Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 17

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 17 : CHÀNG TRAI CHÚNG TA, CHÀNG TRAI CỦA HỌ: CHIẾN TRANH VIỆT NAM

1 ‘Chỉ Biết Sống Cho Qua Ngày

Doug Ramsey, trước khi bị bắt thường lái xe dạo chơi với John Vann trên một xe tải nhỏ mui trần vàng sáng, lỗ chỗ vết đạn, để được vui thích ngắm nhìn vùng quê Việt Nam.  Anh viết: ‘Khi chúng tôi chạy qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác vàng rực lúa chín, chúng tôi ngắm nhìn các hạt lúa no tròn chầm chậm, rồi nhanh chóng chuyển từ màu vàng rơm đến vàng nghệ của buổi hoàng hôn đến màu đồng sáng bóng của ánh tà dương. Chúng tôi tận hưởng không khí phần phật, tươi mát, toàn cảnh thơm ngát và bắt mắt với mùi vị thôn dã nồng nàn  như thể mình là các cậu bé thành phố lên đường đi cắm trại lần đầu tiên. Thỉnh thoảng,  chúng tôi dừng lại dăm ba phút trong một ấp có nhà tranh hay ngói đỏ, nơi đó dân chúng tụ tập chờ đêm đến như tổ tiên họ đã làm hàng trăm năm nay – còn chúng tôi trong phút chốc cố quên đi những ký ức chết chóc và những thi thể vô hồn và khám phá lại đâu là cuộc sống bình dị và vẻ đẹp bình dị và chân lý trong con người bình dị.’ Ramsey buồn bã  nói thêm: ‘Tất nhiên,  tôi biết tất cả những điều này rồi sẽ tan biến khỏi khung cảnh  một ngày nào đó  – chắc hắn là khá sớm,  và được thay thế bằng tài sản của thế kỷ 18, nếu không phải thế kỷ 20. Tôi cũng hiểu rằng dưới những hình ảnh bâng khuâng, đầy lãng mạn của mình là những thực tế phũ phàng của một đời nhọc nhằn, lam lũ, nghèo khó triền miên, mê tín lạc hậu, và đa số có tuổi thọ ngắn ngủi.’ Qua một thập niên, cuộc chiến làm tăng gấp đôi số cư dân thành thị, đến 40 phần trăm vào năm 1970.

Cuộc sống là điều mà bạn quen thuộc. Giới trẻ Việt Nam chấp nhận xung đột như là môi trường tự nhiên của họ, cùng với ruộng lúa và rặng dừa. Nguyễn Khiêm nói về những ngày còn đi học, ‘Chúng tôi học cách chạy ẩn nấp khi nghe pháo kích, ngoài ra chả lo lắng gì nhiều.’ Nhưng chiến tranh đã quyết định hướng đi của mọi cuộc đời trừ những kẻ có đặc quyền nhất. Phan Tấn Ngưu ôm ấp giấc mơ làm việc trong ngành dược vì có năng khiếu hoá học. Tuy nhiên, ở Miền Nam 1966 anh không có lựa chọn nào khác trừ việc gia nhập một ngành lực lượng an ninh, và vì thế trở thành một sĩ quan ngành Lực lượng Cảnh sát Đặc biệt. Mãi mãi sau này anh luôn hối tiếc đã bỏ lỡ sự nghiệp đó: ‘Tôi đã rất thành công trong công tác,  nhưng nghề cảnh sát thường bị xã hội khinh miệt …’

Nơi nào quân đội Mỹ kiểm soát, ở đấy dân địa phương kiếm được đô la, nhưng bù lại phải trả giá: các tài xế quân xa của một đơn vị pháo binh chạy đêm trên đường đi Qui Nhơn trước tiên cán chết một bé gái người dân tộc 6 tuổi,  rồi đụng một bà lão ở ngoại ô Kon Tum. Một tài xế lấy làm vui khi nhấn kèn điếc tai sát phía sau một người đi xe đạp, khiến người này giật mình, luống cuống thọc một bàn chân vào căm xe, gây hậu quả đau lòng. Dân chúng nói, ‘Đó là cung cách xử sự của một số người Mỹ.’

Các thủ đô của hai miền đối thủ khoác cùng một bộ mặt mục nát, Hà Nội thê thảm hơn.  Vào những năm cuối thập niên 1960 cuộc sống người Miền Bắc càng thêm kham khổ vì thấm nhuần tinh thần Cách mạng Văn Hoá của Mao Trạch Đông. Trẻ em vào các trường mẫu giáo nhà nước; nông nghiệp tập thể bị cưỡng bách nghiêm ngặt; tư hữu càng ngày càng bị phê phán. Các biện pháp như thế sẵn sàng được biện minh cho nhân dân của Hồ Chí Minh là bởi sứ mạng đấu tranh thống nhất, và do tội ác của đế quốc Mỹ. Liên Xô giờ công khai bị dán nhãn hiệu ‘bọn xét lại’.

Điều kiện của Sài Gòn phản ánh mối bận tâm với cuộc chiến thành ra gần như không quan tâm đến việc gì khác, kể cả vệ sinh đường phố. Vào những năm 1930 trường đua Phú Thọ của thủ đô từng duyên dáng không kém Longchamps của Paris. Vào cuối những năm 1960, tuy nhiên, khán đài sọc vàng-đỏ đã rệu rã; ruồi bu đầy các chuồng ngựa. Thỉnh thoảng vào chủ nhật vẫn còn tổ chức các trận đua ngựa, các dô kề khoảng 36 kí cưỡi các chú ngựa không ưa trời nóng không kém các bộ binh Mỹ, nhưng cũng làm khuây khỏa những kẻ mê cá ngựa. Nhưng sẽ là hấp tấp để đặt tiền cá cược vào phe nào cho dù phe đó được vị khán giả hào nhoáng nhất hậu thuẫn. Xét trường hợp Trương Như Tảng, tổng giám đốc Công ty Đường Việt Nam,  thuê mướn 5,000 nhân viên.  Ông sống một cuộc sống xã hội thượng lưu, sở hữu một biệt thự sát bờ biển Vũng Tàu, nghĩ hè ở Đà Lạt,  chơi quần vợt  và bài tứ sắc tại những gia đình máu mặt nhất, vậy mà ông lại là cán bộ cao cấp bí mật của MTDTGP. 

Ông sống sót sau khi bị tố giác vào năm 1965, và may mắn được phóng thích sau 6 tháng bị giam để trở về giữ chức vụ cũ tại Công ty. Tuy nhiên,  hai năm sau, ông bị Ba Trà phản bội. Y là một cán bộ về chiêu hồi với chính quyền Sài Gòn và sau này bị VC ám sát. 

Tảng vẽ nên một bức tranh sống động về nhà tù Sài Gòn nơi ông bị giam giữ: ‘Cảnh tượng phơi bày khiến tôi hãi hùng và khiếp đảm đến nỗi mất cả hồn vía. Nằm sóng soài trên sàn hành lang là những con người bị xiềng xích ở mắt cá dính chùm với nhau. Nhiều người mặt mày đầy máu và xưng vù; đây đó chân tay thò ra quặt quẹo. Một số oằn oại vì đau đớn. Số khác chỉ nằm yên, nhìn chung quanh với ánh mắt vô hồn. Từ đống ngổn ngang của thân người phát ra tiếng rên rỉ và kêu khóc. Không khí tràn ngập tiếng kêu gào day dứt, nặng nề. Tim tôi đập liên hồi. Một bên hành lang là hàng dài các cửa ra vào hiển nhiên là dẫn đến các phòng hỏi cung. Từ trong các phòng này vẳng ra tiếng chửi thề và tiếng thét thất thanh vì đau đớn.’ Tảng, một người có đặc quyền trong mắt của cả hai phe, có nhiều tiền bạc,  nên thoát tội nhẹ nhàng. Vợ ông phải hối lộ chánh thẩm vấn viên 6,000$ để khỏi bị nhục hình. Sau đó bà trả 5,000$ cho chủ tịch phiên tòa xét xử vụ án của ông – một người mà sau này trở thành trưởng cố vấn an ninh của Thiệu  – để được một bản án chỉ hai năm tù. Ra tù Tảng thoát ly đến với các đồng chí MTDTGP trong bưng.

