Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 13

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 13 : CÀNH GHÉP VÀ DẦU BẠC HÀ

1 Ăn Cắp

Tham nhũng là bệnh đặc hữu của Miền Nam. Các cục bài trừ ma túy Mỹ tuyệt vọng trong việc kiềm chế nạn buôn lậu heroin, cocain và cần sa, vì các lãnh đạo và thân chủ của chế độ đã làm ăn đến ngập mặt. Trong bộ máy quân sự cũng như dân sự, việc lên bậc nhờ thành tích xứng đáng gần như không thể đạt được. Một số sĩ quan mòn mỏi vì hàng thập niên vẫn còn là trung úy vì không quen biết hoặc không có tiền đút lót. 

Các chức chỉ huy cao hơn được phân bổ không vì do các tướng lĩnh đánh giá năng lực, mà vì phù hợp với phe phái chính trị.  Việc người Mỹ đến hàng loạt càng đẩy mạnh việc lắp ghép và gian lận.  Chương trình Nhập khẩu Thương mại  – Viện trợ Kinh tế Mỹ – đạt đỉnh cao vào năm 1966 lên đến 400 triệu đô. Một số tiền được sử dụng đúng chỗ  – chẳng hạn, để mua sắm hàng ngàn máy may cho hoạt động sản xuất  quần áo.  Tuy nhiên, đa phần chỉ đi quẹo vào túi tiền các doanh nhân, và trắng trợn vào tay các tên ủng hộ chế độ,  chuyên nhập khẩu các xa xỉ phẩm mà chỗ đến cuối cùng là cửa hàng trên đường phố Sài Gòn.  Dương Vân Mai viết: ‘Tầng lớp nhà giàu mới bao gồm nhiều tên ăn cắp tài sản của người Mỹ mà không thấy áy náy.’ Người già càu nhàu rằng trong khi thứ bậc xã hội truyền thống cổ xưa thì nhất sĩ, nhì nông, rồi thứ ba là công,  cuối cùng ở bậc thang là thương,  thì ngày nay gái bán ba dường như thống trị trong một xã hội mà trong đó đầy tớ, phu xích lô,  tài xế taxi xếp trên người lao động lương thiện. ‘Đối với chúng tôi “văn hoá Tây phương” có nghĩa là quán ba, nhà thổ, thị trường đen và các máy móc rối rắm – hầu hết là có tính hủy diệt,’ gái nhà nông Phùng Thị Lệ Lý nhớ lại.

Một báo cáo của USAID thời hậu chiến kết luận: ‘Chính tham nhũng  … là nhân tố quan trọng trong việc làm băng hoại tinh thần dân tộc cuối cùng dẫn đến thảm bại.’ Một vị tướng Miền Nam viết một cách u ám về việc Tổng thống Thiệu sắp xếp lại nội các và các tư lệnh của mình: ‘Các thay đổi này không phát huy tài lãnh đạo  hoặc thăng tiến chính nghĩa quốc gia.  Chúng chỉ được thực hiện theo cách thức mưu đồ quyền lực cũ, không dựa trên tài năng, kinh nghiệm  hoặc công lao mà chỉ dựa vào lòng trung thành cá nhân hoặc quan hệ họ hàng.’ Tướng Viên than phiền trường hợp điển hình của một người từng là một trung đoàn trưởng tốt, nhưng sau khi được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Bình Định, lại bán chức vụ công và đặc quyền lấy tiền mặt và cho phép vợ điều hành một sòng bạc.

Tỷ lệ hối đoái ấn định cho đồng bạc Việt Nam cao một cách giả tạo, vì thế giấy phép xuất khẩu bảo đảm lợi tức kếch xù. Giao dịch ngoại tệ ở thị trường chợ đen làm giàu cho hàng ngàn người,  nhiều trong số đó là người Việt gốc Hoa, có thu nhập đô la hoặc chứng khoán tạm thời của Quân Đội Mỹ. Mọi thứ từ xi măng,  tủ đông đến xe cộ, vũ khí và đạn dược đều mua được với một giá nào đó; mạng lưới làm đồ giả phát đạt.  Những tai họa như thế là phó phẩm của mọi xung đột,  nhưng tai họa kéo dài khiến chúng trở thành thể chế hóa. Theo thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, tự xem mình là thập tự quân chống tham nhũng, sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ chống tệ nạn ở Chợ Lớn phải mua chức với giá 130,000 đô, và sau hai năm là có lời. Trong khi đó cảnh sát trưởng Sài Gòn triển khai cảnh sát bảo vệ casino lớn ở Chợ Lớn để đổi lấy một lát lợi tức của nó. Theo cố vấn quân pháp Quân đội Hoa Kỳ, hoạt động chợ đen và vi phạm tiền tệ ‘vượt xa khả năng giải quyết của cơ quan cưỡng chế pháp luật’. Trường hợp ba lính TQLC đào ngũ là điển hình: trong khi trốn tránh ở Đà Nẵng  họ làm giả lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn,  tại đó họ gia nhập một ổ gồm 47 quân nhân đào ngũ chuyên hoạt động chiếm đoạt tiền qua bưu phiếu. Họ thuê các căn hộ ở Sài Gòn, chuyển tiền mặt về nhà và hối lộ quân cảnh để họ được yên. Ổ tội phạm này cuối cùng bị phá vỡ và những tên liên quan bị bắt giam. Khía cạnh gây bối rối nhất của hình tội không phải là người Việt không thể kiềm chế nó, mà là mức độ can tội đồng lõa của các phần tử trong chính quyền Mỹ. Một nhà thầu dân sự Cornelius Hawkridge, quá phẫn nộ trước những gì  ông chứng kiến tại Sài Gòn đến nỗi ông theo dõi các hoạt động phi pháp và chính thức báo cáo những việc ấy với các giới thẩm quyền Mỹ – nhưng họ vẫn phớt lờ lời báo của ông. 

 Cuộc thập tự chinh nhỏ cô độc của Hawkridge trở thành chủ đề trong quyển sách xuất bản 1971, Một Cuộc Chiến Rất Riêng Tư, ít gây chú ý hơn là nó xứng đáng.  Các nhà thầu, kể cả các tập đoàn lớn nhất của Mỹ, dính líu rất sâu vào tội ác. Các điều tra viên báo cáo rằng chợ đen tiền tệ bị khống chế bởi một nghiệp đoàn ở Madras: một tiểu ban Thượng viện ước tính trị giá hàng năm của hoạt động buôn lậu tiền tệ đến một phần tư tỷ đô la.

