Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 7)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG BẢY 

LỊCH SỬ LẶP LẠI: HỘI NGHỊ TÔN GIÁO THẾ GIỚI

I

 Đối với những người tổ chức nó, thì Hội nghị Tôn giáo Thế giới biểu thị đỉnh cao của một tầm nhìn vĩ đại. Tiến sĩ John Henry Barrows, mục sư Tin Lành cấp tiến và chủ tịch Hội nghị, nói, “Không ai có thể nhận lấy ý tưởng này là của riêng mình bởi vì nguồn cội của nó đi ngược trở lại thời Tông đồ Paul và Jesus. Đó là phong trào truyền giáo hiện đại, mà nguồn gốc của nó Tiến sĩ Barrows truy ra đến việc thành lập Đế chế Anh tại Ấn Độ, đã bật lên tia lửa cho Hội nghị này. Như Barrows đã chỉ ra,  chỉ khoảng 100 năm kể từ thời của Sir William Jones, rằng “ngôn ngữ mẹ của mọi ngôn ngữ Âu châu hiện đại – tiếng Sanskrit – đã được bổ sung vào danh sách các ngôn ngữ uyên bác được các học giả trau dồi.” Trong thời gian đó hầu hết kinh sách của các tôn giáo lớn nhất trên thế giới đều trong tầm tay mọi người, và sự lớn mạnh của điều mà Barrows gọi là thần học đối chiếu, đã mang đến không gì kém hơn là “một quan niệm rộng lớn hơn về lịch sử con người, một ý tưởng mới có tính tôn giáo hơn về sự phù hộ của thần thánh qua mọi thời kỳ và lãnh thổ.”

Người Kitô giáo vẫn còn cho rằng sự phát triển cao nhất của tác động tôn giáo chỉ có thể tìm thấy trong tôn giáo của họ, nhưng chính từ các nhà truyền giáo của họ mà công trình hiệu quả nhất về thần học đối chiếu đã đến. Các cha sứ đã học các ngôn ngữ và soạn ra các bộ từ điển và văn phạm của tiếng bản xứ đưa đến việc hiểu biết sâu xa hơn và trân trọng nhiều hơn chính các dân tộc mà họ đến cứu rỗi.

Đa số phái đoàn và cử tọa tham dự là người Cơ Đốc giáo. Nhưng các tôn giáo Á châu phi Cơ Đốc cũng có mặt. Nhật và Ấn – mà đại diện bao gồm Ấn giáo,  Ba Tư giáo, đạo Sikh và Kỳ Nagiáo- đã gửi các phái đoàn đông đảo nhất, nhưng Trung Quốc, Xiêm, Tích Lan cũng gửi đại biểu. Trọng đại không kém, đối với phái đoàn Tây phương, gần như toàn bộ các giáo phái xung đột nhau của Cơ Đốc triều, cùng xuất phát từ cùng một nền tảng, thêm một lần nữa làm sống lại giấc mơ từ lâu quên lãng nhằm đoàn kết một Giáo hội thống nhất.

Hội nghị được lên kế hoạch để phô triển thành tựu tâm linh của Triển Lãm Colombia năm 1893. “Và bởi vì,” Barrows nói, “rõ như ban ngày Tôn giáo của Christ đã dẫn đến nhiều trào lưu chủ yếu và cao quý nhất của  nền văn minh hiện đại của chúng ta, không thể nào Tôn giáo, với vai vế không kém Giáo đục, Nghệ thuật,  Điện khí, lại bị loại ra khỏi Triển Lãm Colombia này.”

Tất nhiên cũng có người nghĩ khác. Một sổ phản bác “rằng Tôn giáo thuộc về một bản chất không thể được đem ra trưng bày.” Người khác cho “rằng không có Hội nghị Tôn giáo nào không gây ra những thù hận đã gieo cay đắng cho dòng lịch sử đã qua của con người. Tổng Giám mục Canterbury thoái thác sự hậu thuẫn bởi vì “Cơ Đốc giáo là tôn giáo độc nhất” và ông không thấy “tại sao Cơ Đốc giáo lại là một thành viên của Hội nghị Tôn giáo ngang hàng với các tôn giáo khác” Ít nhất một nhà truyền giáo,  trong đó có Giáo sĩ E. J. Eitel cất tiếng từ Hồng Kông,  xem việc người Cơ Đốc giáo vận động tham gia Hội nghị Tôn giáo là hành động báng bổ đối với Đức Chúa Trời.

