Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 9

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 9 : VÀO VỊNH

1 Những Lời Dối Trá

Luôn là vấn đề gây tranh cãi liệu Lyndon Johnson có nhắm tìm một cơ hội để biểu dương sự mạnh mẽ của mình trước khi dân chúng Mỹ đi bầu vào tháng 11 1964, hay vụ khủng hoảng như một quả bóng tình cờ bị đẩy về phía ông.  Vào tháng 8, hai tuần trước Hội nghị toàn quốc Đảng Dân chủ, cuộc chiến ở Đông Nam Á rẽ qua một bước ngoặt mới. Từ tháng giêng người Mỹ đã tiến hành các sứ mạng lén lút xâm nhập Miền Bắc  với mật danh che đậy OPLAN34-A. Chúng được thiết kế để làm Hà Nội mất ổn định qua việc thả dù các đặc vụ và biệt kích đánh phá Miền Bắc. Ngoài việc có thể bị phán xét là nguyên nhân gây ra chiến tranh mở rộng, OPLAN34-A đã  hy sinh mạng sống hoặc tự do của khoảng vài trăm người, không vì mục đích nào. Từ năm 1961 tình báo cộng sản đã chơi  ‘trò vô tuyến’ với các chỉ huy hành quân bán quân sự của Mỹ, sử dụng các binh sĩ truyền tin ‘đã giác ngộ cách mạng từ các nhóm đặc vụ bị bắt. Việc này, phối hợp với sự xâm nhập các điệp viên nhị trùng vào Miền Nam, bảo đảm mỗi vụ bắt được dọn đường cho vụ bắt được tiếp theo. Trong năm 1963 có 80 nhóm xâm nhập Miền Bắc bằng nhảy dù hoặc thuyền nhỏ. Gilbert Layton thuộc CIA nói: ‘Khi tôi bắt đầu tuyển mộ những người Việt, có người hỏi, “Bộ anh không sợ Việt Cộng có thể chui vào hàng ngũ của anh sao?” Tôi nói, “Chúng tôi ước tính khoảng 10 phần trăm, nhưng như vậy chúng tôi áp đảo quân số 9 đến 1.”‘

Bill Colby nhìn nhận thất bại sau khi báo cáo cho biết nó không hiệu quả và xin ngừng lại. Vào mùa xuân 1963 ông trình bày như thế với Robert McNamara, và ông ta không trả lời. Vị bộ trưởng quốc phòng tin rằng hoạt động ngầm có thể duy trì sức ép với Hà Nội,  nếu đặt dưới quyền kiểm soát của MACV và được yểm trợ bởi gân cốt cốt quân sự.  Ông lập luận điều này với  Lyndon Johnson vào tháng 12, và chẳng bao lâu sau đó một loạt OPLAN34-A được phát động. Gần 200 người Miền Nam được huấn luyện nhảy dù, chèo thuyền,  bơi lội vào Miền Bắc. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện cho họ không hoàn hảo: các đặc vụ được giao nhiệm vụ tiến vào các thị trấn, khẩn trương tìm cho ra các linh mục Công giáo, ắt được bảo đảm là có tinh thần chống cộng. Đúng là như vậy,  nhưng nhà thờ lại bị giám sát gắt gao. Một số đặc vụ nhảy dù xuống bị phát hiện bởi vì họ mang giày, thay vì mang dép như mọi người. Một người bị bắt khi mặc quần jean xanh của Mỹ – nhanh chóng bị tịch thu quần bởi người lính bắt được anh. Nhiều người đầu hàng ngay khi chân chạm đất. 

Chính quyền Miền Bắc thỉnh thoảng đưa các đặc vụ Sài Gòn ra xét xử trước dân chúng, trong khi đội hành quyết xử bắn những kẻ xâm nhập kháng cự. Phần đông thành viên OPLAN34-A bị bỏ tù vô thời hạn, mãi đến năm 1995 những người cuối cùng mới được phóng thích.

Nhưng những vụ đột kích vẫn tiếp tục bởi vì một số quân nhân và viên chức, trong số ưu tiên có McNamara, tưởng rằng loại hoạt động này có chi phí thấp, khó bị phát hiện, có thể gây khó khăn cho địch. Các thành viên trên các thuyền tuần tra siêu tốc tiến hành các vụ đột kích ven bờ khoái được làm người hùng  – cùng với tiền công hậu hĩnh do người Mỹ chi trả. Hầu hết các sứ mạng, xuất phát từ Đà Nẵng,  chỉ kéo dài một ít giờ trong đêm tối. Thuyền hoạt động từng cặp, trung bình mỗi tuần một lần, các sĩ quan đặc nhiệm được người Mỹ chỉ dẫn bằng cách sử dụng không ảnh. Hai thuyền đổ các đội đặc nhiệm SEAL, gồm những biệt kích sắc tộc Nùng, bắn phá vào các cơ sở ven bờ biển.  Đôi khi cũng có những vụ đụng độ với pháo thuyền Miền Bắc, một số thuyền này họ giao chiến với pháo 40mm. Không có vụ xâm nhập Miền Bắc nào được ghi chép trung thực – chúng xuất hiện trong nhật ký hải hành có mật danh ‘US liaison’. Thuyền viên Việt ngây ngất vì được lái pháo thuyền 55-hải lý, mà không pháo thuyền cộng sản nào đuổi kịp, và – theo lời một sĩ quan  – ‘Thật sướng khi mang chiến tranh đến cho Miền Bắc,  thay vì chỉ tự vệ thụ động trên lãnh thổ của mình.’

Phe Cộng đã quen với việc đẩy lùi bọn đột kích,  thành ra lực lượng phòng thủ duyên hải luôn trong tư thế cảnh giác cao độ.  Vào ngày 28/7, sau một trận công kích trên đảo Hòn Gió, các tàu tuần tra lớp Swatow do Trung Quốc chế tạo truy đuổi bọn tấn công suốt 45 dặm. Hai ngày sau, nhóm Biệt kích bị đẩy lùi khi toan tính tràn lên một đài ra-đa trên đảo Hòn Me; họ chỉ ria súng máy bắn ngang qua đài. Lực lượng phòng thủ vì vậy tỉnh táo ứng trực ba ngày sau khi khu trục hạm Maddox, đang tiến hành sứ mạng nghe lén điện tử ‘Desoto’ cách các đảo này trong vòng vài dặm, đi vào vùng nước mà Miền Bắc tuyên bố chủ quyền, mặc dù vượt quá giới hạn mà người Mỹ công nhận. Một trong những nhiệm vụ của Maddox là thu nhặt tình báo cho MACV, bao gồm việc ‘xác định hoạt động tuần tra duyên hải của VNDCCH … khiêu khích và ghi chép các phản ứng của Miền Bắc trong hậu thuẫn cho nỗ lực Tình báo Tín hiệu của  Hoa Kỳ.

