Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 20

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 20 : TIẾP TỤC TÁI ĐẤU

1 Chết

Sau biến cố Tết, thời cơ của phe cộng dường như xuống thấp. Hết lần này đến lần khác, Hoa Kỳ và QĐVNCH đánh tơi tả các đơn vị VC. Một buổi sáng trong vùng châu thổ,  một nhóm chỉ huy du kích đi vào làng Mỹ Lộc để rồi chạm trán với một cuộc càn quét của Mỹ. Pháo giết chết một cậu thiếu niên 17 tuổi tên Khang,  con trai một cán bộ VC. Người cha tội nghiệp này viết: ‘Tôi ngồi cạnh thi thể mà cõi lòng tan nát,  và nói với nó như thể nó còn sống: “Hãy yên nghỉ,  con trai, con đã làm tròn bổn phận đối với cách mạng.”‘ Trong những năm sau đó,  hai em trai của cậu cũng gia nhập VC. Bà mẹ nhún vai cho rằng nếu chúng không chiến đấu cho phe này,  chúng cũng sẽ bị phe kia gọi vào lính, và như vậy hóa ra cha con bắn giết nhau. Ông viết: ‘Tôi không thể đếm hết số phụ nữ mất cả 3, 4, thậm chí 7 hay 8 con trai hay gái làm thánh tử đạo cho lý tưởng chúng tôi.’

Vào tháng 5 1968, lệnh từ Trung ương Cục Miền Nam  tiến hành các cuộc tấn công mới vào quận lỵ và thành phố khuấy động không mấy nhiệt tình. Các cán bộ phàn nàn họ chưa nhận được đồ tiếp tế hoặc vũ khí mới, thay vào đó chỉ được kêu gọi tái tục các sứ mạng hồi tháng 2 trong đó các đồng chí đã hy sinh quá nhiều xương máu. Các nhóm tấn công Sài Gòn được thúc giục ‘mang lửa chiến tranh vào tận hang ổ của kẻ thù ‘, nhưng Huỳnh Công Thân nhớ lại: ‘Chúng tôi bước vào đợt sóng công kích Tết thứ hai cảm giác như mình là các toán quân tự sát.’ Vào đêm 5 tháng 5, các lực lượng VC tiến lên từ phía bắc và đông bị QĐVNCH và lực lượng Mỹ ngăn chặn ngoài ngoại vi thủ đô,  trong khi các lực lượng phía tây và nam bị khóa chặt trong các trận chiến đường phố và nhanh chóng thảm bại.  Đến ngày thứ 7, Thân nói,  ‘chúng tôi nhận ra rằng tình hình đã trở nên cực kì bất lợi … Tôi còn không hiểu tại sao chúng tôi phải tấn công các thành phố một lần nữa,  khi cán cân lực lượng đã nghiêng quá nặng về phía địch … Điều gì khiến các lãnh đạo của chúng tôi tin rằng hàng triệu người đang sôi sục nhiệt tình cách mạng và sẵn sàng hy sinh mọi thứ?!! Chúng tôi thấy điều đó là không đúng. Quần chúng thù ghét người Mỹ và bọn tay sai  … nhưng nỗi căm giận này chưa đến độ sôi sục.’ Với vai trò lu mờ của VC, từ đây về sau Quân đội Miền Bắc khống chế toàn bộ cuộc giao tranh trên chiến trường. 

Nhưng người Mỹ và QĐVNCH không bao giờ chia sẻ nhiều cảm nhận của thành công, của cuộc chiến đang dần trở nên dễ dàng hơn.  Vào ngày 20 tháng 6 chính quyền Thiệu ban bố lệnh tổng động viên. Sự tin cậy lẫn nhau giữa các đồng minh rất thấp: tiếp sau các cuộc tấn công tháng 5, tin đồn lan truyền trong người Miền Nam, rò rỉ qua một số doanh trại, rằng người Mỹ cố tình đứng sang một bên, để binh sĩ Sài Gòn buộc phải chiến đấu. Vào năm 2012 theo lời một sĩ quan Miền Nam: ‘Dân chúng bàn luận rằng mạng lưới tình báo điện tử tinh vi của Mỹ … ắt hẳn đã đóng lại, để cho kẻ địch thâm nhập vào thủ đô quá dễ dàng. Một số thậm chí cho rằng trực thăng Mỹ giao thức ăn cho binh lính cộng sản  … rằng các xe cơ giới Mỹ vận chuyển binh sĩ cộng sản.  Mặc dù tin đồn không phải người Việt nào cũng tin, nhưng không ít người tin chúng.

Hàng trăm ngàn người tử trận từ 1968 trở đi đặc biệt bi thảm, bởi vì việc này xảy ra sau khi người Mỹ đã bỏ đi hy vọng chiến thắng,  và chỉ chiến đấu để không bị thảm bại một cách lộ liễu.

Năm 1968 sự hiện diện quân sự của cộng sản rõ ràng nhất trong ba tỉnh phía bắc bên dưới Vùng Phi Quân Sự. Gánh nặng chủ yếu chống bốn sư đoàn Miền Bắc được triển khai ở đó rơi vào vùng của Quân đoàn TQLC Mỹ. Trong những ngày đầu tiên của tháng 5 một trận đánh xảy ra ít gây chú ý nhưng làm thiệt hại một tiểu đoàn, gây tổn thất tệ hại hơn vụ đụng độ ở Đồi Bánh Thịt Bầm một năm sau.  Quân số vũ trang của Mỹ đã gần đến cực điểm  – 543,000 người  – nhưng trong một góc phía bắc của Miền Nam, trên một chiến trường vỏn vẹn 2 dặm vuông,  ôm lấy một cụm ấp bỏ hoang,  quân Miền Bắc có thể bẫy bạo lực hiệu quả hơn đối thủ của họ. Câu chuyện của Đại Đô xứng đáng được kể lại chi tiết,  như một kiểu mẫu của hàng chục những trận đánh như thế, đẫm máu hơn bất cứ trận đánh nào xảy ra ở Iraq và Afghanistan trong thế kỷ 21, và chắc chắn vô ích hơn.

Tiểu đoàn 2/4th TQLC đã chiến đấu một vài trận có ý nghĩa trong các tháng trước,  và tổn thất nặng nề.  Đơn vị đã đóng góp phần chia sẻ các con người quả cảm và xả thân  – thậm chí có cả các người hùng  – nhưng cũng có đồ bỏ, những thành viên của ‘nhóm 100,000 người của McNamara – những người đăng lính sau khi bộ trưởng quốc phòng hạ thấp điều kiện phục vụ về trình độ học vấn và sức khỏe tâm trí, nhằm đáp ứng đòi hỏi luôn khao khát vào bộ binh. 

Khi Đại uý Jim Williams đến chỉ huy một đại đội của tiểu đoàn 2/4th, anh thấy mình không có áo chống đạn. Một trung sĩ quân nhu chỉ vào một đống bên ngoài nhà xác: ‘Đại uý có thể tìm được một cái không dính máu để mặc.’ Williams nghĩ rằng đơn vị mới của mình đang ‘trong tình trạng kinh khủng – họ đã mất quá nhiều người ‘. Do sự quay vòng chuyển đổi luân phiên binh sĩ và số thương vong nên các sĩ quan thường không thể nhận diện tất cả binh sĩ của họ: Williams biết rằng anh tài xế của mình có biệt danh ‘Bull’, nhưng chưa hề biết tên thật của anh thì anh đã tử trận.

Trong một lần chạm trán vào ngày 11 tháng 9 1967 tiểu đoàn thiệt hại 16 chết và 118 bị thương; ngày 14 tháng 10 21 chết, 23 bị thương; vào tháng 11 và 12 6 bị giết và 78 bị thương. Vào chiều tối ngày 12 tháng 3 1968, Đại đội Foxtrot mất 18 người bị giết trong một trận phục kích. Ngày hôm sau thêm 5 TQLC trúng đạn khi thu hồi người chết, và một xác chết rơi ra khỏi trực thăng khi được chuyển đến tuyến sau.

Vào tháng 3 1968 tiểu đoàn tổn thất 59 người chết và 360 bị thương, trong khi ghi vào hồ sơ giết được 474 bộ đội. Con số cuối cùng này là ảo tưởng, nhưng Weise đã biết rằng mình được kỳ vọng phải bơm lên số xác đếm nếu anh muốn giữ nhiệm vụ.

Tiểu đoàn trưởng 39 tuổi, con trai của một công nhân lao động từ khu phố nghèo ở Philadelphia. Anh vào lính khi chiến tranh Triều Tiên sắp kết thúc, sau đó trở thành lính biệt kích có đẳng cấp, thợ lặn và người nhảy dù bậc thầy. Anh đã nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn sáu tháng trước khí người tiền nhiệm bị thương, và bắt đầu làm việc hăng say để tái lập kỷ luật và tinh thần. Anh nói: ‘Tồn tại quá nhiều điều chưa đúng. Binh sĩ tôi chưa được huấn luyện đầy đủ: họ nhếch nhác.  Khi tôi yêu cầu một kế hoạch yểm trợ hỏa lực, sĩ quan hành quân không biết phải làm thế nào.’ Weise không phải loại người được định sẵn để chỉ huy binh sĩ,  mà chỉ là một sĩ quan gan dạ, tử tế, tận tâm, hút xì gà rẻ tiền vì xì gà không phát ra đốm sáng trong đêm như thuốc lá, và phần nào lo lắng trước việc bà xã Ethel có thể không chịu đợi anh trở về, vì cô giận điên lên khi anh xin công tác tại Việt Nam.

