Lạc Vũ Thái Bình
Lưỡng Hà là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, nó chính là nơi đầu tiên trên lục địa Á-Âu con người sống định cư và thực hiện sản xuất lương thực. Chính điều đó, cộng với việc nằm ngay trên ngã tư những tuyến đường di trú lớn của các tộc người, khiến ngay từ rất sớm Lưỡng Hà đã trở thành đấu trường tranh bá của thế giới cổ đại, mà các đấu thủ đến từ chính Lưỡng Hà cùng các vùng đất lân cận của nó như cao nguyên Anatolia, đồng bằng châu thổ sông Nile, đồng bằng ven biển Levant và vùng đồi núi phía đông dãy Zagros. Sau hàng trăm năm chiến loạn, vào các thập niên cuối thế kỉ 6 BC, toàn bộ những khu vực kể trên đã được Cyrus đại đế và hai hoàng đế kế vị là Cambyses và Darius thống nhất dưới quyền lực của đế chế Ba Tư. Vào những năm đầu thế kỷ thứ 5 BC, Đông và Tây đã gặp nhau, đối diện qua biển Aegean, và gần như ngay lập tức, đế chế Ba Tư, chúa tể toàn Đông Phương, muốn các thị quốc trên bán đảo Hy Lạp phải thần phục phủ việt hoàng triều Achaemenid. Nhưng con dân của bán đảo Hy Lạp cũng đâu có vừa, họ toàn những hạng vừa cứng cổ cứng đầu lại vừa có mỏ có sừng, lâu nay vốn đã quen không vua cũng chẳng chúa, ”dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Từ đó, hai nửa thế giới lao vào nhau trong cuộc chiến một mất một còn trời long đất lở…
1.NHỮNG TRẬN CHIẾN KHAI MÀO
Trong thế kỉ thứ 7 BC, thông qua hệ thống quân sự mạnh mẽ và hiệu quả đến kinh người của mình, Sparta đã trở thành một thế lực không ai có thể thách thức ở miền nam Hy Lạp. Chỉ nhờ vào một thể thức thay đổi các liên minh mà các đối thủ chính của người Sparta mới kềm chế được họ mà thôi. Vào năm 510 BC, xung đột leo thang khi Sparta muốn can thiệp trực tiếp nhằm cản trở nền dân chủ Athens, điều chắc chắn sẽ mở đầu cho một cuộc tranh chấp kéo dài, nhưng ngay lúc đó, mối nguy to lớn đến từ phía đông đã đẩy hai thành bang hùng mạnh nhất Hy Lạp vào thế liên minh với nhau.
Các thành bang Hy Lạp tại Ionia, miền tây Anatolia, đã buộc phải chấp nhận thần phục ngoài mặt đối với đế chế Ba Tư, sau khi Cyrus đại đế vào năm 547BC chinh phục được Lydia, nước trước đó kiểm soát vùng này. Năm 499BC, Aristagoras vua thành Miletus đến Hy Lạp tìm đồng minh cùng ông nổi dậy chống Ba Tư. Athens và Eretria đã gửi quân đến. Quân Hy Lạp đánh chiếm và thiêu rụi Sardis năm 498BC. Sau đó, người Ionia mất dần đất trước các cuộc phản công của Ba Tư từ năm 497BC. Sự sụp đổ của Miletus và cái chết của Aristagoras làm suy yếu liên minh chống Ba Tư, và sau thất bại nặng nề của hải quân Hy Lạp trong trận Lade, lực lượng nổi dậy của Ionia hoàn toàn tan rã.
Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng, năm 492 BC, đế chế Ba tư xua hai đạo quân thủy bộ tiến vào Âu châu. Chiến dịch xâm lăng Hy Lạp lần đầu tiên này thất bại thảm hại, vì đại hạm đội Ba Tư bị bão tố đánh tan tành ở vùng biển nằm giữa mũi Athos và đảo Thasos, dù cánh quân bộ của tướng Mardonius đã khuất phục được Thrace và Macedonia.
Năm 490 BC, hoàng đế Ba Tư Darius phái một hạm đội gồm 600 chiến thuyền trieres, dưới sự chỉ huy của đô đốc Datis, tiến đánh Hy Lạp lần thứ hai. Theo Herodotus, vào thời gian đó, thuyền trieres ba tầng chèo đã được hải quân các nơi sử dụng rộng rãi ở Địa Trung Hải, nó thường mang theo được một hải đoàn khoảng 200 người, gồm 170 tay chèo và 30 binh sĩ, tức là hạm đội Ba Tư có quân số khoảng tầm 120.000 người. Hạm đội Ba Tư xuất phát từ Samos, đi xuyên qua biển Aegea, đánh phá các đảo Naxos, Delos và Euboia rồi đổ bộ lên bờ biển phía tây của bán đảo Attica, tại cánh đồng Marathon. Được các đồng minh Plataea đến tham chiến, người Athens tức khắc xua quân ra ngăn cản quân Ba Tư tiến sâu vào đất liền đồng thời gửi lời kêu gọi khẩn cấp đến Sparta. Người Sparta trả lời rằng họ sẽ đến ngay khi hoàn thành một buổi lễ tôn giáo mừng mặt trăng thường niên, nhưng khi người Sparta tới nơi xảy ra giao tranh thì trận đánh Marathon đã kết thúc.
Về phía quân Ba Tư, trận đánh có sự tham gia của khoảng 24.000 bộ binh và 1.000 kị binh, dưới sự chỉ huy của đô đốc Datis và tướng Artaphernes; về phía Hy Lạp là khoảng 10.000 bộ binh người Athens và Plataea, dưới sự chỉ huy của hai tướng Callimachus và Miltiades. Người Athens xuất quân với ý định chiếm lĩnh vị trí góc đông nam của đồng bằng Marathon để chắn con đường dẫn đến Athens. Sau vài ngày trì hoãn, quân Ba Tư đã khai chiến. Quân Hy Lạp kéo dài phòng tuyến của họ ra bằng cách dàn quân mỏng ở trung tâm để tránh bị đánh bọc sườn. Chiến đấu đầy dữ tợn, trung quân bị dàn mỏng của Hy Lạp với đội hình phalanx danh tiếng vẫn đứng vững trước sức ép của quân Ba Tư trong khi hai cánh của họ đập tan hai cánh của đối thủ, và thay vì đuổi theo, họ lại quay vào dồn ép trung quân Ba Tư từ cả hai bên sườn, đánh tan nát lực lượng này rồi đuổi theo quân thù đến tận chiến thuyền. Cuộc truy đuổi đã khiến rất nhiều kẻ thù bị rơi vào đầm lầy nằm ở phía bắc vùng đồng bằng Marathon. Ngày hôm đó, một mạng Hy Lạp đổi được bảy mạng Ba Tư, và đã có tất cả khoảng 6400 người Ba Tư gục ngã trước các hàng quân Hy Lạp. Bại quân Ba Tư thoát thân lên thuyền, định đi vòng qua mũi Sounion để đánh úp Athens, nhưng khi họ tới nơi thì người Athens đã vượt cái khoảng cách trứ danh 42,195km giữa Marathon và Athens, hàng hàng lớp lớp trên bãi biển, đứng chờ họ. Thấy không còn hi vọng gì, quân Ba Tư đành nhổ neo quay thuyền trở về châu Á. Người Sparta chua chát tự trách mình vì đã không có mặt kịp thời tại Marathon, càng cay cú hơn nữa vì tất cả vinh quang chiến thắng đã về tay người Athens.
Trước khi đến với các diễn tiến lịch sử liên quan đến cuộc viễn chinh thứ ba của đế chế Ba Tư nhằm thôn tính Hy Lạp, ta thử ngẫm một chút về việc tại sao đế chế Ba Tư lại xâm chiếm Hy Lạp? Tại sao đế chế Ba Tư bành trướng về hướng Hy Lạp chứ không phải là những hướng khác? Hẳn nhiên, cơn cớ của cuộc can qua là vụ nổi loạn của kiều dân Hy Lạp ở dải đất Ionia và thành Sardis những năm 499BC-494BC, nhưng một đế chế đang hồi sung sức như Ba Tư, đáng ra nó phải bành trướng về tất cả mọi hướng mới phải chứ? Phải chăng ở bán đảo Hy Lạp có cái gì đó thu hút ánh nhìn của đế chế hùng mạnh này hơn các hướng bành trướng khác? Thực tế thì Hy Lạp được chọn do lẽ ở các hướng bành trướng khác, hoặc là do đế chế đã gặp phải những chướng ngại thiên nhiên khó lòng vượt qua, hoặc do đế chế khi cố gắng mở rộng về các hướng đó đã bị các dân tộc bản địa đả bại đầy đau đớn.