Nhưng đối với phần đông sự đáp ứng với hơn 10,000 bức thư mà ban tổ chức gửi đi khắp thế giới làm choáng ngợp ngay cả những thành viên lạc quan nhất trong ban tổ chức. Sự hậu thuẫn của Cơ Đốc giáo đến từ nhiều khu vực khác nhau. Một số giáo sĩ cảm thấy rằng Hội nghị một lần sẽ chứng minh cho tất cả  tính ưu việt của Cơ Đốc giáo trong đó Phật giáo, Khổng giáo, Hỏa giáo chỉ là bước đệm. Những người khác tin tưởng rằng các tư tưởng cấp tiến của Hội nghị sẽ thúc đẩy thêm nữa sứ mạng truyền giáo của người Kitô giáo bởi vì,  như Mục sư T. F. Hawks đã viết từ Thượng Hải, “không có trở ngại nào trong việc truyền giáo ở nước ngoài lớn hơn là thái độ thù địch và đi ngược với Kitô giáo của các giáo sĩ truyền đạo Cơ Đốc đối với các tín ngưỡng của người bản địa.

Có nhiều lý đó được đưa ra  để tham gia Hội nghị, nhưng có một lý do có kích cỡ cần thiết để thống nhất các lý do khác. “Tôn giáo,” vị chủ tịch nói, “như màu trắng của Thiên đường, đã được tách ra thành nhiều màu sắc phân mảnh bởi các lăng kính của con người.  Một trong những mục tiêu của Hội nghị là biến đổi sự rực rỡ màu sắc này trở lại thành màu trắng của chân lý thần thánh.”

Một tình cảm cao quý, không nghi ngờ gì, và là một tình cảm đạt được chỗ đứng trong một thời gian. Nhưng không phải màu trắng  mà là sự rực rỡ của “nhiều  màu sắc phân mảnh” đã thu hút được ánh mắt của 4,000 người chứng kiến cảnh lộng lẫy của lễ khai mạc tại Đại Sảnh của Lake Michigan vào một buổi sáng tháng 9 đầy nắng. Các phái đoàn bước vào dưới các quốc kỳ của họ trong tiếng hoan hô của đám đông. Hồng y Gibbon, đại diện cho Giáo hội Thiên chúa La Mã ngồi vào ghế chính giữa khán đài, trong áo choàng đỏ thắm rực rỡ. Sát bên ông là Swami Vivekananda, đệ tử có bằng đại học của nhà thần bí Bengal không biết chữ, Sri Ramakrishna,  mặc trang phục đỏ rực, đầu đội khăn xếp vàng. Phía bên kia Hồng Y là B. B. Nagarka của Ấn giáo trong y phục trắng và cam, và ngồi sát bên ông là Dharmapala quấn mình trong trang phục trắng tinh tươm, mái tóc dài buông xuống thành lọn trên vai. Phái đoàn Nhật và Trung Quốc mặc các bộ đồ lụa là đắt tiền với đủ màu sắc của cầu vồng, trong khi phái đoàn Tin Lành và khách mời ngồi phía sau sân khấu làm một hậu cảnh buồn thảm với y phục màu đen của mình. 