Khi đơn vị tái triển khai quân tại phía bắc Sông Cửa Việt gần Vùng Phi Quân Sự, TQLC rất ấn tượng trước việc địch thủ nhanh chóng biết được điều đó, ắt hẳn qua việc đánh chặn sóng truyền tin.  ‘Hannah Hà Nội’, chương trình phát thanh tuyên truyền tiếng Anh, loan báo rằng tiểu đoàn 2/4th đang ở đó, do Bill Weise chỉ huy. Họ có đủ nhuệ khí không nao núng khi cô ả nói thêm: ‘Tất cả các anh TQLC sắp chết đến nơi!’ Vào đêm 27 tháng 4, phân nửa tiểu đoàn của Weise tham gia một trận càn quét một đơn vị bộ đội được biết là đang ở gần đó. Đại đội G do Đại uý Robert Mastrion chỉ huy, một người New York nhỏ con, đậm người, mang kính cận, 28 tuổi nhưng vào tiểu đoàn chỉ được một tháng, binh sĩ dưới quyền ít ai ưa hoặc tin cậy.  Một TQLC nói: ‘Chúng tôi mệt phờ người, còn cha nội thì chỉ muốn “tiến lên”.’ Đại đội Golf biết có vấn đề  khi một quả lựu đạn nổ ngay bàn chân một người. Ai đó hét lên, ‘Trời, có gook!’ Trong vòng vài giây hỏa lực hủy diệt đã bắn hạ 8 người của tiểu đội đi đầu. Trung sĩ Billy Armer, mặt và ngực ghim các mảnh pháo, cứ lải nhải, ‘Đồ chó chết, tôi trúng đạn rồi … Đồ chó chết, tôi trúng đạn rồi.’

Họ đã đụng đầu một cột quân địch đang cắt ngang phía trước họ: đạn lửa đánh dấu màu xanh đụng với đạn màu đỏ của họ, giữa hỗn loạn những tiếng la hét và bóng đen. Mastrion gọi tiếp viện, nhưng Weise trả lời, ‘Anh tự xoay sở lấy’: anh sợ nếu xua thêm quân về phía trước  qua bóng đêm, lính Mỹ ắt phải bắn lẫn nhau.

Y tá bảo với Mastrion y có một ca bị thương ở đầu nếu không tản thương sẽ chết. Lúc 01:30 từ tàu tấn công Iwo Jima một trực thăng CH-34 Sea Horse lạch phạch bay vào. TQLC gọi điện báo có bộ đội cách đó 400 ya, và đánh liều nhấp nháy đèn hiệu để hướng dẫn trực thăng. Đúng là một quyết định tệ hại: thực ra địch đang ở gần hơn,  và khi Sea Horse đáp xuống và bắt đầu cất thương binh, một tiếng nổ sấm sét vang lên. Một súng phóng lựu bắn vỡ tung tấm kính chắn gió, một mảnh pháo cắt bay mắt trái của phi công. Trực thăng liền bay lên, quành sang hướng nam và lảo đảo 300 ya trước khi rơi phịch xuống đất. Viên phi công phụ giành lấy tay lái và lê lết về đến tàu Iwo Jima, nhưng người TQLC bị thương ở đầu bị bỏ lại phía sau. Anh la hét rời rạc. Các đồng đội yêu cầu quân y  chích y tăng liều móc-phin cho y khỏi la hét, và Đại uý Mastrion cùng một tiểu đội ở lại hết 5 giờ cho đến khi anh chết, trong khi phần còn lại của đại đội rút về sau.

Lúc tờ mờ sáng tiểu đoàn được an toàn, nhưng tinh thần bị chấn động. Lính truyền tin Peter Schlesiona viết về nhà: ‘Không nghi ngờ gì đây là đêm dựng tóc gáy nhất mà anh đã trải nghiệm ở Việt Nam.’ Mastrion được tải thương vì đau lưng kinh khủng.  Đại uý Jay Vargas, một người Mỹ gốc Mễ gốc Arizona mà Đại đội G biết và tôn trọng, cầm quyền thay thế. Sau những trải nghiệm căng thẳng như thế, binh sĩ Weise có thể được thứ lỗi vì cho rằng mình đã góp phần công sức trong một thời gian.  Khổ thay,  chiến tranh bần tiện trong ban phát  sự nghỉ ngơi. Sư đoàn nhận diện hai tiểu đoàn Miền Bắc chuyển quân vào khu vực của 2/4th, ngay phía bắc phụ lưu Bố Điều dọc theo đó đồ tiếp tế được chở đi trong dặm cuối cùng trong đoạn dài 7 dặm nối biển với căn cứ hậu cần lớn của Mỹ trên bờ nam tại Đông Hà. Đại tá Milton Hull, trung đoàn trưởng, người mà Bill Weise báo cáo, lo lắng địch dự tính tấn công Đông Hà. Vì vậy ông phân tán mỏng lực lượng có sẵn một cách nguy hiểm dọc theo bờ sông Cửa Việt và Bố Điều, làm màn chắn ngăn cản việc chuyển quân của địch. Tình báo dự đoán vụ tấn công có thể lên cao điểm vào ngày 1 tháng 5, một ngày lễ lớn của người cộng sản.

Thật ra, lực lượng Miền Bắc không quá tham vọng để đánh chiếm Đông Hà: thay vào đó họ chỉ lên kế hoạch sử dụng rốc kết và súng máy để quấy nhiễu lưu thông đường sông. Điều bất ngờ là Bộ binh 6/52nd của địch nhận được yểm trợ hỏa lực từ hai khẩu pháo bố trí bên kia Vùng Phi Quân Sự. Họ hoàn tất việc đào boongke và đặt đường dây điện thoại dã chiến giữa các ấp kế cận ở Đại Đô, An Lạc và Đông Hoàng, lúc 05:00 ngày 29 tháng 4, 24 giờ trước khi TQLC 2/4th bước vào cuộc đời của họ. Mục đích rõ ràng của họ là khiêu khích người Mỹ tấn công,  trên trận địa họ xem là có lợi thế cho mình.

Sáng sớm ngày 30 tháng 4, theo lệnh từ Đại tá Hull bốn đại đội của tiểu đoàn Weise được phân tán rộng, cách nhau đến 7 dặm, phía bắc và phía đông của các vị trí chưa xác định được của cộng sản. Trên mái một ngôi nhà bỏ hoang cạnh bờ sông,  Đại uý Jim Williams nhìn qua ống dòm khi tàu của Hải quân Mỹ trao đổi hỏa lực với địch trong các ấp trên bờ biển. Vỏ một xuồng đổ bộ Mỹ nổ tung: ở  tầm bắn 500 ya, một quả đạn 57mm của khẩu súng không giật bắn trúng, giết chết một thuyền viên và làm bị thương hai người nữa.  Trong khi các xuồng tuần tra rải đạn về phía bờ biển,  đoàn hộ tống quay về phía tây trở lại Đông Hà; hải quân tuyên bố đóng Bồ Diều cho đến khi quân Miền Bắc đã bị đẩy bật ra.

Lúc 08:18 James O’Neill, một lính bắn tỉa đi theo đội tuần tra từ Đại đội H của William, thoáng thấy có động tĩnh cách đó 500 ya, bèn nói, ‘Thưa xếp, em nghĩ chúng ta đụng một đám gook ở phía trước rồi.’ Vị trung uý nói,  ‘Bắn một tên xem.’ Trong làn hơi nóng mờ mịt, O’Neill không thể nhìn rõ qua ống nhắm của khẩu Remington 700, nhưng sau khi bắn hai phát anh quan sát thấy một người đang ngồi trên miệng hố, thiếu mất nửa đầu. Rồi Williams nhận lệnh từ Weise, ký hiệu gọi máy là Dixie Diner 6: Đại đội H của anh phải tấn công ấp Đông Hoàng từ phía bắc,  trong khi Đại đội F kế bên tấn công Đại Đô, 2,000 ya về bên phải của họ. Trung đoàn tại giai đoạn này chỉ cho phép Weise sử dụng hai đại đội này, trừ một trung đội. Đây là sai lầm đầu tiên: bằng cách chỉ tung quân từng miếng nhỏ, địch trong đường đi của họ được hưởng thế vượt trội quân số. 

F và H tập họp không đến 100 người mỗi đại đội do một số thương vong, bệnh tật, và những người đi R&R (phép nghỉ ngơi và phục hồi, kéo dài một tuần ra nước ngoài thường Hawaii, Hồng Kông và Úc, được cấp ít nhất 1 lần trong thời hạn thi hành nghĩa vụ). Trên bờ biển Weise và nhóm chỉ huy đang đi trên xuồng giám sát bọc sắt, chầm chậm tiến về phía thượng lưu đồng bộ với bộ bình trên bờ, từ đó họ có thể theo dõi diễn tiến. Như thường lệ, tình báo không có: họ có thể gặp hai bộ đội với một khẩu không giật, hoặc hai trăm, hoặc hai ngàn.

Pháo 105mm và 155mm bắt đầu đánh phá ác liệt các mục tiêu với đạn khói và đạn công phá. Khoảng 13:30 các trung đội dẫn đầu của H đang tiến gần Đông Hoàng thì đụng hỏa lực đuôi của địch bắn ra từ màn chắn cây cối. Weise liền báo cáo về trung đoàn địch đang tập trung quân số ở đây, hai xe tăng M-48 được điều tới yểm trợ cộng với pháo hải quân ngoài khơi. Một lính trinh sát dùng khẩu M-16 nhắm bắn chỉ một phát vào một tên địch, và bỗng kêu lên ‘Ôi trời đất ơi!’ Khi anh thấy mục tiêu của mình tan tác: người TQLC không biết rằng một xe tăng cũng đồng thời bắn y với đạn 90mm. Bộ bình trườn tới cho đến khi tiến sát Đông Hoàng rồi chồm dậy, dàn hàng ngang cách nhau 5 ya, vừa tiến lên vừa khai hỏa với súng ngang hông.

Một số bộ đội nhảy ra từ các hố nhện và chạy biến trong khi một số ở lại tiếp tục bắn. TQLC bắt đầu chạy về phía trước, nhưng Williams,  một người gốc Minnesota 30 tuổi nổi tiếng gan dạ, phóng nhanh về phía họ bảo họ chậm bước chân,  kẻo hứng đạn của nhau. Giữa tiếng đinh tai, phía góc mắt anh thoáng thấy một tên địch ló ra từ một hố gần đó và tung một quả lựu đạn. Nó nẩy lên trước khi nổ tung, thổi bay đại đội trưởng té xuống đất và bắn các mảnh sắt xuyên thấu chân và mông anh nhức nhối.  Không đứng được,  với hỏa lực súng nhỏ và pháo nổ vẫn còn điếc tai mọi người mới đến, anh bảo lính truyền tin gọi Hạ sĩ già đến. Y khom mình vọt đi, rồi trở lại báo cáo Trung sĩ không chịu đến: ‘Y núp trong hố cá nhân, nhất định không chịu rời đi!’ Williams lại ra lệnh đến bảo với gã tránh né đó tốt hơn đến trình diện nhanh, không thôi đại uý bắn bỏ. Một sĩ quan khác an ủi, ‘Ông ấy đã trải qua nhiều phen máu lửa,  nên giờ ông né súng rồi, thậm chí trước trận này.’ Trung uý Alex ‘Scotty’ Prescott nắm quyền chỉ huy Đại đội H.

