
Bản đồ Carte générale de la Basse Cochinchine… do L. Manen F. Vidalin, và G. Heraud vẽ từ năm 1861 đến 1864, còn địa danh Long Xuyên (Huyện) nằm bờ Tây bán đảo Cà Mau.
Trần Thanh Ái
Trong tập 4 của bộ Lịch sử Việt Nam (Trần Thị Vinh chủ biên) có một số chi tiết thiếu chính xác liên quan đến những ngày đầu lưu lạc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Nguyễn Ánh mà chúng tôi thấy là cần phải góp ý để tăng tính chính xác của công trình lịch sử:
“Vào tháng Chín năm Đinh Dậu (1777), Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đuổi riết, mắc nạn rồi chết, mình Nguyễn Ánh chạy thoát đến vùng sông Khoa (thuộc Long Xuyên, Hà Tiên). Tại đây, Nguyễn Ánh có cơ hội gặp Bá Đa Lộc, giám mục người Pháp đang trông coi một chủng viện ở Hòn Đất, ngoài mỏm Hà Tiên, Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh nên cầu viện nước Pháp.” (Trần Thị Vinh, 2017, tr. 450)
- Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc ở đâu?
Trong câu trên, “tại đây” có nghĩa là tại “sông Khoa (thuộc Long Xuyên, Hà Tiên)”. Thế nhưng địa danh Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên vào các thập niên cuối thế kỷ XVIII là tên gọi của một đạo nằm ở vùng Cà Mau, còn sông Khoa ngày nay là sông Ông Đốc. Đối với các nhà nghiên cứu thì viết như thế không có vấn đề, nhưng đối với người đọc bình thường thì câu ấy có thể khiến họ nhầm lẫn với thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang ngày nay. Nhưng vấn đề sau đây mới quan trọng hơn: có phải Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc ở sông Khoa, thuộc đạo Long Xuyên hay không?
Theo các ghi chép và thư từ của các nhà truyền giáo thì đầu tiên linh mục Paul Hồ Văn Nghị bắt gặp Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng đang trên đường chạy nạn, có lẽ là định về Hà Tiên theo kế hoạch đã thống nhất giữa đoàn bôn tẩu và Mạc Thiên Tứ. Đại Nam Thực lục có ghi: Vua đem binh Đông Sơn đến ứng viện, đón Duệ Tông đến Cần Thơ (tức đạo Trấn Giang thuộc tỉnh An Giang), rồi đến Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên). Thật vậy, trong thư gửi linh mục Descourvières đề ngày 25 tháng 4 năm 1780, linh mục Faulet báo cho biết “chính linh mục Paul(1) đã nuôi nấng và che giấu nhà vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của mình, đã cho [Nguyễn Ánh] biết về Đức Giám mục và về đạo Thiên Chúa” (Launay A. 1925, tr. 70). Một tài liệu khác, có lẽ là bản tổng hợp các ghi chép của các nhà truyền giáo thời ấy, cho biết chi tiết hơn:
“…một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau mà trốn. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phao-lồ, là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn-anh, tuy chưa quen biết thầy Phao-lồ, song đã biết là thầy đạo, thì xưng mình là người nọ người kia và xin thầy Phao-lồ cứu. Thầy Phao-lồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng về Hà Tiên, giao người cho Đức Thầy Vê-rô. Khi ấy đức thầy Vê-rô đã sang bên Cao-Mên, cho nên thầy cả Phao-lồ vội vàng gởi tin cho người biết sự ấy cho kíp. (Khuyết danh 1885, tr. 17)
Thầy cả Phao-lồ tức là Paul Hồ Văn Nghị, được phong linh mục năm 1775, còn Đức Thầy Vê-rô là giám mục Bá Đa Lộc (phiên âm tên Pedro), lúc ấy phụ trách giáo khu Đàng Trong và Campuchia, cư sở trước đóng ở Pinha-lu, từ 1776 dời về Hà Tiên. Như đoạn trên cho biết, lúc Paul Nghị đưa Nguyễn Ánh về chủng viện thì Bá Đa Lộc đang đi thăm giáo dân trong vùng. Thông tin này đáng tin cậy, vì ngày 12 tháng 6 năm 1777, Bá Đa Lộc có viết một bức thư gửi M. Steiner từ Bethfamo (sic) để cho biết là Faulet vì không thích nghi được với thời tiết nên hiện đang ở lại chủng viện (Launay 1925, tr. 131). Chúng tôi vẫn chưa rõ địa danh Bethfamo là ở đâu, nhưng chắc chắn rằng vào ngày ấy Bá Đa Lộc không có mặt ở Hà Tiên.
