Ngôi Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Xã Mỹ Đức (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian

Có lẽ đây là tấm hình xưa nhất về Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Xã Mỹ Đức ngày xưa ở Hà Tiên. Hình sưu tầm do người Pháp chụp, năm 1890

Patrice Trần Văn Mãnh

A/ Danh từ « Thành Hoàng Bổn Cảnh »:

Thành Hoàng là một biểu tượng cổ xưa có gốc từ Trung Hoa để chỉ vị thần đại diện cho một tòa thành lớn có hào bao quanh, vị thần này được thờ nhằm để bảo vệ cho tòa thành đó. (Theo từ ngữ: Thành Hoàng tức là thành trì có hào bao quanh). Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng (tức là xem như có một vị thần với xưng danh là « Thành Hoàng ») bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 9.

Vị thần được phong là Thành Hoàng đầu tiên của nước ta tên là Tô Lịch, một nhân vật có thể có thật sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba-thứ tư, tổ tiên cư ngụ ở Hà Nội đã lâu đời, dựng làng bên một con sông nhỏ. Vì ông cư xử hiếu hòa, thanh bạch, lại cứu đói giúp dân lúc mất mùa nên được triều đình ban khen, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng. Khi ông mất dân làng thờ ông như vị thần của ngôi làng. Sau đó đến thế kỷ thứ 9 ngài được tôn lên địa vị tột đỉnh cao quý: Từ vị thần của làng Tô Lịch, trở thành vị Thần Thành Hoàng đứng đầu các vị thần ở thành Đại La, rồi Thành Hoàng của cả kinh thành Thăng Long.

Tuy nhiên việc tôn thờ vị thần bảo vệ thành trì với danh xưng « Thành Hoàng » không sâu đậm và không dài lâu ở các thành đô nước ta. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng bắt đầu lan truyền đến các vùng nông thôn nơi tín ngưỡng thờ thần in đậm dấu ấn trong nét văn hóa của người dân làm nông nghiệp lúa nước. Chẳng bao lâu, nhân dân đồng lòng suy tôn Thành Hoàng làng là những vị thần bảo vệ cho cuộc sống của người dân trong làng, nhất là những nhân vật lịch sử từng có công tạo lập hay phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho làng, nước. Vì là vị thần của một làng được thờ phượng để bảo vệ một địa phương làng xã nên mới có thêm từ ngữ Bổn Cảnh (Bản Cảnh, Bản Thổ…), Từ đó ta kêu là Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh.

B/ Miếu Hội Đồng xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên:

Ngôi đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên hiện nay tọa lạc tại khu phố 1, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. (Chú ý quan trọng: trước năm 1998 phường Đông Hồ chính là xã Mỹ Đức trung tâm của thị trấn Hà Tiên, sau năm 1998 thành lập thị xã Hà Tiên,  tên Mỹ Đức được đặt tên cho một xã ở tại Thạch Động, kể từ 2018 xã Mỹ Đức ở tại Thạch Động trở thành phường Mỹ Đức). Ngôi đình nằm trong phần đất giới hạn bởi bốn con đường: đứng trước ngôi đình nhìn vào, bên trái là đường Bạch Đằng, bên phải là đường Tô Châu, sau lưng đình là đường Chi Lăng, trước mặt đình là đường Trần Hầu. Ta không biết chính xác niên hiệu tạo dựng ngôi đình nầy vào năm nào, tuy nhiên theo sách « Gia Định Thành Thông Chí » (hoàn thành vào năm 1820) của Trịnh Hoài Đức thì đã có đoạn văn tả ngôi đình nầy, lúc đó ngôi đình có tên là Miếu Hội Đồng. Như vậy Miếu Hội Đồng của xã Mỹ Đức, thuộc huyện Hà Tiên, trấn Hà Tiên đã có trước năm 1820. Thực ra trước năm 1820, nhân dân ở xã Mỹ Đức (Hà Tiên) đã dựng lên ngôi Miếu Hội Đồng nầy để thờ ba vị nhân thần họ Mạc khai cơ đất Hà Tiên là Mạc Cửu (1655-1735), Mạc Thiên Tích (1718-1780), Mạc Tử Sanh (1769-1788), ba vị nầy đều có sắc phong nhân thần của các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức và đều đạt đến ngôi thừ Thượng Đẳng và Trung Đẳng Thần.