Biên giới đông bắc, nơi cư trú của những tộc người du mục Trung Á, đã chứng kiến cái chết của Cyrus đại đế, vị hoàng đế khai lập vương triều Achaemenid, khi ông cố gắng khuất phục người Massagetai năm 530BC. Sau khi hoàng đế Cambyses, con của Cyrus đại đế chinh phục được Ai Cập năm 525BC, ông đã cố gắng dấn tiếp xuống phía nam, nhưng đã bị người Ethiopia đánh cho tơi bời. Còn ở phía tây của Ai Cập là sa mạc Lybia rộng lớn mà sau lưng nó chỉ có một vài thuộc địa của Phoenicia mới thành lập ở nơi bây giờ là Tunisia, nói thẳng ra là chẳng bỏ để cất đại quân chinh phạt. Về hướng đông nam, tiểu lục địa Ấn Độ, với ba tầng chướng ngại là dãy Hindu Kush-Balushitan, Ấn Hà và rừng rậm nhiệt đới cùng những chủ nhân cũng đông đảo và văn minh không kém gì đế chế, đã là một mục tiêu được chứng tỏ là không thể nuốt trôi. Bản thân Darius đại đế, người kế ngôi hoàng đế Cambyses không con cái sau một cuộc lựa chọn kì khôi giữa các quý tộc Ba Tư, cũng đã suýt mất mạng khi cất quân băng qua eo Hellespont và sông Danube để chinh phạt các dân tộc Scythia ở vùng đất hiện nay là Nam Ucraina vào năm 513BC. Vậy thì, Hy Lạp đơn giản là đối thủ tiếp theo được chọn để chinh phục. Và nếu như dù Cyrus đại đế đã đưa đế chế Ba Tư đến bờ đông Aegean từ tận năm 547BC, tức là hơn 50 năm trước đó, mà chỉ sau khi không thể bành trướng thành công ở những nơi khác đế chế Ba Tư mới để mắt đến Hy Lạp, thì nhiều khả năng, trong mắt sư tử Ba Tư, Hy Lạp cũng chẳng phải là con mồi béo mập gì cho cam.
Trở lại với câu chuyện, thời đó, người Athens có một mỏ bạc khá lớn ở Laurium được những tá điền cha truyền con nối khai thác và nộp lại phần lợi tức cố định cho nhà nước. Vào các năm 484-483BC, lợi tức lớn bất thường, lên đến hơn 100 talent (1 talent khoảng 30kg). Themistocles là người duy nhất có can đảm đứng ra trước dân chúng để đề nghị rằng lợi tức từ những mỏ bạc tại Laurium, mà người Athens có thói quen ăn chia với nhau, nên được dành để tài trợ việc đóng chiến thuyền nhằm đối phó với đảo Aegina, thành bang có hải đội lớn nhất Hy Lạp và đang cạnh tranh trực tiếp với Athens. Không cần làm kinh động người Athens về mối đe dọa Ba Tư vốn đang ở xa vì không mấy người nghiêm túc tin là Ba Tư sẽ lại đến tấn công, ông chỉ phải tranh thủ thái độ thù địch và ghen tị của mọi người đối với dân đảo Aegina để khiến họ tán thành chính sách chi tiêu này. Kết quả là người Athens đã đóng được thêm hơn 100 chiến thuyền trieres bằng tiền huy động được, và thực tế là những chiến thuyền này cuối cùng đã đóng vai trò quyết định trong cuộc giao tranh với hải quân Ba Tư tại Salamis.
2.HAI QUAN ĐIỂM VỀ QUYỀN UY TỐI THƯỢNG
Năm 486BC, Darius đại đế băng hà tại Sousa, sau khi đã chỉ định Xerxes, con trai của ông với hoàng hậu Atossa, người con gái của Cyrus đại đế, làm người kế vị. Một năm sau khi đè bẹp cuộc nổi loạn của Ai Cập năm 485BC, hoàng đế Xerxes quyết định huy động một lực lượng thủy bộ khổng lồ với quyết tâm xử lý một lần và mãi mãi đám dân ngoan cố ở bán đảo Hy Lạp.
Đầu tiên, hoàng đế Xerxes cho gửi sứ giả đến lôi kéo Carthage và các thành bang Hy Lạp ở những lãnh thổ hải ngoại phía tây Địa Trung Hải, đặc biệt là Syracusa, để đảm bảo kiều dân Hy Lạp sẽ không giúp đỡ các thành bang ở cố quốc. Sau đó, hoàng đế Xerxes ra lệnh cho toàn châu Á thực hiện những ý tưởng ngông cuồng tột cùng. Đầu tiên, hoàng đế Xerxes quyết biến biển thành đất liền khi cho bắt một cây cầu phao trên các con thuyền nằm vắt ngang qua eo Hellespont để nối liền Âu-Á, rồi ông lại quyết biến đất liền thành biển khi cho đào một con kênh xuyên qua bán đảo Khersonesos để hạm đội Ba Tư khỏi phải đi vòng qua mũi Athos, là nơi mà một cơn bão đã hủy diệt hạm đội Ba Tư 12 năm trước đó. Tthứ đến, từ Ethiopia cho đến Ấn Độ, một đạo quân khổng lồ từ tất cả các dân tộc trong toàn thể đế chế được lệnh hội sư về Hellespont, tiếp đó, các kho lương thực và đồ hậu cần to lớn được thiết lập ở Thrace và Macedonia dọc theo đường tiến quân, dù theo lời Phụ Chính đại thần Artabanus, để cung cấp cho một lượng người tầm cỡ như đại quân Ba Tư thì nó chẳng thấm vào đâu. Nói theo ngôn ngữ của chính trị hiện đại, thì hoàng đế Xerxes là một con nhím, chỉ chăm chăm làm điều mình muốn mà không ước lượng được khoảng cách giữa tham vọng và các nguồn lực thực tế mà bản thân nắm giữ.
Khi eo biển Hellespont nổi lên một cơn bão làm đắm đoàn thuyền mà hoàng đế Xerxes đã cho xếp làm cầu phao vượt eo biển, ông đã thể hiện một dấu hiệu loạn thần kinh rõ ràng khi sai người đánh 300 roi xuống biển để trừng phạt nó cùng nói những lời như để ngăm đe như sau: “Hỡi thứ nước đắng ngắt, chủ nhân của ngươi giáng xuống ngươi hình phạt này vì ngươi đã gây chuyện sai trái với chủ nhân ngươi. Hoàng đế Xerxes sẽ vượt qua người, dù ngươi có muốn hay không”. Sự kiện đó cho thấy rằng nếu một người do ngẫu nhiên, mà phần nhiều là do dòng dõi, được ngồi vào vị trí quyền lực gần như tuyệt đối, được hầu hết mọi người răm rắp tuân theo mọi ý tưởng và lệnh truyền của hắn, thì dần dà, với việc thấy quen mui với chuyện được tuân phục, sẽ đến lúc hắn ta cho là sự tuân phục đó là một điều đương nhiên xuất phát từ quyền lực tối thượng hắn đang nắm giữ. Để rồi hắn sẽ đi đến chỗ tự cho là sự tuân phục đó đến từ sự công nhận của mọi người đối với tính đúng đắn trong các ý tưởng và lệnh truyền hắn ban ra. Đó là nẻo đường mà tất cả các bạo chúa đều đi qua, và nẻo đường đó, dẫn thẳng tới sự diệt vong. Sử gia Dalberg-Acton khi nói: ‘Quyền lực có khuynh hướng sụp đổ’, chính là nói ý này.
Sau khi vượt qua Hellespont, hoàng đế Xerxes kiểm binh đội đại quân Ba Tư bằng cách xây một bức tường thấp bao quanh một vạn quân, rồi cho lần lượt từng binh đội bước vào. Trước sau đã có tất cả 170 lần khoảng tường thấp đó được lấp đầy, tức là quân lực Ba Tư ở đó có khoảng 170 vạn bộ binh, chưa kể hải đội và lượng quân chư hầu bên kia eo biển chưa đến. Cao hứng, hoàng đế Xerxes đã hỏi một cựu hoàng Sparta cùng đi với ông là liệu quân Hy Lạp có thực sự chiến đấu chống lại quân Ba Tư hay không:
-“Này Demaratus, trẫm sẽ hỏi khanh những gì trẫm muốn biết. Khanh là một người Hy Lạp và là một người xuất thân từ một thành bang không phải nhỏ hay yếu. Vậy bây giờ hãy cho trẫm biết, liệu dân Hy Lạp có nổi dậy để chống lại trẫm không?”
Demaratus đã trả lời:
-“Tâu bệ hạ, liệu thần sẽ tâu lên bệ hạ sự thực hay chỉ trình bày những gì bệ hạ muốn?”
Hoàng đế đã ra lệnh cho ông ta nói sự thật, bằng cách nói rằng ngài vẫn luôn tôn trọng ông cho dù ông có nói gì đi nữa. Demaratus bèn tâu rằng:
-“Tâu bệ hạ, thần không nói đến toàn dân Hy Lạp mà chỉ nói về dân Sparta thôi. Trước hết, thân xin tâu rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận những điều kiện bệ hạ bắt Hy Lạp phải chịu; thứ nữa, họ sẽ chiến đấu chống lại bệ hạ trên chiến trường cho dù tất cả các dân Hy Lạp khác có đứng về phía bệ hạ.”
Xerxes phán:
-“Này Demaratus, hãy xem xét điều này một cách hết sức hợp lý, nếu như một ngàn hay một vạn hay năm vạn người đang sống tự do và không bị một ông chủ duy nhất nào thống trị, thì tại sao họ lại phải vùng lên chống lại một quân đội như quân đội của trẫm? Nếu như họ được một vị vua duy nhất như trẫm cai trị, giống như thần dân của trẫm, trẫm nghĩ rằng có thể vì sợ hãi, họ sẽ tỏ ra gan dạ hơn bình thường, và khi bị xua vào chiến trường bằng một cây roi, họ sẽ tiến lên chống lại một lực lượng hùng hậu hơn. Những nếu được tự do, họ sẽ không chịu làm gì cả.”
