“Vào một giai đoạn rất quan trọng và dễ thấy nhất trong lịch sử thế giới, sức mạnh trên biển có một tầm vóc và sức nặng chiến lược mà ít được công nhận. Hiện tại ta không có đầy đủ thông tin cần thiết để biết được chi tiết ảnh hưởng của nó đối với cuộc Chiến tranh Punic Lần 2; nhưng những thông tin còn sót lại vẫn đủ để ta khẳng địch chắc chắn rằng đó là một yếu tố quyết định. Không thể đánh giá được chính xác vấn đề này nếu chỉ dựa vào những dữ kiện của những cuộc chiến đơn lẻ còn được ghi chép một cách rõ ràng, vì những ghi chép của hải quân thường bị lãng quên; cần phải tiếp xúc với những tình tiết của lịch sử hải quân nói chung mới có thể rút ra được từ những thông tin mờ nhạt những kết luận chính xác, đó là những kết luận dựa trên sự hiểu biết về những điều có thể xảy ra trong những giai đoạn mà lịch sử của nó ta đã nắm vững.
Việc kiểm soát mặc biển, dù chắc chắn đến mức nào, cũng không có nghĩa là một chiếc tàu hay một hải đội nhỏ không thể lẻn ra được khỏi cảng, không thể đi ngang qua những tuyến hàng hải thường xuyên hay thỉnh thoảng mới được sử dụng, đổ quân lên những điểm không được bảo vệ trên bờ biển, xâm nhập vào hải cảng đang bị vây hãm. Ngược lại, lịch sử cho thấy những vụ như thế vẫn thường xảy ra, đó là mới đối với bên yếu hơn, dù lực lượng hải quân của nó kém bên kia đến mức nào. Vì vậy, không có gì mâu thuẫn khi hạm đội của La Mã nắm được quyền kiểm soát trên biển hay kiểm soát được những phần có tính chất quyết định trên biển, thế mà đô đốc Bolmicar của Carthage, trong năm thứ tư của cuộc chiến, tức là sau thất bại thảm hại ở Cannae, vẫn đưa được 4.000 binh lính và đội tượng binh đổ bộ vào miền Nam nước Ý; hay là trong năm thứ bảy cuộc chiến, sau khi thoát khỏi hạm đội La Mã ở Syracuse, ông lại một lần nữa xuất hiện gần Tarentum, lúc đó đang trong tay Hannibal; hay là khi Hannibal có thể đưa tàu vận tải đến Carthage; hay thậm chí khi ông có thể rút lui cùng với đội quân bị đánh tả tơi của mình về châu Phi một cách an toàn. Tất cả những sự kiện trên đều không chứng minh được rằng chính phủ Carthage có thể, đó là nói nếu họ muốn, gửi quân tiếp viện thường xuyên cho Hannibal, thực ra ông không hề nhận được tiếp viện; nhưng những sự kiện này tạo cho người ta cảm giác rằng đó là việc có thể thực hiện được.
Vì vậy, ý kiến cho rằng sự vượt trội của hải quân La Mã có ảnh hưởng quyết định đối với kết quả cuộc chiến cần phải được khẳng định bằng cách xem xét những sự kiện đã được biết một cách chắc chắn. Chỉ có như thế mới đánh giá được một cách chính xác bản chất và mức độ của ảnh hưởng của sức mạnh trên biển.
Ngay từ đầu cuộc chiến, Mommsen đã nói rằng La Mã kiểm soát được mặt biển. Dù sự kiện này có là do nguyên nhân nào thì trong cuộc Chiến tranh Punic Lần 1, quốc gia này, thực chất là một quốc gia không chú trọng hải quân, đã chiếm được thế thượng phong trên biển so với kẻ thù, vốn phát triển mạnh về nghề hàng hải, của nó, sau này La Mã vẫn giữ được vị thế đó. Trong cuộc chiến tranh thứ 2 đã không xảy ra trận hải chiến quan trọng nào, – một sự kiện tự bản thân nó và nhất là khi liên hệ với các sự kiện được biết một cách chắc chắn khác, chứng tỏ thế thượng phong trên mặc biển của một bên tham chiến so với bên kia, tương tự những sự kiện có cùng đặc điểm trong các thời đại khác.
