Cuộc khởi nghĩa Ionian — Tiền đề cho đại chiến Hy lạp- Ba tư

map-PersianWar-p55

Jason Ho

Cuộc Khởi Nghĩa Ionian là một loạt các cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Tiểu Á vào đầu thế kỷ 5 trước Công Nguyên. Vào lúc này, toàn bộ vùng Tiểu Á đều nằm dưới quyền Đế chế Achaemenid. Vùng trung tâm của khu vực Bờ Tây được gọi là Ionia.

Người Ionian là người Hy Lạp định cư tại một phần Tiểu Á vào khoảng cuối thiên niên kỷ 2/đầu thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên. Vùng Ionia bị người Achaemenid chinh phục vào khoảng thế kỷ 6 trước Công Nguyên và trở thành một “satrapy” của Đế chế. (“Satrapy” là một tỉnh thuộc Đế chế Ba Tư cổ do một vị quan “satrap” cai trị)

Vào đầu thế kỷ 5 trước Công Nguyên, người Ioania nổi dậy chống lại sự cai trị của người Ba Tư. Dân khởi nghĩa nhận được sự hỗ trợ từ Athens và Eretria, nhưng không đủ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của người Hy Lạp đã làm cho Darius I, người cai trị Đế chế Achaemenid vào thời điểm đó, tức giận.

Một thời gian ngắn sau khi cuộc khởi nghĩa ở Tiểu Á bị dập tắt, Darius I xâm lược Hy Lạp. Do đó, cuộc Khởi Nghĩa Ionian được coi như là tiền đề cho Đại Chiến Hy Lạp-Ba Tư, kéo dài tới giữa thế kỷ 5 trước Công Nguyên.

CÁC HÌNH THỨC ĐỊNH CƯ CỦA NGƯỜI IONIAN

Vào khoảng thế kỷ 11 trước Công Nguyên, các bộ tộc Ionian rời khỏi quê hương Hy Lạp và định cư tại khu vực Bờ Tây của Tiểu Á. Tuy nhiên, tộc người Ionian không phải là những người duy nhất định cư tại đây, mà còn có người Aeolian và người Dorian. Người Ionian định cư tại khu vực nằm giữa Vịnh Smyrna (ngày nay là Izmir) và Vịnh Mandalya (ngày nay là Vịnh Güllük).

Đặc biệt là, tại đây có vô số khu định cư nhỏ lẻ của người Ionian. Tới thế kỷ 8 trước Công Nguyên, người Ionian tiến hành định cư dọc theo đường bờ biển, và tự tổ chức thành 12 thành bang lớn — Phocaea, Erythrae, Clazomenae, Teos, Lebedus, Colophon, Ephesus, Priene, Myus, Miletus, Chios, và Samos.

10 thành bang đầu tọa lạc tại lục địa, trong khi 2 thành bang cuối là các hòn đảo. Các thành bang của người Ionian độc lập với nhau. Tuy nhiên, vì họ có chung một nền tảng văn hóa, người Ionian chung sức thành lập Panionium, khu thánh địa riêng biệt thờ phụng thần Poseidon Helikonios, như là một nơi để họ có thể gặp gỡ nhau.

Người Ionian có phần đóng góp rất quan trọng cho nền văn minh Hy Lạp, là một trong những cái nôi của triết học và khoa học Hy Lạp. Thành Miletus của người Ionian được coi là nơi khai sanh ra triết học phương Tây, do đây là quê hương của triết gia đầu tiên, Thales.

Thales, Anaximander (học trò của Thales), và Anaximenes (học trò của Anaximander) cùng thành lập trường Milesian, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 7 trước Công Nguyên. Các triết gia còn lại ở khu vực Ionia có thể kể tới như là Xenophanes xứ Colophon, Pythagoras xứ Samos, và Heraclitus xứ Epherus.

Ngoài việc là trung tâm học thuật, khu vực Ionia còn là một trung tâm thương mại phát triển. Vào thế kỷ 6 trước Công Nguyên, thành bang Miletus và Phocaea xác lập thuộc địa khu vực dọc theo bờ biển Hắc Hải, cũng như dọc theo bờ biển Địa Trung Hải khu vực Pháp và Tây Ban Nha. Nhờ thương mại nên các thành bang của người Ionian rất thạnh vượng.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGƯỜI IONIAN

Công cuộc mở rộng lãnh thổ ra các vùng đất ở hải ngoại của người Ionian không chỉ được thúc đẩy bởi tham vọng thương mại mà mà được thực hiện khi cần kíp. Khi mở rộng các thành bang, thì cần nhiều đất đai hơn để hỗ trợ cho dân số ngày càng phát triển. Theo quy luật tự nhiên, người Ionian di chuyển tới các vùng đất xa hơn trong lục địa, điều này mang tới cho họ cuộc xung đột với vương quốc hùng mạnh Lydia.