Trong đời sống Miền Nam, mối ràng buộc gia đình quan trọng không kém ý thức hệ.  Sĩ quan CIA phục vụ lâu năm ở Sài Gòn Frank Snepp yêu quý và khâm phục con người Việt Nam, nhưng phủ nhận quan điểm lý tưởng hóa của

Frances Fitzgerald: ‘Cô ta không viết về Việt Nam mà tôi đang đối phó.  Tôi không thấy họ hừng hực tinh thần chống thực dân. Họ dường như cực kì thực tiễn: Miền Nam là một chuỗi những thích nghi vô tận.’ Trùm tâm lý chiến của Thiệu cho trú ẩn trong nhà mình một cô em vợ cầm đầu một chi bộ cộng sản ở Huế. Tham mưu trưởng quân đội bảo vệ cho hai đứa cháu vợ có cha là một cán bộ cộng sản cao cấp.  Con gái của Tảng là bạn thân của con gái Tuấn Anh của Thiệu: tổng thống vẫn tiếp tục tiếp đón cô gái đến nhà chơi cho dù sau khi Tảng bị bại lộ là một tên phản bội,  và – khá khen thay cho Thiệu  – cuối cùng ông bảo trợ cho Loan đi học khoa học máy tính tại Pennsylvania.

Trong khi đất nước còn giữ được những vẻ đẹp tự nhiên không đâu sánh kịp, nhưng phần nhiều đã bị ô nhiễm bởi chiến tranh, bằng chứng là có đến 77 viện mồ côi và 200,000 trẻ phạm pháp.  Một số trại chủ, buồn rầu nhìn các ruộng lúa mình bị giẫm nát bởi các quân xa qua lại, đành bỏ ruộng vườn trôi giạt về thành phố sinh nhai. Một màn bụi hoá học lơ lửng trên bầu trời Sài Gòn và vùng ngoại ô quân sự lân cận như Long Bình và Tân Sơn Nhất. Gần như mọi đường phố đều lún sụt và đầy ổ gà vì thiếu chăm sóc, khí hậu khắc nghiệt  và dòng xe cộ đông đúc,  nhất là xe máy Honda từ 1967 trở đi tràn về như cơn sóng thần. Hàng đống xi măng và rác rến có mặt khắp nơi như các vòng cua an ninh, hàng rào kẽm gai và khói đen của dầu diesel do xe tải thải ra.

Các xóm ổ chuột mọc lên hỗn loạn dọc Sông Sài Gòn  và mạng lưới các kênh rạch. Khắp nơi các thợ thủ công đục, đóng, cưa tại các xưởng thợ ngoài trời,  trong khi đường phố thủ đô san sát các cửa hàng bày bán đủ mọi thứ hàng hóa thượng vàng hạ cám: đồ dùng nhà bếp,  quạt điện, máy điều hòa,  xe đạp, xe máy, quần áo,  sách vở,  máy ảnh, quân phục bắt chước cho trẻ em, nước mắm, rau củ quả, trái cây … Đâu đâu cũng có gái: vô số các cô thật xinh đẹp, chưng diện và cung cách đủ các mức độ từ đon đả sỗ sàng  đến thùy mị kín đáo. Sài Gòn cũng còn có những ốc đảo lãng mạn, nhưng sự bẩn thỉu thì lấn át. Đó là vấn đề của khẩu vị thuộc ý thức hệ, liệu sự ảm đạm xã hội chủ nghĩa đồng nhất có được Hà Nội ưa chuộng hơn hay không. Chiến tranh đang nổ ra ở vùng quê.  Dân làng thường nói với các chiến binh VC: ‘Các anh thì dễ rồi. Các anh chỉ có súng và ba lô.  Các anh có thể đi và sống tại bất cứ nơi đâu. Nhưng tụi tôi còn có vợ con, ruộng vườn,  và tụi tôi không thể mang những thứ ấy đi theo. Dắt trâu đi theo không phải chuyện chơi. Vì vậy tụi tôi phải ở lại thôi.’ Nhiều người chấp nhận sống theo phương châm an bày Chỉ biết sống cho qua ngày. Một yếu tố quan trọng trong các thành công của người cộng sản là họ hoạt động bằng cơm gạo của xã hội nông thôn một cách hiệu quả hơn chế độ Sài Gòn. Họ tung tin đồn là các chương trình tiêm chủng thực ra là sự trừng phạt cho hành động ủng hộ VC, và sẽ khiến cho trẻ em vô sinh.

Một sáng kiến của người Mỹ nhằm cải thiện khẩu phần binh sĩ bằng cách thay thế nước mắm, một nước chấm mà mọi người Việt Nam  yêu thích, bằng nước tương nhập cảng từ Hàn quốc, mà họ rất ghét. ‘Gạo thần kỳ’ làm tăng vọt thu hoạch, trước nỗi vui mừng ban đầu của nông dân: chẳng bao lâu hơn nửa sản lượng gạo của Miền Nam xuất xứ từ các dòng gạo cách mạng này, được gọi đùa là ‘giống gạo Honda’ vì các lợi nhuận người trồng lúa kiếm được dùng để sắm xe máy Honda. Rủi thay, các giống gạo ‘thần kỳ’ cũng đòi hỏi phải được ăn phân hoá học và thuốc trừ sâu rất nhiều: sau này khi viện trợ Mỹ bị cắt giảm trong khi giá xăng dầu và phân hoá học tăng vọt, các nhà sản xuất gạo Miền Nam khốn đốn. 

Ít có dân quê nào trông chờ ở chính quyền như một lực lượng tốt đẹp, mà chỉ xem nó là một thực thể xa xôi chỉ biết đánh thuế và bắt con trai họ vào lính. Người cộng sản cũng làm như thế, nhưng khéo léo hơn khi bày tỏ hành động đóng góp của dân chúng là nghĩa cử cao đẹp đối với cách mạng.  Trong khi binh lính QĐVNCH ngang ngược ngắt hái trái cây và bắt gà vịt của nông dân, một tù binh Mỹ lấy làm lạ trước việc VC tôn trọng sản vật ăn được của người khác: ‘Đường chúng tôi đi qua một vườn cây ăn trái. Nhưng vì vùng này thuộc quyền cai quản của một đơn vị bạn, nên không người lính canh giữ nào xiêu lòng ngắt vài bắp cải cải thiện bữa ăn, cho dù phần đông họ không được ăn rau quả tươi hơn một năm trời.’ Bác sĩ Úc Norman Wyndham viết tại Vũng Tàu: ‘Giới nông dân không muốn gì khác hơn là hòa bình. Họ không có gì để mất,  cho nên họ không sợ bất kì chính quyền mới nào lấy đi bất kì thứ gì của họ.’ Creighton Abrams mô tả các quận trưởng của Sài Gòn đều là ‘bọn bất tài thành ra ám sát họ là hành động phản tác dụng’. Hầu như các cư dân nông thôn Miền Nam nghĩ tốt về chính quyền của mình là một thiểu số đã từng trải nghiệm cuộc sống ở Miền Bắc, trong đó có một trưởng làng già tên Ngô Đình Hộ. Năm 1967 ông kể cho một nhà báo Anh thời trẻ sống dưới sự cai trị cộng sản 10 năm ‘địa ngục trần gian’. Nhiều người láng giềng của ông trên đảo Phú Quốc,  ngoài khơi vùng châu thổ Cửu Long,  cũng là các ngư phủ ra đi khỏi nhà nước cộng sản. ‘Vùng đất đỏ này rất phì nhiêu,’ Họ nói. ‘Giá mà chúng ta có thể loại bỏ bọn VC thì ở đây quả là thiên đường  – đúng như là nằm mơ gặp được phụ nữ … Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của người Mỹ.’ Nếu có nhiều người Việt Nam hơn chia sẻ cùng trải nghiệm với họ, thì cuộc chiến có thể sẽ có kết quả khác.

