Phân biệt Lưu Trấn và Lưu Thủ là hai chức quan khác nhau

 

Đông môn (cửa Đông) thành Diên Khánh vào thập niên 40 của thế kỷ XX

Nguyễn Văn Nghệ  

   Tạp chí Nha Trang số Xuân Quý Tỵ – 2013 từ trang 136-142 có bài viết: “Ngày xuân kể chuyện Khánh Hòa xưa” của tác giả Nguyễn Viết Trung, ở phần “Các đời quan trấn thủ ở Khánh Hòa xưa” ghi:“ – 1799/ Nguyễn Văn Tánh: Tên thật là Võ Tánh, do có công nên được cải theo họ chúa Nguyễn. Theo ĐNTLTB, năm Kỷ Mùi (1799) Lưu thủ Bình Khang là Nguyễn Thoan mất sai Lưu Tiến Hòa thay, giao Nguyễn Văn Tánh làm Lưu thủ Diên Khánh, Đặng Trần Thường làm Hiệp trấn. Sau thăng Nguyễn Văn Tánh làm Chưởng dinh, làm Án trấn Diên Khánh, kiêm quản Bình Khang, Bình Thuận. Ông mất năm 1801 trong lúc cố thủ ở thành Bình Định”.

Tác phẩm Quê hương Ninh Hòa, ở mục IV: “Danh nhân” của chương I: “Ninh Hòa lịch sử”, tác giả Vinh Hồ ghi về Nguyễn Văn Tánh: “tức Võ Tánh ‘kiêm quản Bình Khang, Bình Thuận’, không rõ năm đến năm đi, chỉ biết Ông nhảy vào lửa tuẫn tiết mất năm 1801 lúc cố thủ thành Bình Định. Tên thật là Võ Tánh, có công được cải họ Chúa Nguyễn”(1)

Thú thật khi đọc xong những đoạn này, tôi thấy các tác giả hình như “lấy râu ông này cắm cằm bà nọ”. Lâu nay tôi đọc sử sách viết về Võ Tánh chưa bao giờ thấy: “Võ Tánh, do có công nên được cải theo họ chúa Nguyễn”. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp như vậy. Để chắc chắn tôi lần giở sách Đại Nam thực lục chính biên; Đại Nam liệt truyện; Đại Nam nhất thống chí xem có đúng như hai tác giả trên viết không?

        1- Bộ sách Đại Nam thực lục                                       

Quốc sử quán triều Nguyễn soạn bộ sách Đại Nam thực lục và bộ sách này chia làm hai phần: Đại Nam thực lục tiền biên (ĐNTLTB) và Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTLCB). Phần Tiền Biên ghi chép về các chúa Nguyễn, bắt đầu từ năm Mậu Ngọ (1558) cho đến năm Đinh Dậu (1777). Phần Chính Biên chép về các vua triều Nguyễn và được chia thành nhiều “ kỷ”. Đệ nhất kỷ chép về vua Gia Long, bắt đầu từ năm Mậu Tuất (1778) và kết thúc vào năm Kỷ Mão (1819).

Như vậy sự việc xảy ra trong năm 1799 mà tác giả Nguyễn Viết Trung ghi là: “Theo ĐNTLTB” là không đúng.

  • – Nhân vật Võ Tánh – Nguyễn Văn Tánh

Theo như các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thì Võ Tánh không hề cải họ theo họ chúa Nguyễn. Võ Tánh và Nguyễn Văn Tánh là hai nhân vật khác nhau, cả hai đều là tướng của Nguyễn vương Phúc Ánh .

   a – Võ Tánh

Võ Tánh người huyện Phước An- Biên Hòa, sau dời về huyện Bình Dương- Gia Định.Tháng 9 năm Giáp Dần(1794): “Vua đem quân về Gia Định, để Chưởng Hậu quân Võ Tánh ở lại trấn thành Diên Khánh”.

Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1799): “Sai Chưởng Hậu quân Võ Tánh, hiệp cùng Lễ bộ Ngô Tùng Châu lưu trấn thành Bình Định”

Võ Tánh đã tử tiết tại thành Bình Định ngày 27/05 năm Tân Dậu (1801) (2)

     b – Nguyễn Văn Tánh

Nguyễn Văn Tánh người huyện Long Thành – Biên Hòa. Tháng 11 năm Quý Sửu (1793), ông được đặt làm Lưu thủ Bình Thuận.