Vào ngày 1 tháng 8, các nhân viên đánh chận tín hiệu cảnh báo cho Thuyền trưởng Hải quân John Herrick, chỉ huy sứ mạng trên biển, về tin sóng của Miền Bắc cho biết các chỉ huy hải quân của họ đã ‘QUYẾT ĐỊNH ĐÁNH ĐỊCH TỐI NAY ‘, khiến tàu Maddox phải lùi vào vùng nước ít tranh chấp hơn. Sau đó cộng sản ra lệnh cho các thuyền ngư lôi P-4 và tàu Swatow 67 tấn tập trung bên ngoài đảo Hòn Me ngày hôm sau, ngày  2, mà người Mỹ lý giải là địch dự định giao đấu với khu trục hạm Hoa Kỳ. NSA (Cục An ninh Quốc gia) phát cảnh báo khẩn cấp theo hướng nội dung đó đến MACV và các tư lệnh hải quân – mặc dù không đến chính chiếc tàu chiến – vào sáng sớm ngày 2 tháng 8: ‘MỨC ĐỘ PHẢN ỨNG ĐƯỢC GHI NHẬN VỀ PHÍA VNDCCH CŨNG NHƯ SỰ SẴN SÀNG PHẢN CÔNG GHI NHẬN ĐƯỢC CỦA HỌ,  PHẢN ỨNG CỦA VNDCCH ĐỐI VỚI TUẦN TRA DESOTO CÓ THỂ NGHIÊM TRỌNG HƠN TIÊN LIỆU.’ Tiếp theo tin điện này là một thông điệp khẩn cấp từ một đơn vị đánh chặn tín hiệu tại Phú Bài lúc 11:44G (giờ địa phương Vịnh Bắc Việt),  báo cáo bắt được lệnh tấn công của tàu Swatow.  Dù cho xảy ra tất cả chuyện này, khu trục hạm vẫn được phép tiếp tục sứ mạng Desoto gần bờ. Khoảng trưa ngày 2, Maddox bắt gặp 5 pháo thuyền cộng sản bên ngoài Hòn Me,  nhưng vẫn giữ nguyên lộ trình.

 Sĩ quan chỉ huy ứng trực tại Hà Nội chiều đó là Thượng tá Trần Quý Hai,  phó tổng tham mưu trưởng. Các đồng đội sau này xác nhận rằng, khi nhân được điện thoại của bộ chỉ huy hải quân báo cáo có sự hiện diện của tàu Maddox và xin chỉ thị,  ông nói, ‘Cái gì? Họ hỏi chúng ta phải đáp ứng sao à? Khi tàu địch xâm phạm vùng nước thuộc lãnh thổ chúng ta chúng ta phải tấn công nó! Họ còn đợi cái quái gì nào?’ Phó phòng hành quân tác chiến gọi cho chỉ huy hải quân ứng trực, để ra lệnh cho ba pháo thuyền thuộc Nhóm Ngư lôi 135, được hai tàu tuần tra yểm trợ, ra giao tranh với Maddox.  Tại phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn Harry Williams, sĩ quan ứng trực tại trạm đánh chặn tín hiệu NSA, nhận được một cảnh báo tình báo tín hiệu hải quân từ San Miguel, Philippin, cho biết một cuộc tấn công vào các tàu chiến Mỹ đang tới gần.  Bên trong chuỗi lệnh Miền Bắc cũng có chứng cứ cho thấy có sự hoang mang: các tín hiệu giải mã trong đó có một lệnh thu hồi được phát đi đến thuyền P-4, thất bại trong việc ngăn cản sự đụng độ ngắn ngủi xảy ra sau đó.  Lúc 14:00G Maddox định vị được các pháo thuyền Miền Bắc,  liền quay sang hướng đông và gia tăng tốc độ đến 25 hải lý. Bốn mươi phút sau Herrick đánh tín hiệu cho bộ chỉ huy bờ biển  là ông sẽ sử dụng pháo của mình để tự vệ nếu thấy cần thiết. Bốn chiếc chiến đấu cơ F-8, đang bay tuần tra phía trên hàng không mẫu hạm Ticonderoga, trực chỉ đến yểm trợ cho khu trục hạm.  Lúc 15:05G, và tuyệt đối ngược với tuyên bố sau này của chính quyền Mỹ cho rằng cộng sản khai hỏa trước,  các pháo 5-in xơ của Maddox bắn ba phát cảnh cáo,  rồi bắt đầu bắn vào các pháo thuyền, đang chạy với tốc độ 40 hải lý, cỡi sóng tiến về phía Maddox. Phát súng của Mỹ bắn trượt cũng như các ngư lôi bắn ra của bên tấn công, nhưng lúc 15:20G các Crusader đến, nhào xuống và khai hỏa vào các chiếc P-4: cả ba chiếc bị trúng đạn hư hại,  bốn thuyền viên chết và sáu bị thương. Maddox kết thúc cuộc chạm trán chỉ với một lỗ đạn trên mũi tàu; một chiếc Crusader bị hư hại,  nhưng đáp an toàn xuống Đà Nẵng. 

Vào ngày 3 tháng 8 Tổng tham mưu trưởng Miền Bắc, Văn Tiến Dũng, bay đến bờ biển.  Các pháo thuyền vẫn chưa trở về, đang trú ẩn bên cạnh một hòn đảo gần bờ để sửa chữa thiệt hại.  Vị tướng bày tỏ lời khen ngợi đối với hải quân. Nhưng trên trực thăng bay về thủ đô,  Dũng bảo với một sĩ quan tháp tùng rằng theo ông vụ tấn công là một sai lầm, ‘tại một thời điểm khi chúng ta đang ra sức giới hạn xung đột’; ông cho rằng các sĩ quan chỉ huy ứng trực đã vượt quá quyền hạn của mình. 

Phản ứng ban đầu của Washington đối với vụ va chạm là câm lặng,  nhưng theo chỉ thị của tổng thống một cảnh báo nghiêm khắc được chuyển đến Hà Nội nói rằng bất kì cuộc tấn công ‘không được khiêu khích’ nào tiếp theo đối với các tàu chiến Mỹ sẽ lãnh ‘hậu quả’ nghiêm trọng’. Vào ngày 2 tháng 8 McNamara đang hộ tống Jackie Kennedy đến dự thánh lễ Mét thì được triệu hồi đến Ngũ Giác Đài. Hôm sau ông chủ toạ một buổi họp với các Tổng tham mưu Liên quân, tại đó họ thảo luận một báo cáo mới khẩn cấp có vẻ u ám từ Sài Gòn. Bộ trưởng nói,  ‘Chúng ta đang thua trận  … Chúng ta không thể chấp nhận điều này và chúng ta sẽ không chấp nhận.’ Có báo cáo về một sư đoàn không lực Trung Cộng tiến vào Miền Bắc. McCone của CIA cảnh báo khả năng Trung Quốc tấn công Sài Gòn; người Nga cũng có thể góp phần,  có lẽ bằng phi cơ chiến đấu và không thừa nhận,  như họ đã làm ở Triều Tiên.  Một hàng không mẫu hạm thứ hai, Constellation, được phái đến ngoài khơi bờ biển Miền Bắc để yểm trợ Ticonderoga. Một khu trục hạm khác,Turner Joy, được phái đến để tiếp tay cho Maddox.  Thuyền trưởng Herrick, ngoài biển,  không nghi ngờ gì cho là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, đánh điện, ‘VNDCCH ĐÃ THÁCH ĐẤU VÀ GIỜ TỰ COI LÀ TUYÊN CHIẾN VỚI CHÚNG TA.’ Ông thúc giục cung cấp yểm trợ tàu chiến trọng tải nặng hơn cho sứ mạng Desoto – đã được lệnh tiến sát bờ biển một lần nữa vào ngày 3.

