái Chiên, Cái Bầu…Do biến âm dễ dàng giữa k-kh-h nên hòn cũng là phụ phẩm của tkooh cổ đại/kon hiện đại như Hòn Phụ Tử, Hòn Rái… Mặt khác, vùng biển cực nam đầy những đảo (kôh) mang tên Cổ Tron, Cổ Cốt, Cổ Long… Người Trung Hoa đã mượn côn lôn để chỉ rặng núi hùng vĩ phía bắc cao nguyên Tây Tạng đồng thời chỉ quần đảo Đông Nam Á và vùng phụ cận nơi cung cấp cho họ những nô lệ tóc xoăn, da sẫm mệnh danh côn lôn nô. Côn Lôn cũng là tên cửa ải nơi Nùng Trí Cao đại bại trước quân Tống. Tên gọi này luôn mang hương vị ngoại biên đối với người Trung nguyên. Không loại trừ trường hợp từng có những bộ lạc Austroasiatic sinh sống dưới chân rặng Côn Lôn để cho người Hoa Hạ vay danh từ chỉ những điểm cao vượt so với mặt bằng chung quanh. Dấu vết ngôn ngữ Austroasiatic thực tế trải dài từ bắc Tây Tạng, qua lưu vực Trường Giang, xuống đến cực đông nam châu Á.

  1. Laurent Sagart(11) phê phán Norman & Mei:

Năm 2005, với suy xét của một nhà khảo cổ, Bellwood(12) đã đưa ra ý kiến rằng các ngữ hệ Austroasiatic và Hmong-Mien, hoặc với tư cách riêng lẻ, hoặc với tư cách nhóm ngôn ngữ lớn, đã phát triển ra bên ngoài từ một xã hội canh tác lúa gạo ở đồng bằng trung lưu Dương Tử. Ông cho rằng hạt kê được thuần hóa thành món ăn thứ hai của những nông dân trồng lúa gạo thời cổ sơ khi họ phát triển lên phía bắc nơi lúa khó trồng hơn do khí hậu khô hạn hơn.

Từ các chỉ hướng của Bellwood, năm 2008, Laurent Sagart đã đề xuất táo bạo rằng sự phát triển của nghề trồng lúa gạo và kê đuôi chồn là nguồn cội phát sinh ra nhóm ngôn ngữ lớn Sino-Tibetan-Austronesian.

Ông cho rằng cách đây 8.500 năm nhóm người đi từ Trường Giang lên phía bắc đã tạo nên văn hóa Từ Sơn – Bùi Lý Cương (磁山 -裴李崗) chuyên trồng kê đuôi chồn và lúa gạo giống Japonica. Người Từ Sơn – Bùi Lý Cương nói một thứ tiếng có thể gọi là proto Sino-Tibetan-Austronesian (PSTAN). Cơ sở cho lập luận này gồm các di tích khảo cổ về hạt kê từ Tây Tạng qua Hoa Bắc đến Đài Loan, là 12% từ vựng thuộc danh mục Swadesh tương đồng giữa hai ngữ hệ Sino-Tibetan & Austronesian (ST & AN), và dấu vết ngôn ngữ chung thể hiện qua ba từ “kê đuôi chồn”, “cơm” và “gạo”. Ông nhận thấy ba từ “kê, cơm, gạo” trong tiếng Hán-Tạng và Nam Đảo có âm cổ gần như nhau. Cách đây khoảng 7.000 năm, nhóm PSTAN phân ra hai nhánh Đông và Tây, nhánh Tây phát triển thành nhóm ngữ hệ ST, nhánh đông phát triển thành nhóm ngữ hệ AN.

Trước khi phân tích ba từ Sagart xem là có chung cội PSTAN, chúng ta lướt qua lập luận phê phán của ông đối với một vài từ Norman & Mei xếp vào tiếng Nam Á (AA) mà vết tích còn lưu trong các văn bản Hán tự thuộc thế kỷ I-II hoặc trong tiếng Mân hiện đại. Để tập trung hơn vào việc phân giải lý luận của Sagart, dưới đây chỉ bàn chi tiết về hai từ “chết” và “chó”.  

Chết:

Khi chú giải Chu Lễ, Trịnh Huyền (127 – 200)(13) dùng chữ “trát 札” để ghi một âm Việt (Yue). Nguyên văn như sau: “越人謂爲札 Việt nhân vị tử vi trát”, Người Việt gọi chết là trát. Theo Norman & Mei, “trát 札” có âm thượng cổ là /*tsɛt/ (tset), hết sức giống âm proto Mon-Khmer /*kc[ə]t/ (kch[ơ]t). Norman & Mei đã liên hệ 札 với động từ “chết” trong tiếng Việt Nam cùng các từ tương đương trong các thứ tiếng Mường, Chrau, Bahnar… để đi đến kết luận rằng “trát” có nguồn gốc Nam Á. Hơn nữa, Norman & Mei còn chỉ ra cách phát âm khái niệm “chết” rất khác biệt trong các ngôn ngữ thuộc hệ proto Tai, proto Miao và Tibeto-Burman.

Sagart bất đồng với quan điểm trên, ông khẳng định “trát 札” là một từ Trung Hoa được chấp nhận rộng rãi, nó mang nghĩa “chết do tác động bên ngoài”, “chết yểu”, “chết vì bệnh dịch”… điều mà Norman & Mei sơ suất bỏ qua. “Trát” xuất hiện trong kinh sách cổ giữa văn cảnh không liên quan đến người Việt hay phương nam. Ông giả thiết ngược lại rằng người Việt thời Hán có thể đã mượn “trát/chết” từ ngôn ngữ Hoa Hạ. Hoặc hình thức 札 được Trịnh Huyền ghi nhận đã là một từ chính quy của các phương ngữ Trung quốc đương thịnh hành trong vùng đất Việt, sự giống nhau giữa hai từ Hoa-Việt khá chắc chắn chỉ do tình cờ.

Theo thiển ý, “trát” với nghĩa công văn-thư tín gồm bộ mộc để chỉ chất liệu để viết chữ lên trên như thẻ tre-thẻ gỗ, cùng nét ất hướng dẫn cách đọc. “Trát” không xuất hiện trong giáp cốt văn hoặc kim văn vì khi thẻ tre xuất hiện, khoảng thế kỷ XIII TCN, người ta giảm dần nhu cầu viết chữ lên xương hay kim loại.

Theo chân lãnh đạo nước Sở Hùng Dịch, người Trung nguyên xuôi nam để rồi va chạm nhiều với các bộ tộc Man Di. Cuộc chuyển cư khai biên hẳn gây nhiều mất mát cho đội tiên phong. Những kẻ bị cắt ngắn tuổi trời, ngoài lý do xung đột, có lẽ còn vì bệnh tật do bất phục thủy thổ, được dân chúng địa phương xác định là đã “chết”.

Người Hoa Hạ có nhiều từ có nghĩa chính để chỉ “chết” như: tử (chết), hoăng (‘vua, đại thần’ chết), yểu (chết non), tồ (chết), thương (chết non), tuẫn (chết theo người khác), biễu (chết đói), vẫn (chết), cận (chết đói), ế (chết), cương (chết cứng) … nhưng toàn bộ đều không diễn tả ý nghĩa qua đời do tác động trực diện từ bên ngoài. Có thể do vậy, họ đã mượn âm “chết” của dân phương nam để chỉ sự ra đi tức tưởi bởi nguyên nhân tiêu cực, và “trát” là ứng viên phù hợp nhất. Nên để ý “trát” được xây dựng từ bộ mộc (cây, gỗ, cứng đờ), khác với các từ còn lại vốn gắn liền với bộ ngạt (xương tàn).(14) Chính bộ mộc tiết lộ trát ban đầu là thẻ tre có ghi chữ, chưa hàm nghĩa chết, nó chỉ khoác nghĩa mới khi được dùng để ký âm kch[ơ]t của người Nam Á. Không hiện diện trong giáp cốt văn hoặc kim văn chứng tỏ “trát” có tuổi đời khá trẻ, nhiều khả năng nó xuất hiện sau các âm proto Mon-Khmer. Ban đầu, chỉ người sinh sống ở những vùng tiếp xúc với Nam Man mới hiểu từ này, dần dần, nội hàm xa lạ truyền lên phía bắc. Trường hợp “trát 札” cũng giống như trường hợp chữ “tốt 卒” vốn gốc Kra-Dai: âm Lào hiện đại /cot/ (chôt) = chết, Thái /ˈjɔ̀ɔt/ (yoot) = chết. Cấu tạo chữ “tốt” giống chữ “trát” ở điểm thiếu bộ “ngạt”, cũng không có dấu chỉ nào khác hàm ý sự chết. Vì thế có thể suy đoán chúng là chữ giả tá, sản phẩm của thao tác phiên âm.