Assembly at 1893 Parliament

Sau khi một bài thánh thi được phổ nhạc kết thúc, các diễn văn khai mạc bắt đầu, lần lượt của chủ tịch Hội đồng, các đai biểu của Cơ Đốc giáo, Khổng giáo.  . . Vinh dự đọc bài diễn văn kết thúc trong ngày khai mạc rơi vào tay Dharmapala. Đối với Dharmapala, thông điệp “phổ quát” mà người Cơ Đốc giáo tuyên bố là  một mình họ sở hữu đã được Đức Phật tuyên bố trước tiên (như ông sẽ bàn sau) rất lâu trước Christ. Nhưng trong bài diễn văn mở đầu của mình  ông tự bằng lòng với việc đặt Hội nghị trong ngữ cảnh lịch sử Phật giáo. Dharmapala tuyên bố rằng Hội nghị” đơn giản chỉ là sự vang dội lại sự viên mãn mà các Phật tử đã thành tựu cách đây 24 thế kỷ.” Đó là Hội nghị của Ashoka – các diễn tiến của nó đã “được đúc kết và khắc trên đá và dựng rải rác khắp Tiểu lục địa Ấn Độ và toàn thể giới được biết đến lúc đó.” Kết quả của Hội nghị đó là  Ashoka đã gửi “các đệ tử ôn hòa của Đức Phật, trong các bộ cà sa mà các bạn thấy trên khán đài này, để chỉ dạy thế giới.” Những đệ tử Đức Phật mà Ashoka đã gửi đi, Dharmapala nói, đã dạy người châu Á  “những bài học cao quý nhất về sự khoan dung và lòng từ bi,” và giờ đây họ mang cùng thông điệp đó đến với phương Tây. “Tôi hy vọng,” ông kết luận,  “trong thành phố vĩ đại này, thành phố trẻ nhất trong các thành phố,  chương trình này sẽ được thực hiện, và rồi tên của Tiến sĩ Barrows sẽ chói sáng như Ashokha Mỹ quốc.”

Vào ngày thứ ba của hội nghị, phái đoàn Nhật tự giới thiệu mình, trong đó có Thiền sư phái Lâm Tế Soyen Shaku và đại diện của các giáo phái Tịnh Độ Chân tông, Nhật Liên tông, Thiên Thai tông và Mật tông. “Tôi có nên mang đến các bạn bộ ấm trà, vải lụa, họa phẩm, quạt giấy Nhật Bản không?” Soyen hỏi. “Nhưng tất cả những thứ đó là vật chất,  lửa và nước có thể hủy hoại. Tốt hơn tôi mang đến những thứ không thể bị hủy diệt, tài sản quý giá nhất của chúng tôi. Phật giáo.”

Ông đã mang theo hàng ngàn bản sao bằng tiếng Anh các kinh Phật – Yếu Chỉ Đại Thừa Chân Truyền,  Giáo Lý Tịnh Độ Chân Ngôn, Tứ Thập Nhị Chân Kinh và một số kinh bằng tiếng Hoa, ông hy vọng sẽ được dịch ra tiếng Anh. Ông hối tiếc hiện giờ giáo lí Đại thừa, vốn là phẩm cấp cao nhất của lời giáo huấn của Đức Phật, chưa được dịch ra tiếng Anh nhiều. Để hiểu Đại thừa cần phải biết tiếng Hoa hay Nhật. Hoặc,  ông nói thêm một cách tế nhị,  người Nhật nên học tiếng Anh.

Diễn giả tiếp theo là Kinzai E. M. Hirai, nói tiếng Anh rất lưu loát. Ông chạm đến một chủ đề rất nhạy cảm đối với người Nhật – cụ thể cách họ bị  đối xử ở xứ  Mỹ. Các công dân Nhật bị cấm vào đại học và trường công lập tại bang San Francisco. Người Nhật sẽ nghĩ gì về đạo lý của người Cơ Đốc giáo, ông hỏi, khi có đám đông lũ lượt giơ cao đèn lồng trên đó viết khẩu hiệu “Người Nhật hãy cút về nước.” Nếu đó là đạo lý Cơ Đốc giáo thì chúng tôi hoàn toàn mãn nguyện được làm người ngoại giáo. Tiếng vỗ tay vang dội sau nhiều phát biểu của ông. Nhất là khi ông trình bày những nỗi bất công mà đồng bào ông phải chịu đựng vì cách đối cử đi ngược với giáo lí Kitô của chính quyền Mỹ. Khi ông kết thúc, Tiến sĩ Barrows chạy đến bắt tay ông, còn Mục sư Lloyd Jones ôm choàng vai ông, giữa tiếng hoan hô vang dội, vẫy mũ và khăn tay thể hiện sự đồng tình.

