Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 1

3617196630_28ecd29754_b.jpg

 Trích “Thiên Quốc này chẳng Thái Bình

Tác giả Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành dịch

Dương Tú Thanh là nhân vật cực kì quan trọng của Thái Bình Thiên Quốc. Bất kể là người đồng tình hay kẻ căm ghét vương quốc tôn giáo này đều không thể không thừa nhận, bước chuyển ngoặt thịnh suy của Thái Bình Thiên Quốc là ngày mồng 2 tháng 9 năm 1856, ngày toàn gia ông bị giết hại.

Sách “Kim Lăng tỉnh nan kỷ lược” có ghi rằng, Dương Tú Thanh vừa mới bị giết hại, Hồng Tú Toàn đã nói thẳng với Vi Xương Huy rằng: “Ta và ngươi không có Đông Vương thì không có ngày hôm nay”. Lúc này họ Dương vẫn còn là “Đông nghiệt” (Đông Vương tàn ác), bộ hạ của ông vẫn còn đang liều chết chống cự, tình hình vẫn chưa ổn định, lời của Hồng Tú Toàn hiển nhiên là bộc lộ những câu tâm huyết. Kẻ địch số một của Thái Bình Thiên Quốc là Tăng Quốc Phiên đã chỉ ra rằng, sau khi Dương Tú Thanh chết, Thái Bình Thiên Quốc “triều cương rối loạn”. Con người xưa nay vốn cẩn thận như ông ta vào ngày 30 tháng 3 năm Hàm Phong thứ 8 (1858) lại bỗng thốt lên “loạn phỉ Hồng Dương, năm nay không lo không bình được”. Lời tâm tư này được viết trong bức thư nhà gửi cửu đệ Tăng Quốc Thuyên đương nhiên là được tạo dựng trên cơ sở “giặc tóc dài triều cương rối loạn” sau cái chết của Dương Tú Thanh. Cảm tình của người nước ngoài đối với Thái Bình Thiên Quốc cũng phức tạp, giai đoạn đầu thì đặc biệt là như vậy, những đánh giá của họ về Dương Tú Thanh cũng hoàn toàn trái ngược. Có người nói ông là “anh hùng của Thiên triều, là ác mộng của người Thát Đát (Thanh triều)”; có người lại trách là “cuồng đồ”, “kẻ tiếm quyền”; nhưng bất luận là khen ngợi tài năng của ông như trong “Bắc Hoa tiệp báo” của một tác giả vô danh hay vui mừng hớn hở trước cái chết của ông như nhà truyền giáo người Mỹ William Alexander Parsons Martin, đều nhất trí rằng, cái chết của Dương Tú Thanh sẽ khiến vận mệnh của Thái Bình Thiên Quốc đột ngột thay đổi. Lịch sử đã chứng minh rằng thật không may họ đã nói trúng.

Thế nhưng, là một nhân vật lớn quan trọng như vậy của Thái Bình Thiên Quốc nhưng những lời truyền miệng trong nội bộ Thái Bình Thiên Quốc lại dường như chẳng ra làm sao. Sau năm 1858, Hồng Tú Toàn phục hồi danh dự cho Dương Tú Thanh, thậm chí còn đẩy ông ta lên thần đàn, nhưng đó dường như là sự tính toán chính trị nhiều hơn là gửi gắm tình cảm, nếu không cũng đã không xảy ra sự biến Thiên Kinh. Lý Tú Thành là do một tay Dương Tú Thanh đề bạt, Trần Ngọc Thành cũng được ông trọng dụng, nhưng hai vị rường cột thời kỳ sau của Thái Bình Thiên Quốc, trong bản cung khai một người thì chỉ cho điểm “trung bình”, thấp hơn cả Thạch Đạt Khai, người còn lại thì dứt khoát nói Dương và các vị lãnh đạo thời kỳ đầu “đều không phải là tướng tài”, chẳng bằng những người chỉ được đánh giá là “tàm tạm” như Thạch Đạt Khai và Phùng Vân Sơn – “tàm tạm” cũng là điểm số đánh giá, so với “tàm tạm” còn thấp hơn thì có lẽ phải thi bổ xung rồi.