Trịnh Huyền phải chú giải hai từ hung trác 凶札 vì chúng không được sử dụng rộng rãi theo nghĩa “chết đói” hay “chết dịch”. Theo cảm nhận thông thường, dân Trung nguyên hiểu “hung” là mất mùa, “trát” là công văn thư tín vì hai chữ đều thiếu bộ ngạt. Việc làm của Trịnh Huyền cho thấy cặp đôi không mang nghĩa nguyên thủy nên không phải người Hoa Hạ nào cũng tiếp nhận được tức thì.

Chó:

Sagart phát biểu như sau: “Một từ Nam Việt chỉ chó được ghi lại trong Thuyết Văn, quyển tự điển chữ Hán phát hành vào khoảng năm 100 CN, là 獶獀. Âm của nhị thức này vào thời đó phải từa tựa như ou-sou hoặc ou-ʂou. Chúng có thể là phiên âm từ tiếng ngoại quốc oso hoặc oʂo vì trong ký âm Hán vần /-ou/ thường được dùng để đại diện cho nguyên âm đơn nước ngoài /o/. Song tiết này thực sự gần gũi với âm proto Austronesian (PAN) *asu, *u-asu mang nghĩa “chó” hơn là đơn âm cho của Việt Nam hay clüw của Môn cổ vốn bắt đầu bằng phụ âm vòm (palatal), là hai từ mà Norman & Mei dùng để đối chiếu. So sánh này thực sự ủng hộ quan điểm cho rằng ngôn ngữ Nam Việt từng có-liên-hệ-với-Nam-Đảo, hơn là có-liên-hệ-với-Nam-Á.”

Sagart nói thế vì trước đó Norman & Mei đã theo Karlgren(15) xem âm cổ của 獶獀 là *nôg-siôg. Hai vị hiểu nội hàm chó nằm ở chữ thứ hai 獀 siôg bởi lời giải thích của Thuyết Văn nằm dưới mục từ này, riêng chữ đầu tiên 獶 nôg chỉ như một dạng tiền âm tiết nên chẳng cần bàn đến. Theo hai tác giả, đến thời Thuyết Văn, siôg đã rụng mất g nên 獀 được đọc là siô. Đây chính là một từ Nam Á dùng để chỉ chó như: Việt Nam “chó”, Palaung /shɔ:/ (shoo), Wa /sɔ?/ (soh), Sedang /có/ (cho), Sakai /cho/ (cho), Ju /solok/ (sôlôk), Gtob /guso/ (gusô), Khasi /ksew/ (ksêu), Mon /klü/ (klu), Khmer /chkɛ/ (chke)…

Sagart tuyển chọn âm ou-sou hoặc ou-ʂou vì lý do riêng, chúng giống âm *asu hoặc *u-asu của Nam Đảo hơn so với âm nô-siô sử dụng bởi Norman & Mei.

(Hán Việt: não): Chúng tôi vào zdic.net để kiểm tra cách đọc chữ 獶 thì thấy có ba cách, cách cuối cùng đúng là gần đồng nhất với ghi nhận của Sagart: yōu. Đặc biệt, âm này chỉ áp dụng riêng cho 獶獀.Tuy nhiên, yōu là âm hiện đại.

Sách xưa như Thuyết Văn Giải Tự chú giải bởi Từ Huyễn (916 – 991) hướng dẫn cách đọc 獶 là ‘奴刀切 nô đao thiết’, tức nao, dùng chỉ loài khỉ lớn. Mục 獶 trong Khang Hy tự điển liệt kê phần chú giải của cả Quảng Vận lẫn Tập Vận (thời Tống). Cả hai bộ đều phiên 獶 là ‘於求切 ư cầu thiết’ âm ưu, Quảng Vận đưa nhị thức 獶獀 ra làm ví dụ. Tập Vận còn thêm cách phiên 獶 là ‘奴侯切 nô hầu thiết’ âm nau và lấy một câu văn để làm mẫu: “南越謂犬爲獶獀 Nam Việt vị khuyển vi não sưu”, Nam Việt gọi chó là não sưu.

(Hán Việt: sưu): Thuyết Văn Giải Tự phiên là ‘所鳩切 sở cưu thiết’, tức sưu. Thuyết Văn Giải Tự Chú giữ nguyên phiên thiết của chính văn. Cả hai đều lấy ví dụ bằng câu “南越謂犬爲獶獀 Nam Việt vị khuyển vi não/ưu sưu”, Nam Việt gọi chó là não/ưu sưu. Quảng Vận phiên thiết giống Thuyết Văn và lấy câu “獶獀,南越人名犬 Ưu sưu, Nam Việt nhân danh khuyển”, Ưu sưu, là tên gọi chó của người Nam Việt làm ví dụ. Tập Vận phiên hơi khác là ‘疎鳩切 sơ cưu thiết’, nhưng cũng âm sưu. Như thế cả Norman & Mei và Sagart đọc 獀 gần giống nhau.

Vậy nguyên nhân dẫn đến quan niệm khác nhau giữa Sagart và Norman & Mei nằm ở chữ 獶,chúng ta thấy Sagart chọn Quảng Vận mà bỏ Tập Vận, thậm chí không đếm xỉa đến âm Hán của Thuyết Văn vốn đồng đại với Nam Việt. Mặt khác, trong nhiều ví dụ về âm Mon-Khmer diễn đạt khái niệm chó của Norman & Mei, ông chỉ chọn ra hai âm Việt và Môn vốn bắt đầu bằng phụ âm vòm bật (plosive palatal) /c/ ch đồng thời loại hẳn các âm khác bắt đầu bằng tổ hợp phụ âm /ks/ ks, hoặc bằng phụ âm xát chân răng (fricative alveolar) /s/ s, hoặc bằng phụ âm xát đầu lưỡi vòm cứng (fricative retroflex) /ʂ/ sh vốn gần giống hoặc chính là phụ âm đầu của sưu.

Dưới mắt chúng tôi, Sagart đã phê bình Norman & Mei một cách thiếu sòng phẳng, do đó, thiếu thuyết phục. Chúng tôi tin người dùng âm Hán để tìm nguồn gốc não sưu hơn là người dựa vào phân nửa âm Tống hay thuần âm hiện đại.

Thuyết Văn Giải Tự được soạn bởi Hứa Thận (58 – 147)(16) vào khoảng cuối thế kỷ I đầu thế kỷ II nhưng bản gốc đã thất lạc. Hiện lưu truyền là Đại Từ Bản do Từ Huyễn (916 – 991) hiệu đính vào năm 986. Do đó có thể suy luận tiêu cực rằng âm nao của trong Thuyết Văn chỉ là âm đời Tống. Vậy âm thượng cổ được hình dung thế nào? Baxter-Sagart phục dựng âm chỉ một loài khỉ là /*nˁu/ (nu). Zhengzhang phục dựng âm dùng riêng cho 獶獀/*qu/ (qu). Chuyện tách đôi khỉ chó rõ ràng như thế hiển nhiên là sản phẩm hiện đại vì Tập Vận cho thấy nếu âm ưu chỉ đặc biệt dùng để phiên chữ đầu của ưu sưu thì nao/nau ngoài việc chỉ một giống linh trưởng vẫn được dùng để phiên chữ đầu của não sưu. Tuy nhiên, âm thượng cổ phục dựng bởi Zhengzhang rất thú vị, nó cho phép chúng ta suy diễn cách đọc 獶獀 rất xưa là qusưu/qusou…Nó quá gần tiếng proto Khasic dùng để chỉ chó: /*ksəw/ (ksơu). Hiện nay, người Pnar [Jowai] (Khasic) gọi chó là /ksaw/ (ksau), người Lyngngam [Rongrin] (Khasic) gọi là /ksu:/ (ksuu), người Bahnar [Golar] (Bahnaric) gọi là /kɔ? sɔɔ/ (koh soo), người Wa (Palaungic) gọi là /hso/ (hsô)…Quá trình lười biếng hóa phát âm khiến người Sre (Bahnaric) gọi chó là /so/ (sô), người Chrau (Bahnaric) gọi là /sɔ/ (so), người Phong (Katuic) gọi là /sɔ:/ (soo), người P’uman (Palaungic) gọi là /so?/ (sôh)…. 

Chúng tôi không nghĩ rằng trí thức Trung nguyên xưa đã ghi lại âm chỉ chó của các tộc người vừa liệt kê bên trên. Họ chỉ ghi lại âm của các bộ tộc nói tiếng AA nay không tồn tại nữa. Dấu vết của các sắc dân đó hẳn còn lưu lại trong gen của người Hoa Nam và trong cơ tầng của các phương ngôn hiện hữu tại nam Trường Giang.

