Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 5)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG NĂM : XỨ NÚI VÀNG VÀ BÁT CƠM: NGƯỜI HOA VÀ NHẬT ĐẦU TIÊN ĐẾN MỸ

I

Trong khi những người theo phái Siêu việt đang suy ngẫm về trí tuệ Đông phương ở Concord, thì người Á châu đã đi về phương tây cách đó 3,000 dặm. Vào năm 1848, khi vàng được phát hiện tại xưởng cưa của John Sutter nằm ở phía bắc San Francisco, lúc đó chỉ có một nhúm người Hoa ở Mỹ. Nhưng một năm sau 300 người Hoa gặp nhau tại Nhà hàng Quảng Đông và một nhóm thương gia và mậu dịch Trung Hoa mặc đồ lụa sang trọng nhất và mang dép nội thất được các cha cố thành phố đón tiếp tại Công viên Portsmouth. Các sách mỏng Kitô in bằng tiếng Hoa ở Quảng Đông được giới thiệu đến các thương gia, nhưng họ chỉ liếc mắt nhìn một cách lịch sự nhưng không mấy quan tâm.  “Chúng ta chưa hề chứng kiến một nhóm các quý ngài nào sặc sỡ hơn từng tụ tập ở San Francisco,” một phóng viên tờ California Courrier viết, “đúng ra bộ phận dân số này là kiểu mẫu của sự điềm đạm,  trật tự,  và tuân thủ luật pháp, không chỉ đối với các ngoại kiều  mà còn đối với chính người Mỹ.”

Giới thương gia là những người tiên phong. Vào năm 1852 cuộc đổ xô đi tìm vàng đã lôi kéo 20,000 người Hoa. Trong 1860, cứ 10 người California là có 1 người Hoa. Đến cuối thập niên có đến 63,000 người Hoa. 

Những di dân Á châu đầu tiên đến nước Mỹ thường được mô tả là đám dân làm thuê không tay nghề chuyên môn, những cu li không tên, không tuổi. Nhưng nhiều người trong số họ trang bị các kỹ năng thiết yếu đến Núi Vàng, như tên họ gọi nơi đó Kim Sơn. Những thợ mộc Trung Hoa mang theo đồ nghề và xây dựng các nhà gỗ đầu tiên có thể mang đi từ trại này đến trại khác. Họ mang theo thuốc dân tộc và một thầy thuốc, Ah Sơn, đã dựng lên một trạm y tế 50 giường  tại một khu mỏ ở Yankee Creek. Người Hoa cũng mang đến truyền thống làm việc tập thể, giúp họ có thể mót được vàng trên khu mỏ bỏ hoang của dân đào vàng da trắng có đầu óc cá nhân hơn.

Năm 1867 một nhóm công nhân người Hoa lắp đặt đường sắt cho Central Pacific. Họ cũng bện những chiếc  giỏ hạ họ xuống các vách vực cheo leo để đặt mìn và cuốc con đường hầm xuyên qua dảy núi Rockies và Sierra Nevada. Các nhà nông người Hoa trồng rau củ quả, lập vườn cam và vườn nho. Ngư phủ Trung Hoa thu hoạch tôm tép và các hải sản khác từ các vùng nước duyên hải, và các công nhân người Hoa đắp đê và đào kênh dẫn thủy Đồng bằng Sông Sacramento. Họ làm dịch vụ nấu ăn, giặt giũ, hớt tóc, giữ kho. Trong tất cả nghề nghiệp này, họ chứng tỏ mình, như Mark Twain viết, là con người “hòa nhã, hòa hiếu, dễ bảo, không say sưa, . . . hết sức cần cù.”

Vậy mà càng ngày họ càng gặp hận thù và bạo lực. Các thợ mỏ và ngư phủ Hoa kiều chịu thuế đặc biệt dành cho người nước ngoài, và thường phải chạy thụt mạng khỏi khu mỏ hoặc trại cá của mình trước mũi súng bọn côn đồ da trắng. Vào năm 1877 các tiệm giặt ủi người Hoa ở San Francisco bị phóng hỏa; năm 1885 có 25 người Hoa bị treo cổ tại Rock Creek, Wyoming; và vào năm 1884 toàn bộ người Hoa ở Tacoma, Washington bị nhét vào xe thùng trục xuất  ra khỏi thị trấn.