Vào đêm 3-4 tháng 8, các biệt kích Miền Nam tiến hành một vụ đột kích OPLAN-34A khác, trong đó bốn pháo thuyền bắn phá các cơ sở ven biển tại Vinh Sơn, và một chiếc bị cộng sản săn đuổi. Hành động này diễn ra nhiều dặm cách các vị trí quân Miền Bắc còn đang phấn đấu cứu chữa ba pháo thuyền bị hư hại vào chiều hôm đó. Tuy nhiên,  trạm đánh chặn Phú Bài lý giải sai liên lạc vô tuyến của địch, cho rằng nó dự báo một cuộc tấn công sắp đến khác vào tàu chiến Mỹ; vì vậy lúc 16:56G Phú Bài phát đi một cảnh báo ‘Khẩn cấp’ mới. Cùng ngày đó,  ngày 3, một tàu Swatow đúng là đã theo dõi các tàu Mỹ bằng ra-đa,  nhưng từ một khoảng cách an toàn.  Mặc dù tình hình trên biển khá căng thẳng, không có phát súng nào được bắn ra gần Maddox hoặc Joy.

Không ai ở Washington đề nghị rút đi sứ mạng Desoto.  Sáng hôm sau,  ngày 4, hai khu trục hạm tiếp tục nghe lén gần bờ. Lúc 18:40G Phú Bài lại phát đi một cảnh báo mới: ‘KHẢ NĂNG HOẠT ĐỘNG HẢI QUÂN VNDCCH ĐƯỢC LÊN KẾ HOẠCH CHỐNG TUẦN TRA DESOTO TỐI NAY.’ Không tới hai giờ sau, trong thời tiết xấu đi Maddox báo cáo phát hiện hai ‘skunks’ – các tín hiệu    trên mặt biển – và ba ‘bogies’ – tín hiệu trên không – hiện trên màn hình ra-đa của tàu, trong khoảng cách 100 dặm. 

Herrick sau này ước đoán rằng tín hiệu thứ hai có thể là ‘tín hiệu địa hình dội lại’ từ đảo Hải Nam của Trung Quốc đã bị nhận diện sai. Lúc 20:45G Herrick báo cáo mất ‘skunk’ trên mặt biển, nhưng lúc 21:08G bắt được một tín hiệu tiếp xúc khác. Các Skyhawks của hải quân báo cáo nhìn thấy các đường rẽ nước trắng xóa của các khu trục hạm trong bóng đêm, nhưng không thấy bất kì tàu thuyền địch nào. Lúc 21:34G mọi chuông báo động vang lên trên tàu Maddox tiếp sau một tín hiệu ra-đa mới cách 9,800 ya,  rõ ràng tiến đến gần ở tốc độ 40 hải lý; bộ phận truyền tin của Turner Joy cũng báo cáo hoạt động.  Rồi đội định vị sonar bắt gặp thứ gì đó dưới nước,  mà Trung tâm Thông tin Tác chiến của Maddox  – mặc dù không phải là chuyên viên vận hành sonar  – nhận diện là một ngư lôi đang tiến gần.  Lúc 21:40G Herrick báo cáo rằng các tàu của mình đang khai hỏa vào ‘kẻ tấn công’, nhưng cho biết các khu trục hạm thấy khó khăn duy trì việc khóa chặt ra-đa lên họ. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi vì đó chỉ là những  tưởng tượng của người Mỹ.

Các báo cáo từ các tàu chiến  – ‘tôi hứng chịu tấn công ngư lôi liên tục’ – chuyển đến Ngũ Giác Đài đêm đó, lúc đó vẫn còn sớm ở Washington,  phản ánh sự sai lầm của các nhân viên kỹ thuật trên tàu, và phản ứng dễ bị kích động của cấp trên. Đô đốc Ulysses Grant Sharp ở Hawaii nhanh chóng thừa nhận các báo cáo sai lầm là ‘hành động thù địch làm mới lại’. Nhật ký hoạt động tác chiến Miền Bắc, được xuất bản nhiều năm sau này và gần như chắc chắn là xác thực, cho thấy họ không triển khai tàu nào gần người Mỹ.  Dù sao đi nữa,  các khu trục hạm đáp ứng với tín hiệu ra-đa mới bằng các hành động lẫn tránh điên cuồng. Maddox không thể nhận diện một mục tiêu cho pháo của mình,  vậy mà Turner Joy lại tốn hơn 300 đạn 5-in xơ, và ghi nhận có hai tá ngư lôi tiến đến  – tất cả việc này,  dù phi cơ bỏ pháo sáng không phát hiện kẻ địch nào.  Lúc 23:35G ‘hành động’ cuối cùng ngừng hẳn, và Herrick báo cáo có hai pháo thuyền địch bị chìm và một bị hư hại. Vậy mà một số phụ tá của ông vẫn ngờ vực có va chạm nào xảy ra. Chẳng bao lâu sự việc rõ là hiệu ứng ‘ngư lôi tiến đến’ được các chuyên viên sonar phát hiện gây ra do chuyển động dữ dội của bánh lái khi khu trục hạm vận hành. Trong vòng một giờ Herrick phát đi tín hiệu ‘TOÀN BỘ HOẠT ĐỘNG NHIỀU NGHI VẤN,’ và chẳng bao lâu sau đó, ‘KHÔNG HỀ NHẬN DIỆN XÁC ĐỊNH MỘT THUYỀN NHƯ THẾ.’

Vậy mà ở Washington, nghe theo cảnh báo  ‘Khẩn cấp’ từ Phú Bài, McNamara đã cảnh báo tổng thống về một nguy cơ tấn công của Miền Bắc đang đến gần. Ba giờ sau ‘trận đánh ‘ kết thúc, Johnson ra lệnh một trận không kích giáng trả vào các căn cứ Miền Bắc.  Năm giờ trước khi phi cơ cất cánh, Đô đốc Sharp cảnh báo Ngũ Giác Đài rằng ‘xem xét lại hành động cho thấy nhiều tín hiệu ra đa và ngư lôi bắn ra được báo cáo có vẻ đáng ngờ’. Nhưng rồi bộ phận tình báo đánh chặn tín hiệu đưa ra một tín hiệu chặn được trong đó Miền Bắc tuyên bố đã ‘bắn hạ 2 máy bay trong vùng giao tranh  … chúng ta đã hy sinh 2 tàu và số còn lại đều an toàn  … Tàu địch cũng bị gây hư hỏng.’ Thông điệp này thuật lại, trong thực tế,  các sự kiện của ngày 2, mà chính người cộng sản cũng còn hoang mang.

Tuy vậy, McNamara bám vào đó khẳng định là cuộc tấn công mới vào ngày 4 tháng 8. Cùng với ‘các báo cáo có bằng chứng mắt thấy’ hời hợt từ các khu trục hạm,  bộ trưởng quốc phòng cảm thấy tin tưởng là mình hiểu đủ để cho phép tổng thống phát động cuộc không kích.

Lúc 6 p.m ngày 4 một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài tuyên bố trước thế giới ‘một cuộc tấn công thứ hai có tính toán’. Rusk bảo với các phụ tá tại Bộ Ngoại giao phủi bụi bản thảo tháng 5 của Bundy về một nghị quyết gửi quốc hội.  Johnson hùng hổ quát  McNamara: ‘Tôi không chỉ muốn các thuyền ngư lôi đã tấn công Maddox này bị hủy diệt, mà còn mọi thứ trong cảng đều phải bị hủy diệt  … Tôi muốn cho chúng một liều lượng đích thực.’ Bộ trưởng quốc phòng không làm gì để kìm nén cơn nóng giận của tổng thống, chỉnh đốn sự hiểu lầm của mình,  cho dù chứng cứ sờ sờ để làm được việc ấy.