Từ năm 1820 cho đến năm người Pháp chiếm Hà Tiên (1867), theo bản đồ vẻ tay của người Pháp vào năm 1869, ta thấy trên bản đồ còn ghi rỏ vị trí của ngôi Miếu Hội Đồng (ô tô màu vàng, người Pháp ghi là Mairie = tòa thị sảnh, trụ sở của xã), và trước đó về phía mé bến sông ghe tàu đậu thì là ngôi chợ cũ ngày xưa (ô tô màu xanh dương, người Pháp ghi là Marché = ngôi chợ). Điều nầy vẫn còn được kiểm chứng theo như lời nói của các bậc cao niên ở Hà Tiên, bà ngoại mình thường nói căn nhà xưa của gia đình mình ở đường Bạch Đằng có cửa chánh nhìn ra đường Bạch Đằng, xéo xéo ngả ba Bạch Đằng-Lam Sơn, nhưng phía sau của nhà mình là con đường nhỏ không tên dẫn đến cửa chánh của đình Hà Tiên, sau nhà mình vẫn còn một bàn thờ ngoài trời vì bà ngoại mình nói là ngày xưa cửa chánh của nhà mình nhìn ra phía con đuòng trước đình Hà Tiên, tức là hồi xưa phía sau nhà của mình hiện tại lại là mặt tiền nhà chánh vì các căn nhà đều nhìn về phía chợ ngày xưa, thêm một chi tiết nữa là tất cả bàn thờ trên gác lầu của nhà mình đều quay mặt ra phía nhà sau tức là quay mặt ra mặt tiền nhà chánh thời xưa.

Bản đồ do người Pháp vẻ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô màu vàng (Pháp ghi là Mairie) là vị trí của Miếu Hội Đồng tức là vị trí của ngôi Đình Thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức Hà Tiên, ô vuông màu xanh (Pháp ghi là Marché) là vị trí ngôi chợ cũ Hà Tiên ngày xưa.

Vị trí ngôi chợ cũ Hà Tiên và Miếu Hội Đồng (Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên) trước thời Pháp chiếm Hà Tiên (1867). Con đường màu đỏ không tên còn hiện hữu đến nhiều năm sau nầy, tuy nhiên do quá trình phát triển đo thị, ngày nay con đường nầy đã biến mất,

Tuy trên bản đồ người Pháp vẻ tay năm 1869 ghi tên ngôi đình xã Mỹ Đức là Miếu Hội Đồng xã Mỹ Đức (Mairie) nhưng trước đó vào đời vua Tự Đức thứ năm (1852), nhà vua đã ban sắc phong tên đình là Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh xã Mỹ Đức nên từ đó về sau ngôi Miếu Hội Đồng nầy đã trở thành ngôi Đình Thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, thờ phượng ba vị nhân thần họ Mạc như đã nói trên. Lúc đó ngôi đình còn lợp lá đơn sơ.

Đến năm 1888, chí sĩ Nguyễn Thần Hiến cùng với quý ông Lâm Tấn Đức, Huỳnh Đăng Khoa, Trần Đình Quang, Lê Quang Khanh,…và với sự góp công sức của cải  nhân dân Hà Tiên, ngôi đình được trùng tu, kiến tạo lại, ngày khởi công là ngày 14 tháng giêng năm 1888. Nhân dịp nầy khi hoàn thành sự trùng tu, các bài văn, thơ của các cụ được ghi lại trên tường gạch phía trong đình (tháng tư, năm 1889). Đây là đợt trùng tu quan trong và quy mô nhất, có mái ngói, tường gạch. Sau đó vào các năm 1968 và 1972, nhân dân Hà Tiên cũng có trùng tu thêm ngôi đình nhưng ở mức độ không quan trọng lắm và vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu của năm 1888.