Vì Hannibal không để lại hồi ký nên ta không thể biết được động cơ đã dẫn ông đến những cuộc hành quân đầy nguy hiểm và thậm chí có thể dẫn đến phá sản qua vùng Gaul và dãy Alps. Có điều chắc chắn là hạm đội của ông trên bờ biển Tây Ban Nha không đủ sức giao chiến với hạm đội của La Mã. Nếu đủ sức, ông có thể vẫn đi theo con đường mà ông đã chọn, vì những lý do mà chỉ mình ông biết; nhưng nếu đi theo đường biển thì ông đã không bị mất 34.000 trong tổng số 60.000 nghìn chiến binh dày dạn kinh nghiệm đã xuất phát cùng ông.
Trong khi Hannibal thực hiện một cuộc hành quân đầy nguy hiểm thì La Mã đưa quân đội dưới quyền chỉ huy của hai anh em nhà Scipio đến Tây Ban Nha, còn một phần hạm đội của họ giữ nhiệm vụ chuyên chở quân đội của consul. Cuộc chuyển quân đã không có thiệt hại đáng kể, và đoàn quân đã đổ bộ lên phía Bắc Ebro, ngay trên đường hành quân của Hannibal. Cùng lúc đó, một đoàn tàu khác, dưới sự chỉ huy của một người khác, cũng được cử tới đảo Sicily. Hai đoàn thuyền chiến tổng cộng 220 chiếc. Tại mỗi địa điểm đóng quân, mỗi đoàn thuyền đều đã gặp và đánh tan một cách dễ dàng chiến thuyền của Carthage, những nhận xét rất sơ sài về các trận đánh ở đây cho ta biết như thế, và điều đó cũng chứng tỏ sự vượt trội của hải quân La Mã.
Sau hai năm, tình hình chiến sự diễn ra như sau: Hannibal tiến vào bán đảo Ý từ phía Bắc, và sau một loạt chiến thắng ông tiến quân xuống phía Nam và đóng quân ở miền Nam nước Ý, lấy lương thực của Ý cung cấp cho đạo quân của mình, – làm cho dân chúng xa lánh và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi tiếp xúc với hệ thống chính trị và quân sự mà La Mã thiết lập ở đây. Vì vậy, ông phải lập tức thiết lập cho bằng được những con đường giữa ông và các căn cứ đáng tin cậy, nhằm cung cấp quân trang quân dụng và lực lượng tăng viện, cái mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “đường liên lạc.” Có ba khu vực có thể coi là những căn cứ như thế, Carthage, Macedonia, và Tây Ban Nha. Hai khu vực đầu chỉ có thể tiếp viện bằng đường biển. Từ Tây Ban Nha, nơi ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất, có thể tiếp viện bằng cả đường bộ lẫn biển, đó là nói nếu quân địch không cản trở, nhưng đường biển thì vừa ngắn vừa dễ dàng hơn.
Trong những năm đầu tiên, La Mã nhờ lực lượng hải quân, giữ quyền kiểm soát hoàn toàn vùng vịnh nằm giữa Ý và đảo Sicily với Tây Ban Nha, hay nói cách khác là biển Tyrrhenian và Sardinian. Bờ biển từ sông Ebro đến sông Tiber cũng được kiểm soát bởi La Mã. Nhưng sang năm thứ tư, sau trận đánh ở Cannae, Syracuse rời khỏi liên minh của La Mã, bạo loạn lan khắp vùng Sicily, còn Macedonia thì tham gia liên minh của Hannibal. Những thay đổi như thế đòi hỏi hải quân La Mã phải tăng cường hoạt động và tạo áp lực lên lực lượng của địch. Hải quân La Mã đã hành động như thế nào và sau đó đã tạo được ảnh hưởng gì đối với cuộc chiến tranh?
Có những chứng cứ ghi nhận rõ ràng rằng La Mã bao giờ cũng kiểm soát được vùng biển Tyrrhenian, vì vậy, hạm đội của họ có thể đi từ Ý đến Tây Ban Nha mà không gặp trở ngại gì. La Mã cũng kiểm soát toàn bộ bờ biển Tây Ban Nha. Ở biển Adriatic cũng có một đội tàu và một căn cứ hải quân được xây dựng ở Brindisi để canh phòng Macedonia, các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ xuất sắc đến mức không một binh lính Hy Lạp nào có thể đặt chân lên được đất Ý. “Những hạn chế của hạm đội hải quân [của Macedonia],” Mommsen viết, “đã làm tê liệt mọi ý định đổ bộ của Philip.” Ở đây, ảnh hưởng của hải quân là vấn đề không còn phải bàn cãi.