- Có phải năm 1777 Bá Đa Lộc trông coi chủng viện Hòn Đất không?
Năm 1666, Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris (Missions Etrangères de Paris) thành lập một chủng viện ở Mahapram (gần kinh đô Juthia của Xiêm lúc bấy giờ) để đào tạo các tu sĩ cho vùng Viễn Đông. Đến năm 1766, người Miến Điện tàn phá kinh đô Xiêm, nên chủng viện buộc phải dời đi nhiều nơi, ban đầu là Chantaboun (Xiêm), rồi đến Hòn Đất (gần Hà Tiên). Giám đốc đầu tiên của chủng viện là Pigneau de Béhaine lúc ấy chưa được phong Giám mục. Ngày 11 tháng 12 năm 1769, vì tình hình bất ổn, ông cùng các chủng sinh buộc phải rời Hòn Đất, và sau đó chuyển trường đến Virampatnam (Pondichéry, Ấn Độ). Ngày 12 tháng 3 năm 1775, Pigneau de Béhaine, lúc này đã được phong giám mục, trở lại Hà Tiên, và tháng 9 cùng năm dựng trường dòng ở Cây Quao, nằm ở phía Nam Hà Tiên trên bờ biển, do linh mục Morvan quản lý đến khi mất (tháng 1 năm 1776), và sau đó cha Le Clerc lên thay. Trong một chú thích về chủng viện Cây Quao, A. Launay cho biết thêm thông tin:
“Sau khi chủng viện nhỏ trên một cù lao trên sông Cửu Long đối diện với nhà thờ Prambey Chhom(2) bị tàn phá, […], chủng viện [Cây Quao] được Giám mục Pigneaux dựng lên tại một nơi được gọi là Cây Quao, nằm ở phía Nam Hà Tiên, bên bờ một con sông mà các nhà truyền giáo gọi là sông nước mặn.” (Launay A. 1925, tr. 131)
Khoảng giữa năm 1778, hải tặc Campuchia đốt phá ngôi trường, Giám mục Bá Đa Lộc dời về Tân Triều, gần Biên Hòa. Đến cuối năm 1782 chủng viện lại dời về họ đạo Mặc Bắc (nay là thị trấn Cầu Quan, Tiểu Cần). Tóm lại, năm 1777 linh mục Paul Nghị đưa Nguyễn Ánh về Hà Tiên và tá túc ở chủng viện Cây Quao, còn chủng viện Hòn Đất đã bị xóa sổ từ 8 năm trước.
- Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh cầu viện Pháp khi nào?
Cách viết của Lịch sử Việt Nam như đoạn đã trích dẫn bên trên chỉ có một cách hiểu duy nhất, đó là ngay sau khi đến Hà Tiên năm 1777, giám mục Bá Đa Lộc liền khuyên Nguyễn Ánh cầu viện nước Pháp để đánh lại quân Tây Sơn. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy là Giám mục Bá Đa Lộc lại dám làm một việc nông nổi ngay khi mới vừa quen nhau như thế, bởi vì tình hình lúc bấy giờ rất rối ren, và nhất là vì Giáo hội La Mã cấm các nhà truyền giáo tham dự vào các hoạt động chính trị. Chỉ việc chạy loạn qua đất Campuchia để tránh thương vong cho các chủng sinh thôi cũng đã khiến Bá Đa Lộc bị quở trách.
Hơn nữa, tháng 10 năm Đinh Dậu (1777) Nguyễn Ánh cử binh ở Long Xuyên, và tháng 12 (nhằm tháng 1 năm 1778), chiếm lại Gia Định, và được quần thần tôn làm Đại Nguyên soái. Như vậy, nếu các dữ liệu liên quan đến các mốc thời gian này là đúng, thì Nguyễn Ánh chỉ ở lại vùng đất thuộc Hà Tiên vài tháng thôi, và chỉ với tư cách là một hoàng thân quốc thích của triều đình đi lánh nạn (mãi đến đầu năm 1780 mới xưng vương). Vì thế không có lý do nào để giám mục Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh cầu viện nước Pháp vào thời điểm ấy. Phải đến khi Bá Đa Lộc về Tân Triều (Biên Hòa) vào giữa năm 1778 thì ông mới có dịp trò chuyện nhiều với Nguyễn Ánh về mọi chuyện, từ phong tục tập quán, tôn giáo đến thời sự, và họ mới ngày càng có nhiều quan hệ mật thiết với nhau. Một điểm nhấn quan trọng đánh dấu việc Giám mục Bá Đa Lộc tích cực tham gia vào việc giúp Nguyễn Ánh khôi phục ngai vàng là ngày 10 tháng 8 năm 1779 ông đã viết từ Sài Gòn một “thư ngỏ” cho một viên quan người Việt cầm tay ra Côn Đảo, dường như là để bắt liên lạc với tàu thuyền của Pháp. Nội dung bức thư như sau:
“Peter Joseph George(3), Giám mục Adran, Đại diện Tông tòa xứ Đàng Trong vv.,
Viên quan nhỏ mang tờ giấy này được Triều đình phái đến Côn Đảo để chờ đợi và tiếp đón mọi tàu thuyền châu Âu có lộ trình cập bến ở đây. Vì vậy, thuyền trưởng có thể tin tưởng ở anh ta, hoặc để cập thuyền vào bến, hoặc để chuyển tin tức mà ông ta cho là cần thiết.