Luật pháp cũng không giúp đỡ được gì. Năm 1854 Thẩm Phán Charles T. Murray của Tòa án Tối cao California, đã từ chối cho phép một nhân chứng người Hoa làm chứng trong một phiên tòa xử vụ sát nhân liên quan đến hai người da trắng. Kể từ thời Columbus,” vị thẩm phán lý luận, “người da đỏ, người Mông Cổ  và người châu Á được xem là cùng chủng tộc,” – một chủng tộc thấp kém hơn và không có quyền.  Không được chính quyền của mình bảo vệ (vốn không công nhận quyền di dân của Hoa kiều cho đến năm 1854), người Hoa ở Mỹ không có quyền hành về mặt chính trị. Mặc dù lúc đầu Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phủ quyết mọi nỗ lực ngăn cấm người Hoa di cư, các nhà làm luật tiểu bang và thành phố thông qua nhiều pháp lệnh chống người Hoa. Những thợ giặt ủi người Hoa không được phép hành nghề trong các căn nhà gỗ; người bán dạo không được phép bán giỏ hàng treo trên cột; ngư phủ bị cấm dùng lưới mịn để bắt cá con. Trong thập niên 1870 vấn đề người Hoa trở thành một chính sách quốc gia quan trọng, và trong 1882 Quốc Hội thông qua Đạo luật Loại trừ người Hoa – “việc ra khỏi lần đầu tiên,” như Stuart Creighton Miller viết trong Người Nhập Cư Không Được Tiếp Đón, “chính sách chính thức của chúng ta về nhập cư công khai, không cấm cửa được thực hiện trên cơ sở sắc tộc.”

Trong thế kỷ 18 Voltaire và Diderot đã ca tụng nền văn minh Trung Hoa vì tính tinh tế,  hợp lý,  trật tự và đầy chất trí tuệ của nó – một quan điểm hình thành từ các nhà truyền giáo Dòng Tên đã phiên dịch các tác phẩm của Khổng tử ra tiếng La tinh và xâm nhập vào bộ phận cao nhất của triều đình Trung Quốc. Nhưng đến giữa thế kỷ 19 một hình ảnh khác đã chường mặt ra trước, “hình ảnh cơ bản,” như Stuart Creighton Miller viết, “của một nền tảng dung dưỡng trì trệ, suy đồi, bán khai cho bầy đàn vô nhân tràn ngập.” Một phần hình ảnh này xuất xứ từ lời kể của các nhà truyền giáo Tin Lành Mỹ gửi về cho hàng trăm tờ báo Kitô mọc lên như nấm trong cuộc phục sinh cơ yếu lúc đó đang tràn qua nước Mỹ. Mong tìm sự hậu thuẫn tài chính cho sứ mạng truyền đạo ở Trung Quốc, các giáo sĩ truyền giáo khai thác nỗi lầm than gây bởi tình trạng ngoại đạo, tính đa thê, tục bó chân, tử suất trẻ em cao, tật mê cờ bạc và những thói hư hỏng khác. Về phần tôn giáo:  “có 4 biểu hiện ngoại giáo là,” một nhà truyền giáo nói, “Đạo Lão, đạo Phật, thờ cúng tổ tiên,  và nghiện thuốc phiện.”

Nạn nghiện thuốc phiện vốn bị các nhà truyền giáo lưu ý thực sự là do người Anh cưỡng bách lên người Hoa vào năm 1840. Chiến tranh Nha phiến đã buộc người Hoa phải mở cửa giao thương và cho phép truyền đạo Kitô bằng mũi súng. Nó cũng gây ra nạn lạm phát và triều đình Mãn Thanh vốn đã mất lòng tin của dân chúng càng suy yếu thêm, nhất là ở châu thổ Châu Giang trong Tỉnh Quảng Đông, nơi xuất thân hầu hết người di cư đến Núi Vàng sinh sống.

Quảng Đông luôn là tỉnh mở cửa rộng rãi nhất Trung Quốc. Nó cũng là tỉnh độc lập và có tinh thần dân tộc nhất. Vào năm 1850 một lần nữa nó trở thành trung tâm khởi nghĩa chống triều đình phong kiến ngoại bang Mãn Thanh do Hồng Tú Toàn lãnh đạo. Cuộc Khởi nghĩa Thái Bình, một phong trào tiến gần đến mức thắng lợi nhất trong số các phong trào này. Hồng Tú Toàn đã đọc các giáo lí Kitô và nhận sự cố vấn của các nhà truyền giáo Báp Tít phía Nam. Ông kết hợp niềm tin thần thánh xem mình là anh em của Christ với lời kêu gọi tiến lên chủ nghĩa công xã cho một thiên niên kỷ và chấm dứt triều đại Mãn Thanh. Ông cũng cực lực chống đạo Phật. Các nhà truyền giáo Mỹ, lúc đầu rất nhiệt tình giúp đỡ ông, sau này vỡ mộng trước việc Hồng luôn tin mình là thần thánh. Giáo sĩ Charles Taylor, sau khi đi tham quan vụ nổi dậy, viết: “Thật là một cảnh tượng đổ nát tôi chưa từng chứng kiến lại mãn nhãn đến thế. Những mảnh vụn mạ vàng, màu mè vung vãi khắp nơi. Bàn thờ, bàn hương án, bình hương và nến, kinh Phật và mọi đồ tế nhuyễn của một tín ngưỡng thờ cúng ngẫu tượng, bị vứt bỏ, đập bễ, xé nát, vung vãi đây đó thành một cảnh hoang tàn không thể dọn dẹp được.”