Thượng nghị sĩ Karl Mundt của Nam Dakota nhận xét đúng đắn rằng việc giao dịch chỉ khả thi nếu có sự đồng lõa của ngân hàng Hoa Kỳ  xử lý lợi tức của người rửa tiền, nổi bật là có cả Irving Trust và Manufacturers Hanover. Frank Furci, con trai của một găng tơ ỏ Florida, phục vụ ngắn ngủi trong Quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam,  rồi sau khi giải ngũ trở lại với một người bạn điều hành những vụ làm ăn phi pháp với đối tác là các hạ sĩ quan đang phục vụ, mà lợi tức được gửi đến Ngân hàng Tín dụng Quốc tế Geneva. Một giao dịch tiền tệ phi pháp quan trọng khác là chi nhánh Hồng Kông của  Deak & Co., thành lập năm 1939 bởi người nhập cư Hung Nicholas Deak, vốn trải qua những năm chiến tranh trong tổ chức OSS (tình báo Mỹ). Năm 1964 tạp chí Time gọi ông là ‘James Bond của thế giới tiền tệ’. Bọn lừa đảo rót tiền qua Deak biết rằng  họ được bảo vệ không bị các cơ quan cưỡng chế pháp luật dòm ngó, vì hãng được các tập đoàn Mỹ sử dụng như một đường dẫn cho việc hối lộ các chính quyền nước ngoài.  Năm 1976 Washington Post phát hiện  Deak cũng điều hành hoạt động giao dịch thị trường đen đồ sộ cho trạm CIA tại Sài Gòn, làm tăng gấp đôi sức chi tiêu ngân sách của họ.

Hành vi của giới cầm quyền Việt Nam dù đáng phàn nàn cỡ nào, họ cũng không thể lấy cắp nhân dân họ nếu không có sự đồng lõa chủ động hay thụ động của hàng ngàn người Mỹ , một số họ tương đối cao cấp. Năm 1972 NCO cao cấp nhất của Quân đội Mỹ Thượng sĩ William Woolridge, bị kết tội vì đồng lõa trong vụ gian lận khổng lồ liên quan đến các câu lạc bộ quân đội và các PX, trong đó rất nhiều trung sĩ hậu cần dính líu. Sĩ quan trẻ của CORDS Hal Meinheit được yêu cầu ký tên vào các hoá đơn cho các vật liệu mua sắm, sau khi xem xét lướt qua, hóa ra là giấy giả mạo. Anh phẫn nộ khi khám phá rằng tiền bạc đi vào túi của một đồng nghiệp: ‘Tôi đã dự kiến nạn tham nhũng ở Việt Nam nhưng không dự kiến một cố vấn Mỹ được trả lương cao lại bóp méo pháp luật. ‘

 

2 Cai Trị

Thật sai lầm khi xem nạn tham nhũng là tại họa bất ngờ của chiến tranh.  Nó là một vị khuẩn bệnh dịch truyền nhiễm cho toàn bộ nỗ lực của Hoa Kỳ. Một xã hội trong đó tệ nạn được xem là phát triển, còn phẩm hạnh thì không được trọng vọng, coi như đã như bị thương tích đau đớn ngay cả trước khi kẻ địch nổ súng. Ai có thể lấy làm ngạc nhiên khi các tỉnh ủy Việt Cộng nhận được sự tôn trọng khi họ mặc quần áo đen thường dân và mang dép râu làm bằng vỏ xe phế thải, trái ngược với người đồng cấp Sài Gòn của họ, đi xe Mercedes còn bà vợ hột xoàn lấp lánh bàn tay? Một số người Mỹ biện hộ cho họ, nhún vai trước nạn tham nhũng, nhận xét rằng chính quyền Á châu nào cũng hành xử như vậy. Đành là vậy, nhưng không phải nước nào cũng bị lực lượng nổi dậy cộng sản siết chặt trong gọng kìm của tử thần.

Là thủ tướng 1965-66 của Miền Nam,  Nguyễn Cao Kỳ nhận thấy rằng ‘Mọi thứ tôi chạm đến đều có tiềm năng đẻ ra tiền! Phân công tác gần nhà cho một thiếu tá, hoặc đẩy đi thật xa cho đối thủ lãng mạn của ai đó. Một giấy phép nhập khẩu hàng hoá, một giấy phép xây dựng hãng xưởng hoặc lệnh đóng cửa một hãng xưởng, hoặc mở cửa một doanh nghiệp.  Một hợp đồng xây dựng.  Một công việc béo bở cho người thân. Giấy miễn quân dịch hoặc làm lính kiểng văn phòng, không ra đơn vị tác chiến. Một bản án giảm nhẹ cho một tội phạm đã bị tuyên án.’ Kỳ hủy hoại tiếng tăm mình trong mắt đội quân báo chí Sài Gòn, và của thính giả toàn cầu,  bằng cách hơn một lần đưa ra lời khen tặng dành cho nhà cai trị Đệ Tam Đế chế Đức, như trong cuộc phỏng vấn 1966 với một thông tín viên Đức, ông nói: ‘Tôi khâm phục Hitler vì ông lôi kéo được đất nước đoàn kết sau lưng ông khi nó đang trong tình trạng khủng hoảng vào đầu thập niên 1930. Tình hình chúng tôi ở Việt Nam tuyệt vọng đến nỗi phải cần đến 4 hoặc 5 Hitler.’ Bộ chính trị Hà Nội cũng tôn sùng  và xem là gương mẫu Stalin và Mao Trạch Đông,  những sát thủ tập thể siêu đẳng khác của thế kỷ 20, nhưng trong thập niên 1960 không người nào gây khiếp sợ cho dân cấp tiến Tây phương nhiều cho bằng Hitler.