Không may thay, các thành bang của người Ionian trong lục địa từng cái một rơi vào tay của người Lydia, và người Ionian bị chinh phục hoàn toàn dưới triều đại của Croesus. Tuy nhiên, người Lydia lại không thể chinh phục được các thành bang ngoài hải đảo, do yếu về lực lượng hải quân, và do đó buộc phải liên minh với họ.

Người Lydia cai trị khu vực Ionia không được lâu. Phía Tây của vương quốc Lydia là Đế chế Achaemenid đã đánh bại người Medes vào năm 550 trước Công Nguyên, và chuyển dời t mắt họ về phía Tây. Croesus quyết định đối phó vói mối họa này bằng cách đánh phủ đầu người Achaemenid.

Năm 547 trước Công Nguyên, ông xâm lược Cappadocia và một trận đánh bất phân thắng bại đã diễn ra tại Pteria. Croesus bị ép phải rút về thủ phủ Sardis, nhưng ông biết rằng ông đang bị truy đuổi bởi đội quân Ba Tư. Cuối cùng, Cyrus Đại Đế tấn công bất ngờ Croesus và chiếm đóng Sardis vào năm 546 trước Công Nguyên.

KHU VỰC IONIA TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA ĐẾ CHẾ ACHAEMENID

Thất bại của Croesus và sự sụp đổ của vương quốc Lydia dẫn tới việc Ionia giờ đây trở thành một phần của Đế chế Achaemenid. Hơn nữa, người Ionian tự thân họ không thể đưa ra bất kỳ sự phản kháng nào và đành chấp nhận lệ thuộc vào Đế chế Achaemenid.

Vài thập kỷ tiếp theo, Ionia bị cai trị như một “satrapy” của Đế chế Achaemenid và phải cống nạp hàng năm. Theo sử gia Herodotus, “Người Ionian, người Magnesia Châu Á, người Aeolian, người Carian, người Lycian, người Mylan, và người Pamphylian, đều phải cống nạp một khoảng…400 talent bạc”.

Không rõ là vì nguyên nhân gì đã dẫn tới Cuộc Khởi Nghĩa Ionian và nhiều giả thuyết được đặt ra. Một trong những lý do đó là người Ionian ngày càng bất mãn với cách cai trị của người Achaemenid, và họ không còn sẵn sàng cống nạp mức thuế mà áp lên đầu họ bao lâu nay.

Còn một lý do khác được đưa ra là bạo chúa thành Miletus, Aristagoras, muốn thoát khỏi sự trừng phạt của Artaphernes, “satrap” của Lydia, vì thất bại khi chinh phục Naxos. Năm 499 trước Công Nguyên, Aristagoras đón nhận một vài người định cư giàu có, những người bị đuổi khỏi Naxos bởi đồng hương của họ. Họ hy vọng được quay trở lại quê nhà nên ra sức giúp đỡ tên bạo chúa.

Aristagoras nhìn thấy cơ hội để chinh phục hòn đảo giàu có này. Đồng ý trợ giúp những người vượt biên, Aristagoras yêu cầu trợ giúp quân sự từ Artaphernes và nhận được hạm đội gồm 200 tàu chiến, dưới quyền chỉ huy của Megabates, họ hàng của Darius. Tuy nhiên, thay vì đi thẳng tới Naxos, các chỉ huy quyết định chuyển hướng tới Hellespont, với ý định tấn công Naxos một cách bất ngờ.

Hạm đội neo lại tại Chios 1 tháng, chờ đợi gió Bắc thổi họ về phương Nam. Trong thời gian này, Megabates đi kiểm tra các con tàu và phát hiện ra một thuyền trưởng lơ là nên đã ra lệnh trừng phạt. Aristagoras can thiệp, giải thoát cho người thuyền trưởng và nhắc nhở Megabates rằng ông chỉ là phó Đô đốc.

Kết quả là, mối quan hệ giữa hai người trở nên gay gắt. Megabates trả thù bằng cách phá hoại nhiệm vụ, gởi lời cảnh báo tới những người Naxian về cuộc xâm lược sắp tới.

Người Naxian chuẩn bị mọi sự cần thiết và do đó có thể cầm cự được cuộc bao vây kéo dài 4 tháng của Aristagoras. Cuối cùng, tên bạo chúa thành Miletus bị buộc phải hủy bỏ cuộc bao vây và người Naxian tiếp tục đóng quân tại các pháo đài quanh hòn đảo.