Những nông dân,  ngư phủ và thủy thủ Quảng Đông từng lâu đời đã quen xuất cảnh sang Mã Lai, Borneo, Java và Việt Nam. Trong thập niên 1850, hỗn loạn do nội chiến,  nổi dậy, nạn cướp bóc, vật giá leo tháng, thuế má tăng, đất đai thu hẹp, đã khiến việc di cư đến Núi Vàng đặc biệt hấp dẫn. Những nông dân bị bắt làm tù nhân trong thời kỳ này bị chở đến Peru làm cu li thực sự là những nô lệ. Nhưng những người xuống tàu đến Mỹ thì hoặc phải trả tiền tàu hoặc phải làm giấy nợ và sẽ thanh toán lại với tiền lãi  sau khi kiếm được việc làm ở vùng đất mới.

Ở Mỹ họ tổ chức cộng đồng theo dòng họ. Tại quê nhà Quảng Đông đơn vị xã hội nền tảng là gia đình và có khi toàn bộ dân làng đều có chung một tổ tiên.  Ở Núi Vàng họ thành lập các tổ chức dựa vào vùng họ xuất thân ở Trung Quốc. (Thổ ngữ ở các vùng khác nhau thường khác nhau,  vùng khác không hiểu được.  Những tổ chức khác nhau này gồm Năm Bang hội (sau đó lên đến 6), tạo thành nền tảng đời sống xã hội Trung Hoa. Họ có vai trò như các cục, cung cấp thực phẩm,  chỗ tạm trú cho các di dân mới, làm cầu nối liên lạc với quê nhà. Hoa kiều gửi tiền về cho gia đình và thường trở về quê hương để cưới vợ và sinh con đẻ cái. Mối ràng buộc tiếp tục thậm chí khi qua đời. Người Hoa ở Mỹ sau khi chết thường được Lục Bang  đưa về quê nhà để mai táng.

Lục Bang cũng là trung tâm các lễ hội và đời sống tôn giáo.  Đền thờ Trung Hoa đầu tiên trong khu Chinatown ở San Francisco do Bang Đài Sơn xây dựng vào mùa hè năm 1853, một năm sau Bang Ning Yeong xây cất đền thờ thứ hai, chi tiêu 16,000 đô chỉ để trang trí và trang bị đồ đạc. Những đền thờ này tọa lạc trên các tầng cao nhất  để không ai được phép đứng cao hơn các vị thần mà họ thờ.

Vào cuối năm 1875 có đến 8 đền thờ ở Chinatown; tới cuối thế kỷ 19, có hơn 400 đền thờ dọc theo bờ biển Miền Tây, nơi người Hoa làm việc và định cư, từ San Diego đến Vancouver, vào nội địa đến Sierra Nevada. Một số đền thờ,  như các đền thờ trên tầng thượng của Lục Bang, rất lộng lẫy, được trang bị toàn các vật dụng đắt tiền từ Trung Hoa; những đền thờ khiêm tốn khác chỉ thờ cúng một vị thần, như thần ngư phủ, có khi chỉ là một am nhỏ, vừa đủ chỗ cho một người quỳ lạy.

Đền thờ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người Hoa. Chúng phản ảnh tôn giáo phổ biến của người Hoa, một sự pha trộn giữa tam giáo: Lão, Khổng và Phật giáo. Người Hoa đặc biệt khoan dung về vấn đề tôn giáo và triết học. Họ không thấy hợp lý ở việc tôn thờ vị Thần này cao hơn các vị thần khác (như các nhà truyền giáo Tin Lành Mỹ đã phát hiện). Họ có thể là một con người lý trí theo đạo Khổng (Khổng tử đã nói, “Hãy tôn trọng quỷ thần, nhưng hãy ở xa họ – Kính nhi viễn chi”), hoặc thờ cúng một vị thần hộ mạng, như Quan Công,  hoặc là một Phật tử thiền tông, nỗ lực tu tập trong các chùa để được giải thoát.