Deramatus nói:
-“Thưa bệ hạ, ngay từ đầu thần đã biết rằng nếu thần nói sự thực thì bệ hạ sẽ không ưa gì lời thần tâu trình, nhưng vì bệ hạ đã ra lệnh nên thần mới nói. Thần đã trình bày với bệ hạ về người Sparta, họ là những người tự do, nhưng không phải hoàn toàn tự do. Họ có một ông chủ tên là Luật Pháp mà họ được dạy từ bé là phải khiếp sợ còn hơn cả quân lính của bệ hạ sợ bệ hạ. và mệnh lệnh của ông chủ này trước sau như một là: không được trốn chạy trước bất kì quân đội nào, cho dù quân đội ấy có hùng hậu đến đâu, mà phải giữ nguyên hàng ngũ để chinh phạt quân thù, hay là chết. Nhưng, tâu bệ hạ, xin thánh ý của bệ hạ được thực hiện tốt đẹp.”
Với hoàng đế Xerxes, ông không nghĩ ra được có một quyền uy tối thượng nào khác có tồn tại trên đời ngoài quyền uy áp chế chư dân trong đế chế Ba Tư mà chính ông đang nắm giữ, nhưng Deramatus lại kể cho Xerxes về một quyền uy tối thượng khác, tên là Pháp Luật, mà đám dân Hy Lạp, đặc biệt là người Sparta, dựa vào đó để dám đứng lên chống lại ông. Quyền uy tối thượng thuộc về kẻ mạnh nhất hay thuộc về luật của đa số, đó chính là song đề nan giải căn bản của cuộc chiến Hy Lạp – Ba Tư. Và khoảng hơn 300 năm sau, tại ngôi thành Modin nhỏ bé miền núi xứ Judea, khi bị sứ giả vương triều Seleucid ép phải từ bỏ đức tin vào Thiên Chúa và lối sống của người Do Thái, tư tế Mattathias đã thay mặt toàn thể gia tộc đáp lại như sau:
-“ Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha ông mình và tuân theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục! Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái.”
Tức là, ngoài hai thứ quyền uy áp chế của cá nhân và quyền uy của luật do đa số, còn có những người sống dựa vào quyền uy tối thượng phát xuất từ những điều Thiên Chúa đã phán truyền và sự trung thành của con người với Giao Ước họ đã ký kết với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ bàn về chuyện này trong một lúc khác, còn bây giờ chúng ta hãy trở lại với cuộc hành quân về phía nam của đại quân Ba Tư trên phần đất Âu Châu.
3.BƯỚC TIẾN VŨ BÃO CỦA ĐẠI QUÂN BA TƯ
Hoàng đế Xerxes dẫn đại quân Ba Tư băng qua Hellespont vào khoảng tháng 5 năm 480BC. Đạo quân bộ hành quân qua Thrace và Macedonia rồi trên đường xuôi xuống phía nam hợp với các đạo quân chư hầu. Hạm đội Ba Tư tiến lên song song với đạo quân bộ, các bờ một khoảng cách không xa. Toàn thể đại quân Ba tư, bao gồm cả bộ binh, kỵ binh, hạm đội của người Ba Tư hợp với quân lực các chư hầu, cùng với tất cả đội ngũ phu phen tạp dịch, theo Herodotus, là một con số rợn người: hơn năm triệu. Toàn thể Hy Lạp rúng động!
Các sứ giả của Ba Tư được cử đến tất cả các thành bang Hy Lạp để đòi ‘Đất và Nước’, một dấu hiệu thần phục trong ngôn ngữ biểu tượng của người Ba Tư. Bởi lẽ Sparta và Athens là hai tên chống đối đầu sỏ trong mắt người Ba Tư vì không những đã từ chối quy phục mà còn sỉ nhục và giết các sứ giả mười năm trước, nên không hề có đoàn sứ giả đòi ‘Đất và Nước’ nào được gửi tới họ. Thông điệp đã quá rõ ràng.
Động thái đầu tiên của người Athens là ra một đạo luật, do đô đốc Themistocles khởi xướng, cho phép bất kỳ ai bị trục xuất trước đó đều được trở về để cùng quê hương dốc sức vào công cuộc cứu nguy Hy Lạp. Đạo luật này cốt yếu nhắm vào trường hợp cựu quan án Aristides, người trước đó đã bị dân Athens kết án lưu đày vì mù quáng nghe theo lời xúi giục của chính Themistocles. Người Athens lo ngại ông sẽ vì giận họ mà có thể chạy sang hàng ngũ người Ba Tư và xúi giục nhiều người làm theo ông, nhưng quả là ‘lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử’, họ đã hiểu sai trầm trọng về ông. Aristides cấp tốc quay về với cái quê hương đã vô cớ ruồng bỏ ông, về với Themistocles, cái người trước đó đã luôn kình địch và chống đối ông, và ông làm điều đó với tất cả sự chân thành đáng ngưỡng mộ nơi con người ông. Vậy là tuy cùng đồng ý với Ngô Quyền là xử lý ‘thù trong trước giặt ngoài sau’, nhưng cách làm của người Athens cho thấy rằng không nhất thiết để yên được nội trị là cứ phải huynh đệ một nhà kéo nhau ra trận tiền mà tương tàn hay là dùng cách cho thích khách ám sát hết những kẻ đối lập và kể cả những kẻ có khả năng sẽ chống đối. Cái nhân và cái trí của người cầm quyền chính là ở chỗ đó.
Đáp lại việc động binh của Ba Tư, người Athens và người Sparta gửi các sứ giả tới các thành bang trong thế giới Hy Lạp thúc giục họ gia nhập liên minh quân sự chống lại Ba Tư. Nhưng lần lượt các thành bang và thuộc địa hải ngoại như Aiolia, Crete, Corkyra, Syracusa, đều từ chối gửi quân, thậm chí hai thành bang hùng mạnh trên bán đảo Peloponnese là Argos và Achaea cũng không đáp lại lời hiệu triệu. Người Hy Lạp cũng gửi hai điệp viên về phía bắc để thu thập tin tức về lực lượng và chuyển quân của Ba Tư, hai người này bị bắt, nhưng Xerxes cho thả họ ra và cho người dẫn họ đi xem quy mô tất cả các đạo quân và kho hậu cần khổng lồ của Ba Tư, với dự tính cũng không phải là sai lầm là mong rằng thông tin họ mang về sẽ khiến người Hy Lạp choáng ngợp và chịu quy phục.
Đô đốc Themistocles, ngay khi tiếp nhận quyền thống lĩnh quân lực Athens, bước đầu tiên ông làm là yêu cầu các công dân cung cấp thủy thủ cho các chiến thuyền và giục họ rời khỏi thành phố để đối mặt với quân Ba Tư trên vùng biển cách Hy Lạp càng xa càng tốt. Nhưng kế hoạch này bị cực lực phản đối, vì vậy ông hợp lực với quân Sparta và đưa một đạo quân lớn đế thung lũng Tempe, nơi họ dự định làm thành một phòng tuyến đầu tiên, vì lúc bấy giờ không ai biết là Thessalia sắp tuyên bố ủng hộ Xerxes. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, quân đội đã rút khỏi vị trí này mà không đạt được bất kỳ thành quả nào, vì ngay lúc đó người Thessalia đã chạy sang hàng ngũ kẻ thù cùng với tất cả người Hy Lạp từ Thessalia cho đến mãi tận Boeotia. Kỵ binh Thân hữu Macedonia và Kỵ binh Thessalia sau này sẽ là hai cánh kiêu hùng của đạo quân bách chiến bách thắng của Alexander Đại đế, nhưng đó là chuyện của 150 năm sau, còn lúc đó, sự buông kiếm của họ đã đẩy các thành bang Hy Lạp còn lại ở phía nam rơi vào tình thế rất ngặt nghèo.
Lúc này, người Athens rút cuộc đã nghe theo lời khuyên của đô đốc Themistocles tổ chức các phòng tuyến từ xa, và đã cử một hải đội hỗn hợp 271 chiến thuyền trieres đến trấn giữ tại eo biển Artemisium. Chính tại đây, những người Hy Lạp còn lại đã đề nghị Eurybiades, một người Sparta lên làm tổng tư lệnh, nhưng người Athens đã từ chối phụng mệnh người khác, vì họ cho là họ đã cung cấp chiến thuyền hơn tất cả các đồng minh cộng lại. Themistocles lập tức nhận ra mối nguy của sự bất hòa này, vì vậy ông đã trao quyền chỉ huy lại cho Eurybiades và vỗ về lòng kiêu hãnh của người Athens bằng cách hứa là nếu họ tỏ ra dũng cảm trong chiến trận, ông sẽ bảo đảm rằng những người Hy Lạp còn lại về sau sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của họ, và lịch sử đã cho thấy mọi chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Vì hành động này mà Themistocles nói chung được coi là người có công trực tiếp nhất trong việc cứu vãn Hy Lạp, đồng thời đem lại cho người Athens danh tiếng là dũng cảm hơn kẻ thù và khôn ngoan hơn các đồng minh.
4.THIÊN NHÂN ĐỊCH LEONIDAS VÀ TRẬN HUYẾT CHIẾN QUAN ẢI THERMOPYLAE
Cách Artemisium nơi hải đội 271 chiến thuyền Hy Lạp trú đóng không xa là hẻm núi Thermopylae với chỗ thắt cổ chai hẹp tới mức chỉ một cỗ xe đi lọt. Hoàng đế Xerxes đã cho biến núi thành biển và biến biển thành đất bằng, nhưng đơn giản là có những hiểm địa mà đoàn công binh của ông cũng không thể làm gì khác được. Trấn giữ ở quan ải Thermopylae, là 300 chiến binh Sparta, mà thủ lĩnh là Leonidas, con trai Anaxandridas, vua Sparta, cùng với khoảng 4000 quân đồng minh Hy Lạp. Đối đầu với hai cánh quân thủy bộ Hy Lạp là một lực lượng, mà nếu ta bám sát theo từng lời của Herodotus, là khoảng 2.000.000 bộ binh, 100.000 kỵ binh, 1327 thuyền trieres và 3000 thuyền nhỏ pentekonteroi (chứa được 80 người).