Khi quay lại quê nhà, Aristagoras sợ rằng, với chiến dịch chống lại người Naxian thất bại, ông sẽ bị Artaphernes trừng phạt. Cùng lúc đó, tên bạo chúa tiền nhiệm của thành Miletus, Histiaeus (đồng thời là chú của Aristagoras), gởi thư kêu gọi cháu mình nổi dậy.

MẦM MỐNG CỦA KHỞI NGHĨA

Theo sử gia Herodotus, Histiaeus xăm bức thư lên da đầu của một nô lệ, chờ cho tới khi tóc hắn mọc dài ra rồi gởi tới thành Miletus khi nhận được tên nô lệ, Aristagoras cho cạo đầu hắn để đọc bức mật thư.

Herodotus còn ghi lại rằng Histiaeus muốn một cuộc nổi dậy xảy ra ở Ionia bởi vì ông chán bị giữ lại ở Susa, thủ phủ của người Ba Tư, như một tù nhân. Histiaeus hy vọng rằng cuộc nổi dậy nổ ra ở Ionia, đặc biệt là thành Miletus, thì ông sẽ được gởi lại về đây.

Nhận được mật thư của Histiaeus, và cân nhắc về rắc rối của ông với người Achaemenid, Aristagoras triệu tập hội đồng những người ủng hộ ông và quyết định nổi dậy chống lại người Ba Tư. Một trong những người ủng hộ Aristagoras, là Hecataeus, khuyên ông đừng nên nổi dậy, vì người Ba Tư quá hùng mạnh. Khi không thuyết phục được Aristagoras, Hecataeus khuyên rằng không nên đối đầu với Darius trên lục địa, mà hãy cố gắng kiểm soát đại dương.

Hơn nữa, ông còn cố vấn rằng quân khởi nghĩa nên chiếm lấy thánh địa Branchidae trước, vì đây là nơi tất cả của cải của Croesus được cất giữ. Điều này sẽ giúp Aristagoras có đủ tiền để nổi dậy. Tuy nhiên, Aristagoras bỏ ngoài tai lời khuyên của Hecataeus.

CUỘC KHỞI NGHĨA IONIAN BẮT ĐẦU

Đầu tiên, Aristagoras cử Iatragoras tới Myous, nơi lực lượng viễn chinh đóng quân sau chiến dịch chống lại Naxos, để kiểm soát hạm đội. Istragoras đã thành công trong nhiệm vụ của mình bằng cách bắt giữ các thuyền trưởng thông qua thủ đoạn. Do đó, quân nổi dậy dành được quyền sở hữu hạm đội và quân đội.

Bước tiếp theo, Aristagoras từ bỏ vị trí bạo chúa, chuyển Miletus sang chế độ dân chủ. Bằng cách đó, Aristagoras hy vọng rằng cư dân Miletus sẽ tự nguyện tham gia nghĩa quân, để bảo vệ tự do của họ.

Aristagoras tiến hành hạ bệ các bạo chúa khác tại Ionia, với mục đích nhận được sự hỗ trợ từ phần còn lại của khu vực Ionia. Xa hơn, Aristagoras còn muốn nhận được viện trợ quân sự từ người Hy Lạp, vì ông được lưu ý rằng người Ionian không đủ mạnh để tự chống chọi với người Achaemenid.

Aristagoras viếng thăm người Spartan, vì Sparta là thành bang mạnh nhất Hy Lạp hiện tại. Không may là, Aristagoras thất bại trong việc thuyết phục vua của họ, Cleomenes, hỗ trợ và thậm chí còn bị đuổi ra khỏi thành. Sau đó, ông tới Athens, thành bang mạnh thứ hai, nơi ông trình bày tình trạng của mình với cư dân thành Athens.

CUỘC KHỞI NGHĨA IONIAN NHẬN ĐƯỢC HỖ TRỢ

Hoàn toàn ngược lại khi ở Sparta, nơi ông chỉ trình bày tình trạng của mình với cá nhân Cleomenes. Aristagoras đạt được nhiều hơn với người Athens, họ cung cấp 20 tàu thuyền để hỗ trợ người Ionian. Herodotus nhận xét hạm đội nhỏ này là “khởi đầu của bất hạnh cho người Hy Lạp và đồng hương”.

Aristagoras cũng xoay sở để có được 5 chiếc thuyền từ Eretria. Người Eretrian phải trả lại món nợ cho người Milesian, vì đã hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại người Chalcidian.