:

Không để tâm đến PAA trong quá trình phát triển nông nghiệp từ lưu vực Dương Tử lên hướng bắc, Sagart chỉ so sánh các cặp từ trỏ hai loại kê phổ biến trong tiếng PAN và OC để chứng minh sự tồn tại của đại ngữ hệ PSTAN.

– Về kê đuôi chồn tức kê vàng (Setaria italica), Sagart chọn cặp từ PAN & OC là /*beCeŋ/ (bêchêng) & /*[ts]ək/ (tsơk) (Hán Việt: 稷 tắc) để đối chiếu. Ông đưa ra ví dụ đầy đủ về sự tương ứng phát âm của “C” & “ts”, “e” & “ə”, “ŋ” & “k” giữa hai thứ tiếng để kết luận hai âm phát sinh từ một gốc.

Chúng tôi thấy Sagart hết sức hợp lý nhưng cũng dẫn ra bộ âm AA chỉ để có cái nhìn bao quát hơn.

Proto Mon-Khmer: /*skuəj/ skuơy = kê (vàng ?)

Proto Khmuic: /*snkɔ:j/ snkooy = kê

Proto Palaungic: /*skɔɔj/ skooy = kê

Proto Vietic: /*skɔ:j/ s-kooy = kê vàng

Semai (Aslian): /sʌkɔj/ săkoy = kê, một loại ngũ cốc

Pear [Kompong Thom] (Pearic): /ska:j/ skaay = kê

Thavung (Vietic): /cikɔ:j/ chikooy = kê vàng

Maleng [Bro]: /sakɔːj/ sakooy = kê vàng

Chong [Samray] (Pearic): /cʰŋɔːj/ chngooy = kê

Chong [Western Pear]: /kʰnuəj/ khnuơy = kê

Khmu [Chuang] (Khmuic): /hŋkɔːj/ hngkooy = kê

Chứt [Arem] (Vietic): /ka:j/ kaay = kê vàng


Theo thiển ý, sk/s-k tương đồng với âm Hán thượng cổ /*[ts]ək/ (tsơk). Người nói tiếng OC có lẽ không đặt nặng âm tiết thứ hai nên lấy phần đầu là sk/s-k. Xem xét thật kỹ các âm trong biểu bên trên chúng ta còn thấy bóng dáng của âm PAN /*beCeŋ/ (bêchêng) ở âm tiết đầu của /*snkɔ:j/ (có thể đọc là sâng-) mà biến thể của nó trong tiếng Chong (Pearic) hiện đại là cʰŋ- hoặc kʰn- (châng- hoặc khân-), trong tiếng Khmu hiện đại là hŋk- (hâng-).(17) Việc ước định tuổi cho các âm cổ phục dựng khó chính xác, tuy nhiên, qua các nhận xét vừa nêu, có thể đoán rằng từ chỉ kê vàng của Mon-Khmer vào thời phát minh nông nghiệp phải là một từ song tiết dạng /*snkɔ:j/ (sânkooy) hay /*səkɔ:j/ (sơkooy). Thời đó, từ này còn đúng nghĩa song tiết, hai tiết được phát âm rõ bằng nhau thay vì nhấn mạnh ở âm cuối như hiện nay. Khi dân số tăng, các cộng đồng phải phân tán tìm đất canh tác mới thì người OC & PAN lấy âm đầu là /*sək/ & /*snk/, còn người PMK, đặc biệt nhóm dân trở thành Vietic sau này, lấy âm cuối là /kɔ:j/ để dần dần biến thành “kê”. Như vậy, tiếng proto Mon-Khmer cổ hơn, là điểm tựa cho sự nảy sinh các âm OC và PAN. Nó phù hợp với định tuổi ngôn ngữ của chính Sagart: Autroasiatic xuất hiện cách đây 7000 năm, Sino-Tibetan cách 7000 – 6000 năm, Austronesian cách 5500 năm.

Để diễn đạt nghĩa “kê”, AN còn có âm khác khá phổ biến là /*zawa/ (zaua) được phục dựng bởi Dempwolff vào thập niên 1930s. Một số từ đồng nguyên được Blust,(18) Verheijen(19) và Wolff(20) sưu tập như sau:

Tagalog & Cebuano: /dáwa/ đaua = kê

Toba Batak: /jaba/ yaba = một loại ngũ cốc

Ngadju Dayak: /jawɛ/ yaue = kê

Old Javanese: /jawa/ yaua = ngũ cốc

Malay: /jawa/ yaua = kê, mạch

Palembang: /jawa/ yaua = kê vàng 

Nagé: /zawa/ zaua, /jawa/ yaua = kê vàng

Formosan (Puyuma): /dawa/ đaua = kê vàng


Sagart cho rằng /zawa/ chỉ là giống kê vàng đặc hữu của hai đảo Java & Sumatra nên không thể đại diện xứng đáng cho Setarica italica trong ngôn ngữ proto Austronesian.

Để đánh giá ý kiến của Sagart, chúng ta xem qua vài từ tương đương trong tiếng Mon-Khmer:

Proto Mon-Khmer (Khmer, Katuic, Bahnaric): /d[b]aw/ dbau = kê

Proto Central Bahnaric: /*ʔəɓɔː/ hơbo = bắp, kê

Khmer cổ: /tvau/ tvau = kê

Temiar (Aslian): /ɟawaʔ/ yauah = kê

Jeh [Yeh] (Bahnaric): /təwaw/ tơuau = một loại kê

Tarieng [Kasseng] (Bahnaric): /ʔəbaw/ hơbau = một loại kê

Khmer: /thpɤ̀u/ thpưu = kê

Stieng (Bahnaric): /bɔu/ bou = kê


Với phụ âm đa dạng ở vị trí đầu âm tiết cuối như b, ɓ, v, p kèm các nguyên âm đôi au, ɤ̀u thì khó thể nói chúng có liên quan gì đến đảo Java. Như thế, /zawa/ cũng như /beCeŋ/ đều là âm proto Austronesian chính thức chỉ kê vàng. Đối xứng với chúng là /d[b]aw/ và /skuəj/ của proto Austroasiatic.

– Về kê châu Âu tức kê trắng (Panicum miliaceum), Sagart chọn cặp từ PAN & OC là /*baCaR/ (bachar) & /*[ts]arʔ-s/ (tsarh-s) (Hán Việt: 穄 tế) để đối chiếu. Tuy nhiên, ông dẫn giải khá nhiêu khê về âm Hán cổ này.

Chúng tôi chưa tìm thấy từ proto Mon-Khmer nào tương ứng với /*baCaR/. Có thể địa bàn mới với khí hậu nhiệt đới khiến nhóm di cư từ sớm, cách đây khoảng 4000 năm, phải từ bỏ việc canh tác kê trắng và dần lãng quên tên gọi. Cần chú ý rằng âm /*baCaR/ do Tsuchida(21) phục dựng (1976) dựa trên ngôn ngữ Formosa (Đài Loan), nơi khí hậu dịu hơn khí hậu vùng Đông Nam Á. Âm /*baCaR/ khi xuống miền dưới thường mang nghĩa khác như cao lương, bắp hoặc chỉ chung chung.

Hai từ liên quan đến nghề trồng lúa:

– Cơm: Sagart chọn cặp từ PAN & OC là /*Semay/ (sêmay) & /*aCə-mijʔ/ (chơ-miyh) (Hán Việt: 米 mễ) để đối chiếu. Ông hiểu rõ /*Semay/ có nghĩa “cơm, thức ăn nấu chín” và /*aCə-mijʔ/ có nghĩa “gạo”.

– Gạo: Sagart chọn cặp từ PAN & OC là /*beRas/ (bêras) & /*bmə-rat-s/ (mơ-rat-s) (Hán Việt: 糲 lệ) để đối chiếu. Ông cho rằng cả hai đều có nghĩa “gạo” dù thực tế “糲 lệ” là “gạo chưa giã hết cám, tức gạo lứt/lức”.