Tháng 3 năm Giáp Dần (1794), sợ quân lương ở thành Diên Khánh thiếu, nên “sắc cho Lưu thủ Bình Thuận Nguyễn Văn Tánh theo đường bộ chở 3000 phương gạo kho đi suốt ngày đêm, để sẳn mà chi phát”(3)

Tháng 11 nhuận năm Giáp Dần(1794): “Sai Lưu thủ Bình Thuận là Nguyễn Văn Tánh đem quân Kiến võ đi Diên Khánh theo Võ Tánh sai khiến”.

Trong tháng 9 năm Kỷ Mùi(1799) vua dừng chân ở thành Diên Khánh: “Lấy Quản dinh tiên phong Nguyễn Văn Tánh quản suất tướng sĩ bản dinh, hiệp cùng Tán lý binh vụ Đặng Trần Thường lưu trấn thành ấy”(4)

Như vậy tướng Nguyễn Văn Tánh làm Lưu trấn thành Diên Khánh chứ không phải Lưu thủ như tác giả viết.

      3- Các quan Lưu thủ dinh Bình Khang và Lưu trấn thành Diên Khánh trong những năm đầu sau khi quân Nguyễn vương Phúc Ánh chiếm lại từ tay nhà Tây Sơn.

Sau khi chiếm lại vùng đất dinh Bình Khang (vùng đất Khánh Hòa ngày nay), Nguyễn vương Phúc Ánh đã đặt ở vùng đất này hai loại quan :

– Quan công đường coi về mặt hành chánh. Đứng đầu quan công đường là bộ ba : Lưu thủ; Cai bạ; Ký lục.

– Quan coi về quân sự gọi là Lưu trấn (trấn giữ thành Diên Khánh).

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa hai chức quan Lưu thủ và Lưu trấn. Chức quan Lưu thủ coi về hành chánh. Chức quan Lưu trấn coi về quân sự.

 a – Các quan công đường dinh Bình Khang theo ghi chép Đại Nam thực lục

Sau khi chiếm lại vùng đất dinh Bình Khang từ tay nhà Tây Sơn, vào tháng 5 năm Quý Sửu (1793) Nguyễn vương Phúc Ánh: “Đặt quan công đường dinh Bình Khang, lấy Quản Hậu thủy dinh là Nguyễn Thoan làm Lưu thủ, Hình bộ Tham tri Lê Đăng Khoa làm Cai bạ, Hàn lâm viện Đặng Hữu Đào làm Ký lục”(5) (Tháng chạp năm Canh Ngọ [1811] đổi chức Lưu thủ các trấn từ Quảng Ngãi về nam làm Trấn thủ [xem Đại Nam thực lục tập 1, t. 803], tháng 7 năm Đinh Hợi [1827] đổi chức Cai bạ, Ký lục làm Hiệp trấn, Tham hiệp [xem Đại Nam thực lục tập 2, t. 662])

Tháng 8 năm Quý Sửu (1793): “Triệu Tham tri Hình bộ hành Cai bạ Bình Khang Lê Đăng Khoa đến hành tại. Lấy Cai bạ Phú Yên là Nguyễn Y Mân làm Cai bạ Bình Khang”(6).

Tháng 11 năm Giáp Dần (1794): “Cai bạ Bình Khang Nguyễn Y Mân, Ký lục là Đặng Hữu Đào, vì gạo kho mất hơn 2000 phương mà không xét ra, đều bị bãi chức. Lấy Cai bạ Trấn Biên là Ngũ Khắc Bạn làm Cai bạ Bình Khang, Ký lục Trấn Định là Hoàng Tú Chung làm Ký lục Bình Khang”(7).

Tháng 7 năm Ất Mão (1795): “Cai bạ Bình Khang là Ngũ Khắc Bạn và Ký lục Hoàng Tú Chung đều bị bệnh chết. Lại lấy Nguyễn Y Mân làm Cai bạ Bình Khang, Đặng Hữu Đào làm Ký lục”(8).

Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1799): “Lưu thủ Bình Khang Nguyễn Thoan chết(9). Lấy Khâm sai Cai cơ chánh trưởng chi Tiền chi Tráng võ dinh tiên phong là Lưu Tiến Hòa làm Lưu thủ Bình Khang”.

Tháng 6 năm Canh Thân (1800): “Lưu thủ Bình Khang là Lưu Tiến Hòa thấy thành Diên Khánh không việc gì, dâng biểu xin đem 500 hương binh theo đánh giặc. Vua y lời. Lấy Lưu thủ Bình Thuận là Võ Văn Lân đến thay”(10).

Tháng giêng năm Tân Dậu (1801): “Sai Lưu Tiến Hòa trở về Bình Khang, Võ Văn Lân trở về Bình Thuận điều hành việc Lưu thủ như cũ”(11).