Khi ông quay lại Miletus, Aristagoras tập hợp lực lượng và tấn công Sardis vào năm 498 Công Nguyên. Quân khởi nghĩa tấn công bất ngờ và đánh bại người Ba Tư. Hầu hết thành Sardis bị đốt phá, nhưng vị “satrap” Artaphernes cố gắng chống đỡ pháo đài. Người Ba Tư sớm tổ chức phản công và quân khởi nghĩa bị ép phải rút khỏi Sardis.

Lực lượng Ba Tư phục kích quân khởi nghĩa khi họ quay lại Ephesus và đánh bại họ. Sau khi bị đánh bại, người Athens và người Eretria quay về nhà.

Đây là trận đánh lớn duy nhất của người Ionian diễn ra trên đất liền trong suốt cuộc khởi nghĩa. Sau khi tấn công Sardis, người Ionian tập trung tấn công vào khu vực bờ biển.

CUỘC KHỞI NGHĨA IONIAN PHÁT TRIỂN

Ảnh hưởng của Cuộc Khởi Nghĩa Ionian lan rộng ra các khu vực lân cận như Byzantium, Caria, Caunus, và hầu hết Cyprus đều tham gia khởi nghĩa. Và cuộc khởi nghĩa ở Cyprus, do Onesilus, vua của người Salamis, lãnh đạo đã đánh động tới Darius. Trên thực tế, Cyprus đã mất vào tay quân khởi nghĩa, tuyến đường biển tới Ai Cập bị cắt, khiến vùng Phoenicia trở nên mỏng manh dễ bị tấn công.

Do đó, năm 496 trước Công Nguyên, người Ba Tư tập hợp một hạm đội để đoạt lại Cyprus. Mặc dù người Ionian đã gởi một hạm đội tới hỗ trợ cho người Cyprus, nhưng hòn đảo nhanh chóng bị khuất phục, Onesilus qua đời trên chiến trường.

Cuộc nổi dậy bởi người Carian cũng đóng vai trò quan trọng trong Cuộc Khởi Nghĩa Ionian. Năm 496 trước Công Nguyên, người Ba Tư dưới sự chỉ huy của Daurises, con rể của Darius, đánh bại người Carian tại Trận Marsyas và Trận Labraunda. Người Carian, lúc này quân số đã giảm đáng kể, quyết tâm tử chiến thay vì đầu hàng, và đặt một cái bẫy cho Daurises trên con đường dẫn tới Pedasus.

Trong Trận Pedasus, Daurises và các lực lượng khác của người Ba Tư bị đánh bại, toàn quân bị diệt. Kết quả là, Darius tạm thời dừng lại các hoạt động quân sự chống lại người Ionian, và năm 495 trước Công Nguyên trải qua yên bình.

NGƯỜI BA TƯ NGHIỀN NÁT CUỘC KHỞI NGHĨA IONIAN

Tới năm 494 trước Công Nguyên, người Ba Tư đã sẵn sàng tấn công tổng lực chống lại người Ionian. Mục tiêu của họ là chiếm thành Miletus, trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Người ta cho rằng, vào thời gian này, cuộc khởi nghĩa mất người lãnh đạo vì Aristagoras qua đời vào năm 496 trước Công Nguyên.

Khi cuộc phản công của người Achaemenid tại Sardis bắt đầu có kết quả, Aristagoras quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và rút về Thrace, ông bị sát hại trong chiến dịch chống lại người Thrace. Năm 494 trước Công Nguyên, người Ba Tư đánh bại hạm đội của người Ionian tại Trận Lade, sau đó thành Miletus bị chiếm đóng. Năm 493 trước Công Nguyên, người Ba Tư hoàn thành công cuộc tái chiếm Ionia và Cuộc Khởi Nghĩa Ionian bị dập tắt.

Mặc dù khu vực Ionia một lần nữa quay về Đế chế Achaemenid, Darius vẫn không quên được sự giúp đỡ của Athens và Eretria cho quân khởi nghĩa. Nhà cai trị của Đế chế Achaemenid dự định trừng phạt người Hy Lạp cho những gì họ đã làm.

Năm 492 trước Công Nguyên, một năm sau khi Cuộc Khởi Nghĩa Ionian chấm dứt, Darius mở chiến dịch quân sự chống lại người Hy Lạp lục địa. Do đó, Cuộc Khởi Nghĩa Ionian còn được giới sử gia cho là điểm khởi đầu cho Đại Chiến Hy Lạp-Ba Tư, diễn ra tới gần nửa thế kỷ.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s