Cù Tuấn dịch từ Washington Post.
“Chiến tranh hạn chế đòi hỏi các giới hạn,” giáo sư Harvard Thomas Schelling đã viết trong tác phẩm kinh điển năm 1960 của ông, “Chiến lược cho xung đột”. Tổng thống Mỹ Biden đã thực hiện một số bước hợp lý trong tuần này trong việc xác định các mục tiêu của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine – và các giới hạn của nó.
Biden đã tóm tắt cách tiếp cận của chính quyền ông trong một bài viết đăng trên tờ New York Times. Thay vì nói suông về chiến thắng quân sự toàn diện trước quân xâm lược Nga, ông cho biết mục tiêu của Mỹ là một nền hòa bình thông qua thương lượng – và khôn ngoan đặt mục tiêu này vào trong lời phát biểu của đồng minh: “Như Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã nói, cuối cùng thì cuộc chiến này “sẽ chỉ kết thúc dứt điểm thông qua ngoại giao.”
Để ngăn chặn những bước tiến gần đây của Nga ở miền đông Ukraine, Biden đang gửi một hệ thống pháo tên lửa mạnh mẽ được gọi là Himars, có thể tấn công các mục tiêu của Nga với tác động tàn khốc của một cuộc không kích có độ chính xác cao. Nhưng ông nói rõ rằng mục đích của những vũ khí Mỹ này không chỉ để giúp Ukraine trên chiến trường mà còn để đạt được “vị trí mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán”.
Biden đã có một loạt thông điệp rất cụ thể cho Tổng thống Nga Putin: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh giữa NATO và Nga. Cho dù tôi không đồng ý với ông Putin và cho rằng hành động của ông ấy là một sự gây hấn, thì Mỹ sẽ không cố gắng gây ra việc lật đổ ông ấy ở Matxcơva… Chúng tôi không muốn kéo dài chiến tranh chỉ để gây thêm đau thương cho nước Nga”. Đối với tên lửa Himars, Biden nói rõ rằng “chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công các mục tiêu ngoài biên giới của quốc gia này.”
Những thông điệp này, được củng cố trong nội dung tóm tắt của các cuộc họp giao ban tuần này của các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ, báo hiệu một sự thay đổi giọng điệu trong quan điểm ở Washington về cuộc chiến. Việc mong đợi chiến thắng dễ dàng đã nhen nhóm sau khi Nga thất bại trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Putin và các chỉ huy kém cỏi của ông ta đã phạm sai lầm; lực lượng Ukraine dũng cảm đẩy lùi quân xâm lược về phía biên giới Nga; Zelensky đã nói chuyện (mặc dù có lẽ ông biết rõ hơn) như thể chiến thắng quân sự trước Nga là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, vào ngày 3/6, Zelensky đã đưa ra một bản tóm tắt lạnh người về những bước tiến của quân Nga kể từ khi nước này tập trung lực lượng ở khu vực phía đông được gọi là Donbas và bắt đầu pháo kích rải thảm với hỏa lực tên lửa và pháo dọc theo những gì Zelensky mô tả là một chiến tuyến dài 600 dặm. “Quân đội Nga đã phá hủy gần như toàn bộ Donbas,” Zelensky nói trong một bài phát biểu video trước quốc hội Luxembourg. “Tính đến ngày hôm nay, khoảng 20% lãnh thổ của chúng tôi nằm dưới sự kiểm soát của quân chiếm đóng.”
Nhà Trắng của Biden đang tính toán lại khi chứng kiến thành công mới của chiến thuật xay thịt của Nga trong tuần qua. Đây là thời điểm mang tính thử thách của Biden với tư cách là một nhà lãnh đạo thời chiến; ông đã nhận được những lời khen ngợi xứng đáng vì đã vận động liên minh vũ trang cho Ukraine và ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga; bây giờ là thời điểm đảo chiều trong cuộc chiến và làm tổng thống Mỹ lo lắng.
Nhiệm vụ cấp bách nhất của Biden là ngăn chặn cơn hoảng loạn đòi hòa bình ngay lập tức của một số đồng minh châu Âu, những quốc gia này lo lắng về cái giá phải trả của một cuộc xung đột kéo dài. Các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã ổn định lại bản thân trong tuần này bằng cách cam kết cấm vận dầu bán qua đường biển của Nga trong khi Đức đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không và xe tăng mạnh mẽ.