McNamara sử dụng tin tình báo đánh chặn một cách có tính toán. Cả lúc đó và trong chứng cứ tiếp theo trước Quốc hội,  bộ trưởng quốc phòng chọn cách trước tiên là phớt lờ, sau đó là triệt tiêu, một khối lượng dữ liệu cho thấy Miền Bắc đang bận bịu việc cứu chữa các thuyền bị hư hại, và rành rành được lệnh không dính vào người Mỹ lần nữa. Những điều cơ bản rất đơn giản về cái mà lịch sử gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ: Maddox đang đi dọc bờ biển trên một sứ mạng liên kết rõ ràng với OPLAN-34A. Biết các vụ đột kích ven biển được các biệt kích lặp đì lặp lại đang xảy ra, không có gì ngạc nhiên khi Miền Bắc xiết chặt cò súng. Quyết định tung pháo thuyền chống lại tàu chiến Mỹ là lệnh của một sĩ quan cộng sản quá nhiệt huyết, mà sau đó nhiều sĩ quan cao cấp, mặc dù trong đó không có Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, lấy làm tiếc – và sớm được biết tại Washington. Không có ‘cuộc tấn công thứ hai’ nào xảy ra.

Tuy nhiên, McNamara nóng lòng muốn hành động. Tổng thống,  tại một thời điểm nguy ngập trong chiến dịch bầu cử,  lo lắng không muốn tạo kẻ hở nào cho Đảng Cộng Hoà kết tội mình là hèn yếu. Ông nhận được lời ca tụng cho đáp trả nhanh chóng và cứng rắn của mình chống lại cuộc tấn công vào lá cờ Hoa Kỳ.  Sau đó, gần như là không sao tránh khỏi, chính quyền Mỹ phải nói dối và nói dối lần nữa,  để che giấu các lỗi lầm và vi phạm các lừa dối liên tiếp để biện minh cho các vụ không kích vào Miền Bắc. Tổng thống đình hoãn buổi nói chuyện trên truyền hình quốc gia ngày 4 tháng 8 cho đến 11:36 p.m. giờ Đông,  khi Đô đốc Sharp bảo với ông rằng các phi cơ của Ticonderoga và Constellation đã cất cánh. ‘Sự gây hấn  của bọn khủng bố vào các làng mạc thanh bình của Miền Nam,’ Johnson nói với nhân dân mình, ‘giờ đã được chấp thêm sự gây hấn công khai trên biển cả  … những hành động bạo lực được lặp lại chống lại lực lượng vũ trang Hoa Kỳ phải được đương đầu không chỉ bằng sự phòng thủ cảnh giác mà còn bằng đáp trả tích cực  .. . Chúng ta biết rõ, cho dù người khác có vẻ đã quên, những rủi ro khi mở rộng xung đột.  Chúng ta không tìm kiếm việc mở rộng chiến tranh.’

Lệnh của Tham mưu Trưởng Liên Quân đến hải quân bắt đầu: ‘Lúc 07:00 giờ địa phương tiến hành một nỗ lực tối đa một lần … với mục đích bảo đảm tối đa đến mức cao sự hủy diệt mục tiêu.’ 64 lượt bay lên xuất kích, phá hủy một số tàu thuyền Miền Bắc với tổn thất hai phi cơ Mỹ. Một trong các phi công, trung úy Everett Alvarez, nói rằng ‘nó giống như một giấc mơ’ khi thình lình thấy chính mình lao vào sứ mạng tác chiến sau nhiều năm giả bộ. Cuộc khiêu vũ của anh với ảo tưởng bỗng biến thành ác mộng: anh trải qua 8 năm tiếp theo trong một nhà tù Miền Bắc. 

Đáp ứng của tổng thống đối với Sự kiện Vịnh Bắc bộ phản ánh cơn thịnh nộ của nhà nước, một cơn phát cáu khi một nước cộng hoà cộng sản Á châu cà mèn dám thách đấu Hoa Kỳ.  Chi tiết không thành vấn đề với ông: vào buổi sáng 4 tháng 8 Johnson đã cho thấy ý định khai thác ‘vụ tấn công thứ hai’ được tình báo đánh chặn ức đoán để lấy được một nghị quyết từ Quốc hội hậu thuẫn cuộc leo thang. Các cố vấn của ông,  và trên hết là McNamara, đã thất bại trong việc điều chỉnh các thông tin sai lầm trước đó, hoặc xoa dịu vị tổng tư lệnh. Họ đã cho phép ông nâng một vụ va chạm nhỏ trên biển, có thể dễ dàng bỏ qua như không đáng kể, lên thành một bi kịch lớn.

Lý giải chắc chắn duy nhất là chính vị bộ trưởng quốc phòng cũng nóng lòng muốn có hành động gây hấn để hợp lý hóa việc biểu dương ý chí và năng lực. Vào đầu mùa hè đó Washington đã gửi một thông điệp cho Hà Nội theo đường của phái đoàn ICC, cảnh báo Phạm Văn Đồng về ‘sự tàn phá khủng khiếp’ nếu Miền Bắc tiếp tục nhúng tay vào Miền Nam.  Sau Sự kiện Vịnh Bắc bộ người Mỹ nhờ phái viên Canada nhắc lại cho  Hà Nội sẽ có thêm nhiều bom nữa sau những quả bom ngày 4 tháng 8. Để trả lời Đồng ‘giận dữ’ nói, ‘Mỹ càng mở rộng chiến tranh, sẽ nhận lãnh thảm bại cuối cùng càng lớn.’

Theo sau vụ xung đột Vịnh Bắc bộ, McNamara đưa ra lời nói dối quan trọng trước Thượng viện: ‘Hải quân chúng ta tuyệt đối không có vai trò nào trong,  không liên hiệp với, không hay biết gì về các hoạt động ở Miền Nam (trong cùng vùng hoạt động như Maddox), nếu có.’ Cái gọi là Nghị quyết Vịnh Bắc bộ, theo sát với bản thảo của Bill Bundy, giờ được đặt trước mặt Quốc hội.  Nó trao quyền cho hành pháp ‘thi hành tất cả biện pháp cần thiết nhằm đẩy lùi mọi cuộc tấn công vũ trang nào chống các lực lượng Hoa Kỳ và ngăn cản hành động gây hấn xa hơn.’  Chỉ có Thượng nghị sĩ Dân chủ Ernest Gruening và Wayne Morse bỏ phiếu chống Nghị quyết 7 tháng tám, cung cấp thẩm quyền cho Hoa Kỳ lâm chiến tại Đông Nam Á.

2 Diều Hâu Bay Lên

Lúc 13:30G ngày 5 tháng 8, uỷ ban quân sự Đảng Cộng Sản họp tại bộ tổng tham mưu, được biết dưới tên ‘Sân Rồng’ vì có các rồng đá cặp hai bên 9 bậc thang dẫn đến lối vào. Họ vừa bắt đầu duyệt lại biến cố 2 tháng 8 khi họ nghe tin Mỳ không kích bờ biển. Theo sau lần lượt là tin 2 máy bay bị bắn rơi và một phi công bị bắt, làm dấy lên không khí vui mừng khiến buổi họp phải hoãn lại, cũng như các cáo buộc lẫn nhau về vụ va chạm Vịnh Bắc bộ. Các cuộc không kích đầu tiên ngay lập tức khích động các cuộc biểu tình trên đường phố Hà Nội – theo lời một nhà ngoại giao Anh chứng kiến  – ‘gần như tức thì, theo cách mà những sự kiện như thế luôn xảy ra trong các xứ cộng sản’. Việc dội bom giúp cho người Miền Bắc đoàn kết với nhau nhiều hơn là những lời hô hào tuyên truyền.  Một thiếu niên theo dõi từ làng mình khi phi cơ đánh phá các kho xăng gần đó lúc đầu chỉ biết sốc và bối rối. Rồi, ‘tôi bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống những người trẻ như tôi sẽ sớm rẻ qua bước ngoặt,  khi chúng tôi sẽ phải chiến đấu cho độc lập và tự do của dân tộc mình.’ Bom đạn không những không làm họ khiếp sợ, mà còn khiến họ tin dân tộc mình là nạn nhân của hành động khủng bố không bị khiêu khích: anh sau đó trở thành một sĩ quan phòng không.