Dương Tú Thanh đã từng giữ vị trí dưới một người mà trên vạn người trong Thái Bình Thiên Quốc, nắm giữ vận mệnh quân dân cả nước (thậm chí có thể bao gồm cả Hồng Tú Toàn), thế nhưng chỉ trong một đêm từ tột đỉnh vinh quang, đỉnh điểm thắng lợi rớt thẳng xuống vực sâu. Lý Tú Thành nói ông ta “khoe mẽ uy phong, không biết tự e dè”, Thạch Đạt Khai cũng phê bình ông ta “tính tình cao ngạo”, khi ông bị hại, ngoại trừ hệ thống tướng lĩnh trực thuộc Đông điện thì ba nhân vật quan trọng trong triều xếp ngay sau ông là Bắc Vương Vi Xương Huy, Đỉnh Thiên Yến Tần Nhật Cương, Tả Thiên Hầu Trần Thừa Dung cùng với các quan lại văn võ trong thành dường như đều trở mặt với. Vậy rốt cuộc là vì sao? Lẽ nào đúng như lời một số người, phải chăng nhân duyên của ông quá tệ.

Đứa trẻ mồ côi Dương Tú Thanh và “căn bệnh chính trị”.

“Hồng Tú Toàn diễn nghĩa” của Hoàng Tiểu Phối và trong một số sách không đáng tin cậy thời Thanh mạt đều nói rằng Dương Tú Thanh là đại tài chủ ở huyện Vũ Tuyên tỉnh Quảng Tây, nói ông đã quyên hết gia sản giúp Hồng Tú Toàn tạo phản nên đã nhận được địa vị chí cao vô thượng, sau này trở mặt thoán vị nên mới xảy ra bi kịch. Cách nói này lưu truyền rất rộng, không chỉ truyền tới Nhật Bản, nước Mỹ, thậm chí ngay tại huyện Hoa, Quảng Đông là quê hương của Hồng Tú Toàn, trong cuốn “Vạn phái triều tông” Hồng thị tộc phổ viết thời Dân quốc cũng thình lình ghi mấy chữ “đại phú ông Dương Tú Thanh”.

Nhưng đoạn ghi chép này chẳng có chút căn cứ nào: Dương Tú Thanh không chỉ không phải là đại phú ông, đồng thời cũng không phải là người Vũ Tuyên.

Ông là người Khách Gia, nguyên tịch ở châu Gia Ứng, Quảng Đông (nay là huyện Mai), vốn tên là Dương Tự Long, sinh ra tại một ngôi làng nhỏ có tên là làng Đông Vượng thuộc núi Bằng Ải huyện Quế Bình, Quảng Tây. Ngôi làng này lại được ngoa xưng là “làng Đông Vương”. Những năm 30 và 50 của thế kỷ trước, các nhà sử học như Giản Hựu Văn, La Nhĩ Cương, Chung Văn Điển trước sau đã ba lần đến khảo sát, cố gắng điều tra tìm hiểu xem trước khi “đổi tên” thì “làng Đông Vương” tên là gì? Nhưng thủy chung không có kết quả, sau này mới phát hiện, ngôi làng này vốn tên là “làng Đông Vương”, thực là vô cùng trùng hợp.

Tuy nhà ông ở thôn trang có cái tên được đặt khéo nhưng số mạng của ông lại thật vô cùng tồi tệ: phụ thân Dương Á Tề và mẫu thân Cổ thị lần lượt qua đời khi ông 5 và 9 tuổi, đứa trẻ mồ côi cô khổ do người bác Dương Khánh Thiện nuôi dưỡng.