Vị thủ tướng càng chịu tai tiếng hơn nữa khi xử lý vụ một thương gia người Việt gốc Hoa 35 tuổi tên Tạ Vinh. Bước đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của Kỳ là kết án Vinh tội biển thủ, tích trữ,  đầu cơ và đưa hối lộ.  Một bản án tử hình làm gương được thi hành vào bình minh ngày 14 tháng 3 năm 1966 tại Chợ Trung Tâm Sài Gòn trước một đội hành quyết gồm 10 người lính dù, trước sự chứng kiến của đám đông dân chúng kể cả người vợ kêu khóc và 7 trong số 8 đứa con. Các tay súng làm hỏng việc khiến cho viên sĩ quan chỉ huy phải rút súng lục kết thúc bằng phát súng ân huệ người thương gia phạm tội.  Không ai nghi ngờ tội lỗi của y, nhưng hình như bất công ghê gớm khi xử chết y vì các tội phạm trong khi hàng ngàn người Việt giàu có khác không bị trừng trị. Người cộng sản sát hại nhiều người  còn dã man hơn, nhưng thận trọng không mời TV của thế giới đến quay hình. Hành động can thiệp vụng về nhẫn tâm của Kỳ khiến cho tư thế của ông ở nước ngoài, vốn không cao, càng bị đánh giá thấp hơn nửa. 

Vào tháng 2 Tổng thống Johnson gặp Kỳ và Thiệu tại Honolulu, tại đó ông nghiêm khắc cảnh báo họ về nhu cầu phải xây dựng các biện pháp vun đắp tình cảm của nhân dân. Chẳng hạn, ước tính có hai triệu dân chúng Miền Nam đã bỏ nhà cửa tản cư. Johnson bảo rằng vấn đề tị nạn cũng ‘nóng bỏng như khẩu súng trong xứ sở các ngài. Các ngài chắc không muốn tôi giơ cờ trắng đầu hàng,  vì thế chúng ta phải lo việc đó. Ông nói thêm rằng nếu họ đọc báo New York Times và bản ghi phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện gần đây nhất họ sẽ hiểu áp lực đối với Nhà Trắng là phải đưa ra chứng cứ về tình hình tốt đẹp hơn ở Sài Gòn. Max Taylor đã vừa bảo với uỷ ban, chủ trì là Fulbright, rằng kỳ vọng sẽ đạt được đủ thắng lợi quân sự để buộc kẻ thù chấp nhận một Việt Nam phi cộng sản độc lập.  Dean Rusk nói: ‘Sự cứng rắn là thiết yếu cho hoà bình.’ Tuy nhiên,  George Kennan nhận được nhiều tràng pháo tay hơn hai người kia khi ông bảo với uỷ ban rằng chúng ta ‘sẽ tranh thủ được sự tôn trọng lớn hơn của công luận thế giới bằng sự thanh toán quyết tâm và dũng cảm các vị trí bất hảo’.

It người Việt nào, và chắc chắn là không có Kỳ trong đó, nắm rõ cách thức nhà nước Hoa Kỳ hoạt động.  Thủ tướng hiếm khi đọc báo Mỹ và sau này viết trong hồi ký: ‘Nếu người Mỹ, đến xứ sở tôi có đến cả triệu, không bao giờ thiết đến việc tìm hiểu Việt Nam,  thế thì dân tộc tôi  … cũng không thiết tìm hiểu nước Mỹ. .. Tôi đã không biết đánh giá đúng sức mạnh của truyền thông Mỹ trong việc định hình công luận   … Tôi chỉ nghĩ Mỹ là Tổng thống Johnson và các đại sứ của ông, rằng khi chúng tôi nói chuyện đến quốc hội,  bộ trưởng trong nội các và các tướng cao cấp, là chúng tôi đang nói chuyện với nước Mỹ. Chúng tôi sai một trăm phần trăm.’ Ông ân hận đã không để tâm nhiều hơn đến việc tranh thủ công luận Mỹ. Với cá tính của ông và bản chất của chế độ, thật khó biết ông làm thế nào để đạt được mục đích này đây.

Tinh thần bài ngoại và ngây thơ của tướng lĩnh Sài Gòn giờ đẩy nhanh một khủng hoảng mới.  Thậm chí khi người Mỹ tiêu tốn lượng tài nguyên chưa từng có tiền lệ để chiến thắng cuộc chiến,  các thân chủ Việt Nam bắt đầu một trận đua xe của riêng mình trên khắp xa lộ. Trải nghiệm ngồi tại bàn hội thảo Honolulu đối diện với tổng thống Hoa Kỳ thuyết phục với Kỳ rằng mình phải bắt đầu sử dụng quyền hành của mình. Nước cờ đầu tiên của ông là cách chức Tư lệnh Quân đoàn I Tướng Nguyễn Chánh Thi, người cai trị các tỉnh phía bắc như một lãnh chúa, đóng đô ở Huế.

Cố đô nằm ven dòng sông Hương  là thành phố Miền Nam quan trọng cuối cùng còn giữ nét đẹp truyền thống: quang đãng và thanh bình, rất hiếm bị Mỹ hóa. Phụ nữ Huế được coi là những đầu bếp điêu luyện nhất xứ. Các sinh viên hay thơ thẩn đọc sách tại Cổng Ngọ Môn và bên bờ các ao sen.

Các bích họa bí ẩn được vẽ nguệch ngoạc trên tường thành cổ: ‘Liberté, qu’est-ce que c’est?’ ‘Amour?’ (Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tự Do đó là gì? ‘Tình yéu chăng?) Trong câu lạc bộ thuộc địa cổ với hồ bơi gần như trống đến phân nửa,  bụi phủ một lớp dày trên cây đàn dương cầm, và trên các tờ báo cũ Le Monde và France Soir. Thành phố cũng huênh hoang là nằm dưới sư khống chế của Phật giáo. Thi thuyết phục với các nhà sư rằng lợi ích của mình và lợi ích của họ là một. Vào ngày 12 tháng 3 các cuộc biểu tình chống việc cách chức Thi bùng nổ, và chẳng bao lâu lôi kéo sinh viên tham gia, lan đến Đà Nẵng và Sài Gòn, rồi leo thang thành các cuộc đình công trong giới công nhân. Một truyền đơn do Nhóm Phật tử Đấu tranh rải đi tuyên bố: ‘Chúng ta bị hai tầng áp bức  – cộng sản và Hoa Kỳ.  Chúng ta phải giành lại quyền tự quyết dân tộc.’