Các vị thần Phật giáo đứng bên cạnh các vị thần Lão giáo trong các đền thờ người Hoa, nhưng cũng có các chùa thuần túy thờ Phật. Người Hoa là những người đầu tiên mang các hình Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Di Lặc, Dược Sư, Quan Âm, Đại Phật Như Lai, Đia Tạng . . . . .sang nước Mỹ. Vị thần phố biển nhất của người Hoa là Quan Âm Bồ Tát, vị thần của lòng trắc ẩn, được tôn thờ dưới các danh hiệu khác nhau ở Nhật, Hàn, Mông Cổ, Tây Tạng,  Việt Nam

Một nhân vật quan trọng không kém đối với Hoa kiều ở Mỹ là Phật A Di Đà, vị Phật của cõi Tây Phương Cực Lạc. Phật A Di Đà đã thệ nguyện rằng ai niệm danh hiệu ngài dù chỉ một lần với niềm kính tín chân thực sẽ tái sinh vào cõi Tây Phương Cực Lạc, một cảnh giới có điều kiện hoàn hảo để tu tập và giác ngộ. Hầu hết Phật tử không xuất gia đều thờ A Di Đà, do đó thuộc Phật giáo Tịnh Độ tông. Theo lời dạy của một nhà sư nổi tiếng thuộc Tịnh Độ tông thì cõi Tịnh Độ trong Tây Phương Cực Lạc hiện tiền trong thế giới này, bên trong tâm trí chúng ta. Lối giải thích này  dẫn đến việc tụ tập tổng hợp hai tông phái Tịnh Độ và Thiền trong các tu viện Trung Hoa, nhưng hầu hết Hoa kiều ở Núi Vàng bằng lòng với niềm tin rằng chỉ cần chăm chỉ niệm A Di Đà Phật là khi chết sẽ được rước vào Cõi Cực Lạc. 

Sự hiện diện của các nhà sư Phật giáo được đề cập trong một số tường thuật về lễ hội và đám cưới ở Chinatown. Nếu có nhà sư ở xứ Núi Vàng, thì họ dường như chỉ tập trung vào việc chăm sóc và hành lễ trong chùa. Các thiền sư thì chắc chắn không rời các tu viện cô lập trên núi ở Trung Quốc và bước chân đến Mỹ; ít ra không có tư liệu nào đề cập đến việc này.

Người Hoa thường không có tật lôi kéo người khác theo đạo mình , và các Phật tử Hoa kiều cũng noi theo cùng một cách thờ cúng như ở đất mẹ. Nhưng họ cũng thưa ra tòa  khi quyền thờ cúng Phật của họ bị thách thức.  Như trong vụ kiện John Eldridge chống Bang See Yup vào mùa xuân 1859, Tòa Án Tối Cao Bang cho phép duy trì đặc tính công cộng của nghi thức Phật giáo. Tòa quyết rằng các toà dưới không có quyền quyết định hình thức tín ngưỡng này hay hình thức kia, hoặc sự thờ cúng mê tín – nếu nó không vi phạm các luật quy định  – là chống lại chính sách hoặc đạo đức công cộng.” Người da trắng hiếm khi thăm viếng các đền thờ người Hoa, nếu có, chỉ là với tư cách du khách. Trong một bài viết trong số báo phát hành vào tháng giêng 1878 của tờ Warsaw Commercial Gazette, nhà báo Ba Lan (và sau này là tác giả Quo Vadis), Henryk Sienkowicz, cho biết rằng “toàn thể dân chúng Hoa kiều ở Chinatown đều theo giáo lý  đạo Phật. Sienkowicz dẫn dắt độc giả vào thăm một ngôi chùa Hoa tại Chinatown:

. . . nhưng chúng ta chưa bước chân vào những nơi thú vị nhất có treo đèn lồng bằng giấy đủ màu sắc. Đây là những ngôi chùa Hoa.  . . . Ta hãy bước vào trong.  Mọi người đều được phép vào đó. Giờ thì chúng ta đang thực sự  ở trong đất nước Trung Hoa.  Một gian phòng lớn biến thành nơi thờ tự được chiếu sáng bởi nhiều đèn màu và các tấm kính cửa sổ đủ màu. Trong góc dựng các chiếc dù đứng trên cán dài, các lá cờ hình mặt trời,  mặt trăng, rồng, và các cột cao ở đỉnh treo các biểu tượng bằng đồng có hình thù không xác định được.  . . Ở trung tâm đặt một áng thờ đầu tiên dưới dạng một bàn rộng thấp trên đó án ngự một cặp rồng bạc cao hai bộ . . . Áng thờ chính nằm sâu nhất phía trong đền thờ. Dưới ánh sáng lờ mờ bí hiểm . . . lù lù hiện ra sau một tấm màn lụa bức tượng Phật trong tư thế đang ngồi . . . gương mặt bằng đồng vàng chói  thể hiện nét vừa buồn chán vừa ngớ ngẩn.  .  .”