Nhà họ Dương thuộc loại “lán cư dân”, không có đất đai, không thể dừng chân nơi bình nguyên, đành phải trồng trọt trên núi, đốt than miễn cưỡng sống qua ngày. Ông ta sau này cũng tự thừa nhận “chí bần chí khổ”, đồng thời không biết lấy một chữ nhưng cuộc sống gian khổ như vậy lại khiến ông sớm trưởng thành. Người bản địa nói ông tuy là kinh tế rất eo hẹp nhưng rất thích kết giao bằng hữu, chút tiền kiếm được từ việc đốt than đều dùng để mua rượu, bản thân thì dường như một giọt cũng không động tới, thích nhất là thấy các bằng hữu giang hồ tụ tập ở lán cỏ của mình uống rượu vui vẻ, đàm luận chuyện viển vông xa vời, còn bản thân thì yên lặng ngồi bó gối lắng nghe. Đoạn ghi chép này tuy chỉ là truyền khẩu nhưng một người vốn là cô nhi như ông lại nhanh chóng tập hợp được một đạo “Dương gia quân”, đủ thấy việc “thích kết giao bằng hữu” là sự thật. Có thể nói, nhân duyên của Dương Tú Thanh lúc này là cực tốt.

Năm 1845, Phùng Vân Sơn đến vùng núi Tử Kinh Sơn. Năm sau, nhận được sự ủng hộ của gia đình thân sĩ Tăng Ngọc Trân, bắt đầu xây dựng Hội Bái Thượng đế truyền giáo. Lúc đó Dương Tú Thanh 23 tuổi, ông có một người chị họ xa, là mẹ của Tăng Ngọc Trân, rất có thể vì chút quan hệ dây mơ rễ má này, ông sớm đã trở thành một thành viên của hội Bái Thượng đế.   

Dường như trong đám người trồng trọt, đốt than và nhân vật giang hồ ở Tử Kinh Sơn, Dương Tú Thanh rất có địa vị. Ông và người thanh niên xuất thân đốt than Tiêu Triều Quý kết thành tử đảng, có thế lực không thể xem thường. Nhưng sức mạnh của bọn họ dường như bị Phùng Vân Sơn coi nhẹ, Phùng và người đến sau Hồng Tú Toàn lúc đó chủ trương trước hết dựa vào người thân thích, bao gồm anh họ họ Vương ở thôn Tứ Cốc của Hồng Tú Toàn, anh họ Lô Lục của Phùng Vân Sơn; thứ đến là những thân sĩ Khách Gia, những người cùng ngôn ngữ với họ, những người có học cơ bản như họ Tăng ở Quế Bình, họ Trần ở huyện Đằng. Dương Tú Thanh tuy rằng sớm nhập hội nhưng trong những hoạt động của Phùng, Hồng thời gian đầu như phá miếu Cam Vương, dường như ông đều không tham gia hoặc giả có tham gia cũng chỉ là “quần chúng cách mạng”.

Dương Tú Thanh dường như lại không quá chú ý đến việc này, ông không chủ động thân cận với những “nhân vật lớn” trong hội mà củng cố đồng minh với trợ thủ Tiêu Triêu Quý: Vương Tuyên Kiều, vợ của Tiêu Triều Quý là người của nhà họ Vương thôn Tứ Cốc, khi Hồng Tú Toàn vừa tới Quảng Tây, cô ta đã từng mượn cớ “một người già truyền lời”, bôi vẽ màu sắc thần thánh cho ông ta. Xét từ ý nghĩa này, trong cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, Vương Tuyên Kiều mới là người đầu tiên dùng chiêu “Thiên phụ hạ phàm”, địa vị của người này trong hội Bái Thượng đế lúc này cũng phải cao hơn Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý. Dương Tú Thanh nhận Vương Tuyên Kiều là em gái, đổi tên là “Dương Tuyên Kiều”, Tiêu Triều Quý tự nhiên cũng trở thành em rể. Cặp “anh vợ em rể nhân tạo” này ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ, đẩy Dương Tuyên Kiều ra trước đài thu hút sự chú ý của mọi người, duy trì mối quan hệ không thân không sơ với các lãnh tụ của hội Thượng đế. Khẩu hiệu “nam học Phùng Vân Sơn, nữ học Dương Tuyên Kiều” có lẽ là có từ thời gian này.