C/ Ngôi Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Hà Tiên:

Kiến trúc ngôi Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Hà Tiên được cấu tạo từ lúc trùng tu đầu tiên do ông Nguyễn Thần Hiếu chủ trương: ngôi đình hình vuông, phía trong là Chánh Điện có Tả Ban và Hữu Ban: hai bên là chỗ thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền, giữa có đài Thiên Tỉnh (giếng trời) để thờ chư vị thần linh, phía trước là nhà Võ Ca nơi đặt  trống và mõ, nơi hội họp của bà con nhân dân trong xã… Chung quanh nhà Võ Ca, trên tường gạch có chép những bài văn, bài thơ thời trước, những áng văn mang linh hồn các vị danh nhân Hà Tiên, có công với dân tộc và đất nước.

Trong những năm của hai thập niên 1960 – 1970, vì nhà mình ở quay mặt sau ra phía con đuòng dẫn vào ngôi đình (vào thời nầy còn có một con đường đất nhỏ không có tên chạy ngang trước mặt ngôi đình, nối liền hai con đường dọc theo hai bên hông đình, là đường Bạch Đằng và đường Tô Châu), mình thường hay đến chơi trong đình, thường tham dự vào các hoạt động cúng kiến ở đình. Mình còn nhớ mỗi lần có cúng Kỳ Yên ở đình, thường có các thanh niên trai tráng Hà Tiên mặc áo dài xưa, đội mũ có cánh cao và dài hai bên, chân màng giầy ống có mũi cao và cong sắp hàng đi theo tiếng nhạc, tiếng trống, hồi đó thường nghe các cụ cao tuổi nói đó là nhóm học trò lễ…

Lễ cúng Kỳ Yên ở đình xảy ra hàng năm vào ba ngày 15, 16 và 17 tháng hai âm lịch. Đại khái trong ba ngày lễ, nhân dân Hà Tiên cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an. Có buổi đi rước sắc lệnh của vua ban cho đình, rước sắc lệnh về đình, nơi lưu giữ sắc lệnh của vua ban cho ngày xưa chính là ở Lăng Mạc Cửu, khi đi rước thì có cả đoàn người, một đám rước với chiêng, trống, lộng, cờ linh đình cùng đội lân. Sau khi làm lễ cúng kiến xong thì đem sắc phong trả lại nơi lưu giữ là Lăng Mạc Cửu. Lễ hội đặc sắc này được rất nhiều du khách tìm về tham dự. Còn có buổi lễ tên là  Túc Yết (lấy huyết heo). Lễ cúng Kỳ Yên ở Đình Hà Tiên vẫn còn được duy trì đến ngày nay.