Trong cả hai trường hợp, Sagart đều vận dụng thêm từ ngữ thuộc các nhóm ngôn ngữ ST khác như Bodo-Garo /*mey/ (mêy) = lúa, Karen /may/ (may) = cơm, rGyalrong /sməy/ (smơy) = ngũ cốc và WT /m-ras/ (m-ras) = gạo, Lushai /ra?/ (rah) = trái, kết trái để hỗ trợ lập luận của mình. Ông nói:

“Các so sánh bên trên gợi ý rằng người nói tiếng PSTAN không chỉ quen thuộc với kê vàng mà còn với gạo. Điểm này khiến ý nghĩa của đẳng thức Từ Sơn – Bùi Lý Cương = PSTAN gia tăng tính khả tín, đồng thời củng cố trường hợp bành trướng dựa vào canh tác lúa gạo và kê vàng của nhóm STAN. Giả định về hai quá trình chuyển tiếp riêng biệt của ngữ hệ AA và đại ngữ hệ STAN sẽ giải thích thỏa đáng cho sự vắng mặt, ghi nhận trong Sagart (2003), của những từ vựng nông nghiệp được chia xẻ giữa hai nhóm ngôn ngữ.”

Chúng tôi lại thấy bất kỳ từ nào Sagart đưa ra trong hai ví dụ trên cũng đều có đối ứng trong ngôn ngữ Austroasiatic.

– /*Semay/: “Cơm, gạo nấu chín” trong tiếng proto Mon-Khmer [A] là /*paaj/ (paay); tiếng Alak (Bahnaric) = /pa:j/ (paay); tiếng Khmer (Khmeric) = /ba:j/ (bay); tiếng Phong (Khmuic) = /pa:/ (paa); tiếng Ngeq (Katuic) = /paaj/ (paay); tiếng Danaw (Palaungic) = /bɤ/ (bư)…

– /*beRas/: Trong tiếng Cua (Bahnaric) /bara:k/ (baraak) = lúa chưa chín, /balah/ (balah) = gạo tấm; tiếng Katu [Phuong] /harɑː/ (haraa) = lúa; tiếng Bahnar [Golar] /bəlah/ (bơlah) = cơm lam/cơm lá chuối; tiếng Mnong [Rolom] (Bahnaric) /pra:k/ (praak) = phơi gạo ra nắng; tiếng Sre [Koho] (Bahnaric) /?alak/ (halak) = rượu gạo; tiếng Ngeq [Chatong] (Katuic) /haraak/ (haraak) = nước gạo (dùng gội đầu); tiếng Pacoh (Katuic) /?alak/ (halak) = cám, tấm, bột (gạo); tiếng Bru [TS] (Katuic) /ʔasʌʔ/ (hasăh) = gạo; tiếng Khmer (Khmeric) /srət/ (srơt) = chà gạo…

Nếu nhìn /*beRas/ và /*bmə-rat-s/ qua âm proto Mon-Khmer /*rk[aw]?/, ta lại thấy âm PAN và OC tương hợp với tổ hợp phụ âm đầu của /*rk[aw]?/ giống hệt trường hợp của /*beCeŋ/ với /*snkɔ:j/ và /*[ts]ək/ với /*skuəj/. Có lẽ thời viễn cổ tiền nhân của AA đã từng phát âm /*rk[aw]?/ theo kiểu song tiết như /rəko:/ (rơkôô) [Chứt] hay /rʌkoq/ (răkôq) [Lawa]. Người nói PAN và OC lấy âm tiết đầu /rək/ (rơk) hay /rʌk/ (răk) để có /*beRas/ và /*bmə-rat-s/, người PAA lấy âm tiết cuối kau/kô để về sau có từ “gạo”, và kỳ lạ thay, họ đồng thời dùng luôn âm tiết đầu “lức/lứt” (rak/rək). “Lức gạo” chính là âm hiện đại của /*rk[aw]?/.  

Đối chiếu về các âm liên quan đến gạo ở trên thuộc bài viết “Sự bành trướng của nông dân trồng Setaria ở Đông Á: một mô hình ngôn ngữ và khảo cổ” phát hành năm 2008. Riêng về cây lúa, Sagart trong chuyên luận “Những từ chỉ kê trong tiếng Nam Đảo và Trung Hoa” năm 2017 phát biểu thận trọng như sau:

“Trong tài liệu này chúng tôi chủ tâm bỏ qua vai trò của gạo trong giai đoạn bành trướng thời đá mới dẫn đến (sự hình thành) ngữ hệ Austronesian. Mặc dù gạo luôn hiện diện cùng với kê tại các di chỉ đá mới thuộc đông bắc Trung Hoa và Đài Loan, các danh xưng (dính dáng đến) cây lúa trong tiếng Hán-Tạng và Nam Đảo cho đến nay chưa thể hiện mối liên hệ. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này vào dịp khác.”

Vấn đề của Sagart nằm ở chỗ ông xem nhẹ tương quan giữa đại ngữ hệ STAN và ngữ hệ AA. Dưới mắt chúng tôi, quan niệm đó cũng ngây thơ như đặc tính ông phát hiện từ công trình của các nhà nghiên cứu Trung quốc. Qua lời mở cho tiểu mục “Việt là proto-Tai: Zhengzhang” nằm ngay trong bài viết năm 2008 mà chúng ta đang thảo luận, Sagart phát biểu:

“Học giả tại Trung Hoa thường tự động quy tiếng Yuè (Việt) về một hình thức sơ khai của ngôn ngữ Tai-Kadai. Tuy nhiên, hạt nhân địa lý của Tai-Kadai, vốn tại Hải Nam và vùng biên giới Trung – Việt hiện nay, vượt quá cực phía nam của Việt giới, vì thế quan niệm đó còn xa lắm mới đạt đến sự thật hiển nhiên.”

Nhận xét “tàn nhẫn” của nhà ngôn ngữ học tài danh Sagart khêu gợi tò mò. Chúng tôi tìm thấy bài viết ngắn của học giả người Hoa Zheng Rongbin,(22) Đại học tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ thể hiện quan niệm này theo cách rất hồn nhiên. Bài viết có phần dính dáng đến Norman & Mei và dân Việt xưa ở Phúc Kiến nên chúng tôi xin được bình luận vài dòng dưới đây.

  1. Zheng Rongbin và phương ngôn Mân Trung Tiên:

Trong bài viết “Phương ngôn Mân Trung Tiên (中仙): Một Nghiên cứu sơ bộ về sự Tiếp xúc và Hình thành Cơ tầng Ngôn ngữ” Zheng Rongbin nhắc đến Norman & Mei như sau:

“Norman & Mei (1976) đề xuất rằng ngôn ngữ của người Việt cổ thuộc ngữ hệ Austroasiatic, đặc biệt liên hệ mật thiết với tiếng Việt Nam. Giả định tiếng Mân Việt có cùng nguồn gốc với các thứ tiếng Việt khác, họ tiếp cận vấn đề bằng cách khám phá những từ thông tục tương ứng với các từ Việt Nam. Một trong những từ Norman & Mei đã trích dẫn được ghi bên dưới, mục 1a. Trong phương ngôn Trung Tiên (Mân), từ diễn tả “ướt, ẩm” được phát âm là [taŋ], thể hiện ở mục 1b. Ở đây, sự đồng nghĩa là hiển nhiên.

(1) a. “ướt, ẩm” *dəm trong tiếng Proto-Mân [dam/đẫm-đằm] trong tiếng Việt
      b. “ướt, ẩm” [taŋ] trong tiếng Trung Tiên (Mân)

Tuy nhiên, các học giả khác, dù cũng dựa vào từ vựng, lại có góc nhìn khác. Đặc biệt, họ nỗ lực tìm kiếm những từ thông tục có thể chưa được ký âm bằng chữ nhưng có những đồng nguyên trong ngôn ngữ Tráng Đồng vốn được xem là hậu duệ của ngôn ngữ cổ Việt. Kết quả rất thuận lợi. Nhiều đồng nguyên được phát hiện. Bên dưới là vài ví dụ đưa ra bởi Li Rulong(23) (2005):”

Zheng sau đó trích dẫn một biểu liệt kê được đánh thứ tự từ 2a đến 2e gồm năm âm Mân: bú/hút (to suck), ẩn/dấu (to hide), rơi/rụng (to fall off), chân/cẳng (foot), ngu/ngông (stupid) kèm theo đồng nguyên từ các thứ ngôn ngữ Tráng-Đồng. Để dễ nhận xét về tương quan của tiếng Mân với nhóm tiếng Nam Á, chúng tôi kèm thêm các âm Mon-Khmer đồng nghĩa vào biểu kê của Li Rulong.