Cơ hội cuối cùng cũng đã tới: cuối năm 1847, huynh đệ tú tài ở Quế Bình Vương Tác Tân, Vương Đại Tác vì hội Thượng đế phá hủy tượng thần, đền miếu đã lấy tội danh đại nghịch bất đạo “theo phiên”, “không tuân luật pháp Đại Thanh” để tố cáo Phùng Vân Sơn; Phùng Vân Sơn và Lô Lục bị gọi tới nha môn huyện Quế Bình theo hầu kiện, vụ việc kéo dài đến mấy tháng. Trên danh nghĩa đầu não của hội Thượng đế là “Hồng tiên sinh” nhưng “mọi việc trước kia đều là do Nam Vương” Phùng Vân Sơn mới là cốt cán của hội chúng các nơi. Phùng Vân Sơn dính vào kiện cáo, Hồng Tú Toàn thiếu năng lực quản lý e rằng ngay cả hội chúng cũng chẳng biết hết, lập tức rơi vào thế chẳng biết phải làm sao.

Ngày mùng 3 tháng 3 năm Đạo Quang thứ 28 (1848), Dương Tú Thanh đột nhiên nói mê, tự xưng là Thiên phụ Thượng đế nhập thân, muốn “trừ bệnh cho thế nhân”, dạy dỗ mọi người. Ngữ lục việc ông “hạ phàm” trong thời gian này còn lưu lại được rất ít. Từ cuốn “Thiên phụ thánh chỉ” số 3 còn lưu lại sau khi định đô Thiên Kinh có thể thấy “kỹ thuật hạ phàm” của ông ta tương đối kém, trên cơ bản chủ yếu là giữa ban ngày nằm mê, nói mê. Cần biết rằng, Quảng Tây lúc đó là mảnh đất của Na thuật (thuật đuổi tà), thầy mo nhan nhản khắp nơi, rất nhiều thầy mo có thể biểu diễn rất sinh động những vở “linh hồn phụ thể”, “tiểu kỳ đối chiến”, “đôi đũa khiêu vũ” hoặc “nói chuyện với người chết”. Vở kịch “đơn giản không màu mè” của Dương Tú Thanh không những chưa thể phục chúng, trái lại còn khiến không ít “phái kỹ thuật” bắt chước làm theo. Chỉ một khoảng thời gian, trong hội Thượng đế các lộ “thần tiên” ào ào hạ phàm, vô cùng ầm ĩ. Từ những đầu mối vụn vặt hiện thời còn lưu lại, ngoài Dương Tú Thanh còn có họ Hoàng (có thể là họ Vương ở thôn Tứ Cốc), họ Quách, Hồng Tú Toàn chân ướt chân ráo mới tới thấy nhiều “Thiên huynh Thiên phụ” như vậy, nhất thời không biết phải làm sao. 

Phùng Vân Sơn mùa hè năm đó đã ra khỏi ngục, nhưng ông ta và Hồng Tú Toàn lần lượt về Quảng Đông, cục diện hỗn loạn của hội Thượng đế đã không được thu xếp – có lẽ họ cũng không biết nên thu xếp thế nào, với việc nhiều thần tiên mạo muội xuất hiện như vậy, thừa nhận ai không thừa nhận ai, hoặc dứt khoát ai cũng không thừa nhận đều không dễ dàng quyết định, vì sau mỗi lộ thần tiên đều đại diện cho một thế lực chính trị không thể coi nhẹ.

Ngày 9 tháng 9, đồng minh Tiêu Triều Quý của Dương Tú Thanh ra tay. Ông ta và vợ Dương Tuyên Kiều đều có “tri thức chuyên môn” về giả thác quỷ thần, Dương Tuyên Kiều càng là “nữ mô phạm” sớm nhất trong giáo chúng giở chiêu này, hai người nhanh chóng ổn định được giáo chúng vùng núi Tử Kinh. Tiêu Triều Quý tự xưng là người truyền lời của Thiên huynh cùng với Dương Tú Thanh “người truyền lời của Thiên phụ” đã đánh đổ thế lực của “ngụy Thiên phụ” họ Quách và họ Hoàng.