Ngoài ra còn có một hoạt động khác nữa cũng không kém phần uy linh trang trọng ở đình Hà Tiên là sau mùa cúng Kỳ Yên tháng hai, đến mùa « tống ôn, tống gió » (vào ngày rằm tháng tư âm lịch). Ở đình Hà Tiên người ta xây dựng một chiếc tàu bằng tre và dán giấy đủ màu sắc, trang trí chiếc tàu rất tốt đẹp, chiếc tàu có kích thước chiều dài khoảng 7 m, chiều rộng khoảng 1,4 m. Chiếc tàu bằng tre và lợp giấy nầy được lưu trử ở bên trong ngôi đình. Đến đúng vào ngày rằm tháng 4, ở Hà Tiên có tục lệ đi diễn hành chung quanh đường phố chợ Hà Tiên, hồi xưa chúng ta kêu là « Đi Nghinh » hay « Tống Gió », tức là trong đoàn « đi nghinh », có các vị người lớn lên đồng (những người nầy thường là bậc cao tuổi kỳ cựu ở Hà Tiên, đóng vai trò cho mượn xác thân của mình cho những linh hồn các vị thần tiên đã chết rất xa xưa, nhập vào thân xác để đi diễn hành trên các đường phố Hà Tiên, mục đích là kiếm ma quỷ, tà yêu để diệt trừ vì trong lúc đi nghinh, tống gió là để đi xua đuổi những linh hồn ma quái thường lưu lạc, không nơi nương tựa, đi khuấy phá nhân dân). Các vị lên đồng tay cầm kiếm, cầm cờ lệnh múa rất oai nghiêm, có vị còn được đứng ngay trên chiếc tàu để múa kiếm, cũng có vị dùng một cây cờ lệnh nhỏ bằng kim loại đâm xuyên qua hai gò má trên gương mặt của mình để cho quỷ ma phải khiếp đảm. Đoàn người đi như vậy cùng với tiếng chiêng trống vang lừng làm tăng thêm sự oai linh…Tiếp theo sau đoàn người và sau chiếc tàu, có người đẩy một chiếc xe cây để tiếp thu những hoa quả, ngũ sắc do nhân dân Hà Tiên đem cúng theo khi đoàn người đi qua trước nhà. Cũng có nhiều trẻ con gan dạ, không biết sợ , chạy theo sau chiếc tàu, có lẻ để chờ khi người ta phát trái cây hoa quả để chạy vào xin…

Tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng chập chả vang lừng inh ỏi, pha lẫn với nhau tạo một khung cảnh với âm thanh rất đáng sợ đối với giới trẻ con như mình ngày xưa. Các âm thanh nầy tuân theo một nhịp điệu là: thùng thùng thùng, …thùng thùng thùng, …thùng thùng thùng – thùng thùng, thùng thùng…!! (gồm có hai đợt đầu ba tiếng liền nhau, và một đợt sau cùng là 7 tiếng liền nhau…). Hòa với tiếng trống, chiêng, chập chả còn có tiếng của Ông Pháp Sư đọc triệu giử nhịp cho linh hồn mấy vi Thần nhập xác.

Đôi khi đoàn người và chiếc tàu đi nghinh phải dừng lại ở một vài ngả tư đuòng để các xác thần trấn yếm ma quỷ dọc đường, hay trong các nhà hoang…

Trong lúc « đi nghinh » như vậy mình rất sợ, không dám nhìn xem đoàn đi nghinh đi ngang nhà, mọi căn nhà trên đường phố Hà Tiên đều phải đóng cửa vì sợ ma quỷ bị xua đuổi chạy vào nhà mình, lúc có đoàn người lên đồng và chiếc tàu khiêng tới đi ngang nhà thì người lớn trong nhà phải chạy ra đem trái cây, hoa quả bỏ theo trên chiếc tàu, đồng thời trước nhà phải có một lò lữa và muối hột để đốt muối cho nghe vang tiếng nỗ cho ma quỷ sợ không thừa lúc đó chạy vào nhà mình.

Đoàn lễ « đi nghinh », « tống gió » đi theo một trục đuòng chính, trước hết từ ngôi đình Hà Tiên đi ra, theo đường Bạch Đằng trước nhà mình, sau đó rẻ qua đường Lam Sơn, đi dài theo đó cho đến bến nước cầu Đồn Tả thì thả tàu xuống nước.

Theo ý kiến góp lại của quý anh chị người Hà Tiên kỳ cựu thì trong đoàn người « Lên Đồng » đi trong lễ « Đi Nghinh », Tống gió » ta có thể kể ra đây như sau:

 – Người đi đầu là Ông Năm Nhội, lên xác ông Thái Tử, đi bộ dẫn đầu trước chiếc tàu (đó là ba của một người bạn học tên Sáu Tăng, học trò Trung Học Hà Tiên).