2 Các Chiến Binh

1967 là một năm cam go đối với các lực lượng cộng sản ở Miền Nam.  Một bộ đội của Sư đoàn ‘Sao Vàng’ 3 mô tả các đơn vị của anh đã khổ sở vì các tổn thất to lớn như thế nào: ‘Bước vào trận đánh mạnh mẽ, khí thế, nhưng khi trở về toàn bộ một đại đội có khi chỉ còn 4 đến 7 người ngồi ăn chung một mâm cơm.’ Sau khi bị một cú tơi bời dưới tay của Không Kỵ 1, ‘bộ đội chúng ta không tránh khỏi sợ hãi và hoang mang ‘. Cũng người bộ đội ấy xác nhận rằng sau một trận đánh vào mùa xuân 1967, tiểu đoàn của anh  – ‘bị đánh tan tác’ – từ 240 người chỉ còn 38. Nhưng họ vẫn buộc phải tiếp tục chiến đấu. Sự hiện diện của binh lính Mỹ tăng lên một cách ấn tượng tạo thêm áp lực cho VC ở đồng bằng Cửu Long,  nơi mà phần đông địa hình ít thích hợp cho hoạt động du kích hơn vùng rừng núi phía bắc: không địa đạo nào có thể đào được. Các nỗ lực của MTDTGP nhằm duy trì sự thống trị của họ, một phần qua việc ám sát trở lại các thành phần cảm tình viên của chính quyền, đôi khi có mùi vị của tình trạng tuyệt vọng. Các vụ tuần tra duyên hải và ven sông của lực lượng hải quân gần như cắt đứt đường tiếp tế trên biển từ Miền Bắc vào của người cộng sản, vốn từ năm 1963 đã đóng một vai trò huyết mạch trong chiến dịch. Từ đây trở đi các tỉnh phía bắc và Cao nguyên Trung phần, nơi dễ xâm nhập bằng Đường Mòn Hồ Chí Minh,  sẽ tạo thuận lợi cho các trận đánh lớn mà người Cộng sản ưng ý. Rừng rậm hoang dã của xứ sở quá rộng lớn, cho nên dù Mỹ có trình độ tinh vi của công nghệ giám sát, địch vẫn có thể duy trì các căn cứ doanh trại vĩnh viễn.

 Andy Finlayson mô tả một láng trại như thế mà đội tuần tra dài ngày của anh bắt gặp gần biên giới Lào, được che giấu bởi các vạt rừng vòm cây cao đến 30 mét phủ kín, bao bọc bởi hàng rào tre, hầm chông,  và boongke: ‘Tại mỗi góc làng được củng cố là một tháp canh dựng trên các cột cao hơn 3.mét. Tôi đếm có đến 8 nhà tranh, mỗi nhà rộng chứa đủ một tiểu đội địch

Có chuồng lớn nuôi heo,  có nhà bếp, một sân khấu ngoài trời có bục cao và lợp mái, và một tòa nhà hai tầng bằng gỗ xẻ, tre và lợp tranh với một hàng hiên. Kích cỡ và nét công phu tinh tế của nó khiến chúng tôi đứng hình.’

Trong những nơi như thế, theo chu kỳ bị giải đi giữa những năm 1966 và 1973, Doug Ramsey và một nhóm tù binh Mỹ khác lợi dụng cơ hội để nghiên cứu các chiến binh cộng sản.  Ramsey viết: ‘Thành phần tốt nhất của  VC và Quân đội Miền Bắc  … chịu đựng các khiếm khuyết của tính hồ hởi tuổi trẻ, tính xấc xược của các Tín đồ Đích thực, và sự dốt nát hoàn toàn về phương Tây.’ Anh nhận ra cùng một tính hỗn tạp như trong bất cứ quy tụ nhân loại nào.  ‘Có người thực sự tốt đẹp và loại người phê tính ác-thống dâm; có những mọt sách khẳng khiu và loại người luôn giành trọn sân khấu; có người to mồm và người rụt rè; có người tao nhã thành thị và kẻ quê mùa; có bọn hóm hỉnh trí thức và người thông minh thực sự quan tâm đến việc theo đuổi chân lý. … Tôi cảm thấy yên tâm khi bị giam giữ trong tay VC hơn là trong tay một nhóm thù địch Mỹ thuộc phái cực tả nào đó. Có đủ bằng chứng để kết luận chúng ta là một dân tộc bạo lực hơn người Việt.’

Những người bắt giữ anh tốt tuyệt vời với trẻ em, dã man không tả xiết với thú vật: các khách Tây phương đến thăm sở thú Sài Gòn lưu ý sự khoái trá của khán giả khi xem rắn ăn thịt các chú vịt con còn sống.  Như nhiều người Mỹ, Ramsey nhận xét có sự khác biệt giữa người Miền Bắc rất mê học thuyết chính trị mà họ đã tập quen từ nhỏ, và sự lãnh đạm của người Miền Nam,  vốn chỉ toàn tâm đánh đuổi ngoại bang và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho giới nông dân. Thẩm vấn viên tù binh Bob Destatte đồng ý rằng ý thức hệ phần nhiều phụ thuộc vào lòng hận thù bị  ngoại bang áp bức: ‘Thậm chí nhiều đảng viên gia nhập Đảng chỉ vì đó là việc thực tiễn phải làm.’ Phần đông du kích quân mà Doug Ramsey gặp có tuổi trong khoảng 25 và 40, nhưng có kinh nghiệm chiến đấu hơn nhiều binh sĩ Mỹ đồng trang lứa. Họ nhún vai như muốn phó mặc cho số mệnh, ‘Thôi kệ mẹ nó. Nói đến khô nước miếng thì cũng phải tiếp tục đánh thôi.’ Nhiều người khát khao một trận quyết đấu nào đó – một trận xả láng, dù có nguy hiểm thế nào – điều này giải thích vì sao họ hồ hởi tham gia cuộc tổng công kích Tết.

Ta có thể nhìn thấu suốt tận tâm trí của một người cách mạng nhiệt thành qua nhật ký của một bác sĩ trẻ ở vùng núi Quảng Ngãi. Không giống các tự thuật của những người cộng sản khác, tư liệu này không bị kiểm duyệt tại thời điểm đó cũng không được tô chuốt lại về sau này. Đặng Thùy Trâm là con gái 24 tuổi của một bác sĩ giải phẫu tiếng tăm Hà Nội.  Năm 1967,   là một bác sĩ, cô lên đường vào chiến trường Miền Nam trên một hành trình dài 10 tuần xuống Đường Mòn để công tác tại một bệnh viện dã chiến của Việt Cộng. Nhiệt tình cháy bỏng của đời cô là tình yêu đơn phương dành cho người sĩ quan bộ đội mà cô quen biết từ thời tuổi teen, và mối căm thù đối với ‘bọn cướp’ Mỹ. Cô viết về nỗi khát khao được kết nạp vào Đảng, và sự buồn phiền khi cô cho rằng chính lai lịch ‘trí thức’ đã ngăn cản trở tham vọng này: ‘Tại sao họ lại chất đầy chông gai lên con đường của người tiểu tư sản?’ Cô than vãn. ‘Cho dù bạn có thi thố bao nhiêu nỗ lực bằng những thành tích của mình … bạn vẫn còn ở dưới lớp người thuộc tầng lớp lao động chỉ mới bắt đầu hiểu các lý tưởng của Đảng.’ Cô sung sướng ngây ngất khi cuối cùng cũng được đeo huy hiệu đảng viên mà cô hằng ao ước. 