Hàng chữ cuối biểu lộ sự khinh thị phản ảnh chủ nghĩa bài Trung Quốc của thời kỳ đó. Đối với hầu hết người da trắng các đền chùa người Hoa gợi lên nơi ẩn náu bí hiểm tối tăm với khói nhang nghi ngút, làm mờ mịt khung cảnh mang đầy vẻ mê tín ngoại đạo với các nghi thức không thể diễn tả được. Đối với bọn ngoại cuộc man rợ thì đền chùa còn là những mục tiêu thuận tiện để gieo khiếp đảm, và một số nhóm đội viên dân phòng bài Hoa người da trắng, không bận tâm gì khi đốt rụi chùa người Hoa tại địa phương.

Một biểu hiện thái độ của người Mỹ đối với tôn giáo của láng giềng Hoa kiều của họ còn tồn tại đến ngày nay thể hiện trong hai vại cắm hương bằng thiếc lớn đứng trước tượng Quán Âm, trong một ngôi chùa Hoa tại Thành phố Nevada đã được phục dựng. Vại cắm hương được mang đến từ Trung Quốc với chi phí lớn do các thợ mỏ làm việc ở khu chân đồi Sierra Nevada quanh đó  đài thọ, đến nay còn trong tình trạng tốt, duy chỉ trừ một vài lỗ đạn lởm chởm bắn thủng lớp vỏ kim loại mỏng từ một loạt đạn ngẫu hứng của một vài tên cao bồi bước ra khỏi quán rượu vào một đêm thứ bảy cách đây một thế kỷ.

II

Trong vài trăm năm các tướng quân Tokugawa, theo đuổi một chính sách bế môn tỏa cảng ngặt nghèo, chỉ dành cho người Hà Lan vào buôn bán tại một tiền trạm nhỏ ở Nagasaki. Các tàu buôn cần nước ngọt và than luôn bị đuổi đi. Các thủy thủ đắm tàu hoặc bị đuổi về nước qua cảng Hà Lan hoặc đôi khi bị xử tử vì tội gián điệp. Năm 1854, theo gương người Anh ở Trung Quốc, Hoa Kỳ phái Thiếu tướng Perry và hai tàu hơi nước guồng quay vũ trang hùng hậu đến thương lượng một hiệp ước trong đó người Nhật đồng ý cho phép “giao thương hữu nghị, cung cấp than và lương thực, và bảo vệ các thủy thủ đắm tàu.”

Năm 1860 đặc phái viên đầu tiên đến Mỹ, Shimmi Buzonokami, đặt chân đến San Francisco.  Phái đoàn Nhật chính thức  mặc quốc phục truyền thống, mang song kiếm như truyền thống võ sĩ đạo, lên đường đến Washington. Tại đó họ trình quốc thư của Tướng quân lên Tổng thống Buchanan. Vào ngày 15 tháng 6 năm đó, họ ngồi xe ngựa mui trần chạy trên đường phố Broadway tại thành phố New York. 

Người Nhật không hấp tấp đóng vai trò mà tàu chiến của Perry áp đặt cho mình. Chỉ đến 8 năm sau,  vào năm 1868, Năm Đầu thời Minh Trị, chính quyền của vị hoàng đế vừa được phục hồi, đã khuất phục các tướng quân, mới miễn cưỡng cho phép một ít công dân Nhật bình thường xuất  cảnh.

149 người Nhật đầu tiên được phép đến Hawaii làm việc trong các đồn điền trồng mía. Các chủ đồn điền Hawaii kỳ vọng người Nhật đáng tin cậy hơn người Hoa, vốn có khuynh hướng bỏ việc về thành phố làm chủ tiệm tạp hóa khi có dịp. Nhưng người Nhật,  thường được tuyển mộ trên đường phố ở Yokahama, không quen với điều kiện lao động khắc nghiệt trên đồn điền, và hầu hết đều bỏ trốn đến Honolulu. Trong số này chỉ có khoảng 40 người trở về Nhật,  số còn lại ở lại lấy vợ người Hawaii. Điều này làm vui lòng Vua David Kalakaua, người vốn xem dân Nhật thuộc chủng tộc  Polynesia, có họ hàng với dân Hawaii, và ông hi vọng họ sẽ phục hồi dân số Hawaii đang sụt giảm vì bệnh đậu mùa,  sởi và dương mai.