Một chiến binh Sparta được trang bị giáp trụ và vũ khí vào hạng tối ưu so với trang bị chiến cụ thời bấy giờ. Đầu tiên, anh ta sẽ có một mũ trụ bộ binh kiểu Corinth với phần bảo vệ hai bên má và gáy, cùng với một đầu mút nhỏ bảo vệ mũi, chỉ chừa đôi mắt và phần khe dưới của khuôn mặt lộ ra bên ngoài. Phần ngực và lưng được bọc trong hai tấm giáp đồng điếu đúc liền khối là hung giáp che ngực và bối giáp che lưng ghép lại với nhau bằng khớp, khoen và dây da. Phần cẳng tay cẳng chân của anh ta được bảo vệ bởi các tiểu giáp cũng làm bằng đồng điếu, còn phần đùi đã được che bằng tấm khiên ‘aspis’. Khiên aspis được phát minh vào khoảng thế kỉ thứ 7 BC có hình tròn, đường kính vào khoảng 76-91cm, có hình dạng uốn cong vào trong giúp bảo vệ cạnh sườn binh sĩ; nó có lõi làm bằng gỗ và được bọc ngoài bằng đồng, cùng một lớp da thuộc phía trong. Nặng khoảng tầm 8kg, trong đấu tay đôi, một người lính Sparta thức sức làm hỏng hoàn toàn bộ nhá của đối thủ chỉ bằng những đòn đấm một-hai đơn giản bằng khiên aspis. Khiên được cầm bằng cách luồn cánh tay trái qua băng đeo ‘porpax’ trung tâm, nắm phần tay cầm làm bằng dây thừng ‘antilabe’ ở gần phía vành ngoài, do đó một nửa khiên nghiêng về phía trái, khiến cho người lính hoplite phải trông cậy vào chiếc khiên của người bên phải để che chắn nửa cơ thể còn lại. Trong đội hình chiến đấu phalanx của người Hy Lạp, không cho phép chiến đấu bằng hành động chém ngang khi sử dụng kiếm; một thứ gì đó với lực đẩy mạnh mẽ sẽ phù hợp hơn. Bởi vậy mỗi chiến binh Sparta được trang bị một ngọn giáo ‘dory’ mạnh mẽ, với mũi giáo được rèn bằng sắt, cùng với nó là một đuôi giáo có mũi nhọn, làm đối trọng với mũi giáo, cả hai thứ được lắp vào cán gỗ dài từ 2 – 2,5m. Mũi giáo to và nặng của dory cung cấp một lực xuyên phá khủng khiếp qua giáp trụ và da thịt đối phương, còn đuôi giáo cũng có khá nhiều công dụng như việc các chiến binh Sparta có thể tạm dùng nó để chiến đấu khi mũi giáo bị gãy, hoặc có thể cắm nó xuống đất để tạo nên hàng rào chống kị binh đối phương hay dùng nó để kết liễu nhanh gọn bất kì đối thủ bị thương nào đang nằm dưới chân mà không cần phải xoay mũi giáo lại. Cuối cùng, mỗi chiến binh Sparta còn được trang bị một đoản đao ‘kopis’, với lưỡi chém cong và sống đao cùng phần lồi của cạnh sắc được thiết kế để thuận tiện cho việc xả đao từ trên xuống. Nhưng hiếm khi đối thủ phá được phương trận chiến đấu của người Sparta và chém gãy giáo để ép được một chiến binh Sparta dùng đến vũ khí cuối cùng này.
Đêm trước trận đánh, thiên nhiên đã đổ xuống đầu quân Ba Tư một trận bão kinh hồn táng đởm, mà người Hy Lạp cho là do thần linh bằng lòng tước sự kiêu hãnh của hoàng đế Xerxes, kẻ chỉ là một người phàm mà dám đòi làm chủ cả hai châu lục. Sấm dội vang trời, biển gào sóng thét, sáng ra, làm tan tành hơn 400 thuyền trieres của hạm đội Ba Tư neo đậu tại Sepias, nhưng đạo quân bộ, thì vẫn không hề hấn gì.
Trận Thermopylae diễn ra vào khoảng tháng 8 năm 480BC, và là một cú sốc với toàn thể quân đội Ba Tư. Những chiến binh Sparta võ nghệ siêu quần do được liên tục trui rèn từ thuở bé, lại thêm tinh thần quyết tử, đã chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy rằng trên thế gian này, ‘người thì nhiều mà nam tử thì ít’. Sự dửng dưng trước kẻ thù do tự tin hoàn toàn vào năng lực chiến đấu của bản thân của người Sparta được thể hiện rõ nhất khi Dienekes, một trong 300 chiến binh, được một người Trakis trước trận đánh cho hay rằng khi quân Ba Tư bắn tên, chúng sẽ làm che khuất cả ánh mặt trời, Dienekes đã không hề lo ngại trước chuyện này, mà lại coi thường quân số Ba Tư. Ông nói rằng vị khách Trakis đã mang đến tin tốt lành, vì nếu quả thực tên của người Ba Tư có thể che khuất cả mặt trời, thì người Sparta sẽ được chiến đấu trong bóng râm, thế thôi.
Leonidas chia toàn quân ra làm hai tốp chiến đấu luân phiên. Phương trận hoàn hảo của quân Hy Lạp đã liên tục đẩy lùi tất cả các đợt xung phong của bộ binh và kỵ binh Ba Tư, kể cả đội quân thiện chiến nhất là ‘Bất tử quân’. Các chiến binh Sparta tung hoành giữa trận tiền như sư tử lao vào giữa bầy cáo. Ngày qua ngày, thịt xương vung vãi máu me ngập ngụa cùng hàng đống xác quân lính Ba Tư và các đồng minh chất cao mãi trước quan ải Thermopylae. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, tên Hy lạp phản bội là Ephialtes đã tiết lộ cho Xerxes còn đường mòn vòng qua hẻm núi Thermopylae. Leonidas biết cứ điểm không thể trụ vững được nữa, đã ra lệnh cho các đồng minh rút lui, để ông và những người Sparta chặn hậu. Toàn quân Sparta đã hi sinh anh dũng, chỉ trừ Aristodemos được giao về báo tin là sống sót, và anh sẽ là người hùng chói sáng của trận đánh quyết định ở Plataea diễn ra vào năm sau.
Kết quả trận Thermopylae, trước sau đã có 20.000 quân Ba Tư ngã gục, tức là trung bình cứ một mạng Sparta đổi 70 mạng Ba Tư. Ta hoàn toàn có thể thông cảm cho sự run sợ của hoàng đế Xerxes khi ông được biết, trên đường tới Sparta, quân Ba Tư còn phải vượt qua một nút thắt cổ chai khác là eo đất Corinth, cửa ngỏ bắt buộc phải đi qua nếu muốn vào bán đảo Peloponnese, mà chờ đợi ông ở đó, sẽ có ít nhất là 8000 chiến binh Sparta sát khí ngút trời!
Về trận hải chiến Artemisium, hải đội Hy Lạp dưới sự chỉ huy tài tình của Themistocles đã giao chiến 3 trận với hạm đội Ba Tư đông hơn gấp ba lần, tiêu diệt được 15 chiến thuyền địch, và xoay xở rút lui thành công với hầu như đầy đủ quân số. Trong khi đó, hạm đội Ba Tư đuổi theo lại bị một trận bão tại Aphetai đánh đắm hơn 200 chiến thuyền trieres. Những trận chiến diễn ra tại Artemisium với hạm đội Ba Tư đã không quyết định kết quả sau cùng của chiến tranh, nhưng kinh nghiệm có được từ chúng là vô giá với người Hy Lạp. Họ đã học hỏi được từ chính hành động đương đầu với hiểm nguy của mình rằng người giỏi đánh giáp lá cà và quyết tâm chiến đấu thì không sợ gì hết, từ số lượng thuyền, hình đầu người trang trí lòe loẹt ở mũi thuyền, tiếng hò reo khoác lác, đến những bài ca xung trận man rợ. Họ đơn giản là phải tỏ vẻ khinh miệt mấy chiêu trò gây rối trí đó, đương đầu trực diện với kẻ thù và chiến đấu đến cùng.
5.GIỮA MUÔN TRÙNG VÂY
Hải đội Hy Lạp rút lui về đảo Salamis, tại đó, họ được tăng cường thêm một số chiến thuyền từ Laconia, Aegina, Megara, Khalkis… Tổng số chiến thuyền trieres của Hy Lạp là 380, trong đó phần đóng góp của Athens là 180 chiếc. Quyền chỉ huy hạm đội vẫn thuộc về Eurybiades, người Sparta. Về phía Ba Tư, sau hai trận bão tại Sepias và Aphetai, cùng với thiệt hại trong trận Artemisium, hạm đội của họ giảm từ 1327 xuống còn khoảng hơn 700 chiến thuyền trieres, cộng thêm khoảng 2000 thuyền pentekonteroi.
