Vương quốc Ahom của người Tai ở Đông Bắc Ấn Độ

4

Ảnh: tướng Lachit Borphukan của quân Ahom chiến đấu với quân Mughal trong trận Saraighat năm 1671 (anh hùng áo vải theo nghĩa đen luôn – nếu mấy ông Ấn làm tượng đúng thực tế).

Phần này sẽ chia làm 2 kỳ. Kỳ 1 là về vương quốc Ahom cho đến trước khi bị Miến Điện xâm lược. Kỳ 2 là về các cuộc chiến liên quan đến Miến Điện, bao gồm 3 cuộc xâm lược của Miến Điện vào nước Ahom và cuộc chiến tranh Anh-Miến lần 1 – vốn diễn ra chủ yếu trên chiến trường mà ngày nay là Đông Bắc Ấn Độ. Đây là cuộc chiến lớn nhất và gây thiệt hại nặng nhất cho quân Anh trong toàn bộ lịch sử cai trị tiểu lục địa Ấn Độ này, khiến nhiều người ngày nay đùa vui rằng ”rốt cuộc người giữ nước tốt nhất của Ấn Độ lại là…quân Miến Điện”.

*Người Tai ở Đông Bắc Ấn Độ và vương quốc Ahom.

Theo ghi chép sơ lược, vào thế kỷ 13 người Tai di cư đến thung lũng sông Brahmaputra, thuộc vùng Assam (nay thuộc Đông Bắc Ấn Độ). Bạn đọc sử của mỗi nước, thì sẽ thấy viết một kiểu khác nhau về nhóm người Tai này, rất là đau đầu. Cái thống nhất hiếm hoi là có một hoàng tử tên Sukaphaa vào năm 1228 đã mang dân đến đây khai hoang. Còn nước quê hương của Hoàng tử Sukaphaa thì sử Thái gọi là ”Mong Mao”, Nguyên Sử bên Tàu gọi là ”Lộc Xuyên” (麓 川), sử Vân Nam gọi là ”Bách Di” (百 夷), còn sử Miến lại gọi là ”Maw Shan”. Thích tên nào thì gọi tên đấy.

Sau khi đến Assam, hoàng tử Sukaphaa cho dân lập làng, trồng lúa nước ở vùng thượng nguồn sông Brahmaputra, về sau trở thành Vương quốc Ahom – sử Trung Hoa gọi là Á Hồng Mẫu (阿洪姆). Nhưng cần biết rằng vùng đồng bằng xung quanh thung lũng Brahmaputra là vùng đồng bằng lớn và màu mỡ bậc nhất thế giới. Dân cư ở đó vô cùng đông đúc, rất nhiều sắc tộc sống xen lẫn với nhau. Người Tai ở Assam sống chung với các dân tộc khác, mang kỹ thuật trồng lúa của mình truyền cho họ, trong khi chịu ảnh hưởng ngược lại về trang phục, kiến trúc, tôn giáo,… thậm chí là cả về ngôn ngữ.

Toàn bộ quá trình đó gọi là ”Ahom hóa – Ahomization” – chỉ quá trình hòa nhập văn hóa của các dân tộc vùng thung lũng Brahmaputra vào một nền văn hóa chung. Quá trình này kéo dài qua hơn 500 năm. Đối với riêng người Tai, hệ quả của quá trình này là đến thế kỷ 18, ngôn ngữ Tai của họ gần như không còn ai dùng, con cháu họ đã dùng ngôn ngữ vay mượn của người Assam bản địa. Tuy vậy, tài liệu, văn thư tiếng Tai từ thế kỷ 18 trở về trước vẫn còn được lưu trữ và nghiên cứu đến ngày nay.