(2) a. Bú/hút
      Các phương ngôn Mân:   Trung Tiên sɔ   Phúc Châu sɔ?   Hạ Môn su?
      Đồng ngữ: sot
      Thái (泰)ngữ: su:t
      Các âm Mon-Khmer:
      Semnam (Aslian): /so:?/ (sôôh)   
     
Semaq Beri (Aslian): /sɔ̃k/ (sok)
      
Kui (Katuic): /dʑɔʔ/ (choh)
      
Khmu [Chuang] (Khmuic): /ksok/ (ksôk)
      
Mon (Monic): /sot/ (sôt)
       b. Trốn/che dấu

       Các phương ngôn Mân:   Trung Tiên me
       Thái (泰) ngữ:   Nguyên Dương mɛp

      Các âm Mon-Khmer:
      Kui (Katuic): /sbɛːɁ/ (sbeeh)
      Khmer Surin (Khmeric): /sbɛːɁ/ (sbeeh)
      Khmu [Yunan_PungSoa] (Khmuic): /pe:p/ (pêêp)
      Nyah Kur (Monic): /mɛ̀ɛp/ (meep)
       c. Rơi/rụng
       Các phương ngôn Mân:   Trung Tiên lɐʔ   Hạ Môn lut
       Tráng ngữ:   Long Châu lu:t
       Thái (泰) ngữ: Tây Song Bản Nạp lut
       Các âm Mon-Khmer:
       Sre (Bahnaric): /pluc/ (pluch)
      
Pacok (Katuic): /lok/ (lôk)
      
Khasi (Khasic): /bloc/ (blôch)
      
Khmer (Khmeric): /ruh/ (ruh)
      
Mlabri (Khmuic): /pluut/ (pluut)
      
Nyah Kur [Northern] (Monic): /lɯ̀ç/ (lưsh)

       d. Chân/cẳng
       Các phương ngôn Mân:   Trung Tiên kha   Hạ Môn lut
       Tráng ngữ: ka, kha
       Các âm Mon-Khmer:        
       Khasi (Khasic): /kjat/ (kyat)
       U (Palaungic): /kíɑ̃/ (kia)
       Mường [Hòa Bình] (Vietic): /kaŋ/ (kang)
       e. Ngu/ngông/ngố
       Các phương ngôn Mân:   Trung Tiên ŋoŋ   Hạ Môn goŋ
      Thái (傣) ngữ: ŋoŋ
      Lê ngữ: ŋaŋ
       Các âm Mon-Khmer:
       Proto Mon-Khmer (South Bahnaric, Viet-Muong): /*[t1]ŋul/ (tngul)
       Proto Palaungic: /*ŋəl/ (ngơl)       
       Tampuan (Bahnaric): /ŋɔl/ (ngol)
       Kui (Katuic): /ŋo:/ (ngôô)
       Khmer (Khmeric): /lŋʊəŋ/ (lnguơng)
      Nyah Kur (Monic): /ŋòo/ (ngôô)

Chúng ta thấy bất cứ âm nào do Li Rulong đưa ra cũng đều có tương ứng trong một số tiếng AA. Cho nên, nếu Norman & Mei có nhầm lẫn thì chỉ nhầm lẫn khi tìm kiếm cơ tầng Vietic cho tiếng Mân. Theo chúng tôi, Mân ngữ có cơ tầng là một thứ tiếng Nam Á, nhưng đó không phải là một trong các thứ tiếng vừa được mang ra đối chiếu bên trên. Đó là loại ngôn ngữ Nam Á khác, có nhiều điểm chung với nhánh Mon-Khmer, từng phồn thịnh trên đất Ngô Việt nhưng hiện nay đã tuyệt tích.

Xem cư dân Hoa Nam đương nhiên nói tiếng Kra-Dai là nếp nghĩ rất sâu của các học giả Trung Hoa hiện đại. Trong một nghiên cứu về gen (2015) của nhóm Xiaoming Zhang, các tác giả cho rằng: “Phân tích của chúng tôi cho thấy dòng O2a1-M95 khởi nguyên từ phần phía nam Đông Á giữa các nhóm dân cư nói tiếng Daic cách đây khoảng 20 đến 40 ngàn năm, theo sau là sự phát tán về hướng nam đến trung tâm Đông Nam Á lục địa cách đây khoảng 16 ngàn năm, tiếp đó là sự di cư về hướng tây đến Ấn Độ cách đây khoảng 10 ngàn năm.”

Đề cập đến “Daic-speaking populations” (các nhóm dân cư nói tiếng Daic) tồn tại cách đây từ 20 đến 40 ngàn năm sẽ gây bối rối cho các nhà ngữ học lẫn nhân học.

  1. Quê hương của ngữ hệ Nam Á:

Vào năm 2016, Chamberlain(24) đã viết như sau:

“Tôi không thấy chứng cứ thuyết phục nào về sự hiện diện của Austroasiatic tại Hoa Nam và vùng đất xưa được biết dưới tên Giao Chỉ, ngoại trừ một sự tràn lấn nhỏ về phía bắc của các nhánh Palaungic, Pakanic, Pramic và Khmu để thâm nhập vào Vân Nam cùng các khu vực biên giới Quảng Tây. Giả thuyết Norman & Mei, vốn khẳng định vùng dọc theo trung lưu sông Dương Tử là nơi nhau rún của Austroasiatic, đã bị bác bỏ phần lớn bởi hầu hết các nhóm nghiên cứu, và không còn chỗ dựa vào số đông những chuyên gia về Austroasiatic”. 

Sang năm 2018, Chamberlain có vẻ như trách móc học giới Việt Nam:

“Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều học giả trực tiếp hay gián tiếp theo lối mòn học thuật Marxist đã làm ngơ hoặc bỏ quá sự đa dạng ngôn ngữ (nguyên sơ) ở xa về phía nam để kết hợp người Việt Nam với văn hóa đồ đồng của Phùng Nguyên, Đông Sơn và nước Văn Lang bán huyền thoại, hàm ý người Việt Nam là di duệ của “các nền văn minh cao” tại châu thổ sông Hồng chứ không phải của các nhóm săn bắt – hái lượm khiêm tốn trong rừng mưa xứ An Nam. Tuy nhiên, như trình bày ở đây, từ vựng phong phú về động vật của các nhóm Kri-Mol ở phương nam mâu thuẫn với tường trình văn minh thời đại đồ đồng và đặt proto-Kri-Mol vừa vặn vào những cánh rừng luôn xanh biếc của Cao nguyên Nakai vào thời điểm chưa có nền nông nghiệp, chưa có súc vật được thuần hóa trừ mỗi chó.”  

Chamberlain đầy tâm trạng vì càng ngày càng ít người đồng điệu.

Năm 2009, Paul Sidwell(25) đưa ra giả thuyết về quê hương của ngôn ngữ AA. Ông viết:

“Vì số lượng lớn nhất các chi AA được sử dụng trên trục đông nam – tây bắc theo dòng chảy chính của sông Mekong, nên sẽ hợp lý nếu đề xuất rằng các thứ tiếng AA phát tán dọc theo và tỏa ra từ trục đó. Tạm thời gọi lập luận này là Giả thiết Triền sông Trung tâm của ngôn ngữ Austroasiatic.

“Ba lĩnh vực khảo chứng độc lập –  hình thái, âm vị, từ vựng – đã không cung cấp được chỉ dấu dứt khoát về các nhóm con lồng nhau trong các nhánh AA, trong khi đó, dữ liệu từ vựng lại mạnh mẽ gợi ý rằng có một vùng tiếp xúc tập trung ở hai chi Katuic và Bahnaric. Cho đến khi có chỉ dấu mới, giả thuyết hợp lý nhất vẫn là một sự lan tỏa giản đơn ra khỏi vùng châu thổ Mekong.”

Ilia Peiros(26) (2011) không đồng ý với lập luận của Sidwell, ông viết bài phản biện giàu chứng cứ, nhấn mạnh kết luận tại đoạn mở và đoạn kết như sau:

“…Bài viết này kết luận rằng phức hợp tổng thể của dữ liệu đang có đa phần mâu thuẫn với lý thuyết của Sidwell hơn là xác nhận nó, bởi vậy không nhất thiết phải từ bỏ giả thuyết cũ về quê hương châu thổ trung lưu Dương Tử của Austro-Asiatic (Peiros & Shnirelman(27)), cũng không đủ chứng cứ cho việc sắp xếp lại những mô hình phân loại nội bộ ngôn ngữ Austro-Asiatic được đưa ra trước đây (Diffloth(28); Peiros) nhằm thích hợp với suy đoán “triền sông trung tâm.”

“Nếu gợi ý của tôi về quê hương của Sino-Tibetan nằm đâu đó trong vùng Hạ-Himalaya [Peiros 1998] là đúng, thì cội rễ của AA phải ở gần bên. Có thể thấy tất cả chứng cứ đã được thảo luận đều ủng hộ đề xuất rằng quê gốc của AA phải ở một nơi không xa châu thổ trung lưu Dương Tử, khá chắc chắn là vùng sơn cước cận kề thuộc tỉnh Tứ Xuyên như đề nghị bởi Peiros và Shnirelman vào năm 1998.”