Trâm thường khóc trước cái chết của các chiến binh VC mà cô chăm sóc: ‘Hôm nay một đồng chí nằm xuống,  ngày mai một đồng chí khác. Những nỗi đau thương thế này bao giờ mới chấm dứt? Từng đống xương thịt cứ chồng chất cao lên mãi thành một ngọn núi căm thù trong trái tim chúng ta … Khi nào ta có thể đánh đuổi hoàn toàn bọn khát máu ra khỏi đất mẹ chúng ta? … Nếu một ngày nào đó chúng ta thấy mình sống giữa rừng hoa thơm ngát của chủ nghĩa xã hội,  chúng ta sẽ nhớ lại cảnh này mãi mãi, nhớ lại sự hy sinh của những người đã ngã xuống cho chính nghĩa chung.’ Nếu các đoạn văn nghe như có vẻ nhại lại các sáo ngữ rặc mùi tuyên truyền,  nhưng ở hoàn cảnh của cô,  cô viết với một tâm hồn chân thật chứa chan tình cảm.  Khi một đồng chí tỏ tình với cô,  cô cứng rắn trả lời: ‘Trái tim tôi đã xua đuổi mọi ước mơ riêng tư để toàn tâm cho nhiệm vụ  … Có gì khiến ta tự hào hơn là một thành viên trong gia đình những con người cách mạng này?’

Một trong số các đồng chí trẻ của cô tên Lực khá đa cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đến nỗi anh thích nghêu ngao hát:

Ôi sông núi ta, tươi đẹp vô ngần,

Đồi trăng soi sáng, mây bay dưới chân

 

Nhưng Lực cũng đeo khăn quàng đỏ ghi dòng chữ ‘Quyết Tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh’ , và vẫn còn mang nó khi anh hy sinh trong trận tấn công trung tâm quận Đức Phổ.

Hào khí của những người cách mạng như Lực và Trâm gây ấn tượng cho một số người Mỹ. Jack Langguth, một phóng viên chiến tranh của tờ New York Times, viết trong một cuốn sách ra sau đó: ‘Các lãnh đạo Miền Bắc  … xứng đáng chiến thắng.  Các lãnh đạo Miền Nam đáng bị thua trận.’ Quan điểm này, vốn được rộng rãi thông tín viên nhìn nhận, chi phối bởi vì ngày nào họ cũng chạm mặt với các thói tàn bạo và hành động cẩu thả của chế độ Sài Gòn và người Mỹ giám hộ, trong khi những việc như thế của người cộng sản xảy ra ngoài tầm mắt. Các công dân của các nền dân chủ tự do hiện đại, nhiều người trong số họ sử dụng đặc quyền tự do của mình để quan tâm đến số phận của đội bóng ruột của mình nhiều hơn cho chính trị,  thường ấn tượng trước các Tín đồ Đích thực ở các nền văn hoá khác. Nhưng các phong trào kém nhân đạo nhất trong lịch sử cũng đã từng lôi kéo và cũng làm hư hỏng các cậu trai và cô gái đã hy sinh tất cả nhân danh chúng. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi người nước ngoài ở Miền Nam đối chiếu một cách thuận lợi giữa tinh thần xả thân của người cộng sản với sự hủ bại và trì trệ của chế độ Sài Gòn.  Nhưng đây chỉ là phân nửa của câu chuyện.

Thành công của Hà Nội trong cuộc tranh đua tuyên truyền trên phạm vi toàn cầu một phần bắt rễ trong chính sách  omertà, luật im lặng giống như của tổ chức Mafia. Sự áp bức chính nhân dân họ và sự thất bại trong chính sách kinh tế bị lược bỏ bởi kiểm duyệt. Không hình ảnh về tội ác chiến tranh nào được phép tồn tại. Chỉ các cảm tình viên nước ngoài mới được cho phép nhìn thoáng qua các cảnh tượng họ ấn định. Tác giả Pháp Jean Lacouture, một người biện hộ nổi tiếng cho Hồ Chí Minh, bảo với tờ báo Milan trong một cuộc phỏng vấn khá lâu sau này: ‘Đối với Việt Nam, thái độ của tôi đôi khi là của một chiến sĩ hơn là một nhà báo. Tôi che giấu một vài khía cạnh của Miền Bắc trong cuộc chiến  … vì tôi tin rằng chính nghĩa  … là đủ tốt đẹp và công chính để tôi không nên vạch ra các lỗi lầm của họ.  Tôi không tin sẽ thuận lợi để bóc trần bản chất Stalinit của chế độ Miền Bắc.’

Chính sách tuyên truyền buộc phải loại ra khỏi đài phát thanh và báo chí mọi làn sóng không phù hợp với cuộc đấu tranh dân tộc.  Do đó, xướng ngôn viên ‘Hanoi Hannah’ (chương trình tuyên truyền tiếng Anh của đài Hà Nội dành cho binh sĩ Mỹ)  không đề cập đến chiến tranh Trung Đông 1967, cũng không việc Nga xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968 hoặc việc người Mỹ đổ bộ lên mặt trăng 1969. Tù binh Doug Ramsey không ưa Đài Hà Nội cứ ra rả những bài hát chiến tranh, ‘thật đáng sợ trong thói yêu chuộng bạo lực, quan điểm hẹp hòi, hô hào chói tai, chỉ hay đi tìm các nhân vật anh hùng và những tên côn đồ ở Washington và cả Miền Nam’. Ông bực bội vì phải nghe hoài hành khúc của MTDTGP:

Giải phóng Miền Nam

Chúng ta thề quyết tiến bước

Diệt Đế quốc Mỹ, quét tan bè lũ bán nước

Nhưng cuốn tiểu thuyết hồi ký của Bảo Ninh Nỗi Buồn Chiến Tranh giúp xua tan ý niệm là bộ đội cộng sản là những con người máy đã bị tẩy não.  Ninh  – tên thật là Hoàng Âu Phương  – sinh năm 1952, và trải qua 4 năm làm bộ đội chiến đấu ở Miền Nam. Tự thuật đau lòng của ông cho thấy con người ở cả hai bên chiến tuyến đều bị dằn xé bởi cùng những cảm xúc: tình đồng đội,  khao khát được sống, đau buồn vì bạn bè lần lượt ra đi,  nỗi ám ảnh vì bỏ lại người yêu ở hậu phương.  Trong một đoạn văn vai chính Kiên,  cũng là cái tôi khác của tác giả, một sĩ quan trẻ,  cự tuyệt một cách dằn vặt khi một đồng chí trẻ muốn kết thân với mình: ‘Anh ghét bất cứ thứ gì riêng tư  … Thật chết tiệt, nếu có ai trong trung đoàn đến bên anh để thổ lộ những khó khăn cá nhân sau những trận đánh kinh hoàng đó, anh chỉ muốn ném mình qua một con thác.’

Kiên hết lòng cho cuộc đấu tranh của Miền Bắc,  nhưng bĩu môi châm biếm trước thực tế là gánh nặng chủ yếu của đạn lửa chỉ do các thành niên nông thôn chung vai mà lại không được phép có tiếng nói trong các quyết định về cuộc sống và cái chết của mình. Chính anh, một thanh niên học rộng,  có đặc quyền tiêu chuẩn trong xã hội,  yêu quý ‘những chiến binh của đồng ruộng giản dị,  thân tình đó, mà những phẩm chất phi thường của họ đã tạo nên sức chiến đấu gần như vô địch.’ Các bộ binh Mỹ chơi cần sa có bạn đồng hành ở phía bên kia: Kiên và binh sĩ mình hút thử nghiệm bông và rễ cây hồng dại, đến mùa mưa thì nở hoa trắng, ‘hương thơm tràn ngập không khí, nhất là về đêm … sản sinh những giấc mơ gợi tình đầy ám ảnh. Khi chúng tôi thức giấc hương thơm đã bốc hơi,  nhưng chúng tôi vẫn còn vương vấn một cảm xúc nồng nàn âm ỉ, vừa đau đớn vừa ngất ngây.’