 Với tất cả kỳ vọng muốn cai trị của Kỳ, ông chỉ là người hiện hình duy nhất trong một uỷ ban các chúa tể.  Đối mặt với hỗn loạn ở phía bắc, ông hoảng kinh. Đại sứ Lodge thất vọng viết cho London Johnson: ‘Hầu hết những điều Kỳ nói xảy ra muộn một tuần. Cũng vậy, người ta luôn tự hỏi liệu có khi nào một người Việt nói ra điều gì đó sáng suốt và trung thực hay không, liệu  y có thể làm gì về việc đó hay không.’ Tuy vậy vị thủ tướng thuyết phục với người Mỹ là các Phật tử đang tiếp tay cho cộng sản; rằng phía bắc sắp ly khai. Tham mưu trưởng Quân đoàn II trước đây đã bảo với MACV rằng ‘quân đội đang bị lật đổ một cách có hệ thống bởi các tuyên úy Phật giáo; họ đã rỉ tai với các đơn vị chuẩn bị buông bỏ vũ khí vì chiến tranh chỉ đem lại lợi ích cho người Mỹ’. Lodge cho  Kỳ mượn máy bay để không vận hai tiểu đoàn TQLC Việt Nam đến Đà Nẵng,  một động thái càng làm nổi sóng phong trào chống Mỹ lên cao.

Rồi Kỳ xoa dịu,  hứa hẹn 3 đến 5 tháng nữa sẽ tổ chức bầu cử, sau đó ông sẽ từ chức.

Những bảo đảm này xoa dịu Phật tử một lúc – khiến vị thủ tướng bạo gan chở thêm 1,000 quân đến Đà Nẵng mà không báo cho Tổng thống Thiệu hoặc người Mỹ, và rút lại lời cam kết là sẽ từ chức.  Kỳ mời 13 vị lãnh đạo Phật giáo đến dự một cuộc họp,  tại đó ông bảo là họ sai lầm nếu cho rằng ông sẽ tự cho phép mình bị lật đổ dễ dàng như Diệm. ‘Trước khi tôi để các ông giết tôi, tôi sẽ lấy làm khoái trá tự tay bắn từng người các ông.’ Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra, gần như hoàn toàn chiếm hết sự chú ý của người Mỹ, xao nhãng các cuộc hành quân chống cộng, còn kẻ địch giờ đang là khán giả thích thú của vở tuồng tranh chấp dân sự.

Chính quyền Hoa Kỳ nghiễm nhiên thấy mình có quyền nhúng tay vào việc bố trí nhân sự trong chính quyền Miền Nam.  Vào ngày 14 tháng 5 Averell Harriman kể lại cuộc đối thoại với McNamara: ‘Tôi hỏi ông ta tại sao chúng ta không bắt hội đồng quân nhân (Sài Gòn) dựng lên người khác làm thủ tướng.’ McNamara trả lời hành động này tốt nhất là nên hoãn lại cho đến khi Việt Nam bầu cử xong quốc hội vào tháng 9. Ngày hôm đó Kỳ cho binh sĩ đổ bộ lên Đà Nẵng, và 14 người bất đồng chính kiến bị bắn chết trong cuộc đấu súng trọn ngày.  Rồi thủ tướng phái đến Huế trùm cảnh sát nổi tiếng tàn độc Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan phục hồi quyền kiểm soát chính quyền các tỉnh phía bắc, giết hàng trăm người hậu thuẫn Thi, một số những người này bị lôi kéo ra từ chốn ẩn nấp trong chùa chiền. Tám nhà sư và ni sư tiến hành việc tự thiêu nơi công cộng, với một cải tiến mới: các bạn đồng tu đổ dầu bạc hà vào ngọn lửa, để mùi thơm của dầu lấn át mùi khét nghẹt của thịt cháy.

Loan thẳng tay đàn áp những phần tử nổi loạn còn lại, bỏ tù vài trăm người không chịu thỏa hiệp. Ông đè bẹp phe Phật tử, với một cái giá cao cho thế đứng Miền Nam giờ như tơ mành. James Reston viết trên tờ New York Times rằng xứ sở này đã trở thành ‘một mớ bòng bong những cá nhân, vùng miền, tôn giáo,  và phe phái đấu đá nhau, một nhóm đơn lẻ các tướng lĩnh thống trị, đại diện cho các vùng miền khác nhau, một quân đội không có một quốc gia chủ trì, một dân tộc đã bị xâu xé vì chiến tranh và bị áp bức và bóc lột  … hàng thế hệ.’ Thủ tướng Kỳ phong cho Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh sư đoàn bất tài của Sư đoàn 2 lên làm Tư lệnh Quân đoàn I thế tướng Thi. Lãm giữ chức vụ chỉ huy Sư đoàn 2 nhiều năm trời,  mặc dù cứ thua hết trận này đến trận khác, nhờ ông sở hữu phẩm chất duy nhất đáng kể – lòng trung thành với chế độ. Từ Washington Tướng Earle Wheeler cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn của Sài Gòn đang nuôi dưỡng cơn sốt phản chiến. ‘Ta không thể hy vọng người Mỹ chịu đựng vô hạn tình hình tiếp tục suy sụp này.  . . Tôi nghĩ là đã có thể cảm thấy những làn gió mới chớm của cơn lốc xoáy.’ Chính quyền Mỹ đã ‘mất không thể cứu vẫn được một bộ phận công dân  của mình … Nhiều người không tin tưởng các nỗ lực và hi sinh còn xứng đáng được bỏ ra.’ Các Tham mưu trưởng giờ đang yêu cầu cần nửa triệu quân ở Việt Nam,  còn Westmoreland muốn 700 ngàn người.

Việt Cộng tuyên bố tháng 6 1966 là ‘Tháng Căm Thù Mỹ’. Điều này thúc giục các nhân viên sứ quán cao cấp  ở Sài Gòn tổ chức một đêm nhạc dân gian, trong đó họ mời cả Phạm Duy, một nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng đã từng theo Việt Minh,  nhưng đã ly khai vì bất mãn trước sự áp bức văn hoá của tổ chức. Người Mỹ, dẫn đầu là Henry Cabot Lodge và Ed Lansdale, cùng hát bài ‘Whiffenpoof Song’ và ‘Wounded Soldier’, tiếp theo là bài hit 1965 của Phạm Duy ‘Giọt Mưa Trên Lá’. Người nhạc sĩ Việt, mặc quần áo đen nông dân, đọc bài thơ ‘Mẹ Việt Nam’, rồi hát ba bài hát thời Việt Minh, ‘Du Kích Quân’, ‘Mùa Đông Chiến Sĩ’ và ‘Gánh Gạo Nuôi Quân’

 

Cuối cùng, ông nói mình xúc động biết bao khi nghe bài hát chủ đề của phong trào Nhân Quyền (của Mỹ) ‘Chúng Ta Sẽ Vượt Qua’. Duy, mà tác phẩm của ông vẫn bị cộng sản cấm trình diễn mãi đến năm 2000, rất bực mình khi chẳng bao lâu khúc ballad Mỹ ông yêu thích bị phong trào phản chiến cướp lấy.

Cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức vào tháng 9, với hạn chế quan trọng là các ứng cử duy nhất được phép đứng ra đều phải là  những người được Kỳ chấp nhận.  Điều ngạc nhiên thật lớn lao sau đó là việc  Nguyễn Văn Thiệu sử dụng quyền hành ngày một tăng. Người ta nói rằng  vợ Thiệu đã thúc ép và xúi giục ông chồng lầm lỳ hãy tiến lên, giống như nhiều phụ nhân Việt Nam tham vọng, kinh khủng thúc ép chồng mình. Khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức  vào năm sau, để thể chế hóa một hiến Pháp mới gần như soạn thảo ở Washington,  Kỳ đồng ý chỉ đứng liên danh với vai trò phó tổng thống, vì tin vào một thỏa thuận riêng giữa giới quân sự chóp bu, bảo đảm mình được phép duy trì quyền hành. Thay vào đó,  ông thấy mình bị gạt ra bên lề: đối thủ của ông cai trị Miền Nam cho đến khi Miền Nam sụp đổ. Một thiểu số quan trọng có thể bỏ phiếu chống phe quân sự bằng cách dồn phiếu cho các ứng cử viên của riêng họ, một luật sư không có sức thu hút  bị đưa vào tù.

.

Các chính trị gia Mỹ lên tiếng đòi hỏi càng khẩn thiết tại sao Hoa Kỳ lại hậu thuẫn cho các chính quyền Sài Gòn chỉ gồm các tướng lĩnh chuyên quyền, nhưng CIA trả lời rằng không có ai khác: ‘Họ có học, có kỷ luật,  và có tài năng nhất trong số tầng lớp ưu tú.’

Điều này không có gì ngạc nhiên, vì chiến tranh đã từng là hoạt động chính của xã hội họ từ 1945. Vì vậy sự thống trị của Kỳ và Thiệu đúng là không thể hướng Miền Nam thành một nước dân chủ. Một tướng lĩnh Miền Nam rất lâu sau này viết về sự không xứng đôi giữa Hoa Kỳ và thân chủ Miền Nam của mình: ‘Người Mỹ thì tích cực, nóng vội và duy lý. Còn người Việt Nam thì ù lỳ, nhẫn nại  và tình cảm.’ Dân chủ là một điều gì đó còn mới mẻ,  chưa quen, ông tướng này nói, và những thỏa hiệp không mấy dễ dàng theo đó người dân được hưởng nhiều quyền tự do, nhất là quyền tự do ngôn luận, khiến cho chế độ Sài Gòn thành một thế giới tồi tệ nhất trong mọi thế giới. Nó đủ áp bức để bị quốc tế chỉ trích,  đồng thời quá phóng khoáng để có thể kiểm soát dân chúng một cách hiệu quả.

Vào tháng 10 1966, Lyndon Johnson trở thành tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ viếng thăm Việt Nam ngắn ngủi, tại đó ông cổ vũ binh sĩ ở Vịnh Cam Ranh ‘hãy đóng đinh treo bộ da gấu trúc Mỹ lên tường’. Robert Komer nói, ‘Chúng tôi bắt đầu “đánh thắng” cuộc chiến.’ Đường cong xu hướng coi bộ tốt. Robert McNamara vẫn duy trì được thế đứng công luận đầy lạc quan không hề thuyên giảm, mặc dù ở chốn riêng tư giờ ông thú nhận bị ám ảnh bởi hoài nghi và lo sợ. Kết quả của những biến động chính trị 1966-67 ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và thành phố khác là chế độ Thiệu-Kỳ đạt được tính ổn định kéo dài cho đến 1975, với cái giá là họ bị người Việt với mọi sắc thái chính trị khinh miệt: tay sai của ngoại bang. Tương đối ít dân quê thấy mình được phép đi bầu trong các kỳ bầu cử địa phương 1967 công khai gian lận.

Nếu không có hoạt động chính trị nào khác có ý nghĩa hơn,  thế thì không có nhiều điểm đáng tự hào nào trong nhà nước này xứng đáng cho hàng ngàn người phải chết để gìn giữ. Cái hạnh phúc mà không nhà lãnh đạo Miền Nam nào có khả năng được nhân dân ban tặng là lòng tự trọng. Cuối năm 1967 Thiệu chuyển vào dinh tổng thống ở Sài Gòn. Ông phát cáu khi Kỳ cứ đáp trực thăng trên mái dinh ngay trên phòng ngủ của ông, vào những giờ giấc khiếm nhax. Tuy nhiên, ông giao bà xả việc phàn nàn và cố sống chung không mấy hòa thuận với chàng phi công. Neil Sheehan nói: ‘Thiệu biết cách chơi trò. Mặc dù ông là kẻ lừa đảo trắng trợn, nhưng ông không hề biến mình là mối đe dọa đối với Mỹ. Người Mỹ sẽ tha thứ giới lãnh đạo tồi tệ của Miền Nam miễn là họ không đe dọa các mục tiêu của mình.’ Khi Dương Vân Mai  trở thành một chuyên viên nghiên cứu cho RAND,  phỏng vấn các tù binh Việt Cộng,  mặc dù là người chống cộng kiên định  cô đâm ra suy ngẫm lý do tại sao chế độ Sài Gòn không có khả năng vận động nhân dân như người cộng sản, xây dựng được niềm tin vào một ‘chính nghĩa’. Cô viết: ‘Dần dần tôi chợt ngộ ra rằng  … chúng tôi đang thua cuộc vì lỗi của chính chúng tôi,  vì chúng tôi không thể xây dựng được một hệ thống,  một ý thức hệ,  và một giới lãnh đạo có thể rèn đúc cho nhân dân thấm nhuần các phẩm chất này, để cổ vũ họ, tập kết họ.’ Người Mỹ ra sức cung cấp phương tiện  quá hậu hĩ cho các cơ quan chính quyền, nhưng lại ban tặng rất ít thứ nuôi dưỡng tâm hồn Miền Nam. 