 – Có nhiều vị đứng múa trên chiếc tàu:

  • Ông Năm Ô lên xác vị Chánh Soái Đại Càn.
  • Bà Hai Suốn (bà bán bánh kẹp ngày xưa), lên xác Bà Cố (tên của bà là Bà Thượng Đông Cố Hỉ, người Hà Tiên có lập miếu thờ Bà ở kế bên chùa Thiên Trước, tức chùa Phật Lớn, bây giờ gọi là Đền Trăm Quan)
  • Cô Hai Thời, lên xác « Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Bà Thủy » (theo như ý kiến của em Sáu Tăng thì cô Hai chính là người dì của anh bạn học Tống Châu Thành, học chung một lớp với anh Trần Văn Dõng)
  • Anh Sái, chồng chị Hà (bán rau cải), lên xác vị Ngũ Nhạc Huỳnh Kỳ.

 – Ngoài ra còn có Ông Bảy Tiếu nhà ở Ao Sen lên xác Ngũ Nhạc Huỳnh Kỳ.

Tuy nhiên sợ thì vẫn sợ, nhưng mình cũng tò mò nên cũng lén nhìn qua khe cửa để xem đoàn người diễn hành và chiếc tàu lúc người ta khiêng ngang nhà mình…
Khi đoàn người lên đồng và chiếc tàu được đưa đi hết các đường phố chánh của Hà Tiên với tiếng chiêng trống inh ỏi làm cho người ta rất sợ xong cả rồi, thì người ta cho tất cả trái cây do nhân dân Hà Tiên cúng lên tàu, trái cây nhang đèn, hoa quả đều được chất lên hết trên chiếc tàu và người ta đem khiêng chiếc tàu thả ra cửa biển Hà Tiên, phía cầu Đồn Tả để tống đi hết tất cả những gì không tốt đẹp cho nhân dân Hà Tiên, đó cũng là một tục lệ tuy rất là mê tín nhưng vẫn có một truyền thống lâu đời, ngày nay dĩ nhiên là người ta không duy trì một tập tục như vậy, nghĩ cũng đáng tiếc…Ngày  xưa lễ « Đi Nghinh »,  « Tống gió » rất thịnh hành trong những thập niên 1960 – 1970, ngày nay không còn nữa.

Hiện nay chúng ta không thể gọi ngôi đình là đình Thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức mà gọi tên là Đình ThầnThành Hoàng Hà Tiên, vì xã Mỹ Đức ngày nay không còn nữa, vị trí của ngôi đình là ở ngay phường Đông Hồ. Còn tên Mỹ Đức thì đã thành tên phường Mỹ Đức, để chỉ một địa danh ở Thạch Động.

Con đường ngay từ cổng đình dẫn ra phía mé sông tới đuòng Trần Hầu ngày nay được dành riêng cho ngôi đình. Người ta làm cổng đình rất to lớn ngay tại mé đường Trần Hầu để dẫn ngay từ đó vào tận ngôi đình. Hai bên hông đình ngày xưa còn thoáng rộng chỉ là những khoảng đất trống, ngày nay đã có những căn nhà gạch cao lớn cất che bớt khoảng không gian chung quanh đình, quang cảnh đã thay đổi nhiều so với những năm xưa…Dĩ nhiên ngày nay tại trung tâm Hà Tiên, bộ mặt thành phố đã thay đổi rất nhiều, nhà cửa, cao ốc, dinh thự được xây cất rất nhiều, làm cho bộ mặt thành phố trở nên tốt đẹp, phồn thịnh hơn ngày xưa, tuy nhiên với một tâm hồn hoài cỗ, mình cũng cảm thấy ngậm ngùi khi nhìn hình ảnh ngôi đình ngay nay, được sơn phết màu sắc xinh đẹp nhưng hình như quang cảnh tường nhà gạch cao ốc chật chội chung quanh ngôi đình đã làm cho hình ảnh xa xưa của một thời vang bóng đã đi vắng, ít nữa là đối với những người từng sinh sống rất nhiều năm chung quanh ngôi đình như trường họp của mình…Nhưng gia đình đã từng sinh sống chung quanh ngôi đình theo mình biết là gia đình bạn Trần Tuấn Kiệt, Trần Tuấn Khải, Trần Thanh Tuyên, gia đình mình Trần Văn Mãnh…