Khi họ hút hoa và rễ xé nhỏ trộn với thuốc lá, ‘chỉ sau một vài hơi rít họ cảm thấy mình bay bổng,  trôi nổi lặng lẽ như một làn khói lãng đãng trong gió. .. Họ có thể quyết định mình thích mơ điều gì, hoặc thậm chí trộn lẫn các giấc mơ,  như chuẩn bị một món cốc tai. Với hoa hồng dại người ta hút để quên đi địa ngục thường nhật của đời lính, đói rét và đau đớn. Cũng để quên đi cái chết. Và hoàn toàn, không gì ngoài hoàn toàn, quên đi ngày mai.’ Tiểu thuyết của Ninh chế giễu cái vòng lẩn quẩn của sự truyền thụ: ‘Chính trị mải miết. Chính trị buổi sáng,  chính trị buổi chiều,  lại chính trị buổi tối.  “Chúng ta nhất định thắng, địch nhất định thua.  Miền Bắc được mùa bội thu. Nhân dân sẽ đứng lên và chào đón các bạn. Ai không làm thế  là người thiếu ý thức. “‘

Người Mỹ có thể mặc nhiên nhận khẩu phần lương thực mỗi ngày, nhưng kẻ địch của họ thì không. Sĩ quan Miền Bắc nhắc nhở với nhau rằng  ‘Gạo là thống soái của quân đội chúng ta.’ Một người trong họ, Phạm Phú Bằng, mô tả các cuộc đối thoại đầy ám ảnh về lương thực với bạn thân của mình Thanh Giang.  Hết tháng này qua tháng khác và cuối cùng hết năm này qua năm khác, họ cũng chia sẻ các chuyện khôi hài  – ‘vâng, chuyện khôi hài’ – và tất nhiên cả các chuyện tình quá khứ của mỗi người. Khi cuối cùng Bằng bị thương nặng trong cuộc không kích gần Tây Ninh,  chính Giang là người đã dìu anh ra khỏi trận địa, cắt bỏ quần áo ướt đẫm máu, và mặc cho anh một bộ y phục từ ba lô của mình. Băng chỉ sau này mới biết rằng bộ quần áo này bạn mình cất giữ tinh khôi, dự định dành mặc trong ngày cưới. Thanh Giang sau này trở thành một nhà văn thành công,  được tặng danh hiệu ‘Ernest Hemingway của Việt Nam ‘.

Đại tá Nguyễn  An là một người mê say săn bắn, thường bắn nai khi có dịp,  và đôi khi bắt gặp  các con thú to lớn hơn.  ‘Có lần khi chúng tôi di chuyển,’ Ông viết,  ‘phía trước hàng quân thình lình truyền tin xuống: “Chúng ta có thịt voi ăn rồi. Nhanh chân lên!”‘ Mọi người bước nhanh chân. Khi An và nhóm mình đến nơi con voi bị làm thịt, họ phát hiện binh sĩ đã dùng một lượng thuốc nổ nhỏ để làm vỡ tung cái mông voi ra, vì dao không thể nào cắt qua lớp da dày cứng của nó. ‘Một người bò ra khỏi bụng voi mang ra từng mảng thịt lớn, binh sĩ xô đẩy đua nhau xẻ thịt từ bộ xương sườn của nó,  người khác thì cố sức lóc thịt từ mông voi.  Những phần ngon nhất  – vòi voi và bốn bàn chân – đã được lấy đi. Chỉ sau một ít giờ, tất cả còn lại chỉ là da và xương.’ Địa điểm hạnh phúc này lưu lại trong ký ức của họ, được ghi chú trên bản đồ Quân đội Miền Bắc như là ‘Cánh đồng Voi ‘.

Nhưng người Miền Bắc dù thiếu ăn cũng không hẳn ăn mọi thứ: Người kể chuyện Kiên của Bảo Ninh kể bằng cách nào đồng đội của anh Thịnh ‘Cồ’ một hôm bắn được một con đười ươi, và kêu gọi tiểu đội hè nhau kéo về lều một cách đắc thắng: ‘Nhưng,  ôi trời, khi lột da con vật trông như một phụ nữ béo phì có lớp da bị ung loét, cặp mắt,  nửa trắng dã, nửa xám ngoẹt, vẫn còn trợn lên. Toàn tiểu đội kinh hoảng, la hét và bỏ chạy, để lại cả dụng cụ phía sau.’ Thay vì ăn thịt con vật,  cuối cùng họ phải chôn nó bên dưới một mộ bia.

Cái đói cũng không phải là điều tệ hại nhất của bộ đội Miền Bắc. Các tai họa tự nhiên như rắn, rết và các sinh vật độc hại khác không phải chỉ hành hạ người nước ngoài như người Mỹ đôi khi tưởng thế. Về phần thời tiết, thật là ngạc nhiên khi các chiến binh ở cả hai bên còn có thể nghỉ ngơi giữa rừng trong mùa mưa,  khi quần áo luôn sũng nước, thác nước tung tóe vào mặt mũi.  ‘Nhưng,’ theo lời Bằng, ‘khi bạn đã lội bộ 18 dặm ngày hôm đó, và ắt hẳn ngày trước đã hơn 18 dặm rồi, bạn rơi vào giấc ngủ ngay khi dừng chân, dù mưa hay không mưa.’

Họ làm mồi cho bệnh tật mà các bác sĩ quân y của họ ít có biện pháp chữa trị. Một ngày năm 1967 một binh nhì Miền Bắc đầu hàng quân đội Sài Gòn. Y bị sốt rét ác tính, và đã được điều trị tại một căn cứ ở Cao Miên bởi một bác sĩ may mắn lại là bà con. Ông này bảo với y nên ‘ra chiêu hồi’ nếu y muốn còn sống.’ : tiếp tục cuộc sống trong rừng  sẽ giết chết y. Y được nhận vào một bệnh viện dã chiến của Quân đội Mỹ, cần phải được truyền máu số lượng lớn: số máu này được 20 người Mỹ độ lượng tài trợ bằng tiền túi của mình. Khi sức khoẻ được phục hồi y tham gia một đại đội tuyên truyền có vũ trang của chính quyền, reo lên với một người bạn, ‘Thiệu,  Kỳ và đế quốc Mỹ muôn năm!’ Y nói rằng người cộng sản duy nhất mà y còn coi trọng là vị quân y đã khuyên y ra chiêu hồi.

Bệnh tật mãn tính  – sốt rét và các bệnh sinh ra do thiếu vitamin – giáng xuống thậm chí các cán bộ cao cấp tại Trung ương Cục Miền Nam.  Trương Như Tảng trải hai tháng mỗi năm trong thời gian 6 năm trong lán trại trong rừng nằm dán lưng, chiến đấu với cơn sốt rét hành hạ: ‘Hầu hết các cư dân ở rừng đều có chung dấu hiệu là nước da mét chằn bệnh hoạn của chứng vàng da.’ Bộ trưởng y tế Hà Nội đi vào nam để khám phá cách thức chống bệnh sốt rét,  nhưng chính ông lại chết vì bệnh sốt rét. Một số đông VC và bộ đội chịu sự hành hạ của bệnh trĩ.

Nếu bộ binh Mỹ cảm thấy ở quá xa tổ ấm, thì bộ đội Miền Bắc chịu đựng cảnh ngộ xa cách gần như tuyệt đối: họ thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới vượt quá trải nghiệm trực tiếp của mình. Băng qua Đường Mòn không hề ít hiểm nguy hơn, cho dù giờ đây có nhiều đoạn xe chạy được.  Đại tá An, được triệu tập về Hà Nội,  cho ta một minh họa: ‘Mỗi đêm hàng trăm xe tải và xe cộ xếp một hàng dài.  Có lần, khi đang lái, toàn bộ dòng xe thình lình ngừng lại và tắt hết đèn. Máy bay địch gầm thét trên đầu,  và chúng tôi có thể nhìn thấy những chớp lóe sáng trên bầu trời ở xa phía trước. Chúng tôi ngồi đợi hàng giờ liền. Tôi lo lắng nhìn đồng hồ tay  và thấy đã 4 giờ sáng  – bình minh sắp đến rồi. Tôi đi về phía đầu hàng xe để xem có gì xảy ra. Đêm yên tĩnh một cách kì lạ.  Dường như không có sinh vật nào còn sống trong khu vực và âm thanh duy nhất tôi nghe thấy là tiếng côn trùng đêm. Tôi đập cửa vài thùng xe tải và hỏi lớn, ‘Có ai ở đó không?’ nhưng không có ai trả lời.  Tôi lắng nghe chăm chú một lúc và nghe được tiếng ngái. Xe tôi lùi lại và lái tới vượt qua đầu đoàn xe.’ Chỉ một lát sau An bị thương nặng khi một cây cầu đổ xuống dưới bánh xe ôtô ông. Thành ra ông cuối cùng đến Hà Nội mình mẩy đều bị băng bó.  Một đại tá đồng đội nói đùa, ‘Cuối cùng sau bao năm ở Cao nguyên Trung phần,  ông cũng có cơ hội về nhà với vợ. Nhưng cặp môi xưng vù thế kia làm sao hôn được bà xã đây? Phải tính sao bây giờ?