3 Các Quân Sư

Khi trận chiến gia tăng cường độ, các giải pháp đề xuất để giành thắng lợi cũng gia tăng,  hầu hết đều là không tưởng.  Trong số các lựa chọn chiến tranh tâm lý được xem xét là Chiến dịch Shotgun Tháng 5 1966. Việc này cần đến một loạt các đòn nhử xâm nhập lên bờ vào các bãi biển Miền Bắc,  để thuyết phục với Hà Nội rằng một cuộc xâm lược lược của Mỹ đang đến gần.

Earle Wheeler phân vân: nếu người ta tin mình bị đe dọa, ông nói, công luận thế giới sẽ  khiếp đảm, tạo ra ‘chất liệu tuyên truyền tuyệt hảo ‘ cho kẻ thù. Ngược lại,  nếu mọi người được báo là triển vọng xâm lược sẽ không bao giờ hiện thực, Hoa Kỳ sẽ trông rất đáng thương.  Sự tưởng tượng bay bổng của tướng Westmoreland bao gồm một chương trình đô thị hóa cưỡng chế,  dồn hết nông dân vào khu định cư trong thành phố và do đó tách họ ra khỏi Việt Cộng,  một quan điểm cũng được  Bob Komer tán đồng. Trong khi đó bộ trưởng quốc phòng chủ trương một đề xuất của nhà khoa học Harvard Giáo sư Roger Fisher, được hỗ trợ tiếp theo bởi  phân khu JASON của Viện Phân tích Quốc phòng, cho một dự án hàng rào điện tử và thuốc nổ để ngăn chặn DMZ (Vùng Phi Quân Sự) và Đường Mòn Hồ Chí Minh khỏi Miền Nam. ‘Hàng rào McNamara’ cần phải bỏ từ trên máy bay xuống 240 triệu mìn Sỏi, 300 triệu bom nút do công ty Piccatinny Arsenal sản xuất,  và 120,000 bom chùm Sadeye, 19,200 cảm biến âm thanh,  cùng với việc triển khai hơn 100 máy bay với chi phí hàng năm 800 triệu đô. Các yếu tố của kế hoạch được thực hiện – một số lớn các máy cảm biến đã được thả xuống quanh Đường Mòn, và bị bỏ bom khi chuyển động được phát hiện. Tuy nhiên,  sách lược rộng lớn hơn ‘Barrier’ (Chướng ngại vật) bị bãi bỏ, đối mặt với sự nhạo báng thậm chí tại MACV.  Dự án rút cục được xem như là một thể hiện ngoạn mục  của sự rồ dại lan tràn trong giới hoạch định chính sách chiến tranh. 

Nhiều học thuyết xa xỉ liên quan đến việc không kích được sử dụng ở Việt Nam, Lào và sau này Cao Miên với cường độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh. Đại tá An của Quân đội Nhân dân buồn rầu viết: ‘Nếu lá cây thình lình khô héo, nếu nước trong dòng suối đục lên, nếu một con đường xuất hiện tại nơi mà hôm qua chụp ảnh không thấy , thì thế nào kẻ địch cũng sẽ dội bom và pháo kích tại địa điểm đó.’

Những người tham gia và theo dõi nhạy cảm không giấu được nỗi kinh sợ  – đúng ra là ghê tởm  – trước tác động của việc pháo kích bừa bãi lên dân thường. Vào ngày 1 tháng 7 1966, chẳng hạn,  các quả bom của Không lực Hoa Kỳ rơi trúng một ngôi làng được cho là bạn, giết chết 7 người  và làm bị thương 51 người. Vào ngày 9 tháng 8 các chiến đấu cơ F-100 gieo tang tóc xuống một cộng đồng nơi vùng châu thổ, giết chết 63 dân thường và làm bị thương 83 người.  Đây chỉ là các ví dụ sờ sờ của tai họa xảy ra như cơm bữa. Cố vấn Mike Sutton buồn bã nói: ‘Chúng ta giết thật nhiều người không có dính líu gì đến cuộc chiến.  Ở Mỹ Tho,  David Elliott đồng tính: ‘Sự nhẫn tâm của Việt Cộng mang tính cá nhân, còn sự hủy diệt của người Mỹ là thuộc chính sách.’

Thông tín viên Neil Sheehan hỏi Westmoreland liệu ông có bức xúc trước thương vong mà hỏa lực bạn  gây ra cho dân chúng. Vị tướng trả lời: ‘Vâng, Neil, đó là một vấn đề, nhưng nó cũng không cho kẻ địch giành được dân chúng,  có phải không?’

Các chỉ huy không lực tranh thủ sự hậu thuẫn của một guru (quân sư) lập luận rằng thứ nhất dội bom có phát huy tác dụng,  và thứ hai – ồ, nghe quá xoa dịu đúng với phong cách ru ngủ của họ  – các nạn nhân thường không đổ lỗi cho người Mỹ. Nhà nghiên cứu của tập đoàn RAND Leon Goure đóng một vai trò có ảnh hưởng và nói thẳng là tàn độc trong việc phát triển sách lược ném bom. Trở lại tháng 8 1964, sau một chuyến điền dã kéo dài một tháng đến Việt Nam,  ông bảo với Không lực Hoa Kỳ rằng nghiên cứu đáng trân trọng trọng của các đồng nghiệp RAND của ông về động lực và tinh thần chiến đấu của Việt Cộng là mang tính chủ bại. Ông hứa với không lực một quan điểm phấn khởi hơn về tất cả những điều tốt đẹp mà bom có thể đóng góp cho nỗ lực chiến tranh. 