Ngày thứ tư, khi Kenzai Hirai đọc bài viết của Toki về Lịch sử Phật giáo và các Tông Phái ở Nhật Bản, số thính giả quá đông đến nỗi phải dời qua Sảnh Washington kế cận. Toki tỉ mỉ phân biệt giữa Bắc tông,  Nam toing và Mật tông. Ông nhấn mạnh “chân lý của  ba tông phái đều như nhau, sự khác biệt là ở tâm trí người tiếp nhận nó.”

Vào chiều ngày thứ 5, Hoàng thân Chandradat Chudhadharn, bào đệ của Vua Xiêm, giải thích “Pháp trong tiếng Sanskrit có nghĩa là ‘tinh túy của thiên nhiên.’ Những gì được mong đợi,” Hoàng thân nói, “là sự thanh tịnh tuyệt đối của Niết bàn, sự dập tắt của bản ngã và cái không.” Hoàng thân kể lại ẩn dụ quen thuộc của Phật về một người trông thấy sợi dây thừng nằm trên con đường tối tăm mà ngỡ là con rắn.

“Chúng ta cũng vậy. Cuộc sống chúng ta,  cái chết chúng ta, nỗi sợ hãi chúng ta,  tiếng kêu khóc, than vãn, nỗi bất mãn của chúng ta, và mọi phiền não khác,” Hoàng thân nói. “Chúng được sinh ra do sự vô minh về cái vĩnh cửu,  do không biết Pháp để buông bỏ và đoạn lìa chúng.”

Vào chiều ngày thứ sáu, Noguchi đọc một bài viết của Yatsubuchi về Phật giáo. Bài viết dựa trên giáo phái Thiên Thai tông, và trong khi các diễn giả trước nhấn mạnh đến phẩm chất nhân văn của Đức Phật thì ông chọn cách kể cho thính giả về “tính vô hạn của không gian, có hằng hà vô số thế giới, và vô số Đức Phật.”

Yatsubuchi là người đầu tiên giới thiệu giáo huấn Mật tông đến người Mỹ. Từng chút một ông nói, “Ta có thể đi đến chân lý bằng cách tích lũy công đức,  và tránh xa ác nghiệp, nhưng có lần bất chợt ta được yêu cầu phải thấu hiểu rằng lý do của đam mê là Phật tánh, sinh tử là Niết bàn, và hiện thân của chúng ta là Phật.” Lời dạy cuối cùng này, ông giải thích, “là giao lý Mật tông được Đại Nhật Như Lai thuyết giảng, và được bậc đại trí Kobo giải thích.

Ngược lại, bài giảng của Soyen Shaku, Thiền sư đầu tiên đặt chân đến Mỹ, thì rất thực tế. (Bài giảng do Barrows đọc theo bản dịch ra tiếng Anh bởi người đệ tử của ông, D. H. Suzuki.) Đề tài của ông là Luật Nhân Quả theo Lời Dạy của Đức Phật. Ông không một lần đề cập đến công án. “Lạnh và ấm thay phiên đến,  nắng mưa thay đổi lúc này lúc khác không hề chấm dứt,” ông nói. “Hãy nhắm mắt lại và suy ngẫm về bản thân. Từ sáng đến tối chúng ta bị khuấy động bởi vui buồn, yêu ghét . . . Do đó hành động của tâm trí như một nguồn nước không ngừng tuôn chảy. Liệu chúng ta có cần giải thích hiện tượng kì diệu này không? Tại sao tâm trí chúng ta cứ liên tục tuôn tràn? Tại sao mọi vật biến đổi?”

“Về câu hỏi này,” Soyen giải thích, “Phật giáo đưa ra lời giải thích duy nhất: Luật Nhân Quả. Phật giáo xem vũ trụ là vô thủy vô chung.” Cuối cùng ông nhắc nhở với cử toạ rằng “Đức Phật thiêng liêng của chúng tôi không phải là người tạo ra luật tự nhiên này, mà chỉ là người đầu tiên phát hiện ra luật.”