Vấn đề ở chỗ, chẳng phải người Tai bị các dân tộc khác đánh nên phải dùng tiếng của họ, mà ngược lại. Chính người Tai là những người bành trướng lãnh thổ ra xung quanh. Đó là vào thế kỷ 16, với đỉnh cao là triều vua Suhungmung (từ 1497–1539). Dưới thời Suhungmung, người Tai ở đây đã đàn áp các dân tộc nổi dậy trong nước, đồng thời mang quân xâm lấn khắp vùng đồng bằng Brahmaputra, đưa lãnh thổ Vương quốc Ahom lên cực đại. Nhưng kẹt nỗi, lãnh thổ mở rộng mà dân số người Tai không tăng nhanh được như các dân tộc bản địa. Vì vậy càng về sau, người Tai càng bị lép vế trong tổng dân số dù vẫn giữ vị trí thống trị trong chính quyền. Dần dần, người Tai chấp nhận ngôn ngữ Assam bản địa vào sử dụng trong triều chính, cuối cùng thay thế luôn tiếng Tai. Về mặt này, có thể liên hệ tới người Mãn Thanh bên Trung Hoa để biết thêm chi tiết.

Vào cuối thế kỷ 18 khi bị Miến Điện xâm chiếm, người Tai ở Assam chỉ còn chiếm 10% dân số. Ngày nay, dân số bang Assam ở Ấn Độ là 36 triệu người, thì người tự nhận gốc Tai khoảng 4 triệu, và gần như đều nói tiếng Assam.

*Các cuộc chiến chống lại Đế quốc Mughal.

Vương quốc Ahom tồn tại trong 600 năm lịch sử, từ thế kỷ 13 tới 18. Trong 600 năm đó, nước Ahom dù phải hứng chịu tới 20 cuộc xâm lược, nhưng lại chỉ đối đầu với 2 kẻ thù: Đế quốc Mughal và Miến Điện. Trong đó, Miến Điện xâm lược Ahom 3 lần, còn Mughal bao nhiêu lần tự trừ ra thì biết ha!

Đầu thế kỷ 16, đế quốc Mughal ở Ấn Độ mở rộng biên giới của mình sang phía Đông. Sau cuộc xâm lược tàn bạo xóa sổ Hồi quốc Bengal năm 1576, đế quốc Mughal thừa thắng tiến vào vương quốc Ahom ở Assam. Nhưng ở đây, họ đã gặp phải kẻ thù cứng đầu thực sự. Cũng cần phải nói thêm, chiến trường Assam là một thử thách mới hoàn toàn với quân Mughal. Một điều tiêu biểu là quân Ahom gần như hoàn toàn không sử dụng kỵ binh. Họ sử dụng voi chiến nhiều hơn, và đặc biệt dựa vào hạm đội thuyền chiến khổng lồ trên hệ thống sông Brahmaputra. Điều này giúp quân Ahom có thể tấn công linh hoạt vào bất cứ vị trí nào của quân Mughal.

Dưới thời vua Shah Jahan của Mughal (là ông vua đã xây Taj Mahal ở Dehli ấy), các cuộc xâm lược của Mughal vào Assam hầu hết kết thúc trong thảm bại. Không những thế, Mughal còn bị quân Ahom phản công, lấn chiếm nhiều đất ở vùng Bengal, bắt nhiều tù nhân Mughal về nước. Danh tiếng quốc gia của Mughal bị tổn hại nặng nề, trong khi vua Shah Jahan vẫn thích làm thơ và xây đền đài hơn là tập trung đánh trận nghiêm túc. Điều này làm con trai ông – Aurangzeb bạo chúa – cảm thấy ngứa mắt. Thế là Aurangzeb nhốt cha vào ngục, chém chết 3 anh trai để lên ngôi vua – trở thành kẻ chinh phạt vĩ đại của Đế chế Mughal sau này.

Aurangzeb ngay sau khi lên ngôi đã cho binh lực hùng hậu của mình với 30 vạn binh tất cả, tiến thẳng sang đánh Ahom với quyết tâm buộc quốc gia này phải quỳ phục. Năm 1662, quân Mughal ồ ạt tiến vào Ahom, quyết đánh dài hơi ”trường kỳ xâm lược, nhất định thắng lợi”. Cũng thời gian này, trong nội bộ quân Ahom bắt đầu xuất hiện rạn nứt do các chỉ huy gốc Tai quá chuyên quyền với binh lính gốc Assam. Hậu quả của việc này là quân đội Ahom bị mất tinh thần nặng, nhiều người sang đầu quân cho Mughal. Thế là chỉ mất vài tháng, quân Mughal đã chiếm được kinh đô Garhgaon của Ahom. Vua Ahom phải bỏ chạy, không kịp mang theo tài sản, nên rơi hết vào tay quân Mughal. Quân Mughal lóa mắt trước vô số tiền, vàng, gạo, thuyền bè,… chiếm được của Ahom, nên ngừng không truy kích.