Gouré ra đời tại Moscow vào năm 1922, con của một nhà cách mạng Men-sơ-vic sớm buộc phải đào thoát sang Berlin. Ông chuyển đến Paris khi tuổi lên mười, rồi đến năm 1940, là người Do Thái, ông may mắn thoát được đến Mỹ trong đường tơ kẽ tóc. Sau khi phục vụ trong quân ngũ ông trở thành một viện sĩ,  một Chiến binh Lạnh với mối ghê tởm không hề nguôi đối với người cộng sản, rồi làm nhà phân tích cho RAND. Không như hầu hết các đồng nghiệp  ông sung sướng chuyển đến Sài Gòn,  được không lực tài trợ 100,000 đô. Ông có nhiệm vụ tiến hành một nghiên cứu mới, mở rộng về Động lực và Tinh thần Chiến đấu của Việt Cộng.  . Ông bắt tay vào việc từ tháng 12 1964. Những gì tiếp theo trở thành một ca đáng nghiên cứu về tiến trình bóp méo các nghiên cứu học thuật  để phục vụ cho cứu cánh bè phái, và đóng góp vào hành động sát hại nhiều ngàn người dân Việt.

Gouré phân loại các vũ khí tịch thu được trong chốn ẩn nấp của địch  – súng máy Tiệp Khắc, pháo của Nga,  dàn phóng tên lửa của Romania,  súng phóng lửa Đông Đức  – và đưa ra câu hỏi,  Có thể nào Việt Cộng lại không thuộc một âm mưu công kích toàn cầu của cộng sản được? Một khi đã yên vị tại một biệt thự của RAND ở 175 Đường Pasteur Sài Gòn,  ông chịu khó tay bắt mặt mừng với mọi vị khách quan trọng đến thành phố, và bóp nghẹt mọi bất đồng của các đồng nghiệp.  Thông điệp của ông, vì nó mà ông bỏ ra hơn hai năm sau đó lôi kéo không mệt mỏi, là rằng mọi hạn chế sử dụng không lực nên được dỡ bỏ. Lưu ý rằng kẻ thù sợ máy bay nhiều hơn bất kì hệ thống vũ khí nào khác của Hoa Kỳ,  ông thúc giục vì vậy thật hợp lý để tối đa hóa việc sử dụng chúng. Bom có thể bắt các làng mạc không hợp tác khuất phục, cưỡng chế dân cư rời bỏ nhũng vùng do cộng sản kiểm soát đến nơi định cư mới ‘tại đó họ có thể được sàng lọc và quản lý hiệu quả hơn ‘. Logic của Gouré chắc chắn là vô nhân đạo, đến mức điên cuồng, và các đồng nghiệp trẻ của ông nghi ngờ và ghê tởm.  Nhưng các lãnh đạo của RAND quyết định tập đoàn phải đạt được thế đứng thăng hoa từ chỗ quen biết và đường đi nước bước vào tận Washington, của nhân viên này của họ

Trong một chuyến trở lại Sài Gòn tại Tân Sơn Nhất Gouré gặp được Susan Morrell, mà chồng David của bà đã từng liên hệ mật thiết với cuộc nghiên cứu tinh thần Việt Cộng ngay từ ngày đầu của RAND.  Bà hỏi nhà “hiền triết” ông ta mong đợi đạt được điều gì. ‘Tôi có câu trả lời ngay đây rồi, ‘ ông vừa nói vừa vỗ vào xách tay. ‘Khi Không lực chịu chi tiền, câu trả lời luôn là dội bom.’ Tính hợm hĩnh và tham vọng của ông chỉ có thể sánh được với sự thiếu quan tâm đáng hổ thẹn đối với Việt Nam. Vào tháng 3 1965 ông soạn một báo cáo tạm thời đầu tiên, lên giọng tuyên bố sức mạnh Mỹ đang tạo nên điều thần kỳ,  và tung thêm sức mạnh sẽ đạt thêm nhiều thần kỳ.  Ông kết luận rằng trong khi một vài tháng trước 65 phần trăm các đào binh Việt Cộng đã tin rằng cộng sản đang thắng thế, sau một năm hứng chịu sức mạnh hỏa lực của pháo và bom Hoa Kỳ,  tỷ số lạc quan của địch đã giảm chỉ còn 20 phần trăm.

Ông không nhận thấy có các tác dụng tiêu cực đối với công luận, và cho rằng chất lượng địch đang giảm sút, số đào binh tăng lên. Ông thúc giục tăng cường hủy diệt mùa màng, để làm địch chết đói. Các thông tín viên như Neil Sheehan bác bỏ lập luận của Gouré cho ông là một tên kép hát của Chiến tranh Lạnh, ve vãn các diều hâu bằng các giọng điệu họ thích nghe. Những kẻ ngưỡng mộ nhân vật RAND dù sao cũng có những người đưa ra quyết định: Ngũ Giác Đài và Nhà Trắng đón nhận ông với cánh tay mở rộng. Walt Rostow cho là ông thật khủng khiếp. McNamara,  sau một trình bày ngắn ngủi nhưng trôi chảy xuất sắc, hỏi kích cỡ ngân sách của dự án ông.  Khi được đáp là 100,000 đô la, vị bộ trưởng quốc phòng hỏi,  ‘Thế với 1 triệu đô ông làm được gì?’ Điều gì đó to tát hơn, nhân vật RAND trả lời. ”Vậy là ông nhận được rồi đó,’ McNamara nói.

Sau đó  Gouré nhảy từ bục nói này đến bục nói khác, tận hưởng tiếng tăm của mình. Khi một đồng nghiệp lên tiếng chống đối phương pháp luận và các kết luận của ông, Gouré kéo ông ta sang một bên, nói, ‘Ồ, tôi đã bàn với Bob McNamara hôm qua  … và tôi đã nói với ông ta các cuộc dội bom bằng B-52 thực sự hiệu quả  … và nếu chúng ta có thể thực hiện với độ chính xác hơn thì chúng ta không phải bỏ bom quá nhiều làng mạc, chúng ta có thể hủy diệt hậu cần của họ và không cho dân chúng yểm trợ họ.’ Suốt năm 1966, Gouré vẫn duy trì một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng. Đội của ông cuối cùng soạn ra khoảng 35,000 trang chép lại và biên dịch các cuộc phỏng vấn với tù binh và đào binh, mặc dù mãi về sau này thậm chí Westmoreland đâm ra nghi vấn về tính lạc quan của các kết luận rút ra từ đống tài liệu.  Một cuộc duyệt xét các tìm tòi của Gouré do Konrad Kellen, một người di dân Do Thái khác làm việc cho RAND,  tiến hành, kết luận rằng chúng bị sai sót từ nền tảng, bắt nguồn từ một thế giới quan Chiến Tranh Lạnh và cố tình đọc sai các dữ kiện.