Cứ sau một khoảng thời gian quy định quân bưu lại khởi hành xuống Đường Mòn mang theo khoảng 60 cân thư từ. Đó là một điều kì diệu nho nhỏ khi số thư thoát khỏi bom đạn và thời tiết để đến tay bộ đội. ‘Rất thường nước mưa khiến những lá thư nhoà mực đi không đọc được,’ một người lính nói,  nhưng dù sao chúng cũng được vô cùng trân trọng.  ‘Nếu may mắn,  chúng tôi có thể nhận thư hai lần mỗi năm. Khi một lá thư đến tay người nhận,  nó không hề thuộc sở hữu riêng của y: toàn tiểu đội quây quần nghe y đọc lớn lên cho mọi người cùng nghe.’

Các chiến dịch của Mỹ và Miền Nam buộc các đơn vị bộ đội Miền Bắc và VC phải chuyển quân thường xuyên,  và vội vã. Bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm mô tả nỗi buồn khổ của mình khi buộc phải rời bỏ vùng núi bình yên. Thật là lãng mạn,  cô đã đâm yêu cái bệnh xá nhỏ nguyên sơ: ‘Có lẽ không có gì buồn hơn một cảnh tượng di tản – nhà cửa bị bỏ hoang, đồ đạc bị cướp sạch, sự sống bị tước đoạt. Chiều đó khi tôi từ rừng trở về trạm xá quân thù đang ở cách đó không xa – tôi ngắm nhìn các ngôi nhà xinh xắn,  và trái tim ngập tràn căm thù … Biết bao mồ hôi đã đổ xuống trên từng viên đá đặt xuống, từng mái tranh lợp nhà. Nếu phải rời bỏ nơi này,  khi nào mới có thể tìm được các tiện nghi như thế một lần nữa?’

Sáng sớm hôm sau một hàng dài các chiến binh, người khuân vác và nhân viên y tế lên đường, mang theo thương bệnh binh trên cán, cùng với càng nhiều công cụ y tế càng tốt: Chúng tôi lê bước lên đồi, mồ hôi tuôn đầy xuống mặt, không dám dừng lại nghỉ ngơi. Chúng tôi quá kiệt sức đến nỗi tôi phải đùa ghẹo với vài anh chàng để nhờ họ trở lại và mang ra ba chiếc cán cuối cùng.  Kiêm, người thương binh gãy chân,  nằm trên chiếc cáng cuối  cùng … Tôi gọi  một sinh viên, Lý – một cô gái nhỏ nhắn – giúp tôi mang anh đi. Nhưng anh nặng quá – quá sức cho hai đứa chúng tôi mang đi. Chúng tôi chỉ có thể kéo anh đi một đoạn ngắn.’ Cô tìm được hai du kích quân mang Kiêm đến một nơi che giấu. Hôm sau,  cô quay lại nhìn bên kia ngọn núi và khóc nức nở khi trông thấy những cột khói cuồn cuộn bốc lên từ đống tro tàn của bệnh xá. 

Trong suốt cuộc chiến, chế độ Mỹ và Sài Gòn dồn hết nỗ lực to lớn nhưng vô ích nhằm phá hủy cơ quan đầu não của MTDTGP, thường tọa lạc trong các một số cụm lều ngay sát biên giới Cao Miên. Sau khi Trương Như Tảng được phóng thích ra khỏi tù ông mô tả hai tuần lội bộ qua vùng đồng bằng Cửu Long để đến Trung ương Cục Miền Nam, khi đó tọa lạc trong đồn điền cao su Mimot, giạng chân qua biên giới trong một khu vực gọi là Móc Câu: ‘Dấu hiệu đầu tiên của nó là một hàng rào gỗ cản ngang đường mòn và một điểm kiểm soát gồm 10 lính gác. Từ đây các binh lính được triệu tập bằng xe đạp dẫn đường cho những người mới đến đến nhà khách, ẩn mình kín đáo dưới tán cây rừng.’ Tòa nhà của cơ quan đầu não chỉ là một gian nhà tranh giống như túp lều của người nông dân: ‘Đến gần bạn có thể nhìn thấy hệ thống địa đạo và boongke nhô ra từ tòa nhà. Trung ương Cục Miền Nam là, và luôn từng là, một tập thể hơn là một nơi chốn… một nhóm người lãnh đạo thi hành các mệnh lệnh của Bộ Chính trị và phối hợp các hoạt động của Đảng và MTDTGP. ‘

Các ngôi sao sáng đô thị của Đảng như chính ông thấy khó thích ứng với lối sống ‘như những con thú bị săn đuổi’. Tài sản duy nhất của ông là hai bộ đồ ngủ màu đen, áo quần lót, mùng, một tấm nhựa rộng vài mét vuông dùng che mưa khi đóng quân hoặc áo đi mưa. Các du kích quân cũng sở hữu những thứ đó thêm một ruột tượng chứa gạo mà họ thường vắt qua vai trên đường hành quân.

Đói ăn liên tục,  họ trồng thêm rau củ và săn thú rừng để cải thiện bữa ăn đạm bạc của mình. Khi họ đóng quân đủ lâu tại một chỗ, họ nuôi thêm heo gà, sử dụng bếp Hoàng Cầm để nấu ăn, đặt theo tên một chỉ huy du kích chế tạo bếp có ống khói nằm ngang để khói khuếch tán đi. Lúc này khi khác các lãnh đạo MTDTGP ăn thịt voi, cọp, chó rừng,  khỉ, không loại thịt nào nói trên một người được nuôi dưỡng chăm chút như Tảng có thể ăn ngon miệng. Không giống Đại tá An, ông chê thịt voi là ‘một chất như cao su, dai nhách như giày cũ’. Ông có thiện ý hơn đối với bướm rừng to xác, bay chập chờn quanh đèn đầu và binh lính bắt, cắt bỏ cánh và nướng lên ngọn lửa.

Tảng trong số nhiều người cộng sản- cùng với các nông dân Việt,  Miên,  Lào bất hạnh  – là những người có chung ký ức chiến tranh nặng nề là ký ức khủng khiếp về các cuộc không kích mang tên Vòng Cung Ánh Sáng của B-52. Trung ương Cục Miền Nam và các đơn vị bộ đội chính quy luôn nhận được cảnh báo B-52 sắp đến từ các thuyền đánh cá của Tình báo Xô viết ở ngoài khơi đảo Guam và Okinawa có nhiệm vụ giám sát các vụ cất cánh của máy bay Mỹ; các ra đa Miền Bắc thì thu tín hiệu các đội hình tiến đến gần từ Thái Lan.  Nhờ đó các cán bộ cao cấp và tham mưu của họ có thể vơ lấy cơm và một ít vật sở hữu trước khi chạy bộ hoặc đi xe đạp ra khỏi khu vực được cho là mục tiêu sắp đến.  Đôi khi, tuy nhiên, bom cũng vô tình chụp xuống đầu họ. Tảng viết: ‘Tiếng bùm-bùm-bùm chấn động đến càng lúc càng gần hơn, di chuyển theo một đường thẳng  về hướng chúng tôi.  Rồi, khi cơn địa chấn dội lên đầu chúng tôi,  mọi người ôm lấy mặt đất  – một số thét không ra tiếng, những người khác cố hết sức đè nén cơn run rẩy dữ dội.  Chung quanh chúng tôi mặt đất co giật từng cơn, và chúng tôi bị nuốt chửng.’ Ít ai cầu nguyện đến Lenin hoặc  ‘Bác Hồ’, mà hầu hết đều cầu nguyện Đức Phật.