Ở Sicily, cuộc giao tranh tập trung gần Syracuse. Hạm đội của Carthage và La Mã gặp nhau ở đây, nhưng rõ ràng là La Mã có sức mạnh vượt trội. Mặc dù quân Carthage lúc đó đã đưa được lực lượng vào thành phố, nhưng họ tránh đụng độ với hải quân La Mã. Nắm được Lilybaeum, Palermo và Messina. La Mã đứng vững trên những vùng biển phía Bắc hòn đảo. Cửa ngỏ phía Nam thì lại bỏ cho quân Carthage, giúp họ có thể tiếp tục ủng hộ cuộc bạo loạn.
Với tất cả những sự kiện như thế, có thể rút ra kết luận rằng hải quân La Mã đã kiểm soát được vùng biển phía Bắc đường ranh nối giữa Tarragona ở Tây Ban Nha với Lilybaeum (hiện gọi là Marsala) ở cực Tây của Sicily, từ đó vòng qua mạn Bắc của hòn đảo qua eo biển Messania xuống Syracuse, và tới Brindisi trên biển Adriatic. La Mã đã kiểm soát vùng biển này trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến. Không thể loại trừ được những vụ đột kích cướp phá lớn nhỏ khác nhau, như đã nói ở trên; nhưng đã ngăn chặn được con đường tiếp tế liên tục và an toàn mà Hannibal rất cần.
Mặt khác, rõ ràng là trong mười năm đầu, hạm đội củ La Mã không đủ sức hoạt động liên tục trong vùng biển giữa Sicily và Carthage, cũng như những vùng phía Nam đường ranh giới vừa được nhắc tới ở trên. Khi Hannibal lên đường, ông đã giao nhiệm vụ cho đoàn tàu của mình là phải giữ vững được những tuyến đường liên lạc giữa Tây Ban Nha và châu Phi, La Mã đã không tìm cách ngăn chặn.
Hải quân La Mã, như vậy, đã đẩy Macedonia ra khỏi cuộc chiến. Nó không ngăn chặn được những hành động phá hoại đầy hiệu quả và cực kỳ phiền phức của Carthage ở Sicily, nhưng nó đã ngăn chặn được những toán quân chi viện cho vị tướng vĩ đại của họ ở Ý, khi ông đang rất cần hỗ trợ. Còn ở Tây Ban Nha thì sao?
Tây Ban Nha là khu vực mà cả Hamilcar và Hannibal đặt căn cứ để chuẩn bị xâm nhập vào Ý. Mười tám năm trước đó, họ đã chiếm được đất nước này, họ đã mở mang và củng cố lực lượng của mình, cả về chính trị lẫn quân sự. Với một sự sáng suốt hiếm có. Họ đã thành lập và rèn luyện, thông qua những cuộc chiến tranh địa phương, một đội quân đông đảo và dày dạn kinh nghiệm. Trước khi lên đường, Hannibal giao chính phủ cho Hasdrubal – em ruột ông, một người trung thành và tận tuỵ đến cùng với ông – quản lý.
Lòng trung thành đó là thứ mà ông không thể nào hy vọng có được ở thành phố quê hương tại châu Phi, đang tức giận vì bị kéo vào một cuộc chiến tranh một mất một còn.
Khi Hannibal lên đường, ở Tây Ban Nha, Carthage giữ được quyền kiểm soát từ Cadiz đến Ebro. Các bộ lạc sinh sống trong khu vực từ con sông này đến dãy núi Pyrenees vốn có thái độ hữu hảo với La Mã, nhưng không có sự trợ giúp của quân đội La Mã, họ không thể chống cự lại đội quân của Hannibal. Ông đã chinh phục được họ, và để lại một đội quân 11.000 người, dưới quyền chỉ huy của Hanno, vì sợ rằng quân La Mã sẽ chiếm được vùng đó và làm rối loạn đường liên lạc tới căn cứ của ông.
Nhưng ngay trong năm đó, Gnaeus Scipio cùng 20.000 chiến binh đã đến đó bằng đường biển, họ đánh tan đội quân của Hanno và chiếm được cả vùng bờ biển lẫn khu vực nằm ở phía Bắc sông Ebro. Như vậy là quân La Mã đã chiếm được vùng đất cắt hoàn toàn con đường giữa Hannibal và lực lượng chi viện của Hasdrubal, và từ đây họ có thể tấn công lực lượng Carthage ở Tây Ban Nha trong khi đường tiếp tế trên biển của họ lại được lực lượng hải quân vượt trội đảm bảo. Họ đã xây dựng một căn cứ hải quân tại Tarragona nhằm đương đầu với căn cứ của Hasdrubal ở Cartagena, và sau đó đổ bộ lên những khu vực mà Carthage đã chiếm được.
Cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, có vẻ như chỉ giữ vai trò thứ yếu, diễn ra dưới quyền chỉ huy của hai anh em Scipio, ưu thế lúc nghiêng bên này, khi nghiêng bên kia. Cuối cùng, sau 7 năm giao tranh Hasdrubal đã giáng cho họ một đòn chí tử, hai anh em Scipio đều tử trận, đoàn quân Carthage tiếp viện cho Hannibal suýt thì vượt qua dãy Pyrenees. Tuy nhiên, lần này họ đã bị ngăn chặn, và trước khi họ kịp tung ra một cuộc tấn công mới thì Capua thất thủ. 20.000 chiến binh La Mã dày dặn kinh nghiệm tham gia chiến dịch Capua được đưa tới Tây Ban Nha. Tướng chỉ huy là Claudius Nero – một người có năng lực đặc biệt – sau này đã tiến hành cuộc hành quân có ý nghĩa quyết định nhất trong cuộc Chiến tranh Punic Lần 2. Đoàn quân tiếp viện kịp thời này – tạo ra một gọng kìm trên đường hành quân của Hasdrubal – được đổ bộ từ đường biển, một tuyến đường vừa nhanh vừa thuận lợi, nhưng Carthage không thể sử dụng vì bị hải quân La Mã ngăn chặn.
Hai năm sau, Scipio Africanus trở thành chỉ huy đội quân ở Tây Ban Nha và dùng lực lượng hỗn hợp lục quân và hải quân đánh chiếm Cartagena. Sau đó, ông đã đi một nước cờ cực kỳ lạ thường: phá huỷ hạm đội của mình và chuyển tất cả thuỷ thủ thành bộ binh. Không hài lòng với vài trò kìm chân đạo quân của Hasdrubal bằng cách ngăn chặn tất con đường đi vào dãy Pyrenees, Scipio đưa quân vào miền Nam Tây Ban Nha và đánh một trận dữ dội nhưng không giành được chiến thắng quyết định ở Guadalquivir.
Hasdrubal trốn thoát, ông vội vàng đưa quân theo hướng Bắc và vượt dãy Pyrenees ở mỏm cực Tây của nó rồi nhanh chóng tiến vào Ý, nơi đóng quân của lực lượng Hannibal đang ngày càng yếu đi vì không có binh lính thay thế cho thương vong sau những trận đánh.
Chiến tranh đã kéo dài mười năm, khi Hasdrubal tiến vào Ý từ phía Bắc mà chỉ bị tổn thất không đáng kể. Nếu các đơn vị đi cùng ông liên kết được với đạo quân nằm dưới quyền chỉ huy của Hannibal vô địch, họ có thể đã tạo ra được một bước ngoặt trong cuộc chiến, vì lúc đó La Mã cũng đã gần kiệt sức; mắc xích gắn kết họ với các thuộc địa và các nước đồng minh đã căng hết mức, một số đã đứt.
Nhưng lực lượng quân sự của hai anh em phe Carthage cũng rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Một người đang ở bên bờ sông Metaurus, còn người kia ở Aupulia, cách nhau hai trăm dặm, mỗi đội quân đều phải đối mặt với một lực lượng vượt trội hơn mình, còn quân La Mã thì đang đứng giữa hai đạo quân đang bị chia cắt đó. Tình thế khó khăn đó cũng như sự chậm trễ của Hasdrubal là do La Mã kiểm soát được mặt biển, trong suốt cuộc chiến tranh, hai anh em Carthage chỉ có thể hỗ trợ nhau bằng đường bộ qua ngả Gaul mà thôi. Đúng vào lúc Hasdrubal thực hiện cuộc hành quân bằng đường bộ kéo dài và đầy nguy hiểm. Scipio lại đưa thêm 11.000 quân từ Tây Ban Nha đến tăng cường cho lực lượng La Mã đang chiến đấu với ông.
Kết quả là thư từ của Hasdrubal gửi cho Hannibal, phải đi qua vành đai rộng lớn của đất nước thù địch, đã rơi vào tay Claudius Nero, chỉ huy đạo quân phương Nam của La Mã, nhờ đó ông đã biết được đường tiến quân của Hasdrubal. Nero đánh giá đúng tình huống và sau khi đánh lừa được Hannibal, ông nhanh chóng đưa 8.000 quân thiện chiến nhất lên miền Bắc để hỗ trợ cùng lực lượng ở đây. Sau khi tập hợp quân đội, 2 consul với lực lượng vượt trội về quân số đã tấn công Hasdrubal và tiêu diệt hoàn toàn đội quân của ông; chính vị chỉ huy Carthage cũng hy sinh trong trận đánh này. Hannibal chỉ nhận được tin về tai hoạ khi đầu của người em bị vứt vào lều của ông. Có người nói ông đã kêu lên rằng Hannibal sẽ trở thành chúa tể của thế giới và trận đánh ở Metaurus được người ta coi là trận quyết chiến giữa hai quốc gia.