Trong một buổi đàm thoại sau lễ khai mạc Dharmapala lao vào một đề tài được ưa chuộng của các nhà cải cách Phật giáo thế kỷ 19 là chính Phật giáo,  chứ không phải Cơ Đốc giáo,  mới chữa lành rạn nứt giữa tôn giáo và khoa học. Lập luận bắt đầu bằng sự kiện khiến gây lúng túng và bối rối cho người Cơ Đốc giáo hơn bất kì ai khác. Trong Phật giáo không có Thượng Đế,  không có Đấng Sáng tạo, và do đó không cần có phép lạ nghịch lý với chân lý khoa học. “Nói về thần thánh trong ý nghĩa là kẻ sáng tạo,” Dharmapala nói, “Đức Phật nói không có chuyện như thế.”

Dharmapala nói, ngầm công kích lời tuyên bố của Cơ Đốc giáo:

Và bây giờ lịch sử đang lập lại. Hai mươi lăm thế kỷ trước đây Ấn Độ chứng kiến một cuộc cách mạng tri thức và tôn giáo mà đỉnh cao là lật đổ chủ nghĩa độc thần, sự vị kỷ của giới giáo sĩ,  và thiết lập một tôn giáo tổng hợp, một hệ thống của đời sống và tư tưởng, được gọi một cách thích hợp là Pháp, tôn giáo có tính triết lý. Tất cả mọi điều tốt đẹp được góp nhặt từ mọi nguồn và hiện thân bên trong và mọi điều xấu bị loại bỏ. Xu hướng tư tưởng được khai sáng ngày nay trên toàn thế giới không hướng về thần học mà là về triết lý và tâm lý. Con thuyền của chủ nghĩa nhị nguyên thần học (xem thế giới tồn tại là do sức tác động giữa hai sức mạnh siêu việt đối lập Thiện và Ác)  đang trôi dạt vào chỗ nguy hiểm.

Sau khi lắng nghe một cách tôn trọng diễn văn của các đại biểu Phật giáo,  đến lượt các giáo sĩ Cơ Đốc chiếm lĩnh diễn đàn. Mục sư S. G. Mcfarland, có nhiệm sở ở Bangkok, nói rằng, vì Phật tử không nhìn nhận có Đấng Sáng tạo, không có Nguyên nhân Đầu tiên Vĩ đại . .  . nên họ không có Người Hướng dẫn, Người Trợ giúp Toàn năng, và vì thế tương lai đáng sợ của họ là một tình cảnh tối tăm, bí ẩn, không biết được và không thể biết được. Và tiếp theo ông đề cập đến những ý niệm quen thuộc và mơ hồ về tội lỗi nguyên thủy, về Jesus chịu đóng định để cứu rỗi nhân loại . . .

Các diễn văn và thảo luận kéo dài 16 ngày đêm. Khi không đăng đàn tại sảnh chính thì Dharmapala và Hirai bỏ thời gian lui tới các phòng ‘giải đáp’ vây quanh bởi các thính giả tò mò muốn được giải đáp thêm.

Trong số những vị khách mới mà Soyen Shaku và Dharmapala quen được ở Hội nghị, không ai cho thấy là quan trọng trong công cuộc phát triển Phật giáo tại Mỹ hơn là Tiến sĩ Paul Carus, một người Mỹ gốc Đức, chủ biên một tạp chí  và tác giả các sách về tôn giáo và khoa học. Như Soyen và Dharmapala, Carus tin rằng Phật giáo thích hợp hơn Cơ Đốc giáo để chữa lành sự rạn nứt giữa tôn giáo và khoa học, vì nó không phụ thuộc vào phép lạ hoặc lòng tin tưởng  mê muội. Sau khi trải một thời gian thảo luận với Thiền sư Soyen Shaku, Tiến sĩ Carus mời ông đến nhà mình ở Lasalle, Illinois, một thị trấn nhỏ cách Chicago khoảng 90 dặm về phía tây nam. Carus đề nghị Thiền sư hỗ trợ ông phiên dịch và biên tập một số bài viết cho tạp chí của ông. Nhưng Soyen từ khước (suy cho cùng ông là trụ trì thiền viện quan trọng,  và hơn nữa ông không biết Anh ngữ.) Thay vào đấy ông đề nghị Carus nên mời D. T. Suzuki, một môn đệ trẻ đang ở Nhật, người đã phiên dịch các bài nói chuyện của ông tại Hội nghị.