Làm tại Sài Gòn ngày 10 tháng 8 năm 1779.” (Cook J. & King J. 1784, tr.264)
Bằng chứng này chỉ cho phép chúng ta kết luận được là Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc đã đồng ý phương án cầu viện người Pháp trước thời điểm viết thư ngỏ, chứ không cho phép quả quyết là năm 1777 Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh cầu viện Pháp được.
- Có phải phái đoàn đến Đại Tây vào tháng 6 năm 1786 không?
Cũng trong sách của Trần Thị Vinh, “tháng 12 năm 1784, Bá Đa Lộc cùng hai quan hầu Hoàng tử Cảnh là Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm lên đường đi Tây Dương. Đến tháng 2 năm 1785, tới Tiểu Tây Dương (thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ), dừng lại ở thành Phong Tỳ Sê Ri (Pondichéry). Tháng 6 năm 1786, mới tới Đại Tây. Lúc đó Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cho Hồ Văn Nghị (tức Paul Nghị – Linh mục người Pháp đi theo Bá Đa Lộc) đem tờ biểu về dâng Nguyễn Ánh ở thành Vọng Các nước Xiêm” (Trần Thị Vinh 2017, tr. 451).
Về thời điểm phái đoàn đặt chân đến nước Pháp, không có gì phức tạp để kiểm tra cả: trong quyển sách rất quen thuộc của giới nghiên cứu ở Việt Nam, quyển Histoire moderne du pays d’Annam của Ch.B. Maybon, ngay câu đầu tiên trong chương VI có viết: “Giám mục Adran đến Lorient(4) vào đầu tháng 2 năm 1787” (Maybon Ch.B. 1919, tr. 225). Mặc dù đã có một số tác giả chỉ ra không ít sai sót trong quyển sách này, nhưng đối với chi tiết này ngày nay không có gì khó khăn để kiểm tra cả. Thật vậy, chỉ cần tham khảo một số tài liệu được biên soạn từ việc tham khảo trực tiếp các Trung tâm lưu trữ tài liệu của Pháp, như của A. Faure (1891), hay A. Launay (1894) cũng có thể biết được chính xác sự việc liên quan đến thời gian đặt chân lên đất Pháp của Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh. Bằng chứng thuyết phục nhất là trong bức thư của thống chế Castries đề ngày 14 tháng 2 năm 1787 viết cho giám mục, hiện còn lưu trữ tại Thư khố Hội truyền giáo Pháp (Missions étrangères) tại Paris (quyển 34, trang 291):
“Thưa ông, tôi đã nhận các thư mà ông đã viết cho tôi từ Pondichéry vào ngày 8 tháng 7 năm 1785, từ l’Ile de France vào ngày 8 tháng 9 năm 1786 và từ Lorient vào ngày 5 tháng này [tức tháng 2 năm 1787], khi ông vừa đặt chân tới đó cùng với hoàng tử xứ Đàng Trong, một người hoàng tộc và ba tùy tùng.” (Launay A. 1894, tr. 236)
Như vậy là tháng 9 năm 1786 phái đoàn mới tới đảo Ile de France, là tên gọi đảo Maurice từ 1715-1810. Nhiều tài liệu cho biết là họ được bố trí đi trên chiếc thuyền buôn Malabar do thuyền trưởng Pignatel chỉ huy, khởi hành từ Pondichéry ngày đầu tháng 7 năm 1786. Điều đó có nghĩa là vào tháng 6 năm 1786 họ vẫn còn trên đất Ấn Độ!
- Linh mục Paul Nghị có phải là người Pháp không?