Max Taylor có lần xét đoán rằng người Mỹ biết ít về giới lãnh đạo cộng sản, và càng ít hơn về các tính toán của họ. Lãnh sự quán Anh ở Hà Nội,  chủ yếu có vai trò là trạm Công tác Tình báo, báo cáo với dự cảm nổi bật là các loạt đánh bom đầu tiên này ‘sẽ không làm nhụt chí được các lãnh đạo Miền Bắc. Họ cũng không thay đổi chí hướng. Đường xá sẽ được tu bổ,  cầu cống sẽ được thay thế bằng kết cấu tre nứa đơn giản hơn, và nhà kho sẽ lại được chất đầy … không kích chỉ củng cố lòng quyết tâm của họ.’ Bộ chính trị thật ra ít nao núng vì bị đánh bom hơn phải nghe những lời bày tỏ đầy giận dữ từ Bắc Kinh và Moscow về vụ tấn công Maddox. Hồ Chí Minh đang nghỉ hưu bán thời gian phải xuất hiện trở lại,  chủ toạ một phiên họp tại đó ông cật vấn nghiêm khắc, ‘Ai ra lệnh?’ Giáp đòi kỷ luật những người có trách nhiệm,  nhất là Thượng tá Trần Quý Hai. Hai nói rằng trước khi ra lệnh cho pháo thuyền nghênh chiến ông đã hội ý với một thành viên trong bộ chính trị; ông từ chối nói tên đồng chí chịu trách nhiệm,  nhưng mọi người đều nghĩ đó là Lê Duẩn. Mặc dù Hai bị chính thức khiển trách,  tham mưu trưởng Dũng gạt bỏ chuyện hối tiếc hoặc đổ lỗi cho nhau,  nhún vai, ‘Cho dù nếu chúng ta không tấn công chúng, thì chúng cũng sẽ tấn công chúng ta. Đó là bản chất của bọn đế quốc.’ Một sĩ quan Quân đội Nhân dân nổi tiếng đào ngũ vào năm 1990 khẳng định rằng cuộc tấn công ngày 2 tháng 8 được Lê Duẩn ủy quyền, người đã từng chế giễu Giáp lo lắng không muốn ăn thua đủ với người Mỹ, nói, ‘Hắn nhát như thỏ đế.’

Vì người Mỹ đã dựng lên vụ va chạm 4 tháng 8 nhằm biện minh cho việc dội bom Miền Bắc,  Hà Nội không thấy cần phải kiềm chế hành động quân sự nhiều hơn nữa.  Đây là nơi mà Washington phải trả giá cao nhất cho các vụ không kích sau Sự kiện Vịnh Bắc bộ; bằng cách biến mối hăm dọa đánh bom thành hiện thực,  nó đã đánh xuống lá bài uy lực đang giữ trong tay. Tiếp sau kỳ họp của trung ương Đảng ngày 25-29 tháng 9, Nguyễn Chí Thanh được bổ nhiệm làm bí thư Trung ương Cục Miền Nam, và một lệnh được phát đi cho đội hình Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy đầu tiên hãy chuẩn bị lên đường vào Nam. Các thành phần của Sư đoàn 325 khởi hành vào tháng 11, sau thời gian hoãn lại một phần do nhu cầu trần tình với Moscow và Bắc Kinh, một phần vì thiếu trang thiết bị.

Trung Quốc,  phấn khởi vì thử thành công một vũ khí hạt nhân vào ngày 16/10 gây gia tăng căng thẳng Đông-Tây, tăng viện trợ vũ khí một cách ấn tượng. Quân đội Miền Bắc bắt đầu nhận được súng trường AK-47, súng máy 7.62mm, súng cối 82mm, súng phóng lựu tên lửa đẩy và súng không giật. Cho lực lượng phòng thủ,  Bắc Kinh cung cấp 34 chiến đấu cơ MIG-17, mà các phi công đã được tập huấn tại Trung Quốc trong hai năm: các cố vấn Trung Quốc vẫn ở lại với đơn vị trong những đợt xuất kích ban đầu. Tại Hà Nội, súng phòng không được triển khai trên các mái nhà; phân nửa dân chúng được cắt đặt đào hố hào.

Vào chiều ngày 5 tháng 10 tại Bắc Kinh,  Mao Trạch Đông  và Chu Ân Lai thảo luận về chiến tranh với một phái đoàn Hà Nội. Mao nói mình tin rằng Johnson không muốn xâm lược Miền Bắc, nhưng ông chống đối việc khiêu khích bừa bãi người Mỹ. Phạm Văn Đồng nhất trí,  bảo với các nhà lãnh đạo Trung Quốc,  ‘Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế mức xung đột trong phạm vi “chiến tranh đặc biệt” và đánh bại kẻ thù trong giới hạn này.’ Tuy nhiên, ông nói thêm: ‘Nếu Mỹ dám đưa quân ra Bắc, chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ chiến thắng.’ Họ thảo luận về các đàm phán khả dĩ qua trung gian LHQ, mà tổng thư ký U Thant đã đề xuất.  Mặc dù Mao đổi ý vài tháng sau đó, chiều tối hôm đó ông nói: ‘Đàm phán cũng không tệ. Các anh đã được lợi thế mặc cả. Nếu thỏa thuận thành công thì là chuyện khác.’ Lê Duẩn đã lập tức đến Bắc Kinh sau Sự kiện Vịnh Bắc bộ, để thông báo cho Mao ý định của mình gửi một sư đoàn chính quy đi nam: giờ thì vị lãnh tụ Trung Quốc thúc giục ông cân nhắc thận trọng thời điểm của việc triển khai này trước khi đội hình xuất phát. 

Về phía Lyndon Johnson, trong những tháng theo sau bi kịch tháng 8, sự lựa chọn vừa ý của ông vẫn là giữ thấp nhiệt độ ở Đông Nam Á cho đến sau ngày bầu cử. Sẽ không đánh bom Miền Bắc nữa: tổng thống đã sử dụng đường dây nóng để trấn an Moscow.

Xung đột Vịnh Bắc bộ và Nghị quyết chỉ xuất hiện lù lù trong lịch sử khá lâu sau đó, khi các dối trá của hành pháp bị bóc trần. Giờ thì nước Mỹ đang quan tâm và ấn tượng nhiều hơn với việc ban hành Đạo luật Nhân quyền; Đạo luật Giao thông Công cộng bốn ngày sau; Đạo luật Trả Lương Ngang Bằng và Đạo luật Chống Nghèo – đợt sóng đầu tiên của đạo luật Xã hội Vĩ Đại. Johnson lấy làm tự hào một cách chính đáng trong đề xuất 45 chủ điểm được thông qua tại phiên họp, thứ hai của Quốc hội thứ 88 với một tỷ lệ vượt xa hơn nhiều so với dự tỉnh của Kennedy.