Tháng 3 năm Tân Dậu: “Lưu thủ Phú Yên là Phạm Tiến Tuân ốm; sai Lưu thủ Bình Khang là Lưu Tiến Hòa đem quân bản dinh đến giữ bảo Hội An, kiêm quản công việc binh dân ở Phú Yên”(12).

Tháng 4 năm Tân Dậu (1801): “Lấy Khâm sai Cai cơ  Lê Văn Vạn làm Lưu thủ Bình Khang”(13).

Tháng 6 năm Tân Dậu (1801): “Triệu Cai bạ Bình Khang Hoàng Ngọc Uẩn về kinh để điều dụng”(14).

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802): “Lấy Thư ký Nguyễn Văn Ngữ làm Cai bạ Bình Khang”(15).

     b – Các quan Lưu trấn thành Diên Khánh ghi chép theo Đại Nam thực lục.

   Các quan Lưu trấn thành Diên Khánh đều là tướng giỏi của Nguyễn vương Phúc Ánh.

Tháng 9 năm Quý Sửu (1793) đắp thành Diên Khánh xong, sai tướng Nguyễn Văn Thành làm Lưu trấn đầu tiên thành Diên Khánh(16)

Tháng 11 năm Quý Sửu (1793): Triệu Nguyễn Văn Thành về. Sai Đông cung Nguyên soái Cảnh quận công trấn thành Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc và bọn thị học đi theo. Khiến Phó tướng Tả quân Phạm văn Nhân, Giám quân Trung dinh Tống Phước Đạm, Lưu thủ Cai cơ quản suất Trấn Định là Mạc Văn Tô, Cai cơ đạo Tân Châu là Nguyễn Đức Thành cùng các tướng sĩ đi theo để điều bát. Khi đi nhà vua dụ Đông cung rằng: “Đất Diên Khánh bốn mặt đều chiến trường, dân chúng lầm than lắm rồi. Ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới giành được miếng đất ấy. Con nên chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc, để đáp tấm lòng mong mỏi của dân và khiến quân giặc phải sợ. Con phải gắng làm như chính ta trông thấy”(17).

Tháng 4 năm Giáp Dần (1794) tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đem thủy binh, Nguyễn Văn Hưng đem bộ binh họp quân tiến sát thành Diên Khánh, vây ba mặt. Quân Tây Sơn “đánh thành liền mấy ngày, súng trong thành bắn ra quân giặc chết và bị thương rất nhiều”(18). Thấy tình thế nguy nan, nhà vua cho người lẻn vào thành Diên Khánh mang tờ dụ gửi cho Đông cung: “Giặc cậy đông mà kiêu, không đáng lo. Con nên cùng các tướng giữ thành cho vững, không bao ngày nữa đại binh sẽ tới. Nếu bỏ thành ấy thì từ Chánh phó tướng trở xuống đều lấy quân pháp trị tội”(19).

Cũng trong tháng 4 năm Giáp Dần, quân Tây Sơn đang vây thành Diên Khánh, nghe tin có đại binh của Nguyễn vương đến cứu viện “tức thì giải vây Diên Khánh, quân thủy chạy về Qui Nhơn, quân bộ lui về Phú Yên”(20).

Đến tháng 9 năm Giáp Dần (1794) cho Đông cung Cảnh về lại Gia Định, để Chưởng Hậu quân Võ Tánh ở lại trấn thành Diên Khánh(21).

Tháng 11 nhuận năm Giáp Dần “Tổng quản giặc là Trần Quang Diệu đem quân vây đánh thành Diên Khánh”(22). Nguyễn vương đã gởi lời dụ đến Võ Tánh: “Đạo làm đại tướng, quý ở mưu trí mà không quý ở sức mạnh, không tham thắng nhỏ mới được công to. Kế ngày nay chém tướng nhổ cờ không bằng đóng quân giữ vững, đợi giặc hao mòn, chờ ta chỉnh đốn binh thuyền định ngày thẳng tiến, bấy giờ trong ngoài giáp đánh, thừa thế đuổi dài, một mẻ lưới thì bắt hết, đó là thượng sách. Nên cẩn thận”(23).

Tháng 7 năm Ất Mão (1795) do không chống nổi với viện binh của Nguyễn vương, nên Trần Quang Diệu cho quân lui về Qui Nhơn(24). Lần này quân Tây Sơn bao vây thành Diên Khánh khoảng 8 tháng trời.

Tháng 8 năm Ất Mão (1795): “Chưởng Tiền quân Tôn Thất Hội ở lại trấn thành Diên Khánh thay Chưởng Hậu quân Võ Tánh”(25).