Nhưng sau đó, mùa mưa lớn đến vào tháng 6 và kéo dài nhiều tháng. Nước sông lên rất cao, quân tiếp viện của Mughal không thể đến được, mà quân Mughal ở Ahom cũng không thể nào rút được. Quân Mughal bắt đầu gặp tình trạng sốt rét và hết lương thực, nhưng vua Ahom cũng không tìm đủ lực lượng để phản công (do dân Assam bản địa không phục). Kết quả là hết mùa mưa, vua Ahom là Sutamla chịu ra đàm phán với quân Mughal. Vua Sutamla chịu đền chiến phí khổng lồ, cắt đất Tây Assam cho Mughal, đồng thời gả con gái duy nhất lẫn cháu gái của mình cho vua Mughal, đổi lại quân Mughal rút về nước. Chưa kể hàng năm phải cống nạp cho Mughal.

Cống nạp được một lần, thì Ahom đã cạn kiệt tiền bạc, vua Sutamla lo lắng mà băng hà. Con trai ông, Supangmung lên ngôi, đã đảo ngược mọi lời hứa cống nạp với quân Mughal, nói với các đại thần ”thà chết còn hơn sống quỳ phục nước ngoài”. Nói rồi nhà vua bỏ kinh đô, mang quân lính của mình lên rừng lập căn cứ đánh du kích lâu dài với quân Mughal. Từ năm 1663 tới 1670, quân Ahom dưới quyền vua Supangmung đã chiếm lại các lãnh thổ quan trọng từ tay quân Mughal. Nhưng do điều kiện trong rừng núi gian khổ, nhà vua đã qua đời vào năm 1670, không kịp chứng kiến thắng lợi cuối cùng của quân dân Ahom.

Tháng 3 năm 1671, quân Mughal cử lực lượng hùng hậu do tướng Ram Singh đi ngược các dòng sông để tiếp việc cho lực lượng đàn áp quân kháng chiếm Ahom. Ban đầu quân Ahom nhìn thấy đối phương hùng mạnh, bị mất tinh thần toàn bỏ chạy. Nhưng đô đốc của họ là Lachit Barphukan, dù đang bị sốt rét vẫn ra trận thúc quân quyết đánh sống còn mới quân Mughal để ”khỏi hổ thẹn với tiên đế”. Thế là quân Ahom chạm mặt quân Mughal trong một trận hải chiến lớn trên sông ở vùng Saraighat vào một ngày không rõ tháng 3 năm 1671. Trong trận này, quân Ahom kết hợp cả du kích, tình báo, lẫn đàm phán câu giờ,… để cuối cùng dù chưa thể nói là chiến thắng vang dội, họ vẫn giáng một đòn khá lớn vào lực lượng tiếp viện quân Mughal.

Quân tiếp viện bị hao tổn nặng, lực lượng Mughal dù vẫn giữ được Tây Assam nhưng không thể tiêu diệt hoàn toàn lực lượng kháng chiến của người Ahom trong 10 năm tiếp theo. Để rồi đến năm 1682, khi mà Đế quốc Mughal bị kéo căng vào các cuộc chiến với người Maratha, người Sikh lẫn người Anh ở khắp nơi, quân Ahom đã tổ chức trận phản công cuối cùng. Tháng 8 năm 1682, quân Ahom tấn công tiêu diệt lực lượng Mughal ở Itakhuli, chính thức giành lại Tây Assam, khôi phục hoàn toàn lãnh thổ của họ. Tới đây, 20-3 cuộc kháng chiến của người Ahom chống quân Mughal coi như thắng lợi mỹ mãn.

Quân dân Ahom, anh dũng kiên cường chống lại đế chế Mughal tận 20-3 lần như thế, vậy mà cuối cùng lại chịu khuất phục trước kẻ thù ít tiếng tăm hơn nhiều từ phía Nam: quân Miến Điện. Các cuộc xâm lược của Miến Điện vào vùng Assam sẽ được trình bày ở phần tới.

Long Vũ / ncls group

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s