Cũng năm 2011, Paul Sidwell và Roger Blench(29) thận trọng hơn khi xác định đất gốc của ngữ hệ Austroasiatic. Hai vị không dứt khoát xem lưu vực Mekong là đất tổ nữa mà giả thiết ít nhất đó là địa bàn tạo sinh một giai đoạn phát triển quan trọng của ngữ hệ này:

“Giả thuyết Triền sông Đông nam đề xuất ở đây xem đất tổ của Austroasiatic, hoặc ít nhất là nơi diễn ra giai đoạn cơ bản trong quá trình bành trướng của nó, là khu vực dọc theo sông Mekong. Phần nào đó, đây là quan điểm ‘tâm trọng lực’, cho phép các nhóm Austroasiatic khác nhau vững chân trên các quê hương thứ hai khác nhau bởi một loạt dịch chuyển căn bản tối thiểu, những dịch chuyển đặc trưng bởi khoảng cách ngắn và phương hướng hợp lý. Phần khác, giả thuyết cũng ngụ ý chuyển biến quan trọng trong quan niệm của chúng tôi về những đối sách sinh tồn của người nói tiếng Austroasiatic xưa. Có vẻ hợp lý khi giả định rằng họ trụ lại dọc theo triền sông và chủ yếu kiếm sống bằng câu lưới-hái lượm.”

Năm 2013, Sidwell công khai chấp nhận việc chưa thể xác định Austroasiatic thời nguyên sơ phát tán từ đâu:

“Những ngữ hệ chính của Đông Nam Á lục địa với lịch sử bành trướng có thể phục dựng được từ thời điểm cách đây năm ngàn năm, khởi đầu bằng sự lan tỏa của các ngôn ngữ Austroasiatic từ một địa điểm gốc vốn còn nhiều tranh cãi.”

Năm 2015, dựa vào kết quả nghiên cứu mới về ngôn ngữ và khảo cổ, Sidwell dịch đất tổ Austroasiatic lên địa bàn Lĩnh Nam. Theo ông, thoạt kỳ thủy, từ ngoại vi phía tây vùng thượng nguồn Châu Giang, Austroasiatic phân tán bằng hai cách: hoặc men theo bờ biển để xuống vùng duyên hải Việt Nam, hoặc xuôi dòng Mekong qua ngõ Vân Nam. Năm ngàn năm trước, trên vùng Đông Nam Á lục địa, các bộ phận AA bắt đầu chia tách và dần định hình thành các nhóm chính như ngày nay vào thời điểm cách đây khoảng bốn ngàn năm.

Năm 2021, trong tiểu luận “Các ngữ hệ vùng Đông Nam Á” phần Austroasiatic, Laurant Sagart đã lướt qua các ý kiến của Witzel(30) (1999, cho rằng Austroasiatic đã hiện diện tại đông bắc Ấn Độ vào thời tiền Indo-Aryan), Norman & Mei (1976, cho rằng AA từng có mặt ở trung lưu Dương Tử và Hoa Nam), Peiros & Shnirelman (1998, cho rằng nguồn cội AA nằm gần quê quán của ST), Diffloth (2005, cho rằng AA phát tích từ vùng Miến Điện/Bengal), Sidwell & Blench (2011, cho rằng AA bành trướng từ lưu vực Mekong). Sau cùng, ông kết luận: “Các tình huống xoay quanh sự hình thành của Austroasiatic cần thêm thời gian để làm sáng tỏ.”

Dù từng say sưa trong ý tưởng của mình, nhưng cả Sidwell lẫn Sagart đều tỉnh táo trước tính tương đối của các giả thuyết về ngôn ngữ.

Theo suy đoán của chúng tôi, Urheimat của AA chính là vùng đất thuộc các nước Sở, Ngô, Việt xưa. Khi người Hoa Hạ nắm quyền tại Sở, quý tộc AA dồn về Ngô Việt. Nhóm này bị bào mòn qua những cuộc tranh bá đồ vương thời Chiến Quốc. Khi Việt diệt Ngô (473 TCN), một lớp tinh hoa bị xóa sổ. Khi Sở diệt Việt (306 TCN), phần tinh hoa còn lại cũng rã tan. Làn sóng nhập cư mãnh liệt từ Sở rồi Tần sau đó đã nhanh chóng xóa sạch vết tích của một trung tâm ngôn ngữ đa dạng. Nhóm quý tộc chiến binh Ngô Việt ít ỏi thoát được về nam dần chìm khuất trong cộng đồng nói tiếng proto Tai hoặc proto Astronesian đang có mặt với số lượng hơn nhiều. Như vậy, với lịch sử sâu thẳm của mình, AA từng có hai tâm phát tán. Một tại lưu vực Trường Giang, một tại lưu vực Mekong. Thời điểm lan tỏa thứ nhất đánh dấu chuyển mình của con người từ thời đại đồ đá cũ sang đồ đá mới, thời điểm lan tỏa thứ hai đánh dấu vận động từ thời đại đồ đá mới sang thời đại đồ đồng. Lưu vực Mekong chỉ là “secondary Urheimat”.

Hai tiểu quốc Mân và Câu Đinh đã ghi lại nỗ lực cuối cùng của người nói tiếng Austroasiatic tại Hoa Nam. Khi Mân & Câu Đinh sụp đổ thì vùng ven biển Đông Dương trở thành nơi dung thân sau cùng của những kẻ thất quốc tha bang. Họ nhanh chóng hòa tan vào cộng đồng AA tại chỗ là những nhóm có văn hóa-ngôn ngữ không cách biệt lắm đối với người mới đến.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ngờ rằng giống dân cường mãnh đó đã bùng lên lần nữa (thế kỷ II SCN) dưới quyền thủ lĩnh Lâm Ấp Khu Liên [連, âm Hán trung cổ /kʰio//liɛn/ (khiô lien)]. Khu Liên là giọng Nhật Nam dành cho tước hiệu Câu Tiễn hay Câu Đinh vì người AA không chỉ gọi “lau, sậy” là /rtiəŋ/ (rtiơng) mà còn gọi theo kiểu đảo ngược tổ hợp phụ âm đầu từ “rt” sang “tr” để thành /trɛ:ŋ/ (treeng). Qua thẩm âm của các nhà nho phương bắc vốn khuyết âm “r” thì /liɛn/ có vẻ phù hợp nhất. Người Laven (chi Bahnaric) hiện nay dùng từ /krieŋ/ (kriêng) để chỉ thầy cúng hay lãnh đạo của họ. Theo thiển ý, “kriêng” là cách đọc nhanh tên Khu Liên. Về địa danh, con sông mà tướng nhà Tùy Lưu Phương phải vượt qua để tấn công Phạm Chí (năm 605) được Tùy Thư ghi lại dưới tên “Đồ Lê”, đó chính là phiên âm một từ Katuic /təlèe/ (tơlêê) mang nghĩa “sông lớn”. Danh hiệu thủ lĩnh và danh từ chỉ sông đều mang âm hưởng AA nên Lâm Ấp khó có thể là một vương quốc thuần Chamic.

Dĩ nhiên giả thuyết này cũng tương đối, nó chỉ bớt tương đối nếu xuất hiện thêm kết quả khảo cổ hay khảo sát gen phù hợp.     

  1. Một cách cắt nghĩa tên người Tây Thi, tên kiếm Can Tương – Mạc Da:

Ba tên gọi trên đều là phiên âm và mang nghĩa nhất định trong tiếng Austroasiatic.

Tây Thi 西施:  
Âm Hán thượng cổ: /*sɯːl//*hljal/ (sưưl hlyal) [Zhengzhang]
Âm Hán Trung cổ: /sei//ɕie/ (sêi shiê) [Li Rong]
Sedang (Bahnaric): /tərɛ̰j/ (tơrey) = đẹp
Pacoh (Katuic): /tar ʄar/ (tár dyár) = rất đẹp
Ngeq (Katuic): /tʌh cʌh/ (tăh chăh) = đẹp

Can Tương – Mạc Da là tên cặp vợ chồng thợ rèn người nước Ngô đời Xuân Thu. Hai vị nhận lệnh Ngô vương Hạp Lư chế tạo gươm quý. Sản phẩm làm ra gồm một hùng kiếm mang tên người chồng, một thư kiếm mang tên người vợ. Câu chuyện chỉ mang tính biểu trưng, thực ra tên gọi đôi kiếm ý nghĩa rất mộc mạc. Chúng tôi cho rằng “can” là loại từ có nghĩa như “con”, “tương” có nghĩa “dao/kiếm”. Mạc Da nghĩa đơn thuần là “dao lớn”.