Leon Gouré không thể chịu trách nhiệm cho việc sử dụng không lực ồ ạt phung phí của Hoa Kỳ,  nhưng ông ta sử dụng tính cách đáng tôn quý của trí thức làm lá sung che đậy các chính sách mà bộ máy hành pháp của Johnson và nhiều tướng lĩnh dù sao cũng tán thành.  Ông ta cung cấp một sự xác minh sống động về sự lo lắng của Michael Howard cho tình trạng RAND tách rời ‘tính cọ xát, bất ngờ, tính bất khả tiên liệu,  tất cả những thứ thực sự quan trọng’ trong việc tìm hiểu chiến tranh. Một sử gia Không lực có thẩm quyền đã viết rằng Tư lệnh Không lực 7, Trung tướng  William Momyer, rốt cục trở nên hãi hùng trước  khối lượng bom khổng lồ mà các B-52 thả xuống rừng rậm Miền Nam mà không có nhiều chứng cứ cho thấy có hiệu quả vật chất đối với kẻ địch,  tuy về mặt tâm lý thì gây phiền toái. Khi Harry Rowen trở thành chủ tịch RAND  vào năm 1967 ông thuyên chuyển Gouré, xác nhận công trình của ông gây ‘tổn hại cho đất nước ‘, cũng như cho tập đoàn. Nhà truyền giáo về sức mạnh không lực này sau đó sống lưu vong ở  Đà Nẵng để nghiên cứu sự xâm nhập của địch quân, rồi cuối cùng bị đuổi việc. 

Thật đáng chú ý khi đối chiếu mức nhiệt tình mà phần đông giới quân sự đón nhận các khám phá của Gouré với sự đáp ứng tẻ nhạt mà các nhà nghiên cứu Viện Santa Monica cảm nhận khi họ trình bày dữ liệu gây ngờ vực vào chiến lược và chiến thuật. Chẳng hạn,  một báo cáo  lập luận rằng sự hủy diệt mùa màng bằng chất hoá học làm hại ít cho địch, trong khi gây vô vàn sầu khổ cho nông dân, bị bác bỏ thẳng tay.  Khi tác giả của nó đến thăm MACV hy vọng được dịp trình bày cho các sĩ quan cao cấp,  ông liền bị gửi về mà không được nhắc đến. Bruce Griggs, cố vấn khoa học của vị tướng, khinh miệt nói, ‘Đây là thứ rác rưởi, ‘ và ở Washington  các Tham mưu trưởng Liên quân nhất trí. 

Ngày 31 tháng 12 1966 đã có 385,000 người Mỹ ở Việt Nam,  và Robert McNamara thông báo sẽ có thêm nhiều người đang tới. Tướng hồi hưu John Waters cho đăng một bài viết trên tờ US News and World Report nói lên quan điểm và nỗi bức xúc của nhiều đồng nghiệp đang phục vụ.  Bài viết có tựa đề ‘LÀM THẾ NÀO HOA KỲ CÓ THỂ ĐÁNH THẮNG’, và thúc giục dấn sâu mạnh mẽ vào Lào và Cao Miên.  ‘Nên phát biểu đơn giản, rõ ràng và với một thái độ nghiêm túc rằng chúng ta sẽ không tha thứ cho bất kì cuộc can thiệp nào của Trung Quốc,  Lào và Cao Miên … Hoa Kỳ phải chọn lựa con đường đúng đắn cứng rắn hơn thay vì sự thỏa hiệp dễ dãi hơn. Chúng ta phải … đặt tương lai ngay ngắn trên con đường  … Đến phút cuối nó sẽ tiết kiệm được xương máu,  tiền của  và vật liệu.  Nó sẽ hoàn thành sứ mạng của Hoa Kỳ với danh dự,  với quyết tâm,  và tranh thủ được sự quý trọng và kính trọng của thế giới tự do. ‘

Có thể là như thế. Nhưng mặc dù chiến phí trong năm 1966 đã dự thảo ngân sách là 2 tỷ đô, hoá đơn cuối cùng lên đến 15 tỷ, và sẽ dâng cao trong năm tới đến 17 tỷ – khoảng 3 phần trăm GNP Hoa Kỳ.  Trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Johnson đọc vào tháng giêng 1967, ông thông báo 6 phần trăm thu nhập và thuế tập đoàn gia tăng được dành để tài trợ cho Việt Nam. Bản thân ông vẫn còn e ngại không ngừng về việc  ‘các chí nguyện quân’ Trung Quốc, mà một triệu đã chiến đấu ở Triều Tiên, sẽ sớm xuất hiện bên cạnh Quân đội Nhân dân. Ông bị sốc khi Thượng Nghị sĩ Robert F. Kennedy hùng hồn tuyên bố mình không còn tin cuộc chiến này có thể thắng được. Sau đó Johnson đâm ra nghi ngờ một cách bệnh hoạn là Kennedy,  một bạn thân của McNamara, đã mua chuộc bộ trưởng quốc phòng của mình.

Sau 28 tháng ở Việt Nam,  Tướng Westmoreland bảo với một phóng viên tạp chí Life: ‘Chúng tôi sẽ đánh du kích hay hơn bọn du kích và phục kích giỏi hơn bọn phục kích.  Và chúng tôi đang học tốt hơn kẻ địch vì chúng ta thông minh hơn,  chúng ta cơ động hơn  và có hỏa lực mạnh hơn,  chúng ta bền bỉ hơn và biết chiến đấu vì điều gì.  … Và chúng ta gan dạ hơn.’ Hoa Kỳ,  ông nói,  giờ đang tiến hành một cuộc chiến tiêu hao, trong đó hơn 6,000 lính Mỹ đã hy sinh  trong năm 1966. Ông không ngừng tin tưởng rằng đã đến lúc đưa ra mọi bước đi cần thiết để cắt đứt Đường Mòn Hồ Chí Minh.

Ở Hà Nội,  tuy nhiên,  thủ tướng Phạm Văn Đồng lịch sự hỏi Harrison Salisbury của tờ the New York Times: ‘Người Mỹ các ông định đánh đến bao lâu nữa, thưa ông Salisbury? … Một năm? Hai năm? Ba năm? Năm năm? Mười năm? Hai.mươi năm? Chúng tôi sẽ hân hạnh chìu theo ý ông?’

.Gặp Gỡ Phạm Văn Đồng-Salisbury

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s