Biểu hiện của bọn họ lập tức thu hút Hồng Tú Toàn tới hiện trường “quan chiến”, người này nhạy bén ý thức được rằng Dương, Tiêu hai người không chỉ đại diện cho một thế lực lớn lao mà biểu hiện “hạ phàm” của họ cũng rất có khả năng phục chúng, nếu như bọn họ có thể thông qua miệng “Thiên phụ Thiên huynh” đề bạt mình lên hàng “thần” thì mình có thể từ “Hồng tiên sinh” trong phút chốc trở thành “thái bình đại đạo quân vương toàn” hàng thật giá cao quân quyền thần trao; hơn nữa dùng chiêu “thần thuật” này chỉ huy giáo chúng có hiệu quả tức thì hơn nhiều so với “Chu lễ” của Phùng Vân Sơn và cuốn sách nhỏ tôn giáo của mình.

Thế là “Thiên phụ Thiên huynh” và “Hồng tiên sinh” nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngầm: Thiên phụ Thiên huynh dùng “lời thần” chứng minh Hồng Tú Toàn là con của Thiên phụ, em của Thiên huynh, là người được trời chỉ định làm quân vương của nhân gian, còn “Thiên Vương” thì lấy tư cách mình là con Thiên phụ, em Thiên huynh và “từng lên trời” để chứng minh lời của hai người này, “hoàn toàn như cha anh”. Cho dù lúc mới giao dịch đôi bên còn ngại ngần, song rất mau chóng càng gần càng thân mật, Phùng Vân Sơn vốn từ “nhân vật số hai” dần dần bị tụt xuống hàng thứ tư, họ Tăng, họ Vương trước sau bị đẩy ra rìa, mấy “ngụy Thiên phụ” thất bại thì dứt khoát bị đẩy ra khỏi hội Thượng đế. Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý thì tiếp tục màn biểu diễn tương hỗ, lần lượt giành được danh hiệu tôn kính “đứa con thứ ba của Thiên phụ” và “con rể của Thượng đế”. 

Các sử học gia từng quả quyết, việc Phùng Vân Sơn bị bắt và Hồng Tú Toàn bỏ đi đã tạo nên sự hỗn loạn trong Bái Thượng đế giáo, tất cả đều nhờ Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý hạ phàm mới ổn định được cục diện, nhưng trong “Thiên huynh thánh chỉ” có ghi rõ ràng khi Tiêu Triều Quý lần đầu hạ phàm Hồng Tú Toàn có ở bên cạnh, còn Phùng Vân Sơn tuy rằng vào ngục nhưng không phải là “bị bắt” mà là chủ động đi trình diện cho nên “hỗn loạn” thực chất là do nhóm Dương Tú Thanh “hạ phàm” tạo nên. Có điều bất luận nói thế nào, hai người bản địa Quảng Tây với mỗi quan hệ rộng rãi trong giới giang hồ đã trở thành cốt cán, đã khiến cuộc khởi nghĩa Kim Điền từ chỗ không tưởng từng bước từng bước thành hiện thực.