Cuộc chiến ở Ukraine, với đà thay đổi dữ dội của nó, có thể đang chuyển đổi từ sự lạc quan ngắn ngủi về khả năng chống trả của Ukraine, sang một giai đoạn tương tự như cuộc chiến dài hơi, tốn kém của Chiến tranh Triều Tiên. David Halberstam, trong cuốn lịch sử năm 2007 của mình, “Mùa đông lạnh nhất: Nước Mỹ và Chiến tranh Triều Tiên”, đã mô tả nó là “một cuộc xung đột khó hiểu, tối tăm, rất xa vời, một cuộc chiến diễn ra liên tục, dường như không có hy vọng hay giải pháp nào cả”.
Hàn Quốc đã thất vọng một phần vì, giống như Ukraine, đây là một cuộc chiến tranh giới hạn. Tướng Douglas MacArthur, người chỉ huy quân Mỹ, muốn chuộc lại những sai lầm ban đầu của mình bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Harry S. Truman đã từ chối một cách khôn ngoan và sa thải MacArthur. Halberstam viết: “Quân đội Mỹ đã rất cay đắng khi họ bị yêu cầu “phải chết vì một cuộc chiến có kết quả hòa”. Nhưng chiến thắng quân sự là không thể với chi phí có thể chấp nhận được, và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Dwight D. Eisenhower đã hứa, “Tôi sẽ đến Hàn Quốc”, điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ làm hòa với Bắc Triều Tiên. Và ông ấy đã làm điều đó.
Việc ngừng bắn tại bán đảo Triều Tiên vào tháng 7 năm 1953 chắc hẳn được coi như một thất bại đối với nhiều người Mỹ và đồng minh dũng cảm Hàn Quốc. Nhưng ngày nay, Hàn Quốc là một trong những siêu sao kinh tế của thế giới – mặc dù chiến tranh Triều Tiên không mang lại một hiệp định hòa bình nào, và cho đến gần 70 năm sau, vẫn tồn tại một giới tuyến ngừng bắn mong manh với một nước láng giềng nguy hiểm ở phía bắc. Có thể đó sẽ là một hình mẫu cho Ukraine thời hậu chiến.
Rick Atkinson, một nhà sử học quân sự hàng đầu, nói với tôi rằng ông ấy thấy có sự tương đồng giữa cuộc xung đột Ukraine và Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Quân xâm lược Anh đã bị tấn công vào năm 1775 sau khi họ tấn công Lexington và Concord và sau đó bị tấn công một lần nữa tại Đồi Bunker. Nhưng cuộc chiến đã trở thành một tình thế bế tắc tàn khốc kéo dài 8 năm, và quân kháng chiến Mỹ cuối cùng đã chiến thắng chủ yếu là do sự mệt mỏi của Anh và sự can thiệp của Pháp.
Atkinson lập luận: “Chiến tranh thường xảy đến khi mà sự hiếu chiến sẽ thuyết phục được ý chí cấp trên.“ Trong trường hợp này, tình thế bế tắc sẽ cho Ukraine thời gian, với cái giá phải trả rất đắt, để xác định xem liệu họ có ý chí kiên cường hơn người Nga cho đến khi các điều khoản chính trị là có thể chấp nhận được hay không. Đến lúc đó, chúng ta có thể hy vọng rằng Nga sẽ bị suy yếu nghiêm trọng với tư cách là một mối đe dọa và với tư cách là một siêu cường toàn cầu”.
Biden khẳng định một cách đúng đắn rằng chỉ những người Ukraine, những người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng như thế, mới có quyền quyết định cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng trong tuần này, ông đã thực hiện điều mà chiến lược gia Schelling gọi là “thương lượng ngầm” với Nga, bằng cách vạch ra các đường ranh giới của cuộc chiến. Vào một thời điểm nào đó, sau khi súng đạn im tiếng, chúng ta sẽ chuyển sang các cuộc đàm phán cụ thể để giải quyết cuộc xung đột khủng khiếp này.