Sau khi vượt qua Thermopylae, hoàng đế Xerxes đưa quân vào Phocis, đi đến đâu đốt phá đến đấy, kể cả ngôi đền Delphi linh thiêng cũng bị tấn công, nhưng người Hy Lạp vẫn án binh bất động. Sự thật là người Athens đã hối thúc họ gắng sức phòng thủ ở Boeotia và giữ lấy vùng Attica, như chính họ đã ra biển chiến đấu tại Artemisium để bảo vệ toàn cõi Hy Lạp, nhưng không ai chịu nghe họ, thay vì vậy, những đồng minh còn lại đã từ chối nhích nhân khỏi bán đảo Peloponnese. Họ nóng lòng muốn tập trung tất cả lực lượng về phía tây eo đất Corinth và bắt đầu xây dựng một bức trường thành chắn ngang Eo đất. Quả là cay đắng muôn phần cho người Athens, như lời Thánh vịnh gia trong Kinh Thánh đã nói: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!”
Người Athens tức giận vì sự phản bội này, đồng thời cảm thấy thất vọng và buồn chán vì bị bỏ mặc cho số phận. Họ không thể nghiêm túc nghĩ tới việc giao chiến với một đạo quân hùng hậu đến thế, nhưng bấy giờ sự lựa chọn duy nhất còn lại với họ có vẻ rất khó chấp nhận, đó là từ bỏ thành phố và phó thác sự tồn vong của mình cho hải đội. Đa số cảm thấy họ không muốn chiến thắng với cái giá này, và rằng sự an toàn vô nghĩa với họ nếu nó đòi hỏi họ phải bỏ lại những đền thờ và mộ phần tổ tiên cho quân thù.
Khi đó, chính Cimon, người hùng của Hy Lạp trong những năm tháng phản công về sau, đã là người đầu tiên nêu gương trước công chúng. Ông đã vui vẻ dẫn đầu một đoàn quân lên tới Acropolis, tay cầm dây cương ngựa dâng lên nữ thần Athena, là dấu hiệu rằng điều mà thành phố cần vào lúc ấy không phải là lòng quả cảm mã thượng, mà là nhân lực để chiến đấu trên những hải đội. Sau khi dâng sợi dây cương, ông lấy một trong những tấm khiên đang treo quanh đền, thốt lên lời cầu nguyện với nữ thần, đoạn đi xuống biển, và nhờ hành động này mà nhiều đồng hương của ông bắt đầu lấy lại được khí thế.
Trước đó một thời gian, từ miệng nữ tư tế Pythia tại Delphi có tên là Aristonike, người Athens đã được nghe lời sấm truyền như sau:
“Pallas không thể xoa dịu Zeus Olimpios
dù nàng khẩn cầu thần bằng vô vàn lời lẽ và sự xảo quyệt
Nhưng ta sẽ nói cho các ngươi tin này, chắc cú:
Khi tất cả đã bị tướt đoạt trong biên giới của Kekrops,
và tất cả những gì Kithairon linh thiêng chở che,
lúc đó Zeus theo lời khẩn cần của Athena sẽ
ban cho các ngươi và con cái
bức tường gỗ để chống đỡ.
Chớ lặng lẽ đợi bầy ngựa và bộ binh
mà hãy quay lưng về kẻ thù mà triệt thoái,
sẽ đến ngày các ngươi gặp hắn trong trận chiến.
Hỡi Salamis thần thánh,
ngươi sẽ khiến con trai của những người phụ nữ phải chết,
khi hạt được gieo hoặc vụ mùa được thu hoạch.
Sau ba tháng kể từ khi vượt eo Hellespont, vào giữa tháng 9 năm 480BC, quân Ba Tư đến được Attica. Cả đồng bằng tràn ngập những quân đoàn của tất cả những dân tộc xa xôi đến từ những vùng đất cùng tận châu Á theo bước chân hoàng đế Xerxes tiến vào Athens. Quân Ba Tư chiếm khu vực hạ thành lúc đó đã đã bị bỏ trống, rồi sau khi tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng, đã châm lửa đốt trụi thượng thành ‘Acropolis’.
Tuy hoàng đế Xerxes khoái trá về chiến thắng đạt được trước mắt, nhưng tình cảnh của quân Ba Tư thực sự khá là khó khăn. Họ chỉ chiếm được một ngôi thành trống rỗng, trong khi những bất lợi về thời tiết đang ngày một lớn hơn với bước chân mùa đông Hy Lạp đang đến gần, mà chỉ với những cơn bão đầu mùa, nó đã đánh chìm gần 1/3 hải đội của Ba Tư. Đó là một dạng tình cảnh tiến thoái lưỡng nan mà đội quân Mông Cổ sau này cũng gặp phải ở Thăng Long vườn không nhà trống với khí hậu phương nam nóng bức năm 1285 và Naloleon cũng phải nếm trải ở một Moscow cháy trụi trong mùa đông khủng khiếp năm 1812. Thế nhưng, ở phía ngược lại, toàn quân Hy Lạp cũng đang lâm vào tình cảnh cực kì khó khăn và bi đát, với những mâu thuẫn về chiến lược và quyền lợi của mỗi thành bang như đang muốn xé nát cái liên minh đã chiến đấu rất kiên cường này.
6.TÌNH THẾ CHIẾN LƯỢC TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA QUÂN HY LẠP
Vào buổi chiều ngày 22 tháng 9 đó, các chỉ huy tới từ các thành bang đã tập hợp đông đủ tại Salamis, dưới sự chủ trì của Eurybiades, để bàn luận xem trước mắt sẽ thực hiện chiến lược nào để đối phó với đại quân Ba Tư. Quan điểm mà đa số những người lên tiếng đưa ra đều cho rằng họ nên dong buồm tới Eo đất và đánh một trận hải chiến ở đó để bảo vệ Peloponnese. Những người này lập luận rằng, giả sử họ cứ ở Salamis, nếu họ bị đánh bại trong trận hải chiến, khi đó họ sẽ bị phong tỏa trong một hòn đảo, nơi không có cứu viện nào có thể đến với họ, nhưng tại Eo đất, họ có thể lên bờ ở nơi có sẵn quân của mình.
Chính ngay lúc đó, khi người Hy Lạp nhận được tin báo về những gì xảy đến với Acropolis của người Athens, họ đã bị chấn động mạnh tới mức một số chỉ huy thậm chí không đợi đến khi cuộc họp nhất trí mà đã bắt đầu hốt hoảng tới chỗ thuyền của họ kéo buồm lên nhằm nhanh chóng rời đi. Và những người còn bình tĩnh ở lại cuối cùng cũng quyết định sẽ chiến đấu trên biển để bảo vệ Eo đất. Vậy là khi đêm xuống, các chỉ huy của hạm đội quay về chiến thuyền của họ sau khi cuộc họp giải tán.
Khi Themistocles lên thuyền của ông, Mnesiphilos, một người Athens, đã hỏi ông xem các tướng lĩnh quyết định ra sao. Sau khi được ông cho hay là hội đồng đã quyết định đưa các chiến thuyền tới Eo đất và đánh một trận trên biển để bảo vệ Peloponnese, Mnesiphilos liền nói:
-“Không thể thế được! Nếu họ di chuyển hạm đội khỏi Salamis, ngài sẽ không còn chiến đấu vì một vùng đất. Mọi người ai sẽ quay về bản quán người nấy, và Eurybiades hay bất cứ kẻ nào khác cũng không thể ngăn lực lượng của ta tan rã. Quay về ngay đi và làm hết sức ngài để đảo ngược quyết định!”
Themistocles thấy bản thân lời khuyên này rất có lý, và không hề chậm trễ, ông liền đi tới thuyền của Eurybiades, và thuyết phục Eurybiades cho tập hợp các chỉ huy để họp lại lần thứ hai. Đứng trước đại hội đồng, Themistocles đã đưa ra những lập luận như sau:
-“Lúc này, các ngài đang nắm trong tay sức mạnh để cứu Hy Lạp, nếu các ngài không làm theo lời khuyên của một số người ở đây thúc giục các ngài đưa thuyền đến Eo đất, đồng thời làm theo lời khuyên của tôi, đó là ở lại đây và đánh một trận hải chiến. Nếu các ngài giao chiến tại Eo đất, các ngài sẽ phải chiến đấu ngoài biển khơi mở rộng, điều kiện không hề thuận lợi, bởi chúng ta có các chiến thuyền nặng nề hơn và số lượng ít hơn so với chiến thuyền kẻ thù. Thứ đến, khi các ngài bỏ mặc Salamis, Megara và Aegina bị hủy diệt, thậm chí nếu chúng ta có thắng trận hải chiến ở Eo đất như các ngài dự tính, chúng ta vẫn gặp phải nguy hiểm, bởi cùng với hạm đội Ba Tư, đạo quân bộ cũng sẽ tiến lên, và như thế chính các ngài sẽ đưa chúng đến Peloponnese và gây nguy hiểm cho thân quyến các ngài. Chính bằng cách ở lại đây, các ngài cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ Peloponnese nhiều như khi trận chiến diễn ra tại Eo đất, và nếu các ngài khôn ngoan, các ngài sẽ không dẫn kẻ thù về Peloponnese.”