Nhưng trong quãng thời gian chuẩn bị khởi nghĩa ở Kim Điền, vai trò của Dương Tú Thanh rất có hạn, theo ghi chép từ phía Thái Bình Thiên Quốc thì lúc này ông ta đang bị bệnh, thậm chí có lần đã hấp hối, công tác chuẩn bị đại sự khởi nghĩa đành phải giao cho những người như Tiêu Triều Quý, Vi Xương Huy. Có một cách nói, ông ta mắc là “bệnh chính trị”, mục đích là thông qua thủ đoạn này quan sát thời cơ có lợi, từng bước cưỡng đoạt quyền lực của Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn. Cách nói này chỉ ra, ngày 8 tháng 4 năm 1849, Dương Tú Thanh thác Thiên phụ hạ phàm, nói “cao lão sơn sơn lệnh, tuân chính thập tự hữu nhất bút kỳ kỳ” (cao lão tức là Thượng đế, “sơn sơn” hợp lại thành chữ “xuất”, “thập tự hữu nhất bút” là chữ “thiên”, ý nghĩa của câu này là “Thượng đế xuất lệnh, thiên kỳ tuân chính”), đây được cho là là lệnh động viên khởi nghĩa, nhưng tháng 5 năm sau, ông lại “bỗng nhiên á khẩu, tai điếc, lỗ tai chảy mủ, chảy nước mắt, dường như đã trở thành phế nhân” bị rất nhiều hội chúng cho là “điềm bất tường”, nhưng bệnh nặng như vậy mà 6 tháng sau, Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn bị quân Thanh vô ý vây hãm ở thôn Sơn Nhân, Hoa Châu, Bằng Hóa lí, huyện Bình Nam, Hồ Dĩ Hoảng nhiều lần phá vây không được, khi hội chúng các nơi tụ tập ở Kim Điền không biết phải làm sao, ông lại bỗng nhiên “không chữa tự khỏi” còn”tai thông mắt sáng, đầu óc minh mẫn”, khiến cho người ta cảm giác “diễn kịch” rất sâu.

Từ một số ghi chép được phát hiện sau này như “Thiên huynh thánh chỉ” thì thấy bệnh của Dương Tú Thanh vị tất đã là giả, ông ta khỏi bệnh lúc nào, thậm chí ngay cả đồng minh thân cận Tiêu Triều Quý cũng hoàn toàn không nắm được, đến mức khi sắp xếp Hồng Tú Toàn quay về Quảng Đông, chỉ thị thời gian từ huyện Hoa Quảng Đông quay trở lại Quảng Tây kéo dài lâu đến nửa năm. Sau khi định đô Thiên Kinh, rất nhiều người gặp qua Dương Tú Thanh đều nói ông bị mù một mắt, cơ thể suy nhược lắm bệnh. Tuy nhiên bọn họ lại quy chuyện đó là do ông “háo sắc”, “thận suy”, nhưng “Tặc tình hối toản”, một cuốn sách tương đối nghiêm cẩn tỉ mỉ lại chỉ ra rằng, bệnh của Dương Tú Thanh là đã có từ trước, bệnh này và triệu chứng “chảy nước mắt” chính là rất phù hợp.

Trái lại việc “không chữa tự khỏi” của ông là sự bịp bợm để hoặc chúng: Lý Tuấn Xương (tức Lý Tuấn Lương), người sau này được phong làm Bổ Thiên Hầu, thông hiểu nhãn khoa, trước cuộc khởi nghĩa Kim Điền vẫn luôn ở bên Dương Tú Thanh, không thể khoanh tay đứng nhìn. Từ sau mùa hạ năm 1850, tiết tấu Đoàn doanh do Tiêu Triều Quý  chủ trì đột nhiên đẩy nhanh nên có thể suy đoán, bệnh của Dương Tú Thanh lúc đó đã khỏi rồi. Sở dĩ phải bảo mật, chính xác là để lựa chọn thời cơ hiển thị thần kỳ, để từ đó hàng phục giáo chúng, thâu tóm quyền lực. Bản thân Hồng Tú Toàn cũng hiểu y thuật, giai đoạn này Dương Tú Thanh cố ý né tránh ông ta, thậm chí còn không chịu ở cùng thôn, điều lo sợ chính là bị nhìn thấu. Sau khi khởi nghĩa Kim Điền không lâu thì vị đại phu Lý Tuấn Lương được phong làm “nội quân soái”. Phải biết rằng trong suốt thời gian chuyển chiến ở Quảng Tây, quân soái chính thức trong quân Thái Bình chỉ có 10 người, “nội quân soái” này là cán bộ nòng cốt chính cống, nếu như không có công lao đặc biệt, đừng nói Lý Tuấn Lương, cho dù là Lý Thời Trân tái thế, e là cũng không thể có được chức quan to như vậy.  