Năm 1881 Vua Kalakaua đến thăm Nhật cùng với các con trai của hai nhà truyền giáo. Trên đường đi ông làm hai người đồng hành của mình ngạc nhiên khi xem mình là người Á châu, và thổ lộ nguyện vọng đưa đạo Phật vào Hawaii.  Trong cuộc tiếp kiến với Hoàng đế Nhật ông đề nghị tham gia với Nhật trong một “liên bang và liên minh các quốc gia và quốc vương Á châu” dưới quyền lãnh đạo của vị hoàng đế. Ông cũng đề nghị hai hoàng gia kết thông gia giữa một công chúa Hawaii Kaiulani lúc đó mới lên 6 và một người cháu vua. Đáp ứng của vị Thiên hoàng bất nhất trong các tường thuật khác nhau, nhưng sau đó ngài viết thư phúc đáp cho Kalakaua trong đó ngài xem ý tưởng liên bang với Hawaii là thuận tình.

Năm 1885 Kalakaua đến thăm viếng nước Mỹ. Vị “Quốc vương Vui vẻ”, danh hiệu gán cho ông bởi tính tình cởi mở, xởi lởi của ông, đã chinh phục người Mỹ, và Quốc Hội chấp thuận một hiệp ước cho phép đường và dứa của Hawaii được nhập khẩu vào Mỹ miễn thuế. Hiệp ước thúc đẩy các chủ đồn điền Hawaii xem xét lại việc mướn nhân công người Nhật. 

Người Nhật đáp ứng,  nhưng lần này họ yêu cầu một dàn xếp thuận lợi hơn. 930 nhân công khởi hành từ Tokyo vào năm 1887, phần đông là tiểu nông và điều kiện lao động của họ được ghi khá chi tiết trong hợp đồng, yêu cầu phải Kitô công người Nhật, một thông dịch viên và nước nóng tắm rửa mỗi ngày. Các “lao động xuất khẩu” này nhận hợp đồng kéo dài 3 năm, và họ hy vọng sẽ trở về nhà với số tiền kiếm được.  Những nhân công đầu tiên này đặt chân đến Hawaii trong tâm trạng phấn khởi,  được tiếp đón bởi đội vũ công hula truyền thống và Vua Kulakaua đọc một bài diễn văn Chào mừng,  có chêm một vài từ Nhật ông đã học được trong chuyến đi trước. Đáp lại, người Nhật tạo ấn tượng bằng màn trình diễn kiếm thuật và vật Sumo.

Sau đó các nhân công mới được chở ra các đồn điền cách xa thành phố, tại đó công việc kéo dài và rất nặng nhọc. Các giám sát viên không mấy chú ý đến việc theo dõi các điều khoản đã thỏa thuận. Công nhân mắc nợ các cửa hàng của công ty, cảnh bài bạc rượu chè, gái gú tràn lan các lán trại đồn điền.  

“Hawaii, ôi Hawaii,” như lời một bài hát người Nhật sáng tác khi họ quần quật dưới ánh nắng thiêu đốt,  mồ hôi nhuễ nhoại dưới lớp áo dày bảo hộ khỏi bị lá mía cắt da.

Tôi đến đây như một giấc mơ

Nhưng giờ đây mồ hôi tôi đổ xuống

Trong cánh đồng mía

Chính quyền Nhật bức xúc bèn phái Bá tước Katsunoke Inouye đến Honolulu để thảo luận về các điều kiện làm việc của công nhân. Văn phòng Đối ngoại của Hawaii đồng ý gia tăng số thông dịch viên, sử dụng thầy thuốc Nhật, cho phép nhận thực phẩm miễn thuế từ Nhật, và cũng hạn chế gắt gao dân nhập cư Hoa đến Hawaii.  Bá tước Inouye thẳng thắn trình bày với người Hawaii rằng Thiên hoàng không muốn người Nhật và Hoa sống lẫn lộn với nhau ở nước ngoài. 

Trong khi đó, tại Nhật Bản,  một nhà sư trẻ phái Tịnh Độ Chân tông, cũng tỏ ra quan tâm đến phúc lợi của đồng bào mình ở hải ngoại,  đến gặp Trụ trì Myonyo của Chùa Hompa Hongquan ở Kyoto. Sư Kagahi trình bày, “Đã có hàng ngàn công nhân Nhật vất vả ở Hawaii mà không được hưởng phúc lợi khải đạo tâm linh, và một số đã chết mà không được cầu siêu đúng nghi thức Phật giáo. Sư trụ trì trả lời hiện có quá ít tư liệu về điều kiện ở Hawaii thành ra đi bây giờ còn quá sớm. Vả lại các tu sĩ truyền giáo chùa Hongquan chúng ta hiện giờ còn bận bịu công tác tại Mãn Châu, Triều Tiên và Nam Trung Hoa. Nhưng Sư không chống đối nếu vị sư trẻ muốn tự mình đảm đương thiên chức tại Hawaii.