Việt Nam cho thấy là một vấn đề nằm bên lề bầu cử. Tình trạng rối loạn ở Sài Gòn đã trở thành điều kiện mặc định được chấp nhận của thành phố.  Vậy mà khi Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền hành nhiều hơn,  ông gặp thách thức trên đường phố do các cuộc biểu tình của Phật tử và sinh viên.  Khánh khiến tình trạng tồi tệ hơn khi hứa hẹn sẽ bàn luận các yêu sách của họ với Max Taylor, một thú nhận mình là thân phận tay sai. Vào ngày 25 tháng 8 vị tướng được cho là đồng ý chia sẻ quyền lực với hai nhân vật quân sự quen thuộc khác, Trần Thiện Khiêm và Dương Văn Minh. 

Rồi binh sĩ nổ súng vào đám đông chống đối,  giết chết 6 người.  Thủ đô lại rơi vào cơn hỗn loạn mới, trong khi VC tiếp tục tạo ra lộn xộn trong vùng quê.

Suốt mùa thu đó một dòng liên tục các tin tức xấu về cả khủng bố lẫn đấu tranh chính trị đổ về.

Người Mỹ tin rằng nhóm biểu tình Phật tử là công cụ của cộng sản. Cựu thông tin viên Anh Gavin Young có một cái nhìn nhiều sắc thái hơn. Ông thấy Phật tử ‘là người tin cộng sản là dã man và hiểm ác, cũng như họ xem việc Mỹ hóa xứ sở họ là làm hạ cấp nó. Lạ thay … Họ chỉ khao khát cách thức tiến hành một cuộc chiến thành công hơn chống người cộng sản. Vì họ tin rằng  người Mỹ tài trợ cho các tướng lĩnh cai trị đất nước chỉ biết có tham nhũng và bất tài. . . Còn họ mới là những người quốc gia thuần tuý, tự hào về lịch sử và văn hoá của mình. Họ lo sợ và ngờ vực  các ảnh hưởng của ngoại bang dưới bất kì hình thức nào.’ Người Phật tử ắt hẳn là ngây thơ  – nhưng không hơn các tướng lĩnh chủ trì ở Sài Gòn. 

Tại một cuộc họp ngày 9 tháng 9 tại Nhà Trắng Max Taylor nói, ‘Cuối cùng chúng ta phải Bắc tiến vì chúng ta không thể để thua cuộc chiến này.’ Johnson trả lời rằng phải có một chính quyền Sài Gòn ổn định trước khi thử làm điều gì lớn lao ở đâu đó, có nghĩa là hoãn lại các quyết định chiến lược lâu hơn nữa, khiến các thành viên trong Tổng tham.mưu Liên quân phàn nàn. Tướng Greene của Thủy quân Lục chiến tố cá việc tổng thống từ chối đem đại quân đến trước bầu cử là ‘một canh bạc khủng’. Thay vào đó ông thúc giục  hành pháp nên hậu thuẫn Khánh 100 phần trăm,  tuyên bố thiết quân luật, đàn áp bạo loạn và biểu tình,  ủy quyền cho QDVNCH tấn công Đường Mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Cao Miên với sự yểm trợ của không lực Mỹ – và tấn công Bắc Việt để họ ngưng viện trợ VC hoặc thiết lập cơ sở để mặc cả và rút các lực lượng Mỹ. Vào tháng 9 MACV ước tính có đến 66,000 VC đã bị giết trong ba năm vừa qua – nhưng nhìn nhận thậm chí đối với những người nuốt trôi số thống kê này là có đến phân nửa dân Miền Nam giờ đang đóng thuế cho cộng sản. Trưởng Phòng tin Hoa Kỳ   Ev Bumgardner bảo với Frank Scotton rằng vai trò ngắn ngủi của Nguyễn Khánh như một nhà lãnh đạo chế độ đang đến hồi cáo chung: ‘Người Mỹ đang bu lấy ông, như ruồi,  và mặt trời của ông đang lặn.’ Bumgardner khuyên Scotton gặp Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Tướng Nguyễn Văn Thiệu, là nhân vật đang lên. Scotton hỏi bày tỏ vẻ ngạc nhiên  – chắc chắn Thiệu là võ sĩ hạng nhẹ. Bumgardner cười lớn,  ‘Có thể là hạng nhẹ,  nhưng có thể nổi lên đến tận đỉnh. Không ai thấy bị ông ta đe dọa,  nhưng khi thấy được thì có thể quá muộn.’ Đúng là như vậy,  khi các vị lãnh đạo quân sự xào bài một lần nữa,  lần đầu tiên Tư lệnh phó Không quân 34 tuổi Nguyễn Cao Kỳ, cũng với Nguyễn Văn Thiệu,  lộ diện là các tay chơi quan trọng trong cái gọi là Hội đồng Quân lực.  Vào ngày 20 tháng 10 một chính quyền dân sự được thông báo,  dẫn đầu là Trần Văn Hương; tuy nhiên không ai hy vọng chính quyền này trụ được lâu, và quả vậy.

Trong khi đó VC đánh tới tấp vào mọi thứ thuộc Mỹ và Chính quyền. So sánh với những gì xảy ra sau đó,  QĐVNCH tổn thất tương đối thấp – không đến 6,000 người bị giết trong năm 1963 và không nhiều hơn trong năm tiếp theo. Nhưng các diều hâu Washington hốt hoảng trước vụ tấn công ngoạn mục vào ngày 31 tháng 10 trên đường băng B-57 tại Biên Hòa,  trong đó 8 người Mỹ bị giết, và Washington không tán thành một vụ đánh bom giáng trả khác lên Miền Bắc. Vào ngày 1 tháng 11 Earle Wheeler chính thức báo cáo với McNamara quan điểm của Tham mưu Trưởng Liên Quân,  rằng Hoa Kỳ nên hoặc tăng cường hành động quân sự,  hoặc rút quân. 

Ngày hôm sau bộ trưởng quốc phòng mô tả tình hình là ‘nghiêm trọng… nguy ngập ‘. Nhưng ông vẫn cảm thấy rằng giáng trả Miền Bắc,  như các Tham mưu trưởng đề xuất,  ‘sẽ không mang lại thay đổi đáng kể nào trong thái độ của VC ở Miền Nam.’ Ông khẳng định lại quan ngại của mình làm như vậy Trung Cộng có thể bước vào,  và nói rằng tổng thống muốn hành động,  ‘nhưng ông ta muốn bảo đảm chắc chắn trước khi làm thế’. Hầu hết người Mỹ đi bầu vào sáng hôm sau đều tin chắc bằng cách hậu thuẫn Johnson thay vì Barry Goldwater,  họ sẽ bầu cho người thoát khỏi cuộc leo thang chiến tranh Việt Nam: Ứng viên Dân chủ được hoan hô nồng nhiệt khi ông bảo với đám đông mình sẽ không gửi ‘các chàng trai Mỹ để chiến đấu một cuộc chiến mà các chàng trai Á châu phải tự mình gánh vác.’