Tháng 6 năm Bính Thìn (1796): “Triệu Tôn Thất Hội về, sai Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức thay trấn thành Diên Khánh”(26).

Tháng 8 năm Đinh Tỵ (1797) trao cho tướng Nguyễn Văn Thành làm Lưu trấn thành Diên Khánh, Tán lý Đặng Trần Thường hiệp đồng Lưu trấn để trù biện việc quân(27).

Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1798): “Triệu Lưu trấn Diên Khánh  Nguyễn Văn Thành về Gia Định thương nghị việc binh. Sai Lê Văn Duyệt kiêm quản tướng sĩ dinh Tiên phong, hiệp cùng Đặng Trần Thường tạm trấn Diên Khánh, hơn một tháng thì Thành ra trấn, lại gọi Duyệt về”(28).

Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1798) triệu Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường về, sai Đông cung Cảnh ra trấn giữ Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc đi theo(29).

Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1799): “Lấy Quản dinh Tiên phong Nguyễn Văn Tánh quản suất tướng sĩ bản dinh, hiệp cùng Tán lý Binh vụ Đặng Trần Thường lưu trấn thành Diên Khánh”(30).

Tháng giêng năm Canh Thân(1800) sai tướng Nguyễn Văn Trương ra Lưu trấn Diên Khánh(31).

Tháng 4 nhuận năm Canh Thân (1800) sai Hoàng tử thứ hai là Hy, lưu trấn Diên Khánh(32).

Tháng 5 năm Canh Thân (1800) triệu Hoàng tử thứ hai là Hy đem quân sở bộ tiến đóng bảo Hội An, ủy cho quan công đường dinh Bình Khang là bọn Lưu Tiến Hòa giữ thành Diên Khánh(33).

Kể từ đây quan công đường dinh Bình Khang kiêm luôn việc lưu trấn thành Diên Khánh

      c – Chức Án trấn thành Diên Khánh

Đến tháng 4 năm Nhâm Tuất (1802) tướng Nguyễn văn Thành dâng sớ nói: “… Lại chín phủ từ Bình Thuận đến Bố Chánh ( Diên Khánh, Bình Khang, Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Điện Bàn, Thăng Hoa, Triệu Phong, Quảng Bình) và một châu (Bố Chánh), dẫu đã đặt quan công đường mà chưa đặt binh vệ. Dinh thần chỉ coi việc dân, chợt có sự biến phải đợi triều đình điều động quân nơi khác đến, lâm cơ ứng việc sợ không nhanh chóng, Nay sắp có việc Bắc phạt, xin hạ lệnh cho các dinh đều đặt tinh binh coi giữ và ở nơi quan trọng thì cho đại thần trấn trị mà kiêm lãnh dinh khác, khiến cho cánh tay và ngón tay giúp đỡ lẫn nhau, khi hoãn khi cấp đều sẳn sàng cả, như thế ngõ hầu không phải lo bề trong nữa”. Vua khen lời ấy phải(34).

Do đó vào tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802) nhà vua: “Lấy Quản Dinh tiên phong là Nguyễn Văn Tánh làm Chưởng dinh hành chức Án trấn thành Diên Khánh(35). Bây giờ không còn gọi là Lưu trấn mà gọi là Án trấn.

Tháng 9 năm Giáp Tý (1804) triệu Án trấn Diên Khánh là Nguyễn Văn Tánh về kinh, rồi cho về lại Diên Khánh(36).

Năm Gia Long thứ 4 ( 1805) Nguyễn Văn Tánh chết ở nơi làm quan(37). Vậy tướng Nguyễn Văn Tánh đã hai lần trấn thành Diên Khánh: một lần đảm nhận chức Lưu trấn thành Diên Khánh; một lần đảm nhận chức Án trấn.

Tháng 4 năm Đinh Mão (1807) bãi bỏ chức Án trấn thành Diên Khánh: “Hạ chiếu cho Bình Thuận thuộc về trấn Gia Định, Bình Hòa thuộc về trấn Qui Nhơn. Trước hai dinh ấy đều thuộc về Gia Định. Kịp khi đặt án trấn thành Diên Khánh thì cho hai dinh lệ theo. Đến nay bãi án trấn Diên Khánh mới chia hai dinh thuộc về Gia Định và Qui Nhơn, cho lưu trấn [Gia Định] và án trấn [Qui Nhơn] ở  xa lãnh. Phàm công việc binh dân, từ tụng, tô thuế của hai dinh đều do công đường quan của dinh tự xét làm, duy công việc quan trọng mới chuyển báo cho lưu trấn và án trấn quyết định. Nếu có sơn man xuẩn động hay trộm cướp nổi lên thì đều phải tùy cơ phòng ngự và báo cho lưu trấn, án trấn điều độ”(38)

   4- Kết luận

Như vậy Võ Tánh và Nguyễn Văn Tánh là hai nhân vật khác nhau. Võ Tánh không hề cải họ sang họ chúa Nguyễn.