Kagahi đến Honolulu vào ngày 12 tháng 3 năm 1889. Sư bắt đầu xem xét tình hình bằng cách thảo luận với các thành viên trong cộng đồng Nhật bên cốc sake. Sư thấy khắp nơi nhan nhản các nhà thờ Kitô giáo. Cũng có một ít nhà truyền giáo Kitô người Nhật rất tích cực, người thành công nhất là Mục sư Miyama đã nổi tiếng nhờ cải đạo cho lãnh sự và gia đình ông ta. Có một số ngôi chùa Hoa thờ Quan Âm và A Di Đà, nhưng không có ngôi chùa nào dành cho người Nhật.  Tình hình được mô tả vài năm sau trong một đơn thỉnh nguyện gửi đến Trụ sở  Hongquan đề ngày 5 tháng 6 năm 1897: ” . . . Đạo Kitô khống chế ở đây.  Các thị trấn rộn ràng nhà thờ và lời giảng đạo Kitô,  lời cầu nguyện của các nhà truyền giáo rúng động đường phố hòa với tiếng chuông nhà thờ. Đối với các Phật tử mạnh mẽ như chúng ta áp lực này không có nghĩa lý gì. Tuy nhiên,  chúng ta nhận được báo cáo một số người Nhật nhẹ dạ bỏ đạo để đi theo phe ngoại giáo – như những kẻ đói khát không có nhiều lựa chọn phải ăn bất cứ thứ gì đưa đến.” Tình hình tồi tệ thêm khi Phật tử Honolulu báo cáo một số “nhà sư” giả danh thành viên “phái đoàn đặc biệt của Trung ương”, thu tiền cúng dường của Phật tử rồi chuồn khỏi đảo.

Dù Kagahi không được phép hành động như một phái viên của chùa Hongquan, nhưng Sư tranh thủ được sự tin cẩn của cộng đồng Nhật vì sự trung thực của mình.  Sư đến từng nhà quyên góp tiền, và nhận được 160 đô từ 200  công nhân trở lại Nhật.  Sư âm thầm làm việc nhưng các hoạt động của Sư,  cả mặt xã hội lẫn tôn giáo, không lọt khỏi tầm mắt của các nhà truyền giáo Kitô, sau khi Giáo hội Hawaii phát đi một cảnh báo về “một tổ chức Phật giáo trong lòng chúng ta, khuyến khích rượu chè.”

Kagahi sau đó lặn lội đến các đồn điền,  tại đó Sư chứng kiến cảnh đồng bào mình chịu đựng ‘các gánh nặng cả về thế xác lẫn tâm linh, buồn rầu và lang thang như những con cừu không người chăn dắt.” Nhìn chung, sứ mạng của Sư đã thành công. Trước khi rời Hawaii Sư đạt được tâm nguyện chứng kiến ngôi chùa Nhật đầu tiên được hoàn thành ở Hawaii – một tòa nhà nhỏ đứng trên góc Đại lộ Pohahawai và Phố Front tại Hilo.

Kagahi trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1889. Các nhóm Phật tử đáp lại lời kêu gọi của Sư bằng hứa hẹn hỗ trợ tài chính. Nhưng rồi Hagahi đăng một bài viết trong tạp chí đề nghị các sư truyền giáo ở nước ngoài nên xem Chúa Trời của Kitô giáo ngang hàng với Đức Phật Vô Biên, vì cả hai đều là tên của cùng một Thực thể Tuyệt đối.

Trong tương lai gần không ít Phật tử Nhật, vốn đang tìm cách làm Phật giáo trở nên “thích ứng” và “hiện đại”, cũng đưa ra các lập luận tương tự, nhưng vào thời đó điều này không chấp nhận được. Để củng cố quyền lực hoàng đế,  chính quyền mới đã tôn Thần đạo lên làm quốc giáo, và thậm chí ra sức hủy diệt đạo Phật với khẩu hiệu Haibutsu Kishaku – “Đuổi Phật; Diệt Pháp.” Đồng thời hệ tư tưởng Tây phương và Kitô trở thành thời thượng trong số những ai tin rằng hy vọng duy nhất của nước Nhật là canh tân nhanh chóng. Chẳng bao lâu chính quyền lui về lập trường trung lập đối với tôn giáo, nhưng các Phật tử đã vào thế phòng thủ, họ không có thiện ý với đề nghị đội  chiếc mũ chóp cao  của Kitô giáo.