Vào ngày 3 tháng 11 cuộc bầu cử cuối cùng kết thúc. Johnson đạt được thắng lợi long trời lở đất, tỉ lệ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự ủy thác lớn lao này mà nhân dân Mỹ trao cho dâng hiến cơ hội cuối cùng, tốt nhất để ra lệnh rút quân khỏi Việt Nam.  Vậy mà trong nhiều tuần,  bên trong nội bộ hành pháp người ta cho rằng tiếp theo thắng lợi sẽ là leo thang. Chỉ một cuộc đầu hàng hiệu quả của Miền Bắc mới có thể ngăn cản một cuộc tung quân. McGeorge Bundy, Robert McNamara và những người còn lại mặc nhiên thừa nhận nếu kẻ thù tiếp tục không khoan nhượng, y sẽ phải hứng chịu một sức mạnh tăng cường thích đáng. Quyết tâm hỗ trợ nhân dân Miền Nam của Johnson dù thế nào cũng được củng cố bởi chỉ số khảo sát đánh giá Louis Harris của ông tăng lên sau cuộc không kích tháng 8. Tổng thống vận động Quốc hội bằng sự khéo léo quen thuộc của mình. Trong khi các trọng tải chủ chốt về chính sách đối ngoại  – các Thượng nghị sĩ William Fulbright, Mike Mansfield và Richard Russell – bản thân tỏ ra hoài nghi về chính sách Việt Nam của hành pháp, Johnson thuyết phục họ hãy giữ kín mối hoài nghi của mình chỉ đến khi các quyết định lớn đã thành lịch sử. Đây là một khía cạnh bất thường của cuộc chiến, khi mà nhân dân và luật pháp Mỹ thừa nhận mà không lưu ý nhiều vào một cam kết quá rộng lớn cho một xứ sở xa xôi,  bất chấp sự kiện là phần còn lại của thế giới, kể cả Anh, Pháp, Nhật, Canada – gần như mọi nước dân chủ phát triển trừ Úc – đều cho rằng chính sách Mỹ liều lĩnh điên rồ đến cùng cực.

George Ball, thứ trưởng của Rusk, trong những năm 1964-65 trở thành đối thủ nội bộ hùng biện nhất của chủ trương leo thang. Ông bày tỏ quan điểm của mình trong bản ghi nhớ dài 67 trang ngày 5 tháng 10 1964, chỉ được tổng thống đọc 5 tháng sau đó.  Lý do là vì McNamara,  người nhận trước tiên, xem thường tài liệu  – theo lời Ball ‘như một con rắn độc … chỉ đứng liền sau sự phản trắc’. Thứ trưởng lập luận rằng rút quân,  còn xa mới làm suy giảm uy thế Hoa Kỳ, vì tất cả đồng minh đều chống đối chiến tranh.  Thay vì tranh luận không dứt về các lựa chọn quân sự, ông thúc giục, cũng năng lượng ấy tốt hơn nên dùng để triển khai tìm kiếm một lối thoát chính trị.  Ông thấy kỳ cục là khi ‘điều mà chúng ta độ lượng gọi là chính quyền Sài Gòn đang tan rã, chúng ta lại phải đánh bom Miền Bắc như một hình thức liệu pháp chính trị’.

Ball sau đó trở thành người bất đồng được cấp phép trong chính quyền, được lắng nghe trân trọng thậm chí bởi tổng thống  – nhưng không thay đổi gì.

Tại sao có quá ít tranh luận? Người Mỹ đã không hề có nhiều ấn tượng với với các quan điểm của người nước ngoài hoặc các tri thức Bờ biển Đông nói về các vấn đề của họ. Vào những năm 1964-65 chủ nghĩa bảo thủ của tầng lớp trung lưu Mỹ vẫn còn biểu lộ mong muốn tin cậy sự lãnh đạo quốc gia,  tin tưởng những gì tổng thống của họ nói, thậm chí thuộc đảng đối lập. Lòng yêu nước giúp bóp nghẹt tranh cãi khi các chàng trai Mỹ đã hy sinh. Mặc dù các báo New York Times và Washington Post đã bắt đầu phê phán cuộc chiến,  tương đối ít người lấy tin từ các báo chí cấp tiến. Trong khi đó,  lý do tiên phong cho tình trạng thụ động của công chúng ắt hẳn là vì không ai nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng đạn pháo hoặc bom rơi trên lục địa của mình. Có sự khẩn cấp,  thậm chí sự tuyệt vọng,  trong thái độ của người Việt đối với vấn nạn của mình, vì họ đã góp phần xương máu mỗi ngày. Không có gì hằn sâu vào tâm trí  – không phải lúc nào cũng hợp lý  nhưng chắc chắn là rất mạnh mẽ – quá nhiều như cảnh tượng tàn phá và chết chóc trên đường phố và ruộng đồng. Bộ máy hành pháp Johnson, ngược lại, có thể đưa ra những quyết định miễn là, cho dù có hậu quả gì cho Đông Nam Á, không thiệt hại vật chất nào rơi xuống lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong những năm 1964-65 tiền cược cao nhất có vẻ là những món tiền tương đối nhỏ, cùng với những cái tôi của tổng thống và bộ sậu chung quanh ông, mà họ khéo léo bọc lại trong lá cờ mà tiếng tăm cá nhân dường như,  trong thời kỳ đó, dính liền với uy tín toàn cầu của quốc gia. Nếu rác rưởi trên đường phố Sài Gòn, nước mắt nông dân trên ruộng đồng đồng bằng Cửu Long, đã nằm trên Đại lộ Pennsylvania hay rơi trên cánh đồng thuốc lá Bắc Carolina, người Mỹ có thể đã biểu tình mạnh mẽ như các Phật tử Miền Nam. Tiến trình sự kiện sau thắng lợi bầu cử của Lyndon Johnson có thể sẽ rất khác. 

Tổng thống lựa chọn cách từ chối lựa chọn, quả quyết rằng kết quả duy nhất chấp nhận được là một thắng lợi quân sự mà người Miền Nam đang rõ ràng thiếu thốn.  Ngày 21 tháng 11 William Bundy đệ trình một bản ghi nhớ đề nghị từng bước leo thang.  Mười ngày sau Johnson chính thức phát động Chiến dịch Barrel Roll – bí mật đánh bom Đường Mòn Hồ Chí Minh nằm bên trong đất nước Lào trung lập.  Việc này được coi là an toàn về mặt chính trị, bởi vì tránh xa những cặp mắt soi mói,  và thật ra chỉ đến Giáng sinh mới rò rỉ. Tổng thống hỏi thẳng Taylor ở Sài Gòn liệu ông có muốn bộ binh Mỹ không, và có thể đã bất mãn khi vị đại sứ tiếp tục chống đối việc triển khai quân. Vào 1 tháng 12 1964, mặc dù thế giới ngỡ rằng các quyết định trọng đại về Việt Nam còn nằm ở tương lai,  tranh luận nghiêm túc duy nhất trong bộ máy hành pháp chỉ là về việc liệu  phát động một chiến dịch không quân rầm rộ chống Miền Bắc,  gửi bộ binh,  hoặc cả hai. Tổng thống tin rằng chiến đấu đến cùng, gần như bất kể chi phí, là con đường quả cảm,  con đường danh dự,  con đường duy nhất xứng đáng danh hiệu Người Đàn Ông của Năm do báo Time trao tặng. 

Từ tháng 12 trở đi VC tiến hành một loạt các cuộc tấn công phá hoại sát Sài Gòn, và gần như một ngàn vụ khủng bố nhỏ trong vòng hai tuần.  Tại một cuộc họp các tham mưu trưởng Hoa Kỳ có Westmoreland tham dự một vị tướng nổi sùng hỏi, ‘Tại Sao lính Miền Bắc có vẻ rất kỷ luật còn binh sĩ Miền Nam  có vẻ bát nháo vô kỷ luật?’ Ông trùm MACV nói MTDTGP sở hữu một dàn lãnh đạo mạnh. Phải làm gì về vấn đề các tướng lĩnh đấu đá nhau? Westmoreland cho rằng ‘người Việt  – ít nhất tại Sài Gòn  – ngày càng cảm thấy họ có thể trông cậy vào người Mỹ lo lắng cho mình về Việt Cộng, trong khi họ rảnh tay tranh giành quyền lực chính trị.’