Bất luận thế nào, nếu như quyền chỉ huy của Dương Tú Thanh, tai thông mắt sáng, “đại hiển quyền năng” đã định thì việc giải vây cho Hồng Tú Toàn dễ như trở bàn tay, lại nhân đó đánh bại quan quân tới bao vây căn cứ, lá đại kỳ Thái Bình Thiên Quốc đã được dựng lên oanh liệt như vậy đó, ông cũng trở thành “quân soái, vương gia” và trung quân chủ tướng của cái chính quyền trên lưng ngựa này.

Có điều, lúc này địa vị của ông chỉ cao hơn Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn một chút, danh nghĩa phát đi mệnh lệnh vẫn là Hồng Tú Toàn. Ngày 15 tháng 8 năm 1851, quân Thái Bình xuất phát từ Quế Lâm trà địa, tiến quân Mạc thôn, người hạ mệnh lệnh tiến quân là Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh và 4 vị chủ tướng khác thì lần lượt phân làm ba lộ tiền quân, trung quân và hậu quân.

Dương Tú Thanh lúc này cảm nhận được sự cô đơn: trong 5 vị chủ tướng, Tiêu Triều Quý, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai đều là gia tộc lớn, có hàng trăm thậm chí hơn ngàn con em tòng quân, Phùng Vân Sơn tuy là một thân một mình nhưng hội Thượng đế là do một tay ông gây dựng, chỉ có mình là thế đơn lực mỏng, một khi Tiêu Triều Quý có ý khác hoặc trở mặt thì hậu quả không thể lường được.

Lúc này, nhân duyên mà tháng ngày đốt than ông kết được đã tới lúc phát huy, rất nhiều hảo hán họ Dương được ông thu làm môn hạ, nhận làm huynh đệ hàng chữ “Thanh”, trở thành chi trưởng của ông. Trong sách “Kim Lăng quý giáp kỷ sự lược” có đại quốc tông Dương Nguyên Thanh, tam quốc tông Dương Vĩnh Thanh, thất quốc tông Dương Đức Thanh, trong đó Dương Nguyên Thanh, Dương Đức Thanh đều là người ở châu Gia Ứng, Quảng Đông, vốn là hảo hán giang hồ của Thiên địa hội; Sau này đỉnh đỉnh đại danh Phụ Vương Dương Phụ Thanh cũng được xưng là thất quốc tông (có thuyết nói là bát quốc tông), vốn tên là Dương Kim Sinh, là người Quế Bình, Quảng Tây; Ngoài ra còn có Dương Nhuận Thanh (có lẽ chính là Vĩnh Thanh), Dương Hằng Thanh, Dương Nghi Thanh, Dương Hùng Thanh, Dương Anh Thanh, Dương Hữu Thanh vv.., Dương Tú Thanh không “hạ phóng” bọn họ vào các đơn vị mà giữ lại bên mình làm bảo vệ.

Điều này không phải là nói ông ta không coi trọng tai mắt, mà trái lại, rất nhiều ghi chép đã chỉ rõ, trong quãng thời gian tương đối khiêm tốn này, ông lung lạc, sắp xếp rất nhiều tai mắt, rải khắp các quân doanh, năng lực, tính tình của các tướng lĩnh, quan viên lớn nhỏ, thậm chí cả những bí mật riêng tư cũng đều nắm rõ hết sức. Với ông, những quân cờ này sớm muộn gì cũng có lúc dùng đến.

Ngày 17 tháng 12 năm 1851, tại thành thị đầu tiên quân Thái Bình chiếm đóng – châu Vĩnh An, Quảng Tây (nay là Mông Sơn), Hồng Tú Toàn hạ chiếu phong vương, và quy định các vương “đều chịu sự tiết chế của Đông Vương”. Cho dù giai đoạn từ đây trở về sau, Thiên Vương vẫn phát mệnh lệnh cho toàn quân, như ngày 4 tháng 4 năm sau, trước đêm phá vây ở Vĩnh An, ông hạ “chiếu phá vây” nổi tiếng, nhưng cùng với việc uy tín của Đông Vương nâng cao, chiếu thư của Thiên Vương cũng ngày càng trở lên ít đi.

 

One thought on “Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 1

  1. Pingback: Đông Vương Dương Tú Thanh- Bài 3 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s