Trận đánh tiếp tục: một trung sĩ tham mưu bị hơi nổ thổi bay, lảo đảo đứng dậy và xông tới chỉ để hứng một quả lựu đạn khác thổi bay khẩu súng ra khỏi tay,  đồng hồ thợ lặn văng khỏi cổ tay. Anh chồm dậy, thấy đầu óc mình quay cuồng. Anh bảo quân y tá tát vào mặt  – vậy mà có kết quả.  Sau đó những người còn lại của đại đội phải   mất 15 phút mới vượt qua được Đông Hoàng, gần như mỗi bước lại chịu thương vong khi vượt qua các hố nhện và bộ đội địch nhảy ra. ‘Mẹ nó, chỗ nào cũng có bọn gook,’ Trung sĩ  Joe Jones nói. Da đen, to con, anh nắm quyền chỉ huy trung đội khi trung uý anh bị thương. ‘Các TQLC bị thương  … Mọi người đều lẫn lộn vị trí cả lên; các tiểu đội khác nhau từ các trung đội khác nhau đều có mặt trên ngôi làng chết tiệt.’ Trung uý Carl Gibson, ở ba bộ phía sau Prescott khi họ nhô ra ở phía nam ngôi làng, ngã xuống chết tươi vì một viên đạn vào đầu.  Vừa cưới vợ được một tháng, anh mới đến Việt Nam 10 ngày.

Những người sống sót lập một vành đai ngay giữa vùng hỗn loạn đang tiếp diễn. Một quân y tá khóc điên cuồng bên một người bạn bị thương; một trung sĩ mặt tái mét vì mất quá nhiều máu – một quân y tá khác quát to, ‘Chúng ta phải đem anh ấy ra khỏi đây – anh ấy đang hấp hối,  anh ấy đang hấp hối!’ Không trực thăng nào đáp xuống được; thay vào đó, lúc 15:30, những xuồng nhỏ tiếp bờ sông chỉ cách trận địa vài trăm ya về hướng nam,  mang quân nhu  và sơ tan 30 thương binh.  Đại tá Hull thình lình xuất hiện và bắt đầu cật vấn ‘Scotty’ Prescott. Vị trung đoàn trưởng sắt thép, hay khoa trương cho rằng Weise và binh lính mình chưa thì thố đủ sức áp đảo. Ông thúc giục sĩ quan chỉ huy ‘ưỡn bụng’ trước địch,  khiến vị sĩ quan hành quân của ông phản đối rằng ‘Chúng ta hiện quá sát với địch đến nỗi quân Miền Bắc có thể dùng dao rạch bụng Weise.’

Williams thấy mình được di tản trên một chiếc xuồng trong đó một bi đông ai bỏ lại  nổi trên vũng máu, một phần là máu của anh. Bày tỏ lo lắng chung của nhiều thương binh,  anh nói với một quân y tá, ‘Sao tôi thấy tê điếng đến nỗi không cảm thấy gì cả.  Nhờ anh kiểm tra xem bìu tôi còn ở đó không?’ Người quân y tá xem xét vùng nhạy cảm  rồi trả lời,  ‘Tôi thấy chúng trông vẫn ổn, thưa Đại uý.’ Trao đổi kiểu này sẽ nghe rất khôi hài,  nếu không phải là thực tế khủng khiếp.

Thương binh được chở ra biển đến tàu Iwo Jima, tại đó từng đợt nối tiếp các trực thăng được tiếp đón bằng loa phóng thanh: ‘Trực thăng y tế xuống  … trực thăng y tế xuống.’ Một TQLC bước vào khu bệnh chật ních của tàu và loan báo tiểu đoàn 2/4th đang gặp rắc rối,  ai còn sức chiến đấu nên trở lên bờ. Một vài người còn băng bó bước cứng đơ ra đến boong tàu, vương vãi áo chống đạn và quân cụ dính máu, tự trang bị quân dụng thiết yếu rồi bay trở lại,  mặc dù không phải để đánh trận. 

Thậm chí khi Đại đội Hotel – H – cũng đang chịu trừng phạt để đánh chiếm Đông Hoàng,  2,000 ya xa hơn về phía tây, và rất muộn màng,  lúc 13:50 Đại đội Foxtrot tiến gần Đại Đô từ phía bắc cởi trên các xe lội nước, hoàn toàn không biết sẽ gặp chuyện gì. Một rốc kết đang đến bắn trúng một xe chở 5 lính truyền tin, một người rớt xuống, bị thương và la hét. Nhiều súng phóng lựu hơn bắn phá khi họ xuống xe lội nước  và di chuyển do dự về phía trước.  Hầu hết đại đội đều núp kỹ khi cách mục tiêu khoảng 100 ya,  trung đội cánh phải thì lấp ló trong một nghĩa trang nhỏ.

Đại đội trưởng Đại uý James Butler, một thanh niên 25 tuổi nói năng nhỏ nhẹ, con trai một vị tướng, chỉ huy việc đánh bom napam – những hộp thiếc ném ra từ bầu trời cho đến khi nó bùng nổ lửa đỏ, lửa cuồn cuộn bỗng chuyển thành đen – cách một trung uý đại đội F khoảng 50 ya. Anh đánh điện: ‘Mẹ ơi, ở đây nóng quá – đừng ném sát hơn nữa!’

Bốn giờ chiến đấu,  Butler báo cáo với Weise rằng mình chỉ còn 26 người còn điều kiện chiến đấu,  và xin phép lùi về. Weise đồng ý, nhưng nhóm binh sĩ phải mất hai giờ mới dứt ra được, được che chắn bởi các Phantom và súng máy cỡ 50 của thiết giáp lội nước. Nếu quân Miền Bắc chịu truy đuổi, Butler nói, ‘họ hẳn có cơ hội thực sự quét sạch bọn chúng tôi’; nhưng họ không làm vậy.

Lúc 17:00, Đại đội Bravo của TQLC 1 được chở qua sông để tiếp viện cho tiểu đoàn 2/4th. Đây không phải là một tập thể hoà thuận: Bravo đã gặp phải các khó khăn về kỷ luật,  với các Hạ sĩ quan kỳ cựu hay cãi vã nhau,  cùng với một lính truyền tin bị ném đá vì đã hăm dọa họ bằng một quả lựu đạn. Các thiết giáp lội nước chạm bờ biển cạnh làng An Lạc, hành khách của chúng ngỡ rằng mình chỉ đến yểm trợ cho tiểu đoàn của Weise tấn công Đại Đô.  Ai ngờ, chỉ vài giây sau khi bò trên cát họ đã được chào đón bởi hỏa lực cận kề của địch  giết chết chỉ huy,  cùng với một trung uý, một trung sĩ và 7 người khác, để lại 14 người khác bị thương nặng. ‘Đó là một sự hỗn loạn hoàn toàn,’ Hạ sĩ Doug Urban nói. ‘Mọi người chấn động. Chúng tôi không còn là một đại đội. Chúng tôi chỉ là một đám người nằm dài trên mặt đất.’

Norman Doucette, một quân nhân chung thân và cựu binh Triều Tiên,  nói với một trung sĩ,  ‘Chúng ta phải chui vô hàng cây – chúng ta phải chiếm lấy hàng cây chết tiệt đó!’ Viên trung sĩ không chịu đi. Rồi, khi  Doucette dựa người qua một bên để kiểm tra một đồng đội đã chết,  chính anh cũng ngã xuống, bị trúng đạn vào mặt, mất một phần lớn lưỡi và răng. Ông nằm một mình ở đấy một lúc, tin rằng mình xuất huyết đến chết và suy nghĩ cay đắng: ‘Ai đó bỏ đi, để chúng tôi nằm tại đây để bị tàn sát.’ Rồi một quân y tá người Philippin chạy đến và băng bó cho ông. Những người sống sót của Bravo chiếm được phân nửa phía tây của An Lạc, nơi Robert Robinson, một trung sĩ trung đội người da màu, được thưởng Ngôi sao Bạc vì vẫn tiếp tục chiến đấu dù vết thương ở vai bị bùn đóng cứng. Tuy nhiên, họ không được phấn chấn: sĩ quan duy nhất còn lại của họ, một trung uý chưa hoàn hồn, ngồi khom mình như tượng đá.

Từ số lượng của hỏa lực kẻ thù, Weise ước tính ít nhất có đến một trung đoàn địch giao tranh với họ. Thật ra,  ở giai đoạn này chỉ có một tiểu đoàn bộ đội vào trận, tiểu đoàn 6/52nd, mà sĩ quan của họ cũng phán đoán sai quân số Mỹ. Họ báo cáo mình chạm trán với hai tiểu đoàn TQLC có 12 xe tăng yểm trợ. Cộng quân chửi thề bọn pháo binh Mỹ cứ cắt đứt đường dây điện thoại dã chiến của họ nhiều lần, tuy không gây tác hại nhiều cho bộ đội núp trong boongke sâu.

Ngoài sông trên tàu giám sát, Weise đích thân bắn súng cối 81mm trong khi ‘Big John’ Malnar thượng sĩ của ông, một cựu binh huyền thoại 41 tuổi của mặt trận Thái Bình Dương Thế chiến II và rồi chiến tranh Triều Tiên,  sử dụng súng máy cỡ .50.

Malnar chưa hề lập gia đình: Quân đoàn TQLC là cuộc đời ông.  Họ thấy hai chiếc tam bản trôi dạt ngoài khơi ắt hẳn có chở các dân đánh cá, nhưng dường như chắc chắn hơn đang chỉ điểm cho cộng quân: hai người Mỹ liền bắn họ bay ra khỏi mặt nước.