Đầu tháng 12 tổng thống chỉ thị cho Bộ Ngoại giao bắt đầu bắt đầu hối thúc các đồng minh của Mỹ hợp tác trong chiến tranh,  và ông không ý nói là chỉ đem đến một tuyên giáo và một nữ y tá’. Khi William Bundy gặp gỡ các đại sứ Úc và Tân Tây Lan, vị đại sứ thứ hai thú nhận sự thận trọng của chính quyền mình.  Vào ngày 7, trong các cuộc họp với vị thủ tướng mới đảng Lao động của Anh,  Johnson nhắm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Harold Wilson, nhấn mạnh rằng một ít binh sĩ trong quân phục Anh  … sẽ gây một tác dụng tâm lý và có ý nghĩa chính trị rất lớn.’ Nhưng Wilson tạm thời tránh né Johnson khi nói rằng các binh lính của Nữ hoàng đang bận bịu khối việc ở châu Á giải quyết vụ gây hấn  ở Indonesia về phía Borneo và Mã Lai. Ông không được thông báo về các kế hoạch leo thang của Mỹ vì rõ là chính quyền ông không muốn tham gia về việc đó.  Dean Rusk chua chát bảo với một nhà báo,Anh,  ‘Nếu người Nga có xâm lược Sussex, các anh đừng hy vọng chúng tôi đến giải cứu. ‘

Vào ngày 20 tháng 12 giữa lúc Phật tử và sinh viên tiếp tục biểu tình một cuộc đảo chính mới xảy ra tại Sài Gòn – Hội đồng Quân lực được xáo trộn giờ do Khánh, Thiệu và Kỳ. Hành động này khiến Maxwell Taylor và các tướng lĩnh nổi trận lôi đình. Họ được triệu tập tới sứ quán để nghe lên lớp dông dài về thiệt hại mà hành động chính trị bừa bãi của họ gây ra cho nỗ lực chiến tranh.  Taylor khởi đầu bằng câu hỏi,  ‘Tất cả các ông đều biết tiếng Anh chứ?’ rồi nói tiếp,  ‘Hiện giờ các ông làm rối tung cả lên. Chúng tôi không thể cõng các ông mãi mãi nếu các ông cứ làm những chuyện như thế này.’

Những lời sỉ nhục của Taylor làm các người Việt phẫn nộ.  Kỳ sau này viết: ‘Chúng tôi nhóm Young Turks biết rõ ràng quân đội là định chế duy nhất có khả năng lãnh đạo đất nước. Chúng tôi đối mặt với thử thách phải liên tục chịu sức ép của Hoa Kỳ buộc phải đưa vào nền lãnh đạo dân sự.’

Tiếp theo các vụ đảo chính liên tiếp, các tin đồn về các mưu toan của CIA, một số là có thật, trở thành nguyên liệu trong các cuộc tán gẫu của Sài Gòn.  Một sĩ quan trẻ viết: ‘Trong những năm tôi phục vụ trong QĐVNCH,  các sự kiện vào cuối năm 1964 gây cho tôi niềm tuyệt vọng sâu xa nhất.’ Các giai điệu hành khúc phát trên đài Saigon trong thời gian đảo chính trở thành trò cười cho dân chúng.  Khi một người lính xin một vài giờ phép về thăm nhà, trung đội trưởng của anh hỏi làm cách nào anh biết mình cần đến trình diện lại cho nhiệm vụ. Anh lính trả lời vui vẻ,  ‘Trung úy đừng lo, khi nào em nghe trên đài trỗi dậy  khúc quân hành là em biết đến giờ trình diện.’ Thậm chí một số người Miền Nam chống cộng quá khích cũng đến nước xem Sài Gòn là trung tâm của mọi thứ họ căm ghét về sự bẩn thỉu  và yếm thế của xã hội họ. Một tháng ở thủ đô,  một sĩ quan Không quân viết, ‘đủ để hủy hoại tâm hồn con người, để thấy được chúng ta bị phản bội thế nào bởi một hậu phương hai mặt được xây dựng trên máu và nước mắt của binh sĩ. . . Tôi ước gì có một trận lũ lớn cuốn phăng tất cả… cái bẩn thỉu mà thủ đô chúng tôi đã bôi bẩn trên bộ mặt bi thương của quê hương chúng tôi.’

Trong tháng 12 các cuộc tấn công phối hợp của Việt Cộng lên đến đỉnh cao thành cuộc tấn công ngay đêm Noel tại Khách sạn Brink ở Sài Gòn  trong đó hai người Mỹ chết và 58 người bị thương. Vụ đánh bom Brink xảy ra khi đại sứ Taylor đang đưa Bob Hope đến một khách sạn khác chỉ cách đó vài khu phố, sau khi vị vua hài đặt chân xuống Sài Gòn cho tua trình diễn Giáng sinh hàng năm. ‘Đây là cuộc tiếp đón nồng ấm nhất mà tôi từng nhận được, ‘ Hope pha trò, nhưng các quan chức cao cấp Mỹ thì nổi giận. Taylor thúc ép giáng trả bằng không kích xuống Miền Bắc,  và McGeorge Bundy cũng thế. Tổng thống còn ngần ngại,  nhưng một vài ngày sau người Mỹ nhận được một cú sốc mới khi cộng sản tấn công một ngôi làng phía đông nam Sài Gòn, nơi một ngàn giáo dân người Bắc di cư đến lập nghiệp một thập niên trước. Vào ngày 28 tháng 12 hai trung đoàn VC bằm nát binh lính QĐVNCH, rồi bắn 4 trực thăng Mỹ. Trong một trận phục kích vào ngày 31 họ gây 60 phần trăm thương vong cho một tiểu đoàn TQLC Việt Nam, giết hầu hết các sĩ quan của nó. Chỉ trong vòng một vài ngày Miền Nam đã mất 300 người. Vào năm mới 1965 Lyndon Johnson vẫn còn thể hiện sự dao động về hướng đi tới. Sài Gòn đã sống chung với sự bất ổn chính trị. Có khoảng 26,000 người Mỹ ở Việt Nam,  phần đông là cố vấn.  Nếu cần củng cố nhiều hơn,  Johnson ưu tiên gửi các lực lượng đặc biệt,  Biệt kích đại loại thế .

Điều mà phe diều hâu nhìn ra rõ ràng mà phe bồ câu không thấy là việc theo đuổi giải pháp chính trị – việc trung lập hóa, một hội nghị Geneva mới, đàm phán song phương với Hà Nội  – có nghĩa là chấp nhận một lộ trình chỉ có kết cục là một Việt Nam cộng sản thống nhất. Không lực lượng chính trị hay quân sự ở Miền Nam sở hữu ý chí – phương tiện thì í quan trọng hơn – đủ lâu để kháng cự lại những con người sắt đang cai trị Miền Bắc.  Và vì kết cục như thế đối với Robert McNamara, McGeorge Bundy và trên hết tổng thống, là trái đắng, vì vậy việc mở rộng mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam về phần người Mỹ hóa ra không sao tránh khỏi.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s