Kagahi bị công kích vì tội dị giáo; lời hứa tài trợ bị rút lại. Kagahi biến mất khỏi khung cảnh, nhưng năm sau hai vị sư Tịnh Độ Chân tông xuất hiện tại Honolulu, và khi số dân Nhật ở Hawaii tăng vọt (có khoảng 25000 người vào năm 1894), các viên chức của Hompa Hongquan không còn có thể phớt lờ nhu cầu cho một sứ mạng truyền giáo tích cực. Ngôi chùa chính thức đầu tiên của nhánh Tịnh Độ Chân tông được xây cất trong tầm mắt của 5 đồn điền mía đường lớn ở thị trấn Pauuhau trên đảo Hawaii. 

Năm 1892 Edwin Arnold, tác giả cuốn Ánh Sáng Châu Á, đã đề xuất với người kế vị Vua Kalakaua, Nữ hoàng Liliuokalani, Hawaii nên kết liên bang với Nhật. Nữ hoàng tỏ ra quan tâm nhưng đến lúc đó đã quá muộn. Một nhóm người Hawaii da trắng, được Thủy quân lục chiến Mỹ tiếp tay, làm một cuộc đảo chính và thành lập Cộng hòa Hawaii. Nhật gửi tàu chiến và phản đối hành động đến Washington nhưng chính quyền  Mỹ bác bỏ trách nhiệm.  Sáu năm sau Hoa Kỳ sáp nhập Hawaii. Các chủ đồn điền bảo vệ thành công lợi ích kinh tế của mình. Họ cũng cho Hoa Kỳ một vùng lãnh thổ với một dân số Phật tử đang lớn mạnh – trong tương lai sẽ là bước đệm quan trọng cho các nhà sư truyền giáo vào nội địa.

Đoàn di dân Nhật đầu tiên đến nội địa vào năm 1889 như là đội tiền trạm cho Matsudaira Katamori, một lãnh chúa đã hậu thuẫn các tướng quân chống lại hoàng đế. Một nhóm nhỏ do một cố vấn lãnh chúa người Hà Lan John Henry Schell cầm đầu, mang 50,000 cây giống dâu tằm trắng, măng tre và hạt giống trà. Họ định cư trên miếng đất 600 mẩu vùng Sacramento, nhưng số cây sống được rất ít do chuyến đi xa hoặc thổ nhưỡng khô cằn, và Trại Trà và Lụa Wakamatsu (đặt tên theo khu vực mà Katamori cai trị) kết thúc trong thảm bại sau hai năm.

Chỉ có một số ít người Nhật đi sau nhóm người định cư mới này; vào năm 1870 Thống kê Dân số Mỹ cho biết chỉ có 70 người Nhật ở Hoa Kỳ. Trong số vị khách đầu tiên này có Renshi Katuyu Unegami, một vị sư đi tham quan nước Mỹ vào năm 1872, sau khi đã khảo sát các tổ chức tôn giáo Tây phương ở châu Âu với bốn lãnh đạo Hompa Hongquan khác. Đến năm 1890 số di dân Nhật đã tăng lên 2039 người. Một số đến Hawaii trước rồi tiếp tục đến Mỹ, số khác đi trực tiếp đến Mỹ từ Nhật Bản.  Hầu hết là trai trẻ và độc thân – theo thông tin cho biết là một nhóm liều mạng, mạnh rượu tìm việc trong lâm nghiệp, đường sắt, đồn điền và nông trại. Phần đông dân Mỹ không buồn phân biệt họ với người Hoa, nhưng ai nhận ra được sự khác biệt sẽ bắt đầu nói bọn Hoa này bớt gây rối hơn. Người Nhật dường như xấc xược và quá nhạy cảm. Người Hoa ít nhất biết phận mình, nhưng  người Nhật, được một chính quyền hùng mạnh quân sự hậu thuẫn,  nên đòi được đối xử ngang hàng.

Không giống người Hoa, người Nhật làm mọi cách để làm quen với tập quán Mỹ. Họ ăn vận âu phục, và nhiều người học tiếng Anh tại các trường nhà dòng. Nói chung họ hài lòng bỏ đạo Phật ở lại quê hương Nhật Bản – một tình trạng được các viên chức Nhật khuyến khích, trong đó có lãnh sự Nhật Saito  ở Seattle, vì họ tin rằng mang một tôn giáo “ngoại bang” vào nước Mỹ sẽ gây “nhiều vấn đề  rắc rối” cho di dân Nhật.  Trong tương lai các ngôi chùa Nhật sẽ là trung tâm của đời sống Nhật-Mỹ. Nhưng trong thập niên 1890, tình hình không phải như vậy. Chính sử của Phật giáo Hoa Kỳ phán một cách cộc lốc: “Vì trẻ tuổi và thiếu trách nhiệm, những người di dân không chịu lắng nghe những lời giáo huấn đạo lý, và đặc biệt những lời dạy của Phật pháp.”

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s