Khi Themistocles nói như vậy, Adeimantos người Corinth phản đối ông kịch liệt, nói rằng hội đồng không thể đưa ra biểu quyết dựa trên ý kiến của một người là công dân của chẳng một thành phố nào, một sự phản đối phải nói là rất cay độc. Themistocles đáp lại rằng:
-“Đúng đấy, anh bạn tội nghiệp, rằng chúng tôi đã từ bỏ nhà cửa và các bức tường thành của mình, bởi lẽ chúng tôi lựa chọn không trở thành nô lệ. Nhưng thứ chúng tôi vẫn có là thành phố vĩ đại nhất trong toàn cõi Hy Lạp, và 200 chiến thuyền của chúng tôi giờ đây vẫn sẵn sàng bảo vệ các anh, nếu các anh vẫn muốn được chúng che chở. Nhưng nếu các anh tháo chạy và phản bội chúng tôi, như các anh mới làm cách đây mấy ngày, thì người Hy Lạp sẽ sớm nghe tin rằng người Athens đã tìm thấy cho mình một thành phố tự do và một quê hương tươi đẹp khác không kém nơi mà họ đã phải bỏ đi.”
Khi nghe Themistocles nói bằng giọng điệu đó, Eurybiades sợ hãi trước ý tưởng người Athnes sẽ giương buồm bỏ đi, vì đằng nào họ cũng đã mất quê hương và đã ở trên thuyền sẵn rồi, mà nếu không còn hạm đội của Athens, lực lượng còn lại sẽ không thể đương đầu với quân thù, nên ông đã quyết định sẽ làm theo ý Themistocles. Vậy là các tướng lĩnh sau khi đã lời qua tiếng lại trong hai cuộc họp, tới sáng ngày 23 tháng 9, đã bắt tay vào chuẩn bị cho một trận hải chiến tại Salamis.
Rạng ngày 23, các đạo quân Hy Lạp chịu thần phục bao gồm người Malis, Doris, Lokros và Boeotia cùng các đảo dân Karytos, Andros và Tennos, đến hội quân với Ba Tư ở chân thành Athens. Theo Herodotus, sự bổ sung này tương đương với quân số Ba Tư thiệt mạng trong hai trận bão và hai trận Thermopylae và Artemisium. Xerxes mở một cuộc họp, tại đó, nữ hoàng Artemisia nêu ra ý kiến sau:
-“Nếu bệ hạ không vội vã thực hiện một trận hải chiến mà giữ chiến chuyền của bệ hạ ở yên trên bờ biển, bất cứ điều gì bệ hạ làm cũng sẽ dễ dàng thành công, vì người Hy Lạp không thể chống lại bệ hạ lâu hơn nữa, bởi theo thần được biết, họ không có lương thực dự trữ trên đảo này, mà nếu bệ hạ đưa đạo quân bộ tấn công Peloponnese, những người từ nơi đó tới tham gia vào hạm đội Hy Lạp khi ấy cũng sẽ khó lòng còn ở lại Salamis, bởi họ không hề bận tâm tới việc đánh một trận vì người Athens.”
Xerxes tán thưởng ý kiến của bà, nhưng vẫn làm theo ý kiến của số đông, là giao chiến với quân Hy Lạp ngay tại Salamis, vì nghĩ rằng tại trận Artemisium, các tướng lĩnh đã cố tình không nỗ lực bởi ông không đích thân hiện diện cùng họ, trong khi lúc này nhà vua đã sẵn sàng quan sát họ đánh một trận hải chiến quyết định.
Cũng khi đó, người Hy Lạp lâm vào cảnh sợ hãi mất tinh thần, nhất là những người hội quân từ Peloponnese. Những người này lo sợ, bởi lẽ khi ở lại Salamis, họ buộc phải chiến đấu vì lãnh thổ người Athnes, và nếu thua họ sẽ bị cắt đứt đường lui và phong tỏa trên một hòn đảo, bỏ lại lãnh thổ của họ không người bảo vệ.
Tối hôm ấy, quân đội Ba Tư bắt đầu tiến về Peloponnese. Tất cả các biện pháp nhằm khiến người Ba Tư không thể tiến về Peloponnese theo đường bộ trước đó đã được thực hiện. Ngay khi người Peloponnese hay tin Leonidas cũng như đội quân của ông đã tử trận tại Thermopylae, họ nhanh chóng tập hợp lại từ các thành phố và chiếm lĩnh vị trí tại Eo đất, và Kleombrotos, con trai Anaxandridas và là em trai Leonidas, được chọn làm chỉ huy lực lượng này. Đạo quân kể trên trấn giữ tại Eo đất đông tới hàng vạn người, đã phá hủy con đường Skinoris, rồi sau khi đã bàn bạc và cùng nhau đi đến quyết định, họ bắt đầu xây dựng một bước trường thành chạy ngang Eo đất. Đá, gạch, gỗ và những sọt đất được chuyển tới liên tục, những người tham gia làm việc không ngưng nghỉ bất kể ngày đêm.
Cùng thời gian đó, những người tham gia hạm đội ở Salamis cho dù được báo tin về việc xây dựng trường thành này vẫn rất lo lắng, họ trên hết không lo sợ cho bản thân mà lo sợ cho Peloponnese. Trong một thời gian binh sĩ bàn tán riêng với nhau về chuyện này, từ người này sang người khác, và họ băn khoăn về quyết định dường như là quá tệ hại của Eurybiades, và cuối cùng, sự lo lắng đã trở thành một biểu hiện phản đối công khai. Vậy là các tướng lĩnh buộc lòng phải tổ chức thêm một buổi họp thứ ba, được tổ chức vào tối ngày 23, một đêm quyết định vận mệnh toàn bán đảo Hy Lạp.
7.ĐÊM CỦA HÃI HÙNG, ĐÊM CỦA CHÍNH TRỰC
Trong cuộc họp đêm hôm ấy, rất nhiều lời qua tiếng lại được nói ra về những quan điểm tương tự như khi trước, cho rằng họ phải dong buồm tới Peloponnese và chấp nhận mạo hiểm để bảo vệ bán đảo chứ không nên ở lại và chiến đấu vì một vùng đất vốn đã bị quân thù chiếm đóng. Trong khi đó, người Athens, người Aegina và người Magara hối thúc họ phải ở lại Salamis để tự vệ. Khi mà đô đốc Themistocles cảm nhận ý kiến của mình sắp bị người Peloponnese đánh bại, bị dồn vào thế đường cùng, ông đã nghĩ ra một mưu kế rất mạo hiểm. Đô đốc Themistocles bí mật rời khỏi cuộc họp, phái một người tên là Sikinnos tới trại quân Ba Tư gặp hoàng đế Xerxes để truyền thông điệp sau đây:
-“Chỉ huy Athens là Đô đốc Themistocles cử riêng tôi tới đây trong khi những người khác không hề biết để báo với ngài rằng những người Hy Lạp đang toán tính tháo chạy sau khi rơi vào tình trạng hoảng loạn. Vào lúc này đây các ngài có thể lập được một chiến công cao cả nếu các ngài không cho phép họ chạy thoát đi, bởi họ đang không nhất trí với nhau và sẽ không giao chiến với các ngài, mà các ngài sẽ thấy họ giao chiến với nhau trên biển, những người muốn ngã theo phía các ngài chống lại những người không đồng ý.”
Hoàng đế Xerxes rất hài lòng với tin tức mà ông ta tin là đã được gửi cho mình với tất cả thiện ý, bèn hạ lệnh cho các tướng lĩnh Ba Tư mau chóng cho cánh tây hạm đội của mình ra khơi thẳng tiến về Salamis, đồng thời cho các hải đội đóng ở Keos và Kynosoura cũng đưa thuyền ra biển. Hai cánh quân này khép chặt vòng vây hạm đội Hy Lạp trên Salamis. Họ vội vã ra đi và thực hiện tất cả những việc này trong thinh lặng để kẻ thù không thể biết được. Họ chuẩn bị như thế cả đêm mà không hề ngủ.
Trong khi đó, các tướng lĩnh Hy Lạp vẫn tranh cãi với nhau gay gắt, đinh ninh rằng hạm đội địch còn đang ở nguyên nơi họ đã thấy chúng neo đậu ban ngày, mà không hề hay biết rằng người Ba Tư đang hợp vây họ. Quả thực, Themistocles đã đi một nước cờ khôn khéo để có thể ép các đồng minh chấp nhận chiến đấu ngay tại Salamis, nơi ông phán đoán sẽ có một chiến thắng quyết định cho Hy Lạp, chỉ là, ông đã không tính tới phản ứng cấp kỳ đến kinh người của quân Ba Tư.
Chính vào lúc đó, quan án Aristides đã táo bạo vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc của hải quân Ba Tư, đi thuyền tới Salamis. Ông đến nơi họp của hội đồng tướng lĩnh, gọi riêng đô đốc Themistocles, người không phải là bạn mà là một kẻ thù không đội trời chung với ông, nhưng vì mức độ nghiêm trọng của hiểm họa trước mắt, ông đã quên đi hận thù cá nhân mình, và đã nói với đô đốc Themistocles những lời sau đây:
-“Hai chúng ta, nếu còn chút lương tri, phải dừng lại mối cừu hận đã quá lâu này. Từ nay chúng ta phải bắt đầu một cuộc tranh đấu có phẩm giá hơn, là tìm cách cứu lấy xứ sở chúng ta, với ông làm chỉ huy và tôi làm cố vấn cho ông. Tôi đã thấy ông là người duy nhất biết con đường nào tốt nhất cho dân ta, khi ông khăng khăng trụ lại đây và chiến đấu với quân thù. Vùng biển sau lưng và xung quanh chúng ta đang đầy rẫy những chiến thuyền của chúng, bởi vậy, ngay cả những ai không thích ý tưởng này thì giờ đây cũng không còn cách nào khác ngoài đem hết can đảm ra mà chiến đấu.”