Carus cũng trở thành bạn của Dharmapala mặc dù ông có hơi dè dặt vì tính khí dữ dội của chàng thanh niên sùng đạo. (Trong một buổi trao đổi,  Dharmapala hỏi cử tọa ai đã từng đọc cuộc đời của Đức Phật, và khi chỉ có 5 người giơ tay, ông quát như sấm, “Chỉ có 5 người! 475 triệu người đã đón nhận tôn giáo của tình thương và hy vọng này. Các ông tự cho mình là một quốc gia – một quốc gia vĩ đại- vậy mà không biết tiểu sử của bậc thầy vĩ đại này. Vậy thì làm sao các ông dám phán xét chúng tôi đây!”) Mặc dù ngần ngại nhưng Carus cũng phải nhìn nhận Dharmapala là một người tuyên truyền giỏi và ông trở thành người thành lập chi nhánh Hội Bồ đề Đạo tràng tại Mỹ, dù ông không mấy tin tưởng lý tưởng phục hưng Bồ đề Đạo tràng không hấp dẫn công chúng Mỹ cho lắm.

Hội nghị kết thúc trong lễ bế mạc hoành tráng với lời cầu nguyện Chúa Trời và 500 thành viên Câu lạc bộ Apollo hát bài “America”. Người Cơ Đốc giáo hài lòng. “Hội nghị đã chứng tỏ,” Barrows phát biểu,  “rằng Cơ Đốc giáo vẫn là tác nhân vĩ đại thúc đẩy tình nhân loại.  . . rằng không có vị thầy nào so sánh được với Christ, và không có đấng Cứu rỗi nào trừ Christ . . . Tôi e rằng,” ông tiếp,  “liệu có vị khách Đông phương nào hiện diện nơi đây đâm ra hiểu lầm sự đón tiếp trọng thị của chúng tôi thành việc người Mỹ sẵn sàng đón nhận các tôn giáo Đông phương thay thế tôn giáo của họ.”

Nhưng lời cuối cùng vẫn chưa được nói. Một ít ngày đầu sau khi Hội nghị kết thúc, chính xác là ngày 26/9, Dharmapala đăng đàn tại Tòa nhà Athenaeum dưới sự bảo trợ của Hội Thông Thiên học Chicago, với đề tài Phật giáo và Thông Thiên học. Như thường lệ, khán phòng chật cứng người. “Khi thính giả chuẩn bị ra về, ” Tạp chí của Hội Bồ đề Đạo tràng viết:

Thông báo đến từ diễn đàn cho biết một sự kiện bất thường sắp xảy ra. C. T. Strauss chuẩn bị được tiếp nhận vào đạo Phật. Nghi thức rất giản dị nhưng ấn tượng. Ông Strauss tiến lên diễn đàn đứng trước mặt vị tăng sĩ, Dharmapala phát biểu bằng tiếng Phạn lời thệ nguyện quy ước của Đức Phật. Ông Strauss lặp lại từng lời. Và chỉ có vậy.  Tất cả hoàn thành trong một khoảnh khắc, và ông Strauss được chấp nhận là Phật tử của Maha-Bodhi Samaj.

Và thế là Charles T. Strauss, nhà 466 Broadway, một doanh nhân ở New York, có cha mẹ là người Do Thái, chưa tới 30 tuổi,  từng là sinh viên của khoa tôn giáo và triết lý đối chiếu, bỗng thấy mình trở thành – theo lời  nhà viết tiểu sử của Dharmapala – “người đầu tiên được tiếp nhận vào đạo Phật ngay trên đất Mỹ.”


 

Bình luận về bài viết này