Can Tương 干將:
Âm Hán thượng cổ: /*kaːn//*ʔsaŋ/ (kaan hsang) [Zhengzhang]
Âm Hán trung cổ: /kan//tsiaŋ/ (kan tsiang) [Li Rong]
Proto Mon-Khmer (Mon, North Bahnaric): /*sɟaŋ/ (syang) = kiếm
Proto Bahnaric: /*caŋ/ (chang) = kiếm, dao
Mon (Monic): /seaŋ/ (sêang) = kiếm
Sedang (Bahnaric): /caŋ/ (chang) = kiếm
Bahnar (Bahnaric): /saŋ/ (sang) = kiếm cong (nhỏ)

Mạc Da 莫邪:
Âm Hán thượng cổ: /*maːɡ//*ljaː/ (maag lyaa) [Zhengzhang]
Âm Hán trung cổ: /mɑk̚//zia/ (mak zia) [Li Rong]
Proto West Bahnaric: /*bra:/ (braa) = dao lớn
Proto Katuic: /*braa/ (braa) = dao lớn
Proto Pramic: /*bra:/ (braa) = dao lớn
Mon (Monic): /parea?/ (parêah) = dao lớn
Alak (Bahnaric): /bra:/ (braa) = dao lớn
Tarieng (Bahnaric): /pra:/ (praa) = dao lớn

Hình bóng cặp đôi Can Tương-Mạc Da còn phảng phất qua bộ Katana-Wakizashi của Nhật Bản.

Cách giải thích như trên dễ dàng nhất, vì chúng tôi, bắt chước phương pháp của Laurant Sagart và Zheng Rongbin, đặt AA ở vị trí trung tâm đồng thời loại bỏ hẳn AN & TK.

Bức tranh tổng thể thực ra rắc rối hơn nhiều vì “kiếm” được người Mã Lai gọi là “pêđang”, người Lào gọi là “đaang”. Để luận về nét tương đồng như thế ít nhất cần một bài viết khác hay một quyển sách khác. Chúng tôi không phủ nhận những yếu tố proto Tai hay proto Austronesian trong tiếng Ngô Việt vì ở hai vương quốc này tuy hoàng gia dùng tiếng PAA hay AA (thể hiện qua danh hiệu lãnh đạo và các khí vật tượng trưng quyền lực) nhưng dân chúng, gồm cả quý tộc bộ lạc, vẫn có thể thuộc các nhóm người về sau trở thành các cộng đồng nói tiếng Kra-Dai hay Nam Đảo. 


Chú thích:

(1) Eric Henry: Giáo sư Đại học North Carolina, Hoa Kỳ. Ông có duyên nợ với truyện Kiều và Việt Nam.
(2) Norman & Mei: Jerry Lee Norman (1936 – 2012) là nhà ngôn ngữ học, Hán học người Mỹ, từng giảng dạy tại Đại học Washington. Tsu-Lin Mei là Giáo sư Danh dự về Ngữ Văn Trung Hoa, Đại học Cornell, Hoa Kỳ.
(3)
Từ Khải (920 – 974): nhà nghiên cứu văn bản và sưu tập sách thời Ngũ Đại Nam Đường. Nguyên văn trong Thuyết Văn Giải Tự như sau: “徐鍇曰:“大言,故夨口以出聲 Từ Khải viết: đại ngôn, cố trắc khẩu dĩ xuất ngôn”, Lớn tiếng, cố ý ngửa miệng mà nói.

(4) Tư Mã Trinh (679 – 732): tự Tử Chính, sử gia đời Đường, người Hà Nam. Ông hoàn thành Sử Ký Tác Ẩn vào khoảng năm Khai Nguyên thứ 20 (732) ngay trước khi qua đời.
(5) Ngô Thái Bá (1360 TCN -?): người sáng lập nước Ngô, tương truyền là quý tộc của bộ tộc Chu.
(6) Đinh Tiên hoàng đã xưng quốc danh Đại Cù Việt 大瞿越.Chúng tôi loáng thoáng nghĩ tên gọi này mang nghĩa truyền thống của các tộc Nam Á xa xưa, đó là nghĩa “cây lau vĩ đại” theo tiếng Khmuic: Đại “/kjɛ́ːt/ (kyeet)”. Cũng như hiện nay, các bộ tộc Khmu xưa là phần hợp thành dân cư Việt, tuy nhiên, tiếng nói từ khe động vào thế kỷ X rất ảnh hưởng đến vị vua ở Hoa Lư như Toàn Thư ghi nhận. Thời điểm đó, khi chênh lệch dân số và trình độ sản xuất giữa hai khu vực cao nguyên-duyên hải chưa đáng kể, tù trưởng ngoại vi là những thế lực quan trọng cần phải liên minh. Keith Taylor cũng ngờ rằng người Khmu có tham gia chính trị miền xuôi nhưng Chamberlain lại quan niệm Khmu chưa bao giờ đi về phía đông quá Lai Châu. Theo thiển ý, nhiều nhóm Khmuic có đi quá Lai Châu nhưng hiện nay không tìm được họ ở phía đông vì đã trở thành Kinh Việt. Cũng có khả năng từ kyeet còn rất phổ biến trong các nhóm Vietic đương thời. Về danh xưng kinh đô, Hoa Lư là biển báo để cho nhà Tống nhận biết một địa điểm tích tụ tinh hoa. Ngược lại, nhìn từ phương nam, Hoa Lư 花蘆 có ý nghĩa khác, đó chính là “bông lau”, hình ảnh tượng trưng cho quyền lực của Đại tù trưởng Đinh Bộ Lĩnh. Đến thế kỷ XV, trong Lĩnh Nam chích quái, Phù Đổng Thiên vương được ghi nhận khi cao lớn quá nhanh, ngoài vải lụa ngài còn phải dùng bông lau để che thân. Có vẻ loại thảo mộc này đến thời điểm đó vẫn được sử dụng để tượng trưng cho uy thế trời ban. Tuy nhiên, cần thêm chứng cứ để khẳng định những liên tưởng ban đầu này.
(7)(8) Sống ở Thái, Lào. Đôi khi không được xếp vào Khmuic.
(9) Wolfgang Behr: sinh năm 1965, Giáo sư Hán học thuộc Đại học Zurich, Cộng hòa Liên bang Đức.
(10) Việt Tuyệt Thư: tức Việt Nữu Lục, sách nói về nước Việt cổ thời Xuân Thu Chiến Quốc, tương truyền do Ngô Bình soạn, Viên Khang biên tập, xuất hiện vào thời Đông Hán (25 – 220). Có thể xem hai đoạn văn này tại số 110, chương Ngoại truyện ký Ngô địa truyện và số 29, chương Ngoại truyện ký địa truyện tại trang web https://ctext.org/yue-jue-shu.
(11) Laurent Sagart: học giả Pháp, sinh năm 1951, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ Viễn đông (CRLAO) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS).
(12) Peter Stafford Bellwood: sinh năm 1943 tại Anh, hiện là Giáo sư Danh dự ngành Khảo cổ thuộc khoa Khảo cổ & Nhân học, Đại học Quốc gia Úc.
(13) Trịnh Huyền (127 – 200): học giả thời Đông Hán, là tập đại thành về Kinh học có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Trung Hoa. Ông chuyên chú giải kinh điển.
(14) Cũng có những chữ chữ hàm ý “chết” nhưng không có bộ ngạt như “vong”, “táng”… Tuy nhiên, chúng được dùng kiểu ẩn dụ như “táng”, hoặc dùng kèm chữ khác để rõ ý như “tử vong”, “diệt vong”…
(15)  Bernhard Karlgren (1889 – 1978): học giả Thụy Điển, chuyên về Hán học và ngôn ngữ học. Karlgren từng giảng dạy tại Đại học Gothenburg, sau đó giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Viễn Đông rồi phụ trách tạp chí riêng của Bảo tàng.

(16) Hứa Thận (58 – 147): học giả thời Đông Hán, chuyên nghiên cứu Ngũ Kinh, tác giả quyển tự điển từ nguyên đầu tiên Thuyết văn Giải tự, cũng là người đầu tiên xếp loại chữ Hán theo bộ thủ.
(17) Tiếng Thái/Lào hiện đại gọi “kê” là /
ˈfâaŋ/, Lào còn gọi một loại hạt ngũ cốc giống kê là /kʰȕaːŋ/. Chúng khá giống tiếng AA và AN.
(18) Robert R. Blust: học giả Mỹ, sinh năm 1950, hiện là Giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ, Đại học Hawai’i at Manoa, Hoa Kỳ.
Ông chuyên sâu về ngôn ngữ Austronesian.