‘Cách một ngàn ya tiếng gầm thét của vụ nổ xé rách màn nhĩ, khiến nhiều nạn nhân điếc vĩnh viễn, trong khi các cơn sóng chấn động làm một số người bất tỉnh. Bom rơi trong vòng 500 ya làm sụp đổ tường các boongke chưa gia cố, chôn sống những ai núp bên trong … Một vài lần đầu trải nghiệm cuộc dội bom B-52, tôi cảm thấy như bị kẹt trong Ngày Khải Huyền: cơn khủng khiếp là tuyệt đối. Người ta mất hết kiểm soát các chức năng của cơ thể trong khi tâm trí la hét các mệnh lệnh vô nghĩa phải chạy ra khỏi boongke.’ Có lần B-52 đánh trong lúc một phái đoàn Liên Xô ghé thăm Trung ương  Cục Miền Nam: các vị khách Xô viết sau đó rất bối rối vì bị phát hiện ướt sũng cả đũng quần. Tảng viết: ‘Các vị khách có thể đã không còn xấu hổ nếu biết trước các chủ nhà của mình cũng đã quen với trải nghiệm như thế.’

Tảng và đồng chí của mình đôi khi trở lại Trung ương Cục Miền Nam sau một cú đánh của Vòng Cung Ánh Sáng và không tìm thấy gì còn lưu lại: ‘Như thể một lưỡi hái khổng lồ đã phạt qua cánh rừng, cắt rạp như cỏ các cây gỗ tếch đại thụ, xé nát chúng thành hàng tỷ mảnh vụn vương vãi khắp nơi. Khu liên hợp cơ quan bị hủy diệt; thực phẩm, quần áo, hàng tiếp tế,  tài liệu, mọi thứ. Theo một cách đáng sợ nào đó chúng đã ngừng tồn tại  … các hố bom thật là khổng lồ  – rộng gần 10 mét và chừng ngần ấy chiều sâu. Trong mùa mưa chúng đầy nước, dùng để làm ao nuôi vịt hay cá.’

Nhưng người cán bộ kỳ cựu này lưu ý rằng một khi ông và các đồng chí đã quen với các oanh tạc cơ, cú sốc và nỗi khiếp đảm được thay thế bằng ‘thuyết số mệnh an bày. Các B-52 phần nào đặt cuộc sống vào trong một phối cảnh mới.  Nhiều người đã từng sống sót qua trận dội bom bỗng thấy mình sau đó nhìn mọi việc theo một góc nhìn quang đãng hơn, đượm chất triết lý hơn.’ Bài học  này vẫn còn lưu lại, và nhiều hơn một dịp sau này giúp tôi bình tâm đương đầu với cái chết.’

3 Binh Sĩ Sài Gòn

Sau khi chiến tranh kết thúc,  một tướng lĩnh Mỹ viết rằng cái bí ẩn to lớn là tại sao ‘kẻ thù rõ ràng chiến đấu tốt hơn nhiều người Miền Nam ‘. Doug Ramsey nói, ‘Nếu bạn so sánh một sĩ quan QĐVNCH trung bình với người đồng cấp VC – vốn có nhiều động lực hơn – bạn dư biết người Miền Nam ít có cơ hội hơn.’ VC dè bỉu xác nhận rằng người hưởng lợi duy nhất trong chế độ Sài Gòn là thầy tu, gái bán hoa, người Mỹ và các tướng lĩnh.  Nhưng cũng có một số người Miền Nam nhiệt tình tin tưởng vào chính nghĩa,  chiến đấu hăng say, quý trọng người Mỹ. Phí công Trần Hội nói,  ‘Tôi kính sợ trước lòng hào hiệp của họ, và nhất là của Không lực Hoa Kỳ.  Chúng tôi cần bất cứ thứ gì họ đều sẵn lòng giúp,  thậm chí đến cả đồ chơi cho con cái chúng tôi.’

Hội bay các chuyến xuất kích bảo vệ trên không và tiêm kích mặt đất trên một phi cơ cánh quạt Douglas A-1 Skyraider trang bị hỗn hợp tên lửa 2.75 inch và bom 250 cân,  thêm vào 4 pháo 20mm. Vào những ngày nắng buồng lái và các phụ kiện kim loại nóng kinh khủng khi anh leo lên và mở máy trước khi cất cánh. Tuy nhiên, khi bay trên không thì mát mẻ ngọt ngào ngự trị. Hội chỉ cần được bay là thích thú rồi, có khi anh lướt vòng nhiều dặm đường,  cách mặt đất chỉ 50 bộ. Anh tuyên bố không gặp rắc rối khi bắn phá mỗi ngày,  vì anh tin là mình đứng về phía chính nghĩa. Có lần, được lệnh tấn công một cụm nhà tranh, anh gọi về căn cứ cho biết mình không thấy kẻ địch nào dưới đất cả, chỉ thấy một gã đàn ông dắt chó đi dạo.  Máy truyền tin đáp lại tình báo tin chắc Việt cộng vừa vào đó. Kiểm soát viên hối thúc, ‘Làm đi!’ Hội bỏ quả bom napan mà không ngần ngại: ‘Tôi biết bọn cộng sân ranh ma lắm.’

Lần khác anh và người bay yểm trợ được lệnh tấn công một thuyền mành lớn đang đi  lên cửa sông Cửu Long. Họ nhanh chóng nhận diện mục tiêu, dù đang treo cờ Sài Gòn. Thây kệ nó, người kiểm soát nói – chỉ là trò ngụy trang.  Hội lượn vòng, chúc mũi xuống và bắn hai tên lửa làm nổ tung vỏ thuyền. Ngay lập tức,  những tên mặc quần áo đen xuất hiện và nhảy xuống nước.  Hội chúc xuống lần nữa,  bắn vào các tên sống sót đang bì bõm trong dòng nước đục ngầu.  Tuy nhiên, phi công yểm trợ anh chỉ bay qua mà không bắn một phát nào. Vì đây là sứ mạng tác chiến đầu tiên của y nên y kêu lên một cách xúc động,  ‘Em không bắn được! Thấy nhẫn tâm quá!’ Hội quở trách y trên máy bộ đàm khi họ trên đường về căn cứ. ‘Đây là nhiệm vụ của chúng ta.  Chúng ta không coi đó là trò đùa. Trừ khi em đổi ý,  nếu không em nên xin đổi công tác khác.’ Người phi công đồng hành trẻ tuổi của anh không bao giờ chùn tay lần nữa. 

Là một phi công của Không Lực Việt Nam,  Trần Hội là một người có đặc quyền.  Tuy nhiên,  gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến đặt trên vai các binh sĩ, những người phần đông chỉ chủ yếu quan tâm đến việc được sống. Các sĩ quan của họ trả lời với các đề xuất tấn công của cố vấn Mỹ: ‘Không,  không thể nào. Nguy hiểm lắm.’ Trung sĩ Mike Sutton có lần đi chiến dịch đêm với một nhóm Địa phương quân. Họ xách theo các con gà sống kêu oang oác và nồi niêu kêu leng keng theo mỗi bước chân. Khi anh ép buộc họ phải để đồ nhà bếp ở nhà, sĩ quan của họ khăng khăng là mình phải đem theo lương thực và phương tiện nấu ăn. ‘Tất nhiên, thực sự họ muốn tạo ra đủ tiếng động để VC nghe và tránh đi.’ Preston Boyd, lính cứu thương của Sutton, là một người da đỏ bộ tộc Sioux, mang súng tiểu liên K Thụy Điển, rất khoái sử dụng súng. Sau đôi ba trận đụng độ đêm trong đó Địa phương quân chỉ đơn giản quăng súng và bỏ chạy, Boyd răn đe họ, ‘Tối nay mà các anh lại dở trò cũ thì chính tay tôi sẽ hạ các anh đó.’