Chức quan Lưu thủ và Lưu trấn là hai chức quan khác nhau. Lưu thủ thuộc chức quan công đường, còn Lưu trấn là chức quan coi về quân sự

Đối với các nhà nghiên cứu khi viết về lịch sử cần phải cẩn trọng, vì khi đưa ra những thông tin sai lạc sẽ kéo theo rất đông nhiều độc giả cũng lầm lạc như vậy!

Lăng mộ Nguyễn Thoan (Suyền)-Lưu thủ đầu tiên của dinh Bình Khang (Khánh Hòa) và phu nhân Lê Thị. Phiên âm cặp câu đối ở cổng lăng miếu:”Tá trung hưng, chiến tích nhung công vạn cổ tiêu Vọng Các/Chế trọng khổn, ân uy đức hóa nhất thời thanh thế chấn Bình Khang”

Không ảnh toàn bộ thành Diên Khánh

Sơ đồ Diên Khánh đại đồn (thành Diên Khánh)

Không ảnh mặt phía nam thành Diên Khánh

Đông môn (cửa Đông) thành Diên Khánh vào thập niên 40 của thế kỷ XX


Chú thích:

1-Một nhóm tác giả, Quê hương Ninh Hòa, www.ninh-hoa.com, 2016, t. 42

2-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 2, Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, t. 92 – 103.

-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5. Nxb Thuận Hóa, t. 238.

3- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, t. 307

4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 2, Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993,  t.  226-228

Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, t. 82

5- Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, t. 293

6- Đại Nam thực lục tập 1, t. 298.

7- Đại Nam thực lục tập 1, t. 313

8- Đại Nam thực lục tập 1, t. 326

9- Đại Nam thực lục tập 1, t. 397.

-Xem bài “Những chân dung lớn của vương quốc An Nam: Nguyễn Suyền” in trong Những người bạn cố đô Huế tập XIII (1926), Nxb Thuận Hóa, Huế- 2004, t. 329-355. Nguyễn Thoan còn gọi là Nguyễn Suyền. Mộ và miếu thờ ông hiện nằm sau lưng Trường Tiểu học Diên An (Miếu và mộ nằm cách đường 23/10, Nha Trang – Thành khoảng gần 50 mét)

10- Đại Nam thực lục tập 1, t. 415

11- Đại Nam thực lục tập 1, t. 430

12- Đại Nam thực lục tập 1, t. 434

13- Đại Nam thực lục tập 1, t. 438

14- Đại Nam thực lục tập 1, t. 454

15- Đại Nam thực lục tập 1, t. 509. Sau khi nghỉ hưu, Cai bạ Nguyễn Văn Ngữ chọn đất xã Võ Cang Trung (nay là thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang) để định cư sinh sống. Mộ Cai bạ Nguyễn Văn Ngữ hiện nằm tại cánh đồng Lăng, thôn Đại Điền Tây, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh.

16- Đại Nam thực lục tập 1, t. 299; 301

17- Đại Nam thực lục tập 1, t. 302- 303

18- Đại Nam thực lục tập 1, t. 308

Những người bạn cố đô Huế tập XIII (1926), Nxb Thuận Hóa, Huế- 2004, t. 336- 340

19- Đại Nam thực lục tập 1, t. 308

20- Đại Nam thực lục tập 1, t. 308

21- Đại Nam thực lục tập 1, t. 311

22- Đại Nam thực lục tập 1, t. 315

23- Đại Nam thực lục tập 1, t.315-316

24- Đại Nam thực lục tập 1, t. 326

25- Đại Nam thực lục tập 1, t. 326

26- Đại Nam thực lục tập 1, t. 337

27- Đại Nam thực lục tập 1, t.  357

28- Đại Nam thực lục tập 1, t. 370

29- Đại Nam thực lục tập 1, t. 372

30- Đại Nam thực lục tập 1, t. 397

31- Đại Nam thực lục tập 1, t. 406

32- Đại Nam thực lục tập 1, t. 410

33- Đại Nam thực lục tập 1, t. 414

34- Đại Nam thực lục tập 1, t. 489

35- Đại Nam thực lục tập 1, t. 509

36- Đại Nam thực lục tập 1, t. 616

37- Đại Nam liệt truyện  tập 2, t.  228

38- Đại Nam thực lục tập 1, t. 698.

Bình luận về bài viết này