(19) Jilis Antonius Josephus Verheijen (1908 – 1997): nhà truyền giáo người Hà Lan, ông chuyên về nhân học, điểu loại học, thực vật học, ngôn ngữ học. Verheijen sinh sống tại tỉnh East Nusa Tenggara, Indonesia suốt thời gian dài đến 58 năm (1935 – 1993).
(20) John U. Wolff: sinh năm 1932, hiện là Giáo sư Danh dự thuộc Khoa Ngôn ngữ, Đại học Cornell, Hoa Kỳ. Ông chuyên về các thứ tiếng Austronesian.
(21) Shigero Tsuchida: học giả Nhật Bản, từng giảng dạy tại Đại học Tokyo, Nhật Bản và Đại học Quốc gia Úc. Ông chuyên về các ngôn ngữ Austronesian.
(22) Zheng Rongbin: từng theo học Đại học Tiểu bang Ohio và từng giữ chức Chủ tịch Hội những người tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Hoa (GACL) thuộc Khoa Nghệ thuật & Khoa học, Đại học Tiểu bang Ohio (2011).
(23) Li Rulong: Giáo sư Đại học Sư phạm Phúc Kiến, chuyên về các phương ngôn Trung Hoa.
(24) James R. Chamberlain: hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ Lào, Đại học Quốc gia Lào. Ông chuyên về các ngôn ngữ Kra-Dai, Nam Á và Nam Đảo.
(25) Paul J. Sidwell: nhà ngôn ngữ học người Úc, hiện giảng dạy tại Đại học Quốc gia Úc kiêm chức Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Đông Nam Á. Ông chuyên về ngữ hệ Austroasiatic.
(26) Ilia Peiros: nhà ngôn ngữ học người Nga chuyên về Ngôn ngữ Lịch sử vùng Đông Á. Ông từng cộng tác với Viện Santa Fe, bang New Mexico, Hoa Kỳ và Đại học Melbourne, Úc. Peiros chính là người đỡ đầu luận án tiến sĩ của Sidwell tại đại học Melbourne với chủ đề phục dựng âm Proto Bahnaric dựa vào năm ngôn ngữ chuẩn: Sedang, Jeh, Bahnar, Stieng và Chrau.
(27) Victor Shnirelman: sinh năm 1949, là nhà dân tộc học kiêm sử gia người Nga. Ông làm việc tại Viện Dân tộc học & Nhân học N. N. Miklukho-Makalai, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
(28) Gérard Diffloth: sinh năm 1939, học giả Pháp. Ông từng giảng dạy tại Đại học Chicago và Đại học Cornell, Hoa Kỳ, là chuyên gia hàng đầu về các ngôn ngữ Austroasiatic.
(29) Roger M. Blench: sinh năm 1953, học giả Anh, chuyên về ngữ học, âm nhạc dân tộc học và nhân học. Ông là chuyên gia có tiếng về ngôn ngữ châu Phi, gần đây lại gồm thêm Đông Á.
(30) Michael Witzel: sinh năm 1943, học giả Đức-Hoa Kỳ. Witzel chuyên về ngữ văn, thần thoại học so sánh và Ấn Độ học. Ông từng giảng dạy tại các đại học danh tiếng như Leiden, Harvard, Kyoto, Paris, Tokyo…     

Tài liệu tham khảo

Bình Nguyên Lộc. 1972. Lột trần Việt ngữ. Nxb Nguồn Xưa. Bản điện tử https://bit.ly/2T7khsC

Behr, Wolfgang. 2002. Stray loanwords gleanings from two ancient Chinese text. 16e Journées de Linguistique    d’Asie Orientale, EHESS/CRLAO, Paris, 3-4 Juin 2002. Bản pdf https://bit.ly/3ok8wdS

Chamberlain, James R. 2016. Kra-Dai and the Pro-History of South China and Vietnam. Journal of Siam Society, Volume 104 (2016). Bản pdf https://bit.ly/3xKSdvg

Chamberlain, James R. 2018. A Kri-Mol (Vietic) Bestiary: Prolegomena to the Study of Ethnozoology in the Northern Annamites. Kyoto Working Papers on Area Studies (2018), 133: 1-171. Bản pdf https://bit.ly/3bGck4e

Henry, Eric. 2007. The Submerged History of Yuè. Sino-Platonic Papers, number 176, May 2007, edited by Victor H. Mair. Ghi chú: Sino-Platonic Papers là trang web chuyên đăng những nghiên cứu phi truyền thống hoặc còn nhiều tranh cãi nên chưa được ấn hành chính thức.

Norman & Mei. 1976. The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence. Monumenta Serica (1976) 32:274-301. https://bit.ly/3wdKBQ6

Peiros, Ilia. 2011. Some thought on the problem of the Austro-Asiatic homeland. Bản pdf https://bit.ly/3bIIkVr

Sagart, Laurent. 2008. The Expansion of Setaria Farmers in East Asia: A Linguistic and Archaeological Model. Bản pdf https://bit.ly/3u9oGce

Sagart, Laurent et al. 2017. Austronesian and Chinese words for the millets. Bản pdf https://bit.ly/3ohXjux

Sagart, Laurent. 2021. Language Family of Southeast Asia. The Oxford Handbook of Southeast Asian Archaeology, In press. ffhal-03099922. Bản pdf https://bit.ly/3f0bpxq

Shorto, Harry. A Mon-Khmer comparative dictionary. Edited by Paul Sidwell et al. Published by Pacific Linguistics, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University, Canberra Act 0200, Australia (2006). Bản pdf https://bit.ly/3wIGUSJ

Sidwell, Paul. 2009. The Austroasiatic central riverine hypothesis. Bản pdf https://bit.ly/3ynNqAd

Sidwell, Paul & Roger Blench. 2011. The Austroasiatic Urheimat: the Southeastern Riverine Hypothesis. Bản pdf https://bit.ly/3f1Mf1J

Sidwell, Paul. 2013. Southeast Asian mainland: linguist history. The Encyclopedia of Global Human Migration, Edited by Immanuel Ness. © 2013 Blackwell Publishing Ltd. Published 2013 by Blackwell Publishing Ltd. DOI: 10.1002/9781444351071.wbeghm833

Zhang, Xiaoming et al. 2015. Y-chromosome diversity suggests southern origin and Paleolithic backwave migration of AustroAsiatic speakers from eastern Asia to the Indian subcontinent. Scientific Reports. October 2015. Bản pdf https://bit.ly/3z11kIw

Zheng, Rongbin. 2008. The Zhongxian (中仙) Min Dialect: A Preliminary Study of Language Contact and Stratum-Formation. Proceedings of the 20th North American Conference on Chinese Linguistics (NACCL-20). 2008. Volume 1. Edited by Marjorie K.M. Chan and Hana Kang. Columbus, Ohio: The Ohio State University. Pages 517-526. Bản pdf https://bit.ly/3omqk8b

Ghi chú:

– Các dữ liệu về ngôn ngữ được truy xuất từ http://sealang.net; http://zdic.net; http://en.wiktionary.org/wiki; http://www.trussel2.com/ACD/
– Các chữ viết tắt: AA (Austroasiatic), AN (Austronesian), MC (Middle Chinese), OC (Old Chinese), PAA (Proto Austroasiatic), PAN (Proto Austronesian), PMK (Proto Mon-Khmer), PSTAN (Proto Sino-Tibetan-Austronesian), STAN (Sino-Tibetan-Austronesian), ST (Sino-Tibetan), TK (Tai-Kadai).
– Hướng dẫn cách hình dung phiên âm IPA bằng mẫu tự Việt Nam chỉ tạm gọi là gần đúng vì các nguyên phụ âm của chúng ta không đủ đa dạng để phiên chính xác âm của các thứ tiếng khác. Ví dụ như trong hệ thống phiên phụ âm proto Austronesian của Blust: “*C” có âm tắc xát chân răng vô thanh (voiceless alveolar affricate), còn “*c” là âm tắc xát vòm vô thanh (voiceless palatal affricate), cả hai đều không thật giống với “ch” hay “tr” trong tiếng Việt dù giọng bắc hay nam… Ví dụ khác như âm vị “*t1”, là sáng kiến của Shorto thể hiện sự biến đổi “*t” từ âm bật (plosive) sang âm xuýt (sibilant)…vv…vv…      

 

2 thoughts on “Việt Vương Câu Tiễn: Vị Vua Nói Tiếng Austroasiatic

  1. Pingback: Nguồn gốc người Việt – Bài 7 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này