Tình hình quân sự sau trận Metaurus và chiến thắng của La Mã có thể được tóm tắt như sau: Muốn lật đổ được Cộng hoà La Mã thì phải tấn công vào nước Ý, tức là tấn công vào trung tâm quyền lực của nó và làm rung chuyển liên minh vững chắc do nó đứng đầu. Đó là mục tiêu. Để đạt được mục tiêu, quân Carthage phải có một căn cứ vững chắc và một đường liên lạc an toàn.
Căn cứ đã được dòng họ Barca đầy tài năng thiết lập ở Tây Ban Nha, nhưng đường liên lạc an toàn thì không bao giờ có. Chỉ có hai con đường – một là đi thẳng qua biển, hai là vòng qua xứ Gaul. Đường biển thì đã bị hải quân La Mã ngăn chặn, đường kia thì đầy nguy hiểm, và cuối cùng, sau khi La Mã chiếm được miền Bắc Tây Ban Nha, thì cũng bị ngăn chặn nốt. Có thể chiếm được miền Bắc Tây Ban Nha là nhờ La Mã kiểm soát được mặt biển, Carthage không phải là đối thủ của lực lượng hải quân La Mã. Như vậy, so với Hannibal và căn cứ của ông, La Mã đã chiếm được hai vị trí trung tâm, Rome và miền Bắc Tây Ban Nha, được nối với nhau bằng đường biển nội thuỷ, có thể thường xuyên trợ giúp nhau.
Giả sử Địa Trung Hải là một sa mạc bằng phẳng và quân La Mã kiểm soát được dãy núi Corsica và Sardinia, các đồn bốt vững chắc ở Tarragona, Lilybaeum và Messina, bờ biển nước Ý gần Genoa và những pháo đài của các đồng minh ở Marseilles và những vị trí khác; giả sử họ có một đội quân có thể vượt qua được sa mạc – khi cần – còn quân địch thì yếu hơn rất nhiều và vì vậy muốn tập trung quân thì buộc phải đi theo đường vòng, người ta sẽ chấp nhận ngay tình hình chiến sự và sẽ không cần dùng những ngôn từ mạnh mẽ đến như thế để nói về giá trị và ảnh hưởng của lực lượng đặc biệt đó của La Mã nữa. Mọi người có thể hiểu ngay rằng kẻ thù của họ, dù yêu thế hơn rất nhiều, có thể đột kích vào lãnh thổ, có thể đót phá một số làng mạc hay tàn phá sạch mấy dặm đất gần biên giới, thậm chí cướp các đoàn xe tiếp tế, mà không hề đe doạ được con đường liên lạc.
Bên tham chiến có lực lượng hải quân yếu hơn vẫn thường thực hiện các chiến dịch cướp bóc như thế, nhưng những chiến dịch cướp bóc đó không thể nào biện hộ được cho kết luận không phù hợp với những sự kiện mà ai cũng biết. Đó là kết luận rằng dường như “có thể nói rằng cả La Mã và Carthage đều không nắm được quyền làm chủ tuyệt đối trên mặt biển” vì “hạm đội La Mã thỉnh thoảng có ghé thăm bờ biển Phi châu, còn hạm đội Carthage cũng thường xuất hiện ngoài bờ biển Ý.” Trong trường hợp chúng ta đang xem xét, hải quân đóng vai trò của lực lượng vượt trội trên sa mạc giả định vừa nói. Nhưng lực lượng này dựa vào một thành tố xa lạ đối với đa số người cầm bút, vì từ xa xưa những người hoạt động trên biển đã là những người xa lạ, họ không có những nhà tiên tri của mình, cho nên ảnh hưởng quyết định của họ đối với lịch sử thời đó thường bị người đời bỏ qua. Nếu luận cứ ở trên là đúng thì việc bỏ sức mạnh trên biển ra khỏi danh mục những tác nhân chính lên các sự kiện lịch sử là hoàn toàn vô lý.”
—
Alfred Thayer Mahan
Dịch và giới thiệu Minh Hoàng Phúc / ncs group
(Trích cuốn: “The Influence of Sea Power upon History: 1660-1783” của Alfred Thayer Mahan.)