Nguyên soái Yumjaagiin Tsedenbal trong hơn ba thập niên (từ năm 1952 tới năm 1974) đã là nhà lãnh đạo quốc gia cao nhất ở Mông Cổ. Và sinh thời, ông đã không chỉ một lần kể đi kể lại câu chuyện về lần đầu tiên gặp gỡ Stalin. Cuộc gặp gỡ này diễn ra vào những năm 40 của thế kỷ trước. Khi ấy, Tsedenbal còn rất trẻ và đã tới gặp Stalin cùng với nhà lãnh đạo tối cao của Mông Cổ lúc đó là Nguyên soái Khorloogiin Choibalsan. Sau chương trình chính thức, hai bên đã cùng ngồi vào ăn tối với thành phần rất hạn chế. Đại diện của phía Mông Cổ chỉ có hai người là Khorloogiin Choibalsan và Yumjaagiin Tsedenbal, còn về phía Liên Xô cũng chỉ có ba người là Stalin, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (tương đương với Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vyacheslav Molotov và Bộ trưởng An ninh Lavrenti Beria.
Vừa vào tiệc, lãnh tụ Stalin đã nói ngay: Về đồng chí Khorloogiin Choibalsan thì chúng tôi biết rõ lắm rồi. Đó là người bạn đã được thử thách của chúng tôi. Còn đồng chí Tsedenbal là một người mới. Nào, chúng ta hãy cùng xem đồng chí ấy “thể hiện” như thế nào. Tôi đề nghị hãy để đồng chí ấy rót rượu cho chúng ta như đồng chí ấy thấy là cần.
Theo lời kể của ông Tsedenbal sau này, trên bàn hôm đó có đủ các loại rượu: từ cognac tới rượu vang và vodka… Và nhiều cái ly kích cỡ khác nhau. Sau vài giây suy nghĩ, Tsedenbal chọn loại cognac Gruzia (quê hương Stalin là Gruzia) và 5 cái ly to nhất bàn rồi rót đầy các ly và đưa lên mời mọi người. Stalin khen: Giỏi lắm! Đồng chí Tsedenbal đúng là một người bạn chân chính trung thành của chúng ta. Này, anh Lavrenti, nhớ đừng động đến anh ấy nhé!. Và quả thực sau này, cũng theo lời Nguyên soái Mông Cổ, ông không bao giờ gặp phải vấn đề gì rắc rối với người lãnh đạo ngành an ninh Beria.
Sau cuộc gặp trên ba mươi năm có lẻ, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô Molotov hồi tưởng: Tôi vẫn nhớ ông Choibalsan. Một người không quá học rộng nhưng rất trung thành với Liên bang Xôviết. Sau khi ông ấy mất cần phải tìm người lên thay thế. Một số đồng chí đề cử ông Damba. Tôi đã biết ông Damba ấy nên tôi đã quyết định đưa ông Tsedenbal lên. Ông ấy đối xử với chúng ta rất tốt. Có lẽ khi nghĩ như thế, ông Molotov vẫn nhớ lần đầu tiên cùng ông Tsedenbal uống rượu với Stalin…
Ông Molotov nhận xét: Ông Tsedenbal từng du học ở Trường Tài chính Yrtkutsk và tại đó đã lấy một cô gái Nga làm vợ. Ông ấy ở nhà có cả một thư viện. Ông ấy cũng thích uống rượu. Uống khá khỏe. Không mấy ai hơn. Khi gặp Stalin lần đầu, ông Tsedenbal mới chỉ ngoài 20 tuổi. Nhưng ngay khi đó ông đã là Tổng Bí thư BCH TW Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ.
Trong ngoại giao, tửu lượng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các giao tiếp. Ngoại trưởng Anh Ernst Bevin (1881-1951) tháng 9/1945 đã nhận lời mời của ông Molotov tới dự tiệc tại đại sứ quán Liên Xô ở London. Và thế là ông đã phải chịu một trận rượu nhớ đời. Về sau, ông Molotov kể lại: Người Nga chúng ta thường rất niềm nở với khách. Và các cán bộ của ta đã quá cố gắng để khách uống hết mình. Và thế là khi tôi tiễn ông Bevin ra cửa đại sứ quán, – lúc đó ông ấy đi cùng vợ, một quý bà cực kỳ nghiêm trang, – thì bà ấy ngồi vào xe trước, còn ông ấy chui vào sau. Và khi ông ấy vừa chui vào thì ngay lập tức đã nôn hết ra váy của vợ mình… Ôi, một quý ông, một nhà ngoại giao mà lại không lường trước được năng lực của mình!.
Vào tháng 4/1941, khi vấn đề tham chiến hay không tham chiến của Nhật Bản chống lại Moskva đang rất gay gắt. Để thương nghị với người Nga, Tokyo đã cử Ngoại trưởng Yosuke Matsuoka tới thủ đô Liên bang Xôviết. Và dĩ nhiên là Điện Kremli không thể để cho ông này tỉnh táo mà rời Moskva được. Ông Molotov (lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Nga) tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước đã thích thú nhớ lại: Những cuộc thương lượng với Ngoại trưởng Yosuke Matsuoka đã có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.