Khi ánh sáng nhạt dần, Weise bảo Đại tá Hull ông tin cấp trên còn chưa biết được quân số của địch: ‘Chúng tôi trong thế giới của những người bị tổn thương ở đây. Có một lố bọn xấu và trong số chúng tôi không có nhiều người tốt.’ Ông được cho biết mình không phải là người duy nhất có vấn đề: cách đây 4 dặm về phía tây một tiểu đoàn khác cũng đang giao tranh ác liệt,  và đã tổn thất 144 thương vong. Sĩ quan hành quân Thiếu tá ‘Fritz’ Warren sau này viết: ‘Bill Weise đang trong thế kẹt chết tiệt.’ Người tiểu đoàn trưởng này tranh thủ được miễn cưỡng chấp thuận tung đại đội Golf của mình xông lên, lúc đó cách   3, 000 ya về hướng tây bắc. Hai trung đội của G leo lên các trực thăng Sea Knight, nhưng khi bay lên không họ trông thấy pháo và đạn chỉ đường của quân Miền Bắc đánh vào vùng dự định đáp, Jay Vargas liền ra lệnh hủy bỏ việc trực thăng vận. Đáp trở lại căn cứ tuần tra ông bảo binh sĩ mình,  ‘Này các cậu,  bữa nay không được bay miễn phí rồi – chúng ta phải lội bộ thôi.’ Họ chỉ mang theo quân cụ chiến đấu cho chuyến đi bộ 2 dặm. Trong bóng tối đang buông xuống, các hạ sĩ quan phải la hét đốc thúc binh sĩ đã đuối sức lết đi quá chậm chạp. Nhưng cộng quân đã phát hiện các hàng quân dài, và thế là pháo và đạn súng cối bắt đầu rơi xuống gần đó. Trung uý Jim Ferland nói, ‘Binh sĩ đang trên bờ vực hoảng loạn,  nhưng Đại uý Vargas vẫn kiểm soát tốt’

Mặc dù hỏa lực có giảm xuống trong đêm, nhưng vẫn không yên tĩnh. Trở lại Đông Hoàng, Hạ sĩ Richard Tyrell giật một bàn chân mang dép xăng đan ló ra từ một đống rơm, mà anh ngỡ của một xác chết. Hóa ra, một bộ đội Miền Bắc còn sống nhăn bật chạy. Tyrell bắn theo bằng khẩu M-16 một phát rồi kẹt đạn, rồi nhanh như cắt rút súng lục của một người lính khác và bắn hết băng đạn vào người bộ đội đang chạy. Một binh sĩ mới đến bổ sung định đi tiểu vào cái mồm mở to của xác một bộ đội, nhưng liền bị một đồng đội bất mãn đẩy ra. Weise nổi nóng với James Butler khi phát hiện Đại đội F vẫn còn 55 TQLC có điều kiện chiến đấu chứ không phải 26 như y đã báo cáo để lấy cớ xin rút quân. Weise nói sau này, ‘Chính lúc đó tôi nhận ra Butler đã mất kiểm soát.’

Có xảy ra báo động đêm khi những bộ đội bị mắc kẹt tìm cách chuồn khỏi vành đai của lính Mỹ. Trong ấp An Lạc kế bên cạnh bờ biển, Bravo biết được địch đã gây nhiễu sóng truyền tin của mình. Weise lên bờ biển để áp đặt thay đổi tần số  – liền bị một mảnh đạn súng cối ghim vào đùi. Pháo sáng Mỹ nổ bùng trên bầu trời Đại Đô,  nhưng chúng làm lộ điện TQLC cho cộng quân thấy nhiều hơn là điều ngược lại. Một hơi nổ bắn Jay Vargas bay xuống một con lạch, nhưng sau đó anh bước tới và chiến đấu với mảnh pháo trong gối và bắp chân. Tại trạm chỉ huy tiểu đoàn,  vị đại uý được cho biết xuồng đổ bộ sẽ chở binh sĩ của đại đội Golf vài trăm ya cuối cùng về phía thượng lưu,  nhưng xuồng không thấy xuất hiện: vị chỉ huy không muốn liều lĩnh hành quân trong đêm tối, làm mồi cho hỏa lực. Vargas chợp mắt 30 phút, rồi lúc 01:00 ngày 1 tháng 5 chỉ thị các trung đội trưởng làm mới lại các cuộc tấn công vào Đại Đô.

Lúc bình minh,  một đoàn tuần tra phát hiện quân Miền Bắc đã bỏ cứ điểm của mình ở An Lạc, mà Bravo đã chiếm được với giá thêm 5 thương vong. Hai giờ sau, người Mỹ sửng sốt khi bắt gặp một bộ phận lớn kẻ địch đang di chuyển tán loạn ngay trước mặt họ.  Họ quét cộng quân bằng hỏa lực, Weise nói một cách thỏa thích, ‘Thật là một cuộc săn bắn gà lôi thực sự.’

Tinh thần binh sĩ càng phấn chấn hơn nữa khi hai chiếc F-4 dội bom napan. Quan sát viên ngồi trong phi cơ chỉ điểm cảnh báo qua máy truyền tin cho các Phantom, ‘Các bạn đang hứng hỏa lực! Các bạn đang hứng hỏa lực!’ Một phi công F-4 đáp lại châm biếm,  ‘Ừ, ừ … tôi cho như vậy là công bình.’ Trên bờ sông,  Đại đội Bravo giải bày mình vẫn không thể tiến lên, và đúng là nó thành tựu không nhiều vào ngày hôm đó và cả ngày sau nữa: những người sống sót bị chấn thương không còn tâm trạng nào làm người hùng.

Weise leo trở lên tàu giám sát và đi một đoạn ngắn về phía hạ lưu để gặp Đại đội G. Cuộc tấn công mới của nó vào Đại Đô, dưới sự yểm trợ của hai xe tăng, bắt đầu sau khi một Skyhawk đánh hâm nóng lúc 12:53.

Những gì xảy ra sau đó là thiên hùng ca của lòng quả cảm và hy sinh, trong một cuộc tấn công trực diện đáng ra không nên có, băng qua 700 ya đất trống trải. Cộng quân khai hỏa từ các boongke được xây dựng trên các khung chữ A bằng tre lồ ồ được gia cố bằng các lớp đất và thảm thóc.

Trong đêm tiểu đoàn 6/52nd Miền Bắc được tăng viện một đại đội từ Trung đoàn 48, giờ đang báo cáo là mình bị ba tiểu đoàn TQLC tấn công,  dưới sự yểm trợ của 14 xe tăng.

Nhiều người Mỹ cho rằng vụ tấn công là hành động điên rồ, trong đó Hạ sĩ Jim Lashley, còn 17 ngày nữa là được hồi hương: ‘Gần về không nên dính vào thứ chó chết này.’ Hạ sĩ James Parkins của Đại đội Golf nhún vai, ‘Còn nhiều thù hận vay trả, nên bạn không thể nói “Chuyện này vớ vẩn và tôi không đi.” vì nếu bạn không ở đó và bạn thân của mình bị bắn, bạn sẽ cắn rứt mãi mãi …’ Một vài TQLC có que chùi ba miếng được dán băng keo vào báng súng M-16 để móc đạn thường bị kẹt ra – và sẽ kẹt đạn ngày đó. Binh sĩ Mỹ đã tiến được 200 ya qua bãi cỏ nâu cao đến đùi thì súng cá nhân của địch bắt đầu khai hỏa vào họ từ các hố nhện rải rác trên trận địa. Lashley bị trúng đạn ở cánh tay trái, khuỷu tay bị bễ nát. Trong một vài giây anh vẫn đứng thẳng, trong nỗi thống khổ,  rồi loạng choạng và ngã quỵ: hai mũi móc-phin mà cơn đau vẫn dai dẳng.

Trung đội của Trung uý Ferland dừng lại và nằm xuống. Jay Vargas chạy trở lại và thúc giục binh sĩ đứng lên và tiến tới, cho dù một tiểu đội của Ferland nhanh chóng mất hai người, sáu bị thương.  Đại đội Bravo, nán lại An Lạc, báo cáo bằng máy truyền tin rằng họ có thể trông thấy 100 quân địch trên cánh trái của Golf. Một xe tăng yểm trợ khai hỏa về hướng đó, được điều khiển bằng một TQLC đứng trên thân xe tăng, cho đến khi hơi nổ của đạn pháo thổi anh bay xuống đất.  Chỉ huy xe tăng, khốn khổ vì hỏa lực bắn phá tơi bời,  bắt đầu lùi về. Jay Vargas chạy về phía trước, chộp lấy điện thoại trên thân xe tăng và quát rằng anh sẽ đưa chỉ huy ra tòa án binh nếu y không dừng lại. ‘Quỷ tha ma bắt ông đi,’ y đáp lại, miễn cưỡng nán lại đủ lâu để đặt một số thương binh lên thân xe, rồi lùi chiếc xe tăng M-48 ra khỏi trận địa.

Chiếc tăng kia đã bắn hết 67 đạn 90mm, rồi cũng bắt đầu tháo lùi. Khi Vargas phản đối qua máy, chỉ huy xe tăng trả lời mình không thể làm gì hơn được.  Nhưng anh có thể,  người TQLC thuyết phục: hiệu quả tinh thần sẽ rất lớn cho cả bạn và thù, tạo bởi con quái vật thép băng qua ruộng lúa. Weise,  đang theo dõi trên sóng, xen vào: xe tăng phải ở lại. Pháo Miền Bắc thình lình chuyển hỏa lực từ Golf sang Foxtrot, làm bị thương 8 người.  Trung uý Ferland nhặt lên một khẩu AK-47 bị ném bỏ,  vì anh ghét khẩu M-16 của mình.  Một số TQLC nằm bất động trong cỏ, hy vọng không phe nào chú ý đến mình.

Golf nán lại ở Đại Đô dưới hỏa lực súng cối trong hai giờ, đều đặn mất người.  Trong một khoảnh khắc ghê rợn, một người TQLC chạy về phía sau vác trên vai thi thể không đầu của một người bạn thân. Rồi quân địch phản công.  Không kích can thiệp,  bắn vào bất cứ thứ gì phi công có thể nhìn thấy,  trong khi Vargas cho nổ khói xanh lá để đánh đấu vị trí của mình.  Lúc 16:25 những lính sống sót của anh bắt đầu rút về,  ba thương binh khập khiễng dìu nhau, trong khi anh và máy bay tiền tiêu của mình yểm trợ quân rút lui, bắn rất rát. G đã bắt đầu trong ngày với 150 lính; giờ chỉ còn 45 người sống sót ẩn nấp dưới một mương thoát nước.  Quân Miền Bắc đắc ý tuyên bố đã đếm 300 xác Mỹ.

Lúc 17:00 Weise quyết định tung Bravo. Nhưng tinh thần của đại đội đó, vốn đã xuống thấp, càng thêm bị xói mòn khi họ bị lùa đi khỏi xe chở khẩu phần để lên xe bọc thép lăn bánh trước khi họ kịp ăn.