Nhưng có ai ngạc nhiên trước hành vi của họ đâu? Một chủ đề trong tác phẩm Catch-22 của Joseph Heller là bất cứ khi nào một phi công nghĩ rằng mình sắp hết hạn hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu,  thì các chỉ huy điên tiết thường gia tăng chỉ tiêu. Lính quân dịch Miền Nam đối mặt với một biến thể tệ hơn: không có chỉ tiêu thời hạn: họ phải đánh tiếp và đánh tiếp, bên cạnh những người Mỹ được trả lại giày bốt sau một năm.  Bộ máy huấn luyện Sài Gòn cho ra 159,138 tân binh trong năm 1966, 503,740 bốn năm sau đó. Đào ngũ là bệnh đặc hữu,  và như trong mọi cuộc chiến,  phần đông những binh sĩ ‘nghỉ chơi’ là người đối mặt với nơi hiểm nghèo nhất – bộ binh. Những lính đào ngũ bị bắt lại viện những lý do theo thứ tự giảm dần: nhớ nhà, không muốn chiến đấu, ghét cấp chỉ huy, không đủ tiền nuôi sống gia đình. Mọi cấp bậc đều nhận được đồng lương hẻo – một bình nhì kiếm được số lương bằng phân nửa lương dân lao động; chỉ một quả pháo 105mm có giá cao hơn lương hàng tháng của một thiếu tá. Giữa năm 1964 và 1972 giá tiêu thụ tăng gấp 9 lần, giá gạo tăng 12 lần, nhưng lương lính chỉ tăng gấp đôi. Một trung uý nói, ‘Tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện lấy vợ vì không biết mình chết lúc nào, và tôi không muốn gây khổ đau cho người thân yêu. Cũng vì lý do đó, ít cô gái nào có quyền lựa chọn muốn lấy lính làm chồng.’

Người Việt giàu có có thể ăn cua biển hoặc súp nui thịt bầm, cá chiên,  bít tết,  vịt tiềm với cơm, tiếp theo là chè sen. Những đồng bào khó khăn hơn của họ ít khi phải đói ăn, nhưng những người gầy còm nhất là những người phục vụ đất nước trong bộ quân phục. Thậm chí trong doanh trại binh sĩ cũng không no đủ, vì sĩ quan thường ăn chặn khẩu phần gạo của họ. Nhiều quân nhân làm thêm ban đêm nghề lái taxi, dạy kèm, công nhân xây dựng.  Một cố vấn Mỹ phát hiện bất cứ khi nào ông vắng mặt ở trận địa, người lính tài xế của ông lại cho thuê xe jeep của ông. Sĩ quan cũng như binh lính đều nói, ‘Làm sao đánh đấm với cái bụng đói meo được? … Có thực mới vực được đạo.’ Khẩu phần tác chiến của Mỹ cho mỗi bữa ăn cung cấp 3,800 calo, gần như gấp hai lần lượng calo của khẩu phần binh lính Miền Nam,  cho dù không chắc họ nhận đủ.

Một tướng lĩnh mô tả các trung uý mang về nhà gần hết khẩu phần được lãnh để nuôi sống gia đình: ‘Tôi thấy các sĩ quan huấn luyện bộ binh nhét một ổ bánh mì hoặc vài vắt cơm nắm vào túi ghết mang theo ra bãi huấn luyện. Đó là tất cả thức ăn họ cần cho buổi ăn sáng và trưa … Nhiều sĩ quan lâm vào cảnh nợ nần chỉ để nuôi ăn gia đình.’ Ở trên chóp thang là những người có bổng lộc xum xuê: một số tướng lĩnh bán máy đánh chữ, thuốc lá,  xe Honda, thậm chí mìn Claymore và lựu đạn, cho kẻ địch.  Theo lời một cán bộ MTDTGP: ‘Không ít lính Mỹ bị giết bởi mìn mua của đồng minh QĐVNCH của họ.’ Người cộng sản không ham các khẩu M-16, chia sẻ quan điểm của lính Mỹ là AK-47 ngon hơn, nhưng họ mua mọi máy truyền tin PRC-25 có thể vớ được. 

Về phần sức khoẻ của binh lính Sài Gòn, họ dễ mắc bệnh dịch tả và sốt rét hơn là tử trận. Nữ y tá Phyllis Breen, một hôm đút một ống thông cho một binh sĩ Miền Nam, kinh hoảng khi trông thấy một con giun to chui ra. Năm 1966 cả nước chỉ có 1,000 bác sĩ, 700 trong số đó phục vụ quân y. Nhưng nhiều thương binh thà đi cà nhắc về nhà còn hơn chịu đựng các điều kiện khủng khiếp ngự trị hầu hết các bệnh viện quân đội.

Ngược lại, tại trung tâm bại liệt quân đội ở Vũng Tàu, giường bệnh nằm đầy các thương phế binh bán thường trực khoảng 500 người. Họ cứ ở nán lại vì không còn nơi nào khác để về. Người có thân nhân chết trận đối diện với các nỗi đau thậm chí vượt quá nỗi đau mất mát những người thương yêu. Khi bà Ngô Thị Bông đi nhận lại thi thể người con trai lớn hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ cho QĐVNCH, bà nhận ra rằng con trai mình đã không toàn thây vì trúng pháo cối, và phải tự mình đi nhặt từng mảnh thi thể cho vào túi đựng rác. Dù cố sức thế nào bà cũng không tìm được cánh tay trái của con. Mà theo tín ngưỡng, như vậy oan hồn của anh Vân con trai bà sẽ lang thang vất vưởng mãi mãi, than khóc vì cánh tay bị mất.

Nhà báo Anh Richard West viết vào năm 1967: ‘Khi bạn lắng nghe các chỉ thị hành quân do người Mỹ, người Đại Hàn hoặc Úc đưa ra, rồi lắng nghe người Việt,  bạn ngạc nhiên nhận ra ngay sự khác biệt vượt trội. Người ngoài cuộc thì hăng hái,  năng nổ, còn người Việt trong cuộc lại thờ ơ. Những ngoại bang thuộc mọi sắc thái đã đè đầu họ quá lâu đến nỗi người Việt đều chán ngấy bọn họ.’ Điều này đúng không thể chối cãi  – đối với người Miền Nam.  Nhưng trong hàng ngũ Miền Bắc cũng có những con người cách mạng kiên gan như Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.  Cô thấy mình một buổi chiều ngồi trong một ấp hoang tàn vừa mới bị lính Mỹ tiêu hủy.  Dân làng cùng cô đang cắm quân thiếu cả dầu để nấu sôi nồi cơm. Vậy mà Trâm viết một cách ngoan cường: ‘Chúng ta chưa bại trận; kẻ thù đốt nhà này, thì ta sẽ xây nhà khác.  Có khó gì đâu.  Một ít lá dừa là đủ. Người ta cần rất ít để sống trong thời chiến, khi sống chỉ là chiến đấu và lao động. Chúng ta chỉ cần một nồi cơm với khô; một tấm nhựa để nằm tại hầm tránh bom; quần áo và muối, sẵn sàng trong cặp xách để mang đi trên vai khi địch tấn công.’

Đặng Thùy Trâm dường như hân hoan trong cảnh gian khổ mà cô chịu đựng, cảm xúc cô dâng tràn, như nhiều người trẻ trong mọi cuộc chiến, nhờ trải nghiệm được chia sẻ trong nỗi nhọc nhằn, tình đồng chí, cảnh hiểm nguy. Ai có thể tranh cãi tính lãng mạn trong cảnh ngộ gian khổ của cô. Cô cũng đã được điều kiện hóa về phương diện chính trị ngay từ lúc nằm nôi, thành ra người thiếu nữ trẻ này không thắc mắc gì về cuộc cách mạng  ‘của cô’. Nhưng khía cạnh gây bất an nhất của nhật ký Trâm,  nếu nó được Lyndon Johnson hoặc William Westmoreland đọc, sẽ là điều khó tưởng tượng có người Miền Nam nào đã soạn ra một hồi ký cũng tràn đầy niềm tin tưởng mãnh liệt như vậy. 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s