Tập 4 bộ Lịch sử Việt Nam có đoạn viết:
“Lúc đó Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cho Hồ Văn Nghị (tức Paul Nghị – Linh mục người Pháp đi theo Bá Đa Lộc) đem tờ biểu về dâng Nguyễn Ánh ở thành Vọng Các nước Xiêm.” (Trần Thị Vinh 2017, tr. 451)
Nhiều nhà truyền giáo phương Tây trong các thế kỷ trước thường có tên bằng tiếng Việt, và ngược lại, các giáo dân người Việt cũng mang thêm tên thánh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta có thể nhầm lẫn về lai lịch của họ. Linh mục Hồ Văn Nghi có tên thánh tiếng latinh là Paulus và chuyển sang tiếng Pháp là Paul. Maybon cũng có viết về linh mục Nghị như sau: “Đó là một linh mục người An Nam rất tận tụy với Giám mục Adran” (Maybon Ch.B. 1919, tr. 193). Và trong một báo cáo của giam mục Bá Đa Lộc đề ngày 5 tháng 12 năm 1783 gửi cho linh mục Descourvières ở Hội Truyền giáo Paris có đoạn nói về linh mục Paul Nghị như sau:
“Lần này vì không thể chạy về Campuchia, mà nhà vua [Nguyễn Ánh] đã từ đó chạy sang Xiêm, chúng tôi đã phải quyết định chạy ra biển; và để không mất nhiều thời gian, chúng tôi đến một họ đạo khá đông, gần Hà Tiên, ở đó từ 6 năm nay đã xin cử nhà truyền giáo đến. Chúng tôi đến đó, gồm cha Liot, cha Paul một tu sĩ người Đàng Trong, hai cha dòng Phan Sinh và tôi cùng với các giáo sinh, và chúng tôi đã làm lễ cho tất cả các tín đồ.” (Launay A. 1925, tr. 78)
Và như đã trích dẫn bên trên, sách Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều cũng viết “ông Phao-lồ, là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc”.
*
* *
Tóm lại, khi biên soạn lịch sử cần phải hết sức chú ý đến các chi tiết trong chừng mực có thể, vì sự chính xác trong chi tiết chỉ có thể làm tăng độ tin cậy của tài liệu mà thôi. Trong thời đại ngày nay, nhờ kỹ thuật số hóa mà việc tiếp cận các kho tài liệu vô cùng phong phú trên thế giới đã trở nên rất dễ dàng cho tất cả những ai muốn tìm hiểu những sự kiện lịch sử, và cũng chính vì thế mà các nhà viết sử càng phải cẩn trọng nhiều hơn nữa nếu không muốn đánh mất lòng tin nơi độc giả.
Tài liệu tham khảo
Cook J. & King J. 1784. A voyage to the Pacific Ocean: Undertaken by Command of His Majesty, for Making Discoveries in the Northern Hemisphere Performed under the Direction of Captains COOK, CLERKE, and GORE, In the Years 1776, 1777, 1778, 1779, 1780. Volume 4. London, Printed for John Stockdale, Scatcherd and Whitaker, John Fielding and John Hardy.
Faure A. 1891. Mgr Pigneau de Béhaine, Evêque d’Adran. Paris: Augustin Challamel Editeur.
Khuyết danh 1885. Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission.
Launay A. 1894. Histoire générale de la société des Missions-Etrangères, tome 2. Paris: Téqui Libraire-Editeur.
Launay A. 1925. Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, tome 3. Paris: Librairie orientale et américaine.
Maybon Ch.-B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Librairie Plon.
N.L.E. 1825. Nouvelles Lettres Edifiantes des Missions de la Chine et des Indes orientales, tome huitième, 1825. Paris: Chez Ad. Leclere.
Trần Thanh Ái 2020. Mùa Xuân 240 năm trước (1780-2020): Nguyễn Ánh xưng vương, Bá Đa Lộc tham chính. Tạp chí Xưa & Nay, tháng 1 (2020).
Trần Thị Vinh (chủ biên) 2017. Lịch sử Việt Nam, tập 4. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã Hội.
(1) Trong thư ngày 20 tháng 4 năm 1801 báo tin cho Hội Truyền giáo Hải ngoại về cái chết của linh mục Hồ Văn Nghị, nhà truyền giáo Lelabousse cũng đã xác nhận thông tin này: “Vua Đàng Trong vào những lúc nguy nan đã có Cha Paul cung cấp lương thực thiết yếu. Vì thế mà ông luôn dành cho Cha tình cảm trân quý đặc biệt.” (N.L.E, 1825, T.8, tr. 210)
(2) Trong thư gửi một Giám đốc Hội Truyền giáo Hải ngoại đề ngày 26 tháng 7 năm 1776, Le Clerc cũng nói rõ là Prambeichom là vùng ngoại ô của kinh đô (Launay A, 1925, tr. 65).
(3) Cook & King chuyển sang tiếng Anh từ tên tiếng Pháp Pierre-Joseph-Georges.
(4) Lorient là một hải cảng của Pháp bên bờ Đại Tây Dương.
(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay tháng 8 năm 2022)