Cách Đại Đô 300 ya, TQLC bắt đầu hứng hỏa lực, liền phóng nằm dài dưới đất.  Chỉ huy mới và lính truyền tin của anh tìm cách thử làm mới lại cuộc tiến công  – nhưng không thấy ai đi theo. Một súng phóng lựu bắn tới, làm bị thương nặng đại úy ngay bả vai. Một trung đội trưởng non nớt vì vậy trở thành sĩ quan duy nhất của Bravo. Anh hét điên cuồng trong máy, ‘Anh phải giúp tôi! Chúng tôi bị bao vây ngoài này! Chúng có mặt khắp nơi!’

Jay Vargas bình tĩnh nói vào máy. ‘Nào nghe tôi này, Bravo, bình tĩnh nào. Có tôi ngay đây.  Anh ổn mà; chỉ cần siết chặt hàng ngũ và nói với binh lính và ngừng la hét.’

Rõ ràng là Đại đội B không còn đóng được vai trò tích cực nào thêm nữa trong ngày. Dù sao đi nữa,  việc đi chuyển ngắn ngủi của nó cũng làm xao nhãng chú ý của địch đủ lâu cho phép Vargas và đám binh sĩ còn lại lùi lại thêm 200 ya về hướng đông, tại đó lợi dụng sự che chắn của các gò mả để nhận quân nhu.  Trong bóng đêm tiếp sau được hỗ trợ của pháo binh và pháo sáng họ đẩy lùi vài đợt tấn công dò dẫm của địch. Chính vị đại uý kết liễu một bộ đội cứ ném lựu đạn thậm chí sau khi bị trúng đạn vài lần.

Không lâu trước khi Bravo dừng lại, đại đội súng trường thứ tư của Weise mới đến trận địa,  được Đại tá Hull điều đến quá muộn. Người chỉ huy  Echo là Jim Livingston, một chiến binh tận tụy  gốc McCrae, Georgia, người không kiên nhẫn với các thằng điên,  hèn yếu, nhút nhát  hoặc hút sách, và thích dẫn đầu đoàn khi chạy huấn luyện với áo chống đạn nặng nề. Bình nhất Michael Helms nói: ‘Chúng tôi đổ lỗi cho chỉ huy đã gây ra đau khổ cho chúng tôi vì dường như ổng luôn bắt chúng tôi tình nguyện. Phần đông chúng tôi đều tin rằng ông ấy muốn lấy Huy chương Danh dự, hoặc chết vì cố lấy. Chúng tôi thường kêu ca và chửi thề với nhau là ông ấy chắc chắn sẽ giết hết bọn tôi để được nó, nhưng đúng là bọn tôi nể phục ổng.’ Weise nói rằng  Livingston thương các binh sĩ dưới quyền ‘kiểu cho roi cho vọt’, và nói thêm anh ta cực kì ‘đánh đấm ra trò’.

Đại đội Livingston mất vài người vì hỏa lực địch trên đoạn chuyển quân hai dặm về hướng đông-nam, trong đó có một trung sĩ mà ai cũng ghét và muốn y tiêu đời cho rồi. Họ đến An Lạc sau khi lội qua một con suối sâu bằng cách tạo một chuỗi các binh lính cao khóa tay với nhau giúp các lính lùn qua dòng suối. Livingston, theo Weise, ‘ngứa ngáy muốn xông vào’. Chàng thanh niên gốc Georgia này nhanh chóng hoàn thành sứ mạng đầu tiên – che chắn cho những người còn lại của Đại đội Bravo rút lui, nói, ‘Bọn nhóc đó … sợ vãi cả ra quần.’

Vì vậy khi đêm xuống vào ngày 1 tháng 5 TQLC 2/4th vẫn trong thế giằng co với một lực lượng cộng quân có quân số ngang ngửa. Quân Miền Bắc có lợi thế chiến đấu từ các vị trí đã chuẩn bị trước vững mạnh. Còn người Mỹ thì có không lực yểm trợ, và có pháo bình hùng mạnh hơn, nhưng đang sử dụng các chiến thuật làm các cơ hội của cộng quân phát huy tối đa. Vẫn còn là điều khó hiểu khi các chỉ huy cao cấp cho phép,  không ngại đòi hỏi, làm mới cuộc tấn công vốn đã gặt hái các tổn thất đáng sợ. Không hề có dấu hiệu cộng sản có ý định vượt qua Sông Bố Điều hướng về  Đông Hà. Vậy mà tiểu đoàn cứ được lệnh của các sĩ quan cao cấp luôn miệng giục đấm đá, thúc, ‘Các anh phải gia tăng sức ép lên!’

Lên ai? Giờ đây cũng như lúc đó thật khó để nhìn ra lý do phải duy trì các cuộc tấn công.  Tối ngày 1 tháng 5, trong cả hai phe đều thảo luận căng thẳng và mệt mỏi về ngày mai. Quân Miền Bắc xem xét giải pháp lui quân, vì tất nhiên TQLC sẽ đến nữa. Dù sao thì mục tiêu của họ là giết Mỹ, và điềm triệu cho việc hoàn thành mục tiêu này vẫn còn thuận lợi.  Bộ binh 6/52nd đã tổn thất nặng nề,  nhưng 3/48th gần như chưa hề hấn gì. Tại kết luận tại hội nghị chiến trường của Đảng ủy, một bộ chỉ huy liên quân mới được thành lập để chỉ đạo trận đánh ngày hôm sau, cầm đầu bởi phó chỉ huy Trung đoàn 52, và phó bí thư Trung đoàn 48.

Weise cùng nhóm chỉ huy của mình lên bờ, bảo Livingston rằng sáng mai anh phải chiếm lại Đại Đô với Đại đội Echo của mình và phần còn lại của Golf. Hai xe tăng của họ không còn dùng được,  tiểu đoàn hứa sẽ yểm trợ không kích ưu tiên. Những gì xảy ra vào ngày 2 tháng 5 là một thiên hùng ca nhờ nó  Livingston được thưởng Huy chương Danh dự mà anh hằng mơ ước,  đi cùng với Ngôi sao Đồng và Bạc đã có. Anh ra lệnh binh sĩ gắn lưỡi lê, một trong các mệnh lệnh hiếm hoi trong chiến tranh hiện đại.  Rồi hai đại đội do anh và Vargas dẫn đầu tiến lên. Lúc 07:15, khi Đại đội Echo cách ấp 200 ya, bộ đội Miền Bắc khai hỏa. Hai trung đội của Echo khựng lại,  nhưng trung đội thứ ba xông qua địch.  Họ tràn vào ấp và thọc qua, mỗi thước đất đều gặp hoả lực địch cày xới.

Một TQLC tiến lên đầu hàng quân và xui xẻo bị đồng đội bắn vào lưng, khiến đạn trong dây đạn đang đeo phát nổ. May mà có áo chống đạn đã cứu mạng anh, nhưng liền đó anh bị trúng đạn AK-47 ngay bụng, anh bỏ chạy ra phía sau.  Một TQLC khác đang phóng nhanh tới thì đâm sầm xuống sau khi nhận ba viên đạn ở chân.  Binh nhất Marshall Serna, người ghiền hút cần sa và ma túy,  đều đặn nhận được một liều móc-phin từ quân y tá, được thưởng Ngôi sao Bạc. Trong khi một số người thể hiện lòng quả cảm, các người khác thì không: một Hạ sĩ giúp dìu thương binh ra sau không thấy trở lại. Khi trung sĩ xạ thủ Jim Eggleston mang một TQLC bị thương nặng ra tuyến sau anh kêu gọi binh lính đang núp sau các gò mả đến hỗ trợ. Không ai nhúc nhích  – chỉ có một người la lên, ‘Ở đây chúng tôi cũng đang bị bắn dữ lắm!’ Thật là một buổi sáng đầy nỗi kinh hoàng: sau khi một TQLC bị bắt dính trên đường đạn của súng phóng lựu, các đồng đội nhìn thấy cái chân bị cắt đứt của anh bay nhào lộn trong không trung.

Lúc 09:14 Livingston  báo cáo đã chiếm được Đại Đô, với giá 10 chết và 60 bị thương: ‘Họ gây tổn thất rất tệ vào Echo.’ Địch đã bắt đầu rót đạn cối vào vị trí mới của Mỹ khi Đại tá Hull đến trên con thuyền máy. Tiểu đoàn phải ‘giữ vững thế trận’, vị trung đoàn trưởng nghiêm khắc ra lệnh. Họ phải đánh vào ấp tiếp theo,  Định Tô, trong vòng một giờ. Một đơn vị cơ giới QĐVNCH bên cánh trái của họ sẽ phát động tấn công đồng thời, bảo vệ sườn của họ. Weise đề xuất một kế hoạch khác  – tung một lực lượng mới xa hơn về phía bắc, rồi đẩy địch trở lại vị trí TQLC đang giữ Đại Đô: nói cách khác, ép bộ đội địch ra vùng trống trải.  Nhưng Hull bác bỏ ý kiến này: Đại đội H (Hotel) phải tấn công.

75 người của ‘Scotty’ Prescott tiến ra lúc 09:55, với 500 ya đồng trống phải vượt qua.  Trung uý Vic Taylor sau này viết: ‘Ngày không gió, cái nóng khủng khiếp.  Chúng tôi đã tu ừng ực tất cả nước mình có được  … Giờ thì mồ hôi tuôn xuống và quân phục ướt đẫm. Những lọn bụi bốc lên theo mỗi bước chân trên đồng ruộng khô nứt nẻ. Vũ khí nóng đến mức như không rờ được. Hỏa lực đã im tiếng.  Có lẽ việc này sẽ dễ dàng hơn tôi tưởng.’

Rồi họ thấy mình bị bao vây bởi vòm lá xanh và cây chuối dày đặc, và địch thấp thoáng ở mọi nơi, bắn ra từ chổ nấp. Trong một tiểu đội  tất cả súng M-16 đều bị kẹt đạn, vì thế họ ném lựu đạn thay súng. Trong sự hỗn loạn tồi tệ, binh sĩ tìm chỗ nấp. Địch ở quá gần đến nỗi Prescott không thể yêu cầu yểm trợ súng cối hoặc pháo; lúc 12:00 anh bảo Weise Đại đội Hotel sẽ bị quét sách trừ khi được tăng diện. Rồi anh cũng trúng đạn, và cảm thấy lưng và chân đều bất động. Bò vào trong một túp lều, anh dằn vặt bởi suy nghĩ phải ngồi xe lăn suốt đời. Taylor lên nắm quyền và điện cho Weise rằng mình còn ít đạn dược trong khi thương vong thì khắp nơi. Bám giữ, anh được lệnh, Echo đang đến.

