Người Mông Cổ đã kiểm soát Tannu Uriankhai, bao gồm cả Tuva từ năm 1207 đến 1757, và sau đó vùng chịu sự quản lý của nhà Thanh tại Trung Quốc và được xếp là một phần của Ngoại Mông cho đến khi triều đại này sụp đổ vào năm 1911.
Trong khi diễn ra Khởi nghĩa Vũ Xương năm 1911 tại Trung Quốc, Sa hoàng Nga đã cho hình thành một phong trào ly khai trong cộng đồng người Tuva. Tuva sau đó được độc lập trên danh nghĩa với tên gọi Cộng hòa Urjanchai trước khi nằm dưới quyền bảo hộ của nước Nga với tên gọi Kray Uryankhay dưới quyền cai trị của Sa hoàng Nicolai II vào ngày 17/4/1914. Một thủ phủ của vùng Tuva được lập ra và được mang tên Belotsarsk (nghĩa là, Đô thị của Sa hoàng Trắng). Trong lúc đó, năm 1911, Mông Cổ trở thành một nước độc lập dưới sự bảo hộ của Nga.
Sau Cách mạng Nga năm 1917 kết thúc chế độ phong kiến chuyên quyền, hầu hết lãnh thổ Tuva bị Bạch vệ Nga chiếm đóng từ 5/7/1918 đến 15/7/1919 do Aleksandr Kolchak đứng đầu. Pyotr Ivanovich Turchaninov trở thành kẻ thống trị của khu vực này. Đến mùa thu năm 1918, phần phía tây nam của Tuva bị quân Trung Quốc chiếm đóng còn phần phía nam thì do quân Mông Cổ của Khatanbaatar Magsarjav lãnh đạo chiếm đóng. Từ ngày tháng 7/1919 đến tháng 2/1920, Hồng quân đã kiểm soát Tuva, nhưng quyền kiểm soát lại thuộc về Trung Quốc từ 19/2/1920 đến tháng 6/1921.
Đến ngày 14/8/1921, những người Bolshevik được Nga giúp đỡ đã thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Tuva, người dân địa phương gọi là Tannu-Tuva. Chương đầu tiên của hiến pháp đầu tiên của quốc gia mới sinh đã tuyên bố rằng: trong các vấn đề quốc tế, nhà nước hành động dưới sự bảo trợ của nước Nga Xô Viết.
Vào đầu tháng 2/1922, cuộc họp đầu tiên của Đảng nhân dân cách mạng Tuva (TPRP) đã diễn ra và một chính phủ được thành lập, bắt đầu hoạt động vào ngày 2/3/1922.
Biên giới Liên Xô-Tuvan được xác định vào tháng 1/1923 và các sư đoàn Hồng quân trên lãnh thổ Tuva đã được rút lui theo một thỏa thuận từ năm 1921.
Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 12/10/1923 và trong kỳ đại hội thứ hai, vào ngày 28/9/1924, một hiến pháp mới tuyên bố rằng đất nước sẽ phát triển theo đường lối phi tư bản chủ nghĩa với TPRP là đảng duy nhất và Tuva trở thành một phần của Quốc tế Cộng sản. Vào mùa hè năm 1925, Liên Xô đã khởi xướng Thỏa thuận về thiết lập các mối quan hệ hữu nghị, được hai nước ký kết. Hiệp ước tuyên bố rằng chính phủ Liên Xô không coi Tannu-Tuva là lãnh thổ của mình và không có quan điểm về nó.