Đô đốc Themistocles, choáng váng với động thái điều quân thần tốc của quân Ba Tư bao nhiêu thì cũng kinh ngạc bấy nhiêu trước sự chính trực của quan án Aristides khi bất chấp nguy hiểm đến báo tin, đã đáp lại bằng những lời như sau:
-“Tôi không thích cái suy nghĩ bị ông vượt mặt, Aristides ạ, nhưng tôi khâm phục cách hành xử ông vừa nêu ra cho tôi, tôi sẽ cố noi theo để làm tốt hơn thế nữa trong tương lai. Ông đã đưa ra lời khuyên rất hay, và tin tức ông mang lại cũng rất quan trọng. Ông đã đến đây sau khi thấy tận mắt điều tôi mong muốn xảy ra, vì tôi báo cho ông biết là những gì quân Ba Tư làm là theo ý tôi, dù tôi không ngờ mọi việc lại xảy ra theo chiều hướng này. Vì ông đã mang tin tốt lành tới, vậy giờ đây, liệu rằng ông có thể giúp tôi báo tin này cho họ được không, bởi vì những việc làm quá khứ của tôi khiến cho lời nói của tôi mất đi phần nào trọng lượng trong tai của họ.”
Sự chính trực của quan án Aristides làm ta kinh ngạc bao nhiêu thì sự thẳng thắn của đô đốc Themistocles lại đáng để ta thán phục bấy nhiêu. Sự xung đột cá nhân giữa hai người này, không dính dáng mấy đến tranh đoạt vật chất, mà là một sự tranh đấu chính trị và tranh đua uy tín xã hội, có nguồn gốc từ sự đối nghịch của hai hệ giá trị trái ngược và hai tính cách xung khắc với nhau như nước với lửa. Cuộc xung đột đó, bàn rộng ra trong mọi trường hợp, nếu tiếp cận trên góc độ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, sẽ không thể hóa giải được, nhưng khi quê hương và dân tộc lâm nguy, thì cũng chính những con người ấy, nếu bên cạnh tài năng hơn người, giả như họ cũng có một tấm lòng hơn người, thì sự hòa giải và chung sức giữa họ sẽ là phúc lành cho quê hương và là tai họa vô phương chống đỡ cho quân thù. Athens xưa có Aristides và Themistocles, nước Triệu thời Chiến Quốc có hai vị tướng Liêm Pha và Lạn Tương Như, và nước Việt ta thời nhà Trần có hai vị thân vương Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải, là những ‘song hùng’ như thế.
Mọi ngày trong suốt cuộc đời ông, quan án Aristides đã thành tâm tìm kiếm và thực thi sự công chính với tất cả sức lực, trí lòng và tâm hồn ông. Con Đường ông chọn đi đó, chắc chắn đầy gian nguy và cạm bẫy, nhưng như lời hai sách Huấn Ca và Châm Ngôn trong Kinh Thánh, thì “Khát vọng của chính nhân ắt sẽ thành tựu, theo đuổi sự công chính rồi ra con sẽ đạt được, con sẽ mặc lấy nó như tấm áo huy hoàng.” Sự công chính của một người, tuy thường đem lại chống đối, khó khăn và bất lợi cho đời sống cá nhân của người đó, nhưng một đời sống công chính được sống bền bỉ bằng sự khiêm nhường và vững chí, về lâu về dài sẽ sinh hoa trái tốt đẹp cho chính người đó, và còn hơn thế nữa, sự công chính đó còn nâng đỡ cho cuộc sống của bao người xung quanh họ nữa. Hãy ngẫm xem, ta thấy việc thế giới này thường quý chuộng những điều chỉ sinh lợi cho bản thân, bất kể có gây hại cho ai không, mà theo lẽ thường, những việc bất chính rồi sẽ đưa thế giới này tới chỗ bất hòa, xung đột và diệt vong. Thế nhưng cho đến nay, thế giới vẫn tồn tại và phát triển, đó hẳn nhiên là một điều mâu thuẫn vĩ đại trong tâm trí những người có trí khôn. Nếu như mọi điều đang tồn tại đều là những điều hợp lý, thì cũng sẽ là hợp lý khi suy luận rằng cái thế giới với bề mặt đầy những con người với những hành động bất chính này có tồn tại được cho đến nay, đó là nhờ hoa trái của đời sống công chính trong thầm lặng của một số người! Những người đó, là Nelson Mandela, Mahatma Gandhi, thánh Francesco Assisi, thánh Ioannes Kim Khẩu…, và là chính Chúa Jesus.
Trở lại với câu chuyện, quan án Aristides bước vào và ngồi xuống nghe các tướng lĩnh luận bàn. Khi Cleocritus người Corinth nói với Themistocles rằng ngay cả Aristides cũng phản đối kế hoạch của ông ta, vì dù có mặt nhưng ông vẫn lặng im không nói gì, Aristides lập tức đáp rằng ông hẳn đã lên tiếng nếu ông không tin chắc rằng Themistocles đã đưa ra lời khuyên sáng suốt nhất, ông im lặng không vì bất kỳ ác ý nào với Themistocles, mà vì ông tin rằng kế hoạch của ông ấy đã là tốt nhất. Vậy là Aritides ra trước mặt các tướng lĩnh và báo tin cho họ, rằng ông từ Aegina tới, và phải rất khó khăn mới thoát khỏi bị các chiến thuyền đang phong tỏa họ phát hiện, bởi toàn bộ thủy trại của người Hy Lạp đã bị các chiến thuyền của Xerxes bao vây, và ông thúc giục họ hãy sẵn sàng để tự vệ. Trong lúc các tướng lĩnh còn đang nghi ngờ, có một chiến thuyền với thủy thủ đoàn người Tenos do Panaitios chỉ huy, đào ngũ khỏi phía Ba Tư, vừa trờ tới. Người Hy Lạp, không còn nghi ngờ gì trước hiện thực ớn lạnh trước mắt, hối hả bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho trận huyết chiến vào lúc rạng đông.
8.HẢI CHIẾN SALAMIS, GẦM VANG KHÚC KHẢI HOÀN
Xét về tương quan lực lượng, mọi chuyện đã xoay chuyển theo hướng có lợi cho Hy Lạp. Từ tỉ lệ một chọi năm khi chiến tranh chưa khai mào, tức 271 chiến thuyền Hy Lạp đương đầu với hạm đội chỉ tính riêng số thuyền trieres là 1327 chiến thuyền của hải quân Ba Tư, sau hai trận bão và một trận hải chiến (tại Sepias quân Ba Tư mất 400 chiếc, tại Aphetai mất 200 chiếc, và trong trận Artemisium mất 15 chiếc), hạm đội Ba Tư còn khoảng hơn 700 chiến thuyền trieres, trong khi số chiến thuyền của quân Hy lạp bước vào trận Salamis, sau khi được bổ sung, là 380 trieres, tức là tỉ lệ bây giờ là bốn chọi bảy, dù rằng cũng không thể không tính tới lực lượng những chiến thuyền nhỏ pentekonteroi của người Ba Tư.
Cũng phải nói cho rõ rằng là chiến thuyền trieres của người Hy Lạp thực sự là loại hiện đại nhất thời bấy giờ. Nó có mớn nước nông, dài chừng 35m và rộng khoảng 6m. Phu chèo trên thuyền đều là công dân tự do, cả thảy là 170 người, ngồi thành ba tầng khác nhau, đây chính là nguồn gốc cái tên trieres của loại thuyền này. Phu tầng trên cùng gọi là thranite (62 người), tầng giữa là zygian (54 người), tầng dưới là thalamian (54 người). Thủy thủ đoàn độ 30 người gồm các cung thủ và lính bộ đánh thủy. Thuyền chạy bằng buồm nhưng khi ra trận cần tăng tốc cuốn buồm và dựa vào sức chèo. Một chiến thuyền trung bình có vận tốc vào khoảng tám hải lý/giờ khi chèo, với đường kính quay trở bằng khoảng hai lần chiều dài thân thuyền. Phần ngoài cùng của mũi thuyền là mũi nhọn bọc bằng đồng nặng khoảng 200kg dùng để công phá thuyền địch. Nếu có người cầm lái giỏi và thủy thủ đoàn ăn ý, nó có thể đâm thủng khiến thuyền địch chìm rồi lùi lại. Ngược lại thuyền của người Hy Lạp dù có bị đục lỗ cũng thường không chìm vì phần thân của nó được làm bằng những loại gỗ nổi tốt như thông, dương hay linh sam. Trong hàng ngũ Hy Lạp, đông nhất là các chiến thuyền của Athens, tiếp sau là người Aigina, những đồng minh còn lại không ai có đóng góp tương xứng như hai thành bang này.
Về yếu tố tinh thần, quân Ba Tư phải chiến đấu dưới sự chứng kiến với giá trị không hẳn là tích cực của vị hoàng đế ngông cuồng và tàn bạo là Xerxes, còn về Hy Lạp, người Athens đã không còn gì để mất, và đồng minh của họ, người Peloponnese, thì đã bị dồn vào bước đường cùng. Cứ hỏi người nước Triệu và họ sẽ nói cho bạn nghe quân Hán đã làm gì khi Hàn Tín đặt quân lính của mình chiến đấu trong cái thế ‘bối thủy’ trong trận Tỉnh Hình năm 204BC, cứ hỏi Đại đoàn Sáu Quốc Xã và họ sẽ nói cho bạn nghe Tập đoàn quân 62 Liên Xô của Chuikov đã chiến đấu thế nào khi bị đẩy xuống mép sông Volga vào mùa đông Stalingrad năm 1942. Tử địa, lại chính là nơi mà chiến khí phát tiết dữ dội nhất.