Chỉ sau khi đã được tản thương Prescott mới nhẹ nhõm vô hạn khi thấy chân có cảm giác trở lại. Hóa ra một viên đạn bắn trúng bi đông nước, dội ra trúng một đinh tán trên dây nịt đạn, xé nát một bi đông thứ hai, gây chấn động thành vết bầm tím lớn, nhưng không có gì tệ hơn. 

Giờ thì Livingston lao về phía trước với khẩu Colt. 45 – gọi đùa là ‘súng bơm mỡ’, dẫn đầu Echo. Đại tá Hull lên máy từ Trung đoàn, hống hách hỏi, tấn công đến đâu rồi? Ông thúc giục Weise: ‘Tận dụng lợi thế của anh, tận dụng lợi thế của anh! Không lùi lại – tận dụng thành công của anh!’ Lúc 13:40 quân địch phản công – tấn công Định Tô, đẩy nhanh đến cuộc cận chiến hỗn loạn chết người. Vũ khí của Livingston kẹt đạn  và anh ném bỏ, chộp lấy một súng trường. Một số người có M-16 hỏng hóc bắt đầu quay sang dùng súng lục. Thậm chí chỉ huy của Echo, chiến binh bất khuất,  cũng cảm thấy buộc phải gọi điện cho Weise, ‘Chúng tôi không thể trụ ở đây để rồi bọn nhóc sẽ bị giết hết.’

Họ bắt đầu lùi lại, quân địch đẩy tới phía sau. Livingston như tức thì có mặt khắp mọi nơi cho đến khi lúc 14:30 anh lãnh một viên đạn súng máy vào chân, mảnh vỡ lựu đạn trong đùi. Binh sĩ anh khiếp đảm khi vị chủ tướng mình đồng da sắt của mình ngã xuống: ‘Tôi mất máu khá nhiều, và tôi bảo họ cứ để mặc tôi. Nhưng hai gã da màu cứ lôi tôi về phía sau.’ Việc đại uý ngã ngựa đẩy nhanh cơn hoảng loạn: chỉ một mình anh đã giữ vững sự gắn kết binh sĩ,  dù có một số người nguyền rủa vì anh mà họ thống khổ. Hạ sĩ  Phil Cornwell nói: ‘Chúng hủy diệt chúng tôi. Chỉ còn ít người chúng tôi trụ lại,  thật khó tin. Binh lính tức tối  vì có tin đồn đại uý bị chính lính mình bắn vì anh đã dẫn chúng tôi vào lò sát sinh. Tôi mừng vì anh bị bắn – do một thằng trong bọn chúng tôi hay do bọn gook, không thành vấn đề.’ Đại đội E bị đánh tan tác.  Weise điện cho trung đoàn trưởng, ‘Thưa Đại tá, chúng tôi hết hơi rồi.’ Nhưng Hull vẫn không lay chuyển: ‘Này Weise, chúng ta phải duy trì sức ép. Tiếp tục dấn tới.’

Cuộc tấn công bên cánh trái của họ do đơn vị cơ giới QĐVNCH như đã hứa sẽ đánh lạc hướng sự chú ý của địch,  ông nói. Hull ra lệnh cho 2/4th, mặc dù giờ đây chỉ là một tiểu đoàn đã tan vỡ, phát động một cuộc tấn công mới vào Định Tô. Đại đội Golf phải tiến hành, được Foxtrot yểm trợ, 54 người tất cả, không ít người trang bị AK-47 vì súng M-16 đã hỏng hóc.

Trong một cử chỉ phi thường, có lẽ do tuyệt vọng sinh ra, Bill Weise quyết định đi hàng đầu vói họ. Ba đêm nay hiếm có người nào ở tuyến đầu được ngủ trọn vẹn: kiệt quệ và đói khát, hầu hết đều chán chường đến cùng cực.

Cuộc tiến quân bắt đầu lặng lẽ, nhưng thình lình TQLC hứng hỏa lực từ cánh trái, nơi QĐVNCH được cho là sẽ đến tiếp ứng. Lính truyền tin của Weise điện cho cố vấn Mỹ, bảo hãy canh chừng xem họ bắn vào đâu. Rồi John Malnar kêu lên, ‘Đại tá ơi, không phải QĐVNCH, quân Miền Bắc.’ Quân Miền Nam không đến, vì lý do chưa hề được giải thích, nhưng khá quen thuộc đến mức đáng buồn – tốt nhất là do mất liên lạc,  tệ nhất là do ngoài ý muốn. Lính Mỹ thấy mình hứng hỏa lực từ mọi phía. Lúc 15:05 họ thình lình xung phong, la hét và gào thét. Foxtrot,  trên sườn phía đông, báo cáo mình bị ghim chặt và thương vong nặng nề. James Butler được cho là theo chân Đại đội G và vượt qua, nhưng thất bại. Sau này anh nói rằng mình chỉ làm theo lệnh,  nhưng Weise nói đại đội trưởng F đã hiểu lầm mệnh lệnh, cố ý hay vô tình. Báo cáo sau đó của Đại tá kết thúc sự nghiệp TQLC của Butler.

Lúc 16:45 hai đại đội quân Miền Bắc phản công đám TQLC còn sống sót của đại đội Golf, đẩy nhanh cơn tháo chạy hoảng loạn của binh lính Mỹ bị áp đảo về quân số.  Một TQLC chọc tay vào người một sĩ quan đang quan sát tiền tuyến, nói, ‘Thưa xếp, mọi người đều rút nhanh hết rồi! Weise và ‘Big John’ Malnar bỗng thấy mình bắn xả láng ở cự ly rất gần với kẻ địch đang tiến đến. Một TQLC nói: ‘Hỗn loạn bắt đầu bùng phát, binh lính la hét “Rút lui! Rút lui!’ Binh sĩ hai bên Jay Vargas đều tử thương. Một súng phóng lựu bắn trúng Malnar khi ông yểm trợ hậu quân bằng một súng ngắn, hủy diệt huyền thoại cô độc đã sống sót những trận tệ hại nhất mà kẻ thù Nhật Bản,  Bắc Triều Tiên và Trung Cộng có thể gây ra cho ông. Một viên đạn AK-47 đốn ngã Weise,  được hai TQLC kéo về sau.  Trung uý Judson Hilton bỏ cả vai trò của một người kiểm soát không phận để bắn một tên địch cầm khẩu M-79 khi y bò lên một con mương. Một TQLC  người trần truồng trừ đôi giày bốt đi rừng bỏ chạy như thằng điên.  Jay Vargas bị bắn ba phát, nhưng tiếp tục ra lệnh trong cơn vỡ trận, nhờ đó anh được thưởng Huy chương Danh dự. Tiểu đoàn bỏ lại ở Định Tô 41 người chết.

Quân Miền Bắc rút lui trong đêm khỏi Đại Đô,  sau đó một tiểu đoàn TQLC khác đến chiếm đóng.  Người Mỹ, kết toán ba ngày giao tranh, tuyên bố giết được 537 địch bởi bộ binh và thêm 268 bởi pháo và không kích. Tàu chiến ngoài khơi đã bắn 2,383 viên đạn để yểm trợ cho tiểu đoàn 2/4th, pháo binh bắn 5,272 viên đạn cùng với 1,147 đạn súng cối; 27 cuộc không kích đã được tiến hành. Tiểu đoàn mất 81 người chết và 297 bị thương, thêm 100 bị thương nhẹ: phân nửa tổng số thương vong này tổn thất trong ngày cuối cùng,  ngày 2 tháng 5. Một trung đội trưởng, vào trận với 48 TQLC, rốt cục còn 3. Vào ngày 30 tháng 4 tập kết được 650 người có điều kiện chiến đấu,  sau đó được bổ sung thêm 200; cuối trận chỉ còn 150 TQLC còn chiến đấu được chỉ huy bởi ‘Fritz’ Warren, gần như là sĩ quan duy nhất không bị thương. 

Cộng quân chưa hề công bố số thương vong trận Đại Đô.  Số liệu công bố của người Mỹ không thể tin được, nhưng Quân Miền Bắc chắc chắn có nhiều người tử trận hơn tiểu đoàn 2/4th. Có các tham khảo bị che đậy trong chiến sử chính thức cộng sản, mô tả tình trạng của họ vào ngày 2 tháng 5: ‘Chúng ta cũng chịu đựng tổn thất  … Sức chiến đấu của bộ đội ta giờ rất hạn chế … [Tiểu đoàn 6/52nd] chỉ còn lại ít quân.’ Nhưng tính ngoan cường của Quân Miền Bắc cho thấy rõ sự hạn chế của sức mạnh pháo và không kích khi chống lại quân địch có công sự phòng thủ. Jim Livingston rất ấn tượng trước kẻ thù: ‘Họ không bỏ cuộc. Họ đúng là bọn chó chết gan lì biết cách che chắn. Bạn đặt họ vào trong một boongke và họ ở lì đó chiến đấu đến chết.’ Điểm yếu chiến thuật của người Mỹ ở Đại Đô,  và trong nhiều trận đánh khác, là họ tự biến mình thành các mục tiêu lộ diện,  và dễ tổn thương, trong khi kẻ địch ít khi làm thế.