Thêm một chi tiết nầy do bạn Thái Hải Vân có thời gian làm việc trong Ban Bảo Vệ Di Tích Núi Bình San Hà Tiên cho biết: Sở dĩ trong tấm ảnh trên ta thấy trước cửa Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên mà lại có tấm bảng treo đề là Nhà Truyền Thống Huyện Hà Tiên là vì sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, người ta dùng ngôi Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên làm Nhà Truyền Thống huyện Hà Tiên. Các dịp lễ cúng Kỳ Yên đều tạm dừng lại, ngôi đình chưa được khôi phục theo chức năng ngày xưa. Thời gian kế tiếp sau có bậc lão thành người Hà Tiên là Ông Phan Văn Thân (người Hà Tiên thường kêu theo quen thuộc là chú Ba Thân, có tiệm sản xuất đồ lưu niệm đồi mồi tại chợ Hà Tiên), đứng đầu Ban Bảo Vệ Di Tich Núi Bình San, vận động nhân dân, các nhà hảo tâm trong huyện, đóng góp xây dựng lại ngôi đình. Trước đó các bức hoành phi, các bộ liễn treo trên tường trong ngôi đình đã bị hư hại rất nhiều, trong đợt trùng tu nầy người ta đã thay thế vào bằng các bộ liễn mới được chế tạo bàng cây thốt nốt. Sau khi trùng tu mới mẻ lại, nhân dân Hà Tiên mới tiến hành tổ chức cúng lễ Kỳ Yên từ năm 1984 – 1985, và từ đó đến nay đình mới được hoạt động theo các dịp lễ cúng hàng năm.

Mặt tiền chánh của ngôi đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên, nhìn qua bên trái. Hình: Tống Hoàng Thanh, 2019

Các bài văn, thơ của các cụ xưa có tham gia trùng tu lần đầu tiên ngôi đình Hà Tiên (1888); trong đó có các bài thơ của cụ Nguyễn Thần Hiến. Hình: Tống Hoàng Thanh, 2019

Cùng quý đọc giả: Về ngôi đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên, chúng ta có rất ít hình xưa về ngôi đình nầy, xin quý vị nếu còn có hình ảnh ngôi đình Hà Tiên ngày xưa (trong những năm 1960, 1970, 1980…) xin vui lòng chia sẻ để minh họa cho bài viết thêm phong phú, xin trân trọng cám ơn quý vị.

Về tập tục đoàn người « lên đồng » trong buổi đi nghinh tống gió ngày cúng lễ Kỳ Yên, cúng cô hồn ở Hà Tiên, mình đã quên hết danh xưng của các vị thần linh nhập vào người lên đồng, quý vị nào còn nhớ tên những vị thần nầy xin thông tin góp ý thêm nhé. (thí dụ: Thái Tử Na Tra, ông Huỳnh Kỳ,…)

Tác giả trân trọng cám ơn quý anh chị, bạn học Hà Tiên đã tham gia đóng góp ý kiến và cho biết thêm nhiều chi tiết thông tin rất hay, sau đó đã có bổ sung vào bài để bài viết thêm phần phong phú, phản ảnh đúng những điều xảy ra trong lễ hội ngày xưa. (Chị Dương Hồng Châu, chị Trần Lệ Hà, chị Nguyễn Thị Hoa, bạn Lê Phước Dương, bạn Nguyễn Thị Điệp, bạn Sáu Tăng, bạn Lý Tòng Hiếu, bạn Thái Hải Vân, bạn Nguyễn Hữu Tâm…)


Paris, Patrice Trần Văn Mãnh viết xong ngày 23/03/2019 trong mùa cúng Kỳ Yên ở Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s