Herodotus, khi nói về trận hải chiến Salamis, đã nhận xét như sau: “Nếu người Athens đã hoảng sợ trước mối đe dọa và rời bỏ lãnh thổ của họ, hoặc nữa, nếu họ không rời bỏ lãnh thổ của mình mà ở lại và đầu hàng Xerxes, hẳn đã không có ai thử có hành động nào chống lại nhà vua trên biển. Và nếu không ai đối địch với Xerxes trên biển, hẳn trên bộ đã diễn ra những biến cố như sau: Cho dù người Peloponnesen đã dựng lên trường thành chạy ngang Eo đất, người Sparta hẳn sẽ bị các đông minh của họ bỏ rơi, không phải một cách tự nguyện mà vì cần thiết phải làm như thế, vì những tộc người này chắc hẳn đã bị chinh phục lần lượt từng thành phố một bởi hạm đội của kẻ thù, và như thế người Sparta sẽ chỉ còn cô độc một mình họ. Và sau khi chỉ còn cô độc và đã thể hiện những chiến công dũng cảm lớn lao, chắc hẳn họ đã đón nhận cái chết một cách cao cả. Hoặc họ phải chịu số phận như vậy, hoặc trước đó, khi thấy rằng các thành bang Hy Lạp khác cũng đã ngã sang phía người Ba Tư, họ có thể đã thu xếp một thỏa hiệp với Xerxes, và như thế trong cả hai trường hợp Hy Lạp cũng đều nằm dưới quyền cai trị của người Ba Tư, vì tôi không thể thấy được bất cứ hiệu quả khả dĩ nào từ trường thành đắp ngang qua Eo đất, một khi người Ba Tư đã làm chủ hoàn toàn biển khơi.” Nhà chiến lược hải quân Alfred Thayer Mahan chắc chắn thích điều này! Một điểm mấu chốt nữa trong trận chiến này được các sử gia ghi nhận là do địa thế chật hẹp đặc thù của vùng biển xảy ra trận hải chiến Salamis, quân Ba Tư đã không thể tung ra một lúc tất cả lực lượng của họ vào trận chiến để cụ thể hóa ưu thế về số lượng, và thủy binh Hy Lạp đã lần lượt đánh bại từng phần cái hạm đội vốn là nỗi kinh hoàng bấy lâu nay của họ.
Trời rạng sáng, từ trong sương mù Địa Trung Hải hiện ra hàng hàng lớp lớp chiến thuyền của hai hạm đội Hy Lạp và Ba Tư, đó là ngày 24 tháng 9 năm 480BC… Themistocles phát biểu trước họ một bài diễn văn hùng hồn về những điều tốt đẹp hơn so sánh với những điều tồi tệ khi chiến bại trước người Ba Tư rồi sau đó ra lệnh cho họ lên thuyền. Lúc người Hy Lạp cho tất cả chiến thuyền của họ ra khơi thì ở bờ đối diện, người Ba Tư cũng xuất kích đánh thẳng vào hàng ngũ họ.
Người Hy Lạp nao núng trước số lượng áo đảo của hạm đội địch đã bắt đầu lui thuyền và có vẻ sắp lên lại bờ tới nơi, nhưng Ameinias, một thuyền trưởng người Athens lại tiến tới trên chiến thuyền của mình và tấn công một thuyền địch. Khi thuyền của ông bị kẹt giữa trận chiến và thủy thủ đoàn không thể thoát đi, những chiến thuyền khác liền xông vào trợ chiến. Dàn trận đối diện với người Athens là người Phenicia, họ giữ cực tây của đường hướng về Eleusis, còn đối diện với người Sparta là người Ionia, họ giữ hướng cực đông hướng về Piraeus. Trong khi người Hy Lạp chiến đấu thành đội hình trật tự trong hàng ngũ của họ, người Ba Tư không thể bốn trí thành đội hình hay thực hiện bất cứ điều gì có chủ định rõ ràng là kết quả ít nhiều sẽ phải đến như trên thực tế đã diễn ra.
Tên bay vun vút rợp trời. Eo biển rùng mình vì tiếng reo hò xung trận của gần nửa triệu binh sĩ quyết tử chiến. Các chiến thuyền xoay trở khá khó khăn trong eo biển chật hẹp, và khi hai chiến thuyền lướt qua nhau, binh sĩ nhảy qua thuyền đối phương chém giết, khắp nơi phơi đầy cảnh đầu rơi máu chảy. Những chiến thuyền ba tầng khổng lồ của hải quân Hy Lạp khéo léo xoay trở rồi lao thẳng vào thuyền địch khiến nó chìm xuống biển khơi Salamis đang sôi sục và đỏ ngầu những máu tanh. Trong trận hải chiến Salamis ngày hôm đó, tướng Ariabignes, em trai của Xerxes đã tử trận và cũng tử trận tại đây còn có rất nhiều người danh tiếng của hàng ngũ Ba Tư và Media cùng các chư hầu. Về phần người Hy Lạp, họ tổn thất rất ít vì họ biết bơi, bởi thế những người có chiến thuyền bị phá hủy và không bị giết chết trong cận chiến đều bơi về Salamis, còn phía Ba Tư một số lớn chết trên biển vì không biết bơi.
Và khi những chiến thuyền hàng đầu tiên quay lại để tháo chạy là lúc tổn thất của họ lớn nhất, bởi những người được bố trí phía sau trong khi tìm cách tiến lên tiền tuyến với thuyền của họ nhằm giành lấy ít nhiều chiến công trước mắt hoàng đế đã đâm vào chính các chiến thuyền cùng bên với họ khi những chiến thuyền này tháo chạy. Vì bất cứ khi nào Xerxes nhìn thấy bất cứ ai bên phía quân mình có một chiến công hay có một dấu hiệu hèn nhát nào trong hải chiến, hoàng đế lại hỏi xem người thực hiện chiến công là ai, và các thư lại ghi chú lại tên thuyền trưởng của chiến thuyền cùng tên cha của vị thuyền trưởng và bản quán của người ấy. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử đã viết rằng “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên”, nghĩa là ‘trị nước lớn giống như kho một nồi cá nhỏ’, mà ta đã biết, kho cá nhỏ,càng năng khuấy đũa, thì cá nát nhừ ra. Đó chính là hành động dại dột mà Xerxes đã thực hiện.
Trong khi hải đội Ba Tư quay thuyền tháo chạy và đang dong buồm về phía Phaleron để cố gắng về dưới sự yểm trợ của đạo quân bộ, người Aigina phục sẳn họ ở eo biển và thể hiện những chiến công đáng nhớ. Vì trong khi những người Athens tung hoành tại trung tâm trận hải chiến tiêu diệt những chiến thuyền chống cự lẫn những chiếc đang tìm cách tháo chạy, thì người Aigina phá hủy những thuyền địch đã rời đi. Bất cứ chiến thuyền địch nào thoát khỏi tay người Athens đều rơi vào tay người Aigina. Còn quan án Aristides thì dẫn theo mình một số hoplite người Athens vốn trước đó được bố trí dọc theo bờ biển ở Salamis, ông cùng họ đổ đổ bộ lên hòn đảo nhỏ Psyttaleia nằm ở giữa eo biển nơi diễn ra trận hãi chiến, rồi cùng với những chiến binh này tiêu diệt tất cả những quân Ba Tư bị đắm tàu vừa leo được lên bờ.
Tổn thất của hải quân Hy Lạp trong trận hải chiến Salamis là vào khoảng 40/380 chiến thuyền, còn phần lớn hạm đội của hải quân Ba Tư đã bị tiêu diệt. Một chiến thắng hoàn hảo!
9.MÂY ĐEN CUỐI TRỜI
Ngày hôm sau trận Salamis, Themistocles tung ra dao ngôn là sẽ cho thuyền đi phá hủy cây cầu qua eo Hellespont. Quá hoảng sợ trước viễn cảnh bị mắc kẹt lại Âu châu, Xerxes đã hèn nhát tháo chạy sau khi để lại một đạo quân cho tướng Mardonius chặn hậu. Rút lui về Thebais, Mardonius nuôi hi vọng đàm phán riêng rẽ với Athens, nhưng ý đồ đó của ông không thành công do lập trường cương quyết của Aristides. Mùa hè năm sau, với một chiến thắng áp đảo mang tính hủy diệt tại Plataea, người Hy Lạp đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng bá quyền của đế chế Ba Tư tại Tây Phương. Thế nhưng, sự lớn mạnh của Athens qua các cuộc phản công của Hy Lạp trước đế chế Ba Tư tại biển Aegean và bờ tây Anatolia đã khiến Sparta, minh chủ của liên minh chống Ba Tư, thực sự e ngại…
Mây đen đã vần vũ cuối trời!
Thư mục tham khảo
-Lịch Sử – Herodotus
-Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens – Plutarch
-Lịch sử chiến tranh Peloponnese – Thucydides
-Lịch sử chiến tranh – John Keegan
-Lịch sử văn minh Phương Tây – Mortimer Chamber
-Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện – Viện Smithsonian
-Lịch sử quân sự – Viện Smithsonian
-Luận về đại chiến lược – John Lewis Gaddis
-Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Robin Cross
-Biên niên sử các loại vũ khí – John O’Bryan
Pingback: cuộc khởi nghĩa Ionian — Tiền đề cho đại chiến Hy lạp- Ba tư | Nghiên Cứu Lịch Sử