Quân Miền Bắc tuyên bố thắng lợi,  và phân phát huy chương hào phóng không kém người Mỹ. Họ tuyên bố  vào ngày 2 tháng 5 đã đánh với 3 tiểu đoàn TQLC  ‘và một lực lượng không nhỏ thuộc Lữ đoàn Không Kỵ 73 Hoa Kỳ’, một lực lượng không tồn tại. Tường thuật của họ kết luận: ‘Toàn bộ tiểu đoàn Mỹ co cụm lại bị đánh tan tác thành một đám hỗn loạn hoàn toàn khi người chết và bị thương hàng đống … Chỉ trong 30 phút toàn bộ tiểu đoàn bị đập tan, với hơn 200 xác bỏ lại trên chiến trường … Máu của bọn xâm lược Mỹ nhuộm đỏ nước sông Cửa Việt … Chỉ trong một buổi chiều gần 500 lính Mỹ đã trả nợ cho tội ác của chúng bằng sinh mạng.’ Trong số 10 người còn sống sót, sử gia cộng sản viết, hai ‘đã hóa điên vì kinh hoàng’. Bài tường thuật này chỉ đáng trích dẫn để minh họa cách thức người viết sử Việt Nam thế kỷ 21 kể lại trải nghiệm cuộc chiến. Nhưng  ngược lại những lời lẽ của bộ đội Bảo Ninh nhấn mạnh đến sự tương đồng trải nghiệm giữa các đồng chí của ông và lính Mỹ và lính Miền Nam: ‘Một số người quả cảm, một số không.’ Bộ đội Miền Bắc đánh giá rất cao hỏa lực Mỹ, ông nói, ‘cho dù người Mỹ không hiểu rõ con người’.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, thật khó để coi Đại Đô là thứ gì khác hơn là một hành động điên rồ bền vững, một quan điểm mà vào thời điểm đó được nhiều người còn sống của tiểu đoàn 2/4th nhìn nhận. Một quân y tá 22 tuổi,  ‘Bác sĩ’ Pitman, nói, ‘Việc đó tuyệt đối  – tuyệt đối – khôi hài,  và tôi luôn cảm thấy rằng ai đó phải bị treo cổ.’ Bản năng tức thì của TQLC là đổ tội cho Weise,  mặc dù chính anh không đi được trong ba tuần  và trở lại nhiệm vụ chỉ sau một năm. Bà xã Ethel của anh đón nhận chuyện này ra sao? ‘Cô ấy thật tốt – tốt hơn tôi tưởng.’ Công lý dường như gán lời buộc tội chính đáng cho Đại tá Milton Hull và Thiếu tướng Rathvon McClure Tompkins của Sư đoàn 3 TQLC. Có thể hiểu được vào ngày 30 tháng 4 các sĩ quan đó phái 2 đại đội đi dọn sạch bờ biển Bố Điều, lúc đó họ chưa biết rõ quân địch nào đang ở đó. Điều bất thường là họ cứ khăng khăng đòi tiếp tục tấn công trực diện suốt ngày 1 và 2 tháng 5. Weise nói, ‘Tôi không tin Tompskins có biết chuyện gì xảy ra. Ông ta dường như tê liệt. Vào ngày thứ ba đó khi họ bảo chúng tôi cứ dấn tới, tôi nói, “Như vậy là rồ đại.”‘ Hull sau đó tuyên bố rằng người Mỹ ở Đại Đô đã chạm trán với 2 trung đoàn Miền Bắc.  Ông mô tả tình hình vào đêm 2 tháng 5 bằng lời lẽ cho thấy một sự nhạo báng đối với thực tế: ‘Sau ba cuộc phản công dữ dội, tiểu đoàn 2/4th TQLC đã chịu một số thương vong nhưng hàng ngũ vẫn còn rất vững chắc  và họ tràn đầy động lực và muốn tiếp tục tấn công và đẩy lùi địch. Tuy nhiên tôi … nghĩ đã đến lúc cho tiểu đoàn nghỉ ngơi chút ít’.  

Trận đánh Đại Đô ít được chú ý trong chiến sử. Weise nói, ‘Tôi thì tin là Quân đoàn TQLC đã giấu nhẹm chuyện đó.’ Anh có thể đúng. Một số, đúng ra là hầu hết, những gì sai lệch ở Việt Nam có thể được đổ tội một cách chính đáng cho các chính trị gia vốn khởi đầu mọi chuyện, và tiếp tục để nó diễn tiến. Nhưng ít tư lệnh Mỹ nào giấu mình trong thắng lợi vinh quang, và một số còn phơi bày tính điên rồ có tầm vóc khó tưởng tượng – như được thể hiện ở Daido.

2 Đối Thoại

Một tuần sau trận Đại Đô kết thúc, vào ngày 10 tháng 5 1968 tại Khách sạn Majestic ở Paris một phái đoàn Mỹ do  Averell Harriman dẫn đầu gặp phái đoàn Miền Bắc do một cán bộ cấp bậc trung bình Xuân Thủy cầm đầu. Việc lựa chọn phái viên của người cộng sản ắt hẳn đủ để thăm dò làn sóng hưng phấn đang quét qua cộng đồng quốc tế  – ảo tưởng là một dàn xếp hoà bình sẽ đạt được trong vòng vài tuần lễ, tệ nhất là vài tháng. Mặc dù Lê Đức Thọ, người cộng tác thân cận nhất của Lê Duẩn, cũng có mặt, nhưng Xuân Thủy là người chính thức. Miền Bắc cho thấy là mình muốn đổi thoại, nhưng không vì cần thiết phải có sớm. Điều này làm bối rối phái đoàn Mỹ, trong khi trên chiến trường cộng quân tiếp tục tìm cách tiêu hao sức mạnh và ý chí của Mỹ và Miền Nam: đây là chính sách nước đôi ‘vừa đánh-vừa đàm’. Hết tuần này đến tuần khác, và rồi hết tháng này đến tháng khác, các phái đoàn đối thủ nói lèo bèo cho nhau nghe ở Paris. 

Người Mỹ bám vào yêu cầu khăng khăng đòi bộ đội Miền Bắc phải rút khỏi Miền Nam như là một phần của việc rút quân toàn bộ các lực lượng ‘ngoại bang’, trong khi Hà Nội đòi VC phải nhận được một vai trò trong chính quyền liên minh tại Sài Gòn.  Không đề xuất nào được phe bên kia chấp nhận, ba năm bế tắc ngoại giao trôi qua sau đó.

Thông báo của Lyndon Johnson về việc rút lui khỏi cuộc chạy đua tranh cử tổng thống làm hoạt động ngoại giao Mỹ què quặt, bởi vì nó tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa thắng lợi Miền Bắc,  khẳng định chiến thắng đang trong tầm tay,  cho dù tình trạng bấp bênh của VC. Ở Washington,  đại sứ Xô viết Anatoly Dobrynin được đại sứ Ba Lan cho biết thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận sự trung lập của Miền Nam, để kết thúc cảnh tàn phá.  Điều này có thể tin được là đúng, nhưng hoàn toàn không phù hợp với vị thế của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Người Nga, nóng ruột muốn sớm ngừng chi tiền cho các nỗ lực chiến tranh của Miền Bắc, yêu cầu Hà Nội chứng tỏ sự mềm dẻo  – và bị khước từ. Dobrynin viết: ‘Ở Moscow không ít kinh ngạc hơn ở Mỹ … Trong nội bộ … nhiều thành viên Bộ Chính trị Xô viết nguyền rủa người Mỹ, người Hoa và người Việt vì họ không tìm kiếm một thỏa hiệp. Brezhnev có lần giận dữ bảo với tôi ông không muốn “chết chìm trong đầm lầy Việt Nam “.’

Chính quyền Mỹ luôn nuôi dưỡng ảo tưởng là Nga có thể kết thúc chiến tranh nếu muốn, nhất là khi Trung Quốc đang đắm chìm trong cuộc Cách mạng Văn Hoá của Mao quá đỗi hãi hùng đến nỗi vào năm 1969 họ rút gần như toàn bộ nhân sự ở Miền Bắc về nước. Washington cứ luôn miệng thúc giục Moscow nhận lãnh vai trò trung gian.  Người Xô viết rầu rĩ nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ phải giải quyết song phương với Miền Bắc.  Người Mỹ không thể hiểu, Dobrynin viết, rằng dù Nga có muốn hoà bình bao nhiêu, trong lúc đang đối đầu với thách thức của Trung Quốc giành quyền lãnh đạo  phe xã hội chủ nghĩa họ không thể rút đi sự hậu thuẫn  cho các đàn em cách mạng nổi bật của mình. Moscow quá tin tưởng rằng một thắng lợi trong kỳ bầu cử tổng thống cho đảng Dân chủ với Hubert Humphrey sẽ kết thúc chiến tranh đến nỗi phái đoàn của họ khẩn khoản một cách vô ích với Lê Duẩn hãy cho ứng cử viên Dân chủ một đột phá ngoại giao. Bóng ma của Richard Nixon thuyết phục người Nga thậm chí còn đi xa hơn: họ đề nghị giúp hậu thuẫn tài chính cho chiến dịch tranh cử của Humphrey nhưng bị lịch sự từ chối.

Trong năm bầu cử sóng gió, đẫm máu đó, Mỹ chia rẽ như chưa từng có kể từ thời Nội chiến. Lyndon Johnson giờ tỏ ra hối tiếc đã thoái vị, và nuôi hy vọng sẽ được bổ sung vào danh sách ứng cử viên tổng thống phút chót. Cay đắng cho cảnh ngộ của mình càng làm ông thêm khinh thị, thậm chí khinh bỉ đối với vị phó tổng thống của mình. Trên khắp nước Mỹ, thù địch đối với lực lượng quân sự trở thành một hiện tượng rộng khắp và chưa từng có tiền lệ: Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Jim Koltes, phục vụ như một sĩ quan tham mưu tại Ngũ Giác Đài, giờ không còn muốn như hầu hết các đồng nghiệp mình mặc quân phục ra đường phố Washington: ‘Bạn có thể bị hành hung.’ Vậy mà thậm chí bây giờ, không ứng cử viên nghiêm túc nào, không ngay cả Eugene McCarthy hoặc Robert Kennedy, dám chủ trương việc Mỹ rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam  – mặc nhiên là nhìn nhận thảm bại. Cũng vẫn còn có một ít kẻ leo thang chai lì, chủ trương tuyên chiến chính thức với Miền Bắc,  mặc dù một đề xuất như thế sẽ không bao giờ được Quốc Hội thông qua. 

Năm 1968 người Mỹ chứng kiến tử thần ở chung quanh họ: Kennedy và Martin Luther King tử vì đạo; những cuộc bạo loạn sắc tộc trong các thành phố.  Về phần Việt Nam,  vào ngày 28 tháng 5 Michael Minehan, một tay súng máy trẻ ở tỉnh Quảng Trị,  viết thư về nhà: ‘Hôm nay đã là ngày thứ 9 trên chiến trường  nhưng vẫn không có gì nhiều để nói vì mọi thứ tụi con làm là đi bộ trong vùng núi tìm kiếm bọn gook . .  . Con nghĩ nên gửi ba má vài hàng để báo là mọi thứ đều tốt đẹp.’ Năm ngày sau, tuy nhiên, cha mẹ Minehan ở Marlborough, Massachusetts, nhận được một điện tín: ‘Bộ tư lệnh Quân đoàn TQLC vô cùng thương tiếc báo tin con trai ông bà  … đã hy sinh vào ngày 2 tháng 6 1968 … Anh ấy bị thương làm cơ thể phân mảnh do phe ta không kích trật mục tiêu  … Phần thi thể còn lại sẽ được thu gom, đóng hộp và gửi không tính chi phí cho ông bà cùng với đội nghi lễ được cử đến nhà tang lễ hay nghĩa trang quốc gia tùy theo ông bà chọn. Ngoài ra ông bà còn được bồi hoàn một số tiền không quá 500 đô cho chi phí lễ tang  và an táng. Xin vui lòng đánh điện về bộ chỉ huy Quân đoàn TQLC nói rõ ý nguyện của ông bà về vấn đề liên quan.’ Vào cuối năm 1968, 16,899 điện tín như thế đã được người nhà nhận được trên khắp nước Mỹ – hơn 300 một tuần  – và người Mỹ quá mệt mỏi vì chuyện đó.

MACV nổi dóa vì không ai nhìn nhận các chỉ huy có công lao mà các binh sĩ cho rằng họ xứng đáng vì đã đập tan cuộc công kích Tết 1, rồi Tết mini. Xếp Bình định hóa Robert Komer nói trong buổi họp cập nhật tình báo hàng tuần vào ngày 29 tháng 6: ‘Chúng ta thắng một chiến dịch và không ai biết điều đó.’

Tướng Creighton Abrams nhất trí điều đó, nói về giới báo chí. Một sĩ quan tham mưu cao cấp của Abrams than thở: ‘Theo tôi dường như chúng ta đã tự lừa phỉnh chính mình khi ngồi vào bàn đàm phán ở Paris  … Nếu mọi thứ đều ổn đối với địch và họ có thể tiến hành một vụ công kích,  thế thì họ được tán dương là có sức mạnh trên tít lớn báo, như họ đã làm được trong vụ Tết. Bằng ngược lại,  nếu do những nỗ lực của chúng ta ở đây, chúng ta thành công trong việc phòng ngừa và ngăn chặn họ công kích,  thì họ được tiếng là xuống thang.’ Abrams nhất trí.

Trong tháng 8, MTDTGP và các chỉ huy VC nhận được các mênh lệnh ngắn gọn, độc đoán từ Trung ương Cục Miền Nam,  chỉ thị rằng phải có ‘đợt sóng công kích Tết thứ ba’ Một số chỉ dẫn chiến thuật nghe có vẻ vô lý: các chiến binh được dặn giấu mình trong các đường hầm và boongke giữa Sài Gòn, che phủ các hố đào bằng nắp gỗ mang theo. Lệnh này giờ cuối bị hủy bỏ, chỉ sử dụng biệt kích địa phương tấn công thay thế.  Những nơi khác trong vùng, các nhóm tiến hành pháo kích cầm chừng các căn cứ Mỹ, sử dụng rốc kết còn lại từ kho dự trữ tháng 2. Trận công kích tháng 8 tập trung vào tỉnh Tây Ninh, và hầu hết đều bị đẩy lui dễ dàng.

Đây là thời kỳ tồi tệ cho lực lượng VC. Trên khắp vùng Cửu Long, đường tiếp vận trên kênh và sông cho du kích quân đều bị ngăn trở hoặc cắt đứt bởi các hoạt động tuần tra ráo riết của thuyền Mỹ và Miền Nam,  có trang bị đèn pha ban đêm. Các du kích còn suy yếu không thể đương đầu với các cuộc càn quét được làm mới.  Những địa điểm ẩn náu truyền thống thình lình trở nên dễ tổn thương. Các đơn vị buộc phải phân tán, và hầu hết rút về Cao Miên. Các trạm tiếp viện của họ bị liên tục tấn công. Tiểu đoàn trưởng thiện chiến của VC vùng đất đồng bằng, Mười Xường, được phái đến Sài Gòn để tìm hiểu số phận của một đơn vị đã bị mất liên lạc. Rồi chính ông cũng bị nhanh chóng giết chết sau khi Mỹ khám phá hầm ẩn nấp ngầm của ông. Việc đào ngũ khỏi các đơn vị VC trở nên đặc hữu.

Vào ngày 31 tháng 8, với các chỉ huy Mỹ thấy mình đang trải qua một thời kỳ thành công, ‘Đèn hàn’ Komer báo động khả năng Hà Nội có thể đề xuất ngừng bắn vô điều kiện trước cuộc bầu cử Mỹ: ‘Cả hai ứng viên đều ủng hộ việc đó: ”Làm sao bạn có thể chống lại một cuộc ngừng bắn chứ? Nó giống như tình mẫu tử.”‘ Earle Wheeler bảo với tổng thống vào tháng 10: ‘Đánh giá của Abrams là rất thuận lợi.  Nếu chúng ta không thắng cuộc chiến về mặt quân sự,  thì chúng ta cũng đang trên đường tới điều ấy.’ Tham mưu trưởng của Sư đoàn 9 Mỹ tai tiếng trong vùng châu thổ mô tả cách thức đội hình của ông chiết tính các thắng lợi của mình cho năm 1968: ‘Khái niệm lợi nhuận do việc bán lẻ, đó là, thực hiện một số lớn trận nhằm loại bỏ từng nhóm nhỏ địch quân, đối chiếu với khái niệm bán sỉ … đó chính là cách thức tiến hành cuộc chiến.  Chẳng hạn,  nếu mọi đại đội 39 [tay súng] tiêu diệt chỉ một VC mỗi ngày,  thế thì một tháng lên đến 1,170 tên.’ Đây là một ví dụ sống động của tính điên rồ thống kê, hàng núi những số liệu rườm rà rối rắm, thay thế cho chiến lược.

Nhưng những người đã chiến đấu ở Đại Đô; những người đã nhìn thấy hơn 100 trực thăng bị mất mỗi tháng; những người hiểu rằng trong năm 1968 cộng quân tiến hành 1 500 vụ tấn công trên bộ và lực lượng suy yếu của VC đã âm mưu 9,400 vụ khủng bố có ghi chép lấy đi 5,400 sinh mạng thường dân; những người lưu ý đến việc trong QĐVNCH có đến 139,670 vụ đào ngũ khoảng Giáng sinh có ghi trong sổ sách; sẽ không còn tin rằng cuộc chiến đang thắng lợi  hoặc có thể chiến thắng.  Thiếu tá William Haponski viết: ‘Các trải nghiệm của tôi, tôi tin tưởng, phản ánh toàn bộ khung cảnh chiến tranh,  với các tình huống có vẻ là những thành tựu của người Mỹ. .. Chúng tôi đang cày trên thứ gì dường như là vùng đất mới, hi vọng có được một mùa đông bội thu, nhưng thật ra đồng ruộng đã gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi những gì xảy ra trước đây, và rất ít cây trái ngọt có thể mọc lên ở đấy.’

Một người lính trong đại đội bộ binh của Binh nhất John Hall bất ngờ tuyên bố: ‘Tôi không ra trận nữa.’ Các đồng đội anh khuyên can, thuyết phục anh không thể từ bỏ nhiệm vụ một cách nhục nhã như thế,  nhưng anh vẫn bướng bỉnh: ‘Tôi đếch cần. Tôi không muốn chết.’ Anh bị chuyển về hậu cứ để chịu các trừng phạt kỷ luật, nhưng rồi đây sẽ có nhiều người như anh xuất hiện. Những tân binh đợi bắt máy bay đến Sài Gòn, sau khi chứng kiến các cuộc xung đột trên đường phố Chicago trong Hội nghị Đảng Dân chủ vào tháng 8, khó có thể tin rằng mình đang tham dự một cuộc chiến đáng để chết vì nó.

Tình trạng hoang mang đang bao vây người Mỹ thuộc đủ mọi sắc thái chính trị được phản ánh trong một bức thư được in trong tờ New York Times số 2 tháng 9, của một giáo sư sử học. Ông nói rằng mặc dù là một đảng viên có đăng kí của Dân chủ 24 năm rồi, ông đang tính ra khỏi đảng vào tháng 11, bởi vì ‘Theo tôi một cử tri có thể đang tính ủng hộ cho Hubert Humphrey cuối cùng sẽ quay sang bầu cho Richard Nixon.’ Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hoà biết rằng mình chỉ có thể chiến thắng nếu dựa vào đủ số cử tri tin rằng ông, và chỉ ông, có thể kết thúc chiến tranh mà không để người Mỹ chịu bẽ mặt. Ông tung tin cho một phóng viên dựng chuyện là mình có một kế hoạch hoà bình bí mật – sẵn sàng được tiết lộ khi bước vào Nhà Trắng. Điều này là hư cấu: thật ra, ông chỉ dự định khai thác nỗi sợ hãi cộng sản để ông,  Chiến binh Lạnh bất khuất,  có thể sử dụng mọi biện pháp cực kì bạo lực nếu phe địch không chịu thương lượng. Ngày 25 tháng 10 ông tìm cách phá vỡ kế hoạch ngừng dội bom của LBJ, qua các vận động bí mật hai mặt nhằm phá vỡ một dàn xếp trước ngày bầu cử, nổi bật là việc thúc giục Tổng thống Thiệu của Miền Nam  – sử dụng Madame  Chennault, góa phụ của Claire Chennault, chỉ huy không lực huyền thoại Thế chiến II tại Trung Quốc, làm người trung gian – để tẩy chay hòa đàm Paris. 

Một tuần sau,  vào ngày 31, trong một cú phản đòn muộn màng được canh giờ để đánh đắm ứng viên Cộng Hòa, Lyndon Johnson lên truyền hình quốc gia công bố dừng mọi cuộc dội bom Miền Bắc.  Không chắc có phải vì điều này đã thay đổi kết quả bầu cử,  nhưng điều chắc chắn là vào tháng giêng 1969, với không tới 1 phần trăm tổng phiếu bầu vượt hơn Humphrey, Richard Nixon trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Cuộc chiến của Johnson đã trở thành cuộc chiến của Nixon. Tuy nhiên, như Nixon viết trong hồi ký của mình, ‘Không còn là một câu hỏi liệu tôi sẽ rút quân hay không,  mà là bằng cách nào họ sẽ ra đi và điều gì họ sẽ